Đạo
Cao đài có một số ngày Đại lễ trong năm, như ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch lễ
vía Đức Chí Tôn, ngày 15 tháng 8 âm lịch lễ vía Diêu Trì Kim Mẫu, ngày 15 tháng
10 âm lịch lễ kỷ niệm khai đạo… Hàng ngày có 04 thời lễ vào các giờ Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Xin
giới thiệu vài nét về cách chấp tay và lạy của Đạo Cao đài:
I - Ý nghĩa Ấn Tý và cách chắp tay khi hành lễ:
1. Ấn Tý là gì: Ấn
là dấu hiệu đặc biệt về mặt Đạo có tác dụng huyền bí do hai bàn tay kết lại tạo
ra. Tý là chi đầu tiên trong Thập nhị Địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão,
Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu...
Trên bàn tay trái, vị trí của Tý
ở chân ngón gần ngón Út, Sửu ở chân ngón Giữa và Dần ở chân ngón Trỏ.
Ấn Tý là dấu ấn mà ngón tay cái
của bàn tay trái co lại chỉ vào chi Tý rồi nắm lại, bàn tay phải ốp bên ngoài
mà ngón cái chỉ vào chi Dần của bàn tay trái.
2. Cách bắt Ấn Tý:
Cách bắt Ấn Tý nói về sự tạo
thành Trời Đất và Nhân loại, theo quan niệm của người xưa ở Đông Phương: Thời
gian tạo thành càn khôn vũ trụ và vạn vật được chia làm 12 khoảng, mỗi khoảng
thời gian được gọi là Hội và đặt tên theo Thập nhị Địa chi: Hội Tý là Hội đầu
tiên, tiếp đến là Hội Sửu, sau đó là Hội Dần....
3. Ý nghĩa chấp tay Ấn Tý: Trong
hai bàn tay, bàn tay Trái là Dương, bàn tay Phải là Âm, ngôi Trời ở tại Ngôi
Dương, khi chấp tay thì đầu ngón Cái (tay Trái) ấn vào chân ngón tay gần
ngón Út và các ngón còn lại co chặt lại đè lên ngón cái, ý nghĩa là giữ
vững ngôi Trời, nên khi chấp tay bàn tay Phải ốp bên ngoài bàn tay
Trái và hướng về ngôi Trời. Bàn tay phải là Âm (nhất Âm, nhất Dương) khi đầu
ngón cái của bàn tay Phải đặt ngay vào gốc ngón trỏ bàn tay Trái (Cung
Dần) nơi đó tượng trưng cho Người, có ý nghĩa là âm dương cùng nhau điều hòa
vững bền trở về với Đạo nhập vào Ngôi Trời làm Bản Thể.
1. Cách Lạy: Lạy là bày tỏ sự tôn
kính trong lòng, Lạy Đức Chí Tôn 12 lạy; Phật, Tiên, Thánh, Thần 9 lạy;
khi cúng 3 lạy.
Khi chấp hai tay bắt Ấn Tý, giống
như trái cây có hạt bên trong (gọi là kết quả), qùi xuống, cúi đầu và mở hai
bàn tay ra đặt úp lên mặt đất, hai ngón tay cái gác tréo nhau (hình khi Lạy),
giống như chúng ta gieo hạt giống xuống đất, trán cúi xuống chạm nhẹ lên mô bàn
tay, rồi cất người lên.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển đã
giải thích việc lạy Thượng đế 12 lạy: "con số 12 là con số riêng của
Thầy" Thầy là Đấng quyền năng làm chủ tất cả Tam Thập Lục Thiên, Tam thiên
thế giới, muôn loài vạn vật cũng bao gồm trong số 12, các môn đồ đầu tiên của
nền Đại đạo cũng mang số 12, thậm chí đến cách phân định năm, tháng, ngày giờ
cũng mang số 12; nên ta ngầm hiểu với nhau rằng con số 12 là con số "Quyền
năng tối thượng" hễ nói đến số 12 là nói đến Thượng đế. Cho nên người tín
đồ Cao đài mỗi khi cúng phải lạy đủ 12 lạy, nghĩa là khuất phục dưới quyền năng
của Thượng đế để học hỏi và mong được Đấng quyền năng phán truyền; Tuy vậy mỗi
khi lạy Thượng đế thường chỉ có lạy 3 lạy x 4 gật (mỗi lạy); vì lòng từ bi của
Thầy nên Thầy giảm cho cứ mỗi gật được thay cho một lạy. Như vậy chúng ta lạy
Thầy chỉ có 3 lạy x 4 gật tức là ta đã lạy 12 lạy.
2. Cách xá:
Khi đứng xá, hai tay bắt Ấn Tý,
đưa lên trán, ý nghĩa là kính Thiên (Trời), xá sâu xuống, ý nghĩa là kính Địa
(Đất), rồi rút Ấn Tý lên đặt ở ngực, ý nghĩa là kính Nhơn (Người). Xá như vậy
nhắc chúng ta kính Tam Tài: Thiên, Địa, Nhơn.
(Chỉ xá trước khi lạy và sau khi
lạy xong, phải xá sâu xuống, lưu ý là giữa hai lạy, không có xá nhỏ xen vào).
3. Cách lạy Đức Chí Tôn:
- Đứng thẳng người, mặt hướng vào
Thiên bàn, tay bắt Ấn Tý, xá sâu 3 xá, quì xuống (chân trái bước tới, chân phải
quì xuống, chân trái quì theo), đặt ấn Tý trước ngực.
- Lấy dấu Phật Pháp Tăng:
+ Đưa ấn Tý lên giữa trán niệm:
Nam mô Phật.
+ Đưa qua màng tang trái, niệm:
Nam mô Pháp.
+ Đưa qua màng tang phải, niệm:
Nam mô Tăng.
(Khi đưa ấn Tý qua Pháp hay qua
Tăng, cần giữ cái đầu luôn luôn thẳng đứng)
- Đưa ấn Tý xuống đặt giữa ngực,
cúi đầu và niệm:
+ Nam mô Cao đài Tiên Ông Đại Bồ
Tát Ma Ha Tát.
+ Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha
Tát.
+ Nam mô Lý Đại Tiên Trưởng kiêm
Giáo Tông Đại đạo Tam Kỳ Phổ độ.
+ Nam mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan
Thánh Đế Quân.
+ Nam mô chư Phật chư Tiên chư
Thánh chư Thần.
- Đưa ấn Tý lên giữa trán cầu
nguyện Đức Chí Tôn.
- Lạy xuống lần thứ nhứt, nhớ hai
bàn tay mở ra úp xuống, hai ngón cái gác tréo nhau (hình khi Lạy), đầu gật
xuống: gật thứ nhất niệm: Nam mô Cao đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và gật
lần 2, 3, 4 cũng niệm như gật thứ nhất.
Khi xong cất mình lên, vẫn
quì.
- Lạy xuống lần thứ nhì, lần lượt
gật 4 gật, mỗi gật cũng niệm câu Nam mô Cao đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
- Lạy xuống lần thứ ba, làm như
lần lạy thứ nhì.
Như vậy, có 3 lần lạy (tức là lạy
3 lạy), mỗi lạy gật đầu 4 gật, mỗi gật niệm Nam mô Cao đài Tiên Ông Đại Bồ Tát
Ma Ha Tát (câu niệm đó gọi là câu Chú của Thầy), tổng cộng lạy 3 lạy, 12 gật,
12 lần niệm.
Lạy xong, đứng dậy, xá sâu
xuống 3 xá.
Nếu nơi thánh thất thì có
bàn thờ Đức Hộ Pháp, phải quay lại, xá chữ Khí 1 xá.
4. Cách lạy Đức Phật Mẫu:
Khi đến điện thờ Phật Mẫu, đi vào
chánh điện, đứng thẳng người hướng vào bàn thờ Đức Phật Mẫu, tay bắt ấn Tý, xá
sâu 3 xá vừa cúi đầu, rồi quì xuống.
- Đưa ấn Tý lên trán, xá sâu
xuống một xá, vừa xá vừa niệm: Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
- Rút ấn Tý đặt lên ngực, rồi đưa
lên trán, xá sâu xuống lần thứ hai, vừa xá vừa niệm: Nam mô Cửu vị Tiên Nương.
- Xá sâu xuống lần thứ ba, vừa xá
vừa niệm: Nam mô Bạch Vân Động chư Thánh.
- Đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện
với Đức Phật Mẫu. Lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm: Nam mô Diêu Trì
Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
Như vậy, lạy 3 lạy, 9 gật, 9 lần
niệm danh hiệu của Đức Phật Mẫu.
5. Cách lạy Tiên, Phật:
Trước khi lạy, vào đứng,
bắt ấn Tý, xá 3 xá, rồi quì xuống, nếu có cầu nguyện thì đưa ấn Tý lên trán cầu
nguyện, xong lạy xuống 3 lạy, mỗi lạy gật 3 gật, mỗi gật niệm danh hiệu của
Đấng ấy.
6. Cách lạy Thần, Thánh, Cửu
Huyền Thất Tổ:
Trước khi lạy, vào đứng,
bắt ấn Tý, xá 3 xá, rồi quì xuống, nếu có cầu nguyện thì đưa ấn Tý lên trán cầu
nguyện, xong lạy xuống 3 lạy (không gật), mỗi lạy niệm danh hiệu của Đấng ấy.
7. Cách lạy Vong phàm:
Vong phàm là vong linh của
người phàm tục, người phàm tục là người chưa giác ngộ đạo, chưa có tín ngưỡng
Trời Phật hay tôn giáo.
Lạy Vong phàm gồm 4 lạy: 2
lạy quì và 2 lạy đứng như sau:
Trước khi lạy, vào đứng,
hai tay bắt ấn Tý, xá 3 xá.
Quì xuống, nếu có cầu nguyện thì
đưa ấn Tý lên trán cầu nguyện, xong lạy xuống 2 lạy (không gật).
Hai lạy quì ý nghĩa là 1
lạy kính Thiên và 1 lạy kính Địa.
Khi xong đứng lên, tay vẫn
bắt ấn Tý, cúi mình lạy xuống theo lối phủ phục, chống đầu gối đứng dậy, rồi
lạy xuống như vậy một lần nữa. Đó là 2 lạy đứng dành cho phần Người, ý nghĩa là
1 lạy Âm và 1 lạy Dương, sau đó xá 1 xá.
8. Cách lạy chức sắc, chức việc,
dạo hữu đã qui liễu:
Cách lạy tùy theo phẩm vị
chức sắc ấy đối phẩm với hàng nào trong Cửu phẩm Thần Tiên.
a. Chức sắc đối phẩm Phật
vị và Tiên vị (gồm Đức Giáo Tông, Đức Chưởng Pháp, Nam Đầu Sư, Nữ Đầu Sư, Đức
Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh, Thập nhị Thời Quân).
Lạy theo cách lạy Tiên,
Phật, nghĩa là 3 lạy 9 gật, mỗi gật niệm danh của chức sắc ấy.
b. Chức sắc đối phẩm Thánh vị:
Đối phẩm hàng Thánh vị gồm
các phẩm chức sắc (Cửu Trùng đài từ hàng Giáo hữu đến phẩm Chánh Phối Sư; Hiệp
Thiên đài từ Truyền Trạng đến phẩm Tiếp Dẫn đạo Nhơn…)
Cách lạy giống như lạy
Thánh, nghĩa là 3 lạy (không gật), mỗi lạy niệm phẩm vị và Thánh danh của người
ấy, nếu không có Thánh danh thì niệm Thế danh.
c. Lễ sanh, chức việc Bàn Trị sự
và đạo hữu:
- Lễ sanh và các phẩm chức sắc
tương đương được đối phẩm Thiên Thần, nên khi qui liễu, được lạy theo hàng Thần
vị, nghĩa là 3 lạy (không gật).
- Chức việc Bàn Trị sự gồm: Chánh
Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự làm tròn nhiệm vụ thì được đối phẩm Nhơn thần; đạo
hữu giữ tròn bổn phận và ăn đủ 10 ngày chay mỗi tháng được đối phẩm Địa thần;
các phẩm này và các phẩm tương đương khi qui liễu thì được lạy theo hàng Thần
vị: 3 lạy (không gật).
9. Lạy người sống:
Khi con cháu lạy cha mẹ hoặc ông
bà còn sống, hay trò lạy thầy còn sống, thì đứng hướng vào vị đó, chấp hai tay
ấn Tý, xá 1 xá, rồi lạy 2 lạy đứng theo lối phủ phục, lạy xong xá 1 xá./.
Viện Sử Cao Đài - Ban Thế Đạo Hải
Ngoại.
Về lại nhà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét