HIỆP THIÊN ĐÀI
V/P: THƯỢNG SANH
Số : 121 / TS
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Kính Gởi: Hiền Huynh HIẾN
PHÁP CHƯỞNG QUẢN BỘ PHÁP CHÁNH
Tham chiếu: Quý Thánh Thơ
số 15/ DS ngày 12-6-1970
Kính Hiền Huynh,
Theo đề nghị của Hiền
Huynh tôi chấp nhận cho Ban Đạo Sử xuất bản để phổ biến những bài Thuyết Đạo
tại Tòa Thánh của ĐỨC HỘ PHÁP từ năm 1946 đến năm 1955.
Những bài giảng được chọn
để ấn hành phải có sự kiểm duyệt của Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách.
Nay Kính
Tòa Thánh, ngày 14
tháng 5 Canh Tuất
( dl 17-6-1970 )
THƯỢNG SANH
( ấn ký )
LỜI TỰA
Những bài
Thuyết–Đạo trong quyển sách này là lời vàng ngọc của Đức HỘ-PHÁP, một vị
Giáo-Chủ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, một
bậc Vĩ-Nhân của thế hệ; nên một Ủy-Ban sưu tầm và biên tập thành lập có Đức THƯỢNG-SANH
chấp thuận, để xúc tiến việc sưu tầm biên tập và ấn hành các bài Thuyết-Đạo ấy.
Nay cuộc sưu tầm và biên tập đã có kết quả mỹ mãn, nên Ủy-Ban đem ra ấn hành
cho toàn đạo được lãnh hội lời vàng ngọc nói trên.
Trong Ban Đạo-Sử của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ
đã có sẵn một thư viện tàng trữ các loại
kinh sách cổ kim đông tây cho các nhà khảo cứu và toàn Đạo có thêm tài liệu,
những quyển "Lời Thuyết Đạo"
của Đức HỘ-PHÁP sẽ lưu trữ vào Thư-Viện
nầy để chư độc giả đến xem.
Đức HỘ-PHÁP là một trong
các vị tiền bối khai sáng nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, đã thực hiện trước hết chủ
thuyết Tam-Lập: “Lập Đức, Lập Công, Lập
Ngôn”.
Về lập đức: thì Đức Ngài
là người đầu tiên đã nghe theo tiếng gọi Thiêng-Liêng mà khai sáng mối Đạo cho
toàn sanh chúng được chung hưởng hồng ân của ĐỨC-CHÍ-TÔN (NGỌC-- HOÀNG –THƯỢNG-
ĐẾ ).
Về lập công : thì Đức Ngài
vừa lập đức vừa lập công trong việc khai sáng. Từ cái không làm ra cái có, bắt
gió nắn hình tạo thành một đại nghiệp Đạo ở cõi thế nầy. Nếu Ngài không phải là
một Đại-Đức thì làmsao thành công được ?!
Về lập ngôn: thì Đức Ngài
lưu lại lời vàng tiếng ngọc trong các bài Thuyết-Đạo mà chúng ta đang thưởng
thức và còn nhiều lời giáo huấn cao siêu khác nữa mà chư quý độc giả và toàn
Đạo nên lưu ý .
Nhơn danh Hiến-Pháp
Hiệp-Thiên-Đài kiêm Trưởng Ban Đạo Sử, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý
độc giả bốn phương quyển sách quý giá này đáng được lưu niệm mãi mãi.
Trân trọng kính
chào.
Hiến-Pháp TRƯƠNG
HỮU ĐỨC.
LỜI TRẦN THUYẾT
Mỗi lần ly loạn là mỗi lần
thư tịch bị làm mồi cho binh lửa. Nhìn vào lịch sử: những vụ “Phần-Thư”, những vụ chiếm đọat thư tịch
đã xảy ra như một hệ luận trước những biến cố. Tình trạng này đã kéo dài qua
các thời đại, ấy là biện pháp của những kẻ mạnh nhắm vào mục đích thực hiện
chính sách ngu dân và đồng hóa triệt để.
Những kinh nghiệm đau thương ấy là nguyên nhân
thúc đẩy chúng tôi cố gắng thực hiện công việc sưu tập những tài liệu này.
Chúng tôi nghĩ rằng: “Nếu tài liệu kinh sách chỉ được tập trung
tàng trữ vào một chỗ, tránh sao cho khỏi bị hủy diệt khi kẻ cường quyền đến
cướp phá”. Do đó chúng tôi quyết định quay ra nhiều bản để gởi đến, và ký thác vào những tâm hồn
trung kiên với Đạo, những người dám chết để bảo tồn những tiếng nói của Đấng thay
Trời dạy Đạo.
Nếu một may thay thời cuộc
lại biến thiên, có thể các cuộc phần
thư lại tái diễn, thì thiết tưởng trong
số tài liệu này vẫn còn có nhiều người
nhiệt tâm gìn giữ được vẹn toàn. Đây không phải là việc làm của một cá nhân hay
một đoàn thể, nhưng là sự đóng góp chung của những người vô danh nguyện đem hết
năng lực của mình để phụng sự cho lý tưởng bảo tồn truyền thống giáo lý của
Đạo. Trong khi quyển tài liệu này đến tay Qúi vị thì cũng đã có người vì qúa
hăng say trong công việc thực hiện lý tưởng mà đã phải ngã gục vì kiệt sức.
Việc làm của chúng tôi
không phải là một ý nghĩ nông nổi của một sớm một chiều, nhưng là một hòai bảo
trong suốt thời gian ly loạn. Chúng tôi hằng cầu nguyện ĐỨC CHÍ TÔN và PHẬT MẪU
ban bố phước lành sớm gặp dịp may để thực hiện hoài bảo ấy.
Ngày nay chân trời đã rạng tỏ, ý nguyện đã đắc thành
Chúng tôi xin hiến dâng
trọn vẹn cho Hội Thánh tất cả những tài liệu mà chúng tôi đã ghi chép, góp nhặt
sau bao nhiêu năm theo đuổi mục đích bảo tồn những lời vàng tiếng ngọc của Đức
HỘ PHÁP.
Từ đây bản quyền sẽ tùy
thuộc hoàn toàn vào Hội Thánh. Kính xin hội Thánh cho kiểm duyệt và ấn hành, để
cho mọi người đều được nghe lời dạy dỗ đầy yêu ái của Đức HỘ PHÁP đã dành cho
chúng ta trong thời gian Đức Ngài còn
tại thế.
Tòa Thánh, ngày 28
tháng 8 năm Bính-Ngọ (dl 12-1-1966)
BAN TỐC KÝ
LỜI CHÚ CỦA NGƯỜI
SOẠN
Kính thưa: Chư Huynh, Tỷ,
Muội cùng các bạn đồng môn.
ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
lúc còn sanh tiền Ngài đã để lại nhiều lời vàng tiếng ngọc dạy dỗ chúng sanh
qua các buổi thuyết Đạo.
Nay kẻ hậu sinh được may
duyên học Đạo với Đấng Thiên Tôn qua các bài Thuyết Đạo từ quyển I đến quyển VI
( từ năm 1946 đến năm 1955 do Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây
Ninh ấn hành ), trong những bài giảng nầy, Đức Ngài đã giáo hóa rất nhiều chủ
đề về Đấng Thượng Đế, Tôn Giáo, Nhân Loại ... theo dòng thời gian của từng thời
kỳ lịch sử.
Với lòng tôn kính Đức Tôn
Sư, con xin được sắp xếp các bài giảng theo từng chủ đề để con và các bạn đồng
môn dễ dàng sưu khảo trên đường tu học.
Thành kính cầu nguyện Đức
Tôn Sư luôn luôn dẫn dắt chúng con trên đường phụng sự.
Kỉnh bút
1. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 29 tháng 3 năm Nhâm Thìn - (dl 23.4. 1952 )
Khai nguơn và chuyển thế.
Ðêm nay Bần Ðạo giảng về
Khai Nguơn và Chuyển Thế. Từ khi Ðức Chí Tôn đến, Ngài dùng hai tiếng ấy, Ngài
nói với con cái của Ngài, mà sự thật ra ngày giờ Ngài đến nghĩa lý trọng yếu
hơn hết cũng chỉ là Khai Nguơn và Chuyển Thế.
Bần Ðạo đã giảng rằng:
Thời kỳ tam chuyển Hạ Nguơn đã mãn, khởi đầu Tứ Chuyển Thượng Nguơn, Bần Ðạo
lại có đoán rằng: Mỗi một chuyển là 61 triệu năm, nếu trong 61 triệu năm chia
ra làm 3 thì mỗi Nguơn Niên nó phải 20.333.333 năm. (hai chục triệu ba trăm ba
mươi ba ngàn, ba trăm ba mươi ba năm).
Tại sao Ngài đến ? Tưởng
nếu không phải Ðức Chí Tôn đến lập giáo thì cái quyền năng Chuyển Thế với Khai
Nguơn ấy chưa có một vị Phật nào đủ quyền làm được. Trọng yếu hơn hết hễ Khai
Nguơn Chuyển Thế tức nhiên phải có tạo Tân Dân, hết thảy đều nghe ở trong Ðại
Học nói hai tiếng Tân Dân ấy, tưởng đâu dễ dàng lắm, mà nó là một điều mắc mỏ
hơn hết. Nếu chúng ta mở Ðạo Sử ra mà xem, trong các nền tôn giáo đã lưu lại,
về bên nhà Phật của chúng ta thì ta thấy từ tạo Thiên lập Ðịa dĩ chí tới ngày
có loài người chia ra không biết mấy lần Tân Dân.
Tưởng khi hồi lúc ban sơ
ấy Ðức Chí Tôn đến đặng tạo nhơn hình của chúng ta ra, hồi buổi đó thi phàm xác
tục của ta vẫn đơn sơ, nó là con vật, nên hồi Tân Dân buổi đó là một hạng dã
nhơn, hạng dã nhơn mà ta đã thấy, giờ phút nầy chúng ta thấy nòi giống đó còn
tồn tại là bọn người Mường, Mán, Mọi ở trên núi đó, chúng ta thấy họ còn lạc
hậu giống như dã nhơn nhưng rồi họ còn tiến triển lên nữa, giờ phút nầy họ tiến
triển lên đã khá lắm rồi, không còn dã man như buổi ban sơ kia vậy.
Kế tiếp hạng dã nhơn,
người Pháp dịch là L’emuriens (Hắc Chủng) tức là nước Ấn Ðộ bây giờ, chúng ta
đã thấy nó có điều hay hơn hết là vị Manou, Hắc Chủng ban sơ đến tạo dựng sắc
dân ấy là Ðức Brama, Ngài chẳng phải đến tạo dựng Hắc Chủng mà thôi, mà chính
mình Ngài đến, Ðức Chí Tôn đã tái kiếp làm Brama đặng giáo Ðạo cho loài người.
Từ buổi ấy các sắc dân Hắc
Chủng tiến triển lên nữa, chúng ta thấy có giống dân màu da xám xám cũng như
thứ dân Cachemire đó vậy ( Ấn Ðộ ). Sắc dân đó da của họ có hơi trắng trắng rồi
đó, tiến triển lên nữa. Lần nầy thì Ðức Civa đến cùng Ngài, họ càng tiến triển
lần lên. Họ làm như giống dân gọi là Thánh nhơn đó, nước da của họ xanh, hễ
nước da xanh đến thì Ðức Christna Vishnou đến. Chúng ta thấy sắc dân ấy, họ
hạnh phúc biết bao, bởi chính nhờ cái tiến triển của họ ba bực, thì Ðức Chí Tôn
đến với ba danh hiệu khác nhau, vì thế giờ phút nầy chúng ta thấy sắc dân Ấn Ðộ
vẫn còn giữ đạo đức về Phật Giáo của họ một cách bền vững chắc chắn và Bần Ðạo
đứng tại tòa giảng nầy mà nói rằng : Nếu có sắc dân nào có phương pháp bảo thủ
loài người thật vững chắc, Bần Ðạo dám quả quyếr rằng : Duy chỉ có dân Ấn Ðộ mà
thôi.
Kế tiếp nữa, kế dân Thánh
nhơn ấy thì ta lại thấy Tân Dân Xích Nhân, tức nhiên sắc dân Atlantéen, cái sắc
dân Xích Nhân ấy, chúng ta còn thấy lưu tích lại là nước Egypte và tất cả các
sắc dân ở bên thế giới mới cả toàn cầu kêu họ là Peau Rouge, sắc dân da đỏ,
người ta lầm tưởng rằng dân đó giống như dân Ấn Ðộ. Dân Xích Chủng vì nước da
họ đỏ tương tợ như người Ấn nên họ kêu là Indien. Sắc dân Xích Chủng là sắc dân
Atlantéen, sắc dân Atlantéen họ làm chúa nhơn loại một thời.
Bần Ðạo nói rằng họ đã
thâu được một nền văn minh quá cao siêu, quá huyền bí nhưng lại có một điều họ
đã lãnh sứ mạng nơi Ðức Chí Tôn làm đàn anh dìu dắt các chủng tộc lạc hậu hay
là tạo dựng hạnh phúc cho các sắc dân lạc hậu, họ không làm. Trái ngược lại họ
dùng cái cường lực, dùng văn minh cao trọng của họ đó, họ lệ thuộc các sắc dân
lạc hậu, họ buộc các sắc dân lạc hậu ấy làm nô lệ cho họ. Vì cớ cho nên họ đã
bị biếm, đã chẳng phải bị biếm mà thôi, mà còn bị Thiên Ðiều tiêu diệt cả quốc
thể của họ, tức nhiên toàn thể sắc dân Atlantéen đã bị Hồng Thủy Trận kêu là "Le Déluge" tiêu diệt cả địa
giới của họ, hoàng triều của họ thành ra cái biển Ðại Tây Dương kêu là Ocean
Atlantique bây giờ.
Qua sắc dân Xích Chủng ấy,
tới sắc dân Huỳnh Chủng là sắc dân chúng ta đang ở trong nòi giống ấy, trong
Ðạo Sử gọi là 'Touranien.' Huỳnh Chủng cũng vậy, cũng lãnh sứ mạng dìu dắt các
sắc dân lạc hậu nên họ mới khôn ngoan, bởi chính mình họ là sắc dân đến bảo tồn
trí thức tinh thần nhơn loại, làm anh dìu dắt đàn em, tức nhiên làm môi giới
đặng giáo hóa nhơn loại, họ không làm, cũng tấn tuồng cũ ấy, cũng như dân Xích
Chủng kia vậy, cũng lệ thuộc các sắc dân lạc hậu, cũng giết chóc, cũng dùng
cường lực đặng tiêu diệt các sắc dân lạc hậu, làm chúa hay làm bá chủ của nhơn
loại. Vì cớ cho nên họ đã bị Thiên Ðiều.
Hại thay buổi ấy cái văn
minh đã đạt đến một mức cao trọng, trận giặc cuối cùng làm cho họ tiêu diệt là
Phong Thần Bảng đạt đến mức văn minh tối yếu, tối trọng đến Phọng Thần Bảng là
cùng. Rồi do nơi họ, do nòi Huỳnh Chủng mới sản xuất ra Bạch Chủng gọi là
Aryens. Bạch Chủng giờ phút nầy đang làm chúa thiên hạ vì văn minh của họ đến
mức cao thượng, cũng như các chủng tộc kia vậy, đã đạt đến một nền văn minh
khoa học tối yếu, tối trọng, huyền vi vô biên. Chúng ta giở lịch sử ra xem nhận
thấy nhơn loại đã tạo từ trước, họ đã đạt được giống tương tợ nhau không xa
không gần, bất quá đổi thay chút đỉnh, nhưng mà cũng trong một khuôn khổ mà
thôi.
Hại thay cũng vậy nữa,
cũng ỷ tài lực mạnh mẽ nương nơi cái quyền lực khoa học ấy mà lệ thuộc nhơn
loại trên mặt địa cầu nầy. Họ cũng bị Thiên Ðiều và đang bị Thiên Ðiều đấy, mà
hễ sắc dân ấy tiêu diệt phải có sắc dân mới, tức nhiên sắc dân Thần Thông Nhơn,
sắc dân mà Ðức Chí Tôn nói rằng :
"Chừng nào đất dậy Trời thay xác,
Chư Phật, Thánh, Tiên xuống ở trần."
Lẫn lộn mình với hình thể
của các Ðấng kia, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến thế nầy, vậy Ðức Chí Tôn đến
thế nầy. Ðức Chí Tôn đến tạo Tân Dân kỳ nầy, cốt yếu tạo hình thể cho các sắc
dân mới. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến cùng ta, đến đặng tạo dựng nơi mặt địa
cầu nầy, đến đặng tạo dựng tinh thần và hình thể nhơn loại trở lại như Thánh Ý
của Ðức Chí Tôn đã định.
Vì cớ cho nên chính mình
Ngài đến đặng Khai Nguơn và chính mình Ngài đến đặng tạo Tân Dân ấy, không phải
quyền năng của Ngài thì không có vị Phật nào làm đặng. Vì cớ cho nên Ðức Chí
Tôn đến cùng ta là lẽ ấy. (Thuyết Ðạo QV / tr25)
* * *
2. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 24 tháng chạp năm Ðinh Hợi (1948 ).
Lễ Ðưa Chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật Triều Thiên.
Luật Thiên Ðiều trị thế.
Thỏn mỏn mà ngày nay là
ngày 23 tháng chạp năm Ðinh Hợi, đây tính lại từ ngày Bần Ðạo về nước đến nay
được 17 tháng, được ăn hai cái Tết của quê hương sau 5 năm bị đồ lưu nơi hải
ngoại.
Bần Ðạo đã thấy toàn Thánh
Thể của Ðức Chí Tôn nam nữ cũng thế, từ nhỏ tới lớn đã trụ cả đức tin, làm cho
Thánh Thể Ðức Chí Tôn ngày càng thêm đẹp đẽ. Riêng về Bần Ðạo để lời nói cùng
toàn cả chức sắc Thiên Phong, Bần Ðạo xin để lời cám ơn các cơ quan đương nhiên
trong nền Chánh Trị Ðạo, đã giúp hay cho Ðạo trong thời gian ngắn ngủi, đã phục
hồi được cái khuôn khổ chơn truyền. Tưởng thật ra từ 17 tháng nay, Hội Thánh
làm việc nhiều lắm, cả con cái của Chí Tôn hao biết bao nhiêu tâm não, thi hài
để tô điểm nền chơn giáo Chí Tôn thêm cao trọng, Bần Ðạo xin cúi đầu để lời cám
ơn toàn cả con cái Ðức Chí Tôn.
Luôn dịp Bần Ðạo cầu chúc
tân niên nầy, cả con cái của Chí Tôn nam nữ, Thánh Thể của Người được tráng
kiện tinh thần và hình thể, hưởng được hạnh phúc đặc biệt của Chí Tôn chan rưới
và lướt qua hồi khảo đảo truân chuyên, có lẽ buổi hạnh phúc an ninh của cả quốc
dân chỉ sẽ đến trong chốc lát đây mà thôi, vì dân tộc Việt Nam phải còn truân
chuyên nhiều nữa.
Bảy ngày nghỉ cúng, chúng
ta thành tâm cầu nguyện Chí Tôn cùng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Bần Ðạo quả quyết
trong năm nầy, nếu như tinh thần Bần Ðạo không lầm thì nòi giống Việt Nam chúng
ta sẽ được đặc ân là độc lập tự do cho tổ quốc, độc lập trên pháp lý quốc tế đó
vậy. Nhưng muốn cho thực hiện được thực tế, có lẽ cuộc tranh đấu của dân tộc
Việt Nam còn dài.
Luôn dịp Bần Ðạo giải
nghĩa tại sao phong tục nhà Nam gọi theo Ðạo Phật là đưa Ông Táo về Trời, chớ
thật sự là đưa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật về Triều Thiên, tinh thần từ trước
vẫn vậy.
Chơn truyền buổi Ðức Chí
Tôn tạo càn khôn thế giái, Ngài nắm Thập Thiên Can, Thập Nhị Ðịa Chi trong tay,
để định pháp chánh càn khôn vũ trụ. Trong thời buổi định pháp chánh ấn định vào
khoảng từ ngày 23 đến 30 sáng mồng 1 họp tại Ngọc Hư Cung đặng định luật giới
hạn vi diệu cho trái địa cầu, chạy theo khuôn khổ hữu định trong năm cho chí
tân niên là 12 giờ đêm 30 khởi điểm 1 giờ sáng ngày mùng 1 tháng giêng năm sau.
Luật Thiên Ðiều trị thế, trị
nơi địa cầu nầy là hình luật Thiêng Liêng, là ngày giờ nầy nơi Ngọc Hư Cung
kiểm soát định tội phước đó vậy. Càn khôn vũ trụ đều có đại hội lập luật trong
một năm giáp vòng bửu giới. Nếu trái địa cầu nào chưa được êm đềm, luật Thiên
Ðiều thay đổi khác mỗi năm, chiếu theo tấn hóa và tâm lý của nhơn sanh.
Nơi Ngọc Hư Cung định Pháp
Chánh cũng như trong càn khôn vũ trụ là 12 tháng một niên, 12 niên một giáp,
120 năm một thế kỷ ( tất cả đều cho rằng 100 năm là một thế kỷ như vậy không
đúng ) 1.200 là một giáp.
Mỗi phen đáo đến sở hành
ngày giờ ấy, có Hội Giác Tiên là thường tại, từ thử đến giờ chúng ta chưa nghe
nói, vì một ngàn hai trăm năm có một vị Giáo Chủ giáng thế chỉnh Ðạo, bảo thủ
tinh thần đạo đức của loài người. Cứ độ 1.200 năm có xuất hiện một nền tôn giáo
để hóa chuyển thay đời, tính lại địa cầu chúng ta từ buổi phôi thay có vạn linh
nơi mặt thế đến nay được ba chuyển. Nay qua hạ nguơn tam chuyển, khởi đầu
thượng nguơn tứ chuyển chẳng khác gì đêm 30 sáng mùng 1 Tết của chúng ta vậy.
Tới mức giữa không gian
thì nhơn loại tới hồi khổ não đủ điều, người ta nói là tận thế, cái thuyết ấy
không có đâu, nếu chúng ta dùng lời đặng nói chẳng qua là một giáp đó thôi, tức
nhiên là một nền văn minh tôn giáo chớ không phải tận thế. Kiếp số địa cầu nầy
còn vĩnh cửu, chỉ thay đổi hình thể, vạn loại mà thôi, nó vẫn còn tăng tiến
mãi.
Chúng ta đã thấy qua chừng
100 năm trước, văn minh con người không đạt đến mức hiện tượng như bây giờ. Cơ
tiến bộ tinh thần vật chất dữ dội nhứt là trong vòng 50 năm sau. Theo đó mà
tính lại coi trong 500 năm nữa, nhơn loại sẽ ra sao?
Phật Giáo nói : Qua sắc
dân da trắng, tinh thần vi chủ tới sắc dân Thần Thông Nhơn, qua khỏi dân Thần
Thông thì có sắc dân Chí Linh, lúc đó người là Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế.
Như vậy còn hai sắc dân nữa cho 500 năm sau.
Mỗi sắc dân vi chủ một
nguơn niên, kể hai sắc dân nữa chưa xuất hiện, ta cũng kể là 30.000 năm nữa đời
sẽ thay đổi khác hơn. Nhơn vật và địa cầu cứ tăng tiến mãi trên con đường tận
thiện tận mỹ, vật xinh người đẹp, vật bỏ ngu đến khôn, người khôn đến chí linh,
đến ngày cùng chót toàn là Thần, Thánh, Tiên, Phật xuống ở cõi trần nầy. Lời
Chí Tôn tiên tri và quyết định hẳn hòi :
"vChừng nào đất dậy Trời thay xác,
Chư Phật Thánh Tiên xuống ở trần."
Ta lấy lớn suy nhỏ, lấy
nhỏ so lớn, càn khôn tiến triển thế nào ? Bần Ðạo ước mong càn khôn vũ trụ phát
triển cách nào trong mỗi nguơn niên Thánh Thể của Ðức Chí Tôn tăng tiến theo
luật định Thiên Ðiều, phải đi theo y khuôn luật của con đường Chí Tôn định,
tiến triển tới trong năm Khai Nguơn nầy vậy
Bần Ðạo ước mong sự tăng
tiến của Chí Tôn được gia bội, gấp đôi ba bây giờ mà chớ. Muốn đạt vọng ấy, Bần
Ðạo để cả tín nhiệm nơi tâm lý của toàn cả con cái của Chí Tôn. Tưởng cả thảy
đều mơ ước mà làm đặng chăng là nhờ quyền năng vô tận của Ðại Từ Phụ mà thoát
đặng.
Chúng ta hãy cầu nguyện,
để trọn tâm đức chắc chắn nơi Ðức Chí Tôn thì Chí Tôn chẳng hề khi nào hẹp
lượng. Chúng ta quyết định xin mà làm nên cho toàn cả con cái của Người thì
Người cho, chắc hẳn vậy. (Thuyết Ðạo QI / tr 130)
* * *
3. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh, Thời Tý.
.
Mồng 9 tháng giêng năm Mậu Tý. (19-2-1948).
Vía Ðức Chí Tôn
Ðạo là sự sống trong Càn Khôn Võ Trụ
Thưa cùng chư chức
sắc Thiên Phong nam nữ, chư đạo hữu, mấy em mấy con nam nữ. Một cái lễ đầu xuân
là lễ Ðức Chí Tôn. Ngày nay ta tính lại đã trót 23 năm Chí Tôn đến cùng con cái
của Ngài, cái hạnh phúc của nhơn loại may duyên gặp hồi tận độ của Ðức Chí Tôn,
đáng lẽ tinh thần loài người thoạt nghe thoạt thấy, tâm linh buộc phải xu hướng
theo sau bước chân của Chí Tôn. Tại sao ta phải hỏi vì cớ nào đã 23 năm mà nhơn
loại chưa hưởng được hồng ân của Chí Tôn chan rưới nơi mặt thế nầy ?
Bần Ðạo đã thuyết mấy kỳ
trước : Một nền chánh giáo dầu bí pháp, dầu thể pháp phải có thiệt tướng như
thế mới ra một nền Chánh Giáo. Ngày nay là ngày Chí Tôn đến cùng ta, kỷ niệm
nầy bất tiêu bất diệt.
Bần Ðạo đã thuyết vì cớ
nào từ tạo Thiên lập Ðịa đến giờ nhơn lọai vẫn khư khư tầm Ðạo. Chúng ta chán
thấy rằng, nhơn loại trên mặt địa cầu nầy thay đổi nhiều lớp mà nay chúng ta
còn tồn tại đây, theo Chơn Pháp để lại tính ra đến nay là 3 lần 36 ngàn năm.
Thành ra từ mặt địa cầu có nhơn loại đến giờ biết bao nhiêu thay đổi, đáng lẽ
nhơn loại đã quên Chí Tôn mà chớ, sao vẫn nhớ mãi mà thôi, bởi chẳng nhớ Ngài
chẳng đặng. Tại sao không nhớ Ngài không đặng ?
Nhơn loại đang đi tìm,
khao khát cái danh từ, tên tuổi của Ngài. Các dân tộc đang tìm tòi vì biết nhìn
Ngài là người chủ quyền tạo đoan càn khôn thế giới. Ai đã dạy họ, ai chỉ cho
họ, ai buộc họ, mà họ biết chơn lý chỗ nào mà theo, một điều là người nào cũng
vẫn tìm tòi mãi điều ấy mà thôi. Bần Ðạo không nói riêng về loài người, dầu vật
loại vô tri vô giác hay hữu tri hữu giác cũng vẫn tìm Người mãi mãi.
Ta thấy vật vô tri vô giác
như đá, sắt là bất động vật, rõ ràng không âm thinh chỉ có sắc tướng ta thấy
chắc trí giác đã thế nào, Bần Ðạo xin hỏi đá tìm ai, kiếm ai mà cục nầy chồng
chất lên cục kia, leo trên nhau mà thành ra hòn núi ? Ðặng tìm kiếm khối sanh
quang của nó. Vật hữu sanh, chúng ta thấy cây lúa mới cấy nó nằm nghiêng, sau
khi sống nó đứng thẳng đầu lên. Hỏi nó tìm ai ? Tìm Ðấng tạo đoan. Cây trong
rừng hoặc trong vườn bị che khuất còn biết nghiêng mình nảy chồi đâm tược. Hỏi
tìm ai ? Tìm Ðấng tạo đoan. Ấy là vật vô tri vô giác, còn người tại sao bỏ
không đặng, hễ không bỏ Ðấng tạo đoan đặng thì phải tìm tòi mãi gọi là tầm Ðạo.
Ðạo là cơ quan bí mật làm
cho Trời Người hiệp một trong sự sống của càn khôn vũ trụ, nên con người vẫn đi
tìm nguyên do sự sống ấy, xem thế tức là đi tìm Ðạo đó.
Chúng ta buổi mới sanh ra
còn anh hài ( còn nhỏ ) không đủ trí thức xét đoán, chúng ta đã thấy gì ? Thấy
trước mắt vạn vật hữu sanh, đó chẳng qua là những bạn đồng sanh với chúng ta mà
thôi. Khi được năm ba tuổi rồi, cả vạn vật đối với sự sống của ta rất hữu tình
như thế nào, ấy là mức đầu tiên làm cho tinh thần con người tự tỉnh. Quan niệm
của vạn vật đối với con người rất nên mật thiết, dầu vật ấy hung tàn đối với
con người, tình thân ái giao hảo vẫn liên quan mật thiết. Chúng ta thấy cọp,
beo, sấu, hùm, gấu làm cho ta sợ sệt sự hung dữ của nó có thể hại sanh mạng của
ta được, nên mới kiêng sợ như vậy.
Ngoài ra toàn vạn vật đều
có tình hữu ái đối với ta 'Khuyển thủ dạ, kê tư thần, tầm thổ tư, phong nhưỡng
mật.' Ta thấy cả vạn vật ấy đối với ta rất có cảm tình, bởi lẽ đồng sanh, như
đứa con nít thấy con bướm đẹp đẽ thì mê lắm, tìm bắt, đến khi gặp con ong chích
thì sợ sệt, mấy điều ấy làm cho con người tự tỉnh, đi tìm nguyên do của sự sống
ấy, đó là khởi bước đầu sự tầm Ðạo.
Lớn lên chút nữa, biết ái
tình chung trong gia đình hay xã hội, biết thân danh chung. Phận sự của người
giữ Ðạo là giữ sự đồng sống trong khuôn khổ xã hội, tức nhiên tìm mối đồng sanh
của cơ tạo đoan ấy. Thân danh ta đối với xã hội nhơn quần, ta thấy xã hội đối
với ta như thế nào và ta phải đối lại như thế nào ? Thật sự là tìm phương thế
đặng tôn sùng sự sống chung của nhau mà thôi. Vì sự sống của vạn vật, của loài
người sản xuất do Ðấng tạo đoan là Chí Tôn, nên chữ Ðạo nó liên hệ mật thiết
với loài người thế nào thì nó liên hệ mật thiết với Chí Tôn dường ấy, nên Ngài
mới đến đặng thức tỉnh chúng ta biết, hiểu Ngài là chủ của sự sống, đến đem sự
sống lại, trừ diệt cho tiêu tan ác nghiệt.
Ngài đem đến sự sống để
trước mắt nhơn loại, như nhắc nhở họ phải tôn sùng cái sống chung của nhau. Hễ
tôn sùng, tức nhiên phải nhìn Ðấng tạo đoan đã ban cho chúng ta mạng sống, cho
ta nhứt điểm linh quang, mới biết phân biệt hiền với ác, chánh với tà, để làm
biểu hiệu cho con người thức giấc mê, tìm hiểu chơn lý của sự sống như thế nào,
đặng trở lộn lại sống theo tinh thần của Thánh Hiền hay sống theo tánh hung bạo
tàn ác của con vật. Cốt yếu đem cái sống Thánh Hiền ấy là cái sống của Chí Tôn
ban cho, là báu vật để trong mình, vật ấy quí hóa không phải hèn hạ.
Giờ đây Chí Tôn đến mặt
thế nầy, đặng làm cho nhơn loại biết tôn trọng sự sống ấy trong khuôn khổ của
Chí Tôn định, hiệp tâm lý trở lại làm một trong tình thân ái đại đồng. Chơn
Pháp của Chí Tôn đem đến với chúng ta đã 23 năm nay là vậy, nếu chúng ta đã
mang danh thể của Ngài, trước chúng ta chẳng tự mình lập phương pháp làm kiểu
mẫu cho thiên hạ nhìn Ðạo Cao Ðài là chánh giáo, thế nào làm khuôn mẫu cho cả
toàn tâm lý loài người đồ theo thì chúng ta thất hiếu cùng Chí Tôn lắm vậy. (Thuyết
Ðạo QII / tr 29)
* * *
4. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 14 tháng 1 năm Giáp Ngọ (1954)
Khuôn luật tạo đoan
Ðêm nay ngày
rằm tháng giêng. Theo luật pháp của Ðạo Giáo nhất là triết lý của nhà Phật, trước khi lập thành
mối Ðạo, mỗi năm phân ra tam nguơn là : Thượng Nguơn, Trung Nguơn,
Hạ Nguơn. Mỗi nguơn niên, theo ta hiểu biết cái đại nghiệp của càn khôn vũ trụ
với triết lý nhà Phật thì cả tinh thần lẫn vật chất của vạn linh đều thay đổi
mới. Theo triết lý ấy, ngày nay là ngày các chơn hồn đặng quyền Chí Tôn ân xá,
nếu không nói rằng hưởng được một đặc ân tiến hóa hơn nữa.
May duyên cho nòi giống
Lạc Hồng, chúng ta nhờ Ðạo Giáo của tổ phụ lưu truyền, một chơn lý mà người ta
lấy làm ngạc nhiên thấy cả nòi giống dân Việt tình cờ nắm trong tay được một
cách đột ngột, cũng nhờ ơn thiêng liêng của Chí Tôn ( tức nhiên Ðại Từ Phụ )
đem đến sự thật mà tổ phụ ta dành để. Triết lý lập giáo cao siêu của ta, không
ngờ có sẵn, về tín ngưỡng hay về xã hội cũng thế, tinh thần đạo giáo của tổ phụ
ta rất đơn giản nhưng mà rất chơn thật. Bần Ðạo đã có dịp giảng giải cho con
cái Ðức Chí Tôn nghe, cả nòi giống của chúng ta không có điều chi thắc mắc gọi
là cao kỳ, chỉ tin sự thật để định cái tâm hồn của mình. Nay nhờ khoa học, nhờ
chơn lý của trí não tâm hồn của nhơn loại, đương nhiên đã tiến triển đến một
trình độ rất cao, đã hiểu thấu các chơn lý ấy, mà thật vậy tổ phụ ta chỉ thờ
Trời và thờ Ông Bà, rất hiếu hạnh đối với Cửu Huyền Thất Tổ.
Cái Ðạo giáo tinh thần ấy,
sẽ được đem ra làm căn bản cho tâm hồn của nhơn loại trong buổi tương lai kia.
Hiện giờ, cả chúng sanh đang tìm hiểu, vấn đề dấu hỏi mãi, hỏi có Âm Phủ hay
không ? Tội nghiệp thay ! Tiếng âm phủ nó làm cho họ chỉ đeo đuỗi tiềm tàng mãi
mãi mà họ chưa thỏa mãn đặng, vì họ chưa đạt đặng sự chơn thật của tâm hồn nên
muốn kiếm hiểu.
Bần Ðạo thường hay nói cái
khuôn luật tạo đoan thiên nhiên kia vẫn có một, dầu cho nó hữu tướng hay huyền
vi, chỉ có một tình trạng với nhau mà thôi, vì lẽ thiên hạ đã để câu Âm Phủ
Dương Gian mà từ trước tới giờ làm cho kẻ tìm Ðạo rất thắc mắc không thấu đáo
được nghĩa lý của hai lẽ ấy.
Ðức Chí Tôn đến, Ngài dạy
một cách rất đơn giản, Ngài nói: "
Cái cảnh các con đương sống hôm nay, mảnh xác thịt cơ thể các con thấy trước
mắt đó là cảnh hữu hình, còn cảnh một ngày kia các con bỏ thi hài nầy trở về
cảnh Thiêng Liêng thì Ðức Chí Tôn cho nó một cái tên là cảnh Thiêng Liêng Hằng
Sống."
Ngộ nghĩnh thay ! Là nhơn
loại đương buổi nầy, sống đây gọi là sống, không dè nó là cảnh chết. Thấy cảnh
chết kia là vô hình tưởng nó là không có, ai ngờ nó là cảnh tồn tại mãi mãi,
không khi nào tiêu diệt. Cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống của Ðức Chí Tôn lập sẵn mà
Ngài gọi nơi ấy, Ngài đã đào tạo dành để cho mỗi đứa con của Ngài một cái gia
nghiệp thiêng liêng, Ngài đã nói : Cái gia nghiệp ấy mỗi đứa con của Ngài đã có
sẵn, kỳ dư những đứa con nào chê bỏ thì chính mình Ngài mới có quyền cho kẻ
khác.
Bần Ðạo giải nghĩa cảnh
thiêng liêng hằng sống ở mặt thế gian nầy, chúng ta đã thấy cả khuôn khổ của xã
hội sẵn có, lành có, dữ có, hư có, đủ mọi lẽ, đương nhiên giờ phút nầy xã hội
đã biến thiên, kẻ dữ bị trừng trị, phạt răn đặng chừa lỗi. Tức nhiên kẻ nên có
địa vị quan viên, kẻ giỏi trí não cao kỳ, dìu đỡ chúng sanh tạo ra các cơ thể
của xã hội nhơn quần giúp sống cho nhơn loại.
Mỗi hành vi đều có định
luật của nó, cảnh hữu hình thế nào thì cảnh Thiêng Liêng kia cũng thế. Khi luận
đi tới điều ấy Bần Ðạo nhớ lại một thuyết ở mặt thế nầy họ muốn tiêu diệt cấp
bậc tức nhiên là muốn phá hủy cả định luật thiên nhiên, chúng ta thử để một vài
dấu hỏi : Ngày giờ nào chúng ta đem một người thường dân lên cầm quyền được thì
chúng ta mới có thể đả đảo cả đẳng cấp được. Chừng nào chúng ta đem chú chăn bò
lên ngôi làm quan tòa chừng đó chúng ta mới có thể đả đảo các đẳng cấp được,
chừng nào chúng ta bắt đứa con nít làm ông già, chừng đó chúng ta mới có thể đả
đảo cả đẳng cấp được. Bởi cả đẳng cấp nơi mặt thế gian nầy đều có định luật, mà
định luật thiên nhiên ấy không có quyền năng nào sửa đương được.
Cảnh thế gian chúng ta
thấy có quan, có dân, có kẻ tôi đòi, có người làm chủ, cả đẳng cấp trước mắt
thế nào, cái cảnh Thiêng Liêng kia cũng thế mà thôi.
Chúng ta đang sống đây cốt
yếu đến đặng tạo nghiệp mình, nếu chúng ta dở thì tạo nghiệp dở, hay thì tạo
nghiệp hay, nên thì tạo nghiệp nên, hư thì tạo nghiệp hư. Còn cái cửa Ðịa Ngục
trước kia đã gọi là khảo tội trừng răn, thiên hạ họ đã tả ra một cái cảnh rất
quá đáng, làm cho thiên hạ ghê tởm có sự thật. Cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống cái
hình nó khác ở thế gian nầy, cái hình của nó là hình về tâm hồn trí não. Nơi
thế gian nầy những kẻ đã làm hung ác tội tình, nét mặt họ thấy ghê tởm, hình
dung con vật gì, hiện tượng ra con vật đó như : hùm, beo, cọp, sấu, các con vật
dữ người ta trông vào thấy đủ cả phương diện hung ác.
Ngày kia chúng ta bỏ xác
nầy rồi, nguơn linh ( tức nhiên xưa kia gọi là cái vía hay là phách ) hiển hiện
tâm đức của chúng ta con gì thì nguyên tướng ra con nấy, cũng như nhiều kẻ để
tâm hồn của họ vào con vật nào giống như họ thì hiện tướng giống in khuôn.
Ấy vậy, tổng luận Bần Ðạo
nói : Cảnh hữu vi kia thế nào thì cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống cũng thế ấy, ta
có tổ phụ ông bà chung ở cùng ta, họ đợi ta qui liễu bỏ xác phàm về cảnh Thiêng
Liêng Hằng Sống, họ còn sống, họ đợi ta về. (Thuyết Ðạo QVI / tr 192)
5. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 23 tháng 6 năm Mậu Tý (29-7-1948 )
Luật pháp & quyền hành điều khiển Càn Khôn
Võ Trụ.
Hôm nay Bần
Ðạo giảng về "Luật pháp và quyền điều khiển càn khôn vũ trụ."
Bài giảng
hôm nay cốt yếu nhứt là cho cả thảy Thánh Thể Ðức Chí Tôn được thấu hiểu pháp
luật và quyền hành điều khiển nơi cõi Thiêng Liêng, vậy cả chức sắc Thiên Phong
nam và nữ nên để ý cho lắm, phải để ý suy đoán cho nhiều rồi mới nhận thấy thật
là ngộ nghĩnh.
Chúng ta
thấy luật pháp và quyền hành trị càn khôn vũ trụ đơn sơ làm sao đâu. Cả tấn
tuồng đời chúng ta thấy họ tạo luật pháp và quyền hành đặng trị xã hội, thật ra
rối rắm quá chừng quá đỗi, mà vẫn không thế gì trị an đặng, lại càng làm cho
tinh thần thiên hạ thêm khó khăn khổ não mà thôi.
Còn luật
pháp quyền hành điều khiển càn khôn võ trụ tức là Ðạo, nên các nền tôn giáo nào
không tùng theo luật pháp và quyền hành ấy đặng trị tâm thiên hạ thì đó là tà
giáo, là Tả Ðạo, là Bàn Môn, chớ không phải là chánh giáo. Chúng ta phải quan
sát những điều ấy trong thuyết giáo của Bần Ðạo ngày hôm nay và Bần Ðạo sẽ nói
rõ, vả chăng ta sống đây ta cũng nên cho biết quyền hành và luật pháp đã trị an
càn khôn võ trụ như thế nào, rồi ta mới hiểu rằng :
Cả luật pháp và quyền hành
Ðạo giáo cũng đều ở trong khuôn khổ ấy mà ra, không có ngoài nữa đặng, mà muốn
tìm hiểu luật pháp ấy phải tìm đâu mà thấy và biết đặng ? Phải nơi chủ quyền
của cơ thể tạo đoan càn khôn võ trụ, tức là phải tìm ông chủ quyền càn khôn võ
trụ ấy, biết đặng Ngài, biết năng lực, tánh chất của Ngài, mới hiểu luật pháp
và quyền hành của Ngài. Ðấng ấy là ai ? Là Ðại Từ Phụ của chúng ta đây vậy.
Buổi nọ, Bần Ðạo vấn nạn
Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, Bần Ðạo hỏi : 'Quyền năng và tâm đức của
Ðức Chí Tôn như thế nào?'
Ngài trả lời trong một câu
Pháp Văn, Bần Ðạo dịch như thế nầy:
"Luật thương yêu, quyền là ngay chánh."
"Gần thiện lương, xa lánh phàm tâm."
Hai câu thi đó đủ cả ý
nghĩa rằng : Chúng ta nên suy đoán coi nguyên căn của nó là gì mà có năng lực
dữ tợn, mạnh mẽ như thế ? Quyền lực ấy chúng ta không tìm đâu xa, tìm nội trong
châu thân chúng ta thì đủ thấy. Hỏi mảnh thân nầy, xác thịt sanh ra trong kiếp
sống cả cơ quan bí mật đào tạo hình thể của chúng ta do bởi đâu mà có ? Có phải
do nơi tình ái của đôi đàng phụ mẫu chúng ta mà sản xuất chăng ? Nếu còn nghi
ngờ nữa thì ta cứ ngó vạn vật tức vạn linh kia, coi hình trạng nó là thế nào ?
Chim kết cánh, cây liền
cành; rất đỗi là con vật mà cũng có tình ái thay, nên luật thiên nhiên lấy tình
ái làm căn bản hóa sanh cả vạn loại. Ðức Chí Tôn cũng sản xuất trong tình ái mà
ra, đi từ tình ái hèn hạ dĩ chí tối cao thượng, luật ấy duy có một mà thôi. Mặt
luật chúng ta thấy khuôn khổ là vậy, mà quyền năng chúng ta ngó trở lại trong
gia đình coi cha mẹ chúng ta trị gia đình với quyền hành nào, hình luật nào ?
Cha mẹ chúng ta chỉ trị chúng ta với một luật thương yêu, còn nếu đủ quyền hơn
nữa cho chúng ta cúi đầu vâng chịu phụ mạng, mẫu mạng thì thêm công chánh,
chúng ta mới cúi đầu vâng chịu. Nên hình ảnh mặt luật thiên nhiên tạo đoan đã
có sẵn trong gia đình từ trước chúng ta không cần tìm kiếm đâu cho xa chỉ coi
trong vạn vật như loài thú, như đối với bầy gà mẹ và con coi con gà trống
thương yêu con như thế nào thì đủ hiểu, dễ xét đoán lắm.
Bây giờ hỏi : Trong càn
khôn võ trụ nầy, nếu nói vạn linh không hữu tình thì là dối vậy. Chúng ta sanh
ở giữa vạn vật ấy, nếu chúng ta công chánh thì thấy quả quyết rằng : cả vạn vật
đều hữu tình đối với chúng ta tất cả, tới sắt đá cỏ cây cũng thế, cả thảy đều
có tình với chúng ta hết, nếu nó không có tình với chúng ta thì chúng ta không
thế sống hạnh phúc đặng. Chúng ta không thể chối cãi điều ấy.
Cái tình nó đối với chúng
ta chẳng phải là tình ái, mà là tình liên quan càn khôn võ trụ đè nén nó xuống,
buộc phải tuân mạng lịnh, nên không phải là tình ái đặc sắc mà là tình ái của
càn khôn võ trụ buộc nó phải tùng. Chúng ta đã thấy như mặt trời cho chúng ta
ánh sáng ban ngày, mặt trăng cho chúng ta ánh sáng ban đêm, cả vạn tượng tinh
tú chớp nhoáng trên đầu ta, cả càn khôn võ trụ ấy đối với con người có cái tinh
thần vững chắc. Nếu ngó lên mà không đủ học thức để thấu đáo cả vạn tướng kia,
cũng vẫn thấy nó đối lại với ta mật thiết hữu tình. Mà ít nữa ta phải biết cái
tình của nó đối với chúng ta mới thấu đáo được.
Bây giờ hỏi luật tình ái
Ðức Chí Tôn để trong lòng mỗi kẻ hữu sanh tại thế nầy, chúng ta không thế chối
có phải con người mà đã có tình ái thì lẽ cố nhiên con vật nó cũng có tình ái
như con người, nếu không có tình ái thì không có sản sanh nối truyền tông tổ
nòi giống đặng ; ấy đó là luật. Không ai mà đúng ngày giờ thời buổi của lẽ
thiên nhiên thì tự buộc phải tuân theo mặt luật tình ái ấy. Bần Ðạo lập lại một
lần nữa, nếu không phải khuôn luật tình ái vi chủ thì vạn vật trên mặt địa cầu
nầy không còn hữu hiệu. Mặt địa cầu nầy thế nào thì vạn vật trên các vì tinh đẩu
khác cũng thế ấy. Ấy là luật thương yêu.
Bây giờ giảng tới quyền:
quyền là công chánh. Cơ thể tạo đoan chẳng vì một ai, chẳng quên ai, chẳng giận
ai, chẳng dọa ai, không thù tạc ai, không bỏ rơi ai. Ðã sanh vạn vật thì vốn
đồng sanh với chúng ta, chúng ta thấy một kẻ ăn mày kia đui mù, thiên hạ không
ai ngó tới, đi xin ăn, ai thấy nghèo nàn đói khổ thì chê bỏ, khi rẻ, gớm ghiết,
nhưng còn con chó của người theo dắt đường lại vui vẻ trung tín ? Chúng ta phải
biết thương thật tình với những người đó là bởi tại sao ? Bởi luật công chánh
Thiêng Liêng nó buộc đừng phụ rãy mà là thương yêu.
Duy có loài người, nếu
chúng ta xét tới cái tâm công chánh của loài người thì chúng ta nên để một dấu
hỏi : Quá khôn ngoan, càng linh tâm thì lại càng nghi hoặc, mất cả tính đức bổn
thiện sơ sanh chăng !
Chúng ta thấy cả vạn vật
nó không cho người nầy nhiều, cho người kia ít, nó nằm trên mặt đất sẵn sàng do
nơi chúng ta biết trọng nó hay không biết trọng nó ; do mình lấy sự thương yêu
của mình làm căn bản mà dùng nó thì nó chỉ là một vật của mình dùng đó thôi.
Một bầy thú kia dầu dữ thế nào : như cọp, beo, gấu, sư tử mà chúng ta có thể
nuôi đặng nó thì Bần Ðạo quả quyết rằng bất quá nó cũng như một con chó giữ nhà
vậy thôi.
Trong càn khôn võ trụ nầy,
nếu không có mực thước công chánh Thiêng Liêng thì sự sống của con người cũng
như con vật, sẽ tranh sống tranh ăn mà phá hoại, thì mặt địa cầu nầy không khi
nào còn tồn tại đặng, nếu càn khôn võ trụ không công chánh mực thước, địa cầu
nào cũng muốn sống cho sáng suốt tự do chạy tìm ánh sáng, thì địa cầu nầy sẽ
đụng với địa cầu kia, mặt trăng, mặt trời không còn thể chất.
Càn khôn võ trụ và quyền
công chánh đã định vậy, nếu biết tùng theo luật ấy thì trường tồn, trái nghịch
là tiêu diệt. Quan sát luật pháp ấy, quyền hành ấy, chúng ta nhìn quả thiệt
Ðấng Tạo Ðoan là chủ quyền đó vậy.
Ngộ nghĩnh thay ! Ðấng Tạo
Ðoan càn khôn võ trụ, với luật pháp ấy, khuôn khổ ấy, ngày nay lại đến tạo Ðạo
cho chúng ta, vậy Ngài lấy khuôn khổ nào mà tạo luật pháp và quyền hành, Ngài
để trong Thánh Thể của Ngài hình luật nào, phương pháp nào đặng trị Ðạo ?
Tuy vậy, có Pháp Chánh và
Tân Luật, cốt để bình tâm thiên hạ đặng để gở tội cho kẻ có tội lỗi, phàm mà
không có biết thú tội trước mặt người và trước phép Thiêng Liêng. Ðịnh luật
pháp ấy cũng tỷ như sợi dây thiết tỏa liệng xuống âm quang cho kẻ tội nhơn nắm
nó mà phăng về Thiêng Liêng cựu cảnh ; chớ chưa phải là chơn luật và chơn pháp.
Nếu nói từ nay Ðức Chí Tôn
đến tạo dựng Thánh Thể của Ngài thì thật sự là pháp chánh, nhưng chỉ có tạo
Thánh Thể của Ngài ở dưới thế nầy mà thôi, chớ quyền công chánh của Ngài là đã
đào tạo Thánh Thể Thiêng Liêng của Ngài, còn về mặt luật là do Hội Thánh lập
thành chớ không phải Ngài định luật.
Ấy vậy, nếu chúng ta nói
Tân Luật là phàm thì quả thật nó là phàm, còn Thiên Luật của Chí Tôn là thương
yêu mới là Thánh mà thôi. Hỏi vậy, chớ Bần Ðạo nói đây có quá lời chăng ? Bần
Ðạo xin đem bằng cớ ra liền.
'Từ ngày mở Ðạo đến nay đã
23 năm, hình trạng của Ðạo lấy phương gì tạo nền chánh trị của nó. Quyền lực
của đời thường nương súng đồng, gươm máy, khám tù mà đạt thành, còn Ðạo làm thế
nào cho có quyền mà lập nền chánh trị Ðạo ? Nói hẳn rằng, nếu không phải luật
thương yêu lập quyền cho Bần Ðạo ngày nay, Bần Ðạo ắt không còn đứng trên tòa
giảng nầy mà giảng Ðạo. Nếu không có quyền công chánh, Ðạo Cao Ðài đã bị tiêu
diệt không sống tới ngày hôm nay đâu, bằng cớ hiển nhiên là đó vậy.'
Toàn Thánh Thể Ðức Chí Tôn
nếu biết thì nên nắm quyền luật thiên nhiên ấy, ngày giờ nào thiên hạ được yêu
thương nhau nồng nàn thì giờ ấy quyền Ðạo sẽ là quyền tối thượng nơi mặt thế
đó. (Thuyết Ðạo QII / tr 94)
6. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 14 tháng 9 năm Mậu Tý ( 1948 )
Sự điều hòa Càn Khôn Võ Trụ
Bần Ðạo ngày
nay đình giảng cuộc dục tấn của chúng ta trong đường thiêng liêng hằng sống,
đặng minh thuyết một đề mục trọng yếu liên quan cả Ðạo Giáo của đời. Bần Ðạo
thuyết minh con đường điều hòa của càn khôn võ trụ tức nhiên là khuôn luật tạo
đoan cả càn khôn võ trụ vạn vật hữu hình ta thấy đây vậy.
Vả chăng hễ
hòa mới hiệp, hiệp mới có định, mà hễ có định mới có an. Bằng chẳng vậy sẽ có
phản động lực. Hễ không hòa tức giục cho phải nghịch, hễ nghịch phải ly, mà ly
tức nhiên động, hễ động tức nhiên phải loạn. Dầu cho chúng ta quan sát về Ðạo
Lý học, Triết Học, Tâm Lý Học, Cách Trí Học, ta thấy quả quyết cả cơ quan tạo đoan
hữu hình trước mắt ta, nếu không tùng khuôn luật điều hòa, Bần Ðạo tưởng càn khôn võ trụ nầy đã
tiêu diệt. Dầu cho về Ðạo Lý Học, ta thấy khởi đầu nếu cái khối nguơn linh của
Ðức Chí Tôn không hòa hiệp với nguơn âm của Phật Mẫu thì Thái Cực chưa ra tướng, hễ
Thái Cực chưa ra tướng tức nhiên càn khôn võ trụ nầy không có gì
hết.
Chúng ta
thấy hành tàng tạo đoan trước mắt ta là sự điều hòa trong thân thể và triết lý
Ðạo giáo cho ta biết rằng : Nếu ta không đoạt đặng bảy khối sanh quang Thiêng
Liêng kia đặng tạo thành xác thịt thì ta không có. Ta không sanh ở đây, nói gần
hơn nữa nếu nhứt điểm tinh thần của cha ta không hiệp với huyết bổn của mẹ ta
thì tức nhiên không có sự hiệp hòa cả khuôn luật tạo đoan như trong bài thuyết
pháp của Bần Ðạo hôm nay.
Ấy vậy chúng
ta nương
nơi hòa khí đặng hay chăng ? Cả cơ bí mật của ta dầu cả hình thể tạo đoan ta
thấy con vật trước mắt ta, nếu không hòa thì không có sanh, không hòa chắc có
thể tạo đoan không có nam nữ, cốt yếu sanh nam nữ đặng hòa hiệp nhau tức nhiên
sanh sản loài người, ngoài ra nữa ta thấy, nếu như không có điển lực điều hòa do Thiêng
Liêng định, tức nhiên Bần Ðạo dám chắc chưa có thành Ðạo. Bởi có ai thuận
với ai đâu.
Các chủng
tộc cũng nương theo khuôn luật hiệp hòa ấy mới tồn tại, mới hiệp chủng tộc
được. Về triết lý học chúng ta thấy nhiều phản ảnh nó không thế gì in nhau
được. Hễ hiểu đặng quyền năng của Ðạo tỷ như: lửa và nước hai món ấy
không thế gì gần nhau được, nhưng chúng ta biết dùng lửa nấu nước sinh ra năng lực hơi
nước, nó sẽ có cái quyền lực xô đẩy cả sức nặng 30.000 tấn; quả nhiên trước mắt
chúng ta thấy, hiện tượng không thế chối đặng. Lại nữa cái điển lực thiên
nhiên, ta thấy khí âm đụng với khí dương thành ra sấm sét biến ra khối lửa. Nó
mạnh thế nào chúng ta thấy không thế gì tưởng tượng được. Ðem điển âm chạm điển
dương hai cái đụng nhau phát sinh năng lực dữ dội lắm. Ta đã dùng lửa và nước
sản xuất năng lực của hơi nước không thua gì điển lực. Bây giờ ta có phương
pháp thâu đặng, thâu nhỏ lại làm ngọn đèn sáng suốt.
Cả tình trạng quốc gia xã
hội hay là Ðạo giáo thiên nhiên cũng vậy. Cái khuôn luật hòa là cái khuôn luật
để tạo ra càn khôn võ trụ. Có nhiều cơ quan phản khắc nhau ta có quyền năng làm
cho họ hiệp lại, thì cơ quan tạo đoan nắm trong tay, cũng như chúng ta thấy
không thế tưởng tượng hai khối chung hiệp nhau đặng làm ra ngọn lửa. Ngọn lửa
ấy nó soi sáng trong gia đình hiện tượng.
Bây giờ xã hội nhơn quần
trên mặt địa cầu nầy, ta thấy đời loạn lạc tàn bạo cùng nhau tại sao ? Tại nơi
cơ thể hữu hình không làm thỏa mãn loài người. Hại thay ! Cơ quan hữu hình
không làm thỏa mãn tâm lý loài người từ thử đến giờ. Tinh thần ấy chỉ có nương
theo Ðạo giáo và biết nhẫn nại, biết định hướng, biết tự chủ, biết định phận
trong thân sống ta. Ngày nay Ðạo giáo trên mặt địa cầu nầy hết quyền năng vi
chủ hoàn cảnh quá khổ não của loài người. Ðời thảm khổ càng tấn tới, thấy cái
sống càng khó khăn, nền văn minh càng tiến lên một bước thì khối thảm khổ của
loài người càng thêm nữa. Hỏi đương nhiên bây giờ thấy các chủng tộc đối nại
nhau, tranh sống với nhau, phản khắc nhau. Bần Ðạo đã nói hồi nãy, nếu không
hòa nhau đặng tức nhiên phải nghịch, lẽ nghịch tức nhiên phải ly, hễ ly tức
nhiên phải xao động, hễ xao động tức có loạn lạc.
Bây giờ hỏi muốn tìm giải
pháp để cứu tình thế chúng ta để thử tinh thần trí não suy đoán xem, ta thấy
rằng : Không hòa mới có nghịch, có ly, như không đồng tâm đồng chí, đồng sống
cùng nhau thì tức nhiên có xao động. Bần Ðạo nói cả vạn quốc đó vậy. Ðộng tức
nhiên phải loạn.
Bây giờ muốn tìm phương
pháp trị loạn đặng, phải phương chiêu an, nó đương động mình phải giải thoát,
nó đương ly cách mình tìm phương hội hiệp. Bây giờ nó đương nghịch, mình tìm
phương pháp hòa nó vậy. Phương pháp đó tìm được không ? Trước Ðức Chí Tôn chưa
đến mở Ðạo, chúng ta nói chắc chưa thế gì tìm được hoàn thuốc cứu thế đó. Ngày
nay Ðức Chí Tôn đã đến, chính Ngài thấy nỗi khốn khó của loài người, vì loạn
lạc tự diệt nhau, Ngài đem hoàn thuốc phục sinh, hoàn thuốc cứu loài người, tức
nhiên Ngài đem Ðạo Giáo chơn truyền của Ngài là đem cái hòa khí để tại mặt địa
cầu nầy. Mà hòa khí ấy nó lan tràn ra, nó bao trùm cả mặt địa cầu nầy hết,
chính bịnh loạn kia do sự bất hòa mà ra, nếu đem hoàn thuốc hòa trị nghịch tức
nhiên hết loạn thì phải an.
Vì cớ Bần Ðạo dám quả
quyết: Nếu ta muốn tìm mối Ðạo chơn chánh, mắt ta thấy đương nhiên bây giờ các
nền Tôn Giáo không điều hòa tâm lý thiên hạ, lại giục loạn tinh thần thiên hạ
tức nhiên là không thế gì tồn tại được.
Ðạo Cao Ðài ngày nay là
một nền Tôn Giáo đem hòa khí cứu vãn tình thế. Bần Ðạo xin nhắc lại và căn dặn
lưu tâm đến những lời chí thiết của Ðức Chí Tôn, hễ một hành tàng nào của chúng
ta làm cho tâm lý con người phải rối loạn, ly tán, ngỗ nghịch tức nhiên phạm
tội Thiêng Liêng. Ðừng tưởng rẻ, bởi nó xô đẩy loài người trong trường chiến và
sẽ có cơ quan tận diệt nhau không dứt, không cứu chữa đặng thì chúng ta sẽ là
tội nhơn đệ nhứt của nhơn loại vậy.
Ngọn Bạch Kỳ của Ðức Chí
Tôn tức ngọn cờ Cao Ðài phải định an cho vạn quốc toàn mặt địa cầu nầy, làm cho
hòa thuận nhau mới xứng đáng một nền Tôn Giáo chính mình Ðức Chí Tôn đến tạo đó
vậy. (Thuyết Ðạo QII / tr 141)
* * *
7. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh - Vía
Ðức Cao Thượng Phẩm.
.Ðêm 30 tháng 2 năm Quí Tỵ (1953)
Ba sắc dân được hưởng hồng ân Ðức Chí Tôn
Từ hôm Bần Ðạo bịnh tới
nay không có giảng Ðạo đặng, vậy đêm nay dâng sớ cầu nguyện cho Ðức Cao Thượng
Phẩm đặng cao thăng Thiêng Liêng chi vị. Bần Ðạo mong chí thượng đạt của Ngài
cũng như lúc sanh tiền đã đối với Bần Ðạo và toàn thể con cái Ðức Chí Tôn.
Bần Ðạo đêm nay lấy cái đề
trọng yếu mà giảng. Hôm nay đây cái lễ trọng yếu nầy là cả sự nghiệp thiêng
liêng Ðức Chí Tôn đem đến tạo dựng nơi mặt thế nầy, và hiện giờ có ba sắc dân
được hưởng hồng ân đặc biệt của Ðức Chí Tôn đến tạo nghiệp cho họ.
* Sắc dân thứ nhứt : Là
sắc dân Ấn Ðộ Brahmane (kêu là Bà La Môn) Ðức Chí Tôn đến tạo Ðạo cho họ và tạo
Ðại Nghiệp Thiêng Liêng cho sắc dân ấy trước nhứt.
* Sắc dân thứ nhì : Chính
Ngài đến là Chúa Jésus Christ đặng tạo nghiệp cho sắc dân Do Thái mà ngày nay
vẫn còn tồn tại.
* Sắc dân thứ ba : Thời kỳ
nầy sắc dân Việt Nam hưởng được đặc ân ấy là lần thứ ba.
Cái lý do Ðức Chí Tôn đến
cùng con cái của Ngài là vì trong thời kỳ Hạ Nguơn Tam Chuyển, đang bắt đầu
Thượng Nguơn Tứ Chuyển, Ngài đến đặng Ngài thống hợp toàn thể con cái của Ngài
lại làm một. Ngài đến đặng lập một nền chơn giáo, lựa chọn con cái của Ngài,
tạo Thánh Thể của Ngài làm một cơ quan cứu khổ và tạo đại nghiệp cho con cái
của Ngài là mấy em thanh niên nam nữ của Ðạo đó vậy. Nhứt là bên phái nữ phải
chịu thiệt thòi, phải chịu nghèo khổ hơn hết và có lúc lại bần hàn hơn nữa, mà
đến nay dường như thời gian nó gợi lại trong tâm não của mấy em. Nhưng nghèo
hèn rồi cũng có sung sướng là lúc nầy mấy em sắp hưởng một Ðại Nghiệp mà Ðức Chí
Tôn đã dành sẵn cho mấy em.
Cái đại nghiệp ấy là của
mấy em, mấy em phải rán gìn giữ, nếu muốn gìn giữ cái đại nghiệp ấy cho tồn tại
thì mấy em phải thương yêu nhau, nâng đỡ cho nhau, dìu dắt nhau, chịu khổ với
nhau thì mới là bền bỉ được.
Giờ phút nầy Qua đứng trên
tòa giảng nầy, Qua nói : Cái tương lai của con cái Ðức Chí Tôn nó sẽ giàu có
không thể tả được, từ năm 1926 cho tới ngày nay, mới có hai mươi mấy năm thôi,
mấy em ngó thấy cái Ðại Nghiệp vĩ đại như thế nầy là do nơi đâu không ? Phải chăng
là do nơi huyền diệu vô biên của Ðức Chí Tôn đã ban cho mới tạo dựng được như
thế nầy và Ngài trụ cả con cái của Ngài làm Thánh Thể mà lập nên đó thôi. Nhưng
có một điều rất ngộ nghĩnh là đứa ngu sẽ được khôn ngoan, đứa giỏi lại giỏi
hơn, có tài hoạt bát trọn tâm lo Ðạo.
Vì cớ cho nên Ngài mới đem
cái đại nghiệp mà giao cho con cái của Ngài, đặng đem cả năng lực Thiêng Liêng
thắng sự khổ não đặng làm cơ quan cứu khổ, nên Ðức Cao Thượng Phẩm và Ðức Quyền
Giáo Tông vì lẽ ấy mới hy sinh cho Ðạo. Chính Bần Ðạo đây cũng vậy, nếu mấy em
biết trọng dụng chơn lý nền chơn giáo của Ðức Chí Tôn thì mấy em phải nuôi
nấng, cứu khổ, dung dưỡng các em của mấy em, thì ít nữa mấy em phải có đủ
phương thế bảo vệ sanh mạng của nó mới được. Qua nói như vậy có lẽ mấy em cũng
đủ hiểu, cái làm ăn, cái làm giàu chưa hề tạo được cái đại nghiệp như thế nầy
và không thể gì bảo trọng cả sanh mạng con cái của Ngài đặng. Nếu muốn bảo
trọng các em của mấy em thì đừng dùng quyền hành sửa trị, phải dùng đạo đức răn
họ thì mới mong thực hiện một nền Chơn Lý Ðại Ðồng vì Ðức Chí Tôn đến lập Hội
Thánh là cốt yếu Ngài định vận mạng cho nước nhà đó vậy.
Qua nói thiệt, nếu không
phải Thánh Thể của Ðức Chí Tôn cậy mượn thì chưa hề ai làm được điều ấy. Bần
Ðạo chỉ nói đến tương lai của mấy em mà thôi. Khi mấy em đã hưởng được quyền
năng Thiêng Liêng của Ðức Chí Tôn rồi, thì Qua cậy mấy em hy sinh cái tự do của
mấy em đặng làm cái đại nghiệp cho nó thật nên hình nên tướng vì đại nghiệp nầy
không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của mấy em trong đó.
Khi Qua bị đồ lưu nơi hải
ngoại, đến lúc về cả cơ nghiệp làm trước kia đều bị tiêu phá hết, duy còn Tòa
Thánh, Báo Ân Từ, Khách Ðình cũ, Hộ Pháp Ðường, Giáo Tông Ðường còn sót lại,
còn bao nhiêu đều tiêu hủy hết.
Từ năm 1946 - 1947 vừa bắt
đầu tạo dựng đại nghiệp ấy lại, nên mấy em bắt tay làm lại, cả các con nam cũng
vậy, nữ cũng vậy biết bao nhiêu sự khổ não, biết bao nhiêu sự hy sinh mà tạo
dựng có mấy năm thôi, nay đã nên hình tượng, cái của nầy là của mấy em nghèo
khổ đã tận tâm tạo dựng, nếu mấy em cực khổ bao nhiêu thì cơ nghiệp Thiêng
Liêng của mấy em càng ngày càng lớn, mấy em càng ngày càng giàu, cái giàu của
mấy em không phải giàu như các nền tôn giáo nơi mặt địa cầu nầy. Cái giàu của
mấy em cốt yếu bảo vệ sanh mạng khổ não cho mấy em của mấy em, không ai có
quyền năng gì làm chủ đại nghiệp Thiêng Liêng nầy đặng, mấy em hiểu chưa ?
Ngộ nghĩnh thay ! Một nền
tôn giáo lấy hai chữ Bác Ái Công Bình làm căn bản, mà cái tương lai nó rực rỡ
làm sao mấy em ôi ! Còn quyền Thiêng Liêng của Ðạo mấy em đã biết nó cũng như
các nền tôn giáo khác chớ có lạ gì đâu. Trái ngược lại nếu Thánh Thể Chí Tôn
cầm quyền mà còn ỷ lại thì thiên hạ trông vào họ tránh hết. Qua nói thiệt, nếu
mấy em thật hành đúng theo Chơn Giáo của Chí Tôn thì không có quyền lực nào đàn
áp nó đặng.
Nếu muốn thi ân bố đức thì
phải cần làm cho đáng giá Thánh Thể của Ngài là công các con, cái khổ não của
Ngài đem vào chia cơm, chia muối, chia khổ não của họ thì mới là xứng đáng
Thánh Thể, mới xứng đáng là cơ quan cứu khổ của Ngài.
Mấy em khá nhớ, mấy em là
người phụng sự cho Ðạo mà thôi, không phải như các nền tôn giáo khác là muốn
làm chúa thiên hạ, nếu muốn làm chúa thiên hạ thì tốt hơn là làm tôi cho con
cái Ðức Chí Tôn là phải hơn. (Thuyết Ðạo QV / tr118)
* * *
8. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm mồng 2 tháng 1 năm Mậu Tý ( 11-2 -1948 )
Ngày xuân là ngày phục sinh của vạn vật
Bần Ðạo
không thể đi cùng mỗi nhà của toàn thể chức sắc Thiên Phong và mấy em nam nữ
đặng viếng thăm trong ba ngày xuân. Một mảnh thân muốn biến hóa ra cả muôn hình
xác nhưng không thể đặng.
Vậy thời Bần Ðạo cũng để
một đôi lời cho mấy em, mấy con nam nữ, mấy anh mấy chị có mặt đảnh lễ tại đây
biết rằng : Buổi nào tinh thần Bần Ðạo cũng ở bên cạnh mỗi người cả thảy.
Một điều mà Bần Ðạo mơ ước
hơn hết là ngày giờ nào thong dong, Bần Ðạo được vui thú thanh nhàn, nay đi nhà
nầy ở một ngày, một bữa, mai đi nhà kia ở một đôi lát. Ngày nào đến cảnh an
nhàn mà Bần Ðạo được đạt vọng dường ấy thì tưởng rằng không còn hạnh phúc nào
hơn nữa. Bần Ðạo tưởng mảnh thân nầy có phương thế đồng sống chung với mấy em
trong cảnh gia đình ấm lạnh để cùng hiểu nhau những nỗi tân khổ sầu buồn thì
Bần Ðạo rất hữu hạnh mà được chi mảy mún cũng đặng, dầu cắn hột muối hay ăn hột
cơm rơi với mấy em, thì tưởng trọn kiếp sống của Bần Ðạo không có cảnh vinh
quang phú quí nào trên thế gian nầy đối đặng.
Cả thảy đến thăm Bần Ðạo
mà Bần Ðạo đi thăm lại không đặng, theo đạo pháp cho là thất lễ. Xin cả thảy
nên biết cái cảnh ngộ và tha thứ dùm cho.
Ngày xuân nói đến tiếng
xuân, miệng nói tiếng xuân là nói tiếng sống, vạn vật ngày xuân nầy là sống là
ngày phục sinh. Qua mơ ước tâm hồn của cả thảy trong một năm già cỗi, trong lúc
xuân đến, cây cối nở lá nở bông, tốt tươi trở lại, tức nhiên là được phục sinh
lại thì cả tâm hồn của chúng ta cũng phục sinh như thế.
Mấy em suy gẫm cái thân
sanh của chúng ta là đồng sanh với vạn vật, mà vạn vật đã phục sinh thì thân
hình của chúng sanh, của chúng ta, của cả thảy nam nữ cũng đồng phục sinh lại.
Tâm hồn của chúng ta trong một năm mờ mệt, khổ não, nhọc nhằn, trong cảnh tang
thương trần thế. Nay xuân về, mấy em đến nhà Ðại Từ Phụ, tức là Suối Vĩnh Sanh
của tâm hồn mấy em. Qua thành tâm cầu xin Ðại Từ Phụ ban ơn cho mấy em được
phục sinh mới trong Thánh chất của Người.
Chắc chắn cả thảy đều được
hạnh phúc hiển nhiên, đương thời hay là trong cảnh xương tàn cốt rũ vì đã được
hồng ân của Ðức Chí Tôn ban cho về già, tức là dưới thế nầy sẽ được an nhàn cả
tâm thần và hình thể. Mong sao cả thảy được mau phục sinh mới trong Thánh chất
của Chí Tôn đó vậy. (Thuyết Ðạo QII / tr 15)
* * *
9. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 29 tháng 5 năm Nhâm Thân (1-6-1952 )
Sự khó khăn của Ðạo Tâm
Ðêm nay Bần
Ðạo giảng về sự khó khăn của Ðạo tâm, chúng ta phải đương đầu với phàm tánh.
Tiếng Ðạo
tâm Bần Ðạo đã giải rõ, Tiên Nho chúng ta khi trước không có lấy tiếng chi
mà tả được cái huyền bí tạo đoan nên đã dùng tiếng 'Tâm' chỉ vật vô hình ấy gọi là: "Cường
danh viết Ðạo".
Mượn danh ấy để chỉ
vật vô hình mà thôi, thật sự Ðức Chí Tôn đã đến giải rằng chữ 'Tâm' thiên hạ đã
dùng để chỉ cái nguơn linh của chúng ta đó vậy. Cái nguơn linh là Tâm thuộc về
Ðạo, là cả cơ quan tạo đoan của càn khôn vũ trụ, cái bí mật đã sanh sanh hóa hóa,
vạn linh tức là nguyên linh của chúng ta, đời cũng huyền bí của càn khôn vũ
trụ, hễ chúng ta đã nói rằng : Nguơn linh của chúng ta thì hai tiếng nguơn linh ấy, chúng
ta đã tầm hiểu do Ðấng chí linh sản xuất, mà xuất nơi Ðấng chí
linh tức nhiên nó là một phần tử vạn linh và nó đã xuất hiện trong chí linh mà
ra, tức nhiên cả cơ quan tạo đoan của càn khôn vũ trụ nó đã có một phần tử nơi đấy, hễ chúng
ta đã nói rằng nó có thể suy đoán cơ thể chủ quyền của càn khôn vũ trụ, thì
chúng ta có thể nói rằng : Nó có thể làm chủ cả cơ thể tạo đoan nơi mặt địa
cầu nầy.
Càn khôn vũ trụ vĩ đại thế
nào thì cái nguyên linh của ta nó cũng phải đạt đặng nguơn linh nó mới chịu, vì
cớ cho nên Bần Ðạo đã thường nói cái tương lai của loài người họ sẽ đi đến mục
đích làm chủ tạo đoan càn khôn vũ trụ nơi mặt thế hữu hình nầy, hay họ sẽ làm
Ông Trời tại thế nầy đó vậy. Hễ nói rằng có tánh chất càn khôn vũ trụ thì phải
quảng đại bao la, có thể tạo đoan vĩ đại thế nào thì nguơn linh của chúng ta
phải vĩ đại như thế ấy, càn khôn vũ trụ huyền bí thế nào, cái nguơn linh của
chúng ta phải nương theo huyền bí ấy thế đấy.
Bởi vậy cho nên, nó tự
biết phạm vi nó là Trời, nó thấy cả sự đau khổ của nhơn loại đã chịu, nó đã
biết cái đau khổ của nó, mà nó hoài bảo cám cảnh yêu đương kính trọng cái khổ
của thiên hạ, khổ của toàn thể nhơn loại, nó đã biết cái sống của nó rằng khổ,
nó phải thương cái sống của thiên hạ, nó biết cái giả của nó khổ, nó phải
thương cái giả của thiên hạ, nó biết bịnh của nó là khổ, nó phải thương cái
bịnh của thiên hạ, nó biết cái chết của nó là khổ, nó phải thương cái chết của
thiên hạ.
Cái tánh chất nguơn linh
của chúng ta, tức nhiên Ðạo Tâm của chúng ta đây vậy, nó phải quyền năng chủ
định của nó, nó phải có quyền năng làm chúa cái sở năng của nó, nó có thể cải
được cái quyền lực của quả kiếp luân hồi, nó có thể sửa cải đặng cơ giải thoát
đặng định chủ lấy nó. Ấy vậy cái Ðạo Tâm của ta là thế đấy.
Bao giờ phàm tánh là vật
hình vẫn hoài bảo tánh chất thú của nó, mỗi sự chi làm cho nó phải ham muốn,
vừa ý thích của nó theo cái năng lực của nó mạnh mẽ thế nào, nó thấy được sắc
đẹp nó ham, nó mê. Nó nghe được một tiếng thanh tao nó biết muốn, nó biết mê
mẫn, nó nghe được mùi vị thơm tho ngon ngọt nó biết ham ăn, ham ngửi, nó thấy
một cái địa vị sang trọng, nó biết giục tâm chiếm đoạt cho đặng, rồi nó dùng đủ
phương pháp đòi hỏi cả tinh thần nó đem ra thi thố mâu thuẫn đoạt được sở vọng
đó, nó ham muốn phú quí, giàu sang trên mặt địa cầu nầy, cái vật hình dù đã làm
cho nó kích thích, nó lấy cả tinh thần làm năng lực nó làm sao đạt đặng, có
nhiều khi trước cảnh ngộ ấy chúng ta thấy Ðời Ðạo đang tương đối cùng nhau. Một
bên Ðạo tâm phải quyết thắng phàm tánh, mà hại thay ! không thể dễ gì thắng.
Tiên Nho của chúng ta đã
nói trước một đạo binh có thể thắng một trận giặc muôn binh kia, mà ta thắng
với phàm tánh của ta rất khó, không thể đoán đặng. Nếu chúng ta thắng được phàm
tánh chúng ta, cái Ðạo tâm chúng ta đủ năng lực thắng đặng tức nhiên là cái cơ
quan tự giác chúng ta đạt đặng.
Ðạt được năng lực tự giác
của ta, ta mới có thể giác thiên hạ, tức nhiên thức tỉnh toàn thể thiên hạ tự
giác, giác nhi giác tha là thế ấy. Phương pháp tự giác nhà Phật, Ðức Chúa Jésus
Christ hay các vì Giáo Chủ đã tìm cái bí quyết ấy chuyển cả các bí mật của các
nền tôn giáo. Chữ Tu ta để dấu hỏi, cái thực hành tiếng Tu của thiên hạ đã tìm
cái cơ quan tự giác ấy họ đã đặng chưa, cả thảy chúng ta đều để dấu hỏi mơ hồ,
nếu toàn thể thiên hạ đạt đặng cơ quan bí pháp tự giác ấy, thì Bần Ðạo dám chắc
nơi thế gian nầy cả thảy thiên hạ là Thánh, mà giờ phút nầy họ phàm thì Bần Ðạo
nói có một phần thiểu số đạt đặng chớ không phải cả toàn thể thiên hạ đạt đặng.
Ðức Chí Tôn đã đến, Ngài
chỉ Bí Pháp có một điều là:
" Các con không cần tìm kiếm triết lý cao siêu
hơn nữa, các con tìm kiếm cái sống của toàn thể bạn đồng sinh của các con, rồi
kỉnh trọng phụng sự cái sống ấy. Hễ các con tận tâm phụng sự cái sống của vạn
linh, thì cơ quan giải thoát của các con Thầy đã để nơi tay các con rồi
đó." ( Thuyết Ðạo QV / tr 47)
CHUNG
Home
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét