HIỆP THIÊN ĐÀI
V/P: THƯỢNG SANH
Số : 121 / TS
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Kính Gởi :
Hiền Huynh HIẾN PHÁP CHƯỞNG QUẢN BỘ PHÁP CHÁNH.
Tham chiếu : Quý Thánh Thơ số 15/ DS ngày 12-6-1970.
Theo đề nghị của Hiền Huynh tôi chấp nhận cho Ban
Đạo Sử xuất bản để phổ biến những bài Thuyết Đạo tại Tòa Thánh của ĐỨC HỘ PHÁP
từ năm 1946 đến năm 1955.
Những bài giảng được chọn để ấn hành phải có sự
kiểm duyệt của Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách.
Nay Kính
Tòa Thánh, ngày 14 tháng 5
Canh Tuất
( dl 17-6-1970 )
THƯỢNG SANH
( ấn ký )
LỜI TỰA.
Những bài Thuyết–Đạo
trong quyển sách này là lời vàng ngọc của Đức HỘ-PHÁP, một vị Giáo-Chủ của
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, một bậc Vĩ-Nhân
của thế hệ; nên một Ủy-Ban sưu tầm và biên tập thành lập có Đức THƯỢNG-SANH chấp
thuận, để xúc tiến việc sưu tầm biên tập và ấn hành các bài Thuyết-Đạo ấy. Nay
cuộc sưu tầm và biên tập đã có kết quả mỹ mãn, nên Ủy-Ban đem ra ấn hành cho
toàn đạo được lãnh hội lời vàng ngọc nói trên.
Trong Ban Đạo-Sử của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã có
sẵn một thư viện tàng trữ các loại kinh
sách cổ kim đông tây cho các nhà khảo cứu và toàn Đạo có thêm tài liệu, những
quyển “Lời Thuyết Đạo” của Đức
HỘ-PHÁP sẽ lưu trữ vào Thư-Viện nầy để
chư độc giả đến xem.
Đức HỘ-PHÁP là một trong các vị tiền bối khai sáng
nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, đã thực hiện trước hết chủ thuyết Tam-Lập: “Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn”.
Về lập đức: thì Đức Ngài là người đầu tiên đã nghe
theo tiếng gọi Thiêng-Liêng mà khai sáng mối Đạo cho toàn sanh chúng được chung
hưởng hồng ân của ĐỨC-CHÍ-TÔN (NGỌC-- HOÀNG –THƯỢNG- ĐẾ ).
Về lập
công: thì Đức Ngài vừa lập đức vừa lập công trong việc khai sáng. Từ cái không
làm ra cái có, bắt gió nắn hình tạo thành một đại nghiệp Đạo ở cõi thế nầy. Nếu
Ngài không phải là một Đại-Đức thì làmsao thành công được ?!
Về lập ngôn: thì Đức Ngài lưu lại lời vàng tiếng
ngọc trong các bài Thuyết-Đạo mà chúng ta đang thưởng thức và còn nhiều lời
giáo huấn cao siêu khác nữa mà chư quý độc giả và toàn Đạo nên lưu ý.
Nhơn danh Hiến-Pháp Hiệp-Thiên-Đài kiêm Trưởng Ban
Đạo Sử, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bốn phương quyển sách
quý giá này đáng được lưu niệm mãi mãi.
Trân trọng kính chào.
Hiến-Pháp TRƯƠNG HỮU ĐỨC.
LỜI TRẦN THUYẾT.
Mỗi lần ly loạn là mỗi lần thư tịch bị làm mồi cho
binh lửa. Nhìn vào lịch sử: những vụ “Phần-Thư”,
những vụ chiếm đọat thư tịch đã xảy ra như một hệ luận trước những biến cố.
Tình trạng này đã kéo dài qua các thời đại, ấy là biện pháp của những kẻ mạnh
nhắm vào mục đích thực hiện chính sách ngu dân và đồng hóa triệt để.
Những kinh nghiệm đau thương ấy là nguyên nhân thúc
đẩy chúng tôi cố gắng thực hiện công việc sưu tập những tài liệu này.
Chúng tôi nghĩ rằng: “Nếu tài liệu kinh sách chỉ được tập trung tàng trữ vào một chỗ, tránh
sao cho khỏi bị hủy diệt khi kẻ cường quyền đến cướp phá”. Do đó chúng tôi
quyết định quay ra nhiều bản để gởi đến,
và ký thác vào những tâm hồn trung kiên với Đạo, những người dám chết để bảo
tồn những tiếng nói của Đấng thay Trời dạy Đạo.
Nếu một may thay thời cuộc lại biến thiên, có thể các cuộc phần thư lại tái diễn, thì thiết tưởng trong số
tài liệu này vẫn còn có nhiều người
nhiệt tâm gìn giữ được vẹn toàn
Đây không phải là việc làm của một cá nhân hay một đoàn thể, nhưng là sự đóng
góp chung của những người vô danh nguyện đem hết năng lực của mình để phụng sự
cho lý tưởng bảo tồn truyền thống giáo lý của Đạo. Trong khi quyển tài liệu này
đến tay Qúi vị thì cũng đã có người vì qúa hăng say trong công việc thực hiện
lý tưởng mà đã phải ngã gục vì kiệt sức.
Việc làm của chúng tôi không phải là một ý nghĩ
nông nổi của một sớm một chiều, nhưng là một hòai bảo trong suốt thời gian ly
loạn. Chúng tôi hằng cầu nguyện ĐỨC CHÍ TÔN và PHẬT MẪU ban bố phước lành sớm
gặp dịp may để thực hiện hoài bảo ấy.
Ngày nay chân trời
đã rạng tỏ, ý nguyện đã đắc thành.
Chúng tôi xin hiến dâng trọn vẹn cho Hội Thánh tất
cả những tài liệu mà chúng tôi đã ghi chép, góp nhặt sau bao nhiêu năm theo
đuổi mục đích bảo tồn những lời vàng tiếng ngọc của Đức HỘ PHÁP.
Từ đây bản quyền sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào Hội
Thánh. Kính xin hội Thánh cho kiểm duyệt và ấn hành, để cho mọi người đều được
nghe lời dạy dỗ đầy yêu ái của Đức HỘ PHÁP
đã dành cho chúng ta trong thời gian Đức
Ngài còn tại thế.
Tòa Thánh, ngày 28 tháng 8
năm Bính-Ngọ (dl 12-1-1966)
BAN TỐC KÝ
LỜI CHÚ CỦA NGƯỜI SOẠN.
Kính thưa: Chư Huynh, Tỷ, Muội cùng các bạn đồng
môn.
ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC lúc còn sanh tiền Ngài đã
để lại nhiều lời vàng tiếng ngọc dạy dỗ chúng sanh qua các buổi thuyết Đạo.
Nay kẻ hậu sinh được may duyên học Đạo với Đấng
Thiên Tôn qua các bài Thuyết Đạo từ quyển I đến quyển VI ( từ năm 1946 đến năm
1955 do Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh ấn hành ), trong
những bài giảng nầy, Đức Ngài đã giáo hóa rất nhiều chủ đề về Đấng Thượng Đế,
Tôn Giáo, Nhân Loại ... theo dòng thời gian của từng thời kỳ lịch sử.
Với lòng tôn kính Đức Tôn Sư, con xin được sắp xếp
các bài giảng theo từng chủ đề để con và các bạn đồng môn dễ dàng sưu khảo trên
đường tu học.
Thành kính cầu nguyện Đức Tôn Sư luôn luôn dẫn dắt
chúng con trên đường phụng sự.
Kỉnh bút
* * *
1. -
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 14 tháng 2 năm Mậu Tý ( 24-3-1948 ).
Hộ
Pháp hành pháp mỗi khi cúng đàn.
Hôm nay Bần Ðạo chẳng phải thuyết đạo, Bần Ðạo chỉ
nói chuyện mà thôi. Nói chuyện Hộ Pháp, mỗi phen vô cúng đàn làm việc chi, theo
như lời Bần Ðạo đã hứa.
Bần Ðạo nói đây để cả thảy được biết điều ấy trọng
hệ như thế nào, đặng giữ gìn và giúp Bần Ðạo mỗi phen Hành Pháp được dễ dàng
một chút. Bần Ðạo nói hôm nay, để đêm mai có nhiều thì giờ giảng những điều
thiết yếu hơn, trọng hệ hơn.
Mỗi phen nhập đàn, hễ trống chuông rồi, thì tất cả
đi vô, cả thảy đi vô thong thả, chỉ có Bần Ðạo thật bối rối, bước lên ngai rồi,
trụ Pháp lại, vẽ bùa niệm chú.
Câu chú mà khi thượng sớ, chúng ta thường nghe đọc
:
"TAM
CHÂU BÁT BỘ HỘ PHÁP THIÊN TÔN."
Thật sự thì như vầy :
"TAM
THIÊN THẾ GIÁI HỘ PHÁP GIÁNG LÂM."
Từ trước đến giờ, các bậc tiền bối của chúng ta đã
để như nói trên nên không thể sửa cải được, phải để y như vậy.
Khi bái đàn rồi cả thảy quì tụng kinh, còn Bần Ðạo
tịnh niệm, mỗi câu kinh mấy em đọc vẫn dễ, vì thuộc mà đọc thôi, riêng Bần Ðạo
mỗi câu kinh phải mật niệm, tụ hết cả nghĩa lý của nó dâng lên Chí Tôn và các
Ðấng Thiêng Liêng.
Rồi còn điều nầy rắc rối hơn hết, hễ khi nào cả
thảy tụng kinh rồi bài kinh Chí Tôn hoặc kinh Tam Giáo, khi Bần Ðạo thấy nín
hết, buổi đó đem hết tinh thần trụ lại, dâng lời mặc niệm ấy vào Bát Quái Ðài.
Ðến khi tất cả niệm ngũ nguyện cũng vậy, Bần Ðạo định tâm, dồn cả đức tin biến
thành một huệ quang chiếu diệu đem vào Bát Quái Ðài, rồi đợi cho Bát Quái Ðài
trả lời, khi ấy ở trong đó ánh sáng tủa ra, Bần Ðạo cúi đầu niệm thế cho cả
thảy.
Còn dâng Tam
Bửu, Bần Ðạo hiểu cả nghĩa lý của nó, đang khi dâng bông, cả thảy hình thể con cái của Chí Tôn tức là Thánh Thể
của Ngài, trụ hết xác Thánh đó dâng cho Ngài, đặng Ngài làm phương cứu thế. Ðó
là dâng bông.
Tới dâng
rượu, cả thảy khi dứt kinh, nín lặng hết, Bần Ðạo vận dụng cả trí não tinh
thần, đem đức tin của cả thảy dâng vào Bát Quái Ðài.
Tới dâng trà, là dâng cả linh hồn cho Chí Tôn. Bần
Ðạo để cả tinh thần trụ lại, đem linh hồn của con cái Chí Tôn dâng cho Ngài.
Khi các người cầu nguyện, buổi cầu nguyện biết vậy
thì nguyện như vậy thôi, còn Bần Ðạo phải trụ hết tinh thần định trở lại, đem
cả những lời cầu nguyện ấy dâng cho Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng.
Khi Chí Tôn truyền cho Pháp ấy, Bần Ðạo nghĩ rằng: Ðó
là chiếu theo cổ pháp của nhà Phật buổi trước, nhứt là Thiền Môn mỗi khi làm
chay, thí của, cầu siêu hay tuần tự chi đều rước một vị Hòa Thượng trụ trì đến.
Không gì khác hơn là bí pháp của Chí
Tôn trụ thần, Bần Ðạo dám chắc rằng không ai biết, họ tụng kinh như hát mà
thôi, không ai để hết tinh thần vào câu kinh, nên mấy thầy chùa gõ mõ tụng kinh
có ăn thua gì, trọng hệ là vị Hòa Thượng trụ trì ngồi hành pháp, nhưng không
hiểu họ có biết mà làm y theo đó hay không ? Cái trọng hệ ấy nếu ai làm cho y,
thì là trúng với bí pháp. Tiểu đàn thì vậy.
Còn Ðại Ðàn,
lại còn rối cho Hộ Pháp hơn nữa, là có ba ấn : Thượng Nguơn, Trung Nguơn, Hạ
Nguơn, ấn ấy có phải do tay Hộ Pháp không ?
Khi đứng lên ngai rồi bắt ấn Hộ Pháp, lấy cả tam bộ Thiêng Liêng tức là sanh khí mà ta
thấy trước mắt tỏa ra cùng khắp. Rồi đến trụ thần lại bao trùm cả trái đất nầy
như vòng bao một trái cây gì vậy, để cái cuống lên trên, đem dâng cho Chí Tôn
ngự. Kế dâng bông, bắt ấn Thượng Nguơn,
dưới đạp Ngưu Ðẩu, tay đưa Gián Ma Xử lên hiệp với chữ Khí, đem khí ấy đưa ra
cả càn khôn thế giới. Ấn Thượng Nguơn làm chủ chữ Khí, đem khí ấy hiệp hết cả
nguơn khí đặng bao trùm vũ trụ.
Ðến Trung
Nguơn, bắt ấn Hiệp Chưởng biến hóa, Gián Ma Xử để nằm ngang, đuôi bên Thế,
cán bên Ðạo, ý nghĩa Ðạo cầm cán đặng trị Ðời. Bắt ấn Hiệp Chưởng, cầm cả cơ
pháp của vạn vật biến sanh đặng bảo tồn không cho tương tranh, tự diệt nhau.
Tới Hạ Nguơn,
tay tả thuộc dương để trên, tay hữu thuộc âm để dưới, rồi để Giáng Ma Xử chúi
xuống, trụ thần đem cả càn khôn hiệp cả vạn vật.
Bắt
ba ấn phải trụ thần, làm sao cho ấn ấy đừng thất pháp.
Cho nên ban sơ, buổi Chí Tôn mới giao cho Bần Ðạo
tại Từ Lâm Tự, cái khó là trí óc vẫn lo ra, vì không quen, không phải mình làm
thầy phù, thầy pháp gì ổng giao cho học mãi làm không trúng. Vì cớ nên mới có
quỉ lộng tại Từ Lâm Tự buổi nọ, các ấn khác của Hộ Pháp có linh hay không mà
quỉ lộng ? Ấy là Thiên cơ khiến vậy. Chí Tôn mở Tam Thập Lục Ðộng coi có phá
nổi Ngài không ? Có thể làm cho tiêu diệt nền Chánh Giáo không? Ðể cho chúng
sanh thí nghiệm mà thay quyền năng vô tận của Ngài. Buổi nọ vì thời gian ngắn
ngủi, nên công việc chưa rành rẽ, vì không đủ thì giờ để chuyên luyện, hoặc cho
là chưa trọng hệ cho lắm, nên có điều sơ lược. Ðó là Thánh ý Ðức Chí Tôn muốn
như vậy.
Trong
một thời cúng, Bần Ðạo đã căn dặn nhiều phen trọng hệ hơn hết là khi dâng Tam
Bửu, dầu cho tinh thần suốt buổi cúng có nhiều lúc lo ra đi nữa, đến khi dâng
Tam Bửu, khuyên cả thảy định thần đặng mật niệm, dâng ba bửu trọng hệ cho Chí
Tôn, tức là giúp sức Bần Ðạo Hành Pháp dễ dàng một chút đó. (Thuyết Ðạo QII /
tr 25)
2. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm
29 tháng giêng năm Mậu Tý ( 1948 ).
Khi
vô Ðền Thánh phải bỏ hết phàm tâm.
Hôm nay, Qua lên giảng
giải là do đêm trước Truyền Trạng Ngọ đã giảng trong khi lãnh trách nhiệm thay quyền
Tiếp Lễ Nhạc Quân, đứng trên ngó xuống thấy mấy em có cử chỉ do tâm lý không
được chững chạc và đúng theo nghiêm luật của Hội Thánh. Nhưng đó là bề ngoài chẳng
nói chi, trọng hệ hơn hết là cái huyền vi bí mật của Ðền Thánh nầy, buộc
lòng Qua phải lên giảng.
Mấy em có biết tương lai nền Chơn
Giáo nầy của mấy em là tạo đại nghiệp gia đình cho một sắc dân gọi
là Tân Dân của Chí Tôn để nơi mặt thế nầy, là Thần Thông Nhơn. Mấy em kiếm hiểu
hai tiếng Thần Thông, dầu không thấu
lý mà nghe nói tiếng ấy cũng hiểu sự quan hệ của nó ra sao.
Ấy vậy, muốn tạo một tinh thần tới Thần Thông cho
sắc dân Tân Dân của Chí Tôn đem đến mặt địa cầu nầy, do trong mấy em hiện tượng
ra mà mấy em không tầm cái giống Thần Thông thì làm sao tạo Tân Dân ấy cho
được. Cả huyền vi bí pháp của Chí Tôn để tạo Thần Thông Nhơn ấy, mắt mấy em
nhìn thấy không biết hình ảnh thì làm sao đạt thành được.
Mấy em sẽ làm cha, làm mẹ của đám Thần Thông Nhơn
ấy mà không có hột giống làm sao tạo hình cho đặng. Còn như Qua đây là Hộ Pháp
khi lên ngai đứng có mấy công chuyện mà quên trước quên sau, đó là buổi mới
Khai Ðạo. Còn mấy em dầu khó khăn đi nữa, nay Ðạo đã 22 năm mà còn quên thì
không biết nói làm sao đặng.
Mấy em có thấy đâu khi vô Ðền Thánh, đền nầy gọi là
Ðền Thánh thì thế nào mấy em phải hiểu. Qua đứng trên ngai lấy hết tư tưởng của
mấy em, cái giọng của mấy em cầu kinh Qua ôm hết dâng lên cho Ðức Chí Tôn, dâng
đây không phải là tiếng thường, ấy là cái thiên thiều, Ngài hưởng rồi, Ngài trả
lại cho mấy em cái thiên tính. Có như vậy thì địa cầu nầy mới an tịnh, mới thái
bình được.
Mấy em ôi ! Nếu cúng mà giọng đọc thô bỉ, không
đồng một nhịp nhàng thì mong gì cái thiều quang của càn khôn vũ trụ điềm tỉnh
đặng an hưởng.
Qua
đứng trên ngai, Qua thấy trên nê hoàn cung ( mỏ ác ) của mấy em, nếu định tâm
thì có một hào quang xung lên đều đều, mọi người đều có cả hào quang đó, có một
vị Phật ôm hết đem vào Bát Quái Ðài, hiệp với đạo hào quang trong quả Càn Khôn,
đoạn đem trở ra bao trùm chỗ ngồi của mấy em mà mấy em không thấy được, cho nên
khi mấy em hầu lễ, nếu biết hưởng cái ơn Thiêng Liêng ban cho đó thì tinh thần
được an tịnh, hạnh phúc biết bao nếu biết thọ hưởng cái hồng ân đó, cũng như
lúc mấy em đói rồi có ai liệng cho đồ ăn mà không biết hưởng, thì làm sao no
đặng, tức phải đói.
Ðáng lẽ khi bước vô Bửu Ðiện, đi qua Hiệp Thiên Ðài
thấy toàn màu đỏ, màu đỏ thuộc về xác thịt, vậy đi qua rồi phải tịnh tâm. Qua
không nói ai, vì trước mỗi buổi đều tắm rửa, vô đó, dầu hình thể của mấy em có
nhơ nhớp, thúi hôi, cùi đày mà cái tâm của mấy em trong sạch đó là tâm vô tội.
Dầu kẻ nào tội tình ưu lự thế mấy mà bước vô Ðền Thánh rồi cũng phải tập tánh
cho thanh khiết, bỏ cả những tư tưởng phàm tục, để tâm nhứt nguyện mới có sự
hưởng ứng.
Mấy em đem cái hình xác vào Ðền Thánh, nhưng là cái
xác vô tội, đặng hiến cho Chí Tôn, nếu không vậy thì có vào Ðền Thánh, kẻ ngồi
chỗ nầy, kẻ ngồi chỗ kia mà trong óc không niệm thì vô Ðền Thánh có ích gì ?
Ði cúng, điều trọng yếu nhứt là tinh thần, cái
huyền vi bí pháp tinh thần ở đấy là Cửu Trùng Ðài rồi Bát Quái Ðài thuộc về
chơn linh, ấy là linh tâm xuất hiện, nếu mấy em có cảm mới có ứng, mà nếu có
ứng thì mấy em mới hưởng được, thảng không hưởng được là lỗi tại mấy em không
trọn tâm thành kính.
Thỉnh thoảng rồi Qua sẽ giải bí pháp của Hộ Pháp
đứng trên Ngai là gì ? Mấy em không thấy cũng đáng trách. Vậy từ đây về sau,
Qua chỉ xin mấy em một điều là hễ bước
chân vô Ðền Thánh, thì phải bỏ hết cả phàm tâm, thì hạnh phúc sẽ to lớn,
bằng chẳng vậy, đừng đi cúng, vì đến cúng, không những không hưởng được đặc ân
mà còn mang tội thêm mà chớ . (Thuyết Ðạo QII / tr 21).
3. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Lễ Thái Thượng (Cúng Ðại Ðàn)
Ðêm rằm tháng 2 năm Mậu Tý ( 25-3-1948 ).
Ý nghĩa đi hoán đàn.
Nay Bần Ðạo định giảng
tiếp, nhưng vì việc Hoán Ðàn mà không cho vô, nên Bần Ðạo phải giảng nghĩa rõ
vì sao mà không cho vô ấy, vậy có đứng lâu mỏi chân xin cả thảy đừng phiền
nghe.
Không có một điều chi Chí Tôn để trong Pháp giới của Ngài trong cửa Ðạo nầy
mà không có nghĩa lý. Ít nữa mình không biết thì phải tìm cho biết, coi
tại sao như thầy chùa chạy kim đàn vậy, tìm cho ra duyên cớ đặng hiểu biết bên trong pháp
giới của Ðức Chí Tôn là thế nào mà hình thể bên ngoài lại dị kỳ làm vậy. Không
biết phải hỏi, cả thảy nên biết rằng, không một điều chi trong nền tôn giáo nầy
mà vô nghĩa lý đa nghe.
Tại sao phải hoán đàn, nam nữ chen nhau ? Ðó là bùa pháp luân
thường
chuyển.
Tại
sao Chí Tôn để bùa pháp luân thường chuyển tại thế nầy, đặng chi vậy ? Hiện đã mãn Hạ
Nguơn tam chuyển, bắt đầu Thượng Nguơn tứ chuyển ta gọi là Khai Nguơn nên phải
để cho pháp luân thường chuyển.
Ta đã biết thời Tiên Thiên Khí và Hậu Thiên Khí
chuyển làm một mối đạt Ðạo đặng. Cả thảy đều biết qua Cửu Trùng Ðài nầy là Cửu
Thiên Khai Hóa, còn Cung trên kia là Cung Ðạo, từ trước đến nay, mỗi người mãi
miết tìm Ðạo mà Chí Tôn để giữa đó, trước mắt mà không biết.
Ði
chín từng Trời để cho phần hồn đi cho cùng tột cửu phẩm Thần, Thánh, Tiên đến
Phật, tức là Phật xuống phàm, rồi phàm trở lại Phật, chuyển luân như vậy, bí pháp
gọi là đạt Ðạo.
Tại sao cả thảy không tìm hiểu, rồi không chịu vô
Hoán Ðàn, sợ mỏi chân, chờ trong nầy thiên hạ đi giáp rồi mới vô cúng mà thôi.
Cũng bởi vì không Hoán Ðàn là không đạt được thể
pháp đó không đủ theo pháp giới của Chí Tôn, nên người cầm pháp có phận sự
không cho vô tức là không cho làm loạn Ðạo. (Thuyết Ðạo QII / tr 28)
4. -
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 14 tháng 5 năm Mậu Tý(21- 6- 1948).
Vì sao Hộ-Pháp cầm quyền nhị hữu hình đài
Bần Ðạo lấy làm ngạc
nhiên là từ khi Khai Ðạo đến giờ Bần Ðạo chưa thấy kỳ đàn nào đẹp như
kỳ đàn nầy. Nếu tất cả thấy được quyền diệu pháp, điều mà mấy người không thể
tưởng tượng được vì từ khi mở Ðạo mới có lần đầu. Hay là tại chúng ta đồng
thinh tụng kinh mà được như vậy chăng ? Ấy vậy từ đây về sau, chúng ta vẫn làm
như kỳ nầy mãi mãi.
Hôm nay, Bần Ðạo xin tạm đình khảo cứu nền phong
hóa của Việt Nam đối với dân tộc vạn quốc đặng thuyết một vấn đề trọng yếu từ
thử đến giờ chưa ai thố lộ.
Ngày hôm kia, Bần Ðạo gặp Ðức Lý Giáo Tông vấn đáp
cùng Ngài về một lý thuyết tối trọng yếu trong nền chánh giáo của Ðức Chí Tôn.
Ấy vậy, xin cả thảy bình tâm lắng nghe Bần Ðạo minh thuyết và rán nhớ bởi vì
bài giảng đạo hôm nay có nhiều điều bí ẩn tiên tri, sự tiên tri ấy kết liễu
cùng chăng không rõ nhưng hiện giờ ta có thể đoán xét được.
Ðức
Lý Giáo Tông có giáng cơ nói, giao quyền Cửu Trùng trong tay Bần Ðạo đặng thống
nhứt quyền hành chưởng quản Nhị Hữu Hình Ðài, ấy là do Ngọc Hư Cung quyết định,
tức là Thiên Ðiều quyết định vậy.
Ðiều ấy Bần Ðạo lấy làm khó nghĩ, lấy trí mà tưởng
tượng. Ngoài ra người nào khác hơn là Bần Ðạo thì không để ý, nhứt là khi chịu
nhận đảm nhiệm ấy làm cho tinh thần Bần Ðạo kiếm hiểu vì cớ nào Ngài cho Bần
Ðạo quyền thống nhứt, mà kiếm không ra.
May thay ! Ðức Lý Giáo Tông đến, Bần Ðạo thú thiệt
xin Ngài nói rõ cho biết đôi việc nhỏ đặng chỉnh đốn lại và xin lỗi đặng vấn
nạn Ngài vấn đề ấy.
Bần Ðạo nói :
'Bạch Ngài, sự bí mật ấy Ngài có thể cho tôi biết
đôi chút đặng tôi mới an tâm, an trí được.'
- Ngài cười nói:
Bần Ðạo vẫn biết trước thế nào Hiền Hữu cũng vấn
nạn, Bần Ðạo đã cố tâm để đối đáp lại cùng Hiền Hữu. Nhưng trước khi muốn biết
sự bí mật ấy, chúng ta nên tìm hiểu Nhị
Hữu Hình Ðài là gì ? Bần Ðạo xin giải nghĩa: Cửu Trùng Ðài là chơn tướng của Cửu Thiên Khai Hóa tức là cơ hữu vi
của càn khôn võ trụ, do Cửu Thiên Khai Hóa tạo thành.
- Hỏi: Bởi quyền năng nào tạo thành ?
Do nơi quyền năng vô đối của Chí Tôn. Pháp là thành
tướng, ấy là do nơi pháp từ thượng cổ đến giờ liên hiệp Vạn Linh và Chí Linh.
Bởi vậy ta tìm đạo là cốt yếu tìm hiểu cái bí pháp ấy như thế nào và có phương
thế gì làm cho ta đoạt đặng chăng ? Ấy vậy, Cửu Trùng Ðài là Cửu Thiên Khai
Hóa, tạo đoan cả vạn linh trong càn khôn võ trụ. Chúng ta ngước mặt lên trời,
mắt ta thấy hằng hà sa số là địa giới, ta gọi là sao, mỗi vì tinh tú ấy là một
quả địa cầu, nên Ðức Chí Tôn mới nói rằng:
Càn khôn võ trụ nầy chứa đầy vạn linh. Nói rõ hơn Cửu Trùng Ðài là Ðời.
Còn Hiệp Thiên Ðài là pháp giới tạo ra vạn
linh, nó là Ðạo, rõ rệt như vậy.
Bây giờ Bần Ðạo hỏi tại cớ nào Ngài đến đây, cầm
quyền trị thế. Ta tìm hiểu cao sâu hơn nữa sự bí mật ấy. Hiện thời chúng ta
thấy gì ? Ta thấy đời đang phấn khởi bồng bột, tự năng, tự tạo, tự đoán, tự
chủ, không còn đạo đức gì hết. Ðương nhiên có hai hình tướng:
1 . Cộng Sản tinh thần thể chất.
2 . Các ban máy móc, cách vật, hóa học tức thuộc hình tượng thể chất.
Hai hình trạng ngày nay đối chọi nhau. Thảng ngày
kia nó hiệp đồng lại thì thể chất ấy có hình lại có hồn phách thì ta thử tưởng
tượng trên mặt địa cầu nầy sẽ thế nào. Thể chất thì lúc nào cũng xu hướng theo
thể tánh duy vật mà thôi. Thảng các tôn giáo đang cầm tương lai linh hồn của
loài người trên mặt địa cầu nầy không đủ năng lực thì cả tài năng thể chất sẽ
xô đuổi cả xác thịt lẫn linh hồn của con người đến chỗ tự diệt.
Ấy vậy, tinh thần tức là đạo đức, phải như thế nào
đặng đối phó cho vừa sức lại thể chất ấy. Ðời bây giờ quá tiến triển về hình
thể, phải có cơ Ðạo đủ năng lực tỉnh thức tâm hồn của loài người và giữ gìn dìu
dắt cho mới tồn tại. Mà ta thấy các tôn giáo hiện hữu tại địa cầu nầy đã mất
quyền. Ðiều đó quyết hẳn vậy ! Thiên hạ tinh thần đã loạn mà không ai cầm quyền
điều khiển nên tư do sát hại lẫn nhau. Chí Tôn đến, đến đặng cứu con cái của
Người.
Người đã làm thế nào ? Chẳng có lạ chi. Người chỉ
tăng cường đạo đức làm giềng mối cho tâm lý loài người đặng bảo tồn sanh mạng
cho cả nhơn loại với phép duy tâm thì Ðời mới tồn tại.
Ngài luận tới đó, Bần Ðạo nói:
"Than
ôi ! Ðạo Cao Ðài đã hai mươi ba năm mà còn lẩn quẩn trong nội địa Việt Nam, có
đâu đủ đảm lực ra toàn cầu đặng độ rỗi nhơn sanh, e đặc phận ấy quyết định con
đường của Ðạo còn dài, còn sơ cấp tương lai vận mạng loài người đương cấp bách,
làm thế nào chuyển thế cho kịp đặng hoàn tất cả đảm nhiệm thiêng liêng của
mình."
Ngài trả lời một câu rất hữu duyên, chúng ta không
thể tưởng tượng được. Ngài nói rằng :
"
Cái nhà máy xay, vốn nó không cấy, không gặt mà nó vẫn có gạo cho ra toàn nhơn
sanh ăn; Ðạo Cao Ðài không ra khỏi nước mà có thể làm phận sự trọn vẹn
đặng."
Bần Ðạo hỏi câu ấy có ý nghĩa thế nào ? Ngài đáp:
"
Mối chơn truyền của Ðức Chí Tôn đem Ðạo đến tại thế là mối dây liên lạc tương
quan cùng các tôn giáo trên thế giới, đương nhiên cầm quyền nhơn loại bởi không
có giềng mối kết liên với nhau thành ra chia rẽ, phân biệt trắng đen hơn thiệt.
Trận giặc tôn giáo trên địa cầu hiện giờ ta thấy tại Ấn Ðộ và Palestine có thể
nào làm cho các tôn giáo hiệp đồng tâm đức đặng chăng. Duy có năng lực của Chí
Tôn tạo thành mối dây liên hệ các tôn giáo cùng nhau đó thôi."
Bần Ðạo vấn nữa :
"
Thảng các tôn giáo ấy Chí Tôn đem dung hòa đặng họ tương hội cùng nhau, mà họ
không nghe, thì ta mới làm sao ?"
Ngài nói :
"
Dầu đương nhiên họ không nghe, nhơn sanh sẽ biết điều trọng yếu ấy mà đòi hỏi
thì họ phải chịu, chừng ấy nhơn sanh buộc hiệp, phải hiệp, bằng chẳng vậy họ sẽ
tự diệt lấy họ."
Ấy
vậy, Ðức Chí Tôn định cho Hộ Pháp cầm quyền hai Ðài, tức Thiên Ðiều quyết định
Ðạo phải làm chủ của Ðời, oai quyền ấy sẽ cứu Ðời khỏi tận diệt. Vì cớ Ngài nói
Thiên Ðiều trong tay Bần Ðạo là vậy đó. (Thuyết Ðạo QII / tr85)
* * *
5. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền
Thánh.
Ngày 15 tháng 5 năm Tân Mão ( 1951 ).
Bí pháp của Ðức Chí Tôn.
Trước Bần Ðạo đã hứa
kỳ nầy giảng về Bí Pháp, ấy là một điều giảng rất khó khăn, Bần Ðạo lấy cả tinh
túy của nó thuyết ra đây, chẳng phải đứng nơi tòa giảng nầy mà thuyết cho đủ
được. Nếu như không có điều gì trở ngại về bí quyết, Bần Ðạo thuyết minh cho
toàn thể con cái Ðức Chí Tôn thấu đáo, hiểu cho tận tường cái bí pháp Ðức Chí
Tôn đến trong thời kỳ nầy để trong nền chơn giáo của Ngài.
Ấy vậy, Bần Ðạo có một
điều mơ mộng tìm phương trụ cả đức tin con cái của Ngài, nam nữ, đặng cái đức tin ấy làm một
ngọn huệ quang Thiêng Liêng nó dìu dắt Thánh
Thể của Ngài trong con đường Thiêng Liêng Hằng Sống tức nhiên con đường giải
thoát.
Bí Pháp là gì ? Là những cái hình trạng của Ðạo về hữu hình, tức
nhiên hình trạng của Hội Thánh, tức là hình trạng của Thánh Thể Ðức Chí Tôn tại
mặt thế nầy. Là quyền năng điều khiển càn khôn vũ trụ tức là quyền năng vô đối
của Ðức Chí Tôn đã cầm nơi tay, Ngài đến cùng con cái của Ngài, đặng Ngài ban
cho một quyền hành đủ phương pháp, đủ quyền năng tự giải thoát lấy mình.
Tiên Nho chúng ta có
trạng tả một điều vô hình, để tả ra một hình trạng hữu vi, nó vô tướng mà nó hữu lý làm sao
đâu. Tiên Nho gọi chúng ta là khách trần, gọi mặt thế gian, tức là mặt địa cầu
68 nầy là "Quán tục". Ta là khách, cõi trần nầy là quán,
nó hay làm sao đâu, không lấy tỉ thí gì minh bạch chơn chánh hơn tỉ thí đó.
Chúng ta thử nghĩ toàn cơ quan huyền diệu vô biên
Ðức Chí Tôn đào tạo trong càn khôn vũ trụ và vạn vật hữu hình, chúng ta có thể
quan sát trước mắt chúng ta đây, chúng ta thấy đều do khuôn luật thiên nhiên
tương đối mà ra, hễ có khuôn luật tương đối tức nhiên nó phải có đối cảnh. Bởi
khuôn luật tạo ra hình, hễ có hình thì có cảnh, hễ có khuôn luật tương đối tức
nhiên phải có đối cảnh, tức nhiên có hình thì có bóng, vô bóng tức nhiên vô
hình.
Chúng ta thử nghĩ luật tương đối, chúng ta lấy điều
đơn sơ quan sát chúng ta thấy sống trong giấc ngủ và chúng ta sống trong khi
thức, ngủ là sống với vạn linh, thức là
sống với vạn vật. Chúng ta quan sát được hai đối cảnh sống với khuôn luật
càn khôn vũ trụ kia cũng vậy không có gì khác, có cảnh sống có cảnh chết, sống
chúng ta thể nào chết chúng ta thể nấy, không có chi lạ. Sống chúng ta là khách
của quán tục nầy, ta chết tức nhiên ta trở về quê tổ, tức nhiên ta nhập trong
cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống chớ không có chi lạ.
Bây giờ hai hình trạng ấy chúng ta thử nghĩ nó có
liên quan mật thiết với chúng ta thể nào ? Ðơn sơ chúng ta nên lấy tỉ thí một
cách khoa học là khi chúng ta thức mơ vọng điều gì, làm điều gì cái năng lực
trong hành tàng thường thức của chúng ta, trong giấc ngủ chúng ta nằm mộng mơ
nói tầm xàm làm đối cảnh của nó, đối buổi thức tức nhiên buổi sống ấy vậy. Thức
ngủ là trong khuôn luật sống chết, cái sống phải có cái chết, hành tàng của cái
sống chúng ta thể nào thì buổi chết của chúng ta nó cũng hiện tượng ra nguyên
vẹn, ấy vậy không có điều gì lạ hết.
Bây giờ luận về phần Thiêng Liêng, tức nhiên phần
linh hồn của chúng ta. Bần Ðạo nói mỗi cá nhân con cái Ðức Chí Tôn đều có phẩm
vị của họ có từ thử đến giờ, khuôn luật vẫn có một mà thôi. Chúng ta thấy trong
bí pháp của Phật Tổ, Ngài đạt đặng bí pháp, Ngài để khuôn luật giải thoát.
Chúng ta đã thấy tại sao người khác Ðức Chí Tôn không để "Tam Diệu Ðề" tức nhiên Lão, Bịnh, Tử trước mắt đặng lãnh
giáo, Ngài lại để cho Ðức Phật Thích Ca thấy Tam Diệu Ðề, khi Ðức Phật Thích Ca
thấy Tam Diệu Ðề, Ngài mới thêm một đề Sanh nữa là Tứ Diệu Ðề: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Ðức Phật Thích Ca
nhờ bí pháp của Ðức Chí Tôn để trước mặt Ngài mà Ngài đạt được cơ quan giải
thoát, có chi đâu. Muốn tránh Tứ Diệu Ðề tức nhiên tứ khổ thì đừng gây Nhân, có Nhân tức có Quả, muốn
tránh Sanh Lão Bịnh Tử thì phải diệt cho hết Quả, lẽ dĩ nhiên đó vậy. Bí Pháp
Ðức Chí Tôn đã cho Phật Thích Ca thế nào, Ðức Chí Tôn cũng có thể cho con cái
của Ngài mỗi đứa để tự giải thoát lấy mình.
Nếu Ðức Lão
Tử không làm Thượng Thơ Tịch vô đại thơ phòng nhà Châu, nếu Ngài không vô
thư viện nhà Châu lật Bát Quái Ðồ của Phục Hi để lại, chưa chắc rằng Ngài đã
đoạt pháp, Ngài ngồi tìm tòi coi Bát Quái Ðồ để trong thư viện nhà Châu, tức
nhiên Bí Pháp của Ðức Chí Tôn dành để cho Lão Tử. Khi Ngài đã đạt được Bát Quái
Ðồ rồi, Ngài được trở nên vị Giáo Chủ danh vọng đến đời nay.
Bây giờ tới Ðức
Chúa Jésus, vị Giáo Chủ danh vọng đương buổi nầy, gồm cả vạn quốc các dân
tộc Âu Châu trong khuôn khổ đạo đức của Ngài, nếu không có 40 ngày Ngài đã ra
đồng sa mạc thiền định, Ðức Chí Tôn không đến cùng Ngài và không bị quỉ cám dỗ
thì Bí Pháp của Ngài không hiện tượng ra được.
Bây giờ đến Khổng
Phu Tử, nếu Ngài không có khổ về nhơn đạo của Ngài và xã hội của Ngài giặc
giã can qua, bởi Ngài sanh ra gặp buổi loạn ly đời Ðông Châu Liệt Quốc, nếu
Ngài không có khổ về công danh của Ngài cho đến đỗi và nếu Ngài không khổ về
tinh thần của Ngài vì hiếu, thì chắc tinh thần của Ngài chưa ngó toàn thể các
sắc dân, tức nhiên đồng chủng đồng bào của Ngài, thì tôi tưởng Ðạo Nho của Ngài
chưa xuất hiện.
Nếu Ðức Chí Tôn không để Thánh Thể của Ngài xuống 60 năm trước ngày mở Ðạo, không phải ngày
nay Ngài không sai các chơn linh xuống thế, không tạo hình ảnh Cửu Thiên Khai
Hóa, Ngài không mở rộng cửa Bạch Ngọc Kinh tại thế gian nầy thì dám chắc nền
chơn giáo của Ngài chưa hiện tượng.
Huyền diệu thay nền chơn giáo của Ngài ! Lấy cả
quyền năng vô biên Ngài làm Thể Pháp, Bí Pháp của Ngài, Ngài lấy căn bản vạn
linh, Ngài tạo nên đặng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật trên mặt thế gian nầy.
Ấy vậy Bần Ðạo nói, nơi cửa Tịnh Thất chúng ta có
thể nói rằng :
Nơi chúng ta đưa bạn chúng ta đi cũng là cửa rước
bạn chúng ta đến. Bí Pháp ấy càng ngày con cái Ðức Chí Tôn càng ngó thấy, vì
mới mở nên hình trạng chưa có rõ, chớ hoàn thành rồi con cái Ðức Chí Tôn sẽ ngó
thấy đối tượng Thiêng Liêng của nó thế nào, phải để đức tin vững vàng nơi Thánh
Thể Ðức Chí Tôn cho cường liệt, Ðức Chí Tôn mới xoay chuyển xã hội nhơn quần và
tạo hạnh phúc cho xã hội nhơn quần được. (Thuyết Ðạo QIV / tr 35)
* * *
6. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm 1 tháng 6 năm Tân Mão ( 1951 ).
Bí pháp của Ðức Chí Tôn (tiếp theo)
Bần Ðạo hứa mỗi kỳ đàn
thuyết về Bí Pháp. Tại sao Bần Ðạo
phải thuyết minh về Bí Pháp ? Ðáng lẽ theo cổ truyền Bí Pháp là huyền bí không
thể gì truyền một cách rõ ràng được, nhưng đối với Ðạo Cao Ðài tức nhiên đối
với nền chơn giáo của Ðức Chí Tôn nó không phải như trước, Ðức Chí Tôn
đã nói rõ ràng rằng:
Ngài đến cốt yếu để
diệt trừ mê tín mà hại thay từ trước đến giờ các đạo giáo nếu quả nhiên có mê tín là
do Bí Pháp hơn hết.
Thể
pháp của Ðạo Cao Ðài là một trường công quả của chúng ta, trường công quả ấy để
cho chúng ta lập đức, lập công và lập ngôn. Còn Bí Pháp chơn truyền Ðức Chí Tôn
tức nhiên cơ quan huyền bí để cho con cái của Ngài siêu thoát.
Nói về Thể
Pháp, chúng ta hân hạnh làm sao, muốn cho chúng ta lập đức, chính mình Ðức
Chí Tôn cho chúng ta mượn danh thể của Ngài, chúng ta đã làm Thánh Thể của Ngài
nơi mặt thế nầy. Ôi ! Quyền lực về phương pháp lập đức đối lại với cảnh Thiêng
Liêng là mua ngôi vị của chúng ta đó vậy.
Lập
công là Ngài đã tạo hình thể của Ngài tức nhiên Ðền Thánh, đó là Ðền Thờ hữu
hình của Ngài để tại mặt thế nầy, chúng ta phải lập công với sanh chúng tức
nhiên lập công cùng con cái của Ngài. Ngài để cho chúng ta lập công chớ không
phải làm nô lệ cho ai tất cả. Chúng ta thấy Ngài phụng sự cho con cái của Ngài,
chúng ta lập công là tạo danh thể của Ngài, do lập công mà ra.
Bây giờ lập ngôn, chính mình Ngài, Ngài phải làm,
cầm cây cơ bút viết dạy chúng ta từ lời nói việc làm, từ tánh đức, từ đạo lý.
Còn ngôn, có ngôn gì hơn Ngài nữa để cả thảy các thể pháp đặng chúng ta định vị
chúng ta, chính tay Ngài cho chúng ta mượn cả thảy.
Bí
Pháp là điều trọng yếu hơn hết, nếu không phải chúng ta cầu nơi quyền năng vô
biên của Ngài đặng đạt cơ siêu thoát thì dám chắc rằng dầu Thánh Thể của Ngài
hay con cái yêu dấu của Ngài nam nữ cũng vậy, thì giờ phút nầy không có ai ngồi
đây trong cửa Ðạo Cao Ðài nầy, chúng ta vì một kiếp sanh thọ khổ Tứ Diệu Ðề,
chúng ta chỉ mơ ước một điều là đạt đặng huyền linh bí pháp, trước khi thực
hiện đặng bí pháp, chúng ta phải có một đức tin mạnh mẽ, đức tin ấy phải đủ
năng lực trong tinh thần của Hội Thánh.
Muốn có đức tin vững chắc thì chúng ta phải có đức
tự tín, có tự tín rồi mới đạt đặng Thiên tính, tức nhiên đạt đặng Ðạo tín của
chúng ta.
Muốn
thấu đáo và muốn đạt cho đặng tự tín, chúng ta phải tự biết chúng ta, rồi ta
mới biết địa vị đứng trong hoàn vũ nầy đương đầu với vạn linh, ngôi vị ở trong
hàng phẩm nào, chúng ta phải biết ta ở đâu mà đến, chúng ta mới hiểu con đường
chúng ta sẽ về, bí pháp sẽ dìu dẫn chúng ta đi trên con đường ấy.
Cả tinh thần nhơn loại hoang mang giờ phút nầy họ
chưa hiểu họ là gì ? Bần Ðạo chỉ cười có một điều là trí thức tinh thần con
người đã đến địa vị cao trọng, cái hay biết của họ giờ phút nầy Bần Ðạo quả
quyết rằng, họ đã tạo nhiều rồi, bằng cớ là ở thư viện tại New York (Nữu Ước )
chứa 2 triệu 2 trăm ngàn quyển sách, chúng ta thử nghĩ kiếp sống của chúng ta
có ba vạn sáu ngàn ngày, chúng ta muốn đọc cho hết sách ấy ít nữa bảy trăm năm,
mỗi ngày chúng ta giỏi đọc một quyển.
Ôi ! cho cái hay biết của con người còn gì luận
nữa, biết thật, giỏi thật, nhưng có một điều là họ chưa biết họ, con người chưa
biết con người do đâu mà có. Giờ phút nầy dầu văn minh cực điểm, trí thức quá
cao trọng mà họ chưa biết họ là gì hết. Sự thật vậy, bởi họ không biết họ cho
nên sản xuất ra thuyết duy vật và duy tâm đang hy vọng lấy vật lý học họ tìm
con người, nhứt hơn hết là họ tìm căn nguyên con người, họ lấy theo vật lý học
họ nói con người là con vật, họ nói con vật nầy nó cũng đồng sống như vạn vật
kia, họ tiềm tàng vật lý học họ nói bổn căn con người do hai tinh trùng của nam
nữ là nam tinh trùng và nữ tinh trùng, hai con tinh trùng ấy khi nam nữ giao
cấu với nhau, hai con tinh trùng hiệp với nhau sanh ra con người, nó là con
sâu, nguyên nhân nó là con tinh trùng, hai con ấy hợp lại với nhau, tinh trùng
nam là cốt, tinh trùng nữ là nhục, hai con đó hiệp lại với nhau thành cục huyết
đỏ rồi lần lần mọc đầu, mọc tay biến ra thành nhơn hình. Con thú gì trước kia
cũng bởi do hai con tinh trùng ấy nó hợp với nhau rồi biến ra hình tượng của nó
vậy. Bây giờ Ðạo cũng nhìn con người là con vật, nhưng lúc nó biến ra nhơn
hình, quyền năng nào biểu nó biến, do quyền năng nào cho phép nó biến, họ lấy
vật lý học nói tầm xàm, kẻ muốn tìm sự thật đem chơn lý đánh đổ tinh thần mà
chơn lý của họ là chơn lý mộng ảo.
Chính Bần Ðạo cũng nhìn sự thật chúng ta là con
vật, Bần Ðạo biết rằng nơi mặt địa cầu nầy trước kia tượng hình ra nó là cây,
điều động có rể, có máu, bắt đầu lần lần mọc lên cái đầu, hai cái tay, hai cái
chân biến hình ra con dã nhơn, lần lần biết đi như con khỉ vậy. Mà lạ chướng
hơn hết lúc biến thân ra nó, cái linh cái sống của nó thế nào chúng ta không
biết, hồi thời buổi nó tượng nhơn hình của nó rồi, hỏi vậy cái sống của nó ở
đâu ? Ai cho mà có, và cái linh ở đâu mà có ? Ðạo giáo chúng ta có chối rằng
thi hài chúng ta không phải là con vật đâu. Chính Ðạo giáo nhà Phật có nói con
người chúng ta là con kỵ vật để cho vạn linh cỡi nó đi đường từ mặt địa cầu nầy
qua mặt địa cầu khác, mà con thú ấy là người của ta, mà người cỡi thú ấy là
Phật, tức nhiên cái linh của chúng ta đó vậy.
Bây giờ không phải thi hài nầy siêu thoát được, thú
là thú, sanh ra tại thổ huờn tại thổ, còn người cỡi nó là Phật cho nên không có
quyền năng nào giam hãm hay trói lại được, Phật ấy mới thật là con cái của Ðức
Chí Tôn, chính mình con thú vật lý học đã nói, con thú có người cỡi, mà người
cỡi ấy là Phật là con đẻ của Ðức Chí Tôn.
Ấy
vậy cơ quan siêu thoát là Phật siêu thoát chớ không phải con thú nầy siêu thoát
được.
Kỳ
tới Bần Ðạo sẽ thuyết cái sống của con người đối với vạn linh nơi mặt địa cầu
nầy. (Thuyết Ðạo QIV / tr 38)
* * *
7. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Long
Hoa Thị.
Ngày 5 tháng 6 năm Tân Mão ( 1951 ).
Ðức Hộ-Pháp Ban Phép Lành & Trấn Thần Chợ Long Hoa.
Cái cơ chuyển thế đã đến ngày
hiệp nhứt Ðạo giáo, khiến toàn thể con cái Ðức Chí Tôn lo quay về một mối sống
dưới
lá cờ nhân nghĩa của Ðạo Cao Ðài, càng ngày nhơn sanh qui tụ càng đông,
vì thế nguồn sanh sống càng bị bóp nghẹt, nên Bần Ðạo cho lập gấp cái chợ
nầy để tạo lại một nguồn sanh sống dễ dàng cho nhơn sanh.
Ngày giờ nầy, tuy là nhìn thấy cái chợ thô sơ,
nhưng rồi đây nó sẽ bành trướng rộng rãi hơn, long trọng hơn mà chắc chắn con
cái Ðức Chí Tôn không bao giờ ngờ như thế, nhưng Bần Ðạo dám quả quyết nó phải
có và nhứt định có, vì cái cơ chuyển thế và huyền diệu Thiêng Liêng của Ðức Chí
Tôn đã định vậy. (Thuyết Ðạo Q.IV / tr 41)
* * *
8. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo - Ðêm 14 tháng 12
năm Canh Dần ( 1950 )
Trấn
pháp nơi Trí Huệ Cung.
Ngày mai nầy Trấn Pháp Thiên Hỉ Ðộng Trí Huệ Cung.
Bần Ðạo lấy làm mừng đã làm tròn phận sự đặc biệt của Bần Ðạo. Từ thử đến giờ
Bần Ðạo đã nhiều phen giảng giải về hình thể Ðức Chí Tôn.
Bần Ðạo đã gánh vác về thể pháp Cửu Trùng Ðài, tạo
nghiệp cho Ðạo là làm giùm cho thiên hạ chớ không phải phận sự của Bần Ðạo.
Ngày nay là ngày vui mừng của Bần Ðạo hơn hết là Bần Ðạo còn sức khỏe đầy đủ
cầm Bí Pháp của Ðức Chí Tôn đã giao phó,
ấy là phận sự đặc biệt của Bần Ðạo đó vậy.
Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa nầy cốt để rước cửu nhị ức
nguyên nhân là bạn chí thân của Người đã bị đọa lạc nơi hồng trần không phương
giải thoát, muốn rước các bạn chí thân của Bần Ðạo, Ðức Chí Tôn buộc phải lấy
Pháp Giới tận độ chúng sanh.
Hôm nay là ngày mở cửa Thiêng Liêng và đưa nơi tay
các Ðấng nguyên nhân ấy là một quyền năng đặng tự giải thoát lấy mình, hai món
Bí Pháp ấy là :
1. /
Long Tu Phiến của Ðức Cao Thượng Phẩm để lại.
2. /
Kim Tiên của Bần Ðạo. Hiệp với ba vòng Vô Vi, tức nhiên là Diệu Quang Tam Giáo hay là hình trạng
càn khôn vũ trụ, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ
Quang Khiếu của chúng ta đó vậy.
KIM TIÊN là gì ? Là tượng hình ảnh điển lực điều
khiển càn khôn vũ trụ mà chính nơi đó là điển lực tức nhiên là sanh lực đó vậy.
Với nó mới có thể mở Ðệ Bát Khiếu, trong thân thể con người có Thất Khiếu và
còn có một khiếu vô hình là Huệ Quang Khiếu, vì nó (Kim Tiên) là điển lực, nên
nó mở khiếu ấy mới được.
Nói rõ con người có ngũ quan hữu tướng và lục quang vô hình mà phải nhờ cây Kim Tiên ấy
mới có đủ quyền hành mở lục quang của mình đặng.
LONG
TU PHIẾN có thể vận chuyển càn khôn vũ trụ, do nguơn khí đào độn sanh ra đó vậy. Nó
có quyền đào độn nguơn khí, thâu hoạch nguơn khí để trong sanh lực.
Con người nắm được điều ấy là kẻ đắc Pháp, nhờ nó
mới có thể luyện TINH hóa KHÍ, luyện KHÍ hóa THẦN được.
Ấy
là Bí Pháp trấn tại Thiên Hỉ Ðộng Trí Huệ Cung. Toàn thể ngó thấy không có gì
hết, mà trong đó có quyền Pháp vô biên, vô giới. Giải thoát đặng cùng chăng là
do bao nhiêu đó. (Thuyết Ðạo QIII / tr117)
* * *
9. -
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm
30 tháng 12 năm Tân Mão ( 1952 ) .
Lễ Giao Thừa cuối năm Tân Mão - Ðầu năm Nhâm Thìn.
Bí pháp ban phép lành.
Ðêm nay là đêm giao
thừa, cuối năm Tân Mão bước qua đầu năm Nhâm Thìn. Bần Ðạo nhớ lại năm
Bính Dần, Ðức Chí Tôn đến mở Ðạo, làm lễ Khai Ðạo nhằm ngày 15 tháng 10 năm
Bính Dần, tới năm Ðinh Mão, tức nhiên cũng giờ giao thừa nầy, Ðức Cao Thượng Phẩm và Bần Ðạo phò
loan, Ðức Chí Tôn đến kêu toàn thể con cái của Ngài nam nữ, lớn nhỏ dặn rằng:
- Hễ Thầy đưa cái cơ lên, các con chun ngang qua đặng. Thầy ban ơn cho nghe
!
Rồi Ngài xách Bần Ðạo
và Cao Thượng Phẩm đứng dậy ra giữa Thiên Bàn đưa cơ lên, cả con cái của Ngài đều
chun ngang qua, Ngài đã làm một tấn tuồng cảm mến mà chỉ có cây cơ không mà thôi,
Tấn tuồng ấy làm Bần Ðạo cảm xúc quá lẽ. Hễ mỗi người chun ngang qua cái cơ
làm như thể được vuốt ve mơn trớn vậy. Hạnh phúc thay cho những người ngộ Ðạo
đã được một đặc ân đặc biệt ấy. Tiếc thay lúc đó con cái của Ngài không đông
nhiều như bây giờ. Bần Ðạo tiếc chớ phải chi cả thảy toàn thể con cái của Ngài
hôm nay được Ngài ban ơn như thế ấy, chỉ nghĩa với một phương pháp cụ thể hữu
hình của Ngài, tỏ cái tình thương yêu vô tận.
Tuy vẫn biết và Bần Ðạo dám quả quyết rằng: Giờ phút nầy Ðại Từ Phụ đã chung ở với
chúng ta. Ấy vậy toàn thể con cái của Ngài định tâm cầu nguyện đặng cho
Ngài ban ơn ( toàn thể đều thành tâm cầu nguyện ).
Một ông cha thương yêu vô tận, hạnh phúc cho chúng
ta đã sanh ra lại ngộ Ðạo, Ðấng đã cầm cả càn khôn vũ trụ nơi tay, làm Chúa cả
cái sống cái chết của càn khôn vũ trụ đến chung ở với chúng ta, cái hạnh phúc
ấy, cái vinh diệu ấy còn chi hơn nữa. Bởi thế cho nên khi Ngài đến cầm cây linh
bút đặng mở chơn truyền của Ngài, những kẻ phàm tâm kia lấy làm lạ lùng, không
có thể tưởng tượng đặng và không có thể tin đặng. Ôi ! Một trường ngôn luận
buổi nọ biết bao nhiêu kẻ chê bai, khinh rẻ là thế nào. Trong một bài thơ Ngài
than như vầy :
" Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy. "
Thật vậy, Ngài quá thương con cái mới ra nông nỗi
đó, tưởng lòng thương yêu vô tận ấy không thể gì ta tưởng tượng đặng, không thể
gì chúng ta biết đặng cái giá trị nồng nàn yêu ái vô biên vô tận ấy, chỉ vì
'thương con dại mới ra vầy' câu ấy nồng nàn thấm thúy đau đớn làm sao, câu nói
đó là vì thương con dại của Ngài, mà toàn thể anh em chúng ta có hiểu cái tiếng
dại ấy là thế nào không ?
Bần Ðạo xin nhắc lại lời nói của Ðức Chúa Jésus
Christ đã nói, hạnh phúc thay cho những kẻ khờ khạo, vì nó được quyền năng của
ông Cha Thiêng Liêng kia binh vực nó, hồi nó sống đây nó dại khờ, nhưng không
phải cái dại ấy mà nó cô độc, bởi vì nó còn ông Cha oai quyền vô tận vô biên,
Ông thay thế cái khôn cho nó. Hạnh phúc thay cho những kẻ yếu hèn, những kẻ yếu
hèn với những người sang cả, khi trở về cùng Cha của họ nơi nước Hằng Sống của
Ðức Chí Tôn đã dành để cho con cái đau khổ của Ngài, cái giá trị vẫn khác. Khốn
khổ thay những kẻ miệt sát kẻ yếu hèn, khốn khổ thay cho những kẻ áp bức, hiếp
đáp những người cô thế, trẻ con, góa bụa, tật nguyền, bởi vì nó miệt sát nhục
mạ con cái của Ngài tức là nhục mạ Ðấng tạo đoan, như vậy là còn tội tình nào
lớn hơn điều ấy. Nếu quả nhiên sắp con của Ngài phải chịu hèn hạ khổ não, ngu
khờ là tại Ngài muốn vậy, Ngài muốn dành để cái oai quyền binh vực của Ngài cho
chúng nó.
Ấy vậy muốn tránh khỏi chỉ có một điều mà thôi, phải thương yêu con cái của Ngài được như
Ngài vậy, nếu được cái tình thương yêu vô tận tại thế nầy, được cái tình
thâm yêu ái vô biên ấy là một kiếp sanh hạnh phúc của chúng ta hơn hết. Cả thảy
đều tịnh tâm cầu nguyện Bần Ðạo ban phước lành ( Ðức Hộ Pháp ban phước lành ).
Sang cả nơi mặt thế gian nầy, Bần Ðạo nói ngày
chúng ta qui rồi với một cái hòm, với một khoảnh đất, với một cái lổ mà thôi.
Sang trọng vinh hiển mà làm gì ? Giàu có mà làm gì ? Phải kiếm món quí báu hơn nữa là kiếm cái quyền Thiêng Liêng Hằng Sống
của mình đấy. (Thuyết Ðạo QIV / tr 97)
* * *
10. -
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh .
Ðêm
30 tháng 12 năm Nhâm Thìn ( 1953 ).
Lễ Rước Chư
Thánh Ðáo Tân Niên..
Ban phép lành đầu năm Quí Tỵ.
Thưa chư chức sắc Thiên
Phong và toàn cả con cái của Ðức Chí Tôn nam nữ, xin ngồi chỉnh tề tịnh tâm
đặng Bần Ðạo dâng Thần cho Ðức Chí Tôn đến Ban Phép Lành cho toàn thể (ngồi
xuống hết sau khi Ban Phép Lành).
Bần Ðạo nhắc lại, khi
Ðức Chí Tôn đến mở Ðạo năm Bính Dần tại chùa Gò Kén, đêm giao thừa 30 tháng
chạp Bính Dần, sáng ngày mồng 1 Ðinh Mão. Ðức Chí Tôn giáng cho Bần Ðạo và Ðức
Cao Thượng Phẩm bảo đứng dậy giơ cần Cơ ra ngay chính giữa, dặn các con cái Ðức Chí Tôn
mỗi người phải chun ngang qua cần Cơ đó. Cái ơn Thiêng Liêng ấy không người nào
mà Ðức Chí Tôn không có ban cho. Con cái của Ngài giờ phút nầy cũng vậy.
Mỗi năm đêm nay là đêm trọng hệ hơn hết. Bần Ðạo
dám chắc và quả quyết giờ phút nầy là giờ phút tối yếu tối trọng hơn tất cả. Vì
cớ cho nên Bần Ðạo dâng Thần cho Ðức Chí Tôn đặng Ngài lấy hình thể hữu vi ấy mà ban ơn cho con cái của Ngài.
Bần Ðạo có giảng "Tam Bửu" đã nhiều phen rồi, cái Bí Pháp huyền diệu vô
biên ấy nếu toàn thể con cái của Ngài dầu cho đứng trong phần tử Thánh Thể của
Ngài lớn nhỏ cũng vậy, toàn cả con cái của Ngài, tức nhiên Thánh Thể của Ngài
tại thế nấy đó vậy.
Nếu cả thảy khi dâng "Tinh" tức nhiên dâng cái xác thịt và cái sống của mình cho Ðức Chí Tôn, chỉ nhờ Ðức Chí Tôn ban
huyền diệu mới độ tận chúng sanh được, nếu cả thảy triệu người đều nhứt tâm
nhứt đức thì dầu cái thân hình và kiếp sống của mình có khổ sở thì cái Cơ Cứu
Khổ chẳng hề khi nào mà không làm được.
Tiếc thay con cái của Ngài chưa trọn tâm đức, nên
cơ giải khổ của nhơn loại chưa thực hiện đặng.
Nói về "Khí"
tức nhiên cả trí óc khôn ngoan của chúng ta, nếu toàn con cái của Ngài cứ lo
vật chất hữu hình, nào quyền lợi nào thân danh, dưới thế gian nầy nó đều là
mộng ảo, thì kiếp sống ấy là vô vị, chúng ta đã thấy câu "Mộng huyễn bào ảnh" nên Ðức Chí Tôn có nói: "Thiệt thì bỏ, giả vay nên nợ."
Cái tâm của mình đã bị cái hình xô đẩy vào con đường trụy lạc, thì không mong
gì thoát khỏi kiếp luân hồi của Ðức Chí Tôn đã định, vậy cả thảy dâng "Khí" tức là trí óc của mình
đó.
Bần Ðạo dám nói chắc: Cái thống khổ tâm hồn con
người nơi mặt thế gian nầy chúng ta có phương pháp, có quyền năng an ủi được.
Bần Ðạo nói thiệt chúng ta sống là do cái hồn mà sống, chớ cái xác là vật tạm
để chúng ta mượn đặng trả quả kiếp đó thôi. Còn các bạn của chúng ta nơi cõi
Thiêng Liêng Hằng Sống có hồn mà không xác là vì họ đã thoát kiếp trần rồi.
Bây giờ họ ở trên ấy, họ sẽ đến cái cơ Thiêng Liêng
vận chuyển pháp luân không cùng tận đó, rồi họ ở ngôi vị ấy chuyển luân mãi
mãi, còn nơi mặt địa cầu nầy các đẳng linh hồn đồng chung sống với nhơn loại,
nhưng chỉ cách nhau ở chỗ Vô Hình và Hữu Hình mà thôi.
Nếu toàn thể con cái Ðức Chí Tôn trụ hồn lại cả
thảy muôn triệu hay là một ngày kia toàn nơi mặt địa cầu nầy, mặt thế gian nầy
làm một thì cái khối quyền năng vạn linh của thiên hạ nơi mặt địa cầu nó sẽ
hiện tượng, mà có hiện tượng được là họ phải thọ khổ, thắng khổ, rồi giải khổ
thì mới mong đoạt vị được. Chừng ấy chẳng phải đại đồng thiên hạ mà thôi, lại
còn đại đồng tất cả càn khôn vũ trụ nữa mà chớ . (Thuyết Ðạo QV / tr 103)
* * *
11. -
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh.
Ðêm
mùng 1 tháng 1 năm Ất Mùi (24-1- 1955).
Ban
phép lành năm Ất Mùi.
Ðêm nay đêm giao thừa Năm Ất Mùi. Cũng như các năm trước,
Bần Ðạo đã nhớ Ðức Chí Tôn khi mở Ðạo ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần tại chùa Từ
Lâm Tự ( Gò Kén ) qua đầu năm Ðinh Mão cũng giờ nầy, cũng đêm nay, khi hầu đàn
rồi phò loan Ðức Chí Tôn, Ngài biểu cả thảy con cái của Ngài hiện diện nơi đó ra :
"
Thầy đưa Cơ lên các con chun ngang qua Cơ Thầy Ban Phép Lành cho các con."
Ðức Cao Thượng Phẩm và Bần Ðạo bị Ðức Chí Tôn xách
đứng lên ra ngay giữa Ðại điện đưa cần Cơ lên cho cả thảy con cái của Ngài nam
nữ chun ngang qua.
Bần Ðạo vâng mạng lịnh của Ðức Chí Tôn, đêm nay Bần
Ðạo Ban Phép Lành cho toàn cả con cái của Ngài nam nữ. Cả thảy cầu nguyện Ðức
Chí Tôn chan rưới ' Hồng Ân Thiêng Liêng'. Hồng Ân của Ngài rải khắp cho con
cái nam nữ. (Thuyết Ðạo QVI / tr247)
* * *
12. -
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Ðêm mùng 1 tháng 4 năm Quí Tỵ ( 1953 ).
Bí pháp tịnh luyện.
Bần Ðạo mới về hội đàm
với Ðức Cao Thượng Phẩm bàn luận cùng nhau về vấn đề Tịnh Thất, nhưng Ngài không có nói rõ, đại ý nói
: Chờ ngày Lễ Vía Ðức Phật Mẫu tức nhiên Lễ Trung Thu tới đây Ðức Phật Mẫu sẽ
giáng đặng dạy bảo cái thắc mắc cho Bần Ðạo.
Về việc lập Tịnh Thất
cho phái nữ mới xong là "Trí Huệ
Cung" còn "Vạn Pháp Cung"
là Tịnh Thất của phái nam chưa làm đặng vì làm ở trên núi, mà trên núi buổi nầy không thể
nào tạo đặng, theo ý Ngài đã định và Ngài nói: Hiện giờ đã có tạo xong "Trí Giác Cung" rồi có thể mượn "Trí
Giác Cung" để cho phái nữ
tới đó cho Ðức Phật Mẫu đến đặng giảng dạy và luận về vấn đề Tịnh Thất.
Hôm nay Bần Ðạo thuyết
minh cái Bí Pháp, tức nhiên cái Bí Pháp
Tịnh Luyện và khuôn luật tấn hóa tạo đoan của con cái Chí Tôn, đối với cơ
huyền bí ấy Ðức Chí Tôn đã đem đến cho chúng ta đặng cho chúng ta đoạt cơ tấn
hóa. Nhưng luật tấn hóa ấy Bần Ðạo đã có thuyết minh rồi thì các con cái Chí
Tôn có thể hiểu từ trong vạn vật cho đến phẩm vị loài người là các chơn linh phải
tiến tới mãi tức nhiên luật tấn hóa ấy nó buộc các linh hồn là từ vật chất đi cho đến
địa vị loài người.
Chúng ta đã thấy cái luật ấy mặc dầu có trong vạn
vật nhưng chúng ta có thể lấy cái thuyết kim thạch kia là từ đá sỏi có thể nó
đi đến một viên ngọc vô giá, chúng ta thấy cái phẩm vị của nó trong vật chất từ
từ tấn hóa là yếu trọng dường nào.
Bây giờ nói đến kim thử vô giá kia nó sẽ đi đến
bạch kim, cái giá trị đổi đặng cùng không là đều do nơi luật tấn hóa cả.
Giờ nói đến thảo mộc là cây, cỏ mà cỏ lan nó khác
hơn cỏ chạ, như cây dầu khác hơn cây vên vên, mà cây vên vên không thể gì so
sánh với cây tùng được.
Nói tới con người trong hạng tiểu nhơn chưa hề khi
nào đương đầu kịp với bậc trượng phu được. Cái tinh thần của kẻ tiểu nhơn không
bằng tinh thần của một vị siêu thoát. Nếu luận trong tứ hồn kia thì một vị Thần
chưa có thể gì so với một vị Phật được. Chúng ta đã thấy cái luật tấn hóa nó
đứng trước cái khuôn khổ ấy là nó từ từ nhi tiến mà thôi, không có phương nào
làm cho nó đứng lại một chỗ được.
Nói đến kiếp sanh của ta, ta chớ lầm cái chết là
một cái lớp, cái chết ấy là chúng ta bước lên con đường tiến triển đó vậy. Nếu
một kiếp sống mà chưa trọn thì sẽ thấy và biết lý do cái chết của ta như thế
nào ? Cái sống ấy không khác nào một anh học trò đứng giữa lớp kia để cho thiên
hạ khảo dượt, cũng như cái xác thân ta hiện giờ đang bị khảo dượt trong khuôn
khổ, đến lúc chết chúng ta mới biết đậu hay rớt, có đậu hay rớt là trong buổi
nầy.
Ấy vậy luật tấn hóa không có một linh hồn nào,
không một chơn linh nào mà qua khỏi trong cơ quan huyền bí đó.
Bây giờ nói đến cơ huyền bí của Chí Tôn, Ngài đã
đem đến trong buổi Khai Nguơn Chuyển Thế nầy, Ngài để hiệu là "Tam Kỳ Phổ Ðộ" Chúng ta biết
Ngài đến đặng Ðại Ân Xá cho con cái
của Ngài, Bần Ðạo nói: Nếu như Ngài
không có lãnh trọn quyền nơi Bạch Ngọc Kinh là Ðức Chí Tôn tức nhiên Ðại Từ
Phụ, Ngài không nắm trọn quyền vô đối ấy thì cơ quan huyền bí chưa chắc Ngài
trọn quyền ân xá cho con cái của Ngài được.
Vì cớ cho nên Kinh Phật có nói: "Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ"
chúng ta mới ngộ Ðạo mà gặp Ðức Chí Tôn đem hồng ân của Ngài đại ân xá cho toàn
con cái của Ngài. Chúng ta được hưởng hồng ân ấy, chúng ta không thế nào luận
cho cùng tột được.
Cái huyền bí siêu thoát của Ðức Chí Tôn là Ngài đến
đặng lập Ðạo độ tận con cái của Ngài với khối quyền năng vô đối, cái quyền năng
vô biên của Ngài làm cho các con cái của Ngài không một người nào mà không có
Ðạo, Ngài làm cho con cái của Ngài nghe và thấy, nếu con cái của Ngài nương
theo phương pháp ấy thì chính Ngài phải làm sao ? Vì đó Ngài mới nói mà thôi.
Nếu con cái của Ngài biết cái bí ẩn đó đối với cơ quan huyền bí siêu thoát thế
nào thì sẽ biết đặng chơn tánh của chúng ta, Bần Ðạo dám chắc không có một chơn
linh nào hay một vị Phật nào làm đặng.
Nói về mặt luật tiến triển của các chơn linh, các
đẳng chơn hồn khác, nó đoạt được kiếp siêu thoát lại khác, tức nhiên chúng ta
muốn đoạt cơ siêu thoát đặng làm một vị Phật, nhưng không dễ gì ta đoạt được cơ
siêu thoát huyền bí ấy, phải hiểu điều ấy cho lắm.
Bởi cớ cho nên Bần Ðạo thuyết minh cái Bí Pháp tịnh
luyện là cốt yếu làm phương pháp mở huệ khiếu cho chúng ta, thật ra Ðức Phật Tổ
chỉ đoạt được có môt kiếp siêu thoát của Ngài mà thôi, mấy người đã đoạt được
vị Phật đều là ở trong cái huyền bí tịnh luyện để làm cho chúng ta sống đời,
sống trở lại ba kiếp trước, rồi nhờ kiếp trước ta có thể biết luật nhơn quả của
ta, rồi nhờ kiếp nầy có thể đem tương lai cho ta đoạt Phật vị ba kiếp trước
được. Ðoạt Bí Pháp ấy chúng ta mới có thể biết ta là ai, ta biết đường lối
chúng ta đi thế nào, ta có thể nói ta đoạt đặng cơ siêu thoát, chớ không phải
làm cơ siêu thoát đặng. Ðoạt cơ siêu thoát là một bằng cớ mở khiếu thông minh
cho chúng ta đó vậy.
Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu vị Ðại Tiên còn lẫn
lộn dưới hồng trần, biết bao nhiêu vị Phật còn mang thân phàm xác tục của họ
trước khi đoạt đặng huyền bí vô biên trong chốn tịnh luyện của họ, rồi bây giờ
họ dùng khiếu thông minh ấy họ tìm vào nguyên tử lực, nào phép thăng thiên, rốt
cuộc họ qua đời mà họ không đoạt được cơ siêu thoát của Chí Tôn đem đến cho họ,
tội nghiệp thay !
Nếu quả nhiên cái cơ huyền bí của cơ tịnh luyện đó
tức nhiên bí pháp ấy giúp họ siêu thoát đặng thì tội nghiệp cho Ðạo Lão Tử ra
đời chỉ độ có 2 ức nguyên nhân mà thôi, Ðức Phật Tổ cũng giáng sanh vì lẽ ấy mà
chỉ độ có 6 ức, còn 92 ức hiện nay họ còn ngồi yên tịnh tạo thêm những món độc
ác giết người. Hỏi trước kia họ đã làm gì ? mà cho họ đoạt được cơ siêu thoát
ấy ?
Nếu họ đoạt đặng thì tội nghiệp cho Ðức Chí Tôn
phải chịu khó nhọc nhục nhã trong buổi Hạ Nguơn nầy, Ngài đến cũng vì con cái
của Ngài, cũng vì quả kiếp của họ nên Ngài mới đến chỉ đường cho họ đoạt được
cơ siêu thoát, chớ đừng tưởng nói Tu cho chính là phải để râu ria xồm xàm mà
đạo đức huyền bí thì không có, họ cứ muốn thành Tiên hóa Phật nhưng họ không
biết cơ siêu thoát là gì ? Ðể đến một ngày kia vào Tịnh Thất rồi Bần Ðạo sẽ cho
họ thấy cái sự thật của cơ siêu thoát. (Thuyết Ðạo QV / tr123)
* * *
13. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo tại Ðền Thánh.
Ngày 15 tháng 1 năm Tân Mão ( 1951 ).
Ý nghĩa sự nhập tịnh 3 tháng của Ðức Hộ-Pháp
Kể từ 16 tháng giêng
năm Tân Mão, tức là ngày mai đây Bần Ðạo nhập vào Trí Huệ Cung.
Bần Ðạo đã nghe ngoài
đời đồn rất dị thường, Bần Ðạo lên giảng đài cốt để giải rõ nghĩa lý của Bần
Ðạo nhập Trí Huệ Cung.
Bần Ðạo xin cho cả thảy
con cái Ðức Chí Tôn biết rằng: Nền Ðạo
Cao Ðài Ðức Chí Tôn đến lập, do nơi chơn lý tối cao, chính mình Ðức Chí Ton đến
để diệt mê tín dị đoan, Ngài chỉ đem đến nền Ðạo chơn chánh nầy mà thôi.
Nó có hai quyền năng sở hữu của nó nơi mặt thế nầy,
cả hành tàng sống chết của nó đều chịu dưới hệ thống của hai quyền năng. Sống
về xác thịt của ta đây, có thời gian sống của nó, từ buổi sanh ra đến lớn lên,
đến già rồi chết, luật thiên nhiên ấy không ai qua khỏi, luật thiên nhiên có
giới hạn, có định luật chuẩn thằng cho kiếp sống của chúng ta, nơi mặt thế gian
nầy là hình thể, còn về mặt chơn linh của chúng ta, tức nhiên hồn của chúng ta
phải chịu hệ thống dưới quyền vi chủ của nó, mà người làm chủ nó không ai khác
hơn là Ðại Từ Phụ tức nhiên Thượng Ðế.
Nhơn loại mê tín dị đoan đã nhiều rồi, tinh thần
loài người đã bị gạt gẫm nhiều rồi, bởi thế không gạt được nữa. Chỉ có hai
quyền năng ấy, không còn có mặt luật nào khác hơn nữa, ta chỉ tùng hai quyền
năng ấy mà thôi, ngoài ra là giả dối.
Bần Ðạo vào Trí Huệ Cung tịnh luyện, điều ấy không
nói được Ðức Chí Tôn cho cùng không, chính Bần Ðạo cũng không biết được. Ngài
ban cho chúng ta cùng chăng là do hồng ân đặc biệt của Ngài mà thôi, ấy là lời
Bần Ðạo giải nghĩa về mê tín dị đoan cho toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy
vậy.
Bần Ðạo vào Trí Huệ Cung là do lẽ nhơn loại phạm
Thiên Ðiều, vì loài người quá dữ gây oan nghiệt nơi mặt địa cầu nầy đầy dẫy, vì
cớ, nếu không có tội tình ấy, Bần Ðạo dám quả quyết rằng : Chí Tôn không có đến
dạy hội hiệp con cái của Ngài lập cơ giải thoát tận độ con cái của Ngài bao
giờ. Ngài đến đây bởi tội tình của con cái Ngài không phương cứu rỗi, nên chính
mình Ngài phải đến.
Bằng cớ hiển nhiên chúng ta đã thấy, vạn quốc xô
nhau đến con đường tử lộ, bởi quả kiếp, họ chỉ biết cái sống của họ mà chẳng
biết cái sống của người khác, nhứt là bạn đồng sanh của chúng ta, để mắt coi họ
giết không biết bao nhiêu, giết đặng ăn, ăn đặng sống, sống đặng bao nhiêu
tuổi? Giỏi cho lắm kiếp sống của họ không quá tám mươi tuổi rồi chết, thử hỏi
như thế biểu sao không gây oan nghiệt tội tình quả kiếp.
Các tôn giáo hiện hữu, họ cố tìm phương cứu rỗi,
kiếm phương nầy không được họ tìm phương khác, cả toàn thể vạn quốc họ cũng bày
ra Vạn Quốc Thống Nhứt, đặng tìm giải pháp duy trì hòa bình, tìm một giải pháp
đặng tránh cho khỏi nạn tương tàn tương sát với nhau.
Ôi ! ỷ tài, ỷ tận, lấy trí khôn ngoan để tìm cái
chết. Cả quyền năng thiêng liêng kia đã ban cho họ, họ lại làm món lợi khí tận
diệt lấy họ. Ðó là bom nguyên tử, họ lấy cái khôn ngoan của họ tìm ra cái chết
chớ không phải tìm cái sống, coi mạng sống của mình không ra chi hết, không
biết đạo đức luân thường chi cả, không còn kể quả kiếp tội ác, như thế chết
cũng vừa.
Rồi họ lại tìm đủ cách để tránh tội, nhưng không
qua mặt luật Thiên Ðiều, Thiên Ðiều
kia họ không thể vi chủ nó được, vì nó là điều cầm sanh mạng của họ, chết hay
sống đều do mặt luật Thiên Ðiều mà thôi. Họ không tìm phương pháp nào để giải
quyết được hết.
Thử coi trong ba tháng Bần Ðạo quì gối dưới chân
Ðức Chí Tôn, khóc lóc thỉnh cầu nơi Ngài cứu thử sanh mạng loài người đặng
chăng cho biết, toàn thể con cái Ðức Chí Tôn nam nữ cũng thế rán giúp Bần Ðạo,
Bần Ðạo xin một điều là trong 3 tháng Bần Ðạo vào trong cảnh tịch mịch ấy, tương
thân cùng Ðức Chí Tôn, ở ngoài rán cầu nguyện giúp sức với Bần Ðạo.
Bần Ðạo xin rán nhớ một điều nầy là "Xin cho đồng bào của mấy người, cũng
như xin cho nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy được phương cứu rỗi, ấy là may !!."
Bần Ðạo chỉ đặt cái máy truyền thanh chỗ đó mà
thôi, đặng cùng chăng là do nơi tinh thần của toàn con cái Ðức Chí Tôn đó vậy.
(Thuyết Ðạo QIV / tr 17)
* * *
14. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền
Thánh.
Ðêm 17 tháng 4 năm Tân Mão ( 1951 )
Ý nghĩa sự nhập tịnh của Ðức Hộ-Pháp.
BẦN ÐẠO NHẬP TỊNH TRONG
3 THÁNG CŨNG NHƯ ÐỨC CHÚA JÉSUS RA NGOÀI SA MẠC 40 NGÀY VÀ ÐỨC PHẬT THÍCH CA VÀO VƯỜN BỒ ÐỀ
Thưa cùng chư chức sắc Thiên
Phong.
Trước khi Bần Ðạo để lời về đạo đức tinh thần cho
toàn con cái Ðức Chí Tôn, Bần Ðạo xin cảm ơn toàn thể nam nữ.
Nhờ tình cảm của toàn thể chư đạo hữu mà Bần Ðạo
được hưởng một đặc ân của Ðức Chí Tôn ban cho.
Kể từ ngày nhập tịnh nơi Trí Huệ Cung, chắc con cái
Ðức Chí Tôn đều đánh dấu hỏi ? Ðức Hộ
Pháp nhập tịnh để làm gì ? Muốn làm gì ? Nghĩa lý gì mà nhập Trí Huệ Cung trong
ba tháng nay ?
Vậy Bần Ðạo giải rõ hành tàng trong 3 tháng mà Bần
Ðạo đã làm, cái hành tàng đó cũ kỹ chớ không mấy gì lạ. Cái hành tàng về mặt
Ðạo giống như 40 ngày của Ðức Chúa Jésus ra ngoài sa mạc cầu khẩn với Ðức Chí
Tôn ban bố hồng ân cho toàn nhơn loại, đặng đem cơ quan cứu thế của Ngài giao
cho khắp xã hội nhơn quần được hưởng, giống như Ðức Thích Ca vào vườn bồ đề
ngồi thiền định đặng xin giải thoát cho chúng sanh.
Còn về mặt thế, nó giống như vua David vì tội tình
nhơn loại mà buổi nọ ra đồng sa mạc cầu đảo, xin giải pháp cứu khổ cho dân
Israel.
Giống như vua Hạ Võ mặc hài gai, đội nón lá, chịu
phong trần đặng cầu đảo cho quốc dân khỏi tội.
Muốn nói rõ hành tàng căn mạng của toàn thể nhơn
loại và toàn thể quốc dân Việt Nam đã làm cho Bần Ðạo phải chịu 3 tháng nơi
chốn tịch mịch, để cầu khẩn với Ðức Chí Tôn ban hồng ân đặc biệt đặng cứu rỗi
lấy họ là đem cơ quan cứu khổ của Ngài đã thiệt hiện cho toàn thể nhơn loại
nhứt là sắc dân yêu ái đồng chủng cùng Bần Ðạo là sắc dân Việt Nam.
Chúng ta thử hỏi, một người tượng trưng tinh thần
của một dân tộc, tinh thần đạo đức cho nước Việt Nam đã có sứ mạng đem tinh
thần đạo đức ấy cứu khổ cho thiên hạ, sửa lại cái hành tàng hung ác của người
đời cho thành giọt nước Thiêng Liêng của Ðức Chí Tôn, nước thiêng liêng đạo đức
của Ngài gội rửa con đường thánh đức cho sạch sẽ đừng cho nhơ bẩn, ấy là nước
chí thánh của Ngài, cầm giọt cam lồ đem rưới khắp toàn thể con cái của Ngài tức
là cả chúng sanh nơi mặt địa cầu nầy, người ấy còn phải làm thế nào hơn ?
Ôi ! Cái cao vọng buổi nầy ai cũng muốn làm, được
hay chăng không phải do quyền của mình, kẻ xin thì khác, mà kẻ cho lại khác.
Hại thay, tạo nghiệp của nhơn loại từ khi có nơi
mặt địa cầu nầy, đến bao giờ mới bảo vệ được sanh mạng của họ cấp tiến trong
con đường giải khổ, họ đã gây thêm trong sự nghiệp của họ tội chướng thì nhiều
mà phúc hậu lại ít, biểu sao không có trường lưu huyết !
Nếu chúng ta giở lịch sử ra xem từ năm mươi năm
nay, khởi đầu thế kỷ hai mươi dĩ chí đến 1951, không buổi nào nhơn loại hưởng
đặng hạnh phúc hòa bình, chỉ tương tàn tương sát với nhau mà thôi. Nếu không có
quyền năng thiêng liêng kia thì bần Ðạo nói quả quyết rằng: Không ai cứu chữa
tội tình nhơn loại được.
Chúng ta thương nhơn loại không bằng cha sanh ra
con, đã sanh họ ra vừa hình thể vừa linh hồn tức là Ðại Từ Phụ, Ngài đã cầm
quyền sanh mạng của nhơn loại mà không cứu chữa tội tình của nhơn loại được,
phải chịu khoanh tay ngồi đổ lụy vì căn quả của nhơn loại đã định vậy. Chính
mình Ðức Chí Tôn cũng không phương sửa cải, nếu có phương sửa cải thì không cần
gì Bần Ðạo phải vào Trí Huệ Cung cầu khẩn, Ngài đã làm trước rồi.
May thay ! Nhờ đạo tâm của toàn Thánh Thể của Ngài
và toàn con cái nam nữ cũng vậy, nhứt là đám thiếu niên đã làm cho cảm động Ðức
Chí Tôn, nên Ngài cho Bần Ðạo hội diện
quyền năng Thiêng Liêng 4 phen trong 3 tháng.
Bần Ðạo nói rằng: cái định mệnh của nhơn loại, cũng
như cái định mạng của toàn thể quốc dân Việt Nam trong giờ phút nầy ở trong tay
Ðức Chí Tôn và Bần Ðạo dám quả quyết rằng:
Luật
nhơn quả của nhơn loại chưa hết thì chưa tạo hạnh phúc được.
Cái mơ vọng của thiên hạ đạt đặng cùng chăng là khi
nào Khối Thánh Ðức của họ cao hơn phàm tâm của họ, thì giờ phút ấy hạnh phúc
của họ mới có và cơ quan cứu khổ của Ðức Chí Tôn mới thiệt hiện được. (Thuyết
Ðạo IV / tr 20)
CHUNG
Home
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét