HIỆP THIÊN ĐÀI
V/P: THƯỢNG SANH
Số : 121 / TS
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
Kính Gởi: Hiền Huynh HIẾN
PHÁP CHƯỞNG QUẢN BỘ PHÁP CHÁNH
Tham chiếu : Quý Thánh Thơ
số 15/ DS ngày 12-6-1970.
Kính Hiền Huynh,
Theo đề nghị của Hiền
Huynh tôi chấp nhận cho Ban Đạo Sử xuất bản để phổ biến những bài Thuyết Đạo
tại Tòa Thánh của ĐỨC HỘ PHÁP từ năm 1946 đến năm 1955.
Những bài giảng được chọn
để ấn hành phải có sự kiểm duyệt của Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách.
Nay Kính
Tòa Thánh, ngày 14
tháng 5 Canh Tuất
( dl 17-6-1970 )
THƯỢNG SANH
( ấn ký )
LỜI TỰA
Những bài
Thuyết–Đạo trong quyển sách này là lời vàng ngọc của Đức HỘ-PHÁP, một vị Giáo-Chủ
của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, một bậc
Vĩ-Nhân của thế hệ; nên một Ủy-Ban sưu tầm và biên tập thành lập có Đức THƯỢNG-SANH
chấp thuận, để xúc tiến việc sưu tầm biên tập và ấn hành các bài Thuyết-Đạo ấy.
Nay cuộc sưu tầm và biên tập đã có kết quả mỹ mãn, nên Ủy-Ban đem ra ấn hành
cho toàn đạo được lãnh hội lời vàng ngọc nói trên.
Trong Ban Đạo-Sử của
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã có sẵn một thư viện tàng trữ các loại kinh sách cổ kim đông tây cho các
nhà khảo cứu và toàn Đạo có thêm tài liệu, những quyển “Lời Thuyết Đạo” của Đức HỘ-PHÁP sẽ lưu trữ vào Thư-Viện nầy để chư độc giả đến xem.
Đức HỘ-PHÁP là một trong
các vị tiền bối khai sáng nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, đã thực hiện trước hết chủ
thuyết Tam-Lập: “Lập Đức, Lập Công, Lập
Ngôn”.
Về lập đức: thì Đức Ngài
là người đầu tiên đã nghe theo tiếng gọi Thiêng-Liêng mà khai sáng mối Đạo cho
toàn sanh chúng được chung hưởng hồng ân của ĐỨC-CHÍ-TÔN (NGỌC- HOÀNG - THƯỢNG-
ĐẾ ).
Về lập công: thì Đức Ngài
vừa lập đức vừa lập công trong việc khai sáng. Từ cái không làm ra cái có, bắt
gió nắn hình tạo thành một đại nghiệp Đạo ở cõi thế nầy. Nếu Ngài không phải là
một Đại-Đức thì làmsao thành công được ?!
Về lập ngôn: thì Đức Ngài
lưu lại lời vàng tiếng ngọc trong các bài Thuyết-Đạo mà chúng ta đang thưởng
thức và còn nhiều lời giáo huấn cao siêu khác nữa mà chư quý độc giả và toàn
Đạo nên lưu ý.
Nhơn danh Hiến-Pháp
Hiệp-Thiên-Đài kiêm Trưởng Ban Đạo Sử, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý
độc giả bốn phương quyển sách quý giá này đáng được lưu niệm mãi mãi.
Trân trọng kính
chào.
Hiến-Pháp TRƯƠNG
HỮU ĐỨC.
LỜI TRẦN THUYẾT
Mỗi lần ly loạn là mỗi lần
thư tịch bị làm mồi cho binh lửa. Nhìn vào lịch sử : những vụ “Phần-Thư”, những vụ chiếm đọat thư tịch
đã xảy ra như một hệ luận trước những biến cố. Tình trạng này đã kéo dài qua
các thời đại, ấy là biện pháp của những kẻ mạnh nhắm vào mục đích thực hiện
chính sách ngu dân và đồng hóa triệt để.
Những kinh nghiệm đau
thương ấy là nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi cố gắng thực hiện công việc sưu tập
những tài liệu này.
Chúng tôi nghĩ rằng : “Nếu tài liệu kinh sách chỉ được tập trung
tàng trữ vào một chỗ, tránh sao cho khỏi bị hủy diệt khi kẻ cường quyền đến
cướp phá”. Do đó chúng tôi quyết định quay ra nhiều bản để gởi đến, và ký thác vào những tâm hồn
trung kiên với Đạo, những người dám chết để bảo tồn những tiếng nói của Đấng
thay Trời dạy Đạo.
Nếu một may thay thời cuộc
lại biến thiên, có thể các cuộc phần
thư lại tái diễn, thì thiết tưởng trong
số tài liệu này vẫn còn có nhiều người
nhiệt tâm gìn giữ được vẹn toàn
Đây không phải là việc làm
của một cá nhân hay một đoàn thể, nhưng
là sự đóng góp chung của những người vô danh nguyện đem hết năng lực của mình
để phụng sự cho lý tưởng bảo tồn truyền thống giáo lý của Đạo. Trong khi quyển
tài liệu này đến tay Qúi vị thì cũng đã có người vì qúa hăng say trong công
việc thực hiện lý tưởng mà đã phải ngã gục vì kiệt sức.
Việc làm của chúng tôi
không phải là một ý nghĩ nông nổi của một sớm một chiều, nhưng là một hòai bảo
trong suốt thời gian ly loạn. Chúng tôi hằng cầu nguyện ĐỨC CHÍ TÔN và PHẬT MẪU
ban bố phước lành sớm gặp dịp may để thực hiện hoài bảo ấy.
Ngày nay chân trời đã rạng tỏ, ý nguyện đã đắc thành. Chúng tôi
xin hiến dâng trọn vẹn cho Hội Thánh tất cả những tài liệu mà chúng tôi đã ghi
chép, góp nhặt sau bao nhiêu năm theo đuổi mục đích bảo tồn những lời vàng
tiếng ngọc của Đức HỘ PHÁP.
Từ đây bản quyền sẽ tùy
thuộc hoàn toàn vào Hội Thánh. Kính xin hội Thánh cho kiểm duyệt và ấn hành, để
cho mọi người đều được nghe lời dạy dỗ đầy yêu
ái của Đức HỘ PHÁP đã dành cho chúng ta
trong thời gian Đức Ngài còn tại thế.
Tòa Thánh, ngày 28
tháng 8 năm Bính-Ngọ (dl 12-1-1966)
BAN TỐC KÝ
LỜI CHÚ CỦA NGƯỜI
SOẠN
Kính thưa: Chư Huynh, Tỷ,
Muội cùng các bạn đồng môn.
ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
lúc còn sanh tiền Ngài đã để lại nhiều lời vàng tiếng ngọc dạy dỗ chúng sanh
qua các buổi thuyết Đạo.
Nay kẻ hậu sinh được may
duyên học Đạo với Đấng Thiên Tôn qua các bài Thuyết Đạo từ quyển I đến quyển VI
(từ năm 1946 đến năm 1955 do Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh
ấn hành), trong những bài giảng nầy, Đức Ngài đã giáo hóa rất nhiều chủ đề về
Đấng Thượng Đế, Tôn Giáo, Nhân Loại ... theo dòng thời gian của từng thời kỳ
lịch sử.
Với lòng tôn kính Đức Tôn
Sư, con xin được sắp xếp các bài giảng theo từng chủ đề để con và các bạn đồng
môn dễ dàng sưu khảo trên đường tu học.
Thành kính cầu nguyện Đức
Tôn Sư luôn luôn dẫn dắt chúng con trên đường phụng sự.
Kỉnh bút
1. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
Ðêm mồng 1 tháng 8 năm Ðinh Hợi ( 1947 )
Ý nghĩa về Lễ Nhạc
Hôm nay Bần Ðạo giảng về ý
nghĩa Lễ Nhạc.
Từ thử ai cũng cho âm
thanh sắc tướng là tà mị, mà căn bản của Ðạo Nho là Lễ Nhạc mà chính Ðạo Tam Kỳ
là Nho Tông chuyển thế thì phải truy tầm nguyên lý của nó mà xác nhận cho đúng
nghĩa là thế nào ?
Ðôi phen chúng ta không
hiểu được cho uyên thâm khi dâng lễ cho Chí Tôn lúc Nhạc Tấu Huân Thiên, hết
lớp trống, qua đến bảy bài thì lâu quá có khi phải chồn chân rồi nản chí, chính
Bần Ðạo cũng vậy vì nghĩ rằng : Chí Tôn tư vị quốc dân Việt Nam nên tiền định
chi chi cũng làm gương mẫu cho toàn đại đồng thế thế giới mà có lễ nhạc nầy
luôn luôn khi dâng lễ thì ý nghĩa ấy ắt cao trọng lắm là phải.
Bởi cớ nên khi mới Khai
Ðạo, Bần Ðạo đến tại Thánh Thất Thủ Ðức của ông Thơ tạo lập, Bần Ðạo không tin
nên hỏi Ðức Lý Giáo Tông, Ngài dạy rằng, trên Ngọc Hư Cung có hai câu liễn :
Phía hữu: Bát hồn vận
chuyển ca Huỳnh Lão.
Phía tả: Vạn vật đồng
thinh niệm Chí Tôn.
Bần Ðạo cũng không hiểu là
gì, lần lần Bần Ðạo hỏi nữa, Bần Ðạo lại được dạy mà hiểu rằng: " Kể từ phôi thai càn khôn vạn vật nầy,
Chí Tôn là khối sanh quang, biến thành hai khối sanh khí, hai khối ấy trụ lại
thành một khối lớn tương hiệp nhau mới nổ sanh tiếng âm, người ta gọi là nổ ầm,
hay nghe tiếng Ni, Ðạo Phật sửa lại thành Úm ( Úm ma ni bát rị hồng ) nhờ tiếng
nổ ấy bát hồn mới vận chuyển biến sanh vạn vật và loài người."
Tiếng ấy bay ra nghe đến
đâu thì khí sanh quang đến đó tức là có sự sống đến, bằng chẳng nghe được thì
nơi ấy tiêu diệt nghĩa là chết mất mà thôi.
'Bởi cớ nên dùng những vật
bát âm, nó đã chết đi rồi như cái trống chẳng hạn là tấm da trâu đã chết mà với
sự khôn ngoan của loài người nó mới có tiếng kêu được tức là làm cho nó sống
lại được, nghĩa là bát hồn ấy vận chuyển sống lại mà đảnh lễ Ðức Chí Tôn, vì cớ
nên khi nghe Nhạc Tấu Huân Thiên là có âm thinh sắc tướng, song hiểu xác lý
:Khi dâng lễ Chí Tôn qui pháp định, thấy và nghe cả Bát Hồn vận chuyển dâng cái
sống cho Ngài.
Nên chi từ đây, khi Nhạc
Tấu Huân Thiên chúng ta xem quí hơn dâng Tam Bửu, dầu phải lỡ đi nửa chừng
trong Ðền Thờ, nghe đến đó phải dừng lại, cấm không được đi lộn xộn thì lễ ấy
giảm điều kính trọng dâng cho Chí Tôn mà không nên.
Khi ấy là vận chuyển bát
hồn đảnh lễ Ðức Chí Tôn, vì cớ Lễ Nhạc hiểu rõ lại thì Chí Tôn không phải là tư
vị nước Việt Nam mà chính nghĩa là làm cho sống lại bát hồn và Ngài vẫn vui
nhận lễ ấy. Ấy vậy mới có thể làm chủ và làm gương cho toàn nhơn loại được, thì
danh ấy không phải là quá đáng.
Xin khuyên toàn Ðạo từ đây
nên để trọn tâm mà kính trọng khi Nhạc Tấu Huân Thiên. Nói về năm cây nhang, từ
thử Bần Ðạo để cho các Nho gia tự do giảng nghĩa sao thì giảng, còn Bần Ðạo
hiểu rõ là Ngũ Khí. Chí Tôn dùng ngũ khí mà biến thành ngũ hành vận chuyển cả
càn khôn thế giới tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi chất đều có mỗi sắc, mỗi
sắc đều có mỗi khí.
Mùi vị và sanh quang của
nó chúng ta không thể hưởng được, nghe được. Nên chi, khi làm lễ đốt đủ năm cây
hương là đúng theo phép tín ngưỡng là qui pháp lại, mọi vật trong ngũ khí dâng
lễ cho Chí Tôn, chỉ có Người vui hưởng qui pháp ấy mà thôi, cắt nghĩa rõ rệt ra
là ngũ khí đó vậy. Ðúng hơn nữa là trong bát hồn vận chuyển được phải nhờ đến
ngũ khí cùng một ý nghĩa với 'vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn'.
Ðạo Cao Ðài là nền Ðạo qui
pháp cả cái sống của bát hồn mà dâng lễ, trả cái sống khi mới phôi thai càn
khôn do nơi hai khối sanh khí mà tạo thành. Ngày nay lại dâng lễ trọng cho Chí
Tôn tức là qui pháp cho khối sanh khí ấy, tức là Chí Tôn vui và duy nhứt là
thấy sự sống trả lại cho Ngài.
Toàn Ðạo nên trọn tâm xét
hiểu nhiệm mầu Ðạo lý ấy mà lần lần đạt cho được chơn pháp của Chí Tôn. (Thuyết
Ðạo QI / tr59)
2. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Báo Ân Từ .
Thời Ngọ 15 tháng 4 năm Mậu Tý ( 23.5.1948 )
Ý nghĩa về Nhạc Tấu Huân Thiên.
Có điều mầu
nhiệm nên nay Bần Ðạo giảng về Lễ Nhạc để tránh sự thất lễ khi vô hành lễ vì
không hiểu nghĩa lý, không biết thủ lễ theo phép cho y khuôn khổ khi 'Nhạc Tấu
Huân Thiên'
Bên Á Ðông,
trong nền Ðạo Cao Ðài có trống có chuông, còn bên Âu Châu có chuông mà không có
trống là tại sao ? Tại sao Á Ðông dùng trống còn Âu Châu dùng chuông ?
Trống là âm
thinh của Ðạo. Thuở chưa có càn khôn vũ trụ, Ðạo giáo có dạy : Hai
lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái Cực. Chủ ngôi Thái
Cực là Ðức Chí Tôn. Khi nào Trời sét nổ, chúng ta nghe sao ? An Nam mình kêu
'ầm' còn theo Ðạo pháp kêu 'ùm', vì cớ phép Phật sửa lại là 'úm' ( úm ma ni bát
rị hồng ), câu ấy đọc có nghĩa là nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay.
Tiếng nổ ta nghe nó ra sao
? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn
giọng ngân là tiếng chuông.
Ấy vậy nguyên căn của Ðạo
Giáo do bên Á Ðông nầy, có tiếng trống ngân bay qua Âu Châu, nên các Ðạo giáo
Âu Châu đều là hưởng ứng theo Phật Giáo mà Phật Giáo xuất hiện nơi Á Ðông. Vì
vậy mà các nền tôn giáo phụ thuộc không đúng theo nguyên tắc căn bản.
Còn tại sao khi vô làm lễ,
lúc 'Nhạc Tấu Huân Thiên' tức là lễ hiến dâng sự sống cho Ðức Chí Tôn là Thầy
của cả càn khôn vạn vật, Bần Ðạo thường nhắc nhở tất cả phải đứng ngay ngắn,
nghiêm chỉnh. Nhạc là hưởng ứng của cả khối sanh quang, của càn khôn vạn vật
đồng thinh. Nơi Á Ðông có câu : 'Biều thổ cách mộc thạch kim dử tư trước nãi
bát âm'.
Các vật vô năng mà nói
đặng có trật tự niêm luật hòa nhau là đạt đạo, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc
là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến lễ. Nơi Ngọc Hư
Cung có đôi liễn :'Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh lão, Vạn vật đồng thinh niệm Chí
Tôn.'
Khi nhạc trổi, cả thảy
phải im lặng, hiến cả âm thinh sự bí mật ấy gọi là Phi Tướng Lễ, chủ ý là trình
tấu với Ðức Chí Tôn rằng :Các con biết được mầu nhiệm nguyên căn của Cha lành
muốn cho các con nối nghiệp theo một khuôn phép trường tồn. Lễ đó trọng hệ như
dâng Tam Bửu vậy.
Bần Ðạo dặn một lần nữa,
khi nào xướng 'Nhạc Tấu Huân Thiên' thì phải đứng bình tịnh, người nào có vô
không kịp thì đứng ngoài mà thôi. (Thuyết Ðạo QII / tr 79)
* * *
3. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Bộ Nhạc Lễ.
8 giờ 40 - Ðêm 16 tháng 9 năm Canh Dần ( 1950 )
Trọng trách của Nhạc Sĩ
Trọng Trách
Của Các Nhạc Sỹ Trong Lúc Hòa Ðờn Hành Lễ
Lễ Nhạc là
hai điều trọng hệ của Ðức Chí Tôn, khi Ngài đến vẫn chú ý đến hai điều ấy,
chúng ta cũng vẫn biết nền Ðạo Cao Ðài là Nho Tông chuyển thế thì tức nhiên
toàn cả xã hội nhơn quần nơi mặt địa cầu nầy nhờ Ðạo Nho sửa đoan chỉnh đốn thiên hạ lại, chúng
ta thấy xã hội tinh túy đạo đức của họ dường như đảo ngược lại khủng hoảng tinh
thần mà ra vậy .
Nho Ðạo đã
lập xã hội ở Á Ðông từ Tam Hoàng qua tới nhà Châu rồi Ngài Châu Công chỉnh đến
Tân Dân. Lễ Nhạc sản xuất do nơi Huỳnh Ðế với Châu Công; ấy vậy mình phải biết
nhạc, khi nào cầm cây đờn, năm mười cây hòa lại nó một giọng thì tức nhiên chữ
hòa do nơi nhạc sanh ra vậy.
Lễ Nhạc do nơi âm thinh,
bởi thế nên chúng ta thấy vạn quốc giờ phút nầy, dầu văn minh thế nào mà hiểu
đặng nền tăng tiến của Trung Hoa thì đều khen ngợi. Từ thử đến giờ trên mặt địa
cầu nầy có nước Tàu là do Ðức Khổng Phu Tử chỉnh đốn hoàn bị nên lễ nhạc có
phương thế làm môi giới làm khí cụ cho toàn vạn quốc đương buổi nầy, lấy tư
cách lễ độ làm ngoại giao, tưởng chắc không nghịch nhau, chúng ta thấy tấn
tuồng của vạn quốc họ đều thất lễ ấy mà thế giới khởi chiến tranh.
Mấy em nhạc tự biết mình
chẳng phải làm nghề sơ lược của những người đờn thổi ngoài đời như họ vậy,
thánh ra hèn hạ, còn nếu muốn biết tánh cách quan trọng của nó thì dở lịch sử
ra xem mới biết, dầu nước văn minh nào ở mặt địa cầu nầy cũng không thế cải bỏ
nhạc được.
Mấy em phải biết cái tinh
túy mà người ta có thể đo lường nhạc cao thấp mà hiểu được, vì cớ cho nên mỗi
nước có bản quốc thiều. Qua nói cùng mấy em rõ, giờ phút nầy mấy em cầm cây
đờn, giữ giá trị riêng để tự trọng lấy mình, Qua nói rõ hồi lúc Qua học đờn tài
tử, Qua đờn không cần ai khen, không sợ ai chê, hễ cầm cây đờn lên giọng đều
như nói chuyện về tinh thần với cây đờn của mình, nhứt là Ðức Cao Thượng Phẩm
sanh tiền buổi nọ, lấy cây đờn mà làm bạn thiết, hết thảy ngôn ngữ thường tình
đều khinh rẻ.
Qua nghe từ ngôn ngữ của
nhạc, Qua biết nó là bạn tri âm, tri kỷ, cao thâm hoạt bát của nó, nên lấy trí
luận thì từ trước kia Bá Nha là bạn tri âm của Tử Kỳ, biết tri kỷ đặng để làm
gương, hễ cầm cây đờn thì phiêu phi ở giữa lừng trời, nhiều khi tiếng đờn hợp
với tinh thần, thấy dường như tưởng tượng ra khỏi xác thân để giúp tinh thần
cường liệt vô đối, cái năng lực của cây đờn là ấy vậy.
Kẻ ngoài bàn luận, phê
bình tánh cách hòa nhã mà thôi, mình biết tinh túy của mình, trọng hay khinh là
do nơi mình, nếu mình biết trọng thì họ trọng, nếu mình khinh thì họ khinh, mấy
em tưởng tượng nghe đờn của mấy em, giờ phút nầy mấy em có thể nghĩ nó có giới
hạn và có thể làm bạn với ta. Từ Thượng cổ, từ bực yếu trọng, họ nói là bạn với
nó vậy, chí hướng tự trọng của nó từ trước kia những bậc tiền nhân của chúng ta
là bạn thế nào thì ngày nay chúng ta cũng làm bạn như thế ấy.
Mấy đứa thi đậu kỳ nầy,
con đường Thánh Thể của Ðức Chí Tôn đã mở rộng cho mấy em khoan thai bước tới,
Qua để hy vọng tương lai kẻ nào cầm vận mạng của nó phải biết giá trị và tánh
chất hòa hợp với tiếng đờn yểu điệu, hiền từ, lịch lãm, khí khái của mấy em đã
đào tạo ngày kia nó có giá trị và ảnh hưởng cho cả quốc hồn là cây đờn của mấy
em, nó sẽ là tương lai vận mạng của nước nhà. Nhớ từ đây sắp về sau phải biết
tự trọng lấy mình, mà biết tự trọng lấy mình thì sau thiên hạ mới trọng mình
vậy. (Thuyết Ðạo QIII / tr 109)
4. - Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo - Ngày 18 tháng 7
năm Quí Tỵ ( 1953 )
Lời giáo huấn chức sắc Bộ Nhạc
Thưa cùng Chư Vị cầm quyền các
Cơ Quan Chánh Trị Ðạo.
Hôm nay Bần
Ðạo đến dự lễ nầy trọng yếu đặng mừng cho cả chức sắc Bộ Nhạc lãnh sứ mạng
chỉnh đốn cả Lễ Nhạc y theo chơn truyền của Ðạo.
Các em, mấy
đứa nhỏ, Thầy lấy làm vui mừng thấy cả tâm đạo của mấy em biết chọn một con
đường lập thân danh khéo léo. Qua thường nói với mấy em rằng: Nếu một nền tôn
giáo mà không có Lễ không có Nhạc thì cả cái mỹ pháp của nó, dầu Thể Pháp, Bí
Pháp cũng vậy, chẳng hề khi nào đặng tốt đẹp hoàn mỹ.
Qua có giảng
cho mấy em biết, vì cớ nào Nhạc là Lễ, mấy em biết khuôn khổ của Nhạc do tinh
thần xuất hiện, Qua chỉ rõ một bằng chứng, dầu cho cả thảy mấy em trong Nhạc Sĩ
cho tới chức lớn của Bộ Nhạc là Tiếp Lễ Nhạc Quân, mấy em cầm một cây đờn mà
đờn thì không có đứa nào giống đứa nào hết, bởi cả tinh thần ra trong ngón đờn
của mấy em, đó là cá nhân của mấy em đó vậy.
Ấy vậy, nhạc
nó sản xuất trong tinh thần, mà tinh thần là gì ? Tinh thần mới thiệt là Ðạo.
Tại sao Nhạc là Lễ ? Lễ ngoài đời mấy em ngó thấy một bằng cớ hiển nhiên, là
khi mấy em đờn hòa cùng nhau, tuy ngón đờn của mấy em mỗi đứa đều khác, hay dở
đặc biệt mỗi đứa đều không giống nhau, nhưng mà cái nhịp trường canh mấy em
phải theo nó mà thôi, nếu không tùng nó thì mấy em chẳng hề khi
nào hòa nhạc cùng kẻ khác được.
Ấy vậy trong
khuôn khổ hòa với nhau, ấy là Lễ. Vì cớ cho nên Qua giảng tiếp cho mấy em hiểu,
Lễ Nhạc do âm thinh đó vậy. Ngộ nghĩnh thay ! Giờ phút nầy Qua cho mấy em biết,
chỉ có dân tộc Việt Nam về văn hóa Nho Tông của chúng ta mới có đặng một cái
Nhạc là đều do nơi âm thinh và điều Qua đương nói với mấy em, cái kinh dinh của
các sắc dân trên mặt địa cầu nầy, cả các quốc dân xã hội đều nhận điều đó. Nước
Trung Hoa hay các sắc dân chịu ảnh hưởng cái văn minh tối cổ của Nho Tông chúng
ta mới có Nhạc, âm thinh ấy là Lễ.
Bằng cớ hiển
nhiên, chính Qua đọc một tờ nghị luận tại nơi Liên Hiệp Quốc, họ luận rằng :
Nếu cả thảy các dân tộc nơi mặt địa cầu nầy mà đặng gìn giữ cho còn Lễ cũng
như
nước Tàu đã được Lễ tối cổ của họ, cả những điều nghịch hẳn cùng nhau, khởi hấn cùng
nhau giữa hội nghị của Liên Hiệp Quốc chẳng hề khi nào xảy ra, nếu có xảy ra là
tại họ vô lễ cùng nhau mà chớ.
Do nơi vô lễ ấy mà
nhơn loại chịu thống khổ hai phen đại chiến hoàn cầu, mấy em nghĩ, họ vô lễ
cùng nhau cho đến nước họ đập bàn ghế ra khỏi hội nghị của quốc tế là tại họ
thiếu Lễ, mà Lễ là Nhạc. Qua ấy một bằng cớ rõ ràng, người Pháp đã nói : 'La
Musique Adouoit les Moeurs'. Nhạc làm cho phong hóa luân lý tốt đẹp dịu dàng,
mà không phải một mình nước Pháp mà thôi, cả các liệt quốc Âu Châu đều cũng
nói.
Ấy vậy, giờ phút nầy Qua
ký Thánh Lịnh cho mấy em đi các nơi, cốt yếu đặng mấy em đem cái ngôn ngữ điều
hòa, lấy một ống tiêu mà Trương Lương đã làm cho tan vỡ một đạo binh hùng tráng
của Hạng Võ, đánh tan nát cơ nghiệp của Sở, thâu đạt cơ nghiệp ấy đem lại cho
nhà Hớn duy có ống tiêu Trương Lương mà thôi.
Giờ phút nầy Qua giao cho
mấy em một sứ mạng làm sao cho thiên hạ nghe ống tiêu Thiêng Liêng của mấy em
đặng tinh thần nòi giống mấy em đứng dậy định tương lai vinh quang cho mình với
cái giọng ngọt dịu của mấy em, làm cho thiên hạ thức tỉnh, diệt tiêu bớt hung
hăng bạo ngược, trái lại đem đến một con đường hòa hưỡn, cao quí, tốt đẹp, êm
dịu, đem lại cái đạo đức tinh thần chiến thắng để cứu vãn sanh mạng loài người.
Bởi giờ phút nầy họ đang đi đến con đường diệt vong mà chớ. (Thuyết Ðạo QVI /
tr 174).
CHUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét