Giải Thích Nội Tâm & Ngoại Tâm Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh (Khai Đạo Phạm Tấn Đãi)


Đền Thánh Gồm Có 3 Đài
Bát Quái Đài (tượng trưng linh hồn).
Cữu Trùng Đài ( tượng trưng hình thể).
Hiệp Thiên Đài (tượng trưng chơn thần).
Trời thì có Nhựt, Nguyệt, Tinh.
Đất thì có Thủy, Hoả, Phong.
Người thì có Tinh Khí Thần.
Đạo thì có Tam Giáo: Phật, Thánh, Tiên.

- Ba đài hiệp một thành hình thể mới có sự khôn ngoan và sáng suốt được. Con người nếu thiếu linh hồn thì phải chết, thiếu chơn thần phải điên, thiếu hình thể thì không thành người, như vậy vật bất ly tâm.
- Hôm nay Tòa Thánh cất là thay thế hình thể Chí Tôn tại thế cho chúng sanh đến mà nhìn Thầy, tức là Chí Tôn đến để cứu vớt chúng sanh trong thời kỳ thứ ba, theo lời tiên tri của Đức Chúa Giê Su Christ đã nói:

"Trong hai ngàn năm thì có chúa xuống thế nhưng Ngài đến như kẻ trộm đi đêm, Ngài sẽ huyền diệu hơn ta, nhiều người kính mến hơn ta và không chịu đổ máu như ta, khi Ngài đến có nhiều tiếng còi kêu la inh ỏi trên thinh không. Ấy là cơ bút ngày nay đó vậy."

GIẢI THÍCH ĐỨC DI LẠC CỞI CỌP.
Đức Di lạc cởi cọp

- Đức Di Lạc là một vị phật cầm quyền làm chủ Hội Long Hoa lần thứ ba, Ngài ngồi trên nóc Hiệp Thiên Đài để vâng lịnh dạy của Chí Tôn và quan sát chấm công điểm Đạo được đem vào Bạch Ngọc Kinh mà dự hội.

- Tượng trưng hình Ngài cởi cọp là kỷ niệm nền đại đạo khai năm Bính Dần (1926)
1. Vua Hạ Võ Trị Thủy: Lúc ngài chăn dân đốc sức dân khai thác sông Lương và sông Dị cho dân khỏi bị lụt ngập.
2. Vua Nghiêu Tầm Hiền: Lúc Ngài đi vu sơn gặp ông Thuấn đang cày voi, chim lượm cỏ thì Ngài biết ông này là người hiền nên ngài rước về mà nhường ngôi và gả con.
3. Toại Nhân Hữu Sào: Là hai vị tổ công nghệ đầu tiên. Đức Hữu Sào dạy dân cất nhà làm tổ. Đức Toại Nhân tìm cách làm mà dạy dân nấu nướng và tạo các đồ kim khí.
4. Phạm Lãi và Tây Thi: Hai nhân vật đời chiến quốc. Đây là lúc Tây Thi làm xong sứ mạng rồi gặp Phạm Lãi là người tri ngộ vợ chồng giữ lời hứa hẹn trong buổi giao sơ, hôm nay được toại chí đi du hồ.
5 . Khương Thượng và Võ Kiết: Lúc Khương Thượng ngồi câu nơi Sông Dị thì Võ Kiết gánh củi đến nghĩ ngơi nơi Bàn Khê thấy Khương Thượng ngồi câu mà không có mồi, lưỡi câu ngay đót thì nói rằng: - Ông câu không có mồi làm sao được cá?

Khương Thượng trả lời: - Ta câu đây câu câu thời, câu vận chớ phải câu cá đâu?
Võ Kiết cười và nói: - Ông Đến tuổi đó mà nói câu thời, câu vận tôi bắt nực cười!
Khương Thượng nói: - Ngươi chớ cười ta, hôm nay ngươi gánh củi xuống chợ đụng người ta mà thường mạng.

Thật như lời Võ Kiết gánh củi xuống chợ đụng nhằm người ta té chết. Lính bắt giải đến vua Văn Vương. Vua Văn Vương bắt vẽ vòng giam lại thì Võ Kiết khóc nói: -Còn mẹ già xin về nuôi mẹ ba năm sau sẽ xuống mà thọ tội.

Vua thấy người có hiếu bèn cho về nuôi mẹ. Ấy vậy lúc này Khương Thượng gần ra công hầu.
6 . Bá Nha - Tử Kỳ: Là bạn tri âm, Bá Nha làm quan nước Tần. Đây là lúc đi sứ nước Sở về đến cửa sông Hán Dương nhằm lúc Trung Thu trăng sáng ngài bèn ra lịnh cắm thuyền lại nghĩ. Ngài lấy cây đàn Cầm ra mà đàn một khúc bổng đứt dây, Ngài biết có người nghe lén, ngài sai kẻ tả hữu lên bờ xem kiếm. Tử Kỳ ngồi dưới chân núi Mã Yên lên tiếng trả lời. Hai người đối đáp vừa ý bèn xin kết nghĩa anh em và hẹn năm sau giờ này, tháng này, sẽ hội ngộ nơi đây. Đúng lời hứa hẹn năm sau, Bá Nha đến cắm thuyền dưới bến chờ hoài không thấy Tử Kỳ. Ngài buồn quá bèn lấy cây Đàn Cầm mà đàn thì tiếng đàn kêu ai oán, ngài biết Tử Kỳ có nạn, ngài và tùy tùng lên núi Mã Yên mà tìm mới hay Tử Kỳ đã thác. Ngài đến mộ thăm và tế lễ xong, ngài lấy cây đàn cầm ra mà đàn khúc bản ca để tế người tri âm mạng yểu, rồi ngài đập cây đàn vào phiến đá.
7 . Sào Phủ và Hứa Do: Đây là lúc Hứa Do đi gặp Vua Nghiêu đi tầm hiền, Nghe Hứa Do là người hiền triết có tiếng, bèn kêu mà nhường ngôi, Hứa Do bèn trả lời: -Tôi không ham phú quý, không thích công danh chí muốn thong thả ngao du.

Nhưng tiếng nói của vua Nghiêu vẫn còn trong tai nên xuống suối mà rửa. Sào Phủ dẩn trâu đến uống nước thấy vậy mới hỏi rằng: -Anh Hưá Do làm gì mà anh rửa lổ tai vậy?

Hứa Do trả lời: - Tôi đi gặp vua Nghiêu ngài kêu tôi mà nhường ngôi, vì tôi không thích công danh mà nghe tiếng nói ấy vẫn còn văng vẳng trong tai, sợ nhơ lổ tai và nó nhiễm nên tôi phải rửa.

Sào Phủ nói: - May dữ, phải tôi không hỏi ông thì trâu của tôi nó uống nhằm nước của anh rửa lổ tai thì nó nhiễm vô cũng nhơ bụng nó. Nói xong người bèn dẩn trâu lên trên dòng nước mà cho uống.
8 . Châu Mãi Thần: Người nho sĩ nước lỗ. Lúc ngài có vợ mà vẫn ham học, cứ lo đọc sách ngâm thi lúc gánh củi, lúc chăn trâu, không giờ phút nào ngài quên sự học, cứ lo đọc sách ngâm thi không lo sự giàu nghèo. Người vợ thấy vậy khuyên ngài lo làm ăn, nhưng ngài có chí học hành, vợ khuyên không được bà vợ bèn trốn bỏ nhà ra đi. Sau ngài thi đậu làm quan người vợ bèn xin về ở lại. Ngài múc tô nước đầy đổ xuống mà bảo bà vợ hốt lại đầy thì ở lại, người vợ thất chí bèn tự tử mà chết. Ngài chôn dựa bên lề đường và dựng mộ bia đề như vầy:
Thanh thảo trì biên mộ nhứt khu,
Thiên niên mai cốt bất mai tu.
Đinh ninh ký giử nhơn gian phụ,
Tự cổ tào khang đáo bạch đầu.

GIẢI THÍCH MẶT TIỀN ĐỀN THÁNH.
Đứng về măt tiền mà ngó vào thì Đền Thánh chỉ phô ra phần thứ nhất là Hiệp Thiên Đài tức là nơi để thông công với Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng Thượng Đẳng.

Hiệp Thiên Đài gồm có:
Bên Hữu: Bạch Ngọc Chung Đài
Bên Tả: Lôi Âm cổ Đài và chính giửa chánh điện có ba từng,
Từng dưới đất (Rez de chaussée)

GIẢI THÍCH TAM THÁNH KÝ HOÀ ƯỚC TRƯỚC ĐỀN THÁNH.
- Tạo sao trước đền thờ ĐỨC CHÍ-TÔN lại có tượng ba bậc vĩ-nhân của ba nước Việt- Pháp- Hoa là NGUYỄN-BĨNH-KHIÊM, VICTOR-HUGO và TÔN-VĂN mà chúng ta tôn là Tam Thánh.

- Theo Thánh-Giáo, nơi cỏi vô hình vốn có một Động Thiêng Liêng gọi là Bạch Vân Động (Loge Blanche). Trước kia, 3 vị cao đồ Bạch Vân Động vâng lịnh giáng thế giúp đời. Một vị thác sanh xuống nước Việt Nam với phàm kiếp Nguyễn Bỉnh Khiêm (tức Trạng Trình). Một vị thác sanh xuống nước Pháp với phàm kiếp Vitor-Hugo và một vị thác sanh xuống nước Trung Hoa với phàm kiếp Tôn Văn hiệu Trung-Sơn.

- Sau khi làm tròn Thiên mạng, 3 vị ấy trở về cỏi Thiêng Liêng, rồi Tam Kỳ Phổ Độ nầy, ba vị lại có phận sự Phổ Độ về mặt vô hình và lãnh sứ mạng lập Hội Thánh Ngoại Giáo tại Kiêm Biên dưới quyền Chưởng Đạo của ĐỨC NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN mà phàm kiếp cuối cùng là Victor Hugo đó vậy. Ba vị nầy thường có giáng cơ dạy đạo. Hiện giờ đệ tử Bạch Vân Động giáng phàm giúp đạo rất đông.
* TIỂU SỬ NGUYỄN BỈNH KHIÊM.
- Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ là người làng Trung Am, Huyện Vĩnh Lại, Tỉnh Hải Dương, sanh năm Tân Hợi, đời Hồng Đức vua Lê Thánh Tôn. Ông đậu Trạng Nguyên năm Ất Mùi, đời Mạc Đăng Doanh (1935). Ông làm quan được 8 năm, đến chức Lại Bộ Tả Thị Lang. Tính tình cương trực, ông dâng sớ hạch 18 vị quan lộng quyền. Sau ông về trí sĩ dựng lên trong làng một cái am gọi là Bạch Vân Am để dạy học trò cùng hưởng thanh nhàn, ngâm phong vịnh nguyệt. Trong hàng môn đệ ông có Phùng Khắc Khoa, Lương Hữu Khánh và Nguyễn Dữ là những bậc trí tài xuất chúng. Vua Nhà Mạc cảm phục tài đức ông, nên mỗi khi trong Trào có điều chi quan trọng, vua liền sai người đến hỏi ý kiến ông, vì ông giỏi về dịch học và thuật số, đoán đâu trúng đó. Ông lại làm nhiều thơ Quốc Âm có ý khuyên đời nên ăn ở theo đạo nghĩa. Ông có để lại một tập thơ gọi Bạch Vân Thi Tập và một tập Sấm gọi là Sấm Trạng Trình. Ông được nhà Mạc phong cho chức Lại Bộ Thượng Thơ, tước Trình Quốc Công, nên thời nhân gọi ông là Trạng Trình. Ông mất ngày 18 tháng giêng năm Ất Dậu, thọ 95 tuổi.

* TIỂU SỬ VICTOR HUGO.
- Victor Hugo giáng sinh tại thành phố Besancon nước Pháp năm 1802. Ông là đệ nhất thi hào nước Pháp vào thế kỷ 19. Lúc thiếu thời ông theo cha qua nước Tây Ban Nha (Espagne), rồi sang Ý Đại Lợi (Itlie), rồi sau cùng trở về nước Pháp, an túc tại Ba Lê (Paris) và theo học tại trường Bách Khoa. Tánh vốn thông minh thiên phú, ông học một biết mười và sẳn có một hồn thơ phong phú. Năm 15 tuổi ông đã làm thơ gửi dự thi tại Hàn Lâm Viện Pháp Quốc và được chấm đậu. Về sau ông sáng tác rất nhiều thi phẩm tuyệt luân, thể hiện những tư tưởng thanh cao, những tư tưởng dồi dào, những ngụ ý kín đáo. Ông định hướng Văn Nghệ Giới theo chủ nghĩa lãng mạng - là chủ nghĩa cảm tình, vô câu thúc, cứ tự do mô tả tính tình và cảm giác của con người chứ không chịu gò bó trong qui thức nào cả.

- Năm 1841 ông có chân trong Hàn Lâm Viện Pháp Quốc. Sau cuộc cách mạng 1948 ông tham gia Hội Nghị Lập Pháp. Nơi đây ông trổ tài hùng biện để binh vực chủ nghĩa tự do.

- Nước Pháp của thế kỷ 19 có một Quốc Hồn và một Quốc Tuý cao cả, phần lớn nhờ hướng theo tư tưởng chánh trị và văn hoá của ông bộc lộ trong những tác phẩm phong phú về lượng cũng như về phẩm.

- Ông mất năm 1885. Lễ quốc táng được chính phủ Pháp cử hành long trọng và thi hài ông được an trí vào miếu Công Thần (Panthéon).
* TIỂU SỬ TÔN TRUNG SƠN.
- Ông họ Tôn tên Văn tự Dật Tiên, giáng sinh năm 1866 tại tỉnh Quảng Đông, huyện Trung Sơn, nên ông cũng lấy hiệu là Trung Sơn. Cha mẹ chuyên vốn nghề nông nhà nghèo. Lúc nhỏ ông theo anh là Tôn Đức Chương sang ăn học tại Đàn Hương Sơn - thủ đô quần đảo Hạ Uy Di (HonoLulu) - thuộc Mỹ Quốc. Đến năm 18 tuổi ông trở về Quảng Đông rồi học ở trường Y Khoa Hương Cảng. Ông sớm được hấp thụ văn hoá Mỹ Quốc nên có những tư tưỏng tân kỳ, không chịu khuất phục dưới chế độ độc tài của Triều Thanh lúc bấy giờ. Rồi nhân dịp nhà Thanh suy bại, trong nước loạn ly, ông bèn sang Áo Môn gây mầm cách mạng.

- Sau trận Trung Nhật chiến tranh (năm Giáp Ngọ) ông trở qua Đàn Hương Sơn tổ chức Hưng Trung Hội, cổ xuý bọn kiều bào của ông ở ngoại quốc tham gia phong trào cách mạng, lúc ấy ông được 29 tuổi.

- Đến năm 1905 ông đề xướng chủ nghĩa Tam Dân và Ngũ Quyền Hiến Pháp.
* Tam dân là: Dân Quyền, Dân lập, Dân sanh.
* Ngủ Quyền là: Quyền Lập Pháp, quyền Hành Pháp, quyền Tư Pháp, quyền Phúc Quyết (Tức quyền của nhân dân được phủ quyết Pháp Luật hay Chính Phủ hay Nghị Viện lập ra) và Quyền Bải Miễn (tức quyền dân được cách chức tham quan ô lại).

- Ông lại sang Nhật Bổn tổ chức tại Đông Kinh đảng Trung Quốc Cách Mạng Đồng Minh Hội kết tụ được nhiều bạn đồng chí đại để như: Huỳnh Hưng, Hồ Hấn Dân, Uông Tinh Vệ. Quyết đánh đỗ đế chế Nhà Thanh.

- Năm Tuyên Thống thứ 3 (1911) tháng 3, cuộc đảo chánh của Đảng ông bị thất bại thảm khốc, có đến 72 liệt sĩ bỏ mình chôn xác tại gò Hoàng Hoa Cương ở chân núi Bạch Vân, ngoài cửa thành Quảng Đông nhưng đến tháng mười năm ấy ông lại thành công, đem Dân Quyền thay Đế Chế.

- Thế là từ đây, người dân nước Tàu gọi là người Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Tôn Trung Sơn. Không bao lâu ông nhường chức cho Viên Thế Khải. Đến đây đảng Quốc Dân lại chia rẽ, ông nhận thấy cần phải tổ chức lại một đảng mới hầu cứu vãn tình hình. Đảng mới lấy hiệu Trung Hoa Cách Mạng đảng.

- Đến năm Bính Ngọ (1906) Viên Thế Khải xưng Đế rồi lại bị ông hưng binh trừ khử. Ông mất vào ngày 12 tháng 5 năm 1926 dương lịch trong cảnh thanh bần gia tài chỉ vỏn vẹn có mấy bộ quần áo và vài ba quyển sách.

GIẢI THÍCH CHỮ KHÍ.
Chữ Khí và Thất đầu xà.
- Chữ Khí là hư vô chí khí, tức là sanh quang, con người thọ nơi khí sanh quang mà sống. Ấy vậy khí sanh quang là trời. Vì buổi Hạ Ngươn nầy Đức Chí Tôn có nói: Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, tức là Đức Chí Tôn ở sau để quan sát đặng đưa con cái của Ngài vào Bạch Ngọc Kinh. Các thời kỳ mở Đạo trước, các vị Giáo chủ đứng trước dìu dắt môn đệ theo sau nên không người quan sát làm thất Chơn Truyền, cho nên tu thì nhiều mà thành thì ít. Vì vậy mà thời kỳ nầy, Đức Chí Tôn ở sau đặng độ rỗi 92 Ức Nguyên Nhân trong thời kỳ Hạ Ngươn mạc kiếp này vậy.

GIẢI THÍCH THẤT ĐẦU XÀ DƯỚI NGAI ĐỨC HỘ PHÁP.

- Rắn là loài cám dỗ con người. Bảy đầu tượng trưng cho Thất Tình, 3 đầu ngửng lên là: Hỉ, Ái, Lạc đó là ba mối lành, 4 đầu quay xuống là: Ố, Nộ, Ai, Dục. Ấy là bốn mối xấu. Rắn là giống độc hại mạng người.

- Thất tình lôi cuốn con người vào tội lỗi, hại con người phải chịu đoạ đày trầm luân khổ ải. Cho nên Tôn Giáo nào cũng diệt thất tình mới mong đắc đạo

GIẢI THÍCH LÂN MÃ ĐỨNG TRÊN QUẢ ĐỊA CẦU.
Long Mã.
- Tích đời vua Phục Hi (đời Ngủ Đế ) nơi sông Mạnh Tân có nổi lên một con quái vật mình ngựa, đầu rồng, làm cho nước dâng lên và sóng gió. Khi vua Phục Hi ra xem và nói rằng: Nếu nhà ngươi đem báo vật cho ta thì vào, con Lân Mã từ từ lên quì xuống mà dâng Ấn Kiếm và Bát Quái Hà Đồ cho Ngài làm vua trị thế. Ngài lấy Bát Quái Hà Đồ phân định phương hướng, toán định mà lập Đạo dạy dân ấy là Đạo phát khai tại cỏi Đông trước hết, lần lần truyền qua cỏi Tây.

- Long Mã là vật đem tin truyển đạo, nên từ hướng Đông chạy sang hướng Tây rồi quay đầu lại hướng Đông, ấy là thiên địa tuần hoàn châu nhi phục thuỷ, là Đạo trở lại hướng Đông lập đời Thánh Đức.

GIẢI THÍCH QUẢ CÀN KHÔN.
Bát Quái Đài là Bát Cảnh Cung, nơi thờ các Đấng Thiêng Liêng.

* Trên hết là thờ Trời bằng Quả Càn Khôn và Thiên Nhãn.
- Quả Càn Khôn tức là vũ trụ. Trong Quả Càn Khôn có 3072 Ngôi Sao - thay thế cho Tam Thiên Thế Giới và Thất Thập Nhị Địa Cầu.
- Thiên Nhãn là sự soi xét thấy cả mọi việc trong Càn Khôn vũ trụ tức là Trời, Trời huyền diệu biến hoá vô cùng, bao quát cả thế gian chớ Trời không hình ảnh. Bát Quái biến càn khôn nên Trái Càn Khôn để trên Đài Bát Quái, Càn Khôn sinh vạn vật. Ấy là Đấng Tạo Hoá (Tượng trưng cho Trời vậy).

- Thời kỳ Hạ Ngươn nầy Đức Thượng Đế đem các vị Giáo Chủ hiệp lại, đến mà kêu các Môn Đệ nhìn Thầy kỳ thứ ba xuống thế cứu rước đệ tử đem về cỏi thiêng liêng. Nếu đệ tử nào không chịu nhìn Thầy thì sau này các vị không mong gì gặp đặng.
* Kế dưới thờ các vị giáo chủ Nhị Kỳ Phổ Độ (tức là thầy của nhơn loại).

Tam Giáo.
- Giửa là Đức Phật Thích Ca Giáo Chủ Đạo Phật, sinh ngày mồng 8 tháng 4, năm thứ 24 Vua Chiêu Vương đời Nhà Châu.
- Phía bên phải là Đức Lão Tử Giáo Chủ Đạo Tiên, sinh ngày15 tháng 2 năm Đinh Dậu, đời vua Võ Đinh Nhà Thương.
- Phía bên trái là Đức Khổng Phu Tử Giáo Chủ Đạo Nho sinh ngày 15 tháng 9 năm Kỷ Dậu, vua Linh Vương đời Nhà Châu.
- Ấy là Tam Giáo qui nguyên, ngủ chi phục nhứt là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo.
- Nhơn Đạo từ ngôi Giáo Tông trở xuống. Giáo Tông là anh cả của Đạo, là người cầm giềng mối và Chưởng Quản Cữu Trùng Đài do Đức Lý chấp chưởng. Đức Ngài là người công bình chánh trực, nên Đức Chí Tôn chọn Ngài làm Nhứt Trấn Oai Nghiêm và thay mặt cho Tiên Giáo.
- Thần Đạo Đức Khương Thái Công (Khương Thượng ) là Giáo Chủ Thần Đạo, Ngài vâng mạng lịnh Ngọc Hư để lập bảng Phong Thần đời Nhà Châu.
- Thánh Đạo Đức Jésus-Christ là Giáo Chủ Đạo Thánh, Ngài vâng mạng lịnh Đức Chúa Trời xuống thế chuộc tội cho nhân loại lần thứ nhì. Ngài mở Đạo Thánh tại xứ Âu Châu.
- Tiên Đạo Tức Lão Tử là Giáo Chủ Đạo Tiên. Ngài lập Đạo Tiên tại nước Trung Hoa để phổ hoá chúng sanh đời nhàThương.
- Phật Đạo Đức Thích Ca làm Giáo Chủ Đạo Phật, Ngài lập đạo Phật tại nước Ấn Độ để độ rỗi chúng sanh đời Nhà Châu. Năm mối Đạo nầy họp lại thành: Ngủ Chi Phục Nhất.

GIẢI THÍCH 28 CÂY CỘT RỒNG VÀ MÀU SẮC CỦA RỒNG.
Cột rồng
- 28 cây cột Rồng trong Đền Thánh là thay thế cho Nhị Thập Bát Tú, - tức là: Thần, Thánh, Tiên, Phật - vậy. Vì nơi Bạch Ngọc Kinh thì Đức Chí Tôn ngự có Thần, Thánh chầu. Hôm nay đền thờ Đức Chí Tôn thay thế cho Thần Thánh bằng Rồng chầu Chí Tôn. Và có nhiều màu sắc tức là có 3 thời kỳ lập Giáo thì có 3 Hội:

Nhứt Kỳ Phổ Độ - Thanh Vương Đại Hội - (màu xanh)
Nhị Kỳ Phổ Độ - Hồng Vương Đại Hội - (màu Đỏ)
Tam Kỳ Phổ Độ - Bạch Vương Đại Hội - (màu Trắng)
Nhứt Kỳ Phổ Độ Đức Nhiên Đăng làm chủ Hội.
Nhị Kỳ Phổ Độ Đức Di Đà làm chủ Hội.

Tam Kỳ Phổ Độ Đức Di Lạc làm chủ điểm Đạo nên Rồng Trắng ở tại Bát Quái Đài, ấy là chánh thời kỳ của sắc trắng.

- Rồng Vàng đứng chung quanh Bát Quái Đài thay thế chư phật chứng Hội Long Hoa.

GIẢI THÍCH THIÊN NHÃN VÀ BÔNG SEN CHUNG QUANH ĐỀN THÁNH.
Thiên Nhãn và bông sen chung quanh Đền Thánh

- Thiên Nhãn là ngôi Thái Cực tức là Trời. Nhãn là chủ của Tâm nên Tâm ta động thì Trời đã biết. Tâm ta tưởng Trời tức có Trời trước mặt dầu ở phương nào cũng vậy. Ấy là Phật tức Tâm - Tâm tức Phật. Đức Chúa cũng chỉ Tâm làm nguồn cội của con người vậy.

-Thiên Nhãn là Ngôi Thái Cực. Vì thời kỳ chưa phân trời đất vẫn còn mờ mờ, khi Thái cực nổ mới có ánh sáng. Khí thanh bay lên làm Trời, khí trược chìm xuống làm đất. Ấy là Lưỡng Nghi tức là hai bụi sen. Âm Dương Lưỡng Nghi sanh tứ tượng ấy là hai cái gương sen. Khi có trời đất mới phân định 4 hướng là: Đông, Tây, Nam, Bắc.

- Tứ Tượng biến thành Bát Quái. Ấy là tám cái lá. Khi định bốn phương rồi mới sinh ra tám hướng là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

- Mười hai cái lá sen là thập nhị khai thiên. Số 12 là con số của Trời, tức là 12 con giáp: Tý, Sữu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

- Mười cái bông sen là Thập Phương Chư Phật, vì nơi Niết Bàn mới có toà sen, ấy là cỏi Phật. Các đấng Thần, Thánh trước kia họ cũng mang xác phàm ở nơi cỏi trần mà không nhiễm trần, lại tìm chân lý mà độ rỗi chúng sanh. Họ đắc vào bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy. Còn sen là vật dưới bùn mà không nhiểm bùn, lại có thanh danh là liên hoa hay là toà sen, không nhiễm bùn trọng trược nên cho là Cõi Phật.

- Thiên Nhãn là Trời, hình Tam Giác là Tam Giáo. Tôn giáo nào cũng do nơi trời mà có, tôn giáo nào cũng có qui củ chuẩn tuần ấy, ấy là bộ luật (tức là cây thước).
- 16 tia bao quanh Thiên Nhãn. 9 tia trên là Cữu Thiên Khai Hoá. 7 tia dưới là Thất Tình. Ý nghĩa là tôn giáo nào cũng diệt thất tình cho con người nương theo Cữu Thiên Khai Hoá mà về hiệp với trời.

GIẢI THÍCH TẤM DIỀM NGAY CHÍNH GIỮA.
Phù điêu trong tâm Cung Đạo

- Trên tấm khuôn dìm trước mặt tiền là Ngũ Chi Đại Đạo, Tam Giáo và Tam Trấn.
- Ngay chính giữa: Đứng trên là Đức Thích Ca Như Lai Phật, Đức Lý Thái Bạch, Đức Chúa Giê Su, Khương Thượng Tử Nha.
- Phía Tã: Chính giữa là Lão Tử, kế là Đức Phật Quan Âm Bồ Tát
- Phía Hữu: Ở giửa là Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, kế là Đức Quan Thánh Đế Quân.

GIẢI THÍCH KHUÔN DIỀM BÊN TẢ CÓ BÁT TIÊN.
Phù điêu bên tả

- Khuôn Diềm bên tả thì có BÁT TIÊN là:
Lý thiết Quả
Hớn ChungLy
Lữ Đồng Tân
Trương Quả Lão
Tào Quốc Cựu
Lâm Thể Hoà
Hàn Tiên Tử
Hà Tiên Cô

GIẢI THÍCH KHUÔN DÌM BÊN HỮU CÓ THẤT THÁNH.
Phù điêu bên hữu

- Khi cất Đền Thánh xong, Đức Hộ Pháp không hiểu nên để Thất Hiền hay Thất Thánh nên Đức ngài cầu Đức Lý Đại Tiên giáng cơ chỉ giáo Đức Lý Ngài nói rằng:

- Đáng lẻ phải để Thất Hiền, bởi vì trước kia khi trời đất chưa mở mang, khí Hư Vô còn hổn độn hiêp kỳ Âm Dương để khai kháng Lưỡng Nghi định vị rồi khí nhẹ nổi lên là trời, khí nặng chìm xuống là đất, rồi từ đó mới có hoá sanh trên mặt địa cầu, lúc đó Chí Tôn, Phật Mẫu mới cho xuống tại thế 100 ức nguyên nhân nơi mặt đất. Đất bình địa lấy chi ăn mà sống, nên có 7 ông hiền tình nguyện xuống trước gọi là Thất Hiền gồm:
Kế Khang
Huyền Tích
Sơn Đáo
Hương Lựu
Hương Minh
Nguyện Bình
Dương Nhung

- Bảy ông này: Ông đào sông, ông tạo núi, ông bắt cầu, ông đắp đường, ông trồng hoa quả, ông che nhà và ông lập rừng. Bảy ông có công sáng tạo cơ nghiệp Hoàng Đồ ở trên mặt thế, đáng lẽ phải để Thất Hiền bia gương cho biết hồi Bàn Cổ Sơ Khai, nhưng lâu quá. Thôi để Thất Thánh đời Phong Thần là: Khương Thái Công, Na Tra, Dương Tiển, Dương Nhậm, Lôi Chấn Tử, Lý Thiên Vương (Lý Tịnh),Vi Hộ. Bảy ông này đứng trong vòng Phạt Trụ Hưng Châu, trong lúc còn bán Phong Thần. Nay bước vào đường phong thánh. Lý thuyết Tôn giáo Cao Đài ngày nay Chí Tôn lập trường Phong Thánh để bước vào địa vị tối cao.Vậy toàn cả mọi người trong Tôn Giáo rán làm sau cho đầy đủ công nghiệp, công đức bước khỏi trường Phong Thánh. Vậy mới không uổng kiếp sanh của chúng ta may duyên gặp thời kỳ Chí Tôn hoằng khai Đại Đạo, mới không hổ mặt với những vị tiền bối.

GIẢI THÍCH KIM MAO HẪU Ở BỐN CỬA ĐỀN THÁNH.
Kim Mao hẫu

- Bốn cửa hai bên Đền Thánh mỗi cửa có hai con Mao Hẫu. Tượng trưng y như Bạch Ngọc Kinh, có những con Kim Mao Hẫu đón rước các chơn linh có công cùng Đạo đặng đưa lên Bát Quái Đài.

GIẢI THÍCH BA VỊ PHẬT TRÊN NÓC BÁT QUÁI ĐÀI.
Ba vị  Phật trên nóc Bát Quái Đài
- Ba vị Phật là:
BRAMA Phật
CIVA Phật
CHRISTNA Phật.

- Ba vị này là Tam vị Thế Tôn trị đời trong ba thời kỳ như:
Ông Brama Phật (Ông quay mặt về hướng Tây)
Ông ra trị đời nhằm thời Thượng Ngươn là Ngươn Thánh Đức, tức là ngươn vô tội. Ông cởi con Thiên Nga (con ngỗng) bay khắp cả hoàn cầu nhắm xem cuộc thế.
Ông Civa Phật (Ông quay mặt về hướng Bắc)

Ông ra trị đời nhằm thời kỳ Trung Ngươn là Ngươn Tranh Đấu, tức là ngươn tự diệt. Ông đứng trên con Thất Đầu Xà, ấy là ông diệt thất tình, ông thổi ống sáo để thức tỉnh nhân sanh về ngôi vị.
Ông Christna Phật (Ông quay mặt về hướng Nam)

Ông ra trị đời thời kỳ Hạ Ngươn là Ngươn tự diệt, tức là bắt đầu ngươn tái tạo, ông cởi con Giao Long đi khắp cùng chơn trời, góc biển mà rước các chơn hồn đem về Bạch Ngọc Kinh dâng cho Đức Chí Tôn định vị.

GIẢI THÍCH HAI CÁI ĐÀI THUYẾT ĐẠO.
Rồng nơi đài thuyết đạo

- Hai cái Đài Thuyết Đạo đây có nghĩa là tích Vua Phò Dư lập đài tố cáo trời đất. Khi Đức Khổng Tử đi truyền Giáo (Đạo Nho) qua nước Phò Dư gặp phải ông vua tánh tình tàn bạo, không ưa Tôn Giáo, không thích tu hành. Vua ra lệnh bắt Đức Khổng Tử giam vào ngục thất ngoài hai năm mới phóng xá và cấm trong nước nếu ai theo đạo của Ngài thì tru di. Vua lại ra 6 điều:
1 . Mắt ta không muốn trông thấy Khổng Phu Tử.
2 . Tai ta không thèm nghe những lời của Khổng Phu Tử bày.
3 . Mủi ta không chịu hơi hôi tanh của Khổng Phu Tử.
4 . Lưỡi ta không thích nói chuyện với Khổng Phu Tử.
5 . Thân ta không muốn gần gũi thân mật với Khổng Phu Tử.
6 . Ý ta không cho Khổng Phu Tử qua nước ta lần thứ hai
Nếu cãi lệnh ta sẽ gia hình không dung thứ. Ấy là 6 cái tia trong miệng Rồng phun ra tức là lục căn: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý.

- Đời vua Phò Dư vô đạo, tánh chất bạo tàn, nên Trời phạt trong nước bị thiên tai, hạn hán, vua thấy trong nước nguy biến bèn ra giữa trời lập cái đài mà cầu nguyện (tướng tinh vua Phò Dư là con Thanh Đẩu Long - Rồng Xanh)

- Vua Phò Dư quỳ dưới đài mà cầu nguyện thấu đến Ngọc Hư Cung, Đức Ngọc Đế sai ông Hứa Chơn Quân xuống đứng trên đài kêu, cho biết rằng:

- Ấy là tại nhà vua vô đạo, không kể thánh hiền nên Trời phạt như vậy. Nếu nhà vua muốn trong nước được mưa thuận gió hoà, dân an cư lạc nghiệp thì qua nước Lỗ tìm Đức Khổng Phu Tử rước về mà mở đạo dạy dân thì trong nước hết tai nạn, Ngài nói rồi đằng vân bay mất. Vua nghe lời qua Nước Lỗ cầu Đức Khổng Phu Tử về mở trường giáo đạo dạy dân. Không bao lâu trong nước được mưa thuận gió hòa, dân lạc nghiệp âu ca, vua thấy vậy truyền lịnh trong nước ai không theo đạo của Đức Khổng Phu Tử thì bị gia hình trọng trị.

GIẢI THÍCH ĐỨC PHẬT TỔ CỞI NGỰA TRƯỚC ĐỀN THÁNH.
Phật Tổ cởi ngựa trước Đền Thánh

Sa Nặc

- Đức Phật Tổ cởi ngựa trước Đền Thánh và người chạy theo sau là vị tớ trung thành tên Sa Nặc. Ngài lúc ở thế là một vị thái tử con vua Tịnh Phạn Vương, mẹ là hoàng Hậu Na Da ở nước Ca Tì La Vệ. Ngài tên Thích Ca. Trong khi Ngài trưởng thành, Ngài rất thông minh, học một biết mười, tánh tình thuần hậu nên được vua cha yêu mến. Đến năm mười sáu tuổi, ngài có gia thất. Vợ ngài là công chúa Gia Du Đà La, sau sanh một đứa con trai tên là La Hầu La. Ngài đang sống trong cảnh nhà vàng cửa ngọc,vợ đẹp hầu xinh. Bỗng một hôm ra khỏi hoàng cung đi dạo ngoài bốn cửa thành, ngài đi đến Bắc Môn thấy người cày ruộng với đôi trâu coi mệt nhọc dưới ánh nắng chang chang như thiêu đốt, thật sanh ra là khổ. Ngài liền qua phía Đông Môn gập ông già chống gậy đi bước thấp bước cao, ôi già là khổ. Trở qua phía Nam Môn gặp một người bệnh đang nằm dưới đất rên xiết ôi bệnh cũng khổ. Ngài trở lại Tây Môn thấy một người chết nằm dựa bên lề đường, ruồi lằn bu bám. Ôi! chết cũng khổ! Ngài liền trở về hoàng cung nằm suy nghĩ thật con người sanh trên thế gian nầy muôn việc gì cũng khổ. Đến đêm mồng 8 tháng 2 ngài nhìn lại vợ con lần cuối khi vợ con đang an giấc. Ngài cùng người tớ Sa Nặc trốn ra khỏi hoàng thành lên ngựa chạy thẳng vào Rừng Khổ Hạnh là nơi ẩn tu của nhiều ông đạo sĩ. Ngài lo tu hành mong thành chánh quả hầu có phổ độ chúng sanh, giải thoát cuộc đời đau khổ mà Ngài đã chứng kiến ngoài bốn cửa Ngọ Môn đã kể trên.

GIẢI THÍCH CÂY CỘT PHƯỚN VÀ LÁ PHƯỚN.
Cột phướn trước Đền Thánh.

- Lá phướn chiều dài 9 thước, bề ngang 1 thước 2 tấc, dưới thì nền vàng, trên mặt có 3 màu: vàng, xanh, đỏ. Đoạn trên có Thiên Nhãn kế đó Cổ Pháp Hiệp Thiên Đài rồi kế là sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngay chính giữa lá Phướn là giỏ hoa Lam, kế đến có 9 thẻ, hai bên bìa là 12 thẻ theo chiều dài.

* Ý nghĩa nền vàng là tượng trưng của Phái Phật, chính đức Phật Mẫu cầm quyền năng tạo đoan cả nhân loại nên trong bài kinh Phật Mẫu có câu:
"Tạo hoá thiên huyền vi Thiên Hậu.
Chưởng kim bàn phật mẫu diêu trì"

- Nơi tầng trời thứ 9 gọi là mẹ sanh. Ngài Chưởng Quản Kim Bàn tức là nắm cả các đẳng cấp thiên liêng mà điều khiển các phẩm chơn hồn từ kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, thần hồn, thánh hồn, tiên hồn, phật hồn. Cả Bát Phẩm Chơn Hồn đó nếu họ đoạt được cơ siêu thoát thì cũng đều do tay Đức Phật Mẫu mà có. Phật Mẫu đem Phật Tánh lại cho các bậc Nguyên Nhân. Nguyên Nhân là các chơn hồn của Đức Chí Tôn sai xuống trần gian mà độ chúng sanh nhưng họ mê luyến hồng trần nên Đức Chí Tôn đem phật tánh phỗ hoá cho họ nhớ mà trở lại ngôi xưa, nhưng hai kỳ phổ hoá chỉ độ đặng có 8 ức, còn lại 92 ức vẫn còn đoạ lạc tại thế. Hôm nay, Phật Mẫu đến giáo hoá cho họ được thức tỉnh mà qui hồi cựu vị nên trong điện thờ phật mẫu có đôi liễn như dưới đây:
" Bát Phẩm Chơn Hồn tạo thế giới, hoá chúng sanh, vạn vật hữu hình tùng chử đạo
Quái hào bát ái định càn khôn, phân đẳng pháp nhứt phân phi tướng trị Tam Kỳ"

- Trên nền vàng có 3 màu: Vàng, Xanh, Đỏ tượng trưng Tam Giáo. Vàng thuộc Thích Giáo, Xanh thuộc Tiên Giáo, Đỏ thuộc Nho Giáo tuy nhiên có 3 như vậy song cũng như một, huyền linh của Đức Lão Tữ hóa Tam Thanh trong lúc Phạt Trụ hưng Châu.

* Thiên Nhãn:
- Là tượng trưng của nền đạo mà cả tín đồ lấy đó để thờ phượng trong những tư gia hay là trong những Thánh Thất. Tại sao đạo Cao Đài lấy Thiên Nhãn làm tiêu biểu? Chính Đức Chí Tôn có dạy: Nhãn thị chủ tâm, lưỡng quang chủ tể, quang thị thần, thần thị thiên, thiên giả ngã giã.

- Con mắt ấy là chủ linh tâm, hai điển quang của con mắt là chủ thể (thể trên trời là Nhật Nguyệt, thể nơi người là Lưỡng Mục). Điển quang ấy thuộc thần, thần thuộc trời, trời ấy là ta vậy. Mặt khác, Thiên Nhãn tượng trưng sự công bình, thiêng liêng và cũng tiêu biểu mầm móng cho sự đại đồng nhơn loại. Thánh nhơn có câu: Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính.

- Nghĩa là trời xem tức dân ta xem, trời nghe tức dân ta nghe. Hơn nữa thời xưa tam giáo các vị giáo chủ giáng trần lập đạo mang hình hài xác thịt, Âu thì lấy hình thể người Âu. Á thì lấy hình thể người Á... Nguơn hội này Đức Chí Tôn giáng cơ khai Tam Kỳ Phổ Độ dạy thờ Thiên Nhãn tất nhiên ngày muốn con cái của ngài hoà ái hiệp tâm với nhau để đi đến chổ đại đồng thế giới.

* Cổ Pháp:
- Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Du. Chính Đức Hộ Pháp cùng các chức sắc Hiệp Thiên Đài hằng ngày trân trọng mang trên mảo.

Bình Bát Du: là Bửu Pháp của nhà Phật. Như đức Thích Ca tắm nơi sông Hằng ngài cũng chưa biết rằng đã đoạt đạo. Ngài nguyện nếu quả ngài đắc pháp đủ quyền năng tế độ chúng sanh, xin cho Bình Bát Du nổi và trôi ngược dòng nước. Sau khi thả Bình Bát Du xuống sông Hằng, sự thật được như ý nguyện. Do đó mà Đức Phật mượn Bình Bát Du mà đi phổ độ chúng sanh.

Phất Chủ: hay phất trần cũng thế. Chính Đức Lão Tử, Đức Thái Thượng cùng các bậc tiên gia điều dùng, tất nhiên cũng là bữu pháp của phái Tiên để vân du thế giới tế độ chúng sanh. Vì vậy mà đạo Cao Đài dùng đó để làm tiêu biểu của Đạo Tiên hầu có quét sạch bụi trần, trong kinh thế đạo có câu:
"Chổi tiên quét sạch nợ trần oan gia."

Xuân Thu: tức là quyển sách do đức Khổng Phu Tử sáng tác, cũng là Bửu Pháp của Nho Giáo. Trong lúc Châu Lưu Lục Quốc Đức Khổng Phu Tử đã không thành công trong việc truyền giáo. Ngài mới trở về nước Lỗ lập hạnh đàn dạy được tam thiên đồ đệ, sau khi chỉ còn thất thập nhị hiền. Ngài thấy đời loạn lạc nào vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ sát hại nhau, bỏ mất đạo làm người, quên cả luân thường đạo lý, nên ngài soạn ra sách Xuân Thu, phân định quyền hành Quân Nhân, Thần Trung, Phụ Tử, Tử Hiếu. Nên có câu: Khổng Tử tự vệ phản Lỗ, tác Xuân Thu dỉ chánh vương hoà

Nghĩa là Khổng Phu Tử từ nước Lỗ làm sách Xuân Thu phân biệt đạo vua tôi chấn hưng phong hoá.
Xuân: - Nhứt tự ngụ chi bao - một chử đễ khen.
Thu: - Nhứt tự ngụ chi biếm - một chử để chê.

Nhứt tự chi bao vinh ư hoa cỗn, nhứt tự chi biếm nhục ư phủ diệt.

Nghĩa là: ai được một chử khen của Ngài vinh diệu như mặc được áo hoa cỗn, ai bị một chử chê của ngài nhục không khác búa vớt. Cho nên đến đời Tam Quốc, Đức Quan Thánh Đế Quân hằng trân trọng bộ Xuân Thu.

- Cổ Pháp Hiệp Thiên Đài là tiêu biểu của ba Đạo: Nho,Thích, Đạo mà ta nhìn thấy dính liền với nhau còn có nghĩa là sự Qui Nguyên Tam Giáo. Nghĩa là Đạo chỉ có một mà thôi.

Đại Đạo vì chổ Qui Nguyên Tam Giáo, Hiệp Nhất Ngủ Chi (là Nhơn đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo) mà đạo Cao Đài đang lo chấn hưng để phổ hoá toàn nhơn loại. Nên Chí Tôn gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

- Tam Kỳ: là kỳ thứ ba.
- Nhứt kỳ :
Phật Đạo: Là do Đức Nhiên Đăng khai sáng tại nước Trung Hoa trong thời kỳ thượng cổ.
Tiên Đạo: Đức Thái Thượng khai sáng cũng tại Trung Hoa.
Nho Đạo: Đức Văn Tuyên Khổng Thánh cũng khai sáng ở Trung Hoa,

- Nhị Kỳ :
Đức Thích Ca Mâu Ni chấn hưng Phật Giáo tai Ấn Độ
Tiên Đạo: Đức Lão Tử khai sáng tại Trung Hoa đời Nhà Thương.
Nho Đạo: Đức Khổng Tử khai sáng tại Trung Hoa đời Nhà Châu.

Phổ Độ:
- Phổ hóa chúng sanh thuyết pháp độ đời, cải tà qui chánh, cải ác tùng lương. Đạo Cao Đài không phải mới lạ chi, thật ra là tam giáo chấn hưng trong thời kỳ hạ ngươn nầy đặng độ rỗi 92 Ức Nguyên Nhân còn đoạ lạc nơi trần thế, nên gọi là Tam Kỳ Phổ Độ.

* Giỏ Hoa Lam.
- Của một tiên nữ (Hà Tiên Cô ) dùng để đi hái hoa luyện thuốc cứu đời. Hiên nay, Cao Đài dùng Giỏ Hoa Lam trước đền thờ Chí Tôn tất nhiên để khuyến khích tinh thần nữ phái noi gương sáng ấy để mở rộng lòng thương với vạn loại chẳng ngại khó khăn.

* 12 Thẻ.
- Là số riêng của Đức Chí Tôn, thuộc về Thập Nhị Khai Thiên. 9 thẻ ở dưới thuộc về cửu thiên khai hoá. Tượng trưng âm dương hợp nhất, thiên địa cao thới, pháp luân thường chuyển.

- Tóm lại: trong bài kinh xưng tụng Đức Diêu Trì Kim Mẫu có câu:
"Lục Nương phất phướn truy hồn
Tang thương nay lúc bảo tồn chúng sanh"

- Đang buổi thế giới cạnh tranh, tang thương biến cuộc, Phật Mẫu dùng Phướn từ bi để thức tỉnh sanh linh nương theo mà trở về cửa đạo, nhìn nhau đồng chủ nghĩa, chẳng phân biệt màu da sắc tóc nòi giống, thật hành đạo đức thương yêu nhau mà đem Tôn Chỉ Đại Đồng rải khắp càn khôn thế giới cho được cộng hưởng thái bình âu ca lạc nghiệp. Được như vậy, sau khi thoát xác rồi bà Lục Nương sẽ dùng phướn từ bi ấy mà dìu dẫn chơn hồn qui hồi cựu vị mà hội hiệp cùng Phật Mẫu nơi cỏi thiêng liêng hằng sống.

GIẢI THÍCH ÔNG THIỆN VÀ ÔNG ÁC.
- Tích vua Tỳ Kheo Vương Đế sanh đặng hai người con trai. Ngưới lớn tên là Tùy Vân, người nhỏ tên là Tùy Vũ.

- Vua Tỳ Kheo có lòng mộ đạo nên muốn truyền ngôi lại cho Tùy Vân mà đi tu, nhưng sợ Tùy Vũ chiếm đoạt nên vua Tỳ Kheo mới sai Tuỳ Vũ sang nước Hàn Châu mà chiêu mộ anh tài. Khi Tùy Vũ đi rồi vua Tỳ Kheo mới truyền ngôi lại cho Tùy Vân cai trị trong nước, rồi vua Tỳ Kheo mới đến Am Vân lo tu niệm. Khi Tuỳ Vũ chiêu mộ anh tài xong trở về vào bái yết, thấy anh mình lên ngôi kế vị mới hỏi tự sự, Tuỳ Vân thuật lại "Vì cha muốn xuất gia tu luyện nên mới truyền ngôi lại cho anh" Tùy Vũ nói: "Anh hiền đức trị dân không sợ vậy anh đưa ngọc ấn lại cho tôi sửa trị thiên hạ mới sợ." Tuỳ Vân không chịu bèn ôm Ngọc Ấn Tỷ Phù chạy lên Am Vân tìm cha phân định. Tỳ Kheo thấy con hiếu để bèn rước về Tây Phương thành Phật. Khi Tuỳ Vũ đến thấy anh mình đã ăn năn thành Phật thì tỉnh ngộ, bỏ hết giang san, không màng danh lợi bèn trục khối tình gác bỏ ngoài tai rồi lo tu cũng đắc đạo. (Ấy là tu nhất kiếp, ngộ nhất thời).

GIẢI THÍCH CÂY CÂN CÔNG BÌNH Ở PHÍA TRƯỚC.
Cây cân công bình

- Con người sanh trên mặt thế nhất nhất vật gì cũng hữu hình, tức hữu hoại, đều là giả tạm, chỉ linh hồn là thiệt tướng, bất tiêu bất diệt, khi hồn lìa khỏi xác chỉ đem theo cái tội và phước. Dầu chủng tôc nào cũng đồng chung một luật của tạo hoá, thì chính bàn tay thiêng của tạo hoá mới cầm cây cân công bình đặng, chớ nơi mặt thế này mắt thấy tai nghe thì không khi nào cầm cây cân đúng lý nơi tạo hoá đặng.

GIẢI THÍCH ĐỨC DIÊU TRÌ KIM MẪU VÀ CỬU VỊ NỮ PHẬT NƠI BÁO ÂN TỪ.

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Tam Thập Lục Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
- Đức Diêu Trì Kim Mẫu là mẹ sinh của toàn thiên hạ, chưởng quản Tạo Hóa Thiên, ai đã đến thế gian nầy đều phải nhờ ơn Phật Mẫu lựa chọn cho xuống trần chịu khổ học khôn đến đạt thành Phật vị. Ơn tạo hình hài, ơn dưởng nuôi giáo hoá và ơn dìu dẫn thoát trần của Phật Mẫu thật là vô lượng vô biên.

- Hai chữ Kim Mẫu là hai chữ nói tắt, chính thật là Kim Bàn Phật Mẫu trong Di Lạc Chơn Kinh có chỉ rõ. Bởi vậy nơi cỏi trần, Phật Mẫu là mẹ của Thần, Thánh, Tiên, Phật.

1 . Bà Nhứt Nương: Bà Nhứt Nương cầm cây đờn Tỳ Bà chưởng quản vườn ngự uyển xem xét cho biết số Nguyên Nhân xuống trần hay Qui Vị. Mỗi đoá hoa trong vườn Ngự Uyển là một chơn linh, khi chơn linh ấy tái kiếp thì hoa nở, khi qui vị thì hoa tàn.

2 . Bà Nhị Nương: Bà cầm lư hương chưởng quản vườn đào của Tây Vương Mẫu nơi tầng thiêng thứ hai, tiếp các chơn hồn qui thiên mở tiệc trường sanh (Bàn Đào) và đưa các chơn hồn đến Ngân Kiều cỏi Kim Quang triều kiến Ngọc Hư Cung.

3 . Bà Tam Nương: Bà cầm cây Quạt Long Tu thả thuyền Bát Nhã nơi bể khổ, đón nẻo cửu tuyền độ các chơn hồn qui nguyên (Chở che khách tục cửu tuyền ngăn sông).

4 . Bà Tứ Nương: Bà cầm cây Kim Bản làm giám khảo tuyển chọn các nhân tài. Trong buổi khoa thi ai có đức và học giỏi mới đặng chấm đậu (Vàng treo nhà ít học không ưa).

5 . Bà Ngũ Nương: Bà cầm cây Như Ý ra lệnh cho các đấng thiêng liêng tiếp các chơn hồn về đến cỏi Xích Thiên, khai kinh vô tự đặng xem quả duyên của các chơn linh và đưa các chơn hồn đắc đạo triều kiến Đức Chí Tôn (dựa xe như ý oai thần tuyển thăng)

6 . Bà Lục Nương: Bà cầm cây Phướn Tiêu Diêu (phướn Truy Hồn) độ dẫn khách trần và tiếp các chơn hồn hữu căn về đến cỏi kim thiên, dẫn đến đài Nghệ Hương xông cho thơm linh thể và ra lịnh thổi thiên thiều đưa các chơn linh đến Tây Phương Cực Lạc.

7 . Bà Thất Nương: Bà cầm Bông sen khêu đuốc Đạo buổi sơ khai và tình nguyện lãnh lịnh thiêng điều đến Âm Quang độ rỗi các tội hồn, khi giác ngộ lại chỉ chỗ cho đầu thai đặng theo đạo lần về cựu vị (nhứt là nữ phái)

8 . Bà Bát Nương: Bà cầm giỏ Hoa Lam (Hớn Liên Hoa) một đấng thiêng liêng rất linh hiển, dài công giáo hoá buổi Đạo Khai, có phận sự độ rỗi các nguyên nhân tại thế (nhứt là nữ phái) và tiếp đưa các chơn hồn qui vị về tới Phi Tưởng Thiên là nước Cam Lồ. Ai có việc chi cầu khẩn nơi Bát Nương thì đắt nguyện nột cách linh hiển.

9 . Bà Cữu Nương: Bà cầm ống Tiêu có nhận sự giác ngộ các chơn linh đoạ lạc nơi trần thế.

- Tóm lại các nghề hay nghiệp khéo về nữ công hoặc cầm kỳ thi học và triết học văn-chương đều nhờ Cữu Vị Nữ Phật giáo hoá và hung đúc cho thành tài.

HẾT
      https://caodaireligion02.blogspot.com/Home   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét