Trên Đường Tấn Hóa 2 / 2 (Tiếp-Pháp Trương Văn Tràng)


đời, nếu dùng Minh đức để rọi Thiên lý cho mình làm theo cũng như chúng ta dùng một ngọn đèn Trời chiếu diệu từ trên từng lầu trên xuống tận đến đất; rồi thung dung theo đó mà tiến thoái, dầu chưa bằng bậc Chí thiện, song cũng khá vậy.

Nên giữ hành động của mình cho trúng tiết. Vả lại, mỗi việc đều có mức thích đáng của nó. Hành động chưa đúng mức, thì việc làm ấy là sai; hoặc quá mức thì việc làm ấy cũng chẳng đúng.
Đạo Trời chủ nơi sự điều hòa của nhị khí Âm Dương. Nếu Dương thạnh quá thì nóng; còn Âm suy quá thì không đủ lạnh để chế ngự nóng, rồi muôn loài phải khô táo. Đạo người chủ nơi Nhân, Nghĩa. Nhân quá thì yếu, Nghĩa quá thì khắc, Nhân thiếu thì ác, Nghĩa thiếu thì bạc. Hành động hoặc thái quá, hoặc bất cập, không đúng mức, thì thiên lệch cả.

Ví dụ: Nấu nồi cơm.
Lấy chừng đó gạo, đổ bao nhiêu nước, chụm lửa bao lâu. Có khi phải nhiều lửa, có khi phải it lửa. Trong những việc nói đây, nếu có một không đúng mức, thì nồi cơm: hoặc sống, hoặc cháy, hoặc nhảo, hoặc khô.

Ví dụ nấu nồi cơm đây, có lẽ dể hiểu lắm rồi.
Đạo Trời chi phối đời sống người ta bằng sự điều hòa, đúng mức, như đã nói trên. Ấy vậy, nên kẻ học luôn luôn giữ sự điều hòa nơi mình, tức điều hòa Tâm lý và Sanh lý; điều hòa với người nầy, kẻ nọ; từ gia đình ra ngoài xã hội, điều hòa thế nào cho giữ được thế quân bình cần thiết cho sự tấn hóa sanh tồn của mình và của vạn vật.

QUAN NIỆM SỰ TU THÂN
Chúng tôi thể theo sách Đại học: bàn sơ lược sự tu thân, âu cũng giúp một tia sáng vào phần "Phương châm nhập thế" của mình.

Cổ nhân rất chú trọng sự tu thân, họ thường bảo nhau: Từ vì Thiên Tử tới kẻ thứ dân, hạng người nào cũng phải tu thân trước rồi sau mới biết đường làm những bổn phận khác như: Tề gia, trị quốc, và bình Thiên hạ. Sửa mình là gốc đạo làm người; nếu gốc đã loạn thì ngọn không bao giờ yên được.

Thế mà tu thân là gì?
Phần "Phương châm nhập thế" đã nghị luận phép Tam lập (Lập đức, lập công và lập ngôn) cũng như trong sách Đại học nhắc thiên Khang cáo và thiên Thái giáp bảo rằng: "Khắc mình tuấn đức, giai tự minh dã". Nghĩa là sáng cái đức lớn của mình là tự giác, tức tự tu, tự độ vậy.

Vậy chữ "Lập đức" đã nói trong phần "Phương châm nhập thế" tức là đã thực hành được bốn điều mục của sách Đại học là "Cách vật, Trí tri, Thành ý và Chánh tâm". Công phu ấy, đại để là khám phá, tuyệt trừ nhơn dục, cầu cho bản tâm thanh tịnh vô vi. Hễ Tâm tịnh thì cái Minh đức cũng như lòng Nhân, ung dung phát triển sở năng tự nhiên của nó, chúng ta nương nó để thông cảm với Thiên lý, chủ trương đời sống của mình. Đó là thực hiện câu "Nhơn dục tận tịnh, Thiên lý lưu hành", còn Lập công và Lập ngôn là pháp môn đào luyện Thân căn và Khẩu căn cho được thuần thục, để chúng nó phát biểu trọn vẹn tư tưởng cửa Minh đức. Làm được như thế tức Thân, Khẩu, Ý đều khuynh hướng về Chí thiện vậy.

Về cách xử thế, Mạnh Tử bảo rằng: Ở thì nên ở chỗ quảng đại của thiên hạ, đứng thì nên đứng vào địa vị chánh đáng của thiên hạ, đi thì đi trên con đường lớn của thiên hạ. Khi đắc chí thì cùng nhơn sanh noi theo Đạo cả; lúc không đắc chí thì một mình giữ lấy đạo nghĩa của mình. Giàu sang không thay lòng, nghèo hèn không đổi dạ. Sự lập thân hành đạo dầu gian nan cũng đừng thối chí.

Đạo Đức Kinh chương 8 chép lời Đức Lão Tử nói rằng: Bậc Thượng thiện tánh giống như nước. Nước thì hay làm lợi muôn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người ta hay chê, tức chỗ thấp, lánh chỗ cao mà tìm chỗ thấp, để lấp đầy những cái gì còn thiếu trên mặt đất: cho nên nói rằng nước hay chọn chỗ thấp; hay chịu chỗ thâm sâu. Xử thế thì dùng lòng Nhân; nói thì trung tín không sai chạy mà làm việc thì hợp với tài năng, cử động thì hợp thời. Ôi! Vì không tranh cho nên không lỗi lầm.

Chúng ta nên biết rằng: Trời muốn giáng một trách nhiệm lớn lao cho người nào, trước khiến cho khổ tâm chí (trí), mệt nhọc gân cốt, đói rét thể xác, cùng quẩn thân thể; hễ muốn làm việc gì thì hoàn cảnh khiến gặp điều nghịch lý trở ngại. Trời làm như thế, để kích thích tâm tánh kiên nhẫn của người ấy, hầu có đủ nghị lực xúc hành những việc chưa làm được. (Cồ Thiên tương giáng đại nhiệm ư thị nhơn dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, khống hạp kỳ thân, hành phận loạn kỳ sở vi. Sở dĩ động tâm nhẫn tánh tăng ích kỳ sở bất năng, Mạnh Tử).

Đạo thơ gọi đó là thử thách, cũng như học sinh, sau năm học rồi phải chịu khảo thí rồi mới ban cho cấp bằng.

PHƯƠNG CHÂM XUẤT THẾ

Phương châm xuất thế chẳng phải trốn tránh xã hội loài người mà thật kiến tạo một cuộc sống tinh thần giải thoát ngoài vòng tục lụy, trần ai và chung qui cầu sự giải thoát linh hồn về cõi an nhàn tự tại. Nói tóm tắt là thân thể cũng sống với người và vật trong cõi trần hoàn, nhưng tinh thần đặt ra ngoài vòng tục lụy. Cái yếu điểm của Pháp môn nầy là Minh tâm, Kiến tánh; hoặc nói rõ ra là hồi hướng về nội giới tâm linh, khám phá những cái gì che khuất tâm linh, cầu cho Phật tánh xuất hiện và thung dung, làm chủ đời sống vật chất của mình. Mà muốn sáng lòng, thấy tánh, chúng ta cần biết tâm tánh ra sao, nhiên hậu sẽ theo đó mà thực tiễn. Chúng tôi thể theo Vương Dương Minh phân tách như sau:
Hoặc nói rõ ra là điểm tánh Trời phú cho người là bản thể của Tâm. Vậy Tánh với Tâm, tuy hai danh từ, song vốn một thể. Trong kinh sách Tam giáo có khi người ta gọi Tánh, có lúc người ta nói Tâm. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng Tâm với Tánh là một mà thôi. Cái thực thể ấy hàm xúc đủ mọi lẽ nhiệm mầu của Võ Trụ, nghĩa là nó vốn trọn lành, trọn sáng và biến hóa vô cùng. Nhưng khi người ta nhập thế cuộc, Tâm bị nhục thân lôi cuốn mà phải biến sanh nhiều trạng thái khác; cho nên Vương Dương Minh nói rằng: Tâm phát động, thì trạng thái ấy là Ý; Trí là bản thể của Ý. Ý ngưng chỗ nào thì chỗ ấy là Vật. Vậy, Tâm là cái thống danh gồm tất cả Tánh, Ý, Trí, và Vật. Bốn chương sau đây sẽ giảng giải chi tiết rộng ra.

   I . VẬT
   II . THẦN TRÍ           
   III . TÂM Ý
   V . TÁNH KHÍ

CHƯƠNG THỨ NHỨT

VẬT


Chữ Vật đây chỉ vào thân Ngũ uẩn: biết cảm giác; biết giao tiếp với sự vật ngoại cảnh liên đới quan hệ với đời sống của nó. Chính thân nầy phân biệt tốt, xấu, hơn kém, sướng, khổ và cũng chính cái cảm quan nầy xúi giục người ta tìm cái sướng và tránh cái khổ.

SẮC UẨN: Sắc uẩn chỉ về nhục thân có năng lực hay biết phân biệt tốt xấu, hơn kém, phải quấy. Vả lại, nhục thân thuộc về vật chất cho nên khi giao tiếp với sự vật bên ngoài thì nó ưng chịu, cho nên nói rằng: "Sắc uẩn sanh thọ uẩn".

THỌ UẨN: Khi nhục thân ưng chịu sự vật, thì sanh Trí phân biệt, tư tưởng theo đó mà sanh, cho nên nói rằng: "Thọ uẩn sanh Tưởng uẩn".

TƯỞNG UẨN: Có tư tưởng thì có động tác cho nên nói rằng: "Tưởng uẩn sanh Hành uẩn".

HÀNH UẨN: Hành uẩn chỉ về sự động tác, về tư tưởng, lời nói và việc làm, cho nên nói rằng: "Hành uẩn sanh Thức uẩn".

THỨC UẨN: Thức uẩn chỉ sự cảm biết, mà hễ cảm biết thì có trí phân biệt. Lòng hiếu ố theo đó mà sanh, rồi thân Ngũ uẩn tùy duyên biến hiện thiên hình, vạn trạng. Đại loại như thất tình, lục dục. Tâm linh, Phật tánh sở dĩ bị lu mờ là vì cái loạn động của thân Ngũ uẩn đó vậy.

Tóm lại: Ngũ uẩn tuy chia làm năm thành phần, nhưng lúc nào nó cũng liên đới, cấu hợp thành một cuộc sống...

Cái nhơn cách do thân nầy tạo ra gọi là cái "Ta". Duy thức học cho là Giả ngã; bởi vì nó do các nhơn duyên cấu sanh, chớ chẳng có tánh thường trụ. Hễ nhơn duyên hiệp thì sanh, mà hễ nhơn duyên tan thì tử. Cái thuyết "Vô ngã" của Phật giáo do đấy mà thành lập. Triết học Pháp có câu: "Le moi est haïssable". Cái Ta là đáng ghét.

Tại sao cái "Ta" (Giả ngã) đáng ghét?

Bởi vì một khi người ta đã cố chấp cái "Ta" của mình thì đó đã chỉ riêng biệt một cá nhơn rồi. Cái ý niệm cá nhơn sanh lòng vị kỷ và muốn thâu đoạt tất cả của quí, sắc đẹp, quyền cao, lộc cả về cho một mình. Và cũng cái ý niệm cá nhơn ấy, lôi cuốn người ta sống riêng, chớ không nghĩ đến Võ trụ, vạn vật. Đời sống ích kỷ chung quy phải bị loại ra ngoài vạn vật và đó là cái mầm nghiệp quả luân hồi.

Mặc dầu vậy, nhưng nhục thân rất cần cho kiếp hiện tại, để học hành đạo lý cho đến viên thông. Nó là cái võ chở che Linh hồn, nó là tài liệu học tập trên đường tấn hóa. Trong giới tu hành người ta thường sánh nó cũng như ngựa, chúng ta là người cỡi ngựa. Chúng ta có bổn phận săn sóc nó, nuôi dưỡng nó với những vật ăn uống tinh khiết; áp dụng cho nó những phép vệ sanh cần thiết, ấn định trên nền tảng Đạo pháp. Trái lại, nó có bổn phận phải tuân lịnh của chúng ta. Người và ngựa biết ý nhau, tương đắc nhau thì cuộc hành trình mới được an toàn viên mãn. Các bậc Tiên Phật ngày xưa, cũng nương nhờ nhục thân để tu hành cho đến đắc thành chánh quả.

Nên hiểu rằng: chúng ta là một phần tử của Võ trụ; chúng ta đã bẩm thọ một sự sống của cái nguồn sống tràn ngập cả Trời Đất kia. Thế nên, lúc nào chúng ta cũng phải hướng về đó, nghĩa là chúng ta phải sống trong luật điều hòa của Trời Đất, mà muốn đi đến kết đích ấy, chúng ta phải điều hòa bản thân của mình trước rồi điều hòa với xã hội loài người, điều hòa với muôn loài vạn vật. Một phần tử của Võ trụ, chúng ta không có quyền sống riêng.

Còn một lẽ nữa là nhục thân thuộc về vật chất, nó phải chịu dưới hệ thống luật tự nhiên: Sanh, già, bệnh, tử. Ấy vậy, nên khi nào nhục thân, vì một lẽ chi mà thọ bịnh, thì chúng ta phải tận lực cứu chữa cho kỳ được. Tinh thần sảng khoái chỉ ở tận một bản thân sức khỏe. Đó là nói về "Giả ngã".

Giả pháp là sao?

Tất cả sự vật ở thế gian, Phật giáo cho là Pháp. Vậy thử hỏi vạn pháp từ đâu mà đến và chung qui nó về đâu?

Đạo học quan niệm rằng vạn vật đều do khí Âm dương, Ngũ hành, cấu sanh hình thể. Khoa học chứng minh rằng: Điện âm, điện dương cấu thành nguyên tử. Nhiều nguyên tử cấu thành tế bào; nhiều tế bào cấu thành vật thể. Danh từ tuy khác, song tựu trung tất cả là một mà thôi, bởi vì tất cả đều do Thái cực sanh ra.

Vậy đủ hiểu mỗi vật đều do nhơn duyên cấu sanh và sống mãi đến lúc nào nhơn duyên tan rã thì chết. Mà hễ vật chết thì những nhơn duyên cấu sanh vật thể kia lại trở về với bản chất tự nhiên của nó, để rồi tùy duyên biến hiện vật thể khác nữa. Suy rộng ra nữa, chúng ta hiểu rằng vật chất vốn vô thường; chúng nó thoạt có; thoạt không, khi ẩn, lúc hiện, chẳng khác nào hình ảnh vận động trên màn chớp bóng. Duy thức học cho vật chất là Giả pháp, vật chất là giả tạm, cho nên chúng ta chỉ dùng nó tương đối với nhục thân, nghĩa là dùng nó để di dưỡng đời sống tạm và làm tài liệu học tập mà thôi; chớ chẳng khá làm nô lệ nó.

Cõi trần tỉ như một Huê viên. Khách trần tỉ như con bướm bay lượn trong Huê viên, để hút lấy nhụy hoa rồi bay đi, chớ chẳng khá hệ lụy vì kỳ hoa, dị thảo. Hoặc giả chư Pháp đối với kẻ tu hành cũng như chiếc thuyền đối với du khách sang sông. Đành rằng du khách phải cậy thuyền sang sông, nhưng khi sang sông rồi thuyền trở nên vô dụng.

Thì chư Pháp đối với kẻ học đạo cũng vậy, nghĩa là người ta phải dùng chư Pháp để sanh sống học tập, nhưng khi đã có kinh nghiệm rồi không nên chấp Pháp nữa. Bởi vì Ngã tướng và Pháp tướng là hai cái chướng ngại lớn trong khi thực thi Tâm pháp.

DANH TỪ CỦA SỰ VẬT
Danh từ của sự vật cũng là một món trở đương không nhỏ. Chúng ta cũng nên bàn qua cho rõ, để phá mê trong khi khải ngộ.

Nguyên lai mỗi vật có hệ thống của nó, nhưng người ta phân tách nó ra và ghép những mãnh vụn thành một hình thức khác rồi gán cho nó một quan niệm, một danh từ khô khan và cố chấp đó là sự thiệt, là lý chơn. Người đời hay cãi nhau cũng vì những ngụy biện ấy.

Chúng tôi xin thể theo sách Phật, thuật chuyện nhà vua hội đàm với một ông Sư để minh chứng danh từ của sự vật.

Nhà vua đến viếng ông Sư, ông Sư nói:
- Tâu Kim Thượng, Ngài đến đây bằng chi?
- Bằng xe, nhà vua đáp.
- Tâu Kim Thượng, có phải thùng là xe không?
- Không phải, nhà vua đáp.
- Tâu Kim Thượng, hai bánh xe và cặp gọng có phải xe không?
- Không phải, nhà vua trả lời nữa.
- Tâu Kim Thượng, nếu thùng, hai bánh và cặp gọng chẳng phải xe, vậy vật chi gọi là xe? Tâu Kim Thượng, nếu phân tách ra, thì chiếc xe vốn do nhiều vật liệu hợp thành, chớ chiếc xe chẳng có thực thể, mà nếu chiếc xe chẳng có thực thể, thì cái danh từ chiếc xe là tiếng nói trống rỗng. Tâu Kim Thượng, những danh từ ở thế gian nguyên lai như thế cả, rồi người ta căn cứ vào sắc tướng mà đặt một cái tên, để phân biệt vật này với vật nọ mà thôi. Như chiếc xe này, nếu ngày nào những vật liệu như: bánh, ví, thùng, gọng tan rã thì danh từ chiếc xe hết.

Còn một thứ danh từ do luật tương đối sanh ra nữa, người tìm chơn lý cũng nên quan tâm suy xét, như Đức Lão Tử nói rằng: Phàm sự vật nào mà người ta nghe thấy, rờ đụng được và cho là đẹp, thì sự vật ấy đã mất hết một phần đẹp. Tại sao? Bởi vì cái đẹp ấy vốn do cái chẳng đẹp mà ra. Giả tỉ như cái "CÓ" với cái "KHÔNG" sanh lẫn nhau, cái "KHÓ" với cái "DỄ" lập thành lẫn nhau; cái "DÀI" với cái "NGẮN" so sánh lẫn nhau; cái "CAO" với cái "THẤP" khuynh đảo lẫn nhau. Hoặc ví dụ như: Ngôi nhà đã cất rồi thì ngôi nhà phân biệt trước sân và sau hè. Nay như người ta phá ngôi nhà đi, thì cái danh từ trước sân và sau hè không còn nữa.

Vậy, những danh từ của sự vật như đã kể trên là giả danh. Cái giả danh ấy dùng để phân biệt vật nầy với sự nọ mà thôi, chớ học giả chẳng nên cố chấp.

Nói rút lại: Đến đây chúng ta đã rõ rằng thân Ngũ uẩn của mình, sự vật và danh từ của sự vật ở chung quanh chúng ta, không có tánh thường trụ. Nó hiện ra một thời gian nào đó, rồi nó lại ẩn đi, cho nên chúng ta chẳng khá cố chấp mà phải sa đọa vào chỗ giả tạm.

Cái thuyết Vô ngã, Vô thường của Phật giáo, là một bài thuốc trị bịnh mê chấp của chúng sanh. Chúng ta phải ý hội tận tường và cố vượt lên trên vật chất cảm thông với Đấng Toàn Tri, ngự trị trên ngôn Thái Cực và trong thâm tâm của mình, để lập thành nếp sống hiện tại, thì chung qui mới giải thoát được kiếp sanh tử.

Nhắc lại: "Cái thuyết Vô ngã, Vô thường" là một vị thuốc trị bịnh "Mê chấp". Khi có bịnh thì chúng ta dùng thuốc để trị. Khi bịnh hết rồi chúng ta cũng chẳng khá giữ thuốc lại, vì hết dùng rồi. Cũng như chúng ta đạp gai thì dùng cây gai thứ nhì để lể cây gai thứ nhứt. Khi lể được cây gai thứ nhứt rồi cây gai thứ nhì cũng vô dụng. Chúng ta chẳng lẽ giữ vật vô dụng để làm gì?

Xin xem lại phần sách "Phương châm nhập thế" rất cần cho sự trau giồi thân Ngũ uẩn.

CHƯƠNG THỨ HAI

THẦN TRÍ

Trong người chúng ta có hai quan năng "Tri giác" là Thần và Trí. Kinh Dịch nói rằng: "Thần dĩ tri lai, trí dĩ tàng vãng". Nghĩa là Thần để biết việc chưa học; Trí để tích lũy kinh nghiệm. Đức Lão Tử nói rằng: "Hai quan năng nầy do một gốc (Tâm) mà ra, nhưng khác tên là Thần và Trí. Cả hai đều huyền diệu, song cái diệu ở trên cái huyền kia là cửa sanh các lẽ nhiệm mầu. Cố như vậy, nên Tâm thường vô dục (thanh tịnh) thì biết được cái diệu, tức Thần. Còn như Tâm có suy tư thì chỉ biết được cái kiếu tức Trí." (Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền, huyền nhi hữu huyền chúng diệu chi môn. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu, hữu dục dĩ quan kỳ kiếu. (Đạo Đức Kinh chương 1).

Theo lẽ trên đây mà suy ra, chúng ta hiểu rằng trong người chúng ta có Thần và Trí, để hay biết. Cả hai đều do Tâm mà ra, nhưng chẳng những khác tên mà phương thức khai hóa cũng không giống nhau nữa. Đại để như muốn mở Trí thì phải học vấn, suy tư, tìm kiếm. Kiến văn càng nhiều càng hay; còn muốn tồn Thần thì phải giảm bớt sự học vấn, suy tư. Giảm bớt và giảm bớt nữa cho đến vô vi. Tâm thanh tịnh thì biết được Thần. Sau đây chúng tôi theo lẽ nầy để nghị luận hai phương thức khai trí và dưỡng thần.

KHAI TRÍ

Khi người ta nhập thế cuộc, Trí hiệp với cái Thức của thân Ngũ uẩn, khuynh hướng về phàm trần, phóng túng theo vật chất, mưu cầu sự thỏa thích cho nhục thân; nhơn đó, Trí thu thập những tư tưởng lãng mạn, những dục tình thấp hèn làm cho Thần phải lu mờ. Nay muốn khai trí thì một mặt phải loại trừ những dục tình thấp hèn, dịch hóa những tư tưởng lãng mạn thành một tâm niệm quang minh, chánh đại và một mặt nữa phải mở rộng sự học hành thâu thập đức tốt, hạnh lành thay thế cho những tật hư, nết xấu.

Dịch hóa tư tưởng lãng mạn và bài trừ dục tình thấp hèn:
Tư tưởng lãng mạn và dục tình bất chánh do hai lối mà đến: Một là Trí nương theo Ngũ quan giao tiếp với sự vật bên ngoài; hai là Trí tự nó triêm nhiễm tư tưởng của người khác.

* Về điểm thứ nhứt: Trí nương theo Ngũ quan giao tiếp với sự vật bên ngoài, chúng ta nhờ đó mà học hỏi được điều hay, lẽ phải. Nhưng nếu chúng ta chẳng tự chủ thì Trí thâu nhập tư tưởng lãng mạn, dục tình ích kỷ và chúng ta cứ theo đó trụy lạc vào vòng vật dục nữa.

* Về điểm thứ hai: Trí tự nó triêm nhiễm tư tưởng của người khác. Thử hỏi tư tưởng của người khác làm sao đến với chúng ta? Nó đến làm gì? Và phải làm thế nào để ngăn ngừa nó? Đây là cả một vấn đề mà kẻ học phải giải quyết; chúng tôi lần lượt kể như sau:

Kinh Dịch nói rằng: "Xuất kỳ ngôn thiện, tắc thiên lý chi ngoại ứng chi, xuất kỳ ngôn bất thiện, tắc thiên lý chi ngoại di chi". Nghĩa là nói ra một lời lành thì ngoài xa ngàn dặm ứng lành; còn nói ra một lời chẳng lành thì ngoài xa ngàn dặm đổi lành ra dữ.

Sở dĩ nói như vậy là vì trong không gian có điển lực tràn ngập cả Võ trụ. Phàm một tư tưởng gì, khi thoát ra khỏi người thì nó tích lũy trong điện lực ấy và tìm đến tư tưởng đồng loại với nó để rồi cụ thể hóa lẫn nhau, thành sự kiện hữu hình. Chính tư tưởng của kẻ khác cũng do điều kiện nầy mà xâm chiếm Trí mình. Nó đến chúng ta với một cách kỳ quặc. Nhiều khi, muốn xô nó, nhưng chúng ta bất lực, rốt cuộc đành để nó xâm phạm Tâm giới mình.

Nói đến đây, chúng tôi nhớ sách chép rằng: Các nhà luyện Trí tinh thuần, giao thiệp với nhau bằng tư tưởng; nghĩa là người nầy ở cách xa kẻ nọ mà họ thông truyền tin tức với nhau bằng tư tưởng. Phương pháp nầy gọi là : "Thần giao cảm cách", hoặc "Télèpathie" (truyền tâm). Vị Chơn Sư truyền giáo cho đệ tử cũng dùng lối nầy; nhưng có khác là cách thực hiện trong bầu "Thượng thanh khí".

Những lẽ trên đây đủ minh chứng rằng: Tư tưởng của người nầy có thể truyền nhiễm cho kẻ nọ. Giả tỷ: những tư tưởng mà chúng ta nhận được có tinh thần đạo đức tốt lành thì đáng mừng và nên giữ nó lại, còn những tư tưởng chất chứa tinh thần trần tục thì nó kích thích Trí chúng ta sanh ra dục vọng. Dục vọng là điều mà kẻ học đạo phải lánh xa. Thế nên, những loại tư tưởng nầy, chúng ta phải đuổi nó đi. Bởi Trí hay truyền nhiễm tư tưởng bất chánh như vậy, cho nên có người dựa vào lẽ nầy mà cho Trí là một lực lượng phá hại Tâm đạo; nhưng, sự thật, nếu chúng ta biết điều độ biết thực hành trầm tư mặc tưởng thì Trí sẽ giúp chúng ta chẳng ít trên đường học tập.

Lọc lược tư tưởng, tức trừ bỏ tư tưởng bất chánh, những dục tình lãng mạn. Ấy vậy, nên trước khi thâu nạp một tư tưởng nào, hoặc do Ngũ quan đưa vào, hoặc do sự truyền nhiễm của người khác, chúng ta phải suy nghĩ kỹ càng, xem tư tưởng ấy có ích cho mình, gia đình, xã hội và tất cả nhơn loại chăng? Nếu được như vậy, chúng ta giữ nó làm của mình. Trái lại, nếu tư tưởng chẳng lành thì nên đuổi nó đi xa, thật xa.

NÓI RÚT LẠI:
Trí vốn hay điên đảo; đảo điên, gia dĩ, từ trước nó đã bị triêm nhiễm những tư tưởng bất chánh, những dục tình lãng mạn, như đã kể trên, cho nên nó vốn vọng động thêm hơn. Bởi thế, nên khi chúng ta đang nghĩ việc này thì nó đã đâm ra nghĩ việc khác. Khi đang chăm chỉ làm việc thì nó lơ đãng. Ngạn ngữ gọi đó là "Đãng trí". Khi chúng ta muốn tịnh, thì nó lại động. Thậm chí, trong đêm vắng canh khuya, cảnh vật êm đềm thân thể nghỉ an mà Trí cứ vu vơ tư tưởng. Nay muốn đem nó trở về chánh đạo, một mặt phải kiềm giữ nó ở trong cảnh tịnh; một mặt nữa, phải học hành đạo đức, thâu thập chơn lý, để thay thế cho những tư tưởng bất chánh, dục tình lãng mạn. Lấy cái hay thay thế cái dỡ, lần hồi Trí sẽ yên lặng đứng vững trong tinh thần đạo đức.

HỌC HÀNH
Học hành sâu rộng, thâu hoạch kiến văn càng nhiều, càng hay. Nên nhớ rằng chữ học hành gồm hai giai đoạn là: học và hành.

Học là quan sát, phân tách sự vật ra từng môn, từng loại, và tổng hợp thành một cái biết, có thống hệ, có mạch lạc. Phép học nầy gọi là La tập (Lý luận pháp). Cái hay biết gọi là lý trí.

Hành là làm. Học để biết, biết rồi phải làm cho cái biết ấy biến thành Tâm đức, để rồi nó phát xuất ra tư tưởng, lời nói và việc làm. Đó là kinh nghiệm.

Theo Nho giáo, kẻ học phải làm năm việc là: Học, vấn, tư, biện và hành.
Học: Lấy sự tìm tòi làm cho giỏi các việc gọi là học.
Vấn: Lấy sự tìm tòi giải rõ sự ngờ vực gọi là vấn.
: Lấy sự tìm tòi làm thông suốt các thuyết lý gọi là tư.
Biện: Lấy sự tìm tòi làm tinh tường việc suy xét, để giảng giải lại cho rõ gọi là biện.
Hành: Lấy sự tìm tòi hiểu biết làm ra sự việc gọi là hành.

Tuy chia ra năm việc làm, nhưng tổng hợp thì có một lẽ là: thể hợp tâm và lý.

Sự hay biết vốn do Tâm linh, chớ không phải do sự vật bên ngoài. Tâm linh là chủ tể của cái biết. Sự vật bất quá là cái bị biết mà thôi. Thế nên, sự học cần tu dưỡng trí não, nhứt là suy gẫm. Pháp môn nầy khai mở tâm tư được rộng rãi.

VÍ DỤ: Khi đọc sách, chúng ta thấy một tư tưởng nào đó thì phải gia công suy gẫm. Cách suy gẫm phải phân tách ra từng môn loại; từng khía cạnh, rồi mỗi mỗi đều phải dùng Trí suy gẫm đáo để. Phải tự hỏi, rồi tự trả lời, mãi đến khi nào cái biết ấy không còn cãi vả nữa được mới thôi.

Mục đích học hành hoán cải tâm tánh, hầu trở nên thiện mỹ, chớ không phải tầm chương trích cú. Thế nên, kẻ học khi tìm được điều lành thì mạnh mẽ làm theo cho đến thành quả, hoặc chọn được điều chẳng lành thì phải tận lực trừ khử cho thật sạch. Công phu lâu ngày thì Trí trở về cảnh chơn và sẽ cường kiện sáng suốt.

ĐỊNH TRÍ
Định trí là một công phu giúp cho sự học hành mau tiến. Vả lại, Trí là một quan năng đứng ở giữa giác quan và Chơn thần. Bên trong vô vi thì nó thông công với Thần minh, để truyền Thiên lý ra ngoại giới. Bên ngoài nó trực tiếp với cái Thức của thân Ngũ uẩn, thành thử, Trí tuy bản thể "Chơn", nhưng nó cũng bị cảm nhiễm một phần "Vọng" của cái "Thức". Ấy vậy, nên chúng ta cần phải tịnh định làm cho Trí hườn nguyên bản thể thanh tịnh của nó. Phương pháp đó gọi là "Định trí" kể như sau:

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH

Định trí là chăm chú vào một vật nào đó, để rồi có thể phát họa vật bằng tư tưởng ở trong ký ức. Hoặc nói cách khác là tập trung tinh thần vào một quan niệm chi đó rồi giữ chặt nó.

Khi bắt đầu chế ngự Chơn trí, chúng ta cũng bắt đầu chạm trán với những chướng ngại vật ở trong tiềm thức.

Nguyên những tư tưởng và dục tình lãng mạn, như đã kể trên kia khi đã triêm nhiễm vào Trí thì Trí dùng bộ não và Thần kinh làm trường vận động để trực tiếp hoạt động với sự vật bên ngoài. Khi cơ duyên bên ngoài hết thì nó lặng vào trong tiềm thức ở ẩn, để rồi xuất hiện hoạt động nữa, nếu có cơ hội thích ý. Nhiều lần hành động như vậy thì trí não và thần kinh có thói quen "vọng động". Nay chúng ta thực hành phép định trí thì thói quen "Vọng động" nầy là một trở lực không nhỏ.

Chúng tôi xin đề cập ba pháp môn của Phật giáo là:
   * Giới
   * Định
   * Huệ

GIỚI: Trì giới có nhiều bực như: Ngũ giới, thập giới, cụ túc giới v.v... Trì giới nghiêm trang thì thân khẩu ý đứng vững trên đường Chánh đạo.

ĐỊNH: Làm chủ lục căn, lục trần, lục thức và hồi hướng về nội giới tâm linh khám phá, bài trừ phần Vọng; tồn dưỡng phần Chơn vững vàng, đó gọi là Định.

HUỆ: Suy gẫm đáo để sự lý ngoại giới Võ trụ và nội giới Tâm linh, tinh thần sáng suốt. Biết đâu là vọng, đâu là chơn, mỗi mỗi tánh tướng sự vật đều phân biệt tinh tường. Được cái biết vô ngại, chẳng còn mê chấp, ngộ nhận nữa, đó gọi là Huệ.

Tóm lại: Giới, Định, Huệ thành toàn lẫn nhau; nhứt là Định và Huệ tương liên rất mật thiết. Có Định mới có Huệ; có Huệ mới có Định. Định và Huệ tiến hành song song và điều hòa thì mới có thành công kết quả. Trái lại, nếu Định nhiều mà Huệ ít thì bị hôn trầm, còn Huệ nhiều mà Định ít thì sanh tán loạn.

Theo Phật học, công phu: Giới, Định, Huệ viên mãn thì Bát thức sẽ biến thành bốn Thánh trí như sau:

1 . Thành sở tác trí: Ngũ thức, khi phóng túng theo vật chất thì sanh tư tưởng trần tục làm rối loạn Tâm linh, nay hành giả bỏ Vọng về Chơn thì nó phản bổn hoàn nguyên mà thành "Thành sở tác trí". Trí nầy hay giúp chúng ta làm tròn bổn phận mình, với một cách quang minh chánh đại.

2 . Diệu quan sát trí: Ý thức vọng động sanh ra tình dục, nay hành giả hướng về Thiên lý bỏ Vọng, tồn Chơn thì ý thức trở về nguyên bản của nó và biến thành "Diệu quan sát trí". Trí nầy xem xét sự vật với cách tinh tường thấu đáo.

3 . Bình đẳng tánh trí: Mạt Na thức ngoài nương ý thức; trong cậy A Lại Da thức rồi ngấm ngầm, tư lường, phiền não. Nay trong ngoài đã an tịnh và những tư tưởng phiền não cũng đã tuyệt diệt thì Mạt Na Thức biến thành "Bình đẳng tánh trí". Chúng ta nhờ trí nầy mà thực hiện được sự Từ bi, Bác ái, Công bình.

4 . Đại viên cảnh trí: A Lại Da thức là cái kho tàng tích trữ những Tà kiến, Ác kiến, thành kiến hủ lậu. Những chướng ngại vật tế tắc Tâm linh làm cho chúng sanh lạc nẻo, lầm đường. Nay hành giả đã thâm nhập vào trong: khám phá và bài trừ những tâm tướng ấy thì A Lại Da thức biến thành "Đại viên cảnh trí", là một năng lực Trực giác sáng suốt quang minh. Hễ sự vật đến thì nó cảm thông mà biết được sự vật toàn diện đến chỗ tinh vi. Đó là phép "THẦN HÓA" và là một trạng thái Huệ trí trong sạch viên dung đứng ở giữa Thiên lý và Nhơn dục.

Công phu định trí phải liên tục thực hành và tinh tiến. Nói tỉ như người kia có bịnh kinh niên, nay mới dùng một vài thang thuốc mà muốn mạnh cấp kỳ sao được? Phương pháp thực hành bất luận trường hợp nào cũng có thể làm được. Ngoài giờ Thiền định, trong khi làm việc hằng ngày, chúng ta đặt Trí chăm chỉ vào việc làm và cố gắng làm việc kỹ càng. Trong khi làm việc, nếu Trí xao lãng thì mau đem nó trở về chỗ nhứt định. Mặc dầu, làm việc, hay ở không, hay tham thiền, lúc nào cũng giữ lòng bình tĩnh, an vui, tự chủ, không ưu phiền, không phóng túng mà cũng không khổ khắc.

Định trí là một phương thức ổn định Trí và dìu dẫn nó theo Đạo pháp, và tùng lịnh Chơn ngã. Một khi tư tưởng được lọc lược, Trí được điều hòa thì Trí sẽ ung dung tiếp nhận Thiên lý và thực thi trong đời sống thực tế. Đó là thể hiện Thiên Đạo thành Nhơn Đạo.

Nên nhớ rằng công phu Định trí không phải cưỡng bách tinh thần và vật lực, mà trái lại, phải thản nhiên mà làm; không nên bó buộc hơi thở, không nên làm căng thẳng thần kinh; bởi vì làm như vậy là nhọc mệt thân thể và bế đường di chuyển Thần lực. Trong giờ tham thiền cũng như khi rảnh rang, lúc nào cũng nên thả lỏng gân cốt, thần kinh và Thần khí.

Khi mới bắt đầu tập Định trí không nên hành công quá 5 phút, đến khi quen rồi sẽ tiến lên 10 phút, 20 phút v.v... Tham thiền mà có nhức đầu là triệu chứng không tốt. Ấy vậy, chúng ta phải đề phòng. Chơn khí có liên đới quan hệ với Trí, nó luôn luôn thay đổi theo tánh cách của tư tưởng. Sự thay đổi ấy, nếu xảy đến mau chóng quá thì có hại sức khỏe. Thế nên, sự trầm tỉnh rất cần.

Lý trí tuy không lột trần được Chơn lý tuyệt đối; nhưng nó rất cần cho đời sống hiện tại, bởi vì sự hiểu biết của nó thực tế, như hai với hai là bốn, không hơn, không kém.

Theo luật Nhơn quả, ở thế gian chẳng có Quả nào mà không có Nhơn, mà cũng chẳng có Nhơn nào không Quả. Ấy vậy, nên công phu Định trí của chúng ta được bao nhiêu thì sự sáng sủa của chúng ta cũng được bấy nhiêu.

DƯỠNG THẦN
THẦN là một điểm Linh quang chí chân, chí thiện, chí mỹ, Trời phú cho người. Nhắc lại: Khi Đức Chí Tôn sanh hóa loài người thì Ngài phú cho mỗi người một điểm Linh quang ấy, ai cũng như ai: ở nơi Thánh, nó không thêm, ở nơi phàm, nó không bớt. Thế mà Thánh phàm khác nhau chỉ vì Thánh biết tồn dưỡng, còn phàm thì buông lung. Nay muốn đem Thần phản bổn, hườn nguyên bản thể tự nhiên, chúng tôi xin đề cập phép "Dưỡng thần" sau nầy.

Bây giờ, chúng ta nên bàn trước cho rõ chữ Thần rồi sau sẽ thực hành phép Tồn dưỡng.

Chữ Thần nói đây Vương Dương Minh gọi là Lương tri, rồi ông nói rằng: "Tâm chi bản thể tức Thiên lý dã; Thiên lý chỉ chiêu minh linh giác sở vị Lương tri". Nghĩa là: Bản thể của Tâm là Thiên lý. Cái chiêu minh linh giác ở trong Thiên lý gọi là Lương tri.

Vậy Lương tri (Thần) ở trong Thiên lý tức là Tánh bản nhiên của người. Lúc nào nó cũng tự nhiên, tự tại, không tìm biết cái gì, nhưng cái gì cũng biết, "Vô tri nhi vô bất tri" cũng như mặt Nhựt không định chiếu ở đâu, nhưng chỗ nào cũng sáng.

Phật giáo gọi cái Linh giác nầy là "Trí bát nhã" và giảng đại lược rằng: "Trí bát nhã" rộng lớn, châu biến khắp Pháp giới, dùng nó thì thông suốt mọi lẽ. Tất cả đều gồm về một mối, tới lui tự do chẳng hề ngưng trệ. Nó tiềm ẩn trong cảnh vô sắc, vô danh. Lý luận, ngôn ngữ không thể trạng tỏ cái bản thể nó được.

Nói rút lại Thần minh, Lương tri, Trí bát nhã là một Linh giác tự nhiên mà có, chớ chẳng phải nhờ học vấn, suy luận để khai mở như trí thức, nó cảm thông, quán xuyến Càn khôn, vạn vật. Cái biết ấy cũng như Trực giác của khoa Triết học cận kim; tức là cái biết tổng quát, toàn diện, không phân biệt khách quan, và chủ quan, không phân biệt năng tri và sở tri, không phân biệt chủ tể của cái biết và vật bị biết. Cái biết ấy nếu thêm thì thừa; bớt thì thiếu, thật là cái biết tròn trịa, vẹn toàn không khuyết điểm. Cái Linh giác ấy lúc nào cũng ngự trị trong cõi lòng thanh tịnh, tức chưa có mừng, giận, thương, vui phát động. Tâm trạng ấy, Nho giáo gọi là Trung. Còn khi có tư duy mà trúng tiết thì trạng thái ấy gọi là Trí ở trong cảnh hòa. Trung là gốc lớn trong thiên hạ, Hòa là con đường thông suốt đại lý trong thiên hạ. Hoặc nói cách khác: Tâm tịnh thì Thần chủ trương Thiên lý; còn Tâm động thì Trí suy gẫm tìm hiểu Thiên lý lẫn lộn trong Nhơn dục và đem cái biết ấy về với Thần. Thế đủ biết Thần và Trí chủ trương hai lãnh vực khác nhau là vô vi và hữu vi. Chúng tôi đề cập hai đường tu sau đây:
   * Đường Triết học
   * Đường sùng đạo

A.) ĐƯỜNG TRIẾT HỌC
Theo đường Triết học, kẻ học phải không còn giận ghét; không còn ham muốn vật chất, trừ bỏ mọi sự ưa thích, mọi sự luyến ái. Bỏ tất cả việc giả tạm mà khuynh hướng theo cái bất diệt, như linh hồn bất sanh, bất tử chẳng hạn. Cố vượt lên cõi tuyệt đối tìm Chơn lý toàn diện; không nên cố chấp việc nhỏ mọn, hẹp hòi. Tâm hồn luôn luôn tự nhiên, tự tại, không điên đảo, không ủy mị. Lo lắng giúp đời; vì lòng Từ bi, chớ chẳng phải vì lòng ích kỷ, tư lợi. Không mong hưởng kết quả việc mình làm; giúp người chẳng cầu trả ơn. Lấy đức báo oán, lấy lễ hòa người. Không quan tâm đến sự buồn vui, vinh nhục, mà luôn luôn hồi hướng về nội giới tâm linh tìm kiếm bổ khuyết, những cái gì mình còn thiếu. Cửa lòng khép chặt, Tâm thần bình tĩnh, cũng như ngọn đèn, tránh khỏi trận cuồng phong.

Tinh thần luôn luôn đặt vào lòng Thượng Đế và thể theo Đức háo sanh của Trời mà thương yêu muôn loài, vạn vật và tùy phương tiện chở che giúp đỡ chúng nó theo nguyên tắc "hóa dục quần sinh" của Đức Thái Cực Thánh Hoàng, tức Thượng Đế.

B.) ĐƯỜNG SÙNG ĐẠO
Ở đây, thay vì loại trừ tư tưởng lãng mạn, chúng ta lại tập trung tinh thần về một mối và chiêm ngưỡng Đấng Thiêng Liêng mà chúng ta đã sùng bái. Ví dụ người Tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, mắt cứ nhìn thẳng vào Thánh tượng Thiên Nhãn và lòng cứ tưởng niệm danh hiệu Đức "CAO ĐÀI THƯỢNG ĐẾ", hoặc tưởng niệm danh hiệu của một vị Phật, vị Tiên, hay vị Thánh nào. Người Tín đồ tưởng niệm vị Giáo chủ lâu ngày thì họ sẽ hái được hai kết quả một lượt:

Kết quả thứ nhứt: Danh hiệu mặc niệm kia làm chữ thoại đầu định trí lâu ngày nó biến thành một tâm niệm rõ ràng, ngự trị trong lòng rồi những Tà niệm không có chỗ xen vào được. Thế là Tâm được yên lặng.

Kết quả thứ hai: Người đệ tử thường thông công với Đức Thầy mình, lần hồi linh hồn sẽ dạn dĩ, để rồi lãnh hội sự cảm hóa và sự truyền thọ ở giữa Thầy và Trò được dễ dàng hơn.

Con đường sùng đạo rất tiện cho người học, nhưng nó đòi hỏi phải có đức tin sâu xa, vững chắc và công phu liên tục. Bởi vì thay vì loại trừ dục vọng, chúng ta đem lòng tín ngưỡng thay thế. Công phu có lẽ dễ hơn nhưng nó đòi hỏi nhiều ngày giờ.

Dầu theo đường Triết lý hay Sùng đạo, đến công viên thì cái thành quả đều như nhau.

Đạo Đức Kinh chương 1 nói rằng: "Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu", nghĩa là không động Tâm thì thấy được cái diệu, tức Thần. Đại khái nói rằng: muốn đến nơi Thần ngự trị thì phải giữ lòng thanh tịnh tức vô dục.

Sau đây, chúng tôi thể theo Phật giáo giảng giải sơ lược một câu "Bát nhã Tâm kinh" âu cũng giúp thêm một ánh sáng về Tâm Vô dục:

Ngày xưa, có một vị Bồ Tát tọa thiền, trong khi ông tự tại quán tưởng được lâu lâu rồi ông giác ngộ cái lý Chơn không trong Thần sắc và Cảnh sắc.

Thế mà Sắc thân và Sắc cảnh là gì. Và lý Chơn không ở trong Sắc thân và Sắc cảnh ra sao?

Sắc thân: Sắc thân chỉ về thân Ngũ uẩn. Tuy thân ấy có hình thể, nhưng nó vốn do tinh cha, huyết mẹ và cái Thức của mình cấu sanh. Cổ nhơn gọi nó là thân "Trần cấu" tức nó do nhơn duyên ở cõi Trần cấu sanh. Nhơn duyên hiệp thì nó sanh. Nhơn duyên tan thì nó tử. Sanh ký tử qui, chớ chẳng có tánh thường trụ. Bồ Tát quán tự tại giác ngộ cái lý Chơn không là lẽ như vậy.

Sắc cảnh: Sắc cảnh chỉ về sự vật ở đời (Pháp), nó có hình tướng màu sắc là do Tứ đại (Địa, Thủy, Hỏa, Phong) cấu sanh, cho đến ngày nào Nhơn duyên ấy tan rã thì hình tướng màu sắc của Pháp trần cũng hết, chớ Sắc cảnh chẳng có tánh thường trụ; Bồ Tát quán tự tại giác ngộ cái lý Chơn không cũng vì lẽ như vậy.

Sắc thân và Sắc cảnh là không. Chính cái lý "Vô thường" và "Vô ngã" (1) ấy là vị thuốc trị bịnh mê chấp của chúng sanh. Nay hành giả biết phép Chỉ quán như vị Bồ Tát đã nói trên thì hành giả sẽ không còn cố chấp "Ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng" nữa.

(1) Phật giáo dùng các lý Vô thường, Vô ngã để đánh thức lòng mê chấp của chúng sanh, nhưng sự thật thì đối với chúng sanh "Sắc thân và Sắc cảnh" còn hữu dụng trong kiếp hiện tại để học tập trên đường Tấn hóa. Vậy, Vô thường và Vô ngã là vị thuốc trị mê chấp. Hễ có bịnh thì dùng thuốc, khi bịnh tiêu tan rồi cũng không nên giữ thuốc lại, bởi vì "vô""hữu" là tương đối lưỡng biên, chớ không phải Trung Đạo của Phật giáo.

Ngoài phép Quán tưởng, để đả phá những tướng mê chấp ở trong chỗ sâu kín, mà ngay bây giờ học giả cũng phải tịnh tâm nữa. Tại sao? Bởi vì Thần ở trong cõi lòng vị phát chi trung, nghĩa là chưa có mừng, giận, thương, vui phát động. Mà muốn Tâm tịnh chúng ta phải điều chỉnh nếp sống của mình, nghĩa là thay vì ham mê vật chất, tranh đua hơn thiệt trên đường danh lợi, chúng ta nên xem Thế giái bên ngoài là giả tạm, xóa bỏ đời sống vật chất, hồi hướng về nội giới tâm linh, thực hiện cái thuyết vô ngã; vô thường để trừ hẵn tật ích kỷ, hẹp hòi, mở rộng lòng vị tha, bác ái, bắt ý thức hệ của mình vào trong nguyên lý "Thiên Địa chi Đại đức viết sinh" để thực hành, thực nghiệm và thực hiện. Hễ Tâm tịnh thì Thần an.

Tuy nói rằng: Kẻ học phải đặt mình vào cảnh Chơn không để dưỡng Thần; nhưng Chơn không đây chẳng phải khô khan như cây, như đá; mà thật phải có cái Chiêu minh Linh giác tức Thần, chủ trương bên trong. Thần ở trong Tâm thanh tịnh vô vi cũng như ông chủ nhà ngự trị trong căn nhà bằng pha ly lau chùi, tấm tưới sạch sẽ.

Nếu có kẻ gian đến thì người chủ nhà trông thấy liền, thì Thần ở trong Tâm thanh tịnh vô vi cũng vậy. Nếu có Tà kiến, Ác kiến manh nha thì nó biết và ngăn ngay, chớ không cho phát hiện hình tướng. Đơn kinh bảo rằng: Thần phải rình Vọng thức cũng như mèo rình chuột. Chuột đến thì mèo bắt, cũng như Vọng thức manh nha thì Thần phải ngăn liền.

Mặc, mặc, mặc, vô lượng Thần Tiên tùng thử đắc;

nhưng chúng ta còn cần phải khai thông đường Tấn hóa của mình. Ấy vậy, nên chúng ta cũng cần dùng Chơn trí mà tìm tòi Thiên lý còn lẫn lộn trong Nhơn dục, để bồi bổ cái biết của mình cho đến toàn giác, toàn tri.

Nhưng cách hoạt động của Chơn trí lúc nào cũng phải lấy Thần làm chủ động, dùng Đạo pháp làm phương châm, khiến cho Thần Trí điều hòa cũng như máy Âm dương Trời Đất. Hễ động thì nhứt bổn tán vạn thù, hễ tịnh thì vạn thù phục ư nhứt bổn. Phải chăng đây là cái lý "Nhứt dĩ quán chi" của Đức Thánh Sư Khổng Phu Tử.

CHƯƠNG THỨ BA

TÂM Ý

Tâm là chủ tể của thân thể; Tâm muốn hành động thì thân thể phải tuân theo. Thế mà Tâm ra sao? Tâm vốn tịnh là Tánh Trời phú cho. Nhưng khi người ta nhập thế cuộc, thân cảm nhiễm vật chất rồi thân lôi cuốn Tâm làm cho Tâm phải động; mà Tâm động thì trạng thái ấy gọi là Ý. (Tâm chỉ phát động tiện thị Ý - Vương Dương Minh). Ý hiệp với cái Thức của Thân ngũ uẩn để tạo một nếp sống hiện tại thì Ý khuynh hướng về phàm trần, phóng túng theo vật chất mưu cầu sự thỏa thích Nhân thân thì Ý sanh dục vọng. Đó là mối loạn Tâm đó vậy. Phép "Thành ý và Chánh tâm" sau đây sẽ giải quyết vấn đề ấy.

I . THÀNH Ý
Ý khi hòa hợp với cái Thức của Thân ngũ uẩn thì nó khuynh hướng về phàm trần, phóng túng theo vật chất, mưu cầu sự ích lợi cho nhục thân; nhơn đó mà Ý sanh vọng động và ham muốn vật chất. Tình dục sôi nổi làm loạn Tâm cũng vì Ý vọng động đó. Thành ý nghĩa là sửa ý trở nên Chơn thật. Bởi chữ Thành nghĩa là vô dục, tức trừ tuyệt sự ham muốn vọng động của Ý gọi là Thành Ý, và cũng vì thế nên chữ Thành Ý cũng có nghĩa là cảm hóa Ý trở về với Tâm thanh tịnh vô vi.

Ý tuy có một danh từ, nhưng sự động tác của nó có bảy thức khác công đồng hiệp tác, thành ra Bát thức là: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Ý thức, Mạt na thức và A lai da thức. Muốn được dễ bề giảng luận, chúng tôi xin tạm chia ba đoạn như sau:
   * Ý thức
   * Mạt na thức
   * A lai da thức
   * Ý thức là thức thứ sáu.

Ý thức sở dĩ phát sanh là do năm thức ngoài thông truyền Pháp trần (sự vật ngoại giới) vào nó. Ý thức chấp lấy Pháp trần ấy rồi phân biệt tốt xấu, hơn kém, lành dữ. Lòng hiếu ố theo đó mà sanh. Lòng hiếu ố, nếu người ta không kềm hãm được thì ý thức chạy rong ra ngoài, khiến người hóa theo vật, nghĩa là lúc bấy giờ người ta cứ theo lòng hiếu ố mà hành động. Xin xem ví dụ kế đây:

Ví dụ thứ nhứt: Khi ngườì ta gặp cảnh không vừa ý thì hờn giận, oán ghét, buồn khổ và lo tránh xa cảnh ấy.

Ví dụ thứ hai: Khi gặp sự vật thích ý thì ham muốn, trìu mến, rồi lo làm thế nào cho sự vật ấy về tay mình. Nếu được thi vui mừng và sợ mất, sợ hư mà phải gìn giữ, săn sóc. Trái lại, nếu thất vọng thì đâm ra thù hiềm, oán giận. Những tưởng lượng lực nầy biến hóa thiên hình vạn trạng kể không xiết. Kinh Phật gọi tóm tắt là Thất tình (mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét và muốn) và Lục dục (muốn sắc, muốn thinh, muốn hương, muốn vị muốn xúc và muốn pháp).

Thất tình và lục dục tùy bên ngoài mà hiện sinh, như chúng ta thấy có người đương vui mà bỗng nhiên buồn; đương giận mà bỗng nhiên thương; đương yêu mà bỗng nhiên ghét. Những tư tưởng ấy hoạt động sôi nổi đến khi hết cơ duyên bên ngoài, thì nó tạm yên và biến thành những dấu vết tinh vi và theo Truyền thống thức là thức thứ bảy, vào ẩn náo trong Hàm tàng thức là thức thứ tám, và chờ cơ duyên khác đặng xuất hiện, tác động nữa và cứ thế mãi mãi.

Mạt na thức là thức thứ bảy.
Mạt na thức cũng có tên là ý căn. Bởi vì ý thức dựa vào nó mà hiện sanh. Duy thức học bài số năm chép rằng:
Thử dĩ nhị năng biến.
Thị thức danh vi Mạt na.
Y chỉ chuyển duyên hỉ.
Tư lường vi tánh tướng.

Nghĩa là cái năng lực biến hóa thứ hai tên là Mạt na thức, nó mượn thức thứ tám làm đối tượng để suy nghĩ. Tư lường là tánh tướng của nó. Phận sự của nó là thông truyền chánh niệm của Tâm linh ra sáu thức ngoài để thực hiện đạo đức và nó cũng có phận sự khác là truyền tống những Tà kiến, Ác kiến ở ngoài vào trong Hàm tàng thức để cất kín. Nó vốn ỷ lại vào thức thứ tám, cho nên nó cố chấp cái thân của A lai da thức, tức thân Ngũ uẩn, làm chơn thật và trường tồn để tư lường.

Duy thức học bài số 6 chép rằng:
Tứ thường não thường câu.
Vị ngã si, ngã kiến.
Tịnh ngã mạn, ngã ái.
Cập dữ xúc đẳng câu.

Nghĩa là bốn căn phiền não thường vấn vít lẫn nhau, là ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái cùng với các sự xúc động khác như: tham, oán, si, ái nối tiếp lẫn nhau mà làm rối loạn Tâm linh. Tham, sân, si, ái đã nghị luận rồi, bây giờ chúng tôi xin bàn bốn căn phiền não.

1 . Ngã si: Ngã si nghĩa là mê muội, không biết bổn tánh chơn thật của mình, rồi nhận cái giả làm cái chơn, và đối với lẽ Đạo: không biết Võ trụ, Nhơn sanh là gì mà bướng bỉnh cho là quán thông Chơn lý.

2 . Ngã kiến: Ngã kiến nghĩa là chấp lấy ý kiến của mình là Chí thiện, rồi chẳng học hỏi chi nữa. Kinh Phật chép chuyện bọn người mù xem voi: người thứ nhứt rờ đuôi voi, rồi bảo rằng voi giống cây chổi; người thứ hai rờ chân voi, rồi bảo rằng voi giống cây cột, mỗi người quả quyết cái biết của họ là đúng chớ không sai lầm nữa, người sáng nghe thấy bọn mù thì buồn cười. Thế mà họ hiu hiu tự đắc. Người đời, nếu căn cứ theo cái mê lầm của Mạt Na thức để nhận định sự vật (Chư Pháp) thì chẳng khác nào nhóm người mù biết voi.

3 . Ngã mạn: Ngã mạn, nghĩa là bướng bỉnh, khoe khoang tự cho mình là tài trời, hơn tất cả mọi người.

4 . Ngã ái: Ngã ái nghĩa là chỉ biết có mình là quí trọng, tài cao, đức rộng, không ai sánh bằng và muốn mình được tôn sùng và sống mãi.

Nói rút lại, Mạt Na thức có tánh si mê, bướng bỉnh, nó chấp lấy nhục thân là cái Ngã chơn thật rồi theo đó mà hoạt động nói tỉ như khi thức nó bắt chúng ta chạy tần, chạy sở cầu sự ích lợi, thỏa mãn nhục thân. Còn khi chúng ta ngủ, nó lại bắt chúng ta mê tít đi, mặc dầu, thân thể nầy còn nằm trên giường ngủ, nhưng nó bắt chúng ta làm thân khác. Nếu mộng làm thân giàu sang thì lên xe, xuống ngựa và sống một cuộc đời Vương giả. Còn như mộng làm thân nghèo hèn thì rách rưới lang thang đi theo đầu làng xó chợ. Ông Trang Tử thuật lại rằng: Xưa kia ông nằm mộng thấy ông là bướm. Lúc bấy giờ, ông hớn hở làm bướm với một cách thích thú. Mãi đến khi bừng tỉnh dậy mới hay rằng nhục thân của ông vẫn còn nằm trên giường ngủ. Ông tự nghĩ: Không biết Trang Tử mộng ra bướm, hay bướm mộng ra Trang Tử.

Thật Mạt Na thức khiến người ta ngộ nhận cái giả làm cái chơn. Nếu người ta không nghĩ lại thì cái ngộ nhận ấy sẽ xô người ta vào trong phép Luân hồi chuyển kiếp vô cùng tận.

A lai da thức là thức thứ tám.
A lai da thức là biến thể của Tâm linh, thành thử, khi còn thanh tịnh thì nó sáng suốt. Phật học thí dụ nó cũng như biển giác, một màu trong sạch, toàn thể viên minh. Lúc bấy giờ nó ra lịnh cho nhục thân hành động theo Thiên lý. Nhưng về sau, nghĩa là thân Ngũ uẩn bị nhiễm trần, lôi cuốn nó biến thành một trạng thái khác, mang danh là thức thứ tám. Nó là căn bản của bảy thức kia và chung qui nó vẫn giữ cất kín những vọng thức ở ngoài truyền vào, cho nên nó cũng có tên là Hàm tàng thức.

Sự hàm chứa của A lai da thức như vầy: Nguyên những tư tưởng ở trong ý thức, tùy cơ duyên bên ngoài mà động tác, mãi đến khi hết cơ duyên bên ngoài thì nó biến thành những dấu vết cực nhỏ, cực vi và theo Mạt na thức vào ở ẩn trong A lai da thức, chờ cơ duyên khác đặng phát xuất động tác nữa. Mà mỗi một lần xuất hiện động tác rồi, lúc trở vào thì những dấu vết cực vi, cực nhỏ ấy lại thâu thập thêm một phần sức mạnh nữa. Tích thiểu thành đa, cho nên từ muôn vàn kiếp quá khứ đến nay, những hạt giống Vọng thức tích lũy trong thức thứ tám không biết đâu mà kể cho hết. Cũng vì lẽ ấy nên A lai da thức cũng có tên là Chủng tử tạng, tức cái tạng chứa đủ các thứ hột giống để sanh hóa.

Nên hiểu rằng: hột giống nói đây không phải vật chất như hột đậu, hột mè, mà thật là một sức mạnh vô hình có đủ cơ năng tùy duyên biến hiện. Sức mạnh nầy khi người ta còn sống thì nó ở ẩn trong Trạng chủng tử và tùy cơ hội sanh hoạt, cầu sự ích lợi cho thân Ngũ uẩn. Còn khi tử hậu nó là hột giống sanh thân Ngũ uẩn cho kiếp vị lai và cứ thế mãi, cho nên gọi nó là hột giống sanh kiếp luân hồi.

Nay muốn giải thoát kiếp luân hồi thì phải tuyệt diệt cái nguyên nhơn sanh nó là nghiệp "Vô minh". Khi nào hết si mê thì chúng ta không còn ham mến việc phi đạo nữa. Như thế thì tình dục không có chỗ nương để sanh. Đó là chỗ mà sách Đại học bảo rằng: Muốn Chánh tâm phải Thành ý trước.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH
Thành ý cốt yếu phải làm chủ được Lục căn, Lục trần, Lục thức. Làm chủ được 18 sở nầy, tức là hàng phục được ý thức. Rồi chúng ta còn phải hồi quang phản chiếu về nội giới, để bứng gốc, bứng rễ những Vọng chấp ở trong thức thứ bảy và thứ tám như: tật hư, nết xấu, thành kiến hủ lậu, nhứt là "Ngã tướng" và "Pháp tướng" còn ẩn núp trong Tiềm thức giới.

Về phương pháp thực hành, mời quí ngài cùng chúng tôi tham khảo học lý truyền thông từ xưa như sau:

Đạo Đức Kinh chương 15 nói rằng:
Năm màu sắc làm chóa mắt người ta,
Năm âm thanh làm điếc tai người ta,
Năm vị ăn làm tê tái lưỡi người ta;
Sự dung rủi săn bắn làm loạn lòng người ta.
Báu vật mắc tiền khiến người ta hành động trái đạo đức.
Lẽ như vậy, nên Thánh nhơn theo Tâm mà chẳng theo nhỉ mục.

Đức Khổng Phu Tử bảo: "Khắc kỷ phục lễ" nghĩa là ép mình theo lẽ đạo như:
Mắt đừng xem hình sắc của vật phi lễ;
Tai đừng nghe lời phi lễ;
Thân thể tứ chi đừng hành động phi lễ;
Miệng đừng ăn nói phi lễ.
Quả thật vậy, nếu ngũ quan không vượt theo sự vật phi lễ thì ý sẽ được thanh tịnh.

Phật giáo dạy: "Bất tùy phân biệt". Thật vậy, nếu ngũ quan chẳng chạy theo vật chất để phân biệt tốt xấu hơn kém thì ngũ thức không chỗ nương để sanh. Thế là Ý thanh tịnh. Đệ lục giác quan là chỗ sanh lục thức; nay giác quan ấy đã thanh tịnh thì phép Thành ý chẳng còn khó khăn nữa.

Đức Lão Tử nói rằng:
Danh sánh với thân bên nào trọng hơn?
Thân sánh với tiền của cái nào quí hơn?
Đặng sánh với thất cái nào khổ hơn?
Ta (Đức Lão Tử) sở dĩ có hoạn nạn là tại ta cố chấp nhục thân là trường tồn, bất diệt, rồi quanh năm cứ làm thỏa mãn nó. Nay chúng ta cứ quên nó đi, thì chúng ta có hoạn nạn gì đâu?

So sánh lợi với hại rồi Ngài khuyên chúng ta nên vi vô vi, vị vô vị. Nghĩa là làm việc khi việc chưa đến, còn ăn thì không cần miếng ngon, vật lạ. Hai câu nầy cắt nghĩa như sau:

1 . Vi vô vi đại ý như vầy: Chúng ta đã biết làm dữ thì họa trả lại. Biết như thế rồi chúng ta không làm dữ. Hoặc nói rõ ra là chúng ta biết làm dữ thì họa trả lại. Lánh dữ tức tránh họa khi chưa đến. Thế làm việc khi chưa đến.

2 . Vị vô vị đại ý nói rằng: Người ta ăn để sống, vậy ăn thế nào đủ sống là được, chớ không cần cao lương mỹ vị.

Ở đời phải biết tri túc, nghĩa là biết đủ ăn, đủ mặc, đủ sống thì thôi. Tri túc thì Tâm không vọng cầu, không phóng túng. "Vi họa mạc đại ư bất tri túc, vi cữu mạc đại ư dục đắc; cố tri túc chi túc thường túc hỉ". (Đạo Đức Kinh). Nghĩa là nói về việc tai họa thì chẳng có tại họa nào lớn bằng "chẳng biết đủ". Nói về nguy hại thì chẳng có nguy hại nào lớn hơn lòng "muốn đặng". Cho nên biết đủ trong cái đủ thì luôn luôn được đủ.

Nói rút lại, phép Thành ý khởi đầu từ sự ngăn ngừa Lục căn không cho phóng túng theo vật chất. Còn bên ngoài thì xem Lục trần như giả tạm, không quá ham muốn; không quá luyến ái. Lục căn không giao tiếp với Lục trần thì Lục thức chẳng có chỗ nương để sanh. Thế là ý thức trở về chơn, nghĩa là ý thức không còn sôi nổi làm loạn Tâm linh nữa.

Phép Thành ý là thế, còn cái bí quyết của nó, sách Đại học nói rằng: "Sở vị thành kỳ ý giã, vô tự khi dã". Nghĩa là cái mà gọi là sửa ý ra chơn thật kia cốt yếu không tự khinh.

Thử hỏi từ trước đến giờ chúng ta thất tín với mình mấy lần? Chắc hẵn là không ít. Giả tỉ như lúc ấu xuân, chúng ta hứa với mình: Cố gắng học hành cho trở nên người hữu dụng. Thế mà ít lâu lại thối chí ngã lòng. Đó là tại chúng ta tự khinh mình vậy.

Phép Thành ý phải cương quyết thực hành. Nói tỉ như khi chọn được điều lành thì tận lực làm theo, hoặc chọn được việc chẳng lành thì thật tình lánh xa. Làm lành lánh dữ phải thực hiện rõ ràng, cũng như người ta ưa cái đẹp, ghét mùi hôi kia vậy. Hễ ý thành thì Tâm sẽ chánh.

Để kết luận phép Thành ý, chúng tôi xin nhắc câu sách "Nhạc ký" nói rằng:

"Người ta sanh ra lúc ban đầu thì tịnh; ấy là tánh Trời phú cho người, đến chừng cảm vật chất mà vọng động là tại sự ham muốn của Tánh. Vật đến thì người ta cảm biết; lòng hiếu ố theo đó mà sanh. Lòng hiếu ố, nếu chẳng kềm hãm được bên trong thì sự hay biết chạy rong ra ngoài và nếu không thu liểm được thì Thiên lý bị tiêu diệt hết. Vả lại, vật cám dỗ người ta thì vô cùng, nếu không tiết chế được lòng hiếu ố, thì lúc bấy giờ người ta bị hóa theo vật. Mà hễ người ta bị hóa theo vật thì Thiên lý bị mất rồi nên người sống theo Nhơn dục". (2)

(2) Nhơn sanh chi tịnh Thiên chi Tánh, cảm ư vật nhi động Tánh chi dục dã. Vật chí trai, tri nhiên hậu hiếu ố hình yên. Hiếu ố vô tiết ư nội. Trí dụ ư ngoại, bất năng phản cung, Thiên lý diệt hỉ. Phù vật chi cảm nhơn vô cùng nhi nhơn chi hiếu ố vô tiết, tắc thị vật chí; nhi nhơn hóa vật dã. Nhơn hóa vật dã, diệt Thiên lý nhi cùng Nhơn dục dã. (Nhạc ký)

Vậy Tâm tịnh là Tánh Trời phú cho người ta, cho nên hễ chúng ta giữ được Tâm tịnh thì Thiên lý xuất hiện làm chủ Nhục thân hành động theo Đạo tự nhiên. Trái lại, để cho Tâm động thì Tâm lúc bấy giờ biến thành Ý. Ý thì khuynh hướng về phàm trần ham muốn vật chất cầu thỏa mãn Nhục thân. Đó gọi là Nhơn dục. Mà hễ Nhơn dục càng thạnh hành thì Thiên lý càng lu mờ. Sử khổ não theo đó mà sanh.

Vậy phép Thành ý tóm tắt là bỏ vọng tồn chơn, hoặc bỏ động về tịnh. Mà hễ Nhơn dục tận tịnh thì Thiên lý lưu hành.

II . CHÁNH TÂM
Tâm là Thần minh, tiếng thông thường gọi là Thần Lương Tâm. Sở dĩ Tâm linh thiêng như thế là vì bản thể của Tâm là điểm Tánh Trời phú cho người. Nho giáo gọi Tánh ấy là Thiên lý và cái Chiêu minh linh giác, ở trong Thiên lý ấy Vương Dương Minh gọi là Lương tri mà chúng tôi đã giải bày trong chương Thần Trí. Nhưng có điều khó cho người thế nhơn là Tâm vốn hư hư thiệt thiệt, khi hiện, khi ẩn, thoạt có, thoạt không. Trí phàm khó nhận thức. Đức Khổng Phu Tử nói rằng: "Tháo tắc tồn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hướng". Nghĩa là giữ thì còn, bỏ thì mất; ra vào chẳng có giờ khắc, không nhứt định ở chỗ nào.

Theo lẽ nầy mà suy ra, thì tâm người ta đáng lẽ chí thiện, chí mỹ; vì bản thể của nó là một điểm Tánh Trời ban phú cho người. Thế mà tại sao chúng ta phải thực hành phép Chánh tâm, cầu Tâm được ngay lành?

Ấy đó, chỉ vì khi người ta nhiễm trần, Tâm bị Nhục thân lôi cuốn mà phải thất chánh. Xem sách Đại học bảo rằng: "Tâm nếu có nóng giận thì thất chánh; nếu có sợ sệt thì thất chánh. Mà hễ Tâm thất chánh, thì mắt xem mà chẳng nhận biết; tai lóng nghe mà e chẳng nhận nghe; miệng ăn mà chẳng nhận biết mùi. Tình dục đã làm loạn Tâm như vậy, nay chúng ta đã thực hiện phép Thành ý; tức đem vọng về chơn, thì Tâm được cởi mở một phần nào, để rồi phục hồi chơn tướng của nó".

Bây giờ nói đến phép Chánh Tâm, phép nầy có hai mặt: bên ngoài thì lo ngăn chận khi quan, bên trong phải thâm nhập vào nội giới, khám phá và tuyệt trừ những cái mê chấp như: ngã tướng, pháp tướng chẳng hạn.

Nên hiểu rằng muốn bài trừ Tâm động thì không phải đứng bên ngoài dòm ngó, mà trái lại phải thâm nhập vào nội giới, dùng Tâm biết Tâm; dùng Tâm trị Tâm. Về phương pháp thực hành chúng tôi đề cập phép Trai tâm như sau:

Trai tâm là gì?
Trai tâm là một phương thức đem Tâm về cõi thanh tịnh vô vi và dồi mài, trau sửa cho nó phục hồi trạng thái Thiên nhiên của nó.

Phép Trai tâm gồm có hai mặt là:
* Trai tâm tiêu cực
* Trai tâm tích cực

Trai tâm tiêu cực:
Đối với sự vật bên ngoài, hành giả phải giữ thái độ thụ động, nghĩa là xem sự vật như không quan hệ đến mình. Tuy có giao tiếp, có hành động, nhưng không vướng mắc. Chúng ta nên tưởng mình như một người ngoại quốc mới đến xứ lạ, người không quen. Ở hoàn cảnh ấy, chúng ta có đường chúng ta, sự vật có đường của nó. Huệ Năng Lục Tổ bảo rằng: "Kẻ hành giả nên đặt mình vào cảnh không, cần cho Tâm được không". Chỗ nầy Đức Lão Tử bảo rằng: "Chúng ta nên giữ lòng lặng lẽ như đứa hài nhi chưa biết cười". Trang Tử bảo chúng ta nên quên. Đại khái như quên việc trần lao, tục lự, quên tất cả những cái gì đã làm mê lòng. Quên ngoài, quên trong, quên đến cả thực tại của mình. Pháp tọa vong nầy thực thi cho đến cùng cực. Lúc bấy giờ trong thâm tâm chỉ còn có một cái toàn thể duy nhứt và, theo Trang Tử, trong cảnh đại tịnh ấy thình lình phát xuất một ánh sáng trong suốt có thể cảm thông với Đức CHÍ TÔN là nguồn sanh hóa vạn vật.

Trai tâm tích cực:
Thực thi phép trai tâm tiêu cực, tức như phép tọa vong thì chúng ta đã ngăn được ngọn gió bát phong (3). Lòng chúng ta tạm yên trong cảnh bình tĩnh; nhưng những Tâm tế tướng như: Ngã tướng, Pháp tướng chẳng hạn vẫn còn tiềm tàng trong chỗ sâu kín, thành thử chúng ta phải thi hành phép Trai tâm tích cực nữa, tức phép "Tĩnh sát" để tuyệt diệt đến căn bản của nó, thì Tâm mới được sáng tỏ viên dung.

(3) Bát phong là tám ngọn gió: Lợi, suy, khổ, lời khen và lời chê trước mặt, lời khen và lời chê sau lưng. Tám món nầy thường loạn Tâm.

Công phu "Tĩnh sát" có động tác. Nhưng động tác nói đây không phải vọng động theo ý thức; không phải phóng Tâm theo ngoại giới như phàm phu, mà thật phải hồi quang phản chiếu vào Tâm giới, khám phá những mê chấp. Đại khái như trong khi tọa vong, chúng ta thấy có một vọng niệm manh nha tức thì chận nó lại và cố tìm ra nguyên nhân của nó, rồi dùng cách quán tưởng, làm cho Tâm sanh nhàm chán để cởi mở cho hết vọng chấp.

Ví dụ: Chúng ta có tật nông nổi.
Chúng ta nên dùng lẽ trầm tĩnh để quán tưởng, nghĩa là cứ nhớ mãi trầm tĩnh thì nông nổi chẳng có chỗ xen vào. Công phu quán tưởng lâu lâu trầm tĩnh mới thành thói quen rồi nó sẽ thay thế cho tật nông nổi. Thói quen là tánh tự nhiên thứ nhì. Chúng ta nên biết điều ấy.

Sau đây, chúng tôi xin trích vài chuyện của người xưa học hỏi với nhau, để minh xác công phu tu hành:

a.) Khiết Khuyết hỏi Đạo nơi Bị Vi:
Bị Vi nói rằng: "Xác ông giữ thật chính, mắt ông nhìn thật chuyên nhứt. Lâu lâu thì hòa khí sẽ đến với ông. Thu liểm trí lại, giữ thân tâm điều hòa rồi Thần linh sẽ đến với ông. Đức sẽ biến thành vẻ đẹp của ông, Đạo sẽ biến thành nhà của ông".

Bị Vi nói chưa dứt lời thì Khiết Khuyết đã ngủ khì. Thật lòng người ấy như tro nguội; xác người ấy như xương khô.

Đại để phép Tọa vong là thế.

Tuy thân tâm như thế, nhưng người ấy có một cái biết lạ lùng. Cái biết ấy cảm thông từ lớp trí thức, từng lớp ý thức và thâu nhập vào trong bản thể của Võ trụ mà chúng ta không đủ văn từ để mô tả. (4)

(4) Thể theo sách "Lịch sử trích học Đông phương" của cụ Nguyễn Đăng Thục.

b.) Nhan Hồi hỏi Phu Tử về phép Trai tâm:
Nhan Hồi nói: - Nhà Hồi nghèo, không rượu để uống, Hồi lại không ăn hành, tỏi; thế có phải chay tịnh không?
Đức Trọng Ni đáp: - Đó là chay tịnh để tế lễ, chớ không phải Trai tâm.
Dám hỏi: - Thế nào là Trai tâm?
- Hãy chuyên nhứt trí ngươi, không nên nghe bằng tai, mà phải nghe bằng Tâm; tiến lên nữa, không nên nghe bằng Tâm mà phải nghe bằng Khí.

Nếu dùng tai để nghe thì nó ở ngoài, nếu dùng Tâm để nghe thì nó ngưng ở chỗ hợp. Khí là vật hư không, chỉ có hư không mới điều hòa với Đạo.

Thế thì Trai tâm cốt yếu cầu Tâm được hư không, nhưng, ở đây dùng danh từ hư không để đánh đổ bịnh rối loạn, chớ sự thật thì Tâm có một điểm Chơn thần ở trong cõi lòng vị phát chi trung. Cái linh giác nầy nếu biết hàm dưỡng theo phép Chánh định, thì lâu lâu nó sẽ biến thành một tinh thần cường kiện, sáng suốt, có thể làm chủ Nhục thân; tiến hóa theo Đạo tự nhiên.

Nên hiểu rằng: Đó chẳng phải là một năng lực nào khác mà vốn thật là một trạng thái Tâm linh tấn hóa đến một trình độ cao siêu, mạng danh là "Chơn ngã" mà cũng là điểm Tánh của Đức CHÍ TÔN chia cho mỗi người. Nay chúng ta đem tánh Thiên nhiên của mình trở về với nguồn cội của nó, tức nó trở về với Đức CHÍ TÔN, rồi nó sẽ hòa mình với Đạo tự nhiên và vạn vật mà sanh sống trong Võ trụ. Thế nên chúng ta tạm gọi là Võ trụ hóa Tâm linh hoặc nói cách khác là sửa mình sanh sống theo Đạo Trời, và lúc bấy giờ trong Tâm thanh tịnh kia chỉ có một điểm Chơn thần vi chủ cảm ứng mà biết mọi lẽ; cho nên Đức Lão Tử nói rằng: "Không dòm ra cửa sổ mà biết Đạo Trời, không ra khỏi ngõ mà thông suốt việc Thiên hạ".

CHƯƠNG THỨ TƯ

TÁNH KHÍ

Theo Chu Hối Am: Trong khoảng Trời Đất có Lý, có Khí. Lý là cái Đạo thuộc về Hình nhi thượng, cái gốc sự sanh ra vật. Khí là cái Khí cụ thuộc về Hình nhi hạ, cái đồ để sinh ra vật. Bởi thế nên người với vật sanh ra, ắt là bẩm cái Lý ấy rồi mới có Tánh; ắt là bẩm cái Khí ấy rồi mới có hình.

(Thiên địa chi gian, hữu Lý hữu Khí. Lý giã giả, Hình nhi thượng chi Đạo giã, sinh vật chi bản giã. Khí giả giã, Hình nhi hạ chi khí giã, sanh vật chi cụ giã. Thị dĩ nhơn vật chi sanh, tất bẩm thử Lý, nhiên hậu hữu Tánh, tất bẩm thử Khí, nhiên hậu hữu hình). (Nho giáo - Trần Trọng Kim quyển hạ trang 157).

Theo lời lẽ trên đây, chúng ta hiểu rằng người ta sanh ra ngoài cái lẽ hình hòa của Cha mẹ, người ta còn bẩm thọ của CHÍ TÔN một điểm tánh để làm tự tánh của mình, mà Chu Hối Am gọi là Lý, như đã nói trên và một phần Khí của Võ trụ để làm hình thể của mình. Tánh và Khí (Hồn xác) liên hệ nhau như một thể, cho nên nói rằng: Chẳng có Tánh nào mà không Khí, và cũng chẳng có Khí nào mà không Tánh.

Nhắc lại, khi bổn tánh người ta lìa khỏi cội sanh nó là Đức CHÍ TÔN, thì nó lưu hành khắp Võ trụ, mà hễ đến đâu thì nó theo luật "Đồng khí tương cầu" thu hút khí chất của Võ trụ để tạo nên hình thể của mình. Thế nên Tánh Khí không phân biệt vật nào trước, vật nào sau. Cũng nhơn lẽ nầy, mà Cổ nhơn cho thân người là bầu Trời Đất nhỏ, hàm xúc đủ mọi khí Thái cực, Âm dương, Ngũ hành và các lẽ mầu nhiệm của Trời Đất, và cũng nhơn lẽ nầy, mà sách Lễ ký nói rằng: "Nhơn giã kỳ vi, Thiên địa chi đức, Âm dương chi giao, Quỉ thần chi hội, Ngũ hành chi tú khí dã". Nghĩa là người ta là đức Trời Đất, chỗ giao cảm khí Âm dương, chỗ tụ hội của Quỉ thần, và những tú khí Ngũ hành.

Đến đây chúng ta hiểu rằng, chúng ta do Đạo mà sanh thành, nhưng khi đã trót sanh thành rồi, chúng ta cũng phải hàm dưỡng kỳ được lý Đạo nơi mình thì mới sanh sống và tấn hóa. Đạo Đức Kinh chương 39 nói rằng:

Trời được Một (Đạo) thì trong,
Đất được Một thì yên,
Thần được Một thì linh,
Vạn vật được Một thì sanh sống.

Đến như số Một (Đạo) nói đây:
Nếu Trời chẳng có nó để trong thì e Trời phải liệt; Đất chẳng có nó để yên thì e Đất phải lở; Thần chẳng có nó để Linh thì e Thần phải hiệt. Muôn loài chẳng có nó để sanh sống thì e muôn loài phải diệt.
"Thiên đắc nhứt dĩ thanh,
Địa đắc nhứt dĩ ninh,
Thần đắc nhứt dĩ linh,
Vạn vật đắc nhứt dĩ sinh,
Kỳ trí chi nhứt giã,
Thiên vô dĩ vi thanh tương khủng liệt,
Địa vô dĩ vi ninh tương khủng phế,
Thần vô dĩ vi linh tương khủng hiệt,
Vạn vật vô dĩ vi sanh tương khủng diệt".

Vậy đủ hiểu rằng chúng ta là một phần tử của Võ trụ, chẳng những chúng ta phải sanh sống theo cái lối nhịp nhàng của Đại toàn thể Võ trụ mà còn phải sống chung với muôn loài nữa. Đạo giáo có câu: "Giữ Thiên Địa đồng sanh, giữ vạn vật đồng thể". Cớ sở dĩ nhiên, nên chúng ta hằng thấy người nào gần Đạo thì hưởng nhiều hạnh phúc. Trái lại, kẻ càng xa Đạo thì càng chịu nhiều thống khổ. Xem như Đạo Đức Kinh chương 39 nói rằng: "Vạn vật được Đạo thì sanh, còn hễ thất Đạo thì diệt". Vậy người ta là một loài trong số vạn vật thì người ta cũng chẳng ngoài công lệ ấy; nghĩa là người ta phải lập đức theo lẽ Chí thiện và phải ăn ở thế nào để bảo tồn hai khí Âm dương luôn luôn điều hòa bên trong nội giới. Theo Y học Đông phương nếu hai khí Âm dương bị thiên thắng thì mất điều hòa, mà mất điều hòa thì thân thể mất sức khỏe và sẽ đi lần đến diệt vong.

Đến đây chúng ta đã hiểu đời sống của mình can hệ với Đạo tự nhiên thế nào rồi. Bây giờ, chúng ta nên tìm biết Tánh Khí của mình, thay đổi, đổi thay làm sao. Tự biết mình, tự biết Đạo tự nhiên rồi lần hồi theo đó mà học tập cầu cho Tánh Khí đồng hóa với Đạo tự nhiên. Thiết tưởng sự sanh hoạt của mình đã theo được cái hòa điệu của động lực nguyên thủy Võ trụ, thì đó gọi là chúng ta đặt đời sống của mình ra ngoài không gian, thời gian, nhơn quả. Mà hễ không gầy Nhơn quả tiện thị là giải thoát kiếp luân hồi vậy.

BỔN TÁNH
Như Thánh Ngôn đã chép trước kia rằng: Tánh người là một điểm tánh Trời phú cho; cũng như sách Trung Dung chép "Mạng Trời là Tánh người". Còn khi ở nơi người Tánh là bản thể của Tâm. Thế nên muốn thấy Tánh trước phải khai sáng Tâm mình. Phật dạy: "Minh Tâm kiến tánh" là lẽ như vậy. Phép Minh Tâm Kiến Tánh tuy không nói về Khí, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Tâm Tánh phản bổn hườn nguyên, thì Khí sẽ theo đến vậy.

Nhắc lại: Tánh ấy vốn của Trời ban cho người, thành thử nó huyền diệu vô cùng, hễ tịnh thì nó thu tàng những lẽ nhiệm mầu Thiêng liêng của Võ trụ, còn hễ động thì nó ứng hóa khắp cả Càn khôn. Tánh ấy vốn có một, nhưng mang nhiều tên khác nhau như:

Phật giáo gọi Phật tánh, Đạo giáo gọi Linh quang, Nho giáo gọi Bổn tánh, tiếng thông thường gọi Linh hồn. Chúng ta chớ khá lầm lẫn danh từ mà phải sai lạc nguyên tắc tu hành. Về sự quan sát nhận định tánh ấy, ông Duy Ma Cật nói rằng: Phật Tánh không nhiễm, không tịnh, không nhiều, không ít, không trước, không sau, không nhứt định ở đâu, nhưng chỗ nào cũng thấy nó đến. Nó ngự trên Lục nhập (sáu giác quan) sống ngoài Tam giới (dục giới, sắc giới, và vô sắc giới). Nó không phải vô vi và cũng chẳng phải hữu vi. Bản thể của Tánh hồn nhiên ngôn ngữ của người ta không thể bàn luận, không thể so sánh, suy lường được. Thế mà vạn pháp ở thế gian đều qui về Tánh.

Quả thật Tánh ấy tùy thời ẩn hiện, chủ trương hành động của người theo Đạo tự nhiên. Nhưng nếu người ta không biết giữ gìn cái bản thể thanh tịnh của nó và để cho Nhục thân trước nhiễm vật chất kích thích tâm động thì lúc bấy giờ Tánh bị biến ra một trạng thái khác mạng danh là Tánh Khí chất.

Tánh Khí chất.
Theo danh từ mà định nghĩa thì Tánh nầy do Khí chất mà sanh. Nó hay khuynh hướng về phàm trần, mưu cầu sự khoái lạc vật chất. Lòng nhơn dục theo đó mà sanh. Theo Phật giáo hễ lòng người có tham thì tham sanh ra sân; rồi sân lại sanh ra si. Đó là cái đại hoạn nạn của chúng sanh. Vậy phải làm sao để tránh cái hoạn nạn ấy. Chúng ta nên thực hành phép Tồn tánh Dưỡng khí.

TỒN TÁNH DƯỠNG KHÍ
Tồn tánh nghĩa là giữ gìn nguyên vẹn tánh bổn nhiên Trời phú cho người, nghĩa là Tánh ấy luôn luôn phải thuần nhiên Thiên lý và tự tại trong thâm tâm, để chủ trương sự hành động của phàm thân. Dưỡng khí nghĩa là nuôi dưỡng cái Khí của thân thể được kiện cường và lọc lược nó trở nên thanh khiết, như khí Thái hư của Võ trụ, để rồi Khí và Tánh hiệp thành một pháp thân, sanh sống và giải thoát ra ngoài vòng Nhơn quả, Luân hồi.

Tánh và Khí tuy có hai danh từ, nhưng về sự động tác, chúng nó có một thể mà thôi. Như chúng ta thấy: chẳng có Tánh nào mà không Khí và cũng chẳng có Khí nào mà không Tánh. Tánh Khí dung hòa thì mạng sống mới hoàn bị, tư tưởng và tình cảm mới cụ thể. Lẽ ấy chẳng khác nào khí âm, khí dương của Trời Đất lưỡng hiệp thành Đạo biến hóa: Sanh dục vạn vật.

Cái cớ dĩ nhiên, cho nên phép Tồn tánh Dưỡng khí phải thực hành song song, khiến cả hai Tánh Khí nương nhau đồng tiến trên đường Tấn hóa. Lữ Tổ, một danh nhân trong Đạo giáo nói rằng: Tu mạng (Dưỡng khí) mà không tu tánh, phép tu hành ấy đệ nhứt bịnh, Còn tu tánh mà không tu mạng thì vạn kiếp Âm linh, chớ khó nhập Thánh.

Tuy vậy mặc dầu, nhưng tu tánh chiếm phần ưu tiên, bởi vì Tánh là Tướng soái của Khí. Tánh đến trước thì Khí sẽ theo sau; cũng như vị Tướng soái ở đâu thì ba quân di chuyển đến trụ sở ấy; cho nên có câu nói rằng: "Công phu tu tánh trước thiệt là một phép tu mạng đáo để vậy".

Về phương pháp thực hành chúng tôi đề cập ba đề tài như sau:
* Trai giới.
* Công học.
* Tâm học.

Trai giới tức là ăn chay và giữ giới.
ĂN CHAY: Kẻ tu hành ăn chay, mục đích cầu sự nhẹ nhàng Tánh khí; bởi vì vật thực vào tì vị tiêu hóa ra khí huyết mà khí huyết có sở dụng quan trọng trong sự linh động của Tánh khí (xem lại bài "Ăn chay" trong quyển Đại Đạo Giáo Lý trang 64).

TRÌ GIỚI: Tâm không nghĩ đến tham lam trộm cắp; Tâm không nghĩ đến dâm dục; Tâm không nghĩ đến sát sanh. Giữ giới nói đây thuộc về Tâm học, cho nên hành giả phải tự chủ mới giữ được. Ba giới nầy là hột giống gây nghiệp quả luân hồi.

CÔNG HỌC:
Về phần công truyền, tồn tánh, dưỡng khí tức là trau dồi Tánh khí chất và đem nó trở về với Tánh thiên nhiên. Ở đây, chúng ta nên tụng kinh, đọc sách, tìm hiểu lẽ phải để làm theo, chủ yếu là ngăn ngừa dục vọng, bài trừ tật hư, nết xấu v.v...

Quyển Đại Đạo Giáo Lý và phần Phương châm Nhập thế trước kia đã cống hiến một vài bài học nhỏ mọn về phương diện công truyền.

Ở đây tuy chẳng nói Dưỡng khí, nhưng đồng thời với sự tu tánh, chúng ta phải lưu tâm đến sự dưỡng khí, đừng để khí hao tán vô lối.

TÂM HỌC:
Đến đây, chúng ta thực hành câu: "Thành Tánh tồn tồn đạo nghĩa chi môn". Đại ý là hàm dưỡng tánh bổn nhiên của mình trở nên thuần nhiên Thiên lý và cố giữ gìn cho nó tự tại mãi trong thâm tâm, đó là bước đầu vào cửa Đạo nghĩa.

Có điều nên nhớ là Tánh và Khí không xa nhau cho nên nói Tồn tánh tức đã có hàm súc cái nghĩa Dưỡng khí rồi vậy.

Ở đây, chúng tôi theo danh từ riêng của Mạnh Tử mà gọi Chí và Khí hạo nhiên, thay vì dùng chữ Tánh và Khí. Chúng ta nên hiểu rằng chữ Chí nói đây cũng là Tánh, nhưng dùng về mặt "tích cực" để điều Khí; chớ không phải Chí với Tánh là hai vật.

Nay như hỏi Chí và Khí hạo nhiên ra sao? Thì Mạnh Tử nói rằng:
CHÍ: Tâm linh ngưng chỗ nào thì trạng thái ấy gọi là Chí. Vậy Chí cũng là Tánh, như đã nói ở trên.

KHÍ HẠO NHIÊN: Khí nầy là nguyên là Khí lưu hành trong Trời Đất mà người ta đã bẩm thọ một phần ở trong thân thể của mình cho nên Mạnh Tử nói rằng:

"Kỳ vi Khí giả Chí đại, Chí cường, dĩ trực dưỡng nhi vô hại tắc tắc hồ Thiên địa chi gian". Đại ý nói rằng: Bản thể của Khí hạo nhiên là Khí Thái hư của Trời Đất, nó rất lớn, rất mạnh, nếu người ta biết hàm dưỡng mà chẳng xâm hại thì nó có thể tràn ngập cả không gian.

Nên hiểu rằng: Chí Khí tuy hai danh từ, nhưng sự tác động vốn một. Một bên là thể, một bên là dụng. Thể và dụng hợp thành một linh động ở trong thân thể, cho nên hễ Chí chuyên nhứt tắc động Khí. Khí chuyên nhứt tắc động Chí. Bằng cớ là khi người ta vấp té, hay chạy mau, thuộc về Khí, nhưng cũng động đến Tâm.

Về mặt thực hành, Mạnh Tử bảo rằng: "Thi tập nghĩa sở sanh giả, phi nghĩa tập nhi thủ chi dã". Nghĩa là thực hành đạo đức rồi khí theo đó mà sanh, chớ không phải dùng sức mạnh để chụp lấy.

Đại ý câu nầy nói: Kẻ hành giả luôn luôn làm việc hợp đạo nghĩa và cứ tự nhiên thi hành đạo đức châu tất: Không xao lãng, không bỏ dỡ và cũng không mong chóng thành. Làm như thế thì Khí càng ngày càng tăng trưởng.

Công phu lâu ngày, học giả sẽ cảm thấy ấn chứng "Khí trưởng". Tất hữu sự yên, nhi vật chánh, tâm vật vong, vật trợ trưởng dã. (Mạnh Tử). Nghĩa là ắt có việc vậy (tức ám chỉ vào khí sanh trưởng), nhưng chớ cho là được. Tâm chớ quên mà cũng chẳng nên trợ mau lớn. Mạnh Tử còn nêu gương người nước Tống trồng lúa cho chúng ta hội ý mà hiểu phép Dưỡng khí.

Người nước Tống trồng lúa, anh ta muốn lúa mau lớn; rồi ra đồng nhớm gốc lúa. Làm như vậy là anh ta có ý muốn cho lúa mau cao, nhưng sự thật anh ta làm lúa chết. Nói rút lại phép trồng lúa đại để người ta cứ nhổ cỏ bón phân, rồi lúa theo thời tiết mà lớn. Phép Dưỡng khí cũng như thuật trồng lúa vậy. Kẻ học cứ ung dung thực tiển Đạo dạo ung dung tịnh dưỡng tinh thần rồi Khí theo đó mà sanh trưởng, chớ chẳng khá bức bách giục thúc cho Khí chóng mạnh.

Sau đây chúng tôi xin đề cập vài phép tu tập, mặc dù nhỏ mọn, song để mở màn suy gẫm, tìm học. Đại để phép Tồn tánh Dưỡng khí là tịnh tâm. Nhưng tịnh tâm nói đây không phải không làm việc, bởi vì chúng ta sống, lẽ tất nhiên phải hành động, nhưng hành động chớ chẳng khá vọng động.

HÀNH ĐỘNG
Hành động là làm bổn phận mình như làm dân, làm quan, làm con, làm cha, hoặc làm lành lánh dữ. Hành động thì có chương trình, có mục đích và nhứt cử, nhứt động đều có Thần Lương Tâm kiểm soát, tức từ việc lo nghĩ, nói năng đến làm lụng mỗi mỗi đều có ý thức rõ ràng, rồi theo đó mà làm. Hành động đúng theo đạo nghĩa thì Khí hợp mà sanh. Hành động như thế thì không động Tâm, nhờ Tâm tịnh mà Khí sanh.

VỌNG ĐỘNG
Vọng động khác hành động, nó không được sắp đặt có trật tự, không có chí hướng, không nhắm vào một kết quả nào. Nó chỉ do một sự ham muốn lặt vặt, một nhiệt hứng nhứt thời bộc phát trong lòng như: Mừng, giận, thương, yêu, ghét, sợ. Vọng động có hại đến Tánh khí.

Chúng ta nên biết rằng: Tâm động, mặc dầu mạnh hay yếu, đều có động đến Khí; cho nên phép Dưỡng khí phải thận trọng gìn giữ bản tâm của mình, chẳng những thận trọng gìn giữ chỗ thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, mà nơi vắng vẻ một mình cũng cẩn thận gìn giữ.

Kẻ Dưỡng khí cũng như người thợ bòn vàng. Thợ bòn vàng lượm từng chút, bòn từng hột, không bỏ lỡ một cơ hội nào, thì kẻ Dưỡng khí cũng vậy. Nó luôn luôn phải tự chủ, luôn luôn phải trầm mặc, không để tam bành, lục tặc nhiễu loạn Tâm linh, nghĩa là nó chẳng có một ý niệm bất chánh, một tư tưởng vô ích, một dục vọng thừa thải, một tình cảm vu vơ phát động. Và công phu phải liên tục tinh tấn. Sách Đại học chép rằng:Vua Thang khắc trên bồn tắm mấy chữ rằng: "Cẩu nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân". Chỗ nầy vua Thang có thâm ý nhắc nhở rằng: Nhục thân thì mỗi ngày phải tắm một lần để giữ sức khỏe; còn tâm hồn cũng cần phải tĩnh sát luôn luôn, ngày mới, ngày ngày mới, lại ngày mới. Và cứ làm mới mãi như thế đừng để vật dục làm tế tắc Tâm linh.

Tóm lại, phép Tồn tánh Dưỡng khí là một Pháp môn chẳng những Tồn tâm Dưỡng tánh mà còn phải thực hành phép vệ sinh nữa, nghĩa là cầu cho một thân thể sức khỏe, dễ khiến và biết phục vụ. Nhứt là phải thiền định để khám phá và bứng gốc bứng rễ những cái mê chấp trong tiềm thức như: Ngã tướng, Pháp tướng chẳng hạn.

Thứ nữa là trừ bỏ tật hư, nết xấu, hun đúc đức tốt hạnh lành, trừ bỏ những tật tham lam ích kỷ, mở rộng lòng thương bao la để đối xử với người đồng loại cũng như các vật khác, nghĩa là chúng ta thể theo Đức háo sanh của THƯỢNG ĐẾ mà thương yêu giúp đỡ vạn vật trên đường sanh sống và tấn hóa.

Tâm thân thanh tịnh tự tại thì Tánh khí sẽ theo đó mà xuất hiện. Có người hỏi Mạnh Tử học hỏi cách nào mà được suốt thông sự vật, thì ông đáp rằng: Ta chỉ Tồn tâm và Dưỡng khí hạo nhiên mà được vậy. Sau đây chúng tôi trích một bài học "Phép Dưỡng sanh" của người xưa, âu cũng thêm một ý kiến học hành.

PHÉP DƯỠNG SANH
Phép Dưỡng sanh tức là phép nuôi sống.
Hiện nay, tài liệu về phép môn vệ sanh truyền bá từ Tây phương sang Đông phương rất nhiều và mỗi mỗi đều thuần thục nhiệm mầu. Chúng ta nên tìm những phép nào thìch nghi với thể chất của mình rồi tận lực áp dụng; cầu một sức khỏe vô tỳ. Một thân thể thanh khiết, kiện toàn rất cần cho cái "Thể khí vô vi".

Đạo Đức Kinh chương 10:
Tải doanh phách bảo nhất,
Năng vô ly hồ.
Chuyên khí trí nhu,
Năng anh nhi hồ.
Địch trừ huyền lãm,
Năng vô tỳ hồ.

Chú giải:
1 . Kẻ học làm cho hồn phách (hồn xác) của mình hiệp một thể và giữ đừng cho xa lìa. Làm như thế có thể được chăng?

Hồn xác hiệp một tức là giữ Tâm tự tại luôn luôn ở trong thân thể. Tức thể hiện phép Tồn tâm Dưỡng tánh cầu Nhục thân bảo giữ được sức khỏe. Làm như thế có thể được chăng?

2 . Chuyên một lòng tinh luyện phần "KHÍ" cho đến trạng thái mềm dẽo, ôn nhu như thân thể đứa trẻ năm sáu tháng. Làm như thế có thể được chăng?

Vả lại, Khí là hơi, mà hơi thì khó cầm giữ. Đức Lão Tử lưu ý kẻ học phải chăm nom về Khí; bởi vì "KHÍ" là nhiên liệu cấu sanh vật thể. Dưỡng khí tức là di dưỡng vật thể được khương cường và cũng là giúp tinh thần được thông minh sáng suốt.

Tận lực dịch hóa tâm lý, sanh lý từ chỗ lãng mạn, phức tạp cho đến thuần nhứt; nghĩa là gội rửa cho thật sạch những dấu vết tinh vi của tư tưởng hỗn tạp còn ẩn núp trong chỗ sâu kín, khiến cho tánh bản nhiên của mình được tự do xuất hiện, làm chủ đời sống của mình. Làm như thế có thể được chăng?

Theo thiển kiến, mỗi người có một thể chất riêng biệt, nhơn đó mà phép "Dưỡng sanh" không giống nhau. Đức Lão Tử không thành lập phương tu mà đặt một vài vấn đề cốt yếu để mỗi người tự tìm, tự học, tự hành.

Có lẽ cũng vì ý kiến nầy, cho nên về sau, phái luyện đơn (một Giáo phái ở trong Đạo học tách ra) chú giải rộng ra thành một học lý thâm sâu.

Đại để như câu: "Chuyên khí trí nhu năng anh nhi hồ". Người sau chia sự hô hấp ra hai giai đoạn để thực hành.

1 . Điều tức: Nghĩa là làm chủ hơi thở và bắt nó phải tùng lịnh của người.
2 . Đình tức: Nghĩa là ngừng thở ra ngoài mũi, mà chỉ thở trong tạng phế. Chỗ nầy cũng gọi là nội tức.

Thấy sách Ấn Độ chép chuyện tu hành của người Pha-khia; đại khái họ cũng đạt được phép nội tức nơi đây. Nghe nói: Có người nằm trong cái hòm Pha ly cả tháng không thở mà không thương tổn tánh mạng.

Có điều nên biết là phép nầy rất khó thực hành. Chúng ta không nên mạo hiểm, nếu không có thầy dạy. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc cho rõ sự tu hành của người xưa mà thôi, chớ chúng tôi cũng không có kinh nghiệm về mục nầy nữa.

Theo Mạnh Tử người nào tồn dưỡng chí khí viên mãn thì họ sẽ đồng nhứt với Võ trụ. Họ có khí phách cao sang, thoát tục. Ông nói: "Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di". Nghĩa là đứng trước cảnh giàu sang chẳng si mê; đứng trước cảnh nghèo hèn không dời đổi. Thật quả vậy, nếu người nào thực hành đến trạng thái nầy thì con người ấy tự chủ được, mà hễ tự chủ được khi có thể gọi là thành. Có thành mới có minh, thành là Đạo Trời, minh là Đạo người. Minh thành tức là bắt chước Đạo Trời mà sửa nên Đạo người.

Tóm tắt:
Người tu đến đây thì Tâm linh của họ đã vào cảnh: "Hư vô tịch chiếu". Nghĩa là lúc nào Tâm của họ cũng không không, nhưng trong cái không ấy có một viên giác tròn trịa, sáng suốt, cũng như gương trong, hễ vật đến thì phản chiếu vào trong mà chẳng hề che khuất một mảy may nào.

Nhưng đó là người đã hoàn toàn xuất thế; còn như chúng ta còn phải giao tiếp với người và vật ở chung quanh mình thì chúng ta lúc nào cũng phải lấy sự đại tịnh làm căn bản, nghĩa là lúc nào cũng bình tĩnh, trầm lặng, mực thước và luôn luôn tự chủ, mặc dầu có làm muôn công, ngàn việc cũng vậy.

Đoạn kết sau đây chúng tôi sẽ bàn đến cử chỉ xử thế và cách giác tha.

KẾT LUẬN I

HỌC LÝ
Học lý chép thành quyển sách nhỏ nầy.
Trên đường Tấn hóa chúng tôi nhắc đến sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, Luật Nhơn quả Luân hồi, Võ trụ Dịch lý; ấy chỉ về quan niệm Võ trụ. Còn về Nhơn Sanh Quan, chúng tôi đề cập đến sự học Đạo Trời để làm qui củ mà sửa Đạo người cho đến mức chí nhơn, chí thiện, chí, chí mỹ. Sự học hành chúng tôi chia ra hai giai đoạn Nhập thế và Xuất thế.

Nhập thế: Trong đoạn "Phương châm nhập thế" chúng tôi giảng diễn phép "Tam lập" (Lập đức, Lập công, Lập ngôn) mục đích trau sửa, dồi mài thân, khẩu, ý, làm cho mình có tư tưởng, việc làm và lời nói đúng theo lẽ chí thiện. Kết quả là đào tạo cho mình một nhơn cách có đủ khả năng làm tròn những bổn phận làm người như: sửa đạo nhà, làm bổn phận công dân và góp công vào cuộc xây dựng hòa bình thế giái, cũng như trình tự học hành của Nho giáo là: Tề gia, trị quốc, và bình thiên hạ.

Xuất thế: Khi Nhơn đạo rảnh rồi, chúng ta bắt đầu thực hành giai đoạn xuất thế. Tuy nói xuất thế, nhưng không phải lẫn tránh xã hội, hay ẩn trốn trong rừng sâu, núi thẳm, mà thật ra đặt đời sống tinh thần ra ngoài vòng tục lụy trần ai và chung qui cầu sự giải thoát kiếp luân hồi; mặc dầu thân vẫn còn sanh sống trong cõi trần gian, như muôn vàn người khác.

Tóm lại hai giai đoạn đường học tập nầy góp thành một học thuật Nhơn sanh Triết lý. Công phu học tập căn cứ theo Đạo tự nhiên và bắt đầu từ Hữu vi học đến Vô vi pháp. Mỗi học lý cố gắng làm tận lực mình đem lại sự kinh nghiệm thuần túy, để rồi áp dụng nó vào đời sống thực tế hàng ngày.

Vả lại, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nền tảng là Qui nguyên Tam giáo thành một Giáo lý đại đồng; cho nên về bài học, chúng tôi chiếc trong Tam giáo, tham bác với Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn giáng cơ dạy. Có điều chúng ta nên nhớ là: Học hành đạo đức chẳng phải đọc sách suông như học văn chương mà thật phải tham thiền, nhập định và suy gẫm, tìm hiểu và thực hành cho cái biết biến thành tâm đức của mình.

Giáo lý để học
Chúng tôi tham bác Thánh ngôn của Đức Chí Tôn giáng cơ dạy, với Giáo lý Tam giáo thâu hẹp kể như vầy:

Nho giáo: Nho giáo dạy chúng ta tìm Thiên lý lưu hành trong thế giái vạn hữu để làm căn bản sự học hành. Nho giáo cung cấp cho chúng ta những bài học xử thế và thể hiện một khoa luân lý học căn bản là Đạo Trời; phương tiện là Nhân nghĩa; kết quả là cầu một sự sống an vui, hòa thuận trong gia đình, xã hội và khắp cả nhân loại ở Năm châu, chung qui, người trọn lành được siêu thoát về Trời chầu bên tả bên hữu Thượng đế, như cố nhơn đã quan niệm. Nói rút lại Nho giáo dạy chúng ta tìm đường giải thoát trong lãnh vực hữu vi.

Đạo giáo: Đạo giáo dạy tu chơn, nghĩa là bỏ phía sau lưng mình những sự vật hảo huyền của Thế gian và cố thâm nhập vào bản thân, tự tìm biết mình và hoán cái thân tâm cho thuần nhiên thanh khiết có thể đồng hòa với Đạo tự nhiên Trời Đất. Khi sanh tiền thì sống một cuộc đời "Cái thân ngoại vật là Tiên trong đời", và chung qui siêu thoát về Bồng lai Tiên cảnh.

Phật giáo: Phật giáo dạy chúng ta giải thoát rồi đem cái sở đắc của mình giúp chúng sanh giải thoát. Muốn thể hiện lý nầy, kẻ hành giả phải đặt mình vào cảnh "Hư vô tịch diệt" và cố gắng đi thẳng vào cảnh Niết bàn tự tại sống với một cuộc đời bình thản an nhiên; không vướng mắt bụi trần, không hệ lụy trần ai và không mê chấp ảo ảnh. Rồi đem cái sở đắc của mình cứu độ chúng sanh đặng giải thoát như mình.

Vậy Phật giáo dạy chúng ta tự giác rồi phải giác tha nữa để hoàn thành sứ mạng kẻ đệ tử.

Tóm lại, Nho giáo dạy thực hành Nhơn đạo để rồi sẽ giải thoát. Đạo giáo đưa chúng ta đi ngay trên đường giải thoát trong kiếp hiện tại tức đương giải thoát. Phật giáo thì giúp chúng ta giải thoát rồi. Ba giai đoạn tấn hóa: (Sẽ giải thoát, đương giải thoát, và đã giải thoát rồi) hiệp thành một con đường độc đạo giải thoát kiếp luân hồi ra ngoài vòng sanh tử.

Thể theo Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn: Vả lại, Tam giáo, mỗi Đạo đều có một Giáo lý riêng, kinh sách riêng. Nay Qui nguyên Tam giáo thành một Giáo lý đại đồng thì cái biển pháp bao la kia, kinh sách thống nhứt thành một "Tàng thơ viện" rộng lớn không biết đâu mà kể cho hết. Kẻ nông cạn như chúng tôi, nếu không người dìu dẫn, thì vị tất đã ra khỏi Tàng thơ viện ấy.

May thay! Đức Thầy chúng tôi (Thượng Đế) giáng cơ dạy phải học thế nầy, bỏ thế kia, giải nghĩa chữ khó hiểu, bớt câu thừa, thêm ý thiếu. Nhờ sự cởi mở ấy, chúng tôi ra khỏi sự khó khăn để sưu tầm chơn lý học hành và chép thành quyển sách nhỏ nầy.

Phương pháp thực hành Đạo đức theo Ngũ chi Đại Đạo
Học để biết Thiên lý, Hành để làm cho Thiên lý biến thành tâm đức để rồi nó sẽ phát biểu nơi tư tưởng, lời nói và cử chỉ hành vi của mình. Phép thực hành đạo đức, chúng ta nên theo cấp bực Ngũ chi Đại Đạo, như: mới nhập môn thì học hành Nhơn đạo, rồi tiến lên Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, và Phật đạo.

Quan niệm tri hành hiệp nhứt
Tri hành hiệp nhứt, chia ra hai mặt: Ngoại giới và Nội giới.

Ngoại giới: Tống Nho chia Tri hành ra làm hai là: Biết và làm.

Ban đầu kẻ học quan sát sự vật bên ngoài, tìm biết rồi đem áp dụng vào thực tế. Họ bảo nhau rằng: Biết mà không làm cũng như chưa biết.

Nội giới: Về phương diện Tâm học, Vương Dương Minh bảo rằng: Tâm và Lý là một thể, cũng như Tri và Hành không thể chia đôi. Ông nói: Tìm hiểu Lý ở trong Tâm, phân tách cho rõ ràng từng chi tiết và thống hiệp những chi tiết ấy thành một cái biết có đầu đuôi mạch lạc. Thế là Tri và Hành hiệp một rồi vậy.

ĐỐC HÀNH
Trong trang trước chúng tôi có chép chuyện vua Thang có khắc trên bồn tắm của người mấy chữ: "Cẩu nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân". Thân ý vua Thang làm như vậy để nhắc nhớ rằng mỗi ngày nhục thân dơ thì phải tắm cho sạch để bảo tồn cho sức khỏe. Tâm cũng vậy mỗi ngày phải canh tân, chớ đừng để vật dục triêm nhiễm. Câu nầy đủ đánh thức lòng tin của chúng ta vậy.

Tóm lại, những học lý chép trong quyển sách nhỏ nầy tuy không là bao; nhưng thiết tưởng nó cũng nhắc nhở cho kẻ học một phần nào.

KẾT LUẬN II
TAM ĐẠT ĐỨC

Tam là ba, Đạt là thông suốt, còn đạo lý đã học tập có tâm đắc rồi gọi là Đức. Tóm lại, Tam đạt đức là ba cái Đức thông suốt để ứng dụng khi xử kỷ tiếp vật.

Vả lại, sau thời kỳ "Minh tâm Kiến tánh" thì đức của người ta sáng tỏ trong cõi lòng vị phát chi trung và nó sẽ ứng dụng thiên hình vạn hạng khi hữu sự. Đây chúng ta nói tóm tắt Tam đạt đức. Vậy Tam đạt đức là gì?

Nho giáo có: Nhân, Trí, Dũng.
Phật giáo có: Bi, Trí, Dũng.
Đại Đạo có: Ái, Huệ, Công Bình.

Kể như sau:
Nhân: Là lòng thương yêu của người ta, nó là một điểm Đức Háo sanh của Trời phú cho mỗi người. Thế nên ai cũng có sẵn nó ở trong lòng. Nói tỉ: khi trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng thì ai cũng chạnh lòng thương. Chính lòng thương ấy là Nhân vậy. Có Nhân trong lòng mà tại sao có người không làm Nhân được? Chỉ vì vật dục làm lu mờ đức Nhân, cũng như búa rìu chặt hết nhánh lá mà cây phải trơ trọi.

Nay đã biết chướng ngại đức Nhân là vật dục, thì chúng ta cứ trừ ngay vật dục cho thật sạch thì tự nhiên đức Nhân tỏ rạng rồi chúng ta sẽ biết thương người mến vật và giúp cho người và vật được tương thân, tương ái, tương trợ.

Trí: Trí là năng lực biết rõ sự phải quấy; tốt xấu. Nhân là thương yêu, nhưng cần phải có Trí xét đoán để phân biệt chỗ nào đáng thương yêu, trường hợp nào đáng giúp đỡ, có phân biệt sự phải quấy thì sự thương yêu mới thích hợp với lẽ phải.

Dũng: Đức Dũng là tinh thần quả cảm. Có Nhân để biết thương yêu, có Trí để biết xét đoán lẽ phải quấy, rồi cần phải có đức Dũng để đôn đốc chúng ta thực hiện sự thương yêu.

Ví dụ: Chúng ta gặp người khốn cùng thì đức Nhân bảo chúng ta phải thương người ấy và nhờ Trí mà chúng ta biết rằng tình trạng người ấy đáng giúp đỡ; nhưng nếu chúng ta không có đức Dũng thì chúng ta chẳng hề thực hiện được lòng Nhân. Tại sao? Bởi vì thiếu tinh thần quả cảm để đôn đốc thì có khi chúng ta tiếc tiền, có lúc lại sợ nhọc công. Thế nên nói rằng: Có Nhân, có Trí, mà thiếu Dũng cũng không thực hiện được lòng thương.

Phật giáo có Bi, Trí, Dũng. Đại Đạo có Ái, Huệ và Công bình.

Bi tức Từ bi, Bác ái. Chữ Nhân nghĩa là thương yêu, nhưng có giai cấp, tức thương người khác hơn yêu vật. Từ bi Bác ái cũng có nghĩa là thương yêu, nhưng không phân biệt gần xa. Đối với người đồng loại thì một màu bình đẳng, không phân biệt kẻ thân người sơ. Đối với thảo mộc côn trùng, thú cầm thì xem chúng nó như đoàn em còn lạc hậu trên đường Tấn hóa, hằng ngày, tùy phương tiện che chở, giúp đỡ và làm lợi sanh cho chúng nó.

Từ bi, Bác ái dạy chúng ta phải tôn trọng tất cả sanh mạng, dầu một vật nhỏ mọn như con ong, con kiến cũng vậy. Người nào giết một mạng sống phải chịu quả báo trả lại. Luật báo ứng lành dữ phước họa một mảy không sai chạy.

Về mặt siêu hình, Từ bi Bác ái là một sức mạnh thiêng liêng Trời phú cho mỗi vật đều có nơi mình. Nhờ đó mà các vì tinh tú, các quả địa cầu luôn luôn vận hành chung quanh nhau mà chẳng hề xâm lấn lẫn nhau. Còn ở nơi các loài sanh vật, sức mạnh siêu hình ấy quyến rũ giống đực, giống cái gần gũi nhau, yêu thương nhau với một cách mật thiết.

Muôn vật biết tương thân, tương ái, tương trợ và mỗi vật chung qui đều hướng về trung tâm điểm của Võ trụ là Thái cực Thánh Hoàng. Tại sao? Bởi vì Từ bi Bác ái vốn là điểm háo sanh Trời ban cho người. Chính đức ấy kết chặt vạn vật với cội sanh nó là Trời. Ấy vậy nên người nào thực hiện được đức Từ bi Bác ái thì họ đồng hóa với cái nguyên thỉ động lực của Võ trụ mà thực hành cái lý: "Dữ vạn vật đồng thể".

Nhưng Từ bi Bác ái cũng cần có Trí xét đoán phải quấy thì mới tránh cái vạ tự ti và cũng phải có đức Dũng để đôn đốc thực hiện mới được, cũng như Nhân phải có Trí và Dũng thì mới hoàn thành được lòng thương yêu.

Chúng tôi xin chép bài Thánh ngôn của Bà BÁT NƯƠNG NỮ PHẬT - DIÊU TRÌ CUNG dạy về Huệ, Ái và Công bình như sau:

THÁNH NGÔN:
"Trí là mẫn huệ,
Tâm là thương yêu;
Thông đạt cả huệ ái là Đạo.

Huệ ái là gì?
Người đời hiểu lầm Từ bi, Bác ái là rộng thương, rồi thương đùa, thương càn, thương không phân biệt phải quấy, thế mà cũng gọi là Bác ái, Từ bi. Sự thật lòng bác ái phải thể với Đức Háo sanh của Đại Từ Phụ là cha sự sống. Ngài muốn sự sống của chúng sanh còn mãi mãi “sống đẹp vị Thiêng liêng, sống chung tâm, hòa trí, sống yên vui, thảo thuận, nói chung là sống với Bác ái, Công bình”.

Thế mà ở đời nhiều trở ngại: Khôn còn, dại mất, người hiền lánh mặt, đứa ngu khoe mình, trên chẳng thuận, dưới chẳng hòa, ẩn yêm che đậy, tốt khoe, xấu che, rồi thương không nỡ đan tâm sửa trị. Việc phải việc quấy lẫn lộn. Thử hỏi đó là thương hay ghét?

Phải biết dùng Trí tìm tòi phân định, phải biết dùng luật thương yêu xử quyết: "Hư nên rõ mặt, chánh tà biệt phân. Rồi dùng cái Đại hòa điệu của Đạo làm phương châm hằng sống để sửa mình độ người. Vậy mới phải Bác ái, hay nói cho đúng hơn là hiệp trí, hòa tâm tạo thành Huệ ái định vững cơ sanh tồn".

Xem đó đủ hiểu, có Huệ, có Ái, rồi cần phải có Công bình nữa, thì mới hoàn thành tinh thần đạo đức.

Nghĩa là phải có khí phách của người chánh chơn quân tử thì mới tự thắng mình, và vượt khỏi sự cám dỗ vật chất. Mạnh Tử nói: "Đứng trước cảnh giàu sang chẳng si mê; đứng trước cảnh nghèo hèn không dời đổi. Đó là thái độ của người có Tam đạt đức, cũng như lư trầm có ba chưn đứng vững và nhả hương ngào ngạt khắp vùng phụ cận".

KẾT LUẬN III

GIÁC THA

Đến đây kẻ hành giả đã thể hiện được pháp môn "Tự biết mình" (Tự giác) nghĩa là biết toàn diện tâm lý và sanh lý của mình. Biết cơ sanh tồn vật thể, cơ sanh tồn tinh thần và lãnh hội đến sự sống động tâm linh của Phật tánh, nói rút lại, là Minh tâm, Kiến tánh. Mà hễ tự biết được mình thì mình biết được vạn vật. Mạnh Tử bảo rằng: "Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành" (Muôn vật đều có đủ nơi ta, ta quay về bản thân mà tìm thì sẽ thành công). Biết mình, biết người, biết vật rồi tùy thời đem cái sở đắc ấy giúp người và vật được giác ngộ như mình. Đó gọi là Giác tha. Thể hiện sự Tự giác, Giác tha là bổn phận của kẻ học.

Chúng tôi tạm chia sự Giác tha ra làm hai phương diện là:
Công truyền và
Tâm truyền.

Công truyền:
Công truyền là phần truyền giáo cho phần đông trong xã hội. Về phương diện nầy, chúng ta nên dùng tất cả thinh âm, sắc tướng để thức tỉnh xã hội khuynh hướng về đạo đức. Đại loại như: phô trương nghi tiết phượng thờ tế tự, tụng kinh làm đám, dùng văn chương ngôn ngữ giảng đạo thuyết pháp tức dùng phương thức hữu vi phổ truyền Giáo lý để cảm hóa người đời nghe hiểu và thực tiến. Phật bảo rằng: Kẻ học phải bố thí hoặc thí tài, hoặc thí pháp v.v... Bố thí hết sức mình, tùy thời phổ hóa quần sinh.

Luận về thinh âm, sắc tướng, nó cũng có sức mạnh tinh thần và có thể cảm kích lòng người đến chỗ sâu xa. Xem như khi chúng ta vào chùa miểu trông thấy cốt tượng thì chúng ta bâng khuâng về sự tín ngưỡng, còn trông thấy đám tang, hoặc mồ mã thì lòng ngậm ngùi thương xót, nhứt âm thanh lễ nhạc có sức mạnh khiến chúng ta yên lặng và hoài bảo việc xa xôi.

Thế đủ hiểu phần Công truyền Giáo lý cũng quan trọng lắm vậy thay.

Tâm truyền:
Tâm truyền là người nầy truyền thọ cho kẻ nọ Giáo lý về mặt Tâm pháp. Ở đây không dùng thinh âm, sắc tướng mà phải thể hiện những lẽ đạo kinh nghiệm tâm đắc của mình ra nơi hành vi, lời nói và tư tưởng để cho người khác xem gương mà làm theo. Chỗ nầy ông Giáo sư Khoa học Thực nghiệm bảo rằng: "Anh hãy làm theo những cái tôi nói, chớ đừng làm theo những cái tôi làm". Trái lại, về Đạo học, kẻ hành giả phải noi gương vị Giáo sư mà đồ theo, Phật giáo dạy cái lý Tam Qui (Qui Y Phật, Qui Y Pháp, Qui Y Tăng) là lẽ như vậy.

Vả lại, Vô vi Pháp môn không thể dùng văn tự, ngôn ngữ để mô tả được, cho nên kẻ truyền giáo phải có tâm đắc trước rồi sau sẽ truyền giáo; nghĩa là phải học Đạo lý, thực hành thế nào cho Đạo lý biến thành Tâm đức của mình để rồi nó biểu dương ra cử chỉ, hành vi, lời nói và tư tưởng. Trái lại nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm đạo đức mà truyền đạo đức thì chúng ta chỉ nói được hình dáng của Chân lý, chớ không phải Chơn lý thực tại.

Trong lòng có đạo đức thì đạo đức phát biểu ra ngoài mà người khác trông thấy rõ ràng. Hữu ư trung hình ư ngoại là lẽ hằng và đó gọi là bất ngôn chi giáo (truyền giáo bằng cách không nói ra lối).

Tóm lại chúng ta nên biết rằng sự học Đạo đức hành Đạo đức của chúng ta liên đới ba đời. Đối với đời quá khứ, chúng ta phải tìm học hành những học lý truyền dạy của các vị Thánh Hiền thời xưa. Còn đối với đời hiện tại và đời vị lai chúng ta phải lưu lại cái gì mà chúng ta đã kinh nghiệm để cho người sau noi theo.
 Home                       1 ]  [ 2 ] 
HẾT

Viết xong tại:
TÒA THÁNH TÂY NINH
(Tiết lập Xuân năm Quí Mão)
- 1963 -
Soạn giả
Tiếp Pháp TRƯƠNG VĂN TRÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét