Thiên Đạo - 2 /3 (Nguyễn Trung Hậu & Phan Trường Mạnh)

NGƯỜI TA KHÔNG PHẢI SANH RA ĐẶNG ĂN THỊ.
Người ta ngày nay sở dĩ hạp dùng nhục thực là vì buổi trước đã lắm công phu mới tập thành thói quen ấy, thế mà phải chịu lắm nỗi gay go mới được vậy.

Thuở ban sơ, người ta không phải là giống ăn thịt; cơ thể cùng tạng phủ loài người đủ chứng rõ
điều ấy và làm cho chúng ta nhận thức rằng vật thực phù hạp với tì vị chúng ta là cỏ rau cây trái.

A - Răng loài người không phải răng dùng để ăn thịt. Phái ăn thịt cho rằng loài người cần phải ăn thịt vì loài người có thứ răng chó (canines), mà chó là loài ăn thịt.

Nói vậy là lầm, vì răng của loài chó cùng các giống thú ăn thịt thì dài, tức để dùng xé thịt; còn răng của người ta, tuy gọi răng chó kỳ thiệt nó cụt giống như răng khỉ, mà khỉ thì ăn trái cây.

B - Bao tử và ruột của loài người không phải dùng để ăn thịt. "Răng cấm của các loài ăn thịt đều nhọn, nhai thịt không được nát, song lại nhờ bao tử dày và mạnh, vận động giúp cho thịt ăn vào dễ tiêu hóa. Bao tử của người ta thì mỏng và yếu, bởi không cần nặng công về việc tiêu hóa, là vì răng cấm của người ta dày và dẹp đủ sức nhai nát vật thực rồi mới nuốt, mà răng cấm của loài người lại giống răng cấm của các loài vật ăn cây trái.

"Ruột của loài ăn thịt thì cụt, còn thịt thì mau tiêu. Ruột của người ta thì dài hơn mấy thước; ấy đủ chứng rằng ruột của người ta rất cần ích cho vật thực lâu tiêu, mà các nhà sanh lý học đều công nhận thảo mộc lâu tiêu hơn thịt.

C - "Phàm nhục thực nào thừa, không cần yếu cho sự bổ dưỡng thì cơ thể của loài vật ăn thịt lại có thể đổi thành chất diêm cường (ammoniaque) mà tiết ra theo đường tiểu tiện.

Cơ thể con người lại không phải vậy. Thế thì Tạo Hóa sanh ra loài người vốn không chủ định cho loài người ăn những vật nào chứa nhiều chất thịt."

Thú cầm vốn có bổn năng đói biết kiếm ăn, khát biết kiếm uống. Con người linh hơn cầm thú, không những vì đói mà ăn, vì khát mà uống, lại còn vì ngon miệng mà ăn, tất biết chọn lựa miếng ăn ngon béo, ngọt bùi. Nhưng nếu không biết phân biệt món ăn nào bổ dưỡng món ăn nào độc hại, thì nguy cho cơ thể biết bao! Cho nên các nhà thông thái mới phát minh khoa vệ sanh ẩm thực phù hạp với sanh lý học (physiologie) và hóa học (chimie) để bảo tồn sức khỏe và sự sanh hoạt cho nhơn thân.

Cơ thể con người là một bộ máy hoạt động không ngừng. Sự động tác làm cho cơ thể phải hao mòn, thì một phần sanh vật trong châu thân, tức là tế bào (cellules), phải hao mòn tiều tụy. Vật thực vốn là món để bổ vào tế bào tiều tụy ấy.

Chẳng những vậy, cơ thể cũng là một động cơ (moteur) đểå sản xuất năng lực (énergie). Muốn cho động cơ ấy chạy, phải có than củi chụm vào. Vật thực tức là than củi vậy.

Thế thì vật thực có hai công dụng:
1. - Một phần để thế vào tế bào của cơ thể mà đã hao mòn tiều tụy.
2. - Một phần để giúp cho cơ thể có năng lực.
Hóa học đã chứng minh rằng vật thực giúp phần năng lực là vật chứa nhiều thủy thán chất (hydrate de carbone), mà vật thực có thủy thán chất phần nhiều thuộc loại thảo mộc. Còn vật thực thuộc thú chất, thì chỉ có trứng là có thủy thán chất mà thôi.

Về phần vật thực thế vào tế bào, thì hóa học cũng có phân chất từng món ăn chay và ăn mặn, mà so sánh thì cũng chứng nhận đồ chay chứa nhiều chất bổ hơn đồ mặn.

ĂN CHAY ĐỐI VỚI LUÂN LÝ

Cổ nhơn có câu: "Người khéo nuôi thân không cần phải dụng cao lương", và cũng có câu "Người mà chịu khổ ăn rau cho là ngon thì việc gì mà làm chẳng nổi?" Phương chi, con người mà biết giữ cách ăn uống theo luật tự nhiên, biết chọn thức ăn thanh đạm, nghĩa là ăn chay, thì khỏi phải khổ tâm lo nghĩ về cái sống của mình trong lúc nguy nan; và bình thường, chẳng những tỏ lòng nhơn thiện mà còn treo một tấm gương thanh đạm trong gia đình.
Công chúng mà biết vui dùng những món ăn thanh đạm, thì những cái tình dục xấu xa cũng đẹp đi được, mà lại vừa tăng thêm sức khỏe, vừa mở rộng khiếu lành ra nữa.

Trong xã hội, chẳng những người nọ phải nhờ người kia mà thôi, mà lại phải nhờ cả những giống súc vật giúp đỡ chúng ta làm những việc nặng nề, khó nhọc như trâu cày, bò ngựa kéo xe, vân vân. Song than ôi! Đến lúc già, trâu hết sức cày, bò ngựa hết sức kéo, người ta lại đoạn tình giết chóc mà ăn thịt! Sao lại nỡ quên công phu khó nhọc khi xưa?

Một nhà luân lý và sử ký trứ danh nước Hy lạp (Grèce) là ông Plutarque, nhơn giảng vấn đề ăn chay đã hạ câu lý thú nầy:
"...Các anh nói beo, sư tử là thú dữ, mà các anh không thua gì mấy con ấy, bởi vì chúng nó giết đặng ăn mà sống; chí ư các anh giết đặng ăn cho ngon miệng, mà các anh còn dùng môi miếng đặng giấu sự ghê gớm ấy đi".

Trong một miếng thịt, hình như in rõ nỗi thống khổ của con vật trước khi bị giết, đã chịu cái cảnh phân ly bầy lũ giống nòi, lại bị nhốt bị cầm, nhịn đói, nhịn khát. Đến khi bị giết, thịt xương chặt xẻ ra từng miếng, tay dơ mò máy vào, máu hôi dính theo lưỡi dao cạnh thớt...

Một con bò vừa mới bị sả làm tư treo trên móc sắt; máu đỏ chảy ròng ròng mà thịt tươi còn mấp máy. Cái thảm cảnh ấy, hỏi ai mục kích mà chẳng thương tâm?

Mạnh Tử nói: "Thấy con vật sống, không đành thấy nó chết; nghe tiếng kêu la thảm thiết, không nỡ ăn thịt nó. Vì vậy, người quân tử xa lò sát sanh, lánh chỗ trù phong".

Kinh "Tam Giáo qui nguyên" có đoạn nầy:
"Người ăn cá thịt đều phạm lý ngũ thường:

1 . Giết hại con vật, đặng ăn ngon béo miệng mình, là bất nhơn.
2 . Giết hại con vật làm cho nó phân chia bầy lũ mà đãi bà con mình là bất nghĩa.
3 . Đem thịt hôi tanh dưng cúng Quỉ Thần, là bất lễ.
4 . Khen ăn con vật cho là lộc Trời ban mà hại nó phải chịu dao thớt là bất trí.
5 . Lập mưu nhử mồi, gạt nó sa vào hầm lưới, là bất tín.
Người ở thế phải giữ năm hằng; biết mà cố phạm là lỗi đạo luân lý đó vậy.

Tóm lại, Thánh Hiền xưa, dầu ở phương Đông hay phương Tây, cũng đều răn việc sát sanh mà trọng sự ăn chay.

ĂN CHAY ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

Các tôn giáo, từ xưa đến nay, đều trọng sự ăn chay, lấy đó làm căn bổn cho việc làm lành lánh dữ, lại lập thành một giới luật rất nghiêm; phàm người tu hành, dầu ở bực nào, cũng phải giữ kỹ.
Nhà tôn giáo cấm sát sanh, đại khái là vì những lẽ sau nầy:
Phàm các loài tứ sanh ( Loài tứ sanh là: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh (loài sanh trứng, sanh thai, sanh chỗ ướt và loài biến hóa) là những giống biết cảm giác, biết thương yêu, đương chịu luật tấn hóa của Trời Đất. Chính chúng ta xưa kia đã từng trải qua làm con vật rồi mới tiếp làm người. Cho nên, đối với động vật, chúng ta phải tỏ lòng nhơn ái là hạp với đức háo sanh của Tạo hóa.

Giết hại giống vật là giết hại đồng loại với chúng ta, lại còn cản bước đường tấn hóa của chúng nữa.
Vả lại, giết một con vật chẳng phải là chỉ giết cái cơ thể không hiểu biết chi hết mà thôi đâu, mà còn phạm tội với điểm linh quang đương tấn hóa trong cơ thể ấy.

Người ta đối với động vật là giống trình độ tấn hóa thấp thỏi hơn mình, mà còn giữ tánh sát hại, thì là tạo một ác quả cho mình, không tránh khỏi cơ báo ứng.

Người tu hành mà ăn thịt là thiếu đức từ bi đã đành, mà chư Thần Thánh cũng không thể thân cận đặng quyến niệm hộ trì, vì cái hơi tanh hôi xông lên xúc phạm.

Kinh "Dhammika Sutta" có câu: "Người chủ nhà chẳng nên tự mình giết, không nên bằng lòng cho người khác giết và cũng chẳng nên xúi ai giết một con sanh vật nào.''

Thánh kinh "Cựu ước" của Thiên Chúa giáo, nơi khoản nói về việc tạo lập Trời Đất, có câu: Đức Chúa Trời lại phán: "Nầy Ta sẽ cho các ngươi mỗi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh trái có hột; giống ấy sẽ là đồ ăn của các ngươi".

Kinh "Cảm ứng" có câu "Loài vật cũng của Trời sanh ra; nó cũng có tánh mạng, biết ham sống sợ chết, biết đau biết ngứa như người. Nếu sát sanh hạ bạc là tổn đức hạnh".

Kinh "Xung hư" nói: "Con người muốn ăn thịt thú vật thì ăn, chớ Trời Đất chẳng phải sanh nó ra cho người ăn đâu. Vậy sao không nói luôn rằng Trời Đất sanh con người để cho muỗi mòng hút máu, cho cọp sói ăn thịt?"

Kinh "Lăng già" lại có câu: "Ăn thịt vào bụng một lát, thịt ấy hóa ra vật dơ dáy, thân thể ta hấp thọ vật ô uế ấy mà to lớn: vậy thì cái thân thể hôi tanh, có chi là thanh tịnh?"

Tổng luận, ăn chay chẳng những là giới luật riêng của tôn giáo, mà cũng cần ích chung cho mọi người, nhứt là cho các nhà có tư tưởng tinh thần đạo đức.

Luôn tiện xin hiến ra đây những kinh nghiệm trong hai chục năm trường để giúp chư vị mới tập trai giới:
1. - Khi ăn phải giữ tinh thần vui vẻ, đặng giúp cho sự tiêu hóa dễ dãi và điều hòa. Các nhà y học Thái tây đã nghiệm chứng người ta tiêu hóa đồ ăn bằng trí tưởng hơn bằng dạ dày (bao tử). Cho nên người Âu tây có tục lệ đặt một bình bông trên bàn ăn cốt giúp cho người ăn xem thấy màu hoa đẹp mà cảm xúc, rồi bắt khiến ăn ngon.
Đức Khổng Tử trong buổi ăn dầu có ai đến phỏng vấn điều chi Ngài cũng không chịu luận đàm là vì muốn để trọn trí tưởng vào việc ăn.
2. - Bát dĩa tốt sạch cũng giúp cho người ta ăn ngon miệng.
3. - Ăn nên lựa đồ tươi; đồ khô héo mất chất bổ.
4. - Nên ăn ít đồ chiên xào vì nó nóng thường làm cho người ta bị bón và rát lưỡi.
5. - Nên ăn ít canh, uống ít nước, vì món ăn vào vị trường sẵn có tiêu hóa dịch (suc digestif) nhỉ ra tiếp đón; nước uống vào nhiều quá làm lỏng chất tiêu hóa dịch ấy đi mà phải kém công dụng.
6. - Ngoài buổi ăn, không nên ăn dậm bánh hàng.
7. - Khi sốt rét, nên ăn ít ít; không ăn lại càng tốt.
8. - Mỗi tháng nên xổ một lần cho khỏi bón.
9. - Phải sửa đổi, chế giảm món ăn, tùy sức khỏe, tùy vị và thời tiết. Nhứt là phải thăm coi trong mình có điều chi khó chịu không. Nếu đau bụng hay sôi ruột, phải nhớ lại coi mình đã ăn món chi mà tì vị không hạp, rồi giảm bỏ món ấy đi.
10. - Nên thường ăn đồ chua như: chanh, khế, bưởi và dấm trộn xà lách (salade) hoặc xà lách xon (cresson), vì nó tẩy trường.

Ăn chay được lâu rồi, nghe trong mình nhẹ nhàng, dễ chịu, và nhiều bịnh khó chữa chỉ nhờ ăn chay mà dứt tuyệt.
*  *  *

CHƯƠNG THỨ NĂM

ĐỨC TIN SÁNG SUỐT

Phàm theo một đạo nào, là chúng ta đã tin ở giáo lý và chỗ cao siêu của đạo ấy. Chúng ta đã có một đức tin. Rồi ngày qua ngày, chúng ta lo tưởng tới đạo và hành động theo lẽ đạo, đức tin ấy càng thêm mạnh mẽ. Đức tin đã mạnh mẽ, thì không một việc gì ở thế gian nầy long lay nó được. Là vì, đã tin chắc ở đạo, chúng ta đem trí lực hăng hái, cả tinh thần cứng rắn mà làm đạo, thế nào chúng ta lại không đủ nghị lực chống chõi bất kỳ một biến cố nào "Đức tin, theo phương ngôn Âu tây, dời cả núi non". (La foi transporte les montagnes)
Ngày xưa, muốn cho mấy cao đồ phải dùng trí sáng suốt mà xét suy phán đoán, đặng có đức tin vững chắc, Đức Thế Tôn (Thích Ca) bảo:
"Bất luận điều gì có ghi chép trong sách vở, hoặc từ cửa miệng của chư hiền triết nói ra, hay của tiền nhơn truyền lại, đều không được nhắm mắt tin càng mà trước phải xét suy phán đoán coi có đúng lý hay không? "

Đó là một lẽ trọng quyền phán đoán và tự do tín ngưỡng cá nhân.
Tất phải tin theo mấy bực đạo trưởng mình, vì mấy vị ấy đã làm cái việc Thế Tôn dặn bảo trước kia, cho nên tôn giáo nào cũng có tín điều (dogmes) là những giáo lý mà giáo hội đã dùng trí sáng suốt xét suy phán đoán và nhận là chơn lý; chư tín đồ chỉ tin theo là khỏi sai lầm.

Vả, huyền vi mầu nhiệm Thiên đạo vốn có nhiều chỗ trí phàm chúng ta dầu tấn hóa đến đâu, cũng không thế nào thấu được, các nhà khoa học trứ danh khắp hoàn cầu cũng đành bó tay mà chịu.

Ngày nay, được rõ chút ít cơ mầu nhiệm ấy, là cũng nhờ ơn Trên chỉ bảo. Những Thánh huấn góp thành một giáo lý bất di bất dịch là những điều đáng tin, không thể nào cải được.

Ví dụ như đức Chí Tôn dạy rằng ngoài Tam Thiên Thế Giới, có Thất Thập Nhị Địa Cầu mà Địa Cầu chúng ta ở thuộc vào hạng 68.

Điều nầy, chúng ta làm sao xét đoán cho biết đúng lý hay không? Trừ ai không tin thôi, còn chúng ta đã tin ở đạo lẽ nào lại mơ hồ nghi hoặc?

Đức Chí Tôn đã nói:
"... Ngày nay các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm, mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi Thầy mà cho lời dạy củaThầy là chơn thật. Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác mới thấy đặng cơ mầu nhiệm, thì chừng ấy đã muộn rồi".

Hể chúng ta tin tưởng Trời Phật, thì Trời Phật cảm ứng với chúng ta. Đức tin tỷ như một vật chứa nước, cơ cảm ứng đối với đức tin ví như nước đem đựng vào. Vật lớn chứa được nhiều nước, vật nhỏ tất chứa ít nước, Đức tin lớn được nhiều cảm ứng, và trái lại; chí ư vật chứa bể đi, (là khi mất đức tin), thế nào đựng được nước nữa? (mất cơ cảm ứng).

Vậy, đức tin rất cần yếu cho người giữ đạo. Mạnh đức tin, làm đạo vữõng bền. Yếu đức tin, chống chầy phải "ngã".

Chúng ta chẳng những cần có đức tin, mà còn phải ung đúc đức tin cho trọn cả gia đình, nhứt là trẻ thơ. Trẻ thơ chưa biết tội lỗi, chưa biết dị đoan. Đó là lúc nên bắt đầu ung đúc đức tin của chúng về đường chánh tín. Một phương hay để ngăn ngừa oan nghiệt cho trẻ thơ. Bằng chẳng sớm toan, đợi cho trẻ con lớn khôn gây nên nghiệp báo rồi mới lo ngăn đón, thì chẳng khác nào đợi mất của rồi mới lo phòng trộm cướp.

Nếu con người từ nhỏ chí lớn có sẵn đức tin chánh đáng; ngày giờ ung đúc đã lâu, thì đức tin đặng mạnh. Đức tin mạnh tất đủ nghị lực cự đương với tục tình tội ác.

Phải làm cách nào ung đúc đức tin của trẻ em về chánh tín?
Trước nhứt, người làm cha mẹ phải có một đức tin chơn chánh, cứng rắn và vững vàng. Đức tin ấy phải biểu lộ cho con cái thấy mà noi theo. Phàm con cái hay tiêm nhiểm theo cha mẹ trong cử chỉ hành vi. Nếu cha mẹ bảo con phải kỉnh tin Trời Phật mà tự mình không tỏ ra điều gì để cụ thể hóa sự kỉnh tin, thì con cái biết dựa vào đâu mà tin? Làm như thế chẳng khác nào mấy tấm bảng chỉ đường (Poteau indicateur) dựng mấy ngả tư, ngả ba kia vậy. Bảng cứ chỉ đường nầy đi... đường kia đi... mà bảng cứ ở yên một chỗ. Hành khách do theo bảng chỉ có khi cũng lạc đường, sao bằng có người dẫn dắt.

Việc lễ bái nơi nhà, đối với bực đạo hạnh cao siêu tuy không cần yếu, nhưng đối với phụ nữ và trẻ em, vốn có ảnh hưởng sâu xa về tín ngưỡng.

CƠ KHẢO THÍ

Có trường thi "công quả", tất có cơ "khảo thí" theo phép công bình Thiên đạo. Phàm muốn đoạt thủ ngôi vị nơi trường thi ấy, người hành đạo phải có công lao xứng đáng và phẩm hạnh hoàn toàn. Chịu thử thách mà không sa ngã, mới đáng đăng tên vào Tiên tịch.
Vì lẽ công bình, Đức Chí Tôn buộc phải để cho Ma vương ( Nhà Phật gọi Ba tuần quỉ loại. ) (Mara) cám dỗ. Kẻ nào kém đạo hạnh phải sa vào cạm bẩy.

Thường thường chánh tà tương khắc. Hễ đạo khai thì tà khởi. Đạo không ma khảo, đạo khó thành. Ma không Đạo khai, ma không được dịp mở cơ thạnh vượng. Ma khảo có nhiều cách, đại khái như:

1. - Mạo danh Tiên Phật, dối ban huyền diệu cốt mê hoặc người phải xa chánh giáo.
2. - Giục người thấy sắc đẹp mê sa, thấy tài vật ham muốn.
3. - Hóa việc lạ lùng quái gở cho người sợ bỏ dở công phu.
4. - Chiều theo sở dục con người mà cám dỗ, tức là đánh ngay chỗ yếu của người.
5. - Bài bố những khó khăn gay cấn cho người thối chí ngã lòng.

Đức Chí Tôn cho biết trước:
"Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước, Thầy đã cho các con một bộ thiết giáp chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con.
Ấy vậy, rán gìn giữ bộ thiết giáp đó hoài cho đến ngày các con hội hiệp cùng Thầy.
Nghe và rán tuân theo."

Đường đã trải qua, chúng ta thấy rõ tu hành gặp không biết bao trở lực, Nào là người hữu ý hay vô tình kích bác, cho đến bà con cật ruột cùng bạn thân yêu buổi trước, mà nay thấy chúng ta tu hành, họ cũng đem lòng nhạo báng ( Chính họ không cố tâm ganh ghét, nhưng Ma Vương xúi giục mà tự họ không ngờ.). Nào là kẻ gây điều khó dễ, mong phá hoại việc tu.
Lại thêm nào là kẻ xinh lịch, nào là cao lương mỹ vị, phú quí lợi quyền, toàn là cạm bẫy mà chúng ta phải cẩn thận tránh từng bước trên con đường hành đạo. Trong khi lập công bồi đức, chúng ta thường bị gia đạo rối ren, hao tài thốn thiếu hoặc lâm tật bịnh ( Có hai thứ bịnh: bịnh về cơ thể hay tinh thần, và bệnh về căn quả (maladies karmiques) làm cho chúng ta ngã lòng thối chí nếu không nhẫn nại và vững đức tin. Những chướng ngại trên đây là sự trạng của cơ "Khảo thí" vậy.

Muốn chống lại, chúng ta rán giữ bộ thiết giáp y nguyên, nghĩa là giữ sao cho đạo đức vẹn toàn và nhẫn nhục cố gắng với đức tin bền vững mà sấn bước, dầu gặp phải "nhơn khảo" hay "ma khảo" luôn luôn phần thắng cũng về chúng ta.
Tự tín và bền chí là bí quyết thành công vậy.

CƠ THỬ THÁCH

Cách Thần Tiên huấn luyện Người học Đạo
a). - Lúc dạy dỗ. - Trong lúc dạy dỗ, Thần Tiên dùng ba cách:
1. - Dạy, 2. - Khuyên, 3. - Răn.
Những cách dạy dỗ, các Ngài không dùng giống nhau vì phải tùy theo trình độ và khí chất của mỗi người. Hỏi chi thì cắt nghĩa rẽ ròi đó. Nếu người học đạo biếng nhác, các Ngài nhắc nhở khuyên lơn, năm mười lần, mà cũng còn biếng nhác, không chăm học, không lo lắng, sửa mình, thì các Ngài lại răn. Răn ấy là làm cho mình bị đau ốm, người ngoài khinh rẻ, các việc đời dồn dập tới, rối loạn tinh thần, phải tự hối trở về lằn Đạo lại mới được yên tịnh tu hành.

b). - Cơ khảo hay thử thách. - Sau khi dạy dỗ một ít lâu sẽ có một cơ khảo thí nghĩa là "giám khảo" hạch hỏi. Những điều ấy là cơ thử thách do ơn Trên cho lịnh các vì Thiêng Liêng khảo dượt. Chẳng những thử thách là một cuộc khảo dượt mà nó cũng là sự oan nghiệt của người tạo khi xưa. Mấy cuộc khảo dượt ấy như cuộc thi lên lớp, nhưng sau khi lên lớp nầy rồi, còn phải thi lên lớp khác nữa; một lần qua khỏi một cơn thử thách, ấy là một lần lên được con đường tấn hóa. Nên sự thử thách rất hữu ích cho nhơn sanh, vì nó ung đúc tinh thần người học đạo rất mạnh mẽ. Ấy là "phương luyện thần".

Sự thử thách cũng như luồng giông tố. Ai đã trải qua mà cái "Tâm" chẳng đổi, "Ý" chẳng dời, thì mới mong đạt đường Đạo được.
Trong cuộc khảo và thử thách, có nhiều cách, như là khảo: Tham, Sân, Si, Ái, Dục.

"Tham" là tham muốn điều phú quí danh lợi, ăn ngon, mặc tốt, ở đẹp.
"Sân" là hờn giận, oán thù.
"Si" là mê tín những chuyện thần kỳ quỉ quái.
"Ái" là thương yêu thê tử, lưu luyến sắc đẹp.
"Dục" là muốn thúc hối con người toại hưởng những điều khoái lạc.

Khảo là khảo cho biết chơn giả, thử là thử cho biết tà chánh, cho biết vàng đá. Vàng là loài kim quí báu nhứt, dùng lâu năm mà chẳng phai màu, nhiều thứ lửa đốt mà vẫn tự nhiên.
Gổ là vật trên rừng, chạm thành vật quí báu nhờ sự đục đẽo, trau dồi, chạm trổ của thợ. Sự đục đẽo, trau dồi, chạm trổ, lửa luyện đó là những sự khổ não, phiền hà, cay đắng của Thần Tiên sắp đặt đặng ung đúc tinh thần người học Đạo cho lảu luyện, mai sau có gặp cảnh ngộ như vậy, không nao lòng, nản chí. Vì hễ người đạt được cái "Đạo thuật" rồi, thì đối với cảnh ngộ nào, dầu cho khổ tâm cách mấy, vẫn xem thường. Mỗi thời kỳ khảo là mỗi lần nâng cao người lên trình độ là mỗi lần đặt người vào một địa vị. Cái địa vị nhiệm mầu thiêng liêng không vì chức tước, áo mảo mà cân nhắc lên được. Người ta khi đã tăng tiến thì không còn ai chăm chú ở sức mạnh, ở giá trị của mình đã lập tâm tạo sẵn ra, mà chính vì cái tài đức tự nhiên. Đã biết mình có cái thạnh tình đối với xã hội nhơn quần của mình thì nên kêu gào cho người biết theo, cũng như mình coi danh lợi là bọt bóng, chóng chầy tan rã, không lấy sự mạnh được yếu thua mà chỉ cốt lấy lòng bác ái dẫy tràn vậy.

Một vị Tiên Trưởng có khuyên dạy về cơ khảo như vầy:
"Các em hãy dằn bớt nộ khí; cái giận có hại cho các em. Vì nếu "Tâm" phát hỏa thì phải trái nan phân. Trí khôn các em, lúc bấy giờ sẽ bị lòng giận dữ nó choán hết, thành ra có khi xử sự quấy, nói năng quấy, mà phải tổn âm đức.
Đạo do ở Nhẫn mà Nhẫn mới phải Đạo. Nóng như Trương dực Đức là cái nóng "Giết mình," nguội như Trương Lương là cái nguội Nên Danh đó.

Các em chẳng nhớ Ôn Nhu Hòa Mục, quân tử lập thân, Ám Á Cường Can, tiểu nhơn đoạt lợi hay sao?
Nóng nảy làm chi hỡi các em!
Hạnh, Tiên, nết Thánh rán công rèn.
Tánh tình thô lổ khuyên chừa hẳn.
Có vậy chơn tâm mới chẳng hèn.

Cũng như sắt, sắt vô lửa phải mềm, chớ yếu lả như nước, nước bao giờ ai chặt đứt, bứt rời?

Các em quên lời Từ Phụ dạy rồi hay sao? Ngày gần thành Đạo là ngày Tà mị nó khởi động để xô sấp lật ngữa các em, ai yếu chỗ nào, nó nương chỗ đó mà phá khuấy. Ấy vậy, khi nào có gặp sự trở đương khổ khí, tức lòng, các em nên nhớ đến lời Từ Phụ mà cười cho qua cơn sóng gió. Chi chi đều có Từ Phụ và Phật Tiên phò trì ủng hộ. Các em nên để trọn lòng thảnh thơi mà hành Đạo là điều quí hơn hết."

CƠ BÚT PHỔ THÔNG

Sự tiếp xúc của cảnh vô hình với cảnh hữu vi
Cơ là vật dùng để thỉnh Tiên, làm bằng tre đan như cái giỏ dài; ngoài phất giấy vàng, có cán; trước cán thường khắc đầu chim loan; một cây cọ bằng mây hoặc bằng tre cắm trước cán để viết trên ván hay trên cát.
Người chấp cơ, gọi theo danh từ thông thường là đồng tử (médiums). Đại Đạo "T.K.P.Đ." gọi chức sắc Hiệp Thiên Đài (Corqs des médiums).

Đồng tử là người có đặc khiếu xuất Chơn thần ra khỏi phách, đến hầu Thần Tiên mà nghe dạy bảo bằng cách chuyển di tư tưởng (transmission de la pensée), rồi nhờ linh điễn Thần Tiên giáng hiệp với nhơn điễn đồng tử làm cho cánh tay cử động mà diễn giải tư tưởng ra bằng văn tự.
Có hai thứ đồng tử: đồng mê và đồng tỉnh.

Chấp cơ mà mê Chơn thần xuất trọn ( Chơn thần vốn còn dính với phách bởi sợi từ khí) khỏi phách, tiếp được rõ ràng tư tưởng của Thần Tiên, nên diễn ra nhiều thi phú văn chương tuyệt diệu, hoặc nhiều bài đạo lý cao thâm, nhưng mãn đàn, Chơn thần phải mệt mỏi.

Ngày xưa, các nhà văn nho hay lập đàn Tiên trên non cao thanh vắng, và dùng đồng mê. Tiên thường giáng cho nhiều bài thi tuyệt bút với khí vị Thần Tiên hoặc có tánh cách tiên tri, song ý nghĩa ẩn vi khó hiểu, đợi việc xảy ra rồi mới thấy rõ. Có khi giáng cho toa chữa bịnh thiệt là linh nghiệm. Nhưng cách cầu cơ ấy rất khó: đàn nội phải thanh tịnh, một tiếng gà gáy, chó sủa, một khua động bất thường đủ làm cho Chơn thần hoảng hốt nhập về phách. Thế là đàn cơ lở vở.

Chấp cơ mà tỉnh, chỉ có một phần Chơn thần xuất ra nên tiếp tư tưởng không được rõ ràng: bài chấp cơ thường khuyết điểm, nhưng được tiện lợi là không buộc phải thiết đàn chốn non cao thanh vắng, và khi mãn đàn, Chơn thần đồng tử ít mệt.

Thần Tiên lại tùy đặc khiếu của đồng tỉnh mà truyền tư tưởng bằng cách giáng tâm (médiums intuitifs) hay giáng thủ (médiums mécaniques).

Đồng tử giáng tâm tuy chưa viết ra mà thần trí biết trước mang máng những lời sắp viết ra, tựa như tự mình đặt để ra.

Đồng tử giáng thủ tựa như bộ máy, tay cứ chìu theo điễn lực cử động viết ra, không hay biết chi hết.
Lập đạo kỳ ba nầy, Đức Thượng Đế dùng đồng tỉnh mới tiện cơ phổ độ. Nếu dùng đồng mê, người chấp cơ đâu đủ lực lượng tinh thần đặng chịu nổi đêm nầy sang đêm khác, và luôn luôn như vậy mấy năm trường.

Lại mỗi đàn cơ, Đức Chí Tôn dùng hai người phò loan cho đủ Âm Dương hiệp nhứt, là cơ sanh hóa của đạo. Người chấp bên hữu ( Bắt ngoài ngó vô) (thuộc Âm) tiếp tư tưởng rồi truyền qua người bên tả (thuộc Dương) tiếp điễn viết ra.

Còn chấp bút thì đồng tử, song bút pháp chỉ dùng tiếp mật lịnh và bí truyền, chớ không dùng về cơ phổ độ.

Thủ cơ và chấp bút là cách thông công gián tiếp với các đấng Thiêng Liêng. Lần lần người tu đến cao siêu đắc nhãn thông và nhĩ thông, thì sẽ trực tiếp thông công, khỏi phải nhờ trung gian là cơ bút nữa.
Vả chăng, cơ bút là việc tối quan trọng, vì lẽ tà chánh khó phân, nên chi Đức Chí Tôn có dạy:

Cơ bút là việc tối quan trọng. Nếu không có chơn linh quí trọng thủ cơ, thì tà quái xen vào khuấy rối các con, làm cho phải thất nhơn tâm.

"Thầy nói cho các con biết bực Chơn Thánh mà phải đọa trần, nếu không đủ tánh chất dìu dẫn nhơn sanh, cũng chưa đáng cầm bút cho Thầy truyền đạo."
Trung giới có nhiều hạng Âm linh ( Các bực Âm binh ấy đại loại là: các vì Thánh, Chánh thần. Tà thần, Bát bộ quỉ loại, vong linh của thường nhơn, nhơn phách và thú phách ly trần), mà hạng nào, thanh hay trược, thiện hay ác cũng phụ cơ được hết. Vậy, tránh sao khỏi chánh tà lẫn lộn? Vẫn biết pháp đàn (người chứng đàn) phải biết biện phân, phán đoán thiệt hư, nhưng với trí phàm hữu hạn, dễ gì tránh khỏi sai lầm?

Đồng tử chưa minh chỉ tiếp xúc với Âm linh hạ đẳng mà thôi. Một điều quan trọng nữa là người thủ cơ hay chấy bút mà không đại tịnh để dứt vọng niệm, thì chỉ viết ra những tư tuởng chứa sẵn trong thần trí, kỳ thiệt không Âm linh nào giáng.

Chúng ta biết tư tưởng vốn biến thành hình (forme pensée) và sống một thời gian lâu hay mau tùy sức tư tưởng mạnh hay yếu. Đồng tử cần phải diệt hết tư tưởng thấp hèn về bản ngã và cá nhân; lúc nào cũng phải giữ cho cõi Tâm an tịnh chớ chẳng đợi tới khi chấp cơ.

Ví dụ đồng tử có một dục vọng gì. Dục vọng ấy chưa thỏa mãn thì nó vẫn còn nuôi nấng trong Chơn thần; nó tượng nên hình như cái thai trong thai bào, càng lâu càng lớn, đợi đến ngày tháng (đến khi có dịp) là sanh ra.

Đến khi đồng tử chấp cơ, dẫu rằng lúc nầy rán giữ đại tịnh không sanh vọng niệm mới, nhưng cái vọng niệm cũ kia đã tượng nên hình, bấy giờ có dịp sanh ra ( Vì vậy mà, cũng một đồng tử chấp cơ, có bài "Thánh huấn" làm cho chúng ta kỉnh phục vô cùng mà cũng có bài làm cho chúng ta chán nản. ).

Ở trường hợp nầy, đồng tử tự bị tư tưởng mình ám thị, nên gọi "tự kỷ ám thị" (autosuggestion).

Chẳng những vậy thôi, mà những người hầu đàn nếu họ có tư tưởng mạnh, tư tưởng ấy có thể chuyển đi qua Chơn thần đồng tử, nếu đồng tử có "cảm thụ tánh" (suggestibilité) nghĩa là cái tánh dễ bị ám thị (suggestion).

Duy có đồng tử tiền định (médiums prédestinés), mới thông công được với các đấng Thượng đẳng Thiêng liêng, thì cơ bút mới huyền diệu. Tuy nhiên cũng không khỏi "tự kỷ ám thị", chẳng nhiều thì ít.
BIỆT PHÂN TÀ CHÁNH

Một chơn linh giáng xưng Đại Tiên.
Chúng ta nên tin chăng?
Tay phàm mắt tục dễ gì phân biệt giả chơn. Nhưng, biết chắc chánh danh không mấy cần yếu. Là vì, chúng ta chỉ căn cứ ở bài giáng cơ mà định giá trị Chơn linh ấy. Nếu Chơn linh chỉ dạy những việc tầm thường, hoặc trái chơn lý, tất nhiên chúng ta đâu tin là bực Đại Tiên. Trái lại, nếu giáng cho đạo lý cao siêu, có tánh cách Tiên gia, không bằng cớ cụ thể, song chúng ta có thể thừa nhận Chơn linh ấy không phải giả danh. Giả danh chăng là các Chơn linh hạ đẳng (tà thần tinh quái) giáng cơ, mượn danh hiệu lớn lao đặng dễ gạt kẻ hầu đàn nhẹ tánh.

Sự nầy thường xảy ra, đến đổi cơ bút dạy những việc hoang đường nhảm nhí mà vẫn có người tin, mặc dầu Đức Chí Tôn có để lời ngừa trước:
"Buổi Bạch ngọc Kinh và Lôi âm Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Độ, Quỉ vương đã phá khuấy chơn đạo, đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi ("Ngai Ta nó chẳng dám ngồi" nghĩa là Quỉ vương không dám truyền điễn vào các đồng tử tiền định là những người mà Đức Chí Tôn đã chọn riêng cho Ngài giáng cơ.).
Nó lại biết Ta đến với cơ mầu nhiệm nầy nên mượn Tam thập lục Động giả làm Tam thập lục Thiên. Các tên Thần Thánh Tiên Phật đều bị mạo nhận mà lập nên Tả Đạo."
Những nguyên tắc sau đây, ai thành thật do theo có thể khỏi sai lầm, ít ra cũng đở.

1. - Cần phải đủ trí thông minh phán đoán và không nên có thành kiến, mới có thể nhận rõ chơn giá trị một bài giáng cơ.
2. - Thần Tiên bao giờ cũng dạy những việc chánh lý, đạo đức, từ bi, tuyệt nhiên không dạy những việc mờ hồ, huyễn hoặc.
3. - Thần Tiên chẳng khi nào khoe khoang và miệt thị ai. Lời giảng dạy bao giờ cũng thấm đậm bác ái và khí vị thanh cao. Trái lại, bài cơ bút nào có vẻ sân si, khoát nạt có giọng bông lơn cao ngạo, bài ấy dầu có phủ một lớp văn chương tuyệt diệu đi nữa, quyết không phải của Thần Tiên.
4. - Chẳng nên chú trọng ở văn chương mà nên chú trọng ở lý và ý. Về văn chương, một bài của Thần Tiên giáng cơ có khi khuyết điểm là tại chỗ sơ sót của Chơn thần đồng tử, vì Thần Tiên chỉ truyền tư tưởng cho Chơn Thần diễn ra văn chương, chớ không dùng ngôn ngữ như người phàm.
5. - Thần Tiên không thích khen ai, tặng ai. Nếu cần khuyến lệ người có công hành đạo, Thần Tiên vẫn dè dặt từng chút, thế nào cho người được khuyến lệ khỏi áy náy nếu có đức khiêm cung, hoặc không tăng vẻ tự đắc nếu có tánh kiêu căng.
6. - Thần Tiên dạy bảo chúng ta điều chi không bao giờ tỏ vẻ hâm he sai khiến, chỉ để cho chúng ta tự do suy liệu, nghe không tùy ý.
Nếu thấy chúng ta chẳng biết phục thiện, và chẳng nghe lời khuyên bảo. Thần Tiên không giáng nữa. Chừng đó tha hồ cho tà quái xen vào mạo danh mà gạt đủ điều.
7. - Thần Tiên chỉ dìu dẫn chúng ta trên đường đạo đức, chớ không giúp về tư danh, tư lợi.
8. - Phàm Thần Tiên cho biết trước việc chi, thì việc ấy sớm muộn gì cũng phải xảy ra, vì Thần Tiên không hề hí ngôn.
9. - Thần Tiên không phải giáng đặng thỏa mản tánh háo kỳ của người phàm tục, hoặc yêu cầu ai tin. Cầu hỏi những điều vô vị, hoặc muốn Thần Tiên làm việc chi linh nghiệm cho mình thấy chắc mới chịu tin, đó là không biết mảy may gì về diệu tánh bút cơ.

CƠ BÚT HUYỀN BÍ

Mật pháp bí truyền.
Phương pháp của Thần Tiên dùng kỳ nầy đặng ung đúc các vị Truyền Giáo vốn khác hơn các kỳ khai Đạo trước là vì các ngài dùng huyền diệu cơ bút mà dạy dỗ nhơn sanh, thành thử các sự sắp đặt Chánh Thể Đạo mà các vị Truyền giáo đem ra thực hành, đều do cơ bút dạy bảo hết.
Đạo Cao Đài chỉ khác các Đạo khác là chỗ dụng cơ bút mà học hỏi.
Cũng có mượn sách Thánh hiền nghiên cứu, nhưng đó chẳng qua là để phục hưng Chơn Truyền đã thất, chỉnh đốn lại Giáo Điều và dung hòa Giáo Lý thích hợp với thời thế hiện tại.

"Tam Giáo xưa thất vì siêu việt quá.
Người tầm chẳng thấu: hiểu lầm Ta".
                                                                                                          (Đ.T.C.G.)

Mục đích là để Sửa thế mà Cứu Thế và muốn Cứu Thế ắt phải "Tu Tánh Luyện Mạng" mà Phản bổn hườn nguyên hiệp Một cùng Đức Thượng Đế.

Sự huấn huyện người Truyền Giáo là Cảm Thế Tình mà phải làm "chủ" Thất Tình Lục Dục để "Cứu Thế Tình".

CƠ BÚT LÀ CHI?

Là cuộc giao thông giữa người với Thần Tiên.
Cơ mầu nhiệm của Trời và của Người Trong võ trụ, tất cả mọi vật, đều có thể phát ra những luồng điễn mạnh yếu, dài ngắn khác nhau. Những luồng điễn ấy, có khi thấy được, nhiều khi không thấy, xin gọi là Linh Điễn cho dễ hiểu. Từ loài nhỏ vô cùng như vi trùng cho đến vì tinh tú to vô hạn, đều có đặc tính phát điễn. Thế mà người không biết là vì không có "linh giác" tiếp xúc được những Linh điễn ấy. Ấy là luận theo khoa học về võ trụ điễn ba (radiations cosmiques) và người.
Luận theo Đạo thì càng rõ rệt hơn nữa. Do theo Đơn kinh thì thuở khí hổn độn sơ khai Càn Khôn chưa phân phán vẫn đã có một khí hư vô gọi là "Vô cực Lão Mẫu""Vô cực linh căn chơn tánh" bao gồm cả âm dương. "Vô cực" nhứt động mới sanh ra "Thái Cực", tức là Ngôi của Thượng Đế.

"Thái Cực" vận chuyển cơ "Động Tịnh" mà phân ra "Âm Dương". Khí nhẹ là Dương nổi lên, mở mang Ngôi Trời có Nhựt Nguyệt Tinh. Khí nặng đục là âm đọng lại lặn xuống làm ngôi Đất; có nước, có lửa, có núi, có đất gọi là "Ngũ hành". Khí âm dương hiệp lại thì hóa sanh người ta và muôn vật, phân ra có trời, đất, và người gọi "Tam Tài".

Trong "khí Thanh" đó, có "diệu hữu" của Trời.
"Diệu hữu" là chi? Ấy là cái năng lực vô hình bắt từ khối âm dương, lúc ban sơ, tủa ra khắp Càn khôn Thế giái, mắt thịt ta không thể nào thấy được nhưng mà "diệu hữu" ở đâu cũng có. Nhờ vậy mà vật từ nhỏ vô cùng tận, từ con chim bay, con cá lội, đến con thú chạy, không có giống nào mà "diệu hữu" của Đức Thượng Đế không rọi đến, soi thấu. Nhờ "diệu hữu", vạn loại được "Sống", sanh sanh hóa hóa, luân chuyển không ngừng.

"Diệu hữu" âáy kêu là hạo nhiên khí hay là thuần dương chi khí ấy là diệu hữu của Trời.

"Diệu hữu" bắt từ võ trụ nhập vào thân thể con người, lúc mới vừa lọt lòng mẹ, cả buông tiếng khóc. Lúc thai vừa tượng thì đã có một phần thái cực trí nơi mạng môn. Đến khi con người bước chơn vào trần thế, tuy chưa đủ Cảm giác chớ ngủ tạng lục phủ đã sẵn chứa rồài. Hạo nhiên chi khí do nơi nê huờn cung chuyển lần xuống gom tại Tâm; từ khiếu huyền quan rồi từ nơi não, khí ấy do mấy đàng Thần kinh mà chuyển vận trong thân thể. Từ nơi quả Tâm nó lại theo mạch lạc châu lưu trong ngũ tạng để bảo tồn sanh mạng của tạng phủ. Bắt đầu nơi khiếu huyền quan nó vận động ra ngoài, biến thành sanh lực của con người.

Khi rút điêãn lực mặêt Nhựt vào Tỳ rồi châu lưu khắp thần phách, diêäu hữu của Trời, tức là Tiên thiên khí vì thế mà hóa ra Hậu thiên khí.

Hậu thiên khí của Trời, theo kim đơn là pháp thân của chơn tánh, thuộc Dương, còn điễn sanh lực của con người chưa tu, là khí Hậu thiên thuộc Âm.

VỀ VIỆC THÔNG CÔNG VỚI THẦN TIÊN

Muốn giao thông với Thần Tiên thì phải có kẻ trung gian. Kẻ trung gian ấy là các người phòø loan, cũng như cái máy tiếp điễn của Phật, Tiên, Thánh.
Thần Tiên giao thông với người bằng Thiên điễn cũng như nhơn loại giao thông với nhau bằng máy vô tuyến điện vậy, cho nên Tiên phàm hai nẻo, song có thể thông công với nhau được. Nhưng muốn giao thông, tất nhiên người phải đồng điễn (harmonie de fluide) với Thần, Tiên, Thánh, Phật. Người trung gian lại phải có đủ đặc khiếu đặng Thần Tiên nương theo khiếu đó mà truyền tư tưởng đạo đức cho nhơn loại.

CƠ THỂ VÀ HUYỀN KHIẾU CỦA ĐỒNG TỬ

Cơ thể con người cũng như cái máy vô tuyến điện. Máy nầy có hai bộ phận: một phần để thâu điễn vào, còn một phần để phát điễn ra. Phàm hễ muốn thâu điễn của một máy khác phát ra thì máy thâu và máy xuất cần phải có một năng lực thuần điễn cùng nhau (même longeur d'ondes).
Đồng tử như một thứ máy để thâu điễn. Nếu máy tốt thì thâu được điễn báu. Nếu máy xấu thì khó bề thâu điễn báu được.

"Diệu hữu" là một thứ điễn quang linh động. Sự rung động (vibration) của nó vô cùng vô tận. Muốn thâu được "diệu hữu" của các Đấng Thiêng Liêng, đồng tử phải là một thứ máy cho tinh anh và phải đồng điễn với Thần tiên.

"Vô tuyến điện" thường ở xa đánh tới, phải qua một khoảng không gian rộng hay hẹp tùy theo đường đi nếu khoảng không gian ấy được bình tịnh, không bảo tố thì điễn ban ra không bị loạn (brouillage). Diệu hữu cũng vậy. Thần Tiên ban nó ra bắt từ khoảng tịch mịch không trung; nếu được thanh tịnh thì sẽ tiếp được những bài văn cao siêu lưu loát, ý nghĩa thâm trầm, ẩn vi, mầu nhiệm.

Tóm lại: bổn tánh diệu hữu thường là "Thanh Tịnh" ấy là của Thần, Tiên, Thánh, Phật. Nếu người được "Tinh Khiết Thanh Tịnh" thì hiệp với Trời, thông công với Thần Tiên được. Trái lại, thì Tà Thần xen vào, gạt gẫm làm cho người học đạo phải mất đức tin mà sa ngã, nếu chưa có đủ trí biệt phân. Nếu người dùng cơ bút mà tầm đạo, hay là học đạo nên dè dặt, cẩn thận mới khỏi sa lưới rập của "Quỉ vương."

CƠ QUAN ĐỒNG TỬ

Thánh giáo có dạy:
"Giờ nầy, Thầy biện phân về cơ quan đồng tử cho các con hảng tàng tự sự.
Cơ là gì? Cơ thật nghĩa là máy.
Quan là gì? Quan là một trong các bộ phận của cái máy thiên cơ là mỗi phần cốt yết của luật tuần hườn xây chuyển đó.
"Vậy hai chữ "Cơ quan" ứng hiện chia ra làm 3 cách. Thứ nhứt: Tiên cơ dùng huyền vi Chơn lý, thứ hai là: Tà cơ dùng mê tín dị đoan, thứ ba: Nhơn cơ, dùng hữu hình thể cách.

Thầy sẽ luận giải cho rõ ràng, kẻo các con còn nghi nghi ngại ngại.

TIÊN CƠ: dùng luật huyền vi chơn lý, là lấy sự chánh đáng, để dìu đắt các con bước lần theo đường sáng suốt tấn hóa mãi lên.

TÀ CƠ: dùng mê tín dị đoan, là lấy sự chẳng đặng chơn thật, kiếm thế cho các con quá mê theo những sự dị đoan mà phải sai lầm.

NHƠN CƠ: dùng hữu hình thể cách, là sự chi có hình dạng. Đấy là do các con làm ra.

Các con khá nhớ: trong 3 cách đều phải thọ điễn cả, chớ chẳng phải không đâu. Các con nghe Thầy giải lý:

TIÊN CƠ. - Luật tiếp điễn như vầy: "Hễ đồng tử định chơn thần rồi thì tâm tịnh. Mà hễ tâm tịnh thì minh khiếu sẽ phát lộ ra, kế tiếp với chơn thần xuất hiện lên trên, rồi nối với Tiên Thiên điễn, mới rọi ra thành Thánh giáo. Nên khi lập đàn các con cần nhứt trước hết phải cho thanh tịnh, đừng khua động. Nếu động thì tâm đồng tử động, cái minh khiếu liên tiếp với Tiên Thiên điễn, bỗng rời ra thành thử phải đứt điễn đó.

TÀ CƠ là vầy: Cũng phải tiếp điễn nữa. Nhưng vì điễn hậu thiên quá nhiều, có một lý Tiên Thiên mà thôi. Tiên Thiên điễn là dương điễn, còn hậu thiên là âm điễn. Tà thuộc âm, nên hễ âm điễn nhiều thành TÀ CƠ đó.

NHƠN CƠ. - cũng có điễn; lúc mới tạo nên vật kiện là vầy: khi các con muốn làm ra một cái món chi, thì cái ý muốn ấy tự trong tâm các con phát hiện ra, óc của các con nó khiến các con cử động tứ chi, mà tạo thành vật ấy. Đó cũng gọi là điễn, song thật là nhơn điễn, phàm điễn.
"Vậy Thầy đã minh giải tận tường, các con lấy đó mà suy nghiệm chớ đừng để lòng nghi ngại như từ bấy lâu nay".
CƠ BÚT CÓ MẤY BỰC
VÀ ĐỒNG TỬ CÓ MẤY HẠNG?

Cơ bút có bảy bực và đồng tử có ba hạng. Ba hạng là: huệ tâm, huệ nhĩ, huệ nhãn. Huệ tâm là được giáng tâm viết ra, nghĩa là Ơn Trên ứng ra tư tưởng, còn đồng tử thì tả ra. Huẹâ nhĩ được nghe mà viết ra. Huệ nhãn được thấy mà viết ra.
Hễ huệ được cách nào thì Thần Tiên nương theo đó mà giáng cơ hạ bút. Trong lúc phò loan thì đồng tử vẫn còn cầm chủ quyền cái "Tâm", cái "Nhãn", cái "Nhĩ" của mình. Phút nào đồng tử cũng tỉnh táo như thường, ''tâm thần'' càng thêm minh mẫn nữa. Cũng có đồng tử đủ năng lực hoặc thiệt thuần điễn với Thần Tiên thì cũng có một hai khi mê, cho đến xuất chơn thần đi lên cõi trên mà chầu các Đấng Thiêng liêng nghe dạy Đạo. Hễ nghe dạy thế nào thì xác phàm của đồng tử cũng động mà dạy đạo y như thế nấy. Dầu mê cách nào cũng vẫn "tự tri, tự giác", không đến đỗi muội tâm quá lẽ mà quên luôn Chơn tánh của mình. Điễn Đồng tử thuộc về 7 bực:
1.) Điễn Địa Thần,
2.) Thiên Thần,
3.) Địa Thánh,
4.) Nhơn Thánh,
5.) Thiên Thánh,
6). Địa Tiên,
7.) Thiên Tiên.
Bảy bực điễn ấy vốn của các vì tinh tú và các "Đấng Thiêng Liêng" ban xuống trần để lập công bồi đức, coi nhơn sanh xu hướng theo đâu thì lần lựa dựa theo lòng nhơn sanh mà dìu dắt từ nấc thang tinh thần, đem cho đến chỗ "hư vô, diệu huyền."

SỰ LỢI HẠI CỦA CƠ BÚT

Cơ bút có lợi mà cũng có hại. Cái lợi của cơ bút là chỉ dạy người tầm "Chơn lý" biết lẽ Trời đặng nghiên cứu phương pháp tu hành thoát vòng lục đạo, đặng mau hồi quê xưa vị cũ.
Cái hại của cơ bút là: tư tâm, tư phân, tư kiến, bài bác, chỉ trích, nuôi mối ác cảm, chia phe, lập phái.

Tóm lại, cơ bút thật là tối cao, tối trọng. Người biết cơ bút càng dùng càng cao thượng, còn kẻ không biết đạo mà dùng cơ bút chẳng khác người không biết lội mà bơi thuyền vược bể, có ngày thuyền sẽ bị đắm.

Đức Chí Tôn có dạy rằng:
"Nền Đạo sáng khai, Thầy tạm dùng cơ bút làm khuôn mẫu. Các con phải lãnh ảnh hưởng bên Hiệp thiên Đài mà hành Đạo. Nhưng sự lợi hại của cơ bút có hai đàng là: 1-Chánh đại quang minh giáo đạo, ấy là Thầy các con (Tiên cơ đó), 2- là chỗ mê muội hữu vi hữu tướng, để cho ác quỉ hung thần truyền thinh giáo đạo cho những đứa con không đủ đạo đức tức là Tà cơ và Nhơn cơ vậy."

PHƯƠNG PHÁP DUY TRÌ CƠ BÚT

Cái duyên cớ ngữa nghiêng, rắc rối của Đạo ngày nay là tại Chấp có cái Ta. Vì cái Ngã chấp ấy mà sanh ra dục vọng về mặt tinh thần lẫn vật chất, rồi cơ bút cũng chịu ảnh hưởng đó mà tả các chân tướng (hình thức) tùy theo sở thích của nhơn sanh để dắc lần vào đường đạo.
Biết cái nguyên nhơn là cái bản ngã, không thể trừ diệt cấp kỳ cho được, vì Đạo còn đang ở trong thời kỳ Đạo Thể, Đạo Dung nghĩa là thời kỳ Đạo phải thể ra hình sắc, rồi lợi dụng hình sắc ấy mà đem lại Đạo Nguyên là nguyên lý của võ trụ, là nơi Tuyệt đối, vậy thì phải dùng cái Trí phán đoán mà khảo dượt cơ bút, dẫn lần lần nhơn sanh biết lẽ thiệt hư, tự nhiên tiêu lần cái dục vọng. Hết dục vọng tức không còn bản ngã nữa, thì lo gì không đến đường đạo?

Phán đoán là phân biệt chơn giả. Chúng tôi xin trích lục thánh giáo của Ơn Trên dạy chúng tôi về sự phán đoán nên lấy đó làm chuẩn thằng vì đó là Chân lý.

a). - Thế nào gọi là phán đoán:
THI:
"Ngọc Hoàng mở rộng Đạo kỳ ba.
Thượng Đế Long Hoa biện chánh tà.
Khuyên trẻ gìn lòng tu chí Thiện.
Trường thi kíp tới gặp Trời cha."
Thầy các con,
Đồng tử có nhiều hạng, song trong nhiều hạng đó nên phân biệt trước hết là cái Giả với cái Thiệt. Lấy về phương diện vô hình, thì các con không có thể rõ đâu là Ma hay là Phật, nhưng theo phương pháp hữu hình, thì các con có thể rõ đặng, vì nhờ cái lý tự nhiên ở trong sự giao thiệp Thần Tiên nầy. Đạo phải hồi rời rã là vì người học đạo chưa biết dụng đồng tử, cứ tưởng cho huyền diệu là Tiên, Phật còn không huyền diệu là Ma, Quỉ. Điều đó rất mê tín, các con nên tránh xa. Cái huyền diệu nơi cõi vô hình là trả lời "theo sớ, đáp trúng lời nguyện thầm", việc ấy chẳng những Tiên, Phật có mà thôi quỉ ma còn cơ huyền diệu hơn nữa. Nhiều huyền diệu để mà chi? Để mà hoặc chúng, mê nhơn, lợi dụng. Phần nhiều các con lại tưởng lầm rằng: Cơ huyền diệu là Tiên Phật, nên chi các đứa ấy hễ nghe cơ bút nào huyền diệu như đã nói trên, thì nó cứ tin mà lầm lũi thiệt hành, đó là điều mê tín. Thầy bảo các con chẳng nên bắt chước. Các con hãy tìm cái chân lý ở trong mỗi sự hành động của Thần linh thì các con mới biết chắc Thiệt hay Giả.
Trong sự tập cơ, luyện bút, thì Tiên Phật không hơn Ma Quỉ cái huyền diệu mà chỉ hơn chúng nó cái Chân lý tự nhiên mà thôi. Bởi vậy cho nên, Thầy thường nhắc cho các con nhớ rằng: Sau khi học hỏi, nơi đàn Tiên, các con phải cần trình diện với lương tâm và trí phán xét cho kỹ. "Chẳng phải nghe nói lời của Trời Phật mà sợ, không phán xét, vì càng có danh hiệu cao chừng nào thì cái giả danh càng cao chừng nấy. Mọi việc đều có Chánh, có Tà, các con là Thầy mà Thầy là các con, nhưng chỉ có khác với chúng con là ngôi chánh trị của Thầy ở nơi cõi hư vô mà thôi."

b). - Lưới rạp của Quỷ Vương.
"Vả chăng Người Tu là miếng mồi ngon mà lũ quỉ là đám người chực sẵn vậy. Người chực sẵn bao giờ thấy mồi ngon mà bỏ đâu, nhưng con mồi nào khỏi đặng cũng nhờ cái hay riêng của nó. Ví dụ con thỏ: cái hay của nó là sức chạy, nếu nó cụt mất một cẳng thì sẽ không còn hay nữa. Các con cũng vậy, cái hay của các con là cái Trí khôn, để phân biện sự chơn giả cho khỏi lầm lạc. Mà nếu các con để mất Trí Khôn thì mất cái hay đó không sai. Hễ mất cái hay thì có ngày sa vào bẫy rập của lũ Quỉ vương (Đàn Tư)".

c). - Huyền Diệu và Thiên Cơ.
"Mắt phàm nếu con có thấy huyền diệu là thấy giả mà thôi, cũng như vật áng trước mắt. Vật ấy dời đổi tùy cơ thể, tùy theo ngày giờ, nên tu phải gỡ vật ấy rồi mới được đắc huệ tâm, huệ nhãn. Cái đó mới là thiệt " (Đàn Chiếu Minh).
Về máy Thiên cơ thì Thầy không định cho các con hiểu được. Nếu Thầy lộ máy Thiên cơ cho các con thì Thầy cũng chẳng khỏi luật Thiên điều vậy, huống chi là Tiên, Phật. Thầy cho các con hiểu chút ít mà lần theo mối Đạo, chớ nên trông huyền diệu và nhựt kỳ khoa hội thì các con có ngày rời rã.

Các con có ngày cũng phải chui vào cảnh khổ nguy, tai ách vậy. Vay trả, trả vay, nhưng tự lòng con, chớ Thầy cũng không binh mà không vị. Vậy các con đã rõ lời Thầy dạy đàn chót, các con khá suy nghiệm, chớ nên dục vọng thì sẽ rõ ngày linh quang phát hiện".
(Dạy tại Bồng Lai, năm Quí Dậu, mùng ba tháng 8).

d). - Điểm Linh Quang phát hiện.
"Thầy khuyên các con, rán nhớ hai chữ "Chí Thành", để dạ không không, đừng tính điều chi khác với hai chữ "Chí Thành", vì hễ "Tâm Chí Thành" thì mới có Cảm Giác đặng. Mà Cảm Giác đặng thì mới có Ứng Hóa. Hể Ứng Hóa thì các con mỗi đứa đều đặng rõ thông mọi việc, ấy là rõ đặng Thiên Cơ phú thác cho một điểm linh quang. Điểm linh quang ấy vốn có tánh lương tri lương năng, chứng rõ đặng Thiên Cơ, ấy mới gọi rằng: "Chơn Thật". Các con đừng thầm tính rằng nên cầu Thầy cùng chư Phật Thánh Tiên mà nghe thánh giáo dạy bảo cho rõ Thiên Cơ, ấy là ở trong đó, có một cái lẽ Đại hại ẩn vi, nó dìu dắt các con đi sai đường, lạc ngõ. Có phải vậy không các con? Vì cơ bút là cơ quan rất tối cao, tối trọng. Vả lại cơ bút là cơ vận chuyển, theo thời thế mà tấn hóa, dìu dắt các con chung hòa như một sợi dây để buộc đàng liên ái, đúng với luật thiên nhiên đó thôi."
(Đàn Cao Tân, ngày 23 tháng giêng năm 1934)

*  *  *

Tóm lại: Người biết dùng cơ bút là biết phán đoán. Người biết phán đoán tức là người không chịu làm nô lệ cho tư dục, thì cơ bút không còn tư tâm, tư phân, tư kiến, bài bác, chỉ trích, nuôi nấng ác cảm, chia phe, lập phái.

Người ấy sẽ là người sáng suốt rọi đuốc quang minh, mà dìu dẫn nhơn sanh đi từ bến Mê qua bến Giác. Chừng đó cơ bút sẽ là cái chìa khóa mở kho báu vô tận cho chúng sanh lạc hướng. Cơ bút là một cái chìa khóa mở cửa Bạch ngọc Kinh, một cái chìa khóa mở kho bí mật của Trời Đất.

Thí dụ: Chúng ta nay là người đứng trước muôn ngàn cái hình vẽ, có nên nhìn miếng giấy rằn rực mà quên cái tinh thần, nét họa tuyệt sắc, cái màu thuốc sắc sảo của anh thợ khéo sao?

Người hành đạo cũng thế, có nên vì cái Hình thức mà quên cái Lý thâm uyên của Đại Đạo sao?

PHẦN GIÁO LÝ
(Partie doctrinale)

Chương I

TÔN CHỈ CỦA ĐẠI ĐẠO

Tam giáo qui nguyên
Ngũ chi phục nhứt

Một vòng luân chuyển của Võ trụ, gọi một "Đại khai tịch" hay một cuộc tuần hườn có ba Nguơn: Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn.
( Triết học Trung hoa chia một Nguơn làm 12 Hội, một Hội 30 Vận, một Vận 12 Thế, một Thế 30 Năm, tổng cộng, một Nguơn là 129.600 Năm. Cổ nhơn chia một cuộc Tuần huờn, hay nói theo danh từ triết học, Lịch sử nhơn loại làm bốn Nguơn (Yuga) hay bốn Thời đại:

1 . Huỳnh kim Thời đại (Krita yuga = Âge d'Or)
2 . Bạch ngân Thời đại (Treta yuga = Âge d'Argent)
3 . Chơn đồng Thời đại (Dvapara - yuga = Âge d'Alrain ou de Bronze)
4 . Thiết khí Thời đại (Kali yuga = Âge de Fer)

Huỳnh kim Thời đại là cảnh tượng một mùa Xuân niên niên tồn tại; thời ấy nhơn loại giữ vẹn Thánh đức và được thuần phong mỹ tục.
Bạch Ngân Thời đại đánh dấu một giai đoạn mà nhơn loại khởi đầu lu lờ Thánh đức.
Chơn đồng Thời đại chứng kiến sức bành trướng của các điều ác.
Thiết khí Thời đại, tức như chúng ta gọi Hạ nguơn mạt kiếp, là thời kỳ của những sự thái quá và những cuộc tàn bạo tràn khắp địa cầu.)
Thượng nguơn là nguơn Tạo hóa, nguơn gầy dựng Kiền Khôn Võ Trụ. Nhơn loại bấy giờ còn giữ thánh đức của Thượng đế ban cho, nên còn thuần chất phác thiện lương, cứ thuận tùng Thiên Lý mà hòa hiệp dưới trên, tương thân tương ái. Đó là thời đại thái bình, tức là nguơn Thánh đức.

Lần lần con người vì nhiễm hồng trần phải lu lờ Thánh đức, bỏ Thiên lý mà sa vào Nhơn dục.
Vì vậy, Thượng Đế mới khai Tam Giáo phổ độ chúng sanh bỏ dữ vềâ lành, tức là "Nhứt Kỳ Phổ Độ".

Các vì Giáo chủ là:
- Nhơn đạo: Văn Tuyên Đế Quân.
- Tiên đạo: Hồng quân Lão Tổ.
- Phật đạo: Nhiên Đăng Cổ Phật.

( Các bản cũ ghi là Phục Hy Thánh Đế và A Di Đà Phật. Theo gia đình Ngài Nguyễn Trung Hậu thì Ngài có sửa lại như trên trong bản thảo và nay Hiền Tài Nguyễn Trung Đạo yêu cầu sửa lại theo ý của thân phụ. )

Được tạo hóa, nhơn loại tất phải tấn hóa. Tấn hóa tất phải tranh đấu. Tranh đấu tất phải tự diệt. Đó là thời kỳ Trung nguơn, tức là nguơn Tấn hóa, nguơn Tranh đấu, nguơn Tự diệt.

Cho nên Thượng Đế thiết "Nhị Kỳ Phổ Độ".
Nhơn đạo có Khổng Tử cảnh tỉnh nhơn tâm đặng duy trì đạo đức.
Tiên đạo có Lão Tử dìu đẫn nhơn sanh ra khỏi vòng thấp hèn vật chất mà xu hướng về chỗ tinh thần cao thượng.
Phật đạo có Thích Ca truyền bá chủ nghĩa từ bi tránh cho nhơn sanh cái nạn tự diệt.

Không tự diệt, tức bảo tồn. Hạ nguơn tức là Nguơn Bảo Tồn vậy.
Vì lẽ bảo tồn, nên ngày nay Hạ nguơn hầu mãn, Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút lập "Tam Kỳ Phổ Độ" ("Tam Kỳ Phổ Độ" là phổ độ kỳ ba bên cõi Á Đông). Lại cũng bởi Hạ nguơn là nguơn cuối cùng Đại Đạo phải qui nguyên phục nhứt theo lẽ Tuần huờn ( Nho, Thích, Đạo, là ba Chánh giáo đã khai đời Thượng cổ, nhưng việc chi cũng hữu thỉ hữu chung. Cái tận tức là cái cuối cùng mà hễ cuối cùng chẳng dứt, thì phải qui nguyên theo lẽ Tuần huờn "Retour à L'Origine". ). Vậy mới có cái tôn chỉ "Tam Giáo, Ngũ Chi hiệp Nhứt".

Đức Chí Tôn có dạy:
"Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo (*) là Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo, tùy theo phong hóa của nhơn loại mỗi nơi mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc Khán, Khôn vô đắc Duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy nhứt định qui nguyên phục nhứt.
Lại nữa, trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà hóa ra phàm giáo. Nay Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng giao Chánh giáo cho tay phàm nữa; nhưng buộc phải lập chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ cho các con dìu dắt lẫn nhau anh trước em sau, mà đến nơi Bồng đảo".

(*) - Thế nào gọi là Đại Đạo? Ơn Trên có dạy về chữ Đại Đạo thế nầy."Thầy là các con, các con cũng là Thầy. Có Thầy rồi mới có các con mà có các con rồi mới có chư Phật, Tiên, Thánh, Thần. Nên chi cái yếu điểm của chữ Đại là chữ Nhơn! Nhơn là người. Bắt đầu viết Nhơn là phết một phết, ngụ ý là Chơn Dương, kế phết một phết nữa, tức là chơn Âm, thành thử con người là bán âm, bán dương nên mới đứng vào hạng "Tam Tài". Thế là, con người nếu biết cách tu hành tất nhiên phải thành Tiên Phật. Mà Nhơn cướp đặng chữ nhứt là Nhơn "đắc nhứt" thành chữ Đại. Nhứt là chi? Là cái tâm mật pháp mật truyền của Đại Đạo có một không hai, thời là Lớn, chớ có chi Lớn nữa? Nó bao trùm tất cả Võ trụ Càn khôn, ấy mới gọi là Đại, thì vĩnh kiếp trường tồn diên niên bất hoại.

- Còn chữ Đạo các con cũng nghe thấy, hiểu biết rồi, nên không cần phải giải, nhưng cũng lược qua đôi chút chữ Đạo. Bắt đầu đạo chấm hai chấm là điểm âm dương nhị khí, kế dưới một ngang tức là âm dương hiệp nhứt nên chi một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật rồi vạn vật cũng quay về hiệp một. Kế dưới chữ Tự nghĩa là tự nhiên mà có. Nên chi Thầy hằng dạy các con phải tự lập, lo tu hành, cần phải tự đạt cơ huyền bí đạo mầu thì trí huệ mới phát minh. Chữ tự là tự tri, tự giác chớ chẳng ai làm các con giác, minh, huệ, đặng.

Trên dưới ráp thành chữ Thủ. Chữ Thủ tất là ban sơ, đầu mối của Càn Khôn Vũ trụ. Kế là chữ Tẩu, Tẩu nghĩa là chạy, nên kêu là pháp luân thường chuyển. Đó là chánh nghĩa hai chữ Đại Đạo".

*  *  *

Đành rằng Đại Đạo có giáo lý cùng mật truyền riêng, nhưng tôn chỉ là "Qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi", nên lý thuyết có một phần rút trong tinh ba của lý thuyết các tôn giáo, cốt để thiệt hành cái tôn chỉ ấy. Vì vậy mà nạp dụng những giáo lý chẳng hạn của đạo nào đã được công nhậân là Chơn lý. Đồng thời, Đại Đạo có trách nhiệm thuyết minh những lý thuyết đã bị người đời, hoặc vì thời gian, hoặc vì hiểu lầm mà sai biệt.

Thiệt hành tôn chỉ "Qui nguyên phục nhứt" là thừa nhận các tôn giáo đều một gốc mà ra, đều tôn sùng một đấng Chúa tể, tức là ông Cha chung, mặc dầu mỗi nước xưng tụng bằng danh hiệu khác nhau.

Các săéc dân trên địa cầu nầy, nhơn nuôi nấng một tín ngưỡng chung, sẽ nhìn nhau là anh em và biết tương thân tương ái. Nước nầy nhơn đó mà liên hiệp với nước kia, người xứ kia nhơn đó mà đoàn kết với người xứ nọ, thành ra năm Châu chung chợ, bốn Biển một nhà, hết phân biệt màu da sắc tóc, hết nghi kỵ lẫn nhau, hết xâu xé lẫn nhau, rồi đời mới được hòa bình, lần bước đến Đại Đồng Bác ái.

Đại Đạo sẵn sàng hoan nghinh tất cả anh em trong các giáo, lấy câu "Đại đồng Bác ái" làm dây thiêng liêng buộc nhau cho ngày một khắn khít để chung thờ một Lý tưởng cao siêu.

Đức Chí Tôn đã nói:
"Nhiều đạo cũng như một cái nhà. Phải có nào là cột cái, cột con, đòn tay, kèo, ruôi. Ruôi là nhỏ, mỏng mảnh hơn hết, mà cũng phải nhờ nó. Tuy kể cho nhiều tên, chớ cất nhà rồi, thì có một ông chủ mà thôi".
Một mối đạo có cái tôn chỉ dung hòa và chiết trung như Đại Đạo "Tam Kỳ Phổ Độ", mới thể theo đức háo sanh của Thượng Đế.

Có người cho rằng các tôn giáo có nhiều chỗ tương phản và bất đồng rõ rệt, nên khó mà dung hòa. Vậy thử xét qua chủ trương và lập thuyết của các giáo xem sao.

Chủ trương việc hành thiện, đạo Khổng dạy Trung Thứ ( Hết lòng thành thật của mình là Trung, đem lòng thành thật ấy mà xét lòng người và muôn vật là Thứ.) Phàm việc chi mình không muốn, thì đừng đem làm cho ai (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn). Giống Chúa Giê Giu (Jésus) dạy: "Đừng làm cho kẻ khác điều gì mà các ngươi không muốn người ta làm cho mình" (Ne faites pas aux autres ce que vous ne voudriez pas qu'on fit).

Khổng Thánh lại dạy: "Mình nên, cũng muốn người nên; mình thạnh đạt, cũng muốn người thạnh đạt. (Kỷ dục lập, nhi lập nhơn; Kỷ dục đạt, nhi đạt nhơn).

Đó là cách hành động của đạo Khổng để thiệt hành chủ nghĩa nhơn ái hay bác ái.
Đạo Lão dạy Cảm ứng. Phàm các hành động con người đều có cơ cảm ứng, cho nên phải sửa lòng giữa nết theo lẽ đạo cho trọn lành. Đó là phù hợp với thuyết nhơn quả nhà Phật. Thì cũng như Chúa Giê Giu nói: Ai xử dụng đao kiếm sẽ chết về đao kiếm (Qui manie l'épée périra par l'épée). Và cũng như câu của Khổng giáo: Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa. (Chưởng đậu đắc đậu, chưởng qua đắc qua).

Đạo Phật dạy Từ bi, là lòng lành thương tất cả chúng sanh mà độ hết.
Mấy chủ trương ấy, có chỗ nào tương phản đâu? Về tâm pháp, Khổng giáo dạy Tồn Tâm Dưỡng Tánh; Lão giáo dạy Tu Tâm Luyện Tánh. Phật Giáo dạy Minh Tâm Kiến Tánh. Thế thì Tam giáo dạy không ngoài Tâm với Tánh.

Về giáo lyù, Khổng giáo nói: "Tất cả loài hàm linh đều có một điểm Thái Cực" (Nhứt thiết hàm linh các cụ nhứt Thái Cực).

Đạo Lão thì: "Đạo sanh Một, Một sanh Hai, Hai sanh Ba, Ba sanh vạn vật" (Đạo sanh Nhứt, Nhứt sanh Nhị, Nhị sanh Tam, Tam sanh vạn vật).

Còn Đạo Phật thì: "Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật" (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).

Phật tánh vốn có cái Chơn thể bất di bất dịch, nên gọi là Chơn Như.
Tóm lại, Khổng giáo có thuyết "Thái Cực". Lão giáo có "Đạo", Phật giáo có "Chơn Như". Thái Cực, Đạo, Chơn Như, danh từ tuy khác, tựu trung đều chỉ chỗ nguồn gốc của Võ trụ, tức là cái Chơn thể độc nhứt vô nhị của Tạo Hóa vậy.

Xét về lịch sử, Lão Tử giáng phàm tại Trung Hoa, nhằm đời nhà Châu, 604 trước Tây lịch Kỷ nguyên.
Cũng tại Trung Hoa và cũng trong đời Châu, Khổng Tử giáng sanh sau Lão Tử 53 năm.

Khổng Tử thường đến hỏi lễ với Lão Tử.
Hai nhà Giáo chủ không hề nghịch lẫn nhau. Sau rồi, hai giáo có chỗ xung đột là bởi tông đồ đôi bên vì muốn làm sáng đạo mình mà xuyên tạc đạo khác.

Cũng trong đời Châu, Phật Thích Ca giáng sanh bên Ấn độ, 560 năm trước Thiên Chúa kỷ nguyên. Lần lần đạo Phật truyền sang Trung Hoa mà được thạnh hành là từ khi Trần huyền Trang (Tam Tạng) qua Thiên Trước (Ấn độ) thỉnh kinh đem về nước mình.

Lúc đạo Phật bắt đầu truyền sang Trung hoa, nhà Phật cũng nương theo đạo Lão mà truyền bá tôn chỉ đạo mình. Lại cũng nhờ tư tưởng và triết lý hai đạo có nhiều chỗ phù hợp nhau, nên các nhà truyền giáo đạo Phật mượn những danh từ triết lý sẵn có của Lão giáo để biện giải tư tưởng mới của mình. Nhờ vậy, đạo Phật mới được người Tàu hoan nghinh, và cái tôn chỉ "Tam Giáo hiệp Nhứt" đã khởi điểm ở Trung hoa ngay từ lúc ấy.

CHỦ NGHĨA CỦA ĐẠI ĐẠO

Chủ nghĩa của Đại Đạo là dìu dẫn nhơn sanh trên hai con đường tương đối xử thế và xuất thế.
Xử thế có hai yếu tố: luân lý và triết lý.

Về luân lý, Đại Đạo dạy người đời những nghĩa vụ đối với mình, đối với gia quyến, đối với xã hội là cái gia quyến rộng lớn, đối với tất cả chúng sanh là cái gia quyến đại đồng.

Về triết lý, Đại Đạo dạy người đời nên khinh thường cái vinh hoa phú quí, xa lánh những sự xa hoa, tóm lại là phải thoát ly những ràng buộc không cần yếu về đời sống vật chất để cần yên ổn tââm thần.

Xuất thế cũng có hai yếu tố: tín ngưỡng và tu hành.
Về tín ngưỡng, Đại Đạo dạy tin có Trời là Chúa tể vạn vật; có Thần, Thánh, Tiên, Phật là các đấng Thiêng liêng cao khiết, có Linh hồn là thiêng liêng bất diệt, có luân hồi và cơ tấn hóa của chư Hồn, có Nhơn quả là Luật công bình thưởng phạt (- Xem bài "Những điều tin tưởng chơn chánh của Đại đạo" đăng ở sau rốt. ). Về tu hành, Đại Đạo dạy tất cả bổn đạo từ tín đồ đến chức sắc lưỡng phái, phải tùy địa vị mình mà phổ độ 2 chúng sanh, đặng lập công quả là nấc thang bước lên phẩm vị thiêng liêng, và phải tuân theo luật Đạo ( Xem Tân luật của Đại đạo) mà trau đồi đức hạnh, thủ giới trì trai, hàm dưỡng tinh thần, tu tâm luyện tánh.

*  *  *

Yếu điểm của chủ nghĩa Đại Đạo, dầu xử thế hay xuất thế, là Bác ái và Chí thành.
Đức Chí Tôn có dạy:
"Đạo gốc tại lòng bác ái và chí thành.
Bác ái là lòng đại từ đại bi, thương xót sanh linh hơn thân mình. Cho nên kẻ có lòng bác ái coi mình như mảy lông, mà coi thiên hạ trọng bằng trời đất.
Còn chí thành là lòng thành thật đem đến cực điểm mà đối đãi ngoài đời và trong đạo".
Trên đây là lời dạy đại lược, chúng tôi xin phụ giải thêm cho rộng hiểu.

I - Bác Ái

Nhơn loại phần nhiều cũng bởi cái lòng vị kỷ mà hành động bất công. Kẻ tham trộm là bởi quí trọng tài lợi mình mà không quí trọng của thiên hạ, vì vậy mới tính lấy của người bồi bổ thêm của mình; yếu thế, thì gạt lường trộm cấp; mạnh thế lại ép đè, bốc lột, có khi còn hại đến mạng người là khác.
Phàm ăn thịt một con vật là đem huyết nhục nó bổi bổ cho huyết nhục mình, tức là trọng sanh mạng mình mà không trọng sanh mạng con vật.

Như hai đàng chiến đấu, bên nào cũng đem hết lực lượng, tìm hết cách tiêu diệt đối phương thì đàng nào cũng trọng mạng mình mà không trọng mạng bên nghịch.

Lòng vị kỷ gia hại cho nhơn quần xã hội sở dĩ là vậy.
Nay muốn tiêu trừ cái hại ấy, cần nhứt phải làm thế nào cho thiên hạ, ai ai cũng có cái lòng bác ái. Chẳng những chúng ta thương ông bà cha mẹ, cùng họ hàng quyến thuộc, mà còn phải thương rộng ra đến cả mọi người chẳng luận người nước nào, dân tộc nào.

Lại chẳng những chúng ta thương cả nhân loại, mà còn phải để lòng thương lan rộng ra cho tất cả loài sanh vật khác.

Nhà triết lý Fichte người Đức và nhà văn hào Tolstoi người Nga, cũng đồng khuyên chúng sanh thương người như thương mình và hơn nữa, thương người hơn cả mình.

Ở Chúa Giê Giu, lòng bác ái lại bồng bôät hơn. Lòng bác ái của Chúa không phải hạn chế ở chỗ giúp đỡ, ban phước và giải nạn, mà còn tự đem mình chịu khổ tử hình để cứu chuộc tội lỗi cho cả chúng sanh.

Lòng bác ái của Phật Thích Ca vốn vô lượng vô biên, đến nỗi tự thí thân đặng giúp món ăn cho con hổ cái mới đẻ, vừa đói vừa mệt, trong cơn túng cùng, sắp sửa ăn thịt con.

Lòng bác ái của đức Khổng Tử gốc ở điều nhân, mà đạo Nhân là đạo lấy sự thương người làm trọng. Theo Đức Thánh, Trời vốn có đức háo sanh, gầy dựng muôn loài cho đặng tốt đẹp, đồng đức nhau. Con người vốn ở trong muôn loài tất phải thể theo ý Trời mà thương đều muôn vật.

Một hôm, vua nước Sở đi săn, dọc đường đánh mất cây cung. Quần thần theo hầu cố xin tìm lại cho được. Nhà vua phán: "Người nước Sở đánh mất cung, một người khác nước Sở sẽ được, có thiệt chi đâu?"

Việc nầy thấu tai đức Thánh, Ngài than: "Rất tiếc cho chí vua Sở còn hẹp. Cần gì phải nói là người nước Sở? Giá nói: "Người nầy đánh mất cung, người khác sẽ được", thì có hơn không?

Theo Đức Thánh lòng bác ái phải lan rộng khắp cả người thiên hạ trong bốn bể năm châu, chớ không nên hạn định trong một xứ, một nước nào cả.
Lòng bác ái, cũng như tôn giáo không quốc giới.

1 - Tại sao chúng ta thương cả nhơn loại? Trên mặt địa cầu nhơn loại sở dĩ chia ra nhiều giống, là tại phong thổ cùng khí hậu mỗi xứ khác nhau, song chẳng qua khác nhau về hình thể bề ngoài; về thiêng liêng thì ai cũng đồng thọ của đấng Tạo Hóa mỗi điểm linh quang tức là Hồn nhờ đó mà sanh sống mà tri giác.

Đức Chí Tôn đã dạy:
"Thầy thường nói với các con rằng Thầy là Cha của sự thương yêu. Do bởi thương yêu, Thầy mới tạo thành thế giới và sanh dưỡng các con.

Vậy thì các con sản xuất nơi sự thương yêu. Sản xuất nơi sự thương yêu, các con tức là cơ thể của sự thương yêu.

Ấy vậy sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn Khôn Thế Giới. Bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, Càn khôn an tịnh, mới không thù nghịch nhau. Không thù nghịch nhau, mới không tàn hại nhau. Không tàn hại nhau mới giữ bền cơ sanh hóa."

Còn kẻ nghịch cơ sanh hóa là ai?
- Là Quỉ vương đó. Quỉ vương vốn là tay diệt hóa. Cũng như có sống của Thầy, ắt phải có chết của Quỉ vương.
Quỉ vương lấy cơ thể nào mà tàn hại các con?

- Ấy là sự ghét.
Vì ghét nhau, vạn loại mới nghịch lẫn nhau. Nghịch lẫn nhau, mới tàn hạïi lẫn nhau. Mà tàn hại lẫn nhau, là cơ diệt thế.

Vậy, Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau, thì cũng chẳng đặng ghét nhau."

Tóm tắt bài Thánh huấn nầy, chúng ta có thể nói:
"Thương người, thương vật là gần Trời.
"Ghét người, ghét vật là gần Quỉ."

2 - Tại sao chúng ta thương cả sanh vật? Cầm thú, tuy không biết nói, chớ cũng biết đau đớn, thương yêu, đoàn thể và tình nghĩa như người. Vả, kiếp nầy chúng ta được sanh làm người, chớ trước kia, chúng ta cũng trải qua nhiều kiếp làm con vật. Thế thì người và vật vốn đồng nguyên chỉ khác nhau ở chỗ tấn hóa trước sau mà thôi. Sanh vật tức là đàn em của chúng ta đương còn tuần tự theo chơn nối gót chúng ta trên đường tấn hóa.

Vì bác ái, nhà tôn giáo cấm sát sanh. ( Xem bài "Giới sát" đăng ở sau.)
Vì bác ái, nhà luân lý khuyên người không nên hủy hoại con vật.
Đức Hộ Pháp: PHẠM CÔNG TẮC
Người sáng lập Tòa Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Tây Ninh.

II - Chí Thành

Ở đời, có nhiều kẻ vì lợi quyền, vì danh vọng mà cố đặt mình lên địa vị cao cả hơn người. Vậy mới tính trăm mưu ngàn kế để riêng giành hạnh phước cho mình. Cái lòng tham muốn đã lên đến cực điểm, thì còn kể chi đến công bình? Thành ra, trong việc cư xử với đời thường mất tín thành. Làm người mà không tín thành là mất hẳn nhơn cách; mình đã tự dối mình dối lương tâm mình, mà còn tự đặt mình xuống thấp hơn những người bị mình lừa dối.
Đức Chí thành làø nguồn gốc tất cả đức tánh, cho nên con người mà chẳng lo ung đúc được chí thành là nguồn gốc, thì mong chi trau dồi đức hạnh khác là nhánh nhóc?

Đức chí thành tỷ như một khối vàng ròng dùng chế tạo ra lắm đồ trang sức tốt xinh cao giá. Chí ư khối vàng ấy phải pha trộn cho mất nguyên chất đi, bảo sao những trang sức do đó làm ra chẳng xấu hèn thấp giá?

Lão Tử có câu: "Người có tín thành như xe có bánh, người quân tử thốt ra một lời như ngựa hay bị chạm một roi; một lời đã nói ra, bốn ngựa cũng khó theo kịp."

(Nhơn nhi hữu tín như xa hữu luân, quân tử nhứt ngôn, khoái mã nhứt tiên; nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy).

Người xưa tuy quê hèn, nhưng giữ được tín thành, đối đãi nhau không bao giờ giả dối. Một tiếng ừ cầm đáng giá ngàn vàng, một lời hứa khư khư nắm giữ.

Người nay tuy văn minh tấn bộ, song kém tín thành, đến nỗi việc làm mà có nhiều kẻ chung lo, thường hóa ra hư hỏng.

Đức chí thành rất cần yếu cho sự thành công. Không thành thật, thì không phát hiện được sự gì thiết thực (Bất thành, vô vật).

Theo đường đời, đức chí thành còn rất cần yếu cho cuộc xử thế tiếp vật dường ấy, huống chi đường đạo là chỗ phải nêu cao tấm gương đạo đức?

Người hành đạo mà chí thành, không bao giờ hành động riêng tư, chỉ lo chung cho sanh chúng, tuyệt nhiên chẳng quản lợi danh; chỉ biết đem cả hình hài trí thức hy sinh cho tôn chỉ, cho danh thể đạo; cứ một lòng cúc cung tận tụy với chủ nghĩa mình luôn luôn theo đuổi, chẳng vì tư tâm, ngã kiến mà dắt đồng đạo qua con đường tà ám.

Khi tụng nguyện, nếu không chí thành, tụng nguyện luống công vô ích. Phải có thành mới có cảm, có cảm mới có ứng, có ứng mới có nghiệm (Hữu thành tắc hữu thần).

Phàm muốn chí thành, trước phải thành thật với mình, sau mới thành thật với người khác. Thành thật với mình là lấy công tâm xét đoán mình: từng lời nói từng ý tưởng, từng hành vi của mình, nhứt nhứt phải xét xem gắt gao kỹ lưỡng, để nhận thấy chỗ hay chỗ dở. Phải đủ can đảm nhìn nhận lỗi mình và phải biết phục thiện mới đến được chỗ hay.

Thành thật với người là tránh xa vọng ngữ, xảo trá, tham lam dua mị, là những tánh xấu xa, thô bỉ thường làm cho đức tánh con người phải tối tăm mà che lấp lẽ công minh.

Tuân Tử có câu: "Công bình sanh sáng tỏ, thiên lịch sanh tối tăm; làm việc đức sanh thông suốt, làm việc giả dối sanh ngăn lấp; thành tín sanh linh nghiệm còn khoe khoang xảo trá thì sanh lầm lạc".

(Công sanh minh, thiên sanh ám, tác đức sanh thông, tác ngụy sanh tắc, thành tín sanh thần, đoản khoa sanh hoặc.)

Tóm lại, hoàn toàn thành thật với mình, hoàn toàn thành thật với người, đó là Chí thành, cái đức tốt trên tất cả đức tánh mà mọi người, dầu ngoài đời hay trong đạo, cần phải trau dồi un đúc đặng bước lần đến chỗ chí thiện.
*  *  *

CỨU CÁNH CỦA ĐẠI ĐẠO

Tu hành cốt để tìm phương cứu cánh là thoát nạn luân hồi, đặng trở về bổn nguyên, tức là tấn hóa đến chỗ duy nhứt.
I - Tấn Hoá

Luật thiên nhiên chi phối vạn vật trong Càn khôn Võ trụ là luật hoạt động. Trong trời đất, từ tinh thần đến vật chất, từ cái bổn thể tế vi thuần túy đến cái bổn thể thô sơ phức tạp, thảy thảy đều hoạt động tuân theo luật ấy.
Một vật mắt phàm chúng ta cho là bất động, như hòn đá chẳng hạn, thế mà mỗi nguyên tử (atome) trong những thành phần kết làm khối đá, vẫn luôn luôn vận chuyển.

Cái hình hài chúng ta bữa nay đối với vài ngày trước, tuy bề ngoài không thấy đổi thay, kỳ trung những tế bào cấu tạo cơ thể đã vì vận động mà đổi mới.

Thinh âm, ánh sáng, hơi nóng, điện khí, điện quang tuyến, vân vân đều là cách thức ba động (modes de vibration) của tinh lực và vật thể trong trời đất phát biểu ra, biến thành cái năng lực vận động vô cùng vô tận.
Trong trời đất, không một vật nào bất động. Bất động là chết.
Trái lại hoạt động là tấn hóa.

II- Duy Nhứt

Vạn vật sở dỉ khác nhau ở hình thể cùng ở chỗ thanh trược, tinh thô, song kỳ thiệt vốn đồng một thể, vì một gốc mà ra. Muốn đi đến nguồn gốc vạn loại tức là chỗ "Duy nhứt", chúng ta phải luôn luôn hoạt động không phân nhĩ ngã, nghĩa là không chấp cái nào là của ta, cái nào không phải của ta. Vậy là không ích kỷ. Không ích kỷ, là không chấp trước ( Chấp trước là đeo đuổi một sự gì, và cứ khư khư giữ lấy cho mình, chớ không chịu buông ra). Không chấp trước, thì Tâm (Hồn) không duyên theo ngoại cảnh.
Những bực cao siêu minh triết đều dứt được lòng tham muốn mọi điều vui sướng thấp hèn ích kỷ, và luôn luôn hành động với chủ nghĩa vị tha, nên sống được cái đời tinh thần cao thượng, tự tại an nhàn.

Tóm lại, tánh ích kỷ sanh lòng dục vọng, lòng dục vọng là nguồn gốc của mọi điều thống khổ. Mà tánh ích kỷ phát sanh là bởi vô minh, không nhận thức cái chơn thể vạn vật là ở chỗ "Duy nhứt".

Vậy các phương pháp dùng đi đến chỗ hoàn toàn chí thiện là chỗ "Duy nhứt" cần phải căn cứ ở nguyên tắc:
Tuần tự tấn hóa bằng cách hoạt động không ích kỷ. Do theo nguyên tắc ấy, Đại Đạo "T.K.P.Đ." vạch ra hai con đường cứu cánh:

1- Con đường "Công quả" (Sentier de l'Action: Karma marga) là con đường chung cho tất cả bổn đạo phải trải qua đặng lập công quả ( Xem bài "Phổ Độ".) bằng cách quên mình phổ độ chúng sanh.

2- Con đường "Tự giác" (Sentier de la Connaissance: Jnâna marga) riêng cho bực thượng thừa cùng trí thức, sau khi công viên quả mãn.

Con đường "Công quả" là dễ đi hơn hết. Người hành đạo không buộc phải thông minh trí thức, không buộc làu thông kinh điển, miển là chí thành với đạo sẵn lòng phụng sự chúng sanh mà không cầu danh cầu lợi. Chỉ cần có đức tin và kiên tâm trì chí là chắc được đến nơi cứu cánh, khỏi sợ lầm đường lạc nẻo.

Những bực cao minh trí thức, tất nhiên chuyên chú về đường "Tự giác", sưu tầm học hỏi nhiều kinh nhiều điển, để tìm chơn lý. Nhưng bao giờ cũng phải lấy công quả làm nền tảng cho việc tu hành, nhứt là phải trừ bản ngã là cái vô cùng chướng ngại cho đường tấn hóa. Còn chấp ngã, thì dầu làu thông muôn kinh ngàn điển cũng khó mong thành đạo, kết cuộc không bằng một người thuở nay chưa từng xem kinh điển mà chỉ biết một lòng cúc cung, tận tụy với chủ nghĩa vị tha bác ái.

Cuộc tấn hóa của điểm linh quang khởi từ kiếp vật chất nầy chuyển qua vật chất khác, luân chuyển ngàn ngàn muôn muôn kiếp như vật rồi mới thoát kiếp vật chất mà tấn hóa lên kiếp thảo mộc. Đoạn thoát muôn ngàn kiếp thảo mộc mà tấn hóa lên ngàn muôn kiếp thú cầm, rồi mới chuyển qua kiếp nhơn loại. Đến kiếp người, Nhơn hồn còn phải luân chuyển ngàn muôn kiếp nữa mới tấn hóa lên đến tột bực nhơn phẩm. ( Trong mỗi kiếp luân hồi, sự hành động của con người tạo ra nghiệp nhơn; vì vậy mà tự buộc trói trong vòng vay trả. Nếu không tu thì khó mà dứt nghiệp duyên. )

Nhơn phẩm nơi địa cầu lại chia ra nhiều hạng. Thượng đẳng nhơn sanh nơi địa cầu 68 của chúng ta ở, kể luôn về vật chất với tinh thần, vẫn chưa bằng bực chót nhơn phẩm ở địa cầu 67. Đệ nhứt nhơn phẩm địa cầu 67 cũng chưa bằng bực chót nhơn phẩm địa cầu 66.

Giá trị mỗi địa cầu cứ tăng lên cho tới đệ nhứt cầu. Đó là kể về thế giới hữu hình.

Thoát khỏi thế giới hữu hình, Nhơn hồn bỏ xác phàm tấn hóa lên cõi siêu hình nhiều kiếp nữa cho đến khi trọn lành mới lên được Bạch ngọc Kinh mà Phật giáo gọi Niết bàn.

Xem đó thì biết phẩm trật con người nhiều là dường nào. Nhơn hồn phải trải qua biết bao nhiêu kiếp mới được về nguyên bổn. Nếu kẻ không tu làm đủ phận sự công bình chánh trực, khi Hồn lìa khỏi xác, thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà chuyển kiếp lại nữa, thì biết chừng nào thoát nạn luân hồi?

Đức Chí Tôn lập đạo, cứu cánh là mở ra cho nhơn loại một con đường giải thoát, lại còn ban ân huệ ( Xem bài "Đại ân xá".) rất lớn lao đặc biệt cho cả Càn Khôn Thế Giới là "Ai ngộ được một đời tu cũng đủ trở về cựu vị".

Thánh huấn có câu: "Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế làm ra tiền của; ấy là phần xác thịt. Còn muốn đắc đạo, phải có công quả."

Ấy vậy, điều kiện tối yếu của sự cứu cánh là "lập công quả." Lập công quả vốn có nhiều cách, mà trọng yếu nhứt là phổ độ chúng sanh.

PHỔ ĐỘ

Trong sáu pháp Ba la mật (Paramita), tức là pháp lục độ của nhà Phật, đầu hết là pháp bố thí (Dana).
Bố thí đại để có hai cách dễ làm hơn hết là: tài thí và pháp thí.

Tài thí là xuất tiền của làm việc phước thiện, như tán trợ người khốn cùng túng ngặt được no cơm ấm áo, hoặc giúp đỡ kẻ bịnh nghèo được lành mạnh bình yên, hoặc cứu người hoạn nạn, vân vân... Ấy là cứu độ về phần xác.

Pháp thí là dùng lời đạo đức giảng giải cho người, chẳng luận bực nào, nghe mà giác ngộ; khuyên lơn kẻ hung tàn bạo ngược, xảo quyệt tham lam biết hồi tâm hướng thiện cho khỏi đọa lạc luân trầm. Ấy là cứu độ về phần Hồn.

Sự bố thí là đầu mối việc của chủ nghĩa từ bi bác ái. Đức Chí Tôn lập "trường công quả" dạy chúng ta phổ độ chúng sanh, tức là dạy chúng ta phải thí tài và thí pháp đó.

Mỗi vị trong Đại Đạo "Tam Kỳ Phổ Độ" từ tín đồ đến chức sắc lưỡng phái, phải độ cho được ít nhứt là 12 người nhập môn (Thánh huấn ngày 27- 8- 26).

Tùy sức mình mà phổ độ. Dở thì nói đạo cho bực thấp nghe, hoặc lựa trong bà con thân thuộc, trong bạn yêu đương mà khuyên người mộ đạo. Giỏi thì giảng giải đạo lý cho hàng trí thức hiểu thông.

Mắc việc nhà ràng buộc, thì phổ độ trong lúc rảnh rang. Được rảnh rang, thì châu du thuyết đạo.

Chẳng nên hẹp tưởng chỉ có bực Thiên phong chức sắc mới có cái sứ mạng phổ độ chúng sanh. Thiên phong phổ độ với tư cách Thiên phong; tín đồ phổ độ với tư cách tín đồ. Ai lo công quả theo phận nấy. Lập công nhiều, đắc quả cao; lập công ít đắc quả thấp, đòn cân thăng thưởng thiêng liêng chẳng khi nào thiên lệch.

Nên biết rằng mình đi phổ độ, tức là mình tự lập quả vị cho mình, nghĩa là tự mình đoạt thủ đẳng cấp thiêng liêng của đức Chí Tôn sắp đặt nơi trường "công quả."

Nếu rụt rè biếng nhác, chẳng chịu ra công nhọc sức, thì chẳng khác nào cử tử đến trường thi mà không làm bài nạp vở.

Đi phổ độ thường bị lắm khó khăn, trắc trở, và gặp nhiều nghịch cảnh dễ thối chí ngã lòng, cho nên cần có hai đức tánh sau nầy làm lá bùa hộ thân: nhẫn nhục và tinh tấn. ( Xem lại bài "Phương pháp tu hành" trong "Phần giáo điều.")

Người đi phổ độ còn phải thận trọng; lời luận giải của mình sao cho chánh đại quang minh. Chẳng nên vì một ý riêng mà bịa đặt điều dị đoan mê hoặc, làm sai Thánh giáo thất chơn truyền, trái ngược tôn chỉ và lý thuyết của Thiên đạo.

Cũng chẳng nên xu phụ theo phe, theo phái mà binh vực riêng tư, làm cho chúng sanh chẳng biết đâu mà nhận thức lẽ phải, rồi đâm chán nản vì không biết tín nhiệm vào đâu.

Dùng ngụy biện để qua mặt người, bày tà thuyết để mê hoặc chúng, phao yêu ngôn cho nhơn tâm xao xuyến, đó là những điều mà người đi phổ độ phải xa lánh. Bày âm phù thần chú cho người lầm tưởng mình có huyền diệu, đó là bước đầu vào nẻo dị đoan mê tín.

Phàm muốn độ người mình phải hành động cho minh chánh. Khi thuyết đạo, lời nói phải cân phân dè dặt, không khoe khoang tự phụ, nhứt là đừng xuyên tạc đạo nào khác mà phạm quyền tự do tín ngưỡng.

Đạo Trời là đạo chung, vì Trời chẳng riêng che, Đất chẳng riêng chở. Các sắc dân trên mặt địa cầu toàn là con một Cha, đồng thọ một điểm linh quang của đấng Chí Thiêng, cho nên chẳng luận màu da sắc tóc, không phân cao hạ sang hèn, phàm gần được người nào, bổn phận mình phải lo độ người ấy, dầu được hay không cũng vậy, miễn mình làm trọn thiên chức của mình là đủ.

Chẳng nên vì kẻ giàu sang mà lân la bợ đỡ, cũng chẳng nên thấy kẻ nghèo mà ít tới lui. Người đi phổ độ phải có cái lòng bình đẳng, nhứt là đối với kẻ nghèo hèn là hạng người chịu nhiều thống khổ, mình lại càng nên chiếu cố hơn. Nghèo nàn thiếu trước hụt sau, khổ tâm làm lụng, đem bát mồ hôi đổi lấy bát cơm, hạng người xấu số ấy cần có sự an ủi của mình. Chúng ta phải lân la họ; khi đem tiền giúp đở khi đem đạo lý giải bày, đem lẽ huyền vi báo ứng mà phủ ủy, tức là chúng ta dùng linh đơn cứu chữa người trong những thống khổ về vật chất lẫn tinh thần.

Phải tùy trình độ trí thức người mà nói đạo. Với người quê dốt, nên lựa lời lẽõ giản dị và thiển cận mà giải bày; đem đạo lý cao siêu mà nói, thì không bổ ích vào đâu.

Thuở xưa, các vì giáo chủ mỗi lần thuyết pháp, đều tùy trình độ học thức của thính giả. Cũng thời một lý thuyết, song đối với hạng thấp thỏi các Ngài giải khác hơn đối với hạng thông minh, cao kiến.

Người ta đương an nhàn thỏa thích với sự giàu sang, hoặc giả đương khổ tâm cực trí với sự bần hàn túng thiếu, chúng ta cần phải chiều theo hoàn cảnh tùy phương tiện mà phổ thông Thiên đạo.

Với người sẵn có đạo tâm, thì phổ độ dễ dàng; đến như gặp kẻ cương ngạnh, không đạo tâm, không tín ngưỡng, thì rất khó khăn, chúng ta cần phải kiên tâm trì chí. Nếu may mà độ được, thì công đức rất lớn, là vì chẳng những chúng ta cứu vớt linh hồn người ấy khỏi luân trầm, đọa lạc, mà xã hội cũng bớt một phần tử xấu xa.

Tóm lại, phải tùy phương tiện, tùy hoàn cảnh, tùy tâm lý người mà nói đạo. Phải nhẫn nhục, tinh tấn và minh chánh mới mong độ được người.

ĐẠI ÂN XÁ

Nơi tòa Phán xét (Conseil des Lipikas ou Seigneurs du Karma), từ những hành vi cho đến những lời nói của chúng ta, nhứt nhứt điều ghi chép hẳn hòi. Cho nên một mảy không qua, dữ lành đều báo ứng.
Luật nhơn quả rất mực công bình, mà sự hành luật lại là chặt chẽ. Thế thì con người ở cõi phàm gian, với những hành động hằng ngày, tránh sao khỏi tội tình, nghiệp báo?

Tạo nhơn tất thọ quả, con người cứ hết trả rồi vay, thì thế nào thoát nạn luân hồi?

Nhưng mỗi kỳ khai đạo là mỗi lần Đức Chí Tôn đại ân xá, nghĩa là ban cho những người vào đạo một ân huệ lớn lao là bôi xóa tất cả tội lỗi của họ đã làm từ mấy kiếp trước. Nhờ vậy người tu mới được rảnh nợ tiền khiên, ra khỏi vòng nhơn quả, chỉ lo lập công bồi đức và trau dồi đạo hạnh cho hoàn toàn là đắc đạo trong một kiếp tu.

Hạ Ngươn nầy, đức Chí Tôn khai đạo kỳ ba, nên mới có đại ân xá kỳ ba (Troisième Amnistie de Dieu).

Phép "giải oan" và phép "bí tích" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được đem ứng dụng theo sự ban hành luật đại xá đó vậy.
Thuyền Bát Nhả

*  *  *

CHƯƠNG THỨ HAI

CHÁNH THỂ CỦA ĐẠI ĐẠO

Đại Đạo, tuy có cái bổn thể bình đẳng, nghĩa là tất cả bổn đạo đối đãi nhau với tình anh em một Cha, song phải có chánh thể.
Chánh thể là gì?
Là cách tổ chức đặng hành đạo cho có trật tự.

Đức Chí Tôn đã dạy:
"...Nay Thầy nhứt định chính mình Thầy đến độ rỗi các con, chẳng giao Chánh giáo cho tay phàm nữa, nhưng buộc phải lập Chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ cho các con dìu dắc lẩn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng đảo...".

HỘI THÁNH

Theo chánh thể của Đức Chí Tôn đã ấn định trong "Pháp Chánh Truyền" ( Xem riêng "Pháp Chánh Truyền".) Đại Đạo đại diện bởi một đoàn thể gọi là Hội Thánh (Sacerdoce). Hội Thánh là một nhóm lương sanh của đức Chí Tôn tuyển hiệp làm một. Đức Chí Tôn đã dùng quyền thiêng liêng dạy dỗ, trước un đúc nơi lòng một khiếu từ bi, cho tâm địa có tình ái vật ưu sanh để làm lợi khí phàm tục mà độ rỗi người phàm tục.
Đức Chí Tôn đã dùng huyền diệu cơ bút dạy dỗ từng người cho có tư cách đứng ra hành đạo.
Home          1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét