
Hội Thánh có hai phần tại thế:
1. - Phần hữu hình là Cửu trùng Đài, thuộc đời, tức là Xác của Đạo.
2. - Phần bán hữu hình Gọi Hiệp Thiên Đài là hữu hình vì chức sắc H.T.Đ. có
trách nhiệm hành sự về mặt pháp luật. Gọi vô hình là khi chức sắc ấy tiếp điễn
thông công với Bát quái Đài, cùng chư Tiên Phật; Vừa hữu hình, vừa vô hình, nên
gọi bán hữu hình như
Chơn thần là thể chất bán hữu hình vậy. ) là Hiệp Thiên Đài
nửa đời nửa đạo, tức là Chơn thần của Đạo.
Về vô vi, có Bát Quái Đài, thuộc đạo, tức là Hồn của Đạo vậy.
Xác nhờ Chơn thần mà liên lạc với Hồn, thì Cửu Trùng Đài cũng nhờ Hiệp
Thiên Đài mà thông công với Bát Quái Đài.
Ba Đài cần phải có đủ, thì Đạo mới được toàn thể.
Trên ba Đài ấy, còn có một Đài tuyệt cao, là Đài ngự của Đức Chí Tôn cầm
quyền chưởng Đạo. Đài cao ấy, gọi theo Hán văn là "Cao Đài" mà đức Chí Tôn dùng làm Thánh danh trong buổi
Tam Kỳ Phổ Độ.
I . CỬU TRÙNG ĐÀI
Cửu Trùng Đài là tòa ngự của chức sắc Thiên Phong, đối hàm với chư Thần,
Thánh, Tiên, Phật.
Cửu Trùng Đài là hình trạng Cửu Trùng Thiên (Xem bài giải riêng.). Cửu phẩm
Thần Tiên vưng mạng lịnh cầm quyền trị thế, thì Cửu Trùng Đài cũng vưng mạng
lịnh cầm quyền quản trị Đạo nơi tay. Tất cả Chơn linh trong Càn Khôn, Thế giới
phải vào Cửu Trùng Đài đặng đoạt giả trạng sắp đặt nơi ấy, mới mong lập Thiên
vị mình.
Chẳng vào cửa Đạo hiệp với Cửu Trùng Đài, thì chẳng đi đường nào khác mà
vào Cửu Trùng Thiên cho đặng.
Cửu Trùng Đài do Giáo Tông chưởng quản dưới quyền có: ba Chưởng Pháp, ba
Đầu Sư, ba mươi sáu Phối Sư (trong số nầy có ba Chánh Phối sư), bảy mươi hai
Giáo Sư và ba ngàn Giáo Hữu. ( Tổng số nầy, tính chung toàn thể chức sắc khắp
hoàn cầu, chẳng hạn người nước nào, dân tộc nào. ) Tỷ số nầy chiếu theo Thiên
thơ phải có nhứt Phật, tam Tiên, tam thập lụcThánh, thất thập nhị Hiền, tam
thiên đồ đệ chưởng quản cơ qui "Tam
giáo Ngũ Chi" hiệp Nhứt.
Từ Chưởng Pháp đổ xuống, chức sắc Cửu Trùng Đài chia làm ba phái là:
1) Phái Thái, về Phật giáo, mặc Thiên phục màu vàng.
2) Phái Thượng, về Tiên giáo, mặc Thiên phục màu xanh.
3) Phái Ngọc, về Khổng giáo, mặc Thiên phục màu đỏ.
Chức sắc nữ phái chỉ tới bực Đầu sư. Chức sắc nữ phái mặc Thiên phục toàn
màu trắng, và không chia làm ba phái như bên nam. Chức sắc nữ phái vốn có quyền
tương đương đồng đẳng với nam phái, song phải dưới quyền chưởng quản của Giáo
Tông.
Lễ sanh (nam và nữ) là hạng chức sắc để lo việc lễ, chưa đứng vào Hội
Thánh.
Nhiệm vụ của chức sắc Hiệp Thiên Đài đều qui định trong "Pháp Chánh
Truyền" và "Tân Luật".
II . HIỆP THIÊN ĐÀI
Hiệp Thiên Đài là nơi chuyên về đạo pháp, bảo hộ luật đời và luật đạo. Hiệp
Thiên Đài nắm luật lệ như Ngọc Hư Cung nắm Thiên điều.
Hiệp Thiên Đài, tứùc là hình trạng Ngọc Hư Cung tại thế.
Hiệp Thiên Đài do Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng
Phẩm. Hiệp Thiên Đài, gồm có ba chi: chi Pháp, chi Đạo, và chi Thế.
Hộ Pháp là Tổng trưởng Hiệp Thiên Đài, kiêm chỉ huy chi Pháp; dưới có: Bảo
Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, và Tiếp Pháp.
Chi Pháp lo bảo hộ pháp luật trong đạo, chẳng ai hành động qua luật mà Hiệp
Thiên Đài chẳng biết.
Thượng Phẩm chỉ huy chi Đạo dưới có: Bảo Đạo, Hiến Đạo, Khai Đạo, và Tiếp
Đạo.
Chi Đạo lo về phần đạo nơi các tịnh thất, xem sóc và binh vực chư môn đệ
Đức Chí Tôn nơi các Thánh Thất.
Thượng Sanh chỉ huy chi Thế: dưới có; Bảo Thế, Hiến Thế, Khai Thế, và Tiếp
Thế.
Chi Thế lo bảo hộ chư môn đệ của đức Chí Tôn về phần đời.
Mười hai vị Bảo, Hiến, Khai, Tiếp gọi là "Thập nhị Thời Quân"
đối hàm với "Thập nhị Thời Thần". ( Xem bài "Ýù nghĩa
sự lạy")
Hiệp Thiên Đài còn có "Thập nhị Bảo Quân", tức là Hàn Lâm
Viện của Đạo, cùng nhiều chức sắc phụ thuộc khác như Sĩ Tải, Luật Sự, vân
vân...
Trên đây là sở dụng phàm trần của Hiệp Thiên Đài.
Về sở dụng thiêng liêng, Hiệp Thiên Đài là nơi Đức Chí Tôn và chư Tiên Phật
đến tiếp xúc với Hội Thánh. Hễ Đạo còn, Hiệp Thiên Đài vẫn còn. Điều hệ trọng
là nếu không có Hiệp Thiên Đài, thì Đạo không cơ xuất hiện. Trời đất qua, chớ
Đạo không qua, nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Đài chẳng tuyệt.
Hiệp Thiên Đài lại là nơi Giáo Tông đến thông công cùng "Tam thập
lục Thiên", "Tam thiên thế giới", "Lục thập thất địa
cầu" và "Thập điện diêm cung" mà cầu siêu cho nhơn
loại.
III . BÁT QUÁI ĐÀI
Bát Quái Đài là nơi thờ phượng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, cùng Chức sắc
và tín đồ qui vị, cho trọn phép Trời Người hiệp nhứt.
Các đấng Thiêng Liêng thờ phượng nơi Bát Quái Đài là các vì Giáo chủ của
Tam giáo, Ngũ chi, cùng các vị thay mặt tôn giáo mà hành đạo trong buổi "Tam
Kỳ Phổ Độ". Cho nên cách thờ phượng sắp đặt nơi đây phải chủ về ý
nghĩa Tam giáo, Ngũ chi hiệp nhứt. Cách sắp đặt ngôi thứ ra sao, sẽ giải ở
chương "Lễ nghi tế tự."
Đã nói Bát Quái Đài là Hồn Đạo, mà đức Chí Tôn vẫn nắm phần Hồn và làm chủ
Bát Quái Đài, thì Đạo chẳng khi nào còn chịu dưới quyền phàm nữa, cho nên Đức
Chí Tôn đã nói: "Không chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa"
là vậy.
Cơ mầu nhiệm của Đạo là do chỗ Đức Chí Tôn mở cửa Bát Quái Đài cho các Chơn
linh đã tự mình lập vị nơi Cửu Trùng Đài vào tận Bát Quái Đài mà hiệp một cùng
Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Cửu Trùng Đài chỉ cách Bát Quái Đài có một cánh cửa, như Niết Bàn cách phàm
trần có một xác thân. Cánh cửa ấy nay đã mở, thì cơ đắc Đạo tại thế đã mở ra
rồi vậy.
Cửu Trùng Đài lo phần độ rỗi chúng sanh thì Bát Quái Đài lo phần siêu rỗi.
Tóm lại, về sở dụng phàm trần:
1 - Bát Quái Đài nắm Thiên điều làm cân thưởng phạt thiêng liêng.
2 - Cửu Trùng Đài do pháp luật mà hành đạo đặng độ rỗi chúng sanh.
3 - Hiệp Thiên Đài lo bảo tồn pháp luật.
Về sở dụng thiêng liêng:
1 - Cửu Trùng Đài là ngôi vị Thánh, Thần, Tiên, Phật của Đức Chí Tôn sắp sẵn
tại thế, cho chức sắc Thiên phong cùng chư tín đồ đoạt thủ. Cửu Trùng Đài tức
là Cửu Trùng Thiên tại thế.
2 - Hiệp Thiên Đài là Thiên môn mở rộng ra rước cả Nguyên nhơn trở về cựu
vị, và giúp cho cả hóa sanh đến tranh đoạt phẩm vị thiêng liêng. Ấy là cái ngõ
Hiệp các Chơn linh toàn trong Thế giới.
Hiệp Thiên Đài là Ngọc Hư Cung tại thế.
Bát Quái Đài là tòa ngự của Thần, Thánh, Tiên, Phật dưới quyền chưởng quản
của Đức Chí Tôn, tức là Thiên triều, là Bạch ngọc Kinh tại thế.
CỬU TRÙNG THIÊN
Thượng giới, cõi Tiên, chia làm 3 cõi là: cõi Thiên Tiên, cõi Địa Tiên, và
cõi Nhơn Tiên.
Mỗi cõi lại phân làm ba từng, cộng chung là chín từng gọi Cửu trùng Thiên.
- Cõi Thiên Tiên
Hỗn ngươn Thiên
Hư vô Thiên
Tạo hóa Thiên
- Cõi Địa Tiên
Phi tưởng Thiên
Hạo nhiên Thiên
Kim Thiên
- Cõi Nhơn Tiên
Xích Thiên
Huỳnh Thiên
Thanh Thiên
Hỗn ngươn Thiên có Lôi âm Tự
Hư vô Thiên có Ngọc hư Cung
Tạo hóa Thiên có Diêu trì Cung
* *
*
CHƯƠNG THỨ BA
LỄ NGHI - TẾ TỰ
THỜ TRỜI
Vốn từ trước, Thánh giáo bị tay phàm mà hóa Phàm giáo; môn đồ mỗi Đạo vì
chỗ bất đồng ý kiến mà xuyên tạc nhau.
Nay gặp hội "Tam Kỳ Phổ Độ", Đại Đạo ra đời truyền bá cho
dân gian biết rằng các tôn giáo vốn một gốc mà ra, đều tôn sùng chung một vị
Chúa tể mà vì khác tôn giáo, hoặc khác ngôn ngữ, người ta xưng tụng với danh
hiệu khác nhau. (Người Do thái gọi Ngài là Jéhovah, người Hồi Hồi gọi Allah,
người đạo Phật gọi A di đà Phật, người Ấn độ gọi Brahma, người Ai cập gọi
Osiris, người Pháp gọi Dieu, người Việt Nam gọi Thượng Đế mà ngày nay "Tam
Kỳ Phổ Độ" gọi Cao Đài.
Kỳ hội quốc tế Thần linh học (Congrès spirite international) nhóm tại thành
Londres (Anh quốc) từ 7 đến 11 tháng 9 năm 1928, có 26 nước đến dự, đều công
nhận có 1 vị Chúa tể là Đấng toàn tri và là Nguyên nhơn tối cao của vạn vật
(Existence de Dieu, Intelligence et Cours suprême de toutes choses). )
Phàm muốn tỏ dấu tôn sùng Đức Thượng Đế, chúng ta phải thờ phượng Ngài.
Thoảng có người hỏi: "Thượng Đế là đấng Hóa sanh muôn loài, bông
hoa cây trái, vật nào lại không phải của Ngài sanh ra. Như vậy, cần chi phải
dùng những vật của Ngài sanh ra mà dâng cúng lại Ngài?"
Chúng tôi xin đáp: "Đức Thượng Đế tạo hóa chúng ta, chúng ta phải
biết ơn Ngài. Và cũng bởi muốn tỏ dấu biết ơn mà chúng ta thờ phượng. Mà đặt ra
lễ thờ phượng, tất phải dùng hương đăng trà quả cho có nghi lễ vậy thôi, chớ
Ngài đâu dùng đến.
Phương chi, những tế vật và cúng phẩm đều hàm súc một ý nghĩa tượng trưng
cơ mầu nhiệm của đạo."
Hoặc giả, người ta còn gạn hỏi: "Thượng Đế là Đấng tối cao, tối
trọng, đại từ, đại bi, cần chi chúng ta biết ơn? Mà dầu chúng ta không biết ơn
đi nữa, tưởng lại lòng từ bi của Ngài cũng không nỡ chấp."
Xin đáp: "Đành rằng đức Thượng Đế không cần chúng ta biết ơn, và
Ngài cũng không nỡ chấp những kẻ chẳng biết ơn ngài, thậm chí lòng từ bi của
Ngài cũng không chấp những kẻ chẳng tin có Ngài nữa kìa. Song về phần chúng ta,
lại cần phải biết ơn Ngài. Biết ơn Thượng Đế là biết tin tưởng ở quyền năng vô
biên, vô lượng của Ngài. Có tin tưởng như vậy, chúng ta mới ráng giữ Thiên Đạo
mà khỏi làm điều chi trái lẽ."
Nếu có người hỏi thêm: "Dầu biết ơn Thượng Đế đi nữa, tưởng lại một
tấm lòng tín thành cũng đủ, hà tất phải bày ra lễ nghi tế tự là việc phô trương
bề ngoài không thấy chi cần yếu?"
Chúng tôi lại trả lời: "Ở vào thế kỷ văn minh vật chất nầy, nhiều
sự ồn ào náo nhiệt, dễ làm cho đạo tâm xao lãng. Nào là nỗi sớm lo chiều liệu trên
đường sanh kế, nào là cuộc bi thương hoan lạc, mỗi mỗi dễ làm cho chúng ta phải
xa lần mối Đạo. Cho nên cần phải có phương pháp chi nhắc nhở và bó buộc chúng
ta khỏi thất Đạo. Cái phương pháp thần diệu ấy, tức là sự cúng kiến thờ phượng
Thượng Đế đó vậy.
Vả chăng sự thờ cúng cần phải hiệp lại đông người và phô diễn ra một cách
chí thành chí kỉnh và có lễ nghi pháp mục oai nghiêm mới ra vẽ tôn giáo. Ấy
chẳng những là một phương pháp gìn giữ đạo tâm và nuôi nấng đức tin của những
người cùng chung một tín ngưỡng, mà cũng là một cách truyền bá tôn giáo rất đắc
lực đó vậy. Xem như một Thánh thất trong khi hành lễ, cả bổn đạo quì trước
Thiên bàn, miệng đương thành kỉnh đọc kinh, tâm hồn đương tiếp xúc với khối
Thiên quang. Đối với khối kỉnh thành tín ngưỡng của đông người hiệp lại, dầu ai
là kẻ trước muốn chê bai rẻ rúng, mà một khi đã mục kích cái cảnh tượng uy
nghiêm ấy, tưởng lại tấm lòng khi ngạo cũng phải xiêu, rồi biết đâu đạo tâm của
người ấy chẳng vì cảm xúc mà phát khởi?"
Trong khi hành lễ, Đức Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều chứng
giám tấc lòng thành kỉnh của chúng ta, và ban cho chúng ta điễn lành bằng cớ là
khi mãn đàn, chúng ta luôn luôn cảm thấy trong người khoan khoái lạ thường, mặc
dầu đã chịu nực nội giữa đông người với nhiều nghi thức.
THỜ THIÊN NHÃN
Về "LỄ NGHI TẾ TỰ" của Đại Đạo và cách thờ Thiên Nhãn, vốn
có ba thời kỳ: Từ Thánh Nhãn đến Nguơn Thần, từ đệ nhứt tới đệ tam kỳ, cách thờ
phượng phải chuyển theo cơ tấn hóa của Đại Đạo. Người tín đồ đạo Cao Đài cần
phải tìm hiểu chỗ diệu lý cách thờ phượng của mỗi thời kỳ để thuận theo cơ tấn
hóa.
I . THỜI KỲ PHỔ ĐỘ
Dùng sắc tướng âm thinh ăn về
Tâm lý tức là Lý của Tâm Vật
Thờ "Thiên Nhãn" có Tam Giáo Ngũ Chi. Tôn chỉ của Đại Đạo
vốn là Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi hiệp nhứt, cho nên cách thờ phượng nơi Bát
Quái Đài phải biểu tượng sự qui hiệp ấy.
Trên hết, có một quả Càn khôn, bề kính tâm đúng ba thước ba tấc (3 thước 3
tấc tức 33 tấc là con số biểu hiệu "Tam thập tam thiên". Quả
càn khôn tạm thời phất vải vì còn thiếu phương tiện về kỹ nghệ, chớ lẽ thì phải
làm bằng chai cho tinh thanh mới phù hợp với tinh khí của càn khôn) sơn màu
xanh da trời. Cung Bắc Đẩu ( Sao Bắc Đẩu (étoile polaire) là vì sao lớn ở thẳng
về miền Bắc Cực. Kế bên sao Bắc Đẩu, có hai chòm sao (mỗi chòm 6 cái) gọi là
hai bánh lái (grande Ourse et petite Ourse). Hai chòm sao nầy hình như chầu sao
Bắc Đẩu, cho nên trong "Luận Ngữ " có câu: "Vi chánh
dĩ đức thí như Bắc Đẩu cư kỳ sở nhi chúng tinh cung chi" (Lấy đức làm
chánh tỷ như sao Bắc Đẩu ở một nơi mà các vì sao khác đều chầu chực).
Sao Bắc Đẩu vốn là ngôi của Thượng Đế khi Ngài ngự cõi phàm trần, cho nên
trên quả càn khôn Thiên Nhãn vẽ tại sao Bắc Đẩu .Và cũng vì thế mà hướng Bắc
rất quí trọng, bao nhiêu điễn quang linh diệu đều do từ hướng ấy phát ra.
Nhà tu sĩ mỗi lần ngủ đều day đầu về hướng Bắc đặng tiếp linh điễn.
Bực thường nhơn lạy Trời cũng day về hướng Bắc. Bầy tôi trông vua đều day
mặt về hướng ấy, gọi là "Bắc Điện" vì nhà vua là Thiên Tử. )
cùng các vì tinh tú khác đều vẽ trên ấy. Trên sao Bắc đẩu lại vẽ Thiên Nhãn.
Trong quả càn khôn, luôn luôn ngày lẫn đêm đều chong một ngọn đèn; đó là một sự
cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại trong Càn khôn, Thế giới.
Dưới quả Càn khôn là chỗ thờ các vị giáo chủ Tam giáo, Ngũ chi, cùng các vị
đại diện Tam giáo trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ.
Đền thờ có năm cấp. Ở cấp thứ nhứt (từ dưới lên trên) có 7 cái ngai thể về
Nhơn đạo, một ngai Giáo Tông, 3 ngai Chưởng Pháp, 3 ngai Đầu Sư.
ỞÛ cấp nhì, ngai giữa thờ Đức Khương Thái Công, giáo chủ Thần đạo.
Ở cấp ba, ngai giữa thờ Đức Giê Giu, giáo chủ Thánh đạo. Ở cấp tư, ngai
giữa thờ Đức Lý Thái Bạch, chủ về Tiên đạo trong buổi "Tam Kỳ Phổ
Độ."
Ở cấp năm, ngai thờ Đức Thích Ca, giáo chủ Phật đạo.
Đó là cách thờ phượng với biểu tượng "Ngũ Chi Hiệp Nhứt".
Về biểu tượng "Tam giáo hiệp nhứt", cách sắp đặt như đây: Ở
cấp năm phía hữu của ngai Thích Ca, có ngai Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Giáo Chủ
đạo Tiên; phía tả, có ngai Đức Khổng Thánh, Giáo chủ đạo Nho. Còn ở cấp tư,
phía hữu ngai Đức Lý Thái Bạch, có ngai Đức Quan Âm Bồ Tát, phía tả có ngai Đức
Quan Thánh Đế Quân.
Ba vị sau nầy vốn là Tam Trấn, thay quyền Tam Giáo trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ
nầy.
Cách thờ nơi Tòa Thánh (Tổ đình) phải có đầy đủ nghi tiết như thế, còn tại
mỗi thánh thất, thì chỉ thờ Thánh tượng "Thiên Nhãn, Tam Giáo, Ngũ Chi
và Tam Trấn."
(1) Thái Thượng
Thích Ca Khổng Thánh
(2) Quan Âm Thái
Bạch Quan Thánh
Giê Giu
Khương Thượng
Giáo Tông (3)
- (1) Tam giáo: Thái Thượng, Thích Ca, Khổng Thánh.
- (2) Tam Trấn: Quan Âm, Thái Bạch, Quan Thánh.
- (3) Ngũ Chi: Thích Ca (Phật Đạo), Thái Bạch (Tiên Đạo), Giê Giu (Thánh
Đạo), Khương Thượng (Thần Đạo), Giáo Tông (Nhơn Đạo).
CÁCH THỜ PHƯỢNG CỦA ĐẠO VÀ
Ý NGHĨA SỰ THỜ PHƯỢNG
Nơi mỗi tư gia, bổn đạo thờ Thượng Đế bằng Thánh Tượng "Thiên Nhãn"
và lập vị Tam Trấn: giữa thờ Thái Bạch Kim Tinh, tả thờ Quan Thánh Đế Quân, hữu
thờ Quan Âm Bồ Tát.
Vật dụng thờ phượng gồm có:
1). - Giữa Thiên bàn chong một ngọn đèn luôn luôn chẳng cho tắt, gọi là
"Thái Cực Đăng", để biểu tượng nguồn cội của Trời Đất, cũng
gọi là Tâm Đăng. Ngọn đèn nầy soi sáng khắp Càn khôn Võ trụ, không lay, không
chuyển. Vạn loại nhờ đó mà sanh ra, nhờ đó mà an vui. Trời Đất nhờ đó mà quang
minh, trường cửu. Người tu hành nhờ đó mà tác Phật tác Tiên, siêu phàm nhập
Thánh.
2) - Phía ngoài, đặt 2 đèn cầy hay đèn sáp, hoặc đèn dầu phộng, gọi Lưỡng
nghi quang, tượng trưng cái lý Thái Cực sanh Lưỡng nghi (âm dương), vì Thái Cực
động mà sanh dương làm Hỏûa mà Hỏa là Thần, tức là Đạo sanh Nhứt. Đoạn Thái cực
tịnh mà sanh Âm làm Thủy, mà Thủy là Tinh, tức là Nhứt sanh Nhị.
3). - Giữa Lưỡng nghi quang, đặt một lư hương đốt năm cây nhang gọi là ngũ
khí, vì Thủy Hỏa (Âm Dương hay Tinh Thần) hiệp lại kết thành căn bổn cho nguơn
khí.
Luận theo châu thân con người, ngũ khí tức là ngũ hành chi khí, ban ngày
mỗi khí đều ở yên có chỗ. Như ban ngày kim khí ở mũi, thổ khí ở ngoài da. Còn
ban đêm, kim khí trụ tại phổi, mộc khí trụ nơi gan, thủy khí trụ tại thận, hỏa
khí tại tim, thổ khí nơi bao tử.
Vì ngũ tạng hoạt động mà ngũ khí phải hao mòn, suy kém. Nay gặp "Tam
Kỳ Phổ Độ", nhờ Đức Chí Tôn chỉ phép hồi quang phản chiếu cho ngũ khí
triều tụ nơi khiếu huyền quan mà siêu phàm nhập thánh. Đó là phép "Ngũ
khí triều huyên" hay là "Triều Nguơn."
Luận về phép tu tĩnh, năm cây nhang ấy biểu tượng năm giai đoạn tu hành,
tùy theo công đức mà nên đạo quả. Năm cây nhang ấy gọi ngũ phần hương là:
- 1). Giới hương, nghĩa là giữ trọn giới cấm cho thân mình trong sạch.
- 2). Định hương nghĩa là thiền định cho tâm thân an tịnh.
- 3). Huệ hương, nghĩa là thiền định rồi thì phát huệ.
- 4). Tri kiến hương, nghĩa là phát huệ rồi gia công thêm nữa thì sẽ biết
cái mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc lục thông.
- 5). Giải thoát hương nghĩa là giải thoát luân hồi quả báo.
Cúng phẩm thì có:
- 1. Một dĩa quả tử đựng 5 sắc trái cây, gọi là Hậu thiên ngũ vị đối với "Tiên
thiên ngũ khí", là 5 cây nhang.
- 2. Bông, rượu, trà biểu tượng Tinh Khí Thần là Tam Bửu, tức là ba món báu
trong châu thân cần phải tương hiệp, chẳng nên để chia lìa, tiêu tán mà phải sa
đọa.
Nên biết vạn pháp đồng nhứt lý. Người với Trời là Một, nhưng bởi Người trụy
lạc mà phải xa Thiên lý.
Người đạo biết sửa mình theo luật đạo, hồi đầu hướng thiện, thì người ấy
bước qua thời kỳ dọn mình.
Dưới đây xin chỉ rõ cách Thần Tiên un đúc tinh thần của người đạo. Bắt từ
chỗ dục vọng đi đến thất vọng, rồi mới trao cái đạo pháp linh diệu phát hiện
tại Tâm linh.
Trong thời kỳ "Dọn mình", tức là thời kỳ "Phá
mê", Thần Tiên:
- a). Phải có Đức Tin.
- b). Mượn cái giả làm cái chơn.
VỀ ĐỨC TIN. - Phàm theo một Tôn giáo nào là chúng ta đã tin ở giáo lý và
chỗ cao siêu của Tôn giáo ấy. Chúng ta đã có một đức tin, rồi ngày qua ngày,
chúng ta lo tưởng tới đạo và hành động theo lẽ đạo, đức tin ấy càng thêm cứng
rắn. Đức tin đã cứng rắn, thì không một việc gì ở thế gian nầy lay chuyển nó
được. Là vì tin chắc ở đạo chúng ta đem cả tài lực hăng hái, cả tinh thần cứng
rắn mà làm đạo, thế nào chúng ta lại không đủ nghị lực chống chỏi bất kỳ một
biến cố nào? Đức tin, theo phương ngôn Âu Tây, dời cả núi non. Muốn cho người
tin có Thần Thánh, Tiên Phật, tất phải có huyền diệu làm ấn chứng cho người tin
tưởng mà làm lành, lánh dữ, nên các Ngài dùng nhiều cách phá mê, nhứt là tạo
cho người một đức tin cho dễ bề độ rổi.
Với hạng người cần có tôn ti đẳng cấp mà hành sự, các Ngài đem áo mão, sắc
tứ ân ban, phong Thánh, phong Hiền, dạy tạo lập đền nầy cảnh nọ, song các việc
hành vi, không ngoài lẽ Đạo.
Với hạng trí thức, thích văn chương, các Ngài giáng cho những bài văn cao
siêu lưu loát, ý nghĩa thâm trầm, ẩn vi mầu nhiệm, đặng độ dẫn. Với hạng thích
huyền diệu, các Ngài giáng điễn lành cho chửa bịnh mà dùng huyền diệu cơ bút để
đem họ về cửa Đạo.
Với hạng người mộ Đạo, biết xét nét từng câu văn, phê bình từng lời nói,
phán đoán từng hành động trong việc đạo để rõ thấu thiệt hư, thì các Ngài dìu
dắc một cách riêng, chỉ rõ hai lẽ chánh tà, dạy ăn năn sửa tánh, đem tinh thần
họ lên cõi Đạo là cõi toàn thể. Các Ngài cũng cho biết công danh, phú quí là
bào ảnh phù vân, dạy đem tình thương đến chỗ Bác ái, lấy võ trụ làm Nước Nhà,
lấy Nhơn loại làm chủng tộc, thi hành chủ nghĩa Đại Đồng, phế cả quyền lợi, đến
"Tánh mạng" cũng hy sanh.
Tóm lại mà nói, các Đấng Thiêng Liêng đều do tâm lý và trình độ trí thức
mỗi người mà độ vào cửa đạo. Các Ngài biết cách thỏa mãn sở thích và thị hiếu
mỗi người, rồi áp dụng phương pháp phàm tục để độ dẫn người phàm tục.
Nhờ cơ bút cảm thông với Thần, Tiên, có ấn chứng, người mới tin có Trời,
Thần, Thánh, Tiên, Phật. Biết rằng mọi việc làm, dầu thiẹân hay ác, dầu trong
chỗ tối tăm thế nào cũng có Thiên tri, Địa tri, Quỉ Thần tri, thì không dám làm
sai như trước nữa. Tạo được cái "tin tưởng" ấy cho chúng sanh
rồi, các Ngài mượn cái "Giả" đem lại chỗ "Chơn".
VỀ GIẢ TƯỚNG - Trong buổi làn sóng vật chất đương bủa ầm ầm lôi cuốn con
người vào biển dục, các Ngài mượn cái hình thức "Cân Đai Đạo Đức"
thay thế cho "Cân Đai Trần Gian", tập luyện người lần bước qua
nẻo chánh đại quang minh, bỏ lần thế tình mà quay về cửa Đạo.
Lấy cái "Giả" là chỗ "Âm Thinh sắc tướng"
mà đem người về cửa Đạo, đó là dĩ "Huyễn" độ "Chơn"
vậy.
II. - THỜI KỲ "GIÁO HÓA"
Về cơ Lý là Triết Lý là Lý của "Tinh Thần"
và Vật Chất tức là thời kỳ Lý và Sự
Thờ Thiên Nhãn có ngôi Tam Bửu
Ơn Trên có
dạy:
"Tôn chỉ Đạo Cao Đài tỏ rõ,
Mượn hữu hình bày tỏ chỗ Vô,
Thiên bàn làm cái bản đồ,
Coi ngoài mà biết điểm tô trong mình.
Tuy là sự giả hình sắp đặt.
Trái xem sao thì mặt cũng in.
Người tu phải biết giữ gìn,
Chuẩn thằng qui củ mà tìm Thiên cơ".
Tại sao thờ Thiên Nhãn lại có Nhựt Nguyệt Tinh? Tôn
giáo nào cũng có hai phần: hình thức và tinh thần. Hình thức là phần hiển hiện
ra ngoài, ai cũng thấy rõ hiểu được; tinh thần là phần linh hoạt bên trong, có
nhiều chỗ thâm diệu ẩn vi, người ngoại cuộc dùng lý trí suy cầu, tưởng cũng khó mà
thấu đáo.
Võ trụ sở dĩ có, là nhờ một Đấng Chí Tôn sáng tạo. Lấy nghĩa cùng tột, thì
gọi Đấng ấy là Thái Cực. Lấy nghĩa bao quát khắp thế gian, thì gọi là Thiên;
lấy nghĩa là Chúa vạn loại, thì gọi là Đế. Cho nên Đạo Cao Đài xưng tụng Trời
là "Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng."
Song xét vì Trời là Đấng Chí Tôn siêu việt vô cùng, trí phàm không thể
tưởng tượng cái tịnh thể ra sao, nhưng chúng ta tin tưởng có Trời, thì chủ lấy
cái động thể ( Có người bảo vạn vật sanh ra bởi ngẫu nhiên; đó là một điều lầm
to. Ta thử nghĩ mỗi khi thấy một cái nhà, một cái xe, một chiếc thuyền, ta chẳng
dám nói rằng những vật ấy sinh ra bởi ngẫu nhiên, mà ta biết có những tay thợ
làm ra mấy vật ấy. Ta thấy có một con chim bị đạn rơi xuống đất; tuy không thấy
ai bắn nó, song ta đã biết chắc có người bắn vì ta căn cứ ở kết quả mà nhận có
nguyên nhơn.
Những hiện tượng quanh mình ta, từ loài thảo mộc đến côn trùng và phi cầm
tẩu thú cho đến nhơn loại, sao ta dám cho ngẫu nhiên mà ra? Nếu là ngẫu nhiên
thì muôn vật ấy tất là hổn độn, không vật nào phân biệt với vật nào được. Sự
thiệt là loại nào có hình thể theo loài ấy, giống nào theo giống ấy, mỗi vật
mỗi hình điều hòa khéo léo lạ lùng, khiến người có tư tưởng phải tự nghĩ rằng
vạn vật sở dĩ xuất hiện như thế là do nơi cái điều hòa chí lý, nó tàng ẩn trong
cảnh vô hình màø ta không thấy. Cái điều hòa ấy lại phát hiện trong bốn mùa
xuân, hạ, thu, đông, cứ liên tiếp mà vận hành trong trật tự, còn vạn vật thì
cũng ứng theo thời tiết mà sanh sanh hóa hóa. Vạn vật có sự sống rõ ràng, không
ai chối cãi được. Lại sự sống ấy còn hàm dưỡng một giác tánh biểu lộ từ cây cỏ
thú cầm cho đến loài người thì chuyển thành cái trí khôn linh diệu lạ lùng. Cái
lý điều hòa tạo hình muôn vật, cái sanh khí cái cảm giác ấy, cái động lực linh
hoạt ở trong muôn vật, tất phải do một nguồn cội nào. Cái nguồn cội ấy khi còn
bất động (tịnh thể) gọi là Đạo: mà khi đã động (động thể) mà chuyển hóa thì gọi
là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Trời vậy. ) của Trời mà căn cứ cho sự tin
tưởng. Ấy là Đạo, Đạo tuy vô hình, nhưng tượng ra hữu vật để lập pháp trứ danh,
phô bày cái thể mà thiệt hành cái dung. Về hình thức, bức tượng ấy chẳng qua là
một biểu hiệu tôn kính, một tượng trưng về tôn giáo (symbole religieux), mà
thôi.
Nhưng xét về tinh thần, thì lại có nhiều ý nghĩa cao xa, nhờ mặc khải mà
biết, hoặc trực giác mới xướng minh ra được.
Trong Thánh Huấn ngày 26 tháng 2 năm 1926, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy rằng: "Chưa
phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng" "Con Mắt"
mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh.
Nhãn thị chủ Tâm,
Lưỡng quang chủ Tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả ngã giã.
(Con mắt là chủ cái Tâm. Là chúa tể của 2 ánh sáng (nhãn quang) Ánh sáng là
Thần, Thần là Trời, Trời ấy là Ta vậy. )
" Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh từ ngày
Đạo bị bế. Lập "Tam Kỳ Phổ Độ", Thầy cho Thần hiệp với Tinh Khí đặng
đủ Tam Bửu.
Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, từ ngày bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn
nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản Thần, không cho
hiệp cùng Tinh Khí. ( Trước khi "Tam kỳ Phổ Độ" xuất hiện, thì Đạo bị
bế, cho nên tu nhiều mà thành ít. Từ 2000 năm bên Á Đông nầy chỉ có một vị tu
đắc đạo tại Linh Sơn (Tây Ninh) là Đức Huệ Mạng Kim Tiên. )
Thầy đến đặng hườn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo. Các con hiểu thần
cư tại Nhãn, bố trí cho chư đạo hữu các con hiểu với. Nguồn cội Tiên, Phật, yếu
nhiệm là tại đó. Thầy khuyên các con mỗi phen nói Đạo, hằng nhớ đến danh
Thầy."
Vả chăng, con mắt là chủ thị quan, tức là biểu hiệu sư quan sát cái tâm
thức của mình cho thiệt tinh vi, đặng lo đoạn tuyệt tam nghiệp, lục căn mà trở
về nguyên bổn.
Lại nữa, hồi Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn giáng sinh lập Đạo lại
mang lấy xác phàm, nên phải thờ Ngài bằng cốt tượng. Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn
chỉ dùng huyền cơ diệu bút mà dựng nền chánh giáo; ấy là một cuộc bán hữu hình,
nên thờ Đức Chí Tôn bằng Thiên Nhãn, cũng là cách thờ phượng bán hữu hình đó
vậy.
Phàm sự hành động, nhứt thiết cần phải có cái chi làm giám đốc mới có
phương nghiệm sát mà sửa mình. Như con cái đặng hiếu thuận, là nhờ cha mẹ giám
đốc cho con. Còn chúng ta thờ Trời, và cố giữ luật Trời, tức là tin nhận có
Trời làm giám đốc sự hành động của chúng ta. Thiên Nhãn vốn là biểu hiệu cho sự
giám đốc đó vậy. Lại qua ngày 20 tháng 9 Bính Dần (năm 1926). Ơn Trên có dạy
thêm ở trong "Đại Thừa Chơn Giáo" vẽ cái Lý sự thờ phượng như
sau:
"Đây Thầy giải sơ về cách thức thờ phượng của Cao Đài Đại Đạo.
Tại sao Thầy dạy các con tạo ra Thiên Nhãn mà thờ; không dạy thờ hình tượng
như các Tôn giáo khác? Các con phải biết rằng:
" Trời là lý, thì Lý ấy rất thông minh bao quát Càn Khôn Thế Giới.
Thầy đâu phải có xác phàm như các con, tạo hình thể như các con, nên chi thờ
Thiên Nhãn là thờ Thầy".
Tại sao "Thiên Nhãn" là Thầy? Thầy có dạy trước: "Nhãn
thị chủ Tâm, Lưỡng quang chủ Tể. Quang thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả ngã
giã. Nhãn là chủ Trái Tim của con người. Trái tim ấy là Tạo Hóa tức là Thần, mà
Thần là cái lý hư vô. Lý hư vô ấy là Trời vậy.
Người tu hành chừng nào luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa Thần, luyện Thần
huờn Hư, luyện Hư huờn Vô, thì huyền quan nhứt khiếu ấy mở hoát ra.
Huyền quan nhứt
khiếu ấy là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay nê hườn cung, gom trọn chơn
dương chánh đạo. Hai con mắt của các con là Nhục Nhãn, tức là Âm với Dương, thì
cũng như Thái Cực là Thiên Nhãn, còn lưỡng quang là Nhựt Nguyệt hằng soi khắp
Càn Khôn cứ tuần hườn mãi hết ngày đến đêm, hết đêm kế ngày, không bao giờ dứt
sự hành tàng của Tạo Hóa."
THI
" Luyện thuốc kim đơn rõ Đạo mầu,
Thành Tiên tác Phật tại song Mâu.
Âm Dương tàng ẩn cơ tại Mục,
Thần khí thông linh tại Thượng Đầu."
Đại ý về bài thứ nhứt: Thần khiếm khuyết, nên Ơn Trên dạy khi cúng phải nhìn
ngay Thiên Nhãn, để luyện Thần vì bấy lâu mình để Thần tản mác, nên rất hại cho
sự sống thiêng liêng.
Bài thứ nhì dạy người với Trời có Một. Trời có ba báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh,
Đất có ba báu là: Thủy, Hỏa, Phong. Người có ba báu là: Tinh, Khí, Thần.
Trời nhờ ba báu ấy mà dưởng dục muôn loài hóa sanh vạn vật luâân chuyển Càn
Khôn, chia ra ngày đêm, sáng tối.
Đất nhờ ba báu đó mà phong vỏ điều hòa, cỏ cây tươi thuận, phân ra thời
tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên, tác Phật.
Khi Tâm người đi đến chỗ Hư không rồi thì "Huyền quan nhứt khiếu" được mở hoát ra, tức là Thiên Nhãn
đó; ấy là Ngôi Thái Cực. Chừng ấy, sự hiểu biết không lo nghĩ mà biết, không học
tập mà hay. Cái biết đó vốn có sẵn từ mấy kiếp trước, nay nhờ tu tỉnh mà được
xuất hiện ở kiếp nầy, nhà tôn giáo gọi là: "Pháp
huệ."
Còn hai cái nhục nhãn vốn là "Âm
Dương", không khác nào Mặt Trời với Mặt Trăng.
Người Đạo đi đến Tinh thần ấy là bước đến thời kỳ "Khắc Kỷ"
ấy là thời kỳ khử trược lưu thanh. Thế nào là khử trược lưu thanh? Tức là đem
các thứ ô trược ở trong bổn thân mình tự bấy lâu ra hết, từ xác thịt đến tư
tưởng, từ nghiệp duyên đến quả duyên, rồi đấp nền lại trên nền tảng "Đạo
Đức."
Thời Kỳ nầy phải:
* a). - Nhơn đạo cho tròn,
* b). - Trả quả.
* c). - Lập công bồi đức.
Làm trọn nhơn đạo, tức là nhơn phẩm được hoàn toàn. Khi hành nhơn đạo, phải
lo trả quả và lập công bồi đức. Trả quả là nhận chịu nợ tiền khiên đã kết tập
nhiều kiếp. Vì cái lẽ phải trả, nên gặp nhiều đau đớn xảy ra cho Tinh Thần hay
Thân Thể, nhưng đành cam chịu, không than Trời trách Đất, không oán người,
quyết chí trả xong không vay thêm nữa.
Lập công bồi đức là dùng Đạo Đức khuyên chúng sanh cải tà qui chánh, cứu khổ
phò nguy, tế nhơn, lợi vật. Muốn được vậy phải có ba Đại Đức là: Trí, Nhơn, Dõng.
Trí là sự khôn ngoan, biết phân biệt điều phải lẽ quấy. Nhơn là người từ thiện
bác ái, biết thương người mến vật; Dõng là hăng hái không rụt rè, thối trí trong
việc phải mà mình định làm, mặc dầu gặp nhiều nỗi khó khăn, trở ngại. Trí,
Nhơn, Dõng là ba đức lớn trong thiên hạ, nhưng muốn thực hành, cần phải có lòng
"Thành Tín."
Thời kỳ Qui nguyên là trở về Nguồn gốc, tức là về với Thượng Đế.
III. - THỜI KỲ QUI NGUYÊN
Về cơ Huyền lý là Lý của Tinh. Tinh Thần,
tức là "Đạo nguyên nhứt bổn."
Ngôi "Nguơn Thần" sáng tỏ, chói rọi từ
hang cùng đến nẻo tối.
Thần ấy là chi? Ấy là một vật thiên nhiên thâm diệu có sẵn trong mình mỗi
vật. Thật là mầu nhiệm vô cùng không thể đo lường, rất kín đáo, rất thanh tịnh,
rất sâu xa, rất cẩn mật, rất quan trọng, rất tinh tế, mà lại luân chuyển hoạt
động, thoạt ẩn, thoạt hiện, biến hóa vô cùng, không một vật nào, chỗ nào mà
không có. Nhỏ hết sức nhỏ như một vi trùng, Thần cũng có thể ngự được. Lớn hết
sức lớn là Võ Trụ Kiền khôn, Thần cũng thông suốt qua thong thả.
1)- Ở sự vật - Thần ấy làm cho hoa tươi đua nở, tám tiết cây trái đượm đà,
chim bay biết kiếm vật nuôi thân, biết tránh gió, tránh bẫy, biết chọn cây mà
đậu, biết thời tiết, biết phương hướng, biết vầy đoàn hiệp bạn, biết thương
đồng loại, biết dìu dắt nhau sớm tối.
2) -Về luân lý. - Thần làm cho cha từ, con hiếu, vợ thuận, chồng hòa, anh
kính em cung, bậu bạn thành thật.
3) - Về tâm lý. - Thần làm cho người biết rõ bổn tánh của mình đặng tầm
phương chế ngự thất tình lục dục, dứt vòng cương tỏa cho kiếp số con người.
4) - Về triết lý. - Thần làm cho người được trọn lành, nghĩa là được trọn
phận sự đối với nhơn loại ở thế gian nầy. Biết tầâm một quảng đời đạo đức, vui
vẽ, thơ thới nhờ cái lạc tại kỳ trung, là cái vui tự trong, cái vui đạo thuật,
cái vui kiếp sống cao thượng, vui với lẽ chết sống, vui nơi sống khổ sầu.
5)- Về huyền lý. - Thần làm cho người biết Trời với Ta là Một. Người đi đến
tinh thần nầy là người minh triết, biết dùng Chơn Tâm mà phán đoán, chớ không
dùng lý trí mà suy nghiệm. Vì Chơn Tâm là lòng Thật, là Chân lý không còn bị
ngoại cảnh và tư dục chế ngự, nên không còn chấp trước, hết nhuốm bụi trần.
Tinh thần ấy đã đến Huyền lý rồi vậy.
Biết cái dĩ vãng là kết quả của cái hiện tại ưu sầu thống khổ, thì phải lấy
cái hiện tại mà tạo buổi tương lai cho rực rỡ vẽ vang, rồi lấy cái tương lai mà
làm cơ sở vững vàng cho muôn kiếp, tức là đi đến chỗ trường sanh bất tử vĩnh
kiếp trường tồn, đồng ngôi Thánh, Tiên, Phật.
Làm sao thấy được Thần của Trời Đất?
Những cơn lặng lẽ êm đềm, Trời không có một chút gió lay, Đất không một
tiếng trùng động, nước không một lượn sóng xao, tư bề phẳng lặng như tờ, ấy là
lúc Thần của Trời Đất điều hòa cả võ trụ vạn vật và gây ra được sanh khí đó.
Thần của Trời Đất phải như vậy mà Trời Đất phải dường ấy, mới có được Thần,
thì người cũng phải theo thể cách ấy mà tự gây ra Thần cho mình. Thần đó mới
thật là chơn cảnh, nên gọi là Nguơn Thần. Chỉ có Thần ấy mới thấu đáo cả huyền
vi mầu nhiệm.
Tóm lại: Tu hành cốt yếu là ngưng thần nhập định để hợp làm Một với Nguơn
Thần mà thành Đạo. Song, ta phải tự tu dưỡng, để tự giải thoát lấy, không thế ỷ
lại nơi Thần Quyền. Dầu cho Thần Tiên có muốn giúp ta đi nữa, các Ngài cũng
không thế vì ta mà trái Thiên cơ. Chính Thần Tiên cũng còn phải lâm phàm hóa
thân để tấn hóa thêm cho đến chỗ hoàn toàn.
Nay ta đã hân hạnh được làm người, sao chẳng do theo chơn lý để tìm con đường
giải thoát, lại mong ỷ lại Thần Quyền?
Kết luậän: Muốn học Đạo, phải tầm Chơn lý, ngoài Chơn lý, không con đường
cứu rỗi nào khác.
Người đạo đã đạt tới tinh thần nầy rồi, là người đã đến thời kỳ trọn lành
vậy.
Thế nào là thời kỳ trọn lành?
Tức là thời kỳ "xét cuộc dinh hư tiêu trưởng của trần thế và cái lý
thiên nhiên của Hóa Công" tức là thời kỳ Triết lý và Huyền lý đi đến chỗ
không phân Nhơn Ngã. Tinh thần tấn hóa đến chỗ Đại Đồng, hiểu đạo lý rõ ràng,
sự lầm lạc đều dứt đạt chỗ cao thượng của Đạo, biết các Tôn giáo lý đồng, Chơn
truyền có một. Một lòng thanh tịnh, chí quyết đi đến chỗ Chí Thiện. Người trọn
lành là người đã đi đến Triết lý, tức là người thông suốt nguồn gốc vạn vật,
người minh triết là người biết phán đoán, khéo lấy cái giả mà làm nên cái thật.
Người minh triết là người thông cả thời thế và đạo, có kinh nghiệm lại biết
dụng tâm, dụng trí mà phân biệt điều phải lẽ quấy, không còn một mảy may gì sai
lầm. Người ấy thoạt ở trên đời, thoạt ở trong Đạo, tùy theo thời thế giúp Đời.
Nhưng dầu ở vào cảnh nào, người minh triết cũng không sao quên Đạo đặng. Vì Đạo
là lẽ sống chung, gồm bao cả cái lý tự nhiên, vô biên vô cực.
Người minh triết là người đã đạt được Tâm hư không. Tâm hư không là dứt bỏ
được phàm phu tục tánh, nguồn ân bể ái, diệt hết thất tình lục dục, được tánh
Phật lòng Tiên, cư trần bất nhiễm trần, lòng trung như vầng nhựt nguyệt, dốc
chí dấn thân vào sông mê bể khổ cứu vớt người ra khỏi mê tân, chẳng quản gian
truân, coi sự sanh tử nhẹ như mãy lông, miễn giải thoát chúng sanh khỏi vòng
hắc ám, dầu phải muôn cay ngàn đắng cũng không thối chí ngã lòng. Người minh
triết tức bực siêu nhơn đó vậy.
THỜ TỔ TIÊN
Ở vào chỗ thị thành đô hội, hoặc vì nhà phố chậït hẹp, hoặc vì dân chúng
nhiễm Âu hóa, sự thờ kính tổ tiên thấy giảm lần lần. Nhưng ở thôn quê, sàn dã,
ngoại trừ những người theo Thiên Chúa giáo, còn thì nhà nào như nhà nấy, đều
thờ kỉnh ông bà cha mẹ đã mãn phần.
Thờ kính tổ tiên vốn không phải là một tục dị đoan ( Dân tộc nào cũng có
cái tục thờ kỉnh ấy, nhưng vì phong tục mỗi nước khác nhau, nên sự thờ kinh
cũng khác nhau về nghi thức.), mà là cách tỏ ra là mình nhớ chỗ cây cội nước
nguồn, nhớ đến ơn sâu nghĩa nặng, tức là kỷ niệm một cách chí thành chí kỉnh,
cái công sanh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ.
Đạo Nho coi cha mẹ như quyền giám đốc cho người đời, hễ cha mẹ làm gì, con
cái phải làm theo nấy. Cũng vì sợ cha mẹ khuất rồi lâu ngày con cái không còn
nhớ đến mà quên mất cái quyền giám đốc ấy và quên luôn cả công ơn sanh dưỡng,
cho nên phải lập ra sự thờ kính là cốt để cho con ghi nhớ cha mẹ luôn.
Sự thờ kính cũng là một phương giúp cho nền luân lý được vững bền, nhứt là
ngày tế lễ, ngày kỵ lạp, là cơ hội tốt cho anh em và bà con cật ruột, đoàn tụ
nhau cùng chung một cảm giác, ai nấy đều bi ai xúc động đến tấm lòng tưởng
nguồn nhớ cội mà nhắc đến tiền nhơn đã dựng nên gia tộc.
Nhưng chỉ nên chú trọng lễ ý mà thôi, chẳng nên vẽ viên nhiều nghi tiết,
bày ra nhiều cúng phẩm không bổ ích còn nhọc công tốn của.
Trong sự thờ phượng, cần nhứt là chí thành chí kỉnh. Đức Khổng Tử bảo: "Tế
như tại, tế thần như Thần tại" (Tế tổ tiên, phải kỉnh như có tổ tiên ở
đó, tế Thần phải kỉnh như có Thần ở đó).
Theo "Tam Kỳ Phổ Độ", cúng tế phải dùng toàn đồ chay, và
không đốt đồ mã cùng giấy tiền vàng bạc.
Tóm lại, sự thờ kỉnh tổ tiên, người Việt Nam, dầu trình độ tấn hóa đến đâu,
tưởng cũng nên duy trì mà chẳng nên xóa bỏ; xóa bỏ chăng là những nghi tiết dị
đoan, những nghi thức phiền phức mà thôi vậy.
Ý NGHĨA SỰ LẠY
Theo quan niệm của nhiều trí thức hiện kim, sự lạy là một biểu tượng đê hèn
của tánh tùng phục, nó làm mất hoặc giảm nhơn phẩm. Điều đó không ai chối cải,
nếu là lạy những người không phải thân nhơn trưởng thượng mình. Đến như lạy
vong linh của các ân nhân tiền vảng cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, nhứt là
lạy đấng Tạo Hóa Chí Tôn, sự lạy ấy từ xưa đến nay, ở các chùa chiền đình miễu,
ở nơi tôn miếu và đền thờ tư gia, đâu cũng công nhâïn là biểu tượng tôn kính
các đấng mình thờ.
Lạy là tỏ ra bề ngoài lễ kỉnh trong lòng.
Chấp hai tay lạy là tại sao?
Hữu vi Nguyệt, tả vi Nhựt, vị chi Âm Dương, Âm Dương hiệp nhứt, phát khởi
Càn Khôn, sanh sanh hóa hóa.
Trong năm ngón tay, ngón áp út gọi ngón "Vô danh", biểu
hiệu cảnh tượng Trời Đất lúc chưa khai "Vô danh Thiên Địa chi
thỉ."
Kịp đến hội Tý mới lập cõi Trời (Thiên sanh ư Tý), tính theo thập nhị địa
chi, thì cung Tý ở tại góc ngón "Vô danh."
Ngón cái gọi "Mẫu chỉ". Sau khi tạo Thiên lập Địa, vạn vật
mới hóa sanh, có hình chất hữu danh đồng thọ nơi mẫu (Hữu danh vạn vật chi
Mẫu).
Theo cách lạy của "Tam Kỳ Phổ Độ" trước khi chấp tay, phải
dùng ngón cái tay trái "Mẫu chỉ" ấn vào cung Tý tại góc ngón Ấp út "Vô
danh" của tay trái, gọi bắt ấn Ty ù ( Bắt ấn, người ta tréo mấy ngón
tay lại, hoặc co ngón nầy vô đưa ngón nọ ra theo một cách thức riêng. Nguyên
trong mấy ngón tay, có ngón xuất điễn quang như ngón trỏ và ngón út, có ngón
tiếp điễn quang ở ngoài như ngón giữa và ngón áp út. Phàm muốn khỏi tiếp tà
điễn, khi bắt ấn, người ta co ngón giữa và ngón áp út lại, hoặc tréo nhau theo
cách thức riêng, đồng thời lại đưa thẳng ngón trỏ và ngón út đặng xuất điễn mà
chống cự, hoặc xua đuổi tà điễn.
Còn ngón cái là nguồn chứa sanh lực, phải co lại đặng tránh tà điễn làm
tổàn thương sanh lực.
Bắt ấn Tý, thì dùng ngón cái tay trái ấn vào ngón áp út (cũng tay trái) chỗ
cung Tý, rồi nắm trọïn tay lại. Vì đức Thượng Đế là Đại từ bi, cho nên ấn của
Ngài chỉ dùng cho chúng ta hộ thân, chớ không cần xuất điễn, nên ngón trỏ và
ngón út không đưa thẳng ra như bắt ấn khác. ), là ấn của Đức Chí Tôn.
Đức Chí Tôn dùng phép Âm Dương giao cảm mà tạo Thiên lập Địa.
Con người là tiểu Thiên Địa cũng nhờ Âm Dương giao cảm mà phát sanh. Cho nên
lạy kẻ sống hai lạy, vì con người là nguồn cội của nhơn sanh lưỡng hiệp Âm
Dương mà ra.
Lạy vong phàm bốn lạy, là vì: hai lạy về phần người, một lạy Thiên, một lạy
Địa.
Lạy Thần, lạy Thánh ba lạy, là lạy các đấng đứng vào hàng thứ ba của Trời,
và cũng chỉ rằng lạy cơ mầu nhiệm Tinh, Khí, Thần, hiệp nhứt.
Lạy Tiên, Phật chín lạy, là lạy các đấng "Cửu Thiên Khai Hóa." ( Xem lại "Cuộc sáng tạo", trong phần "Giáo điều.")
Lạy Thượng Đế mười hai lạy, là vì Thượng Đế là Thập Nhị Khai Thiên ( Xem
lại "Cuộc sáng tạo", trong phần "Giáo điều."
Chúng ta niệm danh hiệu Đức Chí Tôn với 12 tiếng: "Nam Mô Cao Đài Tiên
Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát." ) nắm trọn "Thập Nhị Thời
Thần" trong tay.
Số mười hai là số riêng của Thượng Đế.
LỄ NHẠC
Có người tưởng cúng đại đàn phải cho thanh tịnh chẳng nên dùng lễ nhạc ồn
ào làm mất sự thanh tịnh và tạo ra thinh âm sắc tướng.
Tưởng vậy là chẳng chịu phân biệt chỗ công truyền và tâm truyền của Đạo, và
chưa nhâïn thức cái công hiệu của lễ nhạc.
Sách "Lễ Ký" có câu: (Nhạc giả, Thiên Địa chi hòa giã. Lễ giả,
Thiên Địa chi tự giã). (Nhạc là luật điều hòa của Trời Đất, Lễ là phép trật tự
của Trời Đất).
Điều hòa và trật tự vốn là luật thiên nhiên huyền diệu trong Võ Trụ.
Như mặt Nhựt, mặt Nguyệt tuần hườn hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, trái
đất cứ xây quanh mặt Nhựt, các vì tinh tú cùng hành tinh luôn luôn vận chuyển.
Thế mà, Nhựt, Nguyệt, địa cầu, tinh tú, hành tinh chẳng hề đụng chạm nhau, là vì
tuân theo trật tự của Tạo Hóa. (
Vật lý học gọi Võ trụ dẫn luật / Loi de I'attraction universelle.)
Như tiếng trống,
tiếng chuông, tiếng kèn quyển, đờn sáo đồng thời khởi lên, đáng lẽ thì ồn ào hỗn loạn lắm, thế mà tiếng nhỏ tiếng
to, giọng trầm giọng bổng, đều dung hòa nhau, biến thành một âm điệu thanh cao
êm ái. Cho nên cổ nhơn nói: "Tinh thần của nhạc là hòa" thật chí lý vậy.
Ở vào chỗ mồ mả,
không buộc ai thương, nhưng người ta tự nhiên có lòng thương xót.
Nơi tôn miếu, không buộc ai tôn kính, nhưng người ta tự lòng tôn kính.
Thế là, mồ mả có cái không khí bi ai, tôn miếu có cái không khí tôn nghiêm.
Không khí có sức tạo nên tình cảm. Thánh nhơn ngày xưa vì biết tâm tánh con
người có thể nhờ tình cảm dắt đến chỗ hay, cho nên chế ra lễ nhạc, cốt yếu là
đem cái lý ở trong phát biểu ra ngoài, nghĩa là đem lẽ hòa kỉnh trong tâm hồn
tạo ra văn vẻ bề ngoài, gây thành một tình cảm thanh cao để hạn chế lòng người
trong khuôn hòa kỉnh.
Lễ có mục đích là:
a) - Hàm dưỡng tánh tình, thí dụ như cuộc tế lễ nghiêm trang
tạo ra tình cảm tốt, quan hệ đến
đạo đức, đến sự thành kỉnh rất hậu của con người.
b) - Giữ gìn những tình cảm cho thích hợp đạo trung, thí dụ nếu tình cảm
gây ra có khi thái quá đến chênh lệch, thì nhờ lễ mà tránh được chênh lệch ấy.
c) - Định cái lẽ phải, cái tình thân sơ và trật tự cho phân minh, thí dụ
như định ngôi thứ và cách ăn mặc cho có trật tự trong xã hội.
d) - Tiết chế, kềm thúc tình dục của người không cho phóng túng ra mà hỗn
loạn.
Tóm lại, lễ dạy người biết độ, biết kỉnh Trời Đất, Thánh, Thần cho có bực
thứ, biết giữ trật tự trong xã hội, và biết cách đối đãi cùng người cho hiệp
đạo Trung.
Nhạc có mục đích là:
a) - Tả đặng tánh tình u ẩn của con người, vì hễ lòng phiền muộn thì tiếng
nhạc ai oán bi thương, còn lòng thơ thới vui vẽ, thì tiếng nhạc ôn hòa lạc thú.
b) - Tả đặng tinh thần một nước, vì một dân tộc suy đồi trì trệ, thì tiếng
nhạc nghe dâm đảng hổn loạn, hoặc buồn rầu bạc nhược; còn dân tộc hùng cường,
thì tiếng nhạc theo đó mà hùng hồn dõng mãnh.
c) - Cảm hóa lòng người theo điều thiện, là vì trong một cuộc tế lễ nghiệm
trang có nhạc dự vào một cách trung chánh, thì khiến con người có cái cảm khái
vô cùng về điều lành, điều phải.
Tóm lại, nhạc có công hiệu gây được thiện cảm giửa muôn người và làm cho
đâu đấy được điều hòa an lạc.
Nhưng nếu lễ mà không kỉnh, nhạc mà không hòa thì dầu bề ngoài có giữ đủ lề
lối như sắc phục rực rỡ chuông trống du dương, thì cũng không ích lợi gì cho sự
tấn hóa của người về đạo đức. Như vậy thì lễ có ra gì, mà nhạc lại ích chi?
* *
*
Lễ nhạc còn hàm súc một ý nghĩa rộng ra đến các hành động xã giao.
Về việc giao tiếp, khi chủ khách gặp nhau, chủ chào khách có vẽ cung kính,
tức là có lễ; khách vui lòng đáp lại có vẽ hòa, tức là có nhạc vậy.
Trái lại, chủ chào khách, có vẻ khinh khi, tức là không kỉnh, không lễ:
khách tỏ ý bất bình, tức là không hòa, không nhạc vậy.
Trẻ em khờ dại đối với người trên thất kỉnh, người trên có ý không vui, tức
là không hòa. Không kỉnh, không hòa là không lễ nhạc đó.
Một diễn giả không kính cẩn, không khiêm tốn, chỉ đem tài hùng biện xuyên
tạc cá nhơn, nên chẳng gây được thiện cảm với thính giả, tức là thất kỉnh.
Thính giả bất bình chẳng hoan nghinh, không hưởng ứng, tức là thất hòa. Hai đàng
đối nhau đều thất lễ nhạc.
Chức sắc Hội Thánh là trật tự trong Đạo, tức là lễ.
Chư tín đồ đạo hữu vui tuân mạng lịnh Hội Thánh mà hành Đạo cho trên dưới
điều hòa, tức là nhạc vậy.
Tóm lại, lễ là trật tự, nhạc là điều hòa. Có trật tự, có điều hòa mới có cơ
tương đắc, bằng không thì dưới trên lộn xộn, không tôn ti mà sanh hỗn loạn.
Bửu điện thờ Đức Chí Tôn
CHƯƠNG THỨ
TƯ
GIỚI LUẬT
Phàm muốn bảo tồn
trật tự và điều hòa trong việc hành đạo, cần phải có giới luật là phép ấn định
những qui tắc người tu hành phải giữ.
Tam Giáo ngày xưa có Cựu luật.
Đại Đạo ngày nay có Tân luật.
Lòng từ bi của Đức Chí Tôn không nở hành phạt ai. Như Thiên Điều buổi
trước, tự Thần, Thánh, Tiên, Phật, hội lập để định luật thưởng phạt cho nhau,
hầu để giữ gìn lẫn nhau chớ Đức Chí Tôn chẳng dự vào. Nhưng khi lập luật rồi
dâng lên, thì Đức Chí Tôn phê chuẩn chớ không sửa đổi.
Thì cũng như Tân luật buổi nọ, Lý Giáo Tông hội chư Thánh lập thành, Đức
Chí Tôn vốn không dự đến. Nhưng khi dâng lên Đức Chí Tôn phê chuẩn thì nó trở
thành Thiên luật.
Ấy vậy Tân luật là Thiên điều tại thế, quí báu vô cùng, người hành đạo phải
tuân theo từng điều lệ mới mong đắc quả.
Buổi trước, Cựu luật buộc nhơn loại phải tự nâng cao phẩm hạnh mình cho tương
đương với phẩm hạnh Thần, Thánh, Tiên, Phật mà lập vi thiêng liêng cho mình.
Còn nay thì các Đấng ấy lại hạ mình đến cùng nhơn sanh đặng dìu dẫn Nhơn hồn
lên phẩm vị thiêng liêng. Buổi buộc thì khó, buổi mở thì dễ là lẽ đương nhiên.
( Đây là một đặc ân lớn lao của Đức Chí Tôn ban cho chúng sanh trong buổi "Tam
Kỳ Phổ Độ.")
Phương chi, nhơn trí ngày nay đã qua khỏi Nguơn "Tấn hóa",
tức là đã tiến lên trình độ khá cao, Cựu luật không đủ kềm chế đức tin. Lại
thêm Ngọc hư Cung bác luật, Lôi âm Tự phá cổ, nên tu nhiều mà thành ít. ( Xem
Thánh huấn ngày 14 tháng 7 năm Bính Dần (Thánh Ngôn hiệp tuyển). ) Cựu luật và
Cổ pháp ngày nay không còn ứng dụng. Những bực tu hành mà còn tưởng phải tùng
Cựu luật và Cổ pháp, thì trái với điều luật của Đại Đạo "Tam Kỳ Phổ
Độ" vậy.
Tân luật buộc phải phù hợp với dân trí, lẽ tất nhiên một ngày kia, nó còn
phải sửa đổi cho ăn nhịp với trình độ tấn hóa chúng sanh sau nầy.
Tân luật vốn qui định phương pháp hành động và điều khoản hình phạt mà chức
sắc và tín đồ phải chịu tại thế. Phàm phạm nhơn đã bị phàm trị theo Tân luật
thì khỏi Thiên trị theo Thiên điều, là vì một hình phạt không thể chịu hai lần.
Cho nên chư đạo hữu, chẳng luận ở hạng nào, nếu rủi ro có lầm lỗi, nên vui lòng
chịu phạt theo Tân luật, thì khỏi bị hình phạt thiêng liêng về sau. Đó là một
đặc ân của Đại Từ Phụ ban cho, đặng giữ gìn phẩm vị thiêng liêng cho chúng ta
là con cái của Người.
NGŨ GIỚI
Về việc chủ giới trì trai là giới luật mà người tu hành phải giữ, Đức Chí
Tôn có giáng cho những bài dưới đây với một giáo lý cao siêu và mới mẻ.
I. - GIỚI SÁT SANH
"Thầy đã nói với các con rằng khi chưa có chi trong Càn Khôn, Thế
Giới, thì Khí Hư Vô sanh có một mình Thầy. Rồi Thầy lập ngôi Thái Cực. Thái Cực
phân Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái
biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn, Thế Giới.
Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn
trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh.
Các con đủ hiểu rằng chi chi hữu sanh cũng do chơn linh Thầy mà ra. Hễ có
sống, ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự Sống. Vì vậy mà lòng bác ái của Thầy vốn
không cùng tận.
Cái sống của chúng sanh, Thầy phân phát khắp Càn Khôn Thế Giới. Chẳng khác
nào nhành hoa trong cội, nó phải đủ thì giờ Thầy nhứt định mới nở bông mà sanh
trái, đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm.
Nếu ai bẻ hoa ấy nữa chừng, là sát một kiếp sanh không cho biến hóa.
Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên sanh hay hóa sanh cũng vậy,
đến thế gian nầy lâu hay mau đều định trước. Nếu ai giết mạng là chịu quả báo
không sai. Biết đâu cái kiếp ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra
đến đỗi?
Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ. Các con gắng dạy
nhơn sanh điều ấy."
II. - GIỚI TÀ DÂM
"Vì sao tà dâm là tội trọng?
Xác thân con người, tuy mắt phàm coi như một, kỳ trung vốn chất chứa vàn
vàn muôn muôn sanh vật. Những sanh vật ấy câu kết với nhau mà thành khối
(formation des cellules). Vật chất ấy có tánh linh, vì vật nuôi nấng nó như rau
cỏ, cây trái, lúa gạo, mọi lương vật đều cũng có chất sanh.
Nếu nó không có chất sanh, thì thế nào tươi tắn và chứa sự sống? Như khô
rũ, thì là nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như dùng lửa mà
nấu, thì là phương pháp tẩy trược đó thôi, chớ sanh vật chưa hề phải chết.
Các vật thực vào tỳ vị lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết. Nó có thể
hườn ra nhơn hình mới có sanh sanh, tử tử của kiếp nhơn loại.
Vì vậy, một giọt máu là một khối chơn linh, như các con dâm quá độ, thì là
sát mạng chơn linh ấy. Khi các con thoát xác, nó đến tại Nghiệt đài mà kiẹân
các con. Các con chẳng hề chối tội đặng.
Phải giữ gìn giới cấm ấy cho lắm."
III. - GIỚI TỬU
"Vì sao phải giới tửu?
Thầy đã dạy rằng thân thể con người là một khối chơn linh câu kết lại.
Những chơn linh ấy vốn hằng sống, phải hiểu rằng ngũ tạng lục phủ cũng là khối
sanh vật mà thành ra, nhưng phận sự của chúng nó làm, thảng như hiểu biết hay
không hiểu biết, đều do nơi lịnh Thầy phán dạy.
Vậy, Thầy lấy hình chất xác phàm các con mà giảng dạy. Trước, Thầy nói vì
cớ nào rượu làm hại cho người về phần xác. Hình chất con người vốn là thú, phải
ăn uống mới nuôi sự sống. Như rượu vào tỳ vị, nó chạy vào khắp cả ngũ tạng lục
phủ hết, thì tái tim con người chẳng khác như cái máy để trử sự sống, cũng phải
bị nó thâm nhập vào, làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định,
thôi thúc huyết mạch vận động một cách mau lẹ, làm cho sanh khí nơi phổi chẳng
đủ ngày giờ nhuận huyết cho tinh sạch.
Trược huyết ấy thối lại cùng trong thân thể, để vật ô trược vào trong sanh
vật. Mỗi khối ấy ăn nhằm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường tráng,
cốt tủy lần lần phải chết, thì thân thể các con phải chết theo. Nhiều kẻ chết
nửa thân mình cũng vì rượu.
Bây giờ Thầy nói sự hại của rượu về phần hồn các con: Thầy nói cái Chơn
thần các con là khí chất nó bao bọc thân thể các con như khuôn bao vậy. Nơi
trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi
Hộ. Nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ Chơn Linh các con khi luyện thành đạo
đặng hiệp một với Khí, rồi Khí mới đưa đến Chơn Thần hiệp một mà siêu phàm nhập
Thánh.
Óc là nguồn cội của Khí, mà óc cũng bị huyết mạch vâïn động vô chừng, đến
nỗi tán loạn đi thì Chơn Thần thế nào an tịnh đặng mà điều khiển? Thân thể phải
ra ngây dại, trở lại chất thú hình. Mất phẩm nhơn loại rồi, còn mong chi đặng
phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật?
Lại nữa, buổi loạn Thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các
con làm việc tội tình mà phải chịu luân hồi muôn kiếp.
"Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à!"
IV. - GIỚI GIAN THAM
"Ôi! Thầy sanh các con, thì vẫn thương yêu các con
chẳng cùng. Thầy lại cho các con đến thế giới nầy với một Thánh thể thiêng
liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành. Các con
không chịu, lại nghe lời cám dỗ mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị đàyï, dâm
đến phải bị đọa, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi.
Lợi! Thầy đã dành để các con chung hưởng cùng nhau mà cũng vì tham, đứa
chứa nhiều, đứa chịu đói."
Quyền! Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kềm thúc lấy nhau, đặng giữ vẹn Thánh chất yêu sanh
của Thầy. Mà quyền ấy lại trở nên một lợi khí buộc trói nhơn sanh trong vòng
tôi mọi. Ôi thảm thay! Cái thất vọng của Thầy rất nên ghê gớm.
Các con có hiểu vì sao cả nhơn sanh đều gian tham chăng?
Thì cũng vì muốn cho nhiều sanh mạng chịu phục dưới quyền thế lợi lộc của
nó.
Sự yếu trọng của con người là nạn cơm áo, mà nắm chặt quyền phân phát cơm
áo, thì chưa ai đã thọ sanh nơi thế gian nầy tránh khỏi gian tham.
Muốn đặng quyền hành ấy, phải làm thế nào? Dùng hết mưu chước quỉ quyệt,
thâu đoạt lợi lộc quyền thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường tranh đấu,
giựt giựt, giành giành gây nên mối loạn. Nhơn loại nghịch lẫn nhau, giúp cho
phép tà quyền mạnh hơn, yếu thiệt, mất phép công bình thiêng liêng tạo hóa.
Vậy tham gian đã nhâïp lòng người, thì lòng hết đạo đức. Tham gian đã nhập
vào nước, nước hết chơn trị. Tham gian đã lộng lên toàn thế giới, thế giới hết
Thánh Thần.
Thầy chẳng cần nói, sự gian tham có thể giục các con thất Đạo cùng Thầy mà
bị lắm điều tội lỗi.
"Ấy vậy, gian tham là tội trọng."
V. - GIỚI VỌNG NGỮ
"Thầy đã nói nơi thân phàm các con, mỗi
đứa Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy
tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại
đặng giao thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, và các đấng Trọn lành nơi
Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng
vào Tòa Phán xét. Bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả.
Lại nữa, các chơn linh ấy có tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải gìn giữ các
con mà thôi, lại còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn Lương tâm là
đó."
Bởi vậy, chư Hiền, chư Thánh Nho nói Đạo rằng: "Khi nhơn tức khi
tâm, khi tâm tức khi Thiên. Khi Thiên đắc tội, hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo dã".
Như các con nói dối, trước chưa dối với người, các con đã dối với Lương
tâm, tức là Chơn linh. Thầy đã nói Chơn linh ấy đem nạp vào Tòa Phán xét từ lời
nói của các con, dầu những lời nói ấy không thiệt hành, chớ tội tình cũng đồng
một thể.
Nơi Tòa Phán xét, chẳng một lời nói vô ích nào mà bỏ qua, nên Thầy dặn các
con phải cẩn ngôn cẩn hạnh.
Thà các con làm tội đặng chịu tội cho đành, chẳng hơn các con nói tội mà
phải mang trọng hình đồng thể.
"Các con khá nhớ."
TRAI GIỚI
"Chư môn đệ phải giữ trai giới". Vì tại sao?
Chẳng phải Thầy còn buộc theo Cựu luật, song luật trai giới rất nên quí
báu, nếu không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng. Thầy cắt nghĩa:
Mỗi người dưới thế nầy vốn có hai xác thân: một xác phàm, một xác thiêng
liêng. Mà cái thiêng liêng do nơi xác phàm mà ra, gọi nó là bán hữu hình, vì có
thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng. Cái xác huyền diệu thiêng liêng
ấy do Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Khi nơi xác phàm xuất ra, thì lấy hình ảnh
của xác phàm như khuôn in rập. Còn như đắc đạo mà có Tinh Khí không có Thần, thì
không thể nhập mà hằng sống. Còn như có Thần mà không có Tinh, Khí thì khó hườn
Nhị xác thân. 1 Vậy ba món báu ấy phải hiệp lại mới đặng.
Nó vẫn là chất, tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà không khí Tiên Thiên
thì có điễn quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch nhẹï nhàng hơn
không khí mới ra khỏi Càn Khôn, Thế Giới đặng. Nó phải có bỗn nguyên chí Thánh,
chí Tiên, chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng. Phải có xác phàm tinh khiết
mới xuất Chơn thần tinh khiết.
Nếu các con ăn mặn luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng?
Như rủi hườn Nhị xác thân, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí lại là
vật chất tiếp điễn (bon conducteur d'électricité) Cái nhị xác phàm ấy chưa ra
khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn ẩn núp tại thế
mà làm một bực Nhơn Tiên, thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo."
* *
*
CHƯƠNG THỨ NĂM
MƯỜI HAI ĐIỀU TÍN NGƯỠNG
CĂN BẢN CỦA ĐẠI ĐẠO
1 - Thượng Đế là đấng tạo ra Càn Khôn, Võ trụ và hóa sanh vạn vật. Nhơn
loại phải tin tưởng kính trọng Thượng Đế và trong các hành động, nhứt nhứt phải
tùng Thiên luật.
2 - Là Đại Từ Phụ, Thượng Đế không bao giờ hành phạt chúng sanh toàn là con
cái yêu đương của Ngài. Nhưng vì phép công bình, Thượng Đế lập luật "Nhơn
quả" làm cân thưởng phạt thiêng liêng. Chúng sanh do chỗ hành động mình
mà rước lấy họa phước.
3 - Lòng từ bi của Thượng Đế không nỡ để chúng sanh không rõ Thiên điều mà
phạm tội, nên từ Thượng cổ, Ngài đã phân tánh giáng trần lập Đạo, đặng dạy dỗ
chúng sanh biết điều thiện mà làm, điều ác mà lánh, mà dìu dẫn bát phẩm chơn
hồn tiến hóa lên đến chỗ cực điểm. Nhưng, nếu lòng người mê muội, không hồi đầu
giác ngộ, thì hình phạt phải cam.
4 - Thượng Đế chưởng quản Càn Khôn Vũ trụ. Thiên triều gồm có Đấng Trọn
lành phụ sự trong cuộc chưỡng quản ấy.
5 - Luân hồi là cơ tấn hóa của bát phẩm chơn hồn. Trong mỗi kiếp tái sanh,
các Chơn linh gây ra nghiệp duyên, nên tái sanh buộc phải thọ quả. Vì vậy mà
Luân hồi và Quả báo đi đôi.
6 - Thần, Thánh, Tiên, Phật trước vốn là người phàm, nhờ tu mà đắc quả (1).
Vậy thì, tất cả phàm nhơn, ai cũng có thể làm Tiên, Phật, nếu biết tu, nhứt là
gặp "Tam Kỳ Phổ Độ", ban hành luật Đại ân xá, chúng sanh được
may mắn "tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời."
7 - Phàm nhơn là Hồn tại thế, Âm nhơn là Hồn giải thể, cho nên Phàm nhơn và
Âm nhơn có thể thông công bằng cơ bút, đồng cốt, hoặc phương thế nào khác.
Người tu luyện đến bực cao siêu có thể xuất Chơn thần thông công với các
đấng Thiêng liêng, hoặc luyện đắc "Nhãn thông" và "Nhĩ
thông" mà thấy và nghe được Âm nhơn. (2)
8 - Vật chất tan rã rồi hợp thành một thể chất khác, duy chư Hồn là trường
tồn và tuần tự tấn hóa đến mực cuối cùng là chỗ chí thiện.
9 - Âm nhơn mới giải thể còn quyến luyến hồng trần, chưa thoát được buồn
vui đau khổ, bởi còn mang cái chơn thần là tạng chứa tình cảm (3). Âm nhơn cần
có thân nhơn tụng kinh cầu nguyện cho họ được an ủi mà bớt đau khổ.
Kinh cầu siêu (4) rất linh nghiệm vì mỗi tiếng tụng lên vốn có sức rung động
huyền diệu vô cùng. Sức rung động ấy, hiệp với sức tư tưởng mạnh mẽ và thành
kỉnh của người tụng kinh (5) gây thành một mãnh lực phi thường đánh tan Chơn
thần của Âm nhơn, giúp cho họ mau giải thoát đau khổ và hình phạt thiêng liêng,
đặng đi đầu thai sớm được.
10 - Con người thọ sanh tại thế đều có số mạng định đoạt do nghiệp duyên
của mình đã tạo ra trong kiếp trước. Cho nên người biết đạo bao giờ cũng an
phận tùy duyên, chẳng vì nghèo túng mà trễ nải việc đạo.
Nếu con người biết chuyên làm lành lánh dữ cùng tu âm chất trong kiếp đương
sanh, thì có thể chuyển họa ra phước. Định mạng là Trời mà lập mạng là Ta vậy.
11 - Tân luật có ảnh hưởng rất lớn lao về Tiên phong Phật sắc của người tu
trong Đại Đạo; chẳng giữ "Tân luật" là trái phép Đạo, mà trái
phép Đạo, không bao giờ vào được Bạch ngọc Kinh.
12 - Muốn đắc quả, phải dự thí ở trường thi "Công quả"
nghĩa là phải phổ độ chúng sanh. Không làm đặng thế nầy, phải tìm thế khác mà
làm âm chất thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt được phẩm vị
thiêng liêng.
(1) Ngoại trừ các đấng Tiên, Phật của Thượng Đế hóa ra từ khi khai Thiên
tịch Địa để giúp Ngài trong công cuộc khai hóa.
(2) Không phải nghe thiệt tiếng mà chỉ nghe cái âm ba của tư tưởng.
(3) Nhiều Âm hồn còn oán giận, mong tìm cách phá khuấy kẻ thù mà báo oán
(4) Đại Đạo có "Di lạc Chơn Kinh" là kinh cầu siêu rất
quí.
(5) Người tụng kinh phải là một vị đạo đức chơn tu, mới có tư tưởng mạnh mẽ
và kỉnh thành. Đồng nhi tụng kinh cũng tạm được, vì là Chơn linh còn trong sạch
và vô tội.
CHUNG


Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét