Lịch Sử và Triết Lý Đạo Cao Đài - 6 / 6 (TDĐN. Gabriel Gobron)


Giáo hội được khai sanh ở Nam Kỳ vào năm 1926 và được chánh thức tuyên bố bằng một văn thơ của Ngài Lê Văn Trung vừa mới mất, cựu Hội viên Hội Đồng Chánh phủ Thuộc địa, trở thành sau đó là Quyền Giáo Tông (Giáo Tông thực thụ là chơn linh Đại Tiên Lý Thái Bạch) gởi cho Thống Đốc Nam Kỳ ngày 7-9-1926.

Vị lãnh đạo hiện nay của Đạo Cao Đài là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc,
mà người đại diện chính thức của Đức Ngài tại Sài Gòn là Phối Sư Trần Quang Vinh.

Nhiều cựu Chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài Tây Ninh tự tách ra khỏi Giáo hội, và thành lập nhiều Chi Phái riêng biệt, giữ nguyên cái tên Đạo Cao Đài cho Giáo hội của họ. Ông Nguyễn Ngọc Tương, cựu Phủ (Phái Bến Tre) và ông Nguyễn Văn Ca, cựu Đốc Phủ (Phái Mỹ Tho).

Nhiều tín đồ khác noi theo cùng con đường nầy và lập ra những Phái khác.
Hiện nay, năm 1848, có 11 Chi Phái của Giáo hội Cao Đài. Bởi lo lắng về sự chính xác và vô tư và theo tinh thần của Anh Gago, đây là danh sách của các Phái và Chi nầy với danh tánh của vị đứng đầu và trụ sở chánh của mỗi Chi Phái:
Viết tắt: TDM: Thủ Dầu Một.
 TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

Đặc điểm chánh của Đạo Cao Đài là thờ phượng Đấng Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, đó chính là Ông Trời, cũng được thờ phượng dưới danh hiệu là Ngọc Hoàng Thượng Đế, bởi Năm nhánh đạo được đặt tên sau đây.

Bây giờ, đây là danh sách Năm nhánh hiện nay của Phật giáo:
Hướng về hiệp nhứt

Vào năm 1945, Tòa Thánh Tây Ninh có sáng kiến làm một cuộc hiệp nhứt tất cả các Chi và các Phái.

Ông Nguyễn Hữu Đắc, cựu Hội viên Hội Đồng Thành phố Chợ Lớn được giao cho sứ mạng nầy. Thái độ của ông Đắc được xét đoán không hợp với tinh thần cổ động của Tòa Thánh nên Tòa Thánh công khai từ bỏ dự án nầy.

Ông Đắc vẫn tiếp tục theo đuổi các cuộc thương nghị để cuối cùng đạt kết quaû là một phiên họp tại chùa Minh Tân ở Vĩnh Hội (Sài Gòn), thành lập một tổ chức lấy tên là Cao Đài Hiệp Nhứt, một Ủy Ban được bầu ra với ông Cao Triều Phát ở Bạc Liêu làm Chủ tịch và ông Lê Kim Tỵ làm Phú Chủ tịch.

Tổ chức Cao Đài Hiệp Nhứt nầy không có sự tham dự của Giáo hội Chính thống ở Tây Ninh và phần đông các Chi phái khác đáng kể là phái Bến Tre và phái Mỹ Tho.

Vào tháng 9 năm 1946, ông Lê Kim Tỵ, Phó Chủ tịch, toan tính một cách vô ích là triệu tập một Đại Hội các Chi phái, trước hết định tại chùa Minh Tân ở Vĩnh Hội, sau đổi qua ở đền thờ Bạch Vân Am của ông Nguyễn Ngọc Thơ ở Phú Lâm (Chợ Lớn), nhưng các vị chủ chùa không thừa nhận trách nhiệm của những hành động và cử chỉ của người đề xướng cuộc họp.

Rốt cuộc, ông Lê Kim Tỵ lợi dụng một cuộc đàn cúng tại nhà của ông cựu chuẩn úy Bùi Văn Nhân ở Phú Nhuận vào dịp Rằm tháng 8 âm lịch (ngày 10 tháng 9 dương lịch) để  tự hoan hô mình là Chủ tịch của tổ chức Cao Đài Hiệp Nhứt bởi một nhóm tín đồ của phái Tiên Thiên, trong đó có liên kết vài tín đồ của các chi phái khác không được Hội Thánh của họ gởi tới. Ông Nhân được đưa lên làm Phó Chủ tịch.

Đạo Cao Đài chính thống ở Tây Ninh không có một liên hệ nào với “Cao Đài Hiệp Nhứt”.

Đó là điều tốt để báo hiệu những khuynh hướng khác nhau nầy một cách chính xác để tránh những lầm lộn và để điều khiển tất cả những vị nào ước mong sự hợp nhứt, sự tổng hợp, lập thành một Giáo hội, hướng đến một điểm thực sự và duy nhứt hiện nay là sự tỏa sáng rực rỡ của Đạo Cao Đài, hướng đến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ở Tây Ninh và hướng đến vị đại biểu hoạt động tại Sài Gòn : Ngài Phối Sư Trần Quang Vinh.

Sau cùng, đây là cái nhìn tổng quát về cơ chế tổ chức và hệ thống Chức sắc của Đạo Cao Đài :

a)  TÒA THÁNH :

Tòa Thánh tọa lạc tại Tây Ninh, cách tỉnh lỵ 4 cây số.
Người ta thấy một Đền Thờ lớn, một tác phẩm kiến trúc tôn giáo tân thời kiểu Việt-Trung, do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lãnh hội và thực hiện bởi chính mình Ngài, mà độ to lớn được so sánh với các Đại Giáo đường ở Âu Châu.

Các cơ sở quan trọng của tôn giáo được thiết lập nơi đây, cũng như các sở khai khẩn về canh nông, về lâm sản, và về kỹ nghệ (xưởng cưa gỗ, lò gạch, vv ... ).

Đó là một thành phố Thánh, có một trường học, một bệnh viện, một cái chợ, một sân thể thao, với những con đường rộng rãi sạch sẽ và được bảo trì tốt.

Hiện thời, nhiều toán thợ của tất cả các ngành chuyên môn chăm lo một cách sôi nổi các công việc sửa sang và kỹ thuật kiến trúc thành thị.

Châu vi Tòa Thánh được phòng vệ bởi Cơ Thánh Vệ, được trang bị bán quân sự, đang chuẩn bị chiêu mộ những lính mới cho các bót gác tự vệ trong các tỉnh.

Tòa Thánh che chở một số dân chúng hơn 10.000 người. Bên ngoài hàng rào của Tòa Thánh cư ngụ nhiều tín đồ qui tụ về đây ước chừng hơn 30.000 cư dân.

Việc chưởng quản của Đạo Cao Đài gồm :
            I . Cửu Trùng Đài hay Cơ quan Hành pháp, thể hiện quyền hành thế tục.
            II . Hiệp Thiên Đài hay Cơ quan Tư pháp, thể hiện quyền hành tinh thần. Về mặt Bí pháp, đây là cơ quan nắm giữ  quyền hành thần bí.
            III . Cơ Quan Phước Thiện hay Hội công tác Từ thiện.

I . Cửu Trùng Đài

Đứng đầu Cửu Trùng Đài, ngự trên ngai là Đức Giáo Tông, mà người thiệt thọ là Chơn linh Đại Tiên Lý Thái Bạch. Từ lúc sáng lập Đạo, Ngài Lê Văn Trung là người phàm duy nhứt nhận chức Quyền Giáo Tông và là người thực sự lãnh đạo tôn giáo. Ngài không có người nối chức thay thế. Khi khuyết tịch phẩm Giáo Tông, Đức Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Đài trở thành vị lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài.

Hệ thống Chức sắc của Cửu Trùng Đài được thiết lập một cách giản lược theo cách sau đây :
Để quản lý về hành chánh trong tôn giáo, Cửu Trùng Đài gồm có 9 Bộ tôn giáo hay Viện :
            1 . Lại Viện  :     Nội vụ.
            2 . Lễ Viện :       Nghi lễ.
            3 . Hòa Viện :     An ninh.
            4 . Hộ Viện :      Tài Chánh.
            5 . Lương Viện : Lương thực.
            6 . Học Viện :    Giáo dục.
            7 . Nông Viện :  Canh Nông.
            8 . Công Viện :  Công trình và Kiến trúc.
            9 . Y Viện :        Sức khỏe.

II .  Hiệp Thiên Đài

Đứng đầu Hiệp Thiên Đài là Đức Hộ Pháp (Chưởng quản tối cao Cơ quan Tư pháp) có Thượng Phẩm và Thượng Sanh phụ tá.

Ba vị Chức sắc cao cấp nầy chỉ huy Thập nhị Thời Quân (12 thành viên của Cơ quan Tư pháp).

Hệ thống Chức sắc Hiệp Thiên Đài được thiết lập theo Thánh giáo với cách sau đây :
Chú thích: Dịch giả có sửa chữa vài chi tiết cho đúng theo Hiếp pháp của
                    Hiệp Thiên Đài hiện nay.

III.  Cơ Quan Phước Thiện

Cơ Quan Phước Thiện có nhiệm vụ chánh là chăm nom những người già cả, các góa phụ, các cô nhi, tóm tắt là tất cả những người xấu số ở đời, dầu thuộc trong Đạo Cao Đài  hay còn ở ngoài đời. Cơ Quan Phước Thiện còn nâng đỡ về tinh thần và vật chất các gia đình của các Chức sắc đã tình nguyện từ bỏ gia đình để hiến thân hoàn toàn cho Đạo.

 Muốn đi đến mực đích nầy, Cơ quan Phước Thiện cần phải chuẩn bị các phương tiện tài chánh và vật chất cần thiết. Vì thế Cơ Quan Phước Thiện được phép của Hội Thánh giao phó việc khai khẩn lâm sản và kỹ nghệ, mở mang việc canh tác trồng lúa, trồng cây lương thực, nghề chăn nuôi các giống trâu bò và tất cả các hoạt động thương mãi nội địa. Sự tụ hội của các tín đồ tình nguyện của Cơ Quan Phước Thiện được sử dụng tùy theo khả năng và kỹ thuật của mỗi người.
 Vào lúc nầy, Chức sắc cao cấp nhứt của Cơ Quan Phước Thiện mới đạt tới phẩm Chí Thiện.

b)  TRONG CÁC TỈNH

Vì những lý do trật tự thực tế, Đạo Cao Đài đã chọn các địa phận tôn giáo (tỉnh, huyện, làng) theo sự phân chia hành chánh hiện có của Nam Kỳ.
Đạo Cao Đài gồm có 5 Trấn Đạo, điều khiển bởi các vị Khâm Trấn Đạo mà người thụ chức được chọn trong những Chức sắc hàng Giáo Sư. Các vị nầy làm phận sự thanh tra.
Mỗi Tỉnh Đạo (Châu Đạo) có vị đứng đầu là Khâm Châu Đạo mà người thụ chức là Chức sắc hàng Giáo Hữu.
Đầu Tộc Đạo cai quản một Quận Đạo (Tộc Đạo), tương ứng với một Quận hành chánh, được chọn trong hàng Lễ Sanh.
Đầu Hương Đạo làm đầu một Làng Đạo (Hương Đạo), phẩm Chánh Trị Sự (Chức sắc tiểu cấp).

Phó Trị Sự hay Tri Lý Đạo và Thông Sự hay Thông Lý Đạo (Chức sắc tiểu cấp) trong nom một Ấp Đạo.
Các Chức sắc của các Châu Đạo cư ngu,ï hoặc trong các Văn Phòng được đặc biệt tổ chức vì công việc nầy, hoặc ở trong các Thánh Thất nơi đó có thiết lập các Văn Phòng làm việc.

ĐẠO CAO ĐÀI: QUỐC ĐẠO
Tôn giáo của nước Việt Nam

MỘT TÀI LIỆU NĂM 1946.
Đạo Cao Đài: Nguồn gốc, Đặc tính, Kế hoạch.

Đạo Cao Đài là một tôn giáo chủ yếu về tâm linh, sự sáng lập Đạo Cao Đài có nguồn gốc ở Thần linh học. Giáo lý và sự thờ cúng của Đạo được chỉ dạy cho các tín đồ bởi dụng cụ thông công là cây Ngọc cơ. Những Thánh giáo phát xuất từ Đấng Thượng Đế tối cao, cũng chính là Đấng Cao Đài, hoặc từ các Đấng chơn linh thượng đẳng như Đức Lý Thái Bạch, thi hào của nước Trung hoa thời nhà Đường, trở thành Giáo Tông thiêng liêng hiện nay của Đạo Cao Đài. Những chơn linh của các vĩ nhân ở Âu châu, trong đó có Victor Hugo tức là Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn thường giáng cơ viết bằng thi văn các giáo huấn về tôn giáo.

Đạo Cao Đài là một hỗn hợp, một tổng hợp của các tôn giáo hiện hữu : Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, vv... Đạo Cao Đài không hủy bỏ sự thờ cúng linh hồn người chết, sự Thánh hóa các vị anh hùng thời cổ của Trung hoa và Việt Nam.

Cách kiến trúc của Đền Thánh (Tòa Thánh) làm cho các du khách ngoại quốc thán phục bởi quan niệm táo bạo và khuôn khổ của nó, được gợi ra bởi Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch cho Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, lãnh đạo hiện nay của Đạo Cao Đài, người có công lao xứng đáng thực hiện tòa lâu đài nầy với những phương tiện rất eo hẹp trong những hoàn cảnh hết sức bất lợi. Tòa Thánh được trang trí một cách mỹ thuật với tất cả những biểu tượng của tôn giáo phối hợp với những thần thoại và tín ngưỡng của phong tục địa phương Hoa Việt. Sự pha trộn phức tạp nầy làm thành một lâu đài vĩ đại có tính cách đặc sắc lớn lao.

Cái đặc sắc nhứt của sự cải cách là Nghinh Phong Đài, từ đó vang lên một cách huyền bí những âm thanh du dương và mê hồn của một ban đồng nhi hòa giọng tụng kinh, không thể thấy được. Bên trên Nghinh Phong Đài là một con thú thần thoại,  con Long Mã, có mang trên lưng những dấu hiệu đầu tiên của Bát Quái Đồ.

Sự thờ cúng có những nét riêng biệt. Sự lạy, không phải hai bàn tay xòe phẳng ra rồi ghép lại, mà hai bàn tay chấp lại thế nào để tạo thành một quả cầu, một ngón tay cái được giấu vào bên trong. Thay vì dùng 3 cây nhang theo truyền thống, người ta đốt 5 cây nhang vào mỗi thời cúng. Những cúng phẩm là : hoa, rượu và trà, được đặt trên bàn thờ,  nơi đó thờ các Đấng thiêng liêng Đông phương và Đức Chúa Jésus đặt kế bên. Biểu tượng thờ cúng trong tôn giáo là Thiên Nhãn, chiếu ra các tia sáng trên một quả càn khôn. Đó là ánh sáng vĩnh cửu.

Nền tảng của hành chánh đạo là tổ chức của một nước tân thời, có Cửu Trùng Đài cầm quyền hành pháp và Hiệp Thiên Đài cầm quyền tư pháp và Cơ Quan Phước Thiện là một dấu hiệu đặc biệt của Đạo.

Cửu Trùng Đài hay Quyền hành pháp được phân chia làm 3 phái :
- Phái Thượng hay Tiên giáo tượng trưng: màu xanh da trời.
- Phái Ngọc hay Khổng giáo, tượng trưng: màu đỏ.
- Phái Thái hay Phật giáo, tượng trưng: màu vàng.

Ba màu nầy hợp thành lá cờ Tam Thanh của Đạo Cao Đài.

Chế độ của Đạo Cao Đài chính thật là dân chủ. Những sự bổ nhiệm và thăng phẩm trong hệ thống Chức sắc được đặt, trước hết dưới quyền của một Hội nghị của các tín đồ gọi là Hội Quyền Vạn Linh, gồm những đại diện của các tín đồ ở địa phương, cử ra 1 đại biểu bởi 500 tín đồ hay phân số 1/500; kế đó, họ phải chịu dưới quyền của Hội Thánh, rồi Thượng Hội, và sau hết là Đức Giáo Tông thiêng liêng Lý Thái Bạch.

Tòa Thánh được đặt tại tỉnh Tây Ninh, cách tỉnh lỵ chừng 4 cây số.

Đó là thành phố có bề mặt 100 mẫu, có nhiều ngôi kiến trúc tân thời, nhà in, bót cảnh sát, sân thể thao, nhiều xưởng dệt và chế tạo bàn ghế, những văn phòng hành chánh và cả cơ sở tang lễ. Thành phố tôn giáo nầy có nhiều lò gạch, xưởng cưa gỗ, nhiều xưởng công tác, các phòng trù và các trai đường có kích thước đáng nể.

Đạo Cao Đài hiện hữu 22 năm (từ 1926 đến 1948), nó có thể mở rộng thêm nữa, nhưng còn bận nhiều công việc xây dựng và chỉnh đốn.

Đạo đã trải qua những bước đầu khó khăn, những sự ngược đãi xảy ra bởi sự hư hỏng do thiếu hiểu biết của những người nầy và sự hiểm độc của những người khác. Sự bất hòa nội bộ làm nảy sanh đến 11 chi phái bất phục tùng.

Chiến tranh là điều bất hạnh cho Đạo Cao Đài. Sự vắng mặt trong thời gian 5 năm của vị lãnh đạo Phạm Công Tắc, bị lưu đày từ năm 1941 đến 1946 tại đảo Madagascar với 5 vị Chức sắc, làm thiếu vắng những người hoạt động hăng hái nhứt của Đạo.

Những sự phá hoại các nhà cửa dinh thự  và những thứ khác là hậu quả không thể tránh khỏi của các cuộc hành quân chắc chắn đã gây ra. Không còn các văn khố và các thư viện cổ, chỉ còn các tài liện vô giá trị.

Tòa Thánh dự trù hoàn tất, nay còn trong tình trạng sửa chữa lại. Bây giờ, tất cả đều phải xây dựng lại, chỉnh đốn lại, bắt đầu lại. Đối với một tôn giáo, thời gian không đáng kể. Vững mạnh đức tin và sự che chở của thiêng liêng, Đạo Cao Đài tiếp tục con đường đi một cách hiền hòa nhưng chắc chắn để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng.

Kế hoạch tương lai của Đạo ?
Không thiếu những ước vọng còn lại trong lãnh vực của những việc có thể thực hiện được :
" Làm cho Đạo Cao Đài thành Quốc Đạo, một tôn giáo của quốc gia Việt Nam;
Làm cho Tòa Thánh của Đạo Cao Đài là một trung tâm hành hương và du lịch, không chỉ cho Việt Nam và các nước láng giềng, mà nhứt là còn cho các nước xa xôi thuộc Âu châu và Mỹ châu.
Mở rộng sự phổ độ trong khắp thế giới và ít nhứt trong những thủ đô lớn phải có những Thánh Thất, nơi đó các nhà truyền giáo của Đạo Cao Đài sẽ thuyết giảng về tình thương yêu nhơn loại và tình huynh đệ đại đồng."

 Muốn thực hiện các ước mơ nầy, Đạo Cao Đài biết rằng có thể dựa vào sự giúp đỡ của nước Pháp mới, một người bạn vĩ đại và cố vấn giỏi.
Sài Gòn, ngày 10 - 11 - 1946.
TRẦN QUANG VINH.

Ngài Trần Quang Vinh nghĩ gì ?
về LUÂN HỒI CHUYỂN KIẾP
trong Đạo Cao Đài.

Định luật Luân hồi là nguồn gốc của tất cả tôn giáo, khi người ta lên đến tận nguồn cội của sự minh triết. Tất cả những người tìm tòi chơn lý, người Đông phương hay người Tây phương, tất cả các tu sĩ chơn thành, không phân biệt tín ngưỡng, phải quan niệm và thừa nhận rằng, định luật ấy là duy nhứt về phương diện bí pháp và sẽ tồn tại luôn luôn duy nhứt; nơi đó sự quả quyết về tính bất tử của linh hồn và sự tiến hóa của mỗi sinh vật sau nhiều kiếp sống liên tiếp.

Đạo Cao Đài hay Phật giáo canh tân,  muốn thực hiện sự hợp nhứt tôn giáo, nên để ý các nguyên tắc thuần túy được nhìn nhận như là những chơn lý vĩnh cửu của 4 tôn giáo lớn và thực hành sự khoan dung rộng rãi nhứt đối với tất cả hình thức của đức tin, tự dành cho mình việc đem các tôn giáo trở về cái MỘT nguyên thủy bởi sự thuyết phục.

Nay, giáo lý của tôn giáo chúng tôi được xây dựng bởi Thần linh học trên các giáo huấn của THẦY thiêng liêng, dĩ nhiên chúng tôi quan niệm sự luân hồi chuyển kiếp theo cách thức của những nhà Thần linh học của Ấn Độ và của Tây phương, và lấy định luật Nhân Quả như là cái trục căn bản, đã được giảng dạy từ xưa dưới cái ấn bí mật trong các đền thờ của Ấn Độ, của xứ Chaldée (ở Babylone)  và xứ Ai Cập.

Thật là giản dị, dễ hiểu, bởi vì đối với những người bình dân và người học thức, chơn lý không thay đổi hình dáng. Như  mặt trời soi sáng tất cả  mọi người, Thiên điều áp dụng cho toàn thể vũ trụ, cả đến thú vật và thảo mộc.

Mục đích của tất cả tu sĩ  phải chăng là đạt đến sự minh triết của linh hồn ?  Sự vinh quang vĩnh cửu của tất cả chơn linh phải chăng là chiếm đoạt sự giàu có trong đức tính của Trời và trở nên bất tử ?  Kết quả là học để tự biết mình trước tiên, và sau đó, bởi lương tâm, biết các sinh vật phải thế nào ? Muốn đi đến mục đích tối thượng, từ cõi trần vật chất dơ bẩn đến Thần linh trong sạch, tất cả sinh lực, tất cả năng lực, tất cả sinh vật, tiến bước trên con đường của mình với vô số kiếp luân hồi.

Nay ai nói luân hồi tức là nói đến phiền não, ai nói phiền não tức là nói đến tình yêu. Đấng Christ, Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, và Khổng Tử không đi ngoài con đường nầy. Chơn lý được THẦY thiêng liêng chỉ dạy và được quan tâm bởi mỗi vị trong các vị hướng đạo của nhơn loại luôn luôn là Một.

Người nào có chủ trương khác là xa khỏi chơn lý. Đó là những người gấp rút hưởng thụ sự hạnh phúc hoàn toàn và sự an dưỡng hoàn toàn sau các thử thách khó khăn của trần thế,  và muốn đi qua chỉ bằng một cái nhảy vọt từ địa cầu của chúng ta lên từng trời thứ 7 và tới Niết Bàn !  Đối với những kẻ khát vọng nầy, muốn đến thiên đường dễ dàng, phải nhắc nhở họ rằng, những nhà thần bí danh tiếng cũng như  những đại triết gia đã xác nhận những kiếp sống liên tiếp, đã tin tưởng rằng linh hồn khi đạt đến sự trọn lành thì ngừng luân hồi chuyển kiếp để sống một đời sống vũ trụ cao siêu.

Nhưng  muốn đi đến sự trọn lành của linh hồn, thì phải cần có thời gian. Số chặng đường tiến hóa tùy thuộc mỗi linh hồn. Trong khi chờ đợi, những kiếp sống liên tiếp là cần thiết để mở rộng lòng trắc ẩn, để phát triển trí thông minh và để luyện tập ý chí. Lý thuyết nầy là duy nhứt cho một sự giải thích được thừa nhận về sự tiến hóa của linh hồn bằng cách liên kết với định luật luân hồi.

Chính đó là luật công bình đúng mức, chứng tỏ lòng từ bi vô tận và hiện thực của Thượng Đế. Các tạo vật của Ngài chỉ chịu trách nhiệm về những hành động của họ, và lương tâm là một vị quan tòa nghiêm khắc, ghi chép mỗi đau khổ là một bước chân đi đến sự tiến hóa.

Với sự trình bày trên đây, người ta dễ dàng hiểu rằng, con người đầu thai hoàn toàn không khác con người phàm trần mà người ta có thể biết được. Dần dần, từng bước một, con người chồng chất các kiếp luân hồi, linh hồn tự tạo ra một cá tính thường trực, nó vẫn giữ cá tính nầy không thay đổi khi hoàn thiện, mặc dầu thể xác đổi khác để nó hoạt động tạm thời cho sự từ bỏ thể xác  tiếp theo.

Sự tiến hóa của linh hồn đánh dấu rõ ràng tùy theo công đức của mỗi kiếp sống, nhưng sự tiến hóa không ngăn trở linh hồn, trong vài trường hợp, nhớ trở lại một cách tự nhiên các kiếp sống đã qua. Ông Léon Denis, trong vấn đề của con người và số phận, đã cho những chỉ dẫn quí báu về đề tài nầy, và Thượng Đế cho phép điều nầy để cho thế giới bằng chứng thật sự về các kiếp sống liên tiếp của con người.

Trong quyển " Traité des Mystiques égyptiens” (Khái luận về Thần bí Ai Cập), ông Jamblique bày tỏ như sau :
" Công lý của Thượng Đế không phải là Công lý của loài người. Loài người xác định Công lý trên những liên quan lấy ra từ kiếp sống hiện tại và từ trạng thái hiện tại. Thượng Đế xác định Công lý liên quan đến các kiếp sống liên tiếp của chúng ta và toàn cả các kiếp sống của chúng ta.

Như thế, những khổ nhọc mà chúng ta buồn phiền, thường là những hình phạt của một tội lỗi mà linh hồn đã phạm phải trong một kiếp sống trước."

Những người nào toan tính nghịch lại là không hiểu lẽ Công bình thiêng liêng. Giống như ông Allan Kardec đã viết rất đúng: Chúng ta phải được sanh ra và tái sanh để tiến hóa không ngừng.

Sự hiểu biết định luật nầy giúp con người hủy diệt tánh  ích kỷ nơi con người, lòng thù hận, ghen ghét và kiêu căng. Nó sẽ dạy dỗ mọi người chấp nhận khổ đau để hoàn thiện linh hồn và giúp các kẻ đau khổ hiểu biết được các lý do của những sự bất bình đẳng nơi cõi thế gian nầy.

Để đặt các Đấng thiêng liêng lên bên trên nhơn loại, định luật nầy đặt nơi cao nhứt của quả càn khôn cái chìa khóa chủ yếu của tất cả các vấn đề.

CÁC YẾU TỐ CỐT YẾU
của Đạo Cao Đài.

Theo lời dạy của Đức Chí Tôn, những giáo lý của các tôn giáo trải qua nhiều thế kỷ, đã bị biến thể và thi hành không đúng bởi chính những vị được giao phó truyền bá giáo lý nầy. Trật tự và hòa bình của thời xưa tự xóa bỏ, luật pháp về đạo đức của nhơn loại hoàn toàn bị phản bội, thế giới hiện nay đang ở trong chỗ tối tăm.

Cần phải có một tôn giáo mới đủ khả năng giữ gìn nhơn loại trong tình thương yêu các sinh vật và thể hiện tình huynh đệ với tất cả chủng tộc.

Giáo lý của Đạo Cao Đài tự đặt cho mình nhiệm vụ nặng nề nầy. Nơi chơn lý vĩnh cửu, nơi Thiên điều, Đạo Cao Đài thích hợp với các giáo điều và các nguyên tắc căn bản của nó. Đạo Cao Đài tôn trọng các tín ngưỡng của người khác khi những tín ngưỡng nầy không có tính chất hướng dẫn nhơn loại đến chỗ cuồng tín và tà đạo. Ở nơi đó, vài chơn lý bị biến thể bởi những quan niệm mê tín của sự dốt nát, nền tân tôn giáo tự lãnh nhiệm vụ tái lập các giáo lý trong ý nghĩa chơn thật. Mục đích của nền Đại Đạo của chúng tôi có khuynh hướng không chỉ hoà hợp các tín ngưỡng tôn giáo, mà còn thích nghi với tất cả mức độ tiến hóa của tâm linh.

Về phương diện đạo đức: Giáo lý Đạo Cao Đài chúng tôi nhắc nhở con người có bổn phận đối với chính mình, đối với gia đình, đối với xã hội, ấy là một gia đình mở rộng, kế đó đối với nhơn loại, gia đình thế giới;

Về phương diện Triết học : Giáo lý Đạo Cao Đài truyền dạy sự khinh thường danh vọng, sự giàu có, sự xa hoa, tắt một lời là sự giải thoát khỏi những nô lệ vật chất, để tìm kiếm trong tâm linh sự  yên tĩnh của tâm hồn;

Về phương diện văn hóa : Giáo lý Đạo Cao Đài khuyên nhủ sùng bái Thượng Đế, Đại Từ Phụ của tất cả chúng ta, tôn thờ các Đấng chơn linh thượng đẳng đã tạo nên hệ thống trật tự oai nghiêm huyền bí và các Đấng Giáo chủ các tôn giáo lớn, ấy là những Đấng hướng đạo thật sự của nhơn loại.

Về phương diện tâm linh: Giáo lý Đạo Cao Đài xác nhận, với sự đồng ý của các tôn giáo khác và với các hệ thống triết học tâm linh và thể chất, sự hiện hữu của linh hồn và sự tồn sinh của nó nơi thể xác, sự tiến hóa của linh hồn  nhờ trải qua nhiều kiếp sống, cái kết quả sau khi chết của các hành động của con người được định bởi luật Nhân quả.

Về phương diện truyền thụ: Đạo Cao Đài truyền thụ cho các Chức sắc xứng đáng những giáo huấn mặc khải mà nó cho phép, bởi quá trình tiến hóa tâm linh, đạt đến  sự  hưởng thụ toàn phúc.
*
*     *

 Muốn thuyết giảng Tân giáo lý cho mọi người và tập hợp tất cả các con cái của THẦY, chúng ta, những môn đệ của THẦY, chúng ta chỉ lấy sức mạnh và sự khôn ngoan của chúng ta trong các lời giáo huấn thiêng liêng của THẦY. Giáo lý của THẦY là một giáo lý canh tân, duy nhứt đủ khả năng đem lại nền hòa bình thế giới, lấy ra từ sự dung hợp các tôn giáo chánh của Đông phương và Thiên Chúa giáo, và hiện nay lan rộng ra nhiều nơi của địa cầu dưới nhiều hình thức khác nhau. Với THẦY, chúng ta sẽ làm tiêu tán tất cả cái gì sai trái và kiêu căng tự phụ, sẽ lật đổ tất cả chướng ngại và gieo rắc khắp nơi sự khôn ngoan và lòng bác ái.

Chơn lý không tì vết chỉ có thể đến từ THẦY, bởi vì tất cả thể xác con người là chủ thể của các lầm lỗi và không ai nơi cõi trần nầy có thể biết rõ bí mật của THẦY.

Người là Cha thật sự và là THẦY của nhơn loại, bởi vì chính Người đã tạo ra các sinh vật. Là Cha, Người ban cho chúng ta sinh lực, là THẦY, Người di truyền cho chúng ta tính chất thiêng liêng của Người.

GHI CHÚ:  Chơn lý của Phật giáo trên Định luật Nhân Quả cũng luôn luôn là thế. Đức Phật Thích Ca đã nói như vầy :
" Hiện tại là kết quả của Quá khứ, Quá khứ là sự nghiệp của chúng ta.
" Tương lai sản xuất ra hiệu quả mà Hiện tại là nguyên nhân."
Làm tại Sài Gòn, ngày 10-11-1946.
Đại diện của Đức Hộ Pháp Đạo Cao Đài :
TRẦN QUANG VINH.

LỜI CỦA TÒA THÁNH
Nhựt báo Le Kmer (Người Cao Miên) ngày 30-5-1937 đã phỏng vấn vắn tắt Ngài Phạm Công Tắc, lãnh đạo tối cao hiện nay của Đạo Cao Đài.

Đây là bài viết tường thuật cuộc đàm thoại nầy :
" Chúng tôi không quyết định hồi tưởng lại bằng những dòng chữ nầy, sự lộng lẫy và huy hoàng của cuộc lễ đánh dấu lễ Khánh Thành Thánh Thất Cao Đài tại Nam Vang, các đồng nghiệp đã làm tốt trước chúng tôi.

Chúng tôi mới vừa say mê xem xét với các bạn đọc của chúng tôi, với tất cả sự vô tư, những lời tuyên bố của Ngài Phạm Công Tắc, lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài, mà Ngài  muốn nói với chúng tôi.

Chúng tôi cảm động sâu xa và cảm kích sự tiếp đãi  mà chúng tôi nhận được từ nhân vật nầy, với sự khiêm tốn và rất giản dị. Cuộc đàm thoại thân ái và hữu nghị, đượm tình huynh đệ, bởi vì không lúc nào Ngài Phạm Công Tắc hành xử như một Giáo Hoàng, cũng không tỏ ra hẹp lượng.

Đó là một bộ óc rất sáng suốt, những quan niệm tôn giáo của Ngài quả thực có đôi chút khác biệt với chúng tôi, nhưng lý tưởng theo đuổi rất đẹp mà chúng tôi nghiêng mình kính phục trước đức tin chân thành của Ngài, làm chúng tôi nhớ lại những điều đã viết trong tất cả những sách Xướng Kinh trong Lễ Giáng Sinh :
" Vinh hiển thay Đấng Thượng Đế nơi tối cao của các từng Trời. Và nền hòa bình trên địa cầu cho những người tâm thiện !"

Chúng tôi nói thêm rằng, sau khi thấy và nghe, chúng tôi cho rằng, những tín đồ Cao Đài quả thực là những người thiện tâm.

Về câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với Ngài về đề tài Giáo lý được trình bày trong quyển sách tặng cho một cách niềm nở tất cả những khách thăm viếng, đã được bày tỏ:
" Thật ra Ngài  không phải là người đa Thần, nhưng trên nguyên tắc, Ngài là người đa Thần, bởi vì ngoài việc sùng bái chánh thức Đấng Thượng Đế tối cao, Ngài còn cho phép các tín đồ tự do thờ các Thần Linh khác đã chinh phục tâm hồn của họ."

Thật vậy, chúng tôi xin Ngài Phạm Công Tắc để ý rằng, trong tất cả biểu lộ cho loài người về vấn đề các Đấng Thần Linh, một việc đã thành, cũng như đối với những nhà huyền bí học, chỉ có một Đấng Thượng Đế duy nhứt với ba hình thể (Tam vị nhứt thể)  mà người ta chỉ định gọi là “Thượng Đế Ba Ngôi”.

Ngài Phạm Công Tắc đáp :
- Điều nầy đúng, nhưng đối với chúng tôi, Thượng Đế là: " Vô Lượng, Vĩnh Cửu, Tối Cao, Tuyệt Đối,  và Vô Danh." Trong tôn giáo của chúng tôi, tiếng "Thần Linh" làm cho quí vị chướng tai, nó không có nghĩa thuộc về ngoại đạo tà giáo mà quí vị gán cho nó, nó chỉ định một cách đơn giản là các Chơn linh hoàn toàn tách rời hẳn vật chất và tiến tới gần nhứt Đấng Tối Cao. Đó là vài bực Thánh.

Danh từ "Đấng Vĩnh Cửu" của chúng tôi được các dân tộc khác gọi bằng nhiều hình thức khác nhau. Những danh từ khác nhau nầy lại phân chia nhơn loại thay vì hợp nhứt nhơn loại, cho nên chúng tôi không gọi Đấng ấy là Thượng Đế mà gọi là Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối, Đấng Vĩnh Cửu.

Với một câu hỏi khác liên quan Đấng Christ, Ngài trả lời rất minh bạch :
" Chúng tôi không tìm cách hủy diệt giáo lý của Đấng Christ, trái lại, chúng tôi sẽ làm vững chắc thêm, bởi vì không thể chối cãi sự hiện hữu của Chúa.  Những cố gắng của chúng tôi có mục đích sửa soạn việc phục hưng toàn thể nhơn loại bằng tâm linh. Nhơn loại dường như quên hết các câu phương châm của Chúa, nếu tuân theo các phương châm nầy thì sẽ giữ được hòa bình trên thế giới.

Đạo Cao Đài là cây cầu bắc qua cái hố sâu (tưởng như không thể vượt qua được) chia cách  Đấng Christ và Đức Phật Thích Ca, mà Đức Phật là người đi trước, sự hòa hợp của hai giáo lý bổ túc cho nhau và cần thiết cho sự hợp nhứt các dân tộc  Tây phương và Á châu, để cho tình huynh đệ được thạnh hành giữa các dân tộc.”

Chúng tôi chỉ biết nghiêng mình kính phục trước những lời nói khôn ngoan như thế, hơn nữa nó lại thích hợp với những lời nói của Đấng Christ do Thánh Mathieu, tác giả sách Phúc Âm, thuật lại :
" Ta không đến xóa bỏ luật pháp, những nhà tiên tri; Ta đến để tiếp nối và bổ khuyết họ."

Hơn nữa, người ta tò mò nhận xét rằng, từ vài năm nay,  trong toàn thế giới, số người lưu tâm đến những Thánh giáo tăng lên không ngừng; cái nhu cầu tín ngưỡng nầy thật tiêu biểu và đối với chúng ta là bằng chứng hiển nhiên  mà ông Daniel và Thánh Jean đã nói tiên tri về thời kỳ mà Đấng Christ sẽ trở lại thế gian nầy để phân phát cho mỗi người sự thưởng phạt của Ngài và thời kỳ đó gần đến từ nay.

Cũng thế, chúng tôi chỉ có thể hoan hỷ về công trình thực hiện  bởi Đạo Cao Đài để đem về cho Đấng Christ những con chiên lạc loài ở  Viễn Đông bởi sự chuyển tiếp cần thiết theo lời nói của Thánh Jean:
" Người ta không chỉ có một mục đồng duy nhứt và một đàn chiên duy nhứt."

Tờ báo Le Populaire d’Indochine (Người bình dân Đông Dương) ngày 27-11-1936 cũng có một cuộc đàm luận với vị lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài trong những trường hợp sau đây:
" Từ hôm qua, một đám đông mà người ta ước lượng vài chục ngàn người, đứng đầy các lối đi, những khu vườn và những lùm cây của Tòa Thánh Tây Ninh.

Họ tới từ khắp các nơi của Nam Kỳ, những người nầy đi thuyền, những người kia đi xe bò. Họ cắm trại ở ngoài trời, đàn ông đàn bà, họ ngồi trên những chiếc chiếu trải kế bên mấy con bò to lớn đã đưa họ đến đây.

Tòa Thánh Tây Ninh đang trong cuộc lễ.
Tòa Thánh Tây Ninh làm lễ kỷ niệm Đại tường mãn tang Cố Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.
Trên quảng trường của Đại Đồng Xã, ánh mặt trời chiếu sáng chói chan, có một bàn thờ lớn được dựng lên để tưởng niệm vị Cựu lãnh đạo của Đạo Cao Đài.

Trên bàn thờ nầy, được căng ra một tấm vải khổng lồ, trình bày chơn dung Ngài Lê Văn Trung trong bộ đạo phục.

Hai bên cạnh của cái đàn vĩ đại mà chính nó là quảng trường của Đại Đồng Xã, đứng sắp hàng theo từng tỉnh,  những phái đoàn đại biểu trong nước với những vị trưởng đoàn cùng cờ lịnh và phướn. Một qui định mới được thiết lập sau cái chết của Ngài Lê Văn Trung, qui định ngày Đại tường sau 20 tháng chớ không phải 24 tháng. Nhưng đối với Ngài Lê Văn Trung, qui định cũ vẫn được duy trì.

Trong khi chờ Đại lễ vào ban đêm, chúng tôi đến viếng thăm người kế vị Ngài Lê Văn Trung là Ngài Phạm Công Tắc trong một ngôi biệt thự nhỏ ở cuối đường Thượng Trung Nhựt. Ngài Phạm Công Tắc tiếp chúng tôi với vẻ lịch sự tế nhị mà mỗi người đều biết. Ngài rất vui lòng trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi :
- Ngài có thông công được với chơn linh của Ngài Lê Văn Trung không ?
- Có, nhiều lần rồi.
- Bởi chính mình Ngài hay bởi trung gian của đồng tử ?
- Bởi trung gian của một đồng tử, mặc dầu Bần đạo  chính là một đồng tử và Bần đạo có thể trực tiếp tiếp xúc với chơn linh của Cố Quyền Giáo Tông.
- Ngài có khuyên bảo điều gì không ?
- Ngài khuyên chúng tôi cố gắng mở rộng tôn giáo cho tất cả đức tin, tất cả tín ngưỡng, trong một tinh thần rộng rãi của sự khoan dung, diệt trừ các sai lầm của chủ nghĩa duy vật ở khắp mọi nơi mà chúng tôi gặp phải.
- Xin nói cho chúng tôi biết về công trình truyền Đạo Cao Đài nơi các nước ngoại quốc.
- Đó không phải là một công trình dễ dàng vì nó phải thích hợp để không đánh thức những tính mẫn cảm của quốc gia mà mình đến. Đối với cuộc truyền đạo của chúng tôi nơi nước Trung hoa, những thành phần của phái đoàn đã được chỉ định, nhưng lúc nầy họ đang hoàn thành sự huấn luyện văn hóa trong Hạnh đường.
- Có bao nhiêu Hạnh đường của Đạo Cao Đài ?
- Hai: một tại Tòa Thánh và một tại Nam Vang. Chánh phủ có khuyên chúng tôi nên bỏ qua, nhưng việc ấy không thể được vì phải huấn luyện các giáo sĩ chơn thật.
- Có nhiều người Pháp trong tôn giáo của Ngài không?
- Có chứ ! Nhiều người Pháp gia nhập vào tôn giáo chúng tôi bằng thơ từ. Ở Pháp, Bà Félicien Challaye đảm nhận quyền hành chánh với phẩm Giáo Sư  (đối phẩm Giám Mục), trong lúc đó, ông Gabriel Gobron đảm nhận quyền tư pháp với phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn (nghĩa là người đào tạo).

- Hiện nay Đạo Cao Đài có bao nhiêu tín đồ ?
- Có một lúc, chi phái Bến Tre làm thiệt hại tôn giáo chúng tôi, làm cho nhiều tín đồ ra đi. Nhưng nay thì chúng tôi khôi phục lại được 9 phần 10 số tín đồ mà chúng tôi có được lúc Đạo Cao Đài bành trướng mạnh nhứt. Con số lên đến một triệu tín đồ. Ở Bắc Kỳ, chúng tôi có từ  5 đến 7 ngàn  tín đồ.

Đến đây, chúng tôi xin cáo từ Ngài vì có nhiều người khách cũng  muốn hầu chuyện với Ngài.

Từ 7 giờ tối, các vườn của Tòa Thánh sáng rực với hàng ngàn đèn lồng, trong khi đó những hình bằng giấy tượng trưng các vị Thần  chiếu ra ánh sáng êm dịu. Mặt trăng  trong suốt làm cho buổi lễ  nầy có tính chất huyền ảo nhẹ nhàng.

Hàng chục ngàn tín đồ đã chiếm các địa điểm dành riêng cho họ để chờ xem lễ rước diễn hành. Và người ta không thể phủ nhận  một đôi chút huyền bí  toát ra từ đám rước im lặng, từ màu trắng của ánh trăng và từ cuộc diễn hành không dứt dưới những cây to đứng im lìm trong gió nhẹ, không bị xao động bởi một tiếng kêu nhỏ nào.

Sau cùng, giữa những kẻ đối nghịch, Đạo Cao Đài cũng gặp được các nhà Thần linh học, vài nhà Thần linh học nào đó, mặc cho nguồn gốc của Đạo Cao Đài và những thực hành Thần linh học (ít nhứt, trong Hội Thánh mới đủ điều kiện). Cái đó liên quan đến điều gọi Thần linh học là rượu mới làm vỡ tan các bầu rượu cũ: một đám đông tín đồ không hiểu biết gì về sự bùng nổ của Thần linh học trong thế giới tối tân của chúng ta, cãi cọ nhau, tranh giành nhau để biết Thần linh học là một triết lý, một khoa học, một tôn giáo, không hiểu rõ (hay không  muốn hiểu rõ) rằng, Thần linh học đồng thời là tất cả những cái đó, và không chịu đựng nổi sự phân chia giả tạo nầy của những kẻ học thức rởm hay dốt nát.

Chúng tôi có những quốc gia Thần linh học tôn giáo (Anh, Ba Tây, vv ...) và những quốc gia Thần linh học khoa học (Pháp, Ý, Cuba, Argentine, vv ...)  Hay hơn hết : trong cùng một quốc gia, người ta thấy nhiều nhóm khuynh hướng Thần linh học tôn giáo (Thần linh học cơ đốc ở nước Anh, nước Pháp, vv ...) và những Hội Thần linh học khuynh hướng khoa học (Tạp chí Thần linh học ở Ba-lê, Tạp chí Thần linh học Bỉ ở Liège, vv ...)

Những người theo Thần linh học khoa học, một cách tổng quát, thù nghịch Đạo Cao Đài, họ trách cứ các lễ cúng, các nghi lễ, Hội Thánh, những giáo lý đại cương của Đạo Cao Đài và thiếu chút nữa, những nhà truyền giáo nầy trục xuất Đạo Cao Đài cũng như  không  muốn nghe về Đạo Cao Đài !

Tôi biết điều gì mà tôi nói và viết những nhận xét khổ tâm nầy...... Họ  muốn, hơi một chút, một Á châu có tính Voltaire (duy vật) hơn cả Voltaire ! Một sự dốt nát như thế không thể khuyến khích .....

Ngài Phạm Công Tắc, lãnh đạo cao cấp của Đạo Cao Đài, viết thư cho tôi ngày 25-3-1935 từ Tòa Thánh Tây Ninh (Nam Kỳ) một bức thơ mà tôi công bố ra đây, không phải vì những lời đánh giá khen tặng tôi, mà vì bức thơ nầy có những lời giáo huấn và những lời chính xác chứa trong đó. (Có lẽ người ta tin tưởng tôi nếu tôi thú nhận điều nầy: tôi không còn cố gắng làm việc, làm việc một cách vô ngã, vô danh, như tất cả những người thọ giáo tiến bộ phải làm cho việc phụng sự xã hội, nhưng tôi cố gắng thờ ơ hoàn toàn trước những lời ca tụng hay chỉ trích, phát biểu trên tác phẩm của tôi và trên tôi).

" Hiền hữu thân mến,
" Hiền hữu Vinh (Trần Quang Vinh) có cho Bần đạo xem tất cả thơ từ  của Hiền hữu, cũng như những bài báo của Hiền hữu xuất hiện trong nhiều tạp chí.

" Cho phép Bần đạo cám ơn Hiền hữu đến tận đáy lòng là Hiền hữu đã bận rộn phục vụ giáo lý mới với lòng tận tụy cao quí. THẦY thiêng liêng của chúng ta để ý đến Hiền hữu và chúng tôi cầu xin THẦY ban cho Hiền hữu một sức khỏe tốt hơn để tiếp tục công trình không gián đoạn mà Hiền hữu đã thực hiện một cách tốt đẹp.

" Ngay chiều nay, vì mục đích nầy, Bần đạo sẽ chứng đàn và dâng lên THẦY một thỉnh nguyện. Hiền hữu nên tin chắc rằng Bần đạo rất khổ tâm khi biết rằng Hiền hữu đau bịnh và thỉnh thoảng cơn bịnh hoành hành làm Hiền hữu không ngồi dậy nổi. Hiền hữu phải có một sức khỏe tốt để làm việc. Con người chỉ có một  ít năm để sống trên cõi trần nhiều thử thách và đối với con người, thời gian quí báu, rất quí báu khi con người biết sử dụng nó.

" Nhơn loại đã sống trong đau khổ, bổn phận của chúng ta là tìm tòi bằng tất cả phương tiện để, nếu không tiêu diệt được các đau khổ thì  ít nhứt là làm cho nó nhẹ bớt.

" Còn được bao nhiêu hơi thở của đời sống, chúng ta hãy làm việc, làm việc luôn luôn cho sự phục sinh nhơn loại, cho tình huynh đệ của các giống dân, cho nền hòa bình thế giới, một nền hòa bình nhiều hứa hẹn (và rất  ít thực hiện).

" Đó là nhờ sự hoạt động không mệt mỏi của Hiền hữu mà Hiền hữu cố gắng làm cho nhiều người hiểu biết giáo lý mới của Đạo Cao Đài trong nhiều trung tâm của nhiều quốc gia. Bần đạo xin Hiền hữu bền lòng trong phận sự của mình, bởi vì Bần đạo tin chắc rằng, một ngày rất gần đây, những nổ lực của Hiền hữu được khen ngợi thành công.

" Bần đạo quả quyết rằng, THẦY thiêng liêng của chúng ta và nhiều Đấng thiêng liêng chăm nom Hiền hữu và cổ xúy Hiền hữu một cách huyền diệu.

" Nên luôn luôn liên lạc mật thiết và liên tục với các Câu Lạc Bộ Thần linh học và làm cho các vị trong Câu Lạc Bộ nầy hiểu chúng ta, những người ở Nam Kỳ, do theo Thiên ý, chúng ta chỉ có một sứ mạng nhỏ là tạo ra một cách giản dị một Hội Thánh, để chúng ta khắc ghi vào lòng một đức tin, một đức tin vĩ đại nơi Thượng Đế và phải hội hiệp tất cả các sứ giả Thần linh học của toàn thế giới để sửa soạn một giáo lý mới đủ khả năng canh tân thế giới trong con đường chơn lý, để rồi nhơn loại không còn đi vào chỗ tối tăm và họ biết được họ từ đâu đến, những gì phải làm trong kiếp sanh hiện tại và cái gì mà họ sẽ trở thành sau khi chết.

" Hiền hữu được đặc biệt chỉ định làm một nhiệm vụ lớn lao nầy. Vì thế, Đức Chí Tôn ban cho Hiền hữu biết được nhiều thứ tiếng. Hiền hữu có được lợi thế lớn hơn chúng tôi ở nơi đây, chúng tôi, ngoài tiếng mẹ đẻ, chỉ nói và viết Pháp văn không hoàn hảo.

" Bần đạo biết rằng những nhà Thần linh học nơi họ có những nguyên tắc không đổi, rằng họ không thích tôn giáo, không thích nghi lễ bề bộn, rất khó làm cho họ chấp nhận ý tưởng của chúng ta và tiếp nhận một đức tin mới. Nhưng Bần đạo tin tưởng Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng sẽ giúp đỡ chúng ta trong nhiệm vụ khó nhọc nầy và khi thời cơ đến, vị thầy của họ là Allan Kardec sẽ biểu thị để đem họ về với chúng ta. Chơn linh Victor Hugo dưới ẩn danh “Biểu Tượng” sẽ gởi cho họ nhiều thông điệp.

Phần khác, Hiền hữu François ở Nam Vang có thông báo với Bần đạo bức thơ trả lời cho Hiền hữu Henri François ở Pháp. Bần đạo chấp nhận đầy đủ lời lẽ trong thơ . . . Bần đạo rất vui vẻ lập lại câu nầy: " Những nhà trí thức, những nhà bác học thường cực đoan. Họ, hoặc vô thần hay tín ngưỡng, đôi khi đến chỗ không khoan dung nếu không nói là cuồng tín. Hãy ở trong chỗ Trung Dung mà nhà hiền triết Khổng Tử đã khuyên bảo chúng ta."

" Đính theo đây bản dịch của một Thánh giáo mà Hiền hữu Cao Đức Trọng (Tiếp Đạo) và Bần đạo đã nhận được của chơn linh Victor Hugo, liên quan đến Chức sắc Hiệp Thiên Đài. Hiền hữu vui lòng đọc những lời giải thích về vấn đề  nầy gởi đến Hiền hữu Henri François bởi chữ đồng âm của nó ở Cao Miên.

" Bần đạo nghĩ rằng, Hiền hữu được nhiều người yêu cầu để nói cho họ biết làm thế nào chúng ta đi đến việc hợp nhứt tất cả tôn giáo, mà các tôn giáo nầy khác biệt nhau rất rộng rãi, chống đối nhau nữa và nói trái ngược nhau, nếu không nói là họ đặt nhau vào thế thù địch, do các nguyên lý, các giáo điều, nghi lễ, tín ngưỡng, vv . . . của các tôn giáo.

" Chúng ta có thể trả lời bằng vài câu nầy mà theo ý Bần đạo, giải thích vấn đề khá rõ ràng mặc dầu ngắn gọn.

" Chúng ta hãy xem các tôn giáo như những Phân khoa đại học. Để được thâu nhận vào một Phân khoa, sinh viên phải trước tiên có bằng cấp Tú Tài, nó là cái chìa khóa giúp sinh viên gia nhập vào Phân khoa đã chọn.

" Muốn có được các bằng cấp nầy, sinh viên phải trải qua tất cả các lớp sơ học, tiểu học, vv... nơi đó sinh viên phải kiếm được một hành lý đủ các kiến thức khác nhau, cả đến những điều kỳ dị.

" Muốn tạo thành một trường Đại học, phải có nhiều Phân khoa, mỗi Phân khoa có sự giáo huấn đặc biệt, nhưng tất cả Phân khoa đều đặt dưới sự điều khiển duy nhứt : Ông Viện trưởng. Những kiến thức khác nhau đoạt được luôn luôn sử dụng trong đời sống tương lai của sinh viên và cho sinh viên một dấu ấn chứng nhận là người học thức. Trong Phân khoa mà em sinh viên chọn, em phải hoàn thành các môn học sở thích, nhưng những môn học khác đã thâu đoạt được không phải là hoàn toàn vô ích đối với em.

" Kỹ sư thì thông thạo toán học, y sĩ thì biết rõ cơ thể học, luật sư thì thông thạo luật lệ, nhưng mỗi người cần phải biết hơn thế nữa, văn chương, toán học, một ít môn học khác, luôn luôn cần thiết cho cuộc sống.

" Mặc dầu những kiến thức đặc biệt, nghề nghiệp của họ không thể sống bên ngoài xã hội. Như thế, xã hội hợp nhứt họ lại khi họ ra trường. Vả chăng, kỹ sư không thể không cần y sĩ,   y sĩ  không thể không cần kỹ sư.

" Đối với tôn giáo cũng thế.
" Người thế tục, nghĩa là không tôn giáo, phải có được vài nguyên tắc luân lý, vài khái niệm triết học, vv... để không làm mất thể diện, không bị đào thải khỏi xã hội. Anh ta chuẩn bị nhập vào một tôn giáo mà anh ta thích.

" Các tôn giáo  giống như các Phân khoa đại học: một cách không sâu sắc, những giáo điều, những tín ngưỡng, vv... dường như không hòa hợp nhau, thường chống đối nhau. Phải như thế, bởi vì mỗi người có một thị hiếu, một khuynh hướng, một sở thích, một học thức, một giáo dục, lắm khi hoàn toàn khác nhau của những người ở gần nhau.

" Tôn giáo được tạo ra khác nhau do trình độ văn minh của các dân tộc, do mức độ tiến hóa, do hoàn cảnh, do môi trường sống, do phong tục và tạp quán, vv. . .

" Nhưng đứng trên tất cả những điều khác biệt đó, là Đấng Tạo Hóa, Đấng Thượng Đế, nghĩa là Lương tâm vũ trụ, hòa hợp tất cả mọi người, mặc dầu có những dị biệt về màu da, trình độ văn minh, vv... Đó là những tín đồ Cao Đài tự đặt việc phụng sự đức tin lớn nơi Thượng Đế cho sự hợp nhứt nầy, để chấm dứt cơn ác mộng khủng khiếp là cuộc chiến tranh thế giới, cốt nhục tương tàn, ám ảnh con người và đang chuẩn bị tích cực vào lúc nầy ở Âu châu.

" Những giáo điều, óc đảng phái vây bọc con người trong một vòng tròn rất nhỏ hẹp, nơi đó, con người chỉ thấy một phần rất nhỏ của thế giới mà mặt trời soi sáng. Con người phải tiến hóa, cũng thế, phải tìm tòi hiểu biết để tiến bộ, để rồi không dậm chân tại chỗ. Các tôn giáo đối với họ phải giống như một sợi dây ràng buộc một đứa trẻ đã biết đi, nhưng một chị vú em  có đầu óc đần độn hay có sự lo sợ vô lý về trách nhiệm của mình, luôn luôn giữ chặt đứa bé một cách mạnh mẽ giữa hai tay, lấy cớ rằng đứa bé sẽ mất thăng bằng và té xuống.

" Nhơn loại hiện tại đã khá trưởng thành, không nên ràng buộc để dẫn dắt nó và ngăn trở nó đi đến đường Đạo.  Phải cho nó đại khí của Vô cực, để thích hợp với trạng thái của tâm hồn và sự sùng đạo của nó. Phải cho nó hoạt động và sống trong chơn lý, nhưng không phải trong chỗ tối tăm, cũng không phải trong sự nghi ngờ ám ảnh và vật ám ảnh.

Lúc nãy, đọc thơ của Hiền hữu một cách lý thú, Bần đạo giã  từ  Hiền hữu bằng cách ôm chặt Hiền hữu, cầu xin Đức Chí Tôn bao phủ Hiền hữu trong phép lành và trong hồng ân của Ngài và Hiền hữu vui lòng chuyển lời kính chào Bà Gabriel Gobron.
                                                       PHẠM CÔNG TẮC
                                           Lãnh đạo của Đạo Cao Đài TTTN                                         

Như người ta đã thấy, đây là cộng tác viên của tạp chí La Revue Spirite (Ba-lê) cũng là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn của Đạo Cao Đài mà Đức Hộ Pháp ngỏ lời với ông.

Nếu chúng tôi bị bạc đãi khó chịu trong một vài trung tâm Thần linh học, chúng tôi càng cám ơn ông Hubert Forestier, bạn thân của chúng tôi. Ông là chủ bút của tạp chí La Revue Spirite, không bao giờ cản trở việc đăng bài lên báo khả dĩ tạo niềm tin cho các thân hữu Việt Nam, giúp họ đi ra khỏi danh sách những người  tử đạo.

Trái lại, ông luôn luôn sung sướng can thiệp vào bằng ơn huệ của ông, đáng kể là giúp tôi dễ dàng làm nhiệm vụ, trong vài Hội nghị Thần linh học thế giới (Barcelone 1934, Glasgow 1937) và ông cho đăng công khai nhiều tài liệu binh vực Đạo Cao Đài.

Trong các trung tâm Thông Thiên học, cũng có nhận thức như vậy, một cách tổng quát, mặc dầu có vài phần tử  chống Cao Đài, không khả năng xem xét lại sự phán đoán ban đầu  đã kết tinh có ảnh hưởng xấu đến những nhà Thông Thiên học khác. . .

Về phần các ông hoàng và các lãnh chúa của giáo lý huyền bí, của khoa học huyền bí, vài vị trở nên tốt, tự từ bỏ tánh ngạo mạn của quỉ đã làm say sưa họ và mê hoặc họ !

Kết Luận:
PHỤNG SỰ ĐẠO CAO ĐÀI

Tôi đã cống hiến nhiều khoảng thời gian của đời tôi cho Đạo Cao Đài. Tôi đã chia sớt những nỗi cực nhọc của Đạo, những nỗi đau đớn, những nỗi thất vọng của Đạo vào những lúc bi thảm, nơi đó, những người lòng dạ hẹp hòi và những đứa con của lòng thù hận hành hạ và ngược đãi Đạo Cao Đài đủ mọi cách, vô liêm sỉ hay giả dối. Tôi đã sống trong những sự vui vẻ, những hy vọng, những chiến thắng của Đạo, những lúc sung sướng mà nơi đó những hiệp sĩ tinh thần và những người thiện chí hòa giải một cuộc hưu chiến  hay nhìn nhận quyền của Đạo được hưởng nhiều công lý hơn.

Mặc dầu sức khỏe của tôi bấp bênh, những sự đau đớn nầy tôi đã thọ lãnh, đôi khi được thêm vào những sự quấy nhiễu gần như hằng ngày làm cho tôi phải chịu đựng suốt nhiều năm dài trong hoàn cảnh chung quanh là quyến thuộc của tôi. Những thử thách của Đạo Cao Đài lại thêm vào nữa việc trả quả của tôi, trong một tình huynh đệ đau đớn.

Sau những ngày nặng nề khó chịu, tuyệt vọng, một tia sáng thỉnh thoảng xuyên qua đám mây và mặt trời quét tan sương mù của dãy núi Ardenne : đó là sức khỏe của tôi, một lần nữa được hồi phục một thời gian, đó là một vài nhựt báo hay vài lá thư, bởi đường máy bay hay bởi đường tàu biển từ Đông Dương đem lại cho tôi một tin vui làm tôi mừng quýnh.

Trong mười ba năm tôi đã sống như thế, đời sống của những huynh đệ của tôi ở Việt Nam hợp chung lại với đời sống của tôi.

Tôi đã hối tiếc ngàn lần là tôi không có nhiều uy quyền tinh thần , không có những mối liên lạc hữu ích, không có tài năng và huệ nhãn để giúp đỡ nhiều hơn các huynh đệ Việt Nam trong những cố gắng xây dựng cũng như trong sự sầu não thầm lặng. Tôi rất  muốn làm thật nhiều cho họ và tôi cảm thấy rằng, với tất cả sự khiêm tốn, tôi đã làm quá ít !

Xin tha thứ cho tôi, những huynh đệ tốt bụng và hiền lành Việt Nam, tôi chưa xứng đáng là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn tại nước Pháp mà quí vị đã chỉ định một cách long trọng, tôi chỉ là một tín đồ khiêm tốn mà quí vị đã gọi thân mật là: "Anh GAGO".

* * *
Rethel, 1937 - 1938   -  Nancy, 1939.

PHỤ LỤC

Về ông Phủ Chiêu, người tín đồ Cao Đài đầu tiên, tạp chí La Revue Caodaiste (số 22 tháng 3 năm 1933), nhân dịp ông từ trần, cho chúng ta biết vài chi tiết.

I . Thời thơ ấu : Ông Phủ Ngô Văn Chiêu chào đời ngày 28-2-1878 tại Bình Tây (Chợ Lớn) trong một ngôi nhà nhỏ ở phía sau chùa Quan Đế. Ngay khi sanh ra, cậu bé từ chối bú sữa mẹ, nên phải thay sữa mẹ bằng nước cháo.

Cha mẹ của cậu rất nghèo, sau đó dọn nhà về Mỹ Tho và giao cậu cho người cô để được cô gởi cậu đi học.

Vốn rất thông minh, ở tuổi 12, cậu đã dám đến gặp quan Chủ Tỉnh Mỹ Tho để xin học bổng và được chấp thuận. Cậu được nhận vào học sinh nội trú có học bổng bậc tiểu học, rồi trung học tại Collège Mỹ Tho. Cậu đã hăng hái làm việc và đã trúng tuyển kỳ thi tuyển Thư ký Hành chánh. Thời bấy giờ, việc làm nầy là điều mơ ước của những học sinh có bằng cấp Thành Chung. Ở tuổi 21, người thanh niên ấy vì không có điều kiện học xa hơn nữa, nên bằng lòng bước vào cuộc đời công chức để giúp đỡ cha mẹ.

II . Cuộc sống công chức và Thiên chức tôn giáo :
Người công chức ấy (ông Chiêu) khởi đầu được bổ dụng vào Sở Di Trú tại Sài Gòn, làm việc trải qua 3 năm từ 1899 đến 1902. Vốn là người có khuynh hướng tôn giáo, ông thích kể chuyện các vị Thánh và những chuyện mạo hiểm của các vị Tiên ở nước Trung hoa thời cổ, mà ông được bè bạn người Tàu kể cho nghe trong thời gian ở nhà người cô, có chồng là người Tàu. Một hôm, một người bạn gặp ông đang kể chuyện các vị Thánh cho các học trò Tàu ở Chợ Lớn mà ông thường đến dạy kèm vào buổi tối.

Ông rất tôn kính các bậc Thần Thánh. Tại nhà của ông, ông lập bàn thờ Đức Quan Thánh Đế Quân và thường tụng kinh Minh Thánh, quyển kinh mà chơn linh Quan Thánh nhập vào một người có đạo đức cao viết nên và ông đã ăn chay 2 ngày mỗi tháng.

Vào năm 1902, nơi đàn cầu cơ lập ra ở Thủ Dầu Một, ông đến hầu đàn, một vị Đại Tiên giáng đàn tiết lộ cho ông biết sứ mệnh tôn giáo và khuyến khích ông sớm theo Đạo.

- FIN -
   Home                     1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét