Chánh Tri Ðạo - 3 / 3 (Khai Pháp Trần Duy Nghĩa)

ÐỐI PHẨM CỦA CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI
VỚI CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ÐÀI

Vì chánh thể chơn truyền luật pháp Ðạo thì Hiệp Thiên Ðài vi chủ (quyền hành chánh của Cửu Trùng Ðài cốt để thi hành chơn truyền luật pháp) có đủ quyền năng mạnh mẽ gìn giữ phần hồn và phần xác của Nhơn sanh theo khuôn
viên luật pháp, nếu pháp luật không quyền chủ uy đủ phương thế, đủ oai nghiêm, thì chúng sanh phải chịu trong vòng áp bức của quyền Hành Chánh, nên chi Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp nhau lập luật đối phẩm của Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, đặng Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài đủ oai quyền bảo trọng chơn pháp của Ðức CHÍ TÔN (xem Ðạo Nghị Ðịnh số 8 HTÐ ngày 19 tháng 10 năm Mậu Dần (1938).

Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài chia ra mười phẩm:
HỘ PHÁP
THƯỢNG PHẨM, THƯỢNG SANH
Thập Nhị Thời Quân
Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn
Chưởng Ấn
Cải Trạng
Giám Ðạo
Thừa Sử
Truyền Trạng
Sĩ Tải

Sĩ Tải là hạng Luật Sự của Hiệp Thiên Ðài, hoặc thi đậu về khoa mục, hoặc bởi huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN ân tứ.

Truyền Trạng là bậc Sĩ Tải thi đậu về khoa mục, hay là do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN ân tứ.
Thừa Sử là bậc Truyền Trạng bởi khoa mục, hay là do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN ân tứ.
Giám Ðạo là bậc Thừa Sử bởi khoa mục, hay là do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN ân tứ.
Cải Trạng là bậc Giám Ðạo bởi khoa mục, hay là do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN ân tứ.
Chưởng Ấn là bậc Cải Trạng bởi khoa mục, hay là do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN ân tứ.
Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn là bậc Chưởng Ấn bởi khoa mục, hay là do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN mới đặng thăng vị.
Bậc Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn muốn nhập vào địa vị Thập Nhị Thời Quân thì phải độ cho đặng một nước và do huyền diệu cơ bút của CHÍ TÔN mới đặng thăng vị.
Mỗi bậc phẩm tiểu Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài phải có hai năm công nghiệp mới đặng ứng thí, hay là cầu phong thì phải đầy đủ năm năm.
QUYỀN HÀNH VÀ PHẨM TRẬT CỦA CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI ÐỐI PHẨM CHỨC SẮC CỬU TRÙNG ÐÀI
Luật Sự                                   đối phẩm          Chánh Trị Sự
Sĩ Tải                                      "                       Lễ Sanh
Truyền Trạng
Thừa Sử                                 "                       Giáo Hữu
Giám Ðạo
Cải Trạng                                "                       Giáo Sư
Chưởng Ấn
Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn                "                       Phối Sư hay là
Chánh Phối Sư
Thập Nhị Thời Quân                "                      Ðầu Sư
Thượng Phẩm, Thượng Sanh "                        Chưởng Pháp
HỘ PHÁP                               "                        GIÁO TÔNG

SỰ TỔ CHỨC CỦA QUYỀN TƯ PHÁP HIỆP THIÊN ÐÀI

Hiện thời, vì chư vị Thời Quân chưa về đủ mặt ở Tòa Thánh hành Ðạo, thành ra phận sự của ba chi PHÁP, ÐẠO, THẾ cũng chưa thi hành được, và quyền Tư Pháp giao cho Bộ Pháp Chánh chia ra hai phần:
1/. Bộ Pháp Chánh Trung Ương.
2/. Các Ty Pháp Chánh ở mỗi địa phương Châu Ðạo.

Cách làm việc theo qui tắc "Trung ương tập quyền" nghĩa là các Ty Pháp Chánh địa phương ở mỗi Châu Ðạo giao cho một vị Luật Sự cầm quyền nắm giữ luật pháp, trực tiếp các công văn, chịu mạng lịnh ngay nơi Bộ Pháp Chánh Trung Ương.

Dưới đây là cách tổ chức và Nội Luật của Bộ Pháp Chánh lập thành ngày 15 tháng 10 năm Ðinh Hợi (27-11-1947) (khi danh từ Tòa Ðạo chưa đổi lại là Pháp Chánh) do vị KHAI PHÁP CHƠN QUÂN, Chưởng Quản Tòa Ðạo Hiệp Thiên Ðài.

TÒA ÐẠO (tức là PHÁP CHÁNH)
Y theo luật Hội Thánh ngày 16 tháng giêng Mậu Dần (dl, 15-2-1938)

Chiếu y Pháp Chánh Truyền phân định đẳng cấp và quyền hành của Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài từ HỘ PHÁP, THƯỢNG SANH, THƯỢNG PHẨM tới THẬP NHỊ THỜI QUÂN;

Chiếu y Thánh Giáo của Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn ngày 16 tháng 2 năm Ất Hợi (20-3-1935) phân định đẳng cấp và quyền hành từ phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn trở xuống đến Luật Sự;

Chiếu y Ðạo Luật Hội Thánh năm Mậu Dần (15-2-1938) về cơ quan Tòa Ðạo, phân định hình phạt và án tiết cho những người phạm luật pháp của Ðạo;

Nghĩ vì Tòa Ðạo là một cơ quan để bảo thủ chơn truyền y theo khuôn viên Ðạo Pháp, không ai qua Luật Ðạo mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết;

Lập Tòa Ðạo để trị kẻ phàm, tức là dụng hình phạt phàm trần đặng giảm bớt hình phạt Thiêng liêng. Vậy Tòa Ðạo là một cơ quan trọng yếu nắm cân công bình, giữ gìn trật tự trong hàng đồng Ðạo;

Nghĩ gì hiện thời cần phải dẫn giải cho rõ thêm quyền hành và phận sự của Chức Sắc Tòa Ðạo tại Tòa Thánh và các địa phương Ðạo, nên:

TỔ CHỨC và LẬP NỘI LUẬT TÒA ÐẠO như sau đây:

CHƯƠNG THỨ NHỨT

ÐIỀU THỨ NHỨT.
TÒA HÒA GIẢI.
1). Tòa nầy lập có tính cách hòa giải đôi đàng, tiên cáo và bị cáo cho thỏa thuận, đừng tranh tụng với nhau nữa, về những vụ lặt vặt ngoài pháp luật của Ðạo, như các vụ phạm về tội nhẹ chưởi bới, hành hung, đánh đập không có thương tích, hay có thương tích nhẹ. Tòa nầy được quyền ra lịnh điều tra, phân xử và kết án nhẹ, theo bản đính theo đây. Những vụ nầy phạm về luật Ðời nên Tòa nầy chỉ có tính cách hòa giải, còn quyền xử đoán quyết định thì thuộc về Tòa Ðời, nếu phạm đến an ninh trật tự công cộng.

2). Về những tội khác phạm pháp hay phạm luật của Ðạo mà tội nhơn bị khép về Thập Hình của Ðức LÝ GIÁO TÔNG, thì Tòa Hòa Giải nầy vô thẩm quyền.

Trong trường hợp nầy nội vụ sau khi điều tra xong, phải đệ về Hội Thánh phân định.

ÐIỀU THỨ NHÌ.
PHIÊN NHÓM TÒA HÒA GIẢI.
Trong phiên nhóm Tòa Hòa Giải, có những nhơn viên sau đây:

Chủ Tọa:      Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo tại Trấn Ðạo.
Nghị Án:      Hai Chức Sắc Cửu Trùng Ðài trong hàng Lễ Sanh hay là Giáo Hữu nơi địa phận sở tại.
Biện Hộ:      Một Chức Sắc hoặc Chức Việc đồng phẩm với tội nhơn.
Chép Án:    Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo tại Châu Ðạo hay là một Chức Việc có đủ tư cách.

ÐIỀU THỨ BA.
Phiên nhóm xử tại Châu Ðạo nào thì Chức Sắc hay Chức Việc nơi ấy đặng tuyển chọn bốn người làm nhơn viên dự xử.

ÐIỀU THỨ TƯ.
QUYỀN ÐIỀU TRA.
Phận sự điều tra và lập hồ sơ những vụ tranh tụng thì về phần của những vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài thay mặt Tòa Ðạo ở các Châu. Vị Chức Sắc nào đã lãnh phần điều tra thì không được quyền ngồi xử.

ÐIỀU THỨ NĂM.
QUYỀN XỬ ÐOÁN.
1/. Tòa Hòa Giải được quyền xử đoán những vụ tranh tụng thuộc trong hàng Chức Việc Chánh, Phó Trị Sự, Thông Sự cùng là Tín đồ, trong địa phận của Tòa Ðạo mỗi Trấn Ðạo.

2/. Tòa nầy cũng có quyền phân xử những vụ xảy ra giữa Ðạo hữu bên cơ quan Phước Thiện từ bậc Hành Thiện trở xuống.

Thảng như có những vụ tranh tụng giữa Tín đồ hay là Chức Việc với Chức Sắc Thiên Phong từ Lễ Sanh hay Giáo Thiện sắp lên, thì vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh quyền Tòa Ðạo nơi Trấn Ðạo phải tức cấp cho điều tra nội vụ rồi lập phúc trình đệ cả hồ sơ về văn phòng Tòa Ðạo Hiệp Thiên Ðài Tòa Thánh cho vị Chưởng Quản Tòa Ðạo xem xét.

3/. Vị Chưởng Quản Hiệp Thiên Ðài sẽ liệu định, hoặc giải ra Hội Công Ðồng, hoặc đệ ra Tòa Hiệp Thiên Ðài sơ thẩm hay thượng thẩm hay là Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Ðài tùy theo mỗi vụ.

ÐIỀU THỨ SÁU.
ÁN TIẾT CỦA TÒA HÒA GIẢI.
Những án tiết của phiên Tòa Hòa Giải (điều thứ 1, 2, và 3) sau khi Tòa đã tuyên án rồi, mà phạm nhơn nghĩ mình bị phạt oan ức thì được phép ký tên nơi phòng Chép Án tại Châu Ðạo đặng cầu nài đệ nội vụ lên Tòa Hiệp Thiên Ðài Tòa Thánh, trong hạn lệ là mười lăm ngày kể từ ngày tiếp án.

Trong thời gian kêu nài (tục gọi là chống án) thì Tòa Hòa Giải không quyền thi hành án tiết đó.

ÐIỀU THỨ BẢY.
A. THỂ LỆ RIÊNG.
Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài lãnh phận sự Tòa Ðạo tại Trấn Ðạo hay tại Châu Ðạo vừa thi hành lịnh minh tra do Hội Thánh truyền dạy, vừa được phép thâu nhận đơn trạng các nơi gởi đến, và điều tra liền, rồi sẽ phúc sự sau. Chừng nào có lịnh trên phân đoán sẽ nhóm phiên Tòa xử.

Trong buổi hành sự, Chức Sắc trên đây được phép chăm nom trong địa phận Ðạo của mình, những hành vi của những Chức Sắc Hành Chánh và Phước Thiện sở tại. Nếu gặp điều gì sái luật hay bất hợp pháp theo thời cuộc thì được phép đệ tờ về Hội Thánh định liệu.

B. BẢNG ÁN TIẾT.
1 . Mắng nhiếc, chưởi bới, phạm thượng, phải xin lỗi trước mặt Tòa và công chúng.
2 . Hành hung, hăm dọa: quì hương (từ 1 tới 3 nhang).
3 . Ðánh đập không có thương tích: quì hương (từ ba đến năm nhang).
4 . Ðánh đập có thương tích nhẹ: chịu sở tổn thuốc men và quì hương (từ năm đến bảy nhang).
5 . Ðánh đập có thương tích nhẹ và hư hao đồ đạt: chịu tiền thuốc men, bồi thường đồ đạt và quì hương (từ bảy đến mười nhang).
6 . Tái phạm: bội nhị.

CHƯƠNG THỨ NHÌ
ÐIỀU THỨ TÁM.
TÒA TAM GIÁO HIỆP THIÊN ÐÀI.

Trong phiên nhóm Tòa Tam Giáo Hiệp Thiên Ðài tại Tòa Thánh, có những vị kể dưới đây:

Chủ Tọa:
Ðức HỘ PHÁP, hay một vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài thay mặt, chọn trong hàng THẬP NHỊ THỜI QUÂN của Chi PHÁP.

Nghị Án:
Hai vị Chức Sắc Cửu Trùng Ðài từ bậc Giáo Sư hay là Phối Sư.

Buộc Tội:
Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong hàng Thời Quân Chi THẾ.

Biện Hộ:
Một Chức Sắc Cửu Trùng Ðài đồng phẩm với bị cáo nhân, và do bị cáo nhân lựa chọn.

Cải Trạng:
Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong hàng Thời Quân Chi ÐẠO.

Chép Án:
Một Chức Sắc tiểu cấp Hiệp Thiên Ðài.

ÐIỀU THỨ CHÍN.
QUYỀN XỬ ÐOÁN.
Tòa Tam Giáo Hiệp Thiên Ðài phải nhóm tại Tòa Thánh Tây Ninh để xét đoán, phân xử những đơn kêu nài của phạm nhơn còn uất ức không vừa lòng án tiết của Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Ðài.

ÐIỀU THỨ MƯỜI.
PHÂN ÐỊNH QUYỀN XỬ ÐOÁN CỦA TÒA TAM GIÁO HIỆP THIÊN ÐÀI.

Phiên Tòa Tam Giáo Hiệp Thiên Ðài cũng có phân định quyền xử đoán những vụ xảy ra:
1 . Giữa Chức Sắc và Chức Việc với Tín đồ.
2 . Giữa Chức Sắc với Chức Sắc các cơ quan của Ðạo.
3 . Giữa Chức Sắc Cửu Trùng Ðài hay là Chức Sắc Phước Thiện với Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài.
4 . Giữa nhơn viên cao cấp của các bộ ngoại pháp Chánh Trị  Ðạo.

ÐIỀU THỨ MƯỜI MỘT.
DANH SÁCH CÁC NHƠN VIÊN DỰ XỬ CỦA TÒA HIỆP THIÊN ÐÀI.

Những danh sách của các nhơn viên ngồi xử phiên Tòa Hiệp Thiên Ðài thì phải có Sắc Huấn của Ðức Hộ Pháp đề cử do vị Chưởng Quản Tòa Ðạo Hiệp Thiên Ðài tại Tòa Thánh chuyển đệ xin phê.

ÐIỀU THỨ MƯỜI HAI.
ÁN TIẾT CỦA TÒA HIỆP THIÊN ÐÀI.

Những án tiết của phiên Tòa Hiệp Thiên Ðài (điều thứ tám, chín, mười) sau khi đã tuyên án rồi bị cáo nhân không còn kêu nài nữa.

ÐIỀU THỨ MƯỜI BA.
QUYỀN PHÁ ÁN VÀ QUYỀN ÂN XÁ.

Quyền phá án thì phần Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng và quyền của Ðức CHÍ TÔN (Bát Quái Ðài) nhứt định, ấy là về phần của cơ Thiên Trị.

Quyền ân xá là quyền của Ðức Hộ Pháp về hình luật hữu vi mà buộc người phải dâng sớ vào Tòa Ðạo Bát Quái Ðài cầu xin tha thứ về hình luật Thiên Ðiều.

Cách tổ chức của quyền Tư Pháp của Ðạo hay là Pháp Chánh rất nên đơn sơ giản dị: chỉ có các Tòa Hòa Giải ở địa phương và một Tòa Tam Giáo Hiệp Thiên Ðài.

Ngoài ra, mỗi cơ quan Chánh Trị Ðạo có kỷ luật riêng, vị nào phạm kỷ luật ấy thì giao cho cơ quan mà họ thuộc thẩm quyền xử trị họ. Ta có thể tạm gọi đó là quyền Tư Pháp Hành Chánh. Quyền nầy gồm có các Hội Công Ðồng cho tới Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Ðài làm cơ quan, đặng xử đoán những vụ tranh tụng quyền hành giữa Ðạo hữu với Ðạo hữu, Ðạo hữu với Chức Việc, Chức Sắc hay là Chức Sắc với Chức Sắc.

Nếu ta lấy sự tổ chức Tư Pháp của Ðạo ra so sánh với Ðời, sẽ thấy về mặt Ðời nó có tánh cách phức tạp hơn.

Các Tư Pháp của Ðời có các Tòa Án làm cơ quan.

VỀ DÂN SỰ:
1 . Tòa Án Trị An tục kêu là Tòa Tạp Tụng hay là Tòa Hòa Giải (Justice de paix).
2 . Tòa Án Ðệ Nhứt Thẩm hay Tòa Sơ Thẩm hay Tòa Sơ (Tribunal de première instance).
3 . Tòa Án Phúc Thẩm kêu là Tòa Áo Ðỏ (Cour d'Appel).
4 . Tòa Thượng Thẩm kêu là Tòa Phá Án (Cour de Cassation).

VỀ HÌNH SỰ:
1 . Tòa Sơ Thẩm hay Tòa Trừng Trị hay Tiểu Hình (Cour correctionnelle).
2 . Tòa Ðại Hình (Cour d'Assise).
3 . Tòa Phá Án (Cour de Cassation).

Ngoài ra các vụ thuộc dân sự và hình sự còn có các vụ thuộc thương sự, công sự, hành chánh, quân sự v.v... do các Ty Tư Pháp thương sự, công sự, hành chánh, quân sự ... xử đoán.

SƠ LƯỢC CÁCH TỔ CHỨC TÒA ÁN DÂN SỰ.
Tòa Án Trị An: Chỉ có một Quan Tòa mà thôi, gọi là Quan Tòa Trị An (Juge de paix) không có Trưởng Tòa giữ trật tự và truyền rao giấy tờ. Việc nầy là về phần Hương Chức làng (Hương Hào).

Tòa Án Trị An rộng quyền: (Justice de paix à compétence étendue) Quyền hạn gần như Tòa Án Ðệ Nhứt Thẩm, song cách tổ chức có khác là Tòa Án Trị An rộng quyền có một Quan Tòa, một Quan Lục Sự và một Trưởng Tòa. Còn Tòa Ðệ Nhứt Thẩm thì có:

1 . Quan Chánh Tòa (Juge Président).
2 . Quan Tòa Trợ Thẩm (Juge suppléant) để thay thế Quan Chánh Tòa khi vắng mặt và làm Quan Bồi Thẩm (Juge d'Instruction).
3 . Quan Biện Lý (Procureur de la République) để bảo vệ pháp luật, trong phiên xử về hình sự thì đứng buộc tội bị cáo nhơn. Trong các Tòa lớn, có Quan Phó Biện Lý giúp việc.
4 . Quan Lục Sự (Greffier) có chức trách coi việc giấy má, bảo tồn công văn. Thường có các viên Phó Lục Sự giúp việc (Commis Greffiers). Quan Lục Sự dự phiên xử mặc áo tràng đen, đội mũ đen không có khoanh bạc.

Tòa Phúc Thẩm: (Cour d'Appel) gồm có các viên chức sau đây:
1 . Một Chánh Viện Trưởng (Premier Président).
2 . Hai vị Ban Trưởng (Président des chambres) chủ tọa hai ban trong Tòa Phúc Thẩm. Ban thứ nhứt (Première chambre) xử việc Hộ của người Pháp và tiểu hình của người Pháp và người Việt Nam. Ban thứ nhì (2e Chambre) xử việc hộ cho người bổn xứ.
3 . Các Thẩm Phán Quan (Conseillers).

Trong phiên nhóm xử các Tòa Phúc Thẩm thì có:

Một Chánh Thẩm Phán (Président) tức là Ban Trưởng.
Hai vị Thẩm Phán (Conseillers).
Một Chưởng Lý hay Phó Chưởng Lý (Procureur général) hay (Substitut du procureur général) hay Tổng Hộ Biện (Avocat général).
Một Lục Sự (Greffier).

Các Thẩm Phán Quan mặc áo đen, đội mũ nhung khoanh vàng.

Khi nào phải xét về việc tố cáo Thẩm Quan (Prise à partie), hay là một việc do Tòa Thượng Thẩm phá án rồi mà phải tái thẩm, thì phiên nhóm ấy gọi là phiên Ðại Hội (Audience solennelle) thì các Quan Tòa mặc áo đỏ.

Tòa Thượng Thẩm: (Cour de Cassation) tức là Tòa Phá Án chỉ có phận sự xem xét coi các Tòa dưới xử có đúng theo pháp luật hay không mà thôi.

CHƯỞNG LÝ.
Về các Chưởng Lý ở các Tòa Án Dân Sự (Magistrats du Ministère public), ở các Tòa Phúc Thẩm hay Tòa Ðại Hình, thì về phần các Quan Tổng Chưởng Lý (Procureur général), Tổng Hộ Biện (Avocats généraux), hay Phó Chưởng Lý (Substitut du procureur général). Còn ở các Tòa Án Ðệ Nhứt Thẩm hay Tòa Tiểu Hình thì về phần các Quan Biện Lý (Procureur de la République), hay Phó Biện Lý (Substitut du Procureur de la République).
PHẬN SỰ CỦA CÁC QUAN CHƯỞNG LÝ

Bảo vệ pháp luật, giữ cho các Quan Tòa, Quan Trạng Sư và mọi người tuân theo pháp luật.
Buộc tội bị cáo nhơn ở các phiên Tòa về hình sự.
Thỉnh cầu các việc nào nên thỉnh cầu, bênh vực quyền lợi cho trẻ con vị thành niên, đàn bà có chồng, người mất công quyền ở các phiên Tòa Dân sự.
Có quyền xét xử, như xử truất quyền người cha, hay cải chánh giấy khai sanh, khai tử, hôn thú.

Có quyền Giám Ðốc các Quan Tòa Trị An, các Trạng Sư, Trưởng Tòa, Chưởng Khế (Notaire), Thừa Phát Lại (Commissaire priseur).

Các Quan Chưởng Lý thường kêu là Quan Tòa đứng (Magistrats debout) vì mỗi khi nói đều đứng dậy (chỉ ngồi lúc Tòa tuyên án), đối với các Quan Tòa ngồi xử gọi là Quan Tòa ngồi (Magistrats assis).

HÌNH ÁN CỦA PHÁP CHÁNH HIỆP THIÊN ÐÀI.
LUẬT: Những vị nào phạm luật pháp thì chiếu theo Thập Hình của Ðức LÝ GIÁO TÔNG mà định tội.

Kẻ phạm phải chịu dưới hai quyền lực:
Luật: Là Tân Luật, Bát Ðạo Nghị Ðịnh và Luật Lệ Hội Thánh.
Pháp: Là Pháp Chánh Truyền và Thánh Giáo của Ðức CHÍ TÔN.

(Chương thứ tư, điều thứ mười lăm về Tòa Ðạo trong Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).

Thập Hình của Ðức LÝ GIÁO TÔNG chia ra có năm khoản phạm pháp và mười khoản phạm luật.

PHẠM PHÁP
Ðệ Nhứt Hình:
1 . Không tuân Pháp Chánh Truyền và Ðạo Nghị Ðịnh.
2 . Phản loạn Chơn Truyền.
3 . Chia phe phân Phái, và lập Tả Ðạo Bàn Môn.
Ðịnh Án: Trục xuất.

Ðệ Nhị Hình:
Chư Chức Sắc Thiên Phong không tùng mạng lịnh của Hội Thánh:
1 . Thuyên bổ không đi.
2 . Không trọn phế Ðời, hành Ðạo.
3 . Bỏ bê phận sự.
Ðịnh Án: Giáng cấp tới Tín Ðồ hay buộc hành Ðạo ngoại quốc.

Ðệ Tam Hình:
1 . Làm nhơ danh Ðạo.
2 . Mượn danh Ðạo, tạo danh Ðời.
3 . Lợi dụng danh Ðạo làm điều bất chánh.
Ðịnh Án: Giáng cấp từ phẩm đương quyền xuống đến hai hay là một cấp.

Ðệ Tứ Hình:  
1 . Lấn quyền, giành quyền.
2 . Phạm thượng.
3 . Tự chuyên, sửa cải Chơn Truyền.
Ðịnh Án: Ngưng quyền từ ba đến năm năm.
             
Ðệ Ngũ Hình:           
1 . Mê hoặc chúng sanh.
2 . Cám dỗ.
Ðịnh Án: Ngưng quyền từ một đến ba năm, và phạt vào Tịnh Thất.

PHẠM LUẬT
Ðệ Nhứt Hình:
1 . Không tuân Tân Luật và các Luật Lệ Hội Thánh.
2 . Công kích Hội Thánh.
3 . Nghịch mạng.
Ðịnh Án: Trục xuất.

Ðệ Nhị Hình:
Tư thông.
Dấy loạn chúng sanh.
Ðịnh Án: Giáng cấp tới Tín Ðồ hay buộc hành Ðạo ngoại quốc.
             
Ðệ Tam Hình:
1 . Tham lam tài chánh.
2 . Giả mạo văn từ.
Ðịnh Án: Giáng cấp từ phẩm đương quyền xuống hai hay là một cấp.

Ðệ Tứ Hình:
1 . Khi lịnh Hội Thánh.
2 . Lập quyền riêng.
Ðịnh Án: Ngưng quyền từ ba đến năm năm.


Ðệ Ngũ Hình:
1 . Phạm Ngũ Giới Cấm.
Ðịnh Án: Ngưng quyền từ một đến ba năm.

Ðệ Lục Hình:
1 . Cường ngạnh.
Ðịnh Án: Phạt vào Tịnh Thất từ một tháng đến một năm mà vẫn còn Hành Chánh như thường.

Ðệ Thất Hình:           
1 . Phạm Tứ Ðại Ðiều Qui.
Ðịnh Án: Thuyên bổ đi nơi khác chỗ mình đang hành Ðạo.
             
Ðệ Bát Hình
1 . Bê trễ phận sự.
2 . Biếng nhác.
Ðịnh Án: Triệu hồi về Tòa Thánh gần Giáo Tông và Hộ Pháp cầu học Ðạo.

Ðệ Cửu Hình:
1 . Ganh ghét.
2 . Hung bạo.
3 . Ðố kỵ.
4 . Xu phụ.
Ðịnh Án: Ăn năn sám hối thọ tội cùng chúng sanh.

Ðệ Thập Hình:
1 . Phạm Thế Luật.
Ðịnh Án: Hầu kẻ đức hạnh của Hội Thánh định đặng cầu học Ðạo.
2 . Bị luật Ðời trừng trị.
Ðịnh Án: Tùy tội nặng nhẹ, Tòa Ðạo chiếu theo Thập Hình trừng trị thêm.
           
Những vị nào vi phạm tội mà mất phẩm vị Thiêng Liêng, phải có luật ân xá của Quyền Vạn Linh và quyền CHÍ TÔN mới đặng. Nhưng khi các vị ấy biết ăn năn và lập nên công nghiệp phi thường được toàn công chúng hoan nghinh và được Tòa Ðạo minh tra đủ lẽ, thì đặng phép phục sự với một Chức Sắc Thiên Phong nào mà kẻ phạm lựa chọn, cầu học Ðạo thì mới xin đặng phục chức.

QUYỀN GIÁM SÁT VÀ QUYỀN BÃI MIỄN
CỦA PHÁP CHÁNH.
Chiếu theo Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938) thì Pháp Chánh là cơ quan bảo thủ chơn truyền, y theo khuôn viên Ðạo Pháp, bảo đảm sanh chúng, gìn cân công lý cho toàn cả chúng sanh được sống một cách thung dung thơ thới dưới mặt luật công bình của Ðạo.

Pháp Chánh binh vực những người bị uất ức, trừng phạt những người phạm luật pháp, gìn giữ quyền hành phân minh đẳng cấp trật tự cho nền Chánh Trị Ðạo.

Ngoài phận sự bảo vệ luật pháp như Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, hay rõ hơn chư vị cầm quyền Pháp Chánh còn có phận sự chăm nom cả hành vi của toàn thể Ðạo trong phạm vi hành sự của mình, thị chứng các cuộc nhóm họp của cơ quan Hành Chánh và Phước Thiện.

Quyền nầy giống như quyền giám sát trong Ngũ quyền Hiến Pháp của Tôn Dật Tiên nước Tàu.

Về Chánh Trị Ðời, trong chánh thể dân chủ, Nghị hội dân chúng có quyền bãi miễn các viên chức của chánh phủ, nếu họ không vừa lòng hành vi của các vị nầy.

Trong Chánh Trị Ðạo thường thấy quyền bãi miễn nầy thuộc Bộ Pháp Chánh, tức là thuộc cơ quan của quyền Tư Pháp, chiếu theo Thập Hình của Ðức LÝ GIÁO TÔNG.

Trong các trường hợp điều tra, khi một vị Chức Sắc phạm tội, Bộ Pháp Chánh có quyền tạm bãi miễn, tức là tạm thâu quyền và chức của vị ấy, để đưa bị cáo nhân ra Tòa Pháp Chánh điều tra hay thẩm phán, sau khi ấy, nếu trắng án vô tội sẽ được phục quyền chức như cũ.

CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN

Cơ Quan Phước Thiện đã định rõ rệt ở chương thứ nhứt rồi, không phải bày giải thêm nữa ở mục nầy. Nó là một cơ quan thuộc Hiệp Thiên Ðài và dưới quyền điều khiển đặc biệt của Ðức HỘ PHÁP.

Hàng phẩm của Chức Sắc Phước Thiện chiếu theo Thập Nhị Ðẳng Cấp Thiêng Liêng như dưới đây:
Minh Ðức
Tân Dân
Thính Thiện
Hành Thiện
Giáo Thiện
Chí Thiện
Ðạo Nhơn
Chơn Nhơn
Hiền Nhơn
Thánh Nhơn
Tiên Tử
Phật Tử

LUẬT TUYỂN CHỌN.
Bất luận Nam hay Nữ, ai muốn gia nhập vào cơ quan Phước Thiện, phải lập Tờ Hiến Thân trọn đời làm công quả cho cơ sở Phước Thiện.

Những người ngoại giáo, hay chư vị Ðạo nhơn các nền Tôn Giáo khác muốn nhập vào cửa Ðạo thì HỘI THÁNH sẽ do công nghiệp Phước Thiện của họ mà định vị tùy theo công nghiệp lớn nhỏ đặng định phẩm từ bậc Minh Ðức tới Chơn Nhơn mà thôi.

Còn bậc Hiền Nhơn trở lên thì giúp Hội Thánh giữ gìn chơn pháp, nên các phẩm vị nầy phải do huyền diệu cơ bút của CHÍ TÔN sở định.

Người mới gia nhập Phước Thiện, khởi đầu làm công quả được 6 tháng thì vào hàng Minh Ðức.

Những Chức Sắc hay Chức Việc đương quyền Hành Chánh mà muốn hiến thân vào Phước Thiện thì phải có giấy chứng nhận theo đẳng cấp của cơ quan mình mới đặng. Còn hạng Tín đồ phải có tờ kiết chứng tánh hạnh của Bàn Trị Sự.

Chiếu theo Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938), chương thứ hai về Phước Thiện thì bất luận người nào mới gia nhập vào cơ quan Phước Thiện đều phải làm công quả theo hàng Minh Ðức, dầu cho vị ấy là Chức Sắc cao cấp bên cơ quan Hành Chánh cũng vậy. Nhưng Ðinh Hợi vừa rồi, Ðức Hộ Pháp có ra Thánh Lịnh số 531 đề ngày 13 tháng 10 Ðinh Hợi (26-10-1947) cho Chức Sắc hai bên Hành Chánh và Phước Thiện được đối phẩm cùng nhau:

            Lễ Sanh                       đối với  Giáo Thiện
            Giáo Hữu                     đối với  Chí Thiện
            Giáo Sư                       đối với  Ðạo Nhơn
                                               Chơn Nhơn

Hễ một vị Lễ Sanh được bổ qua Phước Thiện thì đương nhiên được kể là Giáo Thiện và phải mặc Sắc phục của Phước Thiện, dầu tạm bổ hay thuyên bổ thiệt thọ cũng vậy.

Về phần Chức Sắc Phước Thiện bổ qua Cửu Trùng Ðài cũng mặc Thiên Phục theo hàng phẩm đối hàm.

LUẬT CẦU PHONG.
1 . Chức Sắc Phước Thiện chịu dưới quyền công nhận của Ðại Hội Phước Thiện là một hội duy nhứt mà đặng thăng thưởng hay bị buộc tội. Hội nầy theo tính cách Nhứt Viện Chế như trong Chánh Trị Ðời, Quốc Hội duy nhứt của chế độ Ðại Nghị Pháp.
Sự phân quyền vẫn tương đối như ba Hội Quyền Vạn Linh vậy.

2 . Bực Minh Ðức muốn lên Tân Dân, bực Tân Dân muốn lên Thính Thiện, bực Thính Thiện muốn lên Hành Thiện phải có ba năm công nghiệp đầy đủ với chức trách, có tờ kiết chứng công nghiệp, tánh đức tốt, phải trường trai và có tư cách xứng đáng.

3 . Bực Hành Thiện muốn lên Giáo Thiện thì ngoài điều ba năm công nghiệp còn phải nuôi đủ mười hai gia tộc.

4 . Mỗi đẳng cấp phải đủ ba năm công nghiệp mới được qua đẳng cấp khác. Ngoại trừ ra những vị nào có đại công, có đủ bằng cớ và được công chúng hoan nghinh, hoặc những vị bị khổ hạnh, hay tù tội ngục hình vì Ðạo, mới được vào sổ cầu phong ngoài luật đã định.

5 . Về Hàm Phong và Truy Phong cũng theo các điều kiện như ân phong vậy.

Ngoài sự công nhận của Ðại Hội Phước Thiện, quyền phong thưởng hay buộc tội Chức Sắc Phước Thiện thuộc về quyền đặc biệt của Ðức HỘ PHÁP.

SẮC PHỤC CỦA CHỨC SẮC PHƯỚC THIỆN

Chiếu theo Ðạo Nghị Ðịnh số 48/PT. Ngày 13 tháng mười Mậu Dần (10/12/1938) thì Chức Sắc Phước Thiện mặc Ðạo Phục thường (nghĩa là khăn đen áo dài trắng) những ngày Ðại lễ thì mặc áo tràng trắng choàng ngang vai một dây Sắc Lịnh bỏ mối qua tay mặt (Thể Ðạo), trên dây Sắc Lịnh có gắn biểu hiệu theo hàng phẩm.

Thính Thiện
Hành Thiện
Giáo Thiện                   }                      mang dây Sắc Lịnh phái NGỌC

Chí Thiện
Ðạo Nhơn
Chơn Nhơn                  }                      mang dây Sắc Lịnh phái THƯỢNG

Hiền Nhơn
Thánh Nhơn
Tiên Tử                       }                      mang dây Sắc Lịnh phái THÁI

Phật Tử :                     Ðạo Phục của Phật Tử sẽ do huyền diệu của Ðức CHÍ TÔN định sau.

THỂ LỆ ÐẠI HỘI PHƯỚC THIỆN
1 . Ðại Hội Phước Thiện gồm có những vị sau đây :
2 . Nghị Viên.
3 . Phái Viên.
Cả Chức Sắc từ phẩm Giáo Thiện trở lên.

Nghị Viên có hai hạng:
a . Cả Chủ Sở Lương Ðiền Công Nghệ thuộc hàng Hành Thiện trong mỗi Tộc Ðạo xúm nhau công cử một người thay mặt.
b . Cả Chức Việc Bàn Cai Quản Sở Phước Thiện chánh trong Tộc Ðạo xúm nhau công cử một vị thay mặt.

Phái Viên là Ðại Biểu của các hạng Minh Ðức, Tân Dân, Thính Thiện tức là các hạng mới nhập vào cơ sở Phước Thiện đặng học thiện, theo thiện và nghe thiện, từ một đến năm trăm người hiến thân thì công cử một vị, từ năm trăm lẻ một đến một ngàn người thì công cử hai vị y theo thể lệ chọn cử Phái Viên của Quyền Vạn Linh.
Nghị Viên và Phái Viên trong mỗi Tộc Ðạo gọi là Ban Ủy Viên.
Ðiều kiện căn bản bắt buộc chư Nghị Viên và Phái Viên là phải trường trai và có tánh đức tốt, xứng đáng Ðại Biểu cho Phước Thiện.
Cuộc chọn cử Ban Ủy Viên tại mỗi Tộc Ðạo phải có vị Giáo Thiện Ðầu Tộc Ðạo (1) làm Chủ Tọa. Vị Chủ Tọa ban cho mỗi vị đắc cử một tờ kiết chứng đặng trình ghi khi về tới Tòa Thánh.
Ban Ủy Viên phải có mặt tại Tòa Thánh năm ngày trước ngày khai mạc Ðại Hội.

(1) Khâm Châu, Ðầu Tộc sau đổi lại Quản Châu, Quản Tộc.

PHẦN TẠO CƠ SỞ
Mỗi Hương Ðạo phải khai mở nhiều sở Lương Ðiền, Công Nghệ, Thương Mãi. Mỗi sở có một vị Chủ Sở vào hàng Hành Thiện cai quản và chịu dưới quyền điều khiển của sở Phước Thiện chánh.

Mỗi Tộc Ðạo có một sở Phước Thiện chánh, làm nơi hội hiệp đặng thương lượng các công việc làm ăn thuộc Phước Thiện, gồm có các cơ quan:
a . Bảo Sanh Viện
b . Y Viện
c . Ấu Trỉ Viện
d . Dưỡng Lão Ðường
e . Học Viện .v.v...

Sở Phước Thiện chánh nầy đảm nhiệm do một Bàn Cai Quản có 12 người Chức Việc, chia ra các phận sự sau đây:
1 . Một vị Chủ Trưởng làm Chủ Tọa các Hội nhóm.
2 . Một vị Phó Chủ Trưởng giúp Chủ Trưởng lập chương trình các Hội nhóm, thay thế cho vị Chủ Trưởng vắng mặt.
3 . Một vị Thủ Bổn lãnh phận sự bút toán, giữ sổ sách thâu xuất, chịu trách nhiệm về công quỹ Phước Thiện sở tại và sẵn sàng trình bày mỗi khi Bàn Cai Quản muốn xem xét. Mỗi phiếu xuất điều có chữ ký tên của Chủ Trưởng hay của vị Phó Chủ Trưởng thế quyền khi vị trên vắng mặt.

Thủ Bổn giữ:
Một sổ thâu xuất.
Một cuốn sổ ghi công quả.
Một cuốn sổ biên tài sản.
Một cuốn sổ cấp tế những người cô quả, bệnh hoạn, đói khó, già cả, tật nguyền, cô độc, góa bụa và quan, hôn, tang, tế.

Trong mỗi kỳ nhóm lệ, Thủ Bổn phải lược thuật sự quản xuất tài chánh cho rõ ràng.
4 . Một vị Phó Thủ Bổn giúp việc Thủ Bổn phần giấy tờ sổ sách và thay thế khi vị nầy vắng mặt.
5 . Một vị Từ Hàn lãnh phần lập vi bằng các kỳ Hội nhóm, giữ sổ sách công văn của nhà sở chánh.
6 . Một vị Phó Từ Hàn giúp việc cho Từ Hàn.
7 . Sáu vị Nghị Viên, trong đó cử ra hai vị kiểm soát, nhiệm kỳ một năm, đặng xem xét các sổ sách của Thủ Bổn và Từ Hàn, tờ lược thuật tài chánh của Thủ Bổn mỗi kỳ nhóm lệ, phải có chữ ký tên của hai vị kiểm soát viên mới đủ phép. Hai vị kiểm soát viên được tự quyền lập tờ phúc gởi về cho Hội Thánh tường hiểu.

Còn bốn vị Nghị Viên kia thì lo tra xét tin tức quan hệ tới quyền lợi của cơ sở Phước Thiện, giúp Chủ Trưởng giữ trật tự các kỳ Hội nhóm.

Bàn Cai Quản sở chánh Phước Thiện gồm có các Chức Việc trọn hiến thân vào Phước Thiện, chỉ trừ chức Chủ Trưởng phải chọn trong hàng Chủ Sở Lương Ðiền, Công Nghệ. Cuộc công cử nầy có mặt Khâm Châu, Ðầu Tộc Ðạo Phước Thiện Chủ Tọa và một vị Sĩ Tải hay Luật Sự chứng kiến và ký nhận vào vi bằng.

CHƯƠNG THỨ NĂM

SO SÁNH CHÁNH TRỊ ÐỜI VÀ CHÁNH TRỊ ÐẠO


CHÁNH TRỊ ÐỜI.
Từ xưa tới nay, khắp Thế Giới, chủ quyền Quốc Gia chia ra hai quyền nắm giữ:
1 . Vua
2 . Dân
Do đó nảy sinh ra hai Chánh Thể: Quân Chủ và Dân Chủ.

QUÂN CHỦ.
Trong Chánh Thể Quân Chủ, Vua là trượng trương cho chủ quyền Quốc Gia. Mọi trị quyền như quyền Lập Pháp, quyền Hành Pháp và Quyền Tư Pháp, điều thu trong tay của một người, người ấy là Vua.

Ngày trước, Chánh Thể Quân Chủ có hai hình thức: độc tài và chuyên chế, ngày nay không còn nữa. Phần nhiều các nước trên Thế Giới đã đổi lại theo thể chế Dân Chủ hay Quân Chủ Lập Hiến hầu hết cả.

Ðộc tài (Despotisme) là không bị một pháp luật nào hạn chế cả, Vua có đủ quyền sanh sát, mọi luật pháp điều do ý muốn của Vua. Vua được toàn quyền hành động tự do ở trên và ngoài luật pháp.

QUÂN CHỦ LẬP HIẾN.
Chánh Thể Quân Chủ Lập Hiến (Monarchie constitutionnelle) là phương pháp dung hòa quyền hành của Vua và quyền lợi của nhơn dân. Người tượng trưng cho chủ quyền vẫn là nhà Vua, song quyền của Vua chia một phần cho dân, tức là Quân Dân cộng trị vậy. Quyền hành của Vua và quyền lợi của dân đều do Hiến Pháp qui định rõ rệt.

Quân Chủ Lập Hiến là một bước dài tiến bộ của Chánh Thể Quân Chủ, Quân  Chủ chuyên chế, và trong Chánh Thể nầy quyền Dân được thi thố theo phạm vi của nó. Dân có quyền thỉnh nguyện và đề nghị lên nhà Vua những ước vọng chánh đáng của mình, và trái lại Vua cũng phải tôn  trọng quyền lợi của nhơn dân. Cho nên Hiến Pháp là một bản cam kết giữa Vua và Dân để duy trì quyền lợi của nhau.

Ðể thực hiện quyền tham chánh của mình, nhân dân bầu cử Ðại Biểu lập thành nghị hội để chế định luập pháp đúng theo dân ước, dân nguyện.

Vua là tượng trưng độc nhứt của quốc gia, Vua đứng đầu quyền Hành Chánh, Vua dùng uy tín của mình để ban hành Luật Pháp cho nhơn dân. Lập Pháp lập thành do dân nguyện, thì sự thi hành luật pháp tức nhiên vừa với dân nguyện, đi sát với quyền lợi của dân sanh.

Nhà Vua trong Chánh Thể nầy vẫn được truyền tử lưu tôn và bất khả xâm phạm. Muốn giữ được mãi tính cách quý trọng đới với lòng tôn Vương của dân chúng mà không phản lại quyền lợi của dân chúng, ngày nay có thuyết Quân Chủ vô trách nhiệm.

Lẽ thường có quyền hành nắm trong tay, tức nhiên có trách nhiệm lớn lao, khi làm không tròn tất bị bãi bỏ.

Mà muốn lúc nào cũng như lúc nào, vẫn tôn kính nhà Vua thì không thể để cho nhà Vua có trách nhiệm được. Không có trách nhiệm tức không có thực quyền.

Vậy ngôi vị nhà Vua chỉ có danh mà không có quyền, không có trách nhiệm, thì được yên vị mãi mãi. Ðịa vị Vua nước Quân Chủ Lập Hiến giống như Tổng Thống nước Dân Chủ Cộng Hòa.

Ðể gánh trách nhiệm thay Vua, đã có Thủ Tướng và Nội Các. Thủ Tướng và các vị Tổng Trưởng (tức nhơn viên của Nội Các) cầm quyền điều khiển mọi việc trong nước, chịu trách nhiệm trước Nghị Hội, khi không tròn nhiệm vụ tất bị Nghị Hội bãi miễn ngay.

Mục đích của thuyết Quân Chủ vô trách nhiệm là để tránh sự độc tài của nhà Vua, vừa để cho dân có thể thay thế, chọn lựa người xứng đáng, thi hành chánh sách ích nước lợi dân, hạp ý dân.

Hiện thời, về chánh thể Quân Chủ Lập Hiến, có hai nước đáng chú ý: ANH và NHỰT.

1 . QUÂN CHỦ LẬP HIẾN ANH.
Chế độ Quân Chủ Lập Hiến nước Anh gọi là chế độ Ðại Nghị. Người tượng trưng cho chủ quyền quồc gia là nhà Vua, mà người chịu trách nhiệm trước nghị hội là THỦ TƯỚNG. Thủ Tướng do Vua bổ nhiệm. Thủ Tướng chọn lựa các Tổng Trưởng và Thứ Trưởng đặng lập Nội Các cai trị toàn quốc. Quyền Tư Pháp do các Tòa Án thi thố.

Quan hệ nhứt là quyền Lập Pháp, dưới có Quốc Hội làm cơ quan, trên có Viện Quí Tộc (Chambre des Lords) kềm chế bớt tánh cách giục thúc của Quốc Hội.

Nhà Vua giao trọn quyền Hành Chánh cho Nội Các do vị Thủ Trưởng làm đầu. Vua chỉ giữ quyền phê chuẩn và quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc Hội đề nghị. Vua được quyền giải tán Quốc Hội.

2 . QUÂN CHỦ LẬP HIẾN NHỰT.
Nhà Vua ở nước Nhựt khác nhà Vua ở nước Anh, vì Vua NHỰT mệnh danh là THIÊN HOÀNG, là Ðấng Thần Linh, chí tôn, chí trọng của dân, Vua Nhựt cầm quyền tối cao binh bị trong nước. Trong lúc loạn lạc chiến tranh, Vua Nhựt được quyền đình chiến, khai chiến, giảng hòa với các nước. Quyền của nhà Vua Nhựt không bị quyền của Lập Pháp chi phối và Vua có quyền bãi bỏ hoặc bổ nhiệm các Tổng Trưởng mà các Bộ Trưởng khi nhận chức không bị bắt buộc phải trình với Quốc Hội ưng thuận. Các Tổng Trưởng chịu trách nhiệm trước nhà Vua, không phải trước Nghị Hội.

Nước Nhựt được mau tiến bộ trên đường duy tân theo kịp các nước liệt cường cũng nhờ ở uy tín và quyền hành rộng rãi, có khi cũng độc tôn.

DÂN CHỦ.
Trong chánh thể nầy, chủ quyền thống trị toàn quốc thuộc về nhân dân. Nhân dân là tất cả mọi người trong nước không phân biệt nam nữ, địa vị, giai cấp, già trẻ. Nhân dân là những đơn vị kết hợp thành khối quốc gia, cho nên nhân dân được quyền tham dự việc chánh, đặng vận dụng chủ quyền.

Mặc dù chủ quyền thuộc toàn dân, nhưng trong nước phải có một người tượng trưng quyền hành tối cao để chỉ huy và tổ chức việc cai trị. Trong nước Quân Chủ, người ấy là Vua; trong nước Dân Chủ, người ấy là Tổng Thống, do dân chúng bầu. Tổng Thống khác với Vua, bởi Vua được truyền tử lưu tôn, còn Tổng Thống do dân bầu cử lên cầm quyền trong một thời hạn nhứt định lâu hay mau tùy theo mỗi nước. Nước Dân Chủ có Tổng Thống gọi là Dân Chủ Cộng Hòa (République démocratique).

Lại nữa, nhân dân là tất cả mọi người trong nước, không phải một lúc đều ra tham chính cả, cho nên cần phải tổ chức có qui củ.

Trong các quyền duy có quyền Lập Pháp là dân chúng tham dự dễ dàng và tiện lợi nhứt. Dân chúng bầu cử Ðại Biểu lập Nghị Hội, ủy nhiệm cho Nghị Hội quyền chế định Luật Pháp cho vừa với dân lợi, dân sanh. Vị Tổng Thống dùng quyền tối cao của nước, ban bố các luật pháp do nghị hội lập thành. Tổng Thống là đại diện cho quốc gia.

Quyền của Tổng Thống có khi phụ thuộc quyền Lập Pháp. Như ở nước PHÁP, vị Tổng Thống do Quốc Hội bầu cử lên, nên quyền Lập Pháp là tượng trưng cho chủ quyền tối cao mà quyền Hành Chánh là phụ thuộc để thi hành luật pháp, cho nên quyền của Tổng Thống phải phụ thuộc quyền Nghị Hội.

Vị Tổng Thống nầy vô trách nhiệm, và chế độ nầy gọi là chế độ Ðại Nghị Pháp.

Còn ở Mỹ, Tổng Thống do dân trực tiếp bầu cử lên, cho nên hai quyền Hành Chánh và Lập Pháp ngang nhau, tức là quyền của Tổng Thống không hề bị phụ thuộc quyền Nghị Hội mà nhiều khi quyền của vị Tổng Thống nầy còn rộng rãi hơn nhiều. Chế độ nầy gọi là chế độ Tổng Thống.

Về việc Lập Pháp, các nước dân chủ hiện giờ, có nơi còn giữ hai viện (Lưỡng Viện Chế), có nơi sáp nhập Thượng, Hạ Nghị Viện làm một (Nhứt Viện Chế). Như ở Pháp hiện thời, nhập Thượng Nghị Viện (Sénat) và Hạ Nghị Viện (Chambre des Députés) làm một gọi là Quốc Dân Ðại Hội (Parlement). Nhưng ở trên thêm một Viện Cộng Hòa (Conseil de la République) là cơ quan thuộc Chánh Phủ để binh vực các dự án của Chánh Phủ.

Trên đây là nói về các trị quyền: Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, còn nếu phân tách tỉ mỉ ra, dân chúng ở dưới Chánh Thể Dân Chủ còn có những quyền như dưới đây:

1 . Quyền tuyển cử, tức là quyền ứng cử và bầu cử Nghị Viên Quốc Hội, bằng cách phổ thông đầu phiếu.
2 . Quyền bãi miễn là bãi bỏ và làm tội các quan lại.
3 . Quyền sáng chế, tức là sáng kiến và đề nghị Luật Pháp.
4 . Quyền phúc quyết nghĩa là quyền quyết định lại những luật lệ nào trái với công ích, công lợi.
5 . Nhiều khi thêm quyền phủ quyết là quyền phản đối, không nhìn nhận một luật lệ nào đó còn hiệu lực nữa.

Ngoài các chánh quyền, nhân dân còn được hưởng mọi tự do dân chủ như: tự do thân thể, tự do cư trú, tự do hội họp, tự do tư tưởng, tự do tín giáo, tự do lễ bái, tư do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do kết xã, v.v...
KHUYNH HƯỚNG CỦA CÁC QUỐC GIA.
Các quốc gia ngày nay, phần nhiều chánh thể Dân Chủ thường xu hướng các chủ nghĩa xã hội, tư bản, vô sản v.v... rồi lại nảy sanh nhiều chánh sách độc tài, đảng trị.

Chủ nghĩa nào cũng có cái hay, mà chủ nghĩa nào cũng có cái dở. Song điều quan hệ là chủ nghĩa hay chánh sách nào không phản lại quyền lợi của đại chúng thì được khối dân ủng hộ.

CHÁNH TRỊ ÐẠO.
Chánh Trị Ðạo là phương dung hòa tinh túy cả thể chế chánh trị đại đồng, thích hợp với quyền lợi của nhơn sanh khắp toàn cầu thế giới.

Nói rằng Chánh Trị Ðạo xu hướng Quân Chủ, thì đó, phẩm vị GIÁO TÔNG là vị GIÁO CHỦ trên các vị GIÁO CHỦ, vị HOÀNG ÐẾ trên các vị HOÀNG ÐẾ, chẳng khác nào một ông Vua ngồi trên một Triều Chánh oai nghi, mà một ông Vua được tuyển chọn từ khối dân đi lên theo từ đẳng cấp cho đến cùng tột, một ông Vua không có quyền truyền tử lưu tôn, mà chỉ truyền hiền. Ông Vua đó đắc vị do một cuộc tổng tuyển cử toàn cầu (Élection Universelle) mà ứng cử là chư vị Chưởng Pháp và Ðầu Sư. Ngoại trừ trường hợp do cơ bút của Ðức CHÍ TÔN lựa chọn, phẩm vị GIÁO TÔNG phải được lựa chọn y theo PHÁP CHÁNH TRUYỀN của Ðạo.

Ông Vua Ðạo không được độc tài hay chuyên chế, vì Ông không chế định luật pháp, dưới Ông còn có phẩm Ðầu Sư có quyền xin lập, và chế giảm luật lệ, và có phẩm CHƯỞNG PHÁP, kiểm soát hành tàng. Luật Pháp nào không có đủ ba ấn CHƯỞNG PHÁP, không có giá trị ban hành. Cầm quyền cai trị có Ðầu Sư, mà hành chánh là Chánh Phối Sư.

Trong chánh thể trị Ðạo, quyền dân được đặc biệt tôn trọng. Coi như Hội Nhơn Sanh, trên có hai hội: Hội Thánh và Thượng Hội hiệp lại làm cơ quan của quyền Lập Pháp, tức quyền Vạn Linh. Nguyện ước của nhơn sanh, sau khi được ba Hội thảo luận và đồng ý kiến chấp thuận, được dâng lên quyền CHÍ TÔN phê chuẩn thành luật ban hành. Khác với chánh thể Dân Chủ, là dân chúng chẳng những chỉ có quyền bầu cử Nghị Hội và Tổng Thống mà thôi, mà ở đây nhơn sanh ngoài quyền bầu cử Nghị Viên và Phái Viên đại diện cho mình ở Hội Nhơn Sanh, còn có quyền chọn lựa các quan Ðạo từ trong khối dân rồi tuần tự chấp thuận đề nghị thăng thưởng từ đẳng cấp theo điều kiện định trước, cho đến cuối cùng có cuộc tổng công cử GIÁO TÔNG.

Nhơn sanh được quyền bầu cử, chọn lựa kẻ cầm quyền Hành Chánh từ trong Hương Xã trở lên. Trước nhứt các phẩm Chức Việc Bàn Trị Sự từ Ấp Ðạo đến Hương Ðạo, đều do nhơn sanh ứng cử và bầu cử. Chế độ nầy giống Dân Chủ Xã Hội.

Chánh Trị Ðạo giống Chánh Thể Quân Chủ Lập Hiến, bởi luật lệ lập thành do nguyện ước của Nhơn Sanh, nhưng đó chỉ là những luật lệ thường, đặng thi hành Pháp Chánh Truyền, tức là một bản cang tánh Hiến Pháp bất di bất dịch do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN truyền dạy.

Chánh Trị Ðạo giống Chánh Trị Tư Bản và không cấm đoán sự tự do tư sản, tôn trọng quyền lợi của mọi người, ủng hộ trí thức, duy trì trường quan lại, nhưng cũng giống Chánh Trị Vô Sản, bằng cớ là trong cửa Ðạo có cơ quan Phước Thiện. Những người hiến thân vào Phước Thiện, hiến cả tư sản gia nghiệp cho Ðạo, rồi vào đó tùy sự bổ dụng của cơ quan ấy, làm ra bao nhiêu lợi tức để vào của chung.

Ðói có Phước Thiện cho ăn, rách có Phước Thiện cho mặc, ốm đau có Phước Thiện cho thuốc, nói tóm lại Phước Thiện lãnh bảo đảm tất cả về phần sanh sống vật chất.

Trong Chánh Trị Ðạo tuy rằng tôn trọng dân quyền một cách đặc biệt, không phải là không độc tài.

Trong buổi loạn Ðạo mà GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP phản khắc nhau, không thể gì nắm vững nền Chánh Trị Ðạo cho khỏi xáo trộn, hoặc vì tà quyền lẩn lộn, thì GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP ủy nhiệm cho ÐẦU SƯ cầm quyền thống nhứt Chánh Trị Ðạo, nghĩa là nắm cả chánh trị và luật lệ trong tay, tự do sử dụng, tùy nghi thế nào để dẹp yên mối loạn. Khi đó GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP cũng phải cúi đầu vâng mạng lịnh của quyền thống nhứt. Khi hết loạn thì ÐẦU SƯ phải giao quyền thống nhứt lại cho GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP.

Quyền độc tài của Ðầu Sư không phải là tuyệt đối, bởi theo Pháp Chánh Truyền của Ðạo có ba vị Ðầu Sư. Tuy vân, vị Thượng Ðầu Sư có quyền hơn hai vị kia và là người chánh thức cầm quyền thống nhứt, song lúc nào cũng phải có sự đồng ý kiến của hai vị kia mới thi hành được. Quyền độc tài bị hạn chế ở chỗ đó.

Tóm tắt lại Chánh Trị Ðạo không đặc biệt giống một chánh thể trị Ðời nào hết, mà trong Chánh Trị Ðạo hầu như gom góp cả cái hay của toàn cầu, dung hợp cùng nhau làm thành chánh thể thích hợp với cả mọi người, trong đó quyền dân được thi hành tùy sự tấn triển của dân trí, và quyền Vua được tôn trọng, tùy sự bảo tồn của nhơn phong, ta có thể tạm gọi chánh thể trị Ðạo là chánh thể Quân Chủ Dân Quyền vậy.
      https://caodaireligion02.blogspot.com/Home             1 ]  [ 2 ]  [3 ]
CHUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét