Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Âu Du - 3 /3 (Bảo - Đạo Hồ Tấn Khoa )

Lẽ dĩ-nhiên theo ý-kiến của ĐỨC HỘ-PHÁP thì hai bên phải được đồng danh, đồng đẳng, đồng ý, đồng tình thảo-luận những biện-pháp cụ-thể để chấm-dứt chiến-tranh.

Thiết-tưởng việc nội-bộ của Việt Nam nên để cho dân-tộc trọn chủ-quyền xử-liệu, còn như để nước Việt Nam làm bãi chiến-trường
cho ngoại-quốc phân-tranh quyền-lợi và tư-tưởng chủ-nghĩa bất sách.

Trong cuộc tranh-đấu giải-ách lệ thuộc nước nhà thâu quyền độc-lập thì về mặt kháng-chiến cũng như mặt thương-thuyết thâu-hoạch một thắng-lợi vẽ-vang cao-trọng đối cùng quốc-tế. Hội-nghị Génève đã chứng-thật điều ấy, nếu ta biết tự-trọng, tự quyền, tự mình định-liệu mạng-vận tương-lai thì giá-trị ấy mới về ta toại-hưởng, còn như trái lại để có kẻ ngoại-nhơn nhúng tay vào đó, thì tự nơi ta đã tỏ thái-độ trước mặt quốc-tế rằng ta còn tinh-thần lệ-thuộc.


Vì lẽ Đạo, vì tiền-đồ Tổ-Quốc giống-nòi, chớ không vì công danh, vì quyền-lợi hay là vì ai nên chúng tôi đứng ra đảm-nhận mối dây liên-kết này xin quí Ông để tâm xét-đoán.
Nay kính.

Bức thư viết xong, được Ông Bảo-Thế ký tên gởi cho phái-đoàn Việt-Minh và sau khi ĐỨC NGÀI chuẩn-phê.
4 giờ chiều. ĐỨC NGÀI định rằng trước khi trở về Paris phải mời phái-đoàn Việt- Minh dùng lại bữa cơm với ĐỨC NGÀI và phái-đoàn của Đạo tại nhà hàng nào tùy ý định của anh em bên ấy, nên cho Ông Thái đến Hotel d'Engleterre tiếp-xúc và mời dự tiệc. Ông Trần-Thanh-Hà (liên-lạc-viên) xin để báo-cáo cho Trưởng Phái-Đoàn hay rồi sẽ trả lời sau.

*  *  *

Ngày 06 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (05 Juillet 1954):
2 g trưa. Ông Trần-Thanh-Hà cho biết rằng tại Génève không có nhà hàng nào có thể làm nơi gặp-gỡ thuận-tiện, nên nhơn-danh phái-đoàn Việt-Minh thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại trụ-sở của họ tại Versoix như mấy kỳ trước. Ông Trần-Thanh-Hà yêu-cầu tôi bạch với ĐỨC HỘ-PHÁP xin cho phép Ông ra mắt ĐỨC NGÀI để tỏ bày câu chuyện. ĐỨC NGÀI chấp-thuận mời Ông Trần-Thanh-Hà.
Ông Trần-Thanh-Hà thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại trụ-sở Versoix. ĐỨC HỘ-PHÁP nhận lời nhưng từ khước việc đãi cơm, Ông hứa sẽ đem xe đến rước.

X g 30 chiều. Tổng-Thư-Ký của Ông Dejean mời ĐỨC NGÀI đến viếng phái-đoàn Pháp tại Génève.

X g 30 chiều. Ông Tổng-Trưởng Nguyễn-Đắc-Khê đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP. Ông Khê hứa lo công-việc tiếp-xúc với phái-đoàn Pháp.

6 g 30 chiều. ĐỨC NGÀI đi xe song mã đến nhà hàng La Perle du Lac để hứng mát và dùng bữa. Xe đi tốn 5 francs Suisse, nhằm 430 francs Francais. Khi dùng cơm nửa chừng, có cậu Nguyễn An Mỹ đến, rồi Ông Hà cũng đến chờ chúng tôi.

9 g tối  Trời mưa, bên ngoài lạnh thấu xương, chúng tôi lên xe đi liền. Vì đông nên anh em Việt-Minh đem tới hai xe để rước chúng tôi, đến trụ-sở Versoix trời đã tối. Ông Phạm Văn Đồng và trọn phái-đoàn không nệ trời mưa đón ĐỨC HỘ-PHÁP tại sân vào phòng khách.

ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm Văn Đồng ngồi chung một cái ghế dài lớn ngó mặt ngay vô bức chân dung cụ Hồ Chí Minh, Ông Phan Anh ngồi phía mặt ĐỨC HỘ-PHÁP và bên cạnh ĐỨC NGÀI Ông Bảo-Thế phía trái kế Ông Phạm Văn Đồng. Sau lưng Ông Phan-Anh có Ông Việt-Phương lấy tốc-ký. Ngồi vòng quanh và đối-diện với chỗ ghế ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm-Văn-Đồng có cậu Nguyễn-An-Mỹ (ngồi gần Ông Việt-Phương), Ông Trần-Thanh-Hà, Ông Trung-Tá Thái, Ông Trần-Công-Tường và Tôi. ĐỨC HỘ-PHÁP bắt đầu câu-chuyện hỏi phái-đoàn Việt-Minh có liên-đới gì về việc thừa-nhận Chánh-Phủ Quốc-Gia không? thì Ông Phạm-Văn-Đồng vui-vẻ trả lời rằng theo điều thứ ba trong bản kiến-nghị có nói về việc triệu-tập hội-nghị hiệp-thương gồm đại-biểu chánh-phủ hai bên ở Việt Nam tỏ rằng theo nguyên-tắc chánh-phủ hai bên vẫn được thừa-nhận.

ĐỨC HỘ-PHÁP day qua trách chúng tôi sao lại nói với ĐỨC NGÀI rằng anh em bên phái-đoàn Việt-Minh không thừa-nhận chánh-phủ Quốc-Gia. Thiếu chút nữa làm sai-lạc hết ý-nghĩa. Ông Bảo-Thế xin phép ĐỨC NGÀI cho hỏi Ông Phan-Anh, có phải hôm nọ Ông không có lúc nào chịu thừa-nhận chánh-phủ Quốc-Gia một cách rõ-rệt? Ông Phan-Anh vẫn làm thinh mà cười thôi. Tôi thấy vậy hiểu ngay rằng hôm nọ Ông Phan-Anh không dám tự mình thừa-nhận Chánh-Phủ Việt-Nam, vì Ông không phải là Trưởng Phái-Đoàn, lại nữa việc ấy bất ngờ Ông không kịp hỏi ý-kiến của Ông Phạm-Văn-Đồng là Trưởng Phái-Đoàn, thành-thử Ông chỉ giữ một thái-độ úp-mở mà thôi, nghĩa là không thừa-nhận mà cũng không bài-bác. Nhận thấy cuộc hội-đàm có phần xoay-chiều nên tôi để lời cám ơn Ông Phạm-Văn-Đồng có thiện-ý dung-hòa, nhưng xin cho Ông biết rằng trong sở-hành của Chánh-Phủ, lắm khi không đúng như lời nói, bằng cớ là tại hội-nghị trung giá phái-đoàn Việt-Minh không nhìn nhận cho phái-đoàn chánh-phủ Quốc-Gia đi với cây cờ của họ. Ông Phạm-Văn-Đồng xây qua nói với ĐỨC HỘ-PHÁP như vầy: 'ĐỨC HỘ-PHÁP thử nghĩ coi biểu tôi phải nhìn nhận Ngô-Đình-Diệm ... thì làm sao đặng, vì họ không có đại-diện cho một thực-lực, cho một ai hết, chớ như Đạo Cao-Đài đây, có một thực-lực hơn mấy triệu tín-đồ và một quân-đội mấy chục ngàn người, thì chúng tôi sẵn-sàng tiếp đón và thảo-luận tất cả mọi vấn-đề'.

Chất-vấn về vấn-đề chia đôi cương-thổ thì Ông Phạm-Văn-Đồng cho biết rằng: giới-hạn cốt-yếu là để đình-chiến rồi sẽ tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử để lập thành chánh-phủ thống-nhứt cho toàn lãnh-thổ Việt Nam, chớ không phải chia rẻ, và đề-cập nơi tám khoản trong bản kiến-nghị đã đưa ra hội-nghị Génève để lập lại hòa-bình trong nước. Thừa dịp đó Tôi cho Ông Phạm-Văn-Đồng biết trình-độ dân-tộc Việt Nam chưa dung nạp trước thuyết cộng-sản và một số đông người vì sợ cộng-sản, không về ở với chế-độ ấy được, nhưng không đủ sức chống lại thành ra buộc mình phải nương-dựa vào một thế-lực khác, dầu Pháp hay Mỹ cũng vậy. Muốn cho họ đừng chạy theo người khác thì chẵng nên buộc tội họ là Việt-gian hay phản-quốc mà chỉ nên làm cách nào cho họ hết sợ mới đặng. Ông Phạm-Văn-Đồng cười và nói rằng: 'họ đã sợ mà còn có người hù nữa' và day qua ĐỨC HỘ-PHÁP, hỏi ĐỨC NGÀI bị ai hù có sợ hay không? ĐỨC NGÀI nói rằng: 'nếu tôi sợ thì tôi không có đến đây'. Chúng tôi có nhắc cho Anh em Việt-Minh biết rằng cái công kháng-chiến của họ, quốc-dân không quên, nhưng họ phải làm thế nào cho cuộc giải-phóng dân-tộc cho trọn vẹn chớ đừng gở ách này rồi mang cái gông khác hay là đuổi cậu Pháp rồi rước chú Tàu về thì không ăn thua gì và quốc-dân sẽ phán-đoán việc đó. Anh em Việt-Minh nói rằng họ biết việc đó và không để xảy ra đâu.

Chuyện-vãn đến 11 giờ, Ông Phạm-Văn-Đồng mời ĐỨC HỘ-PHÁP và đoàn tùy-tùng sang phòng bên cạnh dùng cháo chay và đồ ngọt. Khi sửa-soạn ra về tôi nói với Ông Phạm-Văn-Đồng rằng: 'Cuộc gặp-gỡ hôm nay có tư-cách chánh-trị, nhưng thật ra có phần thân-mật rất nhiều vì giữa ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm-Văn-Đồng có tình đồng tông. Luôn dịp ĐỨC HỘ-PHÁP nói tiếp rằng: 'đồng họ Phạm luôn luôn phải trúng nghe không. Ông Đồng cười, ĐỨC NGÀI còn tiếp: 'Tôi đã có cất rồi một nhà thờ Tông-đường họ Phạm ở Tòa-Thánh, vậy chừng yên rồi Ông nhớ về đo"ù. Ông cười và nói: 'Dạ, chừng đó sẽ về'. Trước khi ra đi, Ông Đồng ôm ĐỨC HỘ-PHÁP mà hun hồi lâu rồi mới buông ra. Toàn phái-đoàn đưa chúng tôi ra tận xe. Về đến phòng hơn 12 giờ đêm, ĐỨC HỘ-PHÁP có vẻ hài lòng về cuộc gặp-gỡ này.

*  *  *

Ngày 7 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (6 Juillet 1954):
10 g sáng. Phái-đoàn Việt Nam cho hay rằng đúng 12 giờ Ông Chauvel, Trưởng-phái- đoàn Pháp tiếp ĐỨC NGÀI tại Văn-Phòng ở Hotel Bacage. Phái-đoàn đúng 12 giờ đến tại Hotel Régina rước ĐỨC NGÀI đi.
Đến nơi Ông Chauvel (Trưởng Phái-đoàn) và một Ông nữa, không biết tên, ra tiếp. Bắt đầu câu chuyện, ĐỨC HỘ-PHÁP nói với Ông Chauvel rằng: 'chiều hôm qua Tôi có gặp Ông Phạm-Văn-Đồng'. Ông Chauvel tỏ vẻ ngạc-nhiên và hỏi ĐỨC NGÀI gặp Ông Phạm-Văn-Đồng thể nào thì ĐỨC NGÀI nói: "rất hài lòng". Trong lúc nói chuyện ĐỨC NGÀI có cho Ông Chauvel biết rằng nước Pháp cần giữ giá-trị của mình, không nên thương-thuyết với Việt-Minh và phải đưa chánh-phủ Quốc-Gia ra thương-thuyết, vì công việc này là công việc nội-bộ của dân-tộc Việt Nam, phải để cho dân-tộc Việt Nam xử-định mà thôi. ĐỨC NGÀI còn nói với Ông Chauvel một câu rất lý thú là: "Ne mettez pas vos doigts dans le panier de crabes." (Nghĩa là: xin Ông đừng để tay vào giõ đựng cua). ĐỨC NGÀI muốn cho Ông Chauvel biết rằng: 'Việc nước Nhà tôi khó lắm, nếu Ông xía vào thì chẵng khác nào Ông thọc tay vào một giõ đựng đầy cua, không thể tránh khỏi bị cua kẹp, không rút tay ra đặng. Nói chuyện với Ông Chauvel đến 1 giờ.

3 giờ chiều. Ông Bảo-Thế hiệp với Phái-đoàn Việt Nam dự phiên đại-hội tại Hội- Quốc-Liên (Palais des Nations) gọi là hội-nghị Génève. Về sau Ông Bảo-Thế và phái-đoàn Việt Nam có thuật lại cho ĐỨC HỘ-PHÁP nghe rằng: Phái-đoàn Việt Nam vào hội-nghị trước, phái-đoàn Việt-Minh đến sau. Khi bước vào, phái-đoàn Việt-Minh do Ông Phạm-Văn-Đồng dẫn đầu, thấy bên hàng ngũ Việt Nam có Ông Bảo-Thế họ cúi đầu chào lễ-phép và còn cười duyên với nhau. Phái-đoàn Việt-Nam bất thình lình cũng chào lại làm cho toàn hội đều ngạc-nhiên, vì từ khi mở cuộc hội-nghị Génève này thì hai phái-đoàn Việt Nam và Việt-Minh coi nhau như thù địch và chưa từng chào hỏi nhau lần nào. Về sau người ta mới biết nhờ có Đạo Cao-Đài mới đem lại thiện cảm giữa hai phái-đoàn.

Sau khi ĐỨC HỘ-PHÁP về Paris rồi, Ông Trần-Văn-Đỗ, Trưởng phái-đoànViệt Nam cũng được giáp mặt với Ông Phạm-Văn-Đồng. Sau nữa Cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu qua Génève cũng xin gặp Phạm-Văn-Đồng một lần nữa.

4 g chiều. ĐỨC HỘ-PHÁP và phái-đoàn ra phi-trường đáp phi-cơ trở về Paris. Bữa nay hội-nghị bế-mạc sớm, nên (5g30) trước khi chúng tôi lên phi-cơ, Ông Bảo-Thế và mấy vị Đại-diện phái-đoàn Việt Nam theo đưa ĐỨC HỘ-PHÁP, thuật chuyện gặp phái-đoàn Việt-Minh với sự niềm-nỡ ân-cần.

6g chiều. Phi-cơ cất cánh bay và một giờ sau đáp xuống phi-trường Orly. Trời mưa và lạnh, nhưng anh em đến rước ĐỨC NGÀI rất đông, có Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn (Bình-Xuyên), Ông Trần-Vinh (Trưởng Ban Nghi-Lễ), Ông Trần-Văn-Ân, ông Trần-Quang-Vinh và nhiều nhơn-vật khác.
*  *  *

Ngày 8 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (7 Juillet 1954):
Phái-đoàn về xe, ghé nghỉ đêm tại Dijon, sáng ngày sau về đến Paris.
11 g trưa. Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn viếng ĐỨC HỘ-PHÁP để báo cáo tình-hình nước nhà và cuộc tiếp-xúc của Ông với ĐỨC-QUỐC-TRƯỞNG. ĐỨC HỘ-PHÁP mời riêng Ông vào phòng tư nói chuyện và có mật lịnh cho Thiếu-Tướng về trước sắp đặt công việc.

12 g. ĐỨC HỘ-PHÁP mời Thiếu-Tướng Lê Văn Viễn đến dùng cơm tại nhà hàng. Bữa tiệc có Quí Ông: Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn, Trần-Văn-Ân, Đỗ-Hữu-Tấn, Trần-Quang-Vinh và trọn phái-đoàn tùy-tùng ĐỨC HỘ-PHÁP.

4g chiều. Ông Cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP nói chuyện trọn một giờ đồng hồ. Cựu Thủ-Tướng mời ĐỨC HỘ-PHÁP và phái-đoàn chiều thứ sáu 9 Juillet 1954 đến Hotel Raphael dùng cơm.

5g chiều. Ông Đỗ-Đức-Hổ và Ông Pierre Max đến nói chuyện về tờ báo " Defense du Việt Nam ". Hai Ông này tính tình còn nóng nảy và quen theo lối viết văn chỉ trích chạm nhiều nhơn-vật Pháp-Việt, nên ĐỨC NGÀI không bằng lòng và trách sao hai Ông làm mích lòng thiên-hạ làm chi. ĐỨC NGÀI có cho biết rằng chánh-sách của ĐỨC NGÀI là bất bạo-động (non-violence) và ĐỨC NGÀI còn nhấn mạnh rằng sự bất bạo-động của ĐỨC NGÀI có thể đi xa hơn sự bất bạo-động của Thánh GANDHI, vì sự bất bạo-động của Gandhi còn chọc tức người ta và gây sự bạo-động (non violence provocante). ĐỨC NGÀI dạy phải bỏ hết mấy số báo đã in lỡ và chỉnh-đốn bài vỡ trình cho ĐỨC NGÀI xem rồi mới ấn loát số mới.

7g chiều; Ông Raphael Leygues, Nghị-viên Liên-Hiệp-Pháp (Conseiller de L'Union Francaise) đến thăm và mời ĐỨC NGÀI chiều thứ hai 12 Juillet 1954 đến nhà Ông dự bữa cơm thân mật, câu chuyện tâm đầu ý hiệp, và khi tôi đưa xuống lầu Ông còn nói rằng ĐỨC HỘ-PHÁP là nhơn-vật anh-dũng (Forte personnalité).

*  *  *

Ngày 9 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (8 Juillet 1954):
10 g trưa. Ông Phạm Lê-Bông đến báo-cáo tình-hình ở Paris từ ngày ĐỨC HỘ-PHÁP đi Génève. Ông cũng cho ĐỨC NGÀI biết những sự tiếp-xúc của Ông với ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG và nhơn-vật Pháp. Ông cũng cho biết Ông Guy La Chambre là Tổng-Trưởng Bộ Liên-Quốc Pháp (Ministre des États Associés) hiện đang ở Génève muốn gặp ĐỨC NGÀI và xin ĐỨC NGÀI qui-định ngày giờ và vị trí giản-tiện, ĐỨC NGÀI hứa sẽ tính sau.
X g trưa. Ông Tòa Weil và Phó Lãnh-Sự Tàu ở Paris đến thăm ĐỨC NGÀI và tỏ bày rằng Tổng-Tài Tưởng-Giới-Thạch có đánh điện qua Paris mời ĐỨC NGÀI khi về Việt Nam, nhơn ngày giờ sang Đài Loan chơi. ĐỨC NGÀI nhận lời, vị Phó Lãnh-Sự cũng mời ĐỨC NGÀI bữa nào rảnh, quá bộ lại Lãnh-Sự Quán Tàu chơi và cho biết Ông Chánh Lãnh-Sự, ĐỨC HỘ-PHÁP hứa sẽ cho hay trước ngày giờ đến.

5 g chiều. Ông Nguyễn Mạnh-Hà (ở Cao-Ủy-Phủ Việt Nam) viếng ĐỨC HỘ-PHÁP và cho hay rằng cựu Thủ-Tướng BỬU-LỘC đã trở qua lãnh nhiệm-vụ Cao-Ủy-Việt Nam. Người kính lời chào ĐỨC NGÀI. Ông nói chuyện nửa tiếng đồng-hồ.

7 g chiều. Ông Grand phóng viên báo A.F.P. (Agence France Press) đến phỏng-vấn ĐỨC NGÀI về việc đi Génève, nhơn-dịp Ông mới nói rõ vì sao lời tuyên-bố của ĐỨC NGÀI tại Génève mà báo Journal d Extrême Orient đã đăng, còn báo bên Pháp lại tuyệt-nhiên yên-lặng. Điều này Tôi đã nói rõ ngày 2 Juillet 1954. Ông hầu chuyện với ĐỨC HỘ-PHÁP đến 8 giờ mới ra về. ĐỨC NGÀI dùng cơm chiều rồi nghỉ.

*  *  *

Ngày 10 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (9 Juillet 1954):
10g sáng. ĐỨC HỘ-PHÁP đánh điện cho ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG xin hầu chuyện nhưng Quốc-Trưởng đi vắng. Ông Nguyễn-Xuân-Quảng hứa ngày mai lối 10 giờ sẽ trả lời.
10 g 30 sáng. Hai người bán máy xay đá và rouleau cán đường đem các kiểu trình cho ĐỨC NGÀI xem, ĐỨC NGÀI chọn một kiểu máy xay đá và một rouleau chạy mazout. Ông Ngô Khai-Minh đang xin phép mua hai cái máy ấy chở về Tòa-Thánh.

11 g trưa. Ông Cao Văn-Sến, bạn thân của Cựu Thủ-Tướng Nguyễn-Văn-Tâm đến chào ĐỨC HỘ-PHÁP và bàn về thời cuộc. Nghĩ cũng buồn cười là đến buổi này Ông vẫn còn trung-thành với thuyết Nam-Kỳ Quốc, tuy là ý-nghĩ lạc-hậu, nhưng rồi đây thời-cuộc sẽ đưa đẩy đến chỗ chia xẻ nước VN làm đôi. Ông nói chuyện với ĐỨC HỘ-PHÁP lối nửa giờ.

12 giờ trưa. Ông Thiếu-Tá Diệp đặng Bộ Tham-Mưu Quân Đội Cao-Đài ủy-nhiệm lo về kinh-tế quân-đội, đáp phi-cơ sang Paris.

3 g chiều. Ông Diệp trình-diện với ĐỨC HỘ-PHÁP bị ĐỨC HỘ-PHÁP quở. Vụ xin carte gởi bạc làm cho Đạo phải mang tiếng, ĐỨC NGÀI có giao cho Ông Diệp giấy tờ của Nhà Đương-Cuộc gởi cho ĐỨC NGÀI, cho biết danh-sách những người mà Cơ-Thánh-Vệ đã mượn danh để gởi bạc sang Pháp, có luôn cả danh-sách những người đứng tên bên Pháp để lãnh tiền. ĐỨC NGÀI dạy Ông Diệp phải điều tra vụ này rồi phúc báo cho ĐỨC NGÀI rõ.

7 g chiều. Các bạn Raoul Chabrol, Simone Baus và con là Janine Baus đến thăm ĐỨC HỘ-PHÁP, mừng rỡ và ngỏ ý xin nhập-môn. ĐỨC NGÀI định tối thứ năm, 15 Juillet lối 9 giờ sẽ làm phép lập-thệ nhập-môn. Họ định thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại nhà của Bà Simone Baus làm lễ. Vì họ quyến-luyến với ĐỨC NGÀI nên trễ giờ hẹn bữa cơm của Cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu. Ông Minh lanh-trí kêu điện-thoại cho hay rằng ĐỨC NGÀI lỡ bị khách, đến 8 giờ 30 mới nhập tiệc.

8 g 30 chiều. Xe ĐỨC HỘ-PHÁP đến, đã có mấy Ông chờ sẵn như Thiếu-Tướng Lê- Văn-Viễn, Tổng-Trưởng Trần-Văn-Văn, Trần-Văn-Ân, và nhiều người khác, buổi tiệc thân mật kéo dài đến 11 giờ.
*  *  *

Ngày 11 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (dl 10 Juillet 1954):
9 g sáng. ĐỨC HỘ-PHÁP xem báo buổi sáng thấy tin tại Montreux (Suisse) có hội- nghị Quốc-Tế các Tôn-Giáo trên Hoàn-Cầu từ 9 giờ, 12 Juillet 1954, hoạch-định con đường Hòa-Bình, ĐỨC NGÀI đưa tôi xem và bàn tính nên đi dự cuộc hội-nghị ấy không? Phải chi hôm ở Génève mà mình đặng hay trước thì ở luôn bên ấy mà đi dự hội rồi sẽ về. Đàng này mới về có 3 bữa lại phải trở qua nữa, đã tốn tiền mà lại công việc ở Paris rất bề-bộn, từ ngày quân-đội Pháp thất-thủ ở Điện-Biên-Phủ, và nhứt là từ khi mất Bùi-Chu, Phát-Diệm và Phủ-Ly,ù thì sự dự tính của Mandès France ký đình chiến với Việt-Minh ngày càng rõ rệt. Việc chia ranh ban đầu lấy thuyết da beo (Peau de Léopar) nghĩa là quân-đội Pháp và Việt-Minh ở đâu đóng đó thành từng khoảnh nên mới gọi là chia theo da beo (có từ đốm) sau lại lấy thuyết chia đôi. Pháp đòi từ vĩ-tuyến 18, còn Việt-Minh thì đòi từ vĩ-tuyến 16, nhưng chưa quyết-định đến đâu. Trước sự phân-chia chắc-chắn đất nước Việt Nam như vậy, ĐỨC NGÀI rất lo nghĩ và đã cho mật lịnh Ngài Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn về nước trước đặng sắp đặt việc nhà, rồi ĐỨC NGÀI cũng gấp rút về sau. Vì cớ nên việc trở qua Suisse dự hội-nghị Montreux là một điều cần phải suy-nghĩ. Hỏi ý kiến nhiều người, đến gần 11 giờ mới quyết-định phải đi. ĐỨC NGÀI dạy tôi đánh giây-thép qua Montreux cho hay rằng ĐỨC NGÀI sẽ tới dự hội sáng ngày 12 Juillet (vì còn phải ghi passeport và lấy giấy máy bay) ĐỨC NGÀI định đi 3 người, có Ông Đỗ-Hữu-Tấn và Tôi.

10 g sáng. Ông Nguyễn-Xuân-Quảng kêu điện-thoại cho hay rằng ĐỨC QUỐC- TRƯỞNG sẽ tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP bữa thứ hai 12 Juillet, nhưng vì có việc phải đi Montreux nên ĐỨC HỘ-PHÁP dạy tôi xin hoãn lại bữa khác. Ông Nguyễn-Xuân-Quảng cho hay rằng qua ngày thứ hai thì có lẽ Quốc-Trưởng sẽ đi Vichy dưỡng bịnh, ĐỨC HỘ-PHÁP dạy tôi nói lại với Ông Quảng rằng dầu ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG có đi đâu thì ĐỨC NGÀI cũng sẽ đi ngay đến đó. Ông Nguyễn-Xuân-Quảng xin để hỏi ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG rồi sẽ trả lời sau.

4 g chiều. Bạn Elexandre Mathelin khi được tin tôi thì có kêu điện-thoại xin phép chiều nay đúng giờ đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP. Vì ĐỨC HỘ-PHÁP có điều lo nghĩ, Tôi thay ĐỨC NGÀI tiếp-chuyện. Giải-thích lẽ Đạo, Ông ta nghe rất ngưỡng-mộ. Sẵn dịp Tôi cho hay rằng tới bữa 15 Juillet, ĐỨC HỘ-PHÁP sẽ làm lễ nhập-môn cho bạn Raoul Chabrol và Mẹ con của Bà Baus. Tôi khuyên Ông nên thừa dịp ấy nhập-môn luôn, Ông hứa chắc bữa đó sẽ dẫn người vợ mới cưới nhập-môn luôn. Ông này có vẻ hoạt-động và có nhiều sáng-kiến, Ông muốn làm thế nào mở Đạo cho mau và làm cho Cơ-Quan Truyền-Giáo ở Pháp đừng tốn-kém đến Tòa-Thánh. Ông còn nói với Tôi một câu: 'Khi mình muốn ra hành-đạo, thì phải nghĩ đến sự hi-sinh mà thôi, chớ chẳng nghĩ đến việc lợi. Nếu nghĩ đến việc lợi, thì không thể nào hành-đạo đặng'.

6 g chiều. Ông Minh cho hay rằng đúng 3g30 chiều 11 Juillet (12.6.Giáp-Ngọ) máy bay khởi-hành đi Génève và từ Génève đến Montreux phải đi bằng xe hơi, vì tại Montreux không có phi-trường. Ông giao giấy máy bay cho tôi và đưa riêng tôi 100 ngàn quan Pháp đem theo đổi lại tiền Suisse. Hôm nay thứ bảy nhà băng đã đóng cửa. Ông Đỗ Hữu-Tấn được tin đi theo ĐỨC HỘ-PHÁP, cũng đồng sửa-soạn valise.

*  *  *

Ngày 12 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (11 Juillet 1954):
Sáng nay tôi viết bức thơ gởi cho Bà Baus dạy cách thức lập một Thiên-Bàn: trên, để Thiên-Nhãn; dưới, để tượng của Chúa Jésus Christ, có quả, hoa, ba ly rượu hai chén âm dương thủy và lư hương . . . .
9 g 30 sáng. ĐỨC HỘ-PHÁP, sau khi lót lòng, đọc cho tôi viết một bản tuyên-ngôn để qua Hội-Nghị đưa ra cho gọn. Tôi đem theo một số sách Histoire et Philosophie du Caodaism (Caodaism) và cuốn Pháp-Chánh-Truyền dịch ra Pháp-văn, cùng bản phỏng-vấn Đạo. Sắp đặt xong xuôi, chúng tôi chờ giờ ra phi-trường. Lúc ấy tôi nhớ trực lại bữa cơm của Ông Raphael Leygues mời chiều thứ hai 12/7, nay lại đi Génève gấp, tôi lật-đật viết thư gấp theo lối phneumatique hồi bữa ăn ấy, thì nội trong nửa giờ thơ ấy tới tay.

2 g trưa. Sợ trễ như kỳ trước nên mới 2 giờ đã đi ra phi-trường, ghi giấy và cân đồ xong lại rủi chiếc máy bay dự bị đi 3 giờ 30 này phải đình lại đến 7 giờ. Chúng tôi đành phải trở về.

6 giờ chiều. Đi giờ này lỡ bữa ăn. ĐỨC HỘ-PHÁP định qua Génève dùng cơm. Không ngờ chừng ra phi-trường chiếc máy bay này lại hoãn thêm nửa giờ, nghĩa là 7 g 30 mới cất cánh. Đường đi từ Paris tới Génève có một giờ đồng hồ. Máy bay cất cánh lối 15 phút là họ dọn ăn.

8 g 30 chiều. Máy bay tới phi-trường Cointrin (Génève). Kỳ này đi thình-lình không có ai đón nên bị lẳng-nhẳng với Douane một hồi lâu mới kêu taxi về đến Hotel Régina. Đến đây hơn 9 giờ. Khi còn ở Paris, Tôi có kêu điện-thoại qua Génève dặn phòng trước và mượn chủ nhà hàng hỏi thăm dùm vụ hội-nghị Tôn-Giáo ở Montreux, nay chúng tôi tới khuya quá, người hành-sự ban ngày đã về phải đợi 9 giờ mai, nhân-viên đến sẽ trả lời cho chúng tôi. Từ Génève đến Montreux trên 90 cây số ngàn, mút đầu trong của hồ Léman. Thấy không thể nào đi Montreux luôn đặng, nên đồng nghỉ tại Génève một đêm. Sáng, khi lót lòng tôi cậy kêu dùm cô Magda cho hay rằng có ĐỨC HỘ-PHÁP và tôi trở lại. Khi nghe tin ấy Cô lật-đật chạy lên gặp ĐỨC HỘ-PHÁP. Cô ôm khóc mướt, nhưng rồi cũng không dám ở lâu vì sợ bỏ công-chuyện chủ rầy.
*  *  *

Ngày 13 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (12 Juillet 1954):
9 g sáng. Lót lòng xong, chúng tôi khởi-hành bằng chiếc xe hòm. Hôm nay nhờ một tờ báo Suisse đăng tin rõ hơn, cho biết hội-nghị Tôn-Giáo này nhóm tại Institut du Bleu Léman, gần Chateau Chillon, cách Montreux chừng hai cây số.
Đường từ Génève đến Montreux chạy dài theo mé hồ, có lúc qua đồng bằng cách mé hồ vài trăm thước, có lúc chạy theo triền núi quanh-co sát mé hồ, bên trên núi cao chớn chở, còn bên dưới là vực sâu thẳm, thấy còn ghê hơn là đi Col de Faucille kỳ trước, vì Col de Faucille thì có cây rừng mọc hai bên nên khuất chẵng thấy hố sâu còn ở đây thì trống trải quá. Đường xa gần 100 cây số nhà cửa vẫn liền nhau. Ở đây cũng như bên Pháp, nhà cửa kiến trúc bằng gạch ngói, không có nhà tranh. Dọc theo đường, mấy chỗ trống, toàn là vườn nho hay là đồng lúa mì. Nho mùa này trông mới bén chưa có trái, còn lúa mì chín đỏ đồng, chẵng khác nào ruộng lúa bên mình. Muốn đến Montreux, phải đi ngang qua một đô-thị lớn là Lausane rất đồ-sộ.

10 g sáng. Gần 10 giờ xe tới Montreux, đi khỏi Montreux lối 2 cây số có một tòa lâu-đài sát mé hồ đó là Chateau de Chillon. Khỏi Chateau de Chillon chừng một đổi thấy bên tay trái một con đường nhỏ tách vô trong núi. Tại ngã ba có tấm bảng đề "Bleu Léman". Do theo con đường nhỏ ấy xe leo lên triền núi, quanh co một khoảng đường vài trăm thước đến một ngôi nhà rộng lớn đề bảng "Institut du Bleu Léman". Ngừng xe, chúng tôi vô nhà gặp một cô đầm lối chừng 40 tuổi tiếp đón và mời vô salon. Chúng tôi tự giới-thiệu và nói rằng có đánh điện xin dự hội-nghị Tôn-Giáo nơi đây. Bà liền cho biết rằng mới đặng giây-thép hồi sáng, nhưng cuộc hội-nghị vừa bế-mạc trước đây chừng nửa giờ. Bà cho biết thêm, trong cuộc hội-nghị có Ông Narada Théra đến dự. Ông này là người Ấn-Độ, có đến Tòa-Thánh lúc trước và hiến viên ngọc Xá-Lợi và cây Bồ-Đề. Bà ấy nói Ông Narada Théra vừa đi cách đây chừng nửa giờ, nhưng hội-viên khác còn đây và nhứt là Cô Nữ Tổng-Thư-Ký người Anh lối 30 tuổi. Bà mời chúng tôi ngồi và cho mấy hội-viên kia hay đến chào hỏi chúng tôi. Trong số hội-viên còn lại đây là người Anh (Anglais), Hòa-Lan (Hollande), người Bỉ (Belgique), ĐỨC HỘ-PHÁP tỏ ý với Cô Tổng-Thư-Ký và mấy Hội-Viên kia xin thêm vào đoạn chót bản vi-bằng bản tuyên-ngôn của ĐỨC NGÀI và ghi rằng chúng tôi vừa đến kịp trong giờ chót thì ai nấy đều nhận. Tôi lấy bản tuyên-ngôn trao cho Cô Tổng-Thư-Ký.

Bản Tuyên-Ngôn ấy như vầy:
MESSAGE
De S.S Le HỘ-PHÁP PHẠM-CÔNG-TẮC
Supérieur de L' Église Caodaique à Tây-Ninh (Sud Việt Nam)
adressé au Congrès Universel des Religions Mondiale à Montreux (Suisse)

Le 12-7-1954
Mes Frères,
Nous sommes venus de loin et sommes très heureux d'êre au milieu de ce divin aéropage. Pour vous laisser un souvenir do notre passage au milieu de vous, nous vous laissons le Message ci après du Maitre:

L'Humanité est en pleine crise moral. Toutes les Nations sont dans l'anxiéùté, à la recherche d'une Voie de Salut dans la PAIX, promise aux hommes de bonne volonté.

Le pur Matérialisme semble dépasser le Spiritualisme divin et la Force brutale primer le Droit. Les Menaces de Guerre sont imminentes et partout on cherche à opposer la Force à la Force. Ce serait là une grave erreur qui conduirait le Monde vers sa destruction.

L' Idéologie Matérialiste ne peut être combattue que par une Haute Spiritualité, mais les Religions existantes, prise isolément, semblent être impuissantes devant L'Impiété et la Haine.

Je suis convaincu qu'en ce moment, toutes nos pensées sont dirigées vers un seul But, celui de concilier toutes les divergences de conceptions religieuses en une UNITÉ de Croyance en DIEU et en ses Créatures.

C'est dans le but qu'une nouvelle religion (La religion Caodaisme) a été fondée en 1925 au Việt Nam sur l'ordre donné par Messages Divins.

Par sa très large tolérance, Elle n'admet pas l'idée de sectarisme. Par Elle toutes les Fois pourront se rencontrer et se confondre en une FOI UNIQUE, la Grande Foi sur la Grande Voie de L'Amour.

Le Caodaisme, comme toutes les Religions, a son esotérisme et son exotérisme. Son esotérisme est le dogme de l'Amour Universelle tandis que son exotérisme est L'INITIATION HIÉRARCHISÉE.

L'Humanité ayant son origine unique, la Croyance Humaine était donc, à ses débuts, portée vers son Créateur. C'est la multiplicité des races qui a conduit le monde devant la diversité des croyances. Pour ramener l'esprit humain vers L'Unité, il est nécessaire de ramener toutes les croyances à son origine primordiale: Le Culte de DIEU et de L'HUMANITÉ.

UNION et PAIX, voilà deux mots auxquels aspire le monde actuel. Ce sont des mots d'or et de jade que le Maitre a mis dans le coeur de chacun de nous. C'est L'Union qui établit la Paix dans toutes les sociétés et les Nations et qui est un exemple éclatant, poussant l'Humanité à vivre dans une FRATERNITÉ UNIVERSELLE.

Donc, la Paix peut être réalisée qu'en unifiant toute les croyances religieuses. Vos recherches sont dans la bonne voie. A partir de ce jour, groupons-nous, conceptrons tous nos efforts autour de la bannière de notre DIEU UNIQUE. Efforcons-nous d'élever dans le Monde une Haute Eglise (... CAO-ĐÀI) qui servira de flamme pour bien éclairer L'Humanité entière dans sa marche vers la PAIX et la CONCORDE./. [1]

Ai nấy đều vui lòng chấp-thuận thâu-nhận bản Tuyên-Ngôn này và sẽ gài vào bản vi-bằng. Sau đó Bà Quản-Lý Institut du Bleu Léman mời ra sân (terrasse) uống trà dùng bánh và đàm đạo. Trời tốt, bên nầy người ta ưa thích ra sân phơi nắng cho ấm. ĐỨC HỘ-PHÁP nhơn dịp ấy thuyết minh giáo-lý cho mọi người nghe. Họ để ý và hoan-nghinh Giáo-lý Cao-Đài lắm, họ hi-vọng mối Đạo này dung hợp các Tôn-Giáo trên hoàn-vũ. Bây giờ họ mới cho biết rằng Ông Narada Théra làm cho họ bất mãn lắm vì những chuyện cầu kỳ của Ông. Ông bắt người ta phải dưng cơm, dưng nước. Bữa trước Ông nặng đầu, xin một viên thuốc mà cũng phải có người dưng cho Ông mới chịu uống, y như lúc Ông qua Saigon và lên Tòa-Thánh buổi nọ làm cho người Âu-Châu bất mãn lắm. Đã vậy, với tánh hiếu-kỳ của người Âu-Châu, họ hay tìm tòi và hỏi nhiều chuyện thắc-mắc, vấn Ông nhiều câu khó trả lời, Ông bảo họ không đặng phép hỏi như vậy, làm cho nhiều người càng thêm bất mãn. Vì cớ cuộc hội đáng lẽ đến chiều ngày 12 Juillet mới bế-mạc mà phải bế-mạc sớm.
Sau khi ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi cho họ biết tôn-chỉ Đạo Cao-Đài dung-hòa các tâm-lý để đi đến mức Đại-Đồng họ thích lắm. Thêm nữa họ thấy ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi rất vui-vẻ, dễ-dãi, khác hẵn với tánh khó-khăn của Ông Narada Théra nên tỏ vẻ thân mật và gây cảm-tình.
Ngày 12 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (11 Juillet 1954):
.... Các hội-viên Tôn-Giáo Quốc-Tế mời ĐỨC NGÀI và chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Trong bữa cơm chúng tôi chuyện-trò rất thân mật. Trước khi ra về cả nhà Bà Quản-Lý Institut du Bleu Léman xin ĐỨC HỘ-PHÁP ban Phép Lành cho mỗi người trong nhà (trên 10 người).
4 giờ chiều. Về đến phòng nghỉ là 4 giờ. Ông Đỗ-Hữu-Tấn đi luôn lên Hội-quán của Phái-đoàn Pháp ở Bocage đến gặp Ông Guy La Chambre coi Ông muốn gặp ĐỨC HỘ-PHÁP không? Khi được nghe tin ĐỨC HỘ-PHÁP qua Génève thì Ông Guy La Chambre mừng và xin đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP liền. Ông Tấn về báo-cáo cho ĐỨC NGÀI hay. 15 phút sau, đúng giờ hẹn Ông Tổng-Trưởng Bộ Liên-Quốc Guy La Chambre đến, có Ông Saint Mleux là Đổng-Lý Văn-Phòng đi theo. ĐỨC HỘ-PHÁP tiếp Ông Guy La Chambre nơi phòng riêng còn chúng tôi nói chuyện với Ông Saint Mleux. Tôi cũng tỏ cho Ông biết rằng nước Pháp đã long-trọng tuyên-bố cho Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam thâu hoạch chủ-quyền Độc-Lập, tại sao nước Pháp không đưa Chánh-Phủ Quốc-Gia thương thuyết với Việt-Minh, vì chuyện đó là chuyện nội-bộ của nước Việt Nam mà thôi. Ông nói rằng nước Pháp từ 8, 9 năm nay vì chủ-nghĩa chống Cộng-Sản mà phải kẹt tay ở Việt Nam. Chánh-Phủ Mỹ hứa giúp sức, nhưng từ mấy năm nay nào có giúp gì đâu. Đến nay tới lúc khó-khăn mà chánh-phủ Mỹ gặp hồi Tổng Tuyển Cử, không thể nào tỏ một thái-độ rõ-rệt trước ngày lập thành tân Chánh-Phủ nghĩa là không trước tháng Octobre, Novembre 1954. Nếu nước Pháp không sớm liệu, thì từ đây đến đó những biến cố xảy ra có thể đưa nước Pháp vào chỗ khó-khăn.... nên mới nhận ký-kết đình-chiến với Việt-Minh. Tôi hỏi Ông có biết rằng khi nước Pháp bắt tay ký kết đình chiến là sẽ gây sự phẩn-uất trong lòng những chiến-sĩ trong cánh Quốc-Gia hay không? thì Ông nói rằng Ông vẫn biết, nhưng trong tình thế này Ông chắc chắn bên Việt-Minh họ sẽ gìn giữ trật-tự trong vùng của họ kiểm-soát để bảo-vệ tài sản và sanh mạng người Pháp trong vùng họ đặng lấy uy-tín đối với Quốc-Tế. Ông ngỏ ý rằng bên cánh Quốc-Gia muốn giữ đặng uy-tín thì cũng phải cố-gắng giữ sao đừng cho xảy ra chuyện rắc-rối làm mất trật-tự trong vùng mình kiểm-soát, nói chuyện đến đây thì Ông Guy La Chambre trên kia đã dứt câu chuyện với ĐỨC HỘ-PHÁP nên trở xuống. Ông Tấn và Tôi lật-đật đưa Ông Saint Mleux ra cùng về với Ông Tổng-Trưởng.

Trong công việc đi Génève kỳ này tôi nhận thấy nhiều chuyện biến đổi ngộ-nghỉnh, nhứt là vụ đi Hội-Nghị Tôn-Giáo, nếu không có chuyện phi-cơ trục trặc thì chúng tôi đến rất sớm, dự hội và sẽ gặp Ông Narada Théra còn ở đo,ù không sao tránh khỏi sự niềm-nỡ của Ông vì tình quen biết với nhau khi trước. Như vậy thì sự thất bại của Ông Narada Théra sẽ có ảnh hưởng đến chúng tôi. Trái lại chúng tôi đến trễ mà thâu-thập đặng trọn cảm-tình của toàn hội và cả gia-đình Bà Quản-Lý.

8g chiều. Cô Magda Purro thừa-dịp dọn cơm chiều lân-la chuyện vãn với chúng tôi. Câu chuyện thật là ly kỳ. Kỳ trước ở Génève ĐỨC HỘ-PHÁP đã nhận cô Magda này làm con và Cô thương ĐỨC HỘ-PHÁP như Cha đẻ. Cô là một người hay lên xuống làm công cho Hotel Régina, một trong số 4 người hay lên xuống bưng thức ăn cho chúng tôi. Ngày đầu lúc chưa biết nhau nhằm chuyến cô bưng đồ lót lòng lên phòng; thấy vẻ hiền-từ đáng thương, ĐỨC HỘ-PHÁP kêu Cô lại. Lúc ấy trời lạnh, ĐỨC NGÀI đang nằm trên đi-văn, đấp mền tới cổ. Cô lại quì gối bên chưn ĐỨC NGÀI. Hỏi lai-lịch, Cô thuật rằng: Cô mồ côi cha mẹ sớm, có ba em, Cô phải nghỉ học để đi kiếm chuyện làm lấy tiền nuôi em. Đến năm nay Cô đặng 28 tuổi, em cô cũng đã lớn, có gia-đình và đã có con mà cô thì vẫn ở vậy. Hỏi sao Cô không lập gia-đình thì Cô trả lời một cách tự-nhiên và thật-thà rằng: Mấy em con nghèo, làm việc không đủ nuôi con, nên con phải làm việc để giúp chúng nó. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy một tâm-hồn đầy nhẫn-nại hy-sinh. ĐỨC HỘ-PHÁP hỏi Cô muốn làm con ĐỨC NGÀI không? Cô có vẻ mừng và hỏi vặn lại ĐỨC NGÀI nói thật hay nói chơi? ĐỨC HỘ-PHÁP trả lời rằng: "Thiệt!" Cô liền quì gối xuống nói: "Con xin nhận và cám ơn Cha". Cô bèn ôm tay ĐỨC NGÀI mà hun. Từ buổi ấy về sau mối cảm-tình Cha con ngày thêm khắn-khít. ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi trở lại Paris lần trước Cô cảm-động quá không dám đưa đi, sợ cầm lòng không đậu rồi phải khóc.

Tưởng không còn hi-vọng gặp lại nữa, nhưng thình lình sáng ngày 13 Juillet, Cô hay tin ĐỨC HỘ-PHÁP trở qua, Cô mừng quá chạy lại ôm ĐỨC NGÀI mà khóc. Thấy Cô quí mến ĐỨC NGÀI quá, hỏi nguyên-do thì Cô mới thố-lộ một sự lạ-lùng, Cô nói rằng: "Bữa đầu tiên Cô bưng đồ lên cho ĐỨC HỘ-PHÁP dùng, khi mở cửa bước vào trong phòng. Cô nghe mùi hương bát-ngát mà thuở nay chưa từng thưởng-thức, dưới đất đầy dẫy bông hoa đủ màu sắc như màng. Khi ấy Cô nghe trong lòng Cô khoan-khoái vui lạ làm sao, làm cho Cô muốn nằm trên đống hoa ấy mà mắt Cô trông thấy". Trời lạnh, ĐỨC HỘ-PHÁP đang nằm nghỉ trên ghế dài (divan) đấp mền lên tới cổ. Cô bước tới thấy mặt ĐỨC HỘ-PHÁP có khí sắc sáng lòa làm cho Cô ngơ-ngẫn phục quì xuống dưới chơn". Cô còn nói nhiều câu làm cho mình phải suy-nghĩ mãi. Cô cảm thấy thế-giới bên kia thế nào mà Cô nói với ĐỨC NGÀI rằng: "Hồi trước cha con mình ở trên kia vui sướng biết mấy, ngày nay mang xác-thịt này cực-khổ quá phải không Ba?" Cô lại dặn ĐỨC NGÀI: "Những công-chuyện gì của ĐỨC NGÀI làm đều vĩ-đại lắm và sẽ thành-công hết thảy, nhưng đừng lo nghĩ nhiều quá mà hao tổn tinh-thần".

Chiều ngày 12 Juillet, Cô nghe trưa mai ĐỨC HỘ-PHÁP trở về Paris, nên khi vừa mãn việc, Cô thay đồ lên phòng lân-la nói chuyện với chúng tôi, 11 giờ đêm mới về. Hỏi về gia-cư thì Cô trả lời Cô ở chung với một người chị em bạn có đứa con để khi rảnh việc ở nhà lo săn-sóc cho chúng nó. Hỏi Cô làm không đủ tiền mướn nhà ở hay sao mà lại ở chung như vậy? Cô thành thật trả lời: 'Con gái không có chồng mà ở riêng một mình khó lắm, đã vậy còn mấy đứa nhỏ. Cô săn sóc chúng nó như con thì đủ vui. ĐỨC NGÀI nói với Cô rằng: "Con làm việc như vậy thì khổ nhọc lắm". Cô thật thà trả lời: "Thưa Cha! con có khổ đâu. Con làm như vậy là lẽ tự nhiên mà!" ĐỨC NGÀI bảo Cô khi nào muốn qua Tây-Ninh thì cho ĐỨC NGÀI hay để lo phương-tiện đi, Cô trả lời: "xin Cha đừng lo việc ấy, chừng nào con đi thì con sẽ đủ tiền đi".

*  *  *

Ngày 14 tháng 6 năm Giáp Ngọ (13 Juillet 1954):
8 g sáng. Sáng ngày, thức sớm, Cô Magda lo đem đồ điểm-tâm lên cho ĐỨC NGÀI và Tôi dùng, tội nghiệp vì tình quyến-luyến Cô muốn lân-la gần gũi chúng tôi nên thừa dịp mỗi khi có đem đồ lên phòng thì Cô giành phần đem lên cho đặng gặp ĐỨC NGÀI một chút.
9 g sáng. Lễ-Sanh Ngọc Tiểng Thanh (G.H Schuetz) ở Collège Sous Salève được giây-thép hay tin ĐỨC HỘ-PHÁP đến Génève và chiều ngày 13 Juillet sẽ về Paris, nên sáng nay đến viếng, có Cô Magda biết trước đón khách rước dẫn lên phòng ĐỨC HỘ-PHÁP. Bạn Ngọc Tiểng Thanh gặp ĐỨC NGÀI mừng rỡ vô cùng, hun tay ĐỨC NGÀI. Tôi và Ông Tấn cũng hầu chuyện rồi xin phép đi ghi giấy máy bay và ra phố đổi tiền Suisse đặng trả tiền nhà hàng. Trong lúc ĐỨC NGÀI chuyện vãn với bạn Ngọc Tiểng Thanh, đổi tiền và lấy giấy máy bay xong, Ông Tấn dắt tôi đi dạo phố giúp tôi biết thêm nhiều đời sống dân-chúng ở Génève. Phần chánh là:
1 . Nghề làm đồng-hồ, đi đâu cũng thấy đồng-hồ đủ kiểu, đủ cỡ.
2 . Nghề làm Chocolat.
3 . Nghề làm nhà hàng cho mướn phòng. Thành Génève là nơi gặp-gỡ các sắc dân trong trường chánh-trị cũng như trong cuộc du-lịch. Họ đến đây ăn xài về . . . . . .
11 g trưa. Bữa nay bạn Ngọc Tiểng Thanh ở hầu chuyện với ĐỨC HỘ-PHÁP thật lâu, đến 11 g trưa ĐỨC NGÀI cùng bạn Ngọc Tiểng Thanh đi dùng cơm chay tại tiệm người Việt có vợ Thụy-Sĩ danh tiếng nhứt, hiệu Rồng-Vàng (Restauant du Dragon d'Or). Rất tiếc hôm nay nhà hàng này đóng cửa buộc lòng trở về hotel Régina. Khi cơm nước xong, bạn Ngọc Tiểng Thanh kiếu-từ. Ông Tấn và Tôi thay vì nghỉ trưa, lại đi đưa Ngọc Tiểng Thanh ra xe điện, rồi đi dạo một vòng thành-phố. Châu-Thành Génève thật sạch-sẽ hơn châu thành Paris, ngoài đường không có một miếng giấy bỏ rơi, họ dạy dân của họ còn khéo hơn mình dạy con trong nhà. Miếng giấy gói kẹo phải vò nhỏ bỏ túi hay cầm tay đem bỏ trong giỏ rác. Hút hết điếu thuốc không có liệng tàn xuống đất mà phải kiếm thùng rác mà bỏ. Không một người nào nhổ nước miếng xuống đất. Chúng tôi mõi chơn ghé lại một công-viên ngồi nghỉ theo mấy cái ghế, thấy sân có đề bảng: "đây là của chung, xin anh em lưu tâm gìn giữ nó". Bấy nhiêu cũng đủ cho dân sợ tuân theo chớ không phải hăm-he phạt vạ đủ điều như bên ta.
3 g chiều. Chúng tôi sửa-soạn ra phi-trường, Cô Magda lên từ giã ĐỨC HỘ-PHÁP và khóc nức-nở. Cô còn day qua nói với tôi rằng: " Ba tôi về bên ấy, tôi không theo săn-sóc đặng, xin gởi cho Ông chăm-nom lo lắng dùm cho Ba tôi." Tôi nghe câu nói ngây thơ ấy phì cười và khuyên cô an-tâm vì bên ấy còn có cả ngàn người lo lắng cho ĐỨC NGÀI chớ không ai bỏ ĐỨC NGÀI đâu mà sợ.

4 g 30 chiều. Ra phi-trường, cân đồ, trình giấy và chờ giờ lên máy bay. Thoạt nhiên có chiếc máy bay từ Paris vừa đến, trong số hành khách mới qua có cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu.

5 g 30 chiều. Đúng 5g30 máy bay cất cánh rời khỏi phi-trường Cointrin (Génève), ít giờ sau máy bay đáp xuống phi-trường Orly (Paris), nhiều anh em đón rước đông đủ. Bữa nay (chiều 13 Juillet) bắt đầu chơi lễ, người ta đông đúc ngoài đường. Từ phi-trường về Hotel, mỗi khoản người ta chận ngang đường nhảy đầm đờn hát xe chạy rất khó khăn. Cuộc vui trọn 3 ngày đêm: 13, 14, và 15 Juillet.
*  *  *

Ngày 15 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (14 Juillet 1954):
Sáng sớm, lối 8 giờ, nghe tiếng đờn kèn inh-ỏi, đó là cuộc diễn binh lớn tại Paris, thiên-hạ ngoài đường tấp-nập, chúng tôi từ trên cửa sổ dòm xuống thấy một biển người.
9 g 30 sáng. ĐỨC NGÀI dạy thông báo bổn bộ hay rằng: Chúa nhựt, ngày 16 Juillet, ĐỨC NGÀI sẽ về Sai-Gon. Được tin này riêng tôi thì nửa mừng nửa lo. Mừng vì đi lâu nay được trở về quê nhà, còn lo việc bên Pháp còn bề-bộn lắm, nhứt là việc truyền giáo của các bạn mới nhập-môn và việc thành lập liên-đoàn Liên-Hiệp-Pháp theo phương-thức mới. Mấy bữa trước ĐỨC HỘ-PHÁP có đi xem một căn nhà (appartement), một phòng salon, hai phòng ngủ, nhà tắm . . . để làm văn-phòng phổ-tế. ĐỨC NGÀI có định số tiền đi Pháp dư bao nhiêu bỏ vào công-quỹ của cơ-quan truyền-giáo bên Pháp đặng lo mở văn-phòng cùng tạo Thánh-Thất . ĐỨC NGÀI có dặn số tiền của ĐỨC NGÀI mua máy chụp hình và đồ phụ-tùng về điện-ảnh ngày sau sở nhà hình huờn lại bỏ vào ngân-quỹ truyền-giáo. Nay về bất-cập như vậy là mọi sự giao-phó lại cho Bàn-Trị-Sự nơi đây tự lo lấy.

11 g trưa. Cha Hoàng-Quỳnh bàn tính với ĐỨC NGÀI về công-cuộc sắp đặt thi-hành trước tình-thế biến chuyển, có điện-thoại từ Cannes cho hay rằng ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG sẽ tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP sáng mai, 15 Juillet 1954, đồng thời tối mai các bạn Đạo thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP nhập-môn cho nhóm Chabrol và Mathelin. ĐỨC NGÀI, sau khi bàn tính, định chiều nay đi Cannes ngủ đêm, sáng gặp ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG rồi đi chuyến máy bay 3 g 30 chiều trở về Paris cho kịp, quyết-định xong ĐỨC NGÀI cho lịnh đi lấy giấy máy bay liền....???? Ông lại cho hay rằng chỉ lấy đặng hai cái giấy thôi vì hết chỗ. ĐỨC NGÀI liền định cậu MINH đi theo.

7 g 30 chiều Chiếc máy bay đi Cannes sẽ cất cánh tại phi-trường Orly đúng 9 giờ, Ông Trần-Vinh và Ông Tấn theo đưa, đúng giờ ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Minh lên phi-cơ.

Chiều nay là 14 Juillet, người ta đi chơi tấp-nập, đèn đuốc sáng choang, Nam thanh Nữ tú cặp nhau nhảy đầm cùng đường, mấy Ông công-viên công-sở làm việc suốt nửa đêm.

*  *  *

Ngày 16 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (15 Juillet 1954):
9 g sáng. Ông Đỗ-Hữu-Tấn cùng tôi dạo chơi Châu-Thành Paris và đi Métro. Tưởng Métro là gì, té ra là xe lửa điển chạy dưới đất châu-thành Paris, trên mặt đất đường sá, xe cộ chạy tấp-nập còn dưới đất lại có cả một châu-thành khác đào hang chạy luôn luôn chẳng khác nào hang chuột, chỗ nào trên có đường là ở dưới có đường hầm cho xe điển Métro chạy. Đất bên ấy cũng chắc, mới làm đường hầm ở dưới được, có nhiều chỗ hai ba lớp đường hầm, đường này chạy luôn dưới đít đường kia lại còn có những đường đào chun ngang qua đáy sông Seine, trên thì nước sông còn dưới là đường xe điển chạy, 5 phút là có một chuyến xe chạy. Dưới hầm đặt hai đường rầy, cứ theo phía thuận là xe cứ chạy khỏi phải tránh nhau. Xe ngừng thì tự-nhiên cửa điển mở ra cho hành-khách lên xuống, xe khởi chạy là cửa tự nhiên đóng lại không ai có thể nào vô ra trong lúc xe chạy.

12 g trưa. Gần 12 giờ trưa, sau khi dùng cơm xong chúng tôi lại nhà thương La ennec (??) Salle Pozzi để thăm một nạn nhân vì quá khổ mà phải quyên-sinh, Cô Jocelyne Gauthier. Trước khi đi Cannes, ĐỨC HỘ-PHÁP có đọc báo thấy đặng tin này, cô thất-nghiệp mà chẳng ai giúp-đỡ, khổ quá đành phải tự-tử, song căn phần chưa mãn, cô được chở vào nhà thương điều-trị. ĐỨC NGÀI động lòng cho chạy hỏi thăm đến phòng cô thì có lịnh Bác-sĩ cấm không cho ai vào thăm, chúng tôi đành phải để lại cho Cô một bức thư an ủi với một số tiền là mười ngàn quan (1.000$ Đông Dương).

2 g chiều. Chúng tôi sửa soạn ra phi-trường đón chuyến máy bay 3 g 30 để rước ĐỨC HỘ-PHÁP. Không dè đặng tin điện-thoại từ Cannes kêu về cho hay rằng lấy chỗ chuyến bay này không đặng nên phải chờ chuyến tới, 8g30 cất cánh tại Nice và đến hơn 10 g mới về tới phi-trường Orly. Tôi lật-đật gọi điện-thoại cho phái-đoàn hay, nhưng mấy Ông đều vắng mặt cả. Tôi liền kêu mấy bạn xin nhập-môn tối nay sẽ hội-họp tại nhà Bà Baus đúng 9 giờ, phải kêu từ người cho biết sự bất-trắc thình-lình này. Vì giờ đó cũng khuya tôi yêu-cầu có ai đón trước cửa để dẫn đường dùm. Các anh em thảy đều vui lòng chờ đợi và Bà Baus hứa sẽ đón chúng tôi.

3 g 30 chiều. Ông Thái ở Phi-Trường Orly cho hay vì đi dùng cơm phải vắng mặt.
4 g chiều. Ông Đỗ-Hữu-Tấn cùng chúng tôi đi viếng Musée Grévin, số 10 Boulevard Montmartre. Nơi đây người ta cố-gắng diễn-tả những nhân-vật xưa và nay bằng hình sáp, thì mình tưởng là hình sống thiệt. Bước vô là gặp phòng để kiếng rọi mặt. Mỗi người đi ngang qua dòm vào trong ấy, bắt tức cười nôn ruột, khi dòm vô trong mỗi cái kiếng mình thấy mình ốm nhách cao thườn-thượt hoặc lùn sủng hoặc tròn như trái banh, mặt bự như cái mâm, nhứt là mấy cô đầm và mấy cậu nhỏ lại xem cười nhào lăn.

Qua khỏi đó, đến một căn phòng chia từng căn, mỗi căn chưng bày nhiều nhân vật khác nhau, kẻ đứng người ngồi coi như sống. Tôi nhận thấy có các vị Tổng-Thống Eisenhower, Winston Churchill, Vincent Auriol, Chủ-Tịch Nga Malenkov, các tướng Pháp như: Lecler, De Lattre de Tassigny, P. Thierry d 'Argenlieu, De Castrie, Juin v.v... Có hình ĐỨC GIÁO HOÀNG Pie 12 đang tiếp Ông Tisserand Feltin, Công-Tước Wladimir d'Ormesson và Chanoine Kir, Đốc-lý thành Dijon. Gần đó có hình nắn Bà Hoàng Elizabeth ngồi trên ngai, bên cạnh có Ông chồng là Đức d'Édinbourg đứng. Bà Hoàng-Hậu nước Hollande với Đức Vua nước Belgique. Đến chỗ phòng của "Victor Hugo" Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn (bức hình tặng Ông Grévin)

Nơi phòng khiêu-vũ có hình của Serge Lifar là người đã có gặp chúng tôi nơi phòng thuyết-đạo Musée Social hình-dạng thiệt là giống. Những kép chánh nơi rạp hát Opéra cũng có hình nắn để đầy, rắn mắt hơn hết là họ nắn hình của một cô đầm để ngồi trên một cái băng màhai bên lại có hai cô đầm thiệt làm cho khách đi xem không phân biệt đặng người nào thiệt, giả. Ta ngắm xem cử-động mới biết đặng.

Chúng tôi tiếp-tục đi xuống từng dưới hầm, nơi đây chưng bày hình ảnh về lịch-sử nước Pháp trong thời-kỳ cách-mạng thế vương quyền, lập chánh-phủ chánh-chung với nhà cách-mạng Mirabeau, Danton, Camille, Desmoulins, Robespièrre, nhà cách-mạng Marat bị Cô Charlotte Corday ám-sát trong lúc đang tắm, gần đó là một tòa-án cách-mạng, hồi buổi đó xử bà Rolani với Ông Herman, Chánh-Án và hai Ông Sellier và Foucaud phó án.

Theo đây còn những cảnh nhà Vua bị giam ngục, thắp đèn leo lét và những cảnh các cao-trào Vua trong thời kỳ oanh-liệt như cảnh Louis thứ 13 và vua Louis thứ 14 với tất cả triều-thần.

Đi vòng qua bên kia, những cảnh tả đời sống của Chúa Jésus từ khi sanh trong máng cỏ và cảnh thành Jérusalem, cảnh Chúa bị đóng đinh và cảnh đem chôn. Ngang đó cảnh tả đời sống của Bà Thánh Jeanne d'Arc từ lúc ở Dorémy nghe tiếng gọi của Thiêng-Liêng dạy ra giúp nước, trận đánh giải cứu thành Orléans, cuộc lễ tôn-vương cho vua Charles thứ 17, lúc bà bị bắt giam ngục và lúc bị thiêu trên giàn-hỏa. Chót hết chưng cảnh Napoléon Bonaparte tiếp khách tại điện La Malmaison. Cảnh này tới 48 nhân-vật làm toàn bằng sáp coi như sống.

Trở lại thang lên từng lầu trên vào một phòng ảo-thuật, người ta diễn nhiều trò thiệt hay. Qua xem Đền Kiếng, đây là phòng hình bát giác, vách 8 phía đều bằng kiếng rọi mặt. Khi vào trong cửa đóng lại. Đèn tắt, một cảnh hiện ra cực-kỳ xinh-đẹp, một đền-đài rộng-lớn nhờ những bóng trong kiếng rọi qua rọi lại làm cho mình có một cảm-tưởng một đền đài vô tận. Mỗi khi chớp đèn là đổi một cảnh mới của Đền đài. Xem mãn nhãn thì tắt đèn thiệt tối. Trong lúc đó mình nghe tiếng máy quay rồ-rồ rột-rột, không đầy 3 phút là bực đèn lại biến thành một khu rừng huyền-bí bao la. Mình biết đây là đổi cảnh cũng nhờ vách kiếng rọi qua rọi lại, thấy xa mút con mắt. Trên trần khi ấy tỏa xuống một đàn bươm bướm không biết bao nhiêu mà kể, bay liệng trên không trung. Sự thật thì có lối 4 hay 5 ngàn bướm có đèn chiếu sáng rồi nhờ vách kiếng rọi ra, nên thấy hằng hà sa số.

Mãn cảnh này thì lại tắt đèn tối om, đổi một cảnh mới hiện ra một cuộc lễ lớn ở Điện Alhambra bên xứ Ai-Cập, thắp đèn màu trông mút mắt một cảnh cực-kỳ hoa-lệ. Ra về 6 giờ chúng tôi sửa soạn đi ra phi-trường đón ĐỨC HỘ-PHÁP.

10g30 tối. Đáng lẽ chiếc máy bay đến phi-trường Orly 10 giờ, song nó trễ tới 10 g 30. Chúng tôi rước ĐỨC HỘ-PHÁP đi luôn qua Yssyles-moulineux rồi đến đường Henri Tarel nhầm.

11 g đêm. Xa xa thấy bóng người đứng dựa lề đường, đó là Mẹ con Bà Baus đón từ lâu. Đêm nay trời lạnh, hai mẹ con Bà đứng chờ chúng tôi. Gặp đặng, mừng rỡ hết sức, Bà Baus dẫn đường đi trước, vì giờ đã khuya ai nấy đều lẵng-lặng đi. Khi đến nhà, Bà Baus mời chúng tôi vào phòng khách, nơi đây đã có sẵn bạn Raoul Chabrol và hai vợ chồng Alexandre Mathelin. Phòng hẹp mà chúng tôi đi đông trót 10 người. Bà Baus đã dọn sẵn một Thiên-Bàn chưng dọn trang-hoàng. ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi quì cầu-nguyện, ai nấy lẵng-lặng đứng hầu. Xong rồi kêu từ người vào lập thệ, Nam trước, Nữ sau. ĐỨC HỘ-PHÁP làm phép giải-oan cho từng người. Tuy là đi đường rất mệt nhọc, nhưng ĐỨC NGÀI rất vui vẻ nói Đạo cho các bạn mới nghe. Bà Baus có làm cái bánh ngon lành đãi chúng tôi, vừa xơi xong bánh vừa uống trà chuyện vãn tới hơn 1 giờ khuya. Bà vợ của Bạn Alexandre Mathelin bị cảm ho mà đêm nay cũng ráng đến xin nhập-môn. Lúc chúng tôi ra về tuy trời lạnh lắm nhưng hai mẹ con Bà Baus và Chabrol cũng đưa chúng tôi xuống tận đường. Đêm khuya đường vắng, trăng sáng. Chúng tôi chạy một đoàn xe 4 chiếc không có sự trở ngại nào. ĐỨC NGÀI vui-vẻ nói: "như vầy nhớ hồi mới khai-đạo đi mỗi đêm im-lặng như đêm nay".

*  *  *

Ngày 17 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (dl 16 Juillet 1954):
9 g sáng. Ông Cựu Tổng-Trưởng Trần-Văn-Văn và Ông Du đến thăm ĐỨC HỘ- PHÁP, bàn về tình-thế hội-nghị Génève và thái-độ của phái-đoàn Việt Nam trước sự ký-kết đình-chiến mà chẵng có sự ưng-thuận của phái-đoàn chánh-phủ Việt Nam. Vì ĐỨC NGÀI phải trở về xứ gắp, không thể theo dõi công cuộc đàm-phán, nên ủy-quyền cho Ông Trần-Văn-Văn sang Génève để xem xét tình-hình.

10 g trưa. Ông Phạm-Lê-Bông đến ra mắt ĐỨC NGÀI và bàn về vụ ĐỨC NGÀI đã gặp Ông Guy La Chambre (Tổng-Trưởng Bộ Liên-Quốc). Ông này có hứa với ĐỨC NGÀI sẽ võ-trang cho các cơ-quan quân-sự của các đoàn-thể Tôn-Giáo Quốc-Gia, nhưng nay ĐỨC NGÀI lại phải về xứ gắp nên ủy-quyền lại cho Ông Phạm Lê Bông thay mặt ĐỨC NGÀI và Mặt-Trận Quốc-Gia Cứu Quốc để theo dõi vụ này. Ông Surleau là bạn của Thủ-Tướng Nguyễn Văn Tâm đến ra mắt ĐỨC NGÀI. Ông này khi xưa có làm Tham-biện bên Việt Nam, nhưng vì thích chơi với người Việt, nên chánh-phủ không bằng lòng và cho lịnh Ông phải về Pháp. Dứt câu chuyện, ĐỨC NGÀI còn dặn Ông Surleau 6 giờ chiều đến dự cuộc nhóm họp đặng lập-thành liên-đoàn ủng-hộ Liên-Hiệp-Pháp.

3 g chiều. ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi đến viếng thăm Ông Général De Latour. Ông này có than rằng: 'Vì chánh-phủ Pháp không chịu nghe lời ông, nên ngày nay mới ra cớ sự. ĐỨC HỘ-PHÁP hỏi ông coi còn trở qua Việt Nam nữa không, thì Ông trả lời rằng: "Người ta không muốn Ông trở qua Việt Nam nữa vì Ông có cảm tình với Cao-Đài nhiều quá . . . . ".

6 g chiều. Theo như thơ mời mấy ông sau đây lần lượt đến tại phòng Hotel George 5 đặng bàn-luận về việc thành-lập Liên-Đoàn ủng-hộ Liên-Hiệp-Pháp. Có mặt Ông Max André (cựu chủ-tịch hội-đàm tại Fontainebleau với phái-đoàn Việt-Minh hồi năm 1946), Ông Tòa Weil, Ông Marie Piétri (anh em với Ông Tổng-Trưởng André Piétri), Đại-Tá Sorin, Ông Surleau, Ông Grand, phóng-viên báo A.F.P, Ông Đỗ Hữu Tấn, Bà Lucise Weiss với ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi. Ông Phạm Lê Bông có đến nhưng gắp đi Cannes, nên cáo-từ không có dự hội. Mấy vị khác vì bận việc nên cáo-từ. Sau khi bàn cãi và thảo-luận về vấn-đề này, hội-nhóm cử một ủy-ban lâm-thời đặt dưới quyền chủ-tịch của Ông Max André. Ông Surleau làm Tổng-Thư-Ký, Ông Tòa Weil, Đại-Tá Sorin và Bà Lucise Weiss làm Cố-vấn. Ông Surleau sẽ thảo vi-bằng cuộc hội-nhóm hôm nay và thảo luôn bản điều lệ trình lên Ông Chủ-tịch xem rồi sẽ mời Đại-Hội xem và chấp-thuận rồi mới dâng lên hầu-phê xin phép Chánh-phủ...

8 g chiều. ĐỨC HỘ-PHÁP mời mấy vị Hội-Viên "hôm nay" xuống Hotel George 5 dùng một bữa cơm thân-mật, đến 10 giờ giải-tán.
*  *  *

Ngày 18 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (17 Juillet 1954):
Điện-thoại của bạn Raoul Chabrol cho hay, có Ông Raoul Follereau là Chủ-Tịch của Ordre de Charité xin đến ra mắt ĐỨC HỘ-PHÁP. Ông này chuyên-môn săn-sóc bịnh phong-đơn. Ông đã châu-lưu nhiều xứ điều-tra và làm thống-kê trên 10 triệu người mắc phải bịnh cùi. Nay Ông nghe tin ĐỨC HỘ-PHÁP có quen với Bác-Sĩ Bửu-Hội, người mới tìm đặng thứ thuốc trị bịnh cùi rất thần-hiệu. Ông xin ra mắt ĐỨC NGÀI trước đặng biết mối Đạo Cao-Đài, sau xin ĐỨC NGÀI viết thơ giới-thiệu với nhà Bác-Học này để giao tiếp nhau tìm phương cứu bịnh nói trên. ĐỨC NGÀI nhận tiếp Ông Follereau vào khoản 11 giờ.

11 g trưa. ĐỨC HỘ-PHÁP tiếp Ông Follereau và giải-thích mục đích từ-bi bác-ái của Đạo. Ông nghe rất thích. Hơn nửa giờ sau ĐỨC HỘ-PHÁP tặng cho Ông cuốn Pháp-Chánh-Truyền dịch ra tiếng Pháp và cuốn Lịch-Sử và Triết-Lý Đạo Cao-Đài (Histoire et Philosophie du Cao-Daisme) của Gabriel Gobron. Về bức thư giới-thiệu ĐỨC NGÀI hẹn sẽ viết và gởi sau (Ông Raoul Follereau có biên địa-chỉ của Ông).

12 g trưa. Gần 12 giờ Ông Tòa Weil đến, hiệp với ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi đi lại thăm Lãnh-Sự Tàu về vấn-đề Tưởng Tổng-Tài mời ĐỨC NGÀI sang Đài-Loan, Ông Phó Lãnh-Sự đón rước ĐỨC NGÀI vào phòng khách. Ông Lãnh-Sự ở phòng bên cạnh, bước qua chào hỏi ĐỨC NGÀI và Tôi. Câu-chuyện thân-mật. Ông cho biết Tưởng Tổng-Tài ngưởng mộ danh-tiếng ĐỨC NGÀI nên có điện qua Paris dạy Ông thỉnh ĐỨC NGÀI sang Đài-Loan một chuyến. ĐỨC NGÀI vui lòng chấp-thuận, câu chuyện kéo dài gần 1 giờ. ĐỨC NGÀI kiếu từ.

1 g trưa. Công việc loay hoay như chong-chóng. Tôi phải lo viết thơ "từ-giã" và cám ơn các Bạn Đạo, các nhân-vật ân-nhân, lớp viết thơ giới-thiệu Ông Follereau, để lại văn-kiện cho Ông Đỗ Hữu Tấn và các bạn khác tiếp-tục việc truyền giáo v.v.....

8 g tối. Ông Raphael Leygues kỳ trước mời ĐỨC HỘ-PHÁP dùng cơm, nhưng bị đi Génève thình-lình về vụ Hội-Nghị Tôn-Giáo, nay mời ĐỨC NGÀI dự tiệc buổi chiều này. Đúng giờ, các khách-quan khác đến đông, trong số có vợ chồng nhà Bác-Sĩ Bửu-Hội. Ông là người rất hiền lành. Tuy Ông thuộc Hoàng-Tộc và lại là nhà thông-thái liệt vào hạng Quốc-Tế (savant international) có dự vào các ủy-ban nghiên-cứu nguyên-tử-lực nhưng Ông rất nhỏ-nhẹ khiêm-tốn. Đứng nói chuyện với Tôi, Ông cũng giữ lễ làm cho mình mến phục tài đức của Ông. Mới đây Ông tìm ra một thứ thuốc rất thần-hiệu chữa bịnh cùi làm cho thinh-danh càng cao. Thế thường khi một nhà thông-thái tìm ra một thứ thuốc quí để độc-quyền hốt của, nhưng trái lại Ông hiến phương thuốc ấy cho Chánh-Phủ loan rộng ra để cứu-khổ bịnh nhơn không màng đến lợi to-tát. Hỏi Ông thì Ông trả lời một cách thản-nhiên rằng: " Ông là người của xã-hội, đã ăn hưởng của xã-hội rất nhiều nay Ông tìm ra điều chi hay, thì của đó là của xã-hội. Đã vậy trong lúc ông làm việc thì ông đã có ăn lương tức là tiền của nhơn-sanh xã-hội gom góp lại tức-nhiên bổn-phận ông là phải làm việc cho xã-hội. Dân-tộc Việt Nam ngày nay có một nhân-vật như vậy, đứng vào hàng ân-nhân của nhân-loại, đi đến nước nào cũng đều đặng tôn-kính đặc-biệt thì hẵn cũng là một sự vinh-hạnh cho giống-nòi."

Sau bữa tiệc các quan-khách đều tựu lên phòng khách để đàm luận, có nhiều vị muốn vấn Đạo. Lại một phen nữa đưa đến, ĐỨC HỘ-PHÁP trổ tài thuyết-đạo cho giới Thượng-Lưu Pháp nghe. Ban đầu còn kẻ đứng người ngồi, nhưng khi nghe thắm-thía, tất cả xúm quanh ĐỨC HỘ-PHÁP để nghe giáo-lý. Vì nhà không có dự-định chỗ ngồi đủ nên họ ráp nhau ngồi bẹp xuống ván lầu mà nghe. Nghe ĐỨC NGÀI đưa ra tôn-chỉ và giáo-lý của Đạo Cao-Đài mọi người thảy đều hoan-nghinh nhiệt-liệt.

Đến 12 giờ đêm, từ giã ra về. Tội-nghiệp Ông Raphael Leygues và nhiều nhân-vật tỏ vẻ quyến-luyến đặc-biệt.
*  *  *

19 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (18 Juillet 1954):
Ban đầu tưởng máy bay cất cánh 9 giờ tối như thường lệ ĐỨC NGÀI dạy mời mấy vị Tân Đạo-Hữu đến dự với ĐỨC NGÀI bữa cơm thân-mật vào 5 giờ chiều, nhưng giờ chót đặng tin máy bay cất cánh tại phi-trường Orly vào khoảng 6 giờ, nên ĐỨC NGÀI sửa lại đãi cơm trưa.
11 g trưa. Đúng 11 giờ, có mặt bạn Raoul Chabrol, Bà Baus, Thân Mẫu và Con gái Bà, hai vợ chồng Ông Mathelin Alexandre, Đỗ Hữu Tấn, Ngô Khai Minh v.v..... ĐỨC NGÀI cho chiếu Film, mấy người xem xong là nhập tiệc. Bữa cơm rất vui vẻ, nhân dịp tôi cho mọi người ký-tên vào tờ lập-thệ và phát giấy chứng nhập-môn. Sau bữa cơm, ĐỨC NGÀI gọi Raoul Chabrol vào phòng trong khai khiếu cho y, để đặng sáng suốt tiếp điển Thiêng-Liêng. Không hiểu khi thọ pháp khai khiếu, bạn Raoul cảm giác thế nào mà ôm tay ĐỨC NGÀI nói rằng: "Trong đời sống của Tôi không có giờ phút nào tôi đặng hạnh-phúc hơn lúc này".

Nói đến Raoul Chabrol, tôi lại nhớ đến cuộc gặp-gỡ ly kỳ giữa Chabrol, Regnault và chúng tôi.

Trước kia Ông Chabrol là hội-viên hội Thần-Linh-Học (Société Spirite) cùng hành sự với Ông Regnault. Song ít lúc sau, Ông Regnault nghiêng về vật-thể khảo-cứu ngoại-dung, thiếu tin tưởng, ít chịu nghiên-cứu... Còn Chabrol vừa là đồng-tử vừa là nhơn-viên hoạt động hay tìm kiếm, cố đi sâu vào Thần-Học. Vì hai quan-niệm bất đồng này gây chia rẽ. Ông Chabrol đứng ra sáng lập 'Hội bạn Thần-Linh' (Les Amis Spirites) lập trụ sở nhiều nơi, mỗi tuần mỗi diễn-thuyết, thu-hút hội-viên rất đông, còn Ông Regnault chỉ giữ một số hội-viên cũ và tùy phương-tiện mà hoạt động. Đôi bên cách nhau 15 năm, một hôm Cha Pierre về (vị Thiêng-Liêng đỡ đầu) bảo Ông Chabrol hãy đến nhà Ông Regnault gắp sẽ gặp "dịp may vĩ-đại", một âm-chất hiếm có, nhân sanh nhờ đấy mà hưởng nhiều hồng-ân (lời dặn chỉ có bấy nhiêu).

Ông Chabrol nghe lời đến nhà Regnault thì may gặp dịp Ông Regnault đang cố tìm một đồng-tử mà chưa được (vì Ông đã hứa lỡ với ĐỨC HỘ-PHÁP rồi). Cuộc gặp gỡ đột ngột làm Ông Regnault mừng rỡ qua,ù bèn ngỏ ý nhờ Ông Chabrol. Ông này chấp-thuận liền. Ông Chabrol thuở nay chỉ là một đồng-tử tầm thường nhưng sau khi ĐỨC HỘ-PHÁP chứng đàn, ông trở nên đồng-tử xuất-sắc và sau khi khai đàn 3 lần, số hội-viên nhập-môn tăng-gia rất đông mà Cha Pierre là vị có công nhứt trong vụ huấn-giáo xác-thực về giáo-lý.

3 g 30 chiều. Anh em họp đủ mặt tại Hotel George 5, rồi ra phi-trường, nhiều bạn tân Đạo-hữu theo xe nội-đoàn đưa ĐỨC NGÀI. Tới phi-trường nhiều nhân-vật tiễn đưa rất đông. ĐỨC HỘ-PHÁP và nội đoàn được mời vào nghỉ chơn tại salon phi-trường. Nơi đây có Ông và Bà Hoàng Cao-Miên Moniret và mấy người con cũng về một chuyến máy bay với ĐỨC NGÀI. Gặp nhau chào hỏi mừng rỡ chuyện-vãn rất thân-mật. Đến 6 giờ chiều máy bay mới cất cánh. Anh em dụm ba dụm bảy chuyện-trò đầy vẻ thân-mật, cảm-động nhứt là các đạo-hữu người Pháp quyến-luyến chúng tôi.

5 g rưởi chiều   Đài vô-tuyến kêu các hành-khách lên máy bay. Phút cảm-động đến nơi kẻ đi người ở. Các bạn Đạo ôm ĐỨC NGÀI và Tôi vừa hun vừa khóc làm cho chúng tôi không khỏi sụt-sùi. Tiếng giục-thúc lần chót, thôi đành chia tay, chúng tôi lên máy bay. Đến mút cầu thang, ngó lại thấy anh em đứng từng chòm không ngớt ngoắt theo. Tôi ngoắt lại đến khi cửa đóng. Động-cơ bắt đầu chạy đều đều và máy bay từ từ chạy lấy trớn cất cánh đi ... Mấy phút sau máy bay lên cao, nhìn xem một lần chót kinh-thành Paris trong bụng bùi-ngùi không biết đến ngày nào có dịp trở lại đây.

7 g chiều. Trời trong tốt lắm, dòm xuống thấy dãy núi Alpes ngổn-ngang gò-nỗng, dãy núi cao nhứt thuộc biên-giới Pháp và Ý, trên cao dòm xuống thấy lục cục chẳng khác nào những gò đất trẻ con đắp chơi. Có một con sông rộng lớn, một lằn trắng quanh co theo kẹt núi, đây là con sông Rhône từ trong núi Alpes chạy ra và đổ xuống biển Marseille. Qua hết các dãy núi thì đến Địa-Trung-Hải (Mer Méditerrannée).

8 g chiều. Trên phi-cơ ĐỨC HỘ-PHÁP dùng bữa rồi xem sách, phần tôi trí vẩn-vơ nhớ những hình-ảnh thân-mến lúc anh em đưa đón nồng-nàn. Viết đến đây tôi nhắm mắt lại mấy phút để nhìn lại hình ảnh những người thân mến ..... Máy bay bay cao 5.600 thước, tốc độ 400 cây số một giờ. Bên ngoài chắc là lạnh lắm nhưng bên trong vẫn mát mẻ như thường.

Mấy ngày cuối ở Paris, quá sức lao lực mệt-nhọc, ai nấy đều ngon giấc chừng nghe máy bay hạ xuống mấy từng mây và lắc chuyển mới thức giấc, hỏi ra là đến Beyrouth. Dòm xuống thấy đèn đuốc sáng choang, mấy phút sau máy bay hạ cánh theo giờ Paris thì 2 giờ 10 còn giờ địa-phương ở Beyrouth là 4 giờ 10. Máy bay nghỉ lấy xăng, tất cả hành-khách đều xuống trình giấy rồi đi luôn lên lầu của nhà hàng phi-trường mà xơi bánh ngọt, uống café ... Nghỉ một hồi lâu, hành-khách được mời trở ra máy bay. Đi qua sở cảnh-sát lãnh giấy thông-hành Passeport. Lúc này trời cũng hừng sáng rồi. Máy bay cất cánh 3g20 phút theo giờ Paris và 5g20 theo giờ địa-phương. Nhắm Karachi dung ruổi. Máy bay lên cao 5.800 thước, khỏi các lớp mây chúng ta thường thấy, chừng trời sáng nhận ra đây là vùng sa mạc.

12 g trưa Paris. 4 giờ chiều địa-phương. Máy bay đến Karachi từ từ hạ xuống. Đây thuộc quyền chánh-phủ Hồi-Giáo Pakistan. Xứ này không biết sanh sống bằng nghề gì, chớ thấy mút con mắt toàn là sa mạc, nhà cửa cất toàn nóc bằng. Từ trên dòm xuống chẳng khác những cái hộp vuông úp dưới đất. Hành-khách đều xuống nghỉ và trình giấy, có xe của hãng Air France rước lại nhà hàng của Hãng. Nơi đây theo Đạo Hồi-Giáo, không ăn mỡ nên gặp ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi coi bộ họ để ý và làm cơm chay. Cơm nước xong, hành-khách trở ra phi-trường. Nơi đây, tất cả nhơn-viên từ phi-công cho tới những người phục-dịch đều đổi hết. Nhân-viên đi từ Paris qua đây lại sang chiếc máy bay khác trở về, còn nhơn-viên bên Sài-gòn qua thì lại đổi chiếc máy bay chúng tôi đi trở về Saigon. Phi-cơ cất cánh (1g30 chiều) theo giờ Paris đi luôn Saigon chớ không ghé Calcutta. Vì khoảng đường này xa bằng hai, máy bay đi thiệt cao gần 7000 thước. Bên ngoài ánh-trăng vằng-vặc soi. Tôi thao-thức và ĐỨC NGÀI cũng vậy. Thỉnh-thoảng thấy nơi xa xa có ánh sáng ửng hồng, mới biết đó là đô-thị, nhưng không biết đô-thị nào.
*  *  *

Ngày 21 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (20 Juillet 1954):
6 g sáng. Trời vừa sáng, máy bay đi suốt không ghé Vọng-Các (Bangkok) một giờ sau chúng tôi thấy đô-thị Saigon.
7 g sáng địa-phương. Phi-cơ đáp xuống, nhân-viên sở Vệ-Sinh lên xịt thuốc muỗi rồi mời hành-khách xuống. ĐỨC NGÀI đi xuống một mình, tới cầu thang thì có kèn thổi chào mừng. Thiên-hạ đón rước đông không thể tin đặng. ĐỨC NGÀI không có tuyên-bố gì thêm chỉ nhắc-nhở đồng-bào về vấn-đề đoàn-kết... Xong ĐỨC NGÀI lên xe về trụ-sở Hành-Chánh, 107 đường Trần Hưng Đạo. Một lúc sau, Tôi về đến thấy nhiều nhân-vật đến thăm đen nghẹt. ĐỨC NGÀI đi đường mệt nhọc nhưng cũng ráng tuyên-bố mấy lời cho vui lòng anh-em.

Cuộc Pháp-Du của ĐỨC HỘ-PHÁP đến đây chấm-dứt, Tôi vì muốn đền đáp tấm lòng quí mến của toàn Đạo, hằng ngày cầu nguyện ĐỨC NGÀI đặng đầy đủ sức khỏe, làm tròn sứ-mạng, mới có mấy dòng thô-sơ ghi chép hành-trình của ĐỨC NGÀI để làm kỷ-niệm, chớ chẵng phải văn-nhân đẽo-gọt từng câu thanh-nhã, nên có điều chi thô-sơ, chư vị tha-thứ.

Viết xong đoạn chót tại Văn-Phòng Hiệp-Thiên-Đài
Ngày 29 tháng 7 năm 1954
Bảo-Đạo - HỒ-TẤN-KHOA

*  *  *


LỜI TUYÊN-BỐ CỦA ĐỨC GIÁO-CHỦ ĐẠO CAO-ĐÀI [1]
(Bản dịch của CHÂU-HUỆ)

(với báo-chí Pháp tại Hotel George 5) do Ông Ngô-Khai-Minh thay mặt đọc. Balê, 21-5-1954)

Từ sáng nay, Bần-đạo đã được mục-kích tinh-hoa của hai chục thế-kỷ lịch-sử. Bần-Đạo hiện đương ở tại Thủ-đô mà Goethe, nhà văn-hào Đức và Montaigne, Triết-học-gia Pháp đã ca-tụng uy-thế. Bần-Đạo đến đây với tinh-thần cao-cả của toàn cỏi Á-đông. Cảm-giác của Bần-Đạo phát sanh do cảnh-sắc thiên-nhiên của dãy Hi-Mã Lạp Sơn, đối tượng với những ngọn đồi tốt-đẹp mà Đấng Tạo-Hóa đã ban cho nước Pháp sự hoan-lạc.

Công-trình vĩ-đại của Đấng Tạo-Hóa thật vô-biên, sự vô-biên ấy đã hiển-nhiên trước muôn vàn hiện-tượng kỳ-lạ trên hoàn-vũ. Nhưng đây có phải là lúc để trầm-ngâm thưởng-thức những cảnh nhiệm-mầu tuyệt-mỹ ấy chăng? Hay chỉ là ão-ảnh trong khi chiến-tranh đang dày-xéo, tàn-phá đất nước của Bần-Đạo? Nhân-danh một nhà đạo-đức mà muôn ngàn tin-tưởng của những kẻ đang đau-khổ hi-vọng nơi vị Giáo-Chủ Đạo Cao-Đài. Bần-Đạo chỉ tịnh-tâm nhập định giữ chay lạt và cầu-nguyện Đức Thượng-Đế thương-xót đến đám người đau khổ ấy. Hằng triệu tín đồ Cao-Đài cũng đương cầu nguyện trong lúc bao nhiêu chiến-sĩ bỏ mình để đem lại nền hòa-bình trong tình bác-ái đại-đồng.

Đức-tin của Bần-Đạo trụ-vững nơi sự tưởng-niệm thường nhựt ở Á-Đông và nhờ ân-huệ của Thiêng-Liêng có thể giải-quyết những oán-ghét thù-hận như núi Thái-Sơn đặng.

Nhưng Bần-Đạo cũng nhận thấy sự cần-yếu của những nhận-thức xác-thực rất thích-hợp ở Âu-Châu. Bởi thế cuộc "Du-Hành" của Bần-Đạo chỉ là cuộc du-lịch và tín-ngưỡng, lần theo ánh-sáng Thiêng-Liêng. Còn sự kết-quả phải nhờ THƯỢNG-ĐẾ.

*  *  *

TUYÊN-NGÔN
CỦA ĐỨC HỘ-PHÁP PHẠM-CÔNG-TẮC
GIÁO CHỦ CAO-ĐÀI TÂY-NINH
( Ngày 12-7-1954. Trao cho Hội-Nghị Tôn-Giáo Quốc-Tế tại Montreux - Thụy-Sĩ )

Các Huynh Đệ,
Chúng tôi từ xa đến rất hân-hạnh đặng dự vào không-khí thần-diệu này. Để ghi lại một kỷ-niệm cùng các Bạn trong khi đi ngang đây, xin tặng bổn Thánh-Giáo của ĐỨC CHÍ-TÔN.

Nhân-Loại đang khủng-hoảng tinh-thần. Tất cả các Quốc-Gia đang sống trong cảnh lo-âu đang tầm-kiếm một con đường cứu rổi trong hòa-bình, đã hứa hẹn cho những người có thiện ý.

Duy-vật đã lấn át duy-tâm và sức mạnh ép-đè lợi-quyền, chiến-tranh đang đe-dọa và đâu đâu cũng lấy sức mạnh chống sức mạnh. Đây là một lỗi-lầm lớn đưa Thế-Giới đến cảnh tiêu-diệt.

Chỉ tinh-thần cao-cả của duy-tâm mới đánh bại được lý-tưởng duy vật, nhưng các Đạo-Giáo hiện hữu vẫn còn lẻ-loi hình như bất-lực trước sự tàn-nhẫn và thù-hận.

Tôi tin chắc rằng trong lúc này tư-tưởng chúng ta chỉ nhằm vào một mục-đích là điều-hòa các lập-trường Tôn-Giáo làm một khối duy nhứt, tin tưởng Thượng-Đế và Tạo-Vật.

Đó là mục-đích mà một nền "Tân Tôn-Giáo" (Đạo Cao-Đài) đã được thành-lập từ năm 1925 tại Việt Nam do Thánh-Giáo chỉ dạy.

Bởi sự đại khoan-dung, Đạo Cao-Đài không thừa nhận lý-thuyết phân-hóa. Nhờ nó các Tôn-Giáo sẽ gặp nhau và hiệp làm một nền Đạo duy-nhứt, một Đại-Đạo để đi tới con đường bác-ái đại-đồng.

Đạo Cao-Đài cũng như các Đạo-Giáo khác có học-thuyết công-truyền và bí-truyền. Công-truyền là tín-điều của Tình-thương Đại-đồng, còn Bí-Truyền là thụ-giáo theo đẳng-cấp. Nhân-loại có một nguồn-gốc duy-nhứt, tín-ngưỡng của con người lúc ban-sơ hướng về Đấng Tạo-Đoan. Vì các sắc dân mỗi ngày mỗi tăng-gia nên sự tín-ngưỡng trở nên phức-tạp.

Muốn thống-nhứt nhơn-tâm cần phải dẫn-dắt các Tín-Ngưỡng trở về nguyên-thủy: sự thờ-phượng THƯỢNG-ĐẾ và NHÂN-LOẠI.

THỐNG-NHỨT và HÒA-BÌNH là hai danh-từ mà Thế-Giới hiện nay đang mong-mỏi. Đấy là lời vàng-ngọc mà THẦY để vào tâm của mỗi người. Chính sự đoàn-kết tạo ra Hòa-Bình giữa xã-hội và giữa các Quốc-Gia, sự đoàn-kết là gương chói-lọi thúc-đẩy loài người sống trong tình Huynh-Đệ Đại-Đồng.

Như thế Hòa-Bình chỉ thực-hiện bằng cách tập trung các Tín-Ngưỡõng Đạo-Giáo, sự tầm-kiếm của quí vị là chánh đáng. Bắt đầu ngày nay, chúng ta phải hợp nhau, đặt hết cố gắng quanh phướn hiệu của một Đấng Chí-Tôn, ráng sức nâng cao khắp thế-gian hội-giáo "CAO-ĐÀI" để làm cây đuốc-huệ dẫn-dắt nhân-sanh trên đường HÒA-BÌNH và HÒA NHỊP.
Home               1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  
HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét