DIỄN VĂN & THUYẾT ĐẠO [3]. * ĐỨC HỘ PHÁP

M
u Thìn - Canh Thìn (1928-1940).
Nếu chúng ta để trí mà suy hiểu bài văn nầy thì chưa một Đấng thiêng liêng nào đã thấu đáo nguơn thỉ của Chí Tôn cho trọn vẹn, dầu Đức Thích Ca cũng để lời phỏng tưởng mà thôi.
 
Vậy nếu chúng ta muốn hiểu biết hơn nữa mà để luận thì chúng ta chẳng khỏi bị tội tự kiêu, tặng mình thông minh cao kiến còn hơn Tiên Phật.
 
Chúng ta lại hiểu đặng lời bí mật của Chí Tôn dạy rằng: " Thầy là các con, các con là Thầy, và lời thương yêu vô tận là: Cho các con tấn hóa đến ngang bực cùng Thầy, hay là Thầy lại hạ mình cho các con còn cao hơn nữa."
Ôi ! Cái từ tâm ấy kể sao cho xiết. Càng suy gẫm càng đem lòng thương yêu quá đỗi.
Tài bao nhiêu cũng muốn sang cho nhơn loại, phép bao nhiêu cũng muốn sớt cho chúng sanh, lòng dạ Chí Linh nghĩ thôi quá đỗi, dầu gặp phải tay kẻ nghịch cùng mình cũng cam chịu lấy.
 
Hèn chi cái tánh chất làm Cha của con người cũng phải tùng theo khuôn linh đã định vậy.
 
Nhọc cũng không nài, khổ không biết kể, chỉ trông mong cho con khôn lớn, đủ trí khôn ngoan, đặng nắm giữ nghiệp nhà, nhiều phen chẳng kể phận già, miễn cho trẻ cao danh trọng vị.
 
Một ngày kia, tệ đệ hỏi Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn rằng :
- Phàm hễ là Cha thì làm Cha, còn làm Thầy thì làm Thầy, chớ sao Đại Từ Phụ lại xưng là Thầy rất nên khó hiểu ?
 
Ngài trả lời như vầy :
"Il est même temps Père et Maỵtre,
Parce que c’ est de LUI vient tout notre être.
Il nourrit notre corps de ce qui est sain,
Et fabrique notre esprit de ce qui est divin.
En LUI tout est Science et Sagesse;
Le progrès de l’ âme est son oeuvre sans cesse,
Les viles matières sont joyaux à ses yeux;
De vils esprits, IL en fait des dieux.
Sa Loi est Amourr, sa Puissance est Justice.
IL ne connaỵt que la vertu et non le vice,
PÈRE : IL donne à ses enfants sa VITALITÉ,
MAỴTRE:  IL leur lègue sa propre DIVINITÉ."
 
Dịch nôm:
" Người cũng vẫn Cha Thầy luôn một,
Cả chơn linh hài cốt tay Người.
Nuôi mình dùng vật thanh tươi,
Tạo hồn lấy phép tột vời Chí Linh.
Nơi Người vốn quang minh cách trí,
Tấn hóa hồn phép quí không ngưng.
Vật hèn trước mắt thành trân,
Hồn hèn Người lại dành phần Phật Tiên.
Luật thương yêu, quyền là ngay chánh,
Gần thiện căn xa lánh phàm tâm.
Làm Cha nuôi sống âm thầm,
Làm Thầy lại nhượng phẩm Thần ngôi Thiên."
Làm cha mẹ ở thế, khi con khôn lớn thì hằng lo giáo huấn làm đầu, vì có học mới có khôn, có hành mới có biết, mong sao cho con nó hay hơn mình, nên phải lo lắng kiếm trường, lựa chọn thầy dạy dỗ. Hễ thấy con hơn mình thì đủ cho là phước hạnh.
 
Cái trường càn khôn tạo hóa vốn của Đức Chí Tôn lập đặng dạy các đẳng linh hồn thêm học thức, học đặng biết mình trước đã, sau mới mong tìm tòi biết người, tấn hóa cùng cơ thể luân hồi, rộng học thức nhờ bởi chịu nhọc nhằn đau thảm.
 
Ngày nào đặng linh thiêng tột bực thì hiểu cùng cặn kẽ mối huyền vi. Cả tinh thần đúng bực trí tri thì mới đoạt đặng phương hằng sống.
 
Nếu chẳng phải là điều viễn vọng, nay Trời là chi, sau ta cũng là chi, tu cho nên bác ái từ bi, tạo thế khác có khi ta chủ tể.
 
Cái không trung vô ngằn kia biết bao nhiêu cho cùng tận. Hễ Trời ngày nay đã làm đặng điều gì thì sau ta cũng có khi làm đặng vậy, gia nghiệp của mỗi con người nơi thiêng liêng có sẵn gọi là cảnh giới cá nhân, nếu mình biết lo sự nghiệp nhỏ là phương khai thế giới.
 
Mặt luật thiêng liêng vẫn vậy, coi tuồng đời nào có thấy sửa bao nhiêu, sanh tử, tử sanh, hư hư, hoại hoại, cái cơ tạo vẫn xây vần. Người nầy tạo rồi chết, qua kẻ khác hóa thêm rồi cũng chết, chỉ học nghề tạo hóa mà các đẳng linh hồn để biết bao căn kiếp tại thế nầy, tạo hữu hình đặng thông hóa phép vô vi, lấy gia nghiệp đặng tri cơ thế giới.
 
Hỏi ai đã tránh khỏi cái quyền năng vô tận của luật pháp ấy chăng ?  Không phải tạo cho mình dùng thì cũng hóa giùm cho kẻ khác. Theo mà học hoài lấy kiểu vở của Hóa Công, dầu cho đến tận thế phép không dời đổi.
 
Đã biết hữu hình thì hữu hoại, mà con người cứ lầm lũi làm hoài, làm cho đến đỗi liệt gối mòn tay mà làm hoài chẳng mỏi. Làm chưa hết của mình còn lo toan tính giựt giành của người khác, chất chứa đồ làm ấy cho nhiều, nào tiền bạc, nào cửa nhà, nào ruộng sâu, nào trâu cả !  làm cho đã thèm các vật, rồi lại toan tính làm người, lựa hầu thiếp tốt tươi đặng đúc con cho đẹp, làm cho đã thèm hết sức, đến liệt gân mòn cốt cũng còn làm, làm cho đến nát hồn mà cũng còn ham làm mãi.
 
Còn một hơi sống cũng làm cho lấy đặng, làm một mình mà hơn sức lực của trăm người, chừng đến lúc dứt hơi, mà cũng còn trối để lời lo tạo hóa.
 
Tạo hóa, Tạo hóa, nầy cái phép bí mật huyền năng kia ta thử hỏi nó rằng : đã có ai biết phép làm chủ của người chăng ? hay là cả vạn linh đều chịu sanh làm tớ người cả thảy hử ?
 
Nó liền trả lời rằng : Cái khối thảm khổ của đời phải mỗi người chia mỗi ít, đặng cho hậu tấn của linh hồn hưởng ơn giảm khổ ngày sau, nên phải buộc dầu cho làm rồi bỏ thì luật lệ định phải làm, còn như làm biếng ngồi mà ăn thì lại bị ăn xin ở tạm.
 
Cả tinh thần tự do hành động của mỗi người có phải bị quyền lực nầy giục cho sản xuất hay chăng ?
 
Đấng yêu thương vô ngằn kia, nếu đã định cho mình một phận sự làm cha của chúng sanh về phần hồn thì phận sự ấy khó khăn quá đỗi.
 
Sanh một mảnh anh nhi, vì tình máu mủ mình còn thương quá đỗi thương, đêm lo ngày tưởng nhiều khi lại phải quên mình, lo phương thế cho con nên, tưởng mưu hay cho trẻ nối, dầu làm điều tội lỗi đặng để của lại cho con, miễn cho trẻ sau khỏi ra cúi vào lòn, bị tội tình chi cũng chịu.
 
Bỏ mình vì con, gương ấy thấy thường dưới mắt. Phận làm cha, duy có lo về phần xác thịt của vài đứa con mà phải nhọc nhằn dường ấy.
 
Nghĩ đến phận sự của Ông CHA vô hình của chúng sanh là bao nhiêu khổ cực.
Lo cho nó nên Phật, nó cứ muốn làm ma,
Lo cho nó thành Trời, nó cứ ham làm quỉ.
Mối buồn tình ấy tả sao cho nổi.
Chư Đạo hữu thử nghĩ, như con cái chư Đạo hữu, từ bé đến khôn ngoan, thì đêm nào mà vợ không nói với chồng, chồng không khoe với vợ mà toan tính hậu nhựt cho con. Chắc là ai cũng muốn cho chúng nó làm quan, làm làng đặng ăn trên ngồi trước thiên hạ, cùng đáo để cũng tính cho nó làm đặng chức dân khôn, có tiền có của với người.
 
Chừng chư Đạo hữu niên cao kỷ trưởng rồi, lại thấy nó ra bợm điếm đàng, nghèo hèn ngu dốt thì chư Đạo hữu phải chịu cái thảm ấy là dường bao ?
 
Đại Từ Phụ đã định cho loài người một cái tương lai quá trọng, dầu để sanh vào trường thảm khổ của đời, cho họ học khôn, đòi phen phải rơi châu đổ ngọc, riêng chịu thảm cùng loài người đi nữa, thì chỉ trông mong có một điều là cả chúng sanh đặng đắc cử thành Tiên Thánh trong cơn thi khóa, nào dè con cái của người bị hãm áp vào biển khổ  sông mê, mặc kiếp lập thân chẳng nổi thì cái mối thương tâm đau đớn biết bao ngằn.
 
Ngày nay, Đại Từ Phụ đến lập Đạo đây, chẳng khác nào ông cha nọ cho con du học tha phương, trông cho nó đặng công thành danh toại, hầu sau nó nối hương hỏa phụng thờ, nào dè nó ham ở xứ người vui chơi cho thỏa chí, nào là thanh lâu tửu điếm, nào là hút xách bạc cờ, gia tài riêng bao nhiêu phá hết, lại đôi khi năn nỉ xin thêm. Cậy người đến thăm nó, thì nó biết ý làm màu mè siêng năng lo học hành quá đỗi. Về nói lại thì già cũng trông cậy để lòng mừng, duy có một điều lạ là học hành đã trên quá mươi năm mà chẳng thấy gởi về một cái cấp bằng nào cho đáng giá. Thét quá tức mình kêu nó về, nó lại cũng chẳng về. Cậy năm bảy người đi, gởi mấy ngàn thơ nhắn.
 
Biệt tin nhạn cá, chẳng dạng chẳng hình, chẳng lẽ thấy nín thinh, dứt tình đành bỏ lẫy.
 
Ngặt nỗi khi vào khi ra, thấy ngờ ngờ dấu tích buổi ban sơ, dầu cho mảnh áo vật chơi cũng còn để dấu. Lòng thương giục nhớ, phải bươn bả tầm con.
 
" Nỗi đường trường diệu viễn nước non,
Ai biết mặt phòng toan kỉnh trọng,
Lại sang cả danh nêu lọng lọng,
Xưng thiệt danh người cũng không tin,
Nương gậy  lê  lữ  thứ một mình,
Đòi phen chịu người khinh kẻ nhục.
 
Nào dè đâu !
Nghe tin trẻ trong vòng khổ cực,
Nỗi thê nhi đùm bọc dắt dìu,
Nỗi gia đình chẳng đủ chi tiêu,
Làm thuê mướn mơi chiều thiếu bữa.
Mảng nghèo khó xứ người lận đận,
Phải làm thân trâu ngựa người dùng.
Sự học hành xưa chẳng chí công,
Thả trôi chảy theo dòng khổ thủy.
Lại thêm nhiễm những lời ma mị,
Oán thân sinh chẳng nghĩ thâm tình,
Đói khó thân dầu phải ăn xin,
Cũng chí quyết không nhìn đến ổng.
Nơi đất khách đã đành gởi sống,
Nào kể chi cái đống xương tàn.
Oán anh em, oán họ oán hàng,
Oán xứ sở, oán làng oán tổng.
Nghe quê cũ như dường nằm mộng,
Nợ nần thâu thân sống chẳng cho về,
Thôi đã đành bỏ dứt từ quê,
Còn chi kể lời chê tiếng nhục.
Ơn sanh dục dầu còn biết Đạo,
Muốn lo đền hiếu thảo cũng vô phương,
Ngày những đêm khổ não đoạn trường,
Đã quên hẳn Tông đường sang cả.
Lại đành chịu làm ma xứ lạ,
Phú thân hồn đày đọa tại tay người.
Áo Tô Tần một mảnh tả tơi,
Chịu lao khổ sương mơi nắng tối.
Già khi đã dò đon lặn lội,
Nương gậy lê đến tới nhà con.
Thấy hình hài con đã hao mòn,
Thêm nỗi vợ nỗi con đói khát.
Ăn thiếu bữa cơm không đầy bát,
Uống nước cho đã khát chén không đầy.
Thân không nhà rày đó mai đây,
Ở chung chạ cùng bầy trộm cướp.
Con dò dọc tèm lem tuốc luốc,
Học nói năng nhơ nhớp thấy mà kinh.
Nỗi bất hòa chồng vợ không tình,
Nỗi bạn tác chê khinh đều lánh.
Gần hung ác tập rèn quen tánh,
Chỉn lấy thân yếu mạnh so đời.
Không lương tâm nào biết ngó Trời,
Theo thân thể trọn đời thờ quỉ.
Thấy như thế, Già tuôn giọt lụy,
Lại hiểu con chẳng nghĩ đến mình,
Gạt lụy rơi về tạm Khách Đình,
Chẳng cho trẻ biết hình biết dạng.
Thấy con trẻ làm nhà buôn bán,
Đem tiền ra lập hãng lập chành.
Nghe con làm thợ đá có danh,
Lập hãng lãnh cất dinh cất phủ.
Nghe con có làm bồi nhà ngủ,
Lập nên nhà khách ngụ nhà hàng,
Nghe con hay làm mướn nhà quan,
Cho con đặng vào hàng ấm tử.
Lập gia nghiệp cho con vừa đủ,
Dạy, khuyên, nuôi dưỡng lũ cháu thơ,
Bèn làm cho đủ giấy đủ tờ,
Cả của cải đều cho con hưởng.
Thơ một bức dặn con thương tưởng,
Phải giữ căn bền hưởng ân hồng.
Nhớ cội nguồn đừng phế đừng vong,
Nơi quê cũ Cha trông thấy trẻ.
Nay đã đặng giàu sang đủ lẽ,
Gắng giữ gìn danh thể Tổ tông.
Gia tộc con cả giống dài dòng,
Đều sang cả chớ không hèn hạ.
Ở xứ lạ dầu nên nghiệp cả,
Học hành thêm để dạ cần chuyên.
Nhà cửa ta chẳng kể của tiền,
Duy trông trẻ nên Hiền nên Thánh.
E con thẹn nên Cha phải lánh,
E trẻ phiền Cha tránh mặt con.
Con khá nhìn lấy nước lấy non,"
 
Còn non nước Cha con còn gặp. (là Thầy muốn độ mình hồi cựu vị.)
 
Chư Đạo hữu ráng để hết ý mà suy nghĩ và hiểu cho thấu bài diễn văn nầy.
Tệ đệ lấy cử chỉ của một ông cha phàm thật cao minh quảng đại thương con quá đỗi mà lập phương thế cho con nên, đặng tỉ với Đại Từ Phụ đến trong lúc Hạ nguơn nầy đặng khai Tam Kỳ Phổ Độ, đặng độ nguyên nhân qui hồi cựu vị thì thấy  y nhiên chẳng sai một mảy, lại còn hiểu đặng tôn chỉ của Từ Bi để lại cho chúng ta cũng là rõ rệt.
 
Nếu chúng ta đặng hữu duyên thấy nơi thế nầy có gương của một người nào đã biết làm phận sự cha với trí thức cao thượng như thế thì chúng ta  ắt chẳng phải thương quá đỗi thương, rơi châu đổ lụy cùng người mà chớ, rồi lại cũng thầm trách cái tệ của người con kia quá ư bất hiếu.
 
Ông Cha ấy là Đại Từ Phụ, còn người con ấy tỉ với chúng sanh, nghĩa là loài người ta đây cả thảy. Thấu đáo câu văn cho tận rồi xét mình tội lỗi cùng Từ Phụ  là dường nào. Chính mình tệ đệ cầm viết mà tả ra đây cũng phải động lòng tuôn dầm giọt lệ.
 
Ôi, anh em chúng tôi, nghĩa là những Chức sắc đương quyền hành đạo từ buổi sơ khai đã nhờ ơn Đại
 
Từ Phụ đêm dỗ ngày khuyên trót mấy năm thân mật, chỉ còn thiếu thấy hình Người, chớ bằng cớ hiển nhiên trước mặt. Đêm khuya thanh vắng dạy dỗ lấy con, nào những lời châu ngọc đầy dẫy yêu thương, nào trí ý cao sâu công bình chánh đáng.
 
Chỉn biết dỗ, chẳng biết hờn; chỉ biết than, không biết giận.
Anh em chúng tôi buổi trước vốn lẫn lộn lăn lóc cùng đời, chẳng biết tu là chi, tất cả, dạy một đường làm một ngả, giải một nghĩa hiểu một điều. Ôi cái hư tệ biết sao kể xiết !
 
Sự thử Thánh tại chùa Gò Kén buổi nọ cũng do nơi cái dốt ấy, mà thương thay Từ Bi không để một lời quở phạt, chỉ có than thở mà thôi, vì đã chóng biết anh em chúng tôi vốn còn khờ, đi bước mới chưa quen, ngơ ngẩn trên đường đạo đức.
 
Từ ấy lại cố tâm giáng dạy hơn nữa, cho đến ngày giao quyền hành đạo cho Đức Lý mới thôi, nên chúng tôi mới hiểu thấu Đạo đôi điều, có đủ phương truyền giáo.
 
Chúng tôi vẫn chẳng phải cầu mà đặng, mà cũng không bắt chước mà làm, lịnh trên dạy phải cam, chớ  sá chi mang quyền tước.
 
Ai ai cũng đều lo làm cho tròn phận sự đặng trọn Đạo cùng Thầy, ai chửi cũng trối thây, ai rầy cũng trối kệ. Tội tình còn chẳng kể, lại vị nể đến ai, lời thị phi gác để ngoài tai, theo Từ Phụ cho vẹn ngay trọn thảo.
 
Tệ đệ vốn là người ít tin cơ bút hơn hết, cũng tại Đại Từ Phụ để nghi, nên cứ tò mò theo thử mãi.
 
Thử rồi lại sợ mang tội cùng Thầy, vái cho bị một phen rầy thì họa may phải tởn. Mà Thầy cũng chưa hề rầy. Đôi phen cũng vì nhẹ đức tin mà cãi mạng lệnh của Thầy, chừng biết tội vái cho bị rầy mà chừa cải.
 
Thầy cũng không rầy. Nhiều khi nói lớn vái to lên ai cũng đều nghe hết mà Thầy chỉ cười rồi bỏ chớ cũng không chịu quở phạt giùm lấy một lần.
 
Để lòng nghi cho Đồng không huyền diệu, về nhà chấp bút  một mình, kể tội từ buổi Tam Hoàng, bài oan kể từ đời Ngũ Đế. Đêm khuya leo lét một bóng một hình, đưa ngòi bút lên đó đặng đợi Thầy, Thầy vừa giáng đã lo khóc trước.
 
Thầy lâu đến quá thì nhớ, nhớ quá lại thương nhiều, hễ vừa thấy giáng đã mũi lòng, ráng cầm khóc mà nước mắt không nghe, cứ chảy tuôn xối xả.
 
Ối nghĩ có xấu hổ chi mình khóc với Thầy mà phòng sợ. Lại bị những lời vàng khuyên bảo, tiếng ngọc dặn dò, trước kia chẳng để lòng lo, nay kết cuộc, Đạo phải chịu chênh nghiêng rối rấm, thầm trách lấy phận mình không chịu nhớ lời Thầy dạy.
 
Cũng vì các bằng cớ ấy mà nó xoi lủng mạch sầu, nước mắt nhỏ không phương cầm lại nổi. Mảng chùi mảng quẹt, mảng hỉ mảng lau, một đôi khi làm Thầy phải đợi. Ráng làm tỉnh đặng cầm viết cho Thầy, té ra viết một câu lại khóc ồ lên nữa. Đôi khi thấy khóc quá, Thầy lại chọc cười, rồi chuyện vãn một hồi, nào là dạy đức tánh của thiêng liêng, nào là phép huyền vi cơ tạo. Nói thôi bao la thế giới, học thôi nát óc nát đầu, coi lại mấy điều khẩn cầu, không một lời nói đến.
 
Lúc ban sơ, tệ đệ hay thưa người nầy, kiện người kia, chê cụ ni, khen mụ nớ, cũng bởi mê lời nói của Thầy, cho cầm cân công bình tại thế. Cây cân công bình Thầy nói đó ngày nay tệ đệ cũng chưa biết chỗ mà dùng, nhứt là khi Hiệp Thiên Đài với Cửu Trùng Đài phản khắc, Thập nhị Thời Quân chưa hiểu phận mình, tệ đệ dâng cả tên tuổi của những người không lo hành Đạo đầy tràn một tờ sớ.
 
Đó, Thầy mới giáng mà trả lời. Vừa giáng thì kêu tên tệ đệ mà nói rằng :
“ Mỗi đứa con đã sanh đứng làm người đều có trách nhậm thiêng liêng. Thầy cân sức lượng tài của mỗi đứa đặng định giao phận sự. Đứa dở chẳng lẽ ép làm hay, đứa tài không lẽ làm việc dốt. Dở dốt cũng cần dùng. Cách thế Thầy dùng vốn vô hạn lệ. Thầy biết chúng nó đặng chớ con biết chúng nó sao đặng. Tỷ như gặp đứa sức yếu, con buộc gánh nhiều, rủi bị nặng nề vấp té đến lụy mình thì tội tình ấy về con gánh vác.”
 
Chư Đạo hữu nghĩ coi cây cân công bình của tệ đệ mới nhích bên nào cho đúng ?
 
Sau lại kẻ ngoại giáo kích bác chơn truyền, tìm phương diệt Đạo. Tệ đệ dâng một tờ sớ xin cho Thiên khiển quỉ xác ma hồn.
 
Thầy giáng hỏi rằng :
“ Tỷ như con có năm bảy đứa con, đứa lớn khôn nó biết hiếu hạnh kỉnh nhường con, con thương yêu càng trọng. Rủi có một đôi đứa nhỏ dại chưa hiểu đạo nghĩa làm con, nên hỗn hào phản nghịch thì con mới định làm sao con ?
 
Tôi trả lời rằng: Sẽ dùng hình phạt mà khuyên răn trừng trị, bằng chẳng đặng thì đành lòng từ bỏ.
 
Thầy nói: - Từ sao đặng con !  Cười rồi tiếp:
- Nó nhỏ dại mà bỏ sao đành, tâm tánh của một ông cha lành chưa nỡ nào làm đặng.
 
Ngưng bút , hỏi lại tệ đệ rằng :
- Sao con không nói  giết phứt nó đi cho rồi ?
 
Chừng ấy nhớ lại tờ sớ, thôi bắt kinh hồn hoảng vía. Khi Thầy thấy hiểu mà sợ thì Thầy mới giải rằng :
- Biết bao phen Thầy giáng thế lập Đạo, bị chúng sanh biếm nhẻ, chê bai, đến đỗi bắt Thầy mà giết, nhưng mà khi Thầy qui Thiên, chúng nó cũng biết nhìn Thầy tùng theo đạo giáo.
 
Cổ kim vẫn thế, các con chớ để lòng hờn, dầu chúng sanh  chẳng rõ thiệt hơn, nói phạm thượng đến Thầy thì Thầy chịu.
 
Chư Đạo hữu nghĩ coi cái khối từ bi ấy đã đáng bao to mà rồi lại nghĩ giùm cây cân công bình của tệ đệ để đâu cho phải chỗ đặng chỉ cho tệ đệ một lần làm phước.
 
Một Đấng dường ấy đến cầm quyền lập Đạo mà lại có nảy sanh ra một Chi phái chửi đời cũng bởi danh Người, nghĩ âu quái dị.
 
Những lời nầy là lời Ông Trời thiệt, hay là lời mắng nhiếc chúng sanh, tệ đệ để cho tâm linh của mỗi người thầm hiểu.
 
Ấy vậy thì Ông Trời theo đức tin của anh em chúng ta là một Chí Linh hiện tại. Có lẽ khi chư Đạo hữu  lại còn trưng ra lắm bằng cớ khác nữa, nào là các sắc dân sanh, dầu kêu danh Người ra khác đi nữa cũng đều thờ phượng kỉnh trọng và nhìn nhận rằng : Quả có Đấng Chí Linh làm chúa càn khôn vạn loại, chủ các đẳng linh hồn là vật chất, thảo mộc, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn, chung gọi là vạn linh, vì cả thảy đều hấp thụ đặng một điểm linh của Đấng Chí Linh ban cho làm mạng.
 
Cả vạn linh mỗi mỗi đều tùy cơ tấn hóa y theo đẳng cấp thiêng liêng đã định mà đoạt cho đến địa vị Chí Linh, là tương lai cùng tận đặng đồng thể cùng Trời, vô sanh vô tử, bất tiêu bất diệt.
 
Nhưng mà đoạt cho đặng địa vị tối cao tối trọng ấy thì các đẳng linh hồn phải thoát qua đã nhiều vô cùng đẳng cấp khác nữa, chịu lắm phép huyền vi Thiên điều đã định, đặng nâng đỡ dìu dắt vạn linh đi cùng mục đích, nào là chịu luân hồi chuyển kiếp, nào là chịu khổ não thi hài, đi cho cùng cửa Địa ngục, vào cho đủ sắc lửa luyện tội, nghĩa là chịu thai bào vào mấy địa cầu khổ cực, rồi mới lần hồi vào cửa thiêng liêng mà đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.
 
Mỗi linh hồn đều tự chủ mà lập vị lấy mình, dầu nên dầu hư, cơ công bình tạo đoan chỉ để cho mình định liệu, cao cao, thấp thấp, duy hiểu đặng buổi chung qui, nghĩa là buổi trở về cõi trời thì màn bí mật thiêng liêng mới trọn mở.
 
Chừng ấy thì biết nhìn Trời mà Trời chẳng ngó, mong nghe lời Phật mà Phật vẫn làm thinh !  Giận quá tức mình đi đầu thai lại nữa, dặn lòng đến thế đặng sửa nét phàm, nào dè đến trần rồi thì mùi thế cũng còn ham, ham mùi thế ắt không ham mùi Đạo, khiến lập mình tự bạo tự kiêu, ai khai Đạo ta cũng đua chen khai Đạo.
 
Khai Đạo đặng làm chi ?
Đặng phá Đạo.
 
Phá Đạo đặng làm chi ?
Chơi ! Hay là . . . .
Nghĩ lại mà bắt buồn cười cho cơ Trời rất khéo.
 
Cái quên mình là gì ? mà mình đã làm gì trong kiếp trước ? là cái cửa của phép luân hồi. Nếu cơ bí mật quyền năng của Trời chẳng vậy thì cõi thế gian e đã hết người. Hễ hết người thì ắt hết đời, nếu đời hết thì còn chi là Đạo.
 
Vì vậy mà chữ Đạo thật là huyền bí vô cùng vô tận, đồng quyền hành với nghĩa lý của càn khôn, đối thế lực cùng Chí Linh khai tạo hóa.
 
Luật tạo đoan, nghĩa là Đạo, xem dường như mạnh mẽ vô cùng, đến đỗi dám sanh sản ra một vị chí Phật như Đức Thích Ca đặng truyền cơ giải thoát hầu cho chúng sanh đủ thế lực diệt tàn phép luân hồi chuyển kiếp của thiêng liêng mà xem lại nơi mặt địa cầu nầy cũng vẫn còn người.
 
Hỏi chúng ta nên cho phép giải thoát của Thích Ca là vô hiệu hay là ta nên cho rằng cơ tấn hóa của vạn linh đã ra ngoài vòng pháp ?
 
Có lẽ cái bí pháp giải thoát cũng có giúp ích cho các đẳng linh hồn đã tấn hóa đến chơn Phật vị, chớ không phương giúp cả vạn linh. Vì cớ mà làm cho bực thường tình sanh chúng đã lầm tu từ thử có phải?
 
Theo chúng ta tưởng thì cơ tạo hóa - gọi là Đạo - của Đức Chí Tôn thì cũng như vầy :
 
Nhờ hơi ấm của Dương quang, nước phải thành mây, mây đông lại rồi hóa lại nước, nước ấy tràn khắp địa cầu, thấu vào trong lòng đất, gặp muối làm cho tiêu tan, đem nước muối ấy, hoặc nhiều hoặc ít, có khi mình chẳng biết đến mùi, ra tới mội, nhiều mội chảy thành ngọn thành nguồn, nhiều ngọn nguồn ra sông rạch, nhiều sông rạch thành biển cả, sắc nước mặn của biển ấy đi còn lại muối đặng nuôi  sanh chúng.
 
Bóng Dương quang tỉ là Đức Chí Tôn,
Nước tỉ như sanh chúng,
Ngọn nguồn sông rạch tỉ như các tôn giáo roi truyền,
Biển như khối Chí Linh,
Muối tỉ như cuộc đời,
Mây tỉ như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
 
Cả vạn linh tùy theo phận sự mà lập đời, hoặc công nhiều, hoặc công ít, hễ đã đến thế thì phải độ đời. Cao thì trách nhậm cao, còn thấp thì làm theo phận thấp, tạo thế giới cho đặng toàn thiện toàn mỹ mà làm nhà khách quán, hay là lớp học của các chơn linh. Không phải cho các nguyên nhân mà thôi, lại còn làm giùm cho hồn tấn hóa cùng là các quỉ hồn luân hồi đền tội.
 
Oan oan nghiệt nghiệt vốn là máy Thiên cơ, cũng chẳng khác gì lúc trước các đế vương của nhà Nam hay cho tù tội đến chốn hoang vu đặng khai sáng đất quốc gia cho thành khoảnh, lập làng lập họ đặng vào bộ làm dân, còn như không đi làm đồn điền thì cam phận đành làm tù tội. Có tù có tội mới có công dân đặng khai lần đất nước.
 
Các chơn hồn bị luân hồi chuyển kiếp đến thế nầy cũng là nhiều hạng, nhưng mà hạng bị oan oan nghiệt nghiệt vẫn phần đông, nếu muốn cho mặt địa cầu mau tấn hóa thì phải nhờ công quả của loài người, không nghiệt oan buộc chuyển kiếp luân hồi, hồn tình nguyện nghĩ thôi rất ít.
 
Làm cho trái địa cầu nầy nên Thánh địa đặng giảm khổ cả chúng sanh thì công của các chơn linh rất trọng. Hồn thì lo đền tội, hồn thì đến siêu thăng, hồn thì đến lập công, đều xúm xít nhau mà lập danh phận cùng Trời là chúa cả.
 
Sự công bình tạo hóa là định phân đẳng cấp các chơn hồn hầu định phân xác thân tại thế. Cao cao thấp thấp, trí trí ngu ngu, trọng trọng khinh khinh, lành lành dữ dữ, mỗi tánh đức bởi linh hồn, dầu muốn toan sửa cải cho hơn, cũng khó tránh số phần Trời định.
Bởi vậy cho nên, từ trước, các hàng Chí Thánh cùng mấy phẩm Phật, Tiên, chí thương sanh chẳng
 
chút giận phiền, lòng ái chúng không hề từ bỏ. Dầu chi chi cũng không riêng xử, chỉn đề tên là đám nhơn sanh. Hễ còn lo về mặt thế tình mà biết thế tâm linh phế Đạo. Không phân không xử, không định không lường, lo sanh chúng tùng lương, hồn tấn hóa.
 
Bởi vậy cho nên, anh em chúng tôi hằng để nơi lòng một phận sự tối cao tối trọng của Đại Từ Phụ hay căn dặn thường thường rằng :
“ Chúng sanh chịu thảm khổ cũng vì Thầy dùng cơ quan sầu não đặng tạo cho nên đường tấn hóa trí thức tinh thần, các con nên thấy cái dở mà để lòng thương, xem cái hay mà mầng dạ, vì chung cuộc, dầu dở cũng có giúp Thầy tạo hình thể cơ đời cho mỹ mãn.
Không phạm tội mà làm phận sự giỏi mới là hay, không trái lương tâm mà làm đặng điều hay mới giỏi. Phải lấy trí thức tinh thần làm chủ mới hành động đặng như vầy.
 
Thầy trông cậy có một điều là ngày nào các con về Thầy mà toàn sanh chúng thảy thương yêu thì là Thầy đắc vọng.”  
 
Lòng từ bi của Chí Tôn xin chúng ta rộng lòng tha thứ, quảng đại bao dung, đặng hiệp tánh cùng Người thùy từ mẩn khổ.
 
Ngoài cái pháp luật của Đạo thì phải để một tình riêng thương đến bực nhơn sanh còn thấp thỏi.
 
Mình có khoe mình chí Thánh mới là chê kẻ khác có phàm tâm. Nếu Đạo tâm gìn dạ không không, ai cũng thế mà ta đây cũng thế.
 
Mang xác tục là mang tình tệ, xác thịt ai như thể thân mình. Muốn cho hơn cả chúng sanh, phải làm mặt người lành đúng bực. Mảnh xác thịt trong vòng khổ cực, có cân lường tài sức chịu là bao, quá sức mình thiệt giả té màu, dầu ngu dại lâu mau  cũng  thấy.
 
Lời Người nói : Giả kia như giấy, tiếng để đời hay thiệt ấy là vàng, chưa ai từng lượm giấy bỏ vàng, mà không định ngu ngoan cho đúng lý.
 
Hằng xét hỏi tấm lòng cho kỹ, mình chê mình còn nghĩ thương ai, nếu tầm cho mình thật đúng hiền tài thì cấm hẳn mặt ngoài dối trá.
 
Đừng dối đừng gian, đừng chê đừng nhạo thì mới mong luyện thông minh trí lự, tu sáng láng tinh thần. Đạo của chúng ta thì do nơi đức tin mà hành đạo.
 
Còn như các đảng phái khác thì họ thờ trí lự của họ với lương tâm. Ấy cũng là một cơ quan biến tướng của Đạo mà Đức Chí Tôn đã biết trước, nên để sẵn hình ảnh thần lương tâm của họ là Thiên Nhãn của Thầy, sự thiệt giả cũng có biệt phân đôi chút.
 
Luận ra cho đúng lý thì họ cho rằng cả đức tin của chúng sanh xúm nhau nắn hình Ông Trời Ông Phật đặng trị lương tâm của mỗi người. Trời Phật tức là đức tin của chơn lý, nhứt là Ông Trời thì thật hình ảnh của Thần Chơn lý họ đã đặt tên, có phần đặc biệt hơn hết. Họ cũng phải lấy đức tin mà dụ dỗ đặng cho bậc thường nhơn phải tin tưởng cho đông đặng toan lợi dụng, còn họ thì ngoài vòng tín ngưỡng, duy lấy thế lực mà làm mồi.
 
Họ lấy trí phàm mà tượng nắn ra Trời, nên Trời có bụng có râu có tóc. Vì vậy mà khi Trời giận thì phùng râu dửng tóc, khi Trời hờn, vỗ bụng mửa ra vân. Trời ghét ai cũng biết cằn nhằn, Trời oán vặt kiện xằng kiện lếu. Trời cũng biết cải danh sửa hiệu, Trời cũng hay coi kiểu học đòi, Trời cũng thường ham đánh ham thoi, Trời cũng biết mắng voi chửi vịnh. Trời cũng biết làm hề làm nịnh, Trời cũng hay mượn lịnh nhà quan, Trời cũng hằng tụ đảng côn hoang, để mưu hại những trang đạo đức. Trời lại thích cách giành cách giựt, Trời cũng hay ăn cắp Đạo người.
 
Nếu quả nhiên có phải Ông Trời thì hỏi thử  Trời ơi có thấu ! Trời nầy đấu với Trời tệ đệ tả trên kia thiệt là khác hẳn.
Vậy thì anh em mình nếu gặp đặng một Ông Trời y như hình ảnh tệ đệ mới tả ra khoảng trên đây thì chắc là không thế gì chúng ta tu đặng.
 
Mấy tay yếu nhơn phản Đạo, đã đào tạo chơn lý ra đây, cũng có cầm quyền hành đạo buổi trước, nhưng đã bất tài thối buổi, lại còn để nợ lại cho Hội Thánh vài ngàn đồng, tệ đệ đã thấy chán chường bằng cớ.
 
Họ đã thấy rõ rằng đồng tiền của chúng sanh thì ít, nhứt là của nhà Nam ta đây thật quả nghèo nàn, có đâu dư dả cho nhiều mà năng làm phước; còn như tiền của tín đồ các nơi thì họ đợi cho có cần dùng, Hội Thánh phải nài xin thì họ mới đem bố thí.
 
Lớp thì nuôi chúng sanh từ thử, hao tiền tốn của biết là bao, Đạo hữu và người ngoài ăn của Đạo tính trên có triệu miệng, nhứt là dân Cao Man nhiều hơn hết. Vậy thì chúng ta tính thử, kể hai cắt (O$20) một miệng ăn thì đã có hai trăm ngàn đồng bạc từ thử (200.000 $ 00).
 
Lớp thì lo phổ thông Đại Đạo khắp các nơi, bên Thái Tây cùng là ngoại quốc, mấy điều chi phí về phần nầy, chúng ta không dám đem ra mà cạn tỏ, vì có nhiều lẽ phải đề phòng : mấy tay yếu nhơn lập “Chơn Lý” đã thầm hiểu là điều yếu nghiệt, nên cứ việc cáo gian rằng Hội Thánh giựt tiền bá tánh. Họ sâu sắc đến đỗi biết chắc Hội Thánh chẳng dám trả lời mà phô trương điều ấy nên dễ thế cho họ vu oan. Tiền thì quả có vô, song đố họ dám nói chi phí về Đạo xuất dương ngoại quốc. Thôi rộng thế cho họ xúm nhau nhục nhã, chửi mắng các Chức sắc đương quyền, tư bố cáo đặng vu oan cùng các nơi cho chúng sanh hùn vô với họ mà tẩy chay Tòa Thánh.
 
Nay lập Tiểu Thánh Thất tại Pháp Triều kinh đô Paris cũng sắp hoàn tất, Chức sắc Thiên phong nơi ấy có hai vị : Giáo Hữu Bellan và Abadie hành đạo.
 
Tuy của thì Hội Thánh cũng còn giúp sức chớ thế lực nay đã mạnh rồi, không còn sợ tay ai phá hoại, nên tệ đệ mới dám khai ra, còn nhiều nơi khác cũng chưa dám nói.
 
Cái gian ác của phe phản Đạo chỉ để cho tòa lương tâm chúng sanh xử định.
Đạo thì như con voi, còn đồng tiền bố thí của quốc dân An nam như chuối, thế nào phu phỉ mà không thiếu thốn nghèo nàn.
 
Tiền Tòa Thánh không đủ nuôi ăn, có đâu dư mà để cho ai giựt. Tạo cho nên gia nghiệp chung của cả chúng sanh tại Tòa Thánh đây thì là tiền của mấy anh lớn chung hiệp cùng nhau, có người phải bán nhà  bán ruộng. Chi phí càng bữa thấy càng nhiều, Đạo đương gieo truyền chẳng phải nói nơi Thái Tây mà thôi, mà toàn khắp nơi khác nữa.
Chi chi cho khỏi họ còn mượn bóng mà vẽ hình đặng vu oan cho Hội Thánh thêm nữa mà chớ.
 
Xin chư Đạo hữu khá để lòng dè dặt mà ngăn ngừa mưu mô quỉ quyệt của tà gian, đừng tin quá nghe lầm mang tội.
 
Không có cái ác hành nào hơn cho bằng phương thế của họ gieo ác cảm đặng cho Tòa Thánh tuyệt lương mà rốt cuộc thì mưu sự tại nhơn, thành sự tại Thiên, Thiên lý dĩ nhiên dĩ nhiên, có sẵn lịnh Thầy định liệu nên không kết quả đặng chút nào. Đạo cũng còn Đạo mà Tòa Thánh cũng còn Tòa Thánh, chúng sanh cũng có đủ hai bữa đặng nuôi thân  mà làm công quả. Đạo xuất dương cũng không ai cản nổi, tệ đệ xin nói vắn tắt như vầy :
 
Mưu ăn trợt của Quỉ vương xúi giục.
Tệ đệ lại xin trả lời cùng mấy tay phản Đạo, chia phe lập phái, rằng : cái ngòi viết của tệ đệ dầu khi chưa tu, còn ở ngoài thế, nó phải làm mướn mà kiếm cơm đi nữa, ngoài giờ làm việc, nó cũng biết tự chủ mà nâng đỡ thúc giục tinh thần của anh em nhà Nam ta tấn bộ, chớ nó chưa hề biết đè đầu con dân làm tôi mọi, ăn hối lộ hay là phá chùa phá miểu như các ngòi viết khác kia vậy.
 
Họ đã cáo gian ai thì ngay gian chưa biết, còn đợi phép Tòa đời, chớ còn tệ đệ bị gieo ác cảm rằng giựt của chúng sanh nên nhà nên cửa đây rất nên chơn lý, buộc tệ đệ phải phân giải đôi lời.
 
Nào là lập Phạm Môn, nào là cất Phạm Từ, nào là làm Phạm Nghiệp, nhà cửa nghinh ngang, ruộng trâu rần rộ. May thay là cái danh thanh liêm của tệ đệ từ thử đã dẫy đầy, chúng sanh đều rõ thấu về các việc của tệ đệ xuất của lấy tài, giúp dân tạo sáng, đều dành để cho nhơn sanh tất cả, dành để là dành để cho kẻ cô thế khó khăn chớ không phải tính làm giàu cho Hội Thánh. Tệ đệ đã để di chúc điều nầy nơi tay Hội Thánh.
 
Khi mới tạo Đạo, tiền của của Đạo vốn nhiều, nhiều là nhờ tệ đệ và Cao Thượng Phẩm làm Đạo dường nào mới đặng vậy, còn nay thế nào, chúng sanh cũng đã thấy, mà tệ đệ đứng giữa đại điện thề trước mặt Hội Thánh rằng, một đồng tiền của Đạo cũng không thèm biết đến.
 
Từ thử tệ đệ vốn giữ lời thề, chánh trị và tiền tài của thập phương đều nơi tay Cửu Trùng Đài xây dựng đặng phổ thông Đại Đạo của Chí Tôn, chớ tệ đệ chưa hề để mắt.
 
Khi bỏ chức từ quan thì cũng đã biết thân để dành đôi chút, tưởng là để đồng tiền mà chi phí đặng an ổn thân tu, cả vợ chồng con cái về nơi Tòa Thánh đặng làm tôi tớ cho Chí Tôn. Nào dè đâu hạng vô lương tâm gởi thơ rơi nhiếc mắng rằng nhờ Đạo mà vợ no con ấm, cốt yếu muốn đuổi tệ đệ ra khỏi Tòa Thánh như đã đuổi Cao Thượng Phẩm vậy, đặng không chỗ nương thân, phải ra rừng mà ở cho chết đói coi chơi. Họ thầm nghĩ, đã bỏ chức phận mình và đường sanh nhai rồi thì còn gì mà sống ?
 
Một phen chẳng nói chi, còn đặng liền 14 cái thơ mạ nhục đến điều, nếu tệ đệ còn ngoài đời, chắc là đã sanh thế khác hơn là lo lui cui đi mua đất cất nhà cho vợ con ra khỏi Tòa Thánh. Tiền của tệ đệ thì tệ đệ làm mà đảng bất lương cũng còn kiện tệ đệ nơi tòa án.
 
Ấy là Phạm Nghiệp lập ra với tư bổn chút ít của tệ đệ và nợ của tệ đệ tạm cầu nơi bà con  mà lập ra công nghệ để dạy nhơn sanh. Còn Phạm Từ thì là tiền bạc của anh em trong họ của tệ đệ và tệ đệ hùn lại mua một miếng đất tại Cẩm Giang lập nhà thờ Tổ phụ của họ Phạm.
 
Tuy vân vậy chớ cũng còn nhín mà cúng cho Hội Thánh một cái Tiểu Thánh Thất tại Cẩm Giang đặng làm bến cho ghe cộ của Đạo hữu ở các nơi lên Tòa Thánh có nhà có bến trú ngụ. Ấy là Phạm Từ và Tiểu Thánh Thất lập thành cũng là tiền vay bạc hỏi của tệ đệ xuất ra làm và của anh em bạn tệ đệ giúp sức cùng Đạo hữu tại Cẩm Giang để công và của lo lường.
 
Chí Tôn hằng dặn tệ đệ, những hạng người nên để mắt lo lắng bảo bọc giùm cho Thầy là : già cả, tật nguyền, cô độc, trẻ không cha không mẹ, côi cút đơn thân, người nghèo nàn đói khó, thất vận thất thời, không phương nuôi con vợ, đờn bà mẹ góa con côi, thủ trinh thủ tiết.
 
Nên tệ đệ tùy phương tiện mà lập một nhà Dưỡng Lão Đường gọi là Phạm Môn tại sở đất của Chánh Thái Phối Sư  hiến 6 mẫu, còn mua thêm 8 mẫu gần đó đặng tạo gia nghiệp tư cho mỗi Chức sắc Hiệp Thiên Đài.
 
Ấy là Phạm Môn. Phạm Môn đây nghĩa là cửa Phạm ( ), gọi là cửa Phật, viết chữ nho ra thì là “Lâm trên Phàm dưới” chớ chẳng phải họ Phạm ( )  của tệ đệ theo như lời của kẻ bất lương gieo ác cảm.
 
Tệ đệ đã lập một sở Cấp-cô-độc-viên đặng nuôi trẻ thơ côi cút, song khuẩn bách tiền tài nên sanh ra lắm nỗi khó khăn làm chưa hoàn tất.
 
Tệ đệ lại lập một trường công nghệ gọi là “Quảng Nghệ” đặng cho mấy em nghèo nàn khó nhọc có cơ sở nghề nghiệp làm ăn, tại sở đất 80 mẫu gọi là Thái Bình Thánh Địa, ấy là phương sanh nhai cho những người đã về ở gần Tòa Thánh đặng lo tu luyện.
 
Lại nài đất của Lễ Sanh Cẩn đương thời hành Đạo tại Hội Thánh Kim Biên đặng tạo một sở công nghệ cho phái nữ gọi là Nữ Công Nghệ đặng cho phái nữ có thế sanh nhai nuôi mình tu luyện.
 
Nhiều phen tệ đệ khẩn cầu cùng Hội Thánh Cửu Trùng Đài làm một sở Khách Đình (Bungalow) đặng cho hạng thượng lưu đến tầm Đạo có nơi trú ngụ hầu ở cho đặng lâu ngày quan sát tận cùng Đạo lý, chớ đừng để cho họ ngủ chung ngủ chạ cùng bực Chức sắc ít học thường tình mà họ để ý chê khinh danh  Đạo. Xin hoài mà cũng không thấy làm, tệ đệ mới làm tại mấy thẻo đất dư thừa còn rừng liền theo rừng cấm. Ngặt bên kia đường của Đạo lại còn để giữ nuôi cây, nên tệ đệ sợ cho nhà nước thấy không làm cho thành khoảnh rồi lấy luôn miếng rừng bên kia lại nữa, nên mới khai phá cho thành mà cất một Khách Đình cho An Nam và một cái Khách Đình cho Thổ. Ấy là Khách Đình.
 
Tệ đệ đã nhiều phen nghe chư Đạo hữu lục tỉnh lên Tòa Thánh bằng ghe thường than rằng, ghe lên đậu tại bến làng Hiệp Ninh bị kẻ ngoại Đạo lấy sạch vật liệu cần dùng cho tới chèo cùng bánh lái. Nhiều phen nghe rất nên thảm thiết, nên tệ đệ xin Hội Thánh cất giùm một cái bến ghe. Lâu lâu nghe nói cất rồi, cũng an dạ.
 
Ngày kia tệ đệ đi kiếm đất đặng cất kho lúa và kho để đồ cho Phạm Môn, nên phải kiếm nơi đất nào gần bến. Thầy tư Xích có viết thơ để lại nhà đất của người, tệ đệ ra coi cái bến của chùa nơi nào cho biết. Người ta chỉ một cái chòi tranh xơ xác vài miếng lá muốn xiêu muốn sập mà nói rằng : Đó là kho của Tòa Thánh.
 
Vì miếng đất ấy mắc giá nên tệ đệ mua không nổi, phải nài một miếng đất tại Bến Kéo, đương lo làm lẫm lúa và bến cho chư Đạo hữu các nơi trú ngụ.
 
Ấy là Giang Tân.
Tệ đệ làm sự chi đều là tiền của tệ đệ vay mượn của người, chớ Hội Thánh chỉ biết gieo ác cảm chớ không giúp cho tệ đệ điều chi tất cả.
 
Đó là các điều dối trá của tệ đệ đã làm và giựt của chúng sanh y theo lời của kẻ phản Đạo cáo gian. Tệ đệ cũng để cho tòa lương tâm của chúng sanh minh đoán.
“ Chơn Lyù” ! “ Chơn Lý” ! Ngươi cũng mộng mị dường ấy hay sao ?
 
Ta lại hằng nghe dịch danh của ngươi rằng Lẽ Thật.
Họ còn vu oan cho tệ đệ rằng trai trên gái dưới cho đến có con đem về làng nuôi dưỡng. Không biết có vậy hay không, chư Đạo hữu ráng kiếm cho ra lẽ thiệt giùm cho tệ đệ. Hỏi họ dám vu oan dường ấy thì có chi hơn mà họ lại chối từ.
 
Nhưng mà xin chư Đạo hữu cũng đừng phiền, vì mỗi người tu mỗi điệu, mình cũng không nên kiếm hiểu mà làm gì, anh em chúng ta xúm nhau xin họ điều nầy, thôi thì đành nhìn nhận rằng Ông Trời của họ là khác, còn Ông Trời mình vốn khác.
 
Xúm nhau lạy lục đặng cầu nài, họ đã gọi rằng thờ “ Thần Chơn Lý ” thì bớt lời hồ mị mà cáo gian, vì sợ e người rõ hành tàng mà phải sửa tên là “Giả Lý “.
 
Chúng sanh trong thời kỳ tấn hóa nầy phải phấn đấu đua tranh, giựt giựt giành giành, gây thù kết oán cùng nhau khi cũng đã nhiều. Trong trường danh lợi chỉ biết sát phạt nghịch thù chớ lòng ái vật yêu nhân đã mất biệt. Lương tâm của mỗi người, trừ ra lúc chiến đấu, thì họ vốn quên mình, chớ khi nằm nghỉ đặng đôi chút hoặc khi mỏi mệt mà tự tỉnh, hoặc khi suy gẫm canh khuya, hoặc là ngộ cảnh bi ai mà nghĩ nghị, thì ai cũng biết rằng cái thời đại cạnh tranh nầy đã diệt tàn ái chủng.
 
Vì cớ mà ngày Đại Từ Phụ đến thâu anh em ta thì Người chỉ dùng có bốn chữ của toàn cả nhơn sanh ngưỡng vọng là “ Từ Bi - Bác Ái ” của Người đặng làm phép nhiệm mầu thâu tâm thiên hạ. Cái mạnh của Đại Từ Phụ là cái lòng thương vô tận của Người. Bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà chúng sanh theo Người hằng hà sa số.
 
Sao mà theo ?
Tại khao khát cái tình thân ái liên lạc cùng nhau mà theo Thầy. Hại thay !  Từ ngày “Minh Chơn Lý” thêm vô Hiệp Ngũ Chi ra mặt thì dùng phương phản loạn mà lập thế lực cho mình, nên làm cho chư Đạo hữu phản khắc lẫn nhau, đến đỗi đã bước chơn vào cửa Đạo mà hỡi còn gây thù kết oán hại nhau.
 
Thật là họ đã phá tan cơ sở của Chí Tôn và đập nát công trình của Người mấy năm un đúc tâm lý con cái của Người. Cái tội tình ấy là thế nào, chư Đạo hữu để mắt xem tương lai sẽ thấy.
 
Có làm mới biết tay thợ, (à l’oeuvre on connaỵt l’artisan), xem trái mà định cây, (on connaỵt l’arbre par ses fruits), cái kết quả của họ sẽ hại cho nhơn sanh ra thế nào, chư Đạo hữu rồi đây thấy rõ.
 
Đã trót đôi năm, anh em chúng tôi vì thể lòng từ bi bác ái của Đức Chí Tôn nên ẩn nhẫn nhịn nhục, miễn lo cho vẹn phận mình, lại còn để lòng quảng đại mà nghĩ rằng : chi chi họ cũng là truyền bá danh Đạo của Chí Tôn và làm cho sáng danh Người là đủ, còn  anh em chúng tôi dầu chịu hàm oan cũng cam đành dạ, chỉ cầu xin cho họ hằng ngày hằng giảm nộ cho an ổn thân tu. Nào dè càng ngày càng lộng, càng bữa càng lung, múa búa trước cửa Lỗ Ban, khoe danh lừng lẫy, vu oan cho kẻ nầy, chửi mắng người kia, kiện thưa ông nọ, dùng những mưu giả dối mà báo thù.
 
May thay !  Thầy đã để nơi lòng của cả chư Đạo hữu một điển huệ quang đã khá lớn đặng soi rọi linh tâm, nên kẻ lầm nghe những lời tà mị của họ vẫn là số ít, lại chánh phủ Pháp triều vốn là nhà dân chủ, luật pháp tạo bởi dân sanh nên hình ảnh của khối vạn linh cũng trọng, đã lấy công bình mà minh đoán.
 
Dầu cho đương buổi hai đàng Đời Đạo hỡi còn nghi kỵ lẫn nhau đi nữa, thì chánh phủ cũng để tâm ngay thẳng mà nghiên cứu, nên cũng đã thấy đặng sự chơn thành của Đạo mảy may chút ít.
 
Chúng ta nhờ nương nơi thuộc địa Đại Pháp nên chưa mang tù tội ngục hình, nếu như lúc cựu trào, chúng ta phải chịu dưới đế quyền thì họ đã đặng thỏa dạ toại lòng, thấy đầu của anh em chúng tôi đã rơi xuống đất.
 
Nầy cả chúng sanh,
Phái phản Đạo lo phương diệt Đạo là vì ý gì ?
Họ đã lập phe đảng riêng mà chi ?
Họ cáo gian bỏ vạ cho Chức sắc không quyền mà làm gì ?
Họ mưu hại diệt tận Tòa Thánh đặng chi ?
Họ làm nhục nhã chơn truyền đặng lợi ích gì ?
Họ làm cho phân tâm cả thảy chư Đạo hữu đặng giúp ích cho ai ?
 
Những mấy án nầy không phương xử họ với pháp luật Đạo đặng, vì pháp luật ấy chính mình họ lập, mà họ lập cho chúng sanh, chớ còn họ thì ngoài vòng pháp, cho nên vừa ban hành thì họ liệu mưu từ chối đặng phá nát Đạo quyền.
 
Vậy anh em chúng tôi không phương xử họ, nên dâng lại cho tòa án lương tâm của chúng sanh, nếu ngày nay chưa xử họ đặng thì lại để dành cái án tiết ấy lại cho đoàn hậu tấn.
 
Vậy chư Đạo hữu ráng mà giữ lấy mình cho bền vững căn tu, lại khỏi thất lời thề cùng Từ Phụ.
Tây Ninh, le  27 Juillet 1932
ký tên:

PHẠM CÔNG TẮC

Home       1 ]  [ ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét