DIỄN VĂN & THUYẾT ĐẠO [6]. * ĐỨC HỘ PHÁP

Ngày 14-10-Đinh Sửu (dl 16-11-1937)
DIỄN VĂN của Đức Hộ Pháp đọc nhơn ngày Lễ kỷ niệm Đức Q. Giáo Tông.
Thưa cùng chư Viên Quan quí chức, quí Ông, quí Bà, chư Chức sắc Thiên phong lưỡng phái, chư Đạo hữu nam nữ.
 
Thưa, chúng ta đã rủi sanh nơi cõi trần nầy, tỉ chẳng khác chi người khách du lịch. Trước khi để bước ra đi, hằng mong tưởng rằng : cái tánh háo kỳ của ta sẽ đặng thỏa mãn, ngoạn mục đặng một phong cảnh tốt tươi đẹp đẽ, hứng chí thích tình.
Ôi !  Biết đâu chúng ta lại chẳng mong tìm mảy may sự hứng chí thích tình ấy mà phải chịu đòi phen khổ nhọc, lặn suối trèo non, thắng nguy mạo hiểm.
Chí hướng tâm thần của loài người bao giờ cũng đeo đuổi mãi theo con đường hạnh phúc, chẳng phải hạnh phúc nơi xác thịt hình hài, mà ta lại mong tìm cái hạnh phúc tinh thần hơn hết, nên đòi phen ta đày đọa hình hài xông lướt đến nơi luồng đầm hổ huyệt.
 
Tâm chí của khách du lịch vẫn nhiều hạng tùy theo khí phách của mỗi người.
 
Có kẻ đã đổ đường lên đèo xuống ải tìm cho ra cảnh an nhàn, khi đến tận nơi gặp phải chốn đìu hiu quạnh quẽ, non nguy nước hiểm, phong cảnh âu sầu thì nhắm mắt dậm chơn, nghiến răng chắc lưỡi mà than thở rằng : Uổng công trình ngàn trùng diệu viễn mà lạc bước đến chốn vô tình. Cái thất vọng ấy cũng  nên cho là quá đáng, nhưng cũng có người đặng thiên tánh tự nhiên thích hợp với nước biếc non xanh, rộng bước tang bồng hồ thỉ, ham hứng trăng thanh, vui mùi gió tối, quen cùng điểu thú, bạn với cỏ cây, có sẵn chất phong lưu tài tử thì đâu đâu cũng là cảnh hữu tình : dầu đẹp dầu thô, dầu hèn dầu trọng, dầu lịch xinh tươi nhuận, dầu cùi cụt đìu hiu, thì cái cảnh thích của người cũng gần một giá, bởi khí hứng của khách hữu tình vốn để vào nơi mật thiết nhiệm mầu của máy hóa công tạo vật.
 
Những mặt du lịch nhà nghề nầy, dầu rủi để chơn nơi trái cảnh thì lại đem cả cái ái tình mà châm chế vào chốn bất phước vô duyên đặng thay thế cho cái phước thích tình, ngoạn mục. Thật ra thì nơi nào có vẻ u nhàn ảm đạm lại là nơi giục bước  khách hữu tình.
 
Những cuộc đau thảm ngờ ngờ trước mắt con người, đối với khí phách của bậc siêu hoát tâm hồn vốn y một lẽ.
 
Ta chẳng hiểu rõ đặng đích xác, bởi nguyên do nào mà ta đã sanh nơi thế gian nầy, rồi ta lại chết trong vòng tục nầy, nhưng Thiên lương ta chiêm nghiệm tự biết lấy rằng : vốn chẳng phải là việc ngẫu nhiên hay là vô duyên cớ.
 
Những khách đồng thuyền của ta phân ra nhiều hạng, con đường tấn bộ trí thức của mỗi kẻ vẫn không đồng, dầu cho ngậm miệng cúi đầu ruổi dong trên ngả tự trí tự giác, hiu quạnh một mình đi nữa, thì mọi điều hành động của ta cũng đã tả thành một bài học hay, in vào cuốn sách đời của toàn thiên hạ.
 
Ôi ! Ai đã mang thi phàm xác tục nầy rồi cũng phải chịu dưới quyền thương yêu của Tạo vật, ta dầu không biết thương ai tất cả thì ta cũng buộc biết thương ta, mà đã còn biết thương thân ta thì ta chưa hề đặng phép quên thương thân của kẻ khác.
 
Nơi trường tranh sống của con người, giống chẳng khác chi chiến trường náo nhiệt. Nếu chẳng có cái năng lực thương yêu của Đấng Hóa công dính vào óc não của chiến sĩ võ quân thì đời chắc phải tàn diệt lẫn nhau lâu rồi mà chớ.
 
Ta còn lại dám mạo hiểm xưng hô lên rằng : Con người dầu cho có nạn oán nghịch tàn hại lấy nhau đi nữa, cũng do luật thương yêu của Trời mà có vậy. Nếu như ai vấn nạn thì ta lại trả lời rằng : Khuôn luật thương yêu chia ra hai mặt :
1 . Thương mình.
2 . Thương người. 
 
Hai hình trạng của luật thương yêu ấy phải nương theo cây cân công bình tạo đoan mới hòa bình tâm lý. Nếu mình quá thương mình mà bỏ người thì bị cái điên vị ngã, còn quá thương người mà quên mình thì bị cái ngây vị chủng.
 
Ấy vậy, rõ thật ra thì ta đã quả quyết rằng : cũng vì cơ quan vị ngã vị chủng phản khắc tương tranh mà gây thành loạn lạc vậy. Trời phải định cho có nơi lòng của mỗi người một cây cân công bình thiêng liêng mới đặng.  Cây cân công bình ấy là chi ?
 
Ấy là chất Thiên lương, tục gọi là Lương tâm của ta đó vậy.
Hại thay !  Thiên lương hằng buộc ta phải ngó chăm chỉ sự thật của Đời vì chính nó là bạn thương yêu mật thiết của Đời, rồi buộc ta phải thú thật rằng : dầu cho ta muốn làm màu chê ghét Đời, gớm ghê Đời, kinh khủng Đời, chán ngán Đời mà ta chưa hề buổi nào từ bỏ đặng Đời bao giờ.
 
Trái lại, những khách hờn Đời lại là người thương Đời hơn hết.
Cái quyền năng cảm hóa phi thường của tuồng đời, sớm thay hình, chiều đổi dạng, diễn trên sân khấu thế tình nhiều màn mới mẻ, lắm lớp hay ho mãi mãi hoài hoài, làm cho thính giả khán quan ngồi không biết mỏi, nghe chẳng nhàm tai, đặng gầy sự nghiệp của Đời thêm vĩ đại.
 
Nơi cảnh tục ta đây, Đạo gọi là sông mê bể khổ, vốn còn náo nhiệt hình bóng của loài người, là nhờ sự khéo khôn của quyền Đời đào tạo.
 
Số khách hữu tình của Đời ngày nay đã tăng thêm chín trăm hai triệu mặt.
Đời càng phụ ta lại càng thương, Đời càng nguy ta càng thêm mến, vì cớ nên ta hằng thấy, hễ buổi nào Đời bị khổ não hiểm nguy thì có Thánh nhơn trổ mặt.
 
Thật sự thì Đời có quyền phụ ta, còn ta không phép phụ Đời. Nhờ đấy mà bậc thượng đẳng nhơn sanh thường nương theo Bí pháp của Đời mới đào luyện tinh thần siêu thoát.
 
Sự thế còn dài, con người còn khổ. Có khổ mới có hay, có dài mới có thú. Cơ nghiệp của Đời thâu thập các món thuế của khách trần, phải nạp giọt đau thương, phải đóng sưu sầu thảm.
 
Nầy đảnh thương sơn, nọ nguồn lệ thủy, hãy càng ngắm càng cao, càng nhìn càng rộng, dầu ta xuống hang sâu hay chen vào vực thẳm, trên chẳng đụng trời, dưới không thấu đất, hầu mong xa lánh nợ đời, quyết tránh hồng trần, tính lìa thế tục, không muốn gặp mặt của bạn khách trần, kỵ lóng đặng lời ăn tiếng nói hầu mong diệt tận thất tình cho đặng đi nữa, thì thoạt nhiên ta sẽ thấy cả sắt đá cỏ cây phát động âm thanh xúm nhắc luật thương yêu tạo vật.
 
Ta dầu cứng lòng chắc dạ, chưa để cho ai cảm hóa với ngôn ngữ thường tình, khi nghe đặng ngôn ngữ của Vạn linh thì ắt cái quyền lực ái tình nó tăng thêm vô độ.
 
Những bậc lánh trần, ta xem kỹ lại là ai ?
Có phải mấy vị thầy tu là trước hết chăng ?
 
Vậy thì có tu mới biết thương Đời, chẳng phải thương Đời với khuôn viên hình bóng mà vì nồng nàn của khí phách tinh ba, thì  sự  thương ấy mới ra cao thượng.
 
 Ôi !  Biết bao nhiêu khách đã chịu riêng đau, ấp thảm, ngậm khổ nuốt sầu, chịu lắm cuộc bể dâu, xem những nỗi nên hư thế sự.
 
Khi đêm tàn canh lụn, ẩn thân nơi nước trí non nhân, đặng lén dòm quanh cuộc thế, gởi tình chung cho gió mát trăng thanh, nạp đức tánh cho trời cao đất rộng, một bóng một hình, không ai là bạn. Cái may của một kiếp sanh bậc siêu hoát tâm hồn đã thường phải vậy. Ấy là một kiếp sanh để cho Đời phụ bạc, chớ chẳng phải cốt để phụ bạc lại Đời, đến đỗi  dầu ép thân theo thú hạc cầm, cũng chưa gặp mặt tri âm tri kỷ, sống cũng không ai hay, thác cũng không ai biết. Ôi !  Tưởng cái lịch sử của thế tình, nếu có thiếu sót thì do nơi đấy mà ra khuyết điểm.
 
Hỏi, nếu Đời biết cảm tình, gìn ân giữ nghĩa, thì những bạn đồng thuyền ấy, ta phải khép vào nơi hạng phẩm và giá cả bậc nào ?
 
Đức Thích Ca bị bỏ đói, Đức Lão Tử bị cút côi, Đức Khổng Phu Tử bị xô đuổi, Đức Chúa Jésus Christ bị tàn sát, nhưng may thay, dầu cho mảnh thân bị nơi tay ác độc của nhơn sanh tàn hại thế nào, khi qui thần, đời biết hiểu, biết nghe, biết nhìn tiếng than thở đau thương, ái nhân ái vật, và đặng công nhận là người ân của nhơn loại thì cũng nên gọi rằng, chết gặp kiếp duyên mà trừ cái khổ sống  mang  kiếp  trái.
 
Ta cũng nên chắc hẳn quả quyết rằng, từ thượng cổ đến chừ, cũng còn lắm bậc siêu hoát tâm hồn, thùy từ mẫn khổ, cũng gần như các vị Giáo chủ trên đây, nhưng thiếu cái bằng chứng ngôn ngữ thế tình mà công nghiệp của kiếp sanh phải ra mai một.
 
Ôi !  Anh cả ôi !  Anh cũng là một người đã chịu mang một kiếp sanh để cho Đời phụ bạc, chớ chưa hề biết phụ bạc lại Đời. Em nhớ khi đêm hôm tăm tối, anh hay thuật tâm tình. Ngoài em thì chưa ai hiểu đặng chỗ để tâm trí của anh là nơi nào ?
 
9. - Thuyết minh trong Ba Hội lập Quyền Vạn Linh.
Ngày 15-10-Đinh Sửu (dl 17-11-1937)
 
ĐỨC HỘ PHÁP THUYẾT MINH
trong Ba Hội lập Quyền Vạn Linh
tại Tòa Thánh năm Đinh Sửu.
Ngày 12-10-Đinh Sửu. (Đại Hội Nhơn Sanh)
Bần đạo xin để lời cám ơn chư Chức sắc Thiên phong và chư Nghị viên, Phái viên nam nữ có mặt về dự hội hôm nay đều đủ.
 
Kỳ hội nầy, chúng ta sẽ quyết đoán nhiều hành vi và cả khuôn viên của Đạo đặng đem ra thật hành cho nên mỹ mãn. Xin chư vị ráng để trọn tâm chiêm nghiệm tường tất mỗi khoản trong chương trình rồi quyết định, đặng giúp thế cho Hội Thánh ban hành cho nên mặt Đạo.
 
Cả tương lai của Đạo sẽ tốt đẹp hay không đều do kỳ hội nầy.
 
Ấy vậy, Bần đạo xin đọc khoản thứ nhứt trong chương trình cho chư Nghị viên bàn định.
 
Ông Chủ tọa (Đức Hộ Pháp) đọc khoản thứ nhứt trong chương trình và nói :
 
Tưởng lại, Bần đạo cần phải trạng vẽ cả khuôn viên hiện thời và quyền hành đương nhiên của Đạo và tại sao Hội Thánh không cầm quyền phong thưởng, lại để cho Quyền Vạn Linh định đoạt.
 
Vậy trước hết Bần đạo cần thuyết minh ra đây cho rõ giá trị của Chức sắc thế nào đặng Quyền Vạn Linh thấu đáo.
 
Vả chăng, Chí Tôn là Chúa tể cả càn khôn thế giới, tức là Đấng tự hữu hằng hữu. Hễ vào phẩm Chí Tôn tức là vào phẩm tuyệt đối của thế giới càn khôn. Quyền hành Chí Linh của Người rất bao la quảng đại. Nếu như có thế giới nào ngoài ra khác nữa thì chúng ta không định đặng quyền hành của Người là sao, còn như càn khôn hiện tượng nầy nó đã tối đại thế nào thì có lẽ quyền năng vô biên vô tận của Người cũng bao trùm tới đó.
 
Cái ống thiên lý của Đời soi thấu đến đâu mà còn thấy một vì tinh tú nào thì quyền Chí Tôn cũng tự nhiên đến đó.
 
Nơi Thiên văn đài, người ta ngó thấy ngoài các ngôi tinh đẩu thì còn những khóm tối đen, nghĩa là quá sức của kính thiên lý thấy đặng, nên quyết đoán rằng cả cơ thể hữu vi nầy nó huyền vi mầu nhiệm là dường nào, thì Chí Tôn cũng thế ấy.
 
Quyền hành Chí Tôn đã bao trùm khắp hết, hoặc còn ra khỏi ngoài càn khôn ta thấy đặng đây mà chớ.
 
Ngày nay, Đấng Chí Tôn đến lập Đạo đặng nhìn nhận cả con cái của Người là cả thảy chúng sanh. Thay vì lấy quyền hành Chí Tôn mà làm chúa, Người lại dụng tánh đức yêu thương, lấy lòng từ bi quảng đại, tôn con cái của Người vi chủ, nghĩa là Người giao quyền hành của Người lại cho chúng sanh lập quyền cho con cái của Người là Quyền Vạn Linh.
 
Quyền Vạn Linh là gì ?
Là tổng hợp cả 3 quyền :
1 . Quyền Hội Nhơn Sanh.
2 . Quyền Hội Thánh.
3 . Quyền Thượng Hội.
 
* Quyền Hội Nhơn Sanh : tức là quyền của bậc Tín đồ tới bậc Lễ Sanh, nghĩa là từ phẩm hữu sanh cho tới thượng sanh.
 
* Quyền Hội Thánh : tức là quyền của bậc Giáo Hữu tới Đầu Sư nhưng Đầu Sư có đặc quyền làm đầu Chánh trị Đạo, vì đã vào Hội Thánh là bậc hữu phẩm tới thượng phẩm. [1]
 
* Quyền Thượng Hội : tức là quyền Giáo Tông và Hộ Pháp, còn dưới quyền Thượng Hội có Chưởng Pháp là tể tướng của Thượng Hội. Nếu có điều chi trắc trở thì quyền Chí Tôn hỏi nơi Chưởng Pháp mà định đoạt, chớ Chưởng Pháp không có quyền hành chi cả. Chưởng Pháp phải hiểu cả tâm lý của Đời và Đạo mà liệu phương hòa giải (Conseil juridique). [2]
 
Cả 3 quyền hiệp lại thì được đồng quyền cùng quyền Chí Linh của Đấng Chí Tôn. Đối với quyền Chí Tôn mà nó còn ngang phẩm, thì dầu cho các Đấng thiêng liêng cũng còn phải dưới quyền ấy nữa.
 
[1] Đây là lúc năm 1937, sau nầy sửa lại, Hội Thánh gồm các Chức sắc từ Giáo Hữu đến Phối Sư và Chánh Phối Sư,  còn Đầu Sư thuộc Thượng Hội.
[2] Đây là lúc năm 1937, sau nầy sửa lại, Thượng Hội gồm 11 vị: Giáo Tông, Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, 3 Chưởng Pháp, 3 Đầu Sư nam và 1 Đầu Sư nữ.
 
Ấy vậy, ngoài ra Quyền Chí Tôn thì chẳng ai có quyền hành phong thưởng Thiên phong Chức sắc của Hội Thánh, duy có Đức Lý Giáo Tông và Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là hai Đấng đã có lịnh Đức Chí Tôn cho được quyền phong thưởng thì phẩm tước ấy mới nên giá trị.
 
Ngoài hai Đấng ấy ra, dầu cho một vị Đại Giác Kim Tiên hay là Cái Thiên Cổ Phật mà không thừa mạng lịnh của Chí Tôn và không quyền hành nơi cửa Đạo, nghĩa là không lãnh mạng lịnh trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ nầy thì không đặng quyền phép phong tước cho ai tất cả.
 
Ngày nay bọn Tả đạo bàng môn phong thưởng chẳng do Thiên mạng, đều là cơ quan tà giáo mà thôi.
Cơ phong thưởng là chỉ do nơi Quyền Vạn Linh hiệp đồng hay là Quyền Chí Tôn, chớ chẳng phải ai muốn phong thưởng cũng đặng.
Trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Chí Tôn chia ra ba cặp cơ là : Pháp, Đạo, Thế.
 
Cơ quan Phong Thánh là do cơ Đạo có Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan, ngoài ra chẳng có cặp cơ nào phong thưởng cho ai đặng. Sau nầy vì muốn cơ Phong Thánh sống rốn thêm nữa, thì duy có Cao Tiếp Đạo phò loan với Hộ Pháp, song mỗi phen phò loan đều có chơn linh của Cao Thượng Phẩm đến nâng loan với huyền diệu thiêng liêng của Ngài.
 
Hại thay, có một điều bí yếu hơn hết là Chí Tôn chỉ coi về thiêng liêng phẩm vị mà phong thưởng, nên thành thử phẩm vị thì cao trọng còn trái lại hình thể của họ thì rất thô kém thiệt thòi, khó hèn  nhẹ  giá.
 
Ấy cũng là cơ quan bí mật của Chí Tôn, mình không thể nào rõ thấu. Bởi cớ cho nên có nhiều vị Tiên Phật giáng trần, mượn hình thể hèn hạ phung cùi lở lói, đến đỗi giả dạng ăn xin đặng thử đời  hiền dữ.
 
Hại thay Đời thì cứ ngó cơ hữu hình mà tôn trọng, còn khinh rẻ phẩm vị thiêng liêng, thành thử Chí Tôn phong thưởng cao trọng chừng nào thì đời càng rẻ khinh chừng nấy. Một điều hại nữa là những vị ấy nhiều khi chưa biết giá trị của nó là thế nào ?
 
Từ thử, Hội Thánh chịu nạn vô giá trị là do nơi đó. Nhiều Thiên phong coi giá trị của mình không bằng cây diêm hộp quẹt, chúng sanh coi không bằng điếu thuốc, thì thế nào Hội Thánh, hình thể hữu vi của Chí Tôn, có đủ quyền năng tạo thời cải thế.
 
Ngày nay, Bần đạo đem việc phong thưởng ra cho Quyền Vạn Linh định đoạt, là không phải ý của Bần đạo muốn vậy, mà chỉ là mật lịnh của Chí Tôn giáng dạy, lại nữa cũng là một phương để cho họ nâng mình lên cho đáng giá, đặng họ tôn trọng cho đành.
 
Ấy vậy, từ đây chư Chức sắc Thiên phong sẽ nhờ Quyền Vạn Linh tạo nên giá trị cùng đời. Thoảng như có ai nghi rằng : E để cho Quyền Vạn Linh định vị thì nó không có y theo phẩm vị thiêng liêng của Hội Thánh đi chăng ?
 
Ta lại nói : Chúng ta phải biết rằng ở thế gian nầy không có mảy mún hành vi nào mà không có Thiên ý Chí Tôn định trước. Giờ nào họ đứng trước Quyền Vạn Linh và chịu cho Quyền Vạn Linh nâng đỡ họ lên là ngày họ được đem danh vị vào Thiên thơ  mà chớ. Bởi thế cho nên dầu ai có tài ba lỗi lạc bao nhiêu, đạo lý uyên thâm đến đâu đi nữa thì cũng không qua khỏi mắt chúng sanh chọn lựa.
 
Quyền hành chánh trị của Chí Tôn chuyên chú về mặt tâm đức làm chuẩn thằng, chớ chẳng phải  dụng cường quyền áp bức. Nếu người nào phải tay cầm quyền tinh thần ấy tức là có đủ tâm đức mới được. Nếu Hội Thánh đưa quyền cho một người vô giá trị thì người ấy sẽ chết tại nơi quyền đó mà thôi, bởi nó là quyền về tinh thần chớ chẳng phải về vật chất.
 
Người nào đã được Quyền Vạn Linh công cử thì họ càng sợ sệt và càng khéo giữ hơn nữa. Từ đây chẳng còn ai cầu may mà đặng. Như có dở thì cả đời phải chịu ngồi một chỗ, còn đủ tài đủ đức thì chúng sanh nâng lên cao, nếu thất Đạo thì chúng sanh xô xuống.
 
Từ đây cả quyền thăng thưởng trong Hội Thánh hay là nhơn sanh cũng vậy, Chí Tôn đã nấy giao cho Quyền Vạn Linh.
 
Đức Lý Giáo Tông đã mật lịnh cho Bần đạo làm như vậy rồi, mới đem lên quyền Chí Tôn phong thưởng mà thôi.
 
Bần đạo chỉ có quyền phong thưởng tới bậc Lễ Sanh, còn từ bậc Giáo Hữu đổ lên, Bần đạo xin rửa tay, không còn quyền hành chi hết.
 
Bần đạo xin trạng vẽ Ba quyền hành ấy ra đây cho toàn đạo rõ thấy :
 CHÍ LINH đối với VẠN LINH.
 
* Bát Quái Đài : Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng : Quyền Đạo.
 
* Cửu Trùng Đài - Hiệp Thiên Đài : Giáo Tông và Hộ Pháp, Hội Thánh: Quyền Thánh Thể tức là Quyền Hội Thánh.
 
*  Lễ Sanh, Chức việc, Tín đồ : Quyền Thế.
- Quyền Chí Tôn : Luật Thiên điều tức là Thiên luật.
- Quyền Hội Thánh: Luật Hội Thánh.
- Quyền Nhơn sanh: Tân Luật và Thế luật.
 
a). Cả Thánh giáo tổng hợp lại là luật của Chí Tôn, tức là Thiên luật.
b). Lập Thánh thể của Người rồi, Người lại dạy Đức Lý Giáo Tông lập Tân Luật cùng Đạo Nghị Định, ấy là luật của Hội Thánh với luật hành động từ 12 năm nay.
c). Luật của chúng sanh là luật Đời tổng hợp lại với luật Đạo.
 
Chúng ta còn chịu một điều xôn xao náo nhiệt là họ sẽ nói rằng: Giao quyền phong thưởng của chúng ta lại cho Quyền Vạn Linh là phàm. Chúng ta chẳng lạ chi cái phàm của nó, vì là đem 3.115 người phàm đặng làm xác Thánh của Người là Hội Thánh, thay vì chúng ta nói nó một lần phàm mà thật ra 3.115 lần phàm. Vì thế mà chưa hề  Thầy hay là Đức Lý Giáo Tông cầm viết lập luật, chỉ để cho nhơn sanh lập luật đặng tự buộc lấy mình.
 
Vả Đức Lý Giáo Tông có nói rằng: “ Nếu để  cho Lão lập Luật thì nội trong 3 ngày là xong, song e cho chúng sanh tu không đặng.”
 
Lòng Đại từ Đại bi của Thầy cho quyền chúng sanh lập Luật mà tu đặng lần lần khép mình vào Thiên Luật, vì ở nơi phàm luật của mình nó có khuôn viên Thiên Luật.
 
Ấy vậy, Luật Hội Thánh là phàm luật. Còn Thánh Luật duy có Pháp Chánh Truyền mà thôi.
Một người chủ nào mà quảng đại bao la thì chẳng hề định giới hạn sự hành động của đứa tớ bao giờ, chỉ để cho nó tự do lấy trí ý đặng kiếm phương chước thi hành cho nên vẹn vẻ.  Chí Tôn cũng vậy, cả con cái của Người, đầu óc mỗi đứa đều mỗi khác, chẳng hề buổi nào Người định giới hạn khuôn khổ cho nó, chỉ để cho nó định mà thôi. Cả khuôn khổ của nó định là trong khối phàm mà ra, rồi bảo sao không phàm cho đặng. Ấy là Người muốn lấy khí cụ phàm mà trị phàm.
 
Một khi nọ, Bần đạo có hỏi Đức Lý Giáo Tông, Ngài nói rằng : Đức Chuẩn Đề có 18 món bửu pháp hằng diêu động hoài hoài. Cả thế giới chẳng có một món bửu pháp nào đối thủ với nó được, duy có một lòng lành thắng nó đặng mà thôi. Hội Thánh cũng như Đức Chuẩn Đề, hễ cái phàm của chúng sanh càng nhiều chừng nào thì Hội Thánh lại càng phàm hơn nữa. Mình đã cho nó ra phàm rồi ngồi mà than thở hoài rằng : Nó phàm thì chẳng bổ ích vào đâu tất cả.
 
Hại nỗi, trong chúng sanh có kẻ dữ người hiền, hễ muốn dạy đời sao cho đặng hiền lành tốt đẹp thì phải lấy lòng hiền từ nhơn đức mới đặng. Bằng mình không có lòng hiền thì 18 món bửu pháp kia lay động, mình phải chịu lấy, chớ than thở với ai ?
 
Những kẻ đã làm khổ não cho Hội Thánh từ bấy lâu nay là làm cho Hội Thánh trở nên oai quyền với họ. Muốn trừ hết cái khí nộ của Thánh Thể Chí Tôn thì phải liệu phương hay nào làm cho Hội Thánh đặng thân mật với Quyền Vạn Linh mới đặng.
 
Vì vậy cho nên Bần đạo để cho Quyền Vạn Linh tuyển chọn Chức sắc.
 
*   *   *
 
Ngày 14-10-Đinh Sửu. (Đại Hội Hội Thánh)
Thưa cùng Hội Thánh Cửu Trùng Đài và HTĐ.
 
Bần đạo xin để lời cám ơn chư Thánh chẳng quản nhọc nhằn về hội đông đủ hôm nay.
 
Vậy trước khi mở Hội, Bần đạo xin yêu cầu cùng Hội Thánh nam nữ rằng, để hết tâm giải quyết các khoản theo lời quyết nghị trong chương trình của Hội Nhơn Sanh dâng lên.
 
Vả chăng, Đại Từ Phụ vì lòng thương yêu vô tận, thấy cả con cái của Người đang bị đọa lạc trầm luân nơi khổ hải, nên mới đến khai Đạo đặng cứu vớt, cũng như một người cha hiền đức ở thế gian nầy thấy con cái mình đang bị tù tội ngục hình nên phải tầm phương giải nạn.
 
Người đến cốt yếu để tâm nuôi nấng cả con cái khổ não của Người, chớ chẳng phải đến đặng rước những kẻ vinh hiển, nghĩa là Người không phải đến lập vị cho những người sang trọng, mà đến đặng chia khổ não cùng đời.
 
Vì vậy, chúng ta đã thấy ngày nay duy còn lại trong hình Thánh Thể toàn những kẻ thật thà chơn chất hiền lương hiếu hạnh, còn những kẻ sang trọng vinh hiển, biết đâu Đức Chí Tôn đã dùng huyền diệu thiêng liêng đuổi ra khỏi cửa Đạo.
 
Bần đạo xin nói quả quyết rằng : Cái thiệt tướng của cơ quan giải thoát cho chúng sanh là Chí Tôn đến đặng chia đau sớt khổ cùng đời, đặng đem các con cái của Người ra khỏi cảnh khổ não trầm luân hay là chốn ngục hình tại thế.
 
Đức Đại Từ Phụ vì không hình thể hữu vi, nên mới lập Hội Thánh đặng thay hình thể cho Người.
 
Vậy cái trọng trách của Hội Thánh là phải làm thế nào ?  Người chẳng phải đến đặng biểu chúng ta làm ông tòa trị thế, mà trái lại, Người đến đặng biểu chúng ta làm cha làm thầy đặng thương yêu dìu dắt giùm đám con cái khổ não của Người.
 
Hễ cái khổ não của con cái Người bấy nhiêu thì chúng ta phải thương tâm đau đớn bấy nhiêu, vì Đại Từ Phụ đến đặng làm cha, tức nhiên Người đến đặng lấy giọt huyết lệ rửa cả khổ não của con cái Người.
 
Mảnh tâm vô cùng vô tận yêu ái của Người là duy có làm thế nào cho con cái của Người đặng hạnh phúc. Ấy là sở vọng thỏa mãn của Người đó.
 
Hại thay ! Chúng ta vì mang thi hài xác tục nên chưa làm đặng tròn nhiệm vụ của Người đối cùng chúng sanh, cho nên cái năng lực của chúng ta không tương đối với Chí Tôn.
 
Lại nữa, cả khuôn luật của Người hay là cơ quan giải thoát nó thường hay nương theo không gian và thời gian mà định tướng. Ấy vậy, phận sự chúng ta là thay thế hình ảnh Chí Tôn đặng làm cho con cái Người đặng hạnh phúc thì con đường hạnh phúc của chúng sanh, chúng ta phải dong ruổi. Cái thiệt phận của chúng ta là phải gánh vác các điều khổ não đặng thay thế cho Chí Tôn mới đáng.
 
Ấy vậy, nếu Hội Thánh chẳng đủ làm cho chúng sanh hạnh phúc thì Hội Thánh chẳng hề từ chối một mối khổ tâm nào, một điều nhục nhã nào, dầu phải đi trên tuyết giá hay là vào luồng đầm hổ huyệt, cùng là đi trên lửa cũng chẳng hề thối chí nãn lòng, đặng quyết mong đoạt thành cái thiệt Đạo của Chí Tôn là dẫn cả thảy chúng sanh đi vào con đường hạnh phúc.
 
Cái buổi nào phải đi đặng làm cho con cái của Người ra hạnh phúc thì chẳng bao giờ chúng ta từ chối đặng, vì chúng ta đã hết tâm mà thật hành Thánh Thể của Người. Nếu mình còn lo một điều chi mảy mún vị ngã cho mình nữa thì là chưa đúng bực nam nhi xử thế và mình cũng còn vì mình thì không thể nào thay thế hình ảnh Chí Tôn đặng.
 
Cơ thể của Đạo vốn phải chuyển luân chớ chẳng phải là điều áp bức.
Từ khi mở Đạo đến nay, Chí Tôn đã truyền cho Bần đạo một bí pháp mà Bần đạo chưa nỡ thật hành đặng, là    Chức sắc Thiên phong còn bán thể qui y nửa đời nửa đạo, nên không đắc dụng.
Bí pháp ấy là gì ? Là cho Chức sắc chết vì Đời, sống vì Đạo mà thôi.
 
Trong một thời gian 12 năm nay là một kỷ cũng đã quá lâu, Bần đạo đã rộng rãi khoan hồng để họ đủ thời giờ lo tóm dẹp gia đình cho yên ổn, chớ chẳng hề khi nào Hội Thánh nghiêm khắc. Ấy vậy, từ đây, Bần đạo nhứt định thi hành bí pháp ấy.
 
Bần đạo xin thuyết minh và nói quyết hẳn rằng : Bần đạo chẳng còn muốn nghe trong hàng Chức sắc Thiên phong có một ai nói rằng : gia đình ràng buộc, nào cha mẹ vợ con, mà không để trọn tâm hành đạo.
 
Ngoài ra, Chức sắc phải để lòng từ tâm giúp đỡ lẫn nhau, thoảng như những yếu nhơn trong cửa Đạo có lắm cảnh bi yếu khổ tâm thì duy nhờ lòng từ tâm của nhơn sanh và sự thương yêu của Chức sắc chia sớt lấy, chớ quyền trên của Hội Thánh từ đây không muốn biết tới nữa, nghĩa là Bần đạo để cho Chức sắc liệu định thế nào cho phần đời của họ được thỏa mãn cùng nhau mà thôi, chớ quyền trên nhứt định không muốn biết tới quyền đời của một Chức sắc nào cả....
 
Khi Đức Quyền Giáo Tông còn đương đời thì Bần đạo có nói cùng Ngài rằng: Ở đời không có sự nhục nhã nào bằng thầy mà đi xin cơm của học trò, quan đi xin tiền của dân. Đừng nói chi nhiều, cha với con là tình máu mủ mà còn chẳng nỡ mở miệng nói: Cha nay già yếu, mấy con phải nuôi dưỡng cha thay, huống chi là Đạo còn phải đưa tay xin tiền, không xin trước mặt cũng xin sau lưng, thì nó khỏi xấu hổ trước mặt chớ cũng rất hổ thầm với lương tâm chớ.
 
Xấu cho đến đỗi, hễ thấy Chức việc vừa đến nhà, các tín đồ đã lánh mặt.
Bây giờ có phương giữ thể thống đỡ một chút là cậy người khác xin cho mình ăn, hay là làm mướn đặng nuôi mình.
Một khi đó, Bần đạo có giải nghĩa với Đức Quyền Giáo Tông thì Ngài cũng cười ngất mà thôi.
 
Tạo Cơ Quan Phước Thiện là cho có người chịu cực khổ lăn lóc mà nuôi Đạo. Vậy có lẽ Phước Thiện là người biết tiện tặn gìn giữ tiền bạc ấy đặng.
 
Còn như thể Bần đạo quyết định, Bần đạo không nói quản hạt, địa hạt mấy ngày gì cả, mà Bần đạo chỉ nói con chim kia còn có chỗ ở, nó đâu có đi cày cấy, nó còn có lúa ăn; cái cây kia nó đâu có làm lụng mà còn có tuyết sương nuôi dưỡng. Nếu như mấy anh đủ Đạo tâm, dám mang bầu quãy gậy nơi mình, rồi cứ lo việc Đạo, mà hễ có đói thì Bần đạo dám cam chịu tội.
 
Xin có cho thì cho, không thì thôi. Đời muốn mình làm tôi tớ lâu dài thì dễ cho nó, bằng không để lang thang rách rưới, nó làm tớ lâu dài không đặng, thì Đời phải lỗ chớ mình không hại chi hết.
 
Trần Khai Pháp nói: ......
Bần đạo nhớ Đức Khổng Tử xưa, Ngài từ nhà Châu về nước Lỗ, thì duy có ngồi mà dạy học trò đó thôi, Ngài đã lập giáo rồi cũng có Thất thập nhị Hiền ra đi truyền giáo, mà có xin thiên hạ châu cấp chi chăng, họ cũng sống vậy.
 
Bên Chánh trị Đạo, Bần đạo chẳng dám nói, chớ bên Phước Thiện, Bần đạo dám chắc rằng : Mỗi người, trước khi lên bậc Giáo Thiện, lãnh lịnh ra đi, trong túi không có một xu, lập Sở không có một chiếc đũa, mà họ nào có đói đâu, họ cũng nhờ thời gian mà nên đặng vậy. Mới có một năm mà đã thành tựu biết bao sản nghiệp. Bần đạo chỉ chỗ bí yếu trọng hệ hơn hết mà không ai nói đến là tại Chức sắc Thiên phong khiếm hạnh đức nên mới khổ tâm nhọc trí, chớ nếu có đủ đạo đức thì đâu đến nỗi.
 
Trần Khai Pháp nói: ......
Dưới mắt Bần đạo còn thấy một điều trái hẳn với chơn đạo là vì Chí Tôn đến dạy chúng ta làm cho nhơn sanh được hạnh phúc, chớ chẳng phải dạy chúng ta đến ăn xin với con cái của Người.
 
Ấy vậy, phải làm thế nào cho đáng mặt là Thánh Thể của Đấng Chí Tôn.
 
*   *   *
 
Ngày 15-10-Đinh Sửu. (Thượng Hội)
 
Luôn dịp, Đức Hộ Pháp cho Hội Thánh rõ rằng : Theo lẽ thì ngày mai sẽ có Thượng Hội, nhưng quyền Thượng Hội, kể từ phẩm Đầu Sư, Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Giáo Tông, song các bậc phẩm đều thiếu, nên Bần đạo sẽ phê chuẩn các lời bàn nghị của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh, đã đồng thinh công nhận./.
 
(Trích trong quyển Vi Bằng Hội Quyền Vạn Linh tại TTTN ngày 15-10-Đinh Sửu 1937)
 
10. - Tại sao có Tam giáo rồi, Đức Chí Tôn còn khai ĐĐTKPĐ ?
Ngày 22-6-Mậu Dần (dl 19-7-1938)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đề tài : Tại sao có Tam Giáo rồi,
Đức Chí Tôn còn khai ĐĐTKPĐ.
Do Tam Giáo thất chơn truyền, Nho Thích Đạo hiện nay đã trở nên phàm giáo.
 
Chư đệ tử trong ba nhà đạo không giữ y luật pháp qui điều, canh cải chơn truyền, bày ra các điều giả cuộc, làm cho Tam Giáo biến thành dị đoan.
- Đệ tử  nhà Đạo chẳng tùng pháp giáo của Đức Thái Thượng Lão Quân, tuy ở trong nhà Đạo mà tức thị dị đoan mê tín.
- Đệ tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca, thì đệ tử nhà Thích dị đoan mê tín.
- Đệ tử  nhà Nho chẳng thật hành điều mục của Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, thì đệ tử nhà Nho dị đoan bất chánh.
 
Tóm lại, hai chữ “DỊ ĐOAN” nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui giới thể lệ chơn truyền của Tam Giáo.
- Tiên Giáo, Đức Thái Thượng dạy Tam Bửu, Ngũ Hành, tu tâm luyện tánh, thủ  cảm  ứng  công  bình.
- Phật Giáo Đức Thích Ca dạy Tam Qui, Ngũ Giới, minh tâm kiến tánh, thật hành bác ái từ bi.
- Nho Giáo Đức Khổng Phu Tử dạy Tam Cang, Ngũ Thường, tồn tâm dưỡng tánh, giữ theo hai chữ Trung Hiếu mà làm tiêu chuẩn cho mọi hành vi.
 
Cả luật pháp khuôn viên điều mục của ba nhà tôn giáo từ buổi sơ khai có đủ phương diện quyền năng dìu đời thống khổ. Nhơn sanh trong thời kỳ thượng cổ còn tánh đức biết giữ chơn truyền, chuẩn thằng qui củ của ba nhà : Nho, Thích, Đạo, làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, nên mới chung hưởng đời thái bình an cư lạc nghiệp.
 
Nay đến kỳ Hạ nguơn cuối cùng, thế đạo suy vi, nhơn tâm bất cổ, đạo đức đổi dời, lòng người chẳng giống xưa, luật Tam Cang chẳng giữ, phép Ngũ Thường không noi. Tam Giáo thất chơn truyền, nhơn tâm biến đổi, bỏ phép công bình, tranh danh trục lợi, cướp giựt hiếp đáp, giết hại lẫn nhau không tưởng cốt nhục, chẳng tưởng đồng bào, thù nghịch lẫn nhau thành ra một trường náo nhiệt, luân lý suy đồi nên gọi là đời mạt kiếp.
 
Các vì Giáo Chủ ngày xưa tiên tri rằng : Buổi sau nầy Tam Giáo phải qui phàm nên có để lời bí tích trong sấm truyền như :
- Phật Tông Nguyên Lý, Đức Thích Ca nói : Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh Đạo.
- Còn Nho Giáo, Đức Khổng Tử nói : Mạt hậu Tam Kỳ Thiên khai Huỳnh Đạo.
- Đức Chúa Jésus khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá có nói tiên tri với môn đồ của Ngài rằng : Trong hai ngàn năm Tận thế, Ta sẽ đến phán xét cho nhơn loại một lần nữa. Và Ngài có nói : Còn nhiều chuồng chiên, sau Đức Chúa Trời sẽ qui về một mối.
 
Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đúng theo lời sấm truyền của các vị Giáo Chủ ngày xưa.
Chỉ có hai phương diện là do nơi Tam Giáo thất chơn truyền, chính mình Đức Chí Tôn giáng cơ lập Đạo đặng qui nguyên phục nhứt, gọi là Chấn hưng Tam Giáo lại cho hoàn toàn, lập luật pháp khuôn viên cho phù hạp theo dân trí buổi nầy mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh, hiệp cả tinh thần của các dân tộc, biết nhìn nhau một Cha chung mà thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ nghĩa thương yêu, chung thờ một nền tôn giáo đại đồng thì nhơn loại mới đặng gội nhuần ân huệ và đời tranh đấu tự diệt sẽ trở nên đời mỹ tục thuần phong, thì vạn loại mới chung hưởng hòa bình, phục lại đời thượng cổ là do Thiên thơ tiền định, buổi Hạ nguơn chuyển thế, hoán cựu duy tân.
Tóm lại, Đức Chí Tôn khai Đạo kỳ thứ ba nầy là thuận theo lẽ tuần hoàn, châu nhi phục thỉ./.
 
11. - Đắc đạo hay không là do công quả phổ độ nhơn sanh.
Ngày 25-6-Mậu Dần (dl 22-7-1938)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đắc đạo hay không
là do công quả phổ độ nhơn sanh.
Tại sao Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không ăn ngọ, tuyệt cốc, và tịnh luyện như các tôn giáo khác ?
 
Tại thời kỳ giả dối đã qua, thời chơn thật hầu đến, Đức Chí Tôn khai Đạo kỳ thứ ba nầy là tạo một Trường thi Công quả hữu vi tại thế cho nhơn sanh lập công nghiệp và tâm đức mà đoạt phẩm vị thiêng liêng, chớ không có dạy ăn ngọ, tuyệt cốc, và tịnh luyện như các tôn giáo buổi trước.
 
Bởi nhơn sanh trong buổi Hạ nguơn đương tranh đấu mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất, mười người đều mất hết chín rưỡi lương tâm, chỉ nhờ phương châm đạo đức làm cơ quan cứu thế, phổ độ chúng sanh cho họ biết ăn năn tự hối, lánh dữ làm lành, noi theo luật pháp chơn truyền của Đạo để trở nên người chí thiện, lập thành minh đức, tân dân, ấy là chấn hưng phong hóa.
 
Nếu mọi người nhập môn giữ đạo, không lo phổ độ nhơn sanh, chỉ chuyên chú về phương ăn ngọ, tuyệt cốc, kiếm chốn u nhàn ẩn thân tịnh luyện thì gọi là “độc thiện kỳ thân” chẳng bổ ích chi cho nhơn quần xã hội. Hỏi vậy, nhơn sanh nương theo nơi nào mà thoát khổ ?
 
Đức Chí Tôn khai Đại Đạo, lập luật pháp khuôn viên chuẩn thằng qui củ, làm một cái thang vô tận để cho nhơn sanh, kẻ trước dìu người sau, nương theo con đường Thánh đức mà đoạt phẩm vị thiêng liêng : Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nên Đức Chí Tôn có nói rằng : “ Các con đắc đạo cùng chăng là tại phương phổ độ, nếu các con không đến trường Thầy lập mà đoạt phẩm vị của mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ.”
 
Các Đấng Thánh trước Hiền xưa cũng trải qua thiên tân vạn khổ, đội nguyệt mang sao, như Đức Khổng Phu Tử, Mạnh Tử, bỏ nhà cửa, từ biệt phụ mẫu, đoạn dứt ái ân, châu lưu liệt quốc, dạy người cải dữ làm lành, thể Thiên hành hóa, do nơi công nghiệp ấy mà đoạt thành phẩm vị, nào có thấy tuyệt cốc hay tịnh luyện chi đâu !
 
Tam Kỳ Phổ Độ là cơ quan cải tạo Đời, dạy nhơn sanh biết cải ác tùng lương, thương yêu, thuận hòa cùng nhau, chung thờ một chủ nghĩa, chỉnh đốn bại tục tồi phong cho trở nên Đời tận thiện tận mỹ, để thuận theo buổi Hạ nguơn tuần hoàn qui cổ.
 
Đức Chí Tôn khai Đạo là muốn cho nhơn loại hòa bình, càn khôn an tịnh, nhơn sanh noi theo luật pháp mà tu hành, lập công bồi đức cho đầy đủ thì đặng thăng phẩm vị thiêng liêng, đem chơn tánh phản bổn huờn nguyên làm một cùng Đức Chí Tôn là đắc đạo.
Ấy là điều chơn lý, nên chẳng ăn ngọ, tuyệt cốc, tịnh luyện chi cả./.
 
12.- Tại sao thờ Thiên Nhãn ?
Ngày 26-6-Mậu Dần (dl 23-7-1938)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
giảng đạo tại Tòa Thánh
Đề tài : Tại sao thờ Thiên Nhãn ?
Do lời Thánh giáo của Đức Chí Tôn từ buổi mới khai đạo, thờ Thiên Nhãn là chủ nghĩa Nhứt Điểm Linh Quang của Tạo Hóa.
Bởi Thiên Nhãn thuộc chơn thần : Thần cư tại nhãn.
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã dã.
 
Tâm thuộc hỏa, hỏa thuộc dương, dương là mặt nhựt, mặt nhựt là thanh khí, thanh khí là Trời.
 
Có câu: Thanh phù giả vi Thiên.
Con người biết tôn sùng Trời, thì phải biết kính trọng Thần lương tâm. Có câu : Khi kỳ tâm tất tự khi kỳ Thiên. Thiên kỳ bất khả khi hồ ?
 
Mọi nhà thờ Thiên Nhãn, sùng bái hằng ngày đặng xét mình, coi các điều tội lỗi. Thoảng như trong tâm giục khởi làm việc chi bất bình thì sợ có quyền năng của Trời răn phạt.
 
Nên thờ Thiên Nhãn là một phương mầu nhiệm cho mọi người biết tùng Thiên lý.
Kỳ Hạ nguơn nầy, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Đạo, không có chơn linh giáng sanh nguyên hình như các vị Giáo Chủ trước nữa.
 
Nếu sự thờ phượng riêng một vị Giáo Chủ buổi trước thì không đủ thống nhứt đặng tín ngưỡng của nhơn sanh trong toàn cầu thế giới.
 
Cho nên thờ Thiên Nhãn là cơ quan hiệp cả chơn thần của toàn vạn linh và hiệp Tam bửu : Tinh, Khí, Thần vi nhứt.
 
Ấy là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
Từ khi các tôn giáo bị bế, âm thạnh dương suy, nên Thần chẳng hiệp cùng Tinh, Khí được, vì vậy nên người tu hữu công mà không đắc quả.
 
Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo, đem chơn thần huờn nguyên cùng Tinh, Khí, là cơ mầu nhiệm cho chúng sanh đắc đạo.
 
Ai biết noi theo chơn truyền luật pháp, giữ trai kỳ 10 ngày trở lên, đến ngày công viên quả mãn, đặng thọ truyền bửu pháp, chơn thần siêu thăng.
 
Trong buổi Hạ nguơn chuyển thế, Đức Chí Tôn khai đạo dạy thờ Thiên Nhãn là thờ chơn thần của Chí Linh cho hiệp cùng Vạn Linh, tức là thờ ngôi Thái Cực, là thờ Trời vậy./.
- Đức Hộ Pháp xuất chơn thần lên CLTG gặp chơn linh Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh.
Tờ Phúc sự của Hội Thánh gởi ông Chủ Trưởng Ủy Ban Điều Tra thuộc địa của Pháp. (song ngữ Pháp-Việt).
Thiên Thai kiến diện (1927)

Home       1 ]  [ ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét