DIỄN VĂN & THUYẾT ĐẠO [7]. * ĐỨC HỘ PHÁP

Ngày 26-6-Mậu Dần (dl 23-7-1938.
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đề tài : Tại sao thờ Tam Trấn và cắt nghĩa mỗi Trấn?
Tại thời kỳ thay đổi, chuyển Tam Giáo qui nguyên phục nhứt cho hiệp Thiên thơ.
 
Đức Chí Tôn chọn ba vị : Phật, Tiên, Thánh, cầm quyền Tam Trấn, thay mặt cho Tam Giáo giáng cơ lập thành đạo đức.
 
Bởi Hạ nguơn cận mãn, nhơn vật đổi dời, đạo đức nhơn nghĩa luân lý cang thường đều bị lượn sóng văn minh vật chất làm hư hoại. Tam Giáo đã thất chơn truyền do nơi tay phàm canh cải thành ra dị đoan bất chánh, nên Đức Chí Tôn khai Đại Đạo là cơ quan chuyển thế, phục lại Thượng nguơn cho thuận theo lẽ tuần hoàn qui cổ.
Ba vị Tam Trấn hiện nay đức hạnh hoàn toàn, đủ tư cách độ đời, roi gương cho đoàn hậu tấn.
 
* Đức Lý Đại Tiên, buổi còn tại thế, Ngài làm quan đời nhà Đường, danh lưu ngôn ngữ, đánh đuổi bình giặc bằng tinh thần, chẳng tốn lương thảo tướng binh mà cả cơ nghiệp đặng hòa bình bảo an thiên hạ. Tánh chất của Ngài không thích công danh phú quí, thường ưa vui thú cờ rượu thi ngâm, hưởng cảnh thanh nhàn non Tiên động Thánh. Ngài phế quan từ chức, mộ đạo tu hành, mới đắc quả một vị Đại Tiên.
 
Nay là buổi Hạ nguơn chấn hưng Tam Giáo, Đức Chí Tôn chọn Ngài cầm quyền Nhứt Trấn Oai Nghiêm, thủ cơ truyền Đạo, lập luật pháp, nghị định, chơn truyền, công thưởng tội trừng, vô tư vô vị, chấp chưởng cơ quan tạo thời cải thế, đương kim Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, thay mặt cho Tiên Giáo.
 
* Đức Quan Âm Bồ Tát, buổi còn sanh tiền, giữ trọn câu trung trinh tiết liệt, mộ đạo đức, chẳng mến cuộc phú quí vinh huê, đủ nghị lực, trọn tâm trải qua nhiều hoàn cảnh khổ sở truân chuyên mà chí tu hành chẳng đổi, Bà mới đoạt thành phẩm vị Nữ Phật Tông Quan Âm Bồ Tát.
 
Kỳ Phổ Độ thứ ba nầy, thừa lịnh Đức Chí Tôn cùng Diêu Trì Phật Mẫu, cầm quyền Nhị Trấn Oai Nghiêm, thay mặt cho Thích giáo, roi gương bác ái từ bi, tế độ đoàn nữ phái.
 
* Đức Quan Thánh Đế Quân, Ngài là một vị sao Võ Khúc Tinh Quân, thừa mạng Đức Ngọc Đế giáng trần nhơn đời Tam Quốc phân tranh. Ngài hết dạ tâm thành phò vua giúp nước, diệt tà tôn chánh, khuông phò Lưu Tiên Chúa giúp nên cơ nghiệp Hớn Trào. Ngài giữ trọn Tam Cang: Trung, Nghĩa, Chánh trực công bình. Đến buổi Ngài qui vị thì đặng hiển Thánh nhờ Phổ Tịnh Thiền Sư đến khai linh nên đặng phi thăng yết kiến Thượng Đế mới đắc hàng phẩm Phật Dà Lam.
 
Nay đến kỳ Phổ Độ thứ ba, Đức Chí Tôn chọn người cầm quyền Tam Trấn Oai Nghiêm thay mặt Nho Giáo nắm luật công bình, diệt trừ những kẻ tà tâm, phản loạn chơn truyền, phân phe lập phái, làm cho nền đạo đức ra thiệt tướng.
 
Thuở bình sanh, Ngài thường chú tâm bao biếm thiện ác, chỉ rõ hai đường lành dữ khen chê.
 
Lại nữa, là nhơn thời kỳ Nho Giáo chuyển luân, nên thờ Đức Quan Thánh là roi gương trung thành  cho toàn nam phái.
 
Tam Kỳ Phổ Độ thờ Tam Trấn Oai Nghiêm để thay mặt Tam Giáo đổi cũ ra mới, cho chúng sanh thấy rõ một tấm gương trong lịch sử.
 
Ấy là để cho đời nối chí lập tâm tu hành cho trở nên đời mỹ tục thuần phong, tức là đời Thánh đức. Bởi Tam Giáo qui phàm thất chơn truyền, nên Đức Chí Tôn chọn Tam Trấn cầm quyền vô vi lập Pháp Chánh Truyền, đào tạo điều gọi là Chấn Hưng Tam Giáo.
 
Tại sao thờ Tam Trấn ?
Tại thời kỳ khai Đại Đồng Tam Giáo : Nho, Thích, Đạo, qui nguyên, Đức Chí Tôn làm chủ cầm quyền chưởng pháp cho phù hạp trong buổi Hạ nguơn tuần hoàn chuyển thế.
 
Ba vị Tam Trấn chấp chưởng cơ quan mầu nhiệm, trấn nhậm quyền hành, lập luật pháp, đạo nghị định cho hiệp với Thiên thơ.
Vì thọ mạng lịnh Đức Chí Tôn, nên toàn trong bổn đạo phải để tâm thành kính và phụng thờ Tam Trấn./.
 
14.- Tại sao Đức Chí Tôn không giáng bằng xác thân, lại giáng bằng huyền diệu cơ bút ?
Ngày 1-7-Mậu Dần (dl 27-7-1938)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đề tài : Tại sao Đức Chí Tôn không giáng bằng xác thân,
lại giáng bằng huyền diệu cơ bút ?
Tại thời kỳ chuyển Đạo vô vi hiệp Tam Thanh, chấn hưng Tam Giáo, phục nhứt Ngũ Chi, nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút, mới qui đặng cả Đại Đồng Tam Giáo.
 
Bởi Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Phật, Thánh, Tiên giáng linh Tam Giáo, nhơn buổi nhơn loại chưa hiệp đồng, nên ba vị Giáo Chủ phải thọ sanh riêng địa phận, nên hai kỳ khai đạo ấy chỉ phổ độ trở về cựu vị có 8 ức nguyên nhân, còn buổi Hạ nguơn Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ ân xá tội tình cho toàn cả chúng sanh, lại nhơn buổi văn minh nhơn loại thông đồng, càn khôn dĩ tận thức, cho nên Đức Chí Tôn dùng huyền diệu giáng cơ khai Đại Đạo, chủ nghĩa là độ tận 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đọa cõi hồng trần, nên gọi là cơ quan cứu thế.
 
Nếu Đức Chí Tôn chia chơn linh giáng thế như các vì Giáo Chủ buổi trước, thì phải tá mẫu đầu thai, mang phàm thể hữu vi, lại nữa là Đạo khai trong nước Việt Nam thì phải thọ sanh hình hài người Nam Việt, thì có thế nào chuyển ba mối đạo khắp Ngũ Châu và toàn cầu thế giới đặng.
 
Lại nữa, các dân tộc trong vạn quốc không thể hiệp đồng sự tín ngưỡng làm một thì khó mà độ tận chúng sanh, cho nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút đặng làm cho các nước để trọn đức tin rằng : có một Đấng Chí Linh giáng thế cứu đời qui tụ cả khối tinh thần của nhơn loại duy nhứt, chỉ rõ bằng cớ như kỳ hội các tôn giáo tại thành Luân Đôn, thì các nước đều công nhận Đạo Cao Đài là chơn thật, có thể qui nguyên Đại Đồng Tôn giáo.
 
Đức Chí Tôn tuy chẳng giáng bằng xác thân, mà lại qui tụ lương sanh lập thành Hội Thánh, thay hình thể hữu vi cho Đức Chí Tôn và lập Quyền Vạn Linh đối phó cùng quyền Chí Linh.
Ấy là cơ quan mầu nhiệm cứu vớt quần sanh, giải thoát khỏi chốn sông mê bể khổ.
 
Kỳ Hạ nguơn nầy, dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế nào cũng không làm hại xác thân của Đức Chí Tôn như các vì Giáo Chủ buổi trước đặng.
 
Bởi Quyền Vạn Linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên luật pháp, xây chuyển cơ Đạo và cơ Đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của Tạo Hóa.
 
Đức Chí Tôn khai Đạo kỳ thứ ba nầy, giáng bằng huyền diệu cơ bút là do nơi Thiên thơ tiền định chuyển Đạo Vô Vi, hiệp Tam Giáo Ngũ Chi làm một./.
 
15. - Vấn đề Đoạt đạo.
Ngày 1-9-Mậu Dần (dl 23-10-1938)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đề tài : Vấn đề đoạt đạo.
Từ buổi sơ khai, Đức Chí Tôn đã lập ra một chơn luật buộc cả nhơn loại phải thi hành, tức là một con đường thiêng liêng hằng sống (TLHS) của Đức Chí Tôn đào tạo để cho nhơn sanh đều do nơi con đường ấy mà tiến hóa lên các bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật. Hễ tấn bộ thì đoạt đạo, còn thoái bộ thì sa ngã theo cơ tà quái, quỉ vương.   
 
Luật pháp của các nhà tôn giáo xưa nay lập ra nhiều khoản, nhơn sanh người thông minh thì ít, kẻ dốt nát là phần đông, nên không thể thi hành cho trọn; còn chơn luật của Đức Chí Tôn chẳng có chi nhiều, duy cần yếu có hai chữ THƯƠNG YÊU mà thôi, thì nhơn sanh dầu hàng nào cũng có thể thi hành được tất cả.
 
Đến như loài tế vi là mối, ong, kiến, cũng biết giữ luật thương yêu, thuận hòa cùng nhau, kết lấy đoàn thể tương thân tương ái cùng nhau, tạo thành hang ổ có trật tự phân minh. Ấy là cơ tấn hóa mạnh mẽ của loài động vật.
 
Nói về gia đình thì có cha con, chồng vợ, anh em lan tràn ra cho tới nhơn quần xã hội, đồng chủng quốc dân, cũng do nơi mặt luật thương yêu mà hòa bình, an cư lạc nghiệp. Nếu cả thảy chẳng thực hành theo chơn luật ấy thì tất nhiên phải mất trật tự, không đủ tư cách làm người, đã chẳng đặng tấn hóa đến cảnh TLHS, mà trái lại nảy sanh ra một trường cạnh tranh thù nghịch lẫn nhau, tức là tạo thành cơ tự diệt, bởi chẳng giữ theo chơn luật của Đức Chí Tôn và khiến sự thương yêu thành tranh luận những việc tế vi mảy mún mà gây ra các điều oan nghiệt.
 
Sự thương yêu của Đức Chí Tôn đối với nhơn loại, là vô lượng vô biên, không có giới hạn nào mà tả ra cho cùng tận được. Ví dụ một cái gia đình, phận làm cha mẹ thấy một bầy con nghèo nàn khổ não thì biết rằng cha mẹ thương con thế nào, còn toàn trong thế giới từ vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm cho đến nhơn loại thì đều là con chung của Đấng Tạo Hóa, thì sự thương yêu của Đức Chí Tôn bao la quảng đại chẳng biết tới đâu là bờ bến, những sự bi ai thống khổ của chúng sanh ở cõi trần nầy bao nhiêu thì sự thương tâm đau đớn của Chí Tôn cũng bao nhiêu.
 
Chơn luật thương yêu của Thầy lập ra, nhơn sanh chưa thi hành thì mặt luật ấy đã buộc Thầy thi hành trước hết, nên Thầy giáng cơ nói rằng : “Sự khổ hạnh của các con chưa than thì Thầy than trước, các con chưa khóc thì Thầy khóc trước.” Ngày nào toàn cả nhơn sanh biết thực hành chủ nghĩa thương yêu cho ra thiệt tướng, tức nhiên là ngày nhơn sanh thoát khổ.
 
Tóm lại : Con người cùng vạn vật đều do nơi luật thương yêu mà tiến hóa lên đến các bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật, hiệp một cùng Đức Chí Tôn, gọi là đoạt đạo. Nên Thầy nói rằng : Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh, tức là cơ đoạt đạo./.
 
16. - Vấn đề Chơn pháp.
Ngày 15-9-Mậu Dần (dl 6-11-1938)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đề tài : Vấn đề Chơn pháp.
Đức Chí Tôn đào tạo chơn pháp vô lượng vô biên để cho nhơn loại thi hành mà đoạt phẩm vị thiêng liêng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
 
Chơn pháp cũng có một như Chơn luật vậy.
Chơn luật của Đức Chí Tôn đã chỉ rõ là thương yêu, còn Chơn pháp là công bình.
 
Luật pháp của của Chí Tôn đã chỉ rõ ra sau đây thì toàn cả nhơn sanh đều nghe hiểu biết và thường nói : Chỉ có một điều là tại không thực hành. Nếu con người dưới thế nầy đồng thi hành y theo Chơn pháp công bình thì đời sẽ trở nên tận thiện tận mỹ, mà cơ tận diệt sẽ tiêu tan, không còn thấy tấn tuồng bi ai thảm đạm như thế.
 
Tóm lại, cái sở hành Chơn pháp công bình chỉ dùng một câu : “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là : Những điều nào mình chẳng muốn ai làm cho mình phải buồn than đau đớn thì tức nhiên ta không  nên làm mấy điều ấy cho người khác.
 
Pháp công bình của Đức Chí Tôn là một cây cân song bằng, một đầu là Tiên Phật, một đầu là quỉ ma, chánh tà phân biệt đôi bên, ấy là pháp công bình lành thưởng dữ răn, lành siêu dữ đọa.
 
Đức Chí Tôn muốn cho con cái của Ngài đều đặng cao thăng phẩm vị thiêng liêng, chớ không bao giờ Ngài tạo địa ngục để đày đọa hình phạt nhơn sanh, mà trái lại do nhơn sanh tạo thành cảnh khổ ấy.
 
Ví dụ như một ông cha trong gia đình, có khi nào lập khám đường ngục thất để cầm tù con bao giờ. Những điều khổ hạnh ấy là tự nơi con đào tạo nơi mặt thế nầy, cũng là một trường học để cho con người suy gẫm, tự giác tâm hồn, hầu giải thoát bến mê, tầm đến cảnh thiêng liêng an nhàn tự toại.
 
Nếu con người muốn an nhàn tự toại nơi cảnh thiêng liêng hằng sống thì phải thực hành y theo Chơn pháp của Đức Chí Tôn.
 
Ngày nào nhơn sanh trên mặt địa cầu nầy mà biết tôn trọng và thật hành y theo luật pháp của Đức Chí Tôn cho ra chân tướng thì mới mong thoát khỏi cơ tự diệt, tức là ngày của nhơn sanh chung hưởng mọi điều hạnh phúc của Đức Chí Tôn ban tứ./.
 
17. - Đức Chí Tôn lập ĐĐTKPĐ để làm cơ quan Chuyển thế.
Ngày 1-12-Mậu Dần (dl 20-1-1939)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đức Chí Tôn lập ĐĐTKPĐ để làm cơ quan Chuyển thế.
Nhơn loại trên mặt địa cầu nầy do nơi các chơn linh tùy theo căn quả mà luân hồi chuyển kiếp đến cõi trần, thành lập ra một trường học của Đời.
 
Trong trường ấy có nhiều lớp, và bài vở có nhiều đoạn rất hay ho để cho nhơn sanh phấn đấu cùng nhau mà đoạt cơ tấn hóa đến các bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật.
 
Con người mỗi hàng phẩm đều có trình độ cao thấp khác nhau, noi theo cái trách nhậm ấy  thi hành cho đặng liễu kết hoàn toàn, phòng lập cao phẩm nhơn tước, hay là thiêng liêng chi vị.
 
Nói ví dụ, một cái gia đình hoặc là xã hội quốc dân thì có vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bằng hữu, vv . . . Mỗi người đều biết cư xử cho trọn bổn phận, thật hành y theo khuôn luật là phụ từ tử hiếu, huynh đệ cùng phu nghĩa phụ tiết, trưởng huệ ấu thuận, quân nhơn thần trung, ngoài ra còn tình bậu bạn giao thiệp cùng nhau, thì phải gìn lòng thành tín, ấy là đủ tư cách làm người, mới mong mỏi vào trường đạo đức, từ từ noi theo đẳng cấp mà thẳng tiến đến phẩm vị thiêng liêng, tức là cảnh thung dung an nhàn tự toại.
 
Trái lại, con người ở thế, đã chẳng lo nong nả bước hành trình cho xong mà lại còn chen lấn ồn ào dục vọng theo con đường tăm tối    mộng  gọi  là thích chí hân hoan, chẳng còn nhớ đến cái phận làm người bao nả.
 
Than ôi !  Phong di tục dịch, đảo ngược nhơn luân, trong gia đình mỗi người tự do hành động, cha chẳng biết bổn phận làm cha,  con không biết hiếu sự là gì, trai gái không thừa mạng mà cũng không phụng mẫu nghi... Còn vợ chồng thì sớm đổi chiều thay, không gìn câu tiết nghĩa, luân lý suy đồi, cang thường hư hoại, gia đình như thế thì tức nhiên đã mất quyền vi chủ.
 
Người đời thì tín ngưỡng theo thế lực kim tiền, ưu thắng liệt bại, yếu thiệt mạnh hơn, khôn còn dại mất. Mảng đua chen trên con đường vật chất hữu hình, không chú trọng đến Thánh đức linh tâm, mượn hành tàng vô nghĩa mà làm cho vừa lòng ái mộ bất lương, tạo khuôn khổ cho đời thành ra trường tự diệt.
 
Hiện nay, cả hoàn cầu thế giới, nhơn sanh đồng hăng hái bôn xu trên chốn võ đài mà diễn ra một tấn tuồng phấn đấu lợi quyền.
 
Ôi !  Lương tâm khuyết điểm, chẳng kể gì đến đạo đức tinh thần, cõi đời ngày nay đã trở ra màn chiến tranh loạn lạc, do nơi các cơ trạng tả trên đây, nên Đức Chí Tôn phải đến hoằng khai Đại Đạo, đặng hiệp cả tánh chất lương sanh của con người duy nhứt vào đường chí thiện, trau giồi chơn tánh linh tâm cho trong sạch, mong ngày phản bổn huờn nguyên, hiệp cùng Vô Vi chi Đạo.
 
Mà muốn thành Đạo Vô Vi thì trước phải dụng cơ quan hình thức đặng làm  nấc  thang  tiến  hóa,  nghĩa là mượn chiếc thuyền nhà Nho mà đưa các chơn hồn vào đường Tiên cảnh Phật, nên có câu :
Phật đạo cũng như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.
 
Nếu muốn đi đến Bồng Lai đảo, Niết Bàn đặng làm Tiên, Phật, mà chẳng qua đò nhà Nho thì khó mong lên con đường bĩ ngạn.
 
Con người sanh ra ở thế, nếu chẳng chen bước đem thân vào đường học cho lảu thông các thứ tuồng đời, đặng giáo hóa đoàn ấu thơ hậu tấn, hay là chẳng đến trường đạo đức mà học hỏi cho rõ thấu các phương châm trọng yếu, tầm hỏi những sự chơn truyền cao siêu của Đạo, đặng làm khách u nhàn thanh nhã, vui cảnh tự toại thung dung, thì đã đành rằng cam phận thiệt thòi chịu khổ hạnh trong chốn lao lung đời đời kiếp kiếp.
 
Tóm lại, kỳ Hạ nguơn cuối cùng , luân lý cang thường điên đảo, cho nên Đức Chí Tôn giáng trần khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lập thành chánh giáo đại đồng, nghĩa là: cải cựu hoán tân, cải ác tùng lương, chuyển tạo cơ đời cho trở nên thuần phong mỹ tục, tức là qui tụ Thánh đức của loài người lại Thượng nguơn cho thuận lẽ tuần hoàn, châu nhi phục thỉ./.
 
18. - Chơn tướng Nho tông : Nhơn Nghĩa.
Ngày 3-3-Kỷ Mão (dl 20-4-1939)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Đền Thánh
Đề tài : Chơn tướng Nho tông (Nhơn Nghĩa).
Kể từ Ngũ Đế đến Võ Vương thì thường dùng bốn chữ : Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, thực hành về phương diện trị an của đời.
Qua đến Đức Khổng Phu Tử thì Ngài chú trọng hơn bốn chữ: Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa.
 
Ngài tác Xuân Thu, bỉnh chánh vương hóa, ngụ bao biếm biệt thiện ác, chỉ rõ hai điều lành dữ, khen chê, để làm phương giáo dục con người cho biết gìn giữ chơn thật, thi hành hai chữ Trung Hiếu cho được hoàn toàn, thì mong vào hành Thần Thánh.
 
Qua đến thầy Mạnh Tử, thì Ngài tuyển chọn trong điều mục Ngũ Thường, lấy ra hai chữ NHƠN NGHĨA làm căn bản cho mọi sự hành vi.
 
- Nói về chữ NGHĨA, thì hạng nào cũng phải cần yếu trọng dụng. Làm tôi mà biết giữ nghĩa với vua thì mới đáng mặt tôi trung thành, làm con phải biết giữ trọn nghĩa với cha mẹ thì mới trọn nghĩa làm con chí hiếu, anh em biết giữ nghĩa cùng nhau thì mới có tình thương yêu thảo thuận, vợ chồng biết giữ trọn nghĩa thì mới đặng hòa hảo miên trường tạo thành cơ sanh hóa, bậu bạn có giữ trọn nghĩa cùng nhau thì mới có lòng cảm hoài tín nhiệm.
 
Cho nên hạng nào cũng phải thi hành chữ NGHĨA thì mới đủ tư cách làm người.
- Luận về chữ NHƠN, làm người phải giữ lòng nhơn đức. Đức Khổng Phu Tử dạy đạo Nhơn cho được hoàn toàn thì mới có thể vi Hiền vi Thánh.
 
Chữ NHƠN ( ) gồm chữ Nhơn bằng ( ) và chữ Nhị ( ), nghĩa là làm người cho đặng trọn hai lần thì mới đủ tư cách làm người ở thế : làm người đối với Trời Đất, và làm người đối với người và vật.
 
Có câu :   
"Tu Nhơn thành Thần,
Niệm Nhơn thành Thánh,
Hành Nhơn thành Tiên,
Đắc Nhơn thành Phật."
 
Tóm lại, chữ Nhơn là trước hết các việc hành tàng của con người đương nhiên ở thế, cho nên thầy Mạnh Tử dùng hai chữ NHƠN NGHĨA làm căn bản của Nho tông.
 
Thánh giáo của Đức Chí Tôn :
"Nhơn là đầu hết các hành tàng,
Cũng bởi vì Nhơn dân hóa quan.
Dân  trí  có  Nhơn  nhà nước trị,
Nước nhà Nhơn thiệt một cơ quan."
 
Trong Kinh Sám Hối có câu :
"Làm người Nhơn Nghĩa giữ tròn,
Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa."
 
19. - Khai mạc Đại Hội PhướcThiện tại Khách Đình Tòa Thánh.
Ngày 22-10-Kỷ Mão (dl 2-12-1939)
 
DIỄN VĂN của ĐỨC HỘ PHÁP
Khai mạc Đại Hội Phước Thiện
tại Khách Đình Tòa Thánh.
(Mở đúng 8 giờ ban mai, Đức Hộ Pháp truyền tụng Kinh Nhập Hội. Khi tụng xong, Đức Ngài liền lên khai mạc).
 
Bài diễn văn khai mạc của Qua hôm nay có ý dài một chút, cốt yếu để giáo hóa bên Phước Thiện. Vậy mấy em lóng tai nghe và suy nghĩ cho thấu lý cao xa, để dễ bảo trách nhiệm khó khăn của mình.
 
Qua đã cho mấy em một dây hằng tâm để nương nó mà đi những bước đường Thánh đức cho khỏi sụt sè bợ ngợ, lấy cả triết lý cao siêu của Tạo đoan vi chủ hành tàng thế sự.
 
Ấy là một bài diễn văn mà mấy em chưa nghe từ thử. Qua chẳng cần phải nói, mấy em cũng vẫn biết rằng : Chí Tôn là Cha của toàn vạn vật, cả cơ tạo đoan chia ra làm hai phẩm giá :
1 . Vô động vật.
2 . Động vật.
 
Vô động vật thì bất tri bất năng, vô tri vô giác; động vật thì hữu tri hữu giác, tức hữu sanh, có sanh có tri giác, có lao động, mới có sống, mà sự sống ấy do Chí Tôn vi chủ. Có động vật thì có sanh quang Chí Tôn. Chí Tôn là cha của sự sống, Người ban cho động vật một gia tài vĩ đại hơn loài vô động vật.
 
Qua chẳng cần thuyết, mấy em cũng đủ hiểu rằng : Cái tánh đức của động vật vẫn là thiên nhiên, còn tánh đức của vô động vật nó đã triêm nhiễm vào tánh chất của toàn vật loại, nhứt là hạng Hóa nhân nó hóa vô động vật, vì vô động vật là lười biếng, còn lao động là siêng năng.
 
Hại thay, quyền năng của Chí Tôn lại chia ra hai tánh chất, nên phân ra hai phẩm người : - hạng lao động thì giúp hay Chí Tôn thêm nữa, - hạng vô động thì biếng nhác, duy có thừa hưởng công nghiệp mà an vui gọi là hạnh phúc, nên mới nảy sanh ra trường phấn đấu. Mé lao động coi bên kia như kẻ thù địch, còn bên vô động không chịu làm chi hết mà chỉ kiếm mưu giựt giành cướp bóc, nên mới sanh ra trường hỗn độn tương tranh về sự sống. Cái thuyết quái gở là một món thuộc độc đã làm cho hao mòn tánh đức loài người từ thử.
 
Vì cớ nên Chí Tôn giải quyết điều ấy.
Lạ chi một đại gia đình có 10 đứa con, chẳng phải giỏi hết, cũng có đứa khôn đứa dại, đứa siêng năng đứa biếng nhác, đứa thì coi sự cực nhọc hơn của mình là cái dại, chẳng cần nghĩ đến sự hèn hạ của mình, nên muốn trên cả mọi người từ miếng ăn, chỗ ngồi, nơi ngủ, mà chẳng hiểu rằng : tài năng mình không biến sanh, phải nương theo người mà sống, vì vậy nên hễ có bù sớt của cải ra đặng nuôi ai thì để lòng khi miệt. Còn người bị khi miệt thì giận dũi, nên mới tìm phương giựt giành cướp bóc mà không hiểu rằng : của cải ấy chẳng phải của mình làm ra, đối với anh em trong gia đình ấy, những kẻ siêng năng thì thù địch những người biếng nhác.
 
Thử hỏi ông cha thấy đứa con nghèo hèn bất năng ấy, có ghét bỏ chăng ? Nếu ghét bỏ cho chúng nó chết đói thì tình cha con đâu có, đã biết lấy của đứa siêng năng mà nuôi đứa biếng là điều bất công, nhưng ông cha phải nhắm mắt đánh liều để vậy.
 
Trên mặt thế, cái khuôn khổ gia đình như trào lưu xã hội, kẻ lười biếng thì nhiều, người siêng năng thì ít, bảo sao đời không biến ra trường tranh đấu, của làm thì ít, tiêu dụng lại nhiều.
 
Chúng ta thời như đám chim trời, còn lộc ăn như vé lúa rơi xuống đất, con nào lẹ miệng ăn nhiều, giỏi thì no, dở thì đói. Nếu con đói ngước mặt lên trời nói sao Cha không cho ăn để đói, là ngu. Của trên mặt đất nầy là của chung, của Đấng Tạo đoan. Ngài biến sanh cả cơ quan nuôi vạn vật, ta có quyền hưởng lấy no là như mình giỏi, đói là tại mình dở. No đói, trọng hèn là do nơi tài sức mình, chớ có than trách ai đặng đâu.
 
Việc phân phát trong khuôn khổ gia đình cũng có nặng nhẹ, sang hèn, nếu cả thảy đều lựa nhẹ bỏ nặng, chuộng sang phụ hèn, thì gia đình ấy ra sao ?
 
Từ cổ chí kim, vì cơ sanh hoạt mà biến sanh chẳng biết bao nhiêu trường náo nhiệt, ganh lẫn, ghét nhơ, thù địch tranh giành mà gây nên  trường  thảm  khốc.
 
Ấy là một điều khó khăn mà từ thử đến chừ, dầu cho các bậc Thánh nhân cũng  không  giải quyết  đặng.
 
Qua còn nhớ ông Hoằng Sơn (La Fontaine) khi đầu thai qua Thái Tây, Ngài có viết một bài ngụ ngôn nói về cái Bao tử. Đến sau, nơi xứ Hy Lạp (Grèce), có một hạng người vì giận nhà vua nên bỏ lên núi ở độc lập một mình, ở đầu non chót núi chớ chẳng chịu về tùng phục pháp luật của nhà vua, vì bọn họ thì cực khổ nghèo nàn quanh năm cuối tháng, chỉ làm lụng để nuôi dưỡng nhà vua sung sướng, nào là cung phi mỹ nữ, đài các nguy nga, nên họ chẳng dại gì mà quì lụy trong xã hội nước Hy Lạp nữa, dầu ai có giảng giải thế nào cũng chẳng chịu về. Buổi đó có một vị đại thần trong triều đình nước Hy Lạp đem bài ngụ ngôn tựa đề Bao tử,  lên giải nghĩa, họ mới chịu nghe.
 
Trong bài ấy có ý nghĩa rằng : Tay chơn muốn tẩy chay bao tử, ngụ ý rằng : mình làm cực nhọc, còn bao tử thì chỉ ở không an hưởng. Mảng nghĩ như vậy nên cả tay chơn đều không làm việc nữa để cho bao tử chết đói, nào dè đâu một hai ngày chẳng sao, qua đến năm bảy ngày bao tử không có ăn, cả tay chơn rũ riệt cử động không nổi, rồi chừng ấy mới biết rằng : nếu bao tử không ăn thì mình cũng phải chết, nên buộc lòng phải làm việc trở lại như cũ.
 
Vị đại thần lấy ý nghĩa của bài ngụ ngôn mà khuyên nhủ, làm cho các vị trên núi hiểu, nên mỗi người vui lòng xuống núi chung lộn với người phàm thế, bỏ tánh chấp nê thuở trước.
 
Trong cửa Đạo ngày nay cũng vậy, có người tưởng sao mình làm lụng khổ nhọc mà chỉ để nuôi những kẻ ngồi ngó đặng thừa hưởng, thậm chí cho đến đỗi họ tranh đến Chức sắc Thiên phong, từ cái sang, cái áo, cái mão mà họ chẳng tự biết rằng : mình sẽ làm đặng vậy chăng, đó là một triệu chứng đê hèn, triệu chứng một sắc dân tự diệt.
 
Trong gia đình cũng vậy, có đứa cộng từ con số lời lỗ, có đứa ở ngoài ruộng, có đứa chăn chim, có đứa cầm vòng hái, có đứa ngồi trong bếp, mỗi phận sự đều khác nhau, nếu người trong bếp than nóng, người ngoài đồng than nắng, gặt lúa than xót, thì gia đình ấy sanh rối mà chớ.
 
Đến đây Qua luận về hai cơ quan: Hành Chánh và Phước Thiện. Chính mắt Qua thấy, tai Qua nghe, hễ mấy em nuôi người thì miệt thị người.
 
Qua viễn kiến trước điều ấy, nên đã làm hiệu trước buổi mới khai Đạo, Qua đã làm Hộ Pháp rồi, nhưng tám chín năm về trước, Qua nào có biết quyền hành Hộ Pháp là chi, Qua chỉ xen lẫn, chia từ hột muối, gánh vác từ phận sự với mấy em để làm gương cho mấy em noi theo. Qua mở Phạm Môn cốt để giáo hóa, tập tâm đức, nên ngày nay mới có khoa mục đặng thi vào cửa Phước Thiện. Qua đã nuôi nấng giáo hóa mấy em từ kẻ răng chơn tóc, nhưng Qua buồn sao trong trứng nở ra mà không giống hình giống ảnh ?
 
Năm rồi, nếu không do miệng mấy em thì mấy đứa con gái nhỏ biết đâu mà nói : Không có Phước Thiện thì Cửu Trùng Đài chết đói. Đó là bằng chứng ỷ nuôi người mà miệt thị người.
 
Qua nói thật, ngày nào Qua còn thấy như vậy nữa thì Qua nhứt định nâng đỡ Cửu Trùng Đài với hoàn cảnh nghèo hèn, chớ mấy em có làm ra của vạn hộ đi nữa, Qua cũng cấm Cửu Trùng Đài không cho hưởng. Cái trách nhậm nặng nhọc của mấy em lúc nào Qua cũng phải nhìn nhận, mà chính mình Đại Từ Phụ cũng không bỏ, cần chi mấy em tung hô lên để thị nhục người.
 
Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập. Trái lại, phận sự Qua giao cho mấy em, càng hèn tiện thì càng cao thăng, càng nhọc nhằn thì càng cao công nghiệp. Nếu mấy em nói rằng : Lãnh phận sự nuôi người là hèn tiện thì nói cho Qua biết đi. Ông Châu Văn Vương là một vị Bá Hầu bị Trụ Vương đày ra nơi Dũ Lý, cũng vẫn làm tròn phận sự. Ông Trương Tử Phòng lập cả giang sơn sự nghiệp, tạo nên đảnh Hớn mà chẳng hề buổi nào biết mình là công thần, chỉ biết là tá sĩ, tôi của nước Hàn mà thôi.
 
Mấy em nên cố tâm noi theo gương cao thượng ấy mà làm phận sự. Nếu năm rồi không còn mấy đứa tâm đức  thì tất cả mấy em đã nghe lời gièm siểm của thế gian mà thối bước lui chơn, lầm tưởng rằng: không có mấy em thì Hội Thánh sẽ chết đói.
 
Qua cho mấy em hiểu rằng : không bao giờ đói đâu, vì Đạo là nguồn nước thiêng liêng của Chí Tôn chẳng hề cạn, không có giọt nước nầy thì cũng có giọt nước khác; có mợ thì chợ cũng đồng, không mợ thì  chợ cũng không bữa nào.
 
Trong cửa Đạo cũng không cần, không thỉnh mà cũng không xua đuổi, không bạc đãi, muốn ở thì ở, muốn đi thì đi, làm được thì làm, không thì trừ bỏ, chớ đừng trách rằng : Bề trên ép buộc.
 
Chính Qua chưa ép ai, mà ông Trần Khai Pháp cũng chưa ép ai. Muốn trọng thì cao trọng, bằng không thì tùy ý, đừng ở trong cửa Thánh mà làm cho đê hèn nhục nhã thì uổng công lắm./.
 
20. - Tích: Lý Trường Canh và Lý Ngư Tinh (con cá ông).
Ngày 29-5-Canh Thìn (dl 4-7-1940)
 
ĐỨC HỘ PHÁP
thuyết đạo tại Báo Ân Từ
Tích : Lý Trường Canh và Lý Ngư Tinh (con cá ông).
Có nhơn nghĩa mới gọi là thương yêu chơn thật, nếu không có nhơn nghĩa là thương yêu giả dối.
 
Đức Chí Tôn buộc con người phải thương yêu, nhơn nghĩa theo Thánh ý của Đức Chí Tôn mà thôi.
 
Nhắc tích : Lý Trường Canh và Lý Ngư Tinh là hai anh em bạn đồng mến với nhau, hằng ngày ở nơi núi hải đảo mà tu niệm. Một ngày kia Đức Quan Âm tính xuống rước hai người về Tây phương, mới giả là một người đàn bà chèo chiếc ghe nhỏ đi bán hoa quả, chèo ngang qua núi hải đảo rồi rao lên bán.
 
Lý Trường Canh muốn tu mà thoát kiếp thì thôi chớ không cần ăn uống chi cả. Lý Ngư Tinh chịu không nổi, mới kêu lại mua ăn, thì Đức Quan Âm hiện hình tại nơi đó mà rước Lý Trường Canh, là Lý Giáo Tông, đem về Tây phương; còn Lý Ngư Tinh bị ăn mà thành ra con cá ông ở dưới biển.
 
Về trển, Lý Giáo Tông mới kêu nài cho Lý Ngư Tinh, thì Đức Phật Như Lai cho Lý Giáo Tông một đồng tiền điếu, biểu xuống cột câu Lý Ngư Tinh.
 
Lý Giáo Tông câu, Lý Ngư Tinh chạy lại ăn. Đức Lý Giáo Tông mới đem về cho Đức Phật Như Lai. Quái lạ, về đến đó mà còn ngậm đồng điếu ấy trong miệng mãi. Đức Phật Như Lai nói : Cái tánh tham của ngươi cho đến đỗi mà cũng không chừa.
 
Đức Phật quở một câu mà phải trở xuống biển làm lại con cá ông cho đến bây giờ./.
 
21. - Giải nghĩa Thất Đầu Xà .
ĐỨC HỘ PHÁP THUYẾT ĐẠO
Đề tài : Giải nghĩa Thất Đầu Xà, bảy nọc độc của rắn.
Hỷ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục ở trong châu thân của con người.
 
Phàm con người ở thế, từ ngôi thiên tử cho đến hàng thứ dân, ai cũng có đủ 7 cái tình ấy tất cả, nhưng do người biết độ lượng cho vừa theo bực trung thì mới khỏi hại đến châu thân và sự nghiệp.
 
1 . Chữ Hỷ là mừng :
Con người khi gặp việc đáng vui mừng thì cũng phải trầm tỉnh như thường, chẳng nên mừng thái quá mà biến thành sự hại.
 
Ví dụ như ông Trình Giảo Kim, nghe tin dòng họ Tiết (Tiết Giao, Tiết Quì) phò Lý Đáng, đem binh về phục nghiệp Đường trào, trừ Võ Hậu, thì ông ta mừng quá độ, phát thinh đại tiếu, cười ngất cho đến tắt hơi. Ấy là mừng quá mà chết. Đời nay cũng có kẻ trúng số độc đắc mà chết.
 
2 .  Chữ Nộ là giận :
Con người vì giận quá mà sanh hại đến gia đình, hoặc bị tội tù là khác, nên có câu: Nhứt nộ sầu tâm khởi, bát vạn chướng môn khai. Nghĩa là : Một phen giận nổi lên thì tám vạn nghiệp chướng sanh ra, có thể làm tiêu nhà hại mạng, đến khi biết sự chẳng lành, tỉnh lại ăn năn thì đã muộn lắm rồi, nghĩ thôi đáng tiếc.
 
Ví như ông Châu Công Cẩn lầm mưu Khổng Minh Gia Cát Lượng mà nộ khí xung thiên, đến nỗi thổ huyết lâm lụy mà chết. Ấy là một gương nêu cho đời nên lưu ý. Còn nhiều sự giận mà chịu khổ hình.
 
3 . Chữ Ai là buồn :
Ấy cũng là một điều hư hại đến thân thể và trí não tinh thần. Có nhiều người gặp việc sanh ly tử biệt hay là đấu lực tranh tài mà chẳng may thất bại thì cũng buồn thảm đến lụy thân.
 
Ví như Thạch Sùng đấu của nhà giàu mà thiếu mẻ kho, phải chịu thâu phục gia tài, rồi ông buồn rầu mà thất chí đến lụy thân. Ấy là sự buồn rầu mà đến hại lớn, đáng làm gương cho người sau, nếu khi gặp cảnh chẳng may thì phải có năng lực đạo đức tinh thần mạnh mẽ làm kế bảo tồn, tức là phương an ủi tâm hồn mát mẻ.
 
4 . Chữ Lạc là vui:
Sự vui vẻ hân hoan khoái chí, sự vui vẻ phải có chừng mực thì mới tránh khỏi các điều tai hại biến sanh. Có câu : Cực lạc sanh bi, hễ sự vui thích quá độ thì trở nên buồn thảm. Điều ấy vẫn hiển nhiên.
 
Ví như Trụ Vương Ân Thọ, đắm mê nàng Đắc Kỷ, vui say tửu sắc, đến nỗi mất nước tiêu nhà và hại mạng. Sự vui chơi của ông có lắm điều tàn ác, nào là chế bào lạc hại quan trung thần, nào là lập sái bồn, tửu trì nhục lâm sát hại cung nga thể nữ, vui cho đến mất cả cơ nghiệp vua Thành Thang, làm cho bá tánh điêu tàn, sanh linh đồ thán, làm cảm động lòng Trời. Ấy là sự vui chơi mà mắc tội Thiên đình.
 
5 .  Chữ Ái là thương yêu:
Có câu : Ái nhơn như ái kỷ, nghĩa là: thương hết mọi người như thương mình vậy, mới gọi là bác ái. Bác ái là rộng thương, mà thương vì công bình chánh trực, nhơn nghĩa, đạo đức tinh thần, thương nước thương dân, chớ không phải thương riêng vì cá nhân vật chất, hay bợ đỡ nịnh hót mà thương, hoặc thương vì ái tình tài sắc, trong sự thương giới hạn phân minh, mới tránh khỏi những điều tai hại.
 
Có tích xưa đời Tam Quốc, ông Đổng Trác và Lữ Phụng Tiên, đã có kết nghĩa minh linh dưỡng tử, mà vì ái tình với một gái Điêu Thuyền, đến đỗi cha con giết hại lẫn nhau. Ấy là do nơi dây tình ái mà điêu tàn chết thảm.
 
Còn nhiều người tài hay phá núi lấp sông, văn chương trí huệ, mà chẳng vì đạo đức, mảng lo sa mê sắc dục, thương yêu ái tình, mà phải hư thân hại thể.
 
6 . Chữ Ố là ghét:
Người tu hành không nên chất chứa sự ghét trong tâm, vì sự ghét giận mà sanh ra thù nghịch lẫn nhau cho đến tàn hại nhau mà gây thành dây oan trái trả vay đời đời kiếp kiếp.
 
Nên Đức Chí Tôn có dạy rằng : Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục Thiên đặng mà vào
 
Bạch Ngọc Kinh, còn sự ghét là phương tà mị, nó làm cho lòng người chia rẽ, mất dây đoàn thể, cốt nhục phân ly cũng do sự ghét.
 
Vấn đề chữ Ố, nó làm cho lòng người nhiều điều tai hại nói không cùng.
 
Tóm lại, chỉ nhớ một câu của Thầy dạy rằng : Từ đây các con chẳng đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau.
 
Sau lại có câu phương ngôn của Thầy rằng :
" Thương người khác thể thương thân,
Ghét người khác thể vun phân cho người. "
 
7 .  Chữ Dục là ham muốn :
Không nhàm, người có một trăm muốn, một ngàn muốn, muốn hoài không dư, nào là muốn nhà cao lầu rộng, áo đẹp vợ xinh, đồ ăn mỹ vị, muốn thế nào cho được giàu sang trên thiên hạ. Các điều muốn ấy là về sự ích kỷ. Nếu được một tấm lòng tham muốn về đạo đức nhơn nghĩa, ích nước lợi dân, ấy là sự muốn trở nên cao thượng.
 
Tóm tắt lại, sự dục vọng của con người rất bao la quảng đại, đến khi còn một hơi thở cuối cùng mà mọi điều tham muốn cũng chưa đầy đủ, nên có câu : Nhân tâm bất túc xà thôn tượng, thế sự đáo đầu đường bộ thiền. Nghĩa là : Lòng người chẳng đủ như rắn nuốt voi, việc đời cũng cùng tận chẳng khác châu chấu bắt ve. Cũng vì lòng tham muốn mà rốt cuộc mạnh yếu sang hèn tương tàn tương sát.
 
Kết luận :
Thất đầu xà là 7 cái đầu rắn độc, nó lẫn lộn trong  châu thân của con người, gọi là Thất tình. Cái độc của nó có thể hại người vô số, các bực lương y vô phương điều trị, chỉ có một phương là dùng đạo đức tinh thần mới có thể trừ được 7 cái nọc độc của nó mà thôi. Vậy ta nên cần tu để làm tiêu nọc độc của rắn, ấy là một bài thuốc quí giá đó.
 
(Khi Đức Hộ Pháp ngồi trên ngai Thất đầu xà, hai chơn đè lên hai chữ Nộ và Dục, hai tay đè lên hai chữ Ai và Ố, lưng dựa vào ba chữ Hỷ, Ái, Lạc.)
 
PHỤ LỤC 1:
Đức Hộ Pháp xuất chơn thần lên CLTG gặp chơn linh Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh.
 
ĐỨC HỘ PHÁP
xuất chơn thần lên CỰC LẠC THẾ GIỚI.
“ Lúc mở Đạo ở Nam Vang (Tần quốc), vào năm Đinh Mão (1927),  Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc xuất chơn thần lên đến Cực Lạc Thế Giới (CLTG) thấy chơn linh Ngài Thái Thơ Thanh đang trấn giữ cửa CLTG, nên thuật y câu chuyện lại cho Ngài Thái Thơ Thanh nghe như vầy:
Đương lúc mơ màng, chơn thần liền xuất đi, thấy ngồi trên một cái xe ngựa, day qua thấy cảnh Thất thập nhị Địa, qua đến Tứ Đại Bộ Châu, nhìn thấy Đức Chí Tôn đứng trên Tòa Kim Khuyết, Đức Lý Giáo Tông cũng đứng trên bàn, kế Chức sắc Thiên phong, mấy vị Đạo tâm đứng hầu Ngài.
 
Chừng sắp trận Đại chiến với Quỉ Vương trên Thiên đình, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thắng trận, chúng Quỉ đều chạy tan vỡ, rồi kéo nhau qua Cực Lạc Thế Giới (CLTG), chừng đến cửa Niết Bàn thì thấy Ngài Thái Thơ Thanh cầm bửu kiếm ngồi trên lưng con Kim Mao Hẩu, trấn thủ CLTG.
 
Lúc ấy Đức  Hộ Pháp hỏi Ngài Thái Thơ Thanh rằng :
- Anh về trên nầy hồi nào vậy ?
Ngài Thái Thơ Thanh trả lời :
- Tôi phải về trước để rước chư Hiền hữu.
 
Đức Phạm Hộ Pháp ngó ra ngoài thấy các vị Đại Đức đứng lao nhao lố nhố, đoàn ba lũ bảy, đến yêu cầu Ngài Thái Thơ Thanh cho họ nhập vào Cực Lạc Thế Giới.
 
Ngài Thái Thơ Thanh không cho ai vào cửa hết, làm Đức  Hộ Pháp động lòng, hỏi rằng :
-  Tại sao Anh không cho họ vào ?
 
Ngài Thái Thơ Thanh trả lời :
- Ngài không nhớ hồi đó chúng ta độ họ không đặng sao ? Nếu người nào không nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn thì không thể gì vào được, vì các đạo giáo đều bị bế, chỉ có Đại Đạo Chánh Truyền dưới quyền của Di-Lạc Vương tận độ thì mới vào được mà thôi, mà điều trọng yếu hơn hết là không có lịnh của Ngọc Hư Cung, tôi đâu dám cho họ vào. Nếu tôi cho vào, họ bị cây Giáng Ma Xử của Anh thì Anh nghĩ sao ? Không cho họ vào là cứu linh hồn của họ vì họ có công tu. Nếu cượng lại mà cho vào thì họ sẽ bị lửa Thái Cực trong chữ VẠN đốt cháy ra tro mạt, mình lại có tội nữa mà chớ.
 
Tốt hơn hết là để họ trở lại Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mà đợi thời gian, rồi họ sẽ tái kiếp tu hành, rồi về sau. Hữu duyên  mới gặp Tam Kỳ độ.
 
Đức Phạm Hộ Pháp ngó vào cửa Cực Lạc Thế Giới thấy chữ VẠN quay cuồng trông như cái chong chóng, hào quang chiếu diệu sáng ngời. Không có lịnh cho vào, mà chơn linh nào vào gần đó thì bị đốt tiêu ra tro mạt.
 
Nên thảm thương thay cho các vị Đại Đức đã dày công tu luyện mà khi về đến cõi Tây phương, chẳng đặng nhập vào cõi Cực Lạc Thế Giới.
 
Nên họ phát ra nhiều tiếng rên siết rầm rĩ, họ xúm nhau, đoàn năm lũ bảy, kẻ thì tụng kinh, người thì đánh chuông cầu nguyện, kẻ đánh mõ vang dậy.
 
Phần thì con Kim Mao Hẩu hả miệng nhăn răng le lưỡi rất dữ tợn, nên không vị nào dám đến gần cửa Cực Lạc Thế Giới.
 
Ấy là đúng theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn đã  tiên tri hồi mới  Khai Đạo năm Bính Dần (1926) : “ Các Đạo bị bế lại, thảm thương cho các con, tu có công mà thành chẳng đặng. Nếu không đi vào con đường Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì không thế gì nhập vào Cực Lạc Thế Giới cho đặng ”.
 
Chừng tới giờ Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ kéo cờ về tới cửa Cực Lạc Thế Giới, thì Ngài Thái Thơ Thanh, ngồi trên lưng Kim Mao Hẩu, tay cầm bửu kiếm, chỉ ngay chữ VẠN thì cửa Cực Lạc Thế Giới hóa ra to lớn rộng rãi vì chữ VẠN đã ngừng quay. Đức Hộ Pháp dẫn đầu đi vào trước, kế là những vị của Đại Đạo Tam Kỳ và Đức Lý Giáo Tông tiến vào, sau mỗi vị đều có dấu hiệu cờ cùng sắc phục khác nhau.
 
Lần lượt liên tiếp, Đức Lý Giáo Tông dẫn vào 9 ức nguyên nhân, chừng vào xong, kiểm soát lại, Đức Hộ Pháp nghe trong  Niết Bàn hô lớn lên rằng : Còn thiếu một ức nữa.
 
Đức Hộ Pháp vội vàng muốn trở lại trần gian  đặng độ tiếp cho đủ, thì có lịnh của Đức Chí Tôn phán rằng :
- Không hề chi đâu con, cửu nhị ức nguyên nhân  mới độ về có 9 ức, thì lần lượt sau cũng độ hết đặng.
 
Chừng nghe xong, Đức Hộ Pháp  mới yên lòng.
Nhưng còn nghe văng vẳng bên tai rằng: “ Phương pháp độ rỗi chỉ  khuyên lơn các chơn linh, dầu  Nguyên  nhân hay Hóa nhân, đoạt được chữ HÒA với chữ NHẪN, mới về cửa nầy được. Dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu luyện mà còn ganh ghét thì sẽ bị vào tay Chúa Quỉ, không trông mong gì về cùng Thầy được.”
 
Đến đây, Đức Hộ Pháp ghi nhớ tỉ mỉ, để rồi biên chép lại cho các Chức sắc Kim Biên xem và đem về Tòa Thánh Tây Ninh cho  Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh biết rõ tự sự.
Đức Ngài dạy sao ra nhiều bổn để lưu truyền đến ngày sau trau thân học Đạo.
 
PHỤ LỤC 2: Tờ Phúc sự của Hội Thánh gởi ông Chủ Trưởng Ủy Ban Điều Tra thuộc địa của Pháp.
 
Tờ Phúc sự của Hội Thánh
gởi ông Chủ Trưởng Ủy Ban Điều Tra thuộc địa của Pháp.
(song ngữ Pháp-Việt).
CAODAISME ou Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Bouddhisme renové 3è Amnistie de Dieu en Orient
Saint Siège de Tây Ninh
 
RAPPORT
adressé par le  SACERDOCE  CAODAIQUE
à M. le PRÉSIDENT de la Commission d’enquête
dans les Territoires d’Outre-Mer et sa traduction.
 
Le Sacerdoce Caodạste interrogé par vous sur la rénovation du système colonial français s’excuse tout d’abord d’être obligé de mêler un peu de mystique dans l’exposé de son point de vue; il s’en abstiendra néanmoins le plus possible de façon à toucher la masse des penseurs libres, et il les prie d’avance de lui concéder qu’une religion ne peut exister sans une croyance suprême.
 
Pour sa Défense, nous nous permettrons de rap- peler ici que des hommes dont la valeur philosophique n’a jamais été contestée, tels que Allan Kardec, Léon Denis, ont cru aux mystères de l’Au-delà; et si nous citons ces noms connus, c’est parce que ce sont ceux qui en Europe se sont le plus rapproché des Doctrines Bouddhistes que nous pratiquons.
 
Dans l’ignorance presque complète, où le monde vit, de ce que les humains deviennent après leur mort;
 
Bản dịch Việt văn của Hội Thánh :
ĐẠO CAO ĐÀI hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
 Phật giáo Chấn hưng Đại Ân Xá kỳ 3 của Thượng Đế ở phương Đông             
 Tòa Thánh Tây Ninh
TỜ PHÚC SỰ của Hội Thánh Đạo Cao Đài  gởi cho Ông Chủ trưởng Ủy Ban Điều Tra các Thuộc địa và bổn dịch văn.
 
Hội Thánh Đạo Cao Đài, nhờ Ngài hạch vấn, về duy tân chánh sách Thuộc địa Lang sa, xin trước kiếu lỗi cùng Ngài, chúng tôi buộc lòng phải đem pha lẫn điều bí ẩn huyền vi đạo giáo trong tố chương đã kiến thức : Hội Thánh sẽ nhận bỏ một đôi điều hầu có thể hiệp ý cùng các vị tự do tư tưởng và xin các vị ấy cũng nhường nhận cho rằng : chẳng hề khi nào một nền tôn giáo thành lập mà không có sự cực kỳ tín ngưỡng.
 
Muốn bênh vực nó, chúng tôi mạn phép xin nhắc đến những người mà giá trị triết lý không còn phương chi từ chối đặng : Tỉ như Allan Kardec, Léon Denis mà cũng còn tin tưởng những điều bí ẩn của cõi Hư Vô và nếu chúng tôi kể tên ra đây, là vì nơi cõi Thái Tây, duy các danh nhơn ấy thiên lệch những tôn chỉ của Phật giáo mà chúng tôi đang hành đạo.
 
Trong sự mơ màng hầu trọn, nơi cõi đời đang sống, nơi con người khi mãn phần thì phải thế nào, chẳng
 
quoi de plus défendable qu’une opinion discrète à la condition qu’elle ne tende pas à subjuger les autres.
 
N’est-il pas logique dans un monde où l’on a trop souvent l’occasion de voir les mauvais vivre heu- reux dans l’opulence, et les bons vivre dans la souf- france et dans la misère, de croire qu’un équilibre se rétablira au cours d’une autre vie ou de supposer que certains expient les fautes d’une vie antérieure ?
 

Notre conception de la justice, résultat de cet équilibre, se rassure à cette pensée; et si cet équilibre moral entre tous les êtres que nous appelons Justice, n’existait pas; çà n’est pas ce que nous voyons autour de nous dans la vie, qui aurait pu nous suggérer l’idée réconfortante de son existence.

Home       1 ]  [ ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét