Tiểu Sử và Lời Thuyết Ðạo Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang - 3 / 8

HUẤN TỪ CỦA ÐỨC THƯỢNG SANH
Ðọc trong buổi lễ nhậm chức Quyền Ðầu Sư của Ngài Bảo Thế
(Ngày 19 tháng Giêng năm Kỷ Hợi)

Kính thưa: - Chư Chức sắc lưỡng phái,
- Chư Chức việc và Ðạo hữu nam nữ,

Buổi lễ hôm nay là buổi lễ "nhận chức" Quyền Ðầu Sư của ông Bảo Thế, một vị thời Quân HTÐ vừa được HỘI-THÁNH Hiệp Thiên Ðài đề cử lãnh nhiệm vụ điều khiển ở Cơ Quan Hành Chánh Ðạo giúp cho HỘI-THÁNH Cửu Trùng Ðài làm tròn phận sự.


Tôi xin giải thích lý do của sự đề cử này:
Từ trước bên CTÐ nhờ có ông Khai Ðạo giúp sức. Ông Khai Ðạo đã hành sự với chức vụ Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, hiện tại ông lãnh phận sự cố vấn cho HỘI-THÁNH Cửu Trùng Ðài.

Nhưng vì quá bận rộn công việc, ông Khai Ðạo xin chấm dứt nhiệm vụ cố vấn trên đây để có thời giờ điều khiển và lo chỉnh đốn Cơ Quan Phước Thiện.

Vì đó HỘI-THÁNH Hiệp Thiên Ðài đề cử ông Bảo Thế đảm nhiệm Quyền Ðầu Sư với thẩm quyền rộng hơn chức Cố Vấn để cho công việc Cửu Trùng Ðài được tiến triển tới chỗ hoàn hảo.

Ông Bảo Thế là một vị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài đã hành sự thâm niên nơi Tòa Thánh, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu tình hình Ðạo, đủ sáng suốt nhận định cũng như đủ công tâm phục vụ và đã từng giúp sức đắc lực cho HỘI-THÁNH trong thời kỳ đã qua. Có lẽ toàn thể Chức sắc lưỡng phái cũng đồng nhận thức điều nầy, vì vậy tán dương tài đức và công nghiệp của ông là một sự thừa.

May thay, trong lúc nội bộ cần phải được cải tổ, trong lúc hành chánh Ðạo cần phải chấn chỉnh để cho nền chánh giáo được thuần túy hơn và có đủ năng lực phổ độ nhơn sanh theo Thánh giáo của Ðức Lý Ðại Tiên đêm 17/10/Ðinh Dậu, ông Bảo Thế không nệ khó khăn lao nhọc, sẵn lòng đáp theo tiếng gọi của HỘI-THÁNH Hiệp Thiên Ðài, chịu ra gánh vác một trách nhậm nặng nề để giúp cho HỘI-THÁNH HTÐ cầm vững giềng mối Ðại Ðạo và Cửu Trùng Ðài làm tròn phận sự. Ðó là một thiện chí tuyệt đối, một hy sinh cho chủ nghĩa thương đời vậy.

Hướng về hạnh phúc của nhơn sanh và nhơn danh HỘI-THÁNH Hiệp Thiên Ðài, tôi xin đề cao tinh thần phục vụ của ông Bảo Thế.

Nói đến hạnh phúc của nhơn sanh, tôi có lời tâm huyết cùng toàn thể Chức sắc lưỡng phái: Người trên đã vì nhơn sanh mà phục vụ thì cấp dưới cũng vì nhơn sanh mà hết lòng hưởng ứng giúp sức, khép mình vào khuôn viên kỷ luật để cho trên thuận dưới hòa, cùng nhau góp công chung trí hầu đem lại một thắng lợi vẻ vang cho nền chánh giáo.
Chánh phủ VNVH phúng điếu tang lễ Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang tạ Tòa Thánh. 

Ðời còn nhiều đau khổ thì trách nhiệm của người hành Ðạo còn lắm nặng nhọc. Những vị cầm quyền Ðạo lại còn phải chịu lao tâm tiêu tứ nhiều hơn nữa để san bằng những nỗi khó khăn phức tạp, làm cho trong vui ngoài đẹp, cơ Ðạo mới được êm ấm điều hòa, tiến triển vững vàng, nêu cao ngọn cờ cứu khổ.

Cái quyền chỉ huy ấy phải được triệt để ủng hộ, kính nể, trật tự mới phân minh, mối giềng mới chặc chẽ, người cầm quyền mới có thể bảo thủ uy danh của Ðạo, trụ vững tinh thần để điều khiển dìu dắt con cái của Ðức CHÍ-TÔN Ðại Từ Phụ đi trọn vẹn trên đường Thánh Ðức.

Rốt cuộc lại thì anh lớn, em nhỏ đặt quyền lập pháp chi chi cũng để hướng về hạnh phúc của nhơn sanh và tiền đồ đại nghiệp của Ðạo. Vậy kể từ ngày nay ông Bảo Thế chánh thức nhận chức Quyền Ðầu Sư Cửu Trùng Ðài do Ðạo lịnh số 15 ngày 11 tháng Giêng năm Kỷ Hợi.

Tôi thành tâm cầu nguyện Ðức CHÍ-TÔN, Ðức PHẬT-MẪU các Ðấng Thiêng Liêng ban ơn giúp sức cho ông làm tròn nhiệm vụ và yêu cầu toàn thể Chức sắc, Chức việc lưỡng phái hết lòng ủng hộ và giúp đỡ ông trong trách nhậm nặng nề mà ông được giao phó./.
THƯỢNG SANH HIỆP THIÊN ÐÀI

DIỄN TỪ của Ðức THƯỢNG SANH
Ðọc tại ÐỀN THÁNH sau khi cúng lễ Chung Niên đêm 23 tháng Chạp KỶ HỢI

Kính thưa Chư Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Nam Nữ,
Một năm đã hầu mãn, hôm nay là buổi lễ cúng Tất Niên. Rồi đây chúng ta sẽ tạm nghỉ ít ngày để đón Xuân, cái Xuân nồng nàn xinh đẹp của võ trụ mà cũng là cái Xuân tươi thắm của người ở thế gian, một dịp thay cũ đổi mới gieo vào lòng nhân thế biết bao hy vọng để phấn khởi trên đường nhiệm vụ tương lai.

Nhưng cái Xuân của trời đất thì qua lại thay đổi không ngừng, Xuân mãn rồi Xuân về, năm tàn rồi năm khác đến. Còn cái Xuân của người thì chỉ có một thời, cứ đến trong một lúc rồi thoát qua mà không còn trở lại nữa.

                       Có khác nào:
Xuân tàn xơ xác trăm hoa rụng,
Thềm cũ nhành trơ bóng nguyệt tà.

Nghĩ đến sự ngắn ngủi của kiếp nhơn sanh có nhiệm vụ trong cửa Ðạo, không khỏi băn khoăn lo sợ khi tự khỏi lấy mình:
TA CÓ THẤT LỜI TUYÊN THỆ VỚI ÐỨC CHÍ TÔN CHĂNG?
TA CÓ LÀM CHI GIÚP ÍCH CHO ÐẠO CHƯA?
TA CÓ ÐEM CÔNG QUẢ ÐỂ CHUỘC CÁC ÐIỀU LẦM LỖI CỦA TA TRONG ÐỜI SỐNG HIỆN TẠI CHƯA?

Tự hỏi lấy mình rồi, nếu là người biết phục thiện, có công tâm đối với nghĩa vụ, tất nhiên phải xung xăng bước tới trên đường lập vị, không còn chần chờ nữa, vì ngày tháng sẽ thoát qua và sẽ bỏ rơi ta lại với một mớ tuổi chập chồng với một thân hình gầy yếu và một sự rên xiết đau thương. Bao nhiêu nguồn tinh lực hăng hái của tuổi xuân sẽ bị cuốn mất theo giòng thời gian của võ trụ.

Ngày qua thật đáng tiếc, nhất là khi sức đã mòn, tâm trí đã cằn cỗi mà công nghiệp đối với Ðạo và nhơn sanh vẫn còn là một con số không thì dầu có ân hận bao nhiêu cũng chỉ vô ích mà thôi. Tôi nhớ lại một bài Thánh giáo của Ðức CHÍ TÔN trong ngày đầu năm Kỷ Tỵ (10/2/1929) và xin trích lục một đoạn sau đây:

"Ôi! Xuân tàn rồi Xuân đến, cái Xuân của người đã rấp lụn hao mà rồi cái Xuân của trời đất nước non cũng chưa chắc là vô cùng tận. Các con nếu biết chịu khổ tâm, biết dày vò tình thế, biết chịu kém sút trong nẻo lợi đường danh, biết chịu thiệt mình mà đặng cho kẻ khác, biết đổ lụy để cho kẻ vui cười, biết nhọc nhằn trong kế sinh nhai, biết giữ tâm trí cho thanh bạch, đừng nhơ bợn của chẳng nên dùng, biết động mối từ tâm, thương người hơn kể mình thì là các con được tắm gội hồn trong mà về cùng Thầy đó. Nét nào chưa vẹn, khá biết sửa lần chớ nên trì hưởn."

Nếu mỗi Chức sắc, mỗi Ðạo hữu đều để tâm làm y theo lời của Ðức CHÍ TÔN thì chẳng những Ðạo phát triển và cao vọi tột mây xanh mà nơi nào có bóng cờ của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, nơi đó là cảnh Thiên đàng tại thế vậy.

Trải qua 35 mùa Xuân, mặc dầu Ðạo đã tiến bước ít nhiều nhưng chưa được theo ý trông đợi của Ðức CHÍ TÔN. Là vì đối với Ðại nghiệp của Ðạo, dầu cho Chức sắc của Hội Thánh có thiện chí xây dựng thế nào mà bao nhiêu người khác không phụ lực tô điểm, không đi đúng nhịp nhàng thì cũng không dễ đoạt mức thành công được.

Toàn thể Chức sắc Thiên phong phải chung lưng đâu cật, đồng tâm hiệp trí, vứt bỏ bản ngã, lấy danh dự Ðạo làm trọng, hết sức phụng sự nền Chánh giáo thì bước đường mới được êm ấm, khúc nhạc mới linh động điều hòa, chiếc thuyền từ mới vững lái êm dòng lo vớt khách trầm luân nơi vùng khổ hải.

Ðạo là tình thương, một tình thương bao la không bờ bến.
Có thương chúng ta mới phục vụ cho nhơn sanh, mới vùi thân khổ hạnh để rèn trau đức tính dìu dắt nâng đỡ lẫn nhau. Ðược vậy, chúng ta mới có đủ minh mẫn, đầy chí vị tha để đưa người từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ chỗ dữ tới chỗ hiền, và nhờ đó chúng ta mới đoạt thủ công trạng phi thường trên trường thi công quả.

Thương người như thế tức là thương mình đó. Chí ư thương mình theo đời phù phiếm xa hoa tức là để cho dục vọng lôi cuốn theo mồi danh bả lợi, thâu của hoạnh tài làm điều phi nghĩa đễ rồi sa vào cảnh trụy lạc vướng lấy tội tình, rốt cuộc thân thể bị đọa đày nơi hang sâu vực thẳm.

Ðó chẳng phải là thương mình mà thật là mình tự ghét mình vậy. Trên bước đường lập vị, có khi quá khiếm khuyết về vật chất, quá khổ đau vì đời sống vất vả thất thường, người tu hành có thể than khóc và rối loạn tinh thần. Nhưng tin tưởng nơi lòng yêu thương của Ðức CHÍ TÔN Ðại Từ Phụ và nơi tấm thạnh tình chia vui sớt nhọc của các bạn đồng thuyền, người đau khổ cũng tự an ủi được vì ở trong cảnh ngộ đó cũng chưa phải là quá thất vọng chán nãn đưa đến chỗ bán đồ nhi phế bỏ dở hành trình.

Có khi đó là một cuộc thử thách, một giai đoạn nhồi nắn của cơ Thiêng liêng để cho người hy sinh vì Ðạo trở nên một đấng phi thường đáng làm tôi tớ Ðức CHÍ TÔN trên đường giải thoát cho nhơn loại. Ðức CHÍ TÔN đã dạy: "Các con phải chịu thiệt mình để đặng cho kẻ khác vui cười, tức nhiên con đường đau khổ là con đường độc nhất của người tu hành phải trải qua mới bước đến tận nơi bờ giác."

Chúng ta được sống trong vòng đạo đức nghĩa nhơn dưới bóng yêu thương của Ðức CHÍ TÔN Ðại Từ Phụ, một đời sống của kẻ lánh giả tầm chơn, tuy đạm bạc trong bửa muối dưa nhưng nồng nhuộm nét trong sạch thanh cao, chúng ta thử ngó lại ngoài mặt xã hội còn biết bao nhiêu người xấu số cơ cực bần hàn, bếp trưa vắng khói, áo mỏng đêm đông, vất vả lầm than, mưa chiều nắng sớm, không được một lời an ủi, không một ý nghĩa về kiếp sống thừa, thì cái đau khổ về hình thể lẫn tinh thần của hạng người ấy mới thật là đáng thương xót.

Ngày nào Ðạo Cao Ðài có đủ phương tiện cứu vớt tất cả những kẻ xấu số nói trên đem nhường cơm, chia áo, dìu dắt nhủ khuyên đưa họ đến tận nơi Ðạo Ðức dưới bóng từ bi thì mục đích cứu khổ của Ðạo mới vẹn toàn theo ý muốn của Ðức CHÍ TÔN Ðại Từ Phụ.

Năm cũ hầu tàn, cúng buổi lễ tất niên tôi có ý bàn bạc với quý Hiền huynh, Hiền tỷ, quý bạn về tình yêu thương của Ðạo để gợi lại trong tâm trí của mỗi vị một yếu tố căn bản mà Ðức CHÍ TÔN thường dạy phải dùng làm phương châm trên đường phổ độ.

Một năm qua, Hội Thánh đã gắng công làm việc để đem lại sự hòa nhã an vui cho nền Ðại Ðạo. Phận sự nhiều lúc quá nhọc nhằn phức tạp mà chúng ta vẫn tương đắc trong tinh thần kỹ luật và trong sự hiểu biết lẫn nhau.

Vậy tôi để lời cám ơn toàn thể Chức sắc lưỡng phái C.T.Ð. Phước Thiện. Tôi mong ước qua năm Canh Tý, Chức sắc và Chức việc đều gắng sức nhiều hơn nữa để nâng cao thêm tinh thần Ðạo Ðức và đem lại kết quả tốt đẹp cho Cơ phổ độ.

Trên bước đường hành sự, chúng ta phải làm thế nào cho Ðạo đời tương đắc, nhứt là giúp ích cho quê hương xứ sở về mặt tinh thần, lo giáo hóa nhơn sanh tiến tới đường đạo đức, làm lành lánh dữ, mến chuộng công lý, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau đặng cùng xây dựng hạnh phúc chung cho đồng bào, chúng ta mới cộng hưởng cảnh thái bình an cư lạc nghiệp.

Trước khi dứt lời, tôi cầu xin Ðức CHÍ TÔN, Ðức PHẬT MẪU ban hồng ân cho toàn thể Chức sắc, Chức việc C.T.Ð. cũng như Phước Thiện và toàn cả Ðạo hữu Nam Nữ.

Sau nữa, thay mặt cho Hội Thánh H.T.Ð., tôi cầu chúc cho mỗi vị đầy đủ sức khỏe, được hưởng một cái Tết vui tươi êm dịu trong cảnh sum họp gia đình và trong vòng thân ái của bạn bè quyến thuộc./.
TM. HỘI THÁNH HIỆP THIÊN ÐÀI
THƯỢNG SANH

Thuyết về LUẬT NHƠN QUẢ
NHÂN VÍA ÐỨC PHẬT THÍCH CA (Ngày 8/4 Tân Sửu)

Phật Giáo gọi tất cả những thú vui trên đời là Dục Lạc, tức là nguồn gốc của đau khổ.

Vậy muốn hạnh phúc thật, con người không nên chạy theo dục lạc mà phải diệt trừ dục lạc. Trước hết sự tiêu diệt dục lạc phải bắt đầu từ phép TRI TÚC. TRI TÚC là bằng lòng với những gì mình đang có, mình có thể có với sức của mình và trong phạm vi đạo đức.

Người tri túc thì dầu nằm trên đất cũng cho là sung sướng, người không biết tri túc dầu nằm trên đống vàng vẫn thấy chưa đầy đủ.

Vì bởi không biết tri túc, không cượng nỗi với lòng ham muốn cho nên người ta chạy theo dục lạc, làm điều bất chánh gây ra tội lỗi dẫy đầy.

Sự hành động của ta là NHÂN, tức là NGUYÊN NHÂN, sự báo ứng hay là kết quả của hành động đó tức là QUẢ.

LUẬT NHÂN QUẢ là một LUẬT THIÊNG LIÊNG, CÔNG BÌNH không ai dưới thế nầy thoát ra khỏi luật ấy được.
NHÂN QUẢ do nơi chữ Phạn "KARMA" có nghĩa là cái nghiệp hay là hành động.
Khi ta có hành động gì, đó tức là KARMA.
Chúng ta tụ họp nhau để dâng lễ Ðức CHÍ TÔN, đó là chúng ta tạo ra một hình thức KARMA.

Khi chúng ta nói chuyện, khi chúng ta giận hờn, thương xót ai hay ghét ai, hoặc tính mưu định kế chi, đó là chúng ta tạo ra KARMA.
Vì lẽ, khi ta làm một việc gì, ta phải tiêu phí đi một ít nghị lực, sự làm của ta gây một phản động hay là một kết quả tương đương và người hành động phải hứng chịu kết quả đó.

LUẬT NHƠN QUẢ cũng gọi là LUẬT ÐIỀU HÒA hay là LUẬT CÔNG BÌNH, và nếu người ta có hành động nào bất chánh làm cho mất sự điều hòa của Ðạo lý hay là mất sự công bằng thiêng liêng (ví dụ gạt người lấy của, thâu đa nạp thiểu, hại người để lợi cho mình, ỷ thế hiếp cô, mưu mô để làm việc bất chánh v.v...) thì Ðấng Tạo Ðoan sẽ lập lại sự thăng bằng, đem một cái quả để báo ứng vào kẻ đã phạm pháp cho đúng theo Luật quân bình của Trời Ðất.

Bởi đó, mọi sự sanh ra trong đời của chúng ta đều phải có một nguyên nhân kết cấu mà ra.
Cái đời sống của ta hiện giờ giàu sang hay nghèo hèn, liền lạc hay tật nguyền, xinh đẹp hay xấu xa, được yêu vì hay bị ngược đãi, an vui hạnh phúc hay lắm chịu thiên ma bách chiết, cũng đều do ta gây nhân ở tiền kiếp.

Cái nhân ở kiếp trước đã định vận mạng cho kiếp này thì ở kiếp này ta cũng có thể gây những nhân lành để định vận mạng ta ở kiếp vị lai. Thành thử tự ta cả tạo đời sống của ta chứ không có một Ðấng Thiêng Liêng nào định mạng cho ta cả. Buồn vui, cực sướng là do hành vi của mình tạo ra, hễ gây nhân lành thì trả lại quả vui, gây nhân ác thì trả lại quả dữ, trồng hoa được hoa, trồng đậu được đậu, chính ta định vận mạng cho ta mà thôi.

Ví dụ cờ bạc gây ra cái quả thiếu hụt, nợ nần, vì thiếu hụt phải lường gạt hay trộm cắp; trộm cắp gây ra cái quả lao tù. Bây giờ bỏ dứt sự cờ bạc, lo làm ăn lương thiện thì tất nhiên phải được an thân, khỏe trí. Phật Giáo dạy rằng: "Nhất thiết do tâm tạo," nghĩa là tất cả đều do lòng người tạo nên. Người ta tự tạo cho mình từ sự đau khổ hoặc sự hạnh phúc cho đến ngôi vị Tiên Phật chi chi đều do nơi lòng mình cả thảy.

Vì vậy, trăm ban vạn sự trên thế gian nầy đều có nguyên nhân chớ chẳng phải tình cờ mà chẳng phải do một định mạng nào cả. Tự ta làm cho đời ta phải khổ, ta tự trói buộc vào vòng luân hồi thì ta phải tự tháo mở, tự giải phóng cho ta vậy.

Có nhân quả tức là có luân hồi. Vậy LUÂN HỒI là gì? LUÂN nghĩa là bánh xe, HỒI nghĩa là xoay tròn. LUÂN HỒI tức là bánh xe xoay tròn không manh mối, không thủy chung.

ÐỨC PHẬT THÍCH CA thấy chúng sanh cứ sanh rồi chết, chết rồi lại sanh, cứ mãi bị trói buộc trong vòng sanh tử để trả nghiệp quả không thể thoát ra khỏi nên gọi là LUÂN HỒI.

Giờ đây hiểu thấu cái nguyên nhân của sự VAY TRẢ ở cõi đời, tự nhiên ta nhận thức tại sao mà ta sanh ra ở cõi thế, ta từ nơi nào mà đến vậy và đến đây để đi về đâu? Tại sao con người phải khổ đau? Phải rên siết?

Kinh nhơn quả có nói: "Dục tri tiền thế nhân kim sanh thọ giã thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị." Nghĩa là muốn biết nhân đời trước xem kết quả đời này, muốn biết kết quả đời sau xem nguyên nhân đời hiện tại.

Mỗi người đều mang vào thân cái quả hay là nghiệp hoặc nhiều hoặc ít. Nếu trong kiếp sanh chúng ta vừa trả quả tiền kiếp vừa tạo nhân lành cho kiếp sau, nghĩa là mỗi người dầu ở trong hoàn cảnh nào đều giữ lòng công bình chơn chánh, thương người mến vật, khắc kỷ tu thân thì trên đời gió bụi này đâu còn trông thấy những cảnh trạng đau thương khốc hại nữa.

Luật nhân quả vẫn mầu nhiệm sâu xa. Có khi nhân ở kiếp trước sanh ra quả đời này, có khi nhân ở kiếp nầy sanh ra quả ở kiếp sau.

Các nhân quả ấy xen lộn hoặc nhập lại thành cái thân tâm và cảnh giới của con người để sắp đặt cuộc thành bại, hư nên, họa phước của mỗi cá nhân một cách công bình mực thước.

ÐẠO LÃO gọi Luật Nhân Quả là CẢM ỨNG. CẢM có nghĩa là xúc, là động hay là hành động. ỨNG nghĩa là đối đáp, dội lại hay là phản động. CẢM ỨNG nghĩa là có sự hành động trước rồi mới có cái sức dội lại hay là sự phản động sau.

Kinh CẢM ỨNG của Ðức THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN khởi đầu như vầy:
"Họa phước vô môn duy nhơn tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình".

Nghĩa là điều họa hay phước không có ngõ nhứt định, chỉ tại người tự dời đến cho mình, sự dữ lành hai lẽ báo ứng tỷ như cái bóng đi theo cái hình vậy.

Theo kinh CẢM ỨNG, con người thở ra thở vô, hơi thở đều có thông đồng với khí hư vô của Trời, cho nên niệm tưởng vừa phát động tuy người phàm không hay chớ Trời đã rõ thấu.

Vì vậy Ðức THÁI THƯỢNG dạy rằng: Trong lòng vừa khởi tưởng đến việc lành, việc lành tuy chưa làm mà vị thần lành đã theo mình, hoặc trong lòng vừa khởi tưởng đến việc dữ tuy chưa làm ra mà vị thần dữ đã kế bên mình (Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi kiết thần dĩ tùy chi, hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi).

Ông TRANG TỬ nói rằng: Nhứt nhựt bất thiện niệm, chư ác giai tự khởi; Một ngày không tưởng đến việc lành, thì mọi việc dữ đều tự nó dấy lên.

NHO GIÁO cũng có luận về luật BÁO ỨNG y như LUẬT NHÂN QUẢ.

Ðức KHỔNG TỬ dạy rằng: Vi thiện giã thiện báo chi dĩ phước, vi bất thiện giã thiện báo chi dĩ họa, Nghĩa là: Kẻ làm điều lành thì Trời lấy phước mà trả cho, kẻ làm điều chẳng lành thì Trời lấy họa mà trả cho.

Lại nữa, Ðức KHỔNG TỬ có dạy một lời thiết thực đáng ghi nhớ là khi Ngài đau, Thầy Tử Lộ xin phép khẩn đảo. Ngài hỏi xưa có làm như vậy chăng? Thầy Tử Lộ trả lời: Thưa có vậy, vì trong Văn Lễ có nói: Ðảo nhỉ vu thượng hạ thần kỳ. Chúng tôi khẩn đảo các Ngài là Chư Thần trên Trời và dưới Ðất. Ðức KHỔNG TỬ mới nói: Khâu nầy đã khẩn đảo lâu rồi, vì bình nhựt thấy lỗi thì cải ngay, thấy lành thì dời ngay. Ðó là ta khẩn đảo thường thường nào phải chờ đến ngày nay đâu?

KINH THƠ dạy rằng: "Thiên tác nghiệt du khả vi, tự tác nghiệt bất khả hoại". Trời xuống họa còn có thể tránh, tự mình gây họa thì không thể sống nỗi.

Ấy vậy, chúng ta đã học Ðạo thì phải tin LUẬT TRỜI rất công minh, lành dữ báo ứng một mảy không sai chạy.

ÐỨC CHÍ TÔN có dạy trong những bài Thánh giáo năm Bính Dần (1926) như sau đây:

"Thầy đến để độ rỗi cho các con là lập thành một trường công quả cho các con nên Ðạo. Vậy đắc Ðạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi đường nào khác mà đắc Ðạo bao giờ. Các con không tu, không tự lập ở cõi thế này là cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẫm các con mà đỡ lên cho đặng. Các con làm một việc phải tức là do nơi ý Trời, phạm một nét vạy tà là cải nơi Thiên Luật, phải quấy Thần Thánh, chỉ chép biên, thưởng phạt duy đợi ngày chung cuộc."

Là người trong cửa Ðạo, chúng ta nên gắng lập công bồi đức, gây nhân lành, tránh quả dữ để cho đời tu hành được trong sạch thanh cao mới chẳng uổng một kiếp sanh may duyên gặp Ðạo.

Ðời người qua thắm thoát, thoạt còn thoạt mất như vầng mây nổi, như giọt sương tan. Những cảnh ruột đứt châu rơi hằng diễn ra để đày đọa vày bừa con người giữa chốn sông mê biển khổ. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện, phải hồi tâm cải hóa, phải gắng công tu và chỉ có sự tu hành chơn chánh mới giúp ta cởi mở các dây oan trái, chuộc tội tiền khiên để đi trọn vẹn trên đường giải thoát./.
THƯỢNG SANH

LƯƠNG TÂM
Ðêm 14 Tháng Giêng Nhâm Dần tại Ðền Thánh (1962)

Tâm hay là Lương Tâm là một vấn đề mà về mặt Ðạo người ta đã có nhiều bàn luận và có nhiều lý thuyết, nhưng đem những lý thuyết ấy ra thực hành thì ít ai có thể làm được.

LƯƠNG TÂM là gì?

Lương Tâm là một nguồn sáng thiêng liêng, một điểm linh quang của Trời ban bố cho con người để khuyên lơn dìu dắt và soi sáng bước đường đời cũng như đường Ðạo của mỗi cá nhân trong kiếp sanh. Dầu cho Thần Thánh Tiên Phật khi xuống thế mang xác phàm, thì buổi chung qui được thưởng hay phạt, đọa hay thăng đều do nơi Tâm cả, và con người được tánh linh hơn muôn vật là nhờ có Lương Tâm vậy.

Nên để ý là trong các đẳng cấp nhơn sanh, người dầu sang hay hèn, Thánh nhân hay là Phàm nhân cái Lương Tâm của Thiêng liêng ban cho đều có sự sáng suốt ngang nhau không khi nào chênh lệch.

Vì lẽ đó, nếu mỗi người ai cũng theo Thiên lý mà tu dưỡng và hành động thì cả thảy đặng được trọn lành.

Xưa thầy Nhan Hồi đã nói: Vua Thuấn là người nào, ta là người nào. Ai theo Ðạo mà làm thì cũng thế cả.

Tâm được sáng suốt mãi hay là trở nên mờ tối là do nơi con người biết nuôi nấng nâng cao nó lên hay là đàn áp làm cho nó bị che lấp mất.

Tâm ở nơi con người là một vị thần hộ mạng, là tiếng nói của lẽ phải, tiếng nói của thiên lương, của chơn lý, tức là tiếng nói của Trời.

Khi con người bị cám dỗ vào đường bất chánh, bị lôi cuốn theo sắc dục hoặc lợi quyền thì Lương Tâm chực sẵn để cản ngăn bằng những lý lẽ cao siêu. Vì đó có sự phản ứng, có tiếng đối lập với dục vọng, tức là với tà thần.

Cứu cánh của sự xung đột giữa LƯƠNG TÂM và DỤC VỌNG có khi Lương Tâm đắc thắng, đó là Thánh đức thắng tà thần, có khi ta quá nhu nhược, thiếu đạo đức để cho dục vọng đàn áp lương tâm, tức nhiên ta phải sa ngã vào đường tội lỗi. Ðó là tinh thần chịu khuất phục vật chất.

Một lần sa ngã cũng chưa phải hại lớn, ngặt nỗi cái sa ngã này lôi cuốn cái sa ngã khác, thất tình lục dục luân phiên nhau đưa đẩy ta đi đến mức đường cùng tối tăm ô trược, là vì ngọn đèn thiêng liêng ở nơi mình đã không khêu lên lại làm cho nó bị lu mờ và đàn áp cho đến chỗ bế tắc, thì con người lúc ấy đã mất trọn cả Lương Tâm, và kiếp sống như thế trở nên nguy hiểm cho xã hội.

Về mặt Ðạo đối với người đã tầm được lý tưởng nhiệm mầu, cái tâm cần phải giữ cho trong sạch, cần phải được nuôi nấng và nâng cao. Tôn chỉ đạo là khêu ngọn đuốc thiêng liêng để dìu đời thoát tục, nếu Tâm không đủ sáng suốt, không nhận định chánh tà, chính mình không tự kềm nỗi với vật dục thì thế nào đi vững bước đường tu để độ chúng?

Trước khi nhập Ðạo ta đã từng quan sát, tìm hiểu lẽ sâu xa của Cơ Ðạo và quan niệm cái thống khổ của cuộc đời. Rõ biết rồi ta dọn mình lập ý cho thành, tâm cho định mới đến khắc kỷ tu thân.

Khi người tu đã có sẵn chí hướng đi từ bước một, mỗi bước mỗi dè dặt cân phân và nên mãi đinh ninh rằng người nơi cửa Ðạo phải quyết tâm ra khỏi lối thường tình, tức là phải đi ngược với thế sự...

Ðời chuộng vinh sang, Ðạo chuộng khổ hạnh, đời ham trược phú, Ðạo giữ thanh bần, lên xe xuống ngựa chốn phồn hoa đổi lại cảnh lê hoát nâu sồng, nơi cửa Ðạo tương dưa thanh đạm tháng ngày, để mặc miếng mỹ vị cao lương ngoài quán tục.

Giữ được bao nhiêu đức tính ấy, người hành đạo bước được vững vàng, không dục vọng nào lôi cuốn nỗi.

Theo THÍCH GIÁO- người tu phải trau dồi bản tâm được sáng suốt đặng biết rõ được lẽ nhiệm mầu của Ðạo pháp, các điều vọng niệm phải tiêu tan, sống ở chơn tâm tức là MINH TÂM KIẾN TÁNH. Ví bằng bản tâm để cho mờ ám vọng động bởi sức quyến rũ bên ngoài thì người tu còn ở trong vòng mê muội không trông gì tầm lối giải thoát.

Vậy mê là chúng sanh, ngộ là Phật, bởi cái Tâm quá nông nổi nên Phật giáo cho là TÂM VI TẶC tức là Tâm ví như tên giặc loạn. Vì lẽ cái Tâm tạo thành tam nghiệp: THÂN NGHIỆP, Ý NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP làm cho con người bị luân hồi từ kiếp nầy đến kiếp khác, kế tiếp không ngừng, Tâm làm cho người phải sa đọa mà Tâm cũng đưa người đến ngôi vị Tiên Phật, do đó Phật giáo cho là nhứt thiết do TÂM ÐẠO.

Theo triết học của ÐẠO GIÁO thì Ðức LÃO TƯ rất chú ý đến việc tu thân để cho mình có đủ đức tính kéo lại những lỗi lầm sa ngã của quần chúng. Ngài nói: Ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân, nếu không có cái thân thì ta có lo gì.

Có thân là có cái Tâm, có cái Tâm không dễ gì điều khiển và gìn giữ cho trong sạch. Theo thuyết của Ngài, cái thân đáng quí là khi đem nó ra phụng sự cho thiên hạ, vì khi phụng sự cho thiên hạ thì cái Tâm không còn xao xuyến, ích kỷ để lo riêng cho mình nữa.

Cái TÂM hay lừa đảo, làm cho con người sa ngã, nên theo phép tu thân của LÃO GIÁO, người tu phải dứt bỏ những điều ham muốn, những tư tưởng ngông cuồng có thể hại đến tâm tánh. Phải sống gần gủi với thiên nhiên, lánh xa thế tục, giữ lòng được phẳng lặng, bình tĩnh để trông rõ sự huyền diệu thiêng liêng, tức là lấy cái TÂM đè nén cái khí để nuôi nấng tinh thần được cao siêu thoát tục.

KHỔNG GIÁO cho rằng TÂM là thần minh của Trời phú cho, nên TÂM của ta với Trời là một thể, THẦY MẠNH TỬ lại cho tánh là cái bản nguyên thiêng liêng đối với TÂM vẫn có một, hễ biết rõ Tâm thì ta biết rõ Tánh, biết rõ Tánh là biết rõ Trời Ðất vạn vật, tức là cách vật trí tri vậy.

TỒN TÂM DƯỠNG TÁNH là giữ cho còn cái TÂM HƯ LINH của mình, nghĩa là đừng để cho tư ý che lấp mất và nuôi cái TÁNH cho được sáng suốt toàn hảo như của Trời đã ban cho ta, tức là thờ Trời đó.

Cái bản TÂM giữ được còn mới thật là LƯƠNG TÂM, có LƯƠNG TÂM mới có LƯƠNG NĂNG và LƯƠNG TRI là cái giỏi biết rất tự nhiên, rất mẫn huệ.

Theo thuyết KHỔNG GIÁO, người ta ở đời phân biệt nhau ở nơi quân tử hay tiểu nhân. Hiền hay ngu là do người ta giữ cho còn cái Tâm hay là để cho mất cái Tâm, giữ cho còn cái TÂM là sánh được với bậc THÁNH HIỀN, bỏ mất cái TÂM, con người chỉ là một cây thịt biết đi, biết chạy mà thôi.

Thầy MẠNH TỬ chú ý nhứt về chỗ tìm lại cái TÂM của mình đã để sổ ra mất, vì lẽ con người ta để con gà, con chó sổ ra còn biết đi tìm, há đâu để món báu thiêng liêng là cái tâm của mình mất đi, lại không lo tìm lại hay sao?

Tìm lại cái tâm đã mất tức là TU THÂN vậy, sự tu thân sửa mình rất nên cần yếu, dầu cho bậc vua chúa dĩ chí thứ dân ai cũng lo sửa mình cho ra người có đức hạnh hầu xử sự cho hợp với lẽ phải.

Ngày nay chúng ta rất may duyên được Ðức CHÍ TÔN dìu dắt vào nền ÐẠI ÐẠO, chúng ta nên gắng công trau giồi bản tâm hầu nâng cao danh thể Ðạo và thức tỉnh những kẻ sái bước lạc đường.

Người hành Ðạo phải làm gương mẫu cho nhơn sanh, phải nuôi nấng kềm chế cái tâm cho được thanh cao trong sạch khác hơn người ở mặt đời.

Ðối với những người chưa nhập Ðạo, chúng ta chịu kém về phần học thức, về tiền bạc, về cách phục sức và cả hình thức bên ngoài. Nhưng chúng ta nhứt định không chịu kém về phần TÂM ÐẠO, về Hiền Từ và Ðức Tính.

Sau khi so sánh, nếu chúng ta tự hỏi mình và đã nhận thức là chúng ta chưa hơn họ về mấy điểm vừa kể qua thì chúng ta phải cố gắng trau giồi cái tâm cho đến khi đạt được mức cao siêu hơn thường tình thì ta mới chịu cho. Ðó là chí hướng tối cần cho người tu hành.

Trong khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta họp nhau nơi ÐỀN THÁNH để chiêm ngưỡng, thử hỏi chúng ta dâng lên cho Ðức CHÍ TÔN cái chi gọi là quí báu nhứt của chúng ta? Thì chúng ta chỉ dâng lên cho ÐẠI TỪ PHỤ cái TÂM của chúng ta mà thôi, ngoài cái TÂM ra chúng ta không dám dâng món chi khác, vì tất cả đều là thường tình và phàm tục. Nhưng cái TÂM phải thế nào mới đáng được dâng lên cho Ðức CHÍ TÔN. Ðiều đó mỗi người trong chúng ta đều có thể tự xét mà tự giải quyết được.

Riêng tôi... tôi thiết tha cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN giúp sức Thiêng Liêng cho toàn thể Chức sắc và Quý bạn trau dồi BẢN TÂM được minh mẫn trong sạch, để được xứng đáng dâng lên Ðức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU./.
CAO THƯỢNG SANH

HUẤN TỪ
ỦY LẠO CHỨC SẮC H.T.Ð. và CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN
Ngày 16 tháng Giêng Nhâm Dần (1962)

Tại Văn Phòng PHƯỚC THIỆN TRUNG ƯƠNG
Kính Chư Chức Sắc Lưỡng phái C.T.Ð.
Kính Chư Chức Sắc Nam Nữ PHƯỚC THIỆN,

Hôm nay là ngày nhóm họp thường niên mà cũng là buổi họp đầu tiên năm Nhâm Dần của Chức Sắc Cơ Quan PHƯỚC THIỆN, toàn thể Hội Thánh H.T.Ð. đến dự buổi họp nầy, tiếc vì Ngài KHAI ÐẠO ngọa bịnh phải đi điều trị tại Sài Gòn nên vắng mặt nơi đây. Tôi xin toàn hội để một phút yên lặng đồng đứng dậy cầu nguyện cho Ngài KHAI ÐẠO được chóng bình phục.

Ðó là nhờ nơi thiện chí của Chức Sắc Ban Cai Quản, nhờ nơi sự hưởng ứng của toàn thể Chức Sắc PHƯỚC THIỆN Trung ương cũng như ở Ðịa Phương và cũng nhờ nơi sự tham gia trực tiếp của Hội Thánh H.T.Ð. vào công việc của PHƯỚC THIỆN, đó là ba vị Thời Quân sẵn lòng đảm đương phận sự Thống Quản các cơ cấu trong Ban Cai Quản Trung ương nên mọi việc được sắp đặt hoàn bị, có mực thước, có chuẩn thằng, các việc được tiến hành trong vòng trật tự và cứ theo đà tiến triển ấy, chúng ta hy vọng Cơ Quan PHƯỚC THIỆN sẽ đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Vì thế tôi ước mong cho tình tương thân, tương ái giữa chúng ta được ngày càng thêm bền chặc nồng nàn. Thương yêu nhau, dìu dắt nhau, chúng ta mới có thể chung tâm hiệp trí và nương nhờ nhau để phục vụ cho Ðạo, cho nhơn sanh. Cơ Quan PHƯỚC THIỆN là Cơ cứu khổ về hình thức đối với Ðạo cũng như đối với mặt đời.

Chúng ta phải quên mình mới mong cứu khổ nhơn sanh, phải hy sinh mới thực hiện được chủ nghĩa vị tha và mới làm tròn nhiệm vụ. Thanh danh của Ðạo là trọng hơn hết, chúng ta phải nâng cao cái thinh danh tôn quí ấy bằng việc làm thực tế chớ chẳng phải bằng lời nói suông và cái khổ của nhơn sanh càng được vơi bớt phần nào, chủ nghĩa PHƯỚC THIỆN càng thêm bành trướng thì cái thinh danh của Ðạo càng được cao siêu và càng thêm chói rạng.

Vậy tôi cầu xin toàn thể Chức Sắc PHƯỚC THIỆN gắng công tiến bước trên đường nhiệm vụ và thực hành tôn chỉ của Cơ Quan PHƯỚC THIỆN, cho đúng theo ý nghĩa Thiêng Liêng của nó, đó là chư quý vị hiến dâng cho Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU một lễ quí báu và long trọng hơn hết.

Thưa Chư quý vị, Chư quý vị nên ý thức rằng Chư quý vị đã thọ phẩm tước trong hàng Thập Nhị Ðẳng Cấp Thiêng Liêng. Những phẩm tước ấy được có những danh từ đáng kính, đáng trọng, những danh từ đã vẽ sẵn phận sự của mỗi vị trên bước đường hành Ðạo như những danh từ: GIÁO THIỆN, CHÍ THIỆN, ÐẠO NHƠN, CHƠN NHƠN.v.v... Mới nghe qua những danh từ ấy người ta tưởng tượng đến những bậc đạo đức cao siêu, có những hành vi thoát tục, những bậc chơn tu phi thường cứu nhân độ thế.

Vì vậy mang cái phẩm tước Thiêng Liêng ấy người Chức Sắc phải trọng cái phẩm giá Thiên tước của mình, vì cái phẩm giá đó tượng trưng cho cái phẩm giá của Ðạo.

Nếu vô tình mà quý vị làm cho hoen ố cái phẩm giá của mình bằng những hành vi thiếu đạo đức hoặc những cử chỉ quá tầm thường thì tức nhiên cái Thiên tước của quý vị bị tổn thương mà Thiên tước bị tổn thương, tức là thanh danh Ðạo bị tổn thương vậy.

Hôm nay có đông đủ Chức Sắc các địa phương về chầu lễ Ðức CHÍ TÔN và đến dự nhóm. Tôi cầu nguyện ÐẠI TỪ PHỤ và PHẬT MẪU ban ơn lành cho mỗi vị nơi TRUNG ƯƠNG cũng như ở Ðịa Phương được mọi sự hanh thông và nhứt là được tinh thần sáng suốt, sức khỏe an khang để cùng nắm tay nhau phụng sự cho Ðạo và Nhơn sanh./.
CAO THƯỢNG SANH

HUẤN DỤ
Nhơn bửa tiệc thường niên tại Giảng đường
Ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Dần (1962)

Kính Chư Chức sắc, Chức việc, Ðạo Hữu Lưỡng phái,
Theo thường lệ bửa tiệc hôm nay là bửa tiệc của Hội Thánh ủy lạo các Chức sắc, Chức việc nơi Trung ương và Ðịa phương trong lúc đầu năm, nhơn dịp các Khâm Châu và Ðầu tộc tề tựu đông đủ về Tổ Ðình để chầu lễ Ðức Chí Tôn.

Cuộc hội hiệp vui vẻ này đã biến thành cái lệ bất di bất dịch, in sâu vào trí não của mọi người trong chúng ta, vì đó là một cuộc hội hiệp đầy thiện cảm chân thành, nồng đượm bao nhiêu vẻ thân mật khắn khít và sẽ ghi lại một kỷ niệm êm dịu trong tâm hồn của những người đến dự khi mà mỗi vị đều ý thức trong một vài ngày nữa đây sẽ có cuộc chia tay, kẻ ở lại nơi đại gia đình, người tản mát nơi tứ phương, để làm phận sự của người con thảo đối với Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ.

Vì vậy bửa tiệc dầu được thịnh soạn, dầu phải đơn giản, điều ấy không cần thiết. Cần thiết là buổi hội diện giữa những bạn đạo cùng chung một chí hướng thương đời, buổi hội diện giữa anh lớn, chị lớn, em nhỏ trong đại gia đình để cho mọi người được cõi lòng sưởi ấm hầu trong năm mới cùng nhau bắt tay vào công việc với một tinh thần vững chắc.

Như Chư quí vị đã rõ, năm vừa qua Hội Thánh đã trải qua nhiều cơ thử thách buồn phiền, tài chánh của Ðạo vì đó phải bị kiệt quệ, nhờ nơi lòng sốt sắng của Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu nơi Trung ương cũng như ở địa phương nên tình trạng thiếu kém được cứu vãn phần nào. Hội Thánh nhờ đó mà xoay trở các việc cần thiết cũng được tạm yên.

Cho hay nước loạn mới biết tôi ngay, nhà nghèo mới rõ con thảo. Mỗi vị Chức sắc có công trong giai đoạn này nhất là những vị Khâm Châu, Ðầu Tộc, Ðầu phận và Phó Ðầu phận v.v... đã chứng tỏ lòng thiết tha thương Ðạo và trung thành với Hội Thánh. Mặc dầu Hội Thánh chỉ có lời ban khen Chư quí vị không hưởng được một phần thưởng cụ thể nào, nhưng Chư quí vị nên tin rằng đối với sự công bình của Ðức Chí Tôn, Chư quí vị sẽ không mất phần ban thưởng.

Trong dịp nầy, tôi nhận thấy cái tình thương yêu nhau là quí trọng hơn hết. Với sự thương yêu nhau, với sự đồng tâm hiệp trí, chúng ta có thể san bằng tất cả những khó khăn, lướt qua những cơn phong vũ bất kỳ tang thương ảm đạm. Ðời đã lắm chua cay, nhơn tâm đã lắm điên đảo, trong cảnh tu hành chúng ta đã chịu thiệt thòi về mọi phương diện, nếu chúng ta không thương yêu nhau và đùm bọc lấy nhau thì thế nào chúng ta tự cứu lấy mình và giải khổ chung cho nhơn loại.

Vì đó, chúng ta không sợ Ðạo nghèo về tiền bạc mà chỉ sợ Ðạo nghèo về tình thương yêu, cái tình thương yêu quí báu mầu nhiệm rất cần thiết cho tâm hồn của người tu sĩ cũng như cơm gạo cần thiết cho mảnh xác thân và nếu thiếu hẵn đi thì dầu chúng ta có được con số đông đúc bao nhiêu, chúng ta cũng như bị lẻ loi côi quạnh và cơ phổ độ không còn biết dựa vào đâu mà thực hiện được.

Ở trong cảnh buồn phiền, khó khăn, lo lắng Hội Thánh được đầu Xuân Nhâm Dần đem đến cho ít nhiều an ủi do nơi tình yêu thương của các con cái Ðức Chí Tôn nơi bốn phương. Quí hóa thay cái tình thương yêu nhiệm mầu ấy.

Tôi cầu xin cho trong Cửa Ðạo chúng ta thắt chặt giãi đồng tâm càng ngày thêm khắn khít, xóa bỏ những hờn nghịch nhỏ nhen, nên coi Ðại nghiệp của Ðạo là quí trọng đễ cùng nắm tay dìu dắt nhau vẹt ngút mây mù cứ vẫn bao phủ quanh vùng Thánh địa hầu đi đến một giai đoạn vui vẻ hơn.

Rồi đây, Chư vị Khâm Châu và Ðầu tộc phải lên đường trở về với phận sự, để bắt tay vào những công việc nhiều khi khó khăn, gay cấn, nhất là trong thời buổi hiện tại. Nhưng Chư quí vị cũng nên ý thức rằng nơi Trung ương Hội Thánh cũng có những việc khó khăn không kém gì Chư quí vị.

Chúng ta phục vụ cho Ðạo, ví như thân tầm đã chịu ơn dâu thì phải tận tụy với mối tơ, dầu đến ngày cũng còn kéo chỉ.

Cái Ðại nghiệp Ðạo nầy đã quyết lưu lại cho nòi giống quê hương và Ðạo phải được trường tồn với non sông vũ trụ, thì chúng ta là những kẻ nghiêng vai gánh vác buổi ban sơ, tức nhiên phải chịu lắm nỗi nhọc nhằn đau khổ. Nhưng đối với lòng thương vô biên của Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ, phận làm con dầu cực nhọc bao nhiêu cũng chưa gọi là xứng đáng đáp đền trong muôn một.

Ví như không gặp được mối đạo mầu, chúng ta chỉ phải lao tâm tiêu tứ vì manh áo bát cơm, vì gia đình khốn khó nếu có được may mắn hơn nữa, chỉ lên xe xuống ngựa chút ít với đời rồi thì cũng chết mòn như cây cỏ, bụi thời gian vừa khỏa kín nấm mồ thì mấy ai còn nhắc nhở đến.

May duyên gặp Ðạo, chống chiếc thuyền từ để cứu vớt sanh linh nơi dòng khổ hải hầu buổi chung qui được trở về với cảnh cũ ngôi xưa, Ðức Chí Tôn đã hứa hẹn và đưa tay chực rước thì mảnh xác thân này há đâu nại hà cực nhọc.

Chúng ta hãy quên mình để những kẻ khác được hưởng nhờ phải hy sinh để cho hoàn thành sứ mạng. Phận sự làm xong, lương tâm được bình tĩnh an vui, đó là phần thưởng êm dịu của chúng ta đó.

Vậy chư quí vị nên vui lòng tiến bước trên bước đường phục vụ.

Nhơn buổi hội hiệp nầy, tôi cầu nguyện Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu ban ơn lành cho mỗi Chức sắc nơi Thánh Ðịa cũng như ở địa phương được sức khỏe dồi dào, tinh thần mẫn huệ để thực hành tôn chỉ của Ðại Ðạo và nơi bữa tiệc năm tới chúng ta đều gặp lại nhau đông đủ không thiếu sót một ai.

Riêng về Chức sắc, Chức việc Nam Nữ ở địa phương, tôi cầu chúc Chư quí vị được hành trình yên ổn và tất cả công việc Ðạo trong năm đều được hanh thông, có kết quả hoàn toàn tốt đẹp.
CAO THƯỢNG SANH
ÐÁP TỪ
TRONG DỊP LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ HỘI VẠN LINH
Ngày mùng 9 tháng Giêng năm Quý Mão (dl. 02/02/1963)

Kính thưa:
- Thiếu Tướng Ðại Biểu Chánh phủ tại Miền Ðông Nam Phần,
- Ông Phó Tỉnh Trưởng,
- Quý ông Dân Biểu Quốc Hội Tỉnh Tây Ninh,
- Ông Quận Trưởng Phú Khương,
- Chư Quý Quan khách,
- Chư Chức sắc, Chức việc, Ðạo hữu nam nữ,

Thay mặt cho HỘI-THÁNH, tôi để lời cám ơn Thiếu Tướng Ðại biểu Chánh phủ tại Miền Ðông Nam Phần không nệ đường sá xa xôi sẵn lòng đến dự lễ Khánh Thành ngôi nhà Vạn Linh của HỘI-THÁNH làm cho buổi lễ hôm nay tăng phần long trọng quá sự mong ước của HỘI-THÁNH.

Tôi cũng để lời cám ơn ông Phó Tỉnh Trưởng, ông Quận Trưởng, chư qúy Quan khách sở tại, chư quý Quan khách đã hoan hỷ đến dự buổi lễ nầy.

Sự hiện diện của chư quý vị chứng tỏ lòng thiện cảm của Chánh phủ đối với HỘI-THÁNH chúng tôi trong mọi trường hợp làm cho chúng tôi quá đổi hân hoan và cảm động.

Tạo nên ngôi nhà nầy, HỘI-THÁNH chúng tôi có ý để dùng làm nơi hội họp của bổn Ðạo mỗi khi có cuộc lễ long trọng và khi có quý quan khách trong các giới và các tôn giáo ở xa đến viếng Toà Thánh muốn lưu lại đôi ngày thì cũng sẵn có nơi xứng đáng để tiếp rước.

Thưa toàn thể chư Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu, hoàn thành được công trình xây dựng nầy, HỘI-THÁNH nhờ nơi tấm nhiệt thành của toàn Ðạo Chức sắc, Chức việc, cùng Ðạo hữu nam nữ nơi trung ương cũng như ở các địa phương vui lòng chung đậu kẻ ít người nhiều, nhứt là nhờ nơi công quả của Ban Kiến Trúc và thợ chuyên môn toàn là người hiến thân cho Ðạo.

Ðiều mà HỘI-THÁNH quá thâm cảm là mỗi khi có tiếng kêu gọi của HỘI-THÁNH để thật hành một công tác nào thì toàn thể Chức sắc, nhơn viên và công quả đều sẵn sàng hưởng ứng mãnh liệt, đem hết thiện chí và khả năng để phục vụ cho đến khi công việc hoàn thành mỹ mãn.

Hôm nay phần đông Chức việc và Ðạo hữu nam nữ ở các nơi tựu về Tòa Thánh để chứng kiến một công trình kiến trúc to tát đồ sộ, một ngôi nhà chung mà mỗi vị đều có góp phần xây dựng. Tôi tin chắc ai cũng được hân hoan nhận thấy sự hy sinh của mình đã tô điểm thêm cho nghiệp Ðạo nhiều nét đan thanh, oai hùng, để làm phấn khởi tinh thần đoàn kết của mỗi con cái Ðức CHÍ-TÔN Ðại Từ Phụ.

Cái tinh thần đoàn kết và xây dựng ấy, HỘI-THÁNH xin đa tạ và thành tâm dâng lên Ðức CHÍ-TÔN và Ðức PHẬT-MẪU chứng minh.

Thưa Thiếu Tướng đại biểu, thưa chư quý Quan khách, cuộc lễ Khánh Thành Nhà Hội Vạn Linh hôm nay, HỘI-THÁNH chúng tôi tổ chức thật đơn giản trong phạm vi tôn giáo và trong vòng mật thiết của bổn Ðạo. Chúng tôi quá may duyên được chư quý vị sẳn lòng đến chứng kiến làm cho chúng tôi được một vinh hạnh quá cao.

Một lần nữa tôi xin thành thật cám ơn. Trong cuộc lễ đơn giản, nếu HỘI-THÁNH chúng tôi có điều sơ sót, xin chư quý Ngài rộng lòng tha thứ.

Sau nữa, nhơn ngày lễ vía Ðức CHÍ-TÔN, thay mặt cho HỘI-THÁNH, tôi xin thành tâm cầu nguyện Ðức CHÍ-TÔN ban phước lành cho chư quý vị và toàn thể Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu lưỡng phái./.
THƯỢNG SANH

HUẤN DỤ
Ðọc tại giảng đường trong bữa tiệc đãi vị TÂN ÐẦU SƯ
và TOÀN THỂ CHỨC SẮC CHỨC VIỆC
ngày 24/1/Quý Mão (dl. 17/02/1963)

Kính thưa Hội Thánh Lưỡng Ðài Hiệp Thiên và Cửu Trùng,
Kính thưa Ngài Quyền Ðầu Sư, Chư Chức sắc Chức việc và Ðạo hữu Nam Nữ,

Buổi lễ lập thệ của Ngài Quyền Ðầu Sư và lễ ban quyền cho người đã cử hành xong tại Ðền Thánh. Từ đây C.T.Ð. đã có vị cầm đầu, nắm quyền điều khiển dìu dắt Chức sắc và Môn đệ của Ðức CHÍ TÔN trên đường Thánh đức.

Hội Thánh H.T.Ð. đã thực hành phận sự đúng theo thiên ý của Ðức CHÍ TÔN là lập vị cho Chức sắc C. T. Ð. thăng đến phẩm vị tối cao, tức là góp phần tạo lập con đường cho mỗi môn đệ Ðức CHÍ TÔN đi từ cõi phàm tục đến cõi Thiêng liêng, đạt đến ngôi xưa phẩm cũ của mình nơi cảnh vô vi hằng sống.

Kính thưa Hiền huynh Qu. Ðầu sư, Hiền huynh đã được uy tín của Chức sắc Hội Thánh, lại được lòng tin cậy của Ðức LÝ ÐẠI TIÊN NHỨT TRẤN OAI NGHIÊM, thì cái thanh danh về mặt Ðạo của hiền huynh càng thêm chói rạng. Trong cửa ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ, Hiền huynh đã gội nhuần một ân huệ đặc biệt, một sự ban thưởng xứng đáng sau 37 năm tận tụy với chức vụ, một lòng vì Ðạo, vì nhơn sanh.

Thay mặt Hội Thánh H.T.Ð. tôi xin để lời mừng cho Hiền huynh, và nhơn dịp nầy tôi xin nhắc lại lời dạy của Ðức LÝ ÐẠI TIÊN đêm 29/10/1926, tức là năm Bính Dần về sự thưởng phạt như sau đây:

"Mở một mối Ðạo chẳng phải là thường tình, mà sanh nhằm đời đặng gặp mối Ðạo, cũng chẳng phải dễ. Muốn lập thành tức phải có điều nghiêm chánh thưởng phạt.Có thưởng mới dục lòng kẻ có công, có phạt mới răn được lòng tà vạy.

Thưởng phạt tuy chẳng phải hữu hình nhưng là một sự mầng vui chưa có bậc cao thượng nào ở thế ví bằng, và một sự buồn bã nào sánh đặng. Dầu có ăn năn hối hận mấy kiếp ngày giờ cũng đã qua rồi, ngôi Cực lạc vẫn có người choán hết."

Ðức LÝ ÐẠI TIÊN đã nhắc nhở về sự thưởng phạt, một sự thưởng phạt Thiêng liêng, không thể sánh với sự thưởng phạt nơi cõi phàm tục được.

Hiền huynh đã phí công lao, đã dụng đức tính, đạo hạnh và tình thương yêu mà đổi lấy phẩm vị Thiêng liêng. Hiền huynh đã nhận thức lẽ mầu nhiệm của cơ thưởng phạt và đã nêu gương sáng cho người trong cửa Ðạo. Cái giá trị của người được ban thưởng tức là Hiền huynh đã được nâng cao chính là ở chỗ: Phụng sự mà không chút chi vị lợi, cứ lập công mà không cầu cạnh, cũng không có ý tranh giành và không ước mong điều thăng thưởng. Nhưng sự công bình của Ðức CHÍ TÔN là tuyệt đối.

Thiên ý đã xoay chuyển, đã sắp đặt cơ hội, đã tạo thành dịp tốt và rốt cuộc sự ban thưởng đã đến bất ngờ, dầu muốn dầu không cũng phải đành chịu nhận lãnh.

Giờ đây đã đến lúc thi hành sứ mạng Hiền huynh đã nhiều kinh nghiệm trên đường hành Ðạo, tôi tin nơi chí cương trực và tinh thần xây dựng của Hiền huynh và cầu chúc cho Hiền huynh được thành công trong nhiệm vụ mới với sự ủng hộ triệt để của toàn thể Chức sắc và Chức việc.

Kính thưa Chư Chức sắc, Chức việc C.T.Ð. và Phước Thiện Nam Nữ,
Sự hội hiệp trong đại gia đình của chúng ta lúc đầu năm Quí Mão đã biểu thị tinh thần đoàn kết và tình tương thân tương ái của chúng ta trong cửa Ðạo.

Rồi đây, sau bữa tiệc thân mật hôm nay mỗi vị sẽ bắt tay vào việc, người thì ở lại trung ương, kẻ phải lên đường trở về nơi chốn xa xôi để tiếp tục thi hành phận sự đối với Ðạo đối với nhơn sanh. Cái sứ mạng của mỗi người trong chúng ta, dù chức vụ lớn hay nhỏ, đều phải khó khăn nặng nhọc. Ðiều chúng ta nên lưu tâm là cái phận sự ấy hướng về hạnh phúc của nhơn sanh và sự xây dựng đại nghiệp của Ðức CHÍ TÔN tại thế nầy, nên dầu cho khó nhọc bao nhiêu cũng phải gắng công đi đến một kết quả tốt đẹp để khỏi phụ lòng tin cậy của Hội Thánh và giữ trọn trung hiếu với Ðức CHÍ TÔN Ðại Từ Phụ.

Tôi thành tâm cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU ban ơn lành cho mỗi Chức sắc nơi Trung ương cũng như ở Ðịa phương được tinh thần sáng suốt, sức khỏe dồi dào để thực hiện tôn chỉ của Ðại Ðạo và ngày đầu Xuân năm tới chúng ta sẽ gặp lại nhau đông đủ không thiếu sót một ai.

Trước khi dứt lời, riêng về Chức sắc Chức việc Nam Nữ ở Ðịa phương, tôi cầu chúc mỗi vị thượng lộ bình an, trong năm tất cả công việc Ðạo đều được tiến triển khả quan dưới sự che chở của Ðức CHÍ TÔN Ðại Từ Phụ./.
THƯỢNG SANH

DIỄN VĂN
CHÀO MỪNG QUỐC TRƯỞNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Ngày 19/4/1965 (Ất Tỵ)

Kính thưa Quốc Trưởng,
Kính thưa Chư Quý Bộ Trưởng,
Kính thưa Chư Quý Quan Chức Văn Võ,

Hôm nay Hội Thánh Tòa Thánh Cao Ðài Tây Ninh có cái hân hạnh đặc biệt là được có dịp rước vị Quốc Trưởng, đấng cầm quyền tối cao của VIỆT NAM CỘNG HÒA, có lòng huệ cố thân hành đến viếng Tòa Thánh Tây Ninh làm cho vùng Thánh Ðịa nầy được có cái diễm phúc bất ngờ và Hội Thánh chúng tôi được có một vinh hạnh quá lớn lao.

Mặc dầu phận sự quá nhọc nhằn, việc nước đa đoan trong khi tình trạng quốc gia đương hồi nghiêm trọng, Quốc Trưởng cũng nhín chút thì giờ quí báu quá bước đến vùng Ðạo của chúng tôi, thật chúng tôi lấy làm cảm động và toàn thể Chức Sắc, Thiện tín nơi đây đều lộ vẻ hân hoan vô tận.

Vậy nhơn danh Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, nhơn danh toàn thể Chức Sắc, Ðạo hữu Lưỡng phái và nhơn danh riêng tôi, tôi xin để lời chào mừng Quốc Trưởng. Xin Quốc Trưởng nhận nơi đây lòng tôn kính và sự thâm cảm của Hội Thánh chúng tôi.

Thưa Quốc Trưởng; sự hiện diện của Quốc Trưởng hôm nay nơi vùng Thánh Ðịa Tây Ninh, chứng tỏ một lần nữa lòng ưu ái của Quốc Trưởng đối với toàn thể bổn Ðạo chúng tôi. Vì Quốc Trưởng ban cho nhơn sanh nơi đây một ân huệ đặc biệt, là giúp một số tài chánh quan trọng để cho Chánh quyền tỉnh Tây Ninh xây cất một bệnh viện trong vùng chợ Long Hoa. Bệnh viện nầy dùng cho chư thiện tín, phần nhiều ở giai cấp vô sản, khi lâm bịnh có nơi chỗ nằm điều trị khỏi tốn kém. Công việc kiến thiết này sắp được thực hiện và toàn thể Ðạo hữu sẽ được chung hưởng cái đặc ân của Quốc Trưởng trong ngày gần đây. Nhơn danh Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, tôi xin thành thật để lời cảm tạ Quốc Trưởng, cái ơn đức của Quốc Trưởng đã gieo rải nơi đây, toàn thể nhơn sanh vùng Thánh Ðịa sẽ ghi nhớ mãi.

Là người giàu lòng đạo đức, nêu cao gương bác ái để phụng sự nhơn loại, Quốc Trưởng từ ngày cầm quyền lãnh đạo Quốc gia, đã để hết tâm lo cho nước, cho dân. Dù vậy, Quốc Trưởng không quên nghĩa vụ về tinh thần là nâng đỡ tất cả các Tôn giáo trong nước, vừa giúp cho mỗi Tôn giáo được có cơ thuận tiện tiến triển mạnh trên đường đạo đức, hầu thực hành tôn chỉ giải khổ cho nhơn loại.

Vì vậy sự viếng thăm của Quốc Trưởng hôm nay đem đến cho chúng tôi một niềm hân hoan êm dịu, một khích lệ lớn lao, làm cho chúng tôi càng thêm phấn khởi tiến bước trên đường phục vụ cho Ðạo và cho nhơn sanh.

Chẳng biết lấy chi để đáp lại cái thạnh tình của Quốc Trưởng đối với Hội Thánh. Chúng tôi xin thành tâm cầu chúc Quốc Trưởng được quí thể khang kiện để phụng sự quốc gia và hoàn thành nhiệm vụ tối cao mà Quốc Trưởng đã vì nước, vì dân nghiêng vai gánh vác.

Trước khi dứt lời, chúng tôi cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban phước lành cho Quốc Trưởng, chư Quý Bộ Trưởng và toàn thể Quý Quan chức Văn Võ.
VIỆT NAM CỘNG HÒA muôn năm!
PHAN QUỐC TRƯỞNG muôn năm!
T.M. HỘI THÁNH
THƯỢNG SANH

HUẤN TỪ
LỄ BÃI TRƯỜNG và PHÁT THƯỞNG
tại ÐẠO ÐỨC HỌC ÐƯỜNG niên khóa 1964-1965 (Ất Tỵ)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Thiếu tướng TỈNH TRƯỞNG TÂY NINH,
Kính Quý Quan Khách,

Hôm nay tôi lấy làm hân hoan đến dự buổi lễ Bãi Trường và Phát Phần thưởng của ÐẠO ÐỨC HỌC ÐƯỜNG. Suốt một niên khóa học dài đăng đẳng, Ban Giám Ðốc và Chư Giáo viên đã cố gắng làm phận sự, đã lắm nhọc nhằn để dìu dắt, giáo hóa đoàn trẻ thơ học sinh, toàn là những con em trong cửa Ðạo. Phận sự giáo hóa trẻ thơ, dù là nơi mặt đời hay là trong cửa Ðạo vẫn là nhiệm vụ cao đẹp. Nhưng nơi cửa Ðạo, trách nhiệm của nhà giáo viên lại khó khăn hơn, vì phận sự bao hàm cả một nghĩa vụ thiêng liêng đối với Ðạo và một tinh thần hy sinh về mặt vật chất.

Cái công khó dạy dỗ trẻ em không phải đợi đổi một món thù lao tương đối như ở mặt đời, mà chỉ do nơi chí nhiệt thành phục vụ để góp phần công quả vào cuộc xây dựng về tinh thần đối với Ðại nghiệp của Ðạo.

Theo trào lưu tiến hóa của văn minh vật chất, chúng ta vẫn thấy nghề giáo huấn là một nghề vất vả, một nhiệm vụ vô ân, và dường như là một nghề bị đời khinh rẻ, so sánh với các phẩm bậc quan viên có quyền thế trong các ngạch khác.

Còn đâu là nề nếp lễ giáo thời xưa, còn đâu là cái danh dự riêng biệt của người có trọng trách giáo hóa theo thuyết QUÂN, SƯ, PHỤ, của Khổng Giáo?

Xưa kia, một ông Quan học thành tài dự chiếm khoa trường và được vinh qui bái tổ, thì bổn phận trước nhất là khăn áo chỉnh tề mang lễ vật đến viếng Ông Thầy dạy cũ để tỏ sự kính mến biết ơn, vì nhờ thầy mở trí lúc ban sơ mà ngày nay mình mới được đai vàng thẻ bạc.

Thời nay học sanh vừa đến lớp đệ lục hoặc đệ ngũ trung học, khi đi đâu gặp Ông Thầy cũ đã dạy mình ở Tiểu học thì đã vội tẻ ngã khác, hoặc đi qua mặt, hiên ngang coi Thầy cũ như kẻ đi đường.

Thử hỏi chúng ta há chẳng đau lòng mà chứng kiến những trường hợp như vậy sao?

May thay! Ðây là một trường trong cửa Ðạo, đặt dưới quyền Giám đốc của một Chức Sắc do Hội Thánh đề cử. Những giáo viên toàn là người đạo đức, xuất thân nơi cửa Ðạo.

Tôi tin rằng Ban Giám Ðốc và Giáo viên có thể nung đúc trí não của trẻ thơ theo đường lối đạo đức, thế nào cho chúng được hấp thụ một nề nếp lễ giáo thuần túy xứng đáng là những học sinh khuôn mẫu được đào tạo nơi một học đường của Hội Thánh.

Ðó thật là điều khó khăn, nhưng không phải là một sự khó khăn làm cho ta phải thúc thủ vô sách.

Các em giáo viên hiện giờ nên gắng công nung đúc những tâm hồn non nớt, ngày sau trở nên bậc hiền lương trong cửa Ðạo, hoặc những đấng nhơn tài trong xã hội. Cái công ấy không phải nhỏ. Trong cửa Ðạo, nhiệm vụ của mấy em không còn là vô ân nữa.

Chí hy sinh và lòng can đảm phục vụ của mấy em sẽ được sự ban thưởng của Hội Thánh và các em sẽ được hưởng ân huệ xứng đáng về mặt thiêng liêng.

Rồi đây các em sẽ trở nên những Chức sắc của Hội Thánh, có sứ mạng giáo hóa nhơn sanh và góp công xây dựng đại nghiệp của Ðức CHÍ TÔN tại thế.

Trên con đường lập vị, các em sẽ tạo nên công nghiệp phi thường, để ngày sau bia tạc danh thơm nơi Ðạo Sử. Tôi chỉ cầu xin mấy em thành công mỹ mãn.

Về bổn phận của mấy cháu học sinh, tôi xin có mấy lời nầy: Mấy cháu còn đương niên thiếu, đó là lúc tốt đẹp nhứt của đời người. Mấy cháu chỉ biết ăn học và chơi giỡn hoàn toàn vô ưu lự của buổi thiếu thời. Nhưng mấy cháu cũng ý thức được phần nào cha mẹ lắm chịu cực khổ lo cho mấy cháu ăn học đặng ngày sau trở nên người xứng đáng.

Cha mẹ thì ngày tháng cần cù lo cho có tiền nuôi mấy cháu, thầy dạy thì lao tâm tiêu tứ để nung đúc trí não của mấy cháu, cố gắng sao cho mấy cháu trở nên người khôn ngoan hữu dụng. Cái công ơn của thầy không kém gì cái công ơn của cha mẹ.Phải ghi nhớ mãi trong tâm trí, mấy cháu mới xứng đáng là con nhà lễ giáo.

Có nhiều hạng trẻ thơ phải chịu dốt nát chỉ vì cha mẹ quá nghèo cực, không có tiền cho con ăn học. Mấy cháu được có phước hơn những trẻ ấy, vì mấy cháu được cắp sách đến trường, lại nữa mấy cháu quá may mắn là được ở trong vùng đạo đức, sự học tập được dễ dàng, có Hội Thánh chăm lo, có thầy siêng năng dìu dắt chỉ dạy.

Vậy thì phận sự của mấy cháu chỉ có lo học, đừng để thua sút chúng bạn, đừng để cho cha mẹ phải buồn phiền, cho thầy dạy phải thất vọng.

Thì giờ thật quí báu, mấy cháu chớ bỏ ngày tháng trôi qua, vui chơi trong thói hoang đàng, phế công đèn sách thì sau nầy mấy cháu ăn năn rất muộn. Có câu ca dao rằng:
"Cơm cha áo mẹ chữ thầy,
Khuyên con gắng học cho tày thế gian."
Mấy cháu khá ghi nhớ mãi trong tâm trí.

Trước khi dứt lời, tôi xin cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban ơn lành cho toàn thể Ban Giám Ðốc và toàn thể Giáo viên và nhơn viên ÐẠO ÐỨC HỌC ÐƯỜNG./.
THƯỢNG SANH

LUẬN VỀ
NGUỒN GỐC ÐAU KHỔ CỦA NHƠN SANH
tại ÐỀN THÁNH đêm 7/4/Ất Tỵ (1965) VÍA ÐỨC THÍCH CA

Phật gọi đời là bể khổ, nước mắt của chúng sanh trong ba nghìn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển.

Cái khổ là một sự thực hiển nhiên, mỗi người không ai tránh khỏi. Dầu giàu nghèo sang hèn ai cũng có cái khổ riêng của mình nhưng người đời ít ai dám nhìn thẳng vào đó. Tựu trung cái tâm lý chung của người đời là sợ đau khổ và sợ cả sự nghĩ đến đau khổ, luôn luôn có thái độ lẫn tránh, che đậy hay muốn quên đi bằng cách ẩn mình trong những vui thú nhất thời. Do đó, người đời ít khi muốn bàn đến đau khổ, vì ai cũng muốn sống trong sự vui tươi và ai cũng mong cầu hạnh phúc.

Nhưng dầu người ta không dám nghĩ đến đau khổ và muốn tránh xa đau khổ, nó cũng cứ thung dung bước tới chụp bắt con người, chẳng khác chi thú dữ vồ lấy con mồi, không phương nào thoát khỏi được.

Không thoát khỏi được là chí lý, vì tự người ta vời nó đến thì cái nguyên nhân đau khổ chỉ nói ta tạo ra mà thôi.

Cái nguyên nhân ấy là dục tức là ham muốn. Con người khổ vì ham muốn cuộc đời, ham muốn hưởng thụ, ham muốn chiếm đoạt, ham muốn chế ngự, ham muốn phô trương, ham muốn khoái lạc về vật chất lẫn tinh thần, ham muốn tình cảm, nói tắt là ham muốn sống một cách huy hoàng dù là phải dấn thân vào vòng tội lỗi.

Dục vọng vô bờ bến của con người bao hàm sự quyến luyến ràng buộc với điều mình ham muốn. Nhưng một khi đã dính líu, người ta không còn tự do nữa, như cá phải mắc câu, chim sa lưới.

Khi muốn, muốn được rồi lại muốn nữa, muốn cái khác. Dục như ngọn lửa hồng càng cho thêm củi vào thì lửa càng to, cũng như dục càng lớn.

Con người khi thiếu thốn quá nên cho là khổ, bởi thiếu thốn nên muốn, muốn tất cả cái gì mình không có. Muốn mà không được là khổ, được rồi lại mất cũng khổ, mọi đau khổ ở đời dưới hình thức cá nhân cũng như dưới hình thức tập thể đều do nguyên nhân sâu xa là dục.

Vậy người đời dệt bằng nhiều đau khổ hơn là bằng vui sướng và chính những vui sướng đó lại làm cho đau khổ hơn khi không còn vui sướng nữa. Phật phân chia bể khổ làm 5 loại:

1/ Sinh lão bịnh tử khổ.
2/ Ái biệt ly khổ, nghĩa là sự phải ly biệt những người thân yêu là khổ.
3/ Oán tăng hội khổ, tức là ghét nhau mà phải chung sống là khổ.
4/ Cầu bất đắc khổ, tức là muốn mà không được là khổ.
5/ Ngủ uẩn thạnh khổ, tức là 5 yếu tố (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) làm cho người không thấy chân thực, đâm ra triền miên trong ngũ trược và tạo nên khổ.

Những đau khổ trên đều có tính cách công khai rõ ràng, ta cảm thấy hoặc nhận thấy nơi người khác, còn những đau khổ gián tiếp không xuất hiện một cách rõ ràng, ta phải suy nghĩ và chú ý lắm mới nhận định ra được.

Thân xác ta luôn luôn có những nhu cầu cần được thoả mãn như: ăn no, mặc ấm, nhà cao, cửa rộng là những điều kiện mà ta cho là hạnh phúc, rồi đến nhu cầu giải trí, ái tình danh vọng, chức tước.

Khi ta đi tìm hạnh phúc cá nhân, tất nhiên ta phải đụng chạm đến người khác cũng đi tìm như ta vậy. Thành thử có việc tranh giành, có đụng chạm, tranh chấp, mâu thuẫn giữa người và người để rồi đi đến chỗ thù oán, có khi giết hại lẫn nhau cũng chỉ vì ta làm nô lệ cho dục vọng.

Sự ham muốn làm cho ta mù quáng, chúng ta chỉ muốn hưởng thụ trên cái đau khổ của kẻ khác. Giành giựt được một cái gì của kẻ khác đang hưởng, ta hiu hiu tự đắc, lòng dục được thỏa mãn chớ không dè là sự thỏa mãn ấy chỉ được trong chốc lát, rồi nó phải nhường cho chỗ thất vọng. Sự công bình thiêng liêng đâu có cho ta hưởng như vậy được. Cái vui chưa được thỏa, cái buồn, cái khổ đã kề bên, không có cái gì chân thực vĩnh viễn.

Phật ví cái vui, khổ ở đời cũng như những cảm giác của người gánh nặng. Khi đổi vai thì vai không có gánh dễ chịu và vai có gánh thấy khổ cực; một lúc sau đổi vai nữa thì vai vừa mới dễ chịu lại thấy trở lại nặng nề khổ cực.

Thế thì cái vui vẫn đi liền với cái khổ chỉ khi nào bỏ gánh xuống thì mới chấm dứt hẳn được vui sướng và khổ đau. Bỏ gánh xuống nghĩa là diệt dục, tức là giải thoát vậy.

Nhận định được nguồn gốc đau khổ, con người cần tìm ra phương pháp để diệt khổ, mà diệt khổ tức là phải diệt dục, diệt nghiệp.

Phật giáo cho rằng điều kiện cần thiết của sự giải thoát là Tự lực nghĩa là phải có sự nổ lực cố gắng của chính con người muốn giải thoát, bằng không thì dụng phương pháp nào cũng chỉ là vô ích.

Như thế sự cứu rỗi của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc nơi người đó.Ðức Phật không tham dự vào công cuộc cứu rỗi của ai khác hết. Ngài đã có công tìm ra con đường giải thoát và chỉ con đường đó lại cho ta cố gắng noi theo để tự giải thoát cũng như Ngài đã tự giải thoát.

Mỗi người đều phải tự liệu đảm nhiệm sự cứu rỗi chính mình đã tự trói buộc gây ra nghiệp nên chỉ chính mình mới cởi trói giải thoát cho mình mà thôi. Ngoài ra có cầu khẩn, cúng bái, dâng lễ cũng không được ơn phúc gì cả. Chính ta tự giúp cho ta không có một quyền lực thiêng liêng nào giúp cho ta được.

Về sự diệt dục, Ðức Phật có nói: "Chiến thắng mười vạn quân còn dễ hơn chiến thắng lòng mình, mình tự thắng được mình là chiến công oanh liệt nhứt."

Chúng ta, ai có trải qua những ngày đau khổ vì bị dục vọng lôi cuốn vì mình không tự quyết thắng mình.

Khá tua tỉnh giấc mộng trần, quay về với đạo đức chơn thật, để sống lại những ngày giác ngộ sống với ý nghĩa cao đẹp vị tha

Cây "giác ngộ" chỉ mọc giữa đám đất đau khổ (vì bị dục vọng lôi cuốn) lấy chúng sanh làm gốc, lấy lòng thương bao la làm nước tưới mới có hoa giữa trí tuệ.

Thánh giáo của Ðức CHí TÔN ngày 15/4/1927 có dạy rằng: "Thầy đã nói cho các con hay trước nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy là cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy, vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó. Thầy vì công lý mà khai Ðạo cho các con cũng là một hạnh phúc lớn cho các con. Nếu Thầy còn đưa tay bồng ẵm thì các con chẳng còn để ý chịu nhọc vì Ðạo."

Ấy vậy, theo lời Ðức CHÍ TÔN, nếu chúng ta không tự lo cứu lấy mình thì Ðức CHÍ TÔN cũng không làm sao trợ giúp chúng ta được.

Trong cuộc tiến hóa, mình làm mình hưởng, có nhân tất có quả, chúng ta đừng bao giờ bỏ dở cơ hội tốt nào. Hãy phấn đấu không ngừng, phấn đấu để thắng dục vọng, thực chứng sự lý giải thoát, để khỏi phải phụ lời dạy dỗ của Ðức CHÍ TÔN và thực hành lý tưởng của người tu chơn là giữ trọn cuộc đời cao thượng trong sạch sáng suốt, an vui, tự tại và giải thoát./.
THƯỢNG SANH
   Home                        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét