Tiểu Sử và Lời Thuyết Ðạo Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang - 6 / 8


Lần chót hết, Ngài về tư gia tại Biên Hòa để dưỡng bịnh vào lúc cuối tháng mười Giáp Thìn (1964). Kể vài tuần sau, Chức Sắc Hội Thánh đến tận nơi mời Ngài về Tòa Thánh để nâng loan cho Ðức Lý Ðại Tiên phong thưởng Chức Sắc. Mặc dù Ngài chưa thật bình phục nhưng chẳng lẽ chối từ, Ngài phải chìu theo ý muốn của Hội Thánh, để cho bao nhiêu người khỏi nhọc lòng trông đợi.

Nào dè sức khỏe quá mỏng manh, Ngài về Tổ đình không mấy ngày, chưa kịp nâng loan phong Thánh thì bịnh cũ lại phát hiện, Ngài phải quay về tư gia, kế đó vào bệnh viện xin điều trị.

Than ôi! Ngài vào bệnh viện lần nầy là lần chót trong đời của Ngài.
Hôm nay, văn phòng Tiếp Pháp nơi Hiệp Thiên Ðài còn đó mà người chủ đã ngàn thu biệt dạng.
Mây bay hạc lánh, ngọc nát vàng chìm.
Chúng tôi không còn gặp Ngài được nữa, để cùng nhau thố lộ tâm tình, chia vui sớt nhọc.
Chẳng có lời nào xác đáng để tỏ hết nỗi tiếc thương của chúng tôi đối với một bạn đồng môn mà cả đời hành Ðạo chỉ biết tận tụy với nhiệm vụ. Không hay phô trương, không màng quyền lợi, sống trong cảnh chật vật với món tiền hưu bổng, Ngài Tiếp Pháp đã tượng trưng cho một tâm hồn cao siêu của nhà hiền triết. Tánh tình hòa nhã, lời nói khiêm cung, giàu chẳng bợ, khó chẳng khinh, thương kẻ bần hàn, giúp người cô quả. Suốt 30 năm lăn lóc trong quan trường, vì bản tánh thanh cao mà đến ngày hồi hưu Ngài chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một chồng sách triết học và Ðạo lý mà Ngài vẫn thường dùng làm món ăn tinh thần trên bước đường hành Ðạo.

Nói đến công trình của Ngài đối với Ðạo thì Ngài chẳng khác chi thân tằm, cứ mãi rút ruột nhả tơ để trả ơn dâu đến ngày kiệt sức.

Nhập Ðạo vào đầu năm Bính Dần (1926) thọ phong Tiếp Pháp Hiệp Thiên Ðài cũng trong năm và mặc dầu còn vướng chơn trong vòng quan lại, Ngài đã lãnh lịnh nâng loan với Ông Khai Pháp, mỗi đêm lập Ðàn thâu phục tín đồ và dạy Ðạo trong nhiều tỉnh miền Ðông và các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh.

Khi về Tòa Thánh đảm nhiệm phận sự chánh thức, dưới quyền của Ðức Hộ Pháp thì Ngài đã tỏ ra xứng đáng một tướng soái của Ðức CHÍ TÔN trong mọi phương diện. Ngoài nhiệm vụ đã được giao phó trong lúc rảnh rang thì Ngài cặm cuị, đem hết trí óc, não cân để sáng tác những sách Ðạo với mục đích là giúp cho Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu am hiểu rành rẽ giáo lý Ðại Ðạo và các Tôn giáo cõi Á Ðông.

Hỡi bạn Tiếp Pháp! Trong đời người chỉ có cuộc tử biệt là đau đớn nhứt. Nhưng về mặt Ðạo, chúng tôi nén lòng đau xót và mầng cho bạn ngày nay đã lánh vòng trần khổ, được trở về với Ðức CHÍ TÔN, Ðại Từ Phụ, sứ mạng hoàn thành công viên quả mãn.

Toàn Ðạo đã đặng thừa hưởng cái công nghiệp phi thường của bạn, vì tên tuổi bạn vẫn còn mãi trên những quyển sách, lưu lại nghìn đời cho đàn em trong cửa Ðạo. Rồi đây nhờ nơi huyền diệu cơ bút, chúng tôi có thể gặp lại bạn trong lời nói câu văn, để thố lộ tâm tình cũng như lúc trước, thế thì đối với bạn, sự mất như còn, chết mà vẫn sống.

Thật vậy, bạn vẫn sống mãi trong lòng của chúng tôi, và mỗi khi nhắc đến gương đạo đức, khiêm cung, từ tâm, bác ái thì dường như chúng tôi còn thấy bạn sờ sờ trước mắt.
Thôi! Chúng tôi xin từ giã bạn lần cuối cùng.
Trên chốn động biếc ngàn mây, nơi cõi hư linh hằng sống, chúng tôi thành tâm cầu nguyện bạn được tiêu diêu tự toại, hưởng hồng ân huệ của Ðức CHÍ TÔN. Và xin bạn hiển linh hộ trì Hội Thánh để chóng đem lại thanh bình cho nền Ðại Ðạo./.
CAO THƯỢNG SANH

HUẤN TỪ
của Ðức THƯỢNG SANH nhân dịp
LỄ BẾ MẠC ÐẠI HỘI NHƠN SANH
Ngày 24 tháng 5 Ðinh Mùi (dl. 1/7/1967) tại TÒA THÁNH

Kính Hội Thánh Lưỡng Ðài HIỆP THIÊN và CỬU TRÙNG,
Kính Hội Thánh PHƯỚC THIỆN,
Kính Chư chức Sắc, Chức Việc Lưỡng Phái,
Kính Chư Nghị Viên và Phái Viên Nam, Nữ Hội Nhơn Sanh Ðinh Mùi,

Ðã hơn tháng nay Ðại Hội Nhơn Sanh nhóm họp để gom góp ý kiến và nguyện vọng của đại diện toàn Ðạo khắp nơi hầu giải quyết những vấn đề quan trọng do chương trình của Hội Thánh thành lập.

Nhờ Ðức CHÍ TÔN ban ơn nên từ ngày khai mạc cho đến nay Ðại Hội Nhơn Sanh đã làm việc trong không khí điều hòa êm ấm. Chức Sắc, Chức Việc, Phái Viên và Nghị Viên cùng một chí hướng xây dựng đã thông cảm nhau, đồng lấy công tâm tìm phương vun đấp nền Chánh Giáo.

Trong một vài buổi Hội, cũng có khi nóng lòng ưu tư cho Ðại Nghiệp chung mà có sự gay cấn sôi nổi trong sự thảo luận, nhưng chừng được lời giải thích rành mạch của Ban Chủ Tọa, bầu không khí, trở lại êm dịu không còn điều chi thắc mắc nữa.

Dù sao, Ðại Hội Nhơn Sanh cũng đem ít nhiều thoả mãn cho toàn Ðạo và đại diện nhơn sanh đã tỏ ra sốt sắng và đã làm tròn phận sự.

Toàn thể Ðại Hội, từ vị Chủ Tọa, Phó Chủ Tọa, Chư vị Chánh Phối Sư cho đến chư Nghị Viên, Phái Viên Nam Nữ đã hiệp nhau dâng lên cho Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU một lễ quí báu vô giá.

Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài lấy làm vui lòng được thấy Ðại Hội Nhơn Sanh thu thập kết quả mỹ mãn.

Thật vậy, trong cửa Ðạo có chi quí cho bằng tình thân ái và sự điều hòa. Ðức CHÍ TÔN lập Ðạo cốt yếu là đem tình thương vô lượng chan rưới cho nhân loại, làm cho nhơn loại nhìn nhau cùng một nguồn cội Thiêng Liêng để cùng nhau hòa hợp trong tình huynh đệ Ðại Ðồng hầu tạo hòa bình cho thế giới.

Thành thử tình thương rất cần thiết cho tâm hồn người Tu sĩ cũng như cơm gạo cần thiết cho mảnh xác thân và nếu thiếu hẳn nó đi thì dầu Ðạo có được số Tín đồ đông đến mức nào, người Ðạo cũng vẫn bị lẻ loi côi quạnh và cơ phổ độ cũng không còn bổ ích chi cho nhơn quần xã hội nữa.

Vì vậy sự thương yêu là nguồn hạnh phúc của người Tu sĩ và nhờ có thương yêu lẫn nhau, chúng ta mới có thể nương dựa nhau, đùm bọc lấy nhau mà lần bước trên đường phục vụ đại chúng.

Nơi trường đời người ta tranh giành nhau từ miếng ăn từ manh áo. Hơn nhau một lời nói là có sanh ra ấu ó tưng bừng, có khi đi đến kết cuộc thảm khốc. Thậm chí ở trong vòng thân tộc cùng chung huyết thống, người đời cũng không tránh khỏi lâm vào cảnh cốt nhục tương tàn chỉ vì phân tranh quyền lợi.

Lòng tham không bờ bến và tánh ích kỷ cực độ làm cho con người trở nên tàn ác, muốn cho cái gì cũng về phần mình còn ai...thì mặc kệ!

Trong cửa Ðạo, người tự nguyện hiến thân cho Ðức CHÍ TÔN tức nhiên phải khép mình vào khuôn khổ, không còn được hành động theo ý muốn cá nhơn nữa. Mỗi việc chi phải hợp theo lẽ Ðạo và có ích lợi cho nhơn sanh thì mới được thực hành. Thế thì còn chi mà tranh đua, còn chi mà giành giựt?

Tuy phải chịu thiệt thòi về mặt vật chất, phải khép mình vào khuôn luật để giồi trau hạnh đức, nung đúc tánh tình, nhưng người tu hành được có cái tinh thần thơ thới, lương tâm yên tịnh và điều chắc chắn hơn hết là được tránh xa luồng giông tố đang lôi cuốn khách trần vào chốn bùn lầy sa đọa, phải chịu tiêu diệt cả thể xác lẫn linh hồn.

Than ôi! Vì ham ánh sáng của ngọn lửa hồng, mà những con thiêu thân phải đem mình chịu chết!

Con người vì mồi danh bả lợi, vì miếng đỉnh chung, vì cảnh xa hoa phù phiếm mà lắm lúc phải đem thân vùi dập dưới vực thẳm ao tù. Ðến lúc hối hận, tỉnh giấc mộng trần thì ôi thôi quá muộn!
May duyên được che chở dưới bóng mát thương yêu của Ðại Từ Phụ, chúng ta được sống một đời thanh đạm an vui thoát vòng cương tỏa, đem thân giúp ích cho Ðạo cho Ðời, cùng bạn đồng thuyền nâng đỡ nhau trong khung cảnh điều hòa êm ấm, chính đó là một chân hạnh phúc mà thế nhân mấy ai rõ thấu?

Ðời sống như vậy mới gọi là đời sống có ý nghĩa, một đời sống đáng sống, vì ít ra kiếp sanh của ta cũng phải là một kiếp sanh hữu dụng chẳng phải như những kẻ chỉ biết có thân mình, cứ xẩn bẩn ở xó nhà, lo việc ích kỷ bổn nhơn để rồi, một ngày kia, chết mòn trong chỗ tối tăm, không ai màng biết đến, đúng theo hai câu thi cuả Ông Cử Phan Văn Trị:
Hổ sanh cái phận trong trời đất,
Có có không không cũng chẳng cầu.

Sanh đứng làm người nơi cõi thế, mỗi cá nhân phải có nhiều bổn phận đối với nhơn quần xã hội, đối với đất nước quê hương chớ chẳng phải chỉ lo cho gia đình mình là đủ. Chúng ta chẳng nên quan niệm rằng hể có đồng tiền tung ra để mua những thức cần dùng cho kiếp sống là chúng ta đã xử xong ân nghĩa đối với đời.

Ta đã hưởng hột cơm, manh áo cùng trăm món vật liệu để cho đời sống ta có đủ tiện nghi, không thiếu thốn. Thử hỏi nếu bác nông phu, người thợ dệt vải, kẻ trồng rẩy, nhà kỹnghệ, giới thợ thuyền đều ngưng hẳn hoạt động thì đồng tiền của ta còn có ích gì cho ta nữa không, và đời sống của ta sẽ ra thế nào?

Thành thử cơm ăn, áo mặc, nhà ở cùng ngọn rau tấc đất là món nợ của con người. Chúng ta phải trả lại cho đời bằng một công cán gì, một phát minh gì để chứng rằng chúng ta cũng có góp phần hữu ích giúp lại cho xã hội, chớ chẳng phải là hạng vô dụng.

Loại thảo mộc cũng thế: Sanh ra như cây bá cây tùng, những cây danh mộc, hoặc kỳ hoa dị thảo mới thật có ích trên thế gian, dù ở chốn non cao rừng thẳm cũng có kẻ lặn lội đi tìm, chớ giống cỏ chạ lan mọc bên đường, ví có bị bước tục vầy bừa cũng không ai màng ngó tới.

Là người trong cửa Ðạo, chúng ta dù là Chức Sắc hay Tín đồ, mỗi người đều có bổn phận Thiêng Liêng đối với quần sanh chủng tộc.

Tìm đựơc mối Ðạo mầu tức là chúng ta đã nắm vào tay một báu vật vô giá. Cái báu vật đó không hề mất được vì nó vô hình vô ảnh và chúng ta có thể chia nó ra làm muôn ngàn phần mà không hề sứt mẻ. Ta lại có bổn phận đem nó trao lại cho tất cả mọi người để cho họ có món báu cũng như ta vậy.

Ðem Ðạo đến cho người đời tức là chúng ta đưa họ từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ chỗ hư ra chỗ nên, từ chỗ thấp hèn ra chỗ cao quí. Cái công đó là công nghiệp tuyệt đối không có gì sánh được.

Về mặt Thiêng Liêng chúng ta lại được hưởng phần thưởng xứng đáng do Ðức CHÍ TÔN ân tứ ngày trở về phục lịnh.

Thế thì cái nhiệm vụ của người Ðạo quí trọng biết bao nhiêu, dù là phải lao tâm tiêu tứ, khổ hạnh vùi thân, Hội Thánh ước mong cho toàn thể con cái Ðức CHÍ TÔN đều gắng công tiến bước trên đường Thánh đức hầu đưa tay đánh thức khách trần ai tỉnh lần mộng điệp.

Cơ hội ngàn năm một thuở, ví như Ðấng CHÍ TÔN không khai mối Ðạo Trời, cái đà sống của mỗi người chúng ta trong thời loạn là cần cù mưa nắng vì manh áo bát cơm, nay di cư chỗ nầy, mai đổi dời chỗ khác, phải chịu cảnh lầu Tần quán Sở, cay đắng trăm bề, trong lúc loạn ly thì vàng thau chung chạ, ngọc đá bất phân, ngoài ra còn bận bịu gánh thê nhi, não nề tình ấm lạnh, rồi đến khi Thiên số nan đào, thân cát bụi không còn để lại một dấu vết chi cho người đời nhắc nhỡ.

Trở lại vấn đề hiện tại, Ðại Hội Nhơn Sanh kỳ nầy đã làm cho toàn Ðạo thỏa mãn, Hội Thánh hài lòng, nhơn sanh phỉ dạ, trên hoà dưới thuận, trong ấm ngoài êm.

Phải chăng Ðức CHÍ TÔN đã chan rưới giọt hồng ân để cho anh lớn em nhỏ trong Ðạo cùng nhau khắn khít trong niềm hòa ái tương thân hầu đem lại cho đời khổ hạnh của chúng ta phần nào an vui và khích lệ trên đường phục vụ nhơn loại.

Thâu thập được kết quả mỹ mãn, Hội Thánh không quên công khó nhọc của Chức Sắc, Chức Việc, Phái viên và Nghị viên Nam, Nữ từ nơi phương trời xa thẳm, không quản hành trình cực nhọc, hăng hái trở về Tổ Ðình để góp sức chung lo việc Ðạo theo lời kêu gọi của Hội Thánh.

Nhiều vị phải tốn kém tiền nhà, trong lúc cuộc sanh hoạt hằng ngày trở nên khó khăn chật vật.

Ngoài ra phải chịu xa gia đình một thời gian bất thường lo việc công phế việc tư, cố gắng làm tròn phận sự do quyền Ðạo địa phương giao phó.

Ðó là một hy sinh cao quí, nếu không có sẳn tấm lòng tha thiết hoài bão chủ nghĩa thương đời thì chưa chắc là ai cũng làm được.

Thưa quý vị,
Rồi đây quý vị phải lo thu xếp trở về nơi địa phương Hội Thánh xin để lời thành thật cám ơn và chúc quý vị hành trình yên ổn cùng mọi việc được may mắn.

Hội Thánh cũng cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban ơn lành cho toàn thể quý vị.

Hẹn cùng nhau hội hiệp trong ngày tái ngộ, Hội thánh chỉ ước mong quý vị vững bước trên đường tu tập, giồi trau đức tính hầu trở nên những Chức Sắc ưu tú trong cửa ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðến đây tôi xin long trọng tuyên bố bế mạc Hội Nhơn Sanh năm Ðinh Mùi.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ÐÀI

HUẤN TỪ
Nhơn bữa tiệc ủy lạo CHỨC SẮC
TRUNG ƯƠNG và ÐỊA PHƯƠNG tại GIẢNG ÐƯỜNG
Ngày 22-8-MẬU THÂN (dl. 13/10/1968)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính quý Quan Khách,
Kính Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Nam Nữ,

Cũng như thường lệ gần đến Rằm Trung Thu thì toàn thể Chức Sắc nơi địa phương tựu về Tổ Ðình hiệp với Hội Thánh để cúng Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung. Ðây là cuộc lễ độc nhất trong năm mà các con cái Nam Nữ trong Ðại Gia Ðình chung nhau, dưng lên Ðức Mẹ Thiêng Liêng lòng chơn thành kính mến.

Năm nay thì thời cuộc bất an ninh, khói lửa lan tràn khắp nơi từ đầu năm Mậu Thân, vùng ngoại ô Thánh Ðịa cũng phải hứng chịu cảnh đau thương tang tóc nên cuộc lễ phải cử hành hết sức đơn giản hầu đỡ phần tốn kém cho nhơn sanh.

Tuy nhiên, về phần tinh thần thì cuộc lễ không kém phần long trọng. Mặc dù giờ giới nghiêm được áp dụng nhưng số Tín Hữu nôn nóng dự buổi lễ, đã tề tựu tấp nập nơi vùng Nội ô không kém gì mấy năm trước. Ngoài ra, Thủ Tướng Chánh Phủ cũng có cho vị Tổng Trưởng Bộ Chiêu Hồi đại diện đến dự lễ với một Phái đoàn tùy tùng.

Ðó là phần đặc biệt của cuộc lễ Hội Yến năm Mậu Thân.

Trong tình trạng khó khăn mà cuộc lễ được kết thúc trong sự êm ấm điều hòa và trong niềm vui vẻ của tất cả Chức Sắc và Ðạo Hữu, Hội Thánh lấy làm mãn nguyện.

Sự thành công nầy đã nêu cao tinh thần đoàn kết giữa Hội Thánh và Chức Sắc cũng như Ðạo hữu, Hội Thánh có quan niệm là Ðức PHẬT MẪU đã chứng lòng thành của tất cả con cái của Người và đã ban ơn huệ cho chúng ta vậy.

Hôm nay Hội Thánh tổ chức bữa tiệc thân mật nầy để ủy lạo toàn thể Chức Sắc Cửu Viện và ở Ðịa phương cùng nhơn viên công quả trong các cơ quan Ðạo. Nhơn dịp nầy Hội Thánh cũng tỏ tình thân mến đối với những bạn cùng chung hội đồng thuyền, cùng chung một chí hướng vị tha, đã từng cùng nhau chia vui sớt nhọc trong những lúc thăng trầm của nền Ðạo, không nao lòng nản chí, trước nhiều cơn thử thách gay go.

Vì vậy mà thì giờ vui hay buồn cứ trôi qua, nhưng tình yêu thương vô tận giữa bạn đồng hành vẫn tồn tại bất di bất dịch.

Sau bao nhiêu ngày xa cách, sau bao nhiêu cuộc biến loạn thảm khốc của chiến tranh mà mỗi người đều nôn nóng biết rõ tin tức kẻ ở phương xa, cuộc hội họp nồng đượm vẻ thân ái nầy là một nguồn an ủi quí báu của chúng ta.

Cuộc hội diện tuy ngắn ngủi, nhưng cõi lòng của người nặng gánh nhiệm vụ nơi chốn xa xăm cũng được sưởi ấm phần nào để trụ vững khối can đảm trong khi trở lại dặm đường lữ thứ.

Rồi đây Chức Sắc nơi Ðịa phương, các Khâm Trấn, Khâm Châu, Ðầu Tộc phải lên đường trở về với nhiệm vụ. Càng nghĩ nỗi khó khăn gay cấn mà Hội Thánh phải gánh chịu nơi Trung ương trong giai đoạn hiện tại, Hội Thánh càng thông cảm nỗi lo âu ngần ngại của quý vị nơi chốn xa xôi trong khi thi hành phận sự. Nhưng đã chịu mạng lịnh Thiêng liêng, đã hiến mình cho Ðức CHÍ TÔN để cầm ngọn Ðuốc quang minh soi đường cho nhơn loại đêm tăm tối thì dù trải qua bao nhiêu gian lao cực khổ chúng ta cũng phải vui lòng không nên thối thác.

Ðời là biển khổ, chúng ta nếu không gặp Ðạo thì cũng ở trong số người đương bị đẩy đưa giữa lượn sóng khổ. May duyên được Ðức CHÍ TÔN đưa đường dẫn lối, chúng ta đã nắm trong tay phương pháp nhiệm mầu để thoát khổ, thì sự khổ đau vì chúng sanh, vì Ðạo, chính là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh để bước vào cõi Thiêng liêng Hằng sống.

Người Chức Sắc trong Thánh Thể Ðức CHÍ TÔN không phép sống ích kỷ mà phải sống cho mọi người, sống để thay Trời đem tình thương vô tận chan rưới cho nhân loại.

Ðời càng biến loạn, nhiệm vụ người hành Ðạo càng nặng nhọc. Phải vững chí tu thân, lập công bồi đức, dìu dắt kẻ lạc lầm, đỡ nâng người cô quả. Phải dám hy sinh, dám quên mình, dám chịu thiệt thòi thì hột Thánh cốc mới được gieo rải khắp cùng, sứ mạng Ðạo cứu đời mới trọn vẹn.

Ðược như vậy, tác phong của người Chức Sắc Cao Ðài mới vượt lên đến mức siêu nhiên và mới hẳn thật là tác phong của bậc Thánh nhơn tại thế vậy.

Ngọn lửa chiến tranh thảm khốc đã bao trùm khắp đất nước, đã lan tràn từ thành thị đến thôn quê gây nên cảnh chết chóc tang thương, nhà tan nghiệp nát.
Nạn nhơn sống sót phải chịu vất vả điêu linh, màn trời chiếu đất, lại còn phải bâng khuâng lo sợ không biết số phận mình ngày mai sẽ ra thế nào?
Một số Tín hữu trong Ðạo cũng chung chịu định mạng khắc khe của con người của thời kỳ ly loạn.

Than ôi! Cuộc dâu bể vẫn không lường, sự mất còn đâu biết trước, đời người qua thắm thoát như bọt nước giữa dòng sông, ngọn đèn xao dưới gió thì trong cửa Ðạo, dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố tin nơi sự che chở Thiêng liêng và hơn lúc nào hết, phải giữ trọn nghĩa nhân Ðạo Ðức bền lòng thiện niệm để cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN cho tai qua nạn khỏi.

Quý vị cũng thấy rõ là ách nước nạn dân do Thiên điều chế ngự, kẻ bạo tàn phải bị diệt vong, người chơn chánh được hưởng ân huệ.

Thế mà người đời chưa thức tỉnh, vẫn còn say mê trong giấc mộng kim tiền, cũng hung hăng bạo ngược, cũng gian xảo trăm bề, cũng chước quỉ hại nhơn, tham vàng bỏ nghĩa. Có kẻ làm giàu trên xương máu của đồng bào, có kẻ mượn Ðạo tạo đời tư, cậy quyền toan hiếp chúng.

Chính mình đã dời tai họa đến cho mình mà chừng tai họa đến lại than van số phận, trách đất hờn Trời.

Chúng ta không nên có ác cảm với những kẻ ấy. Ðành rằng họ gieo nhân nào thì gặt quả nấy, họ phải chịu hậu quả của việc đã làm, nhưng là người có sứ mạng đem sự khoan hồng Thiêng liêng đến cho nhân loại, chúng ta phải thương hại xót xa giùm tội lỗi của họ. Phải lựa dịp để cảm hóa, thức tỉnh họ, đưa đường dẫn lối cho họ trở về với Thiên lương Ðạo Ðức.

Cứu được những linh hồn như vậy là một công nghiệp phi thường, khả dĩ nâng cao thinh danh của Ðạo đúng theo câu "Nhơn năng hoằng Ðạo" của Ðức Khổng Phu Tử.

Trong bữa tiệc thân mật hôm nay, những lời tôi tỏ bày với quý bạn Ðạo, là những lời tâm huyết chơn thành, những ý kiến xây dựng cố ý trấn an tinh thần của quý vị nhứt là Chức Sắc nơi Ðịa phương khi trở về với trách nhiệm.

Tình đời dù quá khắt khe, biến cuộc dù quá kinh khủng, nhưng chi chi cũng không qua được quyền năng vô đối của Ðấng CHÍ TÔN ÐẠI TỪ PHỤ.

Ðã mang nơi mình cái sứ mạng Thiêng liêng, quý vị nên an lòng vững chí mà bước tới phải luôn luôn tin tưởng nơi ÐẠI TỪ PHỤ, cầu nguyện với tấm lòng trong sạch và một đức tin kiên cố thì trong mọi việc quý vị sẽ được mãn nguyện, trừ phi quý vị có làm điều tội lỗi thì phải sám hối ăn năn tự nguyện cải hóa, với một tấm chơn thành quý vị sẽ được tha thứ.

Trước khi quý Khâm Trấn, Khâm Châu và Ðầu Tộc lên đường tôi xin để lời khuyên nhủ gồm trong ba điểm:

1. Dụng bác ái để xử kỷ tiếp vật:
Ðức CHÍ TÔN có dạy rằng: Ðức Ngài là Cha của sự yêu thương và bởi thương mới lập Ðạo cứu đời, đem 92 ức nguyên nhân trở về nguyên bổn. Sản xuất nơi sự thương yêu, Chức Sắc phải dụng lòng thương vô tận mà độ rỗi nhơn loại.

Dưới tiềm lực yêu thương, những gì đắng cay đều biến thành dịu ngọt, những sự đau khổ sẽ biến thể thành nguồn lạc hoan.

2. Nên giữ lời minh thệ tận trung với Ðạo:
Có câu phương ngôn: "Nhà nghèo biết con thảo, nước loạn rõ tôi trung".

Ðạo đã bao phen chịu thiệt thòi, chịu hiếp đáp, nhưng nhờ lòng trung thành của con cái Ðức CHÍ TÔN mà qua nhiều cơn giông tố rồi cũng đứng sựng và nêu cao ngọn cờ cứu khổ.

Quý vị đã thọ lãnh sứ mạng Thể Thiên Hành Hóa thì mỗi việc làm của Quý vị đều có Thánh Thần chứng kiến sự tận trung với Ðạo sẽ đem đến cho quý vị một phần thưởng Thiêng Liêng xứng đáng. Nếu vì một lẽ nào mà quý vị "bán đồ nhi phế" hoặc chịu làm dụng cụ cho kẻ khác phá Ðạo, tức là quý vị sẽ thất thệ và sự thất thệ là một trọng tội vô phương cứu chửa "hoạch tội ư thiên vô khả đảo giã".

3. Phải tận tâm với nhiệm vụ:
Dù nội Trung ương hay là ở các Ðịa phương một Chức Sắc thọ lãnh nhiệm vụ do Hội Thánh giao phó, đó là một dịp thuận tiện để cho mình đem công lập vị. Nền Ðạo được bành trướng vẻ vang, cơ phổ độ được nhiều thắng lợi, là nhờ nơi sự cố gắng và tinh thần phục vụ của toàn thể Chức Sắc.

Cơ quan Hành Chánh Ðạo ví như một động cơ, các bộ phận phải hoạt động đồng đều thì động cơ mới vận chuyển suông sẻ, nếu một bộ phận bị hỏng, tức nhiên động cơ phải ngưng hẳn, không vận chuyển được.

Về việc Ðạo, nếu một Chức Sắc vì một lẽ nào bỏ bê phận sự làm cho hỏng hết công việc dưới quyền điều khiển của mình thì sự thất bại đó, chẳng những làm hư hại nghiệp Ðạo mà còn làm tổn thương cho thinh danh nền Ðạo.

Dầu kẻ phạm tội dụng khôn lanh ngụy biện để khỏi tội hữu hình, nhưng không tránh được hình phạt Thiêng Liêng.

Thưa quý vị! Tôi ước mong những lời khuyên nhủ trên đây có thể giúp ích cho quý vị phần nào trong việc thi hành phận sự.

Trước khi dứt lời tôi cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban ơn cho toàn thể Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu lưỡng phái.
Nay kính
TÒA THÁNH TÂY NINH, Ngày 22-8-Mậu Thân
(dl.13/10/1968)
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ÐÀI

Sao y bản chánh
TÒA THÁNH, Ngày 24 tháng 8 Mậu Thân
(dl. 15/10/1968)
NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ
NGỌC NHƯỢN THANH
Ký tên và đóng dấu

HUẤN TỪ
của ÐỨC THƯỢNG SANH
Nhân lễ khánh thành HỌC ÐƯỜNG BỘ NHẠC TRUNG ƯƠNG
Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Hội Thánh Phước Thiện,
Kính Ðại Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh,
Kính Quý Quan Khách,
Kính Quý Chức sắc và Ðạo hữu Nam Nữ,

Hôm nay tôi lấy làm hân hạnh đến Chủ Tọa buổi lễ Khánh thành ngôi Học đường của Bộ Nhạc Trung Ương.

Nghĩ đến công cuộc kiến tạo mà Bộ Nhạc Trung Ương phải tự túc để hoàn thành, tôi ý thức đến nỗi khó khăn cũng như sự nổ lực của toàn thể Chức sắc Bộ Nhạc đã đồng tâm nhứt trí mới đi đến thành công mỹ mãn.

Nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin để lời khen ngợi vị Chưởng Quản Bộ Nhạc Trung Ương và tất cả Chức sắc Bộ Nhạc.

Ðáng lẽ Hội Thánh Cửu Trùng Ðài và Hội Thánh Phước Thiện phải chia nhau đài thọ số phí tổn kiến tạo cơ sở cần thiết cho Bộ Nhạc, vì Nhạc và Lễ là hai môn phục vụ cho Ðạo, chung cả Hành Chánh và Phước Thiện.

Ở trong tình trạng phải tự túc, Chức sắc Bộ Nhạc cam lòng hy sinh đa thiểu tùy theo sức mình, ngoài ra còn nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong Ðạo, cuộc kiến thiết mới được hoàn tất như chúng ta đã thấy.

Cho hay "Hữu chí cánh thành", sở nguyện và cương quyết của Chư Chức sắc Bộ Nhạc đã nung đúc thành khối kiên tâm cứng rắn thì dù khó khăn bao nhiêu cũng có thể san bằng để đi tới chỗ cứu cánh. Vì đó Nho học có câu: "Thế thượng vô nan sự, nhơn tâm tự bất kiên" có nghĩa trên đời không có việc nào khó, chỉ tại người không bền lòng.

Học đường của Bộ Nhạc đã hoàn thành đó là một công quả đáng ghi của Chức sắc Bộ Nhạc.

Giờ đây vị Chưởng Quản và Chức sắc Bộ Nhạc phải gắng công đào luyện đàn em cho thành tài, đồng thời trau luyện Nghệ Thuật mình cho đến chỗ tận thiện, tận mỹ, trước để phụng sự nền Ðạo sau để nâng cao phẩm giá của Âm nhạc là môn học rất trọng yếu của Khổng Giáo.

Khi mới khai sáng nền Ðạo, Ðức CHÍ TÔN rất chú trọng đến Nhạc và Lễ, vì cái hay của Lễ là giữ trật tự bên ngoài cái hay của Nhạc là tạo sự điều hòa để kềm chế tâm tình bên trong cho khỏi vọng niệm. Lễ và Nhạc cùng họp nhau và nếu giữ đúng nề nếp thì đàn cúng mới nghiêm chỉnh, được bao trùm một bầu không khí huyền diệu, Thiêng liêng khiến cho chúng ta cảm tưởng là có Ðức CHÍ TÔN và Chư Tiên Phật giáng ngự để ban ơn cho toàn Ðạo.

Trái lại nếu Lễ không nghiêm, Nhạc không hòa thì đàn cúng có cái trạng thái hỗn loạn khiến cho người đến Lễ bái có một tâm trạng xao xuyến, tinh thần bất định. Ðó là một sự thất Lễ đối với các Ðấng Thiêng liêng và như vậy Ðức CHÍ TÔN không khi nào giáng Ðàn, tà quái có thể thừa dịp xung nhập gây nên điều rắc rối.

Trong nhiều Ðàn cúng lúc ban sơ, Chức sắc thường bị Ðức Chí TÔN giáng cơ quở trách vì Ðàn không nghiêm, Lễ Nhạc còn khuyết điểm.

Trong năm Ất Tỵ (1965) Ðức Hộ Pháp cũng có giáng cơ tại Ðền Thánh dạy Chức sắc Bộ Nhạc nên trau luyện Nhạc điệu vì Nghệ thuật còn kém. Sự kém cỏi đó, có lẽ một phần Nhạc sĩ thiếu tập dượt, hoặc có thụ huấn mà chưa nhuần nhã. Tôi ước mong mỗi Chức sắc Bộ Nhạc nên lưu tâm để tự mình trau luyện cho đúng mức độ Nghệ Thuật.

Thưởng thức một bài đờn hay như nghe một bài thi sắc sảo, một câu đờn tao nhã có điêu luyện như một câu thi tuyệt bút có mãnh lực gợi cảm làm cho xúc động tâm hồn.

Vì vậy thời xưa các Ðấng Ðế Vương dùng Nhạc để cảm hóa lòng người trong Ðạo trị dân, Vì Nhạc có thể khiến dân trở nên thuần hậu và có thể di phong dịch tục.

Nhạc là món ăn tinh thần đứng đầu trong bốn thú phong lưu của Thánh hiền thời xưa là Cầm, Kỳ, Thi, Họa và các bậc Thánh hiền đã dùng Nhạc để đạt đến lý tưởng cao siêu, giúp ích cho sự kinh bang tế thế, xây dựng nước nhà.

Vì Nhạc có cái thế lực quan trọng như vậy nên Ðức Khổng Tử soạn ra bộ Kinh Nhạc và cho đứng vào hàng Ngũ kinh là Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc. Về sau Ngài làm ra bộ sách Xuân Thu, nhập với năm bộ sách trước gọi là Lục Kinh.

Sau khi Ðức Khổng Tử mất, kế nhà Tần có việc đốt sách thì những Kinh ấy bị thiêu hủy hoặc thất lạc ít nhiều.

Nhứt là Kinh Nhạc thì mất gần hết, chỉ còn lại có một thiên, sau đem nhập vào Bộ Lễ Ký đặt tên là Thiên Nhạc Ký. Thành thử trong sáu bộ kinh chỉ còn lại có Ngũ Kinh là Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.

Tính của Ðức Khổng Tử hay ưa thích đàn và hát. Lúc Ngài ở nước Tề ham học Nhạc thiều, trong ba tháng say mê cho đến đổi ăn không biết mùi vị.

Ngài nói: Ta chẳng ngờ Học Nhạc vui đến được như thế (Bất đồ vi Nhạc chi chí ư tư giả).

Khi Ngài châu lưu khắp thiên hạ thì bên mình không khi nào rời cây đàn Ngũ Huyền Cầm.

Quan niệm của Ngài là tiếng đàn thanh nhã có thể nâng cao tinh thần và trụ vững tâm trí siêu nhân của người Quân tử. Lúc Ngài bị vây giữa khoản nước Tần và Sái, bảy ngày không nấu ăn, chỉ ăn rau luộc suông, các Ðệ tử như Tử Lộ, Nhan Hồi, Tử Cống v.v... đều băn khoăn lo sợ cho Ngài, nhưng Ngài vẫn ung dung ngồi đàn hát.

Chúng ta thấy rõ Thánh nhơn trọng dụng Âm nhạc như vậy vì Âm Nhạc là một bộ môn văn hóa cao đến tuyệt độ và Nhạc Thiều có cái mãnh lực huyền bí, cao siêu giúp dân trị nước, cải hoán xã hội.

Du Bá Nha đập nát Diêu Cầm thề không đờn nữa, người bạn tri âm là Chung Tử Kỳ đã mất thì không ai còn biết nghe tiếng đờn của mình.

Khổng Minh Gia Cát mượn tiếng đờn mà lui giặc Tư Mã Ý.
Trương Tử Phòng nhờ có giọng Tiêu ai oán mà trong một đêm giải tán tám ngàn đệ tử của Sở Bá Vương tại Cửu Lý San để cho Lưu Bang diệt được kẻ thù chung của thiên hạ, lập nên cơ nghiệp nhà Hớn hơn bốn trăm năm.

Công dụng của Nhạc Thiều thời xưa thì cao thượng như vậy. Ngày nay người ta dùng Âm Nhạc làm công cụ cho chủ nghĩa con buôn trên sân khấu, khiến nên nhà nhạc sĩ vì kế sinh nhai phải bán rẻ tài nghệ làm cho cái giá trị của Quốc nhạc phải bị hạ thấp đến cực điểm.

Trong cửa Ðại Ðạo, chúng ta phải nâng đỡ ngành Âm Nhạc, phải bảo tồn Âm Ðiệu cổ truyền để lưu lại cho Ðất Nước tinh hoa của một Nghệ Thuật thuần túy, mặc dù cái tinh hoa ấy nay chỉ còn phưởng phất chút dư hương do sự phế cựu hoán tân của giới Nhạc Sĩ trong nước.

Ði ngược lại với trào lưu thoái bộ đó, chúng ta không nên coi thường môn Âm Nhạc và phải cố tâm gìn giữ cái chơn giá trị của nó.

Dù Nhạc Lễ hay Nhạc Ðiệu Tài tử cổ truyền, mỗi môn đều có cái hay riêng đặc biệt. Nếu học Nhạc dù là môn nào, phải cố gắng học đến chỗ cùng cực uyên thâm, năng luyện tập trau giồi để càng ngày càng thêm tiến triển mới đáng gọi là biết yêu Nghệ thuật. Từ đây Bộ Nhạc Trung Ương đã có ngôi Học Ðường làm nơi đào tạo nhơn tài, Chức Sắc đàn Anh trong Bộ

Nhạc phải ra công dìu dắt các Nhạc Sĩ thế nào cho khỏi mang tiếng là "Hữu danh vô thực".

Với sự mong ước nói trên, tôi xin cầu chúc Vị Chưởng Quản và Chức Sắc Bộ Nhạc thành công mỹ mãn để phục vụ cho Nghệ Thuật và cho nền Ðại Ðạo.
NAY KÍNH
TÒA THÁNH, Ngày 25 tháng 10 năm Mậu Thân
(dl. 14/12/1968)
CAO THƯỢNG SANH

HUẤN TỪ
ÐỨC THƯỢNG-SANH đọc trong buổi lễ Khánh thành
Cơ Quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý (Ngày 16/1/Kỷ Dậu, dl. 4/3/1969)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Ngài Tổng Trưởng Thông Tin và Chiêu Hồi,
Kính Ðại Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh,
Kính Quý Quan Khách,
Kính Chức sắc và Ðạo hữu Nam Nữ,

Ðến chủ tọa buổi lễ Khánh Thành hôm nay, tôi không dấu được niềm hân hoan khi chứng kiến một công trình xây dựng đồ sộ được thực hiện để dùng làm văn phòng cho Cơ Quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý Ðại Ðạo. Cơ Quan nầy thành lập từ đầu tháng 5 năm Ðinh Mùi (1967).

Lúc ban sơ Cơ quan phải tạm mượn vài căn phòng Hiệp Thiên Ðài làm nơi thu thanh và tập dượt văn nghệ, vì chỗ chật hẹp thiếu tiện nghi nên công việc của Cơ quan không thể phát triển theo ý muốn, nhờ sự tận tâm hoạt động của Ngài Khai Ðạo Hiệp Thiên Ðài, kiêm Giám Ðốc Cơ quan. Nhờ sự hưởng ứng của những bạn đạo giàu lòng háo nghĩa, ra tay trợ giúp về mặt tài chánh mà ngày nay Hội Thánh được có một ngôi biệt thự cao đẹp để làm cơ sở vĩnh viễn cho Ðài Phát Thanh tiếng nói của Ðại Ðạo.

Lễ đặt viên gạch đầu tiên xây cất cơ sở nầy khởi hành vào ngày 17 tháng 11 năm Ðinh Mùi (dl.18/12/1967), công cuộc kiến tạo tiếp đến cuối năm Ðinh Mùi thì một phần quan trọng đã được xây dựng. Nhưng qua đầu năm Mậu Thân lại bị nạn chiến tranh làm cho sụp đổ thành thử phải khởi công xây cất lại. Tài chánh đang eo hẹp mà lại gặp trường hợp phải chịu thêm một khoản tổn phí quan trọng, đó là điều khó khăn gần như nan giải. Nhưng ban Giám đốc với ý chí cương quyết đã cố gắng xoay chuyển cho có đủ tài chánh để bắt đầu tái kiến thiết, không vì cuộc thử thách vừa qua mà phải chịu thúc thủ vô sách.

Hôm nay, Văn phòng Cơ quan Phát thanh đã hoàn thành mỹ mãn, với sự trang trí các máy móc và dụng cụ cần thiết Ban Giám Ðốc Cơ quan đã lập được một đại công trong khi thi hành nhiệm vụ, mà các vị ân nhân đã hy sinh về phần tài chánh cũng góp một phần công quả xứng đáng trong cuộc xây dựng đại nghiệp chung của nền Ðạo.

Ngoài ra, để giúp về mặt tinh thần cho Cơ quan Phát thanh. Các bạn Ðạo Nhạc sĩ và Ca sĩ đã sẳn lòng đem hết khả năng và thiện chí hiến dâng công quả từ buổi ban sơ đến nay, giúp cho phần văn nghệ của mỗi buổi phát thanh được hào hứng. Nhờ đó, các thính giả tri âm ở bốn phương có dịp thưởng thức một thể điệu âm nhạc thuần túy của Ban văn nghệ Tòa Thánh Tây Ninh. Như vậy Hội Thánh thật hân hạnh được sự ủng hộ triệt để của bổn Ðạo về mọi phương diện, kẻ đem công, người giúp của, chia sớt nỗi âu lo, đắp bồi chỗ thiếu thốn. Cho nên công việc dầu khó khăn thế nào cũng có thể đi đến một cứu cánh tốt đẹp. Chí nhiệt thành và lòng háo nghĩa của con cái Ðức Chí Tôn đã được chứng tỏ đúng lúc cần yếu, đó chính là một tinh thần đoàn kết và tương trợ thật cao cả, mà đó cũng là cái năng lực hữu hiệu do quyền thiêng liêng đã mầu nhiệm dành sẳn cho Thánh thể hữu hình của Ðại Từ Phụ tại thế. Cái tinh thần đó, có thể nói bất diệt cũng như cái năng lực đó vẫn trường tồn và luôn luôn chực sẳn để phụng sự cho chánh nghĩa, trợ giúp cho lẽ công ứng tiếng hy sinh khi hữu sự.

Hội Thánh rất may mắn được có một hậu thuẩn tận tâm, trung thành như vậy mới có thể thực thi sứ mạng Thể Thiên Hành Hóa, đem đạo cứu đời, dìu dắt nhơn sanh nâng cao giá trị nền Chánh giáo. Công cuộc kiến tạo đã thành đạt, những bạn đạo đã giúp về vật chất cũng như về tinh thần và có mặt trong buổi lễ hôm nay chắc hẳn cũng lấy làm hân hoan khi nhìn thấy kết quả hữu hình mà trong đó mình có đóng góp một phần tô điểm và xây dựng. Ðể lưu niệm về sau, Ban Giám Ðốc Cơ Quan Phát Thanh cũng nên lập một quyển sổ vàng ghi tên quý vị hảo tâm trong Ðạo cũng như ngoài Ðời đã góp sức tạo nên ngôi biệt-thự này.

Nhơn dịp lễ Khánh Thành hôm nay, tôi xin nhắc lại, là Chức sắc Hội Thánh đã đi đến một giai đoạn mới, là giai đoạn thực hành giáo lý Ðại Ðạo. Thật vậy, Giáo Lý đã được Cơ Quan Phát Thanh phổ truyền sâu rộng từ quốc nội đến hải ngoại mà tiếng nói đó là tiếng nói của Hội Thánh. Lẽ dĩ nhiên là Chức Sắc Hội Thánh phải tích cực thi hành theo giáo lý trước khi phổ biến nó đi khắp nơi để giáo hóa tín hữu và truyền bá Ðạo Trời. Nếu tất cả Chức Sắc trọn tùng giáo lý mà tu tâm luyện tánh và xử kỷ tiếp vật, nhơn sanh trong cửa Ðạo được hưởng hoàn toàn hạnh phúc và vùng Thánh Ðịa nầy là một cõi thiên đàng tại thế vậy.

Mặt khác, tôi nhận thấy nhiệm vụ phát thanh giáo lý là một nhiệm vụ rất quan trọng mà riêng Ban Giám Ðốc Cơ Quan Phát Thanh không thể thực hành cho đến mức tận thiện, tận mỹ. Phải cần có sự cộng tác của Chức Sắc Cửu Trùng Ðài và Phước Thiện mới chắc có thành quả tốt đẹp hơn, Giáo lý là căn bản của một Tôn Giáo, nền tảng của một mối Chánh truyền, phải cùng nhau chung tâm hiệp trí chúng ta mới tránh được điều sơ suất và công việc truyền bá Ðạo trong đại-chúng mới được thuận lợi.

Hôm nay dự buổi lễ Khánh thành văn phòng CƠ QUAN PHÁT THANH, tôi có lời khen ngợi Ban Giám Ðốc và toàn thể nhân viên cũng như những vị Nhạc sĩ, Ca sĩ của Cơ quan đã tận tâm làm việc hơn mười tám tháng nay để phụng sự cho nền Ðại Ðạo. Tôi ước mong cái tinh thần phục vụ đó được tồn tại mãi để cho cơ quan ngày càng thêm tiến triển hầu nâng cao thinh danh Ðạo Cao Ðài trên khắp mặt địa-cầu.

Trước khi dứt lời, nhơn danh Hội Thánh, tôi xin cầu nguyện Ðức Chí Tôn ban ơn cho toàn thể Chức Sắc, quý Quan khách và Ðạo hữu Nam, Nữ.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
THƯỢNG SANH
CAO HOÀI SANG
(Trích Thông Tin số 96, ngày 17/4/1974)

Bài Thuyết Ðạo Của Ðức Thượng Sanh
Trong buổi Lễ Chung Niên tại Ðền Thánh,
đêm 23 tháng Chạp Kỷ Dậu (dl. 30/1/1970)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Quý Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Nam Nữ,

Sen tàn cúc nở, đông mãn kế xuân về. Ngày tháng thoát qua chẳng khác chi nước chảy dưới gầm cầu, lật bật năm Kỷ Dậu sắp cáo chung, trăm họ nô nức đón chào Xuân mới.

Cứ Xuân mãn rồi Xuân về, nhựt nguyệt mãi vần xây mà bức tranh xã hội vẫn nhuộm màu chiết tỏa thê lương, khói lửa vẫn bao trùm non nước, gây biết bao tang thương ảm đạm cho kiếp con người sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc.

Ðức Chí Tôn có dạy là dân tộc Việt Thường đang ở trong vòng vay trả oan nghiệp, nhưng hơn 20 năm qua đã hứng chịu nạn binh đao thảm khốc, sự đau khổ đã chập chồng trên đất nước, dù là nơi an tịnh tu hành cũng không tránh khỏi thảm họa chết chóc, sự nghiệp tiêu tàn, cửa nhà đổ vỡ. Chúng ta trong cửa Ðạo, vì lòng bác ái đối với nhơn sanh, vì tình thương tổ quốc, phải luôn luôn để tâm cầu khẩn Ðấng Chí Tôn chan rưới hồng ân, xóa bớt tội tình cho Việt Chủng.

Cầu nguyện là phận sự đối với quyền Thiêng Liêng, song chúng ta chẳng nên quên nhiệm vụ về mặt hữu hình là gắng chí tu hành lập công bồi đức, khắc kỷ vị tha, hướng dân qui thiện, vì đó là con đường Ðại Từ Phụ đã vạch sẳn cho chúng ta noi theo để tự giải thoát cho mình và tiêu trừ nghiệp quả chung của nòi giống. Thành thử chúng ta phải dọn mình cho xứng đáng để phát ra lời cầu nguyện, tức là người cầu nguyện phải trong sạch, đạo tâm đầy đủ và hết sức tín thành thì lời cầu nguyện mới có hiệu quả.

Pháp văn có câu phương ngôn: "Cái áo không tạo thành người tu sĩ", tức là người mặc áo đạo không chắc là thầy tu. Nói rõ hơn: Cái áo đạo bên ngoài hay phản khắc với tâm hồn của người mặc áo. Áo thật là áo đạo mà tâm tánh của người thì xảo trá, gian dối đủ điều, thử hỏi người như vậy cầu nguyện có cảm động Trời Phật được chăng? Như thế câu: "Hữu cầu tắc ứng" là vô nghĩa đối với trường hợp nầy.
{ trang 2 thiếu }

là người ta gặp sự may hay sự rủi chỉ do nơi vận mạng, nghiệp căn của mình vậy. Vả lại của lớn tiền nhiều không phải là hạnh phúc, cái hạnh phúc về tinh thần mới đúng là chơn hạnh phúc. Ðó là cái hạnh phúc của người biết sống có lương tâm thơ thới, hay làm việc phải, không nhơ bợn bả lợi mồi danh hoặc tiền tài bất chánh.

Do cái chơn lý nhân sinh tự cổ chí kim, ai cũng nhìn nhận như thế. Dòng đời xuôi ngược cứ thay đổi theo thế hệ trào lưu, chỉ có chơn lý là bất di bất dịch. Người đã thấy hiểu cái chơn lý ấy vẫn điềm nhiên trước cảnh đua chen náo nức của thiên hạ khi ngày Xuân sắp đến, không bắt chước se sua lãng phí, cứ an phận thủ thường, tùy hoàn cảnh của mình mà lo liệu ổn thỏa việc gia đình.

Duy có hạng người có ý niệm nông nổi cho rằng ngày Tết thì phải ăn xài phủ phê, mặc dù không dư dả hoặc nghèo túng quanh năm, cũng học đòi theo nhà sẳn của, cũng sắm ăn sắm mặc lòe loẹt bề ngoài. Thành thử phải tiêu phí số tiền nhỏ nhen dành dụm bấy lâu hoặc vay mượn tứ phía để rồi xong ba ngày Tết phải cặm cụi lao nhọc mãn năm mà trả cũng chưa dứt nợ. Ðó là một điều sai lầm đáng thương hại, khổ nỗi cái tệ đoan ấy không biết bao giờ mới tiêu trừ được.

Cái ý nghĩa chánh của Xuân chỉ hướng về mặt tinh thần. Ngoài ra sự cúng Tổ Tiên, các giới Sĩ, Nông, Công, Thương dùng dịp tạm nghỉ để kiểm điểm việc làm đã qua hầu lo tính công việc sắp tới, tìm phương thế làm cho nghề nghiệp được tinh xảo hơn, sự sản xuất sung túc và tốt đẹp hơn, trước là đem thắng lợi cho mình sau giúp ích xã hội trong mọi phương diện.

Là người tu hành, chúng ta không nên so sánh với mặt đời, không nên se sua lãng phí, kiêu sa, cờ bạc. Phải vui Xuân với ý nghĩa thanh bai trong tinh thần Ðạo đức và trong mặc tưởng hướng về Tổ quốc đang lâm nguy và nhơn sanh đang quằn quại khổ đau khắp trên đất nước.

Xương máu của đồng bào đã hao nhiều vì chiến cuộc, hồn thiêng sông núi đang chờ đợi những đứa con thân yêu của quê hương đang xông pha ngoài chiến địa để cứu nguy cho dân tộc mà không biết ngày nào được trở về.

Chúng ta phải thành tâm cầu nguyện cho những bạn trẻ ấy, ngoài ra nếu có dư dả, nên giúp đỡ những quả phụ cô nhi của tử sĩ đang sống trong cảnh cơ hàn vất vả còn có ý nghĩa hơn là phung phí ăn chơi trong ngày Tết.

Một năm đã qua là một tuổi chồng chất, kiếp sống một hao mòn.

Chức sắc trong hàng Thánh Thể Ðức Chí Tôn phải tự xét mình lo trau giồi hạnh đức, tu luyện tánh tình thế nào cho xứng bậc Thể Thiên Hành Hóa.

Chức Sắc đã hiến thân cho Ðạo, quyết xả thân để phụng sự nhơn loại thì bản thân không còn là của mình nữa, phải chết về mặt đời, sống về mặt Ðạo, tận tụy với nhiệm vụ, không nệ khó khăn lao nhọc thì mới đúng với sự hiến thân của mình.

Ngoài ra, Chức Sắc phải tự giữ phẩm giá thế nào cho người trông vào tư cách và cử chỉ của mình mà đem lòng kính phục thì mới có thể gieo hột Thánh cốc khắp nơi để nhơn sanh được thấm nhuần đạo-đức.

Cũng như hoa sen mọc nơi bùn lầy nước đọng mà không nhiễm chút mùi bùn, người Chức Sắc bôn ba giữa chốn phồn hoa để chọn khách may duyên đưa vào cửa Ðạo, nhưng vẫn giữ vẹn thân danh không vướng vào tục lụy, sa ngã theo lượn sóng trần đó là đạt tới mức trí dũng của Thánh hiền thời xưa vậy.

Ðức Khổng Tử có nói: "Nhơn năng hoằng Ðạo, phi Ðạo hoằng nhơn", nghĩa là người có thể mở rộng Ðạo, Ðạo không mở rộng người.

Nhưng nếu người không hy sinh cho Ðạo, chỉ lo cho cá nhân mình thì chẳng những không mở rộng Ðạo mà còn làm cho danh Ðạo bị tổn thương, cái trách nhiệm ấy quá ư hệ trọng đối với quyền Thiêng Liêng!

Nho Giáo có câu: "Ðạo đại nhân tự tiểu chi, Ðạo công nhân tự tư chi, Ðạo quảng nhân tự hiệp chi", nghĩa là: Ðạo lớn tự người làm nó ra nhỏ, Ðạo công tự người làm nó ra tư, Ðạo rộng tự người làm nó ra hẹp.

Vùng Thánh Ðịa nầy dù là Nội-Ô hay Ngoại-Ô cũng đều sản xuất nơi lòng thương yêu vô biên của Ðức CHÍ TÔN và sự hy sinh tuyệt đối của các Ðấng tiền bối trong Ðạo. Thánh Ðịa phải xứng với danh từ của nó.

Người ở trong vùng Thánh Ðịa dù là Chức Sắc hay Tín hữu cũng đồng con cái của Ðức CHÍ TÔN, nên không thể thiếu lòng thương yêu được, mỗi cá nhân không nên chìu theo thị dục mà gây sự tranh chấp hơn thua với nhau, gây nên kiện tụng liên miên, tạo ra cảnh rối loạn như ở bến chợ đời.

Người của Thánh Ðịa phải hiền từ, mực thước, thành thật, công bằng thì hai chữ Thánh Ðịa mới khỏi bị mỉa mai, chê biếm.

Thế cuộc đang biến chuyển do Thiên Ðiều chế ngự, dữ đọa hiền thăng, chúng ta nên sáng suốt nhận thức cơ thưởng phạt Thiêng Liêng rất nên mầu nhiệm mà thận trọng kềm chế vô-minh, vun trồng cội đức để mong được gội nhuần ân-huệ của Ðấng Chí Linh trên đường giải thoát.

Trước thềm Tân Xuân Canh Tuất, nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài tôi có mấy lời nhắc nhở bạn đồng hành về mặt Ðạo, mong ước chúng ta cùng đồng tâm nhứt trí cải sửa đường lối, lập chí vị tha, quyết hy sinh vì sứ mạng hầu làm vẻ vang cho nền Ðạo và khỏi phụ lòng tin cậy của Ðức CHÍ TÔN ÐẠI TỪ PHỤ.

Tôi cũng xin để lời chúc toàn thể Chức Sắc cùng Tín hữu Nam Nữ ở quốc nội cũng như nơi hải ngoại được sức khỏe dồi dào, tinh thần mẫn huệ và cầu xin Ðức CHÍ TÔN, Ðức PHẬT MẪU ban ơn lành cho tất cả quí vị.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
TÒA THÁNH, ngày 24 tháng Chạp Kỷ Dậu (dl. 31/1/1970)
CAO THƯỢNG SANH

HUẤN TỪ
của Ðức THƯỢNG SANH
Nhân bữa tiệc HỘI THÁNH CỬU TRÙNG ÐÀI
Ủy lạo Chức Sắc và Nhân Viên công quả lúc đầu năm Canh Tuất (dl. 23/2/1970)

Kính Hội Thánh Lưỡng Ðài Hiệp Thiên và Cửu Trùng, Hội Thánh Phước Thiện, Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Nam Nữ.

Xuân Canh Tuất đã đến với chúng ta trong khi khói lửa còn lan tràn, vòm trời Việt Nam còn những ánh mây đen mịt mờ bao phủ. Nhưng mùa Xuân là mùa sinh hóa đem đến nguồn sống cho vạn vật, con người trước cái hiện tượng hoán cựu canh tân thiên nhiên cũng tạm dẹp nỗi lo âu thường ngày đón rước Xuân về với hy vọng ngày Xuân sẽ đem đến cho mình những gì vui tươi tốt đẹp theo như ý muốn. Ngày Xuân là ngày chung vui đoàn tụ của mỗi gia đình trong cửa Ðại Ðạo, một số Chức sắc Hội Thánh tản mát nơi bốn phương vì nhiệm vụ, dù là nơi cách trở xa xôi cũng tề tựu đông đủ về Tổ Ðình để trình diện với Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu. Lòng hiếu kính cũng như tình đoàn kết của quý vị thật nên quí báu, nếu ngoài hai bổn phận ấy, mỗi Chức sắc có thêm lòng nhân ái và chí vị tha thì quý vị toàn là Thánh nhơn tại thế.

Hôm nay chúng ta được hội diện trong bữa tiệc ủy lạo nầy để mừng nhau về cuộc tương phùng lúc đầu năm và cũng nhơn dịp này Hội Thánh để lời nhắc nhở Chức sắc nơi Trung ương cũng như ở địa phương trong việc tu thân hành đạo để quý vị làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

Hơn mười hai năm qua, từ ngày chúng tôi về nắm quyền điều khiển Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, chúng tôi đã có dịp để lời khuyên nhủ không biết bao nhiêu lần, thấy sơ sót muốn bồi bổ, thấy sự tệ hại muốn ngăn ngừa, thấy sai lầm muốn chỉnh đốn, thấy thiếu học muốn giồi trau. Nói tóm lại: Không có điều nào mà chúng tôi không để ý khuyên bảo.

Ðối với bạn đồng hành cùng chung chí hướng, phận sự chúng ta, dù trên hay dưới là phải thương yêu nhau và dạy bảo lẫn nhau.

Chúng tôi không buồn là phải nói hoài, nói thật nhiều nói bằng lời tâm huyết với ước mong cải thiện phần nào tâm hồn của những bạn đạo kém cỏi, chúng tôi chỉ buồn là những lời nói không đem lại hiệu quả, dù là một hiệu quả nhỏ nhen có thể làm vui lòng cho những kẻ đàn anh cầm quyền Hội Thánh, bằng chứng là Chức sắc vẫn còn phạm luật, phạm pháp, Tòa Hiệp Thiên Ðài và Hội Công Ðồng còn hội xử liên miên, hồ sơ kiện tụng nhau ngày càng chồng chất, nhưng chẳng phải vì đó mà chúng tôi sờn lòng nản chí, dựa theo câu "Giáo đa thành oán" mà không làm tròn sứ mạng thiêng liêng.

Chúng tôi chỉ cầu xin ÐẠI TỪ PHỤ hoán cải tâm tánh của những bạn đạo còn quá nặng nề phần đời, mau thức tỉnh để khỏi sa vào vòng đọa lạc. Ðức CHÍ TÔN đã dạy rằng: Ðường tu nhiều nỗi gay go, trên trường thi công quả, số dự thí quá nhiều mà chấm đậu thật ít, chỉ vì cuộc thử thách nặng nề, người tu sĩ bởi chiều theo vọng tâm tức là vô minh mà không lướt qua khỏi.

Vả lại, tham dục hay thị dục đều có trong mỗi người dù Thánh hay Phàm, dù mê hay ngộ, nhưng giữa người mê và người ngộ, kết quả tác động của thị dục không giống nhau, người mê tức là người chưa có cái minh triết ngự trị nơi tâm linh (Sách Phật gọi là Dharma, Ðạt Ma) thì luôn luôn ý thức là mình còn thiếu mọi thứ về vật chất và đợi dịp để lấp bằng những chỗ thiếu thốn, đó là cơ thuận tiện cho thị dục hành động. Người ta nghe theo trong tim những tiếng nói nhỏ quyến rũ, mời mọc với ý nghĩa: "Người nên tự tiện, người phải thu thập tất cả những gì người còn thiếu và bằng mọi cách".

Con người trước khi nhúng tay vào tội lỗi, cũng phải sè sụt ngần ngại một đôi lần.

Nhưng sau cùng sự đòi hỏi của dục vọng quá thúc bách, họ không chống ngăn nổi, nên phải sa ngã, đó là một linh hồn nhập vào hàng tôi tớ của quỉ vương.

Ðối với người giác ngộ sự quyến rủ của thị dục cũng không khác chi trường hợp nói trên, nhưng người giác ngộ nhờ có cái tâm linh thanh bạch sáng suốt tức là Ðạt ma, nên họ vẫn bình thản trước sự xúi giục bất chánh. Họ xua đuổi sự quyến rủ bằng những lý lẽ đanh thép và những tư tưởng cao siêu.

Thị dục càng bức bách, họ càng cương quyết cự tuyệt, trước cái trực giác của tâm linh tức là sự tự tri, tự ngộ, uy lực của thị dục bị đánh đổ và tan rả như mây khói.

Người tu sĩ thắng cuộc trong trường hợp nầy, được tiếp dẫn đến chỗ chứng tâm, thành tựu vẻ vang đời sống đạo đức.

Xin nhắc lại là ai cũng có lòng ham muốn và có quyền ham muốn; nhưng phải phân biệt sự ham muốn nào chánh và ham muốn nào bất chánh. Muốn được hạnh phúc trong đời sống tinh thần, muốn được thông minh, muốn được an tịnh, muốn giúp kẻ khác trong công ăn việc làm thì không có hại chi hết. Có hại là khi những sự ta muốn, nếu ta đạt được thì sẽ có hại cho người khác, nghĩa là ta không tốn của hay ra công mà chỉ dùng mưu thần chước quỉ mà nên việc.

Thánh giáo có dạy chúng ta phải tự lập, tự cứu lấy mình, phải lấy đạo đức chiến thắng bầy hổ lang đang cắn xé chúng ta, chúng ta mới về hội hiệp với ÐỨC CHÍ TÔN được.

Trong một bài Thánh giáo, Ðại Từ Phụ có than: "Nếu biết ngộ, một đời tu các con đủ trở về cùng Thầy. Mà hại thay! Mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh, hoan lạc thấy được kẻ ấy!!!"

Ðại Từ Phụ băn khoăn lo sợ cho bầy con cái thất bại trên đường lập vị mà phải sa ngã vào cạm bẩy quỉ vương, người mang phẩm vị Thiên phong phải cố gắng trau giồi hạnh đức, dưỡng tánh tu tâm để có thể đối phó với cơ khảo đảo, tỏ ra bậc giác ngộ, xứng đáng làm gương mẫu cho đàn em trông vào cửa Ðạo.

Sự giải thoát cho ta, ta phải tự lo lấy, không có quyền lực Thiêng liêng nào giúp sức cho ta, Cũng như một chiến sĩ xông pha ngoài tiền tuyến, ta phải tự lực tự cường mới có thể chống ngăn kẻ địch. Ta còn hay mất đều do nơi sức ta, không ai chen vào phụ giúp ta được.

Ðức Phật Thích Ca nói với các đệ tử rằng: "Ngươi hãy tự cứu lấy ngươi, ngươi hãy đứng dậy một mình".

Ðức Chí Tôn thì dạy rằng: "Nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy là cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đở lên cho đặng".

Ý thức đời sống của kẻ tu hành là đời sống tinh thần, chúng ta nên xem thường mùi phú quí, bả vinh hoa, lấy kinh sách làm món ăn cho tâm hồn, lấy tình thương làm chủ nghĩa, lấy công quả làm nấc thang, nâng tư tưởng vượt lên trên hết những khát vọng thấp hèn của phàm tục. Như vậy chúng ta sẽ thấy an vui, thanh thoát theo lẽ sống của Thánh Hiền thời xưa. Giá trị của người tu sĩ được nâng cao và vì đó danh thể của Ðạo lại vượt cao hơn nữa.

Chí như chúng ta nương nhờ trong cửa Ðạo, do Ðạo mà chúng ta được có phẩm vị, được người kính nể chiều chuộng, mà chúng ta còn hành động nông nổi, làm cho Ðạo phải chịu tai tiếng, thử hỏi chúng ta vào Ðạo với mục đích gì và đường tu sẽ đưa chúng ta đi đến đâu?.

Trên sân khấu đời, mỗi người đều có vai tuồng riêng biệt do mình tự chọn lựa và tác động. Nên hay hư thì tự mình gánh chịu trách nhiệm hay hậu quả, không liên hệ gì đến người khác.

Trên đường Ðạo thì không phải vậy: Chức sắc là một phần trong Thánh Thể Ðức Chí Tôn, vai tuồng của mỗi vị do Ðức Chí Tôn sắp đặt, hoặc Hội Thánh giao phó. Thành thử, cái danh dự của mỗi Chức sắc không phải riêng cho cá nhân mình mà là cái danh dự chung của toàn thể Chức sắc Hội Thánh.

Làm được một sự cao đẹp, không phải một vị Chức sắc được tiếng khen riêng cho mình mà toàn thể Chức sắc đều được chia hưởng tiếng khen ấy. Trái lại, một Chức sắc có hành động bỉ ổi, không phải riêng đương sự bị tiếng xấu, mà tất cả Chức sắc đều chung chịu lời chê biếm nhẽ.

Vì vậy, người Chức sắc không có quyền dấn thân vào đường bất chánh, trừ phi mình tự tách riêng ra khỏi cửa Ðạo, sống đời cô lập, không có liên hệ gì với Hội Thánh.

Trên bước đường hành đạo, phần trọng yếu của người tu thiên về hạnh đức và luân lý. Do cách ăn thói ở của mình, người ta đánh giá mình cao hay thấp. Vì đó, lẽ phải bắt buộc người tu sĩ phải tự hiểu biết lấy mình; bởi lẽ, nếu mình không biết gì đến hành lý của mình thì làm sao cân nhắc được sự học Ðạo của mình tấn hay thối, con người của mình mười năm về trước và con người mình hiện tại khác nhau ở chỗ nào? Những khách đăng sơn khi phải leo lên một đường núi thì trước khi phải kiểm điểm hành lý, bỏ bớt cái gì nặng nề vô ích, cái gì trở ngại, nhờ vậy mới lên tột đỉnh theo ý định của mình.

Người đi trên đường Ðạo cũng thế, cần phải tự lượng sức mình, nên đem theo những gì cần thiết và nhứt định bỏ những gì phải trừ bỏ. Nhứt là phải tự biết mình để dọn mình đối phó với những trở ngại sẽ gặp trên đường Ðạo.

Kính thưa quý vị,
Bữa tiệc hôm nay đem đến cho toàn thể Chức sắc một niềm hân hoan và một sự mãn nguyện trong cuộc hội diện đầy vẻ thân mật và tình lưu luyến trước khi các Chức sắc Nam, Nữ nơi địa phương lên đường trở về với nhiệm vụ.

Nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin có lời chúc cho Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu Nam Nữ được an khang, gặp nhiều may mắn, mọi sự hanh thông trên đường phục vụ cho Ðạo và nhơn sanh.

Xin cầu nguyện Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu ban ơn cho toàn thể quí vị.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
TÒA THÁNH ngày 18 tháng Giêng năm CANH TUẤT
(dl. 23/02/1970)
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ÐÀI

Sao y nguyên văn:
ÐÐHÐ, ngày 13-02-Canh Tuất (dl. 20/03/1970)
HIỆU TRƯỞNG
Giáo Hữu Ngọc Lương Thanh

HUẤN  TỪ
của Ðức THƯỢNG SANH Chưởng Quản HTÐ
Ðọc trong buổi Lễ Tấn Phong Hiền Tài khóa 3
Ngày mùng 8 tháng 2 Canh Tuất, (dl. 15/3/1970)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Quý Quan khách,
Kính Chư Chức sắc và Ðạo hữu Nam Nữ,
Kính Quý Hiền Tài Ban Thế Ðạo.

Trước hết nhơn danh Chưởng Quản Hiệp Thiên Ðài, tôi xin để lời chào Quý Quan khách và toàn thể Chức Sắc Ban Thế Ðạo, trong đó có quý vị Hiền Tài mới được chấp nhận trong niên khóa Kỷ Dậu và hôm nay hiện diện trong buổi Lễ Tấn Phong, cũng là buổi lễ để quý vị trình diện với Hội Thánh đặng thọ lảnh phẩm vị Hiền Tài.

Thưa Quý vị,
Nho học có câu: "Lập thân hành Ðạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiến phụ mẫu, hiếu chi chung dã", có nghĩa: Lập thân hành Ðạo để tiếng lại đời sau, làm cho rạng chói danh thơm đến cha mẹ, đó là trọn Ðạo hiếu vậy.

Hai chữ hành đạo đây nói về đạo làm người, bao hàm các bổn phận đối với gia đình, đối với xã hội và đối với đất nước quê hương.

Sanh ra nơi trần thế, người hữu học có công thập niên đăng quả thì ai cũng muốn chen vào trường ốc, mong chiếm bảng vàng hầu lập nên sự nghiệp vẻ vang, làm đẹp mặt nở mày cho cha mẹ.

Quý vị Tân Hiền Tài đã có chí hướng như trên và phần đông đã có địa vị xứng đáng ngoài mặt đời, được kể vào hàng trí thức của xã hội.

Tuy nhiên, làm cho tròn bổn phận làm người tức là phần nhơn đạo, chẳng phải là một việc dễ, ai cũng có thể làm được.

Theo trào lưu tiến bộ của văn minh vật chất hiện tại nhứt là trước hiểm họa của lằn sóng vô thần quá khích, con người dù là hạng trí thức dễ bị lôi cuốn vào cảnh bê tha trụy lạc, hoặc bị đưa đẩy vào vòng lợi danh đen tối, làm tôi tớ cho thế lực kim tiền, bán rẻ lương tâm, không còn kể nghĩa nhân và lẽ phải nữa.

Chủ nghĩa duy vật đã lan tràn khắp trong đất nước và đầu độc hết chín phần mười dân tộc Việt Nam, nền luân lý cổ truyền đã đổ vở, người ta đã vứt bỏ hết mọi căn bản đạo đức và họ đã chơi vơi lưu lạc trong đêm dài mờ mịt, chỉ vì đời sống của họ thiếu hẳn quân bình giữa vật chất và tinh thần, tức là thiếu luồng điện hòa hợp, thiếu cái biết trí tri của tâm linh hay là ánh sáng dẫn đến trực giác.

Mặc dù quí vị có học thức hay được sinh trưởng trong gia đình đạo đức thuần túy mà quý vị không tu thân khắc kỷ thì trên bước đường đời chông gai hiểm trở, quý vị không thể tránh khỏi những cạm bẫy do thất tình lục dục luôn luôn đặt dưới chơn quý vị.

Nho Giáo dạy rằng: Mục đích của đời người là tu thân theo tiếng gọi của lương tâm, tiến tới hoàn thiện để kết hợp với THƯỢNG ÐẾ và giáo hóa người khác được hoàn thiện như mình. Vì vậy từ bậc vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng lấy sự sửa mình làm gốc (tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bản).

Không thực hành cái định luật nầy, con người chỉ là con người của vật chất, quá tầm thường sanh ra để gây rối cho gia đình và xã hội.

Thế nào gọi là tu thân? Tu thân là đem trật tự lại trong con người, sửa ngay ngắn lại những gì chênh lệch, chấn chỉnh lại những gì gian tà, đổi ra thành thật những gì giả dối.

Ðể hoàn thành những công việc đó, Ðức KHỔNG TỬ khuyên phải triệt để thực hiện tuần tự những điều mục: Thành ý, Chánh tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.

Quý vị may duyên sanh nhằm thời trên đất nước được có nền Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ do Ðấng CHÍ TÔN THƯỢNG ÐẾ khai sáng với tôn chỉ tận độ chúng sanh, cứu vớt 92 ức nguyên nhân đọa trần thoát vòng khổ hải.

Mở rộng trường thi công quả để tiếp đón nhơn tài, Hội Thánh chỉ mong ước quý vị thấm nhuần đạo đức, lập chí tu thân, trước thì lo tròn bổn phận làm người, sau nữa có thể thi thố tài năng giúp đời trợ Ðạo tùy theo địa vị hoàn cảnh của mỗi người.

Một đấng Hiền Tài là một nhơn vật có phẩm giá đặc biệt, đầy đủ đức độ và chân tài.

Cái tài thì do sự học mà có, cái đức thì do lập chí tu thân, theo Ðạo Thánh Hiền mà được.

Nếu có tài mà không đức thì cũng như đóa hoa có sắc mà không hương; cái tài đó cũng không phải là tài hữu dụng.

Thời xưa, Nho học sắp những bậc hiền nhân vào hạng người quân tử, tức là hạng người có đức hạnh tôn quí, trọng nghĩa ái nhân.

Những Ông Hiền được đời kính nể mến phục vì những đấng ấy có tư tưởng cao siêu, hành vi xuất chúng, lúc nào cũng cứ ngay thẳng mà làm điều lành, điều phải, không vì tư tâm tư lợi mà hại đạo lý. Giàu sang không thể làm cho đổi được cái lòng của mình, nghèo hèn không thể làm cho đổi được cái chí của mình, uy quyền võ lực không thể làm cho khuất được cái khí của mình (phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất).

Lúc nào bậc Hiền nhân cũng không tự dối với mình và dối với thiên hạ, cho nên ngưỡng đầu lên không xấu với Trời, cúi xuống không thẹn với người, cùng khổ không mất nghĩa, hiển đạt không lìa Ðạo (Ngưỡng bất quí ư Thiên, phủ bất tạc ư nhân; cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly Ðạo).

Khi gặp vận được một đấng minh quân thỉnh cầu ra giúp nước thì đem cái ân rãi khắp muôn dân, làm cho nhà an nước trị. Nếu không gặp thời thì chịu mai một, sống đời ẩn dật, vui thú lâm tuyền bạn với gió trăng, thi gan cùng tuế nguyệt, chớ không màng đến danh lợi đen tối.

Vì vậy chúng ta được thưởng thức những câu thơ xưa bất hủ, như:
Triền cao hang thẩm, hiền mai tích,
Suối lặng khe êm, khách chịu nhàn.
                                   Hoặc:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ hạc là người quen.
Các bậc hiền nhân thời xưa được có cái tiết tháo như vậy là nhờ biết phân biệt cái tước của Trời cho và cái tước của người cho.

Nhân nghĩa, trung tín, vui làm điều lành không mỏi là cái tước của Trời cho, tức là Thiên tước; công khanh đại phu là cái tước của người cho, tức là nhơn tước.

Người xưa lo sửa cái thiên tước thì cái nhơn tước theo sau và được bền bỉ. Người đời nay chỉ lòe mình có cái thiên tước để cầu lấy cái nhơn tước; khi đã được cái nhơn tước rồi, thì dẹp bỏ cái thiên tước không nói đến nữa. Như thế thì thật là quá nông nổi, rốt cuộc thành ra mất hết, cái nhơn tước cũng không giữ được bao lâu!

Thưa quý vị,
Mở rộng cửa Ban Thế Ðạo, Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài do theo nhã ý của Ðức HỘ PHÁP, ban phẩm Hiền Tài cho những bậc hữu học để khích lệ hạng trí thức nhập vào trường công quả hầu có dịp tiến đức, tu nhân theo chí hướng của mình. Mặc dù còn vướng bận vai tuồng thế sự, hoặc là sinh viên còn ở trong ngưỡng cửa Ðại học, quý vị đã có sẵn tinh thần đạo đức, nên có nguyện vọng bước lên địa vị Hiền Tài để đem khả năng phục vụ nền Chánh Giáo.

Giờ nầy nguyện vọng của quý vị đã được thỏa mãn, lẽ dĩ nhiên Hội Thánh có phận sự dìu dắt và giúp sức quý vị thực hành nhiệm vụ đối với Ðạo mỗi khi quý vị cần đến.

Thật ra, sự giúp đỡ của quý vị không có tánh cách bắt buộc. Hội Thánh để cho quý vị thư thả liệu định, tùy cơ hội, tùy dịp may mà thực hành.

Ðiều cần biết là từ đây quý vị đã chánh thức là Chức Sắc Ban Thế Ðạo Tòa Thánh Tây Ninh, quý vị nên để công học Ðạo trau giồi hạnh đức, tu luyện tánh tình để có thể tiêu biểu cho cái chân giá trị của phẩm vị Hiền Tài, và để khi gặp cơn bất trắc, quý vị có đủ sáng suốt mà đối phó với mọi trường hợp, nhứt là gìn giữ thân danh được toàn vẹn. Là Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, chúng tôi cần có nhiều bậc nhơn tài để làm bạn đồng chí, giúp sức với chúng tôi trong việc thức tỉnh nhơn tâm quay về với thiên lương và đạo đức.

Chính quý vị là những bạn đồng chí đó, chính quý vị là những gạch nối liền, làm cho Ðạo Ðời tương đắc, tạo cảnh thuận tiện, cho Chức Sắc Hành Chánh Ðạo nêu cao ngọn cờ cứu khổ khắp trên đất nước.

Nếu quý vị thành công, quý vị sẽ tạo nên một sự nghiệp tinh thần quí báu, có thể đưa quý vị tới địa vị xứng đáng trong cửa ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ. Ðó là điều mong ước của Hội Thánh.

Nhơn buổi lễ Tấn Phong hôm nay, đại diện Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin để lời mừng cho quý vị Tân Hiền Tài và cầu chúc cho toàn thể Chức Sắc Nam Nữ Ban Thế Ðạo được huởng hồng ân của Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
TÒA THÁNH, ngày mùng 8 tháng 2 Canh Tuất. (dl. 15/3/1970)
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ÐÀI
(Trích Thông Tin số 1, tháng 3/1970)

HUẤN TỪ
của Ðức THƯỢNG SANH
Ðọc trong buổi Lễ CỨU TRỢ VIỆT KIỀU HỒI HƯƠNG
Tại trại tạm cư ấp NINH LỢI, ngày 15/5/Canh Tuất (dl. 18/6/1970)

Kính Hội Thánh,
Kính Trung Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh,
Kính Trung Tá Quận Trưởng Phú Khương,
Kính Quý vị Kiều bào Nam Nữ,

Ðược biết quý Ðồng bào từ Miên quốc hồi hương, được Chánh quyền Tỉnh, Chánh quyền Quận, tạm cho cư ngụ nơi vùng nầy thuộc về ngoại ô Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh.

Hội Thánh vẫn để tâm lo lắng trợ giúp, để quý vị đỡ phần nào vất vả trong thời gian lưu trú nơi đây.

Cuộc biến chuyển tại Cam Bốt từ mấy tháng nay làm cho đồng bào Việt Kiều nơi đó trải qua không biết bao nhiêu điều tai hại thảm khốc. Một phần đồng bào chúng ta, lớp bị tàn sát dã man, không phương trốn lánh, lớp bị bốc lột sản nghiệp, của tiền, chỉ còn mảnh áo che thân, may mắn lắm mới vượt qua khỏi tay của lũ bạo tàn trở về cố quốc.

Quý vị có phần may mắn là được chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa chiếu cố đưa về đất tổ quê cha, dù phải chịu bao vất vả điêu linh. Song cũng còn trông thấy lại chân trời tổ quán trên vùng đất thân yêu xứ sở, để mong tìm lại những thân nhân từ bấy lâu phải chia tay xa cách.

Vùng Thánh Ðịa Tây Ninh nầy là nhà chung của nhơn sanh, là nơi được Ðấng CHÍ TÔN che chở dưới bóng từ bi, họp tất cả những tâm hồn biết tin cậy nơi lượng háo sanh của Ðức Ngài, để gieo rắc tình thương yêu vô lượng, xoa dịu nỗi đau khổ của kẻ vô cùng bạc phước, dù ở trong cảnh ngộ nào, cũng là con cái chung của Ðại gia đình mà Ðức Ngài là Ðại Từ Phụ.

Cuộc biến chuyển nơi Miên Quốc là cái nạn chung của đồng bàoViệt Kiều nơi đó, cũng như cuộc chiến tranh tàn khốc trên đất nước Việt Nam trong hai mươi năm nay, là cái họa vô thường của nòi giống Hồng Lạc chúng ta cùng chung chịu một hoàn cảnh bi đát như nhau, nếu có khác nhau chăng là do nghiệp duyên cá nhân người chịu nhiều, kẻ chịu ít mà thôi.

Quý vị nên tự an ủi, nên can đảm chìu theo số phận không may của mình, nếu quý vị hiểu Ðạo tức là hiểu cuộc đời dinh hư tiêu trưởng vẫn là dĩ nhiên do Thiên cơ định liệu. Sản nghiệp, của tiền đều là những món phù du, thoạt còn thoạt mất, cái thân còn tồn tại là điều quí báu, vì còn người tức còn của vậy.

Trên cõi tạm nầy, những nỗi buồn, vui, đau khổ, nhục vinh, là những đoạn trường mà khách trần, ai cũng phải trải qua từ thanh mi chí bạch phát để nung đúc tâm hồn cho tới mức siêu nhiên và những ai đã vượt qua những cảnh bất thường ấy mà lòng vẫn minh chánh, chí vẫn thanh cao đó là những người biết sống, đáng sống và đã tìm ra con đường trở về với Ðấng CHÍ TÔN THƯỢNG ÐẾ.

Ðã trải qua con đường thử thách, quý vị nên bền tâm ẩn nhẫn chờ qua khỏi khúc quanh nguy hiểm tức nhiên con đường sẽ trở nên ngay thẳng thuận tiện hơn.

Hôm nay Hội Thánh đến đây để thăm viếng quý vị trong tình huynh đệ đồng bào, có ý đem lại cho quý vị một niềm an ủi chân thành, sau để hiến cho quý vị vài món quà cần thiết tuy có tánh cách tượng trưng, nhưng sự tương trợ có quí, chẳng phải ở nơi cho nhiều, mà ở nơi lòng thành ưu ái và cách thức tương trợ.

Rồi đây, Chánh quyền mà người đại diện là Trung Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh và Trung Tá Quận Trưởng Phú Khương hiện diện nơi đây, sẽ hết lòng lo lắng cho quý vị chu đáo hơn.
Trước khi dứt lời, nhân danh Hội Thánh, tôi cầu nguyện
Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban ơn cho toàn thể quý vị Nam Nữ./.
(Trích Thông Tin số 7, ngày 28/06/1970)

HUẤN TỪ
của Ðức THƯỢNG SANH
Nhân dịp Lễ Khai Giảng khóa Huấn Luyện Chức Việc Bàn Trị Sự
Châu Thành Thánh Ðịa nơi Hạnh Ðường
Ngày 4 tháng 6 năm Canh Tuất (dl. 8/7/1970)
Kính Hội Thánh Hiệp Thiên và Cửu Trùng,
Kính Hội Thánh Phước Thiện,
Kính chư Chức Sắc lưỡng phái,
Kính chư Chức Việc Bàn Trị Sự Nam Nữ Châu Thành Thánh Ðịa,

Hôm nay tôi không giấu được niềm hân hoan khi đến chủ toạ buổi lễ khai giảng khóa huấn luyện Chức Việc Bàn Trị Sự Nam Nữ Châu Thành Thánh Ðịa nơi Hạnh Ðường năm Canh Tuất (1970).

Sự hiện diện đông đủ của toàn thể Chức Việc Nam Nữ trong buổi lễ nầy làm cho Hội Thánh thấy rõ cái thiện chí của quý vị là dốc lòng học hỏi cho thông hiểu luật pháp và các nghi lễ về Quan, Hôn, Tang, Tế của nền Ðại Ðạo hầu dìu dắt nhơn sanh cho khỏi sai đường lạc lối, tránh điều đổ vỡ tai hại vô phương cứu vãn tức là sự thất kỳ truyền nơi ngày mai hậu.

Từ trước đến giờ quý vị vẫn được các bậc đàn anh như: chư Ðầu Phận Ðạo hoặc vị Khâm Thành Thánh Ðịa, nhắc nhở và chỉ dẫn trong việc thừa hành phận sự về mặt hành chánh cũng như về các nghi lễ của Ðạo, nhưng trong những cuộc hành lễ nơi nhiều Phận Ðạo cũng còn có sự sai biệt nhau, không đồng một nghi thức duy nhất theo lời chỉ dạy của Hội Thánh.

Nhiều vị chưa am hiểu tường tận Luật pháp chơn truyền, nên lúc thi hành nhiệm vụ có lắm điều sơ xuất đáng tiếc trong việc đối nội cũng như đối ngoại.

Vì vậy, Ngài Ngọc Chánh Phối Sư có sáng kiến đề nghị lên Hội Thánh dành khóa Hạnh Ðường năm nay để huấn luyện chư Chức Việc Bàn Trị Sự Châu Thành Thánh Ðịa để cho quý vị lãnh hội các phương pháp hành quyền và có đủ khả năng thực thi nhiệm vụ được chu đáo.

Ðề nghị nói trên đã được Hội Thánh chấp thuận và hôm nay quý vị hiện diện trong buổi lễ khai giảng nầy, đó là cái kết quả tốt đẹp do sáng kiến của Ngài Ngọc Chánh Phối Sư vậy.

Thưa quý Chức việc Bàn Trị Sự Nam Nữ,
Hội Thánh hằng để ý chăm nom dìu dắt quý vị, Chức Sắc giảng viên không nài khó nhọc ra công chỉ dẫn, dạy dỗ đàn em cho có đủ tài, đủ hạnh hầu phục vụ đắc lực nhơn sanh trên đường tu hành thì quý vị nên gắng lo trau giồi trí thức cho được minh mẫn sáng suốt để ngày sau có thể lập vị xứng đáng cho mình trong cửa Ðại Ðạo.

Thiết tưởng dầu trong giới nào, từ cổ chí kim ai cũng lấy sự học tập làm phương pháp đào tạo nhân tài, nhứt là trong các tôn giáo, sự học hỏi lại càng cần thiết cho người tu sĩ do câu: "Tự giác nhi giác tha". Phải đủ sáng suốt mới có thể dìu đường cho kẻ khác, nếu mình không sáng suốt hoặc thông hiểu một cách mù mờ, tức nhiên tránh không khỏi sự lạc đường sai hướng và trên bước lạc lầm của mình, mình sẽ kéo theo cả một đoàn người do mình làm hướng đạo.

Ðức CHÍ TÔN có dạy: "Dầu làm Vua, làm Thầy, làm Công nghệ, làm Ðạo sĩ cũng cần phải có cái chí lớn mới thành tựu đặng".

Chúng ta nên quan niệm rằng trước khi lập chí, chúng ta cần phải lo học hỏi để trở nên sáng suốt tức là đem cái trí não ra khỏi vòng mê tối vậy.

Hội Thánh hằng để tâm lo lắng, muốn cho quý vị trở nên những nhơn vật xứng đáng đối với mặt Ðạo cũng như mặt Ðời, vì quý vị là những cộng sự viên cần yếu của Hội Thánh, đại diện cho Hội Thánh nơi địa phận mình trấn nhậm, tuy ở vào địa vị hạ cấp của guồng máy Hành Chánh Ðạo, nhưng quý vị có nhiệm vụ trọng yếu không kém gì các Chức Sắc cao cấp của Hội Thánh. Hơn nữa, quý vị là những người thân cận hằng ngày với tín đồ, hòa mình với nhơn sanh chia vui sớt nhọc với Bổn Ðạo trong mọi trường hợp thì quý vị chẳng nên khinh thường cái trách vụ cao đẹp của mình.

Cũng như ngoài mặt Ðời, nền tảng chính trị của quốc gia ở nơi Ấp, Xã, trong Ðạo Cao Ðài nền tảng Hành chánh Ðạo ở nơi Ấp và Hương Ðạo, rồi kế đến là Tộc Ðạo hay là Phận Ðạo.

Mặc dù ở vào hạ tầng cơ sở, nhưng nếu trong Ấp hoặc Hương Ðạo có điều xáo trộn trên dưới thiếu sự điều hòa, tín hữu có điều bất mãn, nhơn tâm ly tán, mất hẳn tình đoàn kết tương thân thì ở nơi cấp trên Hội Thánh cũng chịu ảnh hưởng không ít hay khó giữ uy tín đối với mặt Ðời và Bổn Ðạo.

Bởi thế đem thắng lợi vẻ vang về cho Ðạo hay làm cho Ðạo thất bại, mang tai tiếng cũng đều do nơi hành vi của quý vị.

Ðã mang danh là Hội Thánh em, quý vị nên thận trọng giữ gìn tư cách đứng đắn, làm cho người đời kính nể, người Ðạo tin cậy, đối đãi với toàn thể Tín hữu nơi địa phận mình như tình huynh đệ trong gia đình, đem tình thương chan rưới khắp cả Bổn đạo, giúp đỡ, nương nhờ lẫn nhau, thực hành câu: Nhứt gia hữu sự bá gia ưu.

Ðược như vậy dù cuộc đời chua cay bi đát đến mức nào, quý vị cũng không đến nỗi lâm vào cảnh khó khăn nan giải.

Ðiều cần nhứt là phải trọn hiếu với Ðức CHÍ TÔN Ðại Từ Phụ, giữ trọn trung thành với Hội Thánh, ngoài ra gắng công học hỏi, noi gương Thánh trước Hiền xưa mà rèn luyện đức tốt tánh lành. Tiền tài châu báu có nhiều giá trị ở đời, nhưng đức tốt tánh lành có giá trị hơn nữa. Tiền tài châu báu có thể bị chúng cướp giựt chớ đức tốt tánh lành không thể nào mất được và khi xác thân ta trở về với cát bụi, những đức tốt tánh lành sẽ theo linh hồn ta để nâng cao địa vị ta nơi cõi Thiêng liêng. Ðức CHÍ TÔN có cho bài thi dạy rằng:
Ðược vàng chớ khá gọi là may,
Vàng hết tội kia chất dẫy đầy.
Bỏ đức bỏ nhân bao kiếp đọa,
Khuyên con giữ Ðạọ đến cùng Thầy.

Phân biệt đựơc lẽ cao thấp giữa tinh thần và vật chất, quý vị nên quí trọng cái thiên chức ấy.

Muốn làm tròn thiên chức, quý vị nên thực thi mấy điều sau đây:
1/ - Thực hành trọn vẹn Tứ đại Ðiều qui ấn định nơi chương V Tân Luật.
2/ - Phải giữ dạ vô tư mà cư xử với Bổn Ðạo, không vì ai giàu mà trọng đãi, ai nghèo mà khinh khi.
3/ - Chỉ thi hành những việc do Hội Thánh ra lịnh bằng văn kiện chính thức, không nên chia phe phân nhóm làm mất sự đoàn kết thân mật trong Bổn Ðạo và gây sự khó khăn cho Hội Thánh.
4/ - Nếu có điều khó khăn không giải quyết được phải thỉnh giáo bề trên, không nên phán định sơ xuất.
5/ - Trong trường hợp nào cũng phải giữ uy tín của mình và nâng cao uy quyền của Hội Thánh.

Nếu quý vị tuân hành đúng theo lề lối ghi trên đây, tôi tin chắc quý vị sẽ thành công mỹ mãn và sẽ được người Ðạo cũng như người Ðời kính phục.

Ðã dấn thân vào trường thi công quả, quý vị phải chịu khó nhọc làm cho cái vốn đạo đức của mình ngày càng tăng lên mãi, phải biết ưa thích công việc mình làm thì việc làm mới có thành quả tốt đẹp và sẽ đem hạnh phúc đến cho mình, vì hạnh phúc không cốt làm việc gì ta thích mà thích việc gì ta làm.

Cái vốn Ðạo Ðức mà quý vị cố gắng góp nhặt và dành dụm, ngày sau sẽ giúp cho quý vị được mãn nguyện, vì quý vị sẽ đạt đến địa vị trọng yếu trong hàng Thánh Thể Ðức CHÍ TÔN và ngày đó quý vị sẽ không tiếc công học hỏi cần cù nơi Hạnh Ðường mà quý vị đang hiện diện trong cuộc Lễ Khai Giảng hôm nay.

Thưa quý vị, trước khi dứt lời, nhơn danh Chưởng Quản Hiệp Thiên Ðài, tôi xin chúc quý vị tiến triển khả quan trên đường học vấn và cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban ơn cho toàn thể quý vị Nam Nữ.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
(Trích Thông Tin số 9, ngày 27/07/1970)

CON ÐƯỜNG GIẢI THOÁT
(Bài Thuyết Ðạo của Ðức Thượng Sanh)
Kính Thưa Quý Vị,
Mỗi Tôn Giáo, dầu Thích giáo, Lão giáo hay Nho giáo đều có tôn chỉ khuyên người lánh dữ làm lành, dưỡng tánh tu tâm để đi đến con đường giải thoát.

Phật giáo gọi Ðời là bể khổ, nước mắt chúng sanh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển.

Ðức CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ dạy rằng: Cõi Ðời là nơi con người bị đày đọa, đặng trả cho xong nợ tiền khiên. Nếu trả chưa dứt nợ, thì phải chịu trầm luân mãi cho đến khi vay trả vẹn toàn mới được giải thoát.

Muốn được giải thoát, con người phải lo tu hành, phải sống một đời thanh bạch, tránh chốn cạnh tranh giành giựt, trau giồi hạnh đức và lập công quả để làm nấc thang bước lên khỏi chốn mê đồ, thoát vòng tục lụy.

Dìu dắt con người đi trọn vẹn trên đường Thánh đức, là mục đích chung của các Ðạo giáo.
Mục đích đó, người theo Ðạo có thể quên đi, nhưng nó vẫn có sẳn trong kinh điển.

Muốn vạch con đường cho nhơn sanh thoát nơi biển khổ, tránh đọa luân hồi, Ðức Phật THÍCH CA dạy phải diệt cái bản ngã, dứt hết mọi tình lưu luyến, coi sự đời là mộng ảo, đoạn tuyệt sự ham muốn, trừ khử vô minh để về với chân như bất sanh bất diệt.

Ðức LÃO TỬ thì coi thường mọi việc thế tình, cho công danh phú quí là phù vân, nên chủ trương cái thái độ hờ hững lãnh đạm với ngoại giới.

Ðức Ngài quan niệm cái nguyên lý sinh tồn tự thể của con người, với cái nguyên tắc sinh tồn bản thể của vũ trụ, có những mối tương quan vô hình nhưng chặc chẽ, làm nhân duyên sinh khởi tồn tại cho nhau, nên muốn thanh tịnh vô vi để hòa mình cùng Ðạo, hầu tìm phương trường sanh bất tử.

Chúa JÉSUS thì long trọng phán truyền cho nhân loại: "Các con hãy trở nên hoàn thiện như Cha các con trên trời".

Ðức KHỔNG TỬ thì áp dụng triệt để khẩu hiệu: "Thành chi" tức là tiến tới hoàn thiện. Thuyết 'Thành chi của Ðức Ngài chia ra làm hai giai đoạn: Thành kỷ và Thành nhân, tức là hoàn thiện mình trước, rồi giúp người hoàn thiện như mình, để phối hiệp cùng Ðấng THƯỢNG ÐẾ.

Vì hiểu thấu con người tuy hèn mọn đối với võ trụ, nhưng được ban cho một định luật linh diệu là có thể tu tâm dưỡng tánh, để phối hợp với Trời, và Trời bao giờ cũng ở trong tâm hồn chúng ta, nên Ðức KHỔNG TỬ cảm thấy mình tràn ngập vui sướng mới dám nói lên: "Triêu văn Ðạo, tịch tử khả hỷ", có nghĩa: Sáng nghe biết Ðạo, chiều chết cũng vui.

Ðể hoàn thiện mình, Ðức Ngài áp dụng định luật "Trật tự" và "Hòa hợp" của Trời đất.

Quan niệm của Ðức Ngài là phải đem trật tự lại trong con người, tức là phải sửa ngay ngắn lại những gì chêch lệch, phải chấn chỉnh lại những gì gian tà, phải đem thành thực lại thế cho những gì giả dối. Ðể thực hành việc đó, Ðức Ngài dùng những phương pháp: Ý thành, Tâm chánh, Thân tu, Gia tề, Quốc trị, Thiên hạ bình.

Trật tự tu tỉnh lại bản thân đó gọi là Trung. Kế đó đem trật tự gieo lại cho người khác, cho họ hoàn thiện như mình gọi là Thứ.

Trung và Thứ hòa hợp với nhau, để đem công bình, bác ái lại cho thiên hạ, cùng nhau góp sức chung vai nâng đỡ nhau về cùng Thượng Ðế toàn thiện toàn mỹ.

Như vậy bản thân mình sẽ là khúc nhạc, gia đình mình là khúc nhạc và quốc gia, xã hội cũng là khúc nhạc.

Khúc nhạc nhơn quần đó sẽ hòa tấu cùng khúc nhạc võ trụ.
Huyền diệu thay! Hòa bình vĩnh cửu, hạnh phúc trường tồn sẽ do đó mà phát sinh.
Tánh ích kỷ của phàm phu, lòng ganh tỵ của tục tử không còn có nữa.

Nơi bến chợ đời, người ta không còn trông thấy sự cấu xé giết hại nhau vì một miếng ăn hay mảnh áo. Lễ nghĩa ngập tràn trong xã hội, trẻ biết kính già, lớn biết thương nhỏ, đi đường nhường bước, của rơi không mất. Kẻ nghèo khó được đỡ nâng, thì đạo tặc phải vắng bóng.

Cái đời thái bình thịnh trị đó là đời Thánh đức của nhà Châu dưới quyền thống trị của vua Văn Vương ở vào năm 1120 trước Tây lịch.

Nhơn dân được vui hưởng hạnh phúc, gia vô bế hộ, lộ bất thập di, trong nước không có nhà tù, vì không có tội nhơn. Nếu vạn bất đắc dĩ phải răn phạt người sái phép, thì nhà cầm quyền chỉ vẽ một vòng tròn nơi một khoản đất nào, rồi bắt người phạm tội vào ngồi trong đó một hay là nhiều ngày, gọi là cách giam phạt tội nhơn. Mặc dù không cắt người canh giữ, nhưng tội nhơn không khi nào dám bước ra khỏi cái vòng vẽ đó và đợi đến mãn giờ phạt, có lịnh cho đi mới dám đi.

Ðời Thánh Ðức đó Ðức KHỔNG TỬ muốn đem Ðạo của Ðức Ngài mà tạo trở lại trên nước Trung Hoa.

Ðó cũng là cơ giải thoát hữu hình do thuyết Trung Hòa mà Ðức Ngài hằng lập tâm thực hiện.

Nhưng Ðức Ngài đã thất bại, vì gặp nhằm Xuân Thu thời đại, loạn lạc bốn phương, dân tình khổ sở, Vua thì yếu đuối, mất hết quyền hành, các chư hầu thì đua nhau tranh bá xưng hùng, không ai thiết gì đến nhơn nghĩa.

Ngày nay từ Âu sang Á, làn sóng văn minh tràn ngập khắp nơi, vật chất lấn áp tinh thần khiến cho nền luân lý cổ truyền cõi Á đông phải luân lạc.

Bởi Hạ ngươn hầu mãn, nên Ðức CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ dùng huyền diệu cơ bút lập ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi.

Lấy Nho tông chuyển thế, lấy sự thương yêu là phương pháp thực hành chánh Ðạo. Ðức CHÍ TÔN quyết cứu vớt những kẻ hữu căn thoát vòng khổ hải, tránh đọa luân hồi hầu vui hưởng một hạnh phúc vĩnh cửu.

Cơ giải thoát chúng sanh lần nầy là lần cuối cùng, Ðức CHÍ TÔN phải ra công dạy dỗ cho toàn thể tín hữu biết hồi tâm hướng thiện, quay về đường chánh giáo tu tâm dưỡng tánh, lập công bồi đức hầu ngày chung qui được hội hiệp với Người nơi cõi Thiêng Liêng hằng sống.

Mở rộng trường thi công quả, Ðức CHÍ TÔN quyết lòng chỉ bảo cho các môn đệ có thể lập vị cho mình và độ rỗi nhơn sanh còn sa ngã trong vòng tục lụy.

Ðại Từ Phụ lại sợ cơ thử thách quá cay nghiệt, nên có dạy rằng: "Ngày nào Ðạo đã khai tức là tà khởi. Các con phải hết sức mà gìn giữ lấy mình. Chẳng những giữ mình các con mà thôi, lại còn phải giữ gìn cả môn đệ Thầy nữa. Những mưu chước của tà mỵ làm ngăn trở bước đường Thánh đạo của các con, đó là do Thầy dùng để thử các con. Vì vậy, Thầy đã thả một lủ hổ lang ở lộn cùng các con, chúng nó hằng thừa dịp cắn xé các con. Song trước, Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp chúng nó chẳng hề thấy đặng, đó là đạo đức của các con. Thầy lại khuyên các con gìn giữ bộ thiết giáp cho đến ngày hội hiệp cùng Thầy.

Ấy vậy, Ðạo rất hữu ích cho con người như giáp hữu ích cho thân các con. Nếu các con bỏ giáp thì thân các con ra trần lổ, còn bỏ Ðạo thì các con ở dưới phép tà thần".

Ðức CHÍ TÔN lo lắng cho môn sinh như thế, là vì trên trường đời đầy dẩy những cạm bẩy hiểm nguy. Lòng ham muốn của con người lại vô bờ bến: Nào lợi, nào danh, nào tiền tài, nào tửu sắc.

Trước bao nhiêu cuộc quyến rũ, con người mất hết huệ khí thiên lương nên phải sa ngã vào đường tội lỗi.

Nhưng, người đã quyết chí tu hành, quyết lánh giả tầm chơn, đã xả thân cầu Ðạo, xả phú cầu bần thì sự quyến rũ nào lôi cuốn được?

May duyên gặp thời kỳ đại ân xá nầy, đó là cơ hội "Ngàn năm một thuở" Ðức CHÍ TÔN ÐẠI TỪ PHỤ, lại tha thiết nhủ khuyên, ân cần dìu dắt, thì hỡi ai, còn tiếc chi tuồng đời mộng ảo mà phải để cho công phu lở dở?

Ðời người qua thấm thoát như cửa sổ thoát vó câu, như ngọn đèn treo trước gió, người tu hành chẳng nên bỏ mất thì giờ, phải mau chơn tiến bước trên đường nghĩa vụ.

Giữa trường đời gió bụi, mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết, người Tín hữu CAO ÐÀI lại may mắn được che chở dưới bóng từ bi của Ðức THƯỢNG ÐẾ, lại được Ơn Trên ban cho một món báu mầu nhiệm riêng biệt mà từ ngàn xưa chưa hề có trên thế gian.

Ðó là cơ giải thoát, mà muốn đạt được, người hành đạo duy có trải tâm chơn thành, giồi trau hạnh đức hầu tế độ nhơn sanh quay về chánh giác.

Các ân huệ đó lớn lao biết bao nhiêu!
Hội Thánh trông mong mỗi Tín hữu nên lưu tâm và đừng để mất cơ hội./.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
(Trích Thông Tin số 7, ngày 28/06/1970)

LIÊM KHIẾT
(Bài Thuyết Ðạo của Ðức THƯỢNG SANH)

Trong xã hội, phần nhiều những người có tinh thần Nho học và có nhiểm mùi đạo đức, đều gồm có những đức tính cao quí như Trung, Hiếu, Nghĩa Liêm, Chính.

Liêm là một đức tính ít người được có và những ai đã thực hành được chữ Liêm cũng cho là bậc phi thường trong thiên hạ.

Liêm là gì?

Liêm tức là thanh liêm, liêm khiết, hay khiết kỷ, là bản tánh trong sạch, không nhơ bợn một mảy gì, một vật gì, một món tiền của nào bất chánh, không phải do nơi công lao của mình làm ra.

Có người chịu lao lực vất vả suốt ngày, đầu tắt mặt tối để được hưởng một món tiền vừa đủ nuôi thân, nhưng vẫn bằng lòng với số phận. Nếu có ai đem cho một số tiền lớn và xúi giục làm một việc bất công, thì nhất định không nhận, thà chịu ở trong cảnh nghèo mà được trong sạch.

Xưa dưới triều đại của những đấng minh quân thì dân được giáo hóa trong tinh thần Nho giáo, nên phần nhiều là người có đức hạnh và nhơn phẩm cao qúi, trừ ra một phần ít là hạng người thất học, mới có những tánh xấu, tham lam hèn hạ mà thôi.

Còn những quan cai trị là những bậc liêm chánh, giữ mình thật trong sạch để làm gương cho đoàn hậu tấn.
   Home                        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét