Cụ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều có tả đời thung dung tự toại của vị quan
liêm chính bằng hai câu:
"Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu tao."
Ðó là lấy tích ông Triệu
Biên đời Tống làm quan thanh liêm đến nỗi khi đi phó nhậm chỗ nầy sang chỗ
khác,
chỉ đem theo một con hạc và một cây đàn Cầm chứ không có món chi đáng
giá.
Những hạng người chơn
chánh như vậy, Nho giáo cho là hạng Quân tử. Quân tử đây có nghĩa là cao thượng
đáng tôn kính.
Hạng Quân tử không bao giờ
quan tâm đến sự phú quí.
Không phải là họ ghét sự
phú quí, mà chỉ vì họ trọng đạo quá nên phú quí không đủ mãnh lực làm cho họ
phải thèm muốn. Hơn nữa, họ cũng quan niệm hể vi phú thì bất nhân, thà vi nhơn
bất phú.
Ðức KHỔNG TỬ dạy rằng: "Giàu sang ai cũng muốn, nhưng không
lấy đạo nghĩa mà được thì quyết không nhận. Nghèo hèn ai cũng ghét, nhưng không
lấy lẽ phải làm cho khỏi thì đành chịu nghèo". Ngài nói: "Ăn cơm hẩm,
uống nước lã, co tay gối đầu thật là cảnh buồn mà ta có thú vui trong đó, còn
làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, ý ta coi như đám mây nổi".
Tánh liêm khiết nâng cao
giá trị con người và làm cho người được thơ thới, dầu cho ở trong cảnh nghèo
khó người ta cũng hảnh diện tự tìm sự vui trong chỗ thanh cao khác thường của
mình, vì ngó lên không thẹn với Trời, dòm xuống không hổ với thiên hạ.
Người thanh bần như vậy
thì vui sướng hơn kẻ giàu mà sâu mọt, lường công tham của, thâu đa nạp thiểu,
hoặc lợi dụng quyền thế để rút rỉa dân nghèo khép chặt cửa công, mở rộng cửa tư
để dục vọng được thỏa mãn.
Vì làm giàu với những hành
động bất chánh nên họ vẫn cứ phập phồng lo sợ không biết cơ mưu sẽ bại lộ ngày
nào.
Ðó thiệt là "Thanh bần thường lạc, trược phú đa
ưu". Lại có câu "Hoạnh tài bất phú", ham dụng của phi nghĩa
rốt cuộc cũng không hưởng được bền lâu, phép nước dầu không trừng trị thì luật
Trời cũng không thứ tha, thiện ác đều có sự báo ứng.
Sau đây là một gương liêm
khiết của người quân tử, đã được lưu truyền muôn đời ca tụng.
Ðời Chiến Quốc có người
lượm được hòn ngọc quí, bèn đem dâng hiến cho quan thái thú tại chỗ là Tử Hản
để cầu thân, vị quan nầy nhứt định không nhận, người dâng ngọc thưa rằng: Ngọc
nầy tôi đã đem cho thợ mài ngọc xem, quả đúng là một bảo vật mới dám đem dâng
cho quan lớn, xin quan lớn nhận dùm cho tôi vui lòng.
Tử Hản nói: Ngươi có ngọc
là báu của ngươi, còn ta giữ tánh liêm khiết là báu của ta. Ngươi cho ta ngọc,
nếu ta thâu nhận thì cả hai đều mất của báu. Vậy ngươi cứ đem về, ngươi giữ của
báu của ngươi, ta giữ của báu của ta. Như thế, hai người đều còn của báu, há
chẳng hay hơn sao?
Người dâng ngọc liền thưa:
tôi là thường dân mà cầm ngọc nầy, sợ phải bị trộm cướp mà hại đến thân, nên
không dám giữ nó.
Tử Hản bèn lưu người ấy
lại kêu thợ đến mài ngọc, bán dùm được một số tiền lớn rồi giao cho đem về làm
vốn sanh nhai.
Trong một bài Thánh giáo,
Ðức CHÍ TÔN có nêu gương hai nhà hiền triết thuở xưa mà đời còn nhắc nhở trong
hai câu:
"Hớn Lưu Khoan trách dân bồ tiên thị nhục,
Hạng Trọng Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền."
Thánh giáo có giải rằng:
Ðời Hớn ông Lưu Khoan lấy đức trị dân, khi dân phạm tội thì đánh bằng cái roi
bồ, roi lát để tượng trưng sự răn phạt vậy thôi, chớ không bắt tù đày chi hết.
Còn nước Hạng có ông Trọng
Sơn giữ tánh liêm khiết cho đến đổi khi dẫn ngựa đến suối cho uống nước, lấy
tiền quăng xuống suối, để trả tiền nước.Ý muốn tỏ, dầu nước suối là của thiên
nhiên, cũng không muốn nhơ bợn, không thèm lợi dụng.
Trong cửa Ðại Ðạo, Ðức CHÍ
TÔN đã từng dạy Chức sắc phải giữ mình thật trong sạch.
Có trong sạch, người hành
đạo mới biết tự trọng, biết lẽ công bình, dìu dắt nhơn sanh trên đường Thánh
đức.
Vả lại, người tu hành đã
gọi là Xả thân cầu Ðạo quyết hiến thân cho chủ nghĩa thương đời thì liêm khiết
là một đức tính đương nhiên phải có. Chức sắc thiếu liêm khiết, cửa Ðạo là bến
chợ đời chớ không còn là cửa Ðạo nữa.
Ðức CHÍ TÔN có dạy rằng: "Thầy nhớ xưa kẻ mộ Ðạo chịu ngàn cay
muôn đắng, biết có người mà chẳng biết nhọc mình, hài gai áo bả, đội nguyệt
mang sao, gió trước lọt chòi tranh, mưa sau xiêu giậu lá, bần hàn chẳng quản,
tay trắng dìu người, một mảy không bợn nhơ mới có thể lập ngôi cho mình
được".
Bậc chơn tu xưa được như
vậy, nay Ðức CHÍ TÔN chẳng phải không thể dạy con cái của Người được như hạng
cao khiết ấy, nhưng trên có lời giáo hóa dưới phải cố gắng thực hành thì kết
quả mới khả quan, tâm phàm mới trở nên chí Thánh.
Nói tóm lại, Liêm khiết là
một đức tính đáng kính của bậc Hiền nhơn quân tử. Quí hóa thay; nếu trong cửa
Ðạo Chức sắc đồng nêu gương Liêm khiết để tạo một uy tín vẻ vang đối với mặt
đời thì nhiệm vụ phổ độ của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng thơ thới./.
(Trích Thông Tin số 10,
ngày 11/8/1970)
HUẤN TỪ
của Ðức THƯỢNG SANH
Trong dịp Hội Thánh đãi
tiệc Chư Chức sắc và Nhân viên công quả
Tại Hạnh Ðường ngày 18
tháng Giêng Tân Hợi (dl. 13/2/1971)
Kính Hội Thánh Hiệp Thiên,
Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Quý Chức sắc, Chức
việc và Ðạo hữu Nam Nữ,
Thắm thoát ngày tháng trôi
qua, với trăm hoa đua nở muôn tía ngàn hồng cũng như bao nhiêu Xuân trước,
những quang cảnh vô tri thì tươi đẹp theo lệ thường mà tình hình đất nước Việt
Nam vẫn còn mịt mờ trong khói lửa, dân chúng vẫn lầm than, cảnh đời còn đen
tối; Gượng vui để khỏa lấp cái buồn khổ chung của nòi giống.
Trong khi chào đón Xuân
mới, người Ðạo Cao Ðài hy vọng và cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN mở lượng từ bi xoay
trở thế cuộc, ban ân huệ cho dân tộc Việt Thường chóng thoát nạn chiến tranh,
sớm vui hưởng đời thanh bình vĩnh cửu, người có sứ mạng Thể Thiên hành hóa mới
có cơ thuận tiện tận tâm lo dìu dắt nhơn sanh trên đường giải thoát.
Mỗi độ Xuân về, dù cảnh
đời biến chuyển thế nào, những Chức sắc có nhiệm vụ nơi các địa phương cũng giữ
thường lệ trở về Tòa Thánh để dâng lễ đầu năm ra mắt Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT
MẪU, sau để tiếp xúc với Hội Thánh và vui cuộc đoàn viên với anh chị em trong
cửa Ðạo.
Trong bữa tiệc ủy lạo nầy,
sự hiện diện đông đủ của toàn thể Chức sắc các cấp bậc và nhơn viên Công quả
chứng tỏ mối dây thân ái đã thắt chặt tình huynh đệ thiêng liêng giữa con cái
Ðức CHÍ TÔN. Hôm nay đoàn tụ trong bầu êm ấm vui tươi dưới mái gia đình của nền
Ðại Ðạo, sự đoàn kết chặc chẽ nầy tiêu biểu một sức mạnh phi thường có thể dời
non lấp bể, nếu những quả tim của tất cả các bạn Ðạo đều cùng đập một nhịp yêu
đương và cương quyết làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta phải cố gắng giữ gìn cho cái
sức mạnh tinh thần đó còn nguyên vẹn mãi mãi, để làm nền tảng kiên cố cho cơ
quan phổ độ tồn tại đến thất ức niên và tạo nên nhiều phương tiện trên đường
lối xây đựng cơ nghiệp Ðạo.
Ðời mạt pháp hầu tàn, sự
hung bạo của con người đã lên đến cực điểm. Trước sự tiến triển của văn minh
vật chất, trước sự đổ vở của Ðạo lý luân thường, trường đời là một trận mê hồn,
mà sự xa hoa hào nhoáng có thể gây tai họa lớn lao cho kẻ tu hành. Chúng ta cần
phải chung lưng đâu cật, nương nhờ lẫn nhau, giữ gìn cho nhau, đem tinh thần
đạo đức nhập lại thành một khối cứng rắn đặng đối phó với cơ thử thách bất
thường thì mới khỏi bị sa ngã vào cạm bẫy của tà quyền để đi trọn vẹn trên
đường Thánh đức. Phần đông Chức sắc có đức tin vững chắc, có quan niệm rõ rệt
về sứ mạng Thiêng liêng của mình nên nhứt quyết không để cho ai chi phối, mặc
dù giọng kèn tiếng quyển vẫn luôn luôn to nhỏ bên tai để chực cuốn theo đường
lối bất hảo. Trái lại, một phần Chức sắc dù là thiểu số, vì cơ thử thách quá
nặng nề, nên không đủ nghị lực để cượng nỗi với sự quyến rũ của những kẻ biết
lợi dụng thời cơ nên phải sa ngã vào chỗ lạc lầm, có lẽ phải gánh trọn cái hậu
quả thất thệ đối với quyền Thiêng liêng, tuân theo Thánh đức Ðức CHÍ TÔN, Hội
Thánh quyết giữ vững lập trường Tôn giáo thuần túy, không ra khỏi phạm vi đạo
đức, vượt mình lên cao hơn những nghị luận của thế gian, nên khỏi vướng vào
cuộc phiêu lưu nguy hiểm trên trường chánh trị. Nhờ vậy mà thanh danh Tòa Thánh
Tây Ninh được nâng cao, Hội Thánh nắm vững Luật Pháp và Chơn Truyền điều khiển
bước Ðạo được điều hòa êm ấm.
Chúng tôi thường nghe
nhiều Tín hữu hoặc người trong các giới hỏi rằng: Tại sao Tòa Thánh Tây Ninh
vẫn trầm lặng, không nói lên ý kiến chi đối với thời cuộc, trong lúc các Tôn
giáo khác đã có tiếng vang dội kêu gọi hòa bình cho đất nước.
Xin thưa rằng: Trị nước an
dân thì có nhà cầm quyền Quốc gia, lèo lái con thuyền Ðạo thì có nhà lãnh đạo
tinh thần của Tôn Giáo. Tôn giáo không có thể xoay chuyển vận nước được, cũng
như Chánh quyền không thể điều khiển Tôn giáo, thế thì chúng ta kêu gọi, la lối
để làm gì? Nếu đem chính trị nhập vào Tôn giáo, chắc chắn Tôn giáo sẽ đi sai
lạc hướng và nắm thất bại trong tay. Còn như hô hào tở mở vạch lối chỉ đường
theo quan niệm của mình, thử hỏi mình có thực hành được theo như sự hô hào hay
không? Hai bên Chánh phủ đối phương có chịu nhận mình làm trọng tài để phán
quyết hay không? Ví như nghe người ta kêu gào, mình cũng bắt chước kêu gào,
thấy ai nhảy mình cũng nhảy, ai múa mình cũng múa, quý vị hãy tưởng tượng thiên
hạ sẽ bình phẩm mình ra sao? Vả lại hoạt động chính trị chẳng phải một việc mà
ai cũng có thể làm được bất cứ ở vào trình độ văn hóa nào, chính trị rất quan
trọng vì nó có liên hệ với sự trị loạn của quốc gia và phúc họa của dân tộc.
Ðức Khổng Tử nói rằng:
Trong đạo làm người chánh trị là việc lớn (Nhơn đạo chính vi đại). Cho nên
người làm chính trị phải có đủ tài đức, trọng nghĩa, ái nhân thì mới có thể
giúp ích cho dân, cho nước. Nếu thiếu kinh nghiệm, kém tài, thiếu đức chỉ biết
chạy theo bả lợi mồi danh thì vận nước phải suy vi, dân tình thống khổ. Mục
đích của chính trị là làm cho quốc gia hưng vượng, công lý thăng bằng, nhân dân
no ấm, đó là đường lối chính trị thời xưa của những bậc ưu thời mẫn thế. Thời
nay, quý vị thử nhìn quanh sân khấu đời coi những nhân vật hoạt động chính trị
có bao nhiêu người vì nước, vì dân, biết lo quốc kế dân sinh, mưu cầu hạnh phúc
cho đồng bào. Hay là phần đông chỉ là những kẻ tay sai cho thế lực kim tiền?
Lợi dụng địa vị hoành hành thiên hạ, bốc lột nhân sanh, khoát nạt trước đám dân
đen, cúi rạp mình trước người thượng cấp, lấy nhục làm vinh, lấy xấu làm tốt,
miễn lo cho đầy túi tham, không cần nghĩ tới hậu quả việc làm đen tối của mình.
Người đã khép mình trong
cảnh giới tu hành đã xả thân cầu Ðạo, thấy diễn những lớp tuồng bẩn thỉu như vậy
cũng đã bất bình, chán ngán. Không lẽ còn mê luyến hồng trần, ham mùi chung
đỉnh để rồi phải chịu lỡ dở công phu trên đường lập vị. Không lẽ đã lánh khỏi
bến sông mê, người tu sĩ còn đi trở lại đoạn đường phiền não; tức là từ trên
cao bổng sa xuống chỗ thấp hèn, từ chỗ sạch trong bổng gieo mình vào nơi ô
trược.
Là môn đệ của Ðức CHÍ TÔN,
là Chức sắc Thiên phong, chúng ta không thể làm như vậy và tôi tin rằng quý vị
cũng đồng có cái quan niệm đó.
Dung ruổi trên đường tục
lụy, người ta chạy theo danh vọng tiền tài, chúng ta chạy theo nghĩa nhân đạo
đức, người ta đạp đổ lầu đài tinh thần trong sự tranh giành quyền lợi, mưu hại
lẫn nhau, chúng ta củng cố đạo tâm, vun trồng cội phúc.
Ðời càng tỏ ra đê hèn, hạ
tiện, chúng ta càng tỏ ra chơn chánh, siêu phàm, thiên hạ cúi mình bò lết trong
chỗ nhơ bẩn vì chút ít lợi quyền, chúng ta phải vươn mình lên cao để đón hứng
mùi hương thanh thoát, làm cho trí óc trở nên phi thường và tâm hồn thơ thới.
Mùi hương đó là mùi Ðại Ðạo do ngọn gió Thiêng liêng của Ðấng CHÍ TÔN đưa đến
bên chúng ta để thổi vẹt không khí ô trược, mê hồn mà trước kia chúng ta bị
thâm nhiễm.
Ðạo và Ðời khác nhau ở chỗ
một cao, một thấp, một trắng một đen. Nếu Ðạo cũng là đà nơi chỗ thấp hèn như ở
bến chợ đời thì Ðạo có ích gì cho chúng sanh? Và Ðạo lấy gì để làm gương mẫu và
cảnh tỉnh thiên hạ? Ðược nuôi dưỡng trong tình thương của Ðức CHÍ TÔN, Chức sắc
Thiên phong là những bậc Thánh hiền trong cửa Ðạo. Hễ làm bậc Thánh hiền thì
phải có tư cách thanh cao, tánh tình phong nhã, phải trau dồi tâm trí cho ra
bậc phi thường để cho đàn em noi gương mà tiến bước. Bực phi thường tức là
người đã vượt khỏi mức thường tình không sân, si, hỉ, nộ như kẻ phàm phu, phải
đi ngược với thế tình, tức là trọng tinh thần, khinh vật chất, ham nhơn nghĩa,
lánh vạy tà, bỏ thói kiêu sa, bỏ lòng tự ái, đó là giữ đúng mức siêu nhiên của
một phần tử trong Thánh thể Ðức CHÍ TÔN.
Chúng ta thường mục kích
người Chức sắc hay có cái tự ái không đúng chỗ, ưa tiếng khen mà ghét lời chỉ
trích. Trong thực tế thì những ai ưa lời khen tặng thường bị quyến rũ bởi lời
đường mật, có khi phải sa ngã vào đường bất chánh. Còn những ai ưa nghe lời chỉ
trích và tự xét mình sẽ trở nên bậc chí Thánh.
Xưa Võ Vương nhà Châu nghe
một lời nói phải thì bái phục. Thầy Tử Lộ nghe người ta bảo mình có lầm lỗi thì
vui mừng (Võ Vương văn thiện ngôn tắc bái, Tử Lộ nhơn cáo tri hữu quá tắc hỉ).
Nho học có dạy: Ai nói
điều xấu của ta đó là thầy ta, ai nói tốt cho ta đó là giặc của ta. (Ðạo ngô ác
giả thị ngô sư, Ðạo ngô hảo giã thị ngô tặc). Vì vậy khi chúng ta nghe người ta
khen mình, dù là lời khen thành thật và đúng chỗ, chúng ta phải kể lời khen đó
như một luồng thanh phong, nên để cho nó thoảng qua mà đừng quá tưởng niệm.
Trái lại, chúng ta nên để ý lời chỉ trích đúng chỗ, chúng ta nên tự nhận và lập
tâm hối cải, ví như lời chỉ trích chỉ do sự ganh tỵ mà ra thì ta nên thản nhiên
tiếp tục làm việc phải. Trời không vì người ta sợ rét mà thôi mùa đông, Ðất
không vì người ta sợ xa mà thâu hẹp lại, người Quân tử không vì lời nghị luận
xuyên tạc của tha nhân mà thôi việc làm chánh trực của mình.
Kính thưa quý vị,
Trong lúc khói lửa chiến
tranh còn bao trùm đất nước, nền Ðại Ðạo tuy không được bành trướng khả quan
nhưng nhờ sự trung thành và sự tận tâm phục vụ của phần đại đa số Chức sắc nơi
Trung ương và Ðịa phương, nên phương diện tinh thần của Ðại Ðạo vững mức cao
siêu, cái danh liêm khiết của Hội Thánh cũng như chí hy sinh của Chức sắc được
các giới trí thức ngoài mặt đời ngợi khen và kính nể. Chúng ta phải đồng tâm
nhứt trí tiếp tục giữ vững thanh danh của Tòa Thánh Tây Ninh, uy quyền của Hội
Thánh và nhân cách phi phàm của người tu hành, thì dù gặp bao nhiêu khó khăn
chúng ta cũng sẽ lướt qua để xây dựng cho nền Ðại Ðạo một tương lai sáng lạng
và tươi đẹp hơn.
Nhơn bữa tiệc thân mật hôm
nay, thay mặt Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin chân thành cầu chúc Quý Chức
sắc, Chức việc và Ðạo hữu Nam Nữ gặp nhiều may mắn để đạt thắng lợi hoàn toàn
trên đường phụng sự cho Ðạo và cho nhơn sanh, cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức
PHẬT MẪU ban ân lành cho toàn thể Quý vị./.
Nam Mô Cao Ðài
Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
PHƯƠNG PHÁP TU THÂN
và Thuyết TAM LẬP
Theo Kinh Dịch và Trung
Dung thì Trời là Ðấng cao trọng nhứt, sinh ra quần linh vạn vật, biến hóa âm
dương mà tạo thành võ trụ. Ðó là Ðấng hoàn hảo tột bực rất thiêng liêng, vô
hình ảnh nhưng hành động không ngừng, tự diễn xuất bằng những hiện tượng, bành
trướng rất sâu xa, huyền diệu, cao thâm, sáng suốt, nâng đỡ và chở che muôn
loài vạn vật.
Thật không hiện mà rõ,
không động mà biến hóa vô cùng, không làm mà nên việc. Nhờ đó bốn mùa thay đổi,
muôn vật sanh sản, võ trụ trường tồn.
Ðấng hoàn hảo đó là Trời,
là THƯỢNG ÐẾ. Ðức Khổng Tử nói rằng: Ðấng THƯỢNG ÐẾ ngự trị trong thâm tâm của
mỗi người dưới hình thức lương tâm. Ðạo làm người là noi theo Trời tức là tâm
linh đó, Tôn giáo là phương pháp thi hành Ðạo đó, tức là: Thiên mạng chi vị
tính, xuất tính chi vị Ðạo, tu Ðạo chi vị Giáo.
Mục đích là tu thân, nghe
theo tiếng của lương tâm, tiến tới hoàn thiện để kết hợp với Trời và giáo hóa
người khác trở nên hoàn thiện như mình.
Vì vậy việc tu thân rất
cần thiết cho mỗi người sống trong xã hội.
Sách Ðại Học có nói: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhứt thị
giai dĩ tu thân vi bản", nghĩa là từ bậc vua chúa cho đến thứ dân ai
cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc.
Trong việc tu thân, sách
Ðại Học vạch ra bốn công tác rõ rệt là: Chính tâm, thành ý, cách vật, trí tri.
Muốn tự sửa mình trước phải giữ lòng dạ cho ngay thẳng, muốn giữ lòng dạ ngay
thẳng trước phải luyện ý mình được thành thật, muốn cho ý mình thành thật,
trước phải có kiến thức chu đáo và muốn có kiến thức chu đáo phải học và tìm
biết suốt tới chỗ uyên thâm của sự vật.
Khi đã trí tri và cách
vật, khi đã có ý thành và tâm chánh tức là xúc tiến tới việc tu thân, Thân đã
tu nhiên hậu mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Vậy sự tu thân chẳng những
là cần thiết cho đời mình mà còn rất quan hệ đến việc tấn hóa của quốc gia xã
hội.
Hai chữ "Tu
thân" không phải chỉ có một ý nghĩa tiêu cực là sửa trị nết xấu mà là bao
hàm một chương trình rộng rải trau dồi tài đức. Tu thân cũng không phải chỉ có
một quan niệm hoàn toàn về cá nhân, vì phép tắc đối với mình tức là "Xử kỷ" phải luôn luôn đi kèm
với phép tắc đối với người và việc tức là "Tiếp
vật".
Muốn được hoàn hảo trong
việc xử kỷ và tiếp vật, con người cần phải thực hành phép Tam lập, tức là Lập
Ðức, Lập Công và Lập Ngôn.
Sao gọi là Lập Ðức?
Thể theo triết học Nho giáo, Ðạo Trời có bốn
đức là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, tức là bốn lý pháp mầu nhiệm làm cho cơ sinh hóa vạn vật
được điều hòa và thành tựu với tất
cả những tốt đẹp thuần túy thiên nhiên.
Ðạo người cũng có bốn đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí cũng có
công dụng và đặc tính y như bốn đức Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của Ðấng Tạo Hóa.
Ðức Nhân:
Bởi cái đức lớn của Trời là sự sinh, thì đạo
làm người phải theo đạo Trời mà bồi dưỡng sự sinh. Cái đức làm cho ta yêu người,
yêu vật, muốn cho vạn vật cát đắc kỳ sở, đó là đức Nhân vậy.
Cái lòng yêu đó biểu lộ tự
nhiên theo tiếng gọi của lương tâm, không có miễn cưỡng chút nào mà cũng không
do ai xúi giục.
Chữ Nhân đem ra ứng dụng
vào đời sống thì nó gồm tất cả nghĩa vụ làm người, nên Thầy Mạnh Tử nói Nhân là
đạo làm người vậy.
Thực hành chữ Nhân tức là
áp dụng Thiên lý vào đời sống thật tế.
Muốn làm điều Nhân, người
ta phải giữ lòng ngay thẳng, chẳng cho tư dục xen vào tâm, để cho nguồn Thiên
lý ở trong tâm ung dung phát triển rồi ta cứ theo tiếng nói thiêng liêng đó mà
làm cho hết sức mình.
Theo tình cảm, trước hết
ta phải thương những người thân cận như là cha, mẹ, anh, em và gia tộc, thứ nữa
ta phải nới rộng tình thương tới cả nhơn loại, vì đức Nhân là tiêu chuẩn của
lòng từ ái và tánh vị tha, không thể khép vào một chỗ chật hẹp được.
Thầy Mạnh Tử có quan niệm
là lòng nhân ái ví như cái hoa của đời sống, sự sinh tồn thiết thực là tình
thương tràn trề và sung mãn. Nếu lòng nhân ái không được nở nang đầy đủ thì nó
như cái hoa héo trước khi nở.
Tóm lại người có lòng nhân
phải trang nghiêm, phải có ý chí bền bỉ, không làm cho ai điều mình không muốn
người làm cho mình, khiêm nhượng, khoan hồng, cần mẫn, quảng đại, thi ân huệ
cho người, thương yêu mọi người và mong cải tạo xã hội.
Ngoài ra phải biết xét
mình, biết so sánh mình với người, phải noi theo những phong tục tập quán tốt,
những lễ nghi đương thời.
Xưa Ðức Khổng Tử vì khiêm
tốn mà nói rằng: Ta đâu dám sánh với bực Thánh, bậc Nhân (Nhược Thánh dữ nhân
tắc ngô khởi cảm).
Ðức Nghĩa
Ðức nghĩa là cử chỉ tác
động theo đạo lý, theo lòng nhân nâng cao giá trị con người. Giúp đỡ một người
nghèo đói, cứu vớt một kẻ té sông, chia sớt thống khổ của người già cả tật
bịnh, đó là làm điều nghĩa.
Con người ai cũng có cái
tánh ưa điều nghĩa, song không làm được điều nghĩa là tại cái lợi làm hỏng vậy.
Người quân tử vẫn chủ tâm lấy cái nghĩa làm trọng hơn cái lợi. Theo các bậc
hiền triết Nho giáo, nếu biết khiến lòng háo nghĩa thắng được lòng dục lợi thì
thành ra điều hay, mà để lòng dục lợi đè được lòng háo nghĩa thì thành ra điều
dở. Và nghĩa thắng được lợi là đời trị, lợi đè được nghĩa là đời loạn. (Nghĩa
thắng lợi giã vi trị thế, lợi khắc nghĩa giã vi loạn thế)
Cho nên Nho học khuyên:
"Tiên nghĩa nhi hậu lợi" tức là phải làm việc nghĩa trước rồi sau sẽ
cầu lợi, đó là điều chánh đáng vậy.
Ðức Lễ:
Chữ Lễ chẳng phải chỉ dùng
để nói về việc thờ phụng, cúng tế theo tôn giáo. Lễ cũng nói gồm cả những qui
củ mà phong tục và tập quán của nhơn quần xã hội đã thừa nhận như Quan, Hôn,
Tang, Tế v.v...Lễ cũng dùng để khiến sự hành vi của người ta cho có chừng mực
và hợp với đạo lý, vì nếu không có Lễ thì mọi việc trên đời đều hỏng vì rối
loạn.
Cho nên Ðức Khổng Tử dạy
bảo Thầy Nhan Uyên rằng: Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ
nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm (Phi lễ vật thị, phi
lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động).
Ngoài ra Lễ còn có hiệu
lực định lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới cho phân minh. Trong
xã hội có vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợ, có người thân có kẻ sơ, có việc
phải có việc trái, cho nên phải có lễ để phân biệt tôn ti, khiến người ta biết
cư xử với nhau cho phải đạo, phân ra trật tự làm cho vạn vật không có điều chi hồ
đồ hổn độn.
Lễ để ngừa sự loạn sinh ra
cũng như bờ đê giữ cho nước không đến được. Người giàu sang biết lễ thì không
bạo ngược, kiêu căng; người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy.
Bậc vua chúa biết lễ thì mới biết cách trị nước an dân.
Bởi vậy các đấng đế vương
đời trước sở dĩ trị được thiên hạ là vì hiểu rõ thị dục của người ta, nên mới
đặt ra lễ và nghĩa để phân biệt cái lợi, cái hại, để trị thất tình, là hỉ, nộ,
ai, cụ, ái, ố, dục và sửa thập nghĩa là phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ để,
phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung, đem sự hòa
thuận, chuộng sự nhân nhượng, bỏ sự tranh cướp.
Trên thế gian, con người
chỉ biết được cái đã rồi, không biết được cái sắp có, lễ là để cản ngăn trước
việc chưa xảy ra, pháp luật là để trị việc đã có rồi.
Bởi vậy, Thánh nhân trọng
lễ, chớ không trọng hình.
Ðức Trí:
Trí là một đức tính giúp
chúng ta phân biệt điều lành lẽ dở, điều chánh lẽ tà.
Người trí luôn luôn theo
đường đạo đức, tránh kẻ vạy tà, gần người lương thiện để nâng cao giá trị mình
trên đường xử kỷ, tiếp vật.
Ðề cập tới cách luyện trí,
Ðức Khổng Tử dạy ba điều:
1) Luyện trí bằng cách học
hỏi người nay;
2) Bằng cách khảo cổ (học
theo gương Thánh hiền thời xưa).
3) Bằng cách trầm tư mặc
tưởng để định trí an thần, tầm cho ra chơn lý.
Nhờ có học hỏi con người
mới được trí minh mẫn, thấy xa hiểu rộng. Trong sự học hỏi phải có chí thành,
cương quyết không vì thấy khó mà bỏ dở nửa chừng.
Có điều mình chẳng học,
nhưng đã học mà chẳng thành công thì không thối, có điều mình chẳng hỏi, nhưng
hỏi mà không thông suốt thì không bao giờ chịu, có điều mình chẳng suy nghĩ,
nhưng suy nghĩ mà không vỡ lẽ thì suy nghĩ mãi.
Có bền chí như vậy sự học
mới có kết quả khả quan.
Trí được sáng suốt, mình
mới tự biết mình và biết người.
Nếu làm người mà mình
không tự biết mình thì thật lấy làm thương hại!
Biết người biết ta tức là
bậc trí giả, không khi nào thất bại trên đường đời cũng như đường đạo.
Thầy Mạnh Tử nói: Cái kết
quả chánh đại của đức Trí là sự thực hành rất kiên cố đức Nhân và đức Nghĩa. Vì
vậy đức Trí và lòng Nhơn ái là hai kho quí báu của người hoàn thiện, là hai đức
tính không rời nhau, vì không thể có cái nầy mà không có cái kia.
Tóm lại, biết được tác
dụng của bốn đức căn bản của đạo
người rồi, chúng ta theo
đó mà tập luyện cho hết sức mình, làm cho nhập tâm hầu áp dụng vào đời sống
hằng ngày của mình.
Nho giáo cho rằng người
quân tử cần hợp đủ những đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Người nào còn thiếu kém về
việc thực hành một điều nầy hay một điều khác trong bốn đức tính căn bản đó thì
không xứng đáng là người học Ðạo và biết Ðạo.
Lập Công:
Là một phương pháp cần
thiết trong việc tu kỷ, xử thế của con người.
Phép lập công gồm có hai
mặt là: Sức khỏe đầy đủ và tinh thần cứng rắn, để nghị lực điều khiển nhục thân
tuân hành mạng lịnh của trí não.
Muốn kiện toàn sức khỏe,
phải giữ vệ sinh thân mình, phải ăn uống có điều độ, tránh xa tửu sắc làm cho
thân thể con người phải tiều tụy.
Phải tận lực đánh đổ tật
biếng nhác. Làm việc hằng ngày phải siêng năng nhậm lẹ; việc nào đã làm phải
làm hết sức chu đáo.
Ở tại gia đình phải gắng
sức lập công thì gia đình mới khỏi thiếu thốn, túc thực túc y, con cái được bảo
dưỡng đầy đủ.
Ra gánh vác việc xã hội,
tùy theo địa vị, phải ráng lập công cho đúng với nhiệm vụ mình đã nhận lãnh,
hoặc y theo lời cam kết của mình.
Chẳng nên thấy sự khó khăn
mà bỏ dở nửa chừng, hoặc ham lợi nhiều mà làm việc cẩu thả, khiến công chuyện
bất thành rồi đổ thừa cho điều nầy lẽ nọ.
Làm như vậy thì thất tín
với mình, thất tín với thiên hạ, không còn ai dám tin dùng mình nữa và cả đời
mình phải gánh chịu hậu quả, không trông gì nên sự nghiệp được.
Khi nhập vào cửa Ðạo,
quyết tu hành, phụng sự cho Ðạo và cho chúng sanh thì sự lập công là đầu mối
việc. Phải lập công rồi mới hưởng quả, nên gọi là công quả.
Công quả trong cửa Ðạo
chia ra hai phần là: Công quả nội và Công quả ngoại.
Công quả nội:
Là phương pháp làm cho
mình sáng suốt, hiểu thông rành mạch đạo lý, không còn chỗ nào ngờ vực hầu trau
giồi tâm tánh để trở nên người đạo đức hoàn toàn. Phải để công phu học hỏi rồi
phải thực hành tức là áp dụng điều hiểu biết vào đời sống tinh thần, dìu đường
cho kẻ khác cũng trở nên sáng suốt như mình. Ðó là tự giác nhi giác tha.
Công quả ngoại:
Là phụng sự cho Ðạo và cho
chúng sanh tức là tùy theo địa vị và khả năng của mình, ra công xây dựng cho
Ðạo và giúp ích cho người Ðạo cũng như người Ðời, làm cho ai cũng được hưởng
cái công quả như mình.
Sự sanh hoạt trong cửa Ðạo
cũng chẳng khác chi sự sanh hoạt ngoài mặt đời: Kẻ rành về nghề nầy, người
chuyên môn về việc khác. Có nghề đòi hỏi sự lao lực, có việc cần nơi sự lao
tâm. Lập công quả bằng sự lao tâm hay lao lực đều có giá trị như nhau và đều
hướng về chủ đích phụng sự cho Ðạo và cho chúng sanh.
Trong cửa Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ, người tu sĩ nhờ nơi công quả mà lập vị xứng đáng cho mình và hưởng ân
huệ thiêng liêng ngày chung cuộc.
Lập Ngôn:
Là trau chuốt lời nói được
thanh nhã, chơn thật, hiền lành, tỏ ra mình là người có học hay có thấm nhuần
đạo đức.
Muốn thực hành phép lập
ngôn, chúng ta phải làm chủ khẩu khí, phải suy nghĩ kỹ trước khi thốt lời thì
lời nói mới đoan trang, có mực thước.
Vả lại người ta thường do
lời nói để tìm biết tâm chí và trình độ tấn hóa của mình; chúng ta nên cẩn
thận, vì một lời thốt ra rồi khó lấy lại được.
Về mặt Ðạo, lời nói chẳng
lành, bất công hoặc có ác ý, làm cho mình mang nghiệp quả (Karma). Nghiệp quả
đó gọi là khẩu nghiệp, dầu là lời nói suông cũng đồng tội như mình có làm việc
quấy,
Ðức CHÍ TÔN có dạy rằng:
"Các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh. Thà các con làm tội mà chịu tội cho đành,
hơn là các con chỉ nói mà phải mang trọng hình đồng thể".
Vậy người tu sĩ cần áp
dụng triệt để những điều răn cấm sau đây:
- Cấm vọng ngữ tức là nói
dối;
- Cấm lưỡng thiệt, tức là
đem chuyện người nầy thuật lại với kẻ nọ làm cho hai bên xích mích nhau;
- Cấm ác khẩu, tức là lời
nói hung dữ;
- Cấm ý ngữ tức dùng lời
xảo trá để gạt gẩm người sa vào tội lỗi.
Ðức Khổng Tử có nói:
"Ðạo thính nhi đồ thuyết đức chi khí dã", nghĩa là nghe chuyện đầu
đường nói lại ở cuối đường là tự bỏ cái đức tốt của mình vậy.
Trong xã hội, người ta vì
lời nói mà sanh ra việc bất bình, có khi gây ra thù oán có thể đánh giết nhau.
Trong gia đình, vì lời nói
mà có khi cang thường tan vỡ, cốt nhục chia lìa.
Trong việc trị nước, các
vị vua chúa thời xưa thường nghe lời sàm tấu của đám nịnh thần mà quốc gia phải
khuynh nguy, cơ đồ nghiêng ngửa. Vì đó có câu: Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt
ngôn khả dĩ tán bang. Lời nói có tầm quan trọng như thế, người đời cũng như kẻ
tu sĩ nên cẩn hạnh cẩn ngôn cho lắm.
Nói tóm lại, người quyết
chí tu thân, nếu thực hành được phép Tam lập là Lập Ðức, Lập Công và Lập Ngôn
thì sẽ trở nên hoàn thiện và đáng là một bậc đại hiền trong thiên hạ vậy./.
CAO THƯỢNG SANH
(Trích Thông Tin
số 24, ngày 21/03/1971)
ÐỨC THƯỢNG SANH
Thuyết Ðạo tại Ðền Thánh
đêm 23 rạng 24 tháng 12 Canh Tuất (dl. 19/1/1971)
NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG
ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
Kính HỘI THÁNH HIỆP THIÊN,
CỬU TRÙNG, PHƯỚC THIỆN,
Kính Quý CHỨC SẮC, CHỨC
VIỆC và ÐẠO HỮU Nam Nữ,
Ngày qua tháng lại nhặc
thúc tợ thoi đưa lật bật tiết Ðông vội ướm tàn, hoa cỏ đã phô bày muôn tía ngàn
hồng báo tin mùa Xuân chực lố dạng. Một năm chóng thoát qua, nhớ lại Xuân trước
vừa đến mới ngày nào nay chúng ta lại sửa soạn đón chào Tân Xuân sắp đến nữa.
Ôi! Dòng đời cứ triền miên
trôi chảy, nhựt nguyệt cứ vần xây, Xuân mãn kế Xuân về, ngày tháng kế tiếp
nhau, đem mớ tuổi chất chồng lên đầu con người để rồi đưa lần đến cõi hư vô
tịch mịch. Một số bạn đồng hành của chúng ta trong cửa Ðạo, mới Xuân trước còn
gặp nhau với nét tươi cười, nay chưa hết tiết Ðông đã vội hóa ra người thiên
cổ. Thế thì Ðấng Tạo Hóa sắp đặt cho cái Xuân chẳng phải dành cho khách trần
vui hưởng, mà chỉ để nhắc cho nhơn sanh nhớ mỗi độ Xuân về tức là con đường đi
đến mức chung qui của kiếp phù sinh đã thâu ngắn lại, không còn bao nhiêu bước
nữa nên liệu mà tính xong bổn phận làm người trước ngày vĩnh quyết.
Theo quan niệm của nhà
hiền triết thời xưa, thì ngày Tết Nguyên Ðán không phải là ngày để chơi Tết,
hay chơi Xuân mà chính là một dịp để cho con người lo tròn bổn phận trong gia
đình, tưởng nhớ đến những đấng Tổ Tiên Phụ Mẫu đã khuất bóng, kính cẩn bái lễ
trước bàn thờ, giữ tròn đạo hiếu đúng theo Nho giáo tức là thờ người quá vãng
cũng như người còn tại thế. Ngoài ra, người ta chúc lành cho thân quyến, bạn bè
và đi đến Chùa, Miếu, Ðền thờ để cầu phúc cho gia tộc, rồi thì tính toán đường
lối xoay trở trong nghề nghiệp để thi thố cho có kết quả tốt đẹp, khi bắt tay
vào công việc sẽ tới. Ðó là người có chí kinh doanh và có tư cách sinh hoạt
lương thiện dù trong thời bình họ cũng thận trọng không tỏ ra cử chỉ ngông
cuồng phung phí vô lối, trừ ra những hạng người làm tiền không mệt nhọc bóc lột
dân chúng muôn phương ngàn kế hoặc ngồi không chia của, lập sản nghiệp trên
xương máu của đồng bào, họ mới thung dung quăng tiền qua cửa sổ, để phô trương
sự giàu có dù trong thời bình hay thời loạn. Phương chi nạn chiến tranh đang
dầy xéo đất nước, suốt phần tư thế kỷ nay; tai Trời ách nước còn dồn dập gieo
thêm tang tóc làm cho giống Việt Thường đã quá thống khổ, đọa đày, đã phải chịu
thêm nổi điêu linh tàn tạ.
Trước cảnh máu xương chồng
chất gây nên bởi chiến cuộc, trước cảnh chiếu đất màn trời, của mấy trăm nạn
nhân bão lụt miền Trung đang vất vả khóc than, vì đói rách cơ hàn, chúng ta
những người đã xả thân cầu đạo, có vui sướng gì mà hỉ hạ chơi Xuân, hoang phí
đồng tiền để làm khách phong lưu trong buổi trà dư tửu hậu. Quay về dĩ vãng,
cuộc biến cố ngày Tết Mậu Thân cách đây không quá lâu, chúng ta nên dè dặt, nên
vui Xuân với ý nghĩa thanh bai hướng về mặt tinh thần theo tư cách của người tu
hành có nhiệm vụ dìu dắt chúng sanh trên đường giải thoát. Trong mấy ngày Tết,
ngoài ra phận sự đối với gia đình, thờ cúng Tổ tiên, chúng ta nên dùng dịp nghỉ
ngơi để ôn lại những việc đã làm, cùng những thành tích đã thâu thập trong một
năm qua trên đường hành đạo. Nếu làm được việc tốt đẹp có phần công quả xứng
đáng, ta nên hả dạ vui mừng, nếu có làm điều bất chánh, tà vạy, ta nên tự thẳng
thắn tự nhận lỗi với lương tâm và tự hứa sẽ hối cải sửa mình không dám tái
phạm.
Người ngoài xã hội có
quyền xảo quyệt, giả dối đê hèn để mưu cầu quyền lợi. Người tu hành phải thành
thật, ngay thẳng, trước là tự thành thật với mình, rồi mới có thể thành thật
đối với bạn đạo và tín hữu. Vì chẳng hay xét mình, chẳng cần tính sổ cuối năm
như những nhà thương mãi tính lời hay lỗ, người Chức sắc không tiến triển trên
đường đạo đức; bởi lẽ, mình không biết lấy mình, thì thế nào cân nhắc được sự
học vấn của mình tấn hay thối, tác động và giá trị của đạo hạnh của mình thấp
hay cao.
Thầy Tăng Tử xưa là một
bậc hiền triết mà còn "Nhứt nhựt tam
tỉnh ngộ thân", tức là hằng ngày xét mình trong ba điều:
- Một là lo việc cho người
không hết lòng bằng việc mình, có thế chăng?
- Hai là giao du với bạn
bè mà đem lòng giả dối, có vậy chăng?
- Ba là nghe lời Thầy dạy
bảo mà hay lãng xao, có thế chăng?
Ước mong mỗi Chức Sắc hằng
ngày chỉ xét mình trong một điều duy nhứt thì nền Ðại Ðạo lấy làm may mắn mà
nhơn sanh cũng lấy làm hữu phước. Ðiều xét mình ấy là làm công quả lo việc cho
Hội Thánh không hết lòng bằng việc mình, có thế chăng?
Xét mình như vậy không
phải là việc khó và nếu mỗi người đều thành thật đối với mình thì việc Ðạo
không có điều gì sơ xuất, cơ nghiệp Ðạo sẽ được bồi đắp đồ sộ mau chóng.
Ðức PHẬT THÍCH CA dạy các
đệ tử rằng: "Ngươi hãy tự kiếm ngươi", theo ý của Ðức Phật thì ngươi
hãy suy nghĩ và xét mình đặng biết mình là ai, mình thật biết mình rồi mới biết
định giá trị của người khác. Thường người ta chỉ lo tìm kiếm những điều ở ngoài
mình, chớ không tìm kiếm những cái ở trong con người của mình, thế nên dây oan
kết mãi, nghiệp chướng càng mang, biết chừng nào mới tỉnh ngộ đặng phản bổn
hườn nguyên.
Ðức Lão Tử có nói: "Tri nhơn giã trí tự tri giã minh"
tức là biết người là kẻ trí, sao bằng tự biết mình mới sáng suốt hơn nữa.
Ðức CHÍ TÔN có lời dạy: "Phải thường hỏi lấy mình khi vào lạy
Thầy buổi tối coi phận sự ngày ấy đã xong chưa? Và lương tâm có điều chi cắn
rứt chăng? Nếu còn nét chưa rồi, lương tâm chưa được yên tịnh thì phải biết cải
hóa ráng chuộc lấy lỗi đã làm thì các con có lo chi chẳng bì bậc chí
thánh". Về công hạnh và đạo đức của Chức sắc, một bài Thánh giáo của
Ðức CHÍ TÔN lúc đầu năm Kỷ Tỵ có dạy rằng: "Ngày tháng vẫn mỏi mòn mà
đường Ðạo nhắm còn dài đăng đẳng, một Xuân qua là một dặm đường phải bước tới,
mà Thầy ngảnh lại bước đường của môn đệ Thầy vẫn còn sụt sè chớ chưa thấy chi
có mòi tấn phát. Thu qua Ðông lại, Thìn đến Tỵ về, Xuân đổi lại Xuân thay, năm
về rồi năm mãn. Ôi! Tấc bóng quang âm nhặc thúc mà xem lại công hạnh của mỗi
con của Thầy thì nét Ðạo vẫn kém hơn, đức chưa thêm được, tâm chí mòn mõi lối
đường ngay mà nấu nung về nẻo vạy, e cho nền tảng Thiêng liêng đồ sộ phải
nghiêng ngửa, rồi đây các con cũng chưa chắc hết tranh cạnh giành xé nhau mà
làm cho nền Ðạo phải mang tai tiếng. Ôi! Xuân tàn, Xuân đến, cái Xuân của người
sắp lụn hao, mà rồi cái Xuân của trời đất nước non cũng chưa chắc là vô cùng vô
tận.
Các con nếu biết vì đời mà
khổ tâm, biết vày vò tình thế, biết chịu kém sút trong nẻo lợi đường danh, biết
thiệt mình mà đặng cho kẻ khác, biết đổ lụy cho kẻ vui cười, biết nhọc nhằn
trong kế sinh nhai, biết giữ tâm chí cho thanh bạch đừng nhơ bợn của chẳng nên
dùng, biết động mối từ tâm thương người hơn kể mình thì là các con được tắm gội
hồn trong mà về cùng Thầy đó. Nét nào chưa vẹn khá biết sửa lần chớ nên trì
hưỡn, Ðạo suy, Ðức kém, tà quái lừng hơi, các con gắng chung tâm xua trục hết
lũ vạy tà thì hiến công lớn cho Thầy đó. Thầy ban ơn cho các con".
Cao quí thay lời dạy của
Ðức CHÍ TÔN ÐẠI TỪ PHỤ đã thấy rõ tới trong thâm tâm của các môn đệ mới có
những lời đinh sắt chỉ vẽ đường lối cho chúng ta tiến bước để nương mình lên
bậc chí Thánh và nắm trọn vào tay cơ giải thoát. Người tu sĩ CAO ÐÀI phải biết
vì Ðời mà chịu khổ, thật hành chủ nghĩa vị tha dám quên mình thì mới thật là xả
thân cầu Ðạo, đem đời sống hiến trọn cho Ðạo và cho nhân sanh, sự quả quyết hy
sinh do nơi lòng trắc ẩn trước mọi đau khổ trên thế gian tình thương phải được
lan tràn vây kín đám nhân sanh là đám dân bần hàn khốn khổ để thực hiện câu đem
Ðạo cứu Ðời. Nếu thiếu lòng thương yêu không làm được những điều của Ðức CHÍ
TÔN dạy bảo, người Chức sắc không thể làm tròn sứ mạng cứu vớt chín mươi hai ức
nguyên nhân đang trầm luân nơi khổ hải. Vị nào còn quá trọng bản ngã, còn tôn
thờ vật chất thì không thể có tình thương đối với bạn đạo và nhân sanh, họ chỉ
thương mình đem tất cả về cho mình, cho nên không thể sống đời sống tinh thần
được.
Khoát vào mình cái áo Ðạo
chỉ vì mục đích riêng tư, những phần tử đáng thương hại đó toan che mắt bề
trên, lừa dối thiên hạ, có khi chạy theo phe nầy nhóm kia, làm tay sai cho thế
lực kim tiền, lợi dụng danh Ðạo, họ ví lời minh thệ trước Thiên bàn như một món
đồ chơi, muốn ném vào xó nhà lúc nào cũng được. Tôi tin rằng quý vị Chức sắc
trong hàng Thánh Thể Ðức CHÍ TÔN không lẽ có hành vi nông nổi như vậy... Vì làm
như vậy tức là khinh thường Ðức CHÍ TÔN, khi dễ các Ðấng Thần, Thánh, Tiên,
Phật hình phạt thiêng liêng thế nào mỗi vị đều biết rõ.
Chúng ta nên lưu tâm là đã
hiến thân cho Ðạo, người tu sĩ không có quyền sống riêng cho mình, mà sống vì
Tôn giáo, vì nhơn sanh. Bởi thế, luật thương yêu không phải một đề nghị, một ý
kiến có thể chấp thuận hay là không, luật thương yêu là một mạng lịnh thiêng
liêng mà chúng ta phải nhận lãnh vô điều kiện, vì sự thương yêu đưa chúng ta
đến gần với Ðức CHÍ TÔN và sự ghét đưa chúng ta vào hàng tôi tớ của quỉ vương.
Bởi thiếu sự thương yêu
lẫn nhau trong đời sống tập thể của Tôn giáo, thiếu sự nương nhờ nhau để chung
lo cho cơ nghiệp Ðạo, người Chức sắc phải chịu côi thế khi thi hành nhiệm vụ và
như vậy không trông gì thu thập được thành quả tốt đẹp. Kẻ dưới không tận tâm
giúp người trên, vì sợ người trên làm được việc thì cũng không ích gì cho mình.
Người trên không sẳn lòng nâng đỡ kẻ dưới cho được thành công vì kẻ đó không
phải thuộc hạ thân tín của mình, cùng phụng sự cho chủ nghĩa chung mà làm việc
với ý sâu sắc riêng tư chính là bởi thiếu sự thương yêu lẫn nhau vậy.
Các Ðấng Thiêng liêng có
dạy chúng ta phải chung lưng đâu cật, hiệp thế côi thành sức mạnh, kết chặc dây
thân ái một như mười, mười như trăm, như ngàn thì có lo chi không tạo được một
cảnh Thiên đàng tại thế.
Thưa quý Chức sắc và Tín
hữu Nam, Nữ,
Trước thềm Tân Xuân Tân
Hợi và nhơn buổi cúng lễ Chung niên hôm nay tôi có đôi lời nhắc nhở bạn đạo
trong việc bồi công lập đức, với ước nguyện mỗi vị nên lưu ý xét mình lo trau
giồi đạo hạnh được ngày càng cao siêu thoát tục, để làm những bậc Thánh nhân
trong hàng Thánh thể của Ðức CHÍ TÔN tại thế. Ðược vậy, những tệ đoan mà chúng
ta thường thấy trong Ðạo mới được mau chấm dứt, sự tranh cạnh giành giựt cũng
như những hành vi đen tối không còn xảy ra để cho cái thanh danh Thánh địa được
giữ nguyên ý nghĩa cao đẹp của nó và sự nghiệp Ðạo được vun bồi khả quan trong
ngày sẽ tới.
Ðức LÝ ÐẠI TIÊN đã không
vui lòng về sự thi hành nhiệm vụ của Chức sắc Hội Thánh, không lẽ chúng ta điềm
nhiên giữ y lề lối cũ mà không cải sửa. Sứ mạng cần phải làm tròn và muốn làm
tròn, phải cương quyết, trong sạch và vô tư, trong ba đức tính đó nếu thiếu một
cũng không đạt được thành công mỹ mãn. Trước thềm Tân Xuân Tân Hợi, tôi thành
tâm cầu chúc toàn thể Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu được dồi dào sức khỏe, mọi
sự hanh thông đồng hưởng một cái Tết an vui trong tinh thần đạo đức và trong sự
sum họp gia đình.
Cầu xin Ðức CHÍ TÔN ban ơn
lành cho toàn đạo nam nữ.
Nay kính.
CHÍNH TRỊ cần có Ðạo Ðức
không?
Cái HÀ CHÍNH gớm ghê hơn
cọp.
Tự cổ chí kim, nước nhà
được trị hay loạn, hưng hay vong đều do nơi người cầm quyền hành chánh. Người
cầm quyền biết theo đường ngay chính, biết lấy Ðạo mà sửa trị, biết lấy Ðức mà
cảm hóa, thì nước nhà vững đặt, đời được thái bình. Người cầm quyền không cần noi
theo lẽ phải, không biết thương dân và lấy Ðạo Ðức sửa trị, thì nước nhà phải
chinh nghiêng loạn lạc. Là vì dân tâm tức là thiên ý, làm trái lòng dân tức là
làm trái mạng trời, mà trái mạng trời tức là đi vào lối diệt vong vậy.
Kinh Thư của KHỔNG GIÁO nói
rằng: Trời không thân riêng ai, chỉ có đức là được trời giúp, lòng dân không có
thường, chỉ có ơn là mến; làm điều lành không giống nhau, nhưng kết quả là trị,
làm việc ác không giống nhau, nhưng kết quả là loạn (Hoàng Thiên vô thân, duy
đức thị phụ, dân tâm vô thường duy huệ chi hoài. Vi thiện bất đồng, đồng qui vi
trị, vi ác bất đồng, đồng qui vi loạn).
Xưa những người có trách
nhiệm trị nước trị dân lúc nào cũng phải kính cẩn, hằng lo sửa mình cho ngay
chính để được có kẻ hiền tài theo giúp mình, rồi lấy nhân mà trị, lấy đức mà
hóa, cái kết quả trong việc chính trị mới tốt đẹp.
Khổng Giáo cho Ðạo Nhân là
gốc của việc chính trị cũng như đất tốt là gốc sanh sản ra cây cỏ sởn sơ. Vì
vậy mà người hành chánh dầu có tài mà thiếu phần đạo đức thì nước cũng loạn
lạc, dân cũng lầm than. Mặc dầu trong nước được có một chánh thể hay đến đâu mà
giao về người cầm quyền thất nhân bất đức, cái chính thể ấy cũng hóa ra ươn dở.
Trái lại dầu chính thể có dở mà có được người hành chánh đủ tài đủ đức thì
người ta có dụng tài đức ấy suy cổ nghiệm kim, do theo trình độ tấn hóa của xã
hội và dân chúng mà thay đổi lần hồi cho hợp thời và thuận lý. Huống chi người
cầm quyền bình đẳng, một nước dầu là của nước Quân Chủ, hay là Tổng Thống, nước
Cộng Hòa Dân Chủ cũng đều có chịu mạng Trời thể Thiên hành đạo. Cái quyền hành
ấy là cái bảo vật có quan hệ đến vận mạng của xã hội, một dân tộc, vì vậy trị
dân, chìu theo lòng dân và thận trọng coi sứ mạng mình là của báu thiêng liêng
không thể để hư hỏng được. Lại nữa đem thân ra phụng sự quốc gia thì thân mình
thuộc về quốc gia và chung cả thiên hạ, cái thân ấy không còn là của mình và
của gia đình nữa.
Ðức Lão Tử cho ở đời thân
hình là một cái không đáng quí nhứt, vì nó thường là mối lo cho người ta. Ðáng
yêu quí nhứt là lúc đem thân ra phụng sự cho thiên hạ, Ngài nói: "Ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái
thân, nếu không có thân thì ta có lo gì?" Cho nên chỉ yêu quí thân là
khi đem thân vì thiên hạ, như có thế gởi gắm được cho thiên ha.
Ấy đó, coi sứ mạng mình là
thiêng liêng, coi thân mình là nhẹ hơn hạnh phúc của nhân sanh, chính là hai
con đường dìu người hành chánh đến mức thành công vậy.
Ðược như thế thì ngưới cầm
quyền đối với dân cũng như cha đối với con. Phải tu thân tích đức, lo cho dân
được an cư lạc nghiệp, dạy cho được sáng suốt khôn ngoan y như cha lo cho con.
Phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân mới đáng làm cha mẹ
dân.
Vả lại, lòng tự nhiên của
dân là muốn điều lành ghét điều ác, cứ do theo lòng dân ấy mà trị dân tức là
dìu dắt dân đến con đường hạnh phúc.
Trái lại, nếu làm những
điều dân ghét bỏ và ghét những điều dân ưa chuộng, hoặc ham muốn xa hoa, lo cho
thân mình được sung sướng ngoài ra mặc kệ dân khốn khổ lầm than, ấy là hành
động trái với lòng dân, người cầm quyền dầu có tài ba lỗi lạc cũng không khỏi
đi đến con đường thất bại. Lẽ dĩ nhiên trị dân mà không làm cho dân tin cậy mến
yêu, hành động trái ngược, có thể khiến cho trăm họ đổi lòng phục tòng của tôi
con ra tâm thù oán của kẻ nghịch, thì người cầm quyền đem cho mình và cho nước
họa đó.
Những đấng minh quân đời
trước thương dân như con đỏ, hằng chịu lao tâm tiêu tứ để lo hạnh phúc cho dân.
Người trong nước không kể sang hèn, hễ ai có tài có đức là được cất nhắc lên
làm quan giúp nước trị dân. Vua với quan đều lấy sự ích nước lợi dân làm chủ
đích. Trên thân dưới như tay chân đối với lòng dạ, dưới thân trên như nhà đối
với mẹ từ. Vì sự thương yêu lẫn nhau là mối vững bền, muôn dân lạc nghiệp.
Một hôm Ðức Khổng Tử đi
ngang qua núi Thái Sơn, trông thấy một người đàn bà ngồi khóc dựa bên cái mồ,
nghe tiếng khóc đau thương mà ra bộ sợ hải lắm. Ngài dừng xe lại sai Thầy Tử Lộ
hỏi xem cho rõ nguyên do, thì người ấy thưa rằng: "Ngày trước cha chồng tôi bị cọp ăn, sau chồng tôi cũng bị cọp ăn,
nay con tôi lại bị cọp ăn nữa, cho nên tôi thương khóc mà sợ lắm."
Ngài bảo rằng: "Sao không đi chỗ
khác mà ở." Người đàn bà trả lời: "Thưa, ở đây không có hà
chính." Ngài liền day lại bảo học trò rằng: Các con nhớ lấy: "Cái hà chính gớm ghê hơn cọp vậy"
(Hà chính mãnh ư hổ giã).
Nói tóm lại, nhà chính trị
phải cần có đạo đức, không đạo đức là chính trị hà khốc, làm cho lòng dân ly
tán, vận nước khuynh nguy, dầu cho có lập hình pháp trừng trị bao nhiêu cũng
không khuất phục.... được nhân tâm.
Ðời nay văn minh tiến bộ,
cái văn hóa mới lan tràn trong nước dường như phe tân học quá thiên về đường
vật chất, nên phần nhiều người cầm giềng mối chính trị hay biết về quyền hành
chớ không muốn biết đến đạo đức.
Giữa xã hội người ta thấy
bao nhiêu nỗi bất bình bực tức: mạnh lấn yếu, chúng hiếp cô, vì lẽ cái thế lực kim
tiền được tôn thờ kính phục. Cái khổ của dân vì đó càng ngày càng chồng chất mà
không biết kêu ca vào đâu?
Cái thuyết cao siêu của
Mạnh Tử: "Dân vi quí, xã tắc thứ
chi, quân vi khinh" ngày nào mới được thật hành trên đất nước Việt
Nam?
Ngày đó mới chính thật là
ngày đem hòa bình và hạnh phúc lại cho dân chúng./.
HUỆ GIÁC
(Tài liệu trích trong Tuần
Báo DUY TÂM)
TU THÂN
(Trích ở báo DUY
TÂM số 3 ngày 18/5/1948)
Giữa lúc thế giới cạnh
tranh, bốn phương loạn lạc, mạnh vì thế, khôn vì tiền, đang lúc quốc dân bồng
bột giành giựt vì sanh kế, mà đem vấn đề Tu Thân ra bàn bạc thiết tưởng cũng
một sự rất hạp thời.
Chẳng lẽ người đời vì bao
nhiêu nỗi khó khăn để sống lại quên hết lẽ phải, miễn sao cho no cơm ấm áo là
được.
Ðời trị hay loạn, hưng hay
vong là do trong nước có hay không những bậc vĩ nhân, đạo đức biết nói lẽ phải
của Thánh hiền để tề gia trị quốc. Các bậc ấy, trước khi đem thân làm việc có
ích cho đời đều có học, mà cốt yếu sự học là ở nơi sự sửa mình.
Xưa các bậc Thánh nhân đã
dạy từ vua cho đến dân ai cũng lấy sự sửa mình làm gốc. Muốn cho thành người
đức hạnh hoàn toàn phải giữ cái ý cho thành, cái tâm cho chánh, Tâm đặng chánh,
ý đặng thành là nhờ lấy trí khôn ngoan xét đoán cùng tột của mọi loài suốt tới
chỗ uyên thâm của sự vật. Cách vật trí tri rồi mới định tỉnh mà thành ý, chánh
tâm, vì vật có gốc ngọn, sự có đuôi đầu. Nhờ lấy lý soi dẫn cái tâm cho chánh,
cái khí cho thanh, nên vật ở ngoài không làm chênh lệch, đủ định được điều phải
quấy, quyết được việc hiềm nghi, vả lại tâm là của hình thể, chỉ ra lịnh khiến
chớ không chịu lịnh sai. Bên trong tuy có năng lực thiêng liêng nhưng bên ngoài
có thất tình lục dục, nếu tâm không có phương gì làm chuẩn đích thì thường hay
bị cám dỗ, ngã theo điều tà vạy, tạo ra việc bất đức vô nhân.
Bậc vua chúa đời trước
muốn tránh khỏi sai lầm hay muốn sửa mình, có đặt ra quan Gián nghị, đặng can
gián những hành động bất chánh của mình, nhưng quyền quân chủ quá ư tối cao,
nhiều vị quan chịu chết về phận sự, mà không có kết quả chi hết.
"Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" cái thuyết của
Mạnh Tử xuất hiện cũng vì lẽ đó. Ðó là về phần vua chúa.


Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét