
Lễ kỷ
niệm ÐỨC HỘ PHÁP Qui Thiên
TẠI ÐỀN THÁNH, đêm
mùng 9/4/Ất Tỵ (1965)
Kính Chư Chức sắc Hiệp
Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện Nam Nữ,
Kính Chư Chức việc và Ðạo
hữu lưỡng phái,
Hôm nay là ngày kỷ niệm
Ðức HỘ PHÁP Qui Thiên,
tôi xin nói về vấn đề đức chí thành và công nghiệp của
Ðức Ngài trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Ðức Chí Thành là một đức
tính mà con người sanh ra ở thế gian ai cũng cần phải có, để tự kềm chế mình
được ngay thẳng thành thật trong đường đời cũng như đường Ðạo. Có chí thành con
người mới có phẩm hạnh sáng tỏ, mới biết cân phân tà chánh, thị phi trong khi
tiếp xúc với nhân quần xã hội, mới dám quyết định nên hư trong các công việc
của mình và nhờ đó mà đi đến mức thành công mỹ mãn.
Người có đức chí thành
không hề biết dối trá gạt gẫm ai, không biết a dua, bợ đỡ, không vì lợi bỏ
nghĩa, không vì mình hại người, cứ thẳng thắn đường ngay tiến bước, thà là chịu
thất bại còn hơn là dụng mưu mô bất chánh để dối người, lừa bạn.
Trên đường đời con người
vì bị văn minh vật chất lôi cuốn làm cho điên đảo thần hồn, mịt mờ trí nảo nên
không mấy ai còn giữ được đức chí thành.Vì đó mà người ta đối đãi nhau bằng
những lừa dối, nghi kỵ xảo trá mưu mô khiến cho từ việc nhỏ đến việc lớn đều bị
thất bại, nhứt là trong trường hợp có sự cộng tác của nhiều người hướng về một
mục đích hay một chủ nghĩa nào.
Ðối với xã hội đức chí
thành có một tầm quan trọng như thế, huống chi trong đường Ðạo, đối với tôn chỉ
siêu việt cao cả của tôn giáo, đức chí thành lại còn quan trọng lớn lao hơn
nữa.
Người hành Ðạo mà thiếu
chí thành cũng chẳng khác chi người băng rừng lúc ban đêm mà trong tay không có
ngọn đuốc để chỉ đường dẫn hướng, vì chí thành là căn bản của con người thuần
túy. Có cái căn bản đó, người ta mới mong trau giồi hạnh đức chí quyết tự giác
nhi giác tha, không thể lầm đường lạc nẻo.
Thiếu chí thành tức là mình tự dối với mình trước, sau là dối với bạn Ðạo, dối với người trên trước, dối với nhơn sanh. Cái lòng giả dối sẳn có ấy không thể nào thay đổi được. Một sự tầm thường dễ thấy hơn hết là khi tụng kinh hoặc khẩn vái, cầu nguyện với các Ðấng Thiêng Liêng mà lòng không được nét chí thành thì sự cầu nguyện chẳng qua là làm cho có vẻ bề ngoài chớ tựu trung không bổ ích gì hết. Vì có cảm mới có ứng, không chí thành thì không thể có hiệu nghiệm. Người hành Ðạo có đủ chí thành thì cốù gắng lập công vì nhiệm vụ, vì chủ nghĩa thương đời chớ không cầu danh chác lợi.
Không vì công lớn mà tỏ vẻ
tự đắc, lập thế chuyên quyền làm điều trái đạo cho kẻ ăn oán nuốt hờn, người
thở than đau khổ, biết lo chung cho sanh chúng, không cần tiếng bợ lời khen, tự
khép mình vào khuôn viên đạo đức, treo tấm gương thanh bạch quyết thực hành tôn
chỉ vì Ðạo cứu đời.
Theo thuyết Khổng giáo thì
phải tu luyện ý chí cho đạt đến Chí Thành để rồi quyết định làm những điều hay
lẽ phải để tiến tới Dũng. Dũng cảm đối với Ðức Khổng Tử không phải là cậy sức
làm liều mạng, mà Dũng là giữ niềm hòa khí, lúc nào cũng sống với đạo lý của
mình, ý chí không thể bị lay chuyển dù là lúc bình thường hay trong hồi nguy
biến. Vậy luyện chí thành tức là:
1 / Thấy việc nghĩa nhứt
định làm.
2 / Thiết tha với hoài bão
của mình.
3 / Tìm mọi biện pháp để
thực hiện hoài bão đó.
4 / Dầu là trong khó nhọc
gian lao, chí thực hiện đó không sờn mẻ.
Ví dụ có điều mình chẳng
học, nhưng đã học mà chẳng thành công thì chẳng thối; Có điều mình chẳng nghĩ,
nhưng suy nghĩ mà chẳng ra thì cứ suy nghĩ mãi; Có điều mình không làm nhưng
làm mà chưa hoàn tất thì không bỏ dở. Người ta ra công một lần mà được thành,
mình dầu ra công một trăm lần mà chưa thành cũng cứ tiếp tục cho đến khi thành
mới chịu.
Sự cường dũng là nơi đó
vậy. Ðức HỘ PHÁP nếu chẳng phải là người đầy đủ đức chí thành thì ngày nay
không có một sự nghiệp vĩ đại để lại cho toàn Ðạo chung hưởng. Ðức Ngài lãnh
mạng lịnh với Ðức CHÍ TÔN quyết tạo lập Ðền Thánh thì cương quyết thế nào cũng
phải làm tròn sứ mạng.
Lúc bấy giờ Ðạo đương hồi
chia rẽ, người thì ra lập chi phái riêng, kẻ thì hô hào bất hợp tác, tìm phương
phá rối nội bộ làm cho nhân tâm ly tán. Tài chánh lại eo hẹp, thêm chính quyền
thực dân để ý nghi kỵ làm khó dễ đủ mọi phương diện, nhưng mặc cho đường Ðạo
gay go, mặc tình đời khắc khổ. Ðức Ngài vẫn bình thản khởi công, quyết chí hy
sinh, tận tâm vì nghĩa vụ.
Suốt 5 năm công khó, ăn
ngủ thất thường, đem hết trí não điều khiển công cuộc xây dựng. Ðền Thánh vừa
mới tạo xong mặt ngoài thì chánh phủ Pháp ra lệnh cho nhân công phải ngưng hết
mọi công việc xây cất. Ðó là ngày 28/5/Tân Tỵ (1941).
Kế Ðức Ngài bị bắt và bị
đưa đi sang MADAGASCAR vào ngày 27/7 năm 1941 cùng 5 vị Chức sắc. Cơ thử thách
quá nặng nề, dầu cho ai lâm vào cảnh tang thương não nùng như vậy thì chí cương
quyết cũng phải tiêu ma, nhưng Ðức Ngài nhờ có khối nhiệt thành trau luyện tột
bực, nên Ðức Ngài đinh ninh là cái sứ mạng xây dựng Ðền Thánh do Ðức CHÍ TÔN
giao phó, không vì cái bạo tàn của thực dân mà phải bỏ dở.
Vầng trăng đương soi sáng
vũ trụ, bỗng nhiên một thoáng mây đen thoáng qua, tuy là làm cho lu mờ cảnh
vật, nhưng đó chỉ là trong chốc lát. Một luồng thanh phong thổi tới, áng mây bị
đẩy đi xa, ánh trăng cũng trở lại tỏ rạng khắp bốn phương trời
Thật vậy, sau 5 năm mấy
tháng lưu đày. Ðức Ngài hồi hương với một tinh thần cao siêu hơn, một tâm linh
cao đẹp hơn, một chí thành cứng rắn hơn. Chim bằng đã dưỡng sức từ bấy lâu nay chớp
cánh bay tận bốn phương trời, mặc sức vẫy vùng giữa chốn ngàn mây dặm gió.
Về đến vùng Thánh địa,
điều lo nghĩ trước nhứt của Ðức Ngài là tiếp tục công cuộc kiến thiết Ðền
Thánh. Khích lệ đám nhân viên công thợ của Ðạo, Ðức Ngài chăm lo tiện tặn tài chánh,
lo tô điểm ngôi Ðền Thờ cho đến khi hoàn thành mỹ mãn.
Xong công cuộc xây dựng
Ðền Thánh, Ðức Ngài lo tu bổ các dinh thự mở mang đường sá, xây cất Trí Huệ
Cung, tổ chức Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Nhờ uy tín và chí thành của Ðức Ngài,
Ðạo lúc bấy giờ phát triển không ngừng.
Bàn tay của Ðức Ngài là
bàn tay sáng tạo. Có Ðức Ngài đại nghiệp Ðạo mới được đồ sộ như ngày nay, thanh
danh Ðạo mới được loan truyền khắp mặt địa cầu.
Ðức Ngài đã hy sinh trọn
đời để lo cho sanh chúng, tạo cho đời một kỷ niệm tinh thần, nâng cao nền tín
ngưỡng của dân tộc Việt Nam ngang hàng với các nước Âu Á về mặt tôn giáo.
Sứ mạng hoàn thành, Ðức
Ngài trở về Thiêng Liêng vị, bằng lòng với công cuộc của mình đã xây dựng để
lưu lại cho bao nhiêu bạn đồng hành, bao nhiêu con em trong cửa Ðạo.
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,
thừa hưởng sự nghiệp của Ðức Ngài, mỗi Chức sắc, mỗi Ðạo hữu phải ghi nhớ công
ơn của Ðức Ngài. Sự nhớ công ơn đó chẳng phải là bằng lời nói không, mà phải
bằng những cử chỉ và hành động xây dựng, thế nào cho thanh danh Ðạo ngày càng
thêm cao, thế nào cho Ðại nghiệp nầy được bành trướng và trường tồn mãi mãi.
Nhớ công ơn Ðức Ngài,
chúng ta phải noi theo gương vị tha và đức chí thành của Ðức Ngài, tức là phải
quên mình để phục vụ, cố gắng làm nên để cho nhơn sanh hưởng nhờ và cương quyết
theo hoài bão xây dựng cho đến mức thành công.
Sau nữa, nhớ công ơn Ðức
Ngài, chúng ta phải thành thật thương yêu nhau, không vì một lẽ nào mà chia rẽ
nhau, thù nghịch lẫn nhau, vì Ðức Ngài cũng vì thương yêu, nên đã phí cả một kiếp
sanh để gắng công lưu lại cho đời một tinh thần bất diệt.
Hướng về chốn ngàn mây
động bích, chúng ta đồng cầu xin Ðức Ngài trợ giúp chúng ta vững tiến đường đạo
đức và làm tròn nhiệm vụ.
Mong thay!
Kính thay!
THƯỢNG SANH
DIỄN VĂN
LỄ ÐẶT VIÊN GẠCH ÐẦU TIÊN
KIẾN THIẾT CHÁNH MÔN TÒA THÁNH TÂY NINH
Kính Chư Chức sắc Hiệp
Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện Nam nữ,
Kính Thiếu Tướng cựu Tỉnh
Trưởng Tây Ninh và quý Quan khách,
Kính Chức việc và Ðạo hữu
lưỡng phái,
Hôm nay là ngày lễ đặt
viên gạch đầu tiên kiến thiết Chánh môn Tòa Thánh Tây Ninh.
Tôi để lời cám ơn Chư quý
viên quan và quan khách đã sẵn lòng đến dự làm cho cuộc lễ tăng thêm phần long
trọng. Tôi cũng để lời cám ơn toàn thể Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu Nam Nữ
đến đông đảo để nâng cao tinh thần đoàn kết trong công cuộc kiến thiết nầy.
Ðã bao lâu rồi HỘI-THÁNH
có ý định xây cất Chánh môn Tòa Thánh theo sự trù hoạch của Ðức Hộ Pháp từ
trước. Nhưng vì tài chánh eo hẹp, lại nữa trong vùng nội ô có nhiều sự kiến
trúc và tu bổ cấp bách cần phải lo trước, nên không thể thực hành ý định sớm
hơn được. Mãi cho đến ngày hôm nay mới có thể khởi công xây dựng.
Theo sự thỏa thuận trước
đây giữa HỘI-THÁNH và ông cựu Tỉnh Trưởng thì công cuộc vận động cho có đủ tài
chánh mua vật liệu về phần ông cựu Tỉnh Trưởng đảm nhiệm, còn HỘI-THÁNH thì lo
về chi phí công thợ.
Nhưng ngày 12 tháng sáu Ất
Tỵ (nhằm 10/07/1965) thì chánh phủ bổ nhiệm ông Tỉnh Trưởng mới đến thay thế
cho ông Lê Văn Tất được lãnh nhiệm vụ khác.
Lẽ dĩ nhiên, ông cựu Tỉnh
Trưởng không còn lo nhiệm vụ kể trên nữa, và công cuộc xây dựng Chánh môn Tòa
Thánh hiện nay đã chính thức trọn vẹn phần HỘI-THÁNH đảm nhiệm về phương diện
tài chánh cũng như về phương diện kiến thiết.
Từ mấy chục năm qua, đại
nghiệp của Ðức CHÍ-TÔN tại thế vẫn được bồi đắp lần hồi do nơi lòng trung thành
và chí hy sinh của toàn Ðạo, tức là của Chức sắc và Thiện tín. Ðạo trải qua bao
nhiêu nỗi thăng trầm, lướt qua bao phen bão bùng, giông tố gây nên bởi lòng
tham hiểm của thế tình, nhưng chánh khí trung cang của con cái Ðức CHÍ-TÔN không
bao giờ sờn mẻ. Trong những giờ phút khó khăn, điên đảo; trong những hồi đen
tối khuynh nguy, nếu vạn đắc dĩ, HỘI-THÁNH phải để lời kêu gọi thì nhân sanh
trong cửa Ðạo sẵn sàng hưởng ứng kẻ của người công xúm nhau đem khối nhiệt
thành điểm tô cho cơ nghiệp Ðạo.
Ðó chính là một tinh thần
phục vụ cao siêu mà cũng là cái năng lực hữu hiệu của Thiêng Liêng đã mầu nhiệm
dành sẳn cho Thánh Thể Ðức CHÍ-TÔN tại thế. Cái tinh thần đó bất diệt cũng như
cái năng lực đó vẫn mãi trường tồn và luôn luôn chực sẵn để phụng sự cho chánh
nghĩa, nâng đỡ cho lẽ phải và giúp nên cho những bậc lãnh đạo chơn chánh, thiết
tha hoài bão xây dựng cho nền Chánh giáo.
Những đấng đàn anh tiền
bối trong cửa Ðạo ngày nay dù khuất bóng đã để lại biết bao công trình, bao
nhiêu tâm huyết, lao tâm tiêu tứ có khi đến hơi thở cuối cùng, chỉ vì quyết
phục vụ nhơn sanh, chỉ vì quá thương Thầy mến Ðạo, quyết lưu lại một chút sự
nghiệp cho người sau chung hưởng, đó là những bậc vĩ nhân đạo đức đáng kính
mến, đáng tôn thờ.
Lo làm để cho kẻ khác
hưởng, cho người sau hưởng, đó là vị tha, đó là chánh nghĩa.
Lo làm để cho chính mình
hưởng đó là vụ lợi, tức là bất chánh, việc làm dù thành công cũng không tồn tại
được.
Công cuộc kiến thiết Chánh
môn hôm nay bắt đầu thực hành, HỘI-THÁNH vui lòng nhận thấy không biết bao
nhiêu người trong Ðạo sẳn lòng hổ trợ, hân hoan góp phần xây dựng.
Mặc dù cuộc sinh hoạt
đương hồi khó khăn, đời sống của nhơn sanh quá chật vật, nhưng lòng háo nghĩa
của bổn Ðạo quá nồng nàn, thật HỘI-THÁNH lấy làm cảm động.
Tô điểm cho đại nghiệp là
bổn phận của mỗi Chức sắc, mỗi Ðạo hữu, chúng ta cùng chung lưng góp sức để vun
đắp nền Ðạo càng ngày càng thêm đồ sộ vững bền, hầu tỏ tình đoàn kết chặc chẽ
giữa các con cái của một đại gia đình, dưới sự dìu dắt chở che của Ðức CHÍ-TÔN
Ðại Từ Phụ, đó là một điều quí báu vô giá mà Ðức CHÍ-TÔN hằng ước mong trông
thấy trong cửa Ðạo. Sự đoàn kết đó là mối dây thiêng liêng tạo nên tình thương
yêu đậm đà, một căn bản siêu nhiên trên bước đường giải khổ cho nhân loại.
Về việc xây dựng Chánh môn,
mặc dù sự phỏng định tạo tác hơi lớn lao, nhưng đối với thanh danh của Ðạo,
cuộc kiến thiết cũng phải có một giá trị xứng đáng để tượng trưng cái thể thống
của một nền tôn giáo do Ðức Thượng Ðế sáng lập.
HỘI-THÁNH tin rằng với
lòng sốt sắng hỗ trợ của toàn Ðạo với sự quyết tâm hưởng ứng của con cái Ðức
CHÍ-TÔN, công cuộc kiến thiết Chánh môn Tòa Thánh sẽ được hoàn thành mỹ mãn
trong một thời gian ngắn. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên
hòn núi cao." Ðó là câu phương ngôn đúng xác ý nghĩa trong sự tạo tác nầy.
Với những nhà hảo tâm
trong Ðạo cũng như ngoài mặt đời, để góp phần hỗ trợ cho HỘI-THÁNH, với những
Ðạo hữu công thợ trung thành với nhiệm vụ, vui lòng hiến công vào cuộc xây dựng
nầy, HỘI-THÁNH xin để lời thành thật cám ơn.
HỘI-THÁNH cũng không quên
để lời cảm tạ ông cựu tỉnh trưởng Tây Ninh đã có lòng sốt sắng đảm nhiệm lúc
ban sơ việc vận động cho có đủ tài chánh mua vật liệu. Mặc dù ông không còn
phận sự hành chánh tại Tây Ninh để thực hành theo như ý muốn, song cái hảo ý
của ông vẫn đáng khen và đáng ghi nhớ.
Trước khi dứt lời, tôi
thành tâm cầu nguyện Ðức CHÍ-TÔN ban ơn cho toàn thể Chức sắc Ðạo hữu và Chư
quí quan khách.
Nam Mô Cao-Ðài
Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
(16/06/Ất Tỵ) 1965
THƯỢNG SANH
DIỄN VĂN
CHÀO MỪNG THIẾU TƯỚNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN HÀNH PHÁP TRUNG ƯƠNG
VÀ PHÁI ÐOÀN CHÁNH PHỦ
Kính thưa Thiếu Tướng Chủ
Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương,
Kính thưa Quý Tổng Ủy Viên
- Ủy Viên và phái đoàn Chánh phủ,
Kính thưa qúi Quan khách,
Hôm nay HỘI-THÁNH Tòa
Thánh Cao-Ðài Tây Ninh được có cái hân hạnh tiếp rước Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy
Ban Hành Pháp Trung Ương và quý phái đoàn chánh phủ có lòng huệ cố ghé viếng
HỘI-THÁNH chúng tôi, làm cho chúng tôi được một vinh hạnh quá lớn lao.
Sự hiện diện của Thiếu
Tướng Chủ Tịch nơi vùng Thánh Ðịa hôm nay chứng tỏ lòng thiện cảm đặc biệt của
Thiếu Tướng đối với Ðạo giáo chúng tôi. Thật chúng tôi lấy làm thậm cảm và toàn
thể Chức sắc, Tín hữu dự cuộc tiếp rước nầy đều lộ nét hân hoan phấn chấn.
Vậy nhơn danh HỘI-THÁNH
Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện Tòa Thánh Tây Ninh, thay mặt toàn thể Chức
sắc, Tín hữu Nam Nữ và nhơn danh riêng tôi, chúng tôi xin để lời chào mừng
Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và quý Phái đoàn chánh phủ,
xin Thiếu Tướng và Quý ngài nhận nơi đây sự thành thật tri ân của tôi.
Thưa Thiếu Tướng Chủ Tịch,
Ðược biết công tâm và đức
tính thương người của Thiếu Tướng, chúng tôi để trọn niềm tin là dưới quyền
lãnh đạo quốc gia của Thiếu Tướng, các tôn giáo trong nước sẽ được càng ngày
càng thêm phát triển mạnh mẽ để thi hành sứ mạng thiêng liêng giáo dân độ thế,
cứu khổ nâng nguy.
Sự bành trướng về mặt tinh
thần nầy được thực hiện là nhờ nơi chủ trương tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn
giáo mà chánh phủ quyết theo đuổi từ khi Thiếu Tướng nắm quyền Chủ Tịch Ủy Ban Hành
Pháp Trung Ương.
Chẳng những ban cho tôn
giáo được quyền tự do hoạt động, Thiếu Tướng Chủ Tịch còn giúp cho có phương
tiện thực hành chủ nghĩa bác ái, từ bi đối với bao nhiêu khổ đau của nhơn loại.
Vì đó, chúng tôi có thể
nói rằng Thiếu Tướng Chủ Tịch là một đại ân, đại nghĩa, một cứu tinh của các
tôn giáo thuần túy trong nước nhà vậy.
Ngoài ra chúng tôi nhận
thức dưới quyền lãnh đạo của chánh phủ hiện tại, chánh sách Ðạo Ðời tương đắc
được thực hiện khắp nơi, đó là một điều quan trọng và cần thiết mà chúng tôi
ước mong sẽ tồn tại mãi mãi, vì Ðạo không Ðời, Ðạo cô thế, Ðời không Ðạo, Ðời
hão huyền. Ðời Ðạo có tương đắc sự kiến thiết quốc gia về hình thức lẫn tinh
thần mới có kết quả tốt đẹp.
Thưa Thiếu Tướng Chủ Tịch,
Sự thăm viếng của Thiếu
Tướng hôm nay đem đến cho HỘI-THÁNH chúng tôi một khích lệ lớn lao. Chúng tôi
coi đó là một kỷ niệm quý báu đáng cho chúng tôi ghi nhớ mãi.
HỘI-THÁNH chúng tôi xin
thành tâm chúc Thiếu Tướng Chủ Tịch sức khỏe dồi dào, tinh thần tráng kiện để
hoàn thành nhiêïm vụ tối cao đối với quốc gia và dân tộc, trong khi tình trạng
nước nhà đương hồi cực kỳ nghiêm trọng.
Trước khi dứt lời, chúng
tôi khẩn nguyện Ðức CHÍ-TÔN ban phước lành cho Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành
Pháp Trung Ương, Quý vị trong phái đoàn chánh phủ và toàn thể Quý quan khách.
Nay kính,
TM. HỘI-THÁNH Tòa
Thánh Tây Ninh
Thượng Sanh Cao
Hoài Sang
HUẤN TỪ
NHƠN BỮA TIỆC ỦY LẠO
CHỨC SẮC TRUNG ƯƠNG VÀ ÐỊA PHƯƠNG
tại giảng đường
ngày 22 tháng 8 năm Ất Tỵ (dl. 17/9/1965)
Kính chư Chức sắc, Chức
việc và Ðạo hữu lưỡng phái,
Lễ Tết Trung Thu và cũng
là Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm Ất Tỵ nơi Tòa Thánh đã kết thúc trong sự vui
đẹp và trong niềm cảm hứng của toàn thể chức sắc, chức việc và đạo hữu nam nữ.
Ðiều đó chứng tỏ một tinh thần đoàn kết mật thiết giữa HỘI-THÁNH và toàn thể
chức sắc, chức việc nơi trung ương cũng như ở địa phương. Nhờ đó HỘI-THÁNH đã
thành công mỹ mãn.
Hôm nay, ngày toàn thể
chức sắc, chức việc hiện diện đông đủ trong bữa tiệc thanh đạm nầy là bữa tiệc
của HỘI-THÁNH cố ý nhóm họp tất cả anh chị em trong đại gia đình chức sắc, chức
việc cũng như nhơn viên các ban bộ, trước để ủy lạo, sau để tỏ tình cảm mến đối
với những bạn Ðạo cùng chung chí hướng hầu thắt chặc dây thân ái, quyết hứa hẹn
nắm tay nhau đi tận con đường giải khổ.
Ðây là một cuộc hội hiệp
đầy thân ái, chân thành mà mỗi chức sắc đều có ý trông đợi, vì sau buổi hội,
khi chia tay, kẻ ở lại vùng Thánh Ðịa, người tản mát nơi tứ phương, mỗi vị còn
giữ lại một kỷ niệm tốt đẹp gọi là nỗi an ủi trong cuộc đời tan hiệp.
Trong dịp gặp gỡ nầy,
HỘI-THÁNH nhận thấy và thông cảm những nỗi khó khăn của nhiều vị Khâm Châu, Ðầu
Tộc từ chỗ xa xôi, diệu vợi cũng không nài cực nhọc, không quản đường sá gian
lao quyết về với Tổ đình để chiêm bái Ðức PHẬT-MẪU cho tròn câu hiếu Ðạo.
Ðó là một nghĩa cử đáng
khen. Người hành Ðạo được có chí thành vững chãi mới làm tròn sứ mạng.
Thánh Thể Ðức CHÍ-TÔN có
được những chức sắc trung thành và tận tụy như vậy nền Ðạo mới càng ngày thêm
vững bền, thanh danh Ðạo mới được nâng cao, HỘI-THÁNH mới đủ uy tín, vững lòng
dìu dắt con vái Ðức CHÍ-TÔN và thực hành nhiệm vụ.
Như chư quý bạn đã rõ,
trong mấy năm qua, HỘI-THÁNH đã trải qua nhiều cơ thử thách gay go. Cuộc ly
gián đã xâm nhập vào cửa Ðạo làm cho rối loạn mối chánh truyền, rẻ chia tình
thân ái. Nhưng quyền năng Ðức CHÍ-TÔN và Ðức PHẬT-MẪU vẫn vô biên. Cái tinh
thần của con cái hai Ðấng Chí Linh ấy dầu bị xao xuyến đôi phen song còn đủ
sáng suốt nhận định để kịp hướng về chánh nghĩa của Ðạo.
Một trận giông thoáng qua
làm cho mặt nước trường giang phải xao động, nhưng tàn cơn gió lốc mặt sông vẫn
trở về với sự phẳng lặng, yên tịnh của nó như bình thường
Cái lý trí của người tu sĩ
cũng như thế.
Người khách lữ hành biết
mình đi lạc hướng, nhìn xem chặng đường như lạ cảnh đáng ngờ thì tức khắc trở
lại con đường cũ.
Ấy vậy, biết mình lầm lạc,
tự chừa cải ăn năn, đó là điều quý báu, chứ biết lỗi mà cứ ngoan cố đi vào chỗ
sai lầm, đó là tự chiêu kỳ họa. Người đã bước vào cửa Ðạo và quyết giữ tròn
minh thệ không thể có hành động như vậy.
Ðã là người tu hành thì ai
cũng có một chí hướng thiết thực, một hoài bão cao siêu là lánh giả tìm chơn,
xả thân, diệt bản ngã để tiến tới hoàn thiện. Cái chí hướng ấy thật trong sạch,
thật thanh cao. Chúng ta nên cương quyết giữ nó cho toàn vẹn dầu ở trong hoàn
cảnh khó khăn thế nào cũng đừng thay đổi.
Gặp đặng mối Ðạo Trời như
cầm trong tay một khối ngọc còn đang ẩn đá. Phải cố tâm mài giũa, gắng công
tháng lụn năm chầy thì một ngày kia mới thấy lố hình ngọc quí. Ví bằng mới mài
được nửa chừng lại thối chí ngả lòng, vội buông mồi bắt bóng bỏ chạy theo mối
lới khác vô giá trị thì có phải là công phu lở dở, mình chịu thiệt thòi chăng?
Ví như người Ðạo sĩ mà còn
bôn chôn thế sự, say đắm mùi trần, mê theo mồi danh bả lợi, cũng lăng xăng
giành giựt, ích kỷ hại nhơn, gây ra chẳng biết bao nhiêu tội tình, thử hỏi Ðạo
sĩ ấy có xứng đáng là bậc tu hành đạo đức chăng?
Nếu là người trong hàng
Thánh Thể Ðức CHÍ-TÔN thì lại làm cho tổn thương thanh danh nền Ðại Ðạo hoen ố
lây cho cả bạn đồng thuyền.
Toàn thể chức sắc đã nhìn
thấy bao nhiêu giả dối của tuồng đời, đã thấm nhuần lời Thánh Huấn của Ðức
CHÍ-TÔN, tôi tin chắc rằng không một ai để mình bị lôi cuốn vào nơi hiểm họa
ấy.
Hôm nay trong sự hội hiệp
của chúng ta, tôi nhận thấy một tinh thần đoàn kết, nồng đượm nét vui vẻ điều
hòa. Ðiều đó chứng tỏ một giải đồng tâm đã buộc chặc con cái Ðức CHÍ-TÔN hòa
hợp trong tình thương yêu chơn thật không thể nào sứt mẻ được nữa.
Với sự đồng tâm nhất trí
để bồi đắp lại nghiệp chung, chúng ta có thể san bằng tất cả những khó khăn,
làm cho danh Ðạo được sáng rở trên khắp mặt địa cầu.
Sau ngày lễ tiếp nhận Tư
Cách Pháp Nhân Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ nơi Thánh Ðịa, nền Ðạo đã bước qua một
giai đoạn mới, một giai đoạn xây dựng và phát triển có thể chóng đem hạnh phúc
lại cho nhơn sanh và làm rạng danh cho xứ sở.
Từ bốn mươi năm nay, trải
qua bao nhiêu thăng trầm biến chuyển, chịu biết bao sự bất công và áp bức của
bạo quyền, mặc dù có lúc trực tiếp nhận lấy phần hy sinh để thể hiện sứ mạng
Ðạo cứu Ðời, Ðạo Cao-Ðài hôm nay mới chính thức nở mặt với các tôn giáo miền Âu
Á để đem giọt bác ái, từ bi chan rưới cho đồng bào chủng tộc.
Là người tận tụy với chủ
nghĩa thương đời và đã lắm nhọc nhằn vì sứ mạng thiêng liêng, chúng ta nên phấn
khởi và hân hoan đem hết khả năng phục vụ cho Ðạo để được xứng đáng với lòng
thương vô tận của Ðức CHÍ-TÔN và với sự tin cậy của HỘI-THÁNH.
Hiển nhiên là mỗi Chức sắc
phải gắng công hơn nữa, phải nhọc nhằn hơn nữa. Nhưng đã từ bỏ cảnh phồn hoa để
sống về mặt Ðạo, đã quyết chí hy sinh để cứu vớt kẻ trầm luân nơi khổ hải thì
dầu cực nhọc bao nhiêu, chúng ta dễ gì nản chí.
Sự nhọc nhằn và khổ hạnh
là những nấc thang đưa chúng ta lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống để cùng hội hiệp
với Ðức CHÍ-TÔN Ðại Từ Phụ vậy.
Nhớ đến cảnh đau buồn của
Ðạo trong những giai đoạn đen tối mấy năm qua, HỘI-THÁNH không khỏi bồi hồi cảm
xúc khi chứng nhận sự an ủi do nơi Chức sắc Khâm Châu, Ðầu Tộc, Ðầu Phận và Ðạo
hữu nơi tứ phương thành tâm đem đến. Kẻ góp của, người góp công để chứng tỏ
lòng can đảm chung chịu cảnh khó khăn sớt chia khổ nhọc với các bậc đàn anh trong
đại gia đình và giúp cho HỘI-THÁNH xoay trở trong các việc cần thiết khẩn cấp.
Cái tình thân ái đậm đà đó
đã đến mức siêu nhiên, nếu chí dũng cảm hy sinh không phải được gội nhuần trong
cửa Ðạo, nếu tâm chân thành thương yêu không phải do đức háo sanh của Ðức
CHÍ-TÔN Ðại Từ Phụ chan rưới thì trên cõi trần nầy không thể có những tấm lòng
vàng quí báu đó được.
Thưa quí bạn, rồi sau bữa
tiệc thân mật nầy, các Chức sắc địa phương Khâm Châu, Ðầu Tộc phải chuẩn bị lên
đường trở về với phận sự.
Hiệp tan không mấy chốc,
sự chung vui nơi cõi dinh hoàn nầy không mấy khi bền lâu được, duy có tình
thương yêu chơn thật là vĩnh viễn trường tồn.
Ðưa nhau bằng lời nói, đó
là phẩm cách của những bậc hiền triết ngày xưa. HỘI-THÁNH xin để lời khuyên nhủ
quí bạn nên thận trọng gìn giữ phận sự.
Nơi chốn xa xôi, quý bạn
là phương tiện của Ðạo thay mặt HỘI-THÁNH phổ hóa chơn truyền, dìu dắt nhơn
sanh trên đường đạo đức. Phải giữ phép công, phải quên mình mới thực hành đúng
đắn câu phổ độ.
Với những bạn Ðạo lỡ lầm,
sái bước lạc đường nên lấy lời lẽ êm dịu của bậc đàn anh mà thức tỉnh đưa trở
lại bước đường chơn chánh. Với những bạn yếu thế, đơn cô, phải lấy từ tâm hết
lòng giúp đỡ, người dư dã, san sớt cho kẻ thiếu thốn, ai rủi vướng nạn phải
chung nhau tận tình gở rối.
Ðối với mặt đời, dầu họ ở
giai cấp nào, dầu giàu hay nghèo, quý hay tiện cũng phải nhã nhặn khiêm từ, gặp
dịp thì nên sẵn sàng cứu khổ nâng nguy y như đối với người trong cửa Ðạo. Như
thế chúng ta mới thực hành được câu: "Tạo Ðạo nơi cảnh đời, dìu đời nơi cửa
Ðạo".
Trên đường đời đầy dẫy
những chông gai hiểm trở trong lúc thiên hạ đua nhau tôn thờ tiền tài danh vọng
để mặc tâm hồn dật dờ trong vòng tối tăm tội lỗi. Trong lúc người ta chực chờ
cấu xé nhau, giết hại nhau đề tranh giành lợi lộc, chúng ta lại may mắn được
che chở dưới bóng từ bi, được sống một đời an vui thanh đạm. Chúng ta nên coi
đó là một ân huệ tối cao của Ðức CHÍ-TÔN và Ðức PHẬT-MẪU đã ban thưởng riêng
biệt cho chúng ta.
Mỗi Chức sắc nên vui với
nhiệm vụ thiêng liêng, khép mình vào khuôn viên đạo đức, để ngoài tai những lời
quyến rũ bất lương, những giọng huyễn kèn xảo mị, coi lợi danh là miếng mồi xô
đẩy con người vào vực thẳm thì may ra mới tránh khỏi vòng lửa đỏ đang thiêu đốt
biết bao nhiêu tâm hồn sa đọa nơi cạm bẩy.
Ðức CHÍ-TÔN có dạy một bài
thi tứ tuyệt như sau:
"Nẻo chánh tìm theo mối Ðạo gìn,
Hay chi tuồng thế bước đua tranh,
Của nhiều đức ít sương trên cỏ,
Giành giựt mà chi phải lụy mình."
"Ðời đã tàn, thuyền từ sắp lìa bến tục", đó là lời của
Ðức PHẬT-MẪU.
Trong cảnh tang thương,
giữa đời gió bụi, chúng ta phải cùng nắm tay nhau, nương nhờ nhau, giúp đỡ lẫn
nhau, chúng ta mới có đủ nghị lực vượt qua những nỗi gay go hiểm trở để nhặc
tiến trên đường nhiệm vụ.
Nhơn buổi hội hiệp nầy,
tôi xin cầu nguyện Ðức CHÍ-TÔN và Ðức PHẬT-MẪU ban ơn lành cho toàn thể Chức
sắc, Chức việc và Ðạo hữu nam nữ Cửu Trùng Ðài cũng như Phước Thiện.
Riêng về chư vị Khâm Châu,
Ðầu Tộc nam nữ ở địa phương, tôi cầu chúc quý vị lên đường được thuận tiện, an
toàn và trong ngày tái ngộ năm sau, chúng ta được gặp nhau đông đủ y như buổi
tiệc hôm nay.
Nam Mô Cao Ðài
Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
CAO THƯỢNG SANH
BÀI THUYẾT VỀ ÐỨC KHỔNG PHU TỬ
Hôm nay là ngày vía của
Ðức Khổng Thánh, tôi xin nhắc sơ lược lịch sử của Ngài mà các dân tộc Á Ðông
đều nhìn nhận là Thủy tổ của Nho Giáo.
Trước hết cần giải nghĩa
hai chữ Nho Giáo. Thời xưa người học Ðạo của Thánh hiền gọi là Nho, tức là
người tìm học để biết được lẽ trời đất và người hầu dạy bảo người ta ăn ở cho
phải Ðạo luân thường.
Chữ Nho của Hán tự là bởi
chữ "Nhân" đứng kế bên chữ "Nhu" mà thành ra. Nhân là
người, Nhu là cần dùng, tức là một hạng người lúc nào cũng cần có để giúp cho
nhân quần xã hội, biết cư xử và hành động cho hợp với lẽ Trời. Chữ "Nhu" lại có nghĩa là chờ đợi,
tức là người học giỏi đợi người cần dùng đến, là đem tài trí mình ra hiến cho
quốc gia để làm cho ích nước lợi dân.
Có biết rõ cái ý nghĩa ấy
thì mới hiểu tại sao Ðức Khổng Tử cả đời cứ phải châu du thiên hạ để cầu ra
xuất chính.
Ngài là người theo Ðạo
Nho, bao nhiêu học hỏi và tư tưởng của Ngài, Ngài quyết đem ra thực hành trong
xã hội để giáo hóa nhơn sanh và sửa đời được tận thiện tận mỹ.
Cái chí hướng của Ngài
cũng là cái chí hướng chung của người Nho học từ đời Thượng cổ. Vì đó trước
thời Xuân Thu những người Nho học gọi là "SĨ".
Sĩ ở đây có nghĩa là làm quan, mà quan thời đó là làm việc nghĩa với đời.
Từ cuối thời Xuân Thu trở
đi, Ðức Khổng Tử đem phát huy cái học thuyết chính thức của Nho gia và định rõ
những điều đại khái như sau:
1/- Nói về cuộc biến hóa
của võ tru, quan hệ đến vận mạng của Nhơn loại.
2/- Nói về mối luân thường
đạo lý trong xã hội.
3/- Nói về các lễ nghi
trong việc tế tự Trời Ðất, Thánh Thần.
Những điều ấy thành ra cái
thuyết về "NHÂN SANH TRIẾT HỌC"
có ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng và hành động của toàn cả nhơn quần xã hội,
lại là những điều cốt yếu của một tôn giáo.
Cho nên từ Ðức Khổng Tử
trở đi, cái học của Nho gia được gọi là Nho Giáo và Ðức Khổng Tử được tôn là
thủy tổ của Nho Giáo.
LỊCH SỬ: Ðức Khổng Tử
người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ thuộc tỉnh Sơn Ðông bên Trung Hoa. Dòng
dõi Ngài ở nước Tống, nhưng ông Tổ ba đời của Ngài sang cư ngụ tại nước LỖ.
Thân phụ Ngài là Thúc
Lương Ngột, làm quan võ, lấy người vợ trước sanh được chín người con gái, người
vợ lẽ sanh được một trai là Mạnh Bì bị tật què chơn. Ðến lúc gần già mới lấy bà
Nhan Thị sanh ra Ngài.
Ngài sanh vào mùa Ðông,
tháng 10 năm Canh Tuất là năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Châu, tức là năm
551 trước Tây lịch kỷ nguyên. Bà Nhan Thị có cầu tự tại núi Ni Khâu, nên khi
sanh Ngài mới đặt là Khâu tự là Trọng Ni. Dã sử chép rằng trước khi sanh, bà
Nhan Thị có thấy một con kỳ lân nhả tờ Ngọc thơ có đề chữ: "Thủy Tinh chi tử, kế suy Châu vi Tố vương". Nghĩa là con
của Thủy Tinh nối Nhà Châu đã suy mà làm vua không ngôi. Bà Nhan Thị lấy dây
lụa buộc vào sừng con kỳ lân, được mấy ngày kỳ lân ấy đi mất.
Lại khi Ngài ra đời, có
hai con rồng xuống quấn chung quanh nhà và có 5 ông Lão và 5 vì sao trên trời
xuống đứng giữa sân.
Bà Nhan Thị lại nghe trên
không có âm nhạc tiếng nói rằng: "Thiên
cảm sanh Thánh Tử", nghĩa là Trời cảm lòng cầu nguyện cho sanh ra con
Thánh.
Khi Ðức Khổng Tử được ba
tuổi thì ông thân phụ mất, năm 19 tuổi Ngài thành gia thất, tuy còn trẻ tuổi,
Ngài nổi tiếng là người học giỏi nên quan nước Lỗ là Trọng Tôn Cổ cho hai con
là Hà Kỵ và Nam Cung Hoát theo Ngài học Lễ.
Ngài rất chú ý về việc lễ
nghi và những phép tắc của các Ðế vương đời trước. Lúc Ngài được 29 tuổi nhờ Lỗ
Hầu giúp cho xe ngựa và tiền lộ phí nên Ngài cùng một ít môn đệ sang qua Lạc Ấp
là kinh sư nhà Châu để khảo cứu và xem xét những chế độ nơi miếu đường và nơi
nào có việc gì quan hệ đến sự tế lễ là Ngài đến nghiên cứu cho tường tận. Ngài
lại đến hỏi Nhạc nơi Trành Hoằng hỏi Lễ Ðức Lão Tử lúc ấy đương làm quan giữ
Tàng thơ viện cho Nhà Châu.
Cuộc hội đàm giữa hai bậc Thỉ
tổ Nho Giáo và Ðạo Giáo không được tương đắc, vì lẽ Ðức Lão Tử thiên về mặt vô
vi, dùng sự thanh tịnh an nhiên, trầm tư mặc tưởng để sưu tầm một chơn lý cao
siêu thoát tục, còn Ðức Khổng Tử thì đương chen lộn trong xã hội, đem thuyết
"Hình Nhi Hạ" tức là Nhân
Nghĩa và luân thường mà phổ cập trong thiên hạ, chớ Ngài chưa chiêm nghiệm về
võ trụ, định mạng, sinh tử tức là về "Hình
Nhi Thượng Học", một vấn đề mà 20 năm sau Ngài mới đề cập đến. Lẽ dĩ
nhiên sở kiến của hai Ngài rất đối chọi nhau.
Sử ký chép rằng: Khi Ðức
Khổng Tử đem thuyết Nhơn Ðạo để hỏi thì Ðức Lão Tử đáp rằng: "Người quân
tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá và đi chân. Ta nghe người
buôn bán giỏi khéo chứa của mà không ai biết, người quân tử có đức tốt mà bề
ngoài coi như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn
đi, những cái ấy đều vô ích cho ông".
Sau khi Ðức Khổng Tử ra
về, Ngài bảo các đệ tử rằng: "Con chim có tài bay, con cá có tài lội,
giống thú chạy giỏi, ta đều có thể biết được. Ðến khi con rồng thì nó cỡi gió
lướt mây, vận chuyển một cách phi thường thì ta không biết đâu mà lường được.
Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy".
Ðức Khổng Tử ở Lạc Ấp ít
lâu rồi trở về nước Lỗ. Sự học hỏi của Ngài được mở rộng và học trò đến thọ
giáo ngày càng đông.
Tuy nhiên vua nước Lỗ chưa
dùng Ngài, Ngài lại sang nước Tề, bị quan Ðại phu là Yến Anh ngăn trở không cho
Tề hầu dùng Ngài.
Ngài trở về nước dạy học
cho đến năm 51 tuổi, vua nước Lỗ mới dùng ngài làm quan Trung Ðô Tể. Cách một
năm Ngài được thăng Ðại Tư Khấu. Ngài đặt ra luật lệ cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập
ra phép tắc lớn nhỏ phân biệt, trai gái đều có bổn phận, ngoài đường không lượm
của rơi, kẻ gian phi vắng bóng, hình pháp có đặt ra mà không dùng đến. Bốn năm
sau Ngài được thăng lên đến bậc Nhiếp Tướng Sự, nghĩa là Ngài quyền nhiếp về
việc chánh trị trong nước.
Ngài cầm quyền được bảy
ngày thì giết quan Ðại phu Thiếu Chính Mão là một người xảo trá nham hiểm thời
ấy. Ðược ba tháng thì quốc chánh rất hoàn toàn, trật tự được phân minh, cảnh
tượng nước Lỗ thật là thạnh trị.
Nước Tề là lân bang của
nước Lỗ, sợ nước Lỗ được cường thịnh nên dùng 80 mỹ nữ dâng cho vua nước Lỗ để
làm kế phản gián. Vì vậy Lỗ hầu say mê tửu sắc, bỏ việc triều chánh. Ðức Khổng
Tử can gián không được nên buồn lòng bỏ nước Lỗ mà đi.
Từ đó Ngài châu du khắp
thiên hạ, Ngài sang nước Vệ, đến nước Khuông, nước Trần, bị thất bại Ngài trở
về nước Vệ rồi qua nước Tống, nước Sở, nước Tần, nước Diệp, nước Thái.
Trên bước đường gió bụi,
Ngài bị nguy khổn nhiều phen, như lúc bị vây ở đất Khuông vì dân nhận lầm Ngài
là tên gian ác Dương Hổ, Ngài vẫn an nhiên lấy đàn ra khảy, họ biết lầm lạc nên
xin lỗi Ngài. Kế đó Ngài bị tuyệt lương ở nước Sở, bị hăm dọa nơi nước Tống,
nhưng nhờ tánh khí khái và điềm đạm của Ngài mà được vô sự.
Ngài ôm tài an bang tế
thế, mà đi đến nước nào cũng bị quan Ðại phu nước ấy ganh tỵ nên Ngài không
được đắc dụng. Thành thử Ðạo của Ngài không thi hành ra được. Lần sau cùng Ngài
trở lại nước Vệ ở được sáu năm rồi được quan Ðại phu nước Lỗ là Quý Tôn Phi cho
người sang rước Ngài về nước Lỗ. Ngài bỏ nước Lỗ đi đã 14 năm, lúc về Ngài đã
68 tuổi. Ngài thấy mình đã già yếu nên không cần ra làm quan nữa.
Ngài ở nhà dạy học trò
khảo cứu và chú giải những kinh sách đời trước như các Kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ,
Nhạc, và làm sách Xuân Thu để bày tỏ cái Ðạo của Ngài về đường chánh trị.
Ðến mùa xuân năm Canh Thân
là năm thứ 39 đời vua Kinh Vương nhà Châu có người đi săn bắt được con kỳ lân
què chân trước bên trái, ai cũng cho là điều không tốt nên đem ra thả ngoài
đồng. Ngài đi xem trông thấy quá cảm động, bưng mặt mà khóc, khi trở về Ngài
than: "Ngô Ðạo Cùng Hỷ" (Ðạo ta đã cùng rồi)
Hai năm sau, đến tháng tư
năm Nhâm Tuất đời vua Kinh Vương tức là năm 478 trước Tây lịch kỷ nguyên, một
hôm Ðức Khổng Tử dậy sớm, đi vẩn vơ trước cửa, tay kéo lê cây gậy mà hát rằng:
"Núi Thái Sơn có lẽ đổ chăng? Người triết nhân có lẽ nguy chăng? Cây lương
mộc có lẽ nát chăng?"
Thầy Tử Cống, học trò Ngài
vừa đến nghe bài hát như thế vội hỏi thăm. Ngài nói khi đêm có nằm chiêm bao
nên biết có lẽ sắp chết. Kế đó Ngài ngọa bịnh được bảy ngày thì mất, hưởng thọ
73 tuổi.
Ngài mất rồi, học trò ai
bi thương khóc, cả thảy để tâm tang ba năm. Có hơn một trăm người làm nhà gần
mộ Ngài để giữ mộ cho đến mãn tang. Riêng Thầy Tử Cống ở giữ mộ trọn 6 năm.
Ðức Khổng Tử là một bậc
chí Thánh đã đem cái Ðạo của Thánh Hiền đời trước lập thành một học thuyết, lưu
truyền về sau để làm kỷ cương cho các dân tộc Á Ðông.
Vì vậy đã hơn hai ngàn năm
qua, nay kể có hằng 500 triệu người sùng bái tôn thờ Ngài. Ðời sống của Ngài là
một đời hy sinh, chịu lắm vất vả, bình bồng chỉ vì một mục đích là làm cho đời
loạn ra trị, xã hội được quang minh, con người được thuần túy.
Chủ Nghĩa thương đời hóa
chúng của Ngài, tuy kiếp sanh không được toại, nhưng lý thuyết sách vở của Ngài
được lưu truyền cho đời sau mấy ngàn năm hưởng nhờ thì công nghiệp ấy đáng được
tôn thờ sùng bái.
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đã
thờ Ngài trong Tam Giáo. Chúng ta nên noi gương Ngài để hết tâm thực hành chủ
nghĩa Nhân ái, Vị tha. Ðược vậy nhơn sanh trong cửa Ðạo lấy làm may mắn.
Cao Thượng Sanh
LỄ KỶ NIỆM ÐĂNG TIÊN
CỦA ÐỨC HỘ PHÁP
Ngày 10 tháng 4
BÍNH NGỌ (dl. 29/5/1966)
Kính Hội Thánh Hiệp Thiên,
Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Trung Tá Tỉnh Trưởng
Tây Ninh và Quý Quan Khách,
Chư Chức Việc và Ðạo Hữu
Lưỡng Phái,
Hôm nay là ngày lễ kỷ niệm
đăng tiên của Ðức Hộ Pháp Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Tòa Thánh Tây Ninh. Trước hết
tôi để lời cám ơn toàn thể chức sắc, chức việc và Ðạo Hữu lưỡng phái đã sẳn
lòng đến dự đông đảo làm cho cuộc lễ tăng thêm phần long trọng.
Ðây là một dịp để Hội
Thánh nhắc lại công nghiệp vĩ đại của Ðức Ngài trong nền Ðại Ðạo và cũng là một
dịp để cho các cơ quan Ðạo tỏ lời cảm tưởng đối với một đấng vĩ nhân đã phí một
kiếp sanh đã dạy dỗ và dìu dắt con em trong Ðạo trên bước đường giải khổ.
Tiểu sử của Ðức Hộ Pháp và
sự hy sinh cao cả của Ðức Ngài trong lúc bình thường cũng như trong hồi tai
biến của nền Ðạo, Chúng tôi đã có dịp nói qua nhiều lần và toàn thể chức sắc,
Ðạo hữu điều rõ biết.
Những lời cảm khái của
chức sắc trong các cơ quan Ðạo vừa mới bày tỏ, chứa đầy sự thương tiếc, bộc lộ
xiết bao nỗi tri ân nồng hậu đối với một Ðấng vĩ nhân mà cuộc đời phải trải qua
biết bao sóng gió nguy nan, đòi phen thất thổ ly hương, lắm lúc ôm sầu nuốt hận
cũng vì chủ nghĩa thương đời. Sự thương tiếc và sự tri ân đó thật chánh đáng.
Những ai đã từng mang vào
mình bộ Thiên phục, đã từng được dự vào hàng chức sắc Thiên phong, được nói ra
những lời đạo đức thuần túy, ra đối với mặt Ðời được người người kính nể, thì
cũng đều nhìn nhận là đã nhờ nơi tay của Ðức Hộ Pháp đỡ nâng lập vị.
Không có Ðức Hộ Pháp thì
không có Ðạo CAO ÐÀI ra đời.
Không có Ðức Hộ Pháp thì
nơi đây vẫn còn là những đám rừng rậm sầm uất.
Ðành rằng tìm ra mối Ðạo
là do nơi ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh. Nhưng nếu không có Ðức Hộ
Pháp là người có sứ mạng đặc biệt về mặt bí pháp và có sẳn kiên tâm trì chí thì
ÐẠO CAO ÐÀI cũng không thể lập thành.
Ðấng Chí Tôn đã cho ra đời
nhà thông minh xuất chúng đó hầu sáng tạo cho đất nước Việt Nam một nền chánh
giáo để nâng cao tinh thần của giòng giống Lạc Hồng ngang hàng với các nước
trên mặt địa cầu về phương diện tín ngưỡng.
Ðiều đáng chú ý là Ðức Hộ
Pháp được Ðấng Chí Tôn ban cho một ân huệ đặc biệt chưa từng có trong các lịch
sử Ðạo Giáo trên toàn cầu. Vì từ xưa những bậc vĩ nhân tạo nên sự nghiệp đồ sộ
về tinh thần, nhưng sự nghiệp đó chỉ lưu lại cho đời sau thừa hưởng mà thôi.
Ðức Hộ Pháp lại may mắn hơn. Ðức ngài đã thành công mỹ mãn và dân tộc Việt Nam
được hưởng liền sự nghiệp của Ðức Ngài trong khi Ðức Ngài còn tại thế.
Chí hướng làm nên của Ðức
Ngài, công phu xây dựng của Ðức Ngài, toàn thể chức sắc và Ðạo hữu ghi nhớ ơn
là một điều quí nhất.
Nhưng chẳng phải tỏ sự
biết ơn bằng lời nói suông là đủ, phải biết quí mến, giữ gìn sự nghiệp của Ðức
Ngài để lại, phải góp công bồi bổ xây dựng thêm cho nó được càng ngày càng thêm
vẽ vang tốt đẹp hơn. Phải thận trọng trong cử chỉ cũng như trong việc làm và tự
mình coi Ðức Ngài như còn tại thế vậy. Vì tuy Ðức Ngài về Thiêng Liêng vị,
nhưng vẫn dùng huyền diệu, cơ bút đến hội hiệp với chúng ta, khi thì để lời
giáo hóa, khi thì an ủi vỗ về và lẽ tất nhiên là Ðức Ngài hằng dòm ngó đến sự
nghiệp của Ðức Ngài lưu lại nơi vùng Thánh địa, nơi mà Ðức ngài đã chan rưới
biết bao nhiêu giọt mồ hôi, chịu biết bao nhiêu khổ tâm mới tạo thành được như
ngày nay.
Chúng ta chẳng những phải
giữ gìn và tô điểm thêm sự nghiệp hữu hình của Ðức Ngài, chúng ta còn phải quý
trọng cái danh giá của Ðạo, vì Ðức ngài khi sanh tiền đã phải trải bước từ ÂU
sang Á, đem hết tâm trí đặng làm cho danh giá ÐẠO CAO ÐÀI được nêu cao tột bực.
Trong các nước văn minh tiên tiến, nơi nào Ðức Ngài có để chân đến thì những
bậc thượng lưu trí thức sau khi nghe ngài thuyết pháp đều để lòng sùng bái bái
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, nhiều người đã xin nhập môn, xin Ðức Ngài đến nhà khai
đàn thượng tượng và tôn trọng Ðức Ngài như một Ðấng Cứu Thế.
Ngày nay mặc dầu Ðức Ngài
đã khuất bóng nhưng cái danh giá của Ðạo Cao Ðài vẫn còn được nguyên vẹn y như
lúc Ðức Ngài còn tại thế.
Chúng ta phải chung sức
nhau mười như một, một như mười để bảo tồn cái danh giá quí báu đó và làm thế
nào cho nó được càng ngày càng thêm cao vọi, thì chúng ta mới thật là trung
thành và thật biết ơn Ðức Ngài vậy.
Nếu vì một lẽ nào, vì một
tham vọng hoặc vì tranh giành quyền lợi, người chức sắc hay tín hữu có manh tâm
làm cho nền Ðạo phải mang tai tiếng, danh giá Ðạo bị tổn thương thì chính đó là
hành động cố ý xô ngã công phu gầy dựng của Ðức Ngài. Cái tội đó Ðức Ngài và
các Ðấng Thiêng Liêng không thể dung thứ được.
Biết tôn thờ Ðức Ngài,
Biết ghi nhớ ơn của Ðức Ngài, chúng ta phải noi theo gương sáng của Ðức Ngài,
cái gương nhẫn nại và vị tha, luôn luôn quên mình, sẳn sàng hy sinh để bảo thủ
chơn truyền và giữ trọn hiếu trung đối với Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ.
Ngoài ra, chúng ta phải
biết thương nhau, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, đừng vì một lẽ nào mà chia rẽ ganh
ghét nhau hầu làm cho vui lòng Ðức Ngài là một bậc tiền bối đã phí một kiếp
sanh cho đến hơi thở cuối cùng để thực hành chủ nghĩa từ bi bác ái và để phụng
sự cho nhân sanh và cho Ðạo.
Ðược vậy thì cuộc lễ long
trọng hôm nay mới có ý nghĩa thực tế. Mong Thay! Kính Thay!
CAO THƯỢNG SANH
Thuyết về
ÐỨC QUAN THÁNH ÐẾ QUÂN
Nhân ngày Vía của
Ngài 24/6/BÍNH NGỌ (1966)
Kính chư Chức sắc Cửu
Trùng Ðài và Phước Thiện Nam Nữ,
Kính chư Chức việc và Ðạo
Hữu lưỡng phái,
Hôm nay là ngày lễ vía Ðức
Quan Thánh Ðế Quân, một đấng Thiêng liêng cầm quyền Tam Trấn oai nghiêm Ðại Ðạo
Tam Kỳ Phổ Ðộ. Tôi xin nhắc lại sơ lược Tiểu sử của Ðức ngài một bậc danh nhân
tiền bối của Trung Hoa mà chẳng những hầu hết người Trung Hoa thờ phượng mà một
phần đáng kể người Việt Nam cũng tôn thờ, chỉ vì nơi sùng bái cái tiết tháo của
Ðức Ngài và muốn noi theo gương sáng của Ðức Ngài mà cư xử cho đúng bổn phận
làm người.
Ðức Ngài họ Quan tên Vũ tự
là Vân Trường, sanh nhằm đời nhà Hớn bên Trung Hoa, lúc đời Tam Quốc phân tranh
trong thế kỷ thứ ba cách đây lối 1730 năm, lúc ấy Giao Châu tức là Việt Nam bị
lệ thuộc của Ðông Ngô.
Ðức Ngài vốn người quận Hà
Ðông, huyện Giải Lương, là một đấng anh hùng xuất chúng thời ấy cùng với Lưu
Huyền Ðức và Trương Phi kết nghĩa tại Ðào viên thề đồng sống thác, quyết tâm
khuôn phò nhà Hớn.
Ðời làm tướng của Ðức
Ngài, bộ truyện Tam Quốc Chí đã có ghi rõ.
Ðây chúng tôi chỉ nhắc sơ
lược những giai đoạn quan trọng và điều đáng quan tâm là Ðức Ngài không phải là
người tu hành, không xuất thế, không trường chay giái sát mà khi bỏ xác trần
Ðức Ngài đắc Thánh vị và sau thăng đến Phật Vị.
Chỉ vì khi còn tại thế Ðức
ngài gồm cả bốn Ðức: Trung, Cang, Nghĩa, Khí. Một lời giao kết dù cho nát thân
cũng không dời đổi. Trung thì bền lòng như sắt đá. Cang dũng thì coi sự chết
như mảnh lông hồng, trọng nghĩa như Thái sơn, khí tiết thì chói lòa Nhựt
Nguyệt. Ngài là một nhơn vật phi thường một vị Thánh nhơn tại thế vậy.
Ðời người làm tướng của
Ðức ngài uy danh lừng lẫy dù cho kẻ thù nghịch của Ðức ngài cũng phải kiêng nể
kính phục.
Khi Ðức Ngài thất thủ
thành Hạ Bì vì binh cô tướng quả, bị Tào Tháo vây tại hòn Thổ Sơn thì có tướng
Tào là Trương Liêu đến dụ hàng.
Ðức ngài thế cùng lực tận,
muốn bảo hộ nhị tẩu được vẹn toàn nên vạn bất đắc dĩ Ðức Ngài phải chịu đầu Tào
nhưng với ba điều giao ước. Một là Ðức Ngài chỉ qui hàng Hớn Ðế chớ không qui
hàng Tào Công, hai là chỗ của nhị tẩu ở cấm bất kỳ quan chức nào cũng không cho
đến cửa, ba là khi nghe tin Lưu Huyền Ðức ở nơi nào thì dù xa ngàn dặm, Ðức Ngài
cũng từ giả ra đi.
Khi Trương Liêu về tâu lại
với Tào Tháo thì Tháo nói rằng: Ðiều thứ nhứt thì ta chịu vì ta là thừa tướng
nhà Hớn thì nhà Hớn tức là ta chứ ai, điều thứ nhì cũng được vì cấm người tới
cửa hai vị phu nhân là việc lễ nghĩa chẳng khó chi. Duy có điều thứ ba là không
thể nhận, vì nếu Vân Trường được tin Lưu Bị ở đâu thì tức tốc ra đi, như vậy ta
nuôi Vân Trường có ích gì?
Trương Liêu thưa rằng: Lưu
Huyền Ðức mà đãi Vân Trường chẳng qua là đầy ân hậu mà thôi.
Nay Thừa tướng lại ra ơn
cho hậu hơn Huyền Ðức để mua lòng thì có lo gì Vân Trường không phục.
Tào Tháo bèn khứng chịu ba
điều giao ước, khi rút binh về Hứa Xương Ðức Quan Thánh thỉnh nhị tẩu lên xe,
bổn thân hộ tùng xe ấy mà đi.
Dọc đàng khi tạm nghỉ nơi
quán dịch, Tào Tháo cố ý làm cho loạn lễ quân thần, để cho Ðức Ngài ở chung với
nhị tẩu. Ðêm ấy Ðức Ngài cầm đuốc đứng ngoài cửa từ đầu hôm cho tới sáng, làm
cho Tào Tháo càng thêm kính phục hơn nữa.
Về giai đoạn này, Vua Tự
Ðức có hai câu thi như sau:
"Ðuốc ngọc canh thâu trời một góc,
Vườn Ðào nguyện cũ ruột trăm chìu."
Về tới Hứa Xương, Tào Tháo
tâu xin với Thánh Ðế phong cho Ngài chức Thiên Tướng quân và lấy vàng đúc ấn
Hớn Thọ Ðinh Hầu mà ban cho Ðức Ngài.
Kể từ ngày ấy, Tào Tháo
thết đãi Ðức Ngài rất trọng hậu, ba ngày thì đãi tiệc nhỏ, năm ngày thì đãi
tiệc lớn lại ban cho gấm nhiễu vàng bạc vô số kể. Ngoài ra còn lựa những mỹ nữ
tuyệt sắc đưa đến để hầu hạ Ðức Ngài.
Ðức Ngài liền đưa hết
những mỹ nữ ấy vào nhà trong để phục sự cho nhị tẩu.
Tào Tháo nhơn thấy Ðức
Ngài mặc áo chiến bào cũ quá bèn lấy gấm tốt may một cái chiến bào mới ban cho
Ðức Ngài, Ðức Ngài lãnh lấy đem về mặc vào trong rồi cũng cứ mặc cái áo cũ ra
ngoài. Tào Tháo thấy hỏi sao hỏi Ðức Ngài hà tiện như vậy, Ðức Ngài đáp: Không
phải là tôi hà tiện, nhưng cái áo cũ này là của Lưu Hoàng Thúc ban cho, tôi mặc
nó ra ngoài như là thấy anh tôi vậy. Tôi không dám trọng áo mới của Thừa Tướng
mà quên cái cũ.
Tào Tháo tuy ngoài miệng
khen Ðức Ngài nhưng trong lòng không vui.
Ngày kia nhơn mời ngài đi
phó yến, Tào Tháo thấy ngựa cũa Ðức Ngài quá ốm, bèn khiến kẻ tùy tùng dắt đến
một con ngựa sắc đỏ như than lửa, vóc cao sức lực mạnh mẽ, rồi sai thắng đủ yên
lạc mà ban cho Ðức Ngài, Ðức Ngài nhìn ngựa rồi lật đật quì xuống lạy tạ.
Tào Tháo sững sốt nói
rằng: "Tôi đã nhiều phen cho ông gái
tốt, vàng bạc, gấm lụa, mà Ông chưa từng lạy tạ, nay sá chi một con ngựa mà ông
phải lạy tạ?" Ðức Quan Thánh nói rằng: "Tôi biết ngựa này là ngựa xích thố của Lữ Phụng Tiên, một ngày đi
ngàn dặm. Nay được nó rồi, nếu tôi biết anh tôi ở đâu thì nội trong một ngày
tôi sẽ thấy mặt anh tôi được."
Tào Tháo nghe nói lấy làm
hối tiếc vì sự cho.
Bửa sau Trương Liêu đến ra
mắt Ðức Ngài và nói rằng: "Tôi tiến cử anh cho Thừa Tướng thì người vẫn
kính trọng mà đãi anh rất hậu, dù cho Lưu Huyền Ðức đãi anh cách nào cũng không
hơn thừa tướng, sao anh cứ mong lòng ra đi hoài, tức là không biệt phân khinh
trọng đó."
Ðức ngài liền đáp: "Thừa Tướng thiệt đãi tôi rất trọng hậu
nhưng tôi và Lưu Hoàng Thúc thề đồng sống thác, không lẽ nay lại phụ nhau. Tôi
quyết không ở đây, nhưng tôi phải lập công để đền ơn cho thừa tướng rồi mới
đi."
Tào Tháo nghe được than
rằng: "Thờ chúa chẳng quên căn bổn,
ấy thiệt là người nghĩa sĩ trong thiên hạ."
Từ đó Tào Tháo chí công
mua lòng Ðức Ngài Quan Thánh hơn nữa: Như may đai gấm để bọc râu cho Ðức Ngài,
khi hội yến thì nhường cho Ðức Ngài ngồi trên như bậc thượng khách, khi Ðức
Ngài lên ngựa thì thưởng vàng, xuống ngựa lại thưởng bạc, cố ý làm cho Ðức Ngài
cảm động hầu lưu Ðức Ngài ở luôn với mình.
Theo thế thường thì giàu đổi
bạn sang đổi vợ, con người khi gặp nơi đắc dụng được kẻ biết trọng đãi kính nể
mình, ban cho vàng bạc đủ đầy gái tốt hầu hạ sớm khuya, yến tiệc linh đình,
tước cao lộc quí thì cho anh em ruột cũng quên được, vợ mình tấm mẳn cũng dứt
tình, chúa cũ cũng không màng huống chi là kết nghĩa giao bằng hữu.
Nhưng mà đối với Ðức Ngài
thì Ðức Ngài coi vàng bạc như củi mục, thị sắc đẹp như cây khô, tước lộc cũng
không màng, một tấm lòng son thủy chung như nhứt.
Sau khi Ðức Ngài giải vây
thành Bạch Mã giết hai tướng Nhan Lương, Văn Xủ để trả ơn cho Tào Tháo, Ðức
Ngài được hay tin Lưu Huyền Ðức đang ở Hà Bắc, Ðức Ngài lật đật đến từ giả Tào
Tháo đặng lên đường. Tháo biết trước nên lánh mặt, Ðức ngài tự đến dinh ba lần
đều không gặp. Ðức Ngài biết ý Tào không muốn cho Ðức Ngài đi, nhưng Ðức Ngài
đã nhứt quyết nên viết thư từ giả sai người dâng đến phủ thừa tướng. Rồi đó Ðức
Ngài gom góp những vàng bạc, gấm lụa của Tào Tháo ban cho Ðức Ngài từ thử phong
niêm kỷ lưỡng để lại, 12 mỹ nữ cũng để ở lại, đoạn Ðức Ngài treo Ấn Hớn Thọ
Ðình Hầu trên trính nhà, thỉnh nhị tẩu lên xe, Ðức Ngài chỉ cởi ngựa xích thố,
cầm Thanh Long Ðao, đốc xuất quân tùy tùng cũ ngày trước đẩy xe ra khỏi thành.
Dọc đường qua năm ải Ðức
Ngài buộc lòng phải giết hết sáu tướng của Tào, vì cản trở không cho Ðức Ngài
qua ải.
Ðến sau ba anh em Lưu,
Quan, Trương đắc địa, chiếm cứ Du Giang khẩu hiệp binh với Ðông Ngô, làm cho
Tào Tháo đại bại nơi sông Xích Bích.
Ðức Ngài được lịnh của
quân sư Gia Cát ngăn đường Huê Dung để bắt Tào Tháo.
Mặc dầu Ðức Ngài có lập
đoan văn với quân sư Gia Cát, hể tha Tào Tháo thì phải chịu tử hình chiếu theo
quân lịnh. Nhưng khi Tào Tháo bại binh chạy qua Huê Dung Ðạo, Ðức ngài thấy
binh mã của Tào xơ xác, người thiếu lương, ngựa thiếu cỏ, Tào Tháo thì áo giáp
mất hết, xuống ngựa quì lạy cầu xin Ðức Ngài nhớ ơn ngày trước mà phóng thích.
Tánh Ðức Ngài trọng nghĩa
như Thái Sơn, nay thấy kẻ yếu thế đã hạ mình, phần Tào Tháo thiết tha khẩn cầu,
phần binh tướng Tào Tháo khép nép rơi lụy nên Ðức Ngài động lòng cảm niệm quay
ngựa ra lịnh cho binh mã của mình dang ra để cho Tào Tháo và binh tướng đều
chạy qua khỏi, không giết người dưới ngựa, mặc dù có lập sanh tử trạng, thà cam
chịu chết để trả xong ơn nghĩa, từ cổ chí kim không có người thứ hai như vậy.
Khi trở về phục lịnh, Ðức
Ngài trói mình nạp cho quân sư Gia Cát, nhưng nhờ Lưu Huyền Ðức xin tha thứ cho
Ðức Ngài để lập công chuộc tội.
Ðến sau Ðức Ngài lầm gian
kế của Lử Mông thất thủ kinh châu bị binh Ngô bắt được, Ðức Ngài tận trung với
Hớn thất nên cam chịu chết chứ không chịu đầu.
Khi Ðức Ngài qui vị, cái
khí phách còn nhiễm mối thù nên anh hồn hiển Thánh trên núi Ngọc Tuyền là nơi
có một vi chơn sư pháp danh Phổ Tịnh đương tu luyện.
Một đêm kia bóng trăng
sáng tỏ, sư Phổ Tịnh đang ngồi trước cửa am xãy nghe trên không có tiếng kêu
"Trả đầu cho ta". Sư Phổ
Tịnh ngước lên xem thì thấy trên không trung một vị tướng quân cởi ngựa xích
thố, tay cầm thanh long đao, hai bên có hai vị theo hầu. Ba người sa lần xuống
núi. Phổ Tịnh nhìn biết là Quan Hầu, bèn lấy cây phất chủ gõ trên mặt cửa mà
gọi tên Ðức Ngài. Hồn Ðức Quan Thánh nghĩ biết, liền xuống ngựa nghiêng mình
nơi trước am mà hỏi rằng: "Pháp danh
thầy là chi?" Sư Phổ Tịnh đáp: "Tôi
pháp danh là Phổ Tịnh, có gặp nhau tại chùa Trấn Quốc khi ngài quá ngủ quan, có
lẽ ngài còn nhớ?".
Ðức Quan Thánh đáp: "Ngày trước nhờ ơn cứu nhau, nay tôi đã
bị hại xin thầy chỉ điểm mê đồ tôi với." Sư Phổ Tịnh liền nói: "Trước quấy nay phải, tiền căn hậu quả
một mãy không sai. Nay Quan Hầu bị Lữ Mông Gia hại, lại kêu mà bảo trả đầu. Vậy
chớ những đầu của Nhan Lương, Văn Xủ và sáu tướng nơi năm cửa ải xưa kia thì
biết đòi ai?"
Ðức Quan Thánh nghe nói
liền tỉnh ngộ, cúi lạỵ chịu phép qui y mà thăng.
Ðến sau Ðức Ngài thường
hiển Thánh nơi Ngọc Tuyền Sơn mà bảo hộ nhơn dân. Người trong làng cảm đức lập
miếu trên núi mà thờ Ðức Ngài, bốn mùa hương khói không dứt.
Trong thời ấy có người làm
bài thơ tặng Ðức Quan Thánh như vầy:
"Tuy bậc tầm thường chốn Giải lương,
Người sau đều lạy Hớn Vân Trường.
Ðào viên một thuở vầy huynh đệ,
Tự hậu ngàn thu gọi đế vương.
Khí tợ phong lôi cao vòi vọi,
Lòng như
nhựt nguyệt sạch chan chan.
Nếu nay miễu võ đầy thiên hạm
Thanh sử danh nêu đã rõ ràng."
Và đây là đôi liễn của
phần đông người Trung Hoa thờ Ðức Ngài Quan Thánh Ðế Quân:
"Chí tại XUÂN THU công tại HỚN
Trung đồng nhựt nguyệt nghĩa đồng thiên"
Cụ thủ khoa Nghĩa có bài
thơ tặng cái tiết tháo của Ðức Ngài như sau:
"Hạ bì ngày nọ chẳng màng nào,
Gương sáng chi lầm chước túng theo.
Chung rượu anh em keo gắn chặt,
Tâm son tôi chúa đuốc chong cao.
Theo rồng dốc nhóm may trời Hán,
Xuống ngựa đâu tham bạc đất Tào.
Hai mối cương thường gom đặng cả,
Ngàn năm thơm để miệng người rao."
Là người tu hành, chuộng
cái hay, chê cái dở, hằng dọn mình cho được thanh khiết hầu lập nên thiên vị,
chúng ta lại chẳng bắt chước lập nên một vài đức tốt của Ðức Quan Thánh để cho
ra mặt phi thường trong cửa Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ hay sao?
Tôi mong ước toàn thể chức
sắc đều lưu ý.
Nay Kính
CAO THƯỢNG SANH
HUẤN DỤ
của ÐỨC THƯỢNG SANH
NHƠN DỊP LỄ ÂN PHONG PHẨM VỊ HIỀN TÀI
TẠI ÐỀN THÁNH NGÀY16/8/BÍNH NGỌ (DL. 30/9/1966)
Kính Chức Sắc Hiệp Thiên,
Cửu Trùng và Phước Thiện Lưỡng phái,
Kính Chư quý vị Hiền Tài
tân phong Nam Nữ,
Hôm nay HỘI THÁNH cử hành
lễ ân phong chư quý vị Hiền Tài trong Ban Thế Ðạo, lẽ tất nhiên Chư Quí Vị tấn
phong được mãn nguyện mà Hội Thánh HTÐ cũng vui lòng vì đã có dịp giúp cho bao
nhiêu Ðạo Hữu và Ðạo Muội bước lên một địa vị trong nền Ðại Ðạo xứng với tài
đức của mỗi người.
Mặc dầu ban cho phẩm vị
nầy là do nơi quyết định của Hội Thánh HTÐ nhưng lập nên ngôi vị cho người tài
đức là do nơi lượng từ bi của Ðức Hộ Pháp, một đấng cao minh đã từng đem chủ
nghĩa vị tha làm căn bản cho đời sống tinh thần của Người.
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có
tôn chỉ tế độ toàn thể chúng sanh Hội Thánh phải mở rộng trường công quả tiếp
đón các bậc nhơn tài còn ở mặt thế với nhã ý:
1/. Tạo nên dịp tốt cho họ
nhập vào cửa Ðạo để được lần hồi thấm nhuần mùi Ðạo hầu sau này có thể trở nên
chức sắc Thiên Phong ưu tú.
2/.Giúp cho họ có thể thi
thố biệt tài để phụng sự Ðạo trong giới hạn địa vị hoặc tư cách của mỗi người.
Thưa chư quí vị,
Mặc dù còn vướng trong
vòng nhân sự, chư quí vị đã có sẳn cái tinh thần hướng về Ðạo Ðức. Vì vậy cái
may duyên được bước lên phẩm vị Hiền Tài không phải nhờ nơi Hội Thánh HTÐ mà
chính là do nơi nguyện vọng của quí vị, cái nguyện vọng chánh đáng đó Hội Thánh
có phận sự làm cho nó được thành đạt.
Giờ này chư quí vị đã
nghiễm nhiên là chức sắc Ban Thế Ðạo Tòa Thánh Tây Ninh, lẽ dĩ nhiên là quí vị
đã có ít nhiều nhiệm vụ đối với Ðạo.
Nhiệm vụ đó không phải bắt
buộc, nhưng một khi quý vị đã mang nơi mình một phẩm vị đặc biệt, tiêu biểu cho
cái chân giá trị của mình thì lẽ nào không đem tài đức để phục vụ cho lẽ phải
theo chí hướng đã có sẳn.
Phẩm Hiền Tài tuy là phẩm
sơ khởi trong cấp bậc Ban Thế Ðạo, nhưng nếu hiểu theo ý nghĩa của danh từ thì
nó có một tầm quan trọng chẳng phải tầm thường.
Một đấng hiền tài tức là
một nhơn vật xuất chúng ít ai sánh được, phải là người vừa Hiền đức vừa có chân
tài.
Cái giá trị của người Hiền
Tài lại thiên về đức tính nhiều hơn là về chân tài.
Cái giá trị đó, Ðức khổng
tử có đề cao trong lời khen thầy Nhan hồi như sau:
"Hiền tài Hồi giả,
nhứt đan tự, nhứt biểu ẩm, tai lâu hạng, nhân bất khan kỳ ưu, hồi giả bất cải
kỳ lạc, Hiền tài hồi giả" Nghĩa là "Hiền thay gã Hồi, một giỏ cơm,
một bầu nước, ở nơi ngõ hẹp, nghèo như thế mà không sắc lo, vẫn vui vẽ như
thường, gã Hồi hiền vậy thay. Vì vậy cái Ðức quý hơn cái tài".
Nếu chỉ là người tài mà
thôi, thì ngoài xã hội không thiếu gì. Có tài mà thiếu Ðức thì cái tài không
dùng được.
Trong giới thượng lưu trí
thức có nhiều người học rộng tài cao chiếm những địa vị quan trọng ngoài mặt
đời, nhưng vì thiếu đức tính nên không làm được gì hữu ích cho xã hội. Trái
lại, cái địa vị của họ chỉ gây nên tai họa cho họ mà thôi. Như vậy cũng chưa
phải Hiền Tài.
Những bậc hiền thời xưa là
những người tài kinh bang tế thế và có một tiết tháo đáng kính. Phần nhiều là
những trang chán đời, có chí ẩn dật, nhưng nếu gặp vận hội được ra gánh vác
việc đời thì làm nên sự việc phi thường, đổi loạn ra trị, đổi nguy thành an,
như Trương Tử Phòng đời Hớn, Kiển Thúc, Phạm Lãi đời Xuân Thu, Ðịch Nhơn Kiệt
đời Ðường, Châu Công Ðáng đời Châu, Triệu Phổ đời Tống...vv..vv. Ngoài ra còn
có Trước Lâm Thất Hiền và 72 môn đệ giỏi nhứt của Ðức Khổng Tử gọi là Thất Thập
Nhị Hiền như Thầy Tử Lộ, Tử Cống Nhan Hồi, Tăng Sâm, Nhiểm Hữu, Trọng
Cung....v.v.
Nước Việt Nam cũng có
những bậc hiền như quý ông Ðồ Chiểu, Phan Văn Trị, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ,
Ðào Duy Từ...v.v... Nhắc ra đây chẳng phải để so sánh mà chỉ để cho chư quý vị
noi theo gương người xưa hầu giữ gìn thể thống, giồi trau tâm đức đặng giúp đời
và nâng đạo.
Trong thời kỳ cuối hạ
ngươn này, thiên hạ bị lôi cuốn vào làn sóng văn minh vật chất, luân lý cổ
truyền của Á Ðông đã bị luân lạc đến tám chín phần mười thì chẳng dễ gì đi
ngược với trào lưu đặng xây dựng một sự nghiệp tinh thần đáng kể.
Tuy nhiên trong xã hội
cũng còn rất nhiều phần tử tài hoa thoát khỏi mức thường tình, yêu chuộng công
lý và nghĩa nhân, lánh xa vòng trụy lạc. Những phần tử đó, nếu gặp người dẫn
bước theo về chánh đạo họ sẽ hấp thụ giáo lý cao siêu và sẽ trở nên những trang
ưu tú cũa xã hội hữu dụng cho đời và cho Ðạo.
Chư quý vị chính là những
sứ giả đưa đường cho những nhân vật đó.
Ðã thọ phẩm vị của Ðạo,
nhưng chư quý vị còn vướng bận vai tuồng thế sự là vai tuồng mà mỗi người đều
phải đãm nhiệm để làm tròn nhơn Ðạo, thì phương pháp hay nhất là quí vị nên lấy
tinh thần Ðạo Ðức để xử kỷ tiếp nhân và dựa vào tinh thần đó mà làm cho êm dịu
phần nào cái khổ nhọc của kiếp nhân sanh, đồng thời cũng dụng cái biệt tài hoặc
chí kinh doanh của mình mà lập chút công chi đối với Ðạo.
Nếu vì thời thế, vì hoàn
cảnh không thể tạo nên thành quả tốt đẹp như ý muốn, chư quý vị cũng giữ được
cái tiết tháo của bậc hiền nhơn để soi gương cho đàn hậu tấn.
Trên đường đời gió bụi,
con người phải phấn đấu gay go để làm xong nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội.
Ðó là một nhiệm vụ nặng nề không phải ai cũng đãm đương được toàn vẹn.
Có người được thời may, có
kẻ gặp vận rủi và bởi nơi số kiếp nên biết bao nhiêu khách trần phải ngậm đắng
nuốt cay, gian truân vất vã vì gánh nợ đời. Nhưng có lướt qua những nỗi khó
khăn, có trải qua bước đường đau khổ, chịu trong cảnh thiên ma bách chiết người
ta mới tự biết được sức mình và khi được thành công, cái giá trị con người trên
thế gian mới thật cao quý. Trong một bài thi của Ðức Thanh Sơn tức là Ðức Trạng
Trình giáng dạy có hai câu:
"Trường đời đem thử gan anh tuấn,
Cửa Ðạo mới ra mặt Thánh Hiền."
Chư quý vị là người biết
Ðạo, nên tưởng niệm hai câu thi đó hầu dùng làm phương châm xử trí của những
trường hợp khắt khe thì chắc chắn quí vị sẽ giữ vững tinh thần để đối phó và
lướt qua mọi cuộc thử thách.
Hôm nay nhơn dịp cử hành
lễ ân phong phẩm vị Hiền Tài, tôi nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài xin để lời
mừng cho chư quí vị tân phong và cầu nguyện Ðức Chí Tôn ban ân lành cho toàn
thể quí vị. Riêng tôi, tôi xin cầu chúc quý vị được mọi sự may mắn trên bước
đường đời cũng như trên đường Ðạo.
Nam Mô Cao Ðài
Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
NAY KÍNH
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP
THIÊN ÐÀI


Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét