Pháp Chánh Truyền - Tòa Thánh Tây Ninh (Phần 1)

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Tòa Thánh Tây Ninh

Pháp Chánh Truyền
Hiến Pháp Đại Đạo
Chương I
A- Định nghĩa:
PHÁP CHÁNH TRUYỀN là HIẾN PHÁP ĐẠI-ĐẠO:
  (Trích: Chánh Trị Đạo của Ngài Khai Pháp)
            Trước hãy định nghĩa Hiến Pháp là gì ?
           - Theo nghĩa thông thường: Hiến Pháp là một bản văn kiện ghi chép những Luật lệ căn bản qui định sự tổ chức quyền chánh trị trong một nước và bảo vệ các công quyền của toàn thể công dân.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN của Ðạo là một bản văn kiện do Huyền diệu Cơ Bút của Ðức CHÍ TÔN truyền dạy, qui định sự tổ chức của nền Ðại Ðạo, sắc phục của chư Thiên Phong: đẳng cấp, quyền hạn của chư Chức sắc cầm quyền chánh trị, hầu giữ vững chơn truyền của nền chánh giáo, không cho có sự xâm phạm, giữ gìn cho cơ Ðạo khỏi qui phàm
Về lại nhà                                  [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13]

B- Hiến Pháp có hai lọai:

1-Bất thành văn Hiến Pháp: Ngày trước không có Hiến Pháp, chỉ có các điều lệ do phong tục, tập quán, vì thời gian mà biến thành. Bởi nguyên căn của nguồn gốc do sự biến thiên của tập tục và không văn kiện làm bằng chứng cho nên thường bị xâm phạm. Vì thế về sau, muốn cho nó được tôn trọng, cần phải biên chép thành Hiến Chương gọi là Hiến Pháp.
2- Thành văn Hiến Pháp:  Là thứ Hiến Pháp lấy từ chương làm căn bản, được thông dụng trong các nước, vì nó ấn định một cách minh bạch quyền hạn của chánh phủ, công nhận và bảo đảm các quyền tự do chánh trị cùng tự do dân sự của nhân dân.
Hiến Pháp thành văn lập thành do nhiều cách:
-         Do Vua ban.
-         Do sự cam kết giữa Vua và dân.
-         Do Quốc Hội Lập Hiến làm ra.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN thuộc về loại Hiến Pháp thành văn và lập thành theo cách thứ nhứt, song có điều khác nhau với Ðời là Hiến Pháp do Vua ban hành; còn Pháp Chánh Truyền do Ðấng CHÍ TÔN dụng quyền năng Thiêng Liêng của Huyền diệu CƠ BÚT mà truyền thế”.

C- SO SÁNH CÁC TÁNH CHẤT CỦA HIẾN PHÁP
1- Hiến Pháp khác với Pháp luật thường:
Thường, trong một nước sau khi lập quốc, lập tức Chánh Phủ triệu tập một Quốc Hội Lập Hiến, để lập Hiến Pháp, do theo dân nguyện. Xong rồi, Quốc Hội Lập Hiến giải tán, để triệu tập Quốc Hội Lập Pháp, chỉ có quyền hạn lập thành các Pháp Luật thường để thi hành Hiến Pháp thôi.
            Trong nền Ðạo, có ba Nghị-Hội hiệp lại làm cơ quan cho quyền Vạn Linh, ba Hội ấy, quyền hạn tương đồng như Nghị Hội Lập Pháp, chỉ lập Pháp Luật thường do nguyện ước của Nhơn sanh, đặng thi hành chơn truyền chánh giáo là Pháp Chánh Truyền.
2- Cang tánh Hiến Pháp và nhu tánh Hiến Pháp:
- Khi Nghị Hội Lập Pháp không có quyền sửa đổi Hiến Pháp thì Hiến Pháp ấy gọi là cang tánh Hiến Pháp (Constitution rigide).
-Trái lại, khi Nghị Hội Lập Pháp sửa đổi Hiến Pháp đặng, như các pháp luật thường thì Hiến Pháp ấy gọi là nhu tánh Hiến Pháp (Constitution souple).
             PHÁP CHÁNH TRUYỀN thuộc về loại cang tánh Hiến Pháp, bởi nó bất di bất dịch, bất khả xâm phạm và Ba Hội Lập quyền Vạn Linh không có quyền sửa cải.
            3- Hiến Pháp đại yếu và Hiến Pháp chi tiết:
- Những bản Hiến Pháp nào nói tỉ mỉ về sự tổ chức các cơ quan, các ty, các sở, như Hành Chánh, Tư Pháp ....gọi là Hiến Pháp chi tiết. Thứ Hiến Pháp nầy rất bất tiện, vì phải sửa đổi luôn, mà sửa đổi Hiến Pháp là một điều phiền-phức.
- Còn Hiến Pháp đại yếu, chỉ nói những điều thật bao quát. Các điều lệ chi tiết để cho Nghị Hội Lập Pháp tùy nghi ấn định cho hợp thời. PHÁP CHÁNH TRUYỀN thuộc loại Hiến Pháp đại yếu.
Kết luận

PHÁP CHÁNH TRUYỀN  là Pháp Luật chơn chánh được Đức Chí Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế giáng cơ truyền dạy để làm căn bản Lập GIÁO, tổ chức và điều hành nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN được xem là HIẾN PHÁP của Đại Đạo do Đấng Chí Tôn dụng quyền năng Thiêng Liêng qua HUYỀN DIỆU CƠ BÚT mà truyền thế, nên có tính cách cố định, bất di bất dịch, truyền đến Thất ức niên.


Ngay sau Ðại Lễ Khai Ðạo Rằm tháng 10 năm Bính Dần  (Vendredi, le 19-11-1926) Ðức Chí Tôn dạy rằng: 
“Ðêm nay các con phải thành tâm cầu nguyện đặng ngày mai Thầy lập PHÁP CHÁNH TRUYỀN nghe à.!”
            *Sau Ðại lễ Khai Ðạo ngày 15-10-Bính Dần tại Thánh Thất tạm đặt tại Từ Lâm Tự Gò Kén- Tây Ninh, Ðức Chí Tôn liền lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Ðài Nam phái vào ngày 16-10-Bính Dần (dl: 20-11-1926).
  *Đức Lý Thái  Bạch, Nhứt Trấn Oai  Nghiêm  kiêm
Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài NỮ PHÁI vào ngày 11-01-Đinh-Mão (dl: Thứ bảy, 12-02-1927) đồng thời Đức Giáo Tông ban sắc phục cho Nữ phái.
*Đức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền HIỆP THIÊN ĐÀI vào ngày 12-01-Đinh Mão (dl: Chúa Nhựt: 13-02-1927).
Thế là trọn vẹn, tạo thành HIẾN PHÁP: có tổ chức để điều hành toàn bộ Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Phần thực hiện
1- Pháp Chánh Truyền Chú Giải:
Pháp Chánh Truyền là văn bản tổng quát tổ chức nền Ðạo Cao Ðài: đó là Hiến Pháp của Ðạo, cho nên Ðức Lý Thái Bạch- Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông ÐẠI-ÐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ, truyền lịnh cho Ðức Hộ Pháp Chú giải tỉ-mỉ từng chi tiết để cho Chức sắc hai Ðài: Hiệp Thiên và Cửu Trùng dễ thi hành, có Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ hiệu đính, gọi là Pháp Chánh Truyền Chú Giải, tạo thành Hiến Pháp bất di bất dịch của Đạo Cao Ðài.
            Ðức Lý Giáo Tông nói rõ trong Ðạo Nghị Ðịnh thứ 6, ngày 3-10-Canh Ngọ (1930) như sau:
          Nghị Ðịnh: "Hai vị Thiên phong Giáo Tông và Hộ Pháp phải điều đình Hiến Pháp, sửa trị Ðài mình cho hiệp Pháp-Chánh-Truyền, nên đồng ký tờ nầy mà ước hẹn."
2- Tính cách quan trọng
    của PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU-TRÙNG-ĐÀI:
Cửu Trùng Đài là cơ-quan rất quan-trọng của Ðạo Cao Đài vì Cửu-Trùng-Ðài tượng trưng thể xác của Ðạo. Nếu không có thể xác là hình ảnh của Cửu-Trùng-Ðài thì không phổ thông được Chơn Đạo của Thầy; tất nhiên những Tôn chỉ qúi hóa của nền Đại-Đạo không thể hiện  được nơi cõi trần nầy,  là không thi hành được Bí pháp.
Theo lời thông báo mở Đạo của Đức Quyền Giáo Tông:  Ông ERNEST OUTREY trả lời rằng:
*Tôn-chỉ của Cao-Ðài-Giáo là mưu cuộc HOÀ BÌNH THẾ GIỚI cho các dân tộc. Nếu quả thật như vậy, thì ai là người biết điều mà còn dám đứng lên phản đối một cái lý thuyết tối cao như thế !”.
Thật ra không chỉ bấy nhiêu, mà còn  rất  nhiều  điều:
*Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là thờ Trời và các Đấng Thần- Thánh- Tiên- Phật hầu cầu xin cứu rỗi cho các chơn linh quá vãng được siêu thăng và cầu nguyện cho nhơn loại được thái bình”.
*Tôn-chỉ của Đại-Đạo ngày nay là gồm cả ba nhà Đạo chánh là Nho –Thích - Đạo. Chuyển cả ba Đạo ấy mà hiệp lại làm MỘT, nên chi chúng ta tu theo Đại Đạo thì phải noi theo Tôn-chỉ của Tam Giáo. TU mà gồm được cả ba thì là gần Thần,Thánh,Tiên, Phật. Phải năng thực hành:
 - Giữ  Tam Cang Ngũ thường  (Nho-giáo)
- Vẹn gìn Tam qui Ngũ giới     (Phật-giáo)
- Luyện Tam bửu Ngũ hành     (Tiên-giáo)
            *Tôn chỉ của Đạo Cao-Đài là “Qui Nguyên Tam Giáo Phục Nhứt Ngũ Chi” nên hình thức biểu hiện rõ rệt:   
Tín-ngưỡng  thì thờ TRỜI và thờ NGƯỜI.
- Về Luật-pháp là thực thi BÁC-ÁI và CÔNG-BÌNH.
  -Mục-đích là đưa nhân-loại tấn-hoá trên con đường CHÂN-THIỆN-MỸ. Chung qui dầu ở nơi Tôn-giáo nào cũng lấy TÂM làm gốc: Các Tôn-giáo đã  dạy  đời  những gì, đó chính là Tôn-chỉ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ.  
            Tôn-chỉ của Ðạo là truyền bá cho nhơn sanh khỏi lầm đường lạc lối và cũng phải có đại hùng đại lực mới gánh vác nỗi trách-nhiệm lớn lao của Ðại-Ðạo ngày nay.       
    3- Pháp Chánh Truyền HIỆP THIÊN ĐÀI:
Khi Chí-Tôn đến Lập Pháp-Chánh-Truyền giao cho Hiệp-Thiên-Đài gìn-giữ trong đó có diệu-pháp của Chí Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế-gian này. Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng hợp lại cho có trật-tự, có đẳng-cấp tức nhiên là lập Thánh-Thể của Ngài; các phẩm-trật có liên quan với các phần-tử, tức nhiên Hội Thánh tổng hợp lại là Thánh-Thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được tức nhiên về với Ngài được. Ấy vậy, Pháp Chánh Hiệp-Thiên là phương định vị, lập quyền đặng  hiệp một  con cái của  Chí Tôn cùng Chí Tôn vậy”.
  Thế là trọn vẹn, tạo thành Hiến Pháp tổ chức điều hành toàn bộ Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
         4-  Pháp Chánh Truyền NỮ PHÁI:
           Nữ phái là nguồn sống của Đạo. Nay Đức Chí-Tôn mở Đại Đạo ban cho một sự bình quyền giữa Nam Nữ là một vinh dự lớn cho Việt Nam và cả nhân lọai nữa. Nữ Phái đứng vào cơ Hòa, trùng hợp với mục đích của Đạo:
“Cơ Đạo của Chí-Tôn đến lập buổi Hạ nguơn Tam Kỳ Phổ-Độ này duy lấy một chữ HOÀ làm tôn-chỉ: có hòa mới có hiệp, có hiệp mới có Thương-yêu, mà sự Thương yêu là chìa khóa mở cửa Tam Thập Lục Thiên, Cực-lạc thế-giới và Bạch Ngọc-Kinh y như lời Đức Chí Tôn đã dạy, chỉ nghĩa là phải Từ-bi, Bác-ái mới đắc Đạo vô-vi,  phải HOÀ HIỆP mới có cơ qui nhứt”.
 5- “Chư Môn Ðệ ham muốn phong TỊCH”:
Thầy dạy: “Các con, phần nhiều chư Môn Ðệ ham muốn phong Tịch, nhưng chưa hiểu phong Tịch là gì ? Thầy để lời cho các con biết rằng: Nhiều Thánh, Tiên, Phật, xuống phàm nếu căn quả tiền khiên không mấy trọng hệ, nghĩa là kiếp trần duyên không chi phải nhơ bợn nhiều, thì dầu  không Thiên Phong  hễ  gắng tâm  thiện  niệm  thì  
địa vị cũng đạt hồi đặng.
Thiên Phong là để cho bậc Thánh, Tiên, Phật, lìa trần phải lắm dày công cùng sanh chúng mới trông mong hồi cựu phẩm đặng. Các con nên nhớ Thầy lấy từ bi phong TỊCH, nhưng các Chức Sắc nếu vì ÁO MÃO hơn vì đạo đức thì tội chất bằng hai.
Lại nữa:“Mỗi Kỳ Phổ Độ đều có mở một cuộc ÂN XÁ, mở cửa dễ dàng cho các đẳng chơn hồn có đủ phương lập vị. Nền Đạo này là Cơ Đại-Ân-Xá tận độ chúng sanh nên Cao-Đài xưng là ĐẠI-ĐẠO. Vì chủ-nghĩa tối cao của Đại Đạo chẳng những là Qui Tam-Giáo Hiệp Ngũ Chi mà thôi, mà phải làm thế nào dầu bậc Đế Vương ngoài thế cũng phải bái phục, phải tùng Đạo, phải dò theo các cơ thể của Đạo, phải nhờ Đạo mới mong trị an thiên hạ đặng.
- Vậy mới gọi là  HIỆP NHỨT!
- Vậy mới gọi là  ĐẠI-ĐẠO !
ĐẠI-ĐẠO ngày nay cũng là Phật-Đạo vì gồm hết Tam giáo NHO- THÍCH- ĐẠO và Thích-Ca cũng là Thầy, Thầy là Thích-Ca”.
                6- Sự yếu trọng của Pháp Luật:
        Riêng về Pháp Chánh Truyền thì như thế: có đủ Âm Dương, Tam Tài vẹn vẻ. Giờ đây khi Chí-Tôn lập Pháp Chánh Truyền xong thì Thầy cho con cái của Ngài tự lập TÂN LUẬT để tu, tức nhiên có đủ Trời-Người thống hiệp: người trị xác, Trời trị hồn. Xem đó cũng thấy rằng:
     -  PHÁP CHÁNH TRUYỀN thì bất di bất dịch,
     - TÂN LỤẬT có thể thay đổi tùy theo sự tiến hóa của nhơn sanh, nhưng cũng thay đổi trong qui luật đã định.
          Thế nên: Pháp Chánh Truyền là Dương; Tân Luật là Âm. Âm Dương hòa-hiệp, luôn hòa quyện vào nhau trong cái lý “Nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo” là vậy. Xen vào giữa là Pháp Chánh Truyền Chú Giải, phải chăng đây cũng là cơ Hòa, để hiệp thành Tam Tài không bao giờ thiếu. Lý ấy xem như đan khít vào nhau một cách chặc-chẽ như tấm lưới. Càng xét nét càng thấy đó là “Lưới Trời” do câu: “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”.
7-  Giá trị của PHÁP LUẬT
           Lời tựa Pháp Chánh Truyền nói rằng: “Nghĩ vì cơ huyền vi mầu-nhiệm của Đạo có THIÊN ĐIỀU cũng như cơ đời có Luật-Pháp chơn-truyền để chế ngự những dục vọng bất chánh mà ở cõi nào và đời nào cũng có, nếu không có gì chế-ngự thì sự điều-hòa tốt đẹp của cơ tạo hóa sắp đặt có thể mất đi mà chớ ! Nên khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ, Đức Chí-Tôn đã lập ngay một PHÁP CHÁNH TRUYỀN và TÂN LUẬT để điều-hành guồng máy Hành Chánh-Đạo hầu bảo-thủ Chơn-truyền và Công bình Thiên Đạo, kèm theo Pháp Luật còn có Thánh Ngôn và Giáo điều dạy bảo.
         Muốn lập một nền Đạo lớn lao như Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khả năng truyền giáo đến thất ức niên mà không lập PHÁP thì làm sao điều-độ được một số giáo-đồ quá đông gồm gần toàn thể nhân-loại. Bởi thế nên quyển PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN này cần được tục bản mãi mãi, kỳ này hết tới kỳ khác, để lấy đó làm căn-bản cho các giáo đồ noi theo mà hành-đạo hoặc giữ-gìn cho trọn tư cách người Đạo đến cùng, không ai phạm Luật Đạo và không sai đường lạc lối. Mặc dầu không Luật-Pháp nào được gọi là hoàn bị cả, nhưng Luật-Pháp nào cũng đều phải ấn định ít nhứt những đại-cương và nguyên-tắc chẳng hạn như: Luật Công bình giữa người với người thì phải có nguyên tắc bất di bất dịch là: “Kỷ sở bất dục vật thi ư  nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác).
        Ví dụ: nếu mình muốn được tự-do thì đừng làm mất tự-do của người khác).
         “Tuy nghe rất đơn-giản nhưng không còn cách giải thích nào đúng hơn nữa. Luật-pháp rất cần ích cho sự điều hòa trật-tự trong xã-hội. Nó lại còn cần-ích hơn nữa cho Đạo vì nếu thiếu Pháp Luật thì khó tránh sự hỗn loạn. Mà nếu trong Đạo có sự hỗn-loạn thì còn gì là Đạo lý !
         “Đức Chí-Tôn lập Pháp-Chánh-Truyền cho Đạo tức là lập CHỦ QUYỀN cho ĐẠO đó vậy. Nếu ai có tinh thần xây dựng nền Đạo thì tất nhiên phải tôn-trọng chủ quyền đó. Cũng nhờ chủ-quyền đó mà HỘI-THÁNH là hình thể Đức Chí-Tôn tại thế mới có đủ quyền-hành để thể thiên hành-hóa. Tuy nhiên, quyền ĐẠO có khác hơn quyền đời là vì nó do sự THƯƠNG YÊU mà có, chớ không phải dùng ÁP LỰC  để chế-ngự người ta.
        “Pháp-Luật đã do Thiên-lý và Công-lý mà lập ra, thì tự-nhiên phải tuyệt-đối Công-bình, không còn sự chênh lệch nào đối với toàn thể bổn đạo. Vì trong ĐẠO từ trên tới dưới, từ nhỏ tới lớn đều có qui luật định phân, lớn không giành quyền nhỏ, nhỏ không lấn quyền lớn. Nếu cứ chiếu luật thi-hành thì toàn đạo được điều-hòa êm-ái và guồng máy Hành-Chánh-Đạo cứ tiến hành theo luật-định thiên nhiên không còn gì trở ngại.”
         Thầy khẳng định: “Thầy tưởng chẳng còn nói, nếu ai là đạo-đức, đọc đến cách lập PHÁP của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhân-loại. THẦY buộc mình hứa cùng Ngọc-Hư-Cung rằng: Nếu Đạo còn, thì Thầy cũng theo gìn các con. Các con coi lời Thầy trọng-hệ là dường nào ! Như biết coi ĐẠO trọng, thì cả tinh-thần các con cũng nên tom góp vào mỗi điều đó mà trông-cậy nơi Thầy lập PHÁP”.


 lại nhà  [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét