Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 63 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH TỤNG KHI VỢ QUI LIỄU (Giọng Nam ai)
1. "Tưởng tơ tóc cùng nhau trọn đạo,
2. Theo tùng phu sửa áo nâng khăn.
3. Âm Dương đôi nẻo chia phân,
4. Túy sơn Vân mộng mới gần đặng nhau.
5. Khi để bước phòng đào lạnh ngắt,
6. Mảnh tàn y dường nhắc nghi dung.
7. Thấy cơn tử biệt não nùng,
8. Hương thề tắt ngọn, lạnh lùng tơ duyên.
9. Càng nhớ đến lời nguyền buổi trước,
10. Thẹn non sông chưa ngớt tình nồng.
11. Phụ phàng chi bấy, Hóa Công,
12. Lòng nào mà lại cắt lòng không đau.
13. Nối Tông tổ biết bao nghĩa trọng,
14. Cơ nghiệp còn lưu mộng tang du.
15. Mập mờ nhắn nguyệt đêm thu,
16. Kẻ còn người mất, ai sầu hơn ai?
17. Vói nhắn khách dạ đài có tưởng,
18. Vậy bóng hình để tướng nơi nao?
19. Hay là lạc bước nguồn đào,
20. Ðể thương cho mặt anh hào đeo mang.
21. Ngồi quạnh quẽ đèn tàn một bóng,
22. Chịu góa thân tuyết đóng song thu.
23. Bước Tiên nàng đã ngao du,
24. Ðoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên.
25. Hay nàng đặng nhập miền Cực Lạc,
26. Ðoái tưởng người chưa thoát trầm luân.
27. Ngước trông níu ngọn phất trần,
28. Chổi Tiên quét sạch nợ nần oan gia.
29. Dâng mảnh tâm gọi là của lễ,
30. Chén ly tình là lệ ái ân.
31. Dầu chi cũng nghĩa chí thân,
32. Khối tình còn có một lần đấy thôi."
Đoàn Thị Điểm

GIẢI NGHĨA
Câu 1-2: "Tưởng tơ tóc cùng nhau trọn đạo,"
"Theo tùng phu sửa áo nâng khăn."
Tưởng: Nhớ nghĩ tới. Tơ tóc: Nói tắt thành ngữ: "Xe tơ kết tóc", ý nói: "Kết thành chồng vợ. Xe tơ là lấy sợi tơ hồng cột chặt chân 2 người Nam Nữ cho thành vợ chồng."

Ðiển tích: Vi Cố và Nguyệt Hạ Lão Nhân. Theo sách Tục U Quái Lục, Vi Cố là người đời Ðường, nhân qua chơi Tống thành, gặp một ông lão ngồi dưới ánh trăng đang kiểm tra sổ sách, bên cạnh có một túi đựng chỉ đỏ. Vi Cố hỏi thì ông Lão đáp: Ðây là cuốn sổ Hôn nhân của những người ở cõi trần, còn cuộn chỉ đỏ là để buộc chân Nam Nữ cho thành vợ chồng, dù 2 bên có thù hằn hay ở xa cách nhau cũng phải gặp nhau để thành vợ chồng.

Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rễ được các nữ tỳ buộc vào nhau. Cho nên kết tóc là ý nói kết thành vợ chồng.

Trọn đạo: Trọn vẹn đạo vợ chồng. Tùng phu: Theo chồng. Sửa áo nâng khăn: Ý nói: Vợ lo lắng săn sóc chồng.

C.1-2: "Nhớ tới việc kết duyên thành chồng vợ thì phải sống với nhau cho trọn đạo",
"vợ theo chồng và chăm sóc chồng."

Câu 3-4: "Âm Dương đôi nẻo chia phân,"
"Túy sơn Vân mộng mới gần đặng nhau."
Âm Dương đôi nẻo: Hai con đường, một về cõi Âm của người chết, một về cõi Dương của người sống.

Túy sơn Vân mộng: Ðiển tích: Trong Thánh Thi Sưu Tập gồm các bài thi phú do các Ðấng thiêng liêng giáng cơ ban cho khoản năm 1930, có một bài phú nhan đề "Túy san Vân mộng", chỗ ghi tên tác giả thì đề là "Vị tường danh thị", nội dung kể lại một câu chuyện xảy ra vào năm Long Ðức thứ 4 đời vua Lê Thuần Tông (1732-1735).

Vào tiết Trung thu, chàng nho sĩ đất Thanh Hóa, có vợ được 5 năm thì vợ chết, chàng buồn bã đi chơi chùa Non Nước, ngà ngà say rượu, ngồi ngủ quên nơi mái hiên chùa, liền chiêm bao thấy người vợ cũ đi đến.

"Mặt nhìn mặt, trăm chiều sầu tuôn lã chã,
Tay cầm tay, mấy nỗi thảm lụy ngập ngừng.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nay gặp chàng thoạt tới chốn nầy,
Ðặng cho thiếp thở than duyên cũ.
Thôi thôi ! xin nhớ mấy lời tâm sự,
Kính đưa hai chữ bình yên.
Ngậm ngùi tả bức huê tiên,
Bốn lạy giã từ trần thế.
Lã chã đôi hàng lụy ngọc,
Chín trùng trở chốn Tiên đô." ......

Túy sơn Vân mộng là chỉ nỗi nhớ thương của chồng đối với vợ đã chết, mơ màng gặp vợ trong giấc chiêm bao.

C.3-4: "Hai nẻo Âm Dương chia cách nhau, người chồng nhớ thương vợ, chỉ có thể gặp vợ trong giấc chiêm bao mà thôi."

Câu 5-6: "Khi để bước phòng đào lạnh ngắt,"
"Mảnh tàn y dường nhắc nghi dung."
Phòng đào: Ðào là chỉ con gái đẹp. Phòng đào là ý nói phòng của người vợ. Lạnh ngắt: Lạnh lẽo đến mức có cảm giác không một chút hơi ấm nào.

Tàn y: Tàn là còn sót lại. Tàn y là cái áo còn sót lại của người vợ đã chết. Nghi dung: Dáng dấp và vẻ mặt. Nghi là dáng dấp, dung là vẻ mặt.

C.5-6: "Khi đặt chân đến phòng của vợ thấy căn phòng lạnh ngắt",
"tấm áo còn sót lại dường như nhắc nhở đến dáng dấp và vẻ mặt của nàng."

Câu 7-8: "Thấy cơn tử biệt não nùng,"
"Hương thề tắt ngọn, lạnh lùng tơ duyên."

Cơn: Sự diễn tiến của một hiện tượng.
Tử biệt: Chết là biệt ly. Não nùng: Ðau buồn sâu đậm.

Hương thề: Cây nhang đốt lên để hai người thề nguyền kết thành chồng vợ. Hương thề tắt ngọn: Nhang thề đã tắt, việc thề nguyền gãy đổ, vì có một người mới chết.

C.7-8: "Thấy rõ cơn tử biệt buồn thảm vô cùng".
"Lời thề đã gãy, người vợ đã chết, phải chịu cảnh lạnh lùng chiếc bóng."

Câu 9-10: "Càng nhớ đến lời nguyền buổi trước
"Thẹn non sông chưa ngớt tình nồng."
Lời nguyền: Lời thề hẹn. Thẹn non sông: Hổ thẹn với núi sông, bởi vì trước đây, hai người chỉ núi mà thề, chỉ sông mà hẹn, ngày nay người vợ đã chết, lời thề hẹn gãy đổ, nên cảm thấy thẹn mặt với núi sông. Chưa ngớt: Chưa dứt.
Tình nồng: Tình thương yêu nồng nàn.

C.9-10: "Càng nhớ đến lời thề nguyền buổi trước,"
"nay phải thẹn mặt với núi sông vì tình yêu nồng nàn chưa dứt được."

Câu 11-12: "Phụ phàng chi bấy, Hóa Công,"
"Lòng nào mà lại cắt lòng không đau."
Phụ phàng: Bạc bẽo, gây đau khổ mà không chút thương cảm. Chi bấy: Làm chi mà nhiều như vậy.

C.11-12: Bạc bẽo và đau đớn biết bao, Trời có thấu chăng? Người vợ thương yêu như ruột thịt mà chết đi, lòng dạ nào mà không cảm thấy đau đớn?

Câu 13-14: "Nối Tông tổ biết bao nghĩa trọng,"
"Cơ nghiệp còn lưu mộng tang du."
Nối Tông tổ: Người vợ sanh con để nối dõi tông đường.
Cơ nghiệp: Sự nghiệp đã tạo dựng được. Cơ là nền tảng, nghiệp là của cải làm ra. Lưu: Ðể lại. Mộng: Mơ ước.

Tang du: Tang là cây dâu, du là cây du giống như cây bưởi. Tương truyền cây tang cây du mọc ở góc biển Tây, khi mặt Trời đến đó thì lặn. Do đó, tang du là chỉ tuổi già sắp chết.
Mộng tang du: Mơ ước sống đến tuổi già.

C.13-14: "Người vợ sanh con để nối dõi Tông đường, nên có biết bao ơn nghĩa nặng nề". "Tạo lập ra cơ nghiệp còn lưu lại nơi đây, là để mơ ước cùng nhau sống đến tuổi già."
Câu 15-16: "Mập mờ nhắn nguyệt đêm thu,"
"Kẻ còn người mất, ai sầu hơn ai?"
Mập mờ: Ánh trăng mờ nhạt, không thấy rõ ràng.
Nhắn nguyệt: Nhắn hỏi Hằng Nga nơi cung trăng.

C.15-16: "Ánh trăng đêm thu mờ nhạt, nhắn hỏi chị Hằng nơi cung trăng rằng: "Kẻ còn người mất, ai sầu hơn ai?"

Câu 17-18: "Vói nhắn khách dạ đài có tưởng,"
"Vậy bóng hình để tướng nơi nao?"
Vói nhắn: Nói với người đứng ở khoảng cách xa.

Dạ đài: Dạ là đêm thuộc về Âm, đài là lầu đài. Dạ đài là lầu đài nơi cõi Âm. Khách dạ đài: Người khách mới nơi cõi Âm, ý nói người vợ mới chết.

Tưởng: Nhớ tới. Tướng: Hình dáng bên ngoài.
C.17-18: "Nhắn với người vợ vừa mới chết, có nhớ tưởng đến người còn ở lại đây chăng?"  "
Vậy bóng hình nàng hiện ra ở tại nơi nào?"

Câu 19-20: "Hay là lạc bước nguồn đào,"
"Ðể thương cho mặt anh hào đeo mang."
Lac bước: Ði lạc, đi lầm qua chỗ khác.
Nguồn đào: dịch 2 chữ Ðào nguyên, chỉ cõi Tiên. (Xem Ðộng đào C.5 KKV)

Anh hào: Anh là đẹp nhứt, hào là trội nhứt. Anh hào là người có tài năng và khí phách hơn người. Ở đây, anh hào là chỉ người chồng. Ðeo mang: Mang lấy.

C.19-20: "Hay là nàng đã lạc bước vào cõi Tiên,"
"để cho người chồng phải mang lấy nhiều nỗi thương nhớ."

Câu 21-22: "Ngồi quạnh quẽ đèn tàn một bóng,"
"Chịu góa thân tuyết đóng song thu."
Quạnh quẽ: Vắng vẻ yên lặng làm cho cảm thấy trống trải cô đơn. Ðèn tàn: Cái đèn dầu sắp tắt vì hết dầu.
Một bóng: Một mình một bóng trước ngọn đèn dầu.
Tuyết đóng: Tuyết rơi đóng lại thành băng, khí Trời rất lạnh, ý nói: Cảm giác lạnh lẽo, cô đơn. Song: Cái cửa sổ.
Thu: Cảnh mùa thu lá rơi, gợi cảnh buồn rầu chia ly.

C.21-22: "Một bóng người ngồi gần cửa sổ, yên lặng cô đơn bên chiếc đèn dầu leo lét sắp tàn, chịu cảnh góa vợ,"
"lòng cô đơn, lạnh lẽo, buồn rầu vì cảnh biệt ly."

Câu 23-24: "Bước Tiên nàng đã ngao du,"
"Ðoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên."
Bước Tiên: Bước lên cõi Tiên. Ngao du: Ði chơi khắp đó đây. Ngao là đi rong chơi, du là đi chơi đó đây.
Ðoái tình: Tưởng nhớ lại tình thương yêu thuở trước.

Ôm cầu: Ôm giữ trái tú cầu. Tú cầu là quả cầu tròn bằng vải thêu rất đẹp để cho công chúa kén chồng.

Vua Hán Vũ Ðế, mỗi khi kén chọn phò mã, thường cho công chúa lên ngồi trên lầu cao, cầm sẵn trái tú cầu. Các vương tôn công tử hay khách anh hùng, ai muốn làm phò mã thì tụ tập đứng dưới lầu. Công chúa chọn được người vừa ý thì gieo tú cầu xuống ngay người đó. Người đó bắt lấy tú cầu, được quan dẫn vào trình vua, được vua công nhận làm phò mã và gả công chúa cho. Kẻ ôm cầu: chỉ người chồng.

Khóc duyên: Khóc cho tình duyên gãy đổ.

C.23-24: "Hay là nàng đã ngao du nơi cõi Tiên."
 "Nàng có đoái tưởng thương nhớ người chồng đang khóc lóc cái chết của nàng, làm cho tình duyên gãy đổ."
Câu 25-26: "Hay nàng đặng nhập miền Cực Lạc,"
"Ðoái tưởng người chưa thoát trầm luân."
Nhập: Ði vào. Miền Cực Lạc: Cõi CLTG, là cõi Phật.
Trầm luân: Chìm đắm trong biển khổ hay trong vòng luân hồi. Trầm là chìm, luân là chìm mất.

C.25-26: "Hay là nàng đã đi vào cõi CLTG."
"Nàng có tưởng nhớ trở lại người chồng đang chưa thoát khỏi sự chìm đắm trong biển khổ."

Câu 27-28: "Ngước trông níu ngọn phất trần,"
"Chổi Tiên quét sạch nợ nần oan gia."
Phất trần: Phất là quét, trần là bụi bặm. Phất trần là cây chổi Tiên dùng để quét sạch các chất bẩn bám vào chơn thần, làm cho chơn thần được thanh nhẹ. Phất trần còn được gọi là Phất chủ. (Xem: Phất chủ, C.43 PMCK). Níu ngọn Phất trần: Nắm lấy cây chổi Tiên.

Nợ nần: Chỉ chung các món nợ. Oan gia: Người đang thù giận mình. Oan là thù giận, gia là người.

C.27-28: "Ngước nhìn lên, nàng nên nắm lấy cây Phất trần",
"đó là cây chổi Tiên dùng để quét sạch các nợ nần và oan trái đã gây ra nơi cõi trần."

            Câu 29-30: "Dâng mảnh tâm gọi là của lễ,"
            "Chén ly tình là lệ ái ân."
            Mảnh tâm: Tấm lòng. Của lễ: Phẩm vật dâng lên tế lễ. Chén ly tình: Chung rượu chia ly tình yêu. Lệ ái ân: Khóc than khi nhớ lại lúc vợ chồng còn sống hạnh phúc với nhau.

            C.29-30: "Dâng lên tấm lòng nầy để làm phẩm vật tế lễ nàng",
            "Chung rượu chia ly tình yêu cũng là nước mắt khóc than thương nhớ nàng."

            Câu 31-32: "Dầu chi cũng nghĩa chí thân,"
            "Khối tình còn có một lần đấy thôi."
Chí thân: Rất thân thiết. Khối tình: Tình yêu tương tư bị thất vọng tụ lại thành một khối, gọi là khối tình.
            Ðiển tích: Trương Chi và Mỵ Nương.

            Anh thuyền chài Trương Chi có giọng hát rất hay, nhưng gương mặt rất xấu xí. Mỵ Nương là nàng con gái đẹp con quan Tể Tướng, thường ngày nghe giọng hát của Trương Chi mà phải lòng chàng, nhưng không thố lộ được, sanh bịnh tương tư càng lúc càng nhiều, thuốc thang không khỏi. Quan Tể Tướng dò biết được bịnh của con gái, liền gọi Trương Chi đến cho con gái gặp mặt. Mỵ Nương trông thấy gương mặt quá xấu xí của Trương Chi thì tỉnh mộng, dần dần hết bịnh.

            Nhưng về phần Trương Chi, kể từ khi giáp mặt Mỵ Nương thì đâm ra say mê nàng, ấp ủ mối tình tuyệt vọng thành bịnh tương tư , đành ôm mối tình tuyệt vọng đem xuống tuyền đài. Xóm giềng chôn cất thi thể Trương Chi. Sau có việc phải cải táng, người ta thấy trong hòm, xương thịt của Trương Chi đã tiêu tan mất hết, chỉ còn lại một khối tròn lớn gọi là khối tình. Người ta đem khối đó tạc thành một cái chén, mỗi khi đổ nước vào chén và nhìn vào thì thấy hình ảnh của Trương Chi đang ngồi buồn câu cá. Người ta gởi chén nầy đến cho Mỵ Nương. Nàng cầm lên xem, thấy hình ảnh của Trương Chi thì cảm động, úp mặt vào chén khóc nức nở. Nước mắt của nàng rơi vào chén, làm cho chén vỡ tan từng mảnh.

            C.31-32: "Dầu sao, vợ chồng chúng ta cũng đã ăn ở", đối xử với nhau rất thân thiết." "Khối tình tương tư của tôi đối với nàng còn có một lần tế lễ nầy mà thôi."
CHUNG
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét