
Thuyết
Ðạo của Ðức Hộ Pháp.
Ðêm nay là
ngày Vía của Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Ðức Giáo Tông
chúng ta lấy làm hân hạnh nhờ ơn Ðức Chí Tôn ban cho chúng ta một người Anh Cả
Thiêng Liêng hiển linh quyền năng vô đối, Bần Ðạo nhớ lại hồi buổi ban sơ mới
khai Ðạo, thật ra Bần Ðạo không có đức tin gì hết,
không có tin đến nước Ðại Từ
Phụ tức cười. Ngài đến nhà Bần Ðạo năm Ất Sửu dạy cả mấy Anh lớn ngày nay là
Chức Sắc của Ðạo, đi đến mọi nhà, thật ra Ðức Chí Tôn đến thăm đến viếng mọi
con cái của Ngài. Bần Ðạo không đức tin gì hết, nghe nói Tiên giáng đi theo
nghe chơi, làm cho Ðại Từ Phụ phải tức cười. Ngài cho bài thi ai nấy cũng tốt,
duy có bài thi của Bần Ðạo rất dị hợm như vầy:
Thi
Ngao
ngán không phân lẽ thiệt không,
Thấy
thằng áp út quá buồn lòng.
Muốn
giàu Thầy hứa đem cho của,
Cái
của cái công phải trả đồng.
Ðại Từ Phụ còn
thêm hai chữ "nghe con" cho
đến bảy tháng xuống ở Thủ Ðức, năm thiên hạ bịnh chướng, khi không khởi phù
mình rồi chết, nhứt là tại Thủ Ðức, lắm bịnh nhơn quá chừng, Ðức Chí Tôn bảo
xuống ở Thủ Ðức cứu bịnh cho họ trong bảy tháng, xuống ở Thánh Thất của Ðạo,
nhờ Ðức Lý giảng dạy với ngòi bút, trọn bảy tháng trường mới biết Ðạo. Có cái
hay hơn hết là những điều gì Ngài dạy trong Cơ Bút là những sở hành trong kiếp
sanh của Bần Ðạo.
Bần Ðạo làm
chứng một Ðấng mà Ðức Chí Tôn đã lựa làm Anh Cả của chúng ta linh hiển lạ lùng,
không cần lập đi lập lại, đối với Chức Sắc tất nhiên cả Thánh Thể của Ðức Chí
Tôn, Bần Ðạo cốt yếu nói với toàn con cái của Ngài nam nữ lưỡng phái phải định
tâm và kiên cố đức tin của mình. Các việc Ðức Chí Tôn tiên tri, Bần Ðạo vừa nói
từ từ, nói đủ hết, Bần Ðạo thú thật nhờ cái linh hiển của Ngài, nhờ Ngài giáo
hóa nên Bần Ðạo hôm nay được khối đức tin mạnh mẽ to tát. Nếu không có nhờ Anh
Cả vô biên linh hiển ấy chắc là phận sự yếu trọng của Bần Ðạo hôm nay chỉ mơ
hồ, đức tin yếu ớt, thiếu đức tin, thiếu cương quyết, thiếu tâm Ðạo vững chắc.
Bần Ðạo tưởng,
nếu ba điều ấy thiếu thì nền chơn giáo không được nên hình như thế nầy. Cả thảy
con cái Ðức Chí Tôn đều biết không có nền chơn giáo nào chỉ có hai mươi mấy năm
mà đặng bành trướng, danh thể của nó cao trọng truyền bá một cách mau chóng,
như nền Ðạo Cao Ðài của Ðức Chí Tôn.
Nữ Đầu Sư Hương Hiếu
Hôm nay Bần
Ðạo chứng chắc quả nhiên như vậy, cái năng lực của Ðạo hôm nay được như thế là
nhờ Ðức Lý Ðại Tiên cầm quyền thiêng liêng vô đối, nhờ Anh Cả của ta là Ðức Lý
Giáo Tông điều khiển quyền năng vô hình của Ngài.
Bần Ðạo hôm
nay mới đặng cái quyền và năng lực bành trướng như thế này. Có một điều Bần Ðạo
dặn trước, những kẻ tưởng Ngài vô hình coi chừng Ngài, những kẻ thiếu đức tin
dám khi rẻ quyền linh của Ðạo, oai quyền của Ngài, coi chừng Ngài trừng trị,
những kẻ nào phạm nhằm Thiên Ðiều, Bần Ðạo dám quả quyết khó tránh nơi tay của
Ngài.
Các con cái
Ðức Chí Tôn coi Ngài rất công bình. Ngài dạy: Phải lập công, lập đức, lập ngôn,
tức nhiên là "Tam Lập".
Ngài rất công bình, rất oai quyền. Thiên vị chúng (?) nhờ Ngài bảo vệ, không
thế gì sơ sót.
Ðức Chí Tôn
coi Ngài cũng như một Tướng Soái, oai quyền của Ngài lớn lắm. Ở nơi Ngọc Hư
Cung quyền của Ngài yếu trọng vĩ đại to tát lắm.
Cả con cái của
Ngài cũng nên tin nơi Ngài, mong mỏi nơi Ngài để cả ước vọng và đức tin nơi
Ngài.
Bần Ðạo xin
khuyên một điều: Lớn nhỏ phải yên tâm giữ Ðạo, đừng sơ sót nhứt là đừng có ỷ
công khi lịnh, coi chừng Ngài, Ngài trừng trị một cách oai quyền, trước mắt Bần
Ðạo đã thấy, hai mươi mấy năm lập Ðạo cùng Ngài, Bần Ðạo quả quyết như vậy.
Chúng ta hãy
để trọn đức tin nơi Ngài một Ðấng công chánh oai quyền, nhưng rất yêu ái. Chúng
ta được Ngài bảo vệ cho thật là một sự an ủi vĩ đại trong kiếp sanh của chúng
ta đó vậy.
Ðền
Thánh đêm 17-8-Quí Tỵ (1953).
Vía của Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Ðại
Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Hộ Pháp
LỜI PHI LỘ.
Cây có cội, nước có nguồn, Ðại Ðạo khai sáng có nguyên lý, số là dân tộc
Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỷ làm nô lệ cho Ngoại bang như: Tàu, Pháp,
nhưng việc gì cũng có giới hạn nên
từ năm 1954 sau khi dân tộc Việt đứng dậy chống Pháp, làm cho quân Pháp rút ra
khỏi xứ, trả đất lại cho ta làm chủ, trả quyền tự do ăn ở, đi lại, cho ta phục
hưng trong đó có tự do tín ngưỡng là trọng hệ.
ÐẠI ÐAO TAM KỲ PHỔ ÐỘ khai sáng tại Việt Nam từ
năm1926, người bổn Ðạo lúc ấy còn bị quyền Ðời bó buộc. Mãi tới năm 1956 Hội
Thánh ký thỏa ước với Chánh Phủ Cộng Hòa ước hẹn không làm chính trị và được trọn quyền
truyền bá mối Ðạo khắp xứ Việt
Nam.
Sự lý Ðức Chí Tôn không giao cho tay phàm chấp
chưởng
quyền bỉnh là vì tay phàm hay để
thất kỳ truyền và hiện nay chính Ðức Chí Tôn làm Giáo Chủ dùng huyền diệu Cơ Bút phổ truyền
Chánh pháp và Luật lệ. Buổi sơ khởi, Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu chịu nhiều
nhọc nhằn và dụng nhiều phương pháp thâu nhận những người hữu căn ra công giúp
Ðạo. Trong dịp nầy Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu được đại hạnh hầu nhiều Ðàn Cơ,
thọ nhiều Thánh giáo, biết nhiều tế nhuyển nên Bà chịu khó viết bổn Ðạo Sử để
lưu truyền ư hậu thế. Xem quyển Ðạo Sử của Bà, đọc giả dường như trải qua một
giấc huỳnh lương mộng, tưởng mình như có mặt tại chỗ hồi mở Ðạo bắt nguồn từ
Sài Gòn lên Gò Kén rồi tới trung tâm điểm Tây Ninh, không sót một chi tiết nào
để giúp ích cho người khảo cứu làm tài liệu.
Công phu của Bà Chánh Phối
Sư rất nhiều, thế hệ đương kim chỉ có công đọc mà hiểu biết phần nào mầu nhiệm
của Ðạo, nếu không đọc thật uổng.
Nay lời,
Tòa Thánh, ngày 29
tháng 11 năm Ðinh Mùi (30-12-1967)
Bảo Thế Hiệp Thiên
Ðài
(Ấn ký)
LÊ THIỆN PHƯỚC
GIỚI THIỆU.
Một cuốn Sử Ðạo, muốn cho
có giá trị và có tính cách khách quan, tả đúng sự thật, thì cần có sự cộng tác
của người cố cựu rõ hết các việc từ đầu chí cuối, như Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương
Hiếu chẳng hạn, vì Bà luôn luôn có mặt tại các nơi Xây Bàn lúc đầu và các Ðàn
Cơ về sau, nên mỗi việc gì xảy ra hoặc mỗi bài Thánh giáo do Cơ Bút giáng dạy,
Bà đều ghi chép lưu lại mà Bà đã thuộc lòng một phần lớn.
Nay vì tuổi cao, sợ không
đủ thì giờ để giúp Sử liệu cho Ðạo, nên Bà cho xuất bản cuốn ÐẠO SỬ XÂY BÀN nầy
để lưu lại cho hậu thế. Âu cũng là điều đáng mừng cho tiền đồ Quốc Ðạo vậy.
Thay vì đề tựa, tôi xin
trân trọng giới thiệu cùng chư quý đọc giả cuốn Lược Sử nầy do một nữ lão thành
biên soạn, đúng sự thật một trăm phần trăm, đáng được lưu trử đời đời, để làm
tài liệu cho sự khảo cứu có đầy đủ chi tiết ngọn nguồn, có thể giúp ích một
phần lớn cho các nhà soạn sử sau này.
Nay kính,
Hiến Pháp H.T.Ð.
(Ấn ký)
TRƯƠNG HỮU ÐỨC
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ
ÐỘ
Ðạo Sử Xây Bàn
LỜI XÁC NHẬN
Ðạo Cao Ðài ra đời hơn 42
năm nay, phần đông Chức Sắc đều biết rõ là lúc ban sơ Ðức Chí Tôn dùng huyền
diệu Cơ Bút thâu phục các Chức Sắc thượng cấp Hiệp Thiên Ðài dùng những vị này
trong việc phò loan để lập thành Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Trước thời kỳ Chức Sắc
Hiệp Thiên Ðài được lịnh dùng Ðại Ngọc Cơ trong việc truyền giáo thì chỉ là một
giai đoạn chơi giải trí của ba vị, cùng nhau kết bạn đồng tâm để vui thú cầm
thi trong khi nhàn rỗi.
Cuộc chơi giải trí đó là
việc "Xây Bàn" và ba vị nói
trên chính là: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang (sau được đắc
phong là Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh).
Vốn là nhà Thi sĩ và chất
chứa nơi tâm nỗi căm hờn vì nước nhà bị đô hộ, ba vị nầy mượn thú Xây Bàn, mời
vong linh những người quá vãng để cầu hỏi về vận mạng tương lai của tổ quốc
hoặc làm thi, xướng họa chơi cho tiêu khiển.
Lúc sơ khởi thì cũng gặp
nhiều khó khăn, vì trong đêm đầu, ba vị đốt nhang khấn vái, ngồi để tay trên
bàn từ 9 giờ tối đến 2 giờ khuya mà không có kết quả chi hết. Cố tâm nhẫn nại
ba vị ngồi thêm đêm thứ nhì (nhằm ngày 26.7.1925) thì đúng 12 giờ khuya có một
vong linh nhập bàn, gõ chữ ráp thành bài thi Ðường luật 8 câu.
Ðó là bài thi Tự Thuật của
cụ CAO QUỲNH TUÂN thân sinh ông CAO QUỲNH CƯ.
Sự cảm động và ngạc nhiên
của ba vị đến thế nào quyển Ðạo Sử nầy đã nói rõ.
Cách mấy đêm sau, vong
linh cô ÐOÀN NGỌC QUẾ nhập bàn cho bài thi Tự Thán; thiệt là lời châu ngọc;
điệu thi văn nghe qua ngậm ngùi xúc cảm. (ÐOÀN NGỌC QUẾ là giả danh của cô
VƯƠNG THỊ LỄ, tức là Tiên Cô Thất Nương DIÊU TRÌ CUNG).
Thấy sự hiển linh và huyền
diệu trong sự tiếp xúc với người cõi vô hình, ba ông tích cực say mê việc Xây
Bàn, đêm nào cũng họp nhau, ngồi cho tới ba hoặc bốn giờ sáng mới nghỉ.
Từ đó đến sau thì các vị
Tiên, Thánh thường nhập bàn, khi thì cho Thi phú hoặc giải nghĩa Thi văn, khi
thì xác luận về vận mạng nước nhà, đánh trúng chỗ yếu điểm của tâm hồn ba ông
khiến cho ba ông đều ngây ngất trong niềm vui sướng.
Cái bàn lịch sử của Đại Đại khởi đầu mở Đạo mà ba Ngài Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh dùng để xây bàn 1925.
Tiếp được bài thi nào hay
thì khi dứt cuộc xây bàn, ba ông nán lại: hai ông rao đờn, một ông ngâm thi rồi
cùng nhau mượn chung rượu đầy vơi trong lúc tàn canh để gợi hứng niềm hoài cảm.
Cái đêm mà ba ông ngậm
ngùi và xúc động hơn hết là đêm 10-11-1925, Ðức Tả Quân LÊ VĂN DUYỆT nhập bàn
cho bài thi như sau:
Ðã ghe phen phấn khởi can qua,
Thuộc địa trách ai nhượng nghiệp nhà.
Trăm họ than van nòi bộc lại,
Ba kỳ uất ức phép tây tà.
Xa thơ
biến gảy rời vương thất,
Nam đảnh hầu thay sáng quốc gia.
Ách nước nạn dân gần muốn mãn,
Hết hồi áp chế tới khi hòa.
Cách mấy hôm sau, Ðức Tả
Quân LÊ CÔNG cũng nhập bàn cho tiếp bài thi thứ nhì:
Khi hòa tùy có chí đồng thinh,
Vận nước nên hư cũng bởi mình.
Tôi giặc lắm người xô võ trụ,
Lòng trung mấy kẻ xót sanh linh.
Ðường dài chớ nệ
ngàn công gắng,
Bước nhọc đừng nao một dạ thình.
Ðồ sộ giang san xưa
phủi sạch,
Trông vào tua vẹn nỗi đinh ninh.
Ông Cao Hoài Sang bạch với
Ðức Ngài: "Trong tình thế hiện tại,
các nhóm Cần Vương đất Việt có nên họp nhau đứng dậy làm cách mạng để thoát ách
nô lệ chăng?"
Ðức Ngài trả lời
bằng bài thi:
Mạnh yếu đôi đàng đã hiển nhiên,
Ðôi mươi năm nữa nước nhà yên.
Dằn lòng ẩn nhẫn xem thời thế,
Ðừng vội gây nên cuộc đảo huyền.
(Ba bài thi nầy không có
biên trong cuốn "Ðạo Sử Xây
Bàn" nên tôi soạn chép ra đây).
Nhờ chơi Xây Bàn mà ba ông
Cư, Tắc, Sang học hỏi Ðạo Lý, trau giồi trí thức cho tới ngày Ðức A.Á. chính
là Ðức Chí Tôn dạy ba ông vọng Thiên Bàn ngoài sân, quì giữa Trời mà cầu Ðạo
(nhằm ngày mùng 1 tháng 11 Ất Sửu, dl. 16.12.1925).
Ðó là ba vị Ðệ Tử mà Ðức
Chí Tôn thâu nhập môn trước nhứt trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (Tây Ninh).
Sau đó Ðức Chí Tôn thâu
phục chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài, vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và các vị Ðại
Thiên Phong Cửu Trùng Ðài.
Do lịnh Ðức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Ðế ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh hiệp với chư vị Bảo Văn
Pháp Quân, Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, Tiếp Pháp chia nhau đi khắp các Tỉnh
Nam phần để phò loan, thâu người cầu Ðạo nhập môn.
Cuốn "Ðạo Sử Xây Bàn" do Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu dày
công biên soạn, rất đầy đủ và đúng sự thật, từ lúc ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp,
Thượng Sanh khởi sự Xây Bàn cho đến khi được lịnh dùng Cơ Bút cho Ðức Chí Tôn
lập thành nền Ðại Ðạo.
Ðó là một kho tài liệu quí
báu vô giá, phô bày rõ ràng nguồn cội khai sáng Ðạo Trời tại nước Việt Nam mà
mỗi Chức Sắc và Tín Hữu cần nên đọc qua để nhận xét.
Tòa Thánh, ngày 22
tháng 12 Ðinh Mùi (Dl. 21.01.1968)
Thượng Sanh
(Ấn ký)
CAO HOÀI SANG
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ
ÐỘ
(Tam Thập Bát
Niên)
SƠ GIẢI SỰ TÍCH XÂY BÀN.
Nhận xét muôn việc chi chi
cũng có Thiên Thơ định giờ nên các chơn linh mới dám tình nguyện lãnh lịnh hạ
thế cứu đời lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ân xá kỳ ba nầy.
Thời Kỳ Gặp Ðạo
Năm Ðức CAO THƯỢNG PHẨM 37
tuổi (1925) nhằm thời kỳ Ðức Thượng Ðế mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ dùng huyền diệu
bố trí cho 3 ông là Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh ham mộ xây bàn mỗi đêm,
đêm nào 3 ông cũng họp lại với nhau để xây chiếc bàn lên; ba ông thành tâm khẩn
cầu hơi lâu thì quả thật hiển linh, có các Ðấng giáng Ðàn cho văn thi và nhiều
bài Thánh giáo triết lý cao siêu nhiệm mầu; cũng nhờ phép linh có các Ðấng mà 3
ông đêm nào cũng thích xây bàn cầu các Ðấng học hỏi Thiên Cơ.
Bởi vì có cuộc xây bàn mới
mở được đường xuất Thánh cho nhơn sanh hưởng hồng ân của Chí Tôn trở về cựu vị.
xây bàn là làm cho dễ dàng sự giao thông, người dưới thế mà được gần gũi cùng
các Ðấng vô hình, học hỏi nhiều sự huyền phép Thiêng Liêng ban cho, 3 ông mới
mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ năm Bính Dần (1926).
Xây bàn là vô cùng hiển
linh. Gây cảm tình cùng 3 ông: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, các Ðấng đến
lập phương thế thông công cõi vô hình hiệp với hữu hình đặng mở cơ tận độ 92 ức
nguyên nhân đang trầm luân nơi khổ hải nầy.
Ngày 15 tháng 10
năm Ðinh Dậu (1958)
Biên soạn
Nữ Chánh Phối Sư
(Ấn ký)
HƯƠNG HIẾU
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ
ÐỘ
(Ðệ Tứ Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
Tiểu sử xây bàn.
Thượng tuần tháng 6 năm Ất
Sửu (1925) ông CAO QUỲNH CƯ đến nhà ông CAO HOÀI SANG thăm chơi, để cùng ông
Cao Hoài Sang và ông PHẠM CÔNG TẮC hàn huyên tình đời thế sự, vì ông Phạm Công
Tắc cũng ở gần nhà ông Cao Hoài Sang bên cạnh chợ Thái Bình dãy phố hàng Dừa
Sài Gòn.
Hết hồi đàm đạo với chén
trà câu thơ, giờ càng khuya, ông Cao Quỳnh Cư dường như có Thần linh thúc giục
hay vì linh tánh kích động mới nghĩ ra việc xây bàn tiếp xúc với các vong linh
khuất mặt, thì hai ông Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang cũng đồng tình hưởng ứng.
Ba ông mới đem ra trước
hiên một cái bàn vuông bốn chân (1) rồi cả ba đồng để tay lên bàn; chưa mấy
phút thì cái bàn rung chuyển liền một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, dường như
hăm hở lắm vậy.
Tiếp đó bàn bắt đầu nhịp
chơn gõ chữ. bàn gõ một tiếng các ông đọc A, hai tiếng đọc B, cứ như vậy đến
khi bàn ngưng lại tại chữ gì thì lấy chữ đó, và cứ như vậy ráp vần thành ra chữ
và thành câu có ý nghĩa.
Ðêm ấy có nhiều vong linh
nhập bàn viết tiếng Anh, Pháp và Hoa, cũng có vong linh học sinh Hà Nội viết
tiếng Việt Nam.
Buổi xây bàn đêm ấy là lần
đầu tiên, có lẽ là có chư vong muốn nhập và tranh nhau nói chuyện nên làm xáo
trộn, cái bàn gõ khi chững chàng, khi lựng khựng, làm cho ba ông càng ngạc
nhiên lại thêm chán nản nhứt là ông Cao Quỳnh Cư nghi rằng có hồn ma hay ngạ
quỉ vô phá phách, liền đó ông đề nghị không tiếp nhận các vong linh đó và đồng
cùng hai ông ngưng việc xây bàn.
Qua đêm sau, nhằm ngày 6
tháng 6 Ất Sửu (26-07-1925) ba ông lại tiếp tục xây bàn nữa, vì tánh ba ông
cũng hiếu kỳ muốn hiểu rõ hiện tượng kỳ lạ này coi tại sao cái bàn linh động
nhanh nhẹ và viết thành chữ nhiều thứ tiếng, và có ý nghĩa nữa.
Ðêm nay ba ông không gặp
trở ngại nào mà lại tiếp đặng một bài thi bát cú, tự thuật:
Thi
Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười.
Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
Tình thương căn dặn gắng tâm đời.
Bên màn đôi lúc trêu hồn phách, (2)
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.
Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.
Ký tên: Cao Quỳnh
Tuân (Thiên Ðình)
Cao Quỳnh Tuân chính là
phụ thân của ông Cao Quỳnh Cư, ly trần hơn 25 năm về trước.
Ðọc tới câu thứ bảy ông
Cao Quỳnh Cư quá mủi lòng cảm động, lúc nầy hai ông Phạm Công Tắc và Cao Hoài
Sang cũng bùi ngùi; ông Cao Quỳnh Cư vội thốt: Thưa Thầy(3), ngày mai con nấu
một mâm cơm cúng, con kính thỉnh Thầy về chứng lòng thảo của con. Vong linh
nhập bàn, liền chuyển cái bàn, ngỏ ý khứng lời mời của con và kế đó vong xuất.
Sau khi tiếp đặng bài thơ
Ðường luật, vừa cao sâu vừa thâm thúy vì quá hiển hích đúng với lời của một từ
phụ nhắn nhủ lại cùng con, tinh thần trí não của ba ông càng thêm bấn loạn, vừa
ngạc nhiên, vừa cảm phục văn chương và ý nghĩa bài thơ.
Qua đêm mùng 10 tháng 06
Ất Sửu (30-07-1925), nghĩa là bốn đêm sau, ba ông cũng họp lại tại nhà ông Cao
Hoài Sang mở cuộc xây bàn nữa, kỳ này cái bàn lay chuyển một cách khoan thai,
dịu dàng đoán chừng như bóng dáng của một vị Tiên Nga hạ trần, thì ra lời đoán
không sai vì đó là vong linh một Nữ linh giáng Ðàn cho thi.
Thi
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư oằn một gánh,
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Ký tên: Ðoàn Ngọc
Quế.
Cũng trong đêm nầy chúng
tôi hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế đau bệnh chi mà thác, cô cho hai bài thi tiếp theo:
Trời già đành đoạn nợ ba sinh,
Bèo nước xẻ hai một gánh tình.
Mấy bữa nhăn mày lâm chước quỉ,
Khiến ôm mối thảm lại Diêm Ðình.
***
Người thời Ngọc mã với Kim đàng,
Quên kẻ dạ đài mối thảm mang.
Mình dặn lấy mình, mình lại biết,
Mặc ai chung hưởng phận cao sang.
Ba ông họa bài thi bát cú
của Ðoàn Ngọc Quế dưới đây:
Họa vận
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai,
Trời xanh vội lấp nữ anh tài.
Tình thâm một gánh còn dương thế,
Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.
Ðể thảm xuân đường như ác xế,
Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.
Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai.
Phạm Công Tắc.
***
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai,
Mộ người quốc sắc đấng thiên tài.
Nhìn văn độ phẩm hàng khuê các,
Xót bạn tri âm cõi dạ đài.
Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm trước,
Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
Cửu tuyền hồn Quế linh xin chứng,
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai.
Cao Quỳnh Cư.
***
Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai,
Nông nổi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
Vàng rơi riêng chạnh khách Chương đài.
Những ngờ duyên thắm trao phòng Bích,
Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
Một dải đồng tâm bao thuở nối,
Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai.
Cao Hoài Sang.
Ông Cư hỏi: Ðoàn Ngọc Quế
hồi còn tại thế xứ ở đâu?
Ðáp: ...... Ở Chợ Lớn.
Hỏi: ...... Cô học ở đâu?
Ðáp: ...... Học ở trường
Ðầm.
Bữa sau ông mời ông Phạm
Công Tắc và ông Cao Hoài Sang ra nhà ông xây bàn (xây ghế) đặng mời Ðoàn Ngọc
Quế về dạy làm thi. Ba ông cứ hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế những việc Thượng giới thì
cô cũng khứng giải cho hiểu việc Thiên cơ chút ít, nhờ cô Ðoàn dùng huyền diệu
độ ba ông và bố trí cho ba ông ham việc Thiên cơ hơn trần thế.
Ban ngày làm việc, ba ông
trông mau tối để thỉnh bàn ra trước hàng ba, tắt đèn điện phía trước đặng cầu
hỏi Cô Ðoàn những việc cõi trên, và mỗi đêm mỗi cầu cô về giải nghĩa mấy bài
thi. Khi thì cô giáng, có bữa các Ðấng giáng. (Xin xem tới mấy trang sau, có
bài thi của quí cô và các Ðấng cho, mà có giải nghĩa và dạy nhiều điển tích rất
cao siêu nhiệm mầu).
Ðoàn Ngọc Quế gọi ông Cư
là Anh Cả, ông Phạm Công Tắc là Nhị Ca, ông Cao Hoài Sang là Tam Ca, cô để cô
là em thứ tư (Tứ Muội).
Ý tứ bài thơ của cô Ðoàn
Ngọc Quế lạ thường hay lắm thật là tuyệt bút.
Nhớ lại hồi hạ tuần tháng
7 năm Ất Sửu (1925), ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Ðạo) tính xây
bàn cầu cô Ðoàn về dạy văn thi, ba ông để tay thì dở bàn lên bổng có một ông
giáng, tôi hỏi tên gì, thật rất lạ ... ... xưng là A.Ă. gõ làm một bài thi
dưới đây:
Thi
(Chí Tôn đến xưng
là A.A.Â)
Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.
Ông Phạm Công Tắc nghe dứt
câu liền nói với ông Cư rằng: - Thôi anh, ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá,
sao lại không có tên xưng là A.Ă.Â.
Ông Cư nói với ông Phạm
Công Tắc: - Ậy, em ngồi lại cho qua hỏi, vị nầy không phải tầm thường đâu em.
Ông Cư hỏi: - Ông A.Ă.Â
mấy chục tuổi?
Ông A.Ă. gõ bàn, đếm hoài
không ngưng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi. Liền đó ông Cư ngưng lại
không dám hỏi nữa, và kiếm hiểu ông nầy ở trển chắc lớn lắm.
Từ đó về sau có vị nào
giáng cho thi thì ông cầu ông A.Ă. xin giải nghĩa.
Lối cuối tháng 7 năm Ất
Sửu (1925) ba ông hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế rằng: Em còn có chị em nào nữa biết làm
thi em mời giùm, nói ba anh em qua có lòng ngưỡng mộ học làm thi, xin cầu khẩn
quý cô đến dạy ba anh em qua làm thi. Cô Ðoàn Ngọc Quế trả lời: Có chị Hớn Liên
Bạch, Lục Nương, với Nhứt Nương làm thi hay lắm.
Ba ông rất mừng, nên tính
mời quý cô ngày Rằm Trung Thu, vì là ngày tiết trăng thanh gió mát, ngày ai
cũng thích đi ngoạn cảnh ngắm trăng (chưng cộ đèn).
(1) Cái bàn này hiện nay vẫn còn
giữ kỷ niệm tại Thảo Xá Hiền Cung, hiện giờ là Thánh Thất tại Tỉnh lỵ Tây Ninh.
(2) Trong quyển Ðại Ðạo Truy
Nguyên của cụ Huệ Chương ghi là:
"Bên
màn đòi lúc trêu hồn phách".
(3) Ông Cao Quỳnh Cư vốn quen gọi
cha bằng Thầy.
Phụ lục: Cái bàn kỷ niệm mà ba
ông Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh dùng để XÂY BÀN.
Tích Hội Yến Diêu Trì: Rằm
tháng 8 năm Ất Sửu (dl. 01-09-1925).
TÍCH HỘI YẾN DIÊU TRÌ
Cô Ðoàn Ngọc Quế dạy ba
ông rằng: Ba anh muốn cầu thì ngày đó ba anh phải ăn chay, cầu mới được (ba ông
vâng lệnh cô Ðoàn ngày cầu ba ông ăn chay).
Ngày qua tháng lại tới
ngày Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (Le 1er Septembre 1925). Ngày Rằm lập bàn hương án
chưng những hoa thơm trầm trọn ngày (nhà không tiếp khách nào hết, nhà ở đường
Bourdais 134 Sàigòn, nay là đường Calmette).
Ba ông vọng bàn cầu khẩn
thắp hương thơm từ 10 giờ đêm tới giờ Tý, xông trầm hương thành tâm cầu quý cô
lối năm phút thì có bốn cô giáng cho một bài thơ dưới đây:
Im lìm cây cỏ
vẫn in màu,
Mờ mệt vườn
xuân điểm sắc thu. (1)
Gió dậy xao trời mây cuốn ngọc,
Sương lồng ướt đất liễu đeo châu.
Ngựa vàng ruổi gió thoi đưa sáng,
Thỏ ngọc trau gương đậm vẻ làu.
Non nước đìu hiu xuân vắng chúa,
Nhìn quê cảnh úa giục cơn sầu.
Lục Nương.
(Mối ăn hết ba bài thi).
Ít bữa sau ba ông cầu ông
A.Ă. giải nghĩa câu thi của Lục Nương câu thứ năm và câu thứ sáu:
Ngựa vàng ruổi gió thoi đưa sáng,
Thỏ ngọc trau gương đậm vẻ làu.
A.Ă.Â: Trường quang ánh
sáng mặt trời.
Kim Mã, Ngọc Thố:
Kim Mã: Ngựa vàng là mặt
trời. Ngọc Thố: Thỏ ngọc là mặt trăng.
Thi văn lựa hai thú ấy mà
chỉ mặt trời và mặt trăng, vì hai thú ấy chạy mau, con này rượt con kia, hết
ngày tới đêm, hết đêm tới ngày, chỉ là ngày giờ qua mau rất lẹ.
Thi văn cũng dùng Kim Mã
quá song, chỉ ngày giờ qua rất mau lẹ.
Rút
bài Thuyết Ðạo của Ðức Hộ Pháp
Tại Ðền Thánh, ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Sửu;
Do Kỷ Niệm Vọng Thiên Cầu Ðạo Ngày 27-10 Ất Sửu
Thể Theo Thánh Lệnh Của Ðức Phật Mẫu.
LỄ
HỘI YẾN DIÊU TRÌ KIM MẪU
Hôm nay là ngày kỷ niệm Bí Pháp, Bí Pháp Hội
Yến Diêu Trì, Ðức Chí Tôn đã lập trong nền Chơn Giáo của Ngài. Bần Ðạo
thừa dịp nên thuyết minh cho toàn cả con cái Ðức Chí Tôn hiểu rõ cái huyền vi
bí mật ấy, bởi có ảnh hưởng với cơ quan đạt Ðạo chúng ta tại mặt thế gian nầy.
Hơn nữa Bần Ðạo có phương tiện tỏ ra một đức tin dị thường của một Ðấng yêu ái,
một Ðấng tạo Càn Khôn Võ Trụ, Ðấng tự hữu hằng hữu, Ðấng quyền năng vô tận vô
biên, cốt để cho con cái của Ngài thấu đáo cái thâm tình của Ngài đối với ta và
ta đối với Ngài dường nào.
Ðạt đặng đức tin phi
thường ấy, năm Ất Sửu tức nhiên năm 1925 Ðức Chí Tôn đến với chúng ta, nhưng Ngài
đến với một tình bạn mà thôi, đến với một danh hiệu, giờ phút này Bần Ðạo không
dám nói, Ngài đến cũng làm bạn Thượng Phẩm và Hộ Pháp. Tháng 6 năm ấy Ngài dùng
Cơ Bút huyền diệu của Ngài, Ngài dạy Vọng Thiên Cầu Ðạo (điều mà chúng ta không
thể tưởng tượng đây là một cử chỉ) ai cũng lấy làm lạ, nhiều người muốn tầm Ðạo
phải để một dấu hỏi, hỏi tại sao buổi ấy Thượng Phẩm và Hộ Pháp có một đức tin
vững vàng nghe theo lời Ngài vọng Thiên Bàn Cầu Ðạo. Ðiều mà chúng ta không thể
tưởng tượng, đây là một cử chỉ chung chớ không phải cá nhân Thượng Phẩm hay Hộ
Pháp mà lời giáo huấn của Ngài cốt yếu để cho toàn thể nhân loại nơi mặt địa
cầu này nhứt hơn hết là nòi giống Việt Nam chúng ta.
Bần Ðạo nói đây: Còn có Bà
Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu là người bạn Cao Thượng Phẩm và Bần Ðạo buổi ban sơ
thấu hiểu điều ấy, Ngài đến với một tình cảm đáo để, một đức tin vững vàng làm
sao đâu? Không thể sợ đặng, không còn biết vị kỷ nhục nhã chi hết, giữa khoảng
đường nơi Châu Thành SàiGòn thiên hạ tấp nập, mà Ðức Chí Tôn buộc phải quì
ngoài đường dựa bên lề ấy, quì đặng cầu nguyện xin Ðạo cho chúng sanh, tội
nghiệp thay!!! Ngài thử thách cho đến nước, thảng như mình quì đó mà thiên hạ
không hiểu mình quì làm gì thì cũng ít mắc cở chút mà cũng có thể quì, còn làm
mà người biết thì nhột nhạt khó chịu lắm, nhưng sợ Ðức Chí Tôn phải rán mà làm.
Ngoài ra có ông bạn ai
cũng đều biết là nhà thi sĩ danh tiếng, Bần Ðạo dám chắc nội trong Nam Bộ chúng
ta đây chưa có ai bằng, nỗi danh thi sĩ đứng đầu hết thảy là người ấy, không
biết chứng cớ gì mà người mê thi phú của Ðức Chí Tôn quá chừng quá đổi, đến
nước người thuộc lòng thi phú của Ðức Chí Tôn, rồi người họa lại với Ðức Chí
Tôn, người làm như mê man vậy. Bần Ðạo thì nhột nhạt duy có sợ mà vâng mạng
lịnh thi hành quyền giáo hóa của Ðức Chí Tôn, còn người thi sĩ Bồng Dinh họa
theo đó mà ngâm, thiên hạ thấy tấn tuồng dị hợm tụ lại đông lắm. Trước để một
cái bàn Vọng Thiên Cầu Ðạo ngay chính giữa coi dị hợm lắm, Bần Ðạo mới gát hai
tay lên cho đỡ mắc cở vừa gát lên thì cái bàn quây gõ nói chuyện.
Các Ðấng Thiêng Liêng đến
không biết bao nhiêu, đến các vị Giáo Chủ cũng xuống giảng dạy chúng ta và làm
nhiều kiểu lạ lắm; cũng lúc nầy Ðức Chí Tôn đã giáo hóa khá lâu các Ðấng Thiêng
Liêng cũng đến cùng Thượng Phẩm và Hộ Pháp, tuy mới mà đủ đầu óc có một đức tin
vững vàng, đức tin ấy có thể nói rằng: Tuy buổi ban sơ mà dường như khối óc đã
thâm hiểu nhiều rồi, nên Ðức Chí Tôn mới ra lịnh biểu làm một cái tiệc. Ngài
dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi Ðấng vô hình, đãi 10 người: Ðức Phật Mẫu và Cửu
Vị Tiên Nương. Phần hữu hình có ba người: Thượng Sanh, Thượng Phẩm và Hộ Pháp.
Sắp tiệc ấy do tay Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu vâng mạng lịnh tạo thành một
tiệc, trên bàn thờ Phật Mẫu, ở dưới sắp 9 cái ghế cũng như có người ngồi vậy.
Chén, đủa, muổng, dĩa, bất kỳ cái gì cũng giống như đãi người hữu hình vậy; duy
có ba người xác thịt là Thượng Sanh, Thượng Phẩm, Hộ Pháp. Bần Ðạo mới hỏi tiệc
này là tiệc gì? Ngài nói là Hội Yến Diêu Trì. Bần Ðạo nghe nói vậy thì hay vậy,
chớ không biết giá trị Hội Yến là gì cả. Nghĩ chắc cũng có ảnh hưởng gì cần yếu
đến tương lai của Ðạo mà vâng lịnh thôi, chớ không hiểu nghĩa lý cho cùng cạn
gì hết.
Ba người sống đồng ngồi
ăn, còn Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu gắp đồ ăn để vào chén cho 9 vị và trên
bàn thờ cho Ðức Phật Mẫu cũng như người sống kia vậy.
Bần Ðạo còn nhớ một chuyện
lạ lùng, lúc đó lấy làm kỳ quái không hiểu gì hết, giờ biết Ðạo mới hiểu Ðức
Chí Tôn buổi nọ lấy một tên riêng đối với Bần Ðạo. Bây giờ Bần Ðạo không dám
nói lại, Ngài đến làm bạn cùng Thượng Phẩm và Hộ Pháp.
Chừng Hội Yến Diêu Trì
rồi, các Ðấng Thiêng Liêng và các vị Giáo Chủ ra từ giả (thăng) kế Ðức Chí Tôn
đến nhập cơ.
Thượng Phẩm và Bần Ðạo tọc
mạch hỏi: - Khi nãy Diêu Trì Cung đến có Ngài đến ở đó không?
Ðức Chí Tôn trả lời: - Có
chớ, Ta ở đây từ khi ban sơ đến giờ.
- Ngài có thấy Diêu Trì
Cung đến không?
- Có chớ, Chính mình ta
tiếp đãi!
Cao Thượng Phẩm hỏi: -
Diêu Trì Cung ngó thấy Ngài không?
- Không ngó thấy.
Cao Thượng Phẩm hỏi: - Sao
vậy?
Ngài trả lời: - Ngài dùng
phép ẩn thân.
Bần Ðạo tọc mạch hỏi tiếp:
- Như đứa em của tôi là Thất Nương Diêu Trì có thể đạt Ðạo chăng?
- Ðạt đặng chớ.
Cao Thượng Phẩm hỏi: -
Phải làm sao?
Ngài nói: - Phải tu, bằng
không tu thì chẳng đạt đặng.
Bần Ðạo hỏi: - Tu chừng
bao lâu mới đạt đặng?
Cái đó Ngài
làm thinh.
Bần Ðạo hỏi:
- Một năm? Năm năm? Một ngàn năm? Mười ngàn năm? Một trăm ngàn năm?
Ngài cũng
làm thinh, rồi thôi không hơi sức nào hỏi nữa, không biết chừng nào mới đạt đặng,
nghe vậy hay vậy. Các vị Nữ phái rán nhớ, Diêu Trì Cung, Bần Ðạo có giải nghĩa
Hội Yến Diêu Trì là gì rồi đó.
Toàn Thánh Thể Ðức Chí Tôn
là con cái của Ngài rán để ý cho lắm: Từ khi Ðạo bị bế Ngọc Hư Cung bác luật,
Cực Lạc Thế Giới thì đóng cửa nên chúng sanh toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ có tu mà
thành thì rất ít, bởi phương pháp khó khăn lắm, muốn đạt pháp thì không phải
dễ.
Cổ pháp định cho Chơn hồn
về nơi Diêu Trì Cung, hưởng được Hội Yến Bàn Ðào tức nhiên hưởng được Hội Yến
Diêu Trì, ăn được quả đào Tiên, uống được Tiên tửu mới nhập vô cảnh Thiêng
Liêng Hằng Sống gọi là nhập tịch. Ôi thôi! Từ thử đến giờ có ai đặng hưởng nếu
có đặng hưởng cũng một phần rất ít.
Giờ phút này Ðức Chí Tôn
quyết định tận độ con cái của Ngài, thay vì Bí Pháp ấy độ con cái của Ngài về
nơi Kim Bàn Phật Mẫu đặng hưởng đặc ân thiêng liêng của Ðức Chí Tôn.
Ðức Chí Tôn buộc Phật Mẫu
phải đến tại thế gian nầy để Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì tại cửa Ðạo nầy cho con
cái của Ngài giải thoát, ấy là một Bí Pháp Thiêng Liêng duy có tay Ngài định
pháp ấy mới đặng.
Hôm nay là ngày Phật Mẫu
đem Bí Pháp đặng giải thoát chúng sanh, tận độ toàn vạn linh sanh chúng. Ngài
để tại mặt thế này trong cửa Ðạo này mà thôi.
Hôm nay là ngày lễ của
Ngài mà cũng là ngày trọng hệ trong cửa Ðạo, xin toàn cả con cái của Ngài nhớ
và để nơi tâm mình, bởi thế năm nào Bần Ðạo cũng để ý đến lễ của Ngài hơn hết;
từ tạo Thiên lập Ðịa đến giờ chưa có ai hưởng được thời kỳ nầy. Ngài đến tại
mặt địa cầu 68 nầy đặng tận độ con cái của Ngài.
Chúng ta phải chiêm ngưỡng
ơn vô biên vô tận của Ngài, chúng ta phải chiêm nghiệm lễ nầy để làm mật niệm
cám ơn Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu, ấy là Bí Pháp của chúng ta đó vậy.
Ngày 22-08-1925 (âl. 05-07-Ất Sửu): Bát Nương giáng
làm thi vấn đề "Tiễn biệt tình lang".
Ngày kia ông Cao Hoài Sang
ra đề: "Tiễn biệt tình lang",
ý ông là ra đề thử.
Ngày 5 tháng 7 năm Ất Sửu
(Thứ bảy, 22-8-1925).
Bà Bát Nương giáng làm thi
vấn đề "Tiễn biệt tình lang"
dưới đây:
Thi
Chia gương căn dặn buổi trường đình,
Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.
Bước rẽ ngùi trông cơn ác xế,
Lời trao buồn nhớ lối trăng thinh.
Ngày chờ mây áng ngàn dâu khuất,
Ðêm bặt đèn khuya một bóng nhìn.
Lần lựa cô phòng xuân thỏn mỏn,
Xa xuôi ai thấu nỗi đinh ninh.
Cách đôi ba bữa sau có Quí
Cao giáng hòa nguyên vận bài thi Bát Nương:
Ình ình trống giục thảm trường đình,
Ðau
nỗi chia phôi một chữ tình.
Hồng
nhạn đưa tin trông vắng dạng,
Phụng
lầu gác quyển đợi hòa thinh.
Vừng
trăng xẻ nửa lưng tròng ngó,
Một
mãnh gương treo biếng mắt nhìn.
Kẻ ở
phương trời người góc biển,
Lòng thành nhắn gởi chữ khương ninh.
Quí Cao
(Le 25 Aout 1925)
Ngày 8 tháng 7 năm Ất Sửu.
Ngày
19-12-1925 (âl. 04-11-Ất Sửu): Thần Sơn
Quan Tổng Thống Tông Kim Diệu Võ Tiên Ông thi.
THẦN
SƠN QUAN TỔNG THỐNG TÔNG
KIM DIỆU VÕ TIÊN ÔNG
1 . Âm dương tuy cách cũng Trời chung,
Thấy trái nên đây mới tỏ cùng.
Thắt dạ thuyền xưa không đậu bến,
Ðau lòng hạc cũ chẳng về tùng.
Cúi đầu đành chịu thân trăm tuổi,
Ngước mặt ngơ trông bặt chín từng.
Mạnh yếu há ngồi cam chịu vậy,
Hay chi cá chậu với chim lồng.
2 . Chim
lồng bao thuở lại non xanh,
Ngóng mắt trông vơi chốn thoát mình.
Dựng nước chẳng ai tài tướng lược,
Liều mình thiếu kẻ đáng hùng anh.
Vầy thuyền chi sợ cơn giông tố,
Hiệp chủng còn hơn cuộc chiến tranh.
Thìn dạ chờ châu về hiệp phố,
Nơi mình sự nghiệp mới tan tành.
3 . Tan tành nhớ đến gánh giang san,
Lòn cúi thương
dân lắm buộc ràng.
Phú quí mồi câu con hạc lánh,
Ðỉnh chung gió thổi đám mây tàn.
Ðợi thời toan mượn cần câu Lữ,
Dựng nghiệp tua chờ mặt lưới Thang.
Ly loạn gặp thời đời muốn chán,
Công danh phủi sạch hưởng thanh nhàn.
4 . Thanh
nhàn ngày tháng lại Tiên gia,
Trị loạn hằng xem thế nước nhà.
Bể hoạn dập dồi thương bấy trẻ,
Thành sầu chất chứa cám cho gia,
Bạc đầu non chịu lằn sương nhuộm,
Nhăn mặt nước chờ trận gió qua.
Thân ái mối dây tua nắm chặt,
Chít chiu ấy cũng một bầy gà.
5 . Bầy
gà mất mẹ kiếm bơ vơ,
Yếu đuối biết ai để cậy nhờ.
Nắng hạn trông mưa trông mắt mỏi,
Ðắng cay mộ nước một lòng chờ.
Ngoài khua tiếng giặc trong khua nịnh,
Võ thiếu binh nhung quốc thiếu cờ.
Trí chúa tôi hiền không gặp chúa,
Nào người gánh nổi mối xa thơ.
19-12-1925.
6 . Xa thơ hầu
ngã nước nhà nghiêng,
Ai giữ phong cương đặng vững bền.
Ðắp lũy Cổ Loa chưa mấy mặt,
Lấp Hồ Hoàn Kiếm bấy nhiêu tên.
Thăng Long bao thuở nâng hùng khí,
Gia Ðịnh từ nhiên chấp ấn quyền.
Sông núi dật dờ chờ tạo khách,
Hóa Công nên núi Ðạo nên thiền.
7 . Nên
thiền khi trước lập công danh,
Chín bệ xem qua chẳng trí quân.
Ích nước xủ tay khoe đẹp áo,
Lợi nhà vỗ bụng dưỡng tròn thân.
Nam Giao vắng vẻ đường cung kiếm,
Văn Hiến khô khan ngọn bút thần.
Danh vọng ru hồn quên thổ võ,
Thẹn nòi bộc lại mộ đai cân.
8 . Ðai
cân đã có vẻ chi chưa,
Hay phận tù lao kiếp sống thừa.
Dập đất gập ghình chôn trẻ dại,
Ngừa thời điên đảo trí già xưa.
Ngồi hang thương kẻ mang da chó,
Ngự điện ghét quân đội lốt lừa.
Cái nhục giống nòi kia chẳng rửa.
Xoi hang mạch nước ý chưa vừa.
9 . Chưa
vừa mộng mị với tây tà,
Dụ xác vong hồn dựa phách ma.
Tiêu hủy thân cây lằn lửa táp,
Tan tành hình nộm trận giông qua.
Rước voi phá mã đào lăng miếu,
Thả rắn xua ong nhiểu điện tà.
Ðổ lụy hỏi người sao chẳng nhớ,
Ngọn rau tấc đất nước nhà ta.
10 . Nước
nhà ta có tiếng anh phong,
Vẻ đẹp trời Ðông sắc Lạc Hồng.
Nam Hải trổ nhiều tay Thánh đức,
Giao Châu sanh lắm mặt Anh hùng.
Tinh trung lửa thét thành Bình Ðịnh,
Khí liệt gươm đề tỉnh Quảng Ðông.
Văn Hiến bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công.
Ngày 31-08-1925 (âl. 14-07-Ất Sửu): Nhàn Âm Ðạo
Trưởng thi.
Ngày 14 tháng 7 năm Ất Sửu (31 Aôut 1925)
NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG
Thi
Rừng tòng ngày tháng thú quen chừng,
Nhướng mắt dòm coi thế chuyển luân.
Rượu cúc một bầu trăng gió hứng,
Non sông dạo khắp lối đêm xuân.
CAO XUÂN LỘC
Giáng họa nguyên
vận bài thư trên:
Sống thác từ xưa đã có chừng,
Nơi trần mãn tính trọn nhơn luân.
Ðò đưa phút chịu vùi ba tấc,
Tay trắng phủi rồi một tuổi xuân.
Ngày 15 tháng 7 năm Ất Sửu (01-09-1925).
CAO
QUỲNH CƯ
Họa
nguyên vận hai bài thi trên:
Cõi
thọ là đâu khó độ chừng,
Ẩn
tàng lội lạc bậc kinh luân.
Buổi
già ước đặng đem thân gởi,
Biển Thánh rán dò lúc tuổi xuân.
Tháng
09-1925 (âl. tháng 08-Ất Sửu): Lục Nương
& Thất Nương thi.
LỤC NƯƠNG làm thi hai câu,
còn sáu câu nhượng cho ba ông làm:
Lục Nương: Trót đã đa mang cái nợ đời,
Gánh đời nặng lắm khách đời ơi!
Cao Quỳnh Cư: Oằn vai
Thần đạo non sông vác,
Chịu kiếp trần ai
gió bụi vùi.
Phạm Công Tắc: Thương
hải tang điền xem lắm lúc,
Công danh phú quý nhắm trò chơi.
Cao Hoài Sang: Ở đời
mới hẳn rằng đời khó,
Khó một đôi năm dễ khó đời.
Lục Nương: Ở thế sao chê tiếng thế buồn,
Buồn vui hai lẽ lấy chi đong.
Cao Quỳnh Cư: Cân đai
tuế nguyệt trêu hồn bướm,
Tên tuổi phong ba lắm bụi hồng.
Phạm Công Tắc: Chiếc
bách dập dồn dòng Bích Thủy,
Phồn hoa mờ mệt giấc Huỳnh Lương.
Cao Hoài Sang: Bờ dương
chừ đặng phong trần rảnh,
Quảy gánh thơ đàn dạo bốn phương.
THẤT NƯƠNG
Lừa dịp đình chơn viếng cố nhân,
Cảm tình trông đợi dạ ân cần.
Chầy ngày tuy chẳng thăm nhau đặng,
Mà tấm lòng kia vẫn luống gần.
Ngày
22 tháng 8 Ất Sửu (8-9-1925).
Ngày
20-10-1925 (âl. 03-09-Ất Sửu): Huyền diệu của ông A.Ă.Â, cũng là Thiêng Liêng
thử ba ông coi có thương ông A.Ă.Â
không.
Ðộ tháng 9 năm Ất Sửu, ông
A.Ă. giáng hỏi với ba ông như vầy:
- Tôi nói lộ Thiên Cơ,
trên Ngọc Hư bắt tội, xin Tam vị Ðạo Hữu cầu trên Ngọc Hư Cung tha tội tôi, nếu
không lo cầu giùm thì tôi sẽ bị phạt.
Hộ Pháp, Thượng Phẩm,
Thượng Sanh rất lo lắng. Ba ông vọng bàn Hương Án cầu Diêu Trì Cung. Ðức Cao
Thượng Phẩm có đặt một bài thi rồi đọc trước bàn Hương Án như vầy: (1)
Vái van xin quí Cửu Thiên Nương,
Tâu với Ngọc Hư tỏ ngọn nguồn.
Vì nghĩa ...... mang trọng tội,
Nghĩ tình đồng Ðạo để tình thương.
20-10-1925.
(Mồng 3 tháng 9 Ất
Sửu)
(1) Xem huyền diệu ông A. Ă.Â
cũng là Thiêng Liêng thử ba ông coi có thương ông A.Ă. không.
Ngày 18-10-1925 (âl. 01-09-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn tá
danh A.Ă. giải nghĩa: "Người
trước nghĩ thương cơn tuyết nhuộm, Lũ sau buồn chạnh nỗi sương pha."
Ngày 01 tháng 09 năm Ất Sửu (18 Octobre 1925).
Có ông Thổ Ðịa Tài Thần
giáng gõ bàn cho bài thi. Tôi rút hai câu của Thổ Ðịa Tài Thần, cầu A.Ă. giải
nghĩa cho hiểu:
Người trước nghĩ thương cơn tuyết nhuộm,
Lũ sau buồn chạnh nỗi sương pha.
A.Ă. giải nghĩa: (Ông
A.Ă. giải nghĩa cao kỳ lắm).
Có câu: Mã bì tuyết thể,
nghĩa là da ngựa tuyết thân, chính là trang tài tướng chinh chiến một mình, da
ngựa bọc thân tuyết sương đắp thể. Tỏ là đời ly loạn có câu tục ngữ nói: Gối
vác nằm sương, chỉ là thân chịu nhọc nhằn cực khổ. Câu thi trên sửa lại như vầy
thì nhằm điển văn hơn.
A.Ă. sửa lại hai câu của
Thổ Ðịa Tài Thần:
"Thân
trẻ phải cơn sương gối ướt,
Thương già gặp buổi tuyết thân pha".
Tuyết thân pha: Pha nghĩa
là hòa lộn, chịu lạnh lùng đến đổi thân với tuyết cũng lạnh như nhau.
Phụ ghi: Nguyên bản chánh in là Ngày 25
tháng 9 năm Ất Sửu (18 Octobre 1925), đối chiếu với LỊCH THẾ KỶ XX (1901 -2000)
Ấn bản năm 1976, nhà xuất bản PHỔ THÔNG - HÀ NỘI ghi Ngày 18 Octobre 1925 ngày
âm lịch là 01-9-Ất Sửu.
Ngày 20-10-1925 (âl. 03-09-Ất Sửu) 12 giờ khuya:
Cửu Thiên Huyền Nữ dạy đạo.
CỬU
THIÊN HUYỀN NỮ
Thiếp chào Tam vị
Ðạo Hữu.
Phải tu tâm dưỡng tánh, phòng ngày sau đặng qui vị.
(12 giờ khuya ngày
20-10-1925).
Ngày 14-11-1925 (âl. 28-09-Ất Sửu): Nhàn Âm Ðạo
Trưởng thi.
Le 14-11-1925.
NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG:
Thi họa vừa khi bước hứng nhàn,
Vòng trần luân chuyển luống lo toan.
Cày mây cuốc nguyệt chờ Thang Võ,
Rằng biết cho dân chịu buộc ràng.
1 . Buộc ràng túng tiếu cõi
Nam Châu,
Trị loạn vần xây cuộc bể dâu.
Phép nước đòi cơn mây gió thảm,
Nghiệp nhà lắm lúc nước non sầu.
Thương người để dấu noi người trước,
Hiệp chủng làm gương dắt lũ sau.
Cá chậu chim lồng chi dễ chịu,
Rừng xưa bến cũ thảnh thơi đâu?
2 . Thảnh thơi đâu buổi nước
non nhà,
Nam đảnh hầu xem trận gió qua.
Ứa mặt ướm nâng nền thổ võ,
Bền lòng chờ đợi bến sơn hà.
Dập dồi bể hoạn thương bầy trẻ,
Lắc lỡ thuyền du hổ phận già.
Cũng muốn lẫy lừng xây thế cuộc,
Vòng trần ngặt đã bước chân ra.
3 . Bước chân ra nghĩ ngậm
ngùi thay,
Nỗi ước nhiều phen khó cạn bày.
Rừng trước tuy vui chung rượu thắm,
Ơn xưa đâu lợt tấm lòng ngay.
Rèn tâm khá nắm dây thân ái,
Giữ dạ đừng quên mối cảm hoài.
Biển khổ mang bầu chờ tế độ,
Giựt giành chi khỏi trả rồi vay.
4 . Trả rồi vay tua vẹn lòng son,
Bia cũ gương trung dấu vẫn còn.
Ðội mão khỉ ngồi non hớn hở,
Lìa rừng cọp ngóng biển thon von.
Nào khi đất Việt trời ngang dọc,
Chừ lúc vùng Nam phận cúi lòn.
Xương thịt cũng đồng nhân loại thế,
Dày bừa há chẳng hổ sông non?
5 . Non sầu cỏ nhuộm đã phơi
sương,
Thành cũ đường xưa cảnh để buồn.
Vạc ngả người đày trâu ngựa kéo,
Gia tàn yến rủ gió mưa tuông.
Vật còn biết mến ngày thong thả,
Mình há đâu quên chỗ cội nguồn.
Vầy hiệp đồng tâm liên ái kết,
Cường quyền sức mọn dễ chi sờn.
6 . Chi sờn máu thịt mảnh thân
phàm,
Danh lợi mồi câu nhử tánh tham.
Ví biết trọng mình nhà nước trọng,
Ðừng quên tham nhục giống nòi Nam.
Non sông chẳng đổi theo lời nói,
Cơ nghiệp dầu thay bởi sức làm.
Un đúc lòng thành chờ máy Tạo,
Có ngày khuấy nước chọc trời Nam.
7 . Trời Nam vừa thọ ánh dương
quang,
Cương tỏa tiêu tan thấy cảnh nhàn.
Vần vũ suối bờ Thần tiếp Thánh,
Ồ ào Bến Nghé quỉ xô quân.
Hồn trung vì nước hơi vừa tỉnh,
Mắt trí xem dân đã quá làn.
Hồng Lạc giống nòi dầu thoát ách,
Là hai
mươi triệu kẻ đồng gan.
8 . Ðồng gan mới biết đặng
đồng tình,
Biết máu thịt mình mới biết binh.
Lợi lộc của nhà thì cứ lấy,
Thế quyền trong nước há ngồi xin.
Trống gông nô lệ sao ham muốn?
Hình bóng quan viên xúm giựt giành.
Lịch sử chép biên bao vẻ đẹp,
Ai từng đem nhục đổi làm vinh.
9 . Làm vinh nghĩ chẳng thẹn non
sông,
Chín suối ông cha nhẫng tủi thầm.
Buồn thấy giống Hồng thây chúng xẻ,
Thảm xem giòng Lạc thịt người bầm.
Biên cương buổi nọ Tàu lui gót,
Chín bệ ngày nay quỉ nhảy đầm.
Rút vỏ gươm linh ta quyết một,
Chẳng bao kẻ nghịch đặng ăn nằm.
10 . Ăn nằm nín nẳm đợi Chơn Quân,
Ta quyết sẽ cho kẻ hạ trần.
Nắm mối xa thơ ra sức gánh,
Thâu giềng xã tắc sửa đầu cân.
Thái bình trăm họ nhìn chơn Chúa,
Thạnh trị ba châu trổ trí Thần.
Ðộc lập gần ngày vui sắp đến,
Bỏ cơn đất Việt chịu tam phân.
Ngày 15-12-1925 (âl.
30-10-Ất Sửu): Quí Cao hòa nguyên vận bài thi của Thuần Ðức.
THUẦN ÐỨC xướng (Tự là ông
Bảo Pháp)
Mấy năm rồi cũng phủi tay không,
Ðường thế chiêm bao một giấc nồng.
Nặng nghiệp phong trần buồn với phận,
Lo bề trung hiếu thẹn cho lòng.
Trời cao chưa
phỉ tình mây bạc,
Ðất túng càng khinh chốn chậu lồng.
Chờ gặp cố nhân lời dám hỏi,
Hỏi ra cho biết vận cùng thông?
QUÍ CAO hòa nguyên vận bài thi trên:
Một tiếng U Minh gióng cửa không,
Phồn hoa giục tỉnh giấc đương nồng.
Ngồi thuyền Bác Nhã qua tình biển,
Mượn nước nhành
dương rưới lửa lòng.
Cuộc thế lạnh lùng làn gió lọt,
Ðường đời ngán ngẩm
bụi trần lồng.
Kiếp tu xưa tiếc chưa nên Ðạo,
Oan trái phủi rồi phép Phật thông.
15-12-1925.
A.Ă. giải nghĩa hai câu
thơ của Quí Cao:
Ngồi thuyền Bác Nhã qua tình biển,
Mượn nước nhành dương rưới lửa lòng.
Bác Nhã Ma La Phật là Phật
độ vong hồn qua khỏi biển khổ đặng đến Tây Phương, vì trước khi đến Tây Phương
phải qua một cái biển khổ.
Biển tình: Tình là oan
oan, oan oan là khổ. Biển tình là biển khổ.
Phồn hoa: Phồn nghĩa là
trong vòng; hoa nghĩa là sắc dục. Phồn hoa nghĩa là trong vòng sắc dục. Giấc
phồn hoa là giấc phàm.


Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét