Ðạo Sử Xây Bàn - 2 / 16 (Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu)


Năm 1925 (âl. Ất Sửu): Ðức Chí Tôn tá danh A.Ă. thu phục ông Nguyễn Trung Hậu (Ngài Bảo Pháp) & ông Lê Thế Vĩnh (Ngài Tiếp Thế).

Năm 1925, ông Nguyễn Trung Hậu nghe đồn ông Tắc, ông Cư, ông Sang xây bàn có vong về cho thi hay lắm, đồn tới tai ông,
bữa nọ ông Nguyễn Trung Hậu đến nhà ông Cao Quỳnh Cư, ý ông muốn thử xem coi thiệt giả.

Ông đến đó hầu đàn, ông A.Ă. giáng gõ bàn cho ông Nguyễn Trung Hậu bài thi dưới đây:
Thi
Thuần văn chất Ðức tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Ðến hồi búa Việt giục cờ Mao.

Không ai biết cái biệt hiệu của ông Nguyễn Trung Hậu là Thuần Ðức, cho nên ông mới chịu nhập môn.

Ông Cao Quỳnh Cư cầu ông A.Ă. giải nghĩa: Cờ Mao búa Việt là vật binh quyền của Hiên Viên Huỳnh Ðế ban cho Trấn chư Hầu đặng quyền chinh phạt. Ngũ Ðế Thương Châu còn dùng:
Ðáng phạt thì phát cờ Mao,
Ðáng giết thì ban búa Việt.

- Cờ Mao: thì màu hồng, trên lá cờ có đề bốn chữ "Mao trừ loạn tặc".

- Búa Việt: trên lưỡi có khắc bốn chữ "Việt sát phản thần".

Bữa nọ ông Kiên và ông Vĩnh (là Tiếp Thế Vĩnh) làm việc nhà báo năm Ất Sửu 1925, ông A.Ă. cho hai ông một bài thi dưới đây:
Thi
Một viết với thân giữa diễn đàn,
Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
Nước nhà ví biết thân là trọng,
Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.
                                                                                     12-11-1925.

Ngày 13-11-1925 (âl. 27-09-Ất Sửu): Quí Cao xướng thi & Bát Nương thi & A.Ă. giải nghĩa: "Niếp Tử Xe Châu"

               QUÍ CAO (xướng):
Thương nhau nhớ lúc xướng thơ hòa,
Sinh tịch đôi đàng phải cách xa.
Chén rượu đồng tâm nghiêng ngửa đổ,
Biệt ly nầy trách bấy Trời già.

               THUẦN ÐỨC (họa) Quí Cao:
Ðêm khuya tịch mịch gió thu hòa,
Chạnh nghĩa kim bằng dạ xót xa.
Ðạo lý những mong vầy một cửa,
Ngừa đâu rời rã buổi chưa già.

               CAO QUỲNH CƯ (họa) Quí Cao:
Mừng bạn hôm nay đặng hiệp hòa,
Âm dương đường gẫm chẳng bao xa.
Nhìn văn mà chẳng trông hình dạng,
Gặp mặt còn mong đợi tuổi già.

               BÁT NƯƠNG:
Ðộng đình chạnh lúc tạm chia đường,
Bốn giọt nhìn nhau lối rẽ cương.
Trời thảm mây giăng muôn cụm ủ,
Biển sầu nước nhuộm một màu thương.
Cờ Thần nhớ buổi vầy đôi bạn,
Tiệc Ngọc nào khi hội nhứt trường.
Mượn vận lương nhân xin nhắn nhủ,
Vườn xưa tiếng nhạn luống kêu sương.

   A.Ă.Â
   Giải nghĩa: "Niếp Tử Xe Châu"
- Niếp Tử: Niếp là rương đựng sách. Tử là thầy Ðức Khổng Tử.

Niếp Tử: Là rương đựng sách của Ðức Khổng Tử, sau Tần Thỉ Hoàng đốt sách chôn học trò, nghĩa là chôn rương sách của Ðức Khổng Tử, tức chôn Ðạo Nho.
Niếp Tử dùng mà chỉ cài hòm để chôn người đạo đức, văn chương tài tình.

- Xe Châu: Nghĩa là nhà vàng, tỷ như xe Châu Võ Vương Cơ Phát dùng mà đi phạt Trụ đặng thâu thiên hạ, nghĩa là sự giàu sang phú quí chi cũng đựng trong xe ấy mà thôi.
Xe Châu là xe đựng sự giàu sang phú quí của kiếp con người.

Ngày 27-11-1925 (âl. 12-10-Ất Sửu): Quí Cao, Thất Nương thi văn.

                          QUÍ CAO:
Tử sanh dĩ định tự Thiên kỳ,
Tái ngộ đồng hoan hội nhất chi.
Bắc Ngụy quan vân tâm mộ hữu,
Giang Ðông khán thụ lụy triêm y.
                                                                                     Ngày 28 tháng 11 năm1925.

               THẤT NƯƠNG (giải nghĩa hai câu chót):
Bắc Ngụy quan vân tâm mộ hữu,
Giang Ðông khán thụ lụy triêm y.

Khi Như Hoành ở Bắc Ngụy đi thuyết chiến bên Giang Ðông gặp Bạch Hàm thì tâm đầu ý hiệp, kết làm anh em.
Khi Như Hoành về Ngụy thì anh em khó phân tay.
Như Hoành than rằng: "Bắc Ngụy văn thiên thụ".
Bạch Hàm than rằng: "Giang Ðông nhất mộ vân".

Nghĩa là: Ngó Bắc Ngụy nghe ngàn cây đưa tiếng bạn. Nhìn Giang Ðông thấy khóm mây vẽ hình anh.

Ngày 24-11-1925 (âl. 09-10-Ất Sửu): Thất Nương giải nghĩa: "Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn" & Thất Nương giải nghĩa: "Trải bao thỏ lặn ác tà" & Lục Nương thi & A.Ă. thi.
   THẤT NƯƠNG
   Giải nghĩa: "Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn"

Là phụng ngậm chiếc chiếu về bờ dương. Dương là đại thọ. Ðạo Ðức Chơn Kinh có câu: Dương vô trần nhiểm, đạo giả như dương. Kinh Phật có câu: Dương thủy năng hủy tam đồ khổ hải chi tội.

Dương bạn: là bờ dương, là nền đạo đức.
Chim phụng ngậm chiếc chiếu về bờ dương, nghĩa là Phụng liễn của Tây Vương Mẫu đòi về nền đạo đức. 24-11-1925.
Báo Ân Từ - Đến thờ Phật Mẫu tại nội ơ Tòa Thánh.

   THẤT NƯƠNG
   Giải nghĩa: "Trải bao thỏ lặn ác tà"

Ngôn Ðường Thi có câu: Nha phi Ðông Hải chí Tây Sơn nhứt nhựt trường.

Con chim ác bay về biển Ðông tới núi Tây thì giáp một ngày. Mượn điển văn ấy mà chỉ rằng: Mặt Trời sớm mai mọc tại hướng Ðông, chiều lặn về hướng Tây. Khuất bóng ác tức khuất bóng mặt Trời, thì qua một ngày.
"Vừng ô" không có điển văn.
Thi văn có câu: "Ô Thước qui sơn". Quạ bay về núi.

Ðã biết rằng, hễ chiều thì biết bao nhiêu loài chim bay về núi, song đem quạ mà chỉ rằng chiều tối thì phải hơn, vì quạ đen lông đen cánh.

               LỤC NƯƠNG:
Chanh ranh vạn thế ở trong vòng,
Giành giựt lẫn nhau miếng đỉnh chung.
Khanh Tể sao bằng tên Ðạo Sĩ,
Hết đời ai giữ chức làm ông.

                          A.Ă.Â:
Người hứng trăng thanh kẻ bụi vùi,
Âm dương cách trở chẳng cùng vui.
Hạc mây đã khỏi lâm trần cấu,
Cõi tục thương người xúc dạ tôi.

Ngày 15-12-1925 (âl. 30-10-Ất Sửu): Bồng Dinh xướng thi & Lục Nương họa.

               BỒNG DINH (xướng):
Dã Tràng ai dễ xét công đâu?
Bãi biển thường xe cát lấp đầu.
Xúc cát trải bao cơn sóng lượn,
Nhăn mày cười bởn khúc sông sâu.
Biết không nên việc nơi Trời nước,
Nào có nao lòng cuộc bể dâu?
Nhiều ít có danh trên võ trụ,
Kẻo mà thẹn với mấy bầy trâu.
                                                                                     Lão Bồng
                                                                                     15-12-1925 (30-10-Ất Sửu).

               LỤC NƯƠNG (họa):
Công Dã Tràng công cán để đâu,
Muốn ngăn sóng cả khỏa ngang đầu.
Ðất vò nên lọn xây thành lở,
Nước dập tuông bờ lở giạu dâu.
Ðấp biển vì lo bờ biển lở,
Moi sông bởi muốn ngọn sông sâu.
Nên hư trối mặc đời phi thị,
Lam lụ buồn cười bấy lũ trâu.

Ngày 16-12-1925 (âl. 01-11-Ất Sửu): Vọng Thiên Cầu Ðạo.

VỌNG THIÊN CẦU ÐẠO

Ngày 27-10-Ất Sửu Bà Cửu Thiên Huyền Nữ giáng mách bảo rằng: Mùng một nầy, tam vị Ðạo Hữu Vọng Thiên Cầu Ðạo (1)
Bà thăng rồi ba ông hợp nhau bàn giải không hiểu cầu Ðạo là gì mà Bà dạy, để cầu hỏi mấy em.
Ngày sau ba ông cầu Thất Nương hỏi: - Thất Nương dạy dùm cầu Ðạo là gì?
Thất Nương nói: - Không phải phận sự của em, xin hỏi ông A.Ă.Â.
Ngày sau nữa, có các Ðấng giáng về ba ông hỏi thì các Ðấng cũng nói: Không phải phận sự của tôi xin hỏi ông A.Ă.Â
1927. Rồi một năm, có tiếng gọi cấp thiết của Đức Chí Tôn ngay trên giải non sông nu-èớc Việt Nam, và Đạo Cao Đài bừng nở, Ngọc Chi của Thiêng Liêng đã được truyền xuống cùng nhân thế trong ngôi đền Thánh thanh bần. (Toà Thánh cát tạm năm 1927).

Ngày 30 tháng 10 năm Ất Sửu (15-12-1925) ông A.Ă. giáng dạy rằng: - Ngày mùng 1 tháng 11 nầy (16-12-1925), tam vị phải Vọng Thiên Cầu Ðạo. Tắm gội cho tinh khiết ra quỳ giữa Trời cầm chín cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là:
               Cao Quỳnh Cư,
               Phạm Công Tắc,
               Cao Hoài Sang.

Vọng bái Cao Ðài Thượng Ðế, ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.

Sớm mai ngày mùng Một, ông Cao Quỳnh Cư đi mượn Ðại Ngọc Cơ của ông Tý ở ngang nhà (cũng ở đường Bourdais).

Nhớ lời ông A.Ă. dạy, ba ông quỳ ngoài sân sắp đặt có một cái bàn nhỏ, quỳ chống tay trên bàn, cầm 9 cây nhang vái:
   Ba tôi là:
               Cao Quỳnh Cư,
               Phạm Công Tắc,
               Cao Hoài Sang.

Vọng bái Cao Ðài Thượng Ðế, ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh. Ba ông cứ tịnh tâm mặc niệm vái như lời ông A.Ă. dạy, không nhớ tới cái vụ quỳ ngoài đường có kẻ qua người lại dập dìu, lớp thì xe cộ họ đi chơi, đi coi hát về, họ dừng chân lại coi ba ông nầy cúng vái ai mà quỳ ngoài sân cỏ như vậy.

Ai coi mặc ai ba ông cứ quỳ đó cầu khẩn van vái cho tàn hết 9 cây nhang, bổng đâu có anh Bồng Dinh đến vịn cái bàn chỗ ba ông đương quỳ mà ngâm thi, thiên hạ đi đường nghe ảnh ngâm nên xúm lại coi. Cúng cầu khẩn xong rồi, vô nhà kế tới giờ Vọng Thiên Cầu Ðạo (cũng đêm 16-12-1925).

Ðức Cao Ðài giáng viết chữ Nho; ba ông không hiểu chữ Nho, nên khi Ðức Cao Ðài thăng rồi thì ba ông thỉnh cái bàn ra mời ông A.Ă. Ðại Tiên xin giảng nghĩa bài thi tứ cú của ông Cao Ðài trên đây.

Ông A.Ă. nói: - Cao Ðài Thượng Ðế ý nói nhị ... phải nghĩ cho thấu, ông A.Ă. cho bài thi cũng trong giờ nầy:
Cứ níu theo phan Ðức Thượng Hoàng,
Tự nhiên tu tánh đặng bình an.
Nguyệt hoa căn tội tua xa lánh,
Vịn lấy nhành dương hưởng Ðạo nhàn.

(1) Ngày Vọng Thiên Cầu Ðạo là sắp vô đề mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Các Ðấng dìu dắt ba ông lần lần, nghĩa là ba ông mới nhập trường Ðạo.

Từ ngày 06-12-1925 đến 23-12-1925 (âl. tháng 10 & tháng 11 Ất Sửu): Thi văn dạy Ðạo của Ðức Chí Tôn tá danh A.Ă. và các Ðấng.

A.Ă. (họa Bồng Dinh):
Nhớ tình nhả ngọc với gieo vàng,
Bồng đảo trần gian cách trở đàng.
U hiển không từ nhơn nghĩa cũ,
Gặp nhau xin phó bóng thiều quang.
                                                  6-12-1925.

Nước trí non nhân hứng Ðạo thoàn,
Một bầu nhựt nguyệt nỗi mênh mang.
Ðờn tòng réo rắt gieo hơi oán,
Nhạc suối ro re trỗi khúc xang.
Chim nước chào người bay rộn rực,
Cây che tiếp khách bước an nhàn.
Dừng chơn ngó lại miền nhơn sự,
Thương kẻ lo đời chẳng rảnh rang.
                                                  7-12-1925.

Vịnh Mai
Mai là cốt cách liễu tinh thần,
Thi thiệt hồn mai tuyết ấy trần.
Mai tuyết không thi mai tuyết não,
Thi không mai tuyết thế không xuân.
                                                  14-12-1925.

Cũng đồng địa vị cũng đồng đường,
Hứng tuyết tìm mai dưới giọt sương.
Mai tuyết hiệp đôi mai tuyết đẹp,
Tuyết giành trong sạch mai giành hương.
                                                  14-12-1925.

Nhơn vô tùng thế tắc tùng thiên,
Ưu lự trần gian ý vị nhiên.
Mạc hối tiền trình căn dĩ định,
Tự nhiên dĩ hậu phản như tiền.
                                                  14-12-1925.

MINH NGUYỆT TIÊN ÔNG
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức một cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
                                      19-12-1925.

A.Ă.Â.
Mừng thay gặp gỡ Ðạo Cao Ðài,
Bởi đức ngày xưa có buổi nay.
Rộng mở cửa răn năng cứu chuộc,
Gìn lòng tu tánh chớ đơn sai.

Có cơ có thế có tinh thần,
Từ đấy Thần Tiên dễ đặng gần.
Dưỡng tánh tu tâm tua gắng sức,
Ngày sau toại hưởng trọn Thiên ân.
                                                  20-12-1925.

BÀ THIÊN HẬU (Cho ông Cao Quỳnh Cư)
Hỏi số từ thân sẽ thế nào?
Tám mươi gần mãn số Thiên Tào.
Cháu con sum hội yên thân lão,
Sung túc dài dòng dõi họ Cao.
                                      22-12-1925.

THẤT NƯƠNG
Ðã cùng nhau trót mấy lời giao,
Cách mặt mà lòng chẳng lảng xao.
Ðàng Ðạo càng đi càng vững bước,
Cõi Thiên sau ắt hội cùng nhau.
                                      22-12-1925.

Một nhà vầy hội rất mừng thay,
Ðạo Thánh từ đây đặng vẹn ngay.
Một bước một đi đường một tới,
Lòng thành xin trọng thấu Cao Ðài.
                                      22-12-1925.

LỤC NƯƠNG
Từ khi hiệp mặt buổi Trung Thu,
Cảm tình nhìn biết đứa em ngu.
Một chung háo nghĩa bằng vàng nén,
Phòng sau hội ngộ chỉ đường tu.
                                      23-12-1925.

Cha chả hèn lâu chẳng viếng thăm,
E chư huynh trưởng trách em thầm.
Tuy cách xa mặt lòng không cách,
Buồn dở thơ hòa đọc lại ngâm.
                                      23-12-1925.

BẠCH NHẪN ÐẠI TIÊN
Ngọc Cung gìn giữ động Ðình Tuyền,
Ðại Ðế ban ơn chưởng trọn quyền.
Tam Giáo lành khen cùng ác trị,
Dạy đời biết trọng lấy ân Thiên.
                                      23-12-1925.

BÁT NƯƠNG
Lửa lòng rưới tắt mượn nhành dương,
Vì nghĩa sơ giao phải đến thường.
Còn gánh đồ thơ tua vẹn giữ,
Dứt dây oan trái chớ riêng thương.
                                      23-12-1925

Mừng nay Thanh Thủy giải dây oan,
Ðường Ðạo từ đây bước vững vàng.
Tình ái nhành dương đem rưới tắt,
Nắm tay dìu lại cõi Tiên bang.

   HUỆ MẠNG TRƯỜNG PHAN
   (Là ông Thầy Chùa nhỏ trong núi Ðiện Bà).
Trước ước cùng nhau sẽ hiệp vầy,
Nào dè có đặng buổi hôm nay.
Gìn lòng tu niệm cho bền chí,
Bồng Ðảo ngày nay đặng hiệp vầy.
                                                  23-12-1925.

Tây Ninh tu luyện động Linh Sơn,
Chẳng quản mùi trần thiệt với hơn.
Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,
Công hầu vương bá dám đâu hơn.
                                                  23-12-1925.

Ngày 25-12-1925 (âl 10-11-Ất Sửu): Thi văn dạy Ðạo của Ðức Chí Tôn tá danh A.Ă. và các Ðấng.
25-12-1925 Noel

A.Ă.Â
Cao Ðài đã hiểu lòng của ba đệ tử: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang.

Ngài đã ban đầy ơn cho mỗi người, đêm nay phải vui mừng vì là ngày của Thượng Ðế xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).

Ta rất vui lòng đặng thấy ba đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa. (Cúng tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, đường Bourdais, số 134 Sài Gòn).

A.Ă.Â
Trước vốn thương sau cũng thương,
Một lòng nhơn đức giữ cho thường.
Trông ơn Thượng Ðế tuông rời rộng,
Sum họp ngày sau cũng một trường.

HỚN THỌ ÐÌNH HẦU
Tiết nghĩa trung cang Hớn đảnh xây,
Phò Lưu dựng Thục một lòng ngay.
Kinh Châu thất thủ nơi Thiên định,
Khiến Hớn vận suy mới đổi thay.
                                                  25-12-1925.

A.Ă.Â
Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Thầy khuyên trước một giờ nầy, phải cầu nguyện cùng Ngài và nên coi là ngày vui mừng.

LÝ BẠCH (Noel 1925)
Ðường trào hạ thế hưởng tam quan,
Chẳng vị công khanh chỉ hưởng nhàn.
Ly rượu trăm thi đời vẫn nhắc,
Tánh Tiên muôn kiếp vốn chưa tàn.
Một bầu phong nguyệt say ngơ ngáo,
Ðầy túi thơ văn đổ chứa chan.
Bồng Ðảo còn mơ khi bút múa,
Tả lòng thế sự vẽ giang san.

ÐỒ MỤC TIÊN (họa Lý Bạch)
Chẳng kể công khanh bỏ ấn quan,
Bồng Lai vui Ðạo hưởng an nhàn.
Thi Thần vui hứng ngoài rừng trước,
Rượu Thánh buồn say dưới cội tàn.
Nồng hạ trời thương đưa gió quạt,
Nắng thu đất cảm đổ mưa chan.
Vân du thế giái vui mùi Ðạo,
Mơi viếng kỳ sơn tối cẩm san.

LỤC NƯƠNG
Vui nhơn vui Ðạo lại vui thiền,
Vui một bước đường một bước yên.
Vui bóng Cao Ðài che khắp chốn,
Vui gương Ngọc Ðế thấy như nhiên.
Vui ngàn thế tải ngăn nhơn sự,
Vui một màu Thiên đóng Cửu tuyền.
Vui vớt sanh linh nơi bể khổ,
Vui Trời rưới khắp đủ ân Thiên.
                                                                                                 Noel 1925.
*  *  *

Trước vẫn tiếng hứa lời không tìm biết danh Ðại Tiên sao nay còn hỏi. (1)
Ba con chưa đặng thông đạo đức cho lắm! Thầy phải dằn ý nói, sau sẽ rõ, vì ba con cần dùng người (2) chỉ dẫn nữa.Thầy để vậy cho có người chỉ dẫn ba con mọi việc đều do nơi Thầy, con đừng lo lắng.
Cư! Không phải vậy, trước sau như một.

Cư bạch: - Tôi đã có xin ăn chay thêm hai ngày 30 và 15 đặng tinh khiết mà cúng Ðức Cao Ðài Thượng Ðế.
A.Ă.Â: Hay lắm ... Chỉ trông cho ba vị đi càng ngày càng vững trên đường Ðạo.
Ái nhơn ... sẽ dẫn giải lần một ngày một tí ... Xin kiếu.
25-12-1925.

(1) Nghĩa là ba ông hỏi ông A.Ă. là ai cho ba ông biết, nên ông A.Ă. trả lời trước đây, vì ba ông chưa biết lập Ðạo.
(2) Người chỉ dẫn là Cửu Nương Diêu Trì Cung và các Ðấng.

Ngày 31-12-1925 (âl. 16-11-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn tá danh A.Ă. xưng danh THẦY & Thánh St Piere thi.
31 Décembre 1925

   A.Ă.Â
   Ba con thương Thầy lắm há?

Con thấy đặng sự hạ mình của A.Ă. như thế nào chưa? Con có thấy thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa? Người quyền thế nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A.Ă. chăng?

A.Ă. là Thầy.
Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?

Cao Quỳnh Cư bạch: - Thấy nhơn sanh chưa rõ sự huyền diệu của Thầy, họ nói phạm thượng, ba con binh vực Thầy, ba con cải vã với họ.
Thầy biết ... Cười ...

Sự nhỏ nhẹ của Thất Nương đó, con bằng mảy mún gì chưa? Học hỏi sự nhỏ nhẹ ấy.
Sự cao kỳ của Lục Nương, con có đặng mảy mún gì chưa? Học sự cao kỳ ấy.
Sự nhân đức của Nhất Nương, con có chút đỉnh gì chưa? Phải học nhân đức của Nhất Nương.
Tình nghĩa yêu mến của con có bằng Bát Nương không? Phải học.
Phải học tình nhân ái, trung tín, cứu giúp của ba con có đặng như Cửu Thiên Nương Nương chăng? (1) Phải học gương.
Sự kính nhường ba con có bằng Cửu Nương chăng? Phải học.

(1) Cửu Thiên Nương Nương là Ðức Phật Mẫu.

31 Decembre 1925
ST PIERE
Thiên đàng giữ cửa góc Trời Tây,
Truyền Ðạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
Cao Ðài phú thác dắt dìu bây.
Thái Tử Sĩ Đạt Ta Tầm Đạo;

Ngày 01-01-1926 đến ngày 07-01-1926 (âl. tháng 11-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn khởi sự dạy Ðạo.

                                                              THẦY
Con hiểu Jésus là ai chăng?
Trước Ta đã đổ máu cho loài người vì thương yêu.
Nay Ta đến cứu loài người cũng vì thương yêu.
Bây đủthương yêu Ta dường ấy chăng?
Ta cần bây biết ăn năn hầu cứu chữa bây.
                                                                                      Vendredi 1er 1926.

THẦY
Cư, Tắc! Hai con đừng lấy làm việc chơi nghe; Thầy dặn hai con một điều, nhứt nhứt phải đợi lệnh Thầy, chẳng nên lấy tứ riêng mà phán đoán nghe.

Phận sự hai con, trách nhậm hai con Thầy đã định trước song ngày giờ chưa đến phải tuân lời Thầy nghe.

Từ đây, Thầy khởi sự dạy Ðạo cho. (1)
2 Janvier 1926

(1) Xin quí ông nhớ ngày 02-01-1926, Thầy khởi dạy Ðạo.

Thầy khen hai con tụng kinh.
Thầy đã nói A.Ă. là Thầy, còn Cung Diêu Trì là Cung Diêu Trì các Thánh đều có quả, ấy là những Ðấng Thầy lựa sai đến dạy dỗ mấy con, đừng triệu thường, vì mỗi người đều có phận sự.

Chư Tiên và Chư Thánh đều có quả, song đừng triệu về mà chơi, kỳ dư có điều gì học hỏi.
4 Janvier 1926.

Mme Cư bạch với Thầy rằng: - Má con mắc ở xa làm sao con đi độ được.
Thầy: - Hiếu! Con biết một lòng tu niệm đạo đức của con đủ cứu Cửu Huyền Thất Tổ rồi, huống là mẹ con, để Thầy định đoạt con đừng lo buồn.

Cư! Thầy khen con đó, cử chỉ xử đời của con.
Tắc! Thầy dặn con đừng buồn rầu mà lo lỗi Ðạo để cho Thầy định liệu, nghe và tuân theo.
Jeudi 7 Janvier 1926

Ngày 11-01-1926 (âl. 27-11-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn cho thi khi ông Lê Văn Trung nhập môn cầu Ðạo.

THẦY
(Le 11 Janvier 1926 là ngày ông Lê Văn Trung đến nhà Cao Quỳnh Cư hầu Ðức Chí Tôn để nhập môn cầu Ðạo ở Sài Gòn).
Già trí đừng lo trí chẳng già,
Lương tâm mình biết hỏi chi xa.
Thềm đầu Trời ngó lòng Nhơn Ðạo,
Hư thiệt rồi đây cũng biết mà.
                                                                                                 11-1-1926.

Ngày 13-01-1926 (âl. 29-11-Ất Sửu): Thất Nương, Lục Nương thi.

THẤT NƯƠNG
Người vô tình kẻ bạc tình,
Ba anh chẳng nghĩ nghĩa đồng thinh.
Ðặng chim trách kẻ toan quên ná,
Buồn bực cho đây vẫn một mình.
                                                              13-1-1926.

Thử lòng tri kỷ đó mà thôi,
Tương ngộ có hơn bảy tháng trời.
Yêu mến một lòng đây rõ biết,
Thỉ chung đâu để hổ cùng lời.

Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang hỏi Thất Nương: - Anh trách sao em không nói thật A.Ă. là ông Trời, em thấy ba anh cũng như mù em cứ gạt hoài!

Thất Nương: - Trời là Trời, em là em. Em rõ biết nhưng không dám lậu, nay ba anh đặng vậy em mừng.
LỤC NƯƠNG
(Mừng ba ông hiểu Ðạo)

Mừng nay đường Ðạo đã êm chơn,
Vàng ngọc công khanh chẳng dám hơn.
Rượu cúc Bàn Ðào chờ hội ẩm,
Thuốc Tiên lò tạo giữ sanh tồn.
Bồng Lai vắng mặt Tiên buồn nhớ,
Dinh đảo nghiêng vai Thánh khảy đờn.
Trước chẳng giữ ngôi, ngôi mới mất,
Cân phân thế tục phẩm chi sờn.
                                                                                                 13-1-1926 (Cầu Kho)

Ngày 14-01-1926 (âl. 14-12-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn, Hoa Nhất Nương, Bát Nương thi.

                                      THẦY:
Thành tâm niệm Phật,
Tịnh, tịnh, tịnh, tịnh, tịnh.
Tịnh là vô nhất vật,
Thành tâm hành Ðạo.
                                                                                     14-1-1926.
Ông Ðốc Bản xin chấp bút (Cầu Kho)

                                      THẦY:
Bút nở mùa hoa đã có chừng,
Chẳng như củi mục hốt mà bưng. (1)
Gắng công ắt đặng công mà chớ,
Buồn bực rồi sau mới có mừng.
                                                              14-1-1926.

(1) Ông Ðốc Bản xin chấp bút, Thầy cho bài thi nầy ám chỉ Thầy định cho ai thì nấy đặng, chớ không phải ai cũng có thể cầu cơ chấp bút đặng.

THẦY
Cho ông thầy thuốc Tri.

Ðặng ngọc mà chê ngọc chẳng lành,
Ðường Tiên chẳng lựa, lựa đường danh.
Môi cầu chí quyết xua Hiền Thánh,
Lòn lõi vùa sang bụng chẳng đành.
                                                                                                 14-1-1926.

THẦY
Cầu y càn huyết bịnh từ vương,
Trần thế biết Ta hỏi mối đường.
Văn chất chưa hay Trời nhỏ phước,
Ðôn rằm người bịnh khỏi tai ương.
                                                                         14-1-1926.

(Con gái ông  Phán Lê Tấn Sang ở Phan Thiết, đau hai bên gò má sưng lớn, cô nầy cầu Thầy xin thuốc. Thầy cho bài thi rồi Thầy dặn coi bốn chữ đầu mà cầu thầy thuốc.

Người con gái ấy lên Docteur Trần Văn Ðôn chích thuốc ít bữa mạnh).

HOA NHẤT NƯƠNG.
Em cám ơn hai anh, em xin hai anh hãy gắng công học Ðạo, dưỡng luyện tinh thần, ắt ngày sau đắc Ðạo.

Coi bửu vị làm trọng, đừng ham luyến hồng trần mà phải đọa. Ðôi lời thành thật, xin hai anh thương tình gìn giữ, mắc hầu, em không thể nán lại lâu, em xin kiếu, lâu lâu em sẽ nói rõ.
14-1-1926

BÁT NƯƠNG.
Em mừng hai anh và Ðại Tỷ (Nguyễn Thị Hiếu). Em buồn cho Thanh Thủy không đến.

Nỗi phận vô duyên phận chẳng đành,
Trách ai mộ thói yến cùng anh.
Nương mây đợi mỏi lòng tình ái,
Mượn ngọc trông ngơ tấm liệt trinh.
Vuốt dạ riêng đau người một cảnh,
Dằn thương cố nhớ buổi chung tình.
Nhắn mưa gởi gió bâng khuâng để,
Một tấm tơ duyên đứt đoạn gìn.
                                                              14-1-1926.

Ngày 16-01-1926 (âl. 03-12-Ất Sửu): Quí Cao thi văn.

QUÍ CAO
Ðã lâu mà không dám nói, vì em còn phải tu như hai anh vậy. Không dám nói vì hai anh có Thầy, em không dám lộng quyền.
Tu như cỏ úa gặp mù sương,
Ðạo vốn cây che mát mẻ đường.
Một kiếp muối dưa muôn kiếp hưởng,
Ðôi năm mệt nhọc vạn năm bường.
Có Thần nuôi nấng Thần càng mạnh,
Luyện Khí thông thương Khí mới tường.
Nhập thể lòng trong gìn tịnh mẫn,
Nguồn Tiên ngọn Phật mới nhằm phương.

Phương: Là hướng, là đường đi.
Tường: Là lành.
Bường: Là bình.
Tịnh mẫn: Là êm sáng.
Nhập thể: Ðem thần sáng vào mình đặng êm sáng.

Từ đây, xin Nhị huynh hỏi Thầy, đừng hỏi em, em nói mà phạm tội.
Em xin kiếu. 16-1-1926.

QUÍ CAO
Ngũ kỵ: Hành, tỏi, xả, ớt, tiêu.
Theo Phật Giáo thì kỵ, Tiên Giáo thì không.
Phật vì tích Thanh Ðề Mục Liên gọi là uế vật ... là phi, Tiên Ðạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật chi. 16-1-1926.

Ngày 21-01-1926 & 23-01-1926 (âl. 08 & 10-12-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn thi.

(Có người Ðạo Phật đến hầu Thầy)

               THẦY
               Ngươi muốn biết Ðạo Ta, nghe dạy:
Thiệt thiệt hư hư dễ biết chăng,
Hành tàng chơn Ðạo gọi sao rằng.
Khai Thiên lập Ðịa ai là chủ,
Thánh, Phật là ai dám đón ngăn.
                                                                                                 21-1-1926.
   Bản, Kỳ, Trung, Cư, Tắc nghe dạy:
Mặt nhật hồi mô thấy xẻ hai,
Có thương mới biết Ðấng Cao Ðài.
Cũng con cũng cái đồng Môn đệ,
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai?
                                                  21-1-1926.

THẦY
Chín Trời mười Phật cũng là Ta,
Truyền Ðạo chia ra nhánh nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật Ðạo vốn như nhà.
                                                  23-1-1926.

Ngày 27-01-1927 (âl. 14-12-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn và các Ðấng khai đàn Cao Quỳnh Cư.

QUÍ CAO
Buồn xa cách mặt dễ xa lòng,
Nhờ dạy thi văn mới đặng ròng.
Cái nghĩa đệ huynh là nghĩa trọng,
Thâm tình cố cựu mấy thu đông.

THẤT NƯƠNG
Bạc tình chi lắm hỡi ai ơi!
Bảy tháng chung vui đã mất rồi.
Khi hứng trăng thơ khi gió sách,
Ðèn khua nay luống một mình thôi.
                                                              27-1-1927.

Giải nghĩa: Thất Nương nói thử với ba ông, vì khi Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật đến độ ba ông trong bảy tháng, xong rồi thì giao lại cho Ðức A.Ă. và quí cô phải đi phổ độ nơi khác, nên bà Thất Nương lâu giáng buồn mới có bài thi trên đây.

Mme Cư hỏi: - Hôm nọ chiêm bao ngó thấy em ló mắt dòm chị và cười, phải quả vậy chăng? Xin nói lại cho chị mừng.

Thất Nương: - Ðại Tỷ sẽ nghe em nói riêng.
Cao Quỳnh Cư: - Thôi em nói với Ðại Tỷ.
Thất Nương: - Không nói, anh nghe khính.

Ông CAO HOÀI SANG (Hòa nguyên vận bài thi của Thất Nương trên đây)

Phải nào bạc bẻo hỡi em ôi!
Vì phận nghĩa kia xử khó rồi.
Tuy chẳng gần nhau như buổi trước,
Lòng kia quyết giữ đến cùng thôi.

Hay lắm! Cám ơn Tam Ca, Còn Ðại Ca và Nhị Ca.

CAO QUỲNH CƯ
Chạnh lòng Hiền Muội xót thương ôi!
Nhắc nhở khôn nguôi những chuyện rồi.
Bảy tháng gấm thêu lời nhỏ nhẹ,
Ghi tâm khắc cốt trọn đời thôi.

Em tưởng ba anh quên em rồi chớ, buồn quá! Trước sao thì sau vậy, lòng thương tưởng ba anh em chẳng quên, Em buồn là từ đây ít đặng gần gũi nhau nữa.
Em mắc lo cứu độ nơi khác, phận sự phải vậy.
Em xin kiếu. 27-1-1926.

   LỤC NƯƠNG
   Chào ba anh và Ðại Tỷ.
   Thanh Thủy nóng biết, em xin cạn bày:
Công quả ngày xưa thiệt chẳng hèn,
Nợ trần bước tục phải đua chen.
Võ đài chờ trả rồi oan trái,
Xủ áo phồn hoa lại cảnh Thiên.
Em mừng ba anh đặng gặp nguồn Ðạo.
27-1-1926.

   BÁT NƯƠNG
   Mừng ba anh và Ðại Tỷ.

Thanh Thủy thế nào Lục Nương mách miệng, cứ do theo thi hành cho kịp hai anh. Em xin hiến ba anh một bài:
Chờ về vắng bặt tiết thu qua,
Tiếng nhạn kêu sầu tiếng thiết tha.
Vườn trước ngơ trông cây liễu rũ,
Non xưa chạnh nhớ bóng trăng tà.
Thi đề thảm lóng hơi oanh thán,
Cầm trổi buồn nghe tiếng dế hòa.
Dậm thẳng lương nhân xin khá gắng,
Ðường dài nghĩa nọ dễ đâu xa.
                                                  27-1-1926.
Thất Nương Diêu Trì Cung.
   THẤT NƯƠNG
   Em chào ba anh và Ðại Tỷ.

Hèn lâu em không chuyện vãn cùng ba anh. Em xin ba anh coi lại thế đời dường nào? Cái bông Phù Dung sớm còn tối mất, còn hơn một kiếp con người, vì nó sống ngắn ngủi dường ấy, nhưng mà buổi sống còn có cái sắc, chớ đời người sanh ra chỉ để thọ khổ mà thôi. Chung qui ngó lại dầu sống trăm tuổi chưa được một điều đắc chí; chết là hết, cái đời tạm nầy sách Phật gọi là khổ hải.

Em xin ba anh coi sự trường sanh của mình làm trọng, người không có phải kiếm, mình có sẵn nỡ bỏ đi, em chỉ tiếc dùm đó thôi.

Ðã vào đường chánh cứ do đó bước tới hoài thì trở về cựu vị đặng.
27-1-1926

M. Lê Văn Trung hỏi: - Có duyên luyện Ðạo cùng chăng xin em mách dùm.
- Ðã gặp Ðạo tức có duyên phần.
Rán tu luyện siêng thì thành, biếng thì đọa, liệu lấy mà răn mình. Phải sớm tính một ngày qua, một ngày chết đừng dụ dự.
Em xin kiếu. 27-1-1926.

   Khai đàn Cao Quỳnh Cư.
THẦY
Ðã để vào tòa một sắc hoa,
Từ đây đàn nội tỷ như nhà.
Trung thành một dạ thờ Cao sắc,
Sống có Ta thác cũng có Ta.

Ðài sen vui nhánh trổ thêm hoa,
Một Ðạo như con ở một nhà.
Hiếu nghĩa tương lai sau tụ hội,
Chủ trung Từ Phụ vốn là Ta.
                                                  27-1-1926.

LÝ BẠCH
Có công phải biết gắng nên công,
Tu tánh đã xong tới luyện lòng.
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục,
Ðơn tâm khó định lấy chi mong.
                                                  27-1-1926.


THẦY
- Hay! Hay lắm đó ba con.
Cư bạch: - Thầy khen ba con về việc chi hay?
- Tụng kinh.
- Tắc, hết Cư rồi tới Tắc.

Nó thật thà, vả lại nó còn xác thịt cũng như hai con, ai dưới thế nầy đặng trọn vẹn, hai con chỉ tên cho Thầy biết; duy có một mình Thầy đây mà thôi, mà Thầy là Thầy của hai con, nếu giỏi học theo mới đặng mảy may chút ít.

Ngày 28-01-1926 & 29-01-1926 (âl. 15 & 16-12-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn dạy đạo.

Một ngày thỏn mỏn một ngày qua,
Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa.
Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ,
Cửa Thiên xuất nhập cũng như nhà.

Cương tỏa đương thời đã giải vây,
Ðừng mơ oan nghiệt một đời nầy.
Hữu duyên độ thấu nguồn chơn Ðạo,
Tu niệm khuyên bền chí chớ lay.
                                                                                                 28-1-1926.

Thầy vui vì các con thuận hòa cùng nhau. Thầy muốn cho các con như vậy hoài, ấy là một lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Trung! Thầy khen con đó. 29-1-1926.

Cư, Sang, Tắc muốn theo anh con vào xem Hội Minh Lý.
Kỳ (1) có con Thầy mới cho ba đứa nó đi ... con, con chỉ những sự bái quị của Thầy buộc thế nào và cắt nghĩa cho nó hiểu.

(1) Anh Phủ Kỳ: Những sự bái quị bên Minh Lý lạy đủ 12 lạy, còn bên Tam Kỳ Thầy cho mỗi lạy 4 gật, thì 3 lần đủ 12 lạy.

Ngày 31-01-1926 (âl. 18-12-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn khai đàn cho M. Phủ Kỳ & Ðức Chí Tôn khai đàn cho M. Trung.

Khai đàn cho M. Phủ Kỳ
THẦY
Cao mấy từng mây lố mặt Trời,
Ðài sen vui nở nhánh bông tươi.
Ðạo mầu cậy gã truyền nhơn sự,
Dạy trẻ cho an lấy Ðạo Ðời.
                                                                                                 31-1-1926.
THẦY.
Thầy vui mừng các con.
Trung, con thờ Thầy trên hết là phải, con đem tượng Quan Trường qua bên tay trái Thầy, còn Quan Âm bên mặt. Con thờ Lý Thái Bạch dưới Thầy. Ðại Từ Phụ con hiểu lòng thương là bực nào?
Tắc! con không có miệng phải không?
Thầy viết, con phải cần Thầy để dạy dỗ, đừng ngại.
Cư hỏi: - Thưa Thầy, con chấp bút chưa đặng.
31-1-1926

   Khai đàn cho M. Trung.
THẦY
Một Trời một Ðất một nhà riêng,
Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền.
Cầm mối Thiên Thơ lo cứu chúng,
Ðạo người vẹn vẻ mới thành Tiên.

Tắc, có tuân mạng lệnh Thầy chăng?
Thầy có cấm con đừng dự việc hội đàm chăng?
Con sắp đặt hoàn thành rồi thối chức.
31-1-1926

Ðầu tháng 02-1926 (âl. 12-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn dạy đạo.

                           THẦY
                           Minh:
Một cuộc phồn hoa biếc sắc xưa,
Niên cao trở gót thảm khi vừa.
Công danh đã đủ còn mơ ước,
Một cuộc tang thương đã thấy chưa?

Gia đình oằn oại gánh đôi vai,
Thế cuộc nên hư cũng một tay.
Chưa mãn xuân mai đơm lá bích,
Ngày xuân đừng ỷ phận còn dài.

Chưa biết buổi đua chen, mà đã gặp nhiều khi thất nguyện.
01-02-1926

THẦY
Cư, Tắc: Hai con ham cười, Thầy sẽ cho cười một phen cho đã, lập chí cho nghiêm, phòng sau mới dạy người nghe hai con.

Trung xin phép cho Cư, Tắc vô cùng Thầy xin độ Tương, Kiêm. (Nghĩa là qua tháng 2-1926 mà anh Phủ Tương chưa nhập môn, nên anh Cả xin cho hai ông Cư, Tắc độ Tương là cớ ấy).

THẦY
"Mừng thay" chớ! (Mỗi lần Thầy giáng thì đọc bài "Mừng thay", nay ba ông quên đọc Thầy nhắc).
Dạy trẻ con toan trước dạy mình,
Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.
Ðạo đời tua biết đời rằng trọng,
Một điểm quang minh một điểm linh.

Nghĩa là sắp nhỏ của con dạy, sau cũng nên người ở đời, ấy là đời nếu biết trọng đời thì gắng dạy nó nên hiền.

Một điểm quang minh là một hồn người, là vật tối linh của Thầy trân trọng. Nếu con muốn làm lành thì gắng dạy mấy hồn ấy đặng hiền.

Ðêm 12-02-1926 (âl. Ðêm 30 tháng chạp Ất Sửu): Ðức Chí Tôn Thi.
Ðêm 30 tháng chạp Ất Sửu (dl. 12-02-1926).

THẦY cho ông Cao Quỳnh Cư
Sắp út thương hơn cũng thế thường,
Cái yêu cái dại mới là thương.
Thương không nghiêm trị là thương dối,
Dối dạ vì chưng yếu dạ thương.

Cư, Tắc, Sang! Trong năm mới này Thầy trông mong ba con rõ thấu đạo đức hơn nữa, gắng chí nghe!

   THẦY cho thi Quan Phủ Vương Quang Kỳ:
Nhựt nhựt tân hề nhựt nhựt tân,
Niên đáo tân hề Ðạo giữ tân.
Vô lao công quả tu đương tác,
Niên quá niên hề Ðạo tối tân.

THẦY cho ông Lê Văn Giảng
Trần tục là nơi chỗ biển buồn,
Nghe nơi Ðại Ðạo rán nghe luôn.
Ở trong nhà sẵn Thầy đưa khó,
Ách nạn chi chi cũng chảy tuôn.

THẦY cho ông Nguyễn Trung Hậu tự Thuần Ðức
Thuần phong mỹ tục giáo nhơn sanh,
Ðức hóa thường lao mạc vị danh.
Hậu thế lưu truyền gia pháp quí,
Giáo dân bất lậu, tán thời manh.

Thi
Ðã có căn phần dựa cảnh Tiên,
Bước đời chớ quản bậc sang hèn.
Mưa mai nắng xế chờ qua khỏi,
Ðêm tối lần ra gặp ánh đèn.
                                                              Ðức Chí Tôn (24-6-1926).

Thi cho Thanh Thủy (Cao Hoài Sang)
Bước đời chìm nổi bấy nhiêu niên,
Tâm chí ghe phen dập lửa phiền.
Ấm lạnh dốc tròn gương phấn đại,
Vui buồn chưa vẹn nỗi hàn huyên.
Lòng trần nung nấu trăm mùi khổ,
Biển ái đầy vơi một chiếc thuyền.
Nín nẩm chờ ngày tiền quả sạch,
Trau giồi đạo hạnh hưởng ân Thiên.
                                                              Diêu Trì Nương Nương (3-7-1927).

THẦY cho thi ông Ðoàn Văn Bản
Thương thay trung tín một lòng thành,
Chẳng kể quan mà chẳng kể danh.
Thiệt thòi bấy phận không con nối,
Thấy rứa lòng Ta cũng chẳng đành.

THẦY cho thi ông Lê Văn Trung
Ðã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xích dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sao ra vạn dặm trường.
                                                              Thăng.

Ngày 13-02-1926 ( âl. 01-01-Bính Dần) giờ Tý: Ðức Chí Tôn giáng dạy về cơ Phổ hóa.
Khuya mùng 1 Tết năm Bính Dần (13-2-1926), giờ Tý, tái cầu Ðức Thượng Ðế giáng dạy rằng:
Ðức, Hậu tập cơ sau theo mấy anh mà độ người nghe và tuân theo.

Ấy là lời Thánh giáo và ngày kỷ niệm khai Ðạo Cao Ðài về cơ Phổ hóa, ngày mùng 1 Tết năm Bính Dần giờ Tý vậy (13-2-1926).

    Home                      [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ] 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét