Ðạo Sử Xây Bàn - 16 / 16 (Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu)


Ngày 20-03-1935 (âl. 16-02-Ất Hợi): Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn dạy về phẩm vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài.
Tòa Thánh, ngày 16 tháng 02 năm Ất Hợi (20-03-1935).

CHƯỞNG ÐẠO NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN
QU. VICTOR HUGO
 Cười.... Khi nãy có Thượng Phẩm và Qu. Giáo Tông nơi đây, song hai vị mới hộ tiếng Nữ phái.... Cười.... Quí hóa dữ ha! Thưa Hộ Pháp, Bần Ðạo để lời chia vui cùng Ngài. Khi hôm qua nhờ có Thánh chỉ Chí Tôn, nên mới đặng rộng đường xuất Thánh.... Bần Ðạo có để lời trân trọng cầu thưởng cho học tu nên mới đặng cao phong phẩm giá.

Cười.... Phẩm trật rắc rối khó nói rõ, nhưng chia ba: Pháp, Ðạo, Thế. Thì theo sự hiểu biết của Bần Ðạo như vầy:
Sĩ Tải là Secrétaire archiviste.
Lên phẩm Truyền Trạng là Greffier.
Rồi lên phẩm Thừa Sử là Commissaire de la Justice.
Phẩm Giám Ðạo là Inspecteur.
Lên phẩm Cải Trạng là Avocat.
Lên phẩm Chưởng Ấn là Chancelier.
Lên phẩm ấy rồi tùy phái lên đại vị Hiệp Thiên Ðài, nhưng phải biết rằng: Chưởng Ấn phải lên đại vị Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn mà đắc phong phổ thông đặng một nước nào rồi mới vào chánh vị.
Lợi và mấy vị kia là Sĩ Tải của Hiệp Thiên Ðài mà thôi.
   Thăng.

Châu Tri số 1 của Qu. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt (1933).

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Bát Niên)
Qu. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt
CHÂU TRI (Số 1)
Cho chư Thiên Phong,
Chư vị Ðầu Họ Ðạo,
Chư vị chủ Thánh Thất,
Và chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái.

Chư Hiền Hữu, chư Hiền Tỷ, chư Hiền Muội,
Chiếu theo Thánh giáo của Ðức Chí Tôn ngày 4-2-1933.
Chiếu theo Thánh giáo của Ðức Lý Giáo Tông ngày 1-1-1933 và ngày 10-3-1933.
Chiếu theo những điều của Thượng Hội quyết định ngày 25-12-1932.

Việc chánh trị của nền Ðạo đã được sắp đặt lại từ 12-3-1933 (17-2-Quý Dậu) như sau nầy:
ÐIỀU THỨ NHỨT: Thượng Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt còn cầm quyền Giáo Tông mà thôi.
ÐIỀU THỨ NHÌ: Trong lúc Chưởng Pháp chưa có chánh vị thì quyền hành Chưởng Pháp giao cho Hiệp Thiên Ðài cầm. Ba vị Thời Quân cầm quyền Chưởng Pháp là: vị Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, vị Bảo Thế Lê Thiện Phước, và vị Hiến Ðạo Phạm Văn Tươi.

ÐIỀU THỨ BA: Ba vị Chánh Phối Sư: Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, và Ngọc Trang Thanh còn cầm quyền Quyền Ðầu Sư mà thôi.

ÐIỀU THỨ TƯ: Trong lúc Chánh Phối Sư chưa có chánh vị thì quyền hành giao cho Hiệp Thiên Ðài cầm. Ba vị Thời Quân cầm quyền Chánh Phối Sư là: Vị Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, vị Khai Ðạo Phạm Tấn Ðãi, và vị Khai Thế Thái Văn Thâu.

Vị Khai Pháp cầm quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
Vị Khai Ðạo cầm quyền Thái Chánh Phối Sư.
Vị Khai Thế cầm quyền Thượng Chánh Phối Sư.
ÐIỀU THỨ NĂM: Ba vị Chánh Phối Sư tân được quyền lập Nội Chánh để cầm quyền Cửu Viện tại Tòa Thánh.
Tòa Nội Chánh được chia ra như vầy:

PHÁI THÁI:
Lương Viện:
Quản Lý: Phối Sư Thượng Tông Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Hộ Thanh.

Hộ Viện:
Quản Lý: Giáo Hữu Thái Như Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thái Bộ Thanh, Lễ Sanh Thượng Chất Thanh.

Công Viện:
Quản Lý: Giáo Hữu Thái Gấm Thanh,
Phó Quản Lý: Lễ Sanh Thượng Ngươn Thanh.

PHÁI THƯỢNG:
Nội Viện:
Quản Lý: Giáo Sư Thượng Thành Thanh, Giáo Sư Thượng Latapie Thanh.
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Trí Thanh, Giáo Hữu Ngọc Non Thanh.

Học Viện:
Quản Lý: Giáo Sư Thượng Thành Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Sáng Thanh.

Nông Viện:
Quản Lý: Giáo Hữu Ngọc Bổn Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Ðứa Thanh.

PHÁI NGỌC:
Lại Viện:
Quản Lý: Giáo Sư Thượng Bảy Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Tuy Thanh, Giáo Hữu Thượng Thiện Thanh, Giáo Hữu Thượng Áo Thanh.

Lễ Viện:
Quản Lý: Giáo Sư Ngọc Trọng Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Mía Thanh, Giáo Hữu Thượng Lai Thanh.

Hòa Viện:
Quản Lý: Giáo Sư Thượng Liêng Thanh,
Phó Quản Lý: Giáo Hữu Thượng Tại Thanh, Lễ Sanh Thượng Tài Thanh ...

Lễ Ðăng Ðiện và ban quyền cho Quyền Giáo Tông, Quyền Ðầu Sư, Chánh Phối Sư và Nội Chánh đã thiết hành ngày 12-3-1933 tại Tòa Thánh Tây Ninh, nhằm ngày 17-2-Quý Dậu.

Ba vị Chánh Phối Sư và Nội Chánh đã bắt đầu hành chánh kể từ ngày 26-3-1933, nhằm ngày 1-3-Quý Dậu là ngày ba vị cựu Chánh Phối Sư thăng lên Quyền Ðầu Sư, đã giao trách nhậm cho ba Chánh Phối Sư tân là: Ba vị Khai Ðạo, Khai Pháp, và Khai Thế.

Chiếu y Ðạo Nghị Ðịnh thứ nhì, thứ ba và thứ tư của Ðức Lý Giáo Tông thì mỗi việc chi thuộc quyền chánh trị đều giao cho Chánh Phối Sư như là quyền thay mặt cho toàn Ðạo mà giao thông cùng Chánh Phủ và cả Tín đồ, quyền giáo dục nhơn sanh, quyền xem xét các nơi, chăm nom Ðạo Hữu, quyền trị Chức Sắc phần Ðạo và phần Ðời, buộc Chức Sắc làm y phận sự, quyền tạp tụng, quyền điều đình sự phổ độ, tài liệu của Ðạo, quyền chủ trương Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh...v...v...

Vậy chúng tôi xin khuyên chư Thiên Phong phải hết lòng vì Ðạo, giúp cho ba vị và Hội Thánh có đủ sức thi hành cả chương trình hành Ðạo. Chương trình nầy có in theo sau đây cho chư Chức Sắc và chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái biết.

Từ đây các việc truyền bá trong Ðạo phải có tờ của ba vị Chánh Phối Sư tân ký hay là Ban Nội Chánh thay mặt cho ba vị ký. Ai không được lịnh của ba vị ký mà tự chuyên đi giao thông với chư Chức Sắc và chư Ðạo Hữu là người muốn sanh việc rối loạn làm hư nền Ðạo.

Hiện thời, Hội Thánh rất cần việc hiến công quả, chư Ðạo Hữu có tài nghề chi cũng nên thừa lúc nầy đem ra hiến cho Ðạo nhờ, vì một năm nay phải lo khởi cất Bát Quái Ðài.

Năm rồi Thái và Ngọc Chánh Phối Sư có ra Châu Tri số 39 đề ngày 6-1-1932, xin chư vị Chức Sắc, Ðầu Họ Ðạo, chủ Thánh Thất cho trong Ðạo Hữu hay, ai có lòng bác ái hộ vật thực đến Tòa Thánh hỉ cúng đặng đủ nuôi Ðạo Hữu hiến thân làm công quả cho nền Ðạo.

Năm nay Tòa Thánh phải tạo tác nhiều việc lớn lao, nên cũng xin chư Ðạo Hữu hết lòng lo việc hộ vật thực như: lúa, gạo, nếp, bắp, khoai, muối,...v...v....

Các vật thực và vật dụng hộ về Tòa Thánh đều có Chức Sắc Thiên Phong thâu nạp và chứng kiến công ơn của chư Ðạo Hữu hỉ cúng cho Ðạo.

Ngoài năm nay Hội Thánh còn phải lo việc phổ độ ngoại quốc (việc hiệp nhứt trong năm Quý Dậu, vì cả Thế Giới trông mong hai chữ Hòa Bình). Năm nay là năm lập thành đại công quả xin chư Chức Sắc và chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái phải tận tâm chung lo chấn hưng nền Ðạo cho hoàn tất, y theo Thánh giáo của Ðức Chí Tôn hồi năm Bính Dần.
Tòa Thánh, ngày 1 tháng 4 năm 1933 (Âm lịch, 7-3-Quý Dậu).
Hộ Pháp                                     Qu. Giáo Tông
PHẠM CÔNG TẮC                 THƯỢNG TRUNG NHỰT


Chương Trình Hành Ðạo (01-04-1933).
Lời phụ:
Sau khi giao quyền hành Chánh Phối Sư cho Hiệp Thiên Ðài, Qu. Giáo Tông có mời ba vị Chánh Phối Sư và Nội Chánh hiệp về Tòa Thánh đặng lập chương trình hành Ðạo.

Trong lúc hội đặng lập chương trình, Qu. Giáo Tông và Hộ Pháp có đến dự thính. Qu. Giáo Tông cũng có mời ba vị Qu. Ðầu Sư hoặc đến dự kiến hoặc chỉ vẽ điều chi giúp cho nên việc (Thơ số 34 đề ngày 4-3-1933), Qu. Ðầu Sư Thượng Tương Thanh có đến dự hội một lần.

Chương trình hành Ðạo đã lập thành, lẽ là phải đem ra cho Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh phê chuẩn, nhưng vì các khoản Nghị Ðịnh trong chương trình đều không trái với Pháp Chánh Truyền, Tân Luật và Ðạo Nghị Ðịnh và nhứt là cần phải thi hành lập tức, cho nên chúng tôi nhứt định dụng Quyền Chí Tôn giúp cho ba vị Chánh Phối Sư đủ quyền thi hành chương trình hành Ðạo ấy, khỏi đem ra ba Hội phê chuẩn.

Quyền Chí Tôn của Giáo Tông và Hộ Pháp do nơi Thánh giáo của Ðức Chí Tôn ngày 23-12-1931 (có in theo đây mà có).
Tòa Thánh, ngày 1 tháng 4 năm 1933 (Âm lịch, 7-3-Quý Dậu).
Hộ Pháp                                                Qu. Giáo Tông
PHẠM CÔNG TẮC                              THƯỢNG TRUNG NHỰT

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Bát Niên)

Kính cáo cùng chư Huynh Trưởng và chư Ðạo Tỷ Thiên Phong, chư Chức Sắc và chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái.

Chư Hiền Huynh, chư Hiền Tỷ,
Bổn "Chương Trình Hành Ðạo" in theo sau đây là của chúng tôi hiệp với Nội Chánh Cửu Trùng Ðài đặng lập thành và đã có Ðức Qu. Giáo Tông và Hộ Pháp phê chuẩn.

Trong lúc chúng tôi và Nội Chánh bắt đầu hành chánh thì mỗi việc chi trong Ðạo đều phải quan sát lại kỹ lưỡng hầu tìm phương nâng cao phẩm giá nền Chánh Giáo của Ðức Từ Bi và giúp cho nhơn sanh dễ bề tu niệm.

Vậy chúng tôi có mấy lời tâm huyết xin chư Huynh Trưởng, chư Ðạo Tỷ và chư Ðạo Hữu Lưỡng Phái biết và xin hết lòng Ðạo giúp cho chúng tôi được đủ thế sắp đặt các việc. Chúng tôi tưởng ai ai cũng bằng lòng và cầu cho các điều kể trong chương trình của chúng tôi hiến dâng cho thành tựu.
Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 7 tháng 3 năm Quý Dậu. (DL 1-4-1933)
Thái Chánh Phối
PHẠM TẤN ÐÃI          Thượng Chánh Phối Sư
THÁI VĂN THÂU        Ngọc Chánh Phối Sư
TRẦN DUY NGHĨA

NỘI CHÁNH
Phối Sư: Thượng Tông Thanh
Giáo Sư: Thượng Bảy Thanh
Giáo Sư: Thượng Thành Thanh
Giáo Sư: Thượng Latapie Thanh
Giáo Sư: Thượng Liêng Thanh
Giáo Sư: Ngọc Trọng Thanh
Giáo Hữu: Thái Gấm Thanh
Giáo Hữu: Thái Như Thanh
Giáo Hữu: Thái Bộ Thanh
Giáo Hữu: Thượng Thiện Thanh
Giáo Hữu: Thượng Tại Thanh
Giáo Hữu: Thượng Hộ Thanh
Giáo Hữu: Thượng Sáng Thanh
Giáo Hữu: Thượng Trí Thanh
Giáo Hữu: Thượng Tuy Thanh
Giáo Hữu: Thượng Ðức Thanh
Giáo Hữu: Thượng Mía Thanh
Giáo Hữu: Thượng Lai Thanh
Giáo Hữu: Thượng Áo Thanh
Giáo Hữu: Ngọc Bổn Thanh
Giáo Hữu: Ngọc Non Thanh
Lễ Sanh: Thượng Tài Thanh
Lễ Sanh: Thượng Quơn Thanh
Lễ Sanh: Thượng Chất Thanh

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐẠO
PHÁI THÁI:
1. Lập Nội Luật Hội Thánh:
Chú Giải: Quyền Hành Chánh tuy giao cho ba vị Chánh Phối Sư, chớ mọi việc chi thi hành đều phải do theo chương trình Ðạo của Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn Sanh đã phê chuẩn.
Quyền của ba Hội là Quyền Vạn Linh. Việc nào đã có Quyền Vạn Linh định đoạt thì Quyền Chí Tôn là quyền của Giáo Tông và Hộ Pháp phải y theo. Quyền Chí Tôn lại quyết đoán khi nào có sự phản khắc trong Quyền Vạn Linh, nghĩa là ba Hội không đồng ý kiến.
Chiếu theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ tư, điều thứ ba thì Hội Thánh phải dưới quyền Chủ Trưởng của Thái Chánh Phối Sư và trách nhậm là lo về phổ độ, việc hành Ðạo tha phương, về tài liệu của Ðạo, lương hướng cho Chức Sắc Thiên Phong, về tài chánh và cả nền chánh trị của Ðạo.
Hội Thánh phải tìm phương hay đặng tu bổ, và nâng nền lý tài của Ðạo, phải tìm phương sanh lợi cho Ðạo nhờ. Tóm lại, phải lo cho sự sanh hoạt của toàn Ðạo đặng vững chắc về mặt tài chánh tức là lo sự sanh hoạt của toàn Ðạo về mặt phổ độ cũng đặng mạnh mẽ.
Hội Thánh đã có phương sanh lợi, nghĩa là: Có bên thâu, thì bên xuất cũng phải liệu phương giúp ích cho Ðạo, phải chăm nom quan sát không cho xa xí của Ðạo và phải giúp ích cho toàn Ðạo hưởng đặng các cơ tạo của Ðạo về phần hữu hình.
2. Thâu nạp các của cải tài chánh làm bổn nguyên về của cả thảy:
Chú giải: Của cải tài chánh của Ðạo như: Ðất, ruộng, nhà, ghe, xe, trâu, bò, ngựa,...v...v... đều phải đem vô bộ sổ rành rẽ thâu Bàn Ủy Viên thường vụ. Bàn Cai Quản nầy phải kiếm phương dụng các của ấy tức là sanh lợi của chúng sanh nhờ, chớ không nên thâu mà làm tiêu lụn của Ðạo, phải nạp Tờ Phúc mỗi tháng, ba tháng và mỗi năm.
3. Chỉnh đốn tu bổ các nhà cửa trong Thánh Ðịa, cất Tòa Thánh, lo cho Tiểu Thánh Thất ở các nơi phải y một kiểu.
4. Nền lý tài lập tư bổn phát lương hướng cho các Chức Sắc Thiên Phong Nam Nữ.
Chú giải: Mỗi việc chi có thâu xuất thì phải cử một Ban Ủy Viên lo lắng và quan sát sổ sách và nạp Tờ Phúc mỗi tháng, ba tháng và mỗi năm.
5. Liệu thế giúp sức cho Hội Thánh Ngoại Giáo truyền bá Chơn Ðạo ra ngoại quốc.

Chú Giải: Việc phổ độ tha phương chẳng phải kể nội vùng Ðông Pháp nầy mà đủ, mà là cả toàn cầu, đâu đâu Hội Thánh cũng phải đến gieo truyền mối Ðạo Trời. Chủ nghĩa tối cao của Ðại Ðạo chẳng những là hiệp Ngũ Chi qui Tam Giáo mà thôi, mà phải làm thế nào cho dầu các bực Ðế Vương ngoài thế cũng phải bái phục, phải tùng Ðạo, phải đồ theo cả cơ thể của Ðạo; phải nhờ Ðạo mới mong trị an thiên hạ đặng. Vậy mới gọi là hiệp nhứt. Vậy mới kêu là Ðại Ðạo.

Thánh ngôn của Ðức Lý Giáo Tông ngày 29-12-1932 lại nói rõ như vầy: "Thiên lý đã định vậy, bất kỳ nơi nào hễ có dấu chơn người Việt Nam đến thì Ðạo mới thành được".

Trong buổi Hội Thánh đang lo sắp đặt nội dung của Ðạo, thì Hội Thánh Ngoại Giáo đã khởi lập hầu phổ hóa các sắc dân khác. Trên nhờ các Ðấng Thiêng Liêng chỉ giáo, với Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, Ðức Tôn Sơn Chơn Nhơn, và Bát Nương, Lục Nương Diêu Trì Cung, dưới nhờ các Chức Sắc Ngoại Giáo hết lòng tuân y mạng lịnh cho nên khắp toàn cầu đều nghe danh thế Ðại Ðạo Tam Kỳ. Hiện nay ở kinh đô nước Pháp là thành Paris đã có người Pháp thọ Thiên sắc đặng lo phổ độ người Pháp và lập thành Thánh Thất. Rồi đây Hội Thánh Ngoại Giáo phải liệu phương phổ độ lần qua nước khác nữa.
6 . Cất trường học.
7 . Sắp đặt việc ăn ở và hành Ðạo nơi Thánh Thất, việc ăn uống của phái Nam và phái Nữ.
8 . Không cho ở trong Thánh Ðịa mà không có phận sự và không có giấy phép của Giáo Tông hay là người thay mặt cho Ngài.
9 . Không cho ở trong làng Ðạo mà không có giấy phép của Giáo Tông hay là người thay mặt cho Ngài.
10 . Không cho cất nhà cửa hay là lập cái chi mà không có giấy phép của Giáo Tông hay là người thay mặt cho Ngài.
11 . Rào ranh Thánh Ðịa.
12 . Cất giếng nước, sắp đặt ở trục trược.
13 . Công quả về việc moi sạn.
14 . Lò gạch.
15 . Cất nhà cho Thiên Phong Chức Sắc.

PHÁI THƯỢNG:
1. Xem xét Thánh ngôn, những điều cần ích của Ðại Từ Phụ và Ðức Lý Giáo Tông đã dạy từ thử mà chưa thi hành. Nếu như có những điều trọng hệ cần ích phải thi thố lập tức thì Hiệp Thiên Ðài phải làm Tờ Phúc đem ra ba Hội đặng lập Luật ban hành liền.
Chú Giải: Phải cử một Ban Kiểm Dượt Thánh ngôn, Ban Kiểm Dượt nầy sẽ dưới quyền Chủ Trưởng của một vị Chưởng Pháp.
Còn về thể lệ chấp cơ và ban hành Thánh ngôn thì sẽ thi hành y theo Châu Tri số 42 ngày 01-02-1932 của ông Cựu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh nói về chương trình hành Ðạo của Hiệp Thiên Ðài.
2. Bỏ bớt các Thánh Thất không hữu dụng và không có phép của Chánh Phủ để làm nơi Phước Thiện hay là nơi Tiểu Tổ giúp lương.
3. Lo cho Tiểu Thánh Thất các nơi cúng kiến y một kiểu về Luật lệ cũng vậy.
Chú Giải: Lễ Nghi đã có phái Ngọc lập cho thì cứ do theo Luật lệ ấy mà buộc các nơi hành lễ một kiểu.
4. Ðịnh trách nhậm đặc biệt của Tòa Thánh, các Thánh Thất và Hội Thánh Ngoại Giáo về việc tùng quyền hành Ðạo.
Chú Giải: Tòa Thánh thì có Nội Luật riêng, còn các Thánh Thất thì phải tức cấp lập Nội Luật phân quyền cho rành, nhứt là quyền đặc biệt của Bàn Cai Quản, chủ Thánh Thất và Ðầu Họ Ðạo. Trước khi cho cất Thánh Thất phải quan sát buộc phải làm giấy tờ cho rành rẽ, phải làm thế nào có tiền cất, cất rồi ai ở, Chức Sắc nào chịu ở, bề sanh hoạt thế nào....
Ðạo Nghị Ðịnh thứ tư, điều thứ bảy, có định để y Cửu Viện, vậy phải phân quyền hành mỗi Viện mà thi hành y như trước.
5. Lập Báo Chương đặng truyền bá tư tưởng Ðạo, lập Tàng Thư Viện.
Lập Bàn Kiểm Dượt kinh sách Ðạo không có Chưởng Pháp phê chuẩn.
Cử Bàn Ủy Viên cai quản nhà in.
6 . Liệu phương giao thiệp cùng các Tôn Giáo và các Chi Phái nghịch Ðạo, điều hòa cho khỏi chinh nghiêng nền Ðạo.
7 . Giao thông cùng Chánh Phủ, minh tỏ những điều chơn thật của Ðạo.
8 . Lập trách nhiệm cho Ty Giáo Huấn, dầu Ðạo giáo hay Thế giáo cũng vậy.
9 . Nuôi dưỡng học sanh.
10 . Lập các Sở Vệ Sinh.
11 . Lập Nội Luật Hội Nhơn Sanh.

Chiếu theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ tư, điều thứ tư thì Hội Nhơn Sanh dưới quyền Chủ Trưởng của Thượng Chánh Phối Sư và trách nhậm là lo về phần giáo dục nhơn sanh, tức là Ðời, có Ðời mới có Ðạo, mà có Ðạo mới nên Ðời thì phải liệu phương điều đình cho Ðời phải tùng Ðạo; dìu dắt cho Ðời thấy cả cơ thể tối cao tối trọng của Ðạo và biết giá trị của mình và cầm quyền hành Vạn Linh cho chặt; phải nâng đỡ trí thức tinh thần của nhơn sanh lên cao đặng hiểu cho toàn chơn lý hầu đủ phương kiềm chế hành động của Hội Thánh.
Lập thế điều độ chúng sanh vào cửa Ðạo và liệu phương kiềm chế cho Tín Ðồ để bước trên đường Ðạo và tuân y được các Luật Ðạo.
Lại nữa, Ðời đã có chính trị của Ðời, thì cũng phải xây chuyển cơ Ðời cho hiệp cùng chơn tướng của Ðạo.
12 . Khai phá Thánh Ðịa.

PHÁI NGỌC:
1. Xin Quyền Giáo Tông giao các việc hành chánh từ thử đặng quan sát lại; nhứt là Luật lịnh của Ngài ra mà chưa thi hành.
2. Chiếu theo các Ðạo Nghị Ðịnh mời Chức Sắc Thiên Phong Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài phế đời hành Ðạo.
Chú Giải: Vì Chức Sắc hiến thân trọn vẹn cho Ðạo sẽ được lương hướng y theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ tư của Ðức Lý Giáo Tông, cho nên phải xem xét cho kỹ, vị nào hữu dụng cho Ðạo mời về; nhưng nếu đã được lịnh mời về thì buộc phải lo phế đời hành Ðạo, bằng không lo lần thì không kể vào Hội Thánh, không được dự vào chánh trị của Ðạo y theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ năm của Ðức Lý Giáo Tông. Mà hễ phế đời hành Ðạo rồi thì Hội Thánh phải châu cấp thê nhi.
Số tiền châu cấp phải tùy theo bực phẩm và nhứt là phải tùy theo số vợ con.
3. Trừ bỏ những Chức Sắc tạm phong của Cửu Trùng Ðài đã thuyên bổ hành chánh các nơi.
Chú Giải: Theo Tân Luật điều thứ ba thì phải chịu công cử, như Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư phải nhờ 3.000 vị xúm nhau công cử. Nhưng hiện thời số Chức Sắc chưa đủ thì phải cầu phong cách nầy:
Dầu trong hàng Chức Sắc hay trong hàng Tín Ðồ cũng phải xem xét lại công cán và hạnh đức, đem vào Sổ Bộ Cầu Phong. Sổ ấy phải trình cho ba Hội lựa và định bực phẩm. Có ba Hội chịu rồi thì Giáo Tông và Hộ Pháp mới ra Ðạo Nghị Ðịnh phong chức.
Ngoài ra, theo Luật Ðạo thì Chức Sắc Thiên Phong phải lựa theo đẳng cấp mới được; Lễ Sanh thì phải lựa trong hàng Chánh Trị Sự.
4. Bổ các Bàn Tri Sự thế quyền Chức Sắc Thiên Phong đặng cầm quyền Ðạo các nơi.
5. Ðịnh mỗi năm cả Chức Sắc Thiên Phong phải về Tòa Thánh mấy lần cho bớt việc tổn phí.
Chú Giải: Mỗi năm Chức Sắc Thiên Phong phải về Tòa Thánh hai lần là ngày Ðại Lễ Ðức Chí Tôn và ngày Khai Ðạo là ngày Rằm tháng 10. Muốn cho bớt việc tổn phí cho nên sẽ định lại ngày Ðại Hội của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh cho trùng với hai ngày trên đây.
6. Trừ bỏ những điều Chức Sắc Thiên Phong Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài đã thật hành ra mặt thế mà sái Luật Pháp.
7. Canh cải những hành động của Cửu Trùng Ðài không phù hạp với Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.
8. Ðịnh trách nhậm đặc biệt của Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài.
9. Ðịnh trách nhậm đặc biệt của mỗi Chức Sắc Cửu Trùng Ðài Nam và Nữ.
Chú Giải: Việc hành chánh của Chức Sắc các nơi cũng phải lập thành mặt Luật. Trách nhậm của các Hội Thánh Ngoại Giáo cũng vậy.

Luôn đây xin giải bốn chữ Hội Thánh Ngoại Giáo:
Phải đọc Hội Thánh Ngoại Giáo chớ không phải là Ngoại Giao. Hội Thánh Ngoại Giáo là một cái Hội của chư Thánh để giáo Ðạo ở ngoại quốc. Bậc phẩm và trách nhậm tuy phải tuân theo Luật Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, hành chánh tuy hiện thời phải tùng quyền của Thái Ðầu Sư nhưng cũng có phần đặc biệt là phải tùy theo tánh cách của người bổn xứ, tài liệu và vật liệu...v...v...
10 . Chỉnh đốn các thức lệ cúng kiến:
Chú Giải: Ngoài các thức lệ chỉnh đàn hành lễ phải cho y một kiểu vở, phải định thêm lễ nghi về quan, hôn, tang, tế,... buộc các nơi phải tùng theo một luật lệ, phép Giải Oan, phép Tắm Thánh.... cũng vậy.
Về nhạc cũng phải chỉnh đốn, nhứt là giọng đọc kinh của Ðồng Nhi, phải phân biệt ba giọng: Ai, Xuân và Ðảo Ngũ Cung. Hơi đọc kinh có ảnh hưởng nhiều về sự hòa bình êm tịnh và phát thạnh của Thánh Thất sở tại, cứ tụng một hơi ai oán thì không khác nào cầu sự khổ não cho Thánh Thất mình.
Ðạo phục cũng phải y theo Pháp Chánh Truyền. Ðáng lẽ Tòa Thánh hay là các Thánh Thất phải may Ðạo phục mà ban cho các Chức Sắc khi thiết lễ ban quyền. Hàng Tín Ðồ không có Ðạo phục đặc biệt thì không được mặc áo rộng tới Ðàn cúng.
Khi hành lễ phải theo đẳng cấp mà quì, người trước, người sau y theo Pháp Chánh Truyền.
11 . Thảo Xá Hiền Cung:
Chú Giải: Thảo Xá trước đã có lịnh dạy làm Trường Qui Thiện cho Nữ phái, thì nay cũng sắp đặt đặng có chỗ cho các Ðạo Cô ở mà tu hành. Việc nầy sẽ bàn tính với Bà Chánh Phối Sư Nữ phái và phải lập Bàn Cai Quản Nữ phái dưới quyền kiểm soát của Tòa Thánh.
12 . Lập Nội Luật Tòa Thánh và Thánh Ðịa:
Chú Giải: Chẳng phải nội Ðền Thờ Ðức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mà kêu là Tòa Thánh. Cả khuôn viên của Tòa Thánh là gồm hết Thánh Ðịa, gồm cả Thành Ðạo mà người làm chủ là Giáo Tông hay là người thay mặt cho Ngài.
Nội Luật của Tòa Thánh phải cần có đặng thi hành lập tức.
13 . Kiểm soát các người giúp việc riêng cho các Chức Sắc tại Tòa Thánh. Thuyên bổ người tuần phòng Thánh Ðịa Tòa Thánh và người giúp việc tại tư gia của Chức Sắc trong Thánh Ðịa.
14 . Kiểm soát các án tiết của Tòa Tam Giáo đặng xin ân xá.
15 . Hội cả ba Hội đặng cầu phong thêm Chức Sắc và thăng thưởng các Chức Sắc có công lao. Cầu phong cho Ðầu Sư Nữ Phái.
Bài Diễn Văn của Ðức Quyền Giáo Tông, ngày 20-05-1934 (08-04-Giáp Tuất): Vía Ðức Phật Thích Ca Về Phương Diện Chánh Thể Ðạo.

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Cửu Niên)
Bài Diễn Văn của Ðức Quyền Giáo Tông đọc tại Tòa Thánh, ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934).

Vía Ðức Phật Thích Ca Về Phương Diện Chánh Thể Ðạo
Chư Ðạo Hữu cùng chư Ðạo Muội,
Buổi chênh nghiêng Ðạo đã hầu qua. Tâm lý toàn con cái của Ðức Ðại Từ Phụ dường như đặng chuẩn thằng, an tịnh đủ để trọn trí thức tinh thần suy gẫm, nên Tệ Huynh ngày nay toại chí lượm lặt những lời châu ngọc của Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng thuyết giáo đặng chỉ rõ Thánh ý nơi nào để cho Ðạo phải chịu khảo đảo dường ấy. Cái hữu ích của sự khảo đảo sẽ tỏ tường nơi Bài Thuyết Pháp này, nhưng xin chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội cố tâm tìm hiểu.

Các Tôn Giáo đã lập thành tại mặt thế nầy đã đoạt đặng một cái quyền hành hữu vi kiên cố, thì trước kia cũng phải chịu khổ hạnh nương lấy một quyền hành bạc nhược, yếu ớt của tâm lý mà thôi.

Ôi, quyền hành tâm lý buổi nào thì cũng gặp sẵn một tay thù địch mạnh mẽ, cường thạnh, oai nghiêm, là quyền Ðời hiện hữu. Sự xung đột của quyền Ðời và quyền Ðạo tự cổ chí kim tự nhiên đều có. Chúng ta đã choán biết rằng những quyền lực mà hành thế đều nương theo tinh thần mà sản xuất. Trứng tinh thần ấy nở sanh quyền lực, vì cớ cho nên các quyền hành đã có đủ thế lực mạnh mẽ, nắm thế trị vào tay, hễ vừa thấy trí thức tinh thần của nhơn sanh ướm mòi sản xuất một cái trứng quyền hành chi khác nữa thì đã sợ lưu hại mình nên toan phương đạp đổ.

Cuộc kết quả sự phản kháng ấy hoặc thành, hoặc bại, có ảnh hưởng của tương lai sanh hoạt quyền lực đương nhiên của họ vì cớ mà sự xung đột hằng xem dữ dội.

Ấy là phương khảo thí tài lực của trí thức tinh thần, hầu làm cho trí thức tinh thần sanh điều hay, bày điều dở; hay thì chánh dở thì tà; chánh thì còn tà thì dứt. Ấy vậy, dầu cho sự xung đột của quyền Ðạo với quyền Ðời thoảng đã làm cho lao tâm tiêu tứ của những trang chấp chánh Ðạo quyền đi nữa, là phương chước tô điểm vẽ vời cho lịch xinh mặt Ðạo. Phận sự bảo trọng lấy mình là dễ; còn phận sự bảo Ðạo vốn khó vô cùng. Ðáng lẽ những kẻ khuyến khích cho Tệ Huynh bảo trọng lấy mình nên gọi là người ơn; còn những người khuyên lơn, bảo tồn nền Ðạo nên cho là kẻ nghịch mới phải. Tệ Huynh tưởng khi chẳng cần nói thì chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội cũng đã choán biết rằng: Chẳng lẽ Chí Tôn chọn lựa Tệ Huynh giao cầm quyền mối Ðạo đặng bảo trọng lấy Tệ Huynh mà thôi. Trái ngược thì lại nhủ rằng: Phải hủy mình đặng bảo tồn sanh chúng. Chẳng lẽ chúng ta đành cho rằng trọng mình hơn trọng Ðạo là chơn lý.

Ôi! Biết bao phen, đêm khuya thanh vắng, Tệ Huynh nằm gát tay lên trán thầm hỏi lấy mình:

Một mảnh thân phàm nầy, cô thân bạc nhược nầy, yếu ớt hèn mọn nầy, có đủ tài đức chi mà Ðại Từ Phụ lại tin giao một cái giang san sự nghiệp của toàn nhơn loại hoàn cầu đặng cho gánh vác.

Càng nghĩ càng lo, lo rồi lại sợ; sợ không kham trách nhậm mạng Trời. Càng suy càng tủi, tủi rồi lại khóc; khóc sợ không phương nâng đỡ nổi chơn truyền.
Ðại Từ Phụ lại quy tụ con cái của Ngài gần trên một triệu sanh linh, biểu bảo hộ, nâng niu dạy dỗ?

Anh thì nghèo, em thì khó, gia nghiệp không mà quyền thế cũng không, bị cường bức ép đè mang khổ hạnh.

Ðã chín năm Tệ Huynh thấy ngờ ngờ trước mắt nhiều thảm trạng khó khăn; tinh những tiếng khóc than chẳng dứt. Kẻ thì đói, người thì đau; Chức Sắc thì hèn, Tín Ðồ thì dở, mối thương tâm chất chứa đầy lòng, giọt huyết lệ toàn đêm chẳng ngớt.

An đâu đặng mà tịnh, vui đâu đặng mà nhàn. Chúng sanh thì khóc, Hội Thánh thì than mà chẳng thấy một ai lo trọn Ðạo. Tệ Huynh xem lại những trang yếu trọng chấp chánh Ðạo quyền, thay vì chia đau sớt thảm, lo giải khổ cho chúng sanh, lại cố ý giựt giành quyền thế. Nhiều vị lại muốn cho Tệ Huynh ngồi đó điềm nhiên những thảm khổ ngơ tai bịt mắt; lại buộc Tệ Huynh phải an tịnh đặng đắc Ðạo thành Tiên, dầu mối Ðạo chinh nghiêng đừng ngó đến.

Cái sở vọng của các người ấy, Tệ Huynh để cho chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội kiếm hiểu coi họ để tại nơi nào không cần cạn tỏ.

Vì Tệ Huynh biết đặng cái bí mật huyền vi ấy, nên không khứng nghe lời mới nảy sanh ra trường ác cảm.

Nào là lường gạt nhơn sanh, nào là tranh giành quyền tước, gieo nhục nhã khắp nơi, lấy quyền Ðời chế Ðạo. Một trường ngôn luận xảo quyệt, dối gian truyền cùng làng khắp xóm, nhưng sự kết cuộc cũng không hại chi cho danh thể của Tệ Huynh, duy làm cho thiên hạ chê khinh Chánh Giáo. Chẳng biết lương tâm của những kẻ phá Ðạo ngày nay nó phải thế nào, lẽ tà chánh trọng khinh sao chẳng rõ.

Tệ Huynh ngồi nhớ lại đã cách mười năm, nghĩa là hạ tuần năm Sửu, Tệ Huynh còn làm Thượng Nghị vào lầu ra các; trong thì bạn ngoài thì quan, nẻo hoạn lộ hèn sang đã chán, lẽ nhục vinh đã ngán với tuồng đời, mùi cay đắng đã từng quen với mặt thế, nào là mày trung nào là mặt nịnh đã trông nom mỏi mắt mòn hơi, nên mới biết chê đời mến Ðạo.

Nay lục tuần hầu đến, lẽ nên hư quyền biến cũng đã thừa; có chi hay phòng mến phòng ưa; có chi trọng phòng yêu phòng chuộng. Tệ Huynh hằng hỏi lấy mình, cái ngày của Ðại Từ Phụ sai Hộ Pháp và Thượng Phẩm đem lịnh vào nhà mà dạy một đứa tội tình nầy phải dâng trọn xác hồn cho Ngài làm lợi khí mở chơn truyền, nên gọi là ngày hữu duyên hay là ngày trả nợ? Nếu phải trả nợ thì Thầy lại nào đành giao một cái gia nghiệp vĩ đại của nhơn sanh cho một kẻ tham gian ngược, còn như gọi rằng duyên thì chắc đủ lực quyền cầm vững Ðạo.

Ðã chín năm xông lướt trên con đường đi than lửa, bước chông gai mà cũng có thể bảo thủ chơn truyền của Thầy vững vàng toàn hảo, thì không phải là một tay giả mạo hay là một đứa tội nhơn, mà làm cho Thánh chất đặng thắng hơn phàm tánh.

Bởi biết mình, biết Thầy, biết người, biết Ðạo, mới yên trí Ðạo tâm, giữ gìn Ðạo mạch.

Tệ Huynh duy có một sở vọng là ngày nào Ðạo đắc thành, đời đặng thái bình thì thối bước lui chơn liền đặng thích chí du sơn ngoạn thủy; cái vui cùng tận của Tệ Huynh ở tại nơi đó mà thôi, chớ chẳng phải tại mến đời ngồi chịu khổ.

Ngày nay là ngày vía Ðức Thích Ca Mâu Ni mà Tệ Huynh không giải tích Ðức Thích Ca, vì chư Hiền Hữu Lưỡng Phái cũng hiểu rõ tích của Ngài, và chư Hiền Hữu cũng thông suốt Phật Ðạo chút ít rồi.

Tệ Huynh chỉ để thì giờ quí báu đặng nhắc cho chư Hiền Hữu Lưỡng Phái nhớ một hai Tôn chỉ quí trọng của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đương thời, nhứt là về phương diện thể của Ðạo.

Tuy Tệ Huynh không giảng Phật Ðạo, chớ Ðại Ðạo ngày nay cũng là Phật Ðạo, vì gồm hết Tam Giáo (Nho, Thích, Ðạo) và Thích Ca cũng là Thầy, Thầy là Thích Ca.

Tệ Huynh hằng nhắc chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội rằng: Ðạo vẫn một, mà mỗi thời kỳ khai Ðạo thì phương diện khác nhau vì Ðạo khai phải phù hạp với dân trí đương thời khai Ðạo.

Khi Ðức Thích Ca mở Ðạo Phật thì nhơn sanh buổi ấy còn Thánh Ðức nhiều; cá nhơn đều ngán sự khổ não truân chuyên ở thế nên Thiên Ðình phú cho Ngài lấy tôn chỉ tiêu cực diệt Tứ Khổ (Sanh, Lão, Bịnh, Tử) mà độ chúng.

Ngài cũng bị lắm điều truân chuyên khổ não, lao thân tiêu tứ với đời, mà chừng thành Ðạo cũng bị quỉ phá một hồi dữ dội, rồi mới thành Ðạo.

Ðức Lão Tử khai Ðạo Tiên thì dùng huyền diệu pháp làm tôn chỉ cao thượng, vì đương buổi ấy thì nhơn sanh ưa huyền diệu phép tắc.

Ngài cũng bị nhơn sanh cho là Lão già mê hoặc chúng. Ðệ tử của Ngài cũng lần lần xa Ngài cho đến đổi khi Ngài đi qua Hàm Cốc Quan vô Nha môn của Doãn Hỉ đặng độ ông nầy là chơn linh Ngươn Thỉ thì Từ Giáp là học trò hầu cận Ngài vì mê sắc mà sa ngã rồi cũng xa Ngài. Mà Ðạo Tiên cũng thành tựu và cũng truyền bá tứ phương vậy.

Khổng Phu Tử thọ lịnh Thiên Ðình xuống khai Ðạo Nho đặng sửa nhơn luân trong buổi Châu mạt. Vì trong buổi ấy cang thường, luân lý suy đồi, nên nhơn sanh thấy cái Ðạo nhơn luân của Ngài hay sửa đời đặng thì khâm phục.

Ngài cũng lắm công nhọc nhằn với đời, qua Tề bị Yến Anh, qua Yên bị phế, qua Triệu bị đuổi, kẻ bắt người buộc, ăn vạc nằm sương nhọc nhằn biết mấy. Ðến đổi nhà Tần tàn bạo không xiết kể, phần thi khanh Nho (đốt sách, chôn học trò) mà Ðạo Nho cũng loan truyền khắp hoàn cầu.

551 năm sau Khổng Phu Tử mới có khai Ðạo bên Thái Tây, nên Thầy cho Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh khai Ðạo Thánh cho phù hạp với dân trí Âu Châu.

Ðức Chúa Jésus cũng bị cường quyền Israel áp bức cho đến đổi, hồi ban sơ thì có 12 vị Thánh Tông Ðồ theo Ngài, mà sau còn có một Thánh Pierre mà thôi.... Nhưng Người cũng phải chối Chúa ba phen đặng tránh cường quyền bắt buộc.

Chừng Ðạo thành thì có Du Già bắt Ngài mà nạp cho Chánh Phủ hành hình, đóng đinh trên cây Thánh Giá; hành xác Ngài gớm ghiếc như thế đặng cho nhơn sanh kinh khủng mà bỏ Ðạo, mà Ðạo Thánh cũng gieo truyền khắp cả hoàn cầu.

Lúc Ðạo Gia Tô truyền qua Ðông Pháp thì vua An Nam cũng nhặt cấm, bắt mấy người theo Ðạo Gia Tô quá Thập Tự, ai không bước ngang qua thì bị tử hình.

Hình phạt gớm ghê như thế mà cũng có người chí Thánh, thọ tử mà thôi chớ không chịu chối Ðạo.

Xét kỹ lại, thiệt người xưa là Thánh Ðức, ít ai bì kịp, cứ giữ chánh tâm làm trọng, thủy chung như nhứt mà thôi.

Ngảnh lại đời nay mà ngán cho đời!! Ôi, trong tám năm dư chuông Thánh truy hồn, Ðạo Trời đem tin cứu thế mà hễ có nghe phưởng phất lời đồn huyễn hoặc chi của người toan phá Ðạo thì mau mau cuốn Thánh Tượng, dẹp Thiên Bàn lòng toan chối Ðạo....

Biết bao nhiêu người nịnh quyền hiếp thế, xu phụ theo nịnh tà mong toan phá Ðạo, rước rắn rừng vô cắn gà nhà, nạp chí Thánh vô đề lao cho phỉ lòng oán hận.

Con một cha, gà một ổ, mà làm cho đổ lụy rơi châu, gieo thảm sầu cho lắm người tâm thành trí vẹn phải dừng chơn thối bước! Quạ nuôi tu hú cũng còn biết thương, người đi một đường sao nỡ hại nhau như thế?

Ai toan bứng gốc phá chồi của nền Ðạo, thì để Thiêng Liêng quyết đoán, mình cứ nắm giữ luật lệ của Thầy và Ðức Lý Giáo Tông đã thành lập từ buổi ban sơ thì thành Ðạo, vì luật lệ của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thể Thiên hành hóa là món binh khí diệt Tà quyền.
Ðời có thạnh có suy,
Ðạo động tịnh chuyển xây,
Lửa thử vàng, gian nan thử Ðạo.

Trong 8 năm qua rồi, biết bao phen vẹt mây ngút thấy Trời xanh mà cũng lắm lúc xem đất bằng sóng dậy.

Thầy đã nói tiên tri rằng: "Chi chi qua Quí Dậu cũng phải cho thành Ðạo, mà trước khi Ðạo thành thì Tam Thập Lục Ðộng quỉ về phá Tòa Thánh dữ dội lắm, mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên cơ".

Ngày nay bảo tố dữ dội đã qua rồi, Tệ Huynh nhìn thấy mấy em đã bị bao phen khảo đảo, thảm khổ vô cùng, mà mấy em cũng ngồi vững trong thuyền Bác Nhã của Thầy độ rước thì Tệ Huynh hết sức vui mừng nên nguyện rằng sẽ đem hết dạ yêu thương mà dìu dắt mấy em về cùng Thầy cho đến chốn.

Các Ðấng Thiêng Liêng cũng có nói trước: "Rồi đây Nguyên Nhân sẽ đến rần rần, có lắm anh hào thành tâm giúp Ðạo".
Cơ Trời mầu nhiệm, cao sâu, người đâu thấy đặng!
Từ ngày ác khí nổi lên xông đột, bên bạo tàn trương nanh múa vút, thì bên Thánh Ðức hiền lương có lắm anh hào đem hết trí thức tinh thần ra công giúp Ðạo.
Tạo Hóa vần xây chuyển thế,
Âm Dương thiệt khéo đầu cơ.

Khiến cho Tệ Huynh nhớ lời tiên tri của Bát Nương Diêu Trì Cung hồi ban sơ có dạy rằng:
"Hễ gặp người an bang tế thế,
Nên quì mà nghênh lấy lễ trọng người.
Cổi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đở nắng cho đời nguy nan".

Tôn chỉ cao thượng của Ðại Ðạo Tam Kỳ là lập công quả cùng Thầy lo độ rỗi Nguyên Nhân, truyền bá chơn Ðạo cho đời biết chữ nhàn là quí, đức là trọng, đặng hết tranh tranh đấu đấu, lập quyền lấn thế nhau, báng sán nhau, hại sanh chúng nguy nan đời đời kiếp kiếp.

Từ hai mươi năm nay, xem trong hoàn cầu thiệt đâu đâu cũng là một cảnh sầu không tỏa ra cho cùng tận được. Biết bao người bị lượn sóng vô tình vật chất chụp đè trên biển khổ, ham lo sung sướng cho mảnh thi hài, bo bo vừa lòng tình dục. Ít ai ngó xuống thương đồng loại cực khổ biết bao! Kể không xiết số người thất nghiệp truân chuyên, cơm tẻ ngày hai không có, mảnh tơi che cật chẳng lành. Tôi phản Chúa, người phá Ðạo, trò nghịch Thầy, cha lìa con, vợ xa chồng, huynh đệ bất hòa, bằng hữu tranh nhau cũng vì mối nhơn luân suy bại, chẳng còn thấy Chúa Thánh tôi hiền, phụ từ tử hiếu, trông chi gặp tháng Thuấn ngày Nghiêu, nhà nhà lạc nghiệp thái bình âu ca.

Ðấng Hóa Công là Ðại Từ Phụ chung của cả nhơn sanh trông thấy hoàn cảnh như vầy cũng đổ lụy rơi châu với bầy con dại, biết bao thương xót lũ con hoang ra đường gây tội lỗi, trong mấy muôn năm phải bị luân hồi, trả vay mãi mãi như chóng vần xây. Từ việc rất lớn lao tới việc tế vi mảy mún, thạnh suy bỉ thới cũng phải chuyển vần y như luật Trời đã định.

Ðạo Trời đem tin cứu thế, thức tỉnh nhơn sanh phải tu tâm dưỡng tánh, theo lành lánh dữ cho khỏi nạn luân hồi vay trả; hằng ngày phải nhớ câu: "Oan gia nghi giải bất nghi kiết".

Người phải thương nhau như con một cha. Cả hoàn cầu là đại chánh chung cả nhơn loại, không hại lẫn nhau, lấy lễ phép mà giao thiệp cùng nhau, lấy công bình mà đối đãi cùng nhau.
Lo cho Ðạo hữu trong nền Ðạo có cơ sở làm ăn, biết làm lành là quí.
Que l'humanité soit une, une comme race, une comme religion, une comme penseé.
Ấy là cuộc sửa đời lập Tân Thế Giái (Ere nouvelle) của Ðại Từ Phụ đã tuyên ngôn từ buổi khai Ðạo.

Theo lý chánh, thật hành chỉ rõ trên đây thì nhiều người trong Ðạo lại chê, còn theo việc mị mộng ăn ngọ, ăn chuối, tuyệt cốc, tịnh luyện thì ưa, còn nguyên nhân lỡ bước ai lo?

Trong 8 năm qua rồi, Tệ Huynh đây và Hiền Ðệ Phạm Công Tắc là Hộ Pháp của ÐÐTKPÐ, hiệp cùng nhiều Thiên Phong đã để hết tâm thành trí vẹn đặng thi hành cho hoàn tất mấy điều của Thầy và Ðức Lý Giáo Tông đã dạy bảo.

Ôi, biết bao phen bị đánh đổ, lắm người trong Ðạo không hiểu tôn chỉ Ðại Ðạo, lại còn biếm nhẻ nói Tệ Huynh lo việc hữu hình chớ không lo vô vi tịnh luyện.

Bởi vậy mới rồi đây, Tệ Huynh có đắc lịnh dạy bảo phải chỉ rõ phương diện chánh thể của Ðạo, xin giải:

Trước đây, Tệ Huynh có nói Thầy lập Ðạo kỳ nầy phù hạp với dân trí ngày nay đã tăng tiến khỏi Ngươn Tấn Hóa đến địa vị tối cao, cho nên chủ nghĩa Cựu Luật của các Tôn Giáo hiện thời không đủ sức kềm chế đức tin của toàn nhơn loại.

Theo chánh thể của ÐÐTKPÐ, thì có ba Hội, đã định quyền hành đặc biệt:
a). Thứ nhứt là Hội Nhơn Sanh:
Trong Hội Nhơn Sanh thì Chánh Phối Sư phái Thượng là Chủ Trưởng.
Hội Viên thì từ Lễ Sanh đổ xuống Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và người Phái Viên thay mặt cho nhơn sanh.

Trong Nội Luật Hội Nhơn Sanh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ luật lệ. Ấy vậy từ hàng Tín Ðồ cùng đồng nhi đều có người thay mặt đặng xem xét việc Ðạo rồi đệ lên Hội Thánh phán đoán.

Vạn vật cũng có ảnh hưởng trong Hội Nhơn Sanh vì người là Chúa của Vạn vật. Xét kỹ thì Thầy công bình không xiết kể và lo việc hóa sanh không ngằn không tận.

b). Thứ nhì là Hội Thánh:
Trong Hội Thánh thì có Thái Chánh Phối Sư làm Chủ Trưởng. Hội Viên thì từ Giáo Hữu, Giáo Sư và Phối Sư thiệt thọ có trách nhậm hành chánh đặc biệt.

Trong Nội Luật Hội Thánh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ. Hội Thánh có quyền xem xét các việc của Hội Nhơn Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong Ðạo, rồi đệ lên Thượng Hội.

c). Thứ ba là Thượng Hội:
Thượng Hội thì cũng có Nội Luật chỉ rõ thức lệ. Trong Thượng Hội thì Giáo Tông làm Chủ Trưởng, Hộ Pháp làm Phó Chủ Trưởng. Hội Viên thì có:
Thượng Phẩm
Thượng Sanh
Ba vị Chưởng Pháp
Ba vị Ðầu Sư
Và Ðầu Sư Nữ Phái
Không cần nhắc thì chư Hiền Hữu Lưỡng Phái cũng hiểu rằng mấy Ðại Thiên Phong kể trên đây có hành chánh phận sự lớn lao của mình thì mới đặng vào Thượng Hội.

Thượng Hội để giúp Giáo Tông và Hộ Pháp điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.

Thượng Hội có quyền xem xét các điều nghị luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định đoạt lại.

Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn Sanh) toàn nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.

Như vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.

Giáo Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu Sư ở trung gian giúp sức điều đình các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối Sư nắm trọn quyền hành chánh. Giáo Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị của Ðạo.

Hộ Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng như Giáo Tông có quyền Chánh trị vậy.

Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân giúp sức.

Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí Tôn.
Tệ Huynh có thọ lịnh chỉ rõ phương diện Chánh thể của ÐÐTKPÐ của Thầy khai trong buổi Hạ Ngươn chuyển thế đây y trên đó. Xin chư Hiền Hữu Lưỡng Phái rán nhớ và lo phận sự, đừng sai luật Ðạo mà bị tội, và mình tuân trọn Luật Ðạo của Thầy thì là món binh khí diệt Tà quyền giả mị đó.

Tệ Huynh xin nhắc lời Tuyên ngôn của Ðại Từ Phụ hồi buổi ban sơ, Thầy có nói: "Thầy lập Ðại Ðạo Tam Kỳ nầy là lập một cái trường công quả, nếu các con đi ngoài trường công quả ấy thì không trông mong gì về cùng Thầy đặng".

Trường công quả của Thầy có đôi bên: Một bên vô hình là các Ðấng Thiêng Liêng (Phật, Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Ðấng Thiêng Liêng thường theo một bên chúng ta đặng ám trợ chúng ta về phần vô vi.

Còn các việc hữu hình tại thế là các việc phải có thi hành như chúng ta bây giờ đây mới làm đặng thì về phần chúng ta phải lo làm rồi có các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ.

Thí dụ như đi độ rỗi nhơn sanh phải nói Ðạo cho người nghe, như phải lập mấy cuộc để giúp thế đang nguy nan, như nhà trường dạy kẻ cô độc học, nhà thương, nhà dưỡng lão cùng các nghề nghiệp cho đạo hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày hai, có áo quần che thân ấm cật.... thì chúng ta phải lo hết rồi các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ cho thành tựu.

Nếu chúng ta làm biếng không làm công quả chi cho Ðạo bên hữu hình thì các Ðấng Thiêng Liêng theo mình không lập công quả được thì tội trọng về phần mình chịu lấy.

Từ hồi tạo Thiên lập Ðịa tới ngày nay trong mỗi kỳ khai Ðạo không có thời kỳ nào mà chính mình Thầy là Chủ Tể Càn Khôn Thế Giới xuống mà lập ra, không có một Tôn Giáo nào đặng một vị Ðại Tiên là Ðức Lý Thái Bạch lãnh làm Giáo Tông như ngày nay vậy.

Tệ Huynh đây là lãnh về phần xác thay thế cho Ngài đặng lo làm các việc hữu hình tại thế cho Ngài, rồi ở trong có Người ám trợ.

Tệ Huynh xin chỉ rõ quyền hành lớn lao của Ðức Lý Ðại Tiên Thái Bạch Kim Tinh cho mấy em rõ:
Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
Quyền năng dâng thửa Thiên Triều,
Càn Khôn Thế Giái dắt dìu Tinh Quân.

Tinh Quân thọ sắc thuở Phong Thần,
Cho đến Ðường Triều mới biến thân.
Thái Bạch Kim Tinh đương trị thế,
Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.
Ðộng Ðình thi rượu đong muôn đấu,
Bồng Ðảo câu Tiên nắm một cần.
Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế,
Tam Kỳ độ rỗi các Nguyên Nhân.

Ngài nói rằng: "Hễ Ðạo trọng thì chư Hiền Hữu trọng, vậy thì chư Hiền Hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.

Từ đây Lão hằng gìn giữ cho chư Hiền Hữu hơn nữa. Nếu thoảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn giá trị chư Hiền Hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe."

Xin chư Hiền Hữu Lưỡng Phái ghi nhớ mấy lời châu ngọc ấy đặng sửa mình. Hết lòng cảm tạ mấy em và chư Tôn có công mệt mỏi ngồi nghe mấy lời tôi cạn tỏ rồi đó.
Hết dạ khẩn cầu cho nền Ðạo chóng hoằng khai.

*  *  *
Phụ ghi:
* Ðoạn 18: ...một kẻ tham gian ngược,... chúng tôi nghĩ có thể là: ...một kẻ tham gian bạo ngược,...
* Ðoạn 23: ...Tôn chỉ quí trọng của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đương thời, nhứt là về phương diện thể của Ðạo... chúng tôi nghĩ có thể là: ...Tôn chỉ quí trọng của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đương thời, nhứt là về phương diện chánh thể của Ðạo....
* Bài Diễn Văn của Ðức Quyền Giáo Tông đọc tại Tòa Thánh, ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934) so sánh nơi quyển Tiểu Sử ÐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG THƯỢNG TRUNG NHỰT do Ban Ðạo Sử ấn hành lần thứ nhứt năm Quý Sửu (1973) có một vài điểm khác biệt. Chúng tôi xin giử y nguyên bản tài liệu gốc của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu.
Ðức Quyền Giáo Tông giải nghĩa về: Ðức Chí Thành & Lòng Bác Ái & Người trong Ðạo phải đối đãi với nhau như thế nào? (1935).

Ðức Quyền Giáo Tông
giải nghĩa về "Ðức Chí Thành"
ÐỨC CHÍ THÀNH

Ðức chí thành là tánh chất thành thật chơn chánh mà mọi người cần phải có hầu để đối đãi nhau cho ngay thẳng, thật thà trong đường Ðời hay là đường Ðạo. Ðức chí thành là gốc năm thường, là nguồn trăm nết. Có chí thành thì đạo hạnh con người mới đặng rõ ràng sáng tỏ. Không chí thành thì đạo hạnh phải bị tà khuất tối tăm. Cho nên con người ở đời mà không un đúc đặng một khối chí thành là gốc rễ thì trông chi đến việc trau giồi đức hạnh là nhành lá vậy.

Ðức chí thành tỉ như một khối vàng, dùng nó mà chế tạo ra lắm đồ trang sức tốt xinh cao giá. Chí khối vàng ấy phải pha phải trộn thì mất nguyên chất tự nhiên, rồi bảo sao những đồ trang sức làm ra không phải xấu hèn thấp giá.

Người xưa tuy quê hèn, song giữ đặng hai chữ chí thành, đối với nhau chẳng hề dối giả, gạt gẫm là gì. Một tiếng ừ với nhau cầm đáng ngàn vàng, một lời hứa với nhau khư khư giữ chặt.

Người nay tuy gọi văn minh tấn bộ; song cái ánh sáng văn minh chóa ra làm cho con người dường như bị nắng quáng đèn lòa mà xem không rõ cái tướng của đức chí thành đặng vậy. Cũng bởi không chí thành cho nên ở đời mới có người nầy xảo trá, kẻ kia gian tham, sanh lòng nghi kỵ lẫn nhau đến đổi trong một việc làm nhỏ mọn mà có nhiều kẻ chung lo thì cũng hóa ra hư hỏng. Theo đường đời mà đức chí thành còn quan trọng là thế, huống chi đường Ðạo là chỗ cần phải treo lên một tấm gương thanh bạch hầu để soi chung thiên hạ.

Người hành đạo cần phải có đức chí thành, tôn chỉ Ðạo mới đặng quang minh chánh đại, rồi nhơn đó mới đặng lòng tín nhiệm của chúng sanh. Khi tụng kinh cầu nguyện, khẩn vái với Trời Phật, nếu đặng chí thành mới có cảm. Có cảm mới có ứng. Có ứng mới có nghiệm; cho nên có câu: "Hữu thành tất hữu Thần" là vậy đó.

Người làm Ðạo mà chí thành thì chẳng hề để ý chi riêng về việc công quả mà cầu danh, chẳng hề tính lập công quả mà cầu danh. Chẳng hề ỷ mình lập nhiều công quả mà tự kiêu, tự đắc rồi tác oai tác phước, lập thế chuyên quyền, gây ra lắm điều trái Ðạo, ai nói cũng nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung.

Người làm Ðạo mà chí thành thì chỉ lo cho chúng sanh, chớ không kể đến thân mình, tự buộc mình vào nơi khổ hạnh, đem cả hình hài trí thức làm món hy sinh cho tôn chỉ Ðạo, thân còn chẳng kể huống lựa lợi và danh.

Nói tắt lại một điều là làm Ðạo mà còn chút ý riêng về lợi và danh thì chưa có thiệt là chí thành vậy.

Người theo Ðạo mà không chí thành thì bất quá là: Cầu vui tu bắt chước hoặc là tu "cầu mị" theo ông nọ bà kia đặng có dễ bề thân cận mà chác chuộng mua yêu cùng trông ỷ lại nơi người vậy thôi.

Người theo Ðạo mà không chí thành thì bất quá là mượn danh Ðạo để vụ tất đồng tiền, hoặc bị lợi dụng đức tin của hàng Tín Ðồ thấp thỏi để mưu điều trái Ðạo.

Người giữ Ðạo mà không chí thành, dầu cho bác lãm quần thơ, rõ thông đạo lý đến đâu đi nữa tưởng cũng không trông thành Ðạo.

Ấy vậy, nếu rủi trong Ðạo mà có đại đa số người không chí thành dầu cho tôn chỉ Ðạo cao thượng đến đâu đi nữa, nền Ðạo bất quá cũng để một trò cười cho thiên hạ.

Thánh ngôn Ðức Chí Tôn dạy rằng: " ..... ...... Các con phải biết Ðạo gốc bởi lòng bác ái và chí thành. Bác ái là lòng đại từ bi thương xót sanh linh hơn thân mình. Cho nên kẻ có lòng bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông mà coi thiên hạ trọng bằng Trời Ðất.
Còn chí thành là mỗi việc đều lấy lòng thành thật mà đối đãi trong Ðời và trong Ðạo. Dầu kẻ phú quí bực nào đi nữa mà không có lòng bác ái và chí thành thì không làm chi nên việc.
Vậy nên Thầy khuyên các con trước hết phải ở sao cho ra vẻ đạo đức, đừng để ý gì việc công quả mà nêu danh nơi cõi tạm nầy.
Các con phải mở rộng tâm chí ra mà hành Ðạo mới nên cho, chớ đừng mờ hồ rằng Ðạo thành thì mình được làm một vị xứng đáng và đại ích trong Ðạo".

Tóm lại, đức chí thành là gốc của nền Ðạo, tức là tánh mạng của Ðạo vậy, cho nên trong bài Kinh Niệm Hương mở đầu có câu: "Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp".

Ðức chí thành không cần tập luyện mới có chỉ tại nơi tâm muốn cùng không muốn mà thôi.

LÒNG BÁC ÁI

Trên mặt địa cầu nầy, nhơn loại phần nhiều cũng bởi cái lòng vị kỷ mà gây ra lắm điều bạo ngược. Kẻ tham trộm là bởi quí trọng của mình mà không quí trọng của thiên hạ, vì vậy nên tính lấy của người đặng bổ thêm của mình. Yếu sức thì gạt lường trộm cắp, mạnh thế lại ép đè cướp giựt, có khi còn hại đến mạng người. Ăn thịt một con sanh vật là lấy huyết nhục nó để bồi bổ cho huyết nhục mình tức là quí trọng sanh mạng mình mà không quí trọng sanh mạng nó vậy.

Như hai đàng chiến đấu, bên nào cũng đem hết sức lực để tiêu diệt bên kia, thì đàng nào cũng quí trọng mạng mình mà không quí trọng sanh mạng bên nghịch.

Cái lòng vị kỷ gia hại cho nhơn quần xã hội là thế.

Nay muốn tảo trừ cái điều hại ấy, cần nhứt phải làm thế nào cho thiên hạ ai ai cũng có cái lòng bác ái.

Bác ái là gì?
Bác là rộng, ái là thương. Lòng bác ái tức là lòng thương rộng ra. Ta chẳng những thương ông bà, cha mẹ, vợ con cùng là thân tộc họ hàng, mà ta còn phải thương rộng ra cho đến cả nhơn loại chẳng luận nước nào.

Ta chẳng những thương cả nhơn loại, mà ta còn phải thương rộng ra cho tới cả loài sanh vật khác nữa.

Tiếp theo bài Ðức Chí Thành (1935)

NGƯỜI TRONG ÐẠO PHẢI ÐỐI ÐÃI VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Ở đời người ta cần phải giao tiếp với nhau. Ðối với chư Ðạo Hữu sự giao tiếp ta lại có cái tình kiên lạc chí thành, cái nghĩa tương thân chí thiết. Giao tiếp mà chi? Là để dìu dắt nhau, nâng đỡ nhau trong đường Ðạo và đường Ðời. Anh lớn chỉ biểu cho em nhỏ, người rõ Ðạo bày vẽ cho kẻ chưa thông. Người nầy lầm lỗi kẻ kia chỉ dùm, dưới vui tuân lời trên dạy, trên không hổ cho dưới bày, lấy lễ hòa nhau, trên khuyên dưới kỉnh vui vẻ chung nhau, buồn thảm sớt nhau, giao lưng đâu cật mà bồi đắp mối Ðạo Trời cho rõ là con một cha, chung thờ một chủ nghĩa.

Ðấng Chí Tôn có giáng cơ dạy như vầy:
"Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức một cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa".

Trong đường giao thiệp ta cần phải lấy hết tấm lòng bác ái, đem hết dạ chí thành mà đối đãi nhau thì Ðạo tâm ta mới biểu lộ ra tới gương chơn chánh.

Ðồng Ðạo mà chẳng biết thương nhau, chẳng vảng lai thù tạc với nhau, cứ nhà ai nấy ở, ai khôn dại mặc ai, ai hoạn nạn thây ai, bo bo cứ giữ câu "Ðộc thiện kỳ thân" thì trái hẳn với chủ nghĩa Ðại Ðồng của Ðạo Trời lắm đó.

1 . Tín Ðồ:
Ðứng vào hàng Tín Ðồ cần phải kính tuân chư Chức Sắc Thiên Phong, vì chư Thiên Phong là người đã thọ lãnh nơi Thượng Ðế một cái Thiên chức đặc biệt để thông truyền Chánh Giáo. Người vẫn có cái quyền sai khiến chư Tín Ðồ về việc phải trong Ðạo. Dầu bậc Thiên Phong mà tài sơ tuổi nhỏ hơn mình đi nữa, hàng Tín Ðồ cũng chẳng nên hổ mình tùng sự, hoặc là vượt bực khinh khi ganh gổ tức là buộc vào mình một cái tội vi lịnh cùng Thượng Ðế vậy.

Vả lại, Chức Sắc Thiên Phong chỉ có cái giới hạn trong khi hành sự mà thôi, ngoài ra toàn là người đồng Ðạo với nhau, tức là Ðạo Hữu với nhau vậy.

2 . Chức Sắc:
Ðối với hàng Tín Ðồ, chư Chức Sắc Thiên Phong cần phải có cái hạnh khiêm cung từ nhượng, phải dùng lời dịu ngọt mà dạy dỗ kẻ dưới quyền mình, phải lấy nét ôn hòa mà điều độ nhau. Phải chỗ khiến thì khiến, không phải chỗ sai chớ nên sai. Ðừng làm điều chi quá phận sự mà ra lẽ chuyên quyền. Chẳng nên tự cao, tự phụ mình may nhờ tiền căn cựu phẩm, hoặc là công cả quả dày, nên mới được chức Thiên Phong, biết đâu trong hàng Tín Ðồ lại không có lắm người tài cao đức trọng hơn mình.

Chư Chức Sắc và chư Tín Ðồ mà đối đãi nhau cho có thái độ ôn hòa, thỏa thuận, thì trên không chinh, dưới không mích, ấy là một lễ hiến cho Ðấng Chí Tôn rất long trọng đó vậy.
THƯỢNG TRUNG NHỰT

Phụ ghi:
Ðoạn 6: ...ai nói cũng nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung... chúng tôi nghĩ là: ...ai nói cũng không nghe, ai khuyên cũng không nạp, ai trách cũng không dung.
Ðoạn NGƯỜI TRONG ÐẠO PHẢI ÐỐI ÐÃI VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO? Ðược trích từ quyển PHƯƠNG CHÂM HÀNH ÐẠO của Ðức Quyền Giáo Tông biên soạn năm Mậu Thìn (1928).

                                                    CHUNG

    Home                      [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ] 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét