Lời Thuyết Ðạo Của Ðức Hộ Pháp - Toàn Tập 12


Q. 4/32: QUYỀN LỰC ĐẠO ĐỨC NHƠN NGHĨA.
Đền Thánh đêm 14 tháng 11 năm Tân Mão (1951)

Đêm nay Bần Đạo giảng về cái quyền lực đạo đức nhơn nghĩa. Chúng ta đã hạnh phúc nhờ Đấng Đại Từ Phụ đã đến chung hiệp cùng chúng ta và giao phó cho chúng ta một cái sứ mạng Thiêng Liêng, là làm thế nào cho cả toàn thể con cái của Ngài, tức nhiên là
Vạn Linh hiệp đồng làm một cùng nhau. Vì cớ cho nên Ngài đã dạy cho ta hiểu rõ cả cái thể Tạo đoan cái quyền lực thiên nhiên Đại Từ Phụ đã vạch rõ cho chúng ta thấu hiểu, thấu đáo đặng huyền vi mầu nhiệm ấy, sao là sanh, sao là tử, sao là còn, sao là mất? Chúng ta đã hiểu rõ rằng: Cuộc thế này nó ở trong khuôn luật tiến triển buộc vạn vật và các đẳng linh hồn phải tiến triển mãi thôi, cơ thể tiến triển của nó muôn hình ngàn tướng đạo pháp vô biên, chúng ta chẳng vì lẽ ấy, vì lẽ cơ thể tiến triển của nhơn loại hay là các xã hội nơi mặt địa cầu này mà tủi phận. Chúng ta lấy làm hãnh diện rằng: Đối với Đạo Cao Đài cả cơ thể của Đạo không có chi là lạ, không có làm cho họ ngạc nhiên chút nào hết. Bởi họ hiểu thấu huyền vi mầu nhiệm sống chết còn mất của họ, nếu lấy đạo đức làm căn bản bảo sanh cho họ, thì chúng ta bất quá giống như kẻ bàng quang kia vì thấy một nhơn vật họ không biết cái sống của họ, họ chưa định giá trị kiếp sống của họ hay là phương sống của họ. Chúng ta để lòng khuyên nhủ dìu dẫn vậy thôi, còn nên đặng hay hư của họ vốn là chuyện chúng ta không có thể gọi rằng trọng hệ cho lắm, đạo đức nhơn nghĩa giá trị thế nào mà thiên hạ lại không ngó thấy rõ, hiểu cho thấu đáo, biết tận tường giá trị của nó thế nào đặng lợi dụng lấy nó làm cái phương sống của mình. Trên xã hội nhơn quần nơi mặt địa cầu này, xét ra thì họ bỏ cái quí, mà họ ham cái khinh, họ biết rằng: Trong kiếp sống của họ muốn bảo tồn cho đặng không thế gì họ xa đặng đạo đức nhơn nghĩa. Từ thượng cổ đến giờ, dầu cho cá nhân, dầu cho xã hội, dầu cho toàn thể nhơn quần, hỏi nếu họ muốn sống cho yên, cái sống của họ đặng hạnh phúc, cái sống của họ bền bỉ ta thử để dấu hỏi: Họ có xa được đạo đức nhơn nghĩa hay chăng?

Nói vậy cá nhơn chẳng cần gì luận tinh thần, hành vi quân tử, trượng phu, ta tỷ lại một kẻ tiểu nhơn, kẻ tiểu nhơn hèn tiện kia, hỏi muốn bảo vệ cái sống của nó, nó có buộc mình phải giữ đạo đức nhơn nghĩa hay không chớ? Dầu cho nó thiệt hay giả, đạo đức nhơn nghĩa thiệt hay giả, nó cũng phải nương đạo đức nhơn nghĩa mà sống. Tỷ xưa, lấy cái tỷ xưa kia so sánh, Bần Đạo nói cái năng lực của Đức Khổng Phu Tử, Ngài có một người học trò là Nguyên Hiến, Nguyên Hiến là một người thế nào, mà lại có một người em tàn bạo hung ác là Đạo Chích, Thầy Nguyên Hiến khẩn cầu Đức Khổng Phu Tử giáo đạo giùm em. Đức Khổng Phu Tử gặp Đạo Chích, Ngài luận Tam Cang Ngũ thường. Ngài nói nếu con người đã sanh ra dưới thế này mà thiếu Tam cang Ngũ thường không đáng làm người. Đạo Chích trợn mắt hỏi: Sao Ngài biết rằng tôi không có Tam Cang Ngũ thường? Tôi có đủ chớ, tôi gom cả toàn thể lâu la lại, làm chủ trại của nó, làm Sơn Vương của nó không phải có Quân hay sao? Chúng nó phụng sự tôi, hễ lớn thì đồ vương định bá, còn nhỏ thì làm tướng cướp, nó phụng sự tôi là vị Thần, như vậy mà không có Quân, Thần sao? Đứa nào nội bọn cướp đây lại không có đủ con vợ tức nhiên thê nhi của nó.

Luận đến Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, lấy của kẻ giàu đặng nuôi nấng kẻ nghèo không phải nhơn sao? Nghĩa biết đồng sanh đồng tử với nhau mới hiệp quần cùng nhau lập đảng cướp của người không nghĩa sao? Trí, biết của người ta để nơi nào mà lấy không phải là trí sao? Tín, ăn đều chia đủ, mỗi lần giựt của rồi ăn chia đều đủ không phải giữ tín với nhau hay sao? Nếu chúng tôi không có giữ trọn vẹn với nhau như thế đó, không thể giữ đảng cướp của chúng tôi còn tồn tại. Kẻ cướp của thế gian này là Ngài chớ: Ngài lấy ba tấc lưỡi của Ngài, không cày có ăn, không dệt có mặc, kẻ cướp là Ngài chớ phải tôi đâu (nó có thể lấy nhơn nghĩa của nó tạo nghiệp được).

Luận xa hơn nữa, thiên hạ tưởng cái võ lực của họ là hơn hết, nếu võ lực quả nhiên bảo thủ cái sống của họ còn tồn tại, thì Sở Bá Vương kia, nào bạo Tần nọ, hỏi cái nghiệp của họ còn bền bỉ hay chăng, nếu không có thượng cờ nhơn nghĩa thì cái nghiệp Hớn không còn tồn tại tới 800 năm, không có thượng cờ nhân nghĩa thì nhà Châu chưa hề cướp đặng cái Đế vị của nhà Trụ. Lấy nhơn nghĩa mà luận thế gian này, giờ phút này, dầu cho liệt cường nào họ cũng phải dùng màu nhơn nghĩa đứng trước thiên hạ đặng làm bá chủ thiên hạ, họ cũng phải mượn màu nhơn nghĩa, chúng ta đã ngó thấy hiện tượng.

Ấy vậy, đạo đức nhơn nghĩa là cái huờn thuốc sống của kiếp sanh nhơn loại, dầu cho cá nhân, dầu cho xã hội, dầu cho toàn thể nhơn quần cũng vậy, nếu họ bỏ đạo đức nhơn nghĩa tức nhiên họ tự diệt lấy họ, họ tự kêu án tử hình lấy họ. Chúng ta thử để mắt coi cái con đường của nhơn loại họ tàn ác khởi dậy quá lẽ tưởng tượng, hung bạo ấy nó sẽ đi đến mức nào cho biết! Nếu có còn đi tới nữa sẽ tự diệt, nhơn loại sẽ bị tự diệt, mà nếu muốn sống còn của nó, Bần Đạo nói quả quyết rằng: Nó phải trở lại, sống trở lại với lẽ đạo đức nhơn nghĩa mới bảo tồn sanh mạng đặng.

Q. 4/33: LỄ KỶ NIỆM ĐỨC CHÚA JÉSUS CHRIST.
Đền Thánh đêm 26 tháng 11 năm Tân Mão (dl. 24-12-1951)

Đêm nay là ngày kỷ niệm của Đức Chúa Jésus Christ tức nhiên Chúa Cứu Thế Giáng Sinh.
Từ khi mở Đạo đến giờ cả Thánh Thể Đức Chí Tôn và Bần Đạo đã thuyết minh một cái đời hy sinh đạo đức của Ngài, cả thảy đều biết, không cần thuyết lại nữa, lập đi lập lại cũng không bổ ích vào đâu cho lắm. Chúng ta thử tìm trong các Thánh ngữ của Ngài để lại. Hiểu thấu cái huyền vi bí ẩn đạo giáo của Ngài thế nào, cái ấy có lẽ hữu ích hơn, nên Bần Đạo lấy lời triết lý của Ngài đã nói lưu trong Thánh ngữ của Ngài để lại cho các Thánh Tông Đồ có câu nói cao sâu bí ẩn mà thiết thật làm sao, hay làm sao. Ngài nói rằng: Biết hy sinh cái chết đặng đạt cho đặng cái sống. Vì lời Thánh giáo ấy mà những kẻ tìm Đạo thường hay bàn luận tìm cái nghĩa lý của nó, Đức Chúa Jésus Christ đã sanh ra thì bị cường bức Đạo của Ngài truyền giáo thiên hạ không hiểu thấu và người ta đã bắt bớ, người ta đã đè nén, người ta đã âm mưu hại Ngài, cho nên lời nói ấy cốt yếu giục các môn đệ của Ngài quyết chiến đấu và quyết thắng, điều ấy chưa phải lẽ.

Bần Đạo đã thuyết minh tới đây, kẻ thì nói đến Ngài lập nền Thánh Giáo của Ngài, Ngài lập cái đền thờ thiêng liêng Đạo Giáo của Ngài tại thế gian này, Ngài xưng mình là con chiên hy sinh đặng làm con tế vật của Đức Chúa Trời, để cứu rỗi tội tình thiên hạ, tức nhiên con chiên chí thánh, tánh mạng của Ngài, thi hài của Ngài chịu chết trên cây Thập Tự Giá, cốt yếu làm con tế vật ấy để dâng cho Đức Chí Tôn đó vậy. Sự hy sinh của Ngài làm con tế vật ấy là Thánh Thể, tức nhiên của toàn cả tín đồ tin tưởng nơi Ngài, đã thọ phép chơn giáo của Ngài coi như Đấng chí thánh. Vì lẽ ấy cho nên Ngài thuyết câu đó, cốt yếu Ngài dám hy sinh tử đạo đặng bảo thủ chơn truyền của Ngài, cũng có lý nhưng chưa phải lẽ, cái bí mật trong lời nói ấy là vầy: Phải biết làm sao cái chết thật, mà phải biết làm sao cái sống là thật. Cái sống và cái chết, ta cũng nên tìm hiểu điều ấy. Vả chăng chúng ta sanh ra có hai cái sống và có hai cái chết. Chúng ta ngó thấy xác thịt của chúng ta không phải là cái sống, bởi vật thể nó phải chịu tiêu hủy tức nhiên nó phải chết mà thiệt cái chết của nó, chẳng phải chết gì cái xác thịt mà thôi, mà chết vì danh giá, kiếp sống của mình, cái lời nói là chết. Còn bây giờ cái sống không phải cái xác thịt chúng ta đã ngó thấy trước mắt, bất quá con người sanh ra một trăm năm là nhiều rồi chết trước mắt. Ấy vậy cái sống thật chỗ nào? Cái sống thật của chúng ta là cái sống về tinh thần hiện tại của chúng ta cho trường tồn, tức nhiên nó về linh hồn chúng ta vậy. Cái đó mới thiệt sống, cái sống với linh hồn là cái sống thật, sống với xác thịt tức nhiên sống giả. Bây giờ còn cái sống nữa, sống thế nào đồng sống cả vạn loại, cả cái sống đại đồng sống trong cái sống ấy mà muốn đồng sống, chúng ta phải hiệp làm một cùng vạn loại, biết nó là cái sống của mình, biết mình là cái sống của nó. Cái sống ấy là cái sống của Đức Chí Tôn nắm trong tay của Ngài đó vậy. Cái sống trên cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống của Ngài đã tạo dựng cho nó, trước khi ta đến đầu kiếp làm con người ở mặt thế gian này, cái sống ấy phải sống.

Bây giờ luận theo Đức Chúa Jésus Christ, phải biết hy sinh cái chết, mới tìm cái sống. Đạo giáo nào kiếm mắc mỏ khó khăn, chớ Đạo giáo Cao Đài Đức Chí Tôn để bí pháp ấy trong Thánh Thể của Ngài. Ngài nói những kẻ nào dám chết về đời, sống vì Đạo, những kẻ ấy mới đáng làm Thánh Thể của ta nơi mặt thế gian này. Cả toàn Thánh Thể đã hiểu lắm, tới phẩm Giáo Hữu phải chết, chết vì đời rồi sống lại, sống vì Đạo. Tức nhiên Đức Chúa Jésus Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết ai, đã biết cái sống của chúng ta đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để.(*1)

Bần Đạo thuyết điều ấy cốt yếu nói cả toàn thể con cái của Đức Chí Tôn, dầu cho hàng tín đồ nam nữ dĩ chí Đại Thiên Phong cũng vậy, mỗi phần tử Thánh Thể của Ngài phải biết cái mạnh của mình là cái sống thật, cái yếu của mình là cái sống giả, phải có can đảm hy sinh cái chết, cái thi hài thúi tha của ta đây đặng mà đạt cho đặng cái danh hằng sống và chúng ta đặng ngôi vị Thiêng Liêng Hằng Sống nơi cửa Thiêng Liêng kia của Ngài đã dành để, tức nhiên là đại nghiệp của Ngài đã chia chung cho mỗi đứa con. Đức Chí Tôn nói rằng: Thầy đành để đại nghiệp cho các con, Thầy không có quyền đem cho kẻ khác duy có kẻ nào từ bỏ, thì Thầy mới có quyền đem cho kẻ khác mà thôi. Cái sống đó mới sống thật, sống trường tồn sống vĩnh cửu. Sống Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Chí Tôn mới thật sống đó.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 5: Bây giờ luận theo Đức Chúa Jésus Christ, phải biết hy sinh cái chết, mới tìm cái sống... ... ... Tức nhiên Đức Chúa Jésus Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết ai, đã biết cái sống của chúng ta đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để.
• Chúng tôi nghĩ câu trên có thể là:
Bây giờ luận theo Đức Chúa Jésus Christ, phải biết hy sinh cái chết, mới tìm cái sống... ... ... Tức nhiên Đức Chúa Jésus Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết, đã biết cái sống của chúng ta ai đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để.
• Hay có thể là:
Bây giờ luận theo Đức Chúa Jésus Christ, phải biết hy sinh cái chết, mới tìm cái sống... ... ... Tức nhiên Đức Chúa Jésus Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết, ai đã biết cái sống của chúng ta ai đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để.
• Hay có thể là:
Bây giờ luận theo Đức Chúa Jésus Christ, phải biết hy sinh cái chết, mới tìm cái sống... ... ... Tức nhiên Đức Chúa Jésus Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết cái sống của ta đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để.

Q. 4/34: THUYẾT MINH CHỮ ĐẠO.
Đêm 14 tháng 12 năm Tân Mão (1951)

Đêm nay Bần Đạo giảng một cái đề cũ mèm mà toàn thể đều nghe, là buổi giảng về chữ Đạo.

Chúng ta đã ngó thấy các nền Tôn Giáo xưng mình là Đạo, chúng ta thấy họ lạm dụng Đạo quá lẽ, nhưng chúng ta không thể gì cải chối được tại lý do nào?

Bần Đạo thuyết minh chữ Đạo, từ khi tạo thiên lập địa có loài người đến giờ, thì vì trí khôn ngoan linh hoạt của chúng ta thấy trạng thái của Càn Khôn Vũ Trụ vô biên vô tận, vô đoán và thấy cái bí ẩn huyền linh đang điều động cả cơ thể tạo đoan mà chẳng có một ngôn ngữ miệng lưỡi nào đặt ra tên cái huyền linh ấy đặng, nên để chữ Đạo, tức nhiên chúng ta đã giải rõ là cương danh viết Đạo (Không biết đặt tên gì nên để chữ Đạo) trong cái trạng thái ấy, chúng ta ngó thấy nó có động, có tịnh, động tức nhiên "Dương quyền" Dương quyền biến sanh Càn Khôn Vũ Trụ, trong sanh hoạt của nó, chúng ta ngó thấy có khi nó ổn định đặng nó đào luyện cái thể chất của nó tức là "Âm Quyền" đó vậy.

Bần Đạo lấy tỷ thí con vật chúng ta dễ hiểu hơn hết là con tằm, khi nó còn là con sâu tức nhiên Dương, nó vận động đặng sống, nó ăn, nó lớn rồi chín, nó kéo tơ làm ổ, bây giờ tới Âm, tức nhiên đặng biến ra nhộng bất động, đặng nó định cái thể của nó.

Trong vạn vật ở mặt địa cầu này có hai trạng thái luôn luôn, cái sanh của nó, phải tùng theo khuôn luật tạo đoan, nó phải phù hạp lại với hình thể, tức nhiên cái sống phải phù hạp với cái chết đặng biến hình, cũng như con nhộng bất động, nếu đem tay nắm lấy nó thì nó chết. Vì như vậy là trái với khuôn luật tạo đoan, tức nhiên nghịch lại Đạo.

Linh hoạt vô biên vô tận, là không gian thời gian biến chuyển không ngừng, Đạo để pháp luân thường chuyển, nó do nơi không gian, thời gian biến ra hình trạng chớ không khi nào trong thời gian ấy dìu dẫn cho nó biến chuyển. Vì cớ cho nên trong kinh Phật Mẫu để "Thập thiên can bao hàm vạn tượng, tùng địa chi hóa trưởng Càn Khôn" tùng Vũ Trụ là do nơi đại thể của nó trong vạn vật, cái đại thể của nó thế nào, là cái tiểu thể cũng vậy, một khuôn luật ấy mà thôi, nó phải tùng theo khuôn luật đã định, tức nhiên pháp luân ấy người xưa không biết hình trạng, không hiểu quyền năng thế nào nên để chữ Đạo.

Ấy vậy, Đạo vì tinh thần, vì thể chất của vạn vật hữu hình mặt thế gian này đặng nó sống, biết định cái chết, định cái sống, hay biết định cái thể của nó, cái thể định vận mạng, cái thể định tính, hai cái đó tương hiệp với nhau, phù hạp với nhau một khuôn luật là Đạo, bằng trái lại là nghịch Đạo, mà hễ nó thuận thì nó còn, nó nghịch nó phải tiêu diệt.

Bây giờ luận các Tôn giáo, họ lấy một triết lý của cơ thể tạo đoan trong pháp luân thường chuyển mà định giáo lý của họ, nhưng có một điều trọng yếu hơn hết là toàn cả cơ thể tạo đoan tức nhiên Đạo, mà mỗi một điều chi cũng đều để Đạo, chữ Đạo họ không biết, chúng ta không thể cải chối, trong hình thể đó họ lợi dụng, nhưng sự thật Đạo của họ chỉ có một phần ngàn trong chữ Đạo mà thôi, chớ không phải thật Đạo.

Bây giờ Đức Chí Tôn để trong nền Tôn giáo của Ngài hai chữ Đại Đạo, đó là Ngài để hình tượng bao trùm toàn thể vô biên đó là Đại Đạo, nếu Ngài không nói thì chúng ta không làm sao biết được, suy đoán đươc. Ngài luận chữ Đạo thì nó bao trùm hết, vì cớ cho nên có cơ quan sanh hóa, Đức Chí Tôn đã tạo Càn Khôn Vũ Trụ trong quyền năng ấy. Chúng ta nhìn biết có một chủ quyền đặng định khuôn luật của nó, nếu không có chủ quyền duy nhứt thì cả vạn vật trên Càn Khôn Vũ Trụ không thể gì còn.

Trong cái hình thể tối thiểu của nó, từ tiểu nguyên tử và đến các tinh đẩu trong thế giới nó vẫn định ở trong đại thể của nó, chúng ta không thể gì suy đoán, nếu không có huyền linh vô đối của Đấng đã cầm quyền tạo đoan thì không có ai làm chủ nó được, vì cớ cho nên chúng ta đã ngó thấy quyền năng ấy định quyền người chủ của nó, ta mới định quyền người chủ.

Từ trước đến giờ, nhứt là trong nền văn minh Á Châu chúng ta đã ngó thấy, không có tên chúng ta không dám để tên, duy để nhứt đại, nghĩa là một lớn mà thôi, do nơi nhứt đại ấy mà Đức Chí Tôn tạo nền chơn giáo của Ngài để là Đại Đạo.

Ấy vậy, Bần Đạo nói, Giáo lý của mỗi nền Tôn giáo đều khác nhau, nhưng nó có hình ảnh của một nền Tôn giáo, cho nên họ xưng mình là Đạo, chúng ta không thể cải chối, duy chúng ta nên biết rằng pháp luân đạo pháp vô biên kia, hình ảnh kia, vô biên vô tận, thì chúng ta chỉ nhìn rằng: Một Tôn giáo nào đã tùng theo khuôn luật tạo đoan đúng mực thước về danh lý của nó, biến tướng của nó theo một khuôn luật tối thiểu, thì chúng ta nhìn. Còn ngoài ra, trái lại chữ Đạo, chúng ta có quyền giục họ tiến hay không để họ tiến vậy thôi. Chúng ta không thể gì cải chối được, chúng ta không có quyền công kích hay sửa cải được.

Bần Đạo nói trong vạn vật từ thảo mộc đến thú cầm vật chất, thảo mộc đến thú cầm không có được hai cái mầu nhiệm là "Định thể" của nó và huyền linh của nó. Gồm hai món đó ở trong sống chết của nó. Ta biết Đạo, ta hiểu rõ mối Đạo là ta sống, nếu chúng ta trái Đạo ấy thì chúng ta dầu có sống tự do đi nữa, thì cũng như chúng ta đã lên án lấy cái chết của ta, tức nhiên chính mình chúng ta đã lên án lấy mình.

Nếu nói kẻ kia vô Đạo, người nọ thất Đạo hay là họ chối Đạo. Họ làm sao chối cái sống của họ được? Chúng ta chối được hay chăng là chối cái hình ảnh của họ và cái thể xác của họ mà thôi.

Trong vạn vật có quyền cải chối cái sống của họ chăng? Mà gọi họ chối Đạo? Có người không biết chữ Đạo là gì xưng rằng nghịch Đạo, cải Đạo là mâu thuẩn, là dốt nát, chính mình họ không biết họ, thì luận với ai chớ.

Trong thể pháp tinh thần của chúng ta, chúng ta sống trong hai cái đó, sống với hình thể, sống với tinh thần, là ta đã đặng một đặc ân của Đức Chí Tôn ban cho. Hại thay trong cái đặc ân ấy, Đức Chí Tôn cốt yếu để cho chúng ta đau khổ, sống trong cảnh đau khổ đặng biến hình, biến thể, mà biến sanh hoặc chúng ta thấy kiếp sống mà đi tới, đi từ con đường phàm dĩ chí Phật vị, là ngôi vị của Đức Chí Tôn dành để cho mỗi đứa con. Chúng ta có thể đi tới phẩm vị Trời nữa mà chớ.

Hễ luận theo cái khuôn luật tạo đoan ấy, đặng định tiến triển của ta, thì ta thuận Đạo, đạt Đạo, còn trái lại là theo con đường vật loại, là Đời, tinh thần mà ta bỏ, tức nhiên chính mình chúng ta từ chối địa vị thiêng liêng ta có, hay là chúng ta tự lên án cho chúng ta ai đã chối Đạo theo thường tình gọi là bỏ Đạo, là người đó họ chối cái phận sự làm người, tức nhiên từ chối phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, điều đó không có phi lý. Chúng ta đặng hạnh phúc, Đấng cầm quyền tạo đoan hôm nay đến chung sống cùng ta. Cái hạnh phúc của ta còn gì hơn nữa. Trong cái sống cũng thế, chết cũng thế, sống dầu cho khỗ não bao nhiêu chết mất đi nữa, chúng ta cũng an vui với bạn đồng sanh của chúng ta nơi mặt thế gian này. Có một điều đau thảm hơn hết, thay vì ngó thấy cái khổ của nhau họ lại phụ rãy nhau, tận diệt nhau, họ không biết tôn trọng mạng sống của bạn đồng sanh đặng định phận của mình, kẻ đã đoạt đặng cái "Tứ" của Trời đất, hiểu thấu đáo huyền vi của Đạo, dòm thấy bạn đồng sanh, con mắt họ không buổi nào ngớt giọt nước mắt.

Mỗi ngày Bần Đạo đang sống, có nhiều khi ngồi trên lầu Trí Huệ Cung dòm xuống thấy em út lận đận mỗi ngày tìm sống, kiếm sống, thì Bần Đạo lấy làm thương xót vô cùng nhưng luật Thiêng liêng để nó kiếm sống mà vui sống với đau khổ của nó, nếu không vui sống nó sẽ chết, phải để cho nó vui sống, nó sống trong đau khổ nó vẫn vui sống. Có nhiều khi thấy em khổ não nhứt là mấy đứa bên Quân đội, trong con đường chết sống của nó không có định ngày giờ, không có thời gian, làm giọt lệ của Bần Đạo phải đổ, mà chỉ có những người như Bần Đạo đổ lệ ấy mà thôi. Nhưng quyền Thiêng Liêng kia để cho nó vui sống, nó ham sống ấy đặng nó tìm sống, nếu nó biết được một cái sống khổ thì nó không còn sống nữa, thay vì chúng ta nên gượng gạo vui sống với chúng nó, để theo cái sống ấy đừng để cho có trường đau khổ cho chúng nó. Cả Thánh Thể Đức Chí Tôn cốt yếu để an ủi nâng đỡ tinh thần đàn em, cả Chức Sắc Thiên Phong thay thế hình ảnh cho Ngài để nâng đỡ cái sống của chúng nó. Bần Đạo nói thật, chúng ta không có quyền làm cho đau khổ kiếp sống của chúng nó, bởi nó đã sống đau khổ nhiều rồi.

Q. 4/35: LỄ GIAO THỪA CUỐI NĂM TÂN MÃO, ĐẦU NĂM NHÂM THÌN.
Đền Thánh đêm 30-12 năm Tân Mão (1952)

Đêm nay là đêm giao thừa, cuối năm Tân Mão bước qua đầu năm Nhâm Thìn, Bần Đạo nhớ lại năm Bính Dần, Đức Chí Tôn đến mở Đạo, làm lễ khai Đạo nhằm ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần tới năm Đinh Mão, tức nhiên cũng giờ giao thừa này, Đức Cao Thượng Phẩm và Bần Đạo phò loan, Đức Chí Tôn đến kêu toàn thể con cái của Ngài nam nữ, lớn nhỏ, dặn rằng: Hễ Thầy đưa cái cơ lên, các con chun ngang qua đặng Thầy ban ơn cho nghé! Rồi Ngài xách Bần Đạo và Cao Thượng Phẩm đứng dậy ra giữa Thiên Bàn đưa cơ lên, cả con cái của Ngài đều chun ngang qua, Ngài đã làm một tấn tuồng cảm mến mà chỉ có cây cơ không mà thôi, tấn tuồng ấy làm Bần Đạo cảm xúc quá lẽ. Hễ mỗi người chun ngang qua cái cơ làm như thế vuốt ve mươn trớn vậy. Hạnh phúc thay! cho những người ngộ đạo đã được ân đặc biệt ấy. Tiếc thay lúc đó con cái của Ngài không đông nhiều như bây giờ. Bần Đạo tiếc chớ phải chi cả thảy toàn thể con cái của Ngài hôm nay được Ngài ban ơn như thế ấy, chỉ nghĩa với một phương pháp cụ thể hữu hình của Ngài, tỏ cái tình thương yêu vô tận.

Tuy vẫn biết và Bần Đạo dám quả quyết rằng: Giờ phút này Đại Từ Phụ đã chung ở với chúng ta. Ấy vậy toàn thể con cái của Ngài định tâm cầu nguyện đặng cho Ngài ban ơn (Toàn thể đều thành tâm cầu nguyện).

Một ông cha thương yêu vô tận hạnh phúc cho chúng ta đã sanh ra lại ngộ đạo. Đấng đã cầm quyền cả Càn Khôn Vũ Trụ nơi tay, làm Chúa cả cái sống cái chết của Càn Khôn Vũ Trụ đến chung ở chúng ta, cái hạnh phúc ấy, cái vinh diệu ấy còn chi hơn nữa. Bởi thế cho nên khi Ngài đến cầm cây linh bút đặng mở chơn truyền của Ngài, những kẻ phàm tâm kia lấy làm lạ lùng và không có thể tưởng tượng đặng, và không có thể tin đặng. Ôi! Một trường ngôn luận buổi nọ biết bao nhiêu kẻ chê bai, khinh rẽ là thế nào. Trong một bài thơ Ngài than như vầy:
"Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy.
Nương theo con dại mới ra vầy."

Thật vậy, Ngài quá thương con cái mới ra nông nỗi đó, tưởng lòng thương yêu vô tận ấy không thể gì ta tưởng tượng đặng, không thể gì chúng ta biết đặng cái giá trị nồng nàn yêu ái vô biên vô tận ấy, chỉ "vì thương con dại mới ra vầy" câu ấy nồng nàn thấm thúy đau đớn làm sao, câu nói đó là vì thương con dại của Ngài, mà toàn thể anh em chúng ta có hiểu cái tiếng dại ấy là thế nào không?

Bần Đạo xin nhắc lại lời nói của Đức Chúa Jésus Christ đã nói hạnh phúc thay cho những kẻ khờ khạo, vì nó được quyền năng của ông Cha của Thiêng Liêng kia binh vực nó, hồi nó sống đây nó dại khờ, nhưng không phải cái dại ấy mà nó cô độc, bởi vì nó còn ông Cha oai quyền vô tận vô biên, Ổng thay thế cái khôn cho nó. Hạnh phúc thay cho những kẻ yếu hèn, những kẻ yếu hèn với những người sang cả, khi trở về cùng Cha của họ nơi nước Hằng Sống của Đức Chí Tôn đã dành để cho con cái đau khổ của Ngài, cái giá trị vẫn khác. Khốn khổ thay những kẻ miệt sát kẻ yếu hèn, khốn khổ thay cho những kẻ áp bức, hiếp đáp những người cô thế, trẻ con, góa bụa, tật nguyền, bởi vì nó miệt sát nhục mạ con cái của Ngài tức là nhục mạ Đấng Tạo đoan, như vậy là còn tội tình nào lớn hơn điều ấy. Nếu quả nhiên sắp con của Ngài phải chịu hèn hạ khổ não, ngu khờ là tại Ngài muốn vậy, Ngài muốn dành để cái oai quyền binh vực của Ngài cho chúng nó.

Ấy vậy muốn tránh khỏi chỉ có một điều thôi, phải thương yêu con cái của Ngài được như Ngài vậy, nếu được cái tình thương yêu vô tận tại thế này, được cái tình thâm yêu ái vô biên ấy là một kiếp sanh hạnh phúc của chúng ta hơn hết. Cả thảy đều tịnh tâm cầu nguyện cho Bần Đạo ban phước lành (Đức Hộ Pháp ban phước lành).

Sang cả nơi mặt thế gian này, Bần Đạo nói ngày chúng ta qui rồi với một cái hòm, với một khoảnh đất, với một cái lổ mà thôi. Sang trọng vinh hiển mà làm gì? giàu có mà làm gì? Phải kiếm món quí báu hơn nữa là kiếm cái quyền Thiêng Liêng Hằng Sống của mình đấy.

CHUNG


Q. 5/01: LỄ VÍA ĐỨC CHÍ TÔN - ĐỨC CHÍ TÔN LÀ AI?
Đền Thánh đêm 08/01 Nhâm Thìn (1952)
Đêm nay là đêm lễ vía Đức Chí Tôn. Đức Chí Tôn là ai? ... ...? Bần Đạo sẽ nói, nhưng Bần Đạo cốt yếu nhắc lại đây là nhắc cho con cái của Ngài để đức tin nơi Ngài đặng siêu rỗi.

Đức Chí Tôn chúng ta đã gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế; Đấng Thượng Đế dầu cho các nước, các sắc dân tộc trên mặt địa cầu này có đặt tên của Ngài khác nhau, nhưng Đấng làm chủ quyền tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ, tạo đoan thi hài và hồn phách của ta, Đấng ấy là Đấng vô đối mà con người bao giờ cũng gởi tâm hồn nơi Ngài. Thừa dịp ấy Bần Đạo thuyết vì cớ nào con người vẫn từ tạo thiên lập địa đến giờ cố tâm tầm Đạo, tiếng tầm Đạo là tầm cái gì chớ? Họ có biết chữ Đạo ấy, họ đặt tên là gì chăng? Thật sự ra họ tầm ngươn lý đã sản xuất ra họ, hay là cái năng lực chủ quyền đã tạo dựng nên hình hài và tâm hồn của họ. Bần Đạo đã thuyết chữ Đạo là thế nào cả thảy đều nghe và hiểu không cần lập lại.

Thật sự ra, con người cố tâm tầm Đạo ấy mà chi Bần Đạo xin giải rõ: Vả chăng chúng ta đã sanh ra cõi thế gian này, chúng ta tự biết rằng: Nếu chủ quyền nơi ta buộc ta phải sống đặng nuôi cái hình hài xác thịt này, sống nơi cõi này chịu đau đớn khổ não mọi đường thì chúng ta chẳng hề khi nào khứng chịu mà chớ!! Vì cớ cho nên chúng ta đặng, ruổi sanh, chúng ta đã biết có chủ quyền, có đủ năng lực cầm linh hồn chúng ta đã có nơi mặt thế gian này, nhưng lại chịu đau khổ ấy, chúng ta muốn hiểu giá trị ấy đối với Đạo vì cớ gì . . .? Tìm hiểu giá trị ấy đặng chi? Đặng an ủi tâm hồn của ta đồng sanh chịu trong "Tứ Diệu Đề" Chơn Lý của nhà Phật đã để và chúng ta đã nhìn, chúng ta không chối cải. Chúng ta đau khổ, chúng ta không biết gởi nơi ai, bạn đồng sanh của ta thay vì biết cái khổ ấy mà tội nghiệp cho ta, yêu ái ta tầm phương an ủi ta. Trái ngược lại, trong cảnh khổ ấy, bạn đồng khổ của ta không biết thương ta, ta nên tìm phương an ủi.

Bây giờ chúng ta kiếm ai? Đặng gởi cái đau khổ ấy, kiếm ai có năng lực đặng an ủi ta. Để dấu hỏi tức nhiên phải trả lời: Đấng đã tạo sanh ra ta, ta không biết mà ta đã hiểu rằng Đấng Tối Linh cầm quyền cả càn khôn vũ trụ. Chúng ta quả quyết rằng Đấng ấy đã sanh ra ta và đã tạo đoan cả hình hài và linh hồn của chúng ta đó vậy. Chúng ta đã biết chúng ta có một phương thế mà thôi, chúng ta không hiểu nguyên do thế nào chúng ta đã sanh ra đây, chúng ta vẫn khổ, chúng ta tìm người sanh ta đặng gởi tâm hồn ta và nếu quả nhiên Đấng ấy đã có hiển nhiên như tâm linh của ta đã định, Đấng ấy sẽ có phận sự an ủi ta, bởi Đấng ấy đã sanh ta làm chủ ta; làm chúa ta, làm chúa chẳng phải làm chúa xác thịt mà thôi, có quyền năng kềm thúc ta trừng phạt ta, có quyền diệt thi hài này dìm linh hồn ta xuống địa ngục. Đấng ấy quyền năng như thế, chúng ta còn tuyển chọn nơi ai khác hơn Ngài đặng ta gởi tâm hồn ta chăng?

Ấy vậy, nếu Đấng ấy theo cái tâm phàm của đời đã biếm nhẽ, đã chối cãi, nếu quả nhiên Đấng ấy có hay là không có, mà ta gởi cho Đấng Tạo Đoan cái linh tâm của ta chịu khổ não nơi trần này đau đớn quá đổi, không ai binh vực, không ai an ủi, ta cứ gởi lúng cho Đấng đó mà ta quả quyết rằng: Người đó làm chủ ta, ta gởi cho Người đó, có thể đem chủ quyền của mình có năng lực, có quyền hành định phương pháp an ủi tâm hồn ta đặng.
Ấy vậy ta gởi tâm hồn ta cho Đấng đó tức nhiên ta tầm Đạo đó vậy.

Q. 5/02: TRONG DỊP LỄ XUẤT QUÂN Q.Đ.C.Đ. NGỎ LỜI CÙNG CÁC CHIẾN SỸ CAO ĐÀI.
Đại Đồng Xã ngày 08/01 Nhâm Thìn (1952)

Bần Đạo xin để lời chào cả các Quan Khách đã đến dự cái lễ này làm cho nó càng thêm long trọng. Bần Đạo xin kiếu lỗi cùng các Ngài giờ phút này, Bần Đạo có nhiều điều cần yếu để tỏ cùng các Chiến Sỹ Cao Đài, tức nhiên các phần tử thanh niên của Đạo. Bần Đạo xin để lời kiếu lỗi, và cho phép Bần Đạo nói chuyện cùng các con cái của Bần Đạo tức nhiên cùng các chiến sỹ trong giờ phút nghiêm trọng này.

Các con, Thầy đã thường nói với các con rằng: Không có một hạnh phúc của một ông Cha hay một ông Thầy nào hơn là ngó thấy trước mắt cái nên của các con, các trò, cái sợ nên ấy Bần Đạo đã vinh hiển và Bần Đạo để lời cám ơn toàn thể các con đó vậy. Các con cũng đã biết đạo đức nó không thuộc về một cái gia nghiệp, một cái xã hội nào, dân tộc nào, mà nó là của cải chung của toàn thể nhơn loại. Đạo Cao Đài của các con nó cũng thế, nó đã lấy cả tính thần đạo đức từ ngày có nhơn loại đến giờ, đặng nó làm thành một cái tinh túy, cốt yếu để dung hòa tâm lý của nhơn loại.

Tại sao có cái chung họp đương nhiên bây giờ? Các con cũng đã ngó thấy, vì một điều không có đồng chánh kiến mà nhơn loại đã phân rẽ nhau, thù nghịch lẫn nhau.

Hỏi giờ phút này thiên hạ đã tìm gì? Kiếm gì? Có một mục đích cao thượng là họ đã thấy rằng: Đại gia đình nhơn loại duy có một và cần yếu là phải làm thế nào cho nhơn loại hiệp lại làm một gia đình, tức nhiên là sự đeo đuổi của toàn thể xã hội nhơn quần giờ phút này, nhứt là của Liên Hiệp Quốc, đại gia đình thế giới họ cố làm một điều này là họ làm cho nhơn loại trên mặt địa cầu, các chủng tộc không phân biệt màu da sắc tóc, không phân biệt gì tư tưởng đạo giáo hiệp lại làm một cùng nhau đặng thành một khối đại gia đình nhơn loại mà thôi, vì cớ cho nên chúng ta đã ngó thấy, họ đã dong ruổi đến một nẽo chánh đáng là vạn quốc hiệp đồng mới có lập ra Hội Quốc Liên đó vậy.

Xã hội của các con là một xã hội của bá tánh của quốc gia. Lời Đức Hoàng Đế Bảo Đại đã nói: Ngài cố đem cái văn minh tối cổ của Tổ Phụ các con làm căn bản đặng có phương thế hiệp các con lại làm đại gia đình của Tổ Quốc các con ở trong nòi giống Việt Nam, tức nhiên ở trong bá tánh ấy; các con là anh em cốt nhục chung của Ngài đề xướng danh nghĩa ấy, đặng từ từ làm cho nòi giống Việt Nam sẽ là một phần tử của Đạo, đem nhơn loại đến cái cảnh cốt nhục cùng nhau và làm cho toàn thể nhơn loại đi đến đại đồng thế giới. Duy có phương pháp ấy mới mong cho nhơn loại đặng hưởng hoà bình.

Tinh thần không có thống nhứt lại với nhau, không đồng tâm, đồng chí với nhau, không có đồng quyền, đồng bậc với nhau, nên buộc họ tương tranh. Cái cuộc chiến đấu nó đã gieo rắc cho nhơn loại chịu thống khổ thì mỗi các con cũng đã ngó thấy Thầy vì chủ hướng của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, Thầy cũng mong các con có thể lấy nó làm môi giới cho toàn thể nòi giống của các con hiểu biết rằng cái đại gia đình của quốc gia, các con có thể một ngày kia sẽ hiệp với đại gia đình nhơn loại, đặng dìu dẫn họ đến cảnh đại đồng hòa bình thế giới.

Bần Đạo ngó thấy cái sở năng của các con, Bần Đạo đã vinh hiển hạnh phúc thay, cái tình tứ của các con đã đối lại cùng đồng bào của các con thì có thể Bần Đạo nói rằng: Bần Đạo không thất vọng vì tương lai phận sự cốt yếu nhứt, Bần Đạo hứa hẹn và mong ước để nơi các con thật hiện cho toàn thể nhơn loại đặng hòa bình đó vậy.

Q. 5/03: LỄ THƯỢNG NGƯƠN: ĐỀ THIỆT PHẬN CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI ĐẠO NGHĨA.
Đền Thánh đêm 14/01 năm Nhâm Thìn (1952)

Hôm nay là ngày Rằm Thượng Nguơn, thừa dịp Nguơn trọng hệ đối với các Đẳng linh hồn tiền vãng, hậu vãng, nên Bần Đạo giảng cái đề thiệt phận của chúng ta đối với đạo nghĩa, là đối với toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu này.

Vả chăng chúng ta, mỗi cá nhân đều đặng một quyền vinh diệu tức nhiên là cái quyền làm phần tử của nhơn loại. Ta là một phần tử, nói rõ ra tức nhiên ta là một phần trong hai ngàn năm trăm triệu con người ở mặt địa cầu này. Muốn biết cái thiệt phận của chúng ta đối với hai ngàn năm trăm triệu con người ở mặt địa cầu này mà chúng ta gọi là Đời ấy, chúng ta ít nữa cũng phải biết Đời là gì? Rồi mới định phận của mình đối với họ trong mực thước chuẩn thằng, đặc phận của mình, nếu mình không biết giá trị của toàn thể nhơn loại, e cho chính mình không biết cái giá trị của mình nữa mà chớ.

Đức Chí Tôn đã để trong lòng dạ của Ngài, nên Ngài đem Thánh Giáo đến lập chơn truyền của Ngài, cốt yếu Ngài đến đặng lập thiệt vị cho con cái của Ngài. Cái thiệt vị con cái của Ngài từ Thượng cổ đến giờ, nhơn loại đã hiểu mảy may chút ít. Nhứt là văn minh Á Đông của chúng ta đã để một tiếng rất nên hữu duyên và hữu vị, đã nói toàn thể nhơn loại trên mặt địa cầu này gọi là Thiên hạ, nói rõ ra cái tên ấy là Ông Trời dưới, Thiên là Trời, Hạ là dưới, Ông Trời dưới nghĩa là kế Ông Trời trên, Thiên hạ ấy nó đã tỏ ra cho thấy cái đặc phận của loài người trên mặt địa cầu này.

Đức Chí Tôn muốn dành để cho họ phẩm vị gì? Và phận sự của họ phải làm gì? Từ tạo Thiên lập Địa đến giờ chúng ta đã rõ được nguồn sử của nhơn loại tiềm tàng khảo cứu, chúng ta đã ngó thấy tinh thần của con người, dầu ai có muốn chối cãi tinh thần ấy chủ quyền của cái sống họ cũng không được. Tại sao? Tại họ đã thọ lãnh cái điểm linh về tinh thần của họ nơi Đấng Tối Linh kia, Đấng Tối Linh ấy ban cho họ muốn cho nhơn loại từ từ đi từ phẩm vị con người đạt cho đến quyền năng, đạt cho tới cái địa vị làm Trời hữu hình tại thế này đó vậy.

Chúng ta đã gọi Đức Chí Tôn dành để phận sự họ làm Trời hữu hình tại thế này, cái phận sự ấy thế nào Bần Đạo không cần minh tả cả thảy con cái của Ngài tầm hiểu, mình đã gọi Đấng tạo Thiên lập Địa làm Chúa cả Càn Khôn Vũ Trụ là chủ, là Trời, là Chúa Tể của Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vinh vang cao trọng quyền năng vô đối ấy, nó ra thế nào thì Bần Đạo nói quả quyết rằng Ông Trời con tức nhiên Ông Trời dưới cũng quyền năng như thế ấy. Bởi vì Đức Chí Tôn tức nhiên Đấng Tạo Hoá Càn Khôn Vũ Trụ muốn cho họ thế ấy, và ban quyền cho họ đoạt đặng địa vị thế ấy, nói rõ ra cái giá trị của toàn thể nhơn loại là Ông Trời hữu hình tại thế này đó vậy. Khi chúng ta đã nhìn quyền của họ, nhìn tước của họ, chúng ta tự biết phận của chúng ta, chúng ta chỉ biết làm tôi, chỉ biết phụng sự cho Đấng ấy mà thôi, chớ không mong mỏi gì làm chúa của họ đặng, biết bao nhiêu kẻ mon men muốn làm chúa toàn thể nhơn loại trên mặt địa cầu này với võ khí, với phương pháp hung bạo tàn ác, chiếm thâu những kẻ yếu hèn bạc nhược để họ sai làm tôi mọi cho họ bất quá là một phần thiểu số kia mà thôi, nếu toàn thể nhơn loại mà họ muốn làm chúa thế ấy, thì người Chúa của họ có thể định sống chết của họ mà chớ.

Chúng ta đã ngó thấy ở nơi mặt địa cầu này không màu da nước tóc nào khác nhau, trong hàng phẩm nhơn loại kia là anh em đồng sinh của ta, cả thảy nhơn loại trên mặt địa cầu này là đại gia đình, là anh em cốt nhục của ta, chúng ta không có quyền làm chúa, chỉ biết làm tôi làm tớ họ theo Thánh ý của Đức Chí Tôn muốn mà thôi, ngày giờ nào không lấy Luật Thương Yêu, thiên nhiên của Đức Chí Tôn để trong tâm não của họ, thì họ chưa hề có can cảm làm phận sự tôi tớ của họ mà phụng sự nhơn loại một cách đắc lực, một cách vui vẻ, một cách hữu hạnh, hữu phước, một cách làm cho mình có thể chung lại với nhau đặng hưởng hòa bình yêu ái của toàn nhơn loại nơi mặt địa cầu này. Muốn làm Chúa thời phải thiệt hiện hòa bình tâm lý trước đã và hòa bình hình chất sau. Nhưng chỉ có Đức Thương Yêu của Đức Chí Tôn để nơi tâm khảm của chúng ta làm khí cụ, làm môi giới dìu dắt và nâng đỡ họ, thì họ mới có thể hưởng cái hạnh phúc ấy mà thôi.

Q. 5/04: LỄ VÍA ĐỨC THÁI THƯỢNG - KỶ NIỆM CỦA ĐẠO GIÁO - CHỮ TU.
Đền Thánh đêm 14 /02 năm Nhâm Thìn (1952)

Hôm nay là ngày lễ của Đức Thái Thượng, tức là ngày kỷ niệm của Đạo Giáo. Bần Đạo nhơn dịp ngày Vía của Ngài, Bần Đạo tiếp giảng chữ Tu mà ông Truyền Trạng Trấn đã giảng bữa hôm trước. Đề mục còn sơ sót song đến cái đích đề mục ấy nói lại trúng, khi nói kết luận ông đã nói rằng: Duy có Tu mới có thể dìu dắt nhơn loại đi đến mục đích đại đồng thế giới, đem hòa bình toàn thiên hạ, đây là trúng. Nói về chữ Tu thuyết nó vẫn còn sơ sót rất nhiều.

Chữ Tu chúng ta đã ngó thấy thiên hạ phân ra hai chủ hướng về siêu hình, chủ hướng về siêu vật, tức nhiên cái thuyết Duy Vật và Duy Tâm nó thường phản kháng cùng nhau, buổi này do nơi đâu mà sản xuất cái thuyết Cộng Sản và sản xuất cái thuyết Xã Hội của toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu này.

Ấy vậy, Bần Đạo thừa dịp ấy giải rõ chữ Tu và tầm chủ hướng của nhơn loại, phải để trong mục đích nào, ấy là một cái đề chúng ta có thể nói từ Thượng Cổ đến giờ, tiền nhân, Chư Hiền, Chư Thánh, Chư Tiên, Chư Phật đã lập giáo và đã viết ra không biết bao nhiêu điển luật kinh sách, mà nói không hết, giải không cùng, huống chi đứng trên giảng đài này, lấy đề mục ấy mà nói không bao giờ đủ đặng.

Bần Đạo xin lấy cái tinh túy của nó giải rõ ra mà thôi. Duy Tâm thế nào, Duy Vật thế nào? Tầm nguyên lý coi nó do ở đâu xuất hiện, hai lý thuyết ấy. Theo Kinh nhà Phật ta đã nghe rõ rằng loài người có nơi mặt địa cầu này một trăm tám mươi ba triệu năm. Duy luận định nguyên lý của nó, có trong năm chục triệu năm mà thôi, bổn căn của loài người nó có tánh vật của nó sanh trong vạn vật, cũng như con vật kia vậy, duy trong tánh vật của nó, có Đức Chí Tôn đến định Thiên mạng của nó, nó có hai phần, hai đặc tánh. Tánh thú và tánh Trời.

Bây giờ luận về tánh thú của nó thì nó cũng như con thú kia vậy. Tánh của nó buộc nó đói phải cần kiếm ăn, lạnh rách phải kiếm mặc, nó khổ nó phải kiếm phương làm cho nó hạnh phúc, nó khó khăn, nó phải làm cho nó sung sướng cái phàm nghiệp của nó, thích cái gì phải kiếm phương thế nào làm cho nó thỏa thích, thỏa thích ấy là cái tánh thú dục nó vậy.

Huống chi nó sanh nơi thế gian này chịu trong luật định của nó là tứ khổ, thì bây giờ nó phải tìm phương kiếm thế thoát khổ cho đặng; thoát khổ và tìm hạnh phúc với hình thể thì chẳng hề buổi nào tìm đặng, chẳng khi nào thấy hưởng được hạnh phúc do nơi hình thể mà nó chịu khổ, tức nhiên tánh thú của nó cốt yếu đến đặng chịu khổ, mà nó muốn thoát khổ, ấy là nó nghịch lại tánh đức luật định thiêng liêng của nó.

Ấy vậy, khi nó còn tánh thú, nó muốn làm sao thỏa mãn, hể thỏa mãn thú tánh của nó, thì nhân cách của nó bị hủy diệt, nhân cách không thể bảo thủ được cho lâu, thiên mạng nó không có phương bảo thủ, tâm linh của nó không có phương làm chủ nó đặng, thì nó phải trở nên con vật mà thôi. Vì cớ cho nên các Đạo Giáo, các triết lý cốt yếu tìm phương nào dung hòa tánh thú của nó, cho phù hạp với chơn mạng của nó, tức nhiên làm phương nào bảo trọng sống thú của nó, phù hạp với nhân cách đó vậy. Muốn cho đặng thế ấy, phải giải quyết cái khổ của nó, nó muốn thoát khổ có một đường tồn tâm mà thôi, tồn tâm tức nhiên một thiện pháp giữ Thiên mạng đó vậy.

Ấy vậy làm chủ cái tánh thú đặng bảo trọng Thiên mạng, tức nhiên phải dồi mài sửa đổi luyện cả tinh thần và hình chất của mình thoát khỏi tánh thú, đặng bảo tồn nhân cách, tức nhiên bảo tồn Thiên mạng của mình gọi là Tu. Chữ Tu cốt yếu là để trau dồi cho đặng thoát cái tánh thú, bảo vệ nhân cách của mình đó vậy.

Theo cách vật trí tri, bây giờ luận về siêu hình thì chúng ta đã ngó thấy, hễ khi nó thức, con vật nầy khi nó thức, nó tìm sống trong vạn vật, nó cùng lẽ sống trong vạn vật. Luật của vạn vật buộc nó phải đi kiếm ăn, kiếm sống đặng bảo trọng sanh mạng của nó, theo trong thể pháp về cái thú tánh của nó, muốn thoát được tánh thú ấy, bởi vì nó hung hăng bạo ngược, mạnh mẽ, cừ khôi phản trắc vô cùng vô lối, có nhiều khi thiên tánh, tức nhiên thiên mạng không thế gì điều khiển nó được, người ta thấy có nhiều khi không thế gì người ta thắng nổi thú tánh của nó, nên tìm con đường siêu hình, nó thức thì nó rất hăm hở dữ tợn hung hăng đủ thứ hết thảy đặng bảo vệ sanh mạng. Khi nó ngủ, tức nhiên khi nó nằm ra bình tỉnh hết dữ, nó bình định được cả tánh chất nó bớt dữ, tức nhiên cũng như chúng ta khi còn thức, lo tìm muôn phương ngàn kế đặng bảo thủ sanh mạng của chúng ta, bảo thủ hạnh phúc của chúng ta nơi thế gian này, mà thật ra kiếm hạnh phúc ấy trong giấc chiêm bao của chúng ta mà thôi. Khi chúng ta ngủ mới được an ủi, ta thức bao giờ tinh thần cũng khổ não, vì thức ấy trong thuyết siêu hình mới xuất hiện ra hai lý thuyết tương đương ấy. Từ Thượng Cổ đến giờ có thuyết nào giải rõ nó chưa. Chúng ta đã ngó thấy rất ít, chúng ta định trước, chúng ta đã thấy cái thuyết "Tánh mạng song tu" rõ rệt, ta có thể nói hai cái thuyết ấy như lý thuyết Pythagore và Đức Chí Tôn, Pythagore lấy cách vật trí tri làm căn bản đặng đi đến siêu hình, văn từ cách vật trí tri đến siêu hình, còn Đức Phật Thích Ca lấy siêu hình làm căn bản dìu dắt cách vật. Hai lý thuyết ấy đương đầu với nhau, mà đã thấy thật sự thì Pythagore không khi nào cầm lấy nó, nó không có vật, nó không có hình, nó cho rằng cái sống của vạn vật nơi mặt thế gian này do nơi vô hình xuất hiện, tức nhiên siêu hình kia làm căn bản của cách vật trí tri, mà nếu không có cách vật trí tri đứng chung đó, chẳng hề khi nào chúng ta thấy hai bên tương hội cùng nhau, vì vậy Ngài để chữ Dyade, hồi trưa Bần Đạo đã triết lý hai chữ ấy mà hầu hết người Việt Nam dịch chưa rõ. Bần Đạo nghe chữ Dyade tưởng rằng chúng ta có dịp đem cái siêu hình tả ra, tức nhiên đem chữ Dyade đến cùng Ngài, chữ đó giải không ra.

Ấy vậy, cái lời của Chí Tôn để trên mặt thế gian này có hai phương pháp, siêu hình cũng trong đây, mà siêu vật cũng trong cửa Đạo này. Tại sao? Tại vì có một Đạo Giáo Ngài đến một thân Ngài mà thôi. Cả con cái của Ngài đã cho đầu kiếp dưới thế gian này trước, rồi Ngài mới đến sau, Ngài chung hiệp lại làm Thánh Thể của Ngài, Ngài biểu nó dâng Tam Bửu là dâng xác thịt, trí não, dâng cả tâm hồn tức nhiên dâng cả sanh mạng của nó cho Ngài để làm chữ Khí, rồi Ngài trả chữ Khí của Càn Khôn Vũ Trụ, tức nhiên cái sống của nhơn loại đi đến mục đích chữ Tu, Ngài biểu cả toàn thể dâng xác thịt cho Ngài, Ngài trả lộn lại cái sống của Càn Khôn Vũ Trụ, trong mình nó sống dậy mà làm Thánh Thể của Ngài. Chúng ta tưởng tượng một ngày kia, toàn cả nhơn sanh đứng làm phần tử Thánh Thể của Ngài phụng sự cho Vạn Linh, tức nhiên phụng sự cho nhơn loại, hiệp trí não tâm hồn dâng cho Ngài hết, còn trở lực nào ngăn cản nữa, nhơn loại sẽ đến một cái tối trọng và thiên hạ nhứt gia như Đức Chí Tôn đã muốn.

Q. 5/05: VÍA ĐỨC PHẬT QUAN ÂM, ĐỨC HỘ PHÁP HÀNH PHÁP TRONG THỜI CÚNG ĐÀN.
Đền Thánh đêm 18 /02 năm Nhâm Thìn (1952)

Mỗi kỳ Đại Đàn kể từ 12 giờ cho đến 2 giờ, trong 2 giờ đồng hồ nếu mấy người mặc một bộ đồ võ phục như vầy, có buộc dây như tôi, chịu thử như tôi coi ra sao mấy người biết. Từ lúc mới vô dĩ chí cho tới mãn lễ, không có lúc nào ở không, luôn luôn hành pháp không nghỉ, tới xong lễ lại lên giảng đài giáo Đạo cho con cái Đức Chí Tôn, nếu ngày kia có tuổi thêm chút nữa, chắc làm không nỗi, không thể đứng nỗi, chịu không nỗi nữa.

Hạng nhứt dòm trở lại thấy họ làm biếng đi cúng, thấy nó não nề làm sao! Thối chí làm sao! Bần Đạo cho hay lần này là lần chót, ngày giờ nào có Đại lễ như vầy, Bần Đạo ngó thấy trước mắt nếu còn sự biếng nhác của con cái Đức Chí Tôn, Bần Đạo không thuyết Đạo nữa, lần này là lần chót!

Đêm nay Bần Đạo thuyết cái đề rất trọng yếu là: Con người đi tìm Đạo, hay Đạo đi tìm người? Từ Thượng Cổ đến giờ đã lắm người tự nhiên biết rằng: Cả cái khuôn luật thiên nhiên của tạo đoan thế nào là Thánh ý của Đức Đại Từ Phụ cũng đã định vậy. Luật thiên nhiên của tạo đoan buộc chúng ta phải nhìn nhận cái khuôn luật tối yếu, tối trọng của Ngài. Trong vạn vật hữu sinh chúng ta thấy chúng ta đứng đầu hơn hết, vì chúng ta linh hơn vạn vật. Vì cớ cho nên khi chúng ta còn thiếu niên chúng ta chưa đủ trí thức, chúng ta vẫn thường theo một khuôn luật là tìm sống thôi. Bởi phương bảo vệ cái sống của mình là khuôn luật thiên nhiên đã định vậy, hễ khi nào chúng ta tìm sống tức nhiên chúng ta làm thế nào cho chúng ta sống được. Tức nhiên chúng ta không chịu nhịn sống cho ai hết, nói rõ ra cái tấn tuồng tranh sống mà Bần Đạo đã thuyết cái yếu lý của toàn thể nhơn loại trên mặt địa cầu này, để định vận mạng tương lai của họ, cái yếu lý ấy hệ trọng hơn hết. Hễ nhượng sống thì còn tồn tại với nhau, mà tranh sống thì tức nhiên tự diệt với nhau vậy.

Ấy vậy, chúng ta tìm Đạo là gì? Là chúng ta thoát ly cho đặng cái thú tánh, để bảo tồn cái thiên mạng của mình. Dầu cá nhân của chúng ta, dầu toàn thể nhơn loại cũng vậy, duy chịu có khuôn luật ấy mà thôi.

Kỳ trước Bần Đạo đã thuyết hai cái cơ thể: Nhục thể và Linh hồn của chúng ta tức nhiên là cái nguơn linh của chúng ta vậy. Nó phải tương liên mật thiết với nhau, đặng nó điều độ dìu dẫn trên con đường Tu, tức nhiên trong con đường Đạo của chúng ta là tánh và mạng phải song tu, ta phải biết cái tánh của ta vẫn còn cái thú tánh của nó, trong xác thịt thú này, ta tìm phương nào cho thoát ly nó, đừng chịu quyền năng của nó ràng buộc, ta phải đạt cho được cái tinh thần thiêng liêng vô đối đó. Chúng ta đồng thể cùng Đấng Chí Linh tức nhiên đồng thể cùng Đạo. Đạo là cơ quan mà toàn thể nhơn loại từ Thượng Cổ đến giờ, tìm kiếm đó vậy. Họ tìm Đạo là tìm gì? Họ tìm Đạo đặng đạt được chơn pháp giải thoát kiếp sinh của họ. Nhà Phật tìm phương chước đặng diệt quả kiếp của mình,đặng đạt cơ siêu thoát. Đạt cơ siêu thoát đặng làm gì? Đặng lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật và có phương thế đồng thể cùng Đức Chí Tôn đặng cầm quyền tạo đoan của Càn Khôn Vũ Trụ, ấy là mơ vọng của toàn thể nhơn loại từ xưa đến nay đi tìm Đạo là vậy đấy.

Hỏi từ trước đến giờ họ đã tìm đặng hay chăng? Ta để dấu hỏi mơ hồ. Những Đấng đã đạt Đạo, chúng ta chắc hay không, duy mấy vị Giáo Chủ mà thôi. Còn các môn đệ của các Ngài, sau khi các Ngài đã qui liễu; chúng ta để dấu hỏi họ đã đạt vị được như vậy hay chăng? Chắc cả thảy đều để dấu hỏi mơ hồ hết. Giờ phút nầy chính mình Bần Đạo đứng tại giảng đài này, là người để đức tin vững chắc hơn toàn thể nhơn loại. Mà chính mình Bần Đạo phải để dấu hỏi mơ hồ này, thì tưởng chưa có ai đạt cơ siêu thoát đặng.

Ấy vậy, đạt siêu cơ thoát đặng chi? Đặng đạt phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật và cả phẩm vị Trời nữa, có phải như vậy chăng? Hết thảy đều nhìn nhận là phải vậy. Mà giờ phút này Đấng cầm quyền cả Càn Khôn Vũ Trụ, làm Chúa cả Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngài đến cùng ta đem cái địa vị của Ngài để trong mình của mỗi đứa, tức là Ngôi Chí Thánh của Ngài. Ngài đến lấy cả hình xác của chúng ta đặng làm phần tử Thánh Thể của Ngài. Phải chăng nếu chúng ta lấy cái triết lý chơn lý ấy tìm tòi, chúng ta thấy rằng: Ông Trời đến ở cùng ta, ta là ông Trời tại thế này, cửu phẩm Thần Tiên ở trong Thánh Thể của Ngài; Thần, Thánh, Tiên, Phật Ngài đem để trong tay của chúng ta cả thảy. Lý do là Đạo đến tìm ta, chớ ta không có tìm Đạo. Thượng Cổ không biết chừng nhiều Đấng đã muốn trông thấy như ta đã trông thấy, và họ muốn đặng như ta đã đặng hôm nay, nhưng họ chưa đặng mà chúng ta đã đặng.

Ấy vậy Bần Đạo quả quyết rằng, xưa kia thiên hạ tìm Đạo một cách khó khăn mà giờ phút nầy ta lại thấy Đạo đến tìm ta.

Hồi chiều mấy anh em chúng tôi có ngồi luận Đạo với nhau, đang nhắc Ngài. Đức Chí Tôn mới đến Ngài có than rằng:
"Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy;
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy".

Ông thấy mình tội tình quá lẽ, nhơn loại con cái của Ông đã sa ngã, đã tội chướng quá nhiều, chính mình Ông cầm gậy đến ở cùng con cái của Ông . Một là tìm phương giải tội cho nó. Hai là tìm phương đem quyền pháp cơ quan siêu thoát đến trong tay nó. Nếu toàn thể con cái từ Tín Đồ dĩ chí Thiên Phong Chức Sắc không có đạt vị đặng, dám chắc khi trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống cái hổ nhục chẳng thế gì chúng ta thấy đặng các bạn của chúng ta đang tiếp chúng ta nơi cửa Hư Linh đó vậy, và lẽ sao đạt không đặng không có gì tệ mạt hơn.

Q. 5/06: HỘI VỀ VẤN ĐỀ PHẠM PHỦ TỪ.
Trí giác Cung ngày 25 /02 năm NhâmThìn (1952)

Ngày hôm nay Bần Đạo vào hội đây chẳng phải lấy danh thể Hộ Pháp, chỉ lấy danh thể Phạm Công Tắc mà thôi. Bần Đạo đến giữa Tông Đường của Bần Đạo, lấy một tình anh em cốt nhục mà thôi.

Chỉ định về Đạo, Phạm Thủ Từ cốt yếu là do ông anh thứ bảy của Bần Đạo và chị thứ sáu của Bần Đạo đề xướng, Bần Đạo để trọn quyền cho hai người ấy, chúng ta có thể gọi là đàn anh chị, phần niên kỷ, phần tâm đức đối lại Tông Đường ta thế nào, Bần Đạo giải quyết để trọn tín nhiệm trong hai người ấy, thiệt hiện cho được một Đạo Nhơn Luân của chúng ta. Chữ hiếu là đứng đầu hết không trọn hiếu không thể gì làm mọi điều khác được, chúng ta muốn có một nghiệp Đạo của mình cho đặng tận thiện tận mỹ vĩ đại, có thể nói rằng ta muốn cho danh thể tồn tại nơi mặt thế này bền bĩ lâu dài; đại nghiệp thiệt của chúng ta là đấy. Về nghiệp đạo đức tinh thần các bậc tiền bối của ta có nói rằng: "Lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế", ta có thể làm Đạo lập thân danh ta được mà phải có hiếu trước đã, do trọn hiếu mới làm được vậy. Hiếu là căn bản đầu tiên hơn hết. Phạm Thủ Từ chúng ta mà tạo dựng được có nhiều điều ích lợi một trong Tông Phạm ta còn ở rãi rác khắp nơi; cả thảy đều biết rằng dòng Phạm Vi, dòng Phạm Đăng, tưởng không ai còn lạ gì. Dòng họ Phạm ấy đã có phủ thờ tại kinh đô Triều Nam ta bây giờ, thì trong kiến Phạm của chúng ta từ Nam chí Bắc rải rác rất nhiều. Chúng ta không kể Tông Đường chúng ta do nơi Bắc Việt, tức nhiên do nơi bên Tàu sản xuất ra. Tông Đường của chúng ta còn nơi Bắc Tam Tỉnh tức nhiên nước Tàu máu mủ của chúng ta còn trong đấy.

Tạo Phạm Phủ Từ chẳng phải riêng trong cửa Đạo hay nội trong nước Việt Nam mà thôi. Chúng ta có thể ngó tới Bắc Việt, ngó tới Trung Hoa, Tông Đường của ta ở mé biển nữa thành thử một cơ quan vĩ đại. Miếng gạch đầu tiên chúng ta để đây chẳng qua một cục gạch đầu tiên mà thôi, Bần Đạo dám chắc tương lai phủ thờ, giờ phút nầy nếu như quả chúng ta tin rằng đặc ân Đức Chí Tôn ban thưởng, trong Tông Chi máu mủ của chúng ta lại xuất hiện ra một người cầm giềng mối Đạo, một người có thể nắm trọn cả cửa Đạo là một nền Đạo Tổ Tiên nước Việt Nam để lại, tối cổ, con người đủ biết đặc ân cao trọng quý hóa chẳng cần khoe khoang.

Tông Đường họ Phạm không thiệt hiện ra được thống nhứt cả Tông Đường lại, đem chữ hiếu đặng nêu lên cho cả thảy bá tộc kia coi gương làm theo. Bần Đạo dám chắc một điều chúng ta dở quá, chúng ta thất phận đối với Thế Đạo chúng ta mà chớ, có sang cả, vinh hiển, cao trọng một mớ anh em, còn phần nhiều nghèo hèn, khó khăn khổ não, chúng ta không thể chối được. Nếu chúng ta tạo Phạm Phủ Từ là nhà chung của họ trong thời kỳ này, đặng sau con cháu của dòng họ chúng ta nó đã có một đại nghiệp đặng làm trụ cốt cho nó. Nó thấy Tông Đường của nó không hèn hạ, nó tự an ủi tự nắm phần sống một cách chơn chánh quí hóa không đến nỗi sa đọa thấp hèn. Cả Tông Đường chúng ta khỏi khổ nhục trông thấy nó vô nhân nghĩa. Được đại nghiệp này dễ gì nó bỏ Đạo, dám chắc không khi nào miếng gạch đầu tiên này thất bại bao giờ, tôi dám chắc như thế và toàn cả Tông Đường ta trông mong lẽ đó lắm. Biết Đạo, chúng ta làm đây vì hiếu mà làm và thật hành đại nghĩa đối với cốt nhục Tông Đường chúng ta.

Ấy vậy giờ phút này chúng ta vì hiếu nghĩa mà làm. Hiếu nghĩa là đầu hết của các mối Đạo đó, hiếu nghĩa mà thiệt hiện không đặng, đứng trong cửa Đạo cũng như hình gỗ, dám chắc không bao giờ hữu dụng được. Đứng trong cửa Đạo bền vững hay chăng là do trường học trong Phủ Thờ này. Trường học đầu tiên vô trường học Đạo lập thân danh để lại hậu thế, dìu dẫn Tông Đường vinh quang vô tận, Đức Chí Tôn đã có ban rồi. Chúng ta có thể đối với nhau cho bền vững, nắm cả ân điển Thiêng liêng đặc biệt của Ngài ban cho trong cửa họ Phạm, nắm vững chắc hạnh phúc đời đời, được hạnh phúc biết bao nhiêu mà nói. Hạnh phúc Tông Đường biết bao nhiêu to lắm, làm cho cả thảy đều thấy, trong bá tộc kia làm theo, hay, hay là dở, mấy em vẽ nét mực đầu tiên đi.

Ấy vậy, giờ phút này mấy em Tông Đường của bá Tộc làm dở cả, cả thảy đều dở, chẳng có Phủ Thờ, thờ Tông Tổ của mình mãi mãi không cùng. Cho tới giờ phút này mấy em coi thiên hạ đảo ngược, nhưng cả cái khuôn khổ Tông Đường bên Tàu vẫn giữ nguyên vẹn một cách vững bền không lay động gì hết, thấy có Đạo, thấy Đạo một cách đạo tâm. Kiến họ Phạm đã vững chắc vì thấy kỹ trong khuôn khổ Tông Đường trọn nghĩa bền vững không xao xuyến, thì không lực lượng gì hủy diệt dòng họ này được.

Từ trước đến giờ Đạo Cao Đài lấy Tông Đường làm nền móng cho Đạo Cao Đài, từ đây sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa, sẽ càng cao trọng hơn nữa. Không vì Đạo mà vì Tông Đường ta tạo dựng rồi bá Tộc kia cũng làm, ngày kia ai không Đạo họ cũng về Tộc họ. Luôn dịp mấy em tạo Phủ Thờ này công nghiệp mấy em đối với Đạo Cao Đài một cách gián tiếp đó vậy, mấy em không thất Đạo, một gương vĩ đại đối với Đạo mà chớ.

Một điều cốt yếu hết thảy để trọn quyền cho mấy em bàn tính công cử với nhau, kể từ hôm nay chúng ta hội với nhau trong gia đình này, gia phổ của mình khai nạp, mỗi người đến nạp gia phổ đem vào cuốn Livrét chung.

Q. 5/07: VÍA ĐỨC CAO THƯỢNG PHẨM - GIÁ TRỊ TAM BỬU LÀ GÌ ?
Đền Thánh đêm 30/02 năm Nhâm Thìn (25/3/1952)

Đêm nay nhân dịp vía của Đức Cao Thượng Phẩm, Bần Đạo giảng nghĩa lý cái giá trị Tam Bửu là gì? Sẽ chỉ rõ Hội Thánh đối với Đức Chí Tôn là gì?

Vả chăng từ Thượng Cổ tới giờ, loài người bao giờ cũng thờ Đấng Tạo Hoá ra Càn Khôn Vũ Trụ. Tuy lúc Thượng Cổ tâm đức của loài người vẫn đơn sơ, họ chỉ tưởng niệm một điều là họ biết thờ cái Đấng đã tạo đoan ra Càn Khôn Vũ Trụ. Họ đồng sống trong ấy, họ chỉ nhìn nhận cái quyền lực ấy mà thôi. Khi ấy họ không biết người của Đức Chí Tôn là gì? Mãi tới sau mới có Đấng đã nói rõ, chỉ hình rõ rệt Đại Từ Phụ của Vạn Linh là Đức Chí Tôn, Đấng đã vạch rõ ra đã thiệt hình ảnh của Ngài là Đức Chúa Jésus Christ. Trong tam bửu nó hình trạng những vật quí hoá của loài người đã hiến dâng cho Đức Chí Tôn đó vậy.

Trước kia, hồi buổi ban sơ thì con người chỉ dùng các lễ vật mà họ gọi là quí trọng hơn hết dâng cho Đấng ấy, mà lễ dâng của họ không có xa hơn nghĩa lý tam bửu, Bần Đạo sẽ giảng rõ tỷ như: Lúc Thượng Cổ người ta đã dâng cho Đức Chí Tôn đã có những gì? Cái vật dâng cho Đức Chí Tôn buổi Thượng Cổ họ dâng sanh mạng con người cho Đấng ấy. Khi nhơn loại bị khốn khổ, bị tai nạn bất cứ trong quốc gia nào họ dùng cho đến sanh mạng, tức dùng con người làm tế vật dâng hiến cho Đức Chí Tôn. Tới chút nữa, nghĩa là tinh thần loài người tiến triển đến một mức nữa, họ dùng cái cái vật lựa chọn quí hoá, đồng thể với sanh mạng của con người đặng dâng cho Đức Chí Tôn, tức nhiên họ dâng Tam sinh. Khi ta đã xem tế Nam Giao, từ Thượng Cổ nhà Vua dâng cho Đức Chí Tôn ba cái vật là: Trâu, heo, và dê gọi là Tam sinh. Ngày hôm nay sau Đức Chí Tôn đối lại với Đạo Thiên Chúa, không dâng Tam sinh là sanh mạng của con vật nữa, mà chính mình Đức Chúa Jésus Christ dâng cái xác thịt của Ngài làm con tế vật cho Đức Chí Tôn, tức nhiên Ngài nói rằng Ngài chịu khổ hình là chết trên cây Thánh Giá cốt yếu làm con tế vật đặng dâng cho Đức Chí Tôn để cứu rỗi tội tình nhơn loại. Chúng ta đã ngó thấy từ thử tinh thần của loài người tiến triển tới mức văn minh của họ, thì cái vật phụng thờ, cung hiến dâng lễ vật cho Đức Chí Tôn vẫn khác. Ngày hôm nay Đức Chí Tôn đến, Ngài biểu chúng ta dâng cho Ngài ba món gọi là Tam Bửu là: Tinh, Khí, Thần.

Ngài thế nó là Bông, là Rượu, là Trà, Bần Đạo tưởng nếu lấy vật ấy mà tưởng tượng thì nó không nghĩa lý gì hết. Ôi! Biết bao nhiêu quí hoá, nếu cả thảy con cái của Ngài biết Đức Chí Tôn muốn dâng cho Ngài cái gì thì của dâng ấy quí hoá không thể nói. Tinh, là Ngài biểu dâng hình thể của ta tức nhiên dâng xác thịt ta nghĩa là dâng cái sống của ta nơi mặt thế gian này, đặng cho Ngài làm khí cụ, đặng Ngài phụng sự cho con cái của Ngài, nó thuộc về Tinh, tức nhiên Bông đó vậy, phải dâng cho Ngài cái hình xác chúng ta cho đẹp đẽ, cho trong sạch, cho thơm tho, cho quí hoá như Bông kia mới được. Tưởng tượng Ngài muốn cho chúng ta trong sạch như vậy là vì Ngài mong con cái của Ngài biết thương yêu lẫn nhau, rồi lại tự mình tu tâm dưỡng tánh thế nào cho đẹp đẽ mỹ miều, như Bông kia đặng xứng đáng làm Thánh Thể của Ngài đặng phụng sự cho con cái của Ngài.

Giờ nói về Rượu, Ngài thể cái chơn thần của ta tức nhiên thể cái trí thức cái khôn ngoan của ta về chơn thần, tượng ảnh trí thức khôn ngoan tức nhiên Ngài biểu cả trí não con cái của Ngài phải dâng trọn cho Ngài đặng làm khí cụ. Giờ phút nào toàn thể con cái của Ngài có trí óc khôn ngoan đặng phụng sự cho nhơn loại thay thế cho Đại Từ Phụ mà nói rằng: Chúng tôi không biết làm gì ngoài phận sự thiêng liêng của Đức Chí Tôn giao phó. Ngày giờ nào toàn thể con cái của Ngài biết nói như thế đó, thì ôi! Hiến cho Đức Chí Tôn một vật quí hoá không thể nói gì được.

Nói về Trà, Ngài thể Trà là tâm hồn tức nhiên Ngài biểu cả tâm hồn của ta hiệp lại làm một khối với nhau. Giờ phút nào toàn thể con cái của Ngài hiệp cả tâm hồn làm một, cái tâm hồn này sẽ làm tâm hồn của mặt địa cầu này, cho trái đất này, nó sẽ làm tâm hồn của toàn thể nhơn loại. Ngày giờ nào cả toàn thể con cái của Ngài tượng ảnh tâm hồn cho toàn thể nhơn loại được, thì ngày giờ ấy có thể Thánh Thể của Ngài mới phụng sự cho Vạn Linh tức nhiên con cái của Ngài hạnh phúc được. Chỉ ngày ấy mới có thể nói rằng: Nhơn loại hưởng được hồng ân đặc biệt của Ngài, mà hưởng được hồng ân đặc biệt của Ngài thì ngày ấy mới mong hưởng được hòa bình và đại đồng thế giới. Bây giờ Tam bửu ở trong Hội Thánh, cả toàn thể anh em, chị em chúng ta đây là Tinh là Hình Thể của Ngài tại thế này. Hình thể của Đức Chí Tôn là trong ta đây hết. Ngày giờ khối trí thức của toàn thể nhơn loại tượng hình ra mà nói biết rằng Đạo duy nhứt là Đạo Trời với Đạo Người hiệp làm một. Giờ phút nào cả toàn thể nhơn loại biết mình đến đây có phận sự để tô điểm kiếp sống của nhơn loại cho đặng hạnh phúc, đặng bảo trọng sanh mạng của toàn thể vạn linh cho đặng hạnh phúc. Giờ phút nào có cái đấy thì mới tượng ảnh ra Khí của mặt địa cầu này.

Nói đến tinh thần Bát Quái Đài nghĩa là cái Hồn, tức nhiên hồn chúng ta đã ngó thấy rằng con người sinh nở nơi thế gian này nếu ba món báu ấy mà không có thì xác thịt nhơn loại cũng thế, vật chất cũng thế, toàn thể nhơn loại cũng thế, nếu nói rằng có xác thịt không có hồn, hay có hồn không có trí thức bảo vệ sống còn của mình thì chúng ta đã ngó thấy tận tường đó rồi, người không hồn ngơ ngơ ngáo ngáo, người có hồn không có trí thức chẳng hề khi nào định mạng được. Ông Pythagore nói Dyade là phải điều hòa nhau, ta tu cốt yếu làm cho ba món ấy điều hòa. Giờ phút này chúng ta hãy tưởng tượng rằng trước khi muốn điều hòa, cả Hội Thánh dâng cho Đức Chí Tôn, cả toàn thể con cái của Ngài dâng cho Ngài một chí hướng, một hy sinh mà thôi. Toàn thể con cái của Ngài hy sinh phụng sự Vạn Linh, tức nhiên phụng sự cho toàn thể nhơn loại. Biết đặng, hiểu đặng hạnh phúc mình do nơi sống chung cùng nhau, nhượng sống cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau. Giờ phút nào thiên hạ khôn ngoan định vận mạng cho mình như Đức Chí Tôn đã định cho ta phù hạp với chữ Khí, tức nhiên chữ Khí là báu vật chúng ta dâng cho Đức Chí Tôn mới thành tựu. Ngày giờ nào thành tựu nơi Bát Quái Đài, quyền năng thiêng liêng kia mới đủ năng lực day trở thiên thơ tạo hạnh phúc cho toàn nhơn loại trên mặt địa cầu này. Duy có giờ phút ấy, nhơn loại sẽ hưởng đặng hòa bình và đại đồng thiên hạ mà thôi.

Q. 5/08: VÍA ĐỨC CAO THƯỢNG PHẨM - KHỔ NHỌC VÀ CÔNG LAO VĨ ĐẠI CỦA NGÀI CAO THƯỢNG PHẨM ĐỂ LẠI.
Tại Tháp Đức Cao Thượng Phẩm, ngày 01/03 năm Nhâm Thìn (1952)

Mỗi năm đến ngày kỷ niệm của Đức Cao Thượng Phẩm, chắc cả thảy những em út, anh chị người nào cũng đã biết Ngài, tưởng cũng có một cái tình cảm nồng nàn, nhứt là Bần Đạo là bạn đồng khổ của Ngài, bạn thiếu niên, bạn đường đời, bạn cửa Đạo, một kiếp người đối với kiếp sống của Bần Đạo có tình cảm mật thiết không thể tả được, đứng trước bàn vong linh của Ngài, dám chắc cả thảy mấy em đều khác, còn Bần Đạo vẫn khác. Ôi! Biết bao nhiêu những di tích của Ngài để lụng lại tràn trề không thể tả cho hết, cái tình tri âm, tri kỷ với nhau trọn một đời biết tâm đức, biết tình cảm, biết tài năng với nhau trọn một kiếp, nếu có người bạn nào mà Ngài đã gọi cái tâm tình trọn vẹn hết, Bần Đạo tưởng có lẽ Bần Đạo là một người trong đấy.

Một người tài tử, cái lần yêu nước vô cùng của Ngài thì đã chán biết, bởi cái tình cảm như thế, cái tâm ái quốc phải là hơn ai mới được, cái đặc sắc hơn hết là Ngài có tình cảm đối với nước nhà, đối nòi giống của Ngài, cũng như Bần Đạo biết một đặc tính với một tinh thần của một người tài tử.

Một người yêu nước là riêng, về con người của Ngài, có cái cảm kích đối với nòi giống Việt Nam là một việc khác, chẳng khác nào như ta đã ngó thấy, một kẻ tài nhân kia nhất thời mà mình yêu ái kính phục, chẳng khác nào như ta đã ngó thấy trước mắt những người đạt đặng hạnh phúc danh vị bị suy sụp, chúng ta thương vì tội nghiệp cái tình cảm của Ngài đối lụng lại với quốc dân Việt Nam, đối lại với nước nhà của Ngài buổi nọ vậy.

Ôi! Biết bao nhiêu trong thời buổi lệ thuộc, Ngài ngó trước mắt Ngài, đồng bào của Ngài, nước nhà của Ngài dám chắc rằng riêng biệt ra, đừng ai ngó thấy trong cảnh tối tăm, tịch mịch, thì bao nhiêu giọt lệ của Ngài đã đổ.

Vì cớ cho nên buổi khai Đạo rồi Đấng quyền năng tối linh ấy đã đến, Ngài đem cả tâm tình ấy, Ngài gởi cho Đấng đó, cũng như Bần Đạo đã gởi chỉ cầu nguyện một điều là xin quyền năng vô đối ấy, đem cái cân công bình thiêng liêng để nơi mặt thế, cho có mực thước một chút, nhứt là ái tuất đến những kẻ khổ não về tinh thần, kẻ chịu được là vô luận, những người chịu không nỗi xin có một thế là an ủi.

Nếu toàn thể quốc dân Việt Nam biết rằng, tinh thần chịu lệ thuộc không nỗi, chỉ cầu nguyện một điều là một phương an ủi của Đấng ấy.

Q. 5/09: VẬN MẠNG CỦA NHÂN LOẠI QUỐC TẾ
Đền Thánh đêm 04/3 năm Nhâm Thìn (9/4/1952) (*)

Đêm nay Bần Đạo giảng về cái vận mạng của nhân loại quốc tế, tiếc rằng mỗi khi lên giảng đài, không có đủ ngày giờ để giảng, bất kỳ cái đề nào cũng phải thúc nhặt lại, lấy cái tinh túy của nó mà thôi, thành thử các đề đã giảng từ thử đến giờ, chưa có một cái đề nào để thuyết cho nó cùng lý. Đêm nay, giảng có hơi nhiều một chút, nghe có mệt Bần Đạo xin kiếu lỗi, Bần Đạo giảng về cái khủng bách tinh thần của nhơn loại đương giờ buổi nay, sẽ đưa thiên hạ đến đâu? Bần Đạo mới đọc trong nhựt trình, thấy có một hội nghị của Bác Sĩ Quốc Tế, nhứt là các vị lo đặc điểm về tinh thần của con người thì hội hiệp với nhau, rồi họ đề nghị các vị Quốc Trưởng của các xã hội, nhứt là của các liệt cường, phải giải phẩu để coi họ là người bình tĩnh hay là người điên cuồng, điều ấy Bần Đạo nghĩ lại rất nên sâu sắc, nghĩa là chúng ta thử nghĩ những bậc tài nhân theo lời của các Bác Sĩ đã nói, cái trí não của kẻ nào cao kỳ bao nhiêu, tài năng bao nhiêu, họ lại gần cái cảnh điên của họ chừng nấy, nói rõ kẻ càng khôn chừng nào, lại gần đến cảnh điên của họ chừng nấy, nói rõ kẻ càng khôn chừng nào, lại gần đến cảnh điên của họ chừng nấy, chúng ta thử xét giá trị một vị Quốc Trưởng, một liệt cường trong các liệt cường kia, tình trạng đương ở trong một địa vị, một lập trường khắt khe, sự khắc khe ấy là thế này, nếu chúng ta không đủ phương thế không đủ tài năng bảo vệ độc lập cho nòi giống. Chúng khỏi bị lệ thuộc tôi đòi chinh phục thì chúng ta phải có một võ lực cho cường liệt, nghĩa là phải tạo ra một binh lực thiệt liệt cường mạnh mẽ, chúng ta phải có đủ phương pháp, có đủ võ khí tối tân đặng bảo thủ cái độc lập ấy mới được, mà hại thay hễ yếu thế lại chịu nạn thiên hạ chinh phục, còn tạo ra một lực lượng liệt cường đương đầu với thiên hạ, tức nhiên mình khêu khích, hễ khêu khích thì có kẻ thù hận mình, oán ghét mình, như vậy thì tự chính mình đang gây hấn, mà hễ gây hấn tức nhiên phải có giặc giã chiến tranh tàn sát với nhau, tình trạng ấy họ kiếm con đường Trung Dung Đạo của họ đặng họ đi đến mức hòa bình, nhưng họ kiếm mãi mà không được, vì lập trường của họ bây giờ thì ai cũng nói, tôi phải trụ các võ lực của tôi lại để có đủ năng lực bảo vệ độc lập nước nhà, đàng kia cũng nói như thế, các liệt cường nào cũng nói như thế, mà hại thay, hễ càng tạo cái võ khí ấy nhiều chừng nào, thì sự tự sát thiên hạ lại nhiều chừng nấy, biểu sao các vị Bác Sĩ về siêu hình học, tức nhiên tinh thần học của họ không để vấn đề ấy là trọng hệ.

Bây giờ Bần Đạo thuyết đến đây, con cái của Đức Chí Tôn sẽ ngó thấy, nhơn loại giờ phút này sẽ đi về đâu? Lấy theo khoa học mà nói, thì tại nơi não óc của ta nó có cái đường gần gọi (nerf de l' intelligence), thuyết ấy khoa học đã tầm đặng, Bần Đạo thuyết rằng khoa học ngày hôm nay tầm một điều, mà Đạo Pháp đã tầm và có sẵn rồi.

Cái ấy định mạng sanh của con người nó là trung tâm điểm của cả cơ thể, khôn ngoan hiển hách của kiếp sống con người, mà là nó ở ngay Nê hoàn cung, tức nhiên nó ở ngay mỏ ác đứa con nít, cho nên con nít đầu nó mới sơ sanh đã mềm, lớn lên mới cứng. Tại sao mềm? Tại ở trong khiếu ấy có ba hột tối thiểu nó tế nhuyển đến nỗi con mắt chúng không thấy được, nhưng dùng kiến hiển vi mới trông thấy nó rõ ràng được, ba hột ấy nó không phải là vật chất, mà cũng không phải là khí chất, ba hột tế nhuyển như thể hột mè nhỏ vậy thôi, xoay chuyển bên mặt qua trái, một hột dương hai hột âm, nó xoay chuyển cả với nhau mới sanh ra điển lực, mà điển lực ấy ngay chỗ đấy, là cái linh hồn của chúng ta tương liên với chơn thần, nó tương liên với xác thịt ta, nó là cái khiếu khôn ngoan của con người, do tại chỗ khiếu ấy, chơn linh của chúng ta điều khiển cả hình xác,(1*) trí khôn ngoan ấy nó phải đi một chiều và nó đi có mực thước có độ lượng, hễ nó ngừng lại thì cái trí phải mờ ám (đương chạy vụt ngừng kẻ đó cái trí não mờ ám không sáng suốt không thông minh) mà nó vận hành nhiều chừng nào cái trí hoạt bát của con người nhiều chừng nấy, mà hễ nó đi quá độ lực thì con người trở lại điên khùng ngây dại.

Ấy vậy cái kẻ tài nhân khôn ngoan đáo để đó nó gần cái mức khùng điên dại, đi quá độ lượng tức nhiên nó phải điên phải ngây, chúng ta ngó thấy cái tình trạng các bực học nhiều, chúng ta nghe trước ông cha của chúng ta thường nói, các nhà đa văn quảng kiến hay khùng (xưa kêu là điên chữ) tình trạng nó như vậy.

Kẻ tài nhân đáo để trên mặt thế này đến gần mức điên của nó, cái chỗ tài nhân của họ bước qua mức điên dễ dàng, tới chút xíu nữa thì điên ngay, chỗ mà khoa học đã nói bây giờ, Đạo giáo chúng ta gọi là Huệ khiếu, ấy là cái khiếu mà trước kia không thể tả (có?), chính khoa học đã tầm chỗ đó là địa điểm trọng yếu của Linh hồn con người;(1*) bên Thiền môn, tức nhiên bên Đạo Phật phải đốt nó gọi là Tam muội hỏa đặng cho nó ngừng bớt lại, đừng chạy quá mức của nó, mà chạy có mực thước.

Đức Chí Tôn mở khiếu cho chúng ta, mở khiếu đặng định chuẩn thằng đừng quá sức vận hành của nó. Đạo pháp có Đức Lão Tử biểu chúng ta phải tịnh đặng nhập vào cái cảnh bất nhập, tức nhiên là hư vô, cốt yếu cho ba hột ấy chạy vào cho có mực thước, nó chạy dịu dàng đừng cho loạn, đừng cho quá sức của nó, loạn tức nhiên điên, như cái máy thâu thanh nếu chúng ta mở quá sức của nó thì nó hư, phải để cho hột đó chạy vừa chừng, đặng cho cái chơn linh của chúng ta có phương thế điều khiển cả hình xác chúng ta trong mực thước khuôn khổ luật định của nó không quá mức, chúng ta dư biết rằng xác thịt chúng ta sống do nơi trái tim, chơn thần chúng ta sống do nơi Huệ quang khiếu, chơn linh chúng ta sống do nơi Càn Khôn Vũ Trụ, vì cớ cho nên linh hồn chúng ta tương liên mãi mãi với Càn Khôn Vũ Trụ mà thôi, không thể thúc phược ở mãi trong xác thịt nó ở ngoài thể nó tương liên cả Càn Khôn Vũ Trụ điều khiển cả cái sống của ta, ấy vậy, giờ phút này thiên hạ đã đợi mong cả toàn thể nhơn loại đương khủng bách tinh thần, họ đợi mong một Đấng Chơn Linh cao trọng hơn đặng điều khiển cả tâm hồn nhơn loại, mà Đấng ấy không dùng theo phương pháp Đạo giáo, mà định chuẩn thằng cho chơn linh đủ phương thế điều khiển cả vận hành cái sống hiện tại của nhơn loại trên mặt địa cầu này, sống về hình thể, tuy phải kiếm sống, sống như con vật thì họ chỉ biết ăn mà sống, mặc mà lành, hai cái đó sẽ xô đuổi họ đi đến một trường hợp tranh sống với nhau, đặng tự diệt với nhau.

Nếu giờ phút này thiên hạ đừng cho ta dị đoan, chúng ta có thể nói Đức Chí Tôn biết tình trạng nhơn loại đã tạo đến mức tự diệt nhau, nên Ngài đến tạo nền Chơn giáo của Ngài, tức nhiên Đạo Cao Đài cho nhơn loại gìn giữ phần hồn đặng định chuẩn thằng cái sống của họ đừng cho nó đến cái cảnh điên của nó, mà họ đến cảnh điên tức nhiên đến cảnh tự diệt.

Đức Chí Tôn đến đặng cho huờn thuốc phục sinh đặng cho nhơn loại sống lại là đạo đức tinh thần của Đức Chí Tôn tạo cho họ, Đao Cao Đài chính là cái sống linh hồn nhơn loại, bảo vệ tánh mạng tức nhiên chơn thần của họ, đặng họ tránh cái nạn tiêu diệt.

Phụ ghi:
(1*) Trong bản chánh không có dấu phẩy ( , ) hay chấm phẩy ( ; ) phân đoạn câu văn, nên khi đọc nguyên câu rất là khó hiểu. Các dấu trên chúng tôi nghĩ là có thể có, nên mạo muội góp ý thêm vào. Thành thật kính cáo.

Q. 5/10: KHAI NGUƠN VÀ CHUYỂN THẾ.
Đền Thánh đêm 29/3 năm Nhâm Thìn (23/4 /1952)

Đêm nay Bần Đạo giảng về khai nguơn và chuyển thế. Từ khi Đức Chí Tôn đến, Ngài dùng hai tiếng ấy, Ngài nói với cả con cái của Ngài, mà sự thật ra ngày giờ Ngài đến, nghĩa lý trọng yếu hơn hết cũng chỉ là Khai Nguơn và Chuyển Thế.

Bần Đạo đã giảng rằng: Thời kỳ tam chuyển Hạ nguơn đã mãn, khởi đầu tứ chuyển Thượng nguơn. Bần Đạo lại có đoán rằng: Mỗi một chuyển là 61 triệu năm, nếu trong 61 triệu năm chia làm ba, thì mỗi nguơn niên nó phải hai triệu ba trăm ba mươi ba ngàn, ba trăm ba mươi ba năm (20.333.333 năm). Tại sao Ngài đến? Tưởng nếu không phải Đức Chí Tôn đến lập Giáo thì cái quyền năng chuyển thế với khai nguơn ấy chưa có một Vị Phật nào đủ quyền làm được. Trọng yếu hơn hết hễ khai nguơn chuyển thế tức nhiên phải có tạo Tân Dân, hết thảy đều nghe ở trong Đại Học nói hai tiếng Tân Dân ấy, tưởng đâu dễ dàng lắm, mà nó là một điều mắc mỏ hơn hết. Nếu chúng ta mở Đạo Sử ra mà xem, trong các nền Tôn Giáo đã lưu lại, về bên nhà Phật của chúng ta, thì ta ngó thấy từ tạo Thiên lập Địa dĩ chí tới ngày có loài người chia ra không biết mấy lần Tân Dân.

Tưởng khi hồi lúc ban sơ ấy Đức Chí Tôn đến đặng tạo nhơn hình của chúng ta, hồi buổi đó thì phàm xác tục của ta vẫn đơn sơ, nó là con vật, nên hồi Tân Dân buổi đó là một hạng đã nhơn, hạng đã nhơn mà ta đã ngó thấy, giờ phút này chúng ta ngó thấy nòi giống đó còn tồn tại là bọn người Mường Mán, Mọi ở trên núi đó, chúng ta ngó thấy họ còn lạc hậu giống như dã nhơn nhưng rồi họ còn tiến triển lên nữa, giờ phút này họ tiến triển lên đã khá lắm rồi, không còn dã man như buổi ban sơ kia vậy.

Kế tiếp hạng dã nhơn người Pháp dịch là L'emuriens (Hắc Chủng) tức là nước Ấn Độ bây giờ, chúng ta đã ngó thấy nó có điều hay ho hơn hết là vị Manou. Hắc chủng ban sơ đến tạo dựng sắc dân ấy là Đức Brahma, Ngài chẳng phải đến đặng tạo dựng Hắc chủng mà thôi, mà chính mình Ngài đến, Đức Chí Tôn đã tái kiếp làm Brahma đặng giáo Đạo cho loài người. Từ buổi ấy các sắc dân Hắc chủng tiến triển lên nữa, chúng ta thấy có giống dân màu da xám xám cũng như thứ dân Cachemire đó vậy (Ấn Độ) sắc dân đó da của họ có hơi trắng trắng rồi đấy, tiến triển lên nữa. Lần này thì Đức Civa đến càng ngày họ càng tiến triển lần lên, họ làm như giống dân gọi là Thanh nhơn đó, nước da của họ xanh, hễ nước da xanh đến thì Đức Kristna Vishnou đến. Chúng ta ngó thấy sắc dân ấy, họ hạnh phúc biết bao, bởi chính nhờ cái tiến triển của họ ba bực, thì Đức Chí Tôn đến với ba danh hiệu khác nhau, vì thế giờ phút này chúng ta ngó thấy sắc dân Ấn Độ vẫn còn giữ đạo đức về Phật giáo của họ một cách bền vững chắc chắn và Bần Đạo đứng tại Toà giảng này mà nói rằng: Nếu có sắc dân nào có phương pháp bảo thủ loài người thật vững chắc, Bần Đạo dám quả quyết rằng: Duy chỉ có dân Ấn Độ mà thôi.

Kế tiếp nữa, kế dân Thanh nhơn ấy thì ta lại thấy Tân Dân Xích nhân, tức nhiên sắc dân Atlantéen, cái sắc dân Xích nhân ấy, chúng ta còn thấy lưu tích lại là nước Egypte và tất cả các sắc dân ở bên thế giới mới cả toàn cầu kêu họ là Peau Rouge, sắc dân da đỏ, người ta lầm tưởng rằng dân đó giống như dân Ấn Độ. Dân Xích Chủng vì nước da họ đỏ tương tợ như người Ấn nên họ kêu là Indien. Sắc dân Xích Chủng là sắc dân Atlantéen họ làm chúa nhơn loại một thời. Bần Đạo nói rằng họ đã thâu hoạch được một nền văn minh quá cao siêu quá huyền bí, nhưng lại có một điều họ đã lãnh sứ mạng nơi Đức Chí Tôn làm đàng anh dìu dắt các chủng tộc lạc hậu, hay là tạo dựng hạnh phúc cho các sắc dân lạc hậu, họ không làm. Trái ngược lại họ dùng cái cường lực, dùng văn minh cao trọng của họ đó, họ lệ thuộc các sắc dân lạc hậu, họ buộc các sắc dân lạc hậu ấy làm nô lệ cho họ. Vì cớ cho nên họ đã bị biếm đã chẳng phải bị biếm mà thôi, mà còn bị Thiên Điều tiêu diệt cả quốc thể của họ, tức nhiên toàn thể sắc dân Atlantéen đã bị Hồng thủy trận kêu là "Le Déluge" tiêu diệt cả địa giới của họ, hoàng triều của họ thành ra cái biển Đại Tây Dương kêu là Océan Atlantique bây giờ.

Qua sắc dân Xích Chủng ấy, tới sắc dân Huỳnh Chủng là sắc dân chúng ta đang ở trong nòi giống ấy, trong Đạo Sử gọi là "Touranien" Huỳnh Chủng cũng vậy, cũng lãnh sứ mạng dìu dắt các sắc dân lạc hậu nên họ mới khôn ngoan, bởi chính mình họ là sắc dân đến bảo tồn trí thức tinh thần nhơn loại, làm anh dìu dắt đàn em, tức nhiên làm môi giới đặng giáo hóa nhơn loại họ không làm. Cũng tấn tuồng cũ đấy, cũng như dân Xích Chủng kia vậy, cũng lệ thuộc cũng lệ thuộc các sắc dân lạc hậu, cũng giết chóc, cũng dùng cường lực đặng tiêu diệt các sắc dân lạc hậu, làm chúa hay làm bá chủ của nhơn loại. Vì cớ cho nên họ đã bị Thiên Điều. Hại thay buổi ấy cái văn minh đã đạt đến một mức cao trọng, trận giặc cuối cùng làm cho họ tiêu diệt là Phong Thần Bảng, đạt đến mức văn minh tối yếu, tối trọng đến Phong Thần Bảng là cùng. Rồi do nơi họ, do nòi Huỳnh Chủng mới sản xuất ra Bạch Chủng gọi là Aryens. Bạch Chủng giờ phút này, đương làm chúa thiên hạ vì văn minh của họ đến mức cao thượng, cũng như các chủng tộc kia vậy, đã đạt đến một nền văn minh khoa học tối yếu, tối trọng, huyền vi vô biên. Chúng ta dở lịch sử ra xem nhận thấy nhơn loại đã tạo từ trước, họ đã đạt đặng giống tương trợ nhau không xa không gần, bất quá đổi thay chút đỉnh, nhưng mà cũng trong một khuôn khổ mà thôi. Hại thay cũng vậy nữa, cũng ỷ tài lực mạnh mẽ nương nơi cái quyền lực khoa học ấy, mà lệ thuộc nhơn loại trên mặt địa cầu này. Họ cũng bị Thiên Điều và đương bị Thiêu Điều đấy, mà hễ sắc dân ấy tiêu diệt phải có sắc dân mới, tức nhiên sắc dân Thần Thông Nhơn, sắc dân mà Đức Chí Tôn nói rằng:

Chừng nào Đất dậy Trời thay xác,
Chư Phật, Thánh, Tiên xuống ở trần.

Lẫn lộn mình với hình thể của các Đấng kia Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến thế này. Vậy Đức Chí Tôn đến thế này. Vậy Đức Chí Tôn đến tạo Tân Dân kỳ này, cốt yếu tạo hình thể cho các sắc dân mới. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến cùng ta, đến đặng tạo dựng nơi mặt địa cầu này, đến đặng tạo dựng tinh thần và hình thể nhơn loại trở lại như Thánh ý của Đức Chí Tôn đã định.

Vì cớ cho nên chính mình Ngài đến đặng khai nguơn và chính mình Ngài đến đặng tạo Tân Dân ấy, không phải quyền năng của Ngài thì không có vị Phật nào làm đặng. Vì cớ cho nên Đức Chí Tôn đến cùng ta là lẽ ấy.

Q. 5/11: NGÀY VÍA ĐỨC PHẬT THÍCH CA và BÀ NỮ ĐẦU SƯ LÂM HƯƠNG THANH.
Đền Thánh đêm 07/4 năm Nhâm Thìn (1952)

Đêm nay là đêm cầu nguyện về ngày vía của Đức Phật Thích Ca và Bà Nữ Đầu Sư, vía Bà Nữ Đầu Sư trùng với Đức Phật Thích Ca.

Nếu như chúng ta tin về đạo đức, chúng ta nói rằng có thể tin về mê tín, thì Bần Đạo nói rằng: Không có ai thương yêu Đức Phật Thích Ca trong kiếp sống của mình hơn là Bà Nữ Đầu Sư, trong một đời của Bà, Bần Đạo tưởng thiệt là một người giữ Đạo, Bà chỉ giữ Đạo của Đức Phật Thích Ca mà thôi. Khi Đức Chí Tôn đến mở Đạo, Bà theo chân của Đức Chí Tôn đã đành, không ai dại khờ gì khi người đã có tâm Đạo mà còn mơ hồ e lệ sự chọn lựa của mình, nhưng Đức Chí Tôn là khác, mà kính trọng thờ phượng Đức Thích Ca đối với Bà Nữ Đầu Sư là khác, huống chi trọn cái gia đình từ mẹ dĩ chí Bà đều thờ phượng một cách rất tôn nghiêm, dám chắc phần nhiều không có ai thờ phượng được như cả gia tộc của Bà đã thờ phượng Đức Thích Ca.

Luận tới đây tôi nghĩ ngày này đáng lẽ nếu nói rằng nước Việt Nam chủng tộc ta có thể thờ Đức Phật Thích Ca nhiều hơn hết, nhưng đến Đại Lễ này nếu không tưởng niệm đến Đức Thích Ca đi nữa là cũng còn đoái đến tình của Bà Nữ Đầu Sư mà dòm lại Phái Nữ trong Đại Lễ thấy lơ thơ, có phải vô tình chăng? Hay là Đạo của Phật Thích Ca và công nghiệp của Bà Nữ Đầu Sư bị có cơn mưa rồi lạnh ngắt, đã lạnh trước rồi bị trận mưa nữa nó lạnh luôn.

Bần Đạo xin nói thật, Đức Phật Thích Ca, dầu sự trị thế của Ngài đã hết, chúng ta chỉ nói là hết thôi. Hai ngàn năm trăm năm (2.500) lập Đạo trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống kia, Môn đệ của Ngài nhiều lắm, các người đừng tưởng Ông già ăn mày ấy không đủ quyền năng, mà các người khi dễ. Nội cái Bình Bát Vu của Ông đựng cả chơn hồn trong Càn Khôn Vũ Trụ, Ông ăn mày tại thế này vậy mà ngôi vị Cực Lạc Thế Giới của Ông các người xin một phẩm Liên Hoa, Ông có thể cho, là một người không nên khi dễ, không nên nguội lạnh với người đó, bởi vì Môn đệ của Ngài trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống nhiều lắm.

Bà Nữ Đầu Sư hồi còn tại thế này cũng vậy, hay về cõi Thiêng Liêng cũng vậy thương em lắm, thương phái nữ lắm, Bà binh vực bảo trọng từ khi mới mở Đạo, biết bao phen Đức Lý Giáo Tông đã phẫn nộ, chính mình Bần Đạo cũng không thế binh vực được mà còn có thể ghét nữa mà chớ. Duy có một mình chị binh vực bảo trọng phái nữ còn tồn tại đến ngày nay, bằng không thì bị phế rồi, bị Đức Lý phế rồi đó.

Bần Đạo nói thật mấy chị, Ôi! Không phải kiếp sanh dễ gì ngộ Đạo, Bần Đạo đã chán biết khó khăn kiếp sống của mình tại thế bao giờ cũng vậy, nó làm cho mình nặng nề khổ não về tinh thần, nhưng chúng ta đem lên mặt cân thiêng liêng, chúng ta lấy trí khôn ngoan để suy đoán cho cùng, chúng ta phải lấy trí khôn ngoan công chánh mà phán đoán, phần nào xác là xác, phần nào hồn là hồn, cái xác thịt nó không phải ở đây cho đến lúc tận thế đa nghe. Kiếp sống tại thế gian này của mấy người không mấy lát, cao trọng cần yếu hay chăng là phần hồn, đừng sa xuống Địa Ngục đừng xuống đó là hơn hết. Xuống cửa đó rồi khó giải thoát lắm, khó giải thoát lắm đa nghe. Còn phần xác thì xác, hồn là hồn, mình lấy cái trí não của mình, lấy cái trung dung của mình làm sao cho Đạo có công chánh, hòa bình, xác cũng vậy, hồn cũng vậy. Chỉnh cầm cân giữ mực thước làm sao cho xác thế nào, thì phần hồn kia cũng vậy, đừng trọng bên này, phụ bên kia, là khôn ngoan hơn hết.

Còn một cái trọng yếu hơn nữa là phải nhớ luôn luôn phụng sự Đức Chí Tôn, công nghiệp ấy không bao giờ mất, bởi Ông già đó chẵng chịu thiếu nợ ai hết, trái lại nếu chúng ta có phương thế lập vị chúng ta rồi mà chúng ta còn dư thừa công nghiệp đối với Ngài. Nhớ lại trong Cửu Huyền Thất Tổ của ta chưa chắc họ đều siêu thoát đặng, để chút của cải ấy đặng độ họ, tội nghiệp biết đâu trong Cửu Huyền Thất Tổ của mỗi đứa ta lại không có người ở dưới Phong Đô, rán tiện tặng chút đỉnh cho có của cải Thiêng Liêng cho họ hưởng mới khỏi uổng kiếp sanh của mình. Đức Chí Tôn có nói:
"Đài Vân Quan Võ để Phong Thần,
Còn của Thầy đây để nhắc cân,
Muôn đức ngàn lành không sót một,
Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần".

Đấng đó không biết thiếu nợ ai hết và đã nói chẳng hề khi nào sai lời. Đã ngộ Đạo, đã biết Đạo, đã theo chân Đức Chí Tôn mà không biết tự mình tìm phương giải thoát, dầu chúng ta không mong mỏi cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ đi nữa, cũng mong mỏi tự giải thoát cho mình là trọng yếu hơn hết, biết Đạo mà nguội lạnh tốt hơn hết đừng có ở trong cửa Đạo, tốt hơn đừng ngồi trong cửa Đạo, ngồi nữa thêm tội không ích gì. Thử chúng ta để dấu hỏi chúng ta tu đây trông mong cái gì? Đừng như kẻ mờ hồ kia mà Đức Chí Tôn đã để :
"Ngồi lì mà đợi Lý Ngưng Vương,
Biểu xuống thuyền Tiên nói chẹt lườn.
Co cẳng muốn vào rồi lại thụt,
Biểu thương sao đặng buộc người thương?"

Thử xét lộn lại một ngày kia, mấy người về cõi Thiêng Liêng mà ngó thấy tôi đứng giữa không trung đó, mấy người kêu tôi biểu Ông cứu độ tôi, vì hồi đó tôi có gặp Ông tại thế, thì bây giờ Ông cứu độ tôi với - tình trạng đó tôi biết trả lời với mấy người làm sao chớ? Có thể một ngày kia tôi sẽ dâng sớ cho Đức Lý lập một hình phạt, hình phạt của tôi ngộ nghỉnh lắm: Không cho phái nữ đi vô Đền Thánh một thời gian, hành lễ ngoài sân một thời gian, bằng xin không được nữa, thì không khi nào lên Chức Sắc Thiên Phong được với tôi mà chớ.

Q. 5/12: KỶ NIỆM NGÀY QUI LIỄU CỦA BÀ NỮ ĐẦU SƯ LÂM HƯƠNG THANH - NHẮC LẠI CÔNG LAO VÀ TÀI SẢN CỦA BÀ.
Tại Tháp Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh ngày 08 /4 năm Nhâm Thìn (1952)

Hôm nay toàn thể mấy em Nam, Nữ đến kỷ niệm ngày qui liễu của Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh.

Nhắc lại hai mươi mấy năm trước, hai mươi sáu năm chúng ta hội hiệp với nhau thế nào, ngày hôm nay kẻ còn người mất, dầu ai có gan sắt đá cũng phải não nề. Luật thiên nhiên định vậy, duy có một điều hạnh phúc cho kiếp sống của chúng ta chỉ về thiêng liêng thấy cả toàn thể em út đã nối chí đặng giữ nghiệp Đạo, nếu có hưởng đặng mảy may hạnh phúc chăng chỉ có bao nhiêu đấy mà thôi. Ôi! Biết bao nhiêu khổ não, truân chuyên thương em, mà điều chẵng qua liễu Đạo của chị cái chết của chị trong đầu óc em biết sao mà nói, tưởng tượng quả quyết rằng vì chị bị cường quyền khảo quá thế, một người đa tình đa cảm như chị chúng đã khảo dượt với một phương pháp ấy không thế nào sống đặng. Đương khi bịnh chúng dắt đi hầu Tòa, dẫn ra dẫn vô đến nỗi khi trong Tòa ra rồi chị nói rằng: Không có chết giấc tại đó mà thôi, về tới nhà bịnh làm cho tới chết, mà chết phải chăng cái việc nghi ngờ của em không phải là mờ hồ, thì em dám lộng ngôn nói rằng chị đã tử vì Đạo là không quá lời. Em đã làm Hộ Pháp chỉ ân hận một điều: Chị giàu sang tưởng nơi mặt thế này, người nào có thể nói với thiên hạ rằng: Trong kiếp sanh tôi giàu sang, nào ruộng đất, lầu đài ngọc ngà châu báu, không có món gì mà chị không có, chỉ tiếc một điều là của cải ấy không để nơi nào nó phải để. Nếu giờ phút này Bần Đạo nói: Người chị của ta có ân hận chăng là chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.

Bần Đạo nhớ lại khi khởi cất Đền Thánh thì đã ba phen thâu của tín đồ thâu của nhơn sanh, đặng cất Tòa Thánh cất không nỗi. Tới ngày khởi cất, ngày Bần Đạo nhất định cất, có 13 ngàn đồng buổi đó không phải dễ, mở trong tủ ra chỉ còn: 1$46. Cất Toà Thánh trong lúc thời thế nguy ngập, người ta bất tín nhiệm chạy tiền không ra, không biết làm thế nào khởi đương ra cho mạnh mẽ đặng thâu tín nhiệm thiên hạ lại. Túng tiền, Bần Đạo phải đến tại Vũng Liêm, tưởng đâu chị có dư giả mới đến, con người như thế này không đến nước túng thiếu quá lẽ. Xuống tới dưới, tới chừng khi hỏi chị đặng mượn số tiền về khởi công cất Tòa Thánh, chị dắt đi xuống chỉ mấy kho lúa đầy nhóc hết, mà lúa 0$20 một giạ, hồi đời đương khuẩn bách từ Á tới Âu. No thì no triệu, bán lúa nếu có thể với giá bây giờ dầu 10 triệu trả cũng được. Một giạ có 0$20 tiền chị đó em. Ôi! Lúa có 0$20 có chết được không, Qua nói thiệt với em trong mình Qua không còn gì hết. Ngồi suy nghĩ một hồi, vô mở tủ sắt lấy ra một hòm sắt lớn đầy vàng hết, từ Bà Cụ dĩ chí gia đình đều để đồ kỷ niệm trong ấy, hột xoàn nhiều hơn hết, đem hòm ấy đưa cho em đi cầm, thời buổi khuẩn bách này ngoài 90 ngàn tới 100 ngàn đặng khởi công cất Tòa Thánh thì được rồi, nhưng một ngày kia tới chừng trả rồi mới làm sao; lấy cầm thì được tới chừng chuộc thì tiền đâu, biết chuộc đặng hay không? Nói như vậy rồi cười với nhau mà thôi. Chị nói trên có huyền linh của Đức Chí Tôn dưới có cả đức tin con cái của Ngài, Nam cũng thế, Nữ cũng thế, đâu em về cất bướng coi, không cần lấy đồ này, cứ tin Đức Chí Tôn, em làm lúng cái coi được hay không. Bần Đạo về với hai bàn tay trắng làm đến thành.

Cái đức tin mạnh mẽ như thế đó, nếu giờ phút này chị còn, chị ngó thấy thời cuộc này, không thế gì chị tưởng tượng có cái cảnh này được.

Bên Phái Nữ hạng nhứt mấy người còn sống tại thế, mấy người còn sống thấy cái đại nghiệp Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn đã tạo cho mấy người, mấy người đã được hưởng, hễ khi trong tâm của mình không đủ đức tin, tin nơi mình định vận mạng mình, cho Đạo, cho nòi giống, nếu nói là tôi vô phước không thế gì vô phước hơn người đó, bởi gì người đó không thấy được như tôi, dầu chị giờ phút này ôm Bình Bát Vu đi xin như Đức Thích Ca độ Đời, dám chắc chị không từ cầm Bình Bát Vu hành khất đặng hành Đạo như Đức Phật Tổ, không khi nào chối từ và lấy làm hạnh phúc đặng làm điều ấy.

Thử nghĩ như thế đó, cả toàn thể phái nữ, mấy chị phái nữ, mấy chị lớn kia: Kẻ qua đời, người già yếu, nối chí đặng hay chăng là đàn em. Bao giờ họ thấy Thiêng Liêng Vị họ cũng làm, làm mà dòm lộn lại coi đàn em nó có kế chí mình hay không? Nối chí đặng gìn giữ đại nghiệp Thiêng Liêng này hay chăng? Mặc dầu có mất chút ít mà có kế nghiệp đặng khỏi tuyệt tự, thì Bần Đạo dám chắc họ không hưởng được hạnh phúc nào bằng.

Q. 5/13: CÁI THIỆT PHẬN CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI VẠN LINH.
Đền Thánh đêm 14/4 năm Nhâm Thìn (07/5/1952)

Đêm nay Bần Đạo xin giảng cái thiệt phận của chúng ta đối với Vạn Linh, tức nhiên cái thiệt phận của chúng ta đối với bạn đồng sinh của chúng ta. Phải chăng chúng ta khổ vì cái sống của chúng ta mỗi ngày, hễ còn ngày nào sống, chúng ta vẫn bị khuôn luật bảo vệ sống còn ấy, nó làm cho chúng ta phải phai lợt một tâm tình của chúng ta đối với bạn đồng sinh của chúng ta, nghĩa là vì chúng ta đã quá khổ, chúng ta đã vô tình với bạn chúng ta đó vậy.

Chúng ta thử để cái trí não bình tĩnh một lúc cũng như các thi gia, các văn sĩ kia để rảnh rang cái trí của mình giây phút dòm cả vạn vật đồng sinh với ta, rồi chúng ta tìm tòi hiểu cái khuôn Luật Thiên Nhiên kia đã định phận cho họ thế nào? Thì ta biết cái định phận của ta thế ấy. Vạn vật đồng sinh với ta tức nhiên bạn đồng sanh với ta trên mặt thế này, nó có cái khuôn luật hiệp quần. Hiệp quần cốt yếu để bảo thủ cái sanh mạng của mình với một năng lực đa số, tức nhiên cái năng lực mạnh mẽ hơn cái năng lực cá nhân mình, dầu cho ong kiến hay các thú vật, hiển nhiên trước mắt của chúng ta đã ngó thấy cái khuôn luật ấy nó buộc mình phải sống hiệp quần với nhau mà thôi. Thảng như có cái tình cảnh éo le mà họ phải lìa cái đoàn thể của họ, nó tỏ ra trước mắt ta ngó thấy cái tình trạng buồn thảm thê lương thế nào?

Các nhà thi gia khi cầm cây bút để tinh thần thi sĩ của mình dòm vạn vật ngó thấy cái cảnh tượng ấy, nó làm cho họ cảm kích thế nào. Chúng ta thử thấy một buổi chiều kia trời hầu khuất, vạn vật đìu hiu, giữa không trung một con nhạn lạc nào nó bay vơ vẩn một mình, đời nó chích đôi lìa bạn không có đoàn thể gì cái tâm hồn của ta nó cảm khích thế nào? Đau đớn cho tình trạng con vật đó biết bao nhiêu mà nói. Trước mắt chúng ta đã ngó thấy con kiến, thử thấy một con kiến đã chết, đàn kiến cốt yếu cả ngày lo ăn, duy có kiếm sống kiếm ăn mà thôi, có một con kiến chết giữa đường, nó liền bỏ phận kiếm ăn ấy, phận sự vĩ đại trọng hệ vác con kiến ấy về ổ.

Chúng ta muốn thí nghiệm, bắt một con ong trong một ổ ong liệng vô trong cái mành mành của con nhện cho dính, thì thấy một bầy kia nhẩy vô dính cả bầy cả lũ, cốt yếu đến giải vây cho bạn, đến nước nhào vô không còn năng lực nào cản nỗi, đã quá đông thì sẽ tiêu dứt mãnh nhện ấy, đặng cứu bạn.

Con chim ở trên Trời, loài người đã khôn ngoan bắt một con bạn của nó cột cẳng hay xỏ mũi cho dính trong bẩy đặng gài, nó nhảy nha nhảy nhót, những con kia thấy cảnh thương tâm, nó xuống chịu khổ với bạn, nên mới bị bắt.

Chúng ta ngó thấy vạn vật vậy, hỏi vạn vật đã đối với nhau dường ấy, thiên luật định vạn vật đối với nhau như thế. Còn ta đây. Hỏi ta đối với bạn đồng sinh của ta thế nào? Đối với vạn vật chúng ta có biết đau đớn khổ não của họ chăng? Đối với bạn đồng sinh của chúng ta, bạn loài người của chúng ta, ta biết có đau thảm, có sầu tủi khổ não của họ chăng, biết tình trạng của họ sống thế nào? Bạn khổ ta biết được định được cả cái khối đau đớn trong thân thể của họ, trong tâm hồn của ho; đối với vạn vật ta thấy cảnh thê lương như thế. Còn trong Đạo đối với bạn đồng sinh, bạn người của ta đây một kiếp sống trọn vẹn chung cùng với họ, chia đau sớt thảm, tình trạng họ như ta, hễ họ khổ thế nào ta khổ thế đó. Rồi thử chúng ta làm bộ để dấu hỏi thiệt phận của chúng ta đối với họ thế nào?

Hại thay! Trong vạn vật dầu cho thú cầm côn trùng đi nữa cũng như quả kiếp con người. Nó có nguyên vật, hóa vật, quỉ vật như người vậy. Nó cũng bị quả kiếp vậy. Trong khi quả kiếp ấy, khuôn luật quả kiếp ấy, nó có thể để chúng ta biết rằng: Con người của ta duy có tu, chơn tu của mình có thể đầu kiếp lên trong cảnh hiền lành chất phác, còn những kẻ không tu thì hung hăng bạo ngược. Con vật kia cũng thế, hễ nó có thiện căn của nó, nó hiền lương, kêu là lương vật. Bởi như thế có quả kiếp thì nó phải vay trả với nhau thành ra ác vật, chẳng phải vì ác vật ấy mà ta bỏ qua lãnh đạm với bạn đồng sinh của ta, chúng sẽ để câu hỏi: Ngài thật hiền lương a! Ngài thương vạn vật, như con cọp, như beo, thú kia, Ngài định phận nó như thế nào? Bần Đạo nói nó đã bị quả kiếp, một ác kiếp của nó, nó đối với con vật ác nghiệt lắm, nó đối với con vật thế nào thây kệ nó, ta duy có biết thương quả kiếp yêu nghiệt của nó, đau đớn cho nó. Chúng ta không thể cừu hận oán ghét tàn sát nó. Cũng như loài người, còn người kia sẽ hỏi Ngài, có tình cảm đối với tất cả kẻ hiền lương nhơn đức, kẻ hung bạo tàn ác kia đã giết người cướp của, tàn sát thiên hạ kia có tình cảm với họ, đồng với tình cảm kẻ thiện lương kia chăng? Chắc Bần Đạo cũng trả lời như thế ấy. Vì quả kiếp nó tàn ác: Con đường đi lên nó không đi, nó đi xuống mang thú hình, thì ta thây kệ nó. Ta chỉ biết đau đớn tủi hổ dùm cho nó vậy thôi, ta chỉ biết khóc với giọt huyết lệ của ta với nó mà thôi, chớ chúng ta không có quyền oán ghét nó, bởi kiếp sống nó đau khổ như kiếp sống của ta. Lời tục ta có nói:
Đồng bịnh tương thân.
Đồng khí tương cầu.

Của nó thế nào ta thế ấy, đau khổ nó thế nào ta thế ấy, không quyền ghét bỏ tàn sát nó. Đó là thiệt phận của ta đó vậy.

Q. 5/14: QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI THIẾT TIỆC MỪNG NGÀY SINH NHỰT ĐỨC HỘ PHÁP - BÀI ĐÁP TỪ CỦA ĐỨC NGÀI.
Trí Huệ Cung, ngày 05/6 năm Nhâm Thìn (1952)

Hôm nay Quân Đội thiết tiệc mừng Bần Đạo thêm một tuổi thọ nữa, hỏi trong một kiếp sanh của Bần Đạo đã hưởng đặc ân của Đạo, Chí Tôn ban cho là dưới mắt thấy hạnh phúc của toàn thể con cái của Ngài thật hiện vậy.

Bây giờ chính mình Bần Đạo ở đây đã hưởng được cái vui nhứt hơn hết là cái đại nghĩa của Bần Đạo đã để trong trí não của toàn thể Môn đệ, nhứt là các chiến binh, cái sống của Bần Đạo duy có mục đích làm sứ mạng thế nào gầy tình Nhân ái cho toàn thể nhơn loại, đặng đem họ đi một nơi hạnh phút tối yếu, tối trọng, là đại đồng thiên hạ đó vậy. Cái sứ mạng Thiêng Liêng của Bần Đạo có bao nhiêu đấy mà thôi, vì cớ cho nên cả sự hy sinh của các chiến binh Cao Đài, tức nhiên của toàn thể con cái của Đạo, Bần Đạo thú thật mỗi một giọt máu, một nắm xương con cái của Đạo hy sinh cho đại nghĩa, là một giọt huyết lệ của Bần Đạo, cái hy sinh ấy là giá trị danh thể của Đạo.

Chủng tộc của chúng ta đã không hiểu nhân ái, thiếu nhơn nghĩa đạo đức, thiên hạ đã quên hẳn nhân đạo của mình mới có cảnh tượng ngày nay, nếu cả toàn thể thiên hạ mà đặng hòa bình hạnh phúc thì giọt máu của thanh niên Cao Đài khỏi phải đổ dưới bóng cờ Bảo Sanh Nhơn Nghĩa Đại Đồng, chiến binh Cao Đài làm cho đặng cả ba điều ấy, có thể mới là hy sinh.

Bần Đạo đã thường nói: Không có hy sinh nào cao thượng hơn là dám hy sinh tính mạng của mình cho kẻ khác, không có cái hy sinh cao thượng hơn là hy sinh mình đặng bảo thủ nhơn nghĩa, đặng làm cho tiêu diệt cả cường quyền hai cái hy sinh cao thượng ấy, nếu nói rằng: Quân đội Cao Đài đã thực hiện được, thì Bần Đạo cũng có thể nói rằng thật vậy.

Ấy vậy cái thực hiện đó đã làm nên danh thể cho Đạo đó, sự hy sinh của toàn thể chiến binh Cao Đài giờ phút này Bần Đạo để lời cảm ơn toàn thể con cái của Đạo đã hy sinh một cách sang trọng, một cách vô đối cho toàn thể chủng tộc Việt Nam, có lẽ sự hy sinh ấy, sẽ làm môi giới cho toàn thiên hạ, các sắc dân trên mặt địa cầu này đi đến cảnh hòa bình đại đồng thế giới.

Q. 5/15: CHỮ TU.
Đền Thánh đêm 14/5 năm Nhâm Thìn (06/6/1952)

Đêm nay Bần Đạo xin bắt chước các bạn đã lên giảng đài từ thử đến giờ giảng chữ tu.

Chữ tu tiếng Phạn gọi là Dyana, người Miên tức nhiên người Tần Nhơn nói trại lại một chút Xaxona. Tiếng Pháp hay tiếng bên Âu Châu Se perfectioner nghĩa là Rendre parfait ou plus parfait có nghĩa là làm thế nào cho mình đặng tận thiện tận mỹ. Tiếng tu nó bao quát như thế, thiên kinh vạn điển tiếng của các Tôn Giáo đã để lại duy chỉ trong một chữ đấy mà thôi; thành thử chẳng phải đứng trên giảng đài mà giảng chữ tu ấy cho cùng lý được, nhứt là Bần Đạo có thể lấy cái tinh túy của nó để ra, dầu không trọn vẹn, nhưng cả thể toàn thể con cái của Đức Chí Tôn để ý, định trí cho lắm nghe và hiểu.

Vả chăng khuôn Luật Thiên Nhiên của Tạo Hóa nó buộc cho các Đẳng linh hồn dầu vật loại, phải trau mình thế nào đặng đoạt cho đến nhơn phẩm của mình, rồi khi đã đứng địa vị làm người, mình phải dồi mài, sửa cải thế nào đặng đi từ từ đặng đoạt đến Phật Vị.

Chúng ta sanh nơi đây rồi chết, rồi tái sanh lại đặng mỗi kiếp sanh của chúng ta tu, tu đặng từ từ bước lên Thiêng Liêng Vị của mình. Tu nhơn phẩm đoạt đến địa vị tối cao tối trọng là Phật Vị đó vậy.
Trong phương tu của chúng ta buổi nào cũng tu, vừa trong lòng mẹ ra khỏi thì đã tu rồi.
Tu là gì?
Đứa con nít nó không biết nói, không biết gì hết, không biết làm sao đặng mẹ nó cho bú, hễ nó khát sữa nó có phương pháp là nó khóc, nó tìm phương làm cho mẹ nó hiểu, tức nhiên nó tu đó. Rồi khi nó biết cha biết mẹ, biết thương cha mến mẹ, cái đó cũng cái tu của nó nữa. Khi nó có em biết thương em, cái tu nó đấy. Khi trí khôn ngoan hơn chút nó vô trường học, mỗi ngày học được mấy chữ, Thầy kể rằng học đặng thấu đạt được cái hay cái biết là tu đó; lớn hơn chút nữa có trí khôn ngoan, nó kiếm phương thế làm sao cho nó hay hơn bạn nó, ham làm giỏi hơn bạn, nó biết tranh đua tức nhiên nó tu đấy. Khi nó biết khôn ngoan rồi hiểu rằng tôi phải học cho hay hơn thiên hạ trong xã hội nhơn quần, nó kiếm thế nào học hiểu cho nhiều đương đầu, đặng sống cùng xã hội, tu đấy. Khi nó có tuổi, trong tuổi trứng nước đó đến tuổi khôn ngoan hơn nữa, nó biết lựa chọn một người bạn trăm năm là vợ của nó, ấy là nó tu đấy. Đối cùng xã hội nhơn quần nó kiếm phương pháp thế nào đứng trong xã hội cho có địa vị của nó, nó nong nả đừng cho nó quá hèn, mỗi ngày nó kiếm thế tiến triển hay ho thêm mãi, tu đó.

À, cái tu từ khi mới thơ sinh lọt lòng mẹ đặng làm người, nó tu về Nhơn Đạo, tức là tu thân. Cái tu thân gọi rằng tu thân là chi? Là nó phải biết cái tu thân ấy mới có phương thế lập công cùng xã hội nhơn quần. Nó lập công làm thế nào cho toàn cả nhơn loại trên mặt địa cầu này đặng hạnh phúc, nếu như nó có phương thế làm nên cái công nghiệp vĩ đại ấy là tu thân của nó đấy.

Bây giờ Bần Đạo mới thuyết cái phương tu trong chơn truyền của Đức Chí Tôn đã để nơi cửa Đạo nầy. Chúng ta dùng Tam Bửu mỗi ngày chúng ta cầu nguyện Đức Chí Tôn đặng dâng hiến ba của báu ấy. Bần Đạo thuyết tu về Tinh, tu về Thần, đặng lập công, tức nhiên mình thờ phượng cái Tinh của mình, báu đầu tiên của mình là thân thể mình. Bây giờ ta chỉ nói với một kẻ ngu muội hay là khùng kia cũng vậy, mà mình biết nó khùng mà nó cũng biết nó là khùng, nhưng ta điểm mặt nó nói, mày điên, mày khùng thì nó giận dữ ngay đa và tức mình lắm. Cái giận ấy là trong tinh thần của nó có khuôn luật thiên nhiên bảo nó phải tu, đừng để nó ngu, mà hễ ai nói nó ngu tức nhiên làm nó phạm luật thiên nhiên ấy, nên nó không chịu, nó tức giận lắm, dầu cho nó đã thiệt ngu.

Huống chi con người sanh ra nơi cõi nầy, Đức Chí Tôn đã ban cho một cái ân đặc biệt hễ khi nào trong lòng mẹ đã xuất hiện ra thì trong cái tinh thần thiên nhiên của ta nó đã có cái quyền năng đạt được cả cái hiểu biết của nhơn loại, dầu cho Thượng Cổ, Trung Cổ nó cũng tự nhiên am hiểu cho được mới thôi. Cả cái tinh thần của nó đấy có đủ quyền năng đạt đặng khối bao quát thiên nhiên về tinh thần trí não của loài người.

Từ khi loài người đã có nơi mặt thế nầy, đều muốn thoát ly cái thú tánh của họ. Hễ thoát ly đặng cái thú tánh ấy tức nhiên họ sẽ định tâm sáng suốt thành ra một vị Thánh tại thế gian này. Chúng ta đã ngó thấy biết bao vị Thánh sống xuất hiện trong loài người từ thử đến giờ, huyền bí vô biên của tạo đoan là do nơi đó.

Ấy vậy cái khuôn luật thiên nhiên kia bảo ta phải tu trí, nếu chúng ngu xuẩn, mê muội thì bao giờ cũng phải chịu làm tôi đòi nô lệ trong kiếp sống của ta, chúng ta vẫn ngó thấy một đứa con nít mà nó vẫn kiếm phương thế đặng hiểu mọi điều thiên hạ đã biết, nó không biết nó hỏi, vấn nạn cho biết, ấy cái khuôn luật thiên nhiên biểu nó tu trí. Tu trí đặng chi? Đặng đủ khôn ngoan, tu hạnh đức hay hạnh kiểm của mình, rồi mới tu ngôn ngữ của mình, tu trí đặng lập ngôn tại thế gian này, tức nhiên tu về khí đó vậy.

Bây giờ tới tu tâm, hễ khi nào chúng ta đầy đủ trí thức, tâm ta mới sáng suốt, khi tâm đã sáng suốt thì biết rằng: Cảnh tượng kiếp sống của chúng ta đây cả thảy đều là mộng ảo, dầu cho cái ý sống hay cái thân của ta đây cũng là mộng ảo, con vật thân thể đã thế nào, thì thân thể ta cũng thế ấy. Con vật chết như thế nào thì chúng ta cũng chết tương tợ như thế đó, không khác. Đã biết kiếp sống của chúng ta là mộng ảo thì chúng ta cần phải tìm gì mà chớ. Tìm cái chi cho bền vững chắc chắn hơn, tức nhiên cái thiên lương của chúng ta, là căn bản là linh hồn của chúng ta. Ta đã hiểu được cái chơn linh của chúng ta nó bất di bất dịch, nó tồn tại mãi mãi nơi cõi Hằng Sống, biết được cái sống ấy là hằng sống thì ta phải tô điểm nó, gìn giữ nó cho được trường tồn đẹp đẽ.

Trước các tôn giáo nhứt là nhà Phật, chưa có danh từ thiên lương là gì, và tiếng linh hồn mà thiên hạ đã để lấy chữ tâm mà tượng trưng ấy, thì nó vẫn là bóng dáng chớ không phải thiệt tướng. Lấy chữ tâm là bất quá nói cái trí của chúng ta do tinh thần căn bản, nên lấy chữ tâm thay thế cho tinh thần, chớ chưa phải thật tướng tinh thần.

Ấy vậy, khi chúng ta đã qua khỏi tu trí, mới tới giai đoạn tu tâm, thì tu tâm ấy nó buộc chúng ta phải xem xét quan sát cả hành tàng kiếp sống của các bậc Thánh Nhơn, Hiền Triết, lời nói và việc làm của các vị Phật hay các vị Tiên đã lưu lại tại thế này, chúng ta mới lấy nó làm căn bản, đặng kiếm một khuôn khổ, một phương pháp đặc biệt của mình để làm phương tu của mình.

Các bạn cả thảy đều biết sự tu tâm nó chẳng phải để một cái tình cảm đối với vạn vật hay nhơn loại nơi mặt địa cầu này, mà nó còn dắt ta đi, đi mãi con đường đi của nó vô biên vô tận, bởi nó lấy Càn Khôn Vũ Trụ làm phương tu của nó. Nó lấy Càn Khôn Vũ Trụ làm nhà, làm căn bản của nó; cho nên trí của ta đối lại tâm ta, nó lại không vừa, vì danh của tâm nó còn cao vọng hơn nữa, nó còn vô tận vô biên hơn nữa. Nơi cảnh vô hình thế nào thì chữ tâm cũng thế ấy, không ai biết rõ. Do chữ tâm mà Đức Chí Tôn để cái tình yêu ái, cái thương với cái công chánh, hai cái đó là hình trạng thay thay thế chữ Tâm mới thiệt tướng của nó mà thôi. Còn ngoài ra nữa nó liên hệ và liên quan với cả Phật tánh, Thiên tánh nữa kìa. Muốn đến con đường liên hệ với Thiên tánh, Phật tánh nó có một cái cửa là cửa tịch mịch, cái cửa ấy ở thế gian này thiên hạ muốn lắm, mà phần nhiều đi chưa tới, là cửa Hư Vô tịch diệt trong cảnh Thiêng Liêng kia đó vậy.

Đạo Cao Đài giờ phút nầy còn thiếu cái đó, tức là Đạo Cao Đài còn thiếu tu tâm vậy. Nếu tu tâm mà thật hiện đặng là "Ái tuất thương sanh", hành vi của Thánh Thể của Ngài phụng sự cho Vạn Linh là tu tâm đó.

Nhưng cái tâm mà diễn ra bao nhiêu đấy không phải đủ nó còn nữa còn vô ngần vô tận, cả kiếp sanh này chúng ta không có cái năng lực để tạo nó. Ta chỉ nhờ hồng phúc mới tạo nó đặng, nên ta cần nó lắm. Nếu chưa đặng chúng ta không thể nói rằng: Con đường của chúng ta thật hiện còn đi xa vời hơn nữa. Bởi vì phụng sự vạn linh Đức Chí Tôn đã để là cốt yếu. Ngài nói rằng: Nếu biết phụng sự Vạn Linh các con mới bước vô con đường tu tâm của các con, mà nói các con chưa tu tâm, bởi cả hình trạng vô biên các con chưa theo dõi, dầu cho các con đặng chữ Từ Bi, Bác Ái và Công Chánh thì cũng chưa đủ gì hết. Ấy, tu tâm ấy mới gọi là tu tâm. Hễ có tâm mới có phương thế lập Đức. Đức Chí Tôn dạy chúng ta phụng sự Vạn Linh cốt yếu biểu chúng ta rán tu tâm, tu tâm chúng ta mới đối lại cái quyền năng tinh thần của tâm lý, đặng lập Đức là Tam Lập đó vậy, vì nó liên hệ với nhau như thế đấy.

Cả những lời Bần Đạo, thuyết từ nảy giờ có thể viết ra một quyển sách mà nói lại có bao nhiêu, về rồi suy nghĩ kiếm hiểu ở trỏng tràn trề ý vị.

Q. 5/16: HAI CHỮ "TÍN NGƯỠNG".
Đền Thánh đêm 14/5 năm Nhâm Thìn (1952)

Đêm nay Bần Đạo giảng hai chữ "Tín Ngưỡng".

Tín ngưỡng - Tiếng ngưỡng ấy Đức Đại Từ Phụ đã có nói Nguỡn, thiệt tiếng Việt Nam gọi là Nguỡn bị cấm tự nghĩa là tên một vị Đế Vương trào nào đó, rồi mình sửa cải đọc trại lại thành ra chữ Ngưỡng (Thói tục ấy của nhà Nam không chi là lạ).

Tín là tin, Ngưỡng là cậy, tín ngưỡng tức nhiên là tin cậy, tiếng Việt chúng ta đã nói từ xưa đến giờ. Ngày xưa thời phong kiến danh từ tín ngưỡng có nghĩa là: "Tin cậy với sự thành kính một Đế Vương hào kiệt nào?"

Chữ tin ấy trong Đạo Giáo đã tôn trọng coi nó là yếu trọng vô cùng nên để cho nó là một cái đức, gọi là đức tin. Cái đức tin Bần Đạo có dịp viết ra cho Chánh Phủ Pháp buổi nọ biết, sự tin của đức tin ấy. Bao giờ con người cũng phải có, nếu không có tức nhiên con người đó chẳng hề khi nào làm phận sự con người cho đúng đặng và cũng nói rằng không thế nào làm người nên đặng mà chớ.

Đức Tin chia ra hai giai đoạn, hai hình thức là: Tha tín và Tự tín. Tha tín là mình tin người, hay là, có những phương pháp nào tin người chủ định cho mình, buộc mình phải tin gọi là Tha tín. Còn Tự tín là ta biết lấy ta, ta hiểu sở năng của ta, ta tin lấy ta gọi là Tự tín. Con người bao giờ cũng đi trong hai giai đoạn ấy.

Khi thư sinh chúng ta phải học, học phải hỏi, hỏi phải tin, phải biết quan tiền dũ hậu, tiên học nhi hậu hành. Học cốt yếu để thâu đoạt cái Tha tín ấy, đặng giồi mài hay là tạo dựng cho mình cái Tự tín của ta. Từ cổ chí kim Tiên Nho của chúng ta đã có nói: Quan tiền dũ hậu, ấy là một phương pháp của mình tạo Tha tín của mình đó vậy. Dầu bực Thánh Nhơn, dầu bực Phật cũng không qua khỏi khuôn luật ấy. Bần Đạo đã chỉ rõ điều ấy.

Nếu Đức Phật Thích Ca không có cái Tha tín nơi các giáo lý trước là Ba La Môn Giáo tức là Brahmanisme hay là Civaisme hay là Đạo của Krishna Vishnou, thì Bần Đạo dám quả quyết rằng: Dầu Ngài có đạt đặng giáo lý của Ngài, thì Ngài cũng chưa có biết phương pháp truyền giáo ra thế nào, hay Ngài chưa định đi truyền giáo mà chớ. Bởi cái phương pháp truyền giáo trước kia cho Ngài một bài học, đặng Ngài truyền chơn lý của Ngài cho toàn nhơn loại đều hưởng đó vậy.

Đạo của Đức Lão Tử cũng thế. Tự tín là Ngài đạt được giáo lý của Ngài về căn nguyên, võ trụ mà sanh tồn, Ngài gọi tên là Đạo, còn do nơi Tha tín Ngài mới truyền giáo.

Đức Chúa Jésus Christ thâu đoạt cơ giải tội cho thiên hạ, Ngài có phương thế Ngài biết rằng: Ngài phải trả cái ơn cho Đức Chí Tôn, cái ơn sanh thành dưỡng dục của Ngài và toàn nhơn loại, Ngài làm con tế vật đặng cứu rỗi tội tình nghiệp chướng của chúng sanh tức nhiên là tội Tổ Tông ở bên Thánh Giáo đã nói; còn ta, ta lại hiểu rằng, Ngài cốt yếu giải nợ để cho tinh thần khỏi làm tôi mọi cho con thú, là thú chất vật hình của mình. Ngài làm con tế vật Ngài dâng cho Đức Chí Tôn, đặng Đức Chí Tôn nhìn nhơn loại là con cái của Ngài, chớ không nhìn nó là con thú nữa. Đạt Bí Pháp ấy do nơi Tự tín của Ngài, còn truyền giáo của Ngài, Ngài học của Moise và các tay Giáo Chủ trước Ngài, đã lập giáo. Cái truyền giáo của Đức Chúa Jésus Christ là do nơi Tha tín, còn cái chơn truyền Bí Pháp là do nơi Tự tín của Ngài. Dầu Tiên Giáo cũng vậy, nếu không có Đức Hồng Quân Giáo Chủ đã truyền giáo thì Đức Lão Tử cũng chưa biết phải truyền bá Tiên Giáo của Ngài cho nhơn loại là thế nào mà chớ.

Cả thảy bao giờ loài người ở nơi thế gian này cũng phải học, có học rồi mới hành. Tiên học nhi hậu hành. Không ai sanh ra dưới đất này là khi lọt lòng mẹ mà tự biết được. Đức Khổng Tử có nói: Bất học nhi tri, phi thánh nhi hà. Ngài chỉ biết nói rằng: "Dầu cho Thiên kinh vạn điển bất vị nhi giáo nhơn nhứt ngôn thi thiện" (1*) Dầu cho Thiên Kinh vạn điển không bằng dạy người một lời lành. Thiên hạ đã để nơi thế gian này hai ngàn triệu cuốn sách mà ở trong đó chỉ tổng số có một điều là: Kiếm phương pháp dạy người đặng lành; từ thử tới giờ khuôn luật ấy vẫn một mà thôi.

Hỏi, Đức Chí Tôn đã đến chung hiệp cùng ta đem nền chơn giáo của Ngài để trong Thánh Thể của Ngài, để trong cửa Thánh bây giờ đây, ta để dấu hỏi, Ngài muốn tìm gì? Thật sự Ngài tìm lành, Ngài muốn cho con cái của Ngài lành, sự hung bạo của thế gian đã quá lắm rồi. Ngài đến Ngài trồng giống lành, đặng làm hoàn thuốc cứu loài người, là hoàn thuốc cứu khổ. Bần Đạo nói: Ngày giờ nào cả con cái của Ngài biết Tha tín và Tự tín là lấy cả gương mẫu của tiền nhân chúng ta, bực hiền triết Thánh Nhơn, thâu đoạt cho đặng cả tinh thần, cả hành tàng của họ, đặng tạo dựng Tự tín của mình. Tha tín ấy cả đầu óc Nam cũng thế Nữ cũng thế, nhứt là Thánh Thể của Ngài chiếm đoạt cho đặng cái Bí Pháp ấy. Đức Chí Tôn muốn thế, tức là một phương pháp cậy người tạo dựng Thánh đức cho con cái của Ngài, hầu làm khí cụ nhiệm mầu độ rỗi Vạn Linh sanh chúng.

Bần Đạo giảng rằng: Nếu chơn giáo của Ngài là một khối lành vô đối của thế gian đương mơ vọng, đương khao khát đặng hưởng lấy nó. Hưởng cho đặng nó, đặng bảo vệ sanh mạng của mình. Nếu khối lành này, không hiện tượng được thì sự hung bạo của nhơn loại sẽ xô đẩy họ đi đến con đường tận diệt mà chớ.

Ấy vậy, trước khi muốn làm sứ mạng Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn đã giao phó cho ta, cái sứ mạng ấy trọng yếu thế nào Bần Đạo không cần phải nói, cả toàn thể con cái của Ngài trước qua sau đến, không biết chừng Thánh Thể của Ngài nó phải còn tồn tại mãi mãi, mới đặng chắc chắn vững bền khối lành của Ngài, ấy sẽ làm hoàn thuốc phục sanh cho thiên hạ. Muốn đặng thế ấy thì ít ra con cái của Ngài phải thâu đoạt cho được cái Tha tín của nhơn loại hay biết lành của họ, biết ác của họ, đặng tạo dựng tự tín của mình; tự tín đặng có thể tìm nên giải pháp đặng cứu vãn sanh mạng của họ, giờ phút nào hiện tượng được cái đức tin ấy, mà toàn thể Thánh Thể của Ngài phải đạt cho kỳ đặng mới có đủ năng lực cứu vãn toàn thể sanh mạng của nhơn loại, tức nhiên con cái của Đức Chí Tôn đó vậy.

Ngày giờ nào khối Tự tín trong cửa Đạo này chưa thành lập, thì nòi giống Việt Nam phải chịu tai nạn tương tàn trước nhứt hơn hết, trước các chủng tộc khác, chịu một thứ tại nạn khổ não, nếu không có phương pháp giải quyết được vì chính quốc dân Việt Nam đương làm cơ khí cho Đức Chí Tôn tạo dựng đức tin ấy. Ngày giờ này sẽ làm cho nòi giống Việt Nam tuyệt chủng trước, rồi thiên hạ sẽ tuyệt chủng sau, nếu cơ quan cứu khổ không thành, Đạo phải cố gắng mới đặng, Bần Đạo cho hay rằng: Thành tựu hay chăng là do nơi tâm hồn thiên lương của con cái Đức Chí Tôn đào tạo, tâm hồn Thánh của Ngài đã tạo dựng từ trước. Bần Đạo gởi gấm cả khối lành ấy trong tay toàn thể con cái của Ngài, cả Nam và Nữ làm phương châm giải khổ và gầy hạnh phúc cho toàn nhơn loại.

Q. 5/17: SỰ KHÓ KHĂN CỦA ĐẠO TÂM.
Đền Thánh đêm 29/5 năm Nhâm Thìn (21/6/1952)

Đêm nay Bần Đạo giảng về sự khó khăn của Đạo tâm, chúng ta phải đương đầu với Phàm tánh. Tiếng Đạo tâm Bần Đạo đã giải rõ, Tiên Nho chúng ta khi trước không có lấy tiếng chi mà tả được cái huyền bí Tạo Đoan nên đã dùng tiếng "Tâm" chỉ vật vô hình ấy gọi là: "Cường danh viết Đạo". Mượn danh ấy đặng chỉ vật vô hình mà thôi, thật sự Đức Chí Tôn đã đến giải rằng chữ "Tâm" thiên hạ đã dùng để chỉ cái Nguơn linh của chúng ta đó vậy. Cái Nguơn linh là Tâm thuộc về Đạo, là cả cơ quan tạo đoan của Càn Khôn Vũ Trụ, cái bí mật đã sanh sanh hóa hóa, vạn linh tức là nguyên linh của chúng ta, đời cũng huyền bí của Càn Khôn Vũ Trụ, hễ chúng ta đã nói rằng: Nguơn linh của chúng ta thì hai tiếng Nguơn linh ấy, chúng ta đã tầm hiểu do Đấng Chí Linh sản xuất, mà xuất nơi Đấng Chí Linh tức nhiên nó là một phần tử vạn linh và nó đã xuất hiện trong Chí Linh mà ra, tức nhiên cả cơ quan Tạo đoan của Càn Khôn Vũ Trụ nó đã có một phần tử nơi đấy, hễ chúng ta đã nói rằng nó có thể suy đoán cơ thể chủ quyền của Càn Khôn Vũ Trụ, thì chúng ta có thể nói rằng: Nó có thể làm chủ cả cơ thể tạo đoan nơi mặt địa cầu này. Càn Khôn Vũ Trụ vĩ đại thế nào thì cái nguyên linh của ta nó cũng phải đạt đặng nguơn linh nó mới chịu, vì cớ cho nên Bần Đạo đã thường nói cái tương lai của loài người họ sẽ đi đến mục đích làm chủ tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ nơi mặt thế hữu hình này, hay họ sẽ làm Ông Trời tại thế này đó vậy. Hễ nói rằng có tánh chất Càn Khôn Vũ Trụ thì phải quảng đại bao la, có thể tạo đoan vĩ đại thế nào thì nguơn linh của chúng ta phải vĩ đại như thế ấy, Càn Khôn Vũ Trụ huyền bí thế nào, cái nguơn linh của chúng ta phải nương theo huyền bí ấy thế đấy.

Bởi vậy cho nên, nó tự biết phạm vi nó là Trời, nó thấy cả sự đau khổ của nhơn loại đã chịu, nó đã biết cái đau khổ của nó, mà nó hoài bão cám cảnh yêu đương kính trọng cái khổ của thiên hạ, khổ của toàn thể nhơn loại, nó đã biết cái sống của nó rằng khổ, nó phải thương cái sống của thiên hạ, nó biết cái giả của nó khổ, nó phải thương cái giả của thiên hạ, nó biết bịnh của nó là khổ, nó phải thương cái bịnh của thiên hạ, nó biết cái chết của nó là khổ nó phải thương cái chết của thiên hạ.

Cái tánh chất Nguơn linh của chúng ta, tức nhiên Đạo Tâm của chúng ta đây vậy, nó phải quyền năng chủ định của nó, nó phải có quyền năng làm chúa cái sở năng của nó, nó có thể cải được cái quyền lực của quả kiếp Luân hồi, nó có thể sửa cải đặng đạt cơ giải thoát đặng định chủ lấy nó. Ấy vậy cái Đạo Tâm của ta là thế đấy.

Bao giờ phàm tánh là vật tánh vẫn hoài bão tánh chất thú của nó, mỗi sự chi làm cho nó phải ham muốn, vừa ý thích của nó theo cái năng lực của nó mạnh mẽ thể nào nó thấy được sắc đẹp nó ham, nó mê. Nó nghe được một tiếng thanh tao nó biết muốn nó biết mê mẫn, nó nghe được mùi vị thơm tho ngon ngọt nó biết ham ăn, ham ngửi, nó thấy một cái địa vị sang trọng, nó biết giục tâm chiếm đoạt cho đặng, rồi nó dùng đủ phương pháp đòi hỏi cả tinh thần nó đem ra thi thố mâu thuẩn đoạt được sở vọng nó, nó ham muốn phú quí, giàu sang trên mặt địa cầu này, cái vật hình dù đã làm cho nó kích thích, nó lấy cả tinh thần làm năng lực nó làm sao đạt đặng, có nhiều khi trước cảnh ngộ ấy, chúng ta ngó thấy đời đạo đang tương đối cùng nhau. Một bên Đạo tâm giải quyết thắng Phàm tánh, mà hại thay! Không thể dễ gì thắng.

Tiên Nho của chúng ta đã nói trước một đạo binh có thể thắng một trận giặc muôn binh kia, mà ta thắng với phàm tánh của ta rất khó, không thể đoán đặng. Nếu chúng ta thắng được phàm tánh chúng ta, cái Đạo tâm chúng ta đủ năng lực thắng đặng tức nhiên là cái cơ quan tự giác chúng ta đạt đặng.

Đạt được năng lực tự giác ta, ta mới có thể giác thiên hạ, tức nhiên thức tỉnh toàn thể thiên hạ tự giác, giác nhi giác tha là thế ấy. Phương pháp tự giác nhà Phật, Đức Chúa Jésus Christ hay các vì Giáo Chủ đã tìm cái bí quyết ấy chuyển cả các bí mật của các nền Tôn Giáo. Chữ tu ta để dấu hỏi, cái thực hành tiếng tu của thiên hạ đã tìm cái cơ quan tự giác ấy họ đã đặng chưa, cả thảy chúng ta đều để dấu hỏi mờ hồ, nếu toàn thể thiên hạ đạt đặng cơ quan bí pháp tự giác ấy, thì Bần Đạo dám chắc nơi thế gian này cả thảy thiên hạ là Thánh, mà giờ phút này họ Phàm, thì Bần Đạo nói có một phần thiểu số đạt đặng chớ không phải cả toàn thể thiên hạ đạt đặng.

Đức Chí Tôn đã đến, Ngài chỉ Bí Pháp có một điều là: Các con không cần tìm kiếm triết lý cao siêu hơn nữa, các con tìm kiếm cái sống của toàn thể bạn đồng sinh của các con, rồi kỉnh trọng phụng sự cái sống ấy. Hễ các con tận tâm phụng sự cái sống của Vạn Linh, thì cơ quan giải thoát của các con, Thầy đã để nơi tay của các con đó vậy.

Q. 5/18: VỀ LUẬT NHƠN QUẢ.
Đền Thánh đêm 30/5 năm Nhâm Thìn (1952)(*)

Đêm nay Bần Đạo giảng về luật nhân quả.

Hai chữ nhân quả là danh từ mà Tiên Nho đã đề: Chữ nhân quả. Nhân theo nghĩa chánh của nó là chỉnh lại hay dò lại. Nối luôn theo chữ quả thì chữ nhân ấy đồng khuôn chữ đại. Quả là chắc chắn mạnh mẽ, chúng ta thường hay dùng tiếng quả quyết lắm, dùng chữ quả quyết hay là mạnh mẽ chẳng hạn.

Chữ nhân quả dịch ra nghĩa lý tiếng Phạn là tiếng Karma, thiệt tiếng Phạn có nghĩa là làm cái chi phải trả cái nấy, phải bồi thường, ta có thể hiểu nó là khuôn luật "vay trả" đó vậy.

Khuôn luật ấy huyền bí vô cùng, tại liên hệ với chữ Karma. Quyền Chí Tôn tiếng Phạn đề "Boudha, Shama, Saya". Tức nhiên câu niệm của chúng ta: Phật, Pháp, Tăng. Tiếng Karma liên hệ với Pháp như thế ấy, có định luật thiêng liêng của nó, vì không thể lấy trí khôn ngoan của chúng ta mà suy đoán luận biện cho đặng. Chúng ta thấy cũng như cả toàn thể từ xưa đến giờ dầu cho bực Thánh Nhân Hiền Triết ta để con mắt quan sát tiềm tàng thấy khuôn luật ấy nó vô hình mà nó quả quyết làm sao, chắc chắn làm sao. Người ta kiếm tìm khuôn luật ấy thì thấy rằng: Có một quyền năng vô đối là quyền năng của Đức Chí Tôn, tức nhiên Đấng tự hữu kia để trong tay Đấng đó mới có thể cầm quyền về khuôn luật đó mà thôi.

Bởi sự quan sát ta thấy luật nhơn quả ấy về cá nhân cũng thế, gia đình cũng thế, xã hội cũng thế, mà nói chung toàn thể nhân quần trên mặt địa cầu này cũng thế. Nhân quả ấy, người ta đã tìm hiểu thấu đáo, hễ càng tìm tòi càng thấy kinh khủng làm sao.

Tỉ như một gia đình, trong một cơ quan tạo dựng gia đình ấy, nó do nơi ác hành tạo dựng, thì gia đình ấy chẳng hề tồn tại. Một xã hội nào, một quốc dân nào do nơi ác mà hành mà tạo nghiệp, thì xã hội đó, quốc dân đó không bao giờ bền vững. Nếu chúng ta không nói quả quyết rằng nó sẽ bị tiêu diệt mà chớ. Nhơn quần và cả nhơn loại giờ phút này chúng ta thấy quả quyết làm sao không thể gì luận được.

Luận về nhơn quả cá nhân ta hay một đại nghiệp ta nói: Tỉ như Tần Thủy Hoàng, muốn đem văn hiến của Ấn thay thế văn hiến Nho dám dang tay khi Nho, đốt sách chôn học trò, tưởng thi hành thủ đoạn ấy tiêu diệt nhà Nho được, chúng ta thấy nhà Nho vẫn còn, còn cơ nghiệp của Tần đã tiêu diệt, Bần Đạo không nói cả cơ nghiệp của Tần mà thôi, mà cả cá nhân của Tần Thủy Hoàng cũng vậy. Ngài Sở Bá Vương vô lấy Ly Sơn rồi biết Tần Thủy Hoàng chôn nhiều vật báu, khi đào lên thì của báu ấy đã tiêu hủy. Chúng ta tưởng coi có một đại cơ nghiệp của nhà Hớn, Hớn Bái Công đã lấy tính đức lập nghiệp, lấy nhơn nghĩa làm căn bản tới 800 năm, khi đến nạn diệt tận rồi cũng còn Hớn Hiến Đế nối nghiệp, qua Hớn Chiêu Liệt tức nhiên Lưu Bị biết khí số nhà Hớn đã mãn, muốn kiếm phương kéo dài mảy mún, tức nhiên để lại cho Hậu Chúa một đôi giáp quý vô cùng, Ngài nó với Hậu Chúa tức nhiên Á Đẩu rằng :
Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi,
Vật dĩ thiện tiêu nhi bất vi.

Nghĩa là đừng vì ác nhỏ mà làm và cũng đừng vì thiện nhỏ mà không làm. Về cá nhân hay xã hội đều đứng trong khuôn luật ấy cả.

Bây giờ nói về Tôn Giáo, thì Đức Phật Thích Ca cầm Bình Bát Vu đi xin ăn đặng nuôi kẻ nghèo nàn đói khó nói "Cấp cô độc viên" mà cái Đạo của Ngài tới 2.500 năm vẫn còn bền vững, nó vẫn giàu có cả văn minh Phật Giáo đã truyền bá toàn cõi Á Đông này, nếu chúng ta thấy của cải vô biên vô tận của nó, chúng ta không thể gì tính toán được (vô toán).

Thêm nữa Đấng chịu khổ nhục đi ăn xin từ bữa, chịu hèn hạ ấy lại còn bị chúng bắt đóng đinh trên cây Thập Tự Giá "Lên án là kẻ côn đồ" kẻ hung bạo, cướp bóc. Đấng ấy đã tạo Đạo của Ngài. Giờ phút này nếu cả toàn mặt địa cầu này cũng chưa có ai sang cả cho bằng.

Nhơn quả của một người tạo nghiệp hay nhơn quả của vị tạo Đạo; hai cái đó trọng yếu vô cùng không thể gì luận được.

Nãy giờ nói của người ta, bây giờ mình phải nói tới của mình. Đức Chí Tôn nói với môn đệ của Ngài, Ngài lấy kẻ nghèo khó, hạng nhứt là Ngài đến với một quốc dân hèn hạ, quốc dân còn bị lệ thuộc của người, làm tôi đòi thiên hạ, Ngài lấy phần tử ấy làm Thánh Thể của Ngài mà tạo nền Chơn Giáo, Ngài lấy quốc dân nô lệ trong giờ phút tạo nghiệp của Đạo.

Cả con cái của Ngài tạo dựng nên hình tướng của nó, không cướp bóc của ai không cầu lụy ai cho mình mà làm cái nhân ấy quý báu làm sao, lại nữa người tượng trưng lấy nó, cơ thể hữu hình là người chủ quyền lo tạo dựng nó, thân phải hèn hạ truân chuyên, bị thiên hạ áp bức đè nén hiếp đến nỗi thân của họ bị đồ lưu, tù tội, cái nhục nhã hèn hạ của họ, ngày nay đem vô luật nhân quả thế nào? Thì toàn thể con cái của Đức Chí Tôn luận lại thì hiểu.
    Home             1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét