Lời Thuyết Ðạo Của Ðức Hộ Pháp - Toàn Tập 3


Q.1/32: Về tánh đức của nòi giống Việt Nam.
Ngày rằm tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo luận bàn cùng mấy chị, mấy em, Bần Ðạo giảng về tánh đức của nòi giống Việt Nam, dầu nam hay nữ, dầu sùng bái Tôn Giáo nào, cũng không quên mối Ðạo căn bản lưu truyền của nòi giống là tin tưởng Trời tức Ðấng Chí Tôn đó vậy.
 Toàn thiên hạ trên mặt địa cầu nầy, ngày nào họ biết Ðạo của Chí Tôn, họ sẽ bỏ cả khuôn khổ đạo đức của họ mà chớ, vì từ thử nước Việt Nam vẫn giữ được tánh đức lương thiện của mình, nên vì lẽ công bình ấy, Chí Tôn mới đến hoằng khai Ðại Ðạo, định đem tánh đức hướng thiện của nòi giống Việt Nam gieo truyền vào tánh đức của thiên hạ.

Tôi sinh trưởng tại Tỉnh Tây Ninh, ông cha tổ phụ đều ở tỉnh Tây Ninh thì có chi vui vẻ và hạnh phúc hơn được mở mang mối Ðạo nơi xứ sở yêu quí nầy. Ngồi trầm ngâm suy tưởng tôi xin thú thật, phần nhiều mấy anh mấy chị nơi quê hương của tôi, hẳn đã biết tôi từ thuở bé, anh chị thấy tôi truyền giáo tưởng tôi mê hoặc chúng sanh. Nghĩ rằng: Không ai dám đứng lên hoạt động mà tôi hăng hái đứng lên phổ thông nền Ðạo, cho đến ngày nay được đạt thành nguyện vọng, các bạn tôi lấy làm lạ, cho rằng ngày trước nó là bạn của ta, nó không có gì đặc biệt mà ngày nầy bước chân đến nền Cao Ðài thì thấy có sự thay đổi lạ lùng. Bởi vì tôi đã lấy khuôn khổ đạo đức tinh thần phù hạp với phong hóa lễ nghi, có ảnh hưởng đắc lực với dân chúng thi thố chơn truyền của Ðức Chí Tôn cho ra thiệt tướng, cho bạn đồng hương của tôi được thấy ân huệ thiêng liêng ban bố cho nòi giống ta giá trị cho tỉnh Tây Ninh biết bao nhiêu. Cầu nguyện ơn trên ban bố hồng ân để dìu dắt mấy chị, mấy em đến đây, đến Ðền Thờ Chí Tôn là nơi Chí Tôn đã tạo nổi hình tướng của Ðạo.

Mấy chị đừng ái ngại cứ bước lên làm gương mẫu cho kẻ đi sau, Chí Tôn đến đây lập đại nghiệp thiêng liêng cho toàn thiên hạ. Bần Ðạo tin tưởng Người chỉ làm việc hữu ích cho đời. Ðối lại hỏi chúng ta đã làm gì ra giá trị? Gia Tô Giáo của kẻ nghèo nàn đói khổ, của một vị Giáo Chủ hành khất, còn nên được đại nghiệp, chúng ta làm bao nhiêu như bọt nước bèo trôi. Một tiếng nói, một việc làm trong gia đình không phải là đủ, có thể nói tỷ dụ như một ống truyền thanh thường trong gia đình chỉ đủ cho gia đình đó nghe thôi. Tôi tưởng muốn tạo dựng cả tinh thần nòi giống nước nhà cần phải tăng gia năng lực thêm nữa.

Ngày nay không phải như trước kia, cửa nầy mấy chị, mấy em có thể ra vào thong thả được, mở ra con đường tiến hóa của nòi giống. Ngày nay mấy chị đã đến trong nền Ðạo nầy tôi xin để lời cám ơn toàn mấy chị mấy em.

(Trích bài đêm 30 tháng 9 năm Ðinh Hợi (dl. 12-11-1947).
............ Tạo đoan vạn vật tức là Phật Mẫu. Tinh thần của Chí Tôn, hình thể của Phật Mẫu, trí não của Cha, hình hài của Mẹ, cả thảy đều thấy, hễ vô Ðại điện Ðức Ðại Từ Phụ, nào chức nầy chức kia, mão cao áo rộng, còn vô Ðiện Thờ Phật Mẫu thì trắng hết, không ai hơn ai cả.... ........
Q.1/33: Lễ Bãi trường Ðạo Ðức Học Ðường.
Ðạo Ðức Học Ðường, ngày 16 tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Mời mấy vị Giáo viên và ân nhân của trường Ðạo Ðức Học Ðường vào trước mặt Thầy.

Lời Tiên Nho chúng ta đã nói: "Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần" hoàn cảnh khó khăn làm cho Thầy khó định tâm cảm xúc vô hạn, thấy tinh thần mấy em đối với đoàn hậu tấn tức là tương lai vận mạng nước nhà, Ðạo ngày sau cũng nhờ đám nầy. Cả thảy thống khổ của mấy em, Chí Tôn và Hội Thánh đều nhận thấy cả yếu lý.

Hại thay! Gặp buổi loạn lạc, khuôn khổ phong hóa nước nhà bị tiêu hủy, đời xu hướng theo vật hình bỏ rơi đạo đức. Chúng ta có trước mắt kẻ thù, đối phương có năng lực khả dĩ tiêu diệt chúng ta là Cộng Sản đệ tam, đã làm cho tâm lý loài người bải hoải tiêu tan, xu hướng vật hình là tranh đấu. Hễ tranh đấu tức nhiên còn trường tiêu diệt, có cơ quan tiêu diệt tức là có cơ quan bảo tồn, chẳng phải mình ta là đủ. Chí Tôn mở trường dạy con cái của Ngài, là lo làm sao bảo tồn sanh mạng cho nhơn loại, chẳng phải kiếp nầy mà đời đời kiếp kiếp. Phận sự tối trọng Ngài giao cho Ðạo, chúng ta chỉ mới vẽ một nét đầu mà thôi, kết quả không phải trong buổi nầy mà trong tương lai đoàn hậu tấn. Mấy em nhận định được điều ấy, chẳng kể vì danh vị, chẳng kể hoàn cảnh khó nhọc, chẳng nài đói khó, khổ não chẳng tủi hờn cái cảnh mấy em chịu đói rách với Ðạo, tạo đầu óc cho mấy em nhỏ, thì không ân nào trọng hơn nữa. Ðài Tần đảnh Hớn, từ thượng cổ đến giờ còn ghi, đó là cơ quan hữu hình, cả khối tinh thần chúng nó do mấy em tạo sẽ trường cửu, không có năng lực nào đối phó đặng.

Mấy em như là "Kiến trúc viên" vẽ từ nét coi từ điều, quan sát tất cả mọi hay dở mà sửa đổi cho tận thiện tận mỹ, cái thành trì Chí Tôn giao cho mấy em kiến trúc đó sẽ tạo lập thành quách tương lai mà chớ.
Bần Ðạo cám ơn và tin cậy mấy em.

Q.1/34: Kinh Tế Lý Tài.
Ngày 16 tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Ðể trả lời bài Diễn Văn của ông Trưởng Ban Kinh Tế Lý Tài vừa đọc với những lời trong tâm lý thật thà. Nếu thiên hạ biết đảm nhiệm thi hành theo thì bước tương lai sẽ vững vàng. Nền kinh tế của mỗi nước có tương liên với quốc tế, nền kinh tế lý tài vững thì quốc tế mới vững.

Hại thay! Nước ta trước kia chưa bị chiếm cứ và sau 80 năm bị Pháp quốc thống trị, nền kinh tế vẫn không có gì hết. Nếu chúng ta nhìn vào sự thật, khởi đoan ta có kinh tế từ khi tẩy chay gốc cà phê của Ðường Nhơn.

Dân ta từ xưa tới nay có cái bịnh lưu truyền xu hướng theo quan trường, nên nền kinh tế đều phí bỏ cho ngoại quốc may là mình phú thác cho Ðường Nhơn là anh em cùng nòi giống với mình, nếu vào tay người khác màu sắc thì cái hại không biết chừng nào.

Nay biết rằng toàn quốc dân cũng đều hiểu Kinh Tế Lý Tài là vận mạng của nước nhà thì mơ mộng của tôi sẽ đắc thành. Nhờ Ðường Nhơn chỉ từ trước đem hết năng lực từ thử rao lại cho chúng ta nếu họ nhìn chúng ta là đồng chủng, tìm phương thế giúp ta lập nền kinh tế thì nên việc được. Năng lực của Trung Hoa có phương lập nên cho chúng ta về kinh tế trong nội địa Việt Nam nầy mà thôi. Lấy theo bảng thống kê chót (dernier recencement) trong năm 1935 là một triệu tám trăm ngàn (1.800.000) có lạc loài cũng còn được 1.000.000, phần nhiều là nhà canh nông tư bản. Ta khởi làm cái trứng thương mãi trong Ðạo, nếu nó sống được, biết đâu hột giống của Ðạo tạo ra sẽ sanh bông trổ trái, chẳng những cho quốc dân hưởng, mà cho đến toàn cầu nữa. Nền Ðạo Cao Ðài, do văn minh tối cổ Á Ðông mà Trung Hoa và Ấn Ðộ đều chịu ảnh hưởng, có hai dân tộc đó nâng đỡ thì sau nầy về mặt kinh tế mình vững lắm vậy. Phỏng theo tình thế mà đoán nếu nền kinh tế ta có năng lực khéo hay, đặng hiệp với Trung Hoa và Ấn Ðộ thì nên được mà thôi.

Chúng ta đem hột giống ấy gieo xuống không thấy mọc, nếu mọc được rồi khéo tìm cách trồng xuống đất địa phì nhiêu là Trung Hoa và Ấn Ðộ thì chúng ta đủ sống.
Q.1/35: Nguyên do Ðạo Cao Ðài xuất hiện.
Vía Ðức Lý Giáo Tông, ngày 18 tháng 8 năm Ðinh Hợi (dl. 02-10-1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng: "Nguyên do nào có Ðạo Cao Ðài sản xuất buổi nầy." Theo Bí Pháp Chơn Truyền thì mỗi chuyển của địa cầu là một nước tăng tiến. Mỗi chuyển có 36 ngàn năm, chia làm ba ngươn, mỗi ngươn có 12 ngàn năm. Chiếu theo Pháp Phật trong mỗi chuyển Thượng Ngươn hay là Khai Ngươn thuộc quyền Phật, Trung Ngươn thuộc quyền Tiên, Hạ Ngươn thuộc quyền Thánh. Nhận định Bí Pháp thiêng liêng của Chí Tôn, nhỏ có người dạy, lớn học hành lập thân danh, thành nhơn rồi tự trị lấy mình. Phật thì dạy, Tiên đào luyện, Thánh thì trị. Hạ Ngươn thuộc Thánh, nhơn sanh tranh đấu cho sự sống còn, ấy là Ngươn tranh đấu mà triết lý cốt là trị được sản xuất cơ quan bảo tồn cho loài người.

Nay Hạ Ngươn Tam Chuyển hầu mãn khởi Thượng Ngươn Tứ Chuyển địa cầu chúng ta lạc hậu nhiều lắm vậy. Ðã ba ngàn năm xa xuôi đã thua Thủy đức, Kim đức, và Mộc đức Tinh quân trong số bảy địa cầu (Système solaire. Les sept planètes solaires) người ta đã bảy chuyển, mình mới tới Ðệ tứ chuyển, vì vậy nên Chí Tôn mượn các đẳng chơn linh ở các địa cầu kia đến làm bạn với chúng ta. Chẳng những Hóa nhân mà đến Nguyên nhân, Chí Tôn cũng mượn họ đến tại địa cầu nầy làm bạn giáo hóa chúng ta. Không biết số bao nhiêu theo Phật Pháp thì được 24 chuyến thuyền Bát Nhã chở họ đến, không chừng 100 ức. Phật Tổ độ 6 ức, Lão Tử độ 2 ức, còn lại 92 ức đến Hạ Ngươn nầy cũng chưa thoát khổ, vì cớ Chí Tôn mới đến khai Ðạo Cao Ðài.

Thượng Ngươn về phần Phật giáo hóa thì khởi Ngươn Tứ Chuyển cũng về Phật. Ta tìm hiểu triết lý nầy, vì Thánh bất lực thì Phật phải đến chớ có gì lạ đâu, để đánh thức nhơn sanh độ rỗi họ vào con đường hoạt bát tinh thần, thức tỉnh họ trong trường hổn độn nầy, cho họ nhớ lại rằng chơn linh của mình đều do nơi khối chơn linh của Chí Tôn và phải nên nhớ đến chơn linh, đừng quá chạy theo tánh chất mà bị đọa lạc luân hồi, tức là Phật qui nhơn sanh qui hồi nguyên bổn vậy.

Dở sám truyền xem mỗi phen có đến Brama, Civa, Christna, đến cầm quyền năng trị thế cũng đủ. Ta thấy trước mắt như vậy, nắm quyền trị không thì chưa đủ vai tuồng, vì dầu có đủ quyền năng để trị cũng không thể nắm cả quyền hành linh tâm thiên hạ được. Phải có giáo hóa, vì giáo hóa là căn bản của trị, nếu chỉ trị mà không giáo hóa thì thất sách. Phật thuộc về giáo hóa. Thánh thì trị. Hại thay! Thế gian nầy chỉ có chánh trị thôi. Quan sát khắp Âu Châu có người tu Phật đến bậc siêu việt, có thể xuất Thần thiên ngoại vân du, xem xét các Pháp, nhận thấy nền chánh trị Chí Tôn chia ra hai mặt:
Chánh trị Càn khôn Thế giới.
Họ làm chứng quả quyết như vậy. (Le gouvernement se compose de deux sections: 1. Gouvernement 2. Enseignement).

Chúng ta thấy hiện tượng Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài. Tại sao gọi là Ðạo Cao Ðài? Thuở trước cổ nhơn muốn cầu chư Tiên, Phật phải cất một cái đài thật cao bằng tranh lá gọi là Thảo Ðài. Ngày nay Chí Tôn lập Cao Ðài để làm Tòa ngự của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến hồng trần nầy làm bạn cùng Người, hiệp cả loài người làm một, bất luận sắc dân nào, màu da nào, dầu tinh thần bất đồng thể cũng đều do nơi Luật Luân Hồi cầm quyền. (Pouvoir seigneurs de la loi Karmique gouvernement).

Cá nhân cũng như xã hội loài người đều đặt dưới Luật Quả Báo. Cá nhân hay quốc gia cũng dưới quyền ấy. Quả nhẹ thì tấn mau nặng nề thì chậm chạp, hễ nặng mang quả kiếp tức tấn bộ chậm chạp. Ðối với nước Pháp chúng ta đã thấy tinh thần cao trọng do tại chỗ nào, có làm tội tức có làm phước. Có việc ta thấy trước mắt là tội, nhưng trong đó có phước. Ví dụ: Thấy ai đau khổ bần hàn nhắm mắt đi ngang qua thì không sao, nếu để tâm ái tuất thương sanh, bồng ẵm họ đi đến bước cao xa rộng rãi, sung sướng hạnh phúc hơn, thì có ơn mà tức cũng có oán. Như trong trường thầy giáo dạy học trò, bỏ lơ thì làm biếng, nghiêm phạt thì nó oán ghét ấy là lẽ thường.

Nhắm mắt đi qua thì dễ, sửa nên hư của người thì cũng có cái phải và cái quấy. Thầy giáo đánh nói ác, không đánh thì không học, mà học chưa phải cho Thầy nhờ.

Nước Pháp chịu ảnh hưởng của Thánh Giáo Gia Tô, đủ đức tánh thiêng liêng , dạy dỗ các sắc dân lạc hậu , tạo thành cơ thể đại đồng thế giới. Óc phụng sự đó có sẵn sàng trong trí não của người Pháp, khi đến nước nầy nước khác, dạy dỗ nhơn sanh không nghe, đánh thì ghét, chỉ ưa thong thả tức là phải đi bậy, có làm tội mà cũng là có làm phước. Tội với phước đem cân lấy cái lời ấy góp thành gia nghiệp của Pháp, nhờ qui tụ các quốc gia làm một.

Âu Châu nhờ có Ðạo Thánh Gia Tô nên 2.000 năm sau hưởng ân huệ thiêng liêng không ai bằng. Thánh bên ta là Khổng Phu Tử thì hiền, ai làm thì làm không buộc, không như ông Thánh bên Tây ép phải làm. Bần Ðạo nghĩ rằng: Ép buộc đắc lợi hơn.

Chí Tôn đến mới nói đại đồng thế giới đã làm rồi, nhưng không thành, Chí Tôn đến làm cho thành, đem nhơn loại qui một bổn nên mở Ðạo Cao Ðài làm nguồn cội. Thượng Ngươn là Ngươn của Phật, Thánh trị không được thì Phật đến độ rỗi, cũng như hễ có người nghiêm khắc thì có người nhơn từ, hễ trị không được thì cũng có thể dỗ dành khuyên lơn mới được, nên Ngươn Tứ Chuyển đúng theo chơn pháp thuộc về của Phật đó vậy.

Q.1/36: Cơ quan chuyển thế.
Ðền Thánh, ngày mồng 1 tháng 9 năm Ðinh Hợi (1947), lúc 12 giờ trưa

Bần Ðạo nhớ buổi Chí Tôn mới đến tỏ danh hiệu Ngài. Người hứa với các Môn Ðệ của Người buổi đầu tiên về cơ quan chuyển thế làm phân vân biết bao nhiêu nhà trí thức, tìm hiểu hai chữ chuyển thế là nghĩa gì? Theo triết lý học định nghĩa chữ chuyển thế là: Xoay đổi thời đại hiển nhiên ra thời đại khác hoặc không phù hạp, hoặc quá khuôn khổ, nề nếp nên quyết đoán thay đổi lập trường thiêng liêng vì thời đại nầy đã định.

Chuyển, nghĩa là sửa đổi cũ ra mới, lấy nghĩa lý đã định hẳn ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo đức từ trước đến giờ để lại đều bị biếm trách cả, bởi vì đời quá hung tàn bạo ngược vô nhơn luân, tinh thần đạo đức không qui định, tâm lý loài người không tương quan cùng nhau, mất cả luật đồng sanh làm căn bản của loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ, bởi thấy tấn tuồng trước mắt, nào giặc giã chiến tranh, giành sống mà giết hại lẫn nhau, oán kết thâm thù, loài người do nơi ấy mà biến sanh tàn ác, cái phương sanh sống đến một giai đoạn rất khó khăn và chúng ta thử xét đoán trong các Kinh điển Ðạo giáo để lại là "Mưa dầu nắng lửa". Trận mưa dầu nắng lửa sẽ có hiện tượng y như trong Kinh đã nói. Cũng vì sự sanh hoạt khó khăn mà loài người giết hại lẫn nhau. Trên mặt địa cầu, nếu lấy con số hiểu biết người ta định hai ngàn năm bảy triệu sanh mạng, không kể mấy trận giặc tàn khốc đã qua, hiện giờ làm giảm bớt rất nhiều trong số ấy. Ðời sống đến giai đoạn khó khăn hơn nữa, những phẩm vật nuôi sống loài người càng giảm bớt thì nhân loại còn quyết liệt chiến đấu hơn nữa.

Bần Ðạo tìm hiểu, định nghĩa hai chữ "chuyển thế" là thay đổi thời thế. Ðem Kinh Luật ra quan sát thấy mỗi thế kỷ, mỗi Ngươn từ trước đến giờ nhiều giai đoạn cũng giống nhau một cách lạ lùng, những tấn tuồng nầy giống tấn tuồng trước, không ngoài khuôn viên ấy. Trước hết bắt đầu là sắc dân da đen là dân (Brahma) tức là dân Ấn Ðộ. Chí Tôn giao vận mạng địa cầu nầy cho dân da đen, vì dân da đen là con Trưởng nam của Ðức Chí Tôn, Ðức Chí Tôn giao cho dân da đen nắm giữ về tinh thần lẫn hình thể, không ai hân hạnh hơn dân da đen. Nước Ấn Ðộ có Ðạo đầu tiên hơn hết, làm Chúa cả địa cầu nầy. Ðã được hữu hạnh cao trọng quyền năng hơn hết nhưng rồi phân chia nòi giống, biệt lập tương tranh, tận diệt tất cả nòi giống khác, chính mình chúng ta hôm nay, cũng ở trong khuôn khổ đó vậy. Vì thế mà mất quyền hành, Ðức Chí Tôn mới đem dân da xám là dân Bengalis (Bénarés) lên làm chủ quyền, chuyển giao lại cho dân da xám sửa đời, trị thế. Chí Tôn đem Ðạo Brahma để dân da xám làm chủ, làm Chúa, sửa Ðời lập Ðạo, trái lại dân da xám không làm nên phận, các tấn tuồng hung ác mãi diễn lại, buộc Chí Tôn phải cho dân Olivâtre cầm quyền làm Thầy nơi địa cầu nầy đặng trị thế, nhưng rồi sắc dân Olivâtre cũng không làm nên phận, nên mới có nạn tiêu diệt mà chúng ta đã thấy khuôn khổ đó là khoảng đất Á Ðông nầy thuộc dân bán đảo Malacca cũng bị hành pháp đó, cho nên bị biển tận diệt sát hại, chỉ còn lại Presqu'ile de Malacca.

Ðức Chí Tôn mới giao cho sắc dân da đỏ, sắc dân nầy là dân xứ Egypte (Ai Cập) tức là nòi giống của thế giới mới. Pérou cũng là con cháu sắc dân ấy. Lúc trước thế giới mới chưa có, xung quanh vòng xích đạo (Equateur) lúc bấy giờ là toàn biển cả hóa cồn như vùng sa mạc Sahara ngày nay, nơi dân Atlantéenné tối cổ. Thấy dân Pérou, Egypte mà ngày nay ai cũng phải cúi đầu trước sự văn minh của họ. Nhưng đến nay họ không còn tồn tại đẹp đẽ như trước, vì làm Chúa mà giết người, làm Anh, làm Thầy không xứng đáng. Ðức Chí Tôn thấy nhơn loại không giữ vững thiên lương đức tánh mới làm ra trận Ðại Hồng Thủy, cho nên mới có thế giới mới ngày nay.

Ðến da vàng (Asie Iranienne) là nước Tàu, đừng tưởng nước Tàu do một sắc dân mà ra, họ gồm nhiều sắc dân hiệp lại thành nước Tàu, thành thử tiếng nói thì khác chỉ có chữ giống nhau mà thôi, nước Nam ta gốc cũng ở nước Tàu, giống da vàng cũng thất Ðạo nên Ðức Chí Tôn để quyền cho giống da trắng gần Mongol hiệp với Race Caspienne (Afghanstan, Yougoslavie) ở Cận Ðông tràn qua Âu Châu lập quốc rồi chiếm đoạt Âu Châu.

Ðức Chí Tôn để quyền cho da trắng làm chủ, thay vì dân da trắng lo sửa đời trị thế, trái lại để cho thế giới tương tàn tương sát lẫn nhau, nếu cơ quan chuyển thế đổi quyền thì mặt địa cầu còn thay đổi. Dân da trắng rồi cũng như cảnh tượng Hoàng Ðồ nước Tàu vậy. Cơ quan chuyển thế mà Ðức Chí Tôn lập trước mắt sẽ dữ dội lắm, tấn tuồng đó vẫn còn tiếp diễn chưa dứt.

Bần Ðạo quả quyết rằng: Sẽ còn đại động dữ dội một phen nữa nơi mặt địa cầu nầy, đặng chi? Ðặng giống da trắng giao quyền cho sắc dân mới nữa là giống dân Thần Thông Nhơn (Race Lucide) làm chủ, cầm giềng mối toàn mặt địa cầu nầy.

Hại thay! Luật Thiên nhiên chiếu theo Kinh Luật thượng cổ để lại quan sát hẳn hoi, dở sách ra coi thấy thế nào, sau thế ấy, bánh xe tiến hóa vẫn đi, xây một hướng một chiều. Bần Ðạo e cho loài người mài miệt tội lỗi đó càng nguy hại cho loài người hơn nữa, nên Chí Tôn lập Ðạo Cao Ðài là Ðền Thờ cao trọng đức tin to lớn, ngự trước thiên lương loài người mới có thể thắng cơ quan Thiên điều định trước.

Chúng ta, Thánh Thể của Ngài, giúp Ngài giải quyết được chăng? Nếu thoảng không được, cái hại nầy còn duy trì nữa. Ngài muốn Việt Nam nầy là Thánh Ðịa cho nhơn loại biết rằng: Nhờ đây mà giải quyết cứu thế bảo tồn nhơn loại là do con cái của Ngài, do nơi chúng ta. Nếu bất lực chúng ta có phần lỗi đó vậy.

Q.1/37: Ðức Chí Tôn hứa với loài người.
Ðền Thánh, ngày rằm tháng 9 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay chúng ta làm lễ buổi trưa, giờ Ngọ rảnh thì giờ giảng về triết lý của Ðạo. Mỗi hành tàng của chúng ta nhập vào Thánh Thể của Ðức Chí Tôn. Sự tìm hiểu hầu chúng ta đi đến mục đích và phải biết cho chắc rồi mới vững bước không bợ ngợ thất tâm, vì biết sự chơn thật. Chí Tôn hứa với loài người: Ngài sẽ đến giao nền Chơn Ðạo dạy dỗ với sự chơn thật cho con cái của Ngài, dựa theo chơn lý, dùng lý trí đặng tiềm tàng hiểu biết tận tường chơn lý ấy.

Hôm thứ sáu tuần rồi, Bần Ðạo đặng nghe trong máy truyền thanh, Liên Hiệp Quốc đã hội hiệp nhau trù hoạch phương châm lập nền chánh trị hoàn cầu, chẳng những thống nhứt cả quốc gia làm một, mà còn qui tụ nòi giống loài người làm một. Luật thuyết ấy có đủ lời lẽ rất nên hiển nhiên để lập một nền chánh trị có hiến pháp có chánh giới, có quân bị , đủ như nền chánh trị quốc gia kia vậy. Vị đề xướng ấy luận rằng: Cả loài người còn mờ hồ nói không thể nào đạt đến đặng. Nhưng họ phải nghĩ lại như buổi trước kia, nếu nói người ta lấy nước có thể vận hành cả địa cầu thay đổi, ta không tin, bây giờ đã thấy có chiến hạm chở nổi 80.000 tấn chạy cùng khắp trên mặt biển. Người ta không tin có điển khí, và hiện giờ đã có điển khí ấy nó chiếu sáng khắp cùng trên mặt địa cầu. Trước kia nói vô tuyến điện, và loài người bay và nghe thấy được dọ dẫm trên không trung. Thiên hạ không tin, thì ngày nay nó đã hiện tướng mà loài người đã đạt đến, Bần Ðạo tin chắc chắn rằng: Họ sẽ thành tựu mà lời hứa của Chí Tôn sẽ hẳn đúng.

Chí Tôn đến đặng hiệp con cái lại một nhà của Ngài. Trong Thánh Ngôn Ngài còn quả quyết đó, Ngài đến tạo ra Tân Thế Giới làm cho nhơn loại đại đồng. Nếu sự tiềm tàng sắp đặt không đặng kết liễu thì Chí Tôn sẽ thất hứa với con cái của Ngài mà chớ! Bần Ðạo dám chắc rằng: Ngài không bao giờ thất hứa, vì đã đạt được 99 điều rồi Ngài đã thật hành vẹn hứa, không lẽ còn một điều nữa mà Ngài làm không đặng .

Bần Ðạo tiềm tàng kiếm luật tương đối hữu vi đương nhiên của toàn thiên hạ và cả chúng sanh trên mặt địa cầu nầy. Luật tương đối ấy là gì? Có hai luật: Hữu tướng (Loi de ralativité physique) và vô tướng (Loi de ralativité spirituelle) tương đối khắp cả Càn Khôn Vũ Trụ nầy. Do luật thiên nhiên ấy tạo thành càn khôn, xã hội nhơn quần. Dầu cho xã hội, cá nhân nào cũng phải chịu dưới luật tương đối ấy, dầu cả nhơn sanh hay chúng ta cũng vậy, đều chịu ảnh hưởng của thất tình. Hình ảnh thật hiện con Thất Ðầu Xà mà ta thấy là hình ảnh của người đó vậy, bảy mối tâm lý ấy tạo nên hình tướng loài người, là do bảy mối tình: Hễ có hỉ mới có nộ, có ai mới có lạc, có ái mới có ố, duy có cái dục đứng chánh quyền quyết định mà thôi, mà dục có thể dục cho ố, cho nộ, cho ái, cho ai, cho lạc được. Nó có lập trường đặc sắc đủ quyền điều khiển. Ấy là hình tướng thiên nhiên của tạo đoan, nên Chí Tôn nói có Âm ắt có Dương, có nóng ắt có lạnh. Nếu có Âm mà thiếu Dương là mặt trời, thì 7 địa cầu (Système planètaire) và cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy chưa chắc gì mà còn sống. Nếu có mặt trời mà không có mặt trăng, là không Âm, thì cả vạn vật và loài người không còn, nghĩa là nếu không có Âm Dương thì không có Càn Khôn Vũ Trụ.

Luật tương đối tạo đoan Càn Khôn Thế Giới dầu hữu tướng hay vô hình cũng vậy, có nên ắt có hư, có đặng ắt có thất, có thắng ắt có bại, có mạnh yếu tất nhiên có hiền dữ, lẽ tự nhiên luật tương đối phải vậy, đời vẫn hung tàn bạo ngược vô Ðạo đặng chi? Ðặng sản xuất luật tương đối tức nhiên là, hữu Ðạo, phải có luật tương đối đặng nó trở lại thiên lương nhơn đức. Chí Tôn để cho loài người một địa điểm dữ tợn không biết Trời, không biết Ðất, sắp đặt có hung ác, có hiền lành, thì cái lành ấy Chí Tôn giao cho ai? Bởi luật ấy rất công bằng, tội phải trả hiền thì đặng hưởng, quyền năng thiêng liêng vô hình nắm vận mạng cả loài người và Càn Khôn Thế Giới, vốn một mặt luật, chẳng vậy thì chúng ta chỉ làm lành mà chi? Ðạo khổ thảm không hưởng chi hết, còn ác thì nó sang trọng vinh hiển, thì cái sống nầy không có luật công bình chi cả. Vì cớ mà nhà triết lý Bác sĩ Stern nói: Luật tương đối có quyền năng định vận mạng toàn cầu xã hội. Ngài chỉ nói đến luật hữu vi của nó, còn vô hình, Ngài không luận được.

Nếu có hữu tướng và hiện hữu thì cũng do nơi một cái quyền lực nào mới được. Hung ác lập nên bá chủ hoàn cầu nầy, là vì đời không có cái tương đối ấy, nên quyền năng lành trừ diệt nó không đặng, thành thử nó cứ làm dữ mãi. Cả thiên hạ đều dữ, dữ nên sống, nhưng cái dữ ấy có quyền hạn định phải tiêu diệt. Cả toàn cầu đương nhiên của hai khối: Cộng Sản và Quốc Gia, hiện nay trên mặt địa cầu gần phân nửa theo Quốc Gia cho vừa mức cân phân, nửa hiền, nửa dữ là tại Cộng Sản quá bạo ngược, nên phải lấy hiền sửa dữ kia. Chí Tôn cốt yếu nắm quyền ấy để sửa đời, nguyên do Ngài muốn nói đến đặng tạo Tân Thế Giới là vậy. Ngài đã hứa và Ngài sẽ trọn hứa cùng các con cái của Ngài.

Q. 1/38: Lễ các Thánh Tử Ðạo.
Lễ các Thánh (Tous Saint) tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngày 21 tháng 9 năm Ðinh Hợi (dl. 03-11-1947)

8 giờ Ðại Lễ Chí Tôn, cầu nguyện cho các vong hồn các Thánh tử vì Ðạo, có đủ chư Chức Sắc, Chức Việc, và Ðạo Hữu Nam, Nữ; nhiều quan văn võ Pháp dự cúng. Sau thời cúng xong, Ðức Hộ Pháp giảng Ðạo.

Ngày nay là ngày lễ các Thánh Tử Ðạo của Thiên Chúa Giáo tức là Ðạo Thánh đó vậy. Chúng ta biết rằng sắc dân nào cũng có chơn lý tối trọng là chẳng hề qua khỏi mặt Ðạo, ấy là gương tỏ rạng cho toàn con cái Chí Tôn soi thấy. Dầu đời biến chuyển thế nào, nhơn loại cũng không bao giờ xa Ðạo, bởi quyền năng tinh thần là một, sắc dân nào dầu văn minh cao siêu đến đâu cũng chẳng từ chối Ðạo giáo được.

Trước mắt chúng ta thấy rằng nước Pháp không phải là nước vô đạo mà cả Âu Châu cũng không phải toàn thể đều vô đạo. Nếu lấy sự thật quả quyết tại đền Lourdres ở Vichy, ta thấy từ chơn giáo nhỏ đến giờ chưa có ai ép xác, vì tâm đức yêu ái và tín ngưỡng Ðức Chí Tôn mà đi 10 cây số bằng hai đầu gối đến lạy Chí Tôn. Tưởng chắc rằng không đâu có mà ở nước Pháp đã có. Còn nói chi các kỳ Ðại Lễ, chúng ta, ai ai cũng biết rằng người Âu Châu cổi giày thì không đi đặng, và không có hình phạt nào nặng hơn bắt họ đi chơn không. Mỗi kỳ phải cổi giày và vác tượng ảnh Chúa đi hằng 10 cây số ngàn. Suy đó không ai từ chối Ðạo đặng.

Ngày nay Chánh Phủ Pháp, Chánh Phủ Nam Kỳ và cả chúng ta thiết Lễ Cầu Siêu cho nhơn loại, dưới thế gian nầy loài người phân chia nòi giống, họ hàng, tông tổ, chia vật hình, chia sắc da chơn linh của chúng ta không phân biệt tộc phái nam nữ nòi giống gì cả, thoát khỏi hình thể nầy rồi ta vào Thánh Thể thường tại của Chí Tôn. Hại thay, có nhiều chơn hồn ân hận đau khổ khi giải thể mới nhận thấy tranh đấu nhau trên mặt thế nầy là một điều rất vô lý và khổ não đáo để, khi về cõi Hư Linh.

Nước Pháp và khắp Âu Châu họ hiểu cái triết lý cao trọng ấy của Ðạo giáo. Chư Ðạo Hữu đừng lấy lời Bần Ðạo vừa nói mà khi thị. Họ hiểu còn ta chưa, các chơn linh chiến địa kia, ngày giờ nào qua Ðệ nhứt thiên, qua Âm quang cảnh, ân hận, than trách, ôm nhau mà khóc lóc, vì về đến đó thì không còn thù địch nhau nữa , ở thế gian nầy, mang xác thịt phàm phu nên lầm lạc. Thiên hạ có lẽ hiểu sự bí mật Ðạo giáo ấy, lầm lỗi biết ăn năn hối hận, các chơn linh đồng hòa giọt máu bảo tồn quốc thể của mình được cao kỳ về tinh thần đạo đức, còn hình thể tại thế gian nầy thì ái yêu cao trọng.

Sự công bình tại thế gian nầy là trồng cây thì hưởng trái chẳng có chi lạ. Nơi thế gian thế nào thì trên cõi Hư Linh cũng vậy. Các anh, chị, em, các con nữ phái, đừng tưởng chết là hết. Trồng cây còn được hưởng trái, nếu chết là hết thì sự công bình thiêng liêng té ra vô nghĩa lý lắm sao? Họ sẽ được hưởng với tinh thần cao trọng hơn nữa, bằng chẳng vậy thì luật công bình là vô hiệu quả.

Ðem giọt máu tinh thần giống nầy hòa với giống kia thì hột giống ấy sẽ gây lại cho toàn nhơn loại trên mặt địa cầu hưởng đặng quả hoa hạnh phúc.

Q.1/39: Quốc Ðạo.
Ðền Thánh, đêm 30 tháng 9 năm Ðinh Hợi (1947)

Thưa cùng chư Chức Sắc Thiên Phong, chư Chức Việc, mấy em, mấy con Nam, Nữ. Ngày nay Ðạo Cao Ðài đã đến khoảng đường kết liễu danh giá và hình tướng của nó, nên Bần Ðạo lấy đề hai chữ Quốc Ðạo đem giảng giải, Chí Tôn ban sơ thuyết minh Ðạo lý hầu may ra những kẻ mơ hồ tỉnh mộng đặng hiểu biết mình đến lập trường nào, phương sách nào, khoảng đường nào, ấy là điều rất hay về tâm lý toàn cả Quốc dân buổi nầy.

Hai chữ Quốc Ðạo lần đầu, Chí Tôn viết ra làm cho Bần Ðạo mờ mịt, cũng vì hai chữ Quốc Ðạo ấy mà Phạm Công Tắc chết năm 35 tuổi, thí thân đeo đuổi làm cho ra thiệt tướng. Ôi! Hai chữ Quốc Ðạo là một vật mà Bần Ðạo tiềm tàng rồi mới hiểu, khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương tổ quốc, đeo đuổi mất còn với cái điều khát khao từ buổi thanh xuân đó vậy. Tự biết khôn dĩ chí gặp Ðạo, năm 35 tuổi, Bần Ðạo thấy sao mà phải khao khát thèm lạt, tại làm sao Chí Tôn biết thiếu thốn nơi tinh thần điều ấy mà cho Bần Ðạo. Bần Ðạo ban sơ nghi hoặc, có lẽ một Ðấng có quyền năng thiêng liêng biết tâm lý đang nồng nàn ao ước, đương thèm lạt khao khát, đương tiềm tàng mà đem ra cám dỗ. Hại thay! Yếu ớt đức tin, ngày nay Bần Ðạo ăn năn quá lẽ, 15 năm Bần Ðạo đã đặng thấy gì? Cả toàn thiên hạ nói rằng: Nòi giống Việt Nam không có Ðạo. Lạ lùng thay! Chúng ta tự hỏi có thật vậy chăng? Thật quả có chớ, có nhiều Ðạo quá mà thành ra không Ðạo, mượn Ðạo, xin Ðạo của thiên hạ mà thôi.

Ta thừa hiểu rằng nòi giống Việt Nam xuất hiện ở Hoàng Ðịa Tàu, nên ta không ái ngại nói Việt Nam nầy là sắc dân Tàu vậy. Nòi giống Tàu nhìn quả thật là dân Tàu mà thôi. Ðất địa tổ quốc ta không phải ở đây, ở Bắc Tam Tinh là Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam, kể luôn Ðông Kinh (Tonkin) tức là Hà Nội và Hải Nam nữa, là tổ quán ta thì thiệt của ta đó vậy.

Bần Ðạo tìm hiểu Nho Phong ta đạt đặng hay là có trước. Chúng ta thấy nòi giống Việt Thường nầy là con cháu nước Lỗ, mà Nho Tông xuất hiện cũng ở nước Lỗ nói rằng giống Lỗ lập Ðạo Nho, chắc hẳn là Nho Tông chúng ta vi chủ. Nói vi chủ tức là của mình nếu có Ðạo Nho sẵn trước thì ta có Ðạo Nho, Ðạo Lão, Ðạo Phật ba nền Tôn Giáo mà mặt địa cầu nầy nhìn là trọng yếu, bất kỳ là sắc dân nào, hay liệt quốc nào cũng đều nhìn nhận là do trong xứ Á Ðông nầy. Thêm nữa Thần Ðạo nguyên do ở tại Phù Tang, sắc dân vi chủ tức Nhựt Bổn đem truyền qua Trung Huê rồi qua xứ ta. Ta chịu ảnh hưởng quyền lực của Thần Giáo từ đó. Nhờ có nó Nho Tông phát triển khác chánh giáo hơn, lại biết tín ngưỡng một cách đặc biệt hơn Thần Giáo. Bằng cớ hiện hữu là ta đã thờ Thần trong các làng ngày nay đó vậy. Ngoài nữa tâm lý tín ngưỡng của nòi giống Việt Nam nhiệt liệt và thật thà đối với bất kỳ Ðạo Giáo nào. Ðến thế kỷ 19, Ðạo Thánh Giáo Gia Tô đem đến nước ta truyền giáo mới thành một trường nhiệt liệt đua tranh quyết chinh phục hết thảy các Tôn Giáo khác. Bần Ðạo tưởng ai có đọc Tờ Phúc Sự năm 1937 đều biết rõ, Bần Ðạo đã giảng rõ ràng nguyên do đó, thành thử Việt Nam vì có nhiều Ðạo quá nên thành không Ðạo.

Có phen các bạn thân ái tưởng đến tương lai quốc dân, lo phương binh vực mở rộng tự do thêm tức có kẻ phản đối đả đảo lại. Bần Ðạo không nhớ ở Hạ Nghị Viện Pháp năm nào, những người binh vực chúng ta bị đả đảo, nước Việt Nam không tinh thần Ðạo Giáo nên khó lập chánh giới lắm, vì không có căn bản tinh thần đạo đức mà chúng ta không thể chối và chịu thiệt thòi theo lời vu cáo. Vì cớ, Bần Ðạo đau thảm, khổ não tinh thần tìm hiểu coi sắc dân ta có Ðạo hay chăng. Hại thay! Ở trước mắt ta nào là bóng chàng, đồng cốt, ông tà, ông địa, làm cho nhơ nhuốc cái tinh thần Ðạo Giáo, Bần Ðạo uất ức. Ngày Chí Tôn tình cờ đến, vì ham thi văn nên ban sơ Diêu Trì Cung đến dụ bằng thi văn tuyệt bút làm cho mê mẫn tinh thần. Hại thay! Nếu chẳng phải là nhà thi sĩ ắt chưa bị bắt một cách dễ dàng như thế, vì ham văn chương thi phú nên Ngài rán dạy. Chí Tôn đến ban đầu làm bạn thân yêu, sau xưng thiệt danh Ngài, biểu Bần Ðạo phế Ðời theo Thầy lập Ðạo. Khi ấy Bần Ðạo chưa tín ngưỡng, bởi lẽ nòi giống nước Nam còn tín ngưỡng tạp nhạp lắm, không chưn đứng, không căn bản, nói rõ là không tín ngưỡng gì hết. Bần Ðạo mới trả lời với Ðức Chí Tôn, ngày nay Bần Ðạo nghĩ lại rất nên sợ sệt. Nếu không phải gặp đặng Ðấng Ðại Từ Bi thì tội tình biết chừng nào mà kể. "Thưa Thầy, Thầy biểu con làm Lão Tử hay Jésus con làm cũng không đặng, Thích Ca con làm cũng không đặng, con chỉ làm đặng Phạm Công Tắc mà thôi, con lại nghĩ bất tài vô đạo đức nầy quyết theo Thầy không bỏ, nhưng tưởng cũng chẳng ích chi cho Thầy". Ðấng ấy trả lời: "Tắc, thảng Thầy lấy tánh đức Phạm Công Tắc mà lập giáo con mới nghĩ sao?". Bần Ðạo liền trả lời: "Nếu đặng vậy...." Ngài liền nói: "Thầy đến lập cho nước Việt Nam nầy một nền Quốc Ðạo", nghe xong Bần Ðạo từ đấy hình như phiêu phiêu lên giữa không trung mơ màng như giấc mộng. Ðược nghe nói cái điều mà mình thèm ước, nên Bần Ðạo không từ chối đặng. Ôi! Quốc Ðạo là thế nào? Quốc là nước, vậy nòi giống tín ngưỡng lập Quốc Ðạo, Bần Ðạo theo tới cùng coi lập nó ra thế nào, hình tướng nào cho biết, vì đó mà lần mò theo đuổi đến ngày nay, thấy hiện hữu cái hình trạng là Ðạo Cao Ðài rồi lại đoán xét coi nó biến hình Quốc Ðạo Việt Nam ra sao? Ngài cho một bài thi dám chắc không ai thấu đáo nổi , người coi cái gốc thì không thấy ngọn, người coi cái ngọn không thấy gốc, tứ văn thiệt thà hay ho cho tới các đảng phái quốc sự ngày nay cũng là lợi dụng.

Từ đây nòi giống chẳng chia ba:
- Tức nhiên không chia ba Ðạo, chớ không phải chia ba kỳ à.

Thầy hiệp các con lại một nhà:
- Thầy nắm chủ quyền hiệp Tam Giáo, nếu nói riêng nòi giống hiệp Nam, Trung, Bắc thì vô vị lắm.

Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc:
- Tức nhiên nền chơn giáo Quốc Ðạo, không phải của ta thôi, mà lại của toàn nhơn loại là truyền giáo Nam Bắc thành tướng rồi ra ngoại quốc tức là Tôn Giáo toàn cầu vậy.

Chủ quyền Chơn Ðạo một mình Ta:
- Tam Giáo, Ngài vi chủ năm châu tín ngưỡng lại qui nhứt mà thôi. Nắm cả tín ngưỡng của loài người, chính Chí Tôn là Chúa Tể Càn Khôn Thế Giới, làm Chúa nền Chánh Giáo tại nước Nam, vi chủ tinh thần loài người tức đủ quyền năng lập Quốc Ðạo. Ngài đến đem đại nghiệp cho Quốc Dân nầy, hình thể lựa chọn ai? Chọn Tạo đoan vạn vật tức là Phật Mẫu. Tinh thần của Chí Tôn, hình thể của Phật Mẫu, trí não của Cha, hình hài của Mẹ, cả thảy đều thấy hễ vô Ðại điện Ðức Ðại Từ Phụ, nào chức nầy chức kia, mão cao áo rộng, còn vô Ðiện Thờ Phật Mẫu thì trắng hết, không ai hơn ai cả. Nếu hiểu biết, thấy bí pháp Chí Tôn cao kỳ quá lẽ. Chí Tôn nói rằng: Quốc Ðạo nầy Ngài qui tụ tinh thần đạo đức trí thức toàn nhơn loại cho đặc biệt, có cao có thấp, có hàng ngũ có phẩm giá, còn về phần xác thịt của loài người, mạng sống trước mặt Ngài không ai hơn ai, cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết đặng đem Quốc Ðạo làm môi giới cả đại đồng đặng tạo tương lai loài người cho có địa vị oai quyền cao thượng. Nếu hiểu đặng thì Thánh Thể cũng vậy, Hội Thánh, chư Chức Sắc Thiên Phong Nam, Nữ hay toàn thể Tín Ðồ cũng vậy, lãnh Thiên mạng đảm nhiệm trách vụ thiêng liêng Chí Tôn phú thác lập giáo, tức nhiên phải có phẩm giá, trật tự đẳng cấp. Nếu hiểu thêm ý của Ngài, khi cổi áo nầy ra khỏi Ðại điện rồi hết thảy đồng là anh em, không ai hơn ai, không ai thua ai, không khinh không trọng, đầy đủ tình yêu ái trong lòng Mẹ đem ra mà thôi Nam, Nữ cũng thế. Ngày giờ nào nhơn loại cả thế gian ở mặt địa cầu nầy hiểu được lý lẽ chí hướng cao thượng ấy là ngày Ðạo Cao Ðài sẽ ra thiệt tướng.

Q.1/40: Các con đối với Phật Mẫu.
Ðêm mồng 1 tháng 10 năm Ðinh Hợi (1947)

Bần Ðạo giảng tiếp bài đêm hồi hôm, vì có nhiều chị em không hiểu bài giảng đó cho rõ rệt. Ðể Bần Ðạo hỏi rồi mấy chị em trả lời cho trúng, cho hay nghe!

Chúng ta đã có một Bà Mẹ là Ðức Phật Mẫu cầm quyền năng tạo đoan xác thịt , hình hài của ta, Chí Tôn là cha của hồn, cho nhứt điểm Tinh, Phật Mẫu là Mẹ của xác, cho nhứt điểm Khí, Cha Mẹ hữu hình, vâng lịnh Phật Mẫu tạo xác thịt hiện hữu đây, còn quyền năng thi hài, Ðấng ấy làm chủ, Phật Mẫu có tánh chất của Bà Mẹ, Bần Ðạo xin làm chứng rằng: Tánh chất Bà Mẹ hữu hình như thế nào, thì tánh chất của Bà Mẹ là Phật Mẫu cũng hiện y nhiên như vậy, nhưng có phần yêu ái hơn, bảo trọng hơn, binh vực hơn.

Chúng ta khi vào Ðại điện của Chí Tôn tức là Cửu Trùng Thiên đó, đứng trong hàng phẩm Cửu Thiên Khai Hóa, có trật tự phẩm vị quyền hành, hạng thứ, nên phải mặt Thiên Phục vào chầu, còn vào Ðền Thờ Phật Mẫu đều bạch y tất cả, dầu Giáo Tông hay Hộ Pháp cũng phải cổi Thiên Phục để ở ngoài, hỏi tại sao phải như vậy? Lấy tánh đức thường tình của một Bà Mẹ không có gì lạ, ta thấy vì trong một gia đình kia dầu rân rát, một người dầu quyền cao tước trọng, dầu làm quan Tòa, quan Tham Biện hay Tể Tướng đi nữa mà bước vào nhà còn làm Tể Tướng thì Bà Mẹ không ưa lại thêm phiền lụy, làm quan với ai kia, chớ về nhà làm quan với gia đình à! Oai quyền với thiên hạ ở ngoài kia chớ ở đây không thể làm oai quyền với Mẹ được, dầu bực nào cũng vậy vẫn là con mà thôi, mấy chị hiểu chưa? Bài học ấy dạy chúng ta hiểu gì? Triết lý cao siêu ấy, nếu chúng ta tìm hiểu thấu thì tương lai Ðạo Cao Ðài mới có vậy. Bần Ðạo đã nói: Thập Nhị Thời Quân, Thượng Sanh, Thượng Phẩm, Hộ Pháp gọi là Ngự Mã Quân của Chí Tôn. Phật Mẫu sợ Chí Tôn tạo Ðạo không nên phải tái kiếp, nên Bà phải cho theo xuống Thập Nhị Thời Quân, phẩm tước cao trọng thay, nhưng không có gì trước mắt Phật Mẫu, tất cả con cái của Người vinh hiển sang trọng đến đâu, Người càng rầu càng lo sợ, e sang trọng ắt tự kiêu, biết đâu không hại cho tương lai vô biên của họ vì quyền tước. Cả thảy lấy triết lý ấy để răn mình. Còn bây giờ Bần Ðạo phải kết luận như sau đây: Về tới cửa của Mẹ rồi, coi như đồng sanh, đồng tử, cốt nhục tương thân, đừng để tâm khinh trọng tôn ti, làm mất khuôn mẫu của Mẹ hằng mong ước, cả thảy nam nữ cũng vậy phẩm vị bên Cửu Thiên Khai Hóa không giống như ở đây, mấy em dầu có tâm thương mến ở bên kia cũng phải nhớ nơi Bà Mẹ, ở sao cho xứng đáng là con đối với Mẹ, là anh em đối với anh em cốt nhục của mình chung một gia đình, là phải đạo.

Q.1/41: Dạy phương pháp giảng đạo.
Ngày 10 tháng 10 năm Ðinh Hợi (1947) tại Hiệp Thiên Ðài

Bài học văn chương của Chí Tôn (cours rhétorique) rất giản dị. Hành tàng Pháp hay Việt, cũng chẳng khác nhau, nói hay viết cũng giống như một bài thi. Cách hành văn (tenue) chia ra từng đoạn:
Sujet đối với phá thừa.
Développement đối với trạng luận.
Dénouement đối với thúc.
Conclusion đối với kết.

Diễn văn phải giữ chặt niêm luật có mực thước như một bài viết, phải khép vào một khuôn luật nhứt định, nếu không , nghẹt lối , không ngỏ ra. Trong các nền Tôn Giáo, đó là sự rất trọng hệ, như Ðạo Gia Tô ngày xưa mở ra, mười hai vị Thánh Tông Ðồ học ở trong nhà Bà Sainte Maria, nhờ có chơn linh giáng hạ giúp sức. Ngày kia Ðức Chúa Jésus nói: Miệng các Người là miệng ta, lời đạo đức các Người thốt ra là lời của Ta, các Người phải đi truyền Tân Ước (Nouveau Testament) mười hai (12) vị Tông Ðồ đều dốt, nhờ chơn linh giáng hạ nhập thể, hễ nhập thể thì phát huệ.

Lúc chưa biết Ðạo, tôi cũng không tin điều ấy, đến lúc ở chùa Gò Kén trước mấy ngàn người, tôi bước lên giảng đài đi qua lại đến 16 vòng mà hễ ngước mặt lên thấy đầu người lố nhố, sợ hải không thuyết được. Kế phát sật sừ như say rượu không còn thấy ai nữa hết. Say đáo để, nói mà không biết nói những gì, chừng xuống đài thiên hạ khen mới biết, may là trước tập nhiều rồi đó. Chí Tôn dạy tôi và anh Cao Thượng Phẩm, hễ người nầy thuyết thì người kia nghe, nhờ vậy nhứt là nhờ anh Cao Thượng Phẩm kiêu ngạo nên phải cố gắng, vậy mà lúc lên đài còn quáng mắt.

Tôi buộc mấy anh em, chị em , tập cho quen dạn, Ðạo sau nầy muốn truyền ra thiên hạ cần phải thuyết. Ðó là vô tự kinh, viết sách truyền bá không bằng thuyết giảng, cần phải có niêm luật. Với ai thì sợ chớ với nòi giống Việt Nam mình đã có sẵn văn hiến bốn ngàn năm làm bổn. Có ba môi giới: Phú, Tỉ, Hứng. Phú là đọc thông sách vở đem nguyên văn ra giảng giải cho rõ nghĩa. Tỉ lấy cổ soi kim, dùng tích xưa giải hiện tại. Hứng là đứng lên giảng đài rồi phát hứng chí mà nói. Hậu thuẩn do ba môi giới nầy là: Kinh, Ðiển, Luật. Muốn Phú phải thuộc Kinh mới Phú được. Tỉ thì phải lấy điển tích ra mà ví dụ đặng so sánh. Hứng không được ngoài khuôn luật, ngoài sự thật, không được nói bậy.... nhớ ba chơn tướng trước, ba hậu thuẩn sau. Một bài thi đủ cho mình thuyết giáo rồi, với Chí Tôn điều chi cũng không khó. Như là:
"Yến Tử Hà xưa lúc vận cùng,
Còn mang dép rách đến Quang Trung.
Nay con chưa rõ thông đường Ðạo,
Cứ ngóng theo chơn Lão tháp tùng."

Ngài ngụ điển rồi mới lấy tích, như hai câu đầu, hỏi tại sao Yến Tử Hà lại mang dép rách đến Quang Trung? Yến Tử Hà là tôi của nước Hàn, nước Hàn mất đi tìm nơi cầu cứu hầu rửa nhục cho nước mình, Sở Bá Vương chê người Hàn không dùng, nên Yến phải lận đận, nghèo khổ phải mang dép rách đến Quang Trung tìm Hớn Bái Công. Hai câu sau các con cứ theo Thầy, con để bước của con lên dấu chơn của Thầy thì không bao giờ lạc lối. Yến bị bạc đãi, nước Hàn bị chiếm, (Trương Tử Phòng là người Hàn cũng trong thời đó). Hỏi vậy Chí Tôn lấy tích gì? Nước mình cũng mất như nước Hàn, Yến đi làm tôi cho Hớn đặng báo thù cho Hàn. Chí Tôn muốn nói: Các con muốn báo thù nước thì làm như Yến vào Quang Trung, muốn nước các con còn thì theo Thầy.

Thôi, thí nghiệm thử xem, mấy anh em cho tôi một cái đề đi rồi tôi thuyết. Như bài thi:
"Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ,
Giữa biển ai từng gặp Lão Tô."

Chuyện Phong Thần đừng tưởng viết ra là bịa đặt. Lão Tô là Tô Ðông Pha, ông Tổ của nòi giống Phù Tang, ai dè ngoài biển có Tô Ðông Pha nghĩa là có sắc dân bên Phù Tang. Ai từng gặp mà gặp là có đa.
"Mượn thế đặng toan phương giác thế,"

Mượn thế, bây tàn ác vô đạo đức đặng thức tỉnh cho bây.
"Cũng như mượn bút của chàng Hồ."

Ông Ðổng Hồ lãnh cầm cây viết, viết Sử của Vương Kiệt là đắc thắng, thấy Vương Kiệt bị hại mà không sợ, vào đó lãnh cũng như Thầy hiện giờ, đến đây nhơn loại đương tàn ác, mượn cái tàn ác đó đặng thức tỉnh chúng sanh, như Ðổng Hồ đã không sợ chết, thì Thầy sẽ thắng như Ðổng Hồ vậy, đặng lập quyền cho các con của Ngài đặng thành tựu. Hồi đời đó có một người tướng tài của nhà Tần mà ngồi không, không chịu kháng chiến. Ðổng Hồ ghi: Tội thất quốc nầy là của anh chàng, hỏi tại sao? Tại anh ngồi không, làm liệt bại tinh thần tranh đấu, nên tội ấy của anh gánh chịu đó. Bài nầy đầy đủ trong khuôn luật.

Q.1/42: Tại tháp của Ðức Quyền Giáo Tông.
Hồi 8 giờ, ngày 13 tháng 10 năm Ðinh Hợi (1947)

Ngày nay là ngày kỷ niệm Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, ấy là ngày Bần Ðạo quả quyết rất trọng hệ và quí hóa cho Cửu Trùng Ðài.

Bần Ðạo quả quyết nói với bằng chứng hiển nhiên là bạn đồng thuyền, Bần Ðạo biết rõ giá trị của Thượng Trung Nhựt là dường nào.

Tuy vân, ngôi vị Giáo Tông Ðạo Cao Ðài do Ðức Lý cầm quyền gìn giữ Thánh chất dung hòa nửa Thánh nửa phàm còn tạo ngôi vị tại thế là Thượng Trung Nhựt đó. Ấy vậy Thượng Trung Nhựt tạo ngôi vị Giáo Tông cho Ðạo Cao Ðài như ông Thánh Saint Pierre tạo ngôi Thánh Hoàng cho Pha-Pha tại Rome vậy.

Ôi! Buổi Chí Tôn đến một cách đột ngột tình cờ, đến trong thế kỷ 20 nầy mà nhơn loại đang sống thảm khổ từ thể chất đến tinh thần, Ngài xưng tên làm cho cả thảy ngạc nhiên, nhứt là chúng tôi buổi nọ đang đi trong con đường thế tối tăm ngày ấy người niên kỷ cao hơn hết là Thượng Trung Nhựt, chúng tôi có hỏi Người: Est ce possible? (Có thể có không?) vì còn đang mờ hồ, chúng tôi chẳng khác chi ở trong địa huyệt đang tiềm tàng con đường sáng, chúng tôi còn tăm tối, may thay! Người có duyên tiền định đến dìu dắt chúng tôi ra khỏi chốn địa huyệt âm u, nhờ hai con mắt sáng của người làm dẫn đạo.

Khi chúng tôi hỏi: Est ce possible? (Có thể như vậy chăng?). Người trả lời: C'est bien possible (Có thể có như vậy lắm). Bởi thiên hạ đang khổ thảm nên Ðấng ấy đến không phải là lạ. Ta thấy trong gia đình đau khổ, mà ông cha chưa phải chết thì sự thương yêu đối với con cái nồng nàn sẽ được ông cha ấy hiện diện. Người quả quyết rằng: "Ðấng ấy đến buổi nầy thật là Chí Tôn đó vậy". Nếu không phải Chí Tôn không ai chịu nổi đau thảm kia được.

Vì thành tâm, nguyện vọng của Người cảm xúc tới cõi Hư Linh làm cho Chí Tôn và cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều động lòng. May thay! Chí Tôn đến lập nền Quốc Ðạo cho chúng ta tại nước Việt Nam thì không có gì vinh diệu cho giống nòi chúng ta hơn nữa.

Thảng sau nầy, Tôn Giáo Cao Ðài sẽ làm môi giới chuẩn thằng cho một nền văn minh tối đại thì tôi quả quyết rằng nền văn minh ấy sản xuất ra do tâm lý của Thượng Trung Nhựt mà chớ. Ôi! Bao nhiêu công nghiệp, chúng ta nghĩ lại đều nhớ buổi ban sơ đương lúc tâm lý hoang mang tranh đấu sự sống còn, nhứt là tâm lý nòi giống Việt Nam đương mưu đồ giải thoát ách nô lệ, ai còn tin khi ta nói ra những điều mà ai cũng cho là mơ hồ, bởi cả tâm lý còn hoang mang. Ðến các bạn đồng thuyền, đồng chung tâm lý với Người có đủ trí thức hiểu biết chí hướng cao thượng của Người mới theo Người, mà trong cảnh hoang mang còn phản phúc thay, huống chi quốc dân Việt Nam. Ngài đã để đức tin quyết tạo nên hình thể Quốc Ðạo cho quốc dân Việt Nam, thì chính quốc dân trở lại nghịch thù, làm cho trọn một kiếp sanh của Người phải đau thảm đổ lụy bao phen trước khi chết.

Bần Ðạo quả quyết rằng: Trót một đời người, tìm chưa ra một mặt biết thương nòi giống với một tâm lý nồng nàn như Thượng Trung Nhựt, Bần Ðạo chưa thấy được hai người như vậy, nếu chẳng vì tình yêu ái vô hạn thì người chẳng hề hủy thân danh tạo nên hình thể Ðạo để lại cho quốc dân, cái đại nghiệp tinh thần nầy sâu xa chừng nào quốc dân hưởng lâu chừng nấy, sâu xa chừng nào lại càng quí hóa thêm nữa càng ngày càng tăng giá trị và thiên hạ sẽ biết tấm lòng yêu ái của Thượng Trung Nhựt biến ra một quốc hồn kiên cố.

Cả thảy ai là quốc dân Việt Nam đều phải cúi đầu và vâng theo ý chí cao thượng ấy, không có một lưỡi gươm nào tiêu diệt được nghiệp của Người để lại cho nòi giống Việt Nam đó vậy.

Q.1/43: Cứu khổ về xác thịt.
Ðền Thánh, ngày 13 tháng 10 năm Ðinh Hợi (1947)

Vía Ðức Quyền Giáo Tông

Bần Ðạo nhắc lại một lần nữa, khi hiến Tam Bửu thì về chánh tế, khi nào đưa lên tức nhiên trình cho mình biết của Lễ ấy là ý nghĩa gì, đặng cầu nguyện hiến lễ cho Ðức Chí Tôn, khi thấy đưa lên mình cúi đầu dưng vật báu ấy là Tam Bửu cho Thầy.

Bí Pháp rất trọng hệ: Bông là xác (thân hình) khi nào hiến bông tức là hiến cả thi hài cho Chí Tôn làm vật tế lễ cho Ngài. Hiến rượu tức là hiến cả tinh thần trí não của mình. Hiến trà là đem linh hồn mình trọn dâng cho Chí Tôn, chính mình là thi hài con vật, mà vị Chánh tế đưa lên thiên đàng Chí Tôn của Lễ.

Ngày hôm nay là ngày Lễ Kỷ Niệm của Ðức Quyền Giáo Tông là vị Chức Sắc cao trọng của chúng ta. Bần Ðạo giảng tiếp thêm hai chữ: Cứu khổ. Luôn dịp Bần Ðạo tỏ cho toàn Hội Thánh tức là Thánh Thể của Ðức Chí Tôn và toàn con cái của Ngài biết rằng: Người là một chơn linh cao trọng, mặc dầu hình thể đã mất, nhưng khối thiên lương ấy vẫn còn mãi mãi chẳng hề hư hủ bao giờ. Bần Ðạo nói: Chí Tôn đến tình cờ làm cho trí não Bần Ðạo phải bị ngạc nhiên, rồi Bần Ðạo kiếm hiểu trong đôi ba năm sau, mới rõ đặng hai chữ cứu khổ của Chí Tôn.

Lạ thay! Ðức Cao Thượng Phẩm và Ðức Quyền Giáo Tông biết nỗi lòng Chí Tôn khi Người nói hai chữ cứu khổ. Cứu là giúp, khỏi có ám nghĩa đủ năng lực định quyền nhứt đoán. Khổ là đau đớn, đau đớn về tâm hồn, đau đớn về hình thể. Biết người rồi mới thương người được, mới có thể nắm quyền người tu nơi cửa Ðạo, đặng độ rỗi nhơn sanh và chính mình yêu thương sẽ làm môi giới cho chúng ta yêu thương toàn thiên hạ.

Ôi! Hai chữ cứu khổ, nghe hai tiếng ấy những kẻ nào đã chịu những nỗi thống khổ, đau đớn về đạo đức tinh thần, làm như ta khao khát tinh thần việc chi trọng yếu vậy. Chúng ta đương đói mà có người đem bát cơm lại cho ăn, nghe đến mùi vị nó thâm thúy làm sao.

Ôi! Hai chữ cứu khổ, Ðạo lấy hình thể cho người đời dùng, nước Nam dùng rồi tới thiên hạ toàn cầu nhơn loại. Loài người chưa biết tiến hóa đến đặc điểm văn minh, vẫn còn trong vòng nô lệ. Vậy sắc dân yếu hèn, vẫn còn dã man, thô kịch, dốt nát là Việt Nam đã bị nạn, tỷ như người ta bắt người bán mọi buổi nọ. Bần Ðạo đã quan sát cả lịch sử loài người ở Á Ðông thấy như thế, mà Á Châu cũng thế, tự quyền hành bán mọi là đặc sắc hơn hết của Ðế quyền Romain, coi con người không có giá trị bằng con vật, được trọn quyền sanh sát mà người chủ đã mua lại mạng sống của kẻ tôi mọi coi kẻ ấy như con vật. Ðến nay cường quyền Romain phải chịu hủy bỏ việc làm tôi đòi nô bộc. Vậy tôi mọi do nơi mua đặng kẻ khốn khó về làm nô lệ mà thôi, khi ấy Maurice đến đứng tên đường đột đối đầu cùng Hoàng Ðế Romain đặng giải thoát sự đau thảm ấy, sau buổi đó họ coi Maurice dường như Ðức Chí Tôn đến giáng thế, đặng giải thoát cứu khổ cho nhân sanh. Ở Á Ðông nhứt là Trung Hoa chẳng phải nước đặc sắc và trọn yêu thương, nhưng làm nhiều dân tộc hiệp thành một nước Trung Hoa. Nhờ buổi thượng cổ thâu các sắc dân lạc hậu làm nô lệ. Dân tộc ta chịu không nổi phải phản đối để tìm phương giải khổ cho nhau. Bây giờ sự khổ nọ đã tràn vậy. Không lạ chi trước mắt ta đã thấy chúng biết rủ nhau, không làm gì đặng, thì đời phải chịu mai một làm tôi tớ cho nguời khác phải chịu nghèo hèn không sang trọng được.

Thế tình chẳng lạ gì, hễ tới chừng làm chi phi thường thì có một mình độc chiếc cô quạnh không ai nâng đỡ.

Nhìn trong thế gian nầy thấy những kẻ côi cúc đơn cô bị áp bức nên buồn, sự áp bức ấy cột trói vào vòng nô lệ tinh thần của họ, chừng ta ở trong nô lệ, mắt chúng ta đã chán thấy anh em ở chung một nhà, bạn tác với nhau chung chia đau khổ, nghèo hèn có nhau mà còn bị đè nén bằng cách gián tiếp, thế thường cũng chung là nô lệ thì còn ai có quyền hơn về hình thể lẫn tinh thần.

Phật Thích Ca có giải: Sanh, lão, bịnh, tử là bốn cái khổ của con người, mà cả hoàn cầu để cả trí não tinh thần tìm phương trừ diệt sao cho được bốn cái khổ ấy. Tìm phương thế làm cho nhơn sanh sống mỹ mãn. Hết sanh rồi lão, chúng ta thấy các nơi văn minh càng ngày càng tấn tới nữa, thì lo lập các dưỡng lão đường. Các nước trên mặt địa cầu nầy không quốc gia nào không nuôi kẻ già. Ðến bịnh ở một địa cầu nầy, hễ bao nhiêu người là bao nhiêu nhà thương chuyên chú trị an thiên hạ, nếu làm ra không đắc lực thì làm cho nhơn sanh phiến loạn. Ðến tử, các xã hội văn minh đang tìm phương cứu chữa làm sao cái chết con người không có thống khổ quá lẽ và làm sao cho gia đình chủng tộc qui tụ lại thành nước văn minh.

Thế nào làm giảm tứ khổ đó? Duy chuyên chú đặng cải sửa làm cho bớt khổ tinh thần, ấy vậy khổ xác thịt do đâu mà ra là do nơi tại muốn sống cho hạnh phúc hơn người, không có một mãnh lực nào định phận mình, nội công tâm quyết đoán.

Bởi nhơn sanh tự biết mình sang trọng trên vạn vật. Của cải của Chí Tôn để nơi thế nầy đảm bảo sanh mạng con cái Người không đủ, nên có thể nghèo hèn, người sang trọng, kẻ ngu tối, người minh mẫn, có người cho là bất công, mà sự bất công ấy do tại đâu? Do thiếu đạo đức. Muốn trừ khổ ấy phải làm sao? Hiện đương tại mặt địa cầu nầy, các yếu nhơn đã làm gì đặng thâu tâm thiên hạ, định quyền chính trị? Duy có mãnh thương tâm trải thương yêu cho đời xem thấy. Lấy tâm trung chánh thương yêu đặng cứu vớt dân sanh giao sanh mạng họ trong tay làm chủ, làm người điều khiển đặng trị. Hỏi tâm ái tuất thương sanh thiên hạ ai dám chắc có, tôi xin đặt một dấu hỏi (?). Phải nhiều gia đình, nếu quyền năng ấy có tâm lý đủ đều xuất hiện chơn thật có thể gieo thương vào lòng dân sanh toàn một nước, kêu gọi dân sanh đối đãi hòa ái cùng nhau chia sống với nhau. Nước nào may mắn được người chủ quyền sáng suốt đoạt đến mục đích, thì quốc dân ấy được hưởng vô cùng hạnh phúc gia đình. Quốc gia, xã hội cũng vậy, chỉ biết mình không biết người, tương tàn tương sát nhau. Vì cớ Ðạo Cao Ðài xuất hiện. Hỏi tại sao có Ðạo Cao Ðài? Khi nào trong gia đình thống khổ, thì có ông cha chung chịu cùng các con để giải khổ cho con. Trong nước nếu nhơn sanh khổ thì vị chủ quyền là Vua hay Giám Ðốc đứng lên cầm quyền nhiếp chánh tìm phương giải khổ cho nhơn sanh.

Hiện giờ đã qua quyền hạn quốc gia xã hội, đến vạn quốc thì ai vi chủ đặng làm được phận sự ấy? Vạn quốc đương thống khổ ai có phận sự dìu dắt họ ra khỏi cảnh khổ, nếu chẳng phải là Ðức Chí Tôn chưa ai vi chủ mặt địa cầu nầy được.

Ấy vậy, trong gia đình thì người Cha chịu khổ với con, các quốc gia và cả toàn dân ở mặt địa cầu nầy chưa ai chia khổ được. Chí Tôn đến đặng kêu gào lòng yêu ái của toàn nhơn loại biết nhìn nhau là anh em, biết thương yêu nhau, binh vực nuôi nấng và tôn trọng nhau, đem hòa ái gieo truyền vào tâm lý loài người mà nói rằng: "Tao là Cha bây, đến đây làm cho bây biết tao, đặng bây biết bây, bao giờ anh em bây biết thương yêu nhau, tức là ông Cha bây giải khổ cho bây về phần hồn và phần xác đó vậy".

    Home             1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét