Lời Thuyết Ðạo Của Ðức Hộ Pháp - Toàn Tập 2


Q.1/19: Tam Bửu: Nho, Thích, Ðạo.
Ðền Thánh, đêm rằm tháng 3 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay, nhơn Bần Ðạo làm phép Giải Oan cho một người anh em của chúng ta là Hồ Tấn Khoa, nên Bần Ðạo giảng tiếp về Tam Bửu. Giảng tiếp về vấn đề ấy lại, Bần Ðạo tuyên bố cho toàn Ðạo nam, nữ và chư Chức Sắc Thiên Phong Nhị Hữu Hình Ðài
được nghe rõ. Ðối với cơ quan đời biến chuyển, từ ngày Bần Ðạo bị đồ lưu hải ngoại đến khi về tới nay tính lại đã gần tám tháng, Bần Ðạo thấy tình hình quốc gia của chúng ta mà cả thảy ai ai cũng biết chẳng cần phải lập lại, vì Bần Ðạo đã thuyết minh nhiều lần rồi.
Bây giờ thử hỏi chơn truyền của Ðức Chí Tôn mở Ðạo là một nền chánh giáo, tôn chỉ bảo chúng ta làm gì? Và Ðạo Cao Ðài phải đi theo con đường nào? Chúng ta thấy Ðại Từ Phụ lấy ba Tôn Giáo: Nho, Thích, Ðạo làm cơ quan duy nhứt, dầu về phần thiêng liêng hay hữu hình cũng vậy, để làm bí mật chơn truyền dìu dắt linh hồn và thi hài của chúng ta và là một phương pháp đoạt kiếp giải thoát linh hồn. Nho lấy nhơn nghĩa làm căn bản, Ðạo lấy công chánh làm căn bản, Thích lấy bác ái từ bi làm căn bản. Ba triết lý ấy hiệp lại vừa lo phần Ðời và phần Ðạo, xác hồn chúng ta đi đến tận con đường mà Ðức Chí Tôn đứng chờ đợi các con cái hiệp một cùng người.

Nhơn nghĩa là gì? Người có nhơn thì không oán, nghĩa thì không bạc. Công chánh là gì? Có công thì không phụ, có chánh thì không tà, không chối cái điều chơn thật được, còn có từ bi thì có khoan hồng dung thứ, có bác ái mới có thể bảo thủ và thân mến toàn thiên hạ, nếu chiếu theo chơn truyền của Ðức Chí Tôn khuyên bảo chúng ta thế nào, thì chúng ta phải tuân theo thế ấy, chúng ta phải khoan hồng, tha thứ, biết yêu ái, phải có công bình chánh lý, chúng ta giữ được cả chơn truyền ấy thì không ghét ai, oán ai. Trái lại, Ðại Từ Phụ buộc chúng ta phải thương yêu kẻ nghịch, kẻ thù của chúng ta nữa.
Chiếu theo chơn truyền ấy, đối với đời, với quốc gia chủng tộc toàn đạo phải xử thế nào? Chẳng lẽ Ðạo Cao Ðài phải nhượng bộ hạ mình trước đảng phái, vì cái tinh thần của Ðạo còn chẳng nhượng ai, huống phải hạ mình làm nô lệ cho đảng phái. Quyền tự chủ ấy là quyền của Chí Tôn ban cho, Thầy đã không làm tớ ai, nên quyền Ðạo nó chỉ làm Thầy.

Nó tự có một năng lực, mà cái năng lực ấy không tùng năng lực của ai cả. Nó có một quyền hành sở hữu, chớ không tùng ai và không theo đảng phái nào. Nó phải lập quyền yêu ái công chánh từ bi, nó có phận sự tạo nghiệp cho đời chớ không phải làm tôi mọi cho đời. Ðời đang phải chịu vòng nô lệ thì con cái của Ðức Chí Tôn bây giờ phải theo tôn chỉ nào? Phải biết rằng có Thiên mạng con cái của Ðức Chí Tôn là Thánh Thể, ông Trời tại thế nầy. Trời đã không nhường ai, không làm tôi tớ ai, thì con cái của Ðức Chí Tôn cũng chỉ có phận sự giúp đỡ thiên lương của con cái Ngài, vì thiên lương ấy là căn bản tạo quyền cho thiên hạ, là con cái của Ngài, lẽ đương nhiên chúng ta phải biết phận sự đối với quốc gia xã hội, chúng ta đang ở trong tình thế bại hoại. Chúng ta chỉ biết nhìn một quyền dân Việt Nam mà thôi. Thời buổi loạn lạc dân không có quyền, trong nước đảng nầy phái kia, chia năm chia bảy, nên buộc chúng ta phải kiếm một cái quyền của nhà Vua, Vua và dân hai quyền ấy nó tương liên với vận mạng nước Việt Nam, tìm cái kia không phải tìm cái nọ, cái quyền sở hữu nào chúng ta thấy thì chúng ta phải cầm lấy, giúp Vua để lập quyền cho nước, cho quốc gia xã hội.

Vì vậy chúng ta phải đem nhà Vua lại để lập quyền cho dân, quyền là chánh sách Ðạo Cao Ðài giúp quân chủ tạo dân quyền. Bởi thế Bần Ðạo đã công khai cùng Chánh phủ rồi. Bần Ðạo sẽ công khai cho toàn thiên hạ biết rằng: Chúng ta sẽ hướng ra Quân chủ Dân quyền để tạo tương lai cho quốc vận. Chúng ta không thấy còn con đường nào khác nữa, chỉ một con đường duy nhứt cao thượng nầy mà Ðạo phải làm cho thành tựu, Bần Ðạo xin cả thảy nghe và tìm hiểu chơn lý ấy rồi hằng đêm cầu nguyện để quyết định tương lai vận mạng nòi giống của chúng ta.
Q.1/20: Quyền năng của đức tin.
Ðền Thánh, đêm 29 tháng 2 nhuần năm Ðinh Hợi (1947)

Bần Ðạo giảng về quyền năng của đức tin. Hôm nay vì có hàng Quân Ðội Võ Chức, nên Bần Ðạo cần giải rõ cái quyền năng ấy cho toàn Ðạo nam nữ rõ.

Thời buổi nầy là thời buổi toàn con cái của Ðức Chí Tôn đưa tay lên cùng nhau nâng đỡ và vãn hồi quốc vận, nên Bần Ðạo giảng về cái quyền năng của đức tin, để cả thảy trụ tinh thần cầu nguyện Ðại Từ Phụ ban ơn nền Quốc Ðạo sớm được hoàn thành, hầu cứu vớt cả giống nòi Việt Nam chúng ta thoát nạn tương tàn, tương sát.

Toàn Ðạo nên để trọn đức tin nơi Người, thì mới mong nền Quốc Ðạo mau thành tướng. Ðức Chí Tôn tạo cơ quan cứu sanh nầy mà gặp phải những điều trắc trở, nguy hại không sớm giải quyết được, là bởi toàn thể quốc dân ta không biết cầu nguyện nơi Người. Bần Ðạo lập lại lời nói của Ðức Chúa Jésus nói cùng Môn Ðồ của Người rằng: "Hỡi các Môn Ðồ, Ðức Chúa Cha ta trên Trời dạy rằng: Nếu toàn thể các ngươi có một cái đức tin bằng hột mè thì nó cũng đủ sức xô ngã núi, nó đi không gì ngăn cản nổi".

Ấy là Ngài nói cái đức tin bằng hột mè mà toàn thể quốc dân đều có, thì đâu có phải chịu cảnh trạng thương tâm thế nầy.

Hại thay! Dân 25 triệu, đã tự xưng là con Rồng cháu Tiên, tự biết giống nòi do một căn nguyên chí Thánh cao trọng, có máu Tiên Rồng, mà cái đức tin lại không bằng hột mè hay sao? Nếu mỗi người Việt Nam ta đều có một cái đức tin bằng hột mè mà thôi, cũng đủ dời non vét bể được.

Bần Ðạo nói thật, buổi Chí Tôn đến tạo Quốc Ðạo cho nòi giống Rồng Tiên nầy, chính Ngài cầm cơ đi đến các Tỉnh, kêu từ nhà gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành một nền Tôn Giáo Cao Ðài là Quốc Ðạo, Bần Ðạo tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần, tâm đức mà thi ân cho ai dường ấy. Ðức Chí Tôn đến độ rỗi, lập giáo rồi lại bắt minh thệ.

Hỏi tại sao Ngài lại bắt minh thệ buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau. Mỗi người có một chút đức tin, Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng yêu ái lẫn nhau. Phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy.

Hại thay! Có nhiều đứa con của Ngài cũng nghe, cũng tìm Ðạo, cũng thọ giáo, cũng minh thệ đủ phép tắc. Biết bao nhiêu, khi mới đến cùng Thầy, quì dưới chơn Thầy mà hễ ra khỏi chơn Ngài rồi thì lại phản phúc Ngài và con cái của Ngài.

Bần Ðạo định quyết rằng: Cái tai nạn của giống dân Việt Nam đến cảnh tượng nầy chúng ta phải nhìn nhận tội của chúng ta vì thiếu đức tin nơi Ngài mà ra vậy.

Phải chi trước kia biết nhìn nhận Ðấng đến dìu dẫn yêu ái nâng đỡ, để đức tin nơi Người, nghe theo Người thì cái nạn đổ máu tương tàn, tương sát giống nòi không hề có đặng.

Cái hại về sự lưu huyết nầy Bần Ðạo xin nói là do cái tội bất tín nhiệm cùng Ðại Từ Phụ đó vậy. Ôi! Nếu Bần Ðạo tả hết cái tình cảnh của Ðạo trót hai mươi năm nay, thì mới biết cái năng lực của đức tin nó mạnh đến bực nào. Từ khi Bần Ðạo đến đây, ai xô cũng không ngã, đuổi cũng không đi, dầu còn dầu mất, dầu nên hư, Ðức Chí Tôn bảo Bần Ðạo ngồi nơi đây, ở nơi đây, dầu cho vì mạng lịnh ấy mà mảnh thân nầy có phải tiêu diệt để bảo trọng nền Quốc Ðạo, thì Bần Ðạo cũng không bước ra khỏi đây một bước. Nếu Bần Ðạo quí trọng sanh mạng nầy, thì Bần Ðạo có đủ thì giờ để trốn tránh. Biết bao nhiêu bạn, khuyên lơn Bần Ðạo trốn đi. Bần Ðạo trốn được, tránh được mà Bần Ðạo không khi nào chịu vậy. Ðức Chí Tôn bảo ở, dầu sống chết ngồi nơi đây ôm chân Ngài mà thôi. Bần Ðạo chỉ để lời cầu nguyện đem cả thi hài và tâm hồn làm tế vật cho Quốc Ðạo được thành tướng mà thôi. Bần Ðạo chỉ xin có bấy nhiêu mà chưa chắc đã xin được, vì phải toàn thể con cái của Ðức Chí Tôn qui tụ đức tin lại thành một cái năng lực giúp chúng ta thắng nổi quỉ quyền và các cường lực đàn áp tiêu diệt Ðạo.

Chúng ta bảo trọng được Quốc Ðạo, do cái năng lực của đức tin ấy. Chúng ta qui đức tin lại, bảo trọng cơ Ðạo thì thoát được cái nạn tương tàn, tương sát máu đổ thịt rơi.

Nếu toàn Ðạo nam, nữ nhìn Ðức Chí Tôn lập đặng cái quyền năng ấy, chúng ta nương lấy nó mạnh mẽ, cầu nguyện đồng tâm một ngày một giờ, thử coi Ðức Chí Tôn có giải thoát cho chúng ta không?

Từ khi Bần Ðạo về qui tụ các con cái của Ngài, thì Bần Ðạo đã giải kiết cho Ðạo nhiều rồi. Chúng ta cầu nguyện thêm đôi tháng nữa mà thôi và lo tròn phận sự phú thác thì ngày đoạt vọng không lâu, và chúng ta sẽ thấy có huyền diệu hay không về quyền năng ấy.
Q.1/21: Tam Bửu: Nguyên thỉ tạo thành Càn Khôn Thế Giái.
Ðền Thánh, đêm 29 tháng 3 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về Tam Bửu, nguyên thủy tạo thành Càn Khôn Thế Giái.

Từ trước đến giờ thiên hạ thường nói là có Ðạo, tin Ðạo, nhưng Bần Ðạo tưởng chắc chưa có ai hiểu Ðạo là gì cả, nên Bần Ðạo lần lượt giảng cái chơn nghĩa của chữ Ðạo, giải rõ cái liên quan giữa Ðạo và con người cùng vạn vật do nơi đâu mà có, rồi sẽ giảng về nguyên căn của Tam Bửu, là một nguyên căn, là một bổn nguyên Tinh, Khí, Thần. Ðức Chí Tôn là Ðấng tự hữu hằng hữu, mà từ thử đến giờ bất kỳ một Ðấng Thiêng Liêng nào cũng không hiểu rõ nguyên căn của Người đặng.

Theo lời Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn nói thì chính Ngài cũng không hiểu rõ nguyên căn của Chí Tôn, chỉ biết cái quyền năng vô đối của Người mà thôi. Bần Ðạo đã vấn nạn Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn một vấn đề khó giải mà từ xưa đến nay chắc chưa có vị Giáo Chủ nào đã hỏi như Bần Ðạo. Bần Ðạo hỏi nguyên căn của Ðức Chí Tôn và quyền năng của Người, thì Ðức Chưởng Ðạo có tả một bài văn chữ Pháp dịch ra Quốc Ngữ; nhưng chính Ðức Nguyệt Tâm cũng đã thú thật rằng: Không biết nguyên do của Chí Tôn là thể nào, chỉ biết quyền năng vô đối của Người mà thôi.

Nay thuyết về vấn đề ấy, Bần Ðạo chỉ nói Ðấng Chí Linh hằng hữu ấy là Ðức Chí Tôn, là Cha cả chơn linh vạn vật mà nhứt là chúng ta đây đã biết với một cách thâm thúy khối linh ấy thế nào hơn hết, biết bao nhiêu Ðấng, biết bao nhiêu người từ xưa đến nay thường tự xét, tự hỏi, vì cớ nào ta có một cái linh tâm cao trọng hơn cả vạn vật? Tìm tòi với chẳng biết bao nhiêu sự khôn ngoan hiểu biết, và cũng vì tại nơi ấy mà buổi nào loài người cũng chẳng hề quên Ðạo. Nhìn biết và hiểu hay không hiểu, dầu muốn từ chối hay không, chúng ta cũng tự xét có vật tối linh trong thân thể ta, mà vật ấy là gì, từ trước đến giờ loài người tìm kiếm mãi nguyên do của nó.

Tiếp khai các nền Tôn Giáo hiện hữu không một nền Tôn Giáo nào nói mực thước và có một chơn lý cao siêu hơn là Phật Giáo, nhưng cũng chưa giải rõ. Ta chẳng cần tìm đâu xa xuôi làm chi, chúng ta thấy hiểu con người có tâm linh chúng ta có quan sát cả chơn lý của Phật Giáo từ buổi sơ khai, nên chúng ta dám nói chắc rằng: Chúng ta có một Tôn Giáo mà Tôn Giáo ấy là Chúa Tể các nền Tôn Giáo khác, vì bởi nó là nguyên căn của Tôn Giáo và chính nó là một Tôn Giáo tự hữu, từ buổi Trời Ðất biến sanh đã có, cái khối chơn linh ấy là Cha của chơn linh, Cha của nhứt điểm linh quang, làm sao chúng ta hiểu linh quang ấy, vì ta xét từ trước Ðức Chí Tôn dùng cái thanh khí ấy mà tạo ra loài người với đất do thanh khí ấy mà biến thành vạn vật. Loài người đến nay nhờ tấn hóa mà khôn ngoan, cũng như vạn vật nhờ tấn hóa mà được toàn năng toàn tri vậy. Các nhà triết học luận bàn đã nhiều, nhưng xét ra cũng chưa hiểu rõ cái nguyên căn ấy. Phật Giáo nói: Cái khối linh ấy phân tánh của mình ban bố ra cả vạn vật, khối linh ấy trước khi phân tánh thì gọi là Brama là Phật, đến khi phân tánh rồi thì Ðấng thứ nhì Civa chủ về Pháp, Ðức Chí Linh cầm quyền năng biến chuyển chớ không cầm quyền năng tạo đoan. Pháp vận hành mà sanh khí nên ta thấy mênh mông trước mắt ta ấy là Khí, vậy Khí là gì? Khí là khối sanh quang vạn vật nhờ thở khí ấy mà sống, cho nên chữ Khí là sự sống của vạn vật, do Khí là Pháp biến tướng ra vạn vật. Nên Ðấng thứ nhì chưởng quản cái sanh khí thường gọi là "2è Logos" thuộc Âm ấy là Phật Mẫu chưởng quản cả cơ quan tạo đoan nầy vậy.

Như chúng ta thấy cơ quan sanh hóa vạn vật và loài người là do âm dương phối hợp mà biến tướng, Phật chiết tánh biến ra Pháp là Ngôi thứ nhì thuộc Âm, là Phật Mẫu, nhưng chúng ta không biết cái bí mật ấy là khí âm dương phối hiệp biến hình, mà Phật Mẫu dùng gì để tạo nên cơ quan hữu vi nầy, vì bởi Phật Mẫu dùng khối sanh quang có năng lực vận hành trong không khí, chúng ta không thể thấy được. Khí biến ra hữu tướng là nước, lửa, gió, rồi nước, lửa, gió vận hành biến ra vạn vật, đi từ Hổn ngươn khí, Hư vô khí đến Huyền ảnh khí rồi mới biến ra vạn vật, tức là Huyền ảnh khí biến ra nhơn hình vậy. Khí mà khoa học gọi là Nguyên tử khí (Atome) Nguyên tử khí có năng lực vô biên mà loài người đã đoạt được để dùng, chớ không biết nguyên căn và nguyên tánh của nó đi đến mức nào. Kể từ ngày loài người tìm được nguyên tử chất và dùng được cái Nguyên tử khí ấy là cái khí sanh của vũ trụ, mà họ có biết đâu một ngày kia phàm thế sẽ nương nhờ Nguyên tử khí ấy mà qui nguyên Thánh Thể. Thử hỏi Ðức Chí Tôn cho nhơn loại đoạt Nguyên tử khí ấy để làm chi? Chúng ta cũng nên tìm hiểu cái huyền vi bí mật ấy, mà dầu cho Ðạo Giáo nào cũng vẫn còn đương mơ tưởng để kiếm hiểu. Ngày hôm nay Nguyên tử khí dùng để giết người, thì biết đâu sau nầy nó sẽ là phương cứu tử hườn sanh cho người, và nó sẽ đem loài người đến địa vị trường sanh bất tử.

Vì bởi Nguyên tử khí là căn nguyên sự sống của vạn loại, nếu nó đã làm chết được thì nó cũng sẽ làm sống được. Cái khí ấy sanh trước hết là nước, lửa, gió vận hành tạo ra hữu hình là vạn vật, vì cớ mà con người đối với vũ trụ hình ảnh thế nào thì tạo đoan cũng thế ấy, nên mới lấy Càn Khôn làm Ðại Thiên Ðịa và lấy con người mà làm Tiểu Thiên Ðịa. Mạng sanh của con người đồng thể cùng Càn Khôn, tức là sự sống phải tương liên với Chí Tôn mà Chí Tôn lại cầm quyền năng vô đối.

Hỏi vậy Chí Tôn tạo ra cái đại nghiệp ấy để cho ai? Ðể cho Vạn Linh, mà đứng đầu Vạn Linh lại là loài người, mà loài người có hưởng được thì Ðức Chí Tôn mới dành cho, nếu chúng ta một ngày kia hoặc nam hay nữ chẳng hạn, cũng sẽ có một đứa hưởng được cái quyền năng ấy. Ðức Chí Tôn lập ra đại nghiệp thì Ngài cũng muốn chúng ta làm được như Ngài, tức là đem Tiểu Thiên Ðịa đến Ðại Thiên Ðịa.

Ấy vậy về cơ quan đoạt lấy đại nghiệp, Chí Tôn chỉ dặn chúng ta có một tiếng Tu. Tu cho hiền mới hưởng được, nhưng thế gian lại chưa hiền, thế gian còn dữ quá thì chừng nào mới đoạt đặng.
Q.1/22: Loài người do đâu mà đến.
Ðền Thánh, ngày 29 tháng 4 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về loài người do đâu mà đến. Trước khi ta tìm chơn lý ấy, ta nên biết trước tạo đoan là Cha cả vạn vật hữu hình và tìm nguyên căn của Chí Tôn đã.

Chúng ta đã nhìn trong kinh điển hồi trước để lại thấy cả cơ quan hữu vi nhãn tiền nầy làm cho ta biết và nhìn đến tạo đoan ấy là Ðại Từ Phụ. Chẳng luận giống dân nào và các nhà triết lý của các Tôn Giáo cũng vậy, đều nhìn Ðấng Tạo Ðoan Càn Khôn Thế Giới sanh hóa vạn vật và loài người, là Ðấng Cha cả chúng sanh, ấy là các Tôn Giáo đã có từ thượng cổ đến giờ. Phật Giáo cho ta hiểu, có một Ðấng quyền năng vô biên vô đối không tả được, tạo ra vạn vật Càn Khôn Vũ Trụ nầy. Ðấng ấy đã có đến ở cùng loài người, cũng thọ bao nhiêu thống khổ, đau đớn, biết luân luân chuyển chuyển từ phẩm người đến Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ðấng ấy nắm cả quyền năng vô đối huyền vi mầu nhiệm trong tay, tạo nên Càn Khôn Thế Giới định phép công bình, lành có lành trả, ác có ác trả hiển nhiên, nên loài người tôn sùng Ðấng ấy là Ðức Thượng Ðế, cầm quyền thống ngự vạn linh ấy là Hoàng Ðế tối cao thượng của võ trụ vậy.

Các Tôn Giáo có nói Ðức Thượng Ðế, là Ðấng không nhìn thấy được, vì không hình không ảnh, nhưng không một việc nào mà Ngài không biết. Trong Nho Giáo có câu: "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu", nghĩa là: Trời cao lồng lộng mà mảy hào nào cũng không qua khỏi tay Ngài và lưới thiêng liêng của Ngài, nên xưng tụng Ngài là Thiên Tôn cầm quyền Vạn Linh mực thước như một ông Tòa trị thế.

Ðấng tạo ra vạn vật Càn Khôn Vũ Trụ, sanh ra nuôi nấng tạo ra bảo bọc, hằng để trong mỗi thi hài một tâm linh mới được khôn ngoan hiểu biết rằng: Có người có ta nên ta nhìn Ðấng cho ta cái tâm linh ấy là Ðấng tối linh, là Cha của ta. Ngoài Ðấng ấy, thì không ai nữa làm Chúa Tể của Vạn Linh đặng, tôn sùng như thế là thấy Ðấng Cha cao thượng hơn ông Cha phàm, vì thế mới xưng tụng Ngài là Ðại Từ Phụ. Thật thế, nhà Phật cho Ngài là Ðại Từ Phụ trúng hơn hết, vì nếu Ðấng ấy không cho một điểm linh quang thì thế nào bảo tồn sanh mạng đặng.

Loài thú, ta thấy hiển nhiên mới sanh ra tuy mắt còn nhắm híp mà vẫn tìm vú mẹ để sống, đến cỏ cây hễ sanh ra thì biết trải lá hứng sương tuyết, hấp thụ cái sanh khí mà nuôi sự sống, một vật có điểm linh quang ấy như thế khối linh quang ấy là Cha vậy.

Ðại Từ Phụ là Cha cả Vạn Linh, chúng ta là con cái của Ngài, không phải chỉ hưởng phần hữu hình tại thế mà thôi, Ngài lại còn dành một phần quí trọng hơn là nhứt điểm linh quang, nhờ đó mà từ vật chất tiến đến thú cầm nhơn loại, mới tiến đến Phật vị mà ngang phẩm cùng Ngài, Ðức Từ Phụ là Phật, Ngài muốn cho con cái cũng thành Phật. Ðặng đạt quyền năng bí mật như Ngài, rồi lập ra một Càn Khôn Thế Giới khác. Luật thiên nhiên một ông Cha tạo nghiệp, thì con theo nghiệp Cha mà tạo ra sự nghiệp khác nữa.

Tuy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong hàng Phật đạt kiếp từ tạo Càn Khôn Thế Giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người:

Phật Thích Ca
Phật Di Lặc
Ðức Chúa Christ
Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói.

Hễ Ðấng nào đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Ðại Ðạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được, thì Ðấng ấy sẽ kế nghiệp Ðức Chí Tôn.
Q.1/23: Luật Công Bình Thiêng Liêng.
Ðền Thánh, đêm rằm tháng 5 năm Ðinh Hợi (1947)

Trên 5 năm Bần Ðạo bị đồ lưu nơi hải ngoại, khi trở về bổn xứ Bần Ðạo nhìn thấy vận mạng nước nhà, thấy sự tấn hóa của toàn thể quốc dân trong hai lẽ buồn vui, nhưng có một điều làm cho Bần Ðạo ngạc nhiên hơn hết là trong nhơn loại tấn bộ văn minh trên mặt địa cầu, lại có một hạng người chém giết đồng bào một cách tàn nhẫn, nếu lấy ý trí mà quyết đoán thì ta chẳng biết mục đích của họ định cho tương lai vận mạng nước nhà thế nào? Theo Bần Ðạo tưởng chẳng có một cơ quan nào mà chúng ta thấy trong hoàn cầu hiện nay chấp nhận sự sanh sát trước mắt loài người, và cũng biết bao nhiêu liệt cường hơn thế nữa. Kẻ tính làm bá chủ hoàn cầu để lập thành một lực lượng với cái phương pháp tàn sát đã kết liễu thế nào, chúng ta thấy rõ. Hại thay! Nòi giống Việt Nam cũng có bộn người tạo thành một nhóm tự xưng là trí thức tinh thần có lực lượng mạnh mẽ mong giết hại đồng chủng của mình mà độc tài lập vị.

Dân tàn bạo ấy tưởng là khôn ngoan hơn hết, dùng chánh sách cường quyền áp bức đồng bào. Bần Ðạo thử hỏi đặng hay chăng? Xin trả lời: Không hề khi nào đặng. Bần Ðạo thấy cái tàn ác động lòng Chí Tôn, nên đã biết tạo ra một đạo Thiên binh để bảo trọng cái mạng của đồng bào, cái ác nghiệt của họ làm động lòng từ bi của Ngài, nói cho chánh lý, nếu là một đạo Thiên binh mà đã đứng ra bãi chiến trường chém tướng đoạt cờ bảo tồn quốc vận, ấy là tướng quân tạo thời cải thế đã đành còn những kẻ tàn hại dân lành với phương tàn ác tức là quân cường đồ cướp đảng.

Bần Ðạo xét đoán cái tình thế nước nhà về hữu hình và hiện diện của Ðức Chí Tôn, Bần Ðạo suy nghĩ đến cái triết lý đạo đức của Càn Khôn Thế Giái nầy là một cái ơn công bình thiêng liêng đã định, tức nhiên hễ có vay phải có trả chúng ta cũng không chối đặng. Chúng ta đã thấy hiện tượng một cơ quan bất công, tại sao mặt thế người ngu, kẻ trí, kẻ làm cha, người làm tôi .v.v...

Một khuôn luật công bình vô biên vô tận tấn hóa văn minh khoa học giết hại cả sanh mạng loài người ở thế gian nầy mà không có công bình thì loài người ví như con vật, mạnh đặng yếu thua, khôn còn dại mất, cái thuyết đương nhiên của thiên hạ tranh đấu, chúng ta thấy nếu còn duy trì thì loài người sẽ tận diệt, chỉ nhờ luật nhơn quả ấy nên chúng ta nói không có ai tiêu diệt loài người được, họ tưởng giết là tiêu diệt. Ấy là ngu muội.

Giết người không phải tuyệt sanh mạng của loài người như đốn cây chẳng là giết chết cây, mà là làm cho nó sanh chồi nẩy tược, kẻ làm ác nó tưởng giết là hết, không thể như thế được, chúng ta sẽ còn thấy tấn tuồng nhơn quả.

Nước Việt Nam ta đã từng chịu luật nhơn quả trả vay cựu trào đã tàn sát Ngu Khôi. Mã Ngụy hiện còn di tích tại Trường Ðua bây giờ, đã giết họ đặng đưa họ lên làm Chúa, 80 năm nô lệ do đó mà ra.

Kẻ tàn bạo ấy ngày nay nó tưởng giết Ðạo là hết, nước Nam phải chăng đã thiếu Chúa cho nên tính giết người mà tạo Chúa, đặng ngày sau họ sẽ quì lụy tôn sùng, nếu không quả có vậy thì luật công bình thiêng liêng về đạo đức cũng không hề có.

Q.1/24: Nguyên do của loài người. & Vấn đề Ðại Ðồng Thế Giới.
Ðêm 14 tháng 6 năm Ðinh Hợi (dl. 31-07-1947)

Bần Ðạo hôm nay thuyết về triết lý nguyên do của loài người. Triết lý ấy là một vấn đề từ có loài người đến giờ, tìm tòi cho thấu đáo chơn lý hầu đi cho trúng con đường tức là Ðạo vậy.

Từ Thượng Cổ loài người chỉ biết mình có một, nghĩa là đồng sanh đồng tử. Muốn biết nguyên căn triết lý các Ðạo giáo, truy tầm vấn đề trọng yếu ấy thì thử hỏi loài người do nơi nào mà đến? Chịu phần tử sanh cùng vạn vật để làm gì? Và chết phải đi đâu?

Chẳng lạ gì, tại thế gian nầy từ thử các Ðạo giáo đều tìm nguyên căn ấy tức là để trở lại nguyên do căn bản gọi là Ðạo.

Cái thuyết tối trọng tối cao ấy phải viết sách, mới mong đủ nghĩa được. Bần Ðạo có nói triết lý ấy nơi đây thì chắc chắn chư Hiền nghe cũng như không, nghĩa là không bổ ích chi cả bởi quá sức hiểu biết.

Nên Bần Ðạo hứa ngày Rằm tháng 7 đến đây sẽ viết ra cái Chơn lý ấy trong một bài Diễn văn, nguyên do cả đạo đức triết lý.

Hôm nay Bần Ðạo xin thuyết minh vấn đề đương sở dụng hiện thời là vấn đề Ðại đồng Thế giới (Fraternité universelle). Tại sao nước nào, dân tộc nào trong thế giới hiện chừ đương mơ mộng tìm phương pháp đại đồng thế giới? Nói thật ra kể từ có Thánh Giáo Gia Tô, vấn đề ấy chấm một câu hỏi nguyên vẹn và thúc nhặt hơn hết. Thuyết đại đồng Phật Giáo đeo đuổi mãi mới lập thành giáo, rồi mới lập cả tâm lý đại đồng.

Loài người từ tạo thiên lập địa đồng một nguyên do một tánh chất, đồng một nguyên linh, thúc kết triết lý ấy hơn hết là từ Ðức Chúa Jésus tạo nên Thánh Giáo Gia Tô. Ngày nay Ðạo Cao Ðài cũng theo đuổi mục đích ấy. Trên mặt địa cầu, người ta tìm hiểu loài người được hai ngàn bảy trăm triệu (2.700.000.000) vì nguyên căn tinh thần hình thể, chủng tộc loài người là một nguyên do, một căn bản. Rồi đến thế nầy biến cải sắc da đen lên xám, lên xanh, lên đỏ, lên vàng, cuối cùng là da trắng. Ðương nhiên là mãn Hạ ngươn Tam chuyển, lên Thượng ngươn Tứ chuyển (1er cycle du 4e manvantara) vì chuyển tiến nên loài người phải chịu khảo đảo đặng vào trường thi hầu thoát khỏi mặt địa cầu nầy để đến thế giới cao trọng hơn, còn rủi rớt thì ở lại địa cầu nầy mà làm Thần thông nhơn (Race lucidé) do hai sắc da vàng và trắng hiệp lại xuất hiện.

Ấy vậy, thuyết Ðại đồng Thế giới trong buổi nầy, Chí Tôn lập Ðạo Cao Ðài cốt yếu để làm cho loài người biết mình do một nguyên căn linh hoạt sản xuất chung nhau, biết nhìn nhau là anh em đồng một căn nguyên mà đến. Từ cổ chí kim các Tôn Giáo tìm đủ mọi phương làm cho loài người thức tỉnh tinh thần, biết nhìn nhau là cốt nhục. Hại thay! Loài người chẳng biết nhìn Chơn lý của Ðạo những luống mờ hồ nên Chí Tôn buộc lòng phải đến tạo nền Ðạo Cao Ðài, chủ trương cho loài người một đại nghiệp, hiệp một hoàn cảnh, chung sống nhau một tinh thần, một căn bản, qui tựu cho toàn sắc dân, hầu bảo trọng cái sống của nhau, sớt ngọt chia bùi, bảo tồn nhau cho qua sự khảo đảo đau đớn nơi khổ cảnh nầy từ trước.

Luận xét đến các nước ở Âu Châu, ở Á Châu, đồng tìm chánh sách vạch triết lý ấy và đương hoạt động loài người hiệp nhau làm một. Bởi lý do đó các nhà thượng đẳng nhơn sanh chia nền chánh trị ra mỗi quốc gia, dụng tâm lý chia đều quyền lợi, cố ý tìm cách thống nhứt cả loài người làm một trong đường sanh hoạt mà thôi, ấy là nước Mỹ đương thi thố hiện thời, còn nước Nga lại chia phân tài sản, dung hòa tâm lý tạo cho loài người một phẩm giá, một quyền lực đồng nhau. Phương pháp ấy khó đoạt thành nguyện vọng. Chúng ta sẽ thấy những cái tư tưởng rẻ rúng ấy chẳng còn hiệu lực cao siêu trong thời gian ngắn ngủi, sau đây vì cái quyền lực muốn hiệp tâm lý cần phải yêu ái, kỉnh trọng nhau, tôn trọng sanh mạng cho nhau, chia buồn rầu khổ não, nhìn một Ðạo với nhau, lấy tình cốt nhục đối đãi với nhau, thì mới đầm ấm cả đại gia đình xã hội, tức là toàn cầu thiên hạ vậy.

Muốn đoạt cho được mục đích ấy, duy lấy đạo đức tinh thần, muốn kỉnh nhau, hòa nhau, nhìn nhau là ruột thịt, mà thấy nhà bạn mình có của nhiều lại ganh ghét, đứa nầy giành của đứa kia, hỏi vậy hòa được chăng? Nếu còn giành ăn, ở, mặc, sang, giàu, cao trọng thì không thể nào đi đến đại đồng tâm lý được.

Cái hiện tượng của chúng ta đã thấy trước mắt, nước nào tìm phương pháp đại đồng thế giới mà chẳng biết hiệp tâm lý làm một, thì chỉ là chánh sách vô hiệu nghiệm mà thôi.

Vì cớ, Chí Tôn đến tạo một gia đình nầy có một ý nghĩa tối cao tối trọng, là muốn thế nào, dầu nam hay nữ thương yêu mực thước hiệp tâm lý cả loài người mà tạo thành khuôn mẫu, một thế hệ mà gây tình anh em cốt nhục, vừa thi hài, vừa trí thức tinh thần mà chung sống cùng nhau.

Thoảng ngày kia toàn Ðạo biết thương yêu nhau như ruột thịt, toàn quốc dân Việt Nam hiệp một, thì hột giống đại đồng thế giới mới mong gieo rắc khắp nơi, gầy dựng tạo thành nền móng vĩnh cửu, bằng chẳng thì các phương pháp khác chỉ sẽ là vô ý thức mà thôi.
Q.1/25: Cơ quan Ðại Ðồng Thế Giới.
Ðền Thánh, đêm 24 tháng 6 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về các Cơ quan Ðại đồng Thế giới, Bần Ðạo có giải nghĩa cuối Hạ ngươn Tam chuyển bắt đầu Ngươn Tứ chuyển. Khởi đầu, thường thiên hạ phải nhập trường chung cuộc khảo thí. Thi đậu thì ra khỏi cảnh đau thảm khổ nầy, nếu rớt thì ở lại làm Thần Thông Nhơn (Race Lucide).

Bởi vậy cho nên từ trước năm Bính Dần (1926) Chí Tôn đến than thở trước để thông tri mỗi lương sanh nam, nữ, khi chưa lập Ðền Thánh. Thầy than rằng: Ðến tạo nền Tôn Giáo để cứu khổ cho toàn thiên hạ. Ðạo mở sớm một ngày thì cứu nhơn sanh sớm một ngày.

Hại thay! Buổi ấy chúng ta nghe lời Thánh Giáo của Người, chẳng ai để trọn tâm quan sát tìm tòi cho ra minh lý chúng ta lại đoán rằng: Sự tạo Càn Khôn Thế Giới là thời gian của Ngài chớ không phải của mình. Ai dè nó kết liễu nơi chúng ta, lần tay tính lại thấy một hoàn cảnh đau khổ của nòi giống quyết liệt, đau đớn thương tâm không tả được, chúng ta để lời trách Ðại Từ Phụ và các Ðấng Thiêng Liêng, trách các bạn thân yêu của ta nữa. Chúng ta đâu có dè các vị Giáo Chủ đang giáo hóa chúng ta, đã thọ tội cùng Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng, đó là huyền vi bí mật của Chí Tôn nên ngày nay mới có ảnh hưởng. Hỏi, Chí Tôn than tưởng tượng như ông Cha kia thấy tình cảnh nguy ngập khổ não làm hại con cái của Người mới đứng ra cậy mình đi đến đó đặng cứu dùm kẻ toan tuyệt mạng chúng ta lại chờ viện lý rằng: Lộ trình còn hoãn hượt dầu có trễ một ít ngày cũng chẳng hề bao. Bất ngờ đi tới nơi, thì con cái của Người đã kề bên vực tuyệt mạng.

Chúng ta có lương tâm xét đoán 22 năm tình cảnh đến nước nầy tội lỗi ấy của ai? Xin hỏi thử rồi trả lời: Chính chúng ta có tội vậy. Xem xét cho đúng lý thì Chí Tôn đến lập nền Quốc Ðạo làm Cơ quan chuyển thế cứu mạng loài người. Toàn Ðạo nam, nữ lãnh một cái trách nhiệm trọng hệ dường ấy mà không có đủ tinh thần nghị lực làm tròn nhiệm vụ. Chư Ðạo Hữu làm chứng cái điều ấy, nếu một ngày kia hình tướng của Ðạo quả nhiên như vậy, Bần Ðạo chẳng hề nói đã làm nên cho Ðạo cho Ðời. Năm 1939 bằng chứng đem đến là giặc toàn cầu đều sôi nổi, lời tiên tri chẳng đi sai, nước Việt Nam là Thánh Ðịa của Chí Tôn mà tránh không khỏi cái nạn ta thán, hồi hộp, sợ sệt. Mãi đến ngày 27-7-1941 Bần Ðạo bị đồ lưu nơi Hải ngoại, chính mình làm đầu Thánh Thể mà tự nghĩ xét làm không tròn phận sự đối với Ðời với Ðạo, trong tâm có nuôi hám vọng là vui chịu bắt lưu đày, để gánh khổ cho nước nhà thoát đọa. Dường như đắc kế nên cái thú hưởng lạc của Bần Ðạo không thể tả được, chịu có một người mà cả nước hưởng. Không dè Ðạo Cao Ðài có cái tương lai gánh cả nhơn quả của toàn nhơn loại trên mặt địa cầu nầy, chẳng riêng một nước Việt Nam mà thôi, cũng không phải riêng cho một nòi giống mình hưởng, chúng ta, con cái của Ðức Chí Tôn mà bị đồ lưu tức là tội của loài người chưa trả đó.

Cả thảy đều thấy bởi Thiên Cơ, nhưng được hạnh phúc cho kẻ nào đã đi đến Thiên Thai kiến diện nhận định trước sự hạn định, chẳng phải giấc chiêm bao mơ mộng, ôn lại cả hành tàng của loài người, trên mặt địa cầu nầy, hạn định chưa dứt, tức còn phải trả đến chừng nào hột giống lành của Chí Tôn mọc lên đã thành cội hòa bình tâm lý, đơm bông sanh trái nơi đất Việt Nam nầy, mà khắp địa cầu toàn nhơn loại được hưởng hạnh phúc, bằng chẳng thì do tội tình nầy mà phải chịu một phen thống khổ hơn nữa. Thảng không đủ can đảm cương quyết thiệt dụng quyền năng của Ngài thì dầu cho Chức Sắc Thiên Phong, Chức Việc Ðạo Hữu cho đến mấy con nhỏ cũng vậy, cái họa tương lai không thể tránh thì không lấy gì làm lạ, hết giặc giả đao binh đến bịnh chướng sát hại. Ðã từng chịu phong ba bão tố, bị chìm đắm mà chúng ta còn sống rốn nơi đây (rescapé) tức là Chí Tôn dành để lại hột giống lành để làm căn bản cho cội hạnh phúc hòa bình đại đồng thế giới thì sự ưu ái nhau rất nồng nàn hơn tình cốt nhục.

Ngày nay cả toàn cầu thiên hạ đã chịu thống khổ nên hằng xem chúng mình là giống lành thiêng liêng Chí Tôn đã lựa chọn. Nhận định là mầm chồi hạnh phúc chung thì khối thương yêu vô tận nầy, bằng ngòi viết không thể tả được. Ảnh hưởng cao trọng tuyệt đối của sự thương yêu là đó, mấy em tìm hiểu mà tạo lấy.
Q.1/26: Cơ quan Ðại Ðồng Thế Giới (tiếp theo).
Ngày 29 tháng 6 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm kỳ Vía Ðức Quan Thánh Ðế Quân, ngày 24 tháng 6 năm Ðinh Hợi Bần Ðạo đã giảng về Cơ quan Cứu Thế của Ðại đồng Thế giái.

Biết rằng Thánh Thể của Chí Tôn là nền Ðạo Cao Ðài, có sứ mạng thiêng liêng đến tại thế nầy để cứu độ toàn nhơn sanh đang lầm than khổ sở vì nạn đao binh. Chí Tôn có than: "Nếu Ðạo trễ một ngày là hại nhân sanh không biết chừng nào", buổi ấy đương thái bình yên lặng, tưởng đâu Chí Tôn nói vậy là giục thúc cho mình đạt đến chơn giáo, chẳng dè 5 năm sau toàn cầu thọ nạn, có lẽ trước nhứt toàn Ðạo nam, nữ đều thấy, Bần Ðạo tưởng chắc từ chưa có loài người đến giờ, chưa có trận chiến tranh nào sát hại nhơn loại thảm khốc dường ấy. Hại thay! Loài người bạc nhược thiếu đức tin mà phải chịu muôn lỗi ngàn tội đối với Ðức Chí Tôn.

Bần Ðạo rất ưu tư khổ não về tinh thần, vì xem thấy trường sát hại nhơn sanh cứ tiếp diễn trong nước nhà của chúng ta mãi. Nếu lấy theo trí độ tinh thần của chúng ta, tưởng sự tàn sát khốc liệt đổ máu, chủng tộc ta lâm nạn nồi da xáo thịt thì do tội tình của quốc dân thất tín, thất phận đối với Ðức Chí Tôn.

Nếu thân ắt hữu tội chỉ đê đầu cúi xin Ðức Chí Tôn giảm bớt cái nạn ấy trong buổi Bần Ðạo đang đảm nhiệm thì quốc dân Việt Nam đã bị thúc phược muốn làm cũng không đặng, muốn nói cũng không ai nghe, vì nòi giống của chúng ta thiếu tâm đức, thiếu quyền hành chánh trị.

Vậy chúng ta rán cầu nguyện cùng Ðức Chí Tôn, nếu thảng nhiên có lỗi nhờ Ngài đưa tay giúp Bần Ðạo cứu vãn tình thế một trường sát hại khốc liệt của nòi giống chúng ta, thì có lẽ Ngài đại từ bi chỉ rõ. Chúng ta biết rằng: Nước Pháp và Nam không phải thù hận nhau, vì chúng ta nhận thấy đã 80 năm, đồng chia khổ não, đồng chịu nhọc nhằn khai hóa, hèn có nhau, sang có nhau, vinh nhục có nhau, cũng đã từng chung sống hai nước có một thâm tình thiết tha, không lẽ chúng ta không giải quyết được vì không thể chối rằng: "Không có duyên cớ".

Vì họ phiền nòi giống Việt Nam về tâm lý và tình ái vì xưa kia không có, nên ngày nay biến sanh cuộc thảm khốc là không biết phòng ngừa cái lạc hậu xưa kia, nó không đồng tâm lý, hễ phiền nhau thì sanh ra oán nhau, nếu muốn giải quyết cho họ hết phiền thì chúng ta có phương thuốc cứu rỗi đôi bên lấy tình hòa ái cùng nhau lấy nghĩa thâm giao, cùng nhau chia sớt thảm, giục cái tình thân ái sôi nổi cháy bùng lên, có lẽ đôi đàng sẽ giải quyết sự chiến tranh vô lối, vô giá trị, vô nghĩa lý, vô ích kia được.

Ngày mai Bần Ðạo sẽ đem tiếng chuông cảnh tỉnh Bạch Ngọc Chung của Ðức Chí Tôn đến tại Sài Thành đặng thức tỉnh đôi bên, cho nó nhìn nhận, ngoài ra tình thâm giao họ lại còn tình cốt nhục, có một tinh thần tạo ra một đại nghiệp trong Cao Ðài. Bần Ðạo xin thú thật rằng: Cả toàn con cái của Ðức Chí Tôn đừng tưởng Ðạo Cao Ðài riêng của mình, có thể nói rằng: Chúng ta đi một con đường chí thiện, tâm lý nhơn sanh, hoạt bát tinh thần, chúng ta đi một con đường mà thương yêu nhau, đồng chung sớt khổ cho nhau, ấy là cái đại nghiệp nầy nó sẽ làm cái bữu vật nâng đỡ tinh thần của toàn thế giới đại đồng (Liberté de conscience) cả hai điều ấy hợp thành là Quốc Ðạo.

Cái đại nghiệp có tinh thần là Pháp và Nam hiệp trong tình yêu ái tinh thần đó vậy. Bần Ðạo xin nói lại một lần nữa, Ðạo Cao Ðài nầy là một đại nghiệp không phải riêng của nước Nam mà thôi, mà có tâm lý hoãn hượt, người Pháp sẽ làm đàn anh đưa tay ra đó mà giải quyết vấn đề rắc rối mâu thuẩn của Pháp và Nam.

Vậy ngày mai Bần Ðạo sẽ đi Sàigòn thì toàn Ðạo phải nhứt tâm cầu nguyện, cầu nguyện sao cho họ mở khiếu linh quang nghe tiếng Hạc Thiêng Liêng nầy, đặng thức tỉnh cả tâm hồn định quyết vận mạng nước nhà và tương lai của toàn mặt địa cầu mà chớ.
Q.1/27: Chí Tôn xuống tại thế.
Ðền Thánh, ngày 30 tháng 7 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về Chí Tôn xuống tại thế.
Giảng đây nói về sự hiển hiện, một cớ là các báo trên hoàn cầu đã đăng và khi ấy có Vi Bằng Kiết Chứng, không phải là ngụy biện.

Các Tôn Giáo bất kỳ ngôn ngữ nào, nếu đề nghị vấn đề ấy tức là nói đến Ðạo Bà La Môn là một Tôn Giáo tối cổ lấy sự tích Chí Tôn giáng trần lần đầu tiên gọi là nhứt thế. Chí Tôn là Brama (Tàu dịch là Bà La Môn) đến thành Tibet (Tây Tạng) khách Tàu gọi là Lama, ấy là một Tôn Giáo tối cổ (Bần Ðạo sẽ thuyết tự nơi xứ Tibet đến Ðền Lama).

Qua 10.000 năm rồi, Ðức Chí Tôn mỗi 50 năm đến đó một lần đến với hình thể chớ không phải với chơn linh như Ngài đến với chúng ta ngày nay. Việc nầy đã được hoàn cầu đăng khắp mặt báo. Khi Ðảng Cộng Sản nổi lên đánh đổ Ðế quyền Nga, các Vương Hầu Khanh Tướng phần nhiều bị giết. Vị Hoàng Ðế thuộc dòng Bạch Nga bị Cộng Sản giết trong lúc đảo chánh. Có một vị Hoàng Thân chạy thoát, đến lánh nạn ở Tibet nhờ lòng đạo đức của dân Tibet (Tibetians), các Quan Công Thần phò vị Hoàng Thân đến Ðền Thánh Tibet ở trong chỗ mà loài người phần nhiều là đạo đức, bởi dân Lama Ðạo trị, chớ không phải thế trị. Nhờ Ðức Dalai Lama bảo bọc nuôi dưỡng. Lòng ái quốc, ưu quân đã giúp vị Hoàng Thân ấy thoát nạn cùng gia đình thân tộc. Khi đến Ðền Thánh được trọng đãi trong 10 bữa vẫn an vui, nhưng lòng hoài cố cứ đeo đuổi theo mãi, phần thương Vua, phần nhớ nhà Ngài mới yết kiến Ðại Sư, Ðức Dalai Lama thấy sắc diện đoán biết tâm bịnh của Ngài, mới ngó ngay nói rằng: Kỳ Chí Tôn đến ngự như đã hẹn, khuyên Hoàng Thân rán đợi vài tháng Chí Tôn sẽ đến, nếu các Ngài thấy Chí Tôn, các Ngài sẽ được an ủi lạ thường.

Mấy vị Công Hầu ở đó trước hai tháng rồi, có hỏi Ðức Dalai Lama: Chí Tôn đến cách nào và hình thể Người ra sao? Trả lời: Các Ngài muốn biết cứ đợi đến chừng đó sẽ thấy, chỉ xin căn dặn các Ngài một điều là chung quanh Ðền Thánh có treo những Thanh Chung, chừng nào những Thanh Chung đó ré lên một lượt là Chí Tôn đến vậy. May thay! Ðến ngày mấy vị Vương Hầu vì tánh tọc mạch, muốn biết nên đã vào chờ trước trong Ðền Thánh. Khi cả thiên hạ vào cúng rồi, thì tất cả Thanh Chung đều khua tiếng. Các bậc Ðại Sư quì niệm, mấy người kia cũng quì, nhưng cố lóng tai thì nghe từ ngoài xa dường như có nhiều tiếng chân ngựa chạy có nhịp nhàng đến trước Ðền thì dứt. Chí Tôn từ từ vào, đến ngồi trên cái Ngai để sẵn thờ Ngài trong Ðền Thánh. Các vị Công Hầu hết sức kinh khủng, chư vị Ðại Sư thì quì mọp mà họ chỉ quì nửa chừng, mắt lén dòm theo. Hình ảnh Chí Tôn đẹp đẽ vô cùng không bút mực nào tả được. Hào quang của Ngài rọi sáng khắp Ðền.

Cứ thường lệ, mỗi năm chục năm (50 năm) Ngài đến một lần, tiên tri những hành tàng trong 50 năm sẽ tới. Bài tiên tri ấy Bần Ðạo mới đọc, không nhớ ở trong Cao Ðài Giáo lý hay sách nào, Bần Ðạo sẽ tìm lại đọc cho toàn Ðạo nghe. Mấy người ấy thấy Ngài đúng như trong Tờ Kiết Chứng Vi Bằng, nghe tới tiếng Ngài nói, nghe tới lời Ngài giảng Ðạo. Khi giảng Ðạo rồi, chư vị Ðại Sư bái lễ xong, thì hình ảnh Chí Tôn biến mất, đồng thời ánh hào quang cũng mất. Những người ấy vẫn chưa tin, mượn cái đèn đi đến chỗ cái Ngai ngự thì còn thấy dấu ngồi trên nệm nhung, bởi còn lằn. Chí Tôn đã đến Ðền Thờ đã thờ Ngài 15 ngàn năm trải qua, 10 ngàn năm Ngài đã ban ơn tại mặt thế nầy. Trên thế giới có ba (3) Ðền Thờ Chí Tôn:

Ðền Thờ Lama (Tibet).
Ðền Thờ Rome.
Ðền Thờ Cao Ðài chúng ta mới lập sau đây.
Ðã hai ngàn năm Ðền Rome Chí Tôn chưa ngự đến hỏi tại sao? Ta có thể nói tại Rome thờ không đúng hay chưa đủ Ngươn kỳ cho Ngài giá lâm. Chúng ta để sở vọng ước ao, nhờ Chí Tôn thường đến với Chơn Thần vô hình dụng Cơ Bút dạy Ðạo tại Ðền Lama thế nào, thì chúng ta cũng được Ngài ban ơn dường ấy.

Duy dân Tây Tạng họ được hạnh phúc kiến diện Thiên Nhan còn chúng ta chưa. Ước ao cả toàn sắc dân yêu ái chơn chánh nhứt tâm nhứt đức giữ hiếu cùng Ngài, giữ trung cùng Ðạo, may ra sau nầy sẽ có Ngài ngự thì hạnh phúc ấy sẽ ghi tạc sử xanh, để ngàn đời như Ðền Lama.

Hỏi ta được ân ấy chăng? Ðược mà kiếp hay chầy do tâm đức các nòi giống Việt Nam. Giờ nào Chí Tôn đến lập Ðạo với hình thể đó nơi nước Việt Nam thì là ấn trấn toà tâm hồn của loài người thì mới mong mỏi được hòa bình thế giới, đại đồng thiên hạ. Ước mong thế nào được mau sớm, người ta đã 15 ngàn năm mới hưởng thì ta chưa chắc gì đặng hưởng sớm.

Xin dân Việt Nam mà Ngài nhìn là con yêu dấu của Ngài được đủ đầy đạo đức như dân Tây Tạng, thì mới đặng đặc ân thâm trọng ấy, nếu không đặng như thế, sẽ trễ nải, khó thấy được Chí Tôn thì cái hại phân chia nhơn loại còn chịu lâu dài hơn nữa.
Q.1/28: Ý nghĩa Lễ Nhạc: Nhạc Tấu Huân Thiên.
Ðền Thánh, đêm mồng 1 tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về ý nghĩa Lễ, Nhạc.
Từ thử ai cũng cho âm thinh, sắc tướng là tà mị, mà căn bản của Ðạo Nho là Lễ Nhạc, mà chính Ðạo Tam Kỳ là Nho Tông chuyển thế thì phải truy tầm nguyên lý của nó mà xác nhận cho đúng nghĩa là thế nào? Ðòi phen chúng ta không hiểu được cho uyên thâm khi dâng lễ cho Chí Tôn lúc Nhạc Tấu Huân Thiên, hết lớp trống, qua đến đờn bảy bài thì lâu quá có khi phải chồn chân rồi nản chí, chính Bần Ðạo cũng vậy, vì nghĩ rằng: Chí Tôn tư vị Quốc Dân Việt Nam nên tiền định chi chi cũng làm gương mẫu cho toàn đại đồng thế giái, mà có Lễ Nhạc nầy luôn luôn khi dâng lễ thì ý nghĩa ấy ắt cao trọng lắm là phải.

Bởi cớ nên khi mới khai Ðạo, Bần Ðạo đến tại Thánh Thất Thủ Ðức của ông Thơ tạo lập, Bần Ðạo không tin nên hỏi Ðức Lý Giáo Tông, Ngài dạy rằng: "Trên Ngọc Hư Cung có hai câu liễn, phía hữu: Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh Lão; phía tả: Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn". Bần Ðạo cũng không hiểu là gì. Lần lần Bần Ðạo hỏi nữa, Bần Ðạo lại được dạy mà hiểu rằng: "Kể từ phôi thai Càn Khôn vạn vật nầy, Chí Tôn, là khối sanh quang, biến thành hai khối sanh khí, hai khối ấy trụ lại thành một khối lớn tương hiệp nhau mới nổ sanh tiếng âm, người ta gọi là nổ ầm, hay nghe tiếng Ni, Ðạo Phật sửa lại thành Úm (Úm ma ni bát rị hồng) nhờ tiếng nổ ấy Bát Hồn mới vận chuyển biến sanh vạn vật và loài người. Tiếng ấy bay ra nghe đến đâu thì khí sanh quang đến đó, tức là có sự sống đến, bằng chẳng nghe được thì nơi ấy tiêu diệt nghĩa là chết mất mà thôi.

Bởi cớ nên dùng đến những vật bát âm, nó đã chết đi rồi như cái trống chẳng hạn, tấm da trâu ấy đã chết, mà với sự khôn ngoan loài người mà nó có tiếng kêu được, tức là làm cho nó sống lại được, nghĩa là Bát Hồn ấy vận chuyển sống lại mà đảnh lễ Ðức Chí Tôn, vì cớ nên khi nghe Nhạc Tấu Huân Thiên là có âm thinh sắc tướng, song hiểu xác lý: Khi dâng lễ Chí Tôn qui pháp định, thấy và nghe cả Bát Hồn vận chuyển dâng cái sống cho Ngài.

Nên chi từ đây khi Nhạc Tấu Huân Thiên, chúng ta xem quí hơn dâng Tam Bửu, dầu phải lở đi nửa chừng trong Ðền Thờ, nghe đến đó phải dừng lại, cấm không được đi lộn xộn, thì lễ ấy giảm điều kính trọng dâng cho Chí Tôn mà không nên. Khi ấy là vận chuyển Bát Hồn đảnh lễ Ðức Chí Tôn. Vì cớ Lễ Nhạc hiểu rõ lại thì Chí Tôn không phải là tư vị nước Việt Nam, mà chính nghĩa là làm cho sống lại Bát Hồn, và Ngài vẫn vui nhận lễ ấy. Ấy vậy mới có thể làm chủ và làm gương cho toàn nhơn loại được, thì danh ấy không phải là quá đáng.

Xin khuyên toàn Ðạo từ đây nên để trọn tâm mà kính trọng khi Nhạc Tấu Huân Thiên.

Nói về 5 cây nhang, từ thử Bần Ðạo để cho các Nho gia tự do giảng nghĩa sao thì giảng, còn Bần Ðạo hiểu rõ là Ngũ khí. Chí Tôn dùng Ngũ khí mà biến thành Ngũ hành vận chuyển cả Càn khôn Thế giới, tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi chất đều có mỗi sắc, mỗi sắc đều có mỗi khí. Mùi vị và sanh quang của nó chúng ta không thể hưởng được, nghe được. Nên chi, khi làm lễ đốt đủ 5 cây hương là đúng theo phép tín ngưỡng là qui pháp lại, mọi vật trong Ngũ khí dâng lễ cho Chí Tôn chỉ có người vui hưởng qui pháp ấy mà thôi, cắt nghĩa rõ rệt ra là Ngũ khí đó vậy. Ðúng hơn nữa là trong Bát Hồn vận chuyển được phải nhờ đến Ngũ khí cùng một ý nghĩa với "Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn".

Ðạo Cao Ðài là nền Ðạo qui pháp cả cái sống của Bát Hồn mà dâng lễ trả cái sống khi mới phôi thai Càn Khôn do nơi hai khối sanh khí mà tạo thành, ngày nay lại dâng lễ trọng cho Chí Tôn tức là qui pháp cho khối sanh khí ấy, tức là Chí Tôn vui và duy nhứt là thấy sự sống trả lại cho Ngài. Toàn Ðạo nên trọn tâm xét hiểu nhiệm mầu Ðạo lý ấy mà lần lần đạt cho được Chơn pháp của Chí Tôn.
Q.1/29: Mừng Lễ Trung Thu.
Ðêm 14 tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Chúng ta hôm nay ăn Lễ Trung Thu của Phật Mẫu, theo lời dạy của Ðức Lý Giáo Tông. Nếu lấy theo chơn truyền thì từ Thượng cổ đến nay, tức là hồi Nhứt Kỳ, Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Phật Mẫu tiếp rước tại Diêu Trì Cung lập Hội Bàn Ðào, đãi những người đạt Ðạo trở về cùng Mẹ. Ðạo Sử nói: Phép vào Hội Yến nầy Chí Tôn ban cho những người ấy.

Phật Mẫu ban sơ đến Hiệp Thiên Ðài làm Mẹ của chữ Khí tức là khí sanh vạn vật. Lấy Ngươn pháp trong chữ "Khí" biến thành Càn Khôn Vũ Trụ, chữ Khí tương quan trong Hiệp Thiên Ðài. Nên Phật Mẫu trước đến tạo Hiệp Thiên Ðài thuộc Pháp, tức là tòa ngự của Người, rồi sau mới lập Cửu Trùng Ðài. Người đến gọi mình là bạn của chúng sanh, tự xưng Thiếp, đem bí mật từ thử chưa ai nghe đối với Chí Tôn thế nào, nói rõ không kiêng phép Ngọc Hư, vì để tạo gia nghiệp cho con cái của Người, thì Người có quyền nói không ai cản được nổi.

Buổi nọ, Ðức Phật Mẫu nói: Ngày nào Bà thân của Ðức Cao Thượng Phẩm qui vị là ngày ấy thành Ðạo, trước ngày Vía ấy Ðức Phật Mẫu giảng Ðạo có dùng tiếng Mẹ con xưng hô cùng ta tức là ngày thành Ðạo nhằm Lễ Trung Thu. Trước kia Ðức Lý Giáo Tông không nói rõ nhưng chúng ta cũng hiểu là: Cao Ðài đã thành Quốc Ðạo.

Trong giây phút đây Cao Ðài đã được ghi vào Ðạo Sử, toàn nhơn sanh đều thấy Phật Mẫu đến in ấn Thiêng Liêng định thành nền Quốc Ðạo của chúng ta vậy.
Q.1/30: Cửu Trùng Thiên.
Ngày rằm tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Thưa chư Chức Sắc, Chức Việc, Ðạo Hữu Nam, Nữ cùng mấy em mấy con.
Cửu Trùng Thiên làm lần nầy là lần thứ nhì, là nơi Bần Ðạo đã giảng Ðạo hai lần đặc biệt năm 1936 lúc lễ Ðại Tường Ðức Quyền Giáo Tông, Cửu Trùng Thiên cốt ý để nghinh tiếp Ngài. Lần tay tính lại đúng 12 năm, Cửu Trùng Thiên hóa hình một lần nữa là ngày nay. Lần trước đứng trên Cửu Trùng Thiên Bần Ðạo tiên tri rằng: Trong tình thân mật của chúng ta sẽ chia lìa nhau và đem chơn giáo của Chí Tôn truyền bá ra cùng khắp. Trong 12 năm ấy dòm thấy biết bao nhiêu thống khổ khảo Ðạo, đã gieo vào tâm lý loài người tiến bộ. Buổi tiên tri ly tán đã có kết quả là 12 năm qua Cửu Trùng Thiên lại xuất hiện, chứng tỏ ngày hội hiệp của chúng ta là ngày Ðạo Cao Ðài có ảnh hưởng đến vạn quốc, tức là nền Quốc Ðạo đã thành tướng.

Nói đến những việc loạn lạc trong nước, những loạn lạc ấy Chí Tôn và các Ðấng đã tiên tri từ năm 1926 chớ không một ngày một bữa gì. Nói trước là Ðức Lý Giáo Tông lúc Ngài còn cầm quyền nhiếp chánh oai nghi. Còn nhớ lại Tết năm Mẹo 1927 Ngài về chầu Ngọc Hư Cung nên cấm cơ từ ngày 30 Tết, buổi đó Chức Sắc Thiên Phong chưa rõ thông nghiêm luật, thường mỗi ngày hội hiệp cùng các Ðấng cũng như ăn cơm quen bữa, nhịn không được, thấy khao khát cho tinh thần, nên Ðức Quyền Giáo Tông bảo Bần Ðạo phò loan, Ðức Lý giáng nói mấy điều: Bần Ðạo sẽ trở lại. Qua ngày mùng một, Ngài giáng trở lại, phạt tất cả. Ngài than: Trọn 7 ngày quì tại Ngọc Hư Cung xin bớt cái nạn tiêu diệt sắp đến cả toàn cầu, đất Việt Nam là Thánh Ðịa mà xin không được thay! Chư Ðạo Hữu không biết, Bần Ðạo đã cầu nguyện 7 ngày, xin cho mấy Châu Thành lớn như: Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Gia Ðịnh, Chợ Lớn mà không đặng. Tội tình nhơn loại gây ra quá dữ thì cũng đáng! Hội Thánh cũng có phương pháp giải quyết được, Chí Tôn đã nói: Ðạo trễ một ngày hại cho nhơn sanh chẳng biết bao nhiêu , nếu toàn Chức Sắc biết giúp tay cho Người, khuyến dạy con cái Người, thì có thể giải quyết được. Hại thay! Trong 22 năm qua, Hội Thánh chịu bao nhiêu điều thống khổ, phí biết bao nhiêu sanh mạng vì khảo đảo, tù tội ngục hình, phần thì kiệt lực vì trường trai khổ hạnh, chư Chức Sắc Thiên Phong không chịu nỗi phải bỏ mình chẳng phải chư Chức Sắc mà thôi, mà toàn cả con cái của Chí Tôn cũng vậy.

Bần Ðạo cảm xúc khi nghĩ đến con cái Chí Tôn đã đổ biết bao nhiêu xương máu đặng tạo nên hình tướng Thánh Thể của Ngài trong giai đoạn 22 năm qua. Nếu Bần Ðạo làm chứng quả quyết thì phải trừ đi 5 năm 2 tháng Bần Ðạo bị đồ lưu ra hải ngoại, còn tại nơi Ðền Thánh thì kẻ bị đày đi Côn Nôn, người Sơn La, Lao Bảo.

Trong cơn ly loạn nầy, con cái Chí Tôn muốn bảo toàn sanh mạng thì phải thí mạng một phen đổi chết ra sống, đem loạn lạc lại hòa bình, ấy là những Thánh Tử Ðạo và Bát Quái Ðài đã mua rất mắc cái vẻ vinh quang tận thiện, tận mỹ, đem hình ảnh Ðạo lại giá trị như xưa, đặng để làm chân tay đi từ Liên Hiệp Quốc Gia đến Liên Hiệp Ðại Ðồng Thế Giái, gieo truyền chơn lý, khuếch trương chủ nghĩa hòa bình.

Con đường còn dài, Ðạo đi đã phải lối đến tận thiện tận mỹ, mong sẽ được kết quả mỹ mãn, đặng làm cho nền Ðạo Cao Ðài ra thiệt tướng.

Cầu nguyện Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu bảo trọng Thánh Thể của Ngài bớt khổ hạnh, con đường đi bớt gay trở, hầu đi khắp mặt địa cầu, tạo mối hòa bình đại đồng thế giới, nếu không được thì cái nạn tàn sát lẫn nhau vẫn còn tiếp tục đó vậy.
Q.1/31: Giải nghĩa Kinh Phật Mẫu.
Thích nghĩa Kinh Phật Mẫu tại Ðài Cửu Long (Báo Ân Từ)
4 giờ chiều ngày rằm tháng 8 năm Ðinh Hợi (1947)

Ngày nay là ngày Ðại Lễ Ðức Diêu Trì Kim Mẫu Bần Ðạo tưởng cả thảy toàn Ðạo nên biết quyền hành của Phật Mẫu như thế nào? Và tại sao chúng ta thờ Người?

Muốn biết quyền hành ấy Bần Ðạo phải thuyết minh và giải nghĩa bài Kinh Ðức Phật Mẫu mà chúng ta thường tụng niệm hằng ngày đó. Trước khi giải nghĩa, Bần Ðạo cũng nên nói rõ ai đến cho bài Kinh ấy? Cho hồi nào? Và tại nơi đâu?

Kinh Ðức Phật Mẫu cho tại Kim Biên Tông Ðạo (Cao Miên Quốc) nơi Báo Ân Ðường của hai vợ chồng Thừa Sử Huỳnh hữu Lợi. Lúc trước chưa có Kinh Phật Mẫu, chúng ta chỉ biết Phật Mẫu, đến Hiệp Thiên Ðài khai Ðạo Cao Ðài, nhờ thi phú văn tự của Cửu Vị Tiên Nương cho biết nguyên do đến khai Ðạo, chớ chúng ta chưa biết quyền hành của Người. Nơi Kim Biên cả Chức Sắc Hội Thánh Ngoại Giáo đều cầu kinh, khiến khi đó Bần Ðạo đến nhằm lúc cúng Vía Phật Mẫu. Bát Nương đến cầm cơ viết, chính mình Bần Ðạo phò loan nơi Ðại Ðiện, có nhiều người làm chứng. Có chư Ðạo Hữu và một người không biết Ðạo là gì là ông Hiếu (kêu Bần Ðạo bằng chú) ngồi trước sân chơi, thấy tứ phía đều có hào quang giáng hạ xẹt xuống rất ngay Báo Ân Ðường. Tới chừng trọn bài Kinh rồi, cả thảy đều nói lại không biết cái gì xẹt khi nãy như sao xẹt qua xẹt lại vậy, không dè trong nhà đương phò loan. Có cháu của Bần Ðạo và nhiều Ðạo Hữu ở ngoài đều làm chứng quả quyết như vậy. Bây giờ Bần Ðạo xin giảng từ câu Kinh cho toàn thể hiểu.
"Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì."

Từng Trời thứ chín gọi là Cung Tạo Hóa Thiên, có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu, nắm cả Kim Bàn tức là nắm đẳng cấp thiêng liêng điều khiển chơn linh gọi là Phật Mẫu Diêu Trì. Bên Á Ðông người ta thường kêu Phật Mẫu là Mẹ sanh thờ bằng cốt tượng, cũng nhờ nơi Cửu Vị Tiên Nương truyền bá còn lưu lại ngày nay, là bọn đồng cốt, nhờ đồng cốt mà cả Á Ðông đều biết Phật Mẫu là Mẹ sanh của nhơn loại.
"Sanh quang dưỡng dục quần nhi,"

Lấy khí sanh quang (Fluide de vitalité) nuôi nấng con cái của Người tức là vạn sanh.
"Chơn linh phối nhứt thân vi Thánh hình."

Chơn linh của Chí Tôn cho ta hiệp với thi hài là thành thân hình, ta gọi là phách hay vía, khi thoát xác chơn linh ấy xuất ngoại.
"Thiên Cung xuất vạn linh tùng pháp,"

Do nơi Thiên Cung mà ra vạn loại, tức nhiên vạn vật tùng quyền pháp Thiên Cung mà sanh.
"Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh."

Lấy âm dương khí hòa hiệp nhau biến hóa ra vạn vật.
"Càn Khôn sản xuất hữu hình,"

Càn Khôn trước là không không. Phật Mẫu biến ra cả vạn linh.
"Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh."

Trong Bát hồn kể Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn do trong Kim Bàn của Phật Mẫu mà ra. Bát đẳng cấp thiêng liêng chơn hồn vận chuyển biến thành vật chất, thảo mộc, cầm thú và nhơn loại gọi là chúng sanh.
"Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,"

Hiệp cả thảy loài vật hữu sanh cộng lại làm đại nghiệp của mình, mở một con đường đặng lập vị cho nhau.
"Lập tam tài định kiếp hòa căn."

Tam tài trên kể xuống là: Thiên, Ðịa, Nhơn, dưới kể lên là Người, Ðất, Trời. Phật Mẫu định kiếp căn của mọi người đã sanh ở cõi trần nầy.
"Chuyển luân định phẩm cao thăng,"

Sự luân hồi chuyển kiếp của chúng ta, nẻo sanh tử là con đường đạt vị cao thăng: Sanh ra đặng trả căn kiếp ở thế gian theo luật nhơn quả, sanh đặng lập nghiệp đạt vị cũng có, mượn kiếp hữu sanh nầy lập vị cao thăng cũng có.
"Hư Vô Bát Quái trị thần qui nguyên."

Lấy khí Hư Vô dựng lò Bát Quái đem linh hồn trở lại cố cũ, Phật Mẫu có quyền hành đem trở lại cho Chí Tôn.
"Diệt tục kiếp trần duyên oan trái,"

Nhờ Phật Mẫu định cho ta trả nợ oan trái, Phật Mẫu có quyền sửa cải kiếp luân hồi định cho ta lập công mà trả quả.
"Chưởng đào tiên thủ giải trường tồn."

Nơi Diêu Trì Cung, Phật Mẫu trụ sanh quang lại thành một khối gọi là quả đào tiên, đủ phép sống vĩnh viễn trường tồn nơi cõi Hư linh. Phật Mẫu cầm quyền phép hườn chơn thần cho ta đạt kiếp nơi cửa Hư Linh.
"Nghiệp hồng dẫn tử hồi môn,
Chí công định vị vĩnh tồn Thiên cung."

Nghiệp quả của chúng ta, do Phật Mẫu tạo thành, Phật Mẫu lại đem ta trả về cựu nghiệp, còn Chí Tôn do cựu nghiệp ấy mà định vị.
"Chủ âm quang thường tùng Thiên mạng,
Ðộ chơn thần nhứt vãng nhứt lai."

Chủ âm quang là nơi địa giới, chia ranh Ðịa Ngục với Thiên Ðàng, tùng mạng lịnh Chí Tôn, Phật Mẫu giữ gìn chơn thần của chúng ta, đem ta đến đem ta về.
"Siêu thăng Phụng Liễn qui khai,"

Siêu thăng thì ta nhờ cái xe Tiên là xe Phụng Liễn mà mở cửa đi về.
"Tiên cung Phật xứ Cao Ðài xướng danh."

Nơi Tiên Cung xứ Phật Ðức Cao Ðài kêu danh hiệu đều phải tùng quyền lực Phật Mẫu độ rỗi.
"Hội Ngươn hữu Chí linh huấn chúng,"

Thượng Ngươn qua Trung Ngươn, qua Hạ Ngươn rồi trở lại Nhứt Ngươn nữa gọi là Hội Ngươn. Nay Hạ Ngươn tam chuyển hầu dứt, bắt đầu Thượng Ngươn tứ chuyển, Chí Tôn đến giáo hóa chúng sanh.
"Ðại Long Hoa nhơn chủng hòa ki (cơ)."

Ðại Long Hoa đã tiên tri là: Hội ân xá cho các đẳng chơn hồn, không phân chia chủng tộc, nòi giống, hiệp nhau làm một.
"Tam Kỳ khai hiệp Thiên thi,
Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ Phật duyên."

Tam Kỳ Phổ Ðộ mở ra đúng với Thiên thơ tiền định mở hội thi cho các Tiên gia thọ khoa mục đạt Phật vị.
"Trung khổ hải độ thuyền Bát Nhã,
Phước từ bi giải quả trừ căn."

Phật Mẫu đem thuyền Bát Nhã độ các chơn hồn qua khỏi biển trần ai, trên thì Chí Tôn nhỏ phước, vì lòng từ bi giải quả báo, diệt tội căn.
"Hườn hồn chuyển đọa vi thăng,"

Hườn hồn của chúng sanh bị tiêu hủy cầu siêu được phục sanh lại, cải đọa ra thăng.
"Cửu Tiên hồi phục Kim Bàn Chưởng Âm."

Cửu vị Tiên Nương trở lại thì Phật Mẫu Kim Bàn chưởng quản bầy Âm linh.
"Thập Thiên Can bao hàm vạn tượng,
Tùng Ðịa Chi hóa trưởng Càn Khôn."

Mười Thiên Can là: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, hiệp với 12 Ðịa Chi là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, biến hóa ra hình tướng bao la Càn Khôn Thế Giới, làm cho Thế giới rộng lớn thêm lên.
"Trùng hườn phục vị Thiên môn,"

Cho trở lại quê xưa vị cũ là về nơi cửa Trời.
"Ngươn linh hóa chủng quỉ hồn nhứt thăng."

Các chơn linh có thể hóa ra nhiều nữa, tức là biến thân có thể đạt pháp cao siêu được là giáng linh đặng lập vị, còn quỉ hồn cũng được thăng, được đi cùng đường với Thần, Thánh, Tiên, Phật mà tạo kiếp.
"Vô siêu đọa quả căn hữu pháp,"

Không siêu không đọa, căn quả đều có giới định.
"Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan.
Vô địa ngục, vô quỉ quan,"

Không còn khổ hình nữa, Phật Mẫu diệt tiêu oan nghiệt cửa địa ngục, bỏ quỉ quan không có nữa.
"Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên."

Vì chữ đại xá nên Ðạo Cao Ðài gọi là 3è Amnistie de Dieu en Orient. Chí Tôn ân xá tội tình đem cả con cái về hiệp một cùng Ngài.
"Chiếu nhũ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Ðộ anh nhi Nam, Bắc, Ðông, Tây."

Chiếu theo lịnh dạy của Ðức Chí Tôn, Từ Huyên là Mẹ sanh của chúng ta, thọ sắc độ rỗi vạn linh tứ hướng, tức là con cái của Ngài không bỏ sót một ai.
"Kỳ khai tạo nhứt linh đài,
Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng."

Kỳ khai Ðại Ðạo Tam Kỳ tạo một Linh đài qui tụ tín ngưỡng của toàn nhơn loại, đủ quyền năng tiêu diệt tà pháp đặng đem nhơn loại đến đại đồng.
"Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,"

Hiệp nhơn sanh làm một nhà, Ðạo sẽ duy nhứt, vạn loại sẽ là một khối, không phân biệt quốc gia chủng tộc, tôn giáo, ngày nao được như vậy là ngày đó hòa bình thế giới được. (La religion sera une, le monde sera un, l'humanité sera une, une en nation, en race et en religion).
"Qui thiên lương quyết sách vận trù."

Phật Mẫu qui thiên lương của con cái của Người, điều độ những người tâm thiện.
"Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Du,
Hiệp qui Tam Giáo hữu cầu Chí chơn."

Lấy triết lý của Tam Giáo: Xuân Thu tiêu biểu cho Ðạo Thánh, Phất Chủ cho Ðạo Tiên, Bát Du Ðạo Phật, gom góp cả ba lại làm một chơn pháp của Người.
"Phục nguyên nhơn hườn tồn Phật tánh,
Giáo hóa hồn hữu hạnh hữu duyên."

Ðem Phật tánh lại cho các bậc nguyên nhân, nguyên nhân là các chơn hồn Chí Tôn sai xuống làm bạn đặng độ rỗi chúng sanh, vì họ mê luyến hồng trần, nên Chí Tôn đem Phật tánh phổ hóa họ, nhờ đó họ trở lại quê xưa. Phỏng định 100 ức Nguyên nhân: Phật Tổ độ đặng 6 ức, Lão Tử 2 ức, còn lại 92 ức vẫn còn đọa lạc. Phật Mẫu đến giáo hóa định duyên định phận cho họ.
"Trụ căn quỉ khí cửu tuyền,
Quảng khai thiên thượng tạo quyền chí công."

Cả quỉ hồn, Phật Mẫu trụ nó lại tuyền đài, mở rộng cửa Trời đặng thật hành quyền Chí Tôn tại thế.
"Lịnh Mẫu Hậu khai tông định Ðạo,"

Mẫu Hậu là Diêu Trì Kim Mẫu hay là Thiên Hậu Thánh Mẫu Ngài đến mở Tôn Giáo định Ðạo cho chúng ta.
"Ân dưỡng sanh đảm bảo hồn hài.
Càn khôn Tạo hóa sánh tài,"

Ðã sanh lại dưỡng đặng bảo đảm hình hài thì ơn ấy quá trọng, sánh bằng Càn Khôn Thế Giái.
"Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang."

Mai chiều chúng ta đến thăm viếng Ðức Mẹ như Từ thân chúng ta vậy, mộ khang là: đến thăm mai chiều gọi là vấn an Ðức Mẹ đó vậy.
"Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa Huyền Thiên cảm bái,
Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi năng hỉ xả, Thiên Hậu Chí Tôn đại bi đại ái."

Người cầm quyền năng tạo cả Càn Khôn Thế Giới gọi là Thiên Hậu Chí Tôn là Ðức Diêu Trì Kim Mẫu đại từ bi bác ái.

Theo Bí Pháp Chơn Truyền của cơ sanh hóa phải có đủ âm dương, trong sanh quang chúng ta có điện quang (Positif và Négatif) cũng như vạn vật có trống mái. Nền Tôn Giáo nào có đủ âm dương thì mới vĩnh cữu.

Như Ðức Chúa Jésus ngày trước bị đóng đinh trên cây Thánh Giá đầu thuận lên trên gọi là đạt dương. Ông Thánh Pierre là Ðệ nhứt Tông Ðồ bị đóng đinh trở ngược lại, gọi là phản âm. Âm dương tương hiệp đúng theo Bí Pháp, nên Ðạo Thánh lưu truyền lại hai ngàn năm, không ai dùng quyền gì tiêu diệt đặng.

Chí Tôn có thể sai con của Người đến lập Ðạo như: Thích Ca, Jésus, Khổng Tử...v.v... Trái lại Người đã xuất nguyên linh của Người đến đây độ chúng ta, thì tưởng điều ấy trọng yếu hơn hết, khi mở Ðạo Cao Ðài Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến làm bạn với chúng ta, bảo trọng nuôi nấng dạy dỗ chúng ta, thì không có ân đức nào bằng, vì không ai biết thương con hơn là Mẹ. Phật Mẫu đến cầm quyền lập Ðạo xong, rồi giao lại cho Chí Tôn. Phật Mẫu làm chủ Âm quang, Chí Tôn là chủ Dương quang. Âm Dương tương hiệp, Ðạo Cao Ðài nương theo năng lực của hai khối Âm Dương đó. Ðối với năng lực tạo đoan Càn Khôn Thế Giới thế nào, thì Ðạo Cao Ðài ngày kia sẽ có năng lực như thế đó.

Phụ ghi:
Câu: Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
Nguyên bản chánh in là:
Hiệp âm dương hữu hiệp biến sanh.
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo ấn bản năm Ất mão 1975 in là:
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
Kinh Lễ in là:
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
    
Câu: Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.
Nguyên bản chánh in là:
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo ấn bản năm Ất mão 1975 in là:
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.
Kinh Lễ in là:
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.
    
Câu: Nghiệp hồng dẫn tử hồi môn,
Nguyên bản chánh in là:
Nghiệp hồng dẫn tử hồi môn,
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo ấn bản năm Ất mão 1975 in là:
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Kinh Lễ in là:
Nghiệp hồng dẫn tử hồi môn,
    
Câu: Trùng hườn phục vị Thiên môn,
Nguyên bản chánh in là:
Tuần hườn phục vị Thiên môn,
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo ấn bản năm Ất mão 1975 in là:
Trùng hườn phục vị Thiên môn,
Kinh Lễ in là:
Trùng hườn phục vị Thiên môn,
    
Câu: Phục nguyên nhơn hườn tồn Phật tánh,
Nguyên bản chánh in là:
Phục nguyên nhơn hườn hồn Phật tánh,
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo ấn bản năm Ất mão 1975 in là:
Phục nguyên nhơn hườn tồn Phật tánh,
Kinh Lễ in là:
Phục nguyên nhơn hườn tồn Phật tánh,
    Home             1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét