Lời Thuyết Ðạo Của Ðức Hộ Pháp - Toàn Tập 18

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 11
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 04 tháng 11 năm Mậu-Tý (04-12-1948)

Trước khi giảng trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, chúng ta còn một vấn-đề rắc rối giữa các cuộc thiệt chiến của các chơn-linh đã tạo thành Đạo,
có một vấn-đề rắc rối hơn hết là vấn-đề con người trong "Tứ-Khổ". Các chơn-linh đến trần này, mang cái xác phàm, tức nhiên xác thú của họ, nương với cái hình-luật tấn-hóa của các chơn-linh để lập Thiêng-Liêng vị của mình, có một điều mâu-thuẩn hơn hết là muốn đoạt Thiêng-Liêng vị xứng đáng thì phải giải quyết vấn-đề "Tứ-Khổ". Đã đành sanh trong vòng Tứ Khổ, định lại cả tinh-thần, chúng ta không thể gì từ chối cái tinh-thần ấy đặng. Mang xác phàm phải chịu khổ với phàm, mới đoạt được Thiêng-Liêng vị. Ngài nói có một điều là tấn tuồng theo mặt luật tấn-hóa trong kiếp sanh, trong hành khổ, khổ thì ai cũng thế, kỳ dư các chơn-linh đoạt đến Tiên-Phật vị họ dám có can đảm, dám có nghị lực, dám có oai quyền, họ ngó ngay Tứ Khổ để quyết thắng.

Bởi vì họ có năng lực đủ tinh-thần, mà hại thay các Đấng Trọn Lành không đủ oai quyền, không đủ năng lực của họ, các Đấng Trọn Lành vì sợ hải. Bởi cớ muốn trọn lành thì họ phải tìm hạnh-phúc, họ tìm hạnh-phúc trong cảnh khổ ấy, chúng ta đều ngó thấy như vạn loại: Con cá bị nhốt trong chậu, con chim bị nhốt trong lồng, con người bị nhốt trong Tứ-Khổ, bao giờ cũng tìm kiếm phương thế đặng thoát ngục, thoát ngục nơi mặt Càn-Khôn Vũ-Trụ này. Thật tướng nó, ta là cái lồng, cái khám, nhốt cái chơn-linh, như con thú kia nó còn vùng-vẫy thoát cảnh khổ dầu thoát không đặng mà nó vẫn tìm thế vùng-vẫy để thoát cho đặng.

Cái chơn-linh đầu kiếp mang lấy xác phàm nơi Càn-Khôn Vũ-Trụ này, họ đã hiểu "Tứ Diệu-Đề Khổ", họ phải tìm phương thế đặng thoát khổ, nhưng Luật Thiêng-Liêng định vậy. Chúng ta ngó thấy đễ hiểu, nhứt là Bần-Đạo đã hiểu tấn tuồng ấy rồi.

Con người bị đầu kiếp trong cảnh khổ, trong ngục hình, bao giờ cũng tìm phương kế hoạt động để giải khổ, tìm phương thế giải khổ không đặng, cũng kiếm phương thế an-ủi lấy mình, tức nhiên tìm mảy may hạnh-phúc để gỡ khổ cho mình. Ngặt nổi muốn tìm phương thoát ngục ấy, nhưng than ôi!!! biết bao nhiêu là "khổ hải". Có nhiều khi chưa tìm đặng hạnh-phúc để giải khổ, nó làm cho mình thêm tội nữa mà chớ.

Ấy vậy một vấn-đề không đồng năng-lực với nhau, các chơn-linh cao siêu ấy cũng không dám đứng ra với Tứ-Diệu-Đề Khổ ấy, để kiếm phương thế tạo hạnh-phúc mảy may trong kiếp sống đặng đỡ khổ.

Bây giờ chúng ta cũng nên ngừng bước lại, đặng quan sát cái thiệt hạnh-phúc của loài người, có phương thế nào thắng cảnh khổ đặng chăng?

Hạnh-phúc trong cảnh trần họ là gì? Chúng ta nên kiếm hiểu, có kiếm hiểu đặng mới giải quyết vấn-đề thắng khổ đặng, chúng ta chỉ ngó thấy từ thử đến giờ thiên hạ chỉ mơ ước của mình. Bần-Đạo nhớ Đạo-Giáo của chúng ta có một triết-lý rất hữu hình, rất ngộ nghĩnh, rất cao siêu.

Có một chơn-linh đó đi xuống địa ngục đến chừng trả tội xong rồi ở dưới Diêm-Vương cho đi đầu kiếp, chơn-linh ấy cự nự lắm xin Diêm-Vương phải cho mấy điều xin thì chơn- linh mới chịu đi đầu kiếp.

Diêm-Vương hỏi: Ngươi muốn xin điều gì? Chơn-linh ấy nói: Cho tôi xin 4 điều, rồi đọc lên 4 câu thơ:
Cha Thượng-Thơ,
Con Trạng-Nguyên,
Quanh nhà ngàn khoảnh nhứt hạng điền,
Trai tơ gái lịch, vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều.

Diêm-Vương nói chưa chắc nếu có cho người cũng chưa đủ hạnh-phúc, chưa đủ vinh- hiển đâu. Cha Thượng-Thơ, con Trạng-Nguyên tức nhiên linh-hồn ấy muốn làm Trạng-Nguyên con của vị Thượng-Thơ.

Chưa chắc gì vị Trạng-Nguyên ấy gặp được vị quan thanh-liêm, đủ đạo-đức, đủ cường lực, đủ hạnh-phúc để làm cha mẹ cho dân. Thoảng gặp vị Thượng-Thơ gian ác, gian tham, hối lộ, chung vô đầu-kiếp có nên hay chăng?

Chơn-linh ấy vẫn cầu xin cho mình được làm quan, nhứt định làm quan Trạng- Nguyên. Nếu thi đậu đặng Trạng-Nguyên rồi cũng chưa chắc gì có hạnh-phúc.

Làm quan Trạng như ông Tam-Phương ba kỳ thi đậu Trạng gặp ông Minh-Mạng làm ba khoa thi, ông Tam-Phương chiếm hết. Mới 14 tuổi mà đã ba lần đậu Trạng, nhưng tuổi còn nhỏ lắm không xuất-sĩ đặng, đợi tới 20 tuổi mới xuất-sĩ ra triều, nhưng đến 25 tuổi lại chết, thử hỏi ông Tam-Phương có hạnh-phúc hay chăng? Dám chắc chưa có.

Câu thứ ba: Quanh nhà ngàn mẫu nhứt hạng điền, nghĩa là, quanh nhà ấy ruộng nhứt hạng ngàn khoảnh đặng sau này làm giàu, mà thử hỏi có hạnh-phúc chăng? Bất quá tham của thôi, chớ chưa có hạnh-phúc.

Câu thứ tư: Trai tơ gái lịch, vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. Trai tơ gái lịch tức nhiên đệ nhứt trong thiên-hạ hết, mà sao, có tạo hạnh phúc đặng hay chăng? Chưa chắc.

Câu thứ năm: Vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. Vợ tốt hơn mình thì nó ăn hiếp mình, nó cậy sang, nó biết nó đẹp hơn mình, vì mình thương nó quá nên nó cậy thế nó đè đầu mình xuống nó dọi đầu mình. Duy có câu thảy thảy đều hơn hết thảy là câu chót, mà cũng chưa chắc tạo hạnh-phúc được.

Ấy vậy từ thử đến giờ cả thảy đều hiểu dầu cho bực Đế-Vương cũng chưa chắc kiếp sanh đoạt được hạnh-phúc. Các nhà Hiền-Triết của nước Việt-Nam ta, Nho-Tông của chúng ta có để 3 câu trọng yếu, muốn lập quốc, muốn tạo hạnh-phúc cho dân, quốc dân phải có 3 điều kiện: "Thiên-thời, địa-lợi, nhơn-hòa". Ấy vậy chúng ta kiếm thử coi trong ba điều kiện để tạo cho dân coi có phương thế gì giải khổ hay chăng? Thuận lợi, Thiên-Thời, Địa-Lợi, Nhơn-Hòa.

1- Thiên-thời tức nhiên theo mạng Trời, Trời đã định cho mình tức nhiên mình phải tùng mạng Trời, tùng mạng Trời tức nhiên tùng Đạo. Thiên-thời tức nhiên tùng Đạo, không thể gì chối được.

2- Địa-lợi là gì? Là cả thảy địa-dư toàn trong nước dân đều hiện, đất sung túc được hay chăng? Bực thượng-lưu, trí-thức cần nên tưởng lại câu ấy, mà câu ấy là của ai? Quốc- Vương, Thủy-Thổ, Địa-Lợi, dầu không đặng hưởng địa-lợi nó cũng biến địa-lợi, mà phải có đạo-đức có nhơn tài tạo mới được.

3- Nhơn-hòa đặng chi? Nếu cả thảy không có hòa thì loạn-lạc, hễ loạn-lạc thì có giặc giã chiến-tranh. Ấy vậy có ba điều từ thử đến giờ đặng tạo hạnh-phúc cho quốc dân, mà có phương-thế tạo đặng hay chăng? Tạo có thể đặng chớ, nhưng chúng ta thử nghĩ đương giờ phút này nhơn-loại bị dọa nạt trận giặc thứ ba. Đã hai phen rồi, hai trận chiến tranh thiên-hạ chết muôn trùng vạn điệp.

Nhơn-loại sắp bị dọa nạt trận giặc thứ ba nữa, nhơn-loại sống làm gì mà phải chịu nạn ấy, có phải nhơn-loại đeo đuổi tìm hạnh-phúc chăng?

Đây một bằng cớ hiển nhiên toàn cả quốc-dân Việt-Nam đương vì của, đương tìm hạnh phúc của họ ở trong lý-thuyết mơ-mộng mà thôi, như chánh-phủ Hồ-Chí-Minh đương tìm hạnh-phúc trong lý-thuyết chớ không có gì hết.

Cả toàn-cầu đương khởi chiến-tranh, tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại, Bần-Đạo dám chắc là không có. Có là chỉ lòe-loẹt các yếu điểm để lên nạn chiến-tranh giết lẫn nhau, để hai phen thất bại cũng vì muốn tạo hòa-bình hạnh-phúc cho nhơn-loại.

Hại thay tinh-thần của nhơn-loại bây giờ đang thống khổ, dám chắc dầu không khổ nhơn-loại cũng không biết nghe theo tiếng Thánh, đặng tự-giác sửa mình, tìm hạnh- phúc chơn thật. Họ cứ nương theo cái hạnh-phúc giả dối, nên vị Thánh Gandhi bị chúng giết, mà vị Thánh Dalagadot cũng bị kẻ ác tâm ám-sát, để tranh sống. Đương nhiên bây giờ nhơn- loại bị thống khổ nhiều mà nó hiện-tượng ra, đặng kiếm thế giải quyết cơ-quan thống trị cả tinh-thần hạnh-phúc của loài người, họ lập Vạn-Quốc-Liên-Minh mà Hội-Quốc-Liên đã làm nên chưa? Cũng chưa gì hết. Bởi vì có nhiều nguyên căn cho nên Garry Davis anh đã tượng trưng tinh-thần của loài người được, phải có người đến giữa Hội-Quốc-Liên đặng hỏi: Có thể bảo trọng hòa-bình cứu nhơn-loại đặng chăng? "Garry Davis" chiến tướng biểu nhơn-loại theo anh, mà nhơn-loại nghe không? Chính mình Bần-Đạo cũng theo nữa.

Đúng theo lý-thuyết mờ ám theo lý-thuyết Cộng-Sản thuyết này thuyết nọ, đặng tìm hạnh-phúc cho loài người, mà càng tìm, càng đi sâu chừng nào thì càng đau khổ cho nhơn-loại chừng nấy, để cho thiên-hạ suy nghĩ, suy gẫm tìm thử hạnh-phúc chơn thật thế nào?
Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng thêm./.

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 12
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 05 tháng 11 năm Mậu-Tý (05-12-1948)

Hôm rày đình thuyết cuộc dục tấn của chúng ta trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp. Nhưng trước hết, Bần-Đạo cho cả toàn con cái của Đức Chí-Tôn nhứt là Thánh-Thể của Ngài tức Hội-Thánh hay rằng Đức Cựu Hoàng Bảo-Đại vừa gởi cho ông Nguyễn-Hữu-Trí tức là một vị của Chánh-Phủ Trung-Ương Lâm-Thời Việt-Nam phái đi làm quan-sát viên, dự Hội-Nghị Liên-Hiệp-Quốc, nhưng Đức Bảo-Đại chưa cho ông dự Hội-Nghị, vì chơn tướng độc-lập và thống-nhứt của Việt-Nam chưa thành hình, chưa có thể dự Hội-Quốc-Liên được. Ngài gởi cho ông ba bức thơ tỏ vẻ đầy đủ hy-vọng về sự đòi hỏi sẽ toại nguyện đem lại độc-lập và thống-nhứt cho nước nhà. Ngài yêu cầu toàn quốc-dân hiệp nhau, đừng quá trọng đảng phái chánh-kiến mà nên trọng tương-lai của Quốc-Gia, phải có lòng ái-quốc chơn chánh, chung tâm hiệp sức vùa giúp (*1) Ngài thì Ngài mới có thể tạo hạnh-phúc cho nước nhà và cho chủng-tộc. Ấy là lời than của một vị Đế-Vương. Ngài nói rằng: Nếu tôi đoạt được cái sở vọng của toàn-thể đồng-chủng ta đặng, chẳng qua là nhờ ở tâm-lý cương quyết của Quốc-Dân mà đoạt đặng, tạo quốc cũng do Quốc Dân, mà định vận mạng tương-lai của nước nhà cũng do Quốc-Dân đó vậy. Một vị Đế-Vương đã kêu gọi, toàn-thể bá tánh hiệp sức với người đặng lo tạo thành hạnh-phúc, tương-lai của nòi giống và cho nước, Bần-Đạo tưởng lại duy có kẻ điếc, đui mới không biết phận-sự mình đối đãi với nòi giống mình, với nước nhà mình như thế nào?

Hôm nay Bần-Đạo tiếp giảng cuộc dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Chúng ta ngưng bước từ hổm rày nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, Cung ấy có liên-quan tới phần hồn của nhơn-loại nhứt là về Đạo-Giáo tinh-thần, nên chúng ta ngưng lại đó đặng quan-sát cả hành-tàng của Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa như thế nào?

Ta gặp các Đấng Trọn-Lành nơi Cung ấy lãnh đảm-nhiệm trọng yếu là bào chữa cho các đẳng linh-hồn được siêu-thoát.

Chúng ta hỏi về năng-lực của các Tôn-Giáo, đương nhiên sanh-chúng đang theo dõi đặng tạo tâm hồn của mình, các Tôn-Giáo ấy có đủ quyền-năng bảo vệ tương-lai phần hồn của sanh-chúng chăng? Ta sẽ thấy các Đấng ấy cười và nói rằng: Thoảng nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa này đòi phen mời các vị Giáo-Chủ ấy đến hiện-diện đặng chứng kiến một án-tiết gì của các Tông-Đồ họ thi thố tại thế, đương nhiên tôi xin chư Hiền-Hữu đừng lấy làm lạ.

Vả chăng các vị Giáo-Chủ, lập giáo đều nương nơi một tinh-thần của họ, tinh-thần hữu-định ấy có căn nguyên trong tinh-thần của toàn nhơn-loại. Họ chỉ lấy một thuyết trọng yếu đặng làm triết-lý Đạo-Giáo của họ, tỷ như Thánh-Giáo Gia-Tô lấy tâm làm căn bản, Lão-Giáo lấy thân làm căn bản, Hồi-Giáo lấy tín-ngưỡng làm căn bản, mỗi Giáo-lý đều có sở năng làm trung-tâm điểm đặng vi-chủ tinh-thần của con người trong chỗ khuyết-điểm của họ.

Thoảng có một vị tu chơn theo Phật-Giáo, chẳng noi theo tánh đức nhà Phật là Từ-Bi Bác-Ái, chỉ biết một điều trọn kiếp sanh đem thân phụng sự cho nhơn-loại, cho chúng- sanh. Sang, trọng, vinh, hiển họ coi như nước chảy, như giọt sương đầu cỏ. Sang trọng như Phật, xuất thân nơi nhà Đế-Vương mà còn bỏ hết, mang Bình-Bát đi hành-khất đặng mà chi, để làm gì? Ngài hành-khất đặng của bố-thí, tạo Cấp-Cô-Độc-Viên nuôi kẻ nghèo đói. Mảnh áo Ngài không muốn mặc sang trọng hơn kẻ khó khăn. Tánh-đức của Phật là ăn mày, mà ăn mày như thế ấy siêu thoát tinh-thần làm sao!

Thoảng một vị Giáo-đồ nhà Phật lấy căn bản hành-khất ấy đặng tạo một cảnh chùa rồi ngồi đợi chúng-sanh đem của bố-thí tới đặng ăn mà sống, ngoài ra nữa, còn lường gạt tâm-lý của các Tín-Đồ, đem cả mầu-nhiệm Thiêng-Liêng của Phật dạy làm một món khí cụ đặng dọa nạt, hù nhát kẻ Tín-Đồ, duy có một phương hù nhát mà thôi. Lập ra cửa Phong-Đô có hình khảo ghê sợ đặng dụ-dỗ họ nơi Niết-Bàn mà kỳ trung chưa hề phụng-sự chúng-sanh như Phật, đến khi về cửa Thiêng-Liêng nói: Tôi theo tôn chỉ nhà Phật, mà Phật đã đoạt-vị, tôi cũng phải được đoạt-vị như Phật vậy chớ! Hỏi vậy chớ Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa mới đem lý-thuyết nào, bằng cớ nào đặng bảo-vệ cho kẻ ấy nơi Cực-Lạc Thế-Giới và Ngọc-Hư-Cung đặng.

Nói về Tâm: Đức Gia-Tô truyền Thánh-Giáo tại thế, Ngài lấy tâm làm căn bản, vì lòng yêu-ái vô tận của Ngài đối với chúng-sanh. Ngài nói với một mảnh tâm chơn thật của Ngài, Ngài có thể làm con vật hy-sinh đặng tế-lễ Chí-Tôn, Ngài xin mang cả tội tình của loài người vào mình cũng như con dê hy-sinh (Le bouc Emissaire) mang cả tội tình cho nòi giống. Ngài đã mang cả tội tình ấy mà chịu chết trên cây Thánh-Giá đặng cứu rỗi nhơn-loại. Vì một mảnh tâm yêu-ái vô cùng tận mà Ngài chỉ biết sống với tình thương vô tận đó mà thôi, Ngài chỉ biết sống đây, mạng sống để trong tay của chúng-sanh, đặng làm con vật tế Đức Chí-Tôn, và vì Đức Chí-Tôn mà thôi, chơn-lý của Ngài là vậy, tâm Thánh của Ngài vô cùng tận.

Thoảng các môn-đệ của Ngài về tới Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa nói: Tôi thương chúng-sanh như Thầy tôi, tôi noi theo chơn-truyền của Thầy tôi tức là Đức Chúa Jésus Christ, tôi cũng đem mảnh tâm đặng hiến cho Chí-Tôn vậy, nhưng tinh-thần của họ không mảy may yêu-ái chúng sanh, trái lại họ cầm quyền-năng gọi là nhơn danh Đức Chúa Trời tha tội cho nhơn-loại, cầm quyền ấy đặng vi-chủ tinh-thần loài người. Nơi cửa Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy chúng Tín-Đồ nói: Tôi theo dõi chơn Chúa, làm tôi cho Chúa, gìn chính-sách của Chúa, đem mảnh tâm làm môi giới đặng cứu khổ chúng-sanh, mà kỳ thật xét đoán chơn-lý cao siêu của Đức Chúa Jésus Christ, hành-tàng của họ thi thố không ăn thua chi cả, hỏi vậy, nếu Ngọc-Hư-Cung và Cực-Lạc Thế-Giái vấn nạn các Đấng Trọn Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về những hành-tàng của các Tín-Đồ trái ngược lại Đạo-Giáo của Thầy họ, các Đấng Trọn Lành ấy trả lời thế nào với hai quyền năng Trị-Thế và Giác-Thế.

Nói đến Trí: Khổng-Giáo lấy Trí làm căn bản, Trí thực muôn hình ngàn trạng, đem cái triết-lý cao siêu ra tạo xã-hội nhơn-quần không phải dễ. Đức Khổng-Phu-Tử phải dùng Trí đặng tự-tu kỳ thân. Có tự-tu kỳ thân đặng mới đủ quyền-năng yêu-ái giáo-hóa các chơn-linh tức là các nhơn-loại đặng trọn lành, đến tột bực lành là Chí-Thiện. Trái ngược lại môn-đồ của Ngài nương nơi trí-giác ấy làm căn bản, học nhiều thấy rộng, nói cho hay cho khéo, lấy cả tinh-thần cao thượng đặng hài-hước nơi lỗ miệng, còn thật chơn-lý không ai làm đặng. Những kẻ ấy về Ngọc-Hư-Cung kêu nài nói, tôi theo Đạo-Giáo của Đức Khổng-Phu-Tử, đào luyện trí-thức, tôi biết trọng nhơn-luân phẩm-cách, biết giữ-gìn luật-lệ của Thánh-Giáo di-truyền, tôi cũng có quyền đứng vào phẩm Thánh, Tam-Thập-Lục Thánh thế nào, tôi cũng phải được thế ấy, chớ có lý do nào tôi về đây lại bài-bác tôi ra khỏi cửa Khổng-Giáo đặng chăng? Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa tính lẽ nào đây? Nó noi theo Đức Khổng-Phu-Tử đào tạo tinh-thần, tôn trọng Thánh-Giáo, phục tùng giáo-lý của Ngài, sự thật chẳng thực-hành gì cả mà trái ngược lại, họ lấy trí-thức để giục loạn làm cho xã-hội điên đảo, lấy trí-thức ngồi liếm bút lông mèo xúi thiên-hạ kiện cáo nhau, lấy văn-chương làm cho ly-dị chồng vợ người ta, dùng miệng lưỡi lường-gạt kẻ dốt nát, mượn ngòi bút nó dám bán cả sanh mạng của con người, hỏi những kẻ đó Đức Khổng-Phu-Tử có nhìn không? Chắc chắn không nhìn, khi Ngài đến Cung Hiệp-Thiên-Hành-Hóa đặng vi-chứng vụ án đó.

Trong ba bằng cớ vừa kể đó Bần-Đạo quả quyết rằng, các vị Giáo-Chủ đã tạo ra các nền Tôn-Giáo, tinh-thần của họ cũng chỉ biết phụng-sự cho nhơn-loại. Mà hại thay! hại thay! Cơ- quan của họ đào tạo tinh-thần của loài người với tinh-thần trí-thức của họ, họ chịu khổ hạnh, muôn cay ngàn đắng, trọn kiếp sanh đào tạo cho đời, rốt cuộc cả triết-lý Đạo-Giáo thay vì tạo hạnh-phúc cho nhơn-loại, trái ngược lại đã làm khí cụ cho kẻ vô tâm lợi dụng đặng lường gạt tinh-thần nhơn-loại hơn nữa. Thay vì làm phước họ đã làm tội. Tội nghiệp thay, nếu Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa chiếu luật "Tội vi trưởng" thì các vị Giáo-Chủ ấy chưa chắc ngồi yên trên Liên-Đài của họ đặng, và nếu như nơi cửa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy là Tòa-Ngự của các Đấng Trọn-Lành, đặng bào chữa cho các đẳng linh-hồn siêu thoát, mà các Đấng ấy nếu còn chút phàm tâm, thì chưa chắc gì các vị Giáo-Chủ ngồi yên, cứ hầu tòa mãi-mãi thôi. Tín đồ các Đạo-Giáo tạo thành, thay vì làm cho Giáo-Chủ của họ thêm danh-dự, lại gây tội tình thêm nữa.

Lời tục nói: Không ai hại mình nhiều hơn là kẻ thân yêu của mình. Có một điều Bần-Đạo xét đoán lấy làm sợ-sệt hơn hết là nền Tôn-Giáo của Đức Chí-Tôn lấy Tinh-Thần làm căn- bản, hỏi vậy, tinh-thần của nhơn-loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn-minh vật-chất, tinh-thần ấy có đủ quyền-năng tự-vệ lấy họ chăng? Tinh-thần họ có đủ lực lượng chiến thắng chăng? Nếu thoảng tinh-thần của nhơn-loại không quật khởi lên, tự-quyết, tự-chủ, tự định phận đặng mà phải chịu làm nô-lệ cho văn-minh vật-chất, thì tương-lai của Đạo Cao-Đài sẽ ra sao? Mà chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, mà còn phải bảo vệ chơn tướng của đạo-đức tinh-thần của loài người trở mặt ra đối với tinh-thần cường liệt của Chí-Tôn, thì tương-lai nơi mặt thế này sẽ như thế nào? Chúng ta cũng nên để có một câu hỏi.

Có một điều ta nên để mắt nhìn coi Chí-Tôn tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh-thần đạo-đức ấy. Ấy là một phương-pháp ta nương theo đó đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền-bĩ vậy./.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 1: Hổm rày đình thuyết cuộc dục tấn của chúng ta trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, ... ... ..., phải có lòng ái-quốc chơn chánh, chung tâm hiệp sức vùa giúp Ngài thì Ngài mới có thể tạo hạnh-phúc cho nước nhà và cho chủng-tộc.... ... ...
Nguyên bản chánh in là: Hổm rày đình thuyết cuộc dục tấn của chúng ta trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, ... ... ..., phải có lòng ái-quốc chơn chánh, chung tâm hiệp sức vừa giúp Ngài thì Ngài mới có thể tạo hạnh-phúc cho nước nhà và cho chủng-tộc.... ... ...
Chúng tôi mạn phép trình bày như trên cho rõ nghĩa hơn.

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 13
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, Thời Tý, đêm 13 tháng 11 năm Mậu-Tý (13-12-1948)

Hôm nay, Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về "Đức-Tín".

Có nhiều điều rắc rối giữa quyền-năng binh vực các chơn-linh trong Càn-Khôn Vũ-Trụ đối với quyền trị thế của Ngọc-Hư-Cung và quyền giáo-hóa của Cực-Lạc Thế-Giới. Về mặt triết-lý, có nhiều triết-lý đã gây nên một trường ngôn luận sôi nổi giữa các nền Tôn-Giáo và tín-đồ của họ.

Về đức tin ta ngó thấy phần nhiều hạng thượng-lưu trí-thức trước mặt ta hiện giờ này, nhứt là các văn-sĩ của Á-Đông ta, tức là các nhà Nho, còn ở Âu-Châu có các nhà tự do ngôn-luận, tự do tư-tưởng, phần đông hạng tự do ngôn-luận ở Âu-Châu đều là vô tín-ngưỡng cả thảy. Họ còn đi quá nữa là bọn Anarchistes là bọn chẳng có phương châm tôn chỉ thờ phượng chi hết, chớ chẳng phải nói vô tín-ngưỡng mà thôi đâu. Các nhà ấy tới chừng trở về Thiêng-Liêng vị rồi phải buộc mình quì trước mặt luật Thiêng-Liêng chịu khảo dượt tinh-thần. Họ muốn tránh mà làm sao tránh khỏi quyền-năng vô đối của Càn-Khôn Vũ-Trụ, muốn tránh luật Thiêng-Liêng ấy mà làm sao tránh khỏi đặng. Các nhà ấy họ miệng lưỡi lắm, họ phản đối kịch liệt với nhiều lý-thuyết đến đổi quái gở ta không thể tưởng-tượng được. Tỉ như giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa họ nói như thế này: "Mấy nhà triết-học cao siêu đại-giác đến thế lập-giáo dạy Đạo cho nhơn-sanh họ đã lập quyền sở-hữu của họ, điều đó có thật, nhìn nhận, song quyền sở-hữu ấy đối với phương sanh sống của đời không có quyền-năng chi hết, trái lại làm cho trở ngại bước đường tranh-đấu và tấn hóa của loài người mà chớ. Chớ chi quyền-năng Thiêng-Liêng mà người ta nói là quyền vô cùng tận, năng lực vô biên, quyền lực ấy thường nơi miệng nhơn-sanh, gọi là quyền-năng tạo-đoan của Càn-Khôn Vũ-Trụ, có thế cho chúng tôi đức tin, lấy oai-quyền mà tạo đức tin cho chúng tôi thấy hiện-tượng trước mặt. Hay là quyền-năng ấy có bảo trọng đặng mạng sanh của loài người thì ai không muốn tu, ngặt một nổi cả triết-lý ấy còn bóng dáng mờ hồ, thì chúng tôi mới mượn nơi đâu mà tạo đức-tin theo Đạo-Giáo cho được? Các vì Giáo-Chủ khuyên chúng tôi làm lành lánh dữ, chúng tôi thấy trường đau khổ trước mắt, chúng tôi muốn làm lành ngặt thiên-hạ không muốn lành, giục thúc chúng tôi phải dữ, vì chúng tôi nhịn thì sẽ bị cái dữ của thiên hạ tàn hại. Muốn nhẫn-nhục vì lòng thương yêu nhịn cái sống của mình đặng tạo cái sống cho người, mà nhơn-loại không nhơn tay, thay vì tôn sùng sự cao siêu như chúng tôi, họ không chịu vậy, chớ mạng sống của chúng tôi nào có quản chi.

Các Ngài cũng ngó thấy, thế-gian kìa bao nhiêu bực đạo-đức phải chịu khuất thân dưới quyền cường-bức của thế gian, chịu mai một thiệt thòi, chịu ăn xin ở tạm, bây giờ mấy Ngài biểu nương nơi họ mà tạo đức-tin, cái đức-tin trọn cả kiếp sống của các vị đạo-đức ấy tôi chưa hề thấy hình ảnh nó, xin các Ngài tả hình nó cho chúng tôi thấy thử coi .

Các Đấng Trọn-Lành nơi cửa Thiêng-Liêng kia mới lấy lý-thuyết nào đặng đối-đãi với lời nói ấy. Các Ngài nói: "Các ông bất quá là đa-văn quảng-kiến, tìm phương-thế đặng chữa mình, chớ chơn-lý không phải như mấy ông bày đặt ra đó đâu. Cái chơn-lý là các ông không biết tin mình thì còn tin ai, còn tin triết-lý Đạo-Giáo sao được. Đức Chí-Tôn sai các vì Giáo-Chủ đến tạo Tôn-Giáo nơi mặt thế này chẳng phải cầu nhơn-loại thờ phượng Ngài, mà chính Ngài đến, hay Ngài sai Người đến chỉ để tạo Đền-Thờ, thờ đức-tin của nhơn-loại tức là tạo Đền-Thờ cho nhơn-loại thờ nhơn-loại, không phải thờ Ngài đâu. Mấy ông phản đối, nói rằng: Lấy đạo-đức đặng làm môi-giới tạo phương-pháp bảo trọng mạng sanh một cách bền vững kiên cố, chỉ thử coi. Không có! Chính mình các ông còn nương nơi triết-lý Đạo-Giáo đặng tạo cái sống của các ông kia mà. Nếu triết-lý Đạo-Giáo không có thì nhơn-loại sẽ thuộc vào hàng thú-cầm như voi, cọp, beo, khỉ, dộc trên rừng kia, các ông đã nương nơi Đạo-Giáo đặng bảo trọng mình đó. Hỏi các ông nương lý-thuyết nào mà biết mình cao trọng, mà biết mình hơn vạn loại, mà biết mình tối linh, biết mình là Thần-Linh của thế-gian này, mà biết chính mình các ông là điểm chơn-linh củaTrời? Làm sao các ông biết tự-trọng mình là phẩm cao trọng tại thế? Tối linh hơn vật loại? Các ông tính muốn chối phẩm-vị cao trọng của mình đặng nạp cả mạng sanh và tâm hồn vào chỗ đê tiện, thì bảo tinh-thần phải nương nơi đâu? Chính mình các ông không tin mình thì tin ai?

Không, không bao giờ các vì Giáo-Chủ gạt ai! Mấy ông nói triết-lý Đạo-Giáo gạt-gẫm tâm-lý của nhơn-sanh, chính triết-lý đó là cái mặt kiếng để trước mắt nhơn-sanh coi theo, các ông không coi, vì sợ, mà tránh đi thì các ông tạo đức-tin ở chỗ nào? Tấn tuồng sanh sống giục thúc nhơn-loại tàn hại nhau như thế nào? Bực trí-thức tinh-thần trong nhơn-loại, tìm hạnh-phúc trong cái sống vật-chất, tức là cái sống của con vật. Loài người đã đào óc não mưu cầu hạnh-phúc cho kiếp sống của loài người đã nên chưa? Đã thành hình chưa? Hay còn đang tìm tàng, còn đang chiến-đấu, mà còn chiến-đấu chừng nào, tức là còn mê-man trong phương-pháp tàn hại, làm tàn khổ cho kiếp sanh nhơn-loại mà thôi, chớ không mảy may đắc lợi. Các ông trách quyền Thiêng-Liêng, không để một oai-quyền nào trước mắt không đủ năng-lực định đức-tin cho thiên-hạ. Dám chắc dầu chính Đức Chí-Tôn hiện hình biểu nhơn loại theo Ngài đi nữa, con vật của họ biểu hạnh-phúc của con vật mà thôi, tại họ không theo, chớ có phải hiện ra cho thấy mà theo đâu?

Đức-tin nơi ta đó, trước hết ta biết ta, có biết ta rồi mới biết thiên-hạ, có biết thiên-hạ rồi mới biết đến Chí-Tôn là ngôi Chúa-Tể Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ, biết Đấng ấy là biết rõ mình vậy, nếu chưa biết Đấng ấy thì đừng trông mong biết mình, mà chính mình không biết mình thì không còn ai biết hết. Sống không đức-tin, nghĩa là không tự biết mình, khác nào cây cỏ vật loại kia, thì không có nghĩa gì hết, sống ấy vô giá-trị.

Bây giờ hỏi vậy, vô trong trường khoa-mục kia, các giám-khảo hỏi Tứ-Thơ, Ngũ-Truyện, Kinh-Điển, tức là các triết-học Nho-Giáo của mình đã học rồi, tới chừng nhập thi không đem theo gì hết, mà trả-lời các vấn-đề hạch-hỏi được trúng, thì khoa-mục ấy mình đậu. Đạo-Giáo cũng vậy, các Tôn-Giáo để tại thế-gian cho mình thi hành triết-lý ấy ra hiện- tượng, tại không đức-tin rồi không làm, biểu các phẩm Thần, Tiên nơi cõi Hư-Linh tôn sùng mình trọng hậu với giá-trị nào? Nói thật kẻ đánh bông dụ kia, đánh trúng thì ăn tiền, nếu để chén ngữa ra thì thiên-hạ nói trúng hết.

Đức-tin có ở con người tự biết, tự-trọng, tự thờ mình, mình thờ mình đặng, tức là thiên-hạ thờ mình đặng, đức-tin do nơi mình tin mình; mình tin mình đặng, thiên-hạ mới tin mình, còn mình chưa tin mình, mà biểu thiên-hạ tin mình làm sao đặng? Mình không tin mình, mà biểu nhơn-loại tin tưởng Đức Chí-Tôn là Đấng tạo sanh Càn-Khôn Vũ-Trụ, sản-xuất ra linh-hồn ta sao đặng? Nếu chưa đủ đức-tin làm bằng chứng vô đối, thì chưa xứng đáng làm phần-tử trong Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn, tức là Hội-Thánh của Ngài đó vậy./.

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 14
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh,  thời Tý, đêm 15 tháng 11 năm Mậu-Tý (15-12-1948)

Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp Thiên Hành-Hóa và các Chơn-Linh có trí-thức tinh-thần cao siêu mà không dung nạp một tín-ngưỡng nào hết, tức là các tinh-thần vô đạo-đức.

Vấn nạn về tín-ngưỡng Đạo-Giáo, họ hỏi các Đấng Trọn-Lành: Nếu quả nhiên như các Ngài buộc chúng tôi phải có đức-tin đặng tu, phải có đức-tin mới tu kỳ thân đặng, và dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống vô-biên vô-giới trong hàng phẩm các Đấng Thiêng-Liêng, tức là các chơn-hồn trong Càn-Khôn Vũ-Trụ; chúng tôi xin hỏi: Nơi thế-gian này, biết bao nhiêu Tôn-Giáo, mà các vị Giáo-Chủ đã tạo thành, đương giáo-hóa nhơn sanh nơi mặt thế; chúng tôi không công-kích gì các Đạo-Giáo ấy, nhưng làm cho tinh-thần nhơn-loại mờ hồ, mất cả tín-ngưỡng Đạo-Giáo là do lẽ ấy. Chúng tôi cũng không công-kích rằng: Các vị Giáo-Chủ đã để các triết-lý Đạo-Giáo nơi thế-gian này là không thật bổ ích cho tinh-thần nhơn-loại, song chúng tôi làm chứng quả-quyết một điều là triết-lý của các nền Tôn-Giáo đã phản khắc nhau, tinh-thần triết-học tín-ngưỡng không đồng, làm cho tinh-thần trí-thức loài người hoang mang không biết nên để đức-tin nơi nào cho đặng.

Về nhơn-đạo, ta thấy ai rủi sanh làm người tại thế-gian này tự nhiên biết mình đến một cảnh khổ, và kiếp sống của mình là kiếp khổ, ai cũng hiểu cả Tứ-Khổ mà Đức Phật Thích-Ca đã để tại thế gian, không phải là không chí lý, để cho tinh-thần loài người nhận thấy, bởi trọn kiếp sanh làm con người, phải biết cái khổ ấy do nhiên, không chối cải được, nhưng mỗi Đạo-Giáo có mỗi phương-chước tu hành, đặng dục tấn về mặt tinh-thần trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.
Nhơn-Đạo dạy nhơn loại Tùng-Khổ,
Thần-Đạo dạy nhơn loại Thắng-Khổ,
Thánh-Đạo dạy nhơn loại Thọ-Khổ,
Tiên-Đạo dạy nhơn loại Giải-Khổ,
Phật-Đạo dạy nhơn loại Thoát-Khổ.

Thành ra chỉ có một triết-lý, chỉ vì muốn diệt khổ mà các Tôn-Giáo để mỗi điều, mỗi nẻo, mỗi triết-lý. Chúng ta thấy các triết-lý ấy đều chơn thật đều bổ ích, chơn-lý ấy chúng tôi không phản đối, nhưng chúng tôi thấy vì lẽ phải, toàn-thể Tôn-Giáo ấy làm cho tinh-thần loài người không biết chọn cửa nào cho đặng. Vì cớ nên nhiều kẻ nếu trí-thức tinh-thần được đầy-đủ đặng suy đoán, tìm hiểu, biết quan-sát các triết-lý đạo-đức, thì sự mờ-hồ như chúng tôi đã nói là chơn thật, quả quyết đáng gọi là mờ-hồ. Nó mờ-hồ có nhiều lẽ. Thoảng có một triết-lý nào mà tìm chưa tận cùng chỉ sợ một điều nếu nhẹ tín, đem để đức-tin mình nơi nào rồi, sợ thiên-hạ bàn tán trích điểm ấy, sợ xấu hổ, biết đáng tín-ngưỡng lại sợ miệng lưỡi thế-gian trích điểm, rồi làm bộ mình cũng coi không chịu có tín-ngưỡng gì hết. Phần nhiều các bậc có học, các triết-học-gia tại thế-gian này có tánh ấy .

Đã biết mà lại sợ, biết mình tín-ngưỡng là đáng mà không quyết thắng tâm-lý của mình, và của người đặng định-quyết sự tín-ngưỡng, sợ thiên-hạ cười rồi làm màu-mè không tín-ngưỡng. Phần nhiều hạng hữu-học như vậy.

Như thế thì các Đấng Trọn-Lành trả-lời ra sao? Nói: Các ông đủ trí-thức tinh-thần, đủ học-thức kiến-văn đặng chủ định tinh-thần tâm-lý của mình, mà các ông không đủ can đảm quyết làm cái điều phải làm ấy. Các ông chán thấy một kẻ có tâm hồn cao thượng, điều gì học hỏi quyết nhận thấy là cao thượng, phải lẽ, thì họ cũng dám hy-sinh tánh mạng làm cho nên tướng điều ấy. Từ tạo-thiên lập-địa đến chừ, bao nhiêu bực hiền-triết đã hủy mình làm theo lẽ phải ấy. Chúng tôi hỏi các ông: Các nền Tôn-Giáo hiện-tượng nơi thế-gian có Tôn-Giáo nào dạy thiên-hạ làm quấy chăng? Nếu quả nhiên không có Tôn-Giáo nào, dầu Tả-Đạo, Bàn-Môn đi nữa, không dám dạy nhơn-loại điều quấy, vẫn dạy điều phải mà thôi. Bởi vì với lẽ phải ấy, không có Tôn-Giáo nào đã gọi là Tôn-Giáo mà dám dạy làm quấy, tức nhiên dạy làm phải. Nếu bực trí-thức như các ông thấy phải không dám làm thì là bạc nhược tinh-thần lắm vậy.

Một điều nữa, lấy tín-ngưỡng làm căn bản, từ thử đến giờ các ông đã thấy nó làm môi giới, định phương-châm cho nhơn-loại sống, như thế nào các ông chối đặng? Nếu thoảng nói các Tôn-Giáo tại thế này làm cho tinh-thần nhơn-loại không thế chủ-định nơi nào mà để tín-ngưỡng, chúng tôi xin nói như thế này: Người ta dọn một bữa cơm có đủ món ăn, nào thịt, nào muối, nào rau, nào tương, nào chao, mà mấy người nói nhiều món quá, cứ cầm đủa quơ hoài, không ăn rồi chịu đói sao? Phải ăn chớ!

Các Tôn-Giáo để tại thế-gian này miêu tỏa tánh nết của loài người, làm phương-châm đặng dìu-dắt tinh-thần loài người.

Trong một cái nhà cũng có chỗ cho mấy người ở, không lẽ không có một nơi nào cho mấy người đến, người ta đem nhiều món ăn mà không biết lựa chọn mà ăn, không phải không món nào bổ ích đặng định phần sống, tại dở không biết lựa, hay là tại làm màu, chê rẻ, trề nhún thà chết đói không thèm ăn. Lời tục nói: "Làm cách sạch ruột, ắt phải đói".

Các nền Tôn-Giáo có thể ví như một gia-đình, người này tranh hơn thua công-kích người kia, không lạ mỗi gia-đình nếu có Ông Bà, Cha Mẹ, Cô Bác, phải có con cháu, như đám thiếu-sinh kia, nếu dạy anh mầy phải phục tùng Mẹ mầy, Mẹ mầy phải phục tùng Cha mầy, Cha mầy phải phục tùng Ông Nội mầy, Ông Nội mầy phải phục tùng Ông Cố mầy, định quyền hạn trong gia-đình không phải là chuyện dối giả hay là không có thật. Nhưng có một điều là khi đứa trẻ đã nên người, không cần nói đến những điều trên mà nói như vầy: Trong gia-đình mầy có Ông, Bà, Cha, Mẹ và anh em mầy, mà mầy là một phần tử, mầy là người ở trong gia-đình ấy. Các nền Tôn-Giáo đã để tại mặt thế này tùy theo trí-hóa, tánh-đức của nhơn-loại tiến tới địa-điểm nào, để Tôn-Giáo cho vừa chừng địa-điểm ấy.

Còn hiểu Tôn-Giáo là gì, lẽ ấy Tôn-Giáo nào cũng dạy ta cho sáng đạo-đức tinh-thần, tổng-số các Tôn-Giáo ấy đáng tạo ra thiệt tướng của đạo-đức, chớ không phải sanh ra cho nhiều đặng trích-điểm nhau, tàn diệt nhau, không có phương-thế gì mà Tôn-Giáo này tàn diệt Tôn-Giáo kia, dầu có ganh-ghét nhau không khi nào Tôn-Giáo này có thể giết được Tôn-Giáo khác, bởi không có năng-lực, lực-lượng gì diệt tiêu nhau được cả. Bởi chơn-lý chỉ là một chơn-lý, là sống trong cái sống của tín-ngưỡng, sống trong con đường hằng sống và làm cho được hằng sống vô-biên vô-giới, tạo tinh-thần cho biết nguồn cội của Tôn-Giáo là chỉ hằng sống mà đi tìm thôi. Dầu cho một trăm đường đi, ta chỉ cần biết một nẻo là đủ, chớ đi một ngàn ngỏ cuối cùng cũng đến một địa-điểm là cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Đó là thiệt cảnh mà ta cần tìm chớ không phải cảnh phàm này.

Ta mang thi hài thú-chất, chịu khổ sở đủ đầy, ta tìm chơn-lý của Tôn-Giáo thì có Tôn- Giáo nào mà không chỉ đường, họ chỉ nhiều chừng nào thì con đường chắc đến chừng nấy. Nếu không chỉ được con đường Hằng-Sống ấy không phải là Tôn-Giáo nữa, ta không cần nghe mà cũng không nên theo dầu bị dụ-dỗ buổi mê-tín đị đoan, chừng ấy không phải chơn-tướng Thiêng-Liêng Hằng-Sống, mà nhơn-loại muốn tìm thì họ từ-giã ngay, không hề khi nào gạt đến tận cùng, đến diệt tiêu cả sở-vọng của tinh-thần loài người đặng./.

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 15
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 19 tháng 11 năm Mậu-Tý (19-12-1948)

Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp về triết-lý trọng yếu nên hơi lâu dài, cả thảy ngồi có mỏi mệt xin đừng phiền.

Mỗi phen cúng giờ khuya, muốn giảng triết-lý nào có thể viết ra một quyển sách mà gom nó lại thế nào làm một bài văn ngắn-ngủi, có đủ tinh-thần không phải là dễ, khó lắm vậy.

Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp: Trường thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về huyền-vi bí-mật của các cơ-quan hiệp nhứt là về triết-lý: "Vị tha diệt kỷ" tức là "Dĩ công diệt tư", ấy là Bí-Pháp. Nếu có thể thật-hành tại mặt địa-cầu này, đặng cứu vãn cả cơ-quan tương khắc, tương đối, đem nhơn-loại ra khỏi vòng tương-tàn, tương-sát lẫn nhau.

Vả chăng, trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng lấy thuyết dục-tấn làm căn-bản, dầu cho về mặt triết-lý cũng ở trong tay các Đấng mà có tự do tín-ngưỡng, các Đấng chịu ảnh-hưởng của Nho-Giáo, nêu lên lẽ công bỏ điều tư. Ngoài ra có tín-ngưỡng mới rõ danh-vị của huyền-vi thưởng phạt, và toàn cả quyền năng hữu-hình và vô-hình của Đức Chí-Tôn là Đấng Chủ-Tể muôn loài. Nhưng hại thay! Trong triết-lý của Nho-Tông tín ngưỡng lấy tinh-thần của nhơn-loại mà chịu cái ảnh-hưởng ấy thôi, ấy là phương-pháp trong sự tự-do tư-tưởng và tự-do tín-ngưỡng của nhơn-loại, mà nhơn-loại chịu ảnh-hưởng ấy chưa đoạt được quyền vi-chủ ấy, nên giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa phản đối nói rằng: Chúng tôi thấy tại mặt thế cả vạn loại bảo-thủ sanh mạng có nhiều lẽ bất công trước mắt, trường đời hổn loạn, mạnh được yếu thua, ngu bị tàn hại, trí được cường-liệt. Dầu cho nhơn-loại cũng vậy, chúng tôi thấy trước mắt đương nhiên mặt địa-cầu này, tấn tuồng tiếp diễn mãi thế, không buổi nào dứt đặng. Bực Đại-Giác của nhơn loại kiếm phương thuốc dung hòa, các cơ-quan tuồng đời đã xô đuổi nhơn-loại đi trên con đường diệt vong. Buổi tương-lai đây, hỏi nếu có một quyền năng vô-hình định vận, định căn cho toàn nhơn-loại, quyền năng đó có đủ năng-lực để bảo vệ họ và ngăn cản không để cho sự bất công tiếp diễn nữa không?

Tưởng nếu chúng ta bị vấn nạn như vậy, chắc khó giải quyết lắm, may thay, nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành chưa chịu thua họ, các Đấng ấy trả lời: "Cũng bởi nguyên căn dĩ tư diệt công, dĩ kỷ diệt tha", tấn tuồng tiếp diễn giờ phút nào thì luật tương đối định mạng vận cả sanh-hoạt của vạn-loại vẫn còn đến giờ phút ấy. Giờ nào mà nhơn-loại biết dĩ công diệt tư, dĩ tha diệt kỷ, giờ ấy là giờ giải thoát cho nhơn-loại chớ có gì đâu.

Chúng ta nhìn thấy trường đời, có khác chi nơi cửa Thiêng-Liêng kia lạ (*1) một điều là: Những cơ-quan của tinh-thần vật loại tạo thành tướng đều là "Dĩ kỷ vị tư", mà hễ dĩ kỷ vị tư tức có tương tranh tương đối, mà có tương tranh ắt có tương tàn tương diệt chớ có gì lạ đâu.

Các vật loại đã chịu mặt luật Thiên-Nhiên, luật ấy định quyền dĩ công diệt tư, dầu cho xã-hội nhơn quần đến gia-đình cũng vậy. Trong gia-đình toàn con cái lấy gia-đình làm chủ-nghĩa, mà họ lấy tư-kỷ thì gia-đình ấy náo loạn, tàn mạt. Trong một quốc-gia xã-hội, dân phải vị quốc (tức là vì nước) mình thì quốc-gia mới cường liệt, còn dân vị-kỷ chỉ biết hạnh-phúc cá nhân, không biết hy-sinh cho quốc-vận, thì nước nhà loạn lạc, xã-hội vạn quốc đương nhiên chỉ biết làm cho nước mình cường liệt, chỉ lo cho nước mình cao sang hơn các nước khác, chẳng qua vì vị-tư, vị-kỷ của họ mà ra. Nước này muốn đặt mình cho cao sang hơn nước kia, tức có phản đối có phấn đấu, mà hễ phấn đấu thì nhơn-loại tương tàn tương-sát nhau. Điều ấy không lạ, luật thiên-nhiên dục-tấn, họ dục-tấn đặng chi? Đặng đưa họ đến con đường hiệp nhứt tức là đường vị-tha bất vị-kỷ. Hại thay nhơn-loại chưa có tinh-thần đó, điều nào vị-kỷ đáng lẽ họ không gọi là công-lý hay gọi là chơn chánh đối với kẻ khác, họ để giá trị ấy là đê hèn, thô bỉ, lạc hậu, là lẽ bất công thì thế nào thế-gian này không đào độn loạn-ly cho được?

Các bạn có giấu-diếm được không? Mời các bạn ra khỏi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa xem (*2) xuống thế-gian coi thế-gian đào tạo từ thử, coi tình trạng biến hóa của nó đặng quyết định do quyền-năng thế nào? Đứng trước cửa Diêu-Trì-Cung dưới cây phướn chiêu-hồn của Đức Diêu-Trì, ta dòm thấy một bản-đồ dường như trải ngửa cho chúng ta xem, thấy một khu đất de ra đại-hải, đất ấy một phần bưng lầy nho nhỏ, một phần trên gò nỗng, chỗ khuyết chỗ đầy, chỗ lưng chỗ vơi dơ dáy là bùn để giá bán ba trăm quan. Mảnh đất ấy là thành Nữu-Ước (New York) tình cảnh đìu-hiu để giá bán chỉ có 300 quan mà thôi. Rồi chúng ta thấy hình nó biến tướng ra sao? Nó thành Châu-thành nho nhỏ, vừa như Châu-thành vừa như cửa biển, các con buôn đến buôn bán. Kế thấy biến tướng ra một Châu-thành lớn, thiên hạ lên xuống nhứt là bán vàng, xem ra tình-trạng kha khá rồi, biến nữa, thấy Châu-thành lớn lao, thiên-hạ náo nhiệt, đó là đến thế-kỷ La Fayette, lúc ấy thiên-hạ nơi thành Nữu-Ước tìm phương giải thoát nạn đô-hộ của Anh, biến nữa thì thấy lầu đài chớn-chở, cửa biển thuyền bè tấp nập, thiên-hạ đô hội, nhà thì cất 100 từng, lầu các nguy-nga không còn tình trạng như trước kia. Những nơi bùn lầy thành ra một cửa biển lớn lao vô cùng tận, giàu sang vô đối. Nếu chúng ta tưởng tượng, tại có những cái tư-kỷ ban sơ mà thành Nữu-Ước có được cảnh trạng bây giờ, hỏi nhơn-loại muốn bảo thủ cái nào, muốn bảo thủ mảnh đất bùn lầy hay là cảnh đài các hiển nhiên đây?

Các Đấng ấy nói: Chưa hết, sẽ còn thay đổi nữa, chẳng phải thành phố Nữu-Ước thôi, mà cả hoàn-cầu đến hạn định của mình đều phải đổi nữa.

Các bạn Việt-Nam, cho các bạn thấy bản-đồ thành Sài-Gòn, dòm thấy trên bản-đồ do con sông lớn hai bên bần mọc li-bì, kế đó con sông nhỏ, sơ-rơ mấy nhà thuyền chài. Bến-Nghé là đó, bùn lầy dơ bẩn hai bên sông lớn chảy dài vô trong ruộng đầy-đặn, đưng cỏ mọc. Thỉnh-thoảng thấy biến tướng ra hai bên sông bớt bần, thiên-hạ chen nhau cất nhà, gọi là nhà sàn, đầy dẫy thuyền bè tới lui buôn bán. Biến nữa, thấy dựa bờ sông có người xúm-xít cất nhà, nhóm thành làng lớn, nhà cửa thuyền bè đặt nghẹt. Biến nữa thấy ruộng khô, nhà đắp nền đất, nhà ngói, nhà tranh nhiều. Biến nữa thấy hai bên bờ sông nhỏ, bây giờ là đường Charner, thiên-hạ ở coi náo nhiệt, lao-xao lố-xố. Biến nữa, con sông đó đâu mất, hai bên bờ sông lớn không còn nhà sàn như trước nữa, lại có tàu khói ra vô tấp nập, thiên-hạ buôn bán. Biến nữa thấy Châu-thành buôn bán sầm uất. Biến nữa thấy lầu đài, nhà thờ nhà nước. Rồi biến nữa ta thấy Châu-thành đương nhiên bây giờ.

Các Đấng hỏi: Chúng ta muốn bảo thủ thành Sài-Gòn như trước, còn ruộng đất bùn lầy, hay muốn bảo thủ phong cảnh ngày nay? Lại nói: Chưa hết đâu còn thay đổi nữa.

Bây giờ có người nhứt định nói hiện giờ có Đạo Cao-Đài chờ coi đặng làm bằng chứng. Tìm tòi thấy Đền-Thánh chúng ta đây, bản-đồ có rừng, cây, cọp, beo, khỉ đủ thứ thú dữ ở. Rồi thấy biến ra vài ba cái nhà tranh cất leo-teo trong rừng. Biến nữa, thấy phát ra một khoảnh trong cất Đền-Thờ, với vài ba cái nhà lá làm trú phòng. Rồi biến ra chòi cất cùng hết, mỗi nơi mỗi cái chòi xen lẫn nhau trong rừng có vùng đắp đất. Biến nữa thấy thiên hạ vô Đền-Thờ coi được sạch-sẽ, vẻ-vang. Thấy làm gì mấy ông lớn vô rồi ba người ở ngoài cửa mắng nhiếc chưởi bới. Biến nữa thấy thiên-hạ người nghèo khó tấp nập ra vô, đốn cây, ban gò mối, làm cho đất bằng phẳng. Biến nữa thấy chất đá ngói cất Đền-Thờ lợp ngói, biến nữa sập cái Đền-Thờ đó xuống có Đền-Thờ khác thiên-hạ đang làm, tức là Đền-Thờ đương nhiên dinh-thự mọc lên cùng khắp.

Hỏi Đạo Cao-Đài muốn có bảo thủ khu rừng hoang vu hay là bảo thủ Đền-Thánh hiện giờ, hay là muốn giữ để làm tư-kỷ cho mình chăng?

Các Đấng ấy nói các sự biến-tướng là gì lẽ công hết thảy, dầu cho thành Sài-Gòn hay thành Nữu-Ước điều biến-tướng theo lẽ công không vì tư được, nhà ta cất giờ phút này, bất quá là mở phần tựu hình đặng cốt yếu trong sự thống-nhứt vì công, không vị-tư vị-kỷ được.

Ấy vậy, ta thấy hữu-hình hiện giờ, cái bí-mật huyền-vi Thiêng-Liêng trên con đường trải qua từ Bát-Quái-Đài đến đây thấy thế nào? Thấy có những cây, khi đi ngang qua các Đền Đài phải biết rằng, có bàn tay của mấy người tượng nắn ra các cái đó, các vật chung quanh mỗi người nhìn thấy trên con đường trải qua ấy, cũng chính tay mỗi đứa mình đào tạo thành ra một vật chung, nó là công không phải tư, cho đến Đức Phật Mẫu mà các người đến kiến định, nhìn nhận là Mẹ sanh của mình tại thế, chính Phật-Mẫu tượng hình cho chúng mình. Phật-Mẫu cũng là công, không phải tư được, còn Chí Tôn mà ta sẽ gặp tới đây ta sẽ thấy Chí-Tôn là cha của mỗi đứa mình, thấy Ông định nhập vào cho công và hết còn là tư. Về huyền-bí Thiêng-Liêng, nắm cái Càn-Khôn lập quyền-năng vững chãi do nơi cơ-quan vị-công bất vị-tư.
Thế-gian này, ngày giờ nào nhơn-loại lấy của mình làm công, không lấy một mảnh đất nào làm tư nữa, thì ngày giờ ấy thiên-hạ mới hạnh-phúc./.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 6: Chúng ta nhìn thấy trường đời, có khác chi nơi cửa Thiêng-Liêng kia lạ một điều là: Những cơ-quan của tinh-thần vật loại tạo thành tướng đều là "Dĩ kỷ vị tư", mà hễ dĩ kỷ vị tư tức có tương tranh tương đối, mà có tương tranh ắt có tương tàn tương diệt chớ có gì lạ đâu.
Nguyên bản chánh in là: Chúng ta nhìn thấy trường đời, có khác chi nơi cửa Thiêng-Liêng kia là một điều là: Những cơ-quan của tinh-thần vật loại tạo thành tướng đều là "Dĩ kỷ vị tư", mà hễ dĩ kỷ vị tư tức có tương tranh tương đối, mà có tương tranh ắt có tương tàn tương diệt chớ có gì lạ đâu.
(*2) Nơi đoạn thứ 8: Các bạn có giấu-diếm được không? Mời các bạn ra khỏi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa xem xuống thế-gian coi thế-gian đào tạo từ thử, coi tình trạng biến hóa của nó đặng quyết định do quyền-năng thế nào? Đứng trước cửa Diêu-Trì-Cung dưới cây phướn chiêu-hồn của Đức Diêu-Trì, ta dòm thấy một bản-đồ dường như trải ngửa cho chúng ta xem,...
Nguyên bản chánh in là: Các bạn có giấu-diếm được không? Mời các bạn ra khỏi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa đem xuống thế-gian coi thế-gian đào tạo từ thử, coi tình trạng biến hóa của nó đặng quyết định do quyền-năng thế nào? Đứng trước cửa Diêu-Trì-Cung dưới cây phướn chiêu-hồn của Đức Diêu-Trì, ta dòm thấy một bản-đồ dường như trải ngửa cho chúng ta xem,...
Chúng tôi mạn phép trình bày như trên cho rõ nghĩa hơn.

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 16
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 22 tháng 11 năm Mậu-Tý (22-12-1948)

Hôm nay chúng ta đã đến tại nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa đặng quan-sát kiếm tìm cả sự thiệt-chiến coi có cái chi phản-khắc với chúng ta không?

Từ hôm trước đến nay Bần-Đạo đã thuyết-minh những điều vấn nạn của các Chơn Linh siêu thoát. Nhưng vì thiếu đạo-đức tinh-thần, kiếm đủ triết-lý đặng chối tội, chúng ta đã thấy các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa kia chưa để cho họ đặng thắng đó vậy.

Đêm nay chúng ta tưởng mình lên tại chót Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, kỳ này là kỳ trọng yếu hơn hết. Bởi vì họ vấn nạn về quyền-năng tín-ngưỡng.

Luật Thương-Yêu Công-Bình của các vị Giáo-Chủ đã để tại mặt thế-gian này, vấn nạn kịch liệt lắm, chúng ta để ý, hạng nhứt là Chư Chức-Sắc Thiên-Phong Nam Nữ nên cần để ý cho lắm.

Bần-Đạo thuyết đêm nay là đêm trọng yếu hơn hết, họ vấn nạn về tín-ngưỡng.

Kỳ trước Bần-Đạo giảng về chỗ có nhiều Tôn-Giáo làm cho nhơn-tâm bất nhứt, ngày hôm nay họ công-kích về luật điều, họ hỏi: "Nếu như Đạo-Giáo có một khuôn khổ hữu hình, tức nhiên là phải chiếu theo khuôn-khổ của Thiên-Điều mà tại sao lại các vị Giáo-Chủ lập giáo bất đồng với nhau? Vị này nói vầy, vị kia nói khác, tức nhiên phản-khắc với nhau, biểu sao nhơn-loại không chia rẽ? Biểu sao không thống-nhứt?

Các vị Giáo-Chủ quan-sát lại coi những Đạo-Pháp, Đạo-Luật của mấy vị Giáo-Chủ ấy, vẫn là phương-pháp khắc bạc với nhau, phản đối với nhau, không đồng tâm không đồng đức, nhứt là không đồng tánh về tư-tưởng, đạo-đức, tinh-thần, biểu sao nhơn-sanh không chia rẽ, nếu chia rẽ tức nhiên loạn-lạc.

Đời lúc nào cũng phản khắc loạn-lạc, chia rẽ. Thì các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa họ chỉ ngồi họ cười. Họ nói: Luật hữu-hình bất công của các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, là tại nhiều tâm-lý, nhiều tâm-đức, nhiều tinh-thần, đừng có nói là một nòi giống, một quốc-gia, hay vạn-quốc, tánh-đức nhơn-loại bất đồng thay, chẳng khác nào các vị buộc vị Phật (Sĩ-Đạt-Ta) lập giáo nơi Ấn-Độ là Phật-Giáo ngày nay, mà Ngài đồng tâm đồng tánh với người khác giống được. Ngài vẫn làm chủ tâm-lý của loài người do tại đâu? Do mặt Luật Bác-Ái và Công-Bình, những phương-pháp của các vị Giáo-Chủ, dầu cho luật-pháp đã lập nền Tôn-Giáo bất điều hòa với nhau nhưng đó cũng mở đường chỉ nẻo cho nhơn-loại đi đến con đường của Đạo-Giáo, tức là tín-ngưỡng thờ Người và thờ Trời. Còn về luật-pháp của mình, Đức Phật Thích-Ca có nói nếu như Ngài không Bác-Ái không Công-Bình, thì Đạo-Giáo của Ngài không Bác-Ái Công-Bình đặng, lập đạo từ trước đến giờ. Hỏi Đấng ấy lập giáo của họ trên nền tảng nào? Có phải là Bác-Ái và Công-Bình chăng?

Nếu không phải Bác-Ái và Công-Bình thì chưa có tìm một triết-lý cao siêu, để vào tâm-lý tinh-thần nhơn-loại mặt thế này. Chúng ta đã ngó thấy của ấy là Nhân đó vậy.

Nhưng trái ngược lại, họ còn giành phần (*1) họ đánh ép mình, nếu chúng sanh không có tinh-thần với họ và nếu không có công-bình, tâm-lý, tinh-thần và không lòng thương yêu đầy dẫy, chưa đồng tâm tánh trí não, thì các Ngài chưa hạ mình xuống đặng nâng đỡ tinh thần loài người dường ấy.

Đức Lão-Tử thấy thiên-hạ không biết nhìn phẩm-vị của mình, không biết chơn-tướng của mình để nơi nào mà định vị cho mình. Trái ngược lại, Ngài sanh ra tại đất Trung-Hoa, buổi tâm-lý nhơn sanh điêu tàn, họ không biết phẩm-giá con người là gì? Đến đổi tâm-lý loài người buổi ấy cũng xáo trộn, không còn chơn-phẩm của người. Họ không biết tự tôn họ, họ chưa biết phẩm-vị họ, thì họ chưa tin thiên-hạ, tức nhiên là thú-chất vật loại, nếu không phải có bác-ái từ-bi thức tỉnh nhơn-loại buổi ấy, thì họ chưa biết phẩm-vị tối cao tối trọng của họ. Họ không còn làm con vật nữa! Nếu chẳng Bác-Ái Công-Bình chưa hề khi nào lập nên nền Tôn-Giáo như thế đặng.

Đến ngày nay nước Tàu còn lưu lại, Ngài nói chẳng phải nói Á-Đông mà thôi đến Âu châu cũng vậy. Ngài nói cái triết-lý Đạo cao siêu chơn thật, người ta theo không biết bao nhiêu. Nói về chơn thật thì chúng ta bảo vệ tinh-thần mà thôi. Các Ngài tìm thấy, các Ngài ngó lụng lại, các Ngài thấy tinh-thần mà thôi, dầu luật-pháp Tôn-Giáo cũng do Bác-Ái Công Bình mà lập thành, những phương-pháp họ tạo ra cho có hình-tướng cốt yếu dìu dắt tinh thần nhơn-loại, đi đến mức cao thượng là Bác-Ái Công-Bình. Bác-Ái Công-Bình ấy là Đạo Nhơn-Luân đó vậy. Nho-Giáo, Đức Khổng-Phu-Tử lập tại Trung-Hoa vì Ngài thấy nhơn luân buổi nọ điên đảo điêu tàn nên mới lập ra Nho-Giáo để bảo vệ Nhơn-Luân.

Cũng vậy nữa, Lão-Tử, Ngài thấy nhơn-phẩm suy đồi không còn giá-trị tâm-lý, nhơn sanh buổi ấy mất hẳn giá-trị của nhơn-loại, nên Ngài hạ mình xuống đặng định Luật- Pháp, trụ cái Đạo Nhơn-Luân làm căn bản, hễ biết trọng mình, biết địa-vị mình, tức nhiên Thiên-Đạo, biết Thiên-Đạo tức nhiên biết Thiên-Điều, biết Thiên-Điều tức nhiên biết Đức Chí-Tôn, tạo Đạo, mình phải giữ Đạo. Ngài không lẽ lấy danh tánh của Đức Chí-Tôn làm của tư được.

Ngài nói, đệ nhứt Đạo, tối cao tối trọng, đặng chỉ mặt Luật Bác-Ái và Pháp Công-Chánh. Đã định cái sống trong Càn-Khôn Vũ-Trụ thì phải định cái sống cho loài người, định cái sống cho toàn cả chủng-tộc cho toàn mặt địa-cầu này.

Luật-Pháp của Ngài nó đã trái hẳn phong-hóa mặt địa-cầu, nói về tinh-thần đạo-đức của Tôn-Giáo nó là mô giới, cho nên ngày giờ này cả vạn-quốc đều để tâm tìm kiếm Luật Pháp ấy.

Vì cớ cho nên Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn có tiên-tri rằng: "Đạo Cao-Đài tức nhiên là một cây cờ báo hiệu cho Vạn-Quốc toàn-cầu hay trước là: Thời kỳ Nho-Tông chuyển thế đã đến".

Đạo Đức Chúa Jésus-Christ tức nhiên là Công-Giáo, nếu Người không có Bác-Ái thì chưa đem xác thịt của mình làm con vật đặng tế Đức Chí-Tôn. Ngài cầu xin tha thứ tội tình cho nhơn-loại, Người ấy là Người đáng để lòng thương yêu, nếu đem ra làm kiểu mẫu cho nhơn-loại bắt chước thì Tôn-Giáo Gia-Tô đã đoạt được bao nhiêu tinh-thần thương yêu nơi mặt địa-cầu này vậy.

Nếu các Ngài còn chối cãi thì tôi nói rằng: "Dầu cho muôn đường ngàn nẻo thì các Ngài cũng phải chọn một, các Ngài chối không chịu dìu-dẫn tâm-lý loài người đi trong con đường tín-ngưỡng và dìu-dắt tinh-thần loài người trong Luật Yêu-Thương và Pháp Công-Chánh, các Ngài chỉ đem mấy bản hồ-sơ ra để trước mắt Tòa Tam-Giáo mà cầu rỗi lấy mình, tôi dám chắc các Ngài không phương thế gì chối tội đặng. Dầu cượng lý bao nhiêu cũng không chối đặng, các Ngài chối tội xin có bằng cớ dĩ nhiên rằng:

Đạo Cao-Đài xuất hiện, Đức Chí-Tôn đến mở Đạo 24 năm trường, Ngài đến ký một bản Hòa-Ước Thứ Ba với Nhơn-Loại, vì bản Hòa-Ước Thứ Hai nhơn-loại đã phản bội, không giữ sự tín-ngưỡng của mình vì cớ cho nên thất Đạo, nhơn-loại đi trên con đường diệt vong tương-tranh tự-diệt nhau. Vì lòng bác-ái từ-bi cho nên Đức Chí-Tôn Ngài đến, Ngài ký tờ "Hòa-Ước Thứ Ba" này nữa, để nơi mặt Luật-Điều cho chúng ta.

Các Đấng Thiêng-Liêng chỉ ngay Đạo Cao-Đài mà tín-ngưỡng và từ-bi cho y theo chủ pháp của mình "Dieu et Humanité" nên Trời và Người về mặt Luật Bác-Ái, về mặt Pháp Công-Bình, ngoài ra dầu Luật-Pháp muôn hình ngàn tướng cũng vẫn trong Luật Bác-Ái và Công-Bình mà thôi.

Hội-Thánh Cao-Đài cũng vẫn do mặt luật vô-hình tối cao là mặt Luật Bác-Ái và Công-Bình, dẫn họ đến cảnh vô-hình tối cao tối trọng, cũng do Luật-Pháp của Đạo Cao-Đài.
Ngoài ra Luật Công-Bình Bác Ái tất cả còn lại là phương-pháp mà thôi.
Kỳ tới Bần-Đạo giảng cái quyền-năng là cái hiệu-nghiệm của Luật Bác-Ái và Công-Bình./.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 10: Nhưng trái ngược lại, họ còn giành phần họ đánh ép mình, nếu chúng sanh không có tinh-thần với họ và nếu không có công-bình, tâm-lý, tinh-thần và không lòng thương yêu đầy dẫy,...
Nguyên bản chánh in là: Nhưng trái ngược lại, họ còn giành phận họ đánh ép mình, nếu chúng sanh không có tinh-thần với họ và nếu không có công-bình, tâm-lý, tinh-thần và không lòng thương yêu đầy dẫy,...
Chúng tôi mạn phép trình bày như trên cho rõ nghĩa hơn.

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 17
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 26 tháng 11 năm Mậu-Tý (26-12-1948)

Kỳ trước Bần-Đạo thuyết cuộc thiệt-chiến tại Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về mặt luật các nền Tôn-Giáo để, có thuyết sơ cái Luật và Pháp của Đức Chí-Tôn đã dành cho Thánh-Thể của Ngài thi-hành Đệ-Tam Hòa-Ước của Ngài.

Bần-Đạo hứa sẽ thuyết-minh cái quyền-năng của Luật Thương-Yêu và Pháp Công-Chánh. Bần-Đạo đã nói sơ qua cái luật quyền-năng của Đức Chí-Tôn đã nói buổi nọ, buổi ấy luật hình của Đức Chí-Tôn cho nhơn-loại chưa có ký tờ Hòa-Ước, Đức Chưởng-Đạo đã có tả sơ qua cho chúng ta hiểu Đức Chí-Tôn buộc Thánh-Thể của Ngài và toàn nhơn-loại tùng một khuôn Luật Thương-Yêu và Bí-Pháp Công-Chánh. Khi đó Bần-Đạo hỏi Ngài: Thầy là Thầy, Cha là Cha cả thảy sao Ngài lại xưng bằng Thầy, thì Đức Chưởng-Đạo nói: Cha thì đáng Cha, Thầy thì đáng Thầy, nói đến Bần-Đạo sẽ giảng sơ qua bài thi: "Luật Thương-Yêu Quyền là Công-Chánh".

Gần thiện-lương xa lánh phàm-tâm,
Làm cha nuôi sống  âm thầm,
Làm Thầy lại nhượng phẩm Thần, ngôi Thiên.

Tức Ngài cho hiểu Đệ-Tam Hòa-Ước với Đức Chí-Tôn, Ngài sẽ buộc nhơn- loại nhứt là Thánh-Thể của Ngài thi hành Luật Thương-Yêu và Quyền Công-Chánh.

Bây giờ Bần-Đạo thuyết về cái năng-lực của Luật Thương-Yêu của Quyền Công Chánh, chúng ta đã thấy hiện-tượng trước mặt chúng ta cả cơ-quan tạo đoan hữu- hình. Chúng ta chẳng cần tìm sâu-xa mà hiểu là do nơi Luật Thương-Yêu mà sản-xuất, vật gì, con gì, nó cũng có tình ân-ái của nó, thoảng như nó không có tình-cảm ân-ái của nó, thì nó không sanh-sản con cái được, con người không có tình thương với nhau, ân-tình với nhau nên chồng, nên vợ. Nếu không như vậy chắc là chưa có con nối dòng, truyền tử, lưu tôn cho loài người đặng.

Từ tạo Thiên lập Địa đến giờ, Luật Thương-Yêu dầu vạn-vật cũng thế, người cũng thế, Luật Thương-Yêu muốn đủ cao trọng hơn nữa, cao sang hơn nữa, thì luật định luật nơi Ngọc-Hư-Cung và Tây-Phương Cực-Lạc, tức Cực-Lạc Thế-Giái. Nếu nói thiệt đủ tinh thần mặt Luật Thương-Yêu ấy, trừ lại cơ-quan Tạo-Đoan, cả vạn-vật trong Càn-Khôn Vũ-Trụ này là Cung Diêu-Trì tức nhiên là Cung Đức Phật-Mẫu đó vậy.

Nói thật nếu Đức Chí-Tôn Ngài không có những tình-ái, không phân ra đệ-nhị xác thân, Ngài là bạn, Ngài là cơ hữu-vi Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ đương nhiên bây giờ, cũng như ta nếu chúng ta sợ cái cơ-quan Tạo-Đoan ấy, tức nhiên tạo đời của mình. Nếu bên Nam, bên Nữ, sợ vợ, sợ chồng thì đâu có tạo ra đời của mình, phải có tình ái nồng-nàn, nó mới nên chồng vợ. Không phải vợ chồng thương nhau mà thôi, nó còn xô đẩy cao xa hơn nữa. Nếu chúng ta biết ???-tâm (*1), nòi giống, quốc-gia, chủng-tộc tức nhiên chúng ta tạo đời, không phải thương chồng vợ mà thôi, Luật Thương-Yêu ấy nó còn cao xa hơn nữa!

Bởi vậy cho nên Khổng Phu-Tử lập Giáo, Đạo Nho-Tông  của Ngài chú trọng nhứt là Ngài lấy nhơn-luân làm căn bản, chặt-chịa mạnh-mẽ chắc-chắn lắm vì cớ cho nên Đạo Nho-Tông của Ngài để lại hơn hai ngàn năm vẫn còn nguyên-lực của nó, đương nhiên bây giờ nó còn đủ sức chuyển-thế đặng nó làm căn-bản mạnh-mẽ chắc-chắn. Căn-bản nhơn-luân chỉ sản-xuất nơi tình-ái mà ra, ấy Luật Thương-Yêu Đức Chí-Tôn buộc phải theo, theo mới được, ký Hòa-Ước với Ngài, phải thi-hành cái luật ấy.

Tờ Hòa-Ước này, ký với Ngài phải cho có hiệu-nghiệm. Ngài buộc ký với Ngài, thi-hành theo luật, cho chúng ta khỏi phải bội ước với Ngài, đã hai kỳ ký Hòa-Ước với Ngài, đều hai kỳ bội ước. Nếu chúng ta xét đoán hai kỳ trước, Ngài có buộc luật ấy hay chăng? Sao không có, có chớ! Mà tại Ngài không nói với nhơn-loại, không nói tức không buộc, không buộc thì không làm, đã có định-luật mà không có buộc, không buộc thì không đặng.

Kỳ này Đức Chí-Tôn không nói, mà Đức Chí-Tôn buộc, lại buộc phải thi-hành quyền Công-Chánh, chúng ta không cần tìm Trời - Đất chi cả, cơ-quan dưới thế, nếu không có mặt công-bình về tâm-lý, không có mực thước công-lý tại mặt thế này, thì Bần-Đạo dám chắc rằng: Cả cơ-quan hiển nhiên bây giờ không còn tồn tại được.

Có một điều khuyết-điểm chúng ta ngó thấy, một trường hỗn loạn, tương-tàn tương-sát với nhau, vì muốn thi hành mặt công-lý, tức nhiên lấy cân công-chánh làm mô giới cả cơ quan trị thế. Nhơn-loại loạn lạc tức nhiên mặt luật công-bình chúng ta đã ngó thấy, quả nhiên không thể chối cải cái gì được. Công-chánh là nơi miệng lưỡi loài người, tức nhiên vạn-quốc đương dùng bây giờ là một phương-pháp để lường gạt tâm-lý nhơn-loại.

Mặt cân công-bình thiên-hạ gọi là công-lý mà thế-gian này chưa có công-lý, mạnh thì công-lý của họ khác, giàu thì công-lý của họ khác, sang thì công-lý của họ khác, vinh hiển thì công-lý của họ khác, nghèo thì công-lý của họ khác.

Cái công-lý của nhơn-loại bây giờ là công-lý giả, vì bởi công-lý giả ấy, cho nên mới có trường hỗn loạn, tương-tàn tương-sát với nhau, phải họ đem công-lý về mặt tinh-thần quả quyết, đặng cân phân cùng các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, nếu cân công-chánh ấy thiệt tướng của nó, thì thiên-hạ không có tương-tàn tương-sát với nhau, ngày nay máu sông xương núi, họ dùng lời dùng tiền, thực hiện công-chánh đặng lòe-loẹt nghĩa lý công chánh của họ, con người chưa có đoạt đặng công-chánh thật sự vì cớ con người chưa có mặt luật Công-Bình Bác-Ái dưới thế-gian này. Bởi cớ cho nên Đức Chí-Tôn buộc cả con cái của Ngài nhứt là Thánh-Thể của Ngài thi-hành cho được thiệt tướng.

Bởi vậy có câu Thánh-Ngôn của Ngài nói: "Ngày giờ nào các con dòm thấy một lẽ bất công nào nơi mặt thế-gian này thì ngày giờ ấy chưa thành Đạo"./.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 7:
Nguyên bản chánh bản in không rõ chữ chúng tôi nghĩ có thể là: Nói thật nếu Đức Chí-Tôn Ngài không có những tình-ái, không phân ra đệ-nhị xác thân, ... ... ... Nếu chúng ta biết ???-tâm, nòi giống quốc-gia, chủng-tộc tức nhiên chúng ta tạo đời, không phải thương chồng vợ mà thôi, Luật Thương-Yêu ấy nó còn cao xa hơn nữa!
Chúng tôi nghĩ có thể là: lưu-tâm hoặc là luơng-tâm hoặc là linh-tâm

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 18
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 08 tháng 12 năm Mậu-Tý (06-01-1949)

Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cái hạnh-phúc chơn thật của loài người do nơi đâu mà có? Bần-Đạo đã tả do cuộc thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng Chơn-Linh cao siêu về trí-thức tinh-thần thiếu đạo-đức họ phản đối, họ cho rằng: Duy có bực chơn-linh cao trọng, đủ tinh-thần, đủ quyền-năng, đủ phương-pháp mới ngó ngay "Tứ-Diệu-Đề" tức nhiên là điều khổ của kiếp sanh đặng lập vị mình. Phần nhiều các chơn-linh khác không thể gì đảm đương quyết thắng "Tứ-Diệu-Đề" ấy đặng, tìm phương thế đặng giải khổ. Mà biết không giải khổ đặng, hơn nữa vì quá khổ, họ tìm mảy may hạnh-phúc, họ phải tìm lấy hạnh-phúc đặng giải khổ, duy có phương thế là tìm lấy hạnh-phúc trong phương tối khổ vì cớ mà tạo ra oan-nghiệt tội tình, quả kiếp là do nơi đó. Bần-Đạo nói vì cớ ấy cho nên rủ nhau tìm coi cái hạnh-phúc chơn thật của kiếp sanh con người do nơi đâu mà có?

Bần-Đạo cũng luôn dịp để toàn-thể Thánh-Thể của Ngài toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn lấy trí-thức kiếm hiểu coi nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành trả lời với họ thế nào? Bần-Đạo thuyết đêm nay hơi lâu một chút phải rán ngồi chờ để tâm mà nghe.

Bao giờ cũng vậy muốn thuyết cái chơn-lý, lấy cái Thể Pháp mà nhứt là dùng cái Thể-Pháp ngắn-ngủi khó lòng lắm, nhứt là phải thúc lại trong thời gian ngắn-ngủi này, vì thấy mỗi khi cúng rồi cả thảy đều mỏi-mệt, nên Bần-Đạo không muốn để cho Hiền-Hữu, Hiền-Tỷ, Hiền-Muội, Hiền Huynh, Hiền Đệ mệt mỏi như thế. Khó lắm không phải dễ, thuyết-pháp không phải dễ, dễ chăng là mấy bà lên nói hai ba câu rồi xuống kết cuộc của mấy bà là vậy thôi; thế nên hôm nay tóm-tắt như vậy thôi, cũng như có vị Giáo-Sư lên đài đứng sợ hãi quá, không phải dễ, chưa có ngày giờ tìm-tàng. Mỗi khi Bần-Đạo thuyết, Bần-Đạo để riêng một chỗ trống để cho tinh-thần toàn-thể con cái của Đức Chí-Tôn kiếm hiểu châm thêm cho được cao siêu, chúng ta có thể tìm-tàng được.

Bần-Đạo cố đưa chìa khóa cho cả thảy nắm trong tay, đặng mở ra hầu dìu dắt cả thảy đi cho trọn vẹn trong khối Linh-Đài của Đức Chí-Tôn.

Ấy vậy chúng ta kiếm hiểu hạnh-phúc chơn thật của con người, tức nhiên của kiếp sanh, do nơi đâu mà có?

Bần-Đạo thường khuyên nhủ muốn kiếm một sự thật của một chơn-lý, hay một triết-lý vô-hình vô-cảnh khó lắm, chúng ta phải thấu đáo cho tận cùng, duy chúng ta tìm-tàng dễ-dàng là chúng ta chỉ tìm nơi cái Linh-Đài, lấy cái nhỏ mà tìm cái lớn.

Thoảng chúng ta muốn tìm phương-pháp giải quyết cái thống-khổ đương nhiên nơi mặt địa-cầu này, họ đương đi trong cảnh vô-hình để họ tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại.

Ôi! Biết bao nhiêu cái mưu chước đặng tìm hạnh-phúc, mà tội nghiệp thay cho nhơn-loại họ cũng tìm, họ đương khao-khát cái hạnh-phúc thương yêu đặng để sống. Ai đề xướng ra tạo hạnh-phúc cho họ thì họ theo, họ chỉ theo Hitler vì họ tưởng Hitler tạo hạnh-phúc cho họ đặng. Như dân Ý theo Moussolini họ cũng tưởng tạo hạnh-phúc cho họ được mà thôi.

Đương giờ phút này các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, giờ phút này thiên-hạ đương bị lòe-loẹt vì hạnh-phúc ấy làm cho tinh-thần loài người đương hoang mang bất nhứt, cũng vì khao khát hạnh-phúc mà thiên-hạ bị lường gạt tinh-thần.

Chúng ta suy gẫm kiếm hạnh-phúc của loài người do nơi đâu mà có?

Bần-Đạo để cho cả thảy đều suy gẫm tìm kiếm. Bần-Đạo nói trắng ra thì chúng ta tự nghĩ mỗi anh em, mỗi người đều tự kiếm lấy mình, kiếm nơi mình, coi hạnh-phúc mình ở chỗ nào, kiếp sống chúng ta từ thuở lọt lòng, hạnh-phúc ở đâu, tìm thử coi? Chúng ta không thấy gì hết, chúng ta duy có biết đau khổ mà thôi. Bởi cớ cho nên, Bần-Đạo khuyên cả toàn-thể nhìn ngay "Tứ-Diệu-Đề" của Đức Phật Thích-Ca là đúng, mà sự phản-kháng của các Chơn-linh nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa không phải là qua lẽ đó được.

Chúng ta biết, kiếp sanh ta khổ, kiếp sanh ta từ buổi lọt lòng Nam-Nữ cũng vậy, phải tìm coi hạnh-phúc do nơi đâu mà có.

Bần-Đạo dùng phép hồi-quang phản-chiếu xem kiếp sống của Bần-Đạo, chịu thống khổ bao nhiêu, và được bao nhiêu hạnh-phúc chơn thật. Bần-Đạo phải đi từ chỗ nào? Bần-Đạo ngó thấy Bần-Đạo sanh ra gặp nhà nhân-từ đạo-đức, ông thân Bần-Đạo làm một vị quan của đời Pháp (lúc ấy, Bần-Đạo mới có bốn tuổi) chức tước ấy cũng khá, có dư dã, dư ăn, đủ mặc, nếu ăn hối-lộ có thể làm giàu được, nhưng ông thân của Bần-Đạo đạo-đức lắm, người dĩ-đức vi-trọng. Ông thường thấy sự bất công thì ông phản đối lắm, nhứt là trường hợp bị áp-bức nòi giống của đám dân nghèo. Đem tinh-thần ra cứu đời như thế nên đứng không bền-bỉ, vì vẫn bênh vực những kẻ yếu hèn, kẻ cô đơn, phản đối kịch-liệt với cái oai-quyền đặc-biệt của thiên-hạ. Thiên-hạ ghét những người phản đối với họ, nên họ đuổi mình, ra về với Bà Mẹ lo tảo lo tần mua bán nuôi sống. Bần-Đạo thứ tám còn con em thứ chín nữa ở với nhau như bầy con ở trong cái ổ nghèo ổ rách như vậy, mấy anh mấy chị họ lớn hơn họ lập nên danh kẻ có chồng người có vợ, chỉ có mình Bần-Đạo ở với Cha-Mẹ mà thôi. Bần-Đạo là con chót, con áp út phải ở trong gia-đình đó, ngay buổi ấy tưởng mình vô phước, mà ngó lại ngay buổi ấy Bần-Đạo chưa biết gì hết chỉ có biết thương nhau mà thôi. Thương cha có công sanh dưỡng và chơn chánh, thương mẹ bảo trọng gia-đình lo tảo lo tần nuôi con, thương anh em trong gia-đình, duy có biết thương mà lo học, sợ không học Ông Bà buồn rầu. Nói con không học Cậu, Mợ buồn lắm, vì thương yêu quyết chí học, học là tánh-đức của thiên-nhiên, thương nhiều quá, thương trong gia-đình hơn ai hết, anh em cũng vậy, hạng nhứt là trong nhà bất hòa, là điều khổ hơn hết. Anh Chị bất hòa Bần-Đạo theo năn-nỉ, khóc lóc giải hòa, ngó lại hồi lúc đó đến bây giờ thì lúc đó hạnh-phúc nhiều hơn hết, chỉ có biết thương yêu mà thôi.

Đến chừng lập được thân danh ra đứng đợt với đời, kiếp sống từ đó xét lấy mình thời buổi ấy đã tính trong óc Cha đã chết hồi 12 tuổi chỉ ở với Mẹ, thương Mẹ sợ Mẹ chết nữa không biết ở với ai? Sợ quá chừng quá đổi khi nằm ngủ cũng sợ.

Ở tỉnh Tây-Ninh này người ta thường chôn đám xác ban đêm, khi ngủ nghe họ hò giựt mình thức dậy mò kiếm Bà Già, Bà Già hay hỏi con làm gì vậy? Con nghe người ta đưa đám xác con sợ Mẹ chết quá. Cũng vì sự thương quá đỗi, chừng được 17 tuổi quyết định ra làm việc để trả hiếu cho Mẹ.

Bần-Đạo hiện tại ở Tây-Ninh thiên-hạ còn nhớ, buổi ấy không biết gì hết, duy có biết thương Mẹ mà thôi, thêm nữa mấy đứa em gái tới ngày giờ định gả lấy chồng chớ không còn ở chung nữa. Lúc ấy Bần-Đạo đã thi đậu, nếu ra làm việc với hãng buôn ăn lương lớn, mà sợ không biết nuôi Mẹ được không? Lại bị người anh rễ nói: Em làm việc hãng buôn ngoài không có danh-dự gì hết, nghe lời nên xin sở nhà nước, làm việc mỗi tháng lương 70, 80 đồng là nhiều lắm. Ăn xài hơn ai hết mà cũng dư một đôi chục bạc để nuôi Mẹ. Đến chừng lương còn hai chục đồng một tháng, chừng đó thiếu nợ lại còn thêm một bà vợ nữa, công việc bối-rối ra không biết bao nhiêu nữa, tới chừng đó không còn lo cho Mẹ được nữa. Còn lo gì nữa được, lúc đó khổ về xác mà tinh-thần cũng khổ nữa, không biết buổi nào quên được, mà trong gia-đình khi đó tạo hạnh-phúc được chưa? Chưa tạo hạnh-phúc được thì bà Mẹ đã chết!

Năm Bần-Đạo được 22 tuổi, đau đớn biết bao nhiêu chỉ có biết một điều là lo lập thân danh đặng nuôi Mẹ, lập đặng thân danh để bảo trọng anh em. Đến chừng thành danh rồi khổ đáo để, Cha Mẹ đã khuất hết, dầu thương bao nhiêu cũng không còn, lại bị ác nữa là vợ con gia-đình sanh đẻ mãi, đâu có lo ngoài được nữa, khởi thống-khổ tâm hồn. Tới chừng cao sang sung-sướng ngó lụng lại không thấy Cha Mẹ, vì Cha Mẹ đã chết hết. Hai Đấng ấy đã chết hết thôi mình đeo theo anh em, em chết nữa, lần lượt bao nhiêu người thân-ái đều chết hết, bao nhiêu cái thương nồng-nàn chỉ để nơi một người Anh Rễ, thương hơn anh ruột nữa. Có một người em gái thứ chín, đó là người bạn thân mến trong kiếp sanh của Bần-Đạo mà đã qui liễu rồi. Tới chừng ấy tâm hồn ngơ-ngẫn, xác thịt bơ thờ, đi ra ngoài đồng ngó ngọn cỏ, con chim nó cũng nhắc, nghe tiếng hát của mấy em cấy lúa, nghe tiếng hò của người chèo ghe, cũng nhắc tới nỗi đau thương. Từ ngày ấy, không biết buổi nào được vui, chỉ muốn tu, muốn tìm cảnh tu, cho đến từng tuổi này đáo để tâm hồn quá lẽ.

Nhờ Đức Chí-Tôn đem cây đuốc Huệ-Quang chiếu diệu tâm hồn này đặng gỡ mối đau khổ. Vì cớ cho nên Bần-Đạo theo, càng theo cái lý-tưởng càng để tâm hồn theo Ngài, rồi Ngài giao tình thương yêu nồng-nàn hơn muôn triệu lần của gia-đình nữa.

Hễ biết tu thì biết Đạo, hễ biết Đạo rồi thì biết dìu-dắt anh em chị em tình thương yêu nồng-nàn đáo để, thương hình-trạng của thiên-hạ muôn ngàn đau khổ.

Bần-Đạo đã sống bao nhiêu năm khổ chỉ biết chung chịu điều thống khổ với nhau, mà mấy anh lớn, mấy chị lớn lần lượt họ đi về Đức Chí-Tôn hết, chỉ để một mình Bần-Đạo quằn-quại gánh vác hai vai, khổ anh khổ em, mà các bạn còn bơ-thờ chẳng biết đạo hạnh là gì hết, nỗi lo Đạo-nghiệp, nỗi lo dạy-dỗ mấy em, nỗi lo cho đám con trẻ, mà mấy kẻ không có tay giúp đỡ vì Đạo, binh vực cho Đạo, mà tình-trạng thể tánh còn thay đổi.

Trái lại Bần-Đạo đem thân mình vô cửa Đạo đặng thoát ly thống-khổ cho tâm hồn, mà nó lại còn tăng thêm cái thống-khổ nữa. Hỏi cái thống-khổ của Bần-Đạo nơi đâu mà sản xuất, trong cảnh khổ ấy Bần-Đạo cũng có thể tìm hạnh-phúc đặng mà sống, nếu không có hạnh-phúc thì Bần-Đạo đã chết rồi, chết hồi thuở thiên-hạ cường quyền áp-bức đồ lưu nơi hải-ngoại, chết hồi buổi Đạo nguy biến suy vong, nếu không có hạnh-phúc tinh-thần an-ủi thì đâu có sống đến ngày nay.

Có chớ, có hạnh-phúc an-ủi được tâm hồn của Bần-Đạo là khối thương yêu của Bần-Đạo, thương yêu con cái của Đức Chí-Tôn, của triệu tâm hồn ấy là hạnh-phúc chơn thật.

Bần-Đạo không kiếm mà thể xác đặng mạnh-mẽ, năng-lực nó làm cho Bần-Đạo sống, sống đặng quyết thắng cả cái thống-khổ là do hạnh-phúc thương yêu ấy. Bần-Đạo yêu thương chơn thật con cái của Ngài, rồi Bần-Đạo thấy cả thảy con cái của Ngài thương yêu Bần-Đạo lại một cách chơn thành. Hỏi trong buổi chưa thương họ còn có kẻ ganh hiền, ghét ngỏ, vì tinh-thần ganh tị của họ, nhờ sự thương yêu chơn thật của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đem chứng cớ ra công-lý, làm cho toàn cả thiên-hạ ngó thấy khối thương yêu công-bình Thiêng Liêng hiện-tượng ra, đặng làm chứng cho Bần-Đạo, vì thương yêu nên mới tạo hạnh-phúc, vì thương yêu nên mới tạo ra tổ-nghiệp. Ngày giờ này cái (*1) hạnh-phúc thiệt tướng là bởi khối thương yêu vô tận đối với con cái của Đức Chí-Tôn, tức nhiên là trong đạo-đức đó vậy. Hạnh-phúc nó làm cho Bần-Đạo sống một cách mạnh mẽ, sống một cách oai quyền, cả thảy đoán xét lại, khi chúng ta tạo dựng được một cái đại-nghiệp, hay gầy dựng một công-nghiệp nào, mà đặng hưởng đặc-ân của nó, thì công-nghiệp ấy vẫn còn giá-trị.

Còn chúng ta có thể tạo công-nghiệp cũng không phải là một thời gian, một thời gian không thể gì đặng. Nếu cả triệu con người tin tưởng đặng, dầu công-nghiệp ấy đem mạng sống của mình đặng ký thác cho nó đi nữa cũng phải làm.

Giá-trị gì một mạng sanh, đem đổi hạnh-phúc cho cả triệu người mà sao không đổi, cái hạnh-phúc chơn thật.

Bần-Đạo cho hay nếu Đạo Cao-Đài sẽ hưởng được cái hạnh-phúc vô ngàn của Đức Chí-Tôn ban bố ngày nay đã thiệt-tướng vì vinh-hạnh đó, Bần-Đạo đã lập được đại công đối với toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn, Bần-Đạo đã lập được là nhờ cái quyền-năng vô đối của hạnh-phúc ấy.
Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng thêm năng-lực thương yêu và hạnh-phúc của loài người./.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 23: Bần-Đạo không kiếm mà thể xác đặng mạnh-mẽ, năng-lực nó làm cho Bần-Đạo sống, sống đặng quyết thắng cả cái thống-khổ là do hạnh-phúc thương yêu ấy.... ... ... Ngày giờ này cái hạnh-phúc thiệt tướng là bởi khối thương yêu vô tận đối với con cái của Đức Chí-Tôn, tức nhiên là trong đạo-đức đó vậy. Hạnh-phúc nó làm cho Bần-Đạo sống một cách mạnh mẽ,...
Nguyên bản chánh in là: Bần-Đạo không kiếm mà thể xác đặng mạnh-mẽ, năng-lực nó làm cho Bần-Đạo sống, sống đặng quyết thắng cả cái thống-khổ là do hạnh-phúc thương yêu ấy.... ... ... Ngày giờ này các hạnh-phúc thiệt tướng là bởi khối thương yêu vô tận đối với con cái của Đức Chí-Tôn, tức nhiên là trong đạo-đức đó vậy. Hạnh-phúc nó làm cho Bần-Đạo sống một cách mạnh mẽ,...
Chúng tôi mạn phép trình bày như trên cho rõ nghĩa hơn.

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 19
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 15 tháng 12 năm Mậu-Tý (13-01-1949)

Kỳ thuyết-pháp trước Bần-Đạo đã để một dấu hỏi: Đạo Cao-Đài có thể đem hạnh phúc cho nhơn-loại, tạo hòa-bình làm cho đại-đồng thiên-hạ đặng chăng?

Đã để dấu hỏi tức nhiên phải trả-lời. Chúng ta chẳng nên chỉ biết tin nơi Đức Chí-Tôn mà thôi, mà phải biết Ngài đến tạo nền Tôn-Giáo cốt yếu là đến ký tờ Hòa-Ước với nhơn sanh, tạo hạnh-phúc cho nhơn-sanh, và làm cho thiên-hạ hưởng đặng thái-bình nơi mặt địa cầu 68 này, tức nhiên chúng ta dám quả-quyết và để đức tin chắc-chắn rằng: thế nào cũng thành tựu, nhứt là có lời quyết đoán của Anh Cả Thiêng-Liêng của chúng ta là Đức Lý-Giáo-Tông đã nói:
"Đức tin một khối tượng nên hình,
Đã hiệp Vạn-Linh với Chí-Linh."

Nghĩa là Đạo Cao-Đài đã thành, nhưng từ-từ đi lên cho đến cái địa cảnh vô đối của nó.
Ta choán biết Chí-Tôn đến ký Hòa-Ước dưới thế gian này, chúng ta ngó thấy Hòa-Ước của nhơn-sanh nhứt là các liệt-cường ký với nhau khoản này, khoản nọ, khoản kia đủ thứ, ký không biết mấy khoản.

Với Đức Chí-Tôn chỉ có hai khoản mà thôi:
1 - Luật thương-yêu: Ngài định-luật cho chúng ta là thương-yêu, không phải thương yêu nhơn-loại mà thôi, mà phải thương-yêu cả toàn Vạn-Linh nữa.

2 - Quyền công-chánh: Ngài chỉ định là quyền công-chánh. Từ thử, ta chưa ngó thấy Hòa-Ước nào mà đơn sơ như thế, mà nó oai quyền làm sao! Không thể gì thực hiện đặng! Dầu cho tận-thế loài người cũng không khi nào thực-hiện ra đặng!

Chúng ta đã hiểu và tin rằng thế nào nó cũng thành, nhưng thời gian ta không biết định đoạt, ta chỉ lương-tri tức là lấy trí-tri để hiểu chơn-tướng của Đạo Cao-Đài, làm thế nào đem hạnh-phúc cho nhơn-loại hưởng được và tạo hòa-bình cho thiên-hạ cả Đại-Đồng Thế-Giới.

Chúng ta duy lấy trí-tri tìm hiểu thôi, chúng ta thấy cái quyền-năng của Luật Thương-Yêu thế nào. Tấn tuồng hiển nhiên hiện từ khi có loài người đến giờ, nếu không có sức mạnh-mẽ vô biên của Luật Thương-Yêu ấy thì Đức Phật Thích-Ca chưa có lập giáo thành tướng được.

Khi Ngài đến Ream luyện phép tuyệt-thực có bốn người theo Ngài, bốn người không phải theo Ngài làm Môn-Đệ mà theo coi Phật có đoạt Pháp đặng chăng? Đến chừng Ngài từ trên đảnh núi tuột xuống, Ngài ăn uống lại. Bốn người ấy đợi Ngài ở chân núi thấy như vậy cho rằng Ngài đã qui phàm rồi, không có đoạt Pháp chi hết, nên bốn người bỏ đi.

Tới chừng Ngài đi thuyết-giáo Ngài tìm bốn người ấy, bốn người ấy biết Ngài chơn thật mới theo, trong bốn người chỉ có hai người trọng yếu hơn hết nhưng rồi đến cuối cùng chỉ còn có một người đoạt đặng Phật-Giáo mà thôi.

Đạo Tiên, Lão-Tử có một người Môn Đệ và một đứa ở là Từ-Giáp biết Đạo của Ngài, duy có ông Doãn-Hỷ theo Đức Lão-Tử đoạt phép truyền giáo mà Đạo Tiên còn tồn tại đến ngày nay.

Đạo Khổng-Tử, tuy vân, nó có Tam-Thập Lục-Thánh, Thất-Thập Nhị-Hiền, Tam Thiên Đồ-Đệ mà cả thảy Đức Khổng-Tử chưa chắc người nào đoạt đặng, duy có một người mà thôi, là Thầy Sâm, bằng cớ là buổi chung qui Ngài kêu Sâm nói: "Ngộ Đạo Nhứt Nhi Quán Chi", Đạo ta chỉ có một người biết mà thôi.

Đức Chúa Jésus Christ có nửa người Môn-Đệ mà thôi, bởi Ông Pièrre chối Đạo 3 lần khi ăn năn khóc lóc với Bà Maria mà xưng tội mình.

Mahomet có một người Môn-Đệ phụ nữ mà Đạo Hồi Hồi đã thành vậy.
Chúng ta suy đoán chỉ có thương yêu, duy có một người thương, hoặc nửa người thương, mà các vị Giáo-Chủ đã lập thành Tôn-Giáo tại mặt thế này.

Chúng ta xét lại thấy Đạo Cao-Đài còn hạnh-phúc hơn các nền Tôn-Giáo trước, nếu nhận quả quyết thì có ba người, mà ba người tức nhiên nhiều hơn thiên-hạ rồi.

Cái thiệt-tướng của nền Tôn-Giáo Đức Chí-Tôn hiện-tượng do quyền-năng vô đối của Ngài mà đoạt được, trong đó các vị thừa mạng lịnh của Ngài đã vẽ nên hình, nắn nên tướng của nó. Bần-Đạo kiếu lỗi cùng con cái của Ngài, không phải tự-kiêu hay là tự-đắc chính tay Bần-Đạo có một phần khá lắm, vì cớ Bần-Đạo rủ chúng ta dùng phép hồi-quang phản-chiếu đặng định tướng diện của mình, cốt yếu là một phần-tử trong nền Tôn-Giáo, hễ mình coi chơn-tướng của mình, rồi tổng-số các chơn-tướng đó làm chơn-tướng của Đạo, Bần-Đạo thấy Đạo Cao-Đài nên hình đặng tức là thành tướng thương yêu vô tận vô biên. Nó nên hình có nét đẹp thiên-nhiên là nhờ vẽ với cây viết thương yêu mà viết nét Thiêng-Liêng cho Thánh-Thể của Ngài để theo nét thương yêu ấy đặng tạo nên hình-trạng thành tướng một khối thương yêu.

Ta không có mơ vọng và không có lường gạt tâm-lý nhơn-sanh, trước mặt mỗi người đều thấy, hỏi do quyền năng nào tạo thành quyền-lực ngày nay.

Quyền Đạo ngày nay do Luật Thương-Yêu mà thành tướng vậy, mà nếu do Luật Thương Yêu thành tướng thì không có quyền-năng nào tàn phá nó đặng, nó có sợ chăng là sợ luật thù hận. May thay cả lực-lượng thù hận cũng không xung đột được bởi có bàn tay Thiêng-Liêng gạt thù hận ra khỏi rồi.

Nó nên hình bởi sự thương yêu, trưởng thành trong sự thương yêu, bởi hình chất của thương yêu, hễ càng ngày càng lớn lên càng tráng kiện, nó sẽ làm chúa cả thù hận không hề xâm lấn nó đặng.

Nói quả quyết Bần-Đạo đã đánh tan thù hận ra, khi các đảng phái dùng quyền-lực đặng chiếm ngôi vị của Chí-Tôn để tại mặt thế-gian này.

Bần-Đạo đã can đảm dùng quyền của Bần-Đạo đánh ngã hết đặng bảo trọng hình tướng Thiêng-Liêng của Đạo. Bần-Đạo lỗ vốn cũng nhiều, Bần-Đạo gánh lấy cả thù hận ấy, đặng bảo tồn hình-thể của Đức Chí-Tôn cho trọn thương yêu.

Bần-Đạo dùng can đảm gánh cả thù hận của thiên-hạ mà bảo tồn khối thương yêu vô đối của Đức Chí-Tôn không cho hoen ố, nhơ bợn.

Tại sao mà Bần-Đạo dám thí mình gánh vác thù hận đặng bảo trọng nó? Bởi biết nó là Chúa của hình ảnh, của quyền trị thế tương lai, nó là Thầy của thiên-hạ đặng trị thế, nếu không trọn vẹn nó lưu lại kiểu vở thô bỉ nhơ nhớp thì không thể vì làm Thầy thiên-hạ đặng.

Các chi phái hồi đó dùng cường-quyền mà đoạt-vị. Bần-Đạo là Hộ-Pháp nắm giữ chơn truyền của Đức Chí-Tôn trong tay đây, mà để cho nó đoạt ngôi soán vị như các đời vua chúa từ trước lưu lại cho nền chơn-giáo của Chí-Tôn sao?

May thay, quyền ấy không xung đột được với Thánh-Thể của Chí-Tôn, nó đã bại trận, bởi Thánh-Thể của Ngài có người cầm Luật-Pháp oai-nghiêm tức là cầm cây huệ kiếm trong tay đặng gìn-giữ nền Chơn-Giáo nên hình được, nó nên được tức nhiên nó tạo cho thiên-hạ được, nó tạo oai-quyền của nó thành tướng đặng, thì tạo quyền cho nhơn sanh tại mặt địa-cầu này về tương-lai đặng./.

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 20
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 18 tháng 12 năm Mậu-Tý (16-01-1949)

Hôm nào đến nay chúng ta lưu luyến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, chúng ta đã có thấy nhiều bài hay ho về tinh-thần chúng ta, có lẽ chúng ta ở mãi, nhưng chúng ta phải dục-tấn nữa, tấn bộ trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Chúng ta đình lại, rủ các bạn đến đây, rất dễ, ngày giờ chúng ta ở Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa tức nhiên gần nơi Diêu-Trì-Cung là nơi nhao rún của chúng ta, chúng ta chẳng phải dễ gì mà đi đặng. Các bạn nên nhớ rằng: Chúng ta là người hành khách, có một điều là muốn đi đến nơi Cung ấy, dám chắc mình ngưng bước rất dễ, chúng ta đặng một bà Mẹ yêu ái vô tận vô biên, tưởng coi bà Mẹ ở nơi ấy có thâm tình với chúng ta ra sao? Bần-Đạo đã thuyết-minh trong những điều Bần-Đạo có hạnh-phúc, Bần-Đạo nói thật có hạnh-phúc Bà Mẹ của Bần-Đạo đã qui liễu khi trước, đặng nhập vô hình thể Thiêng-Liêng, Bà Mẹ sanh chúng ta tình yêu ái nồng-nàn làm sao!

Chúng ta ngó thấy lúc mới sơ khởi, chúng ta còn vật-loại, biến thân lên cho đến nhơn-phẩm, Thiên-Thần, chúng ta đã có hạnh-phúc, đứng đến địa-vị như nhau, Đệ-Nhị xác thân chúng ta sanh xuống làm người ở trong Đệ-Tam Âm-Quang thì thấy cái liên khổ, trong khuôn-khổ nơi Cung Diêu-Trì thế nào?

Bần-Đạo giảng điều trọng yếu hơn hết, mỗi căn tu của chúng ta đây, chúng ta ngó thấy Bà Mẹ sanh của chúng ta chịu nguyên vẹn nơi Cung ấy. Đại-nghiệp nơi Thiêng-Liêng chúng ta đã đào tạo, Bà Mẹ sanh của chúng ta giữ-gìn một cách mật thiết, chẳng khác nào chúng ta thấy Bà Mẹ tại mặt thế này. Trong những cuộc lễ như ngày Lễ Chúa Giáng-Sinh tức là lễ Noel, Bà Mẹ mua đồ chơi cho con, thương con cho đến đổi, khi nó chơi rồi mỗi vật chơi của nó đều đem chất trong một căn nhà, sự thương yêu trọng-hệ vô cùng, mỗi vật chơi của con đều để có thứ-tự, đến khi con lớn khôn rồi, đem ra làm dấu tích sơ sanh của nó. Bà Mẹ tại mặt thế này như vậy, huống chi là Bà Mẹ Thiêng-Liêng đã để ngàn muôn triệu kiếp sanh, chúng ta đã đoạt được thế nào mà không lưu-luyến nó đặng. Mỗi việc gì, mỗi hành-vi gì, nơi Cung ấy nó giục nhớ cho chúng ta những điều di-tích lại là mỗi cảm-tình vô hạn.

Ngoài ra còn một điều trọng-hệ hơn hết là nơi Cung của chúng ta hội-hiệp mỗi thân tộc Thiêng-Liêng của chúng ta đều hiểu biết cái hạnh-phúc.

Các bạn nên suy nghĩ lại, khi chúng ta lên Cung ấy chúng ta tạm nghỉ nơi Cung ấy, chúng ta nghĩ lại nơi thế-gian này, gia-đình dầu đông-đảo, bất quá sống một trăm tuổi mà thôi, dám chắc bao nhiêu năm đi nữa cũng phải về, huống chi là các thân-tộc nơi Cung ấy đang chờ ta, đương trông ngóng buổi qui-hồi của chúng ta, họ muốn chúng ta trở về không uổng kiếp sanh, cái thâm-tình thường lệ là cái chi? Là cái tình của chúng ta yêu ái từ buổi xa nhau, nó khổ não lương-tâm đau đớn về tinh-thần vô cùng. Cần nhứt chúng ta phải biết, chúng ta là một hành-khách đó vậy, nơi đây hay là nơi kia, cả Càn-Khôn Vũ-Trụ của hình-thể biết bao nhiêu địa-giới.

Giờ này chúng ta sống nơi trái địa-cầu 68 này là cái nhà, trọng-hệ yêu-ái nhứt của chúng ta, tưởng chắc ai cũng sợ chết lắm, sợ chết rồi lìa khỏi trái địa-cầu 68 này, bị cái sợ chết mà sa đọa. Nếu họ hiểu biết cái chết của họ, thì họ không có bị cái khổ hải như vậy. Bần-Đạo nói quả quyết rằng: Trong Càn-Khôn Vũ-Trụ này, cái địa-cầu 68 này là hạng chót, hạng khổ não nhứt nơi mặt địa cầu này, kiếp sanh nơi mặt địa-cầu 68 này không phải đáng cho chúng ta lưu-luyến, mặt địa-cầu này khổ não lắm, khổ não hơn hết.

Chúng ta ngó thấy những cảnh tượng nơi mặt thế này là chúng ta dòm thấy những kẻ bộ-hành đi xa xứ-sở, thân-tộc họ ra bến tàu đưa đi, mà người đi cũng khóc, kẻ ở cũng khóc, khóc mà đi, khóc sao không ở nhà, người nhà khóc sao để cho người ta đi, nếu khóc thì đừng đi.

Bởi bộ-hành nơi cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống kia cũng vậy, chúng ta còn dục-tấn mãi, dục tấn trên nẻo Thiêng-Liêng Hằng-Sống mãi-mãi thôi chúng ta đi không bờ bến.

Trên Càn-Khôn Vũ-Trụ bao la thế này, mà con đường chúng ta phải bước đến, bước đến cái đại-nghiệp của Đức Chí-Tôn, chưa có chơn-linh nào biết cái đại-nghiệp vô biên, đại-nghiệp ấy chưa có ai thấu đáo cho tận cùng.

Các bạn cứ đi theo tôi, đặng bước vô cửa Thiêng-Liêng. Có hai điều tối trọng tối yếu của chúng ta là nơi Ngọc-Hư-Cung và Cực-Lạc Thế-Giái, ngày giờ đó Bần-Đạo sẽ dắt các bạn đến Cung Diêu-Trì, Bần-Đạo cũng nên chỉ rõ Đức Phật-Mẫu đến tại mặt thế gian này đã tượng-trưng bên Ấn-Độ. Phật-Giáo Ấn-Độ gọi Ngài là Civa Phật, là cái hình ở trên Bát-Quái-Đài chúng ta để trên nóc đó, thấy có "Tinh-Nhũ" nơi ngực của Ngài đó.

Hồi buổi Chí-Tôn phân định, phân tánh của Ngài, lấy Khí tức nhiên là Ngài dùng cái "Linh-Pháp" của Ngài biến tướng ra Phật-Mẫu. Phật-Mẫu thuộc về Âm, Chí-Tôn thuộc về Dương, Âm-Dương hiệp lại mới biến hóa Càn-Khôn Vũ-Trụ, sanh ra vạn-vật.

Đức Civa Phật, Ấn-Độ làm một cái hình phân nửa giống đàn bà, còn cái tướng thì đàn ông. Bởi hồi đó con người chưa phân rõ chắc-chắn Nam-Nữ (Âm-Dương). Đức Civa trong huyết-khí tức nhiên là huyết, còn chơn-thần đào tạo chơn-thần là Đức Chí-Tôn. Đức Chí-Tôn là Phật, Đức Phật-Mẫu là Pháp, Pháp mới sanh ra vạn-vật Càn-Khôn Vũ-Trụ, vạn vật ấy là do nơi tinh mà ra, tức là Tăng.

Thần tức nhiên là Đức Chí-Tôn, Thần phân định khí, khí mới sanh ra tinh. Phật là Chí Tôn, Pháp là Civa tức Phật-Mẫu, Tăng là vật-loại trên Càn-Khôn Vũ-Trụ này.

Ấy vậy, Đạo-Phật thờ Phật-Mẫu chớ không phải không biết, dầu không thờ mà Đức Phật-Mẫu vẫn ngồi từ tạo-thiên lập-địa đến giờ, tức nhiên là Đấng tạo ra Vạn-Linh đó vậy.

Phật-Mẫu là gì? mà không biết, có con mắt mà không biết Phật-Mẫu là gì? Kỳ tới Bần-Đạo sẽ tự dẫn các bạn vô Ngọc-Hư-Cung coi Cung ấy là Cung gì cho biết./.

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 21
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 12 tháng 01 năm Kỷ-Sửu (09-02-1949)

Đêm nay chúng ta rủ nhau dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Chúng ta đã làm người, mà làm người thì đồng dung rủi trong con đường Đạo của Đức Chí-Tôn đến truyền-giáo nơi mặt thế-gian này, chính ta đem lại điều bí-yếu hơn hết là cái chơn-linh cao siêu Đạo-Giáo của Ngài.

Khi trước chúng ta đến quan-sát các cơ-quan chánh-trị của Càn-Khôn Vũ-trụ. Nơi Ngọc-Hư-Cung chúng ta cũng nên hiểu mình là gì cái đã, giờ mình đương làm gì, đừng để có cơ-quan bất ngờ như chúng ta đã gặp một trận thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa.

Con người, Bần-Đạo đã thuyết-minh cái triết-lý ấy có hai phần đặc-biệt:

1 - Chơn-linh tức nhiên tinh-thần huyền-bí do Đức Chí-Tôn xuất hiện .
2 - Phần về hình, tức nhiên xác do Đức Phật-Mẫu đào tạo, một phần hữu-hình một phần vô-hình, phần vô-hình ấy chí-linh chí-thiện.

Phần hữu-hình nó vẫn là cơ-quan riêng. Phần chí-linh ấy nó vẫn tăng tiến mãi mãi lên cho tới các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Xác thịt của chúng ta từ trước, các Đạo-Giáo đã tỉ con người chẳng khác như một vị Thiên-Thần cỡi một con vật.

Các nhà triết-lý từ thượng-cổ đến giờ họ để ra không biết bao nhiêu thí-dụ về Đạo-Giáo cơ bí-mật Thiêng-Liêng như Đạo-Giáo bên Pháp: "La Belle et la Peine" là Nàng Tiên và con Thú.

Các Đạo-Giáo nơi nào cũng vậy, đều phân biệt ra hai lý hiển nhiên. Tỷ như bên Á-Đông Phật-Giáo của chúng ta đã ngó thấy Đức Văn-Thù Bồ-Tát cỡi con Bạch-Tượng, Đức Từ-Hàng Bồ-Tát tức nhiên Đức Quan-Âm Bồ-Tát cỡi con Kim- Mao-Hẩu, Đức Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát cỡi con Đề-Thính, như Bát-Tiên kỵ thú vân vân. Tỷ dụ về phần hồn, phần xác của loài người đó vậy. Nói rõ hơn nữa chẳng khác nào như cơ-quan Tạo-Đoan nơi mặt thế này, chúng ta ngó thấy hiển nhiên là cơ-quan vợ chồng, chúng ta ngó thấy chẳng hề khi nào một người mà lập đặng hay làm đặng phải đồng-tâm, đồng-trí với nhau mới đặng, nhứt là hai cái tâm hồn nó có đặc-biệt với nhau. Tuy vẫn liên-quan mật thiết với nhau mặc dầu, hai tâm hồn chẳng buổi nào đồng thinh đồng âm-chất với nhau.

Luật Tạo-Đoan cốt yếu buộc loài người, phải để ý cho lắm thì mình tự tìm lấy mình, vì Luật Thiêng-Liêng ấy buộc mình phải đi kiếm cái sống, đến tuổi cập-kê rồi mà không định đôi gả lứa, thì dường như thiếu cái sống, con người thiếu cái sống là thiếu vợ chồng đó vậy.

Luật Tạo-Đoan đã buộc mình tự xử với nhau, người Nam với người Nữ mà tự xử với nhau, làm sao cho điều-hòa thân ái, làm sao cho Luật Tạo-Đoan ấy được quân-bình nhau không chênh, không lệch, đặng chi? Đặng cho biết trong thân-thể của chúng ta.

Thiên-Thần và Con Vật tức nhiên họ có thể hòa với nhau, họ có phương thế, hai phương thế ấy hiệp với nhau, đồng sống với nhau, đồng tăng tiến lên tới đồng phẩm-vị nguyên chất Thiêng-Liêng của họ, tức nhiên Ngươn-Linh của họ vậy.

Cả thảy khuôn luật ấy để cho chúng ta đặt trong tinh-thần một câu hỏi: Con vật với người có đồng-luật với nhau chăng? Không, con vật nó có luật riêng của con vật, con người có luật riêng của con người.

Ấy vậy trong thân-thể của chúng ta, vật hình của chúng ta nó có khuôn-luật của vật hình. Còn về Luật Thiêng-Liêng (*1) nó có Luật Thiêng-Liêng. Hai khuôn-luật ấy nó không có tráo-trộn với nhau đặng, chúng ta ngó thấy hiển nhiên trước mặt, con người của chúng ta không đồng phẩm, không đồng tánh, không đồng chất.

Phương sống con vật không đồng với chúng ta, chúng ta không thể gì đem cơm đưa cho con ngựa mà nó ăn, chúng ta cũng không thể gì ăn cỏ được, chúng ta không thể gì bò xuống bốn cẳng mà chạy cả ngàn dặm đặng.

Còn con ngựa không thể gì ngồi đồng bàn như chúng ta đặng, một triết-lý nào mà thiên hạ đã vấn nạn về tinh-thần thì con vật với con người không thể gì đồng phẩm vậy.

Con vật tức nhiên xác thịt chúng ta đang mang đây, còn Ngươn-Linh tức nhiên là Linh-Hồn, hai cái không thể gì đồng với nhau, hiệp với nhau đặng.

Hai mặt luật ấy vẫn đặc-biệt với nhau không thể gì hiệp một. Nhưng điều mà thiên-hạ đã tỷ-thí nói rằng: Ta đoạt Đạo đặng "Bạch Nhựt Chi Thăng" biến hóa vô cùng, Mỵ-Thuật và Mỵ-Pháp không có, không có đâu, nếu có thì Đức Tam-Tạng khi đi thỉnh kinh rồi không bỏ xác trôi giữa giòng sông.

Sống hay chăng? Đoạt đặng cả cơ-quan bí-mật Thiêng-Liêng thì chẳng sống. Chúng ta không phải xác thịt mà đoạt đặng, nó là con vật, nó phải tùng theo con vật, phải tùng theo luật hữu-sanh hữu-loại của nó.

Đoạt chăng nơi cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống tức nhiên là Đệ-Nhị xác thân của chúng ta, lời tục ở ngoài gọi là Vía của chúng ta đó vậy.

Ấy vậy, nơi cửa Ngọc-Hư-Cung là nơi cầm quyền chánh-trị của Càn-Khôn Vũ-Trụ, thì các phần hồn của mặt luật nơi Càn-Khôn Vũ-Trụ, về phần hồn nó không đồng với mặt luật nơi thế-gian này. Hai mặt luật, hai nền chánh-trị khác nhau đặc-biệt, chúng ta không thể gì tưởng-tượng hiệp một với cái kia, cho nên có nhiều cơ-quan trị Càn-Khôn Vũ-Trụ khác hẳn với cơ-quan trị nơi thế-gian này, dầu rằng nó có tương-liên mật-thiết hai nền chánh-trị, mà nó không tương-hiệp cùng nhau đặng. Không có lấy hình-luật trị thế gian này đem trị phần hồn được, vì không giống nhau.

Chúng ta phải biết chúng ta đi tìm gì đây? Đi tìm cơ-quan nào làm cho chúng ta đoạt đặng ngôi-vị vô-hình kia về phần Ngươn-Linh của chúng ta, đoạt phẩm-vị tối cao tối trọng là Phật-Vị. Chúng ta làm phương thế nào đoạt cho đặng Thánh-Đức (*2) của Đức Chí-Tôn, là Chúa. Chính Ngài là một vị Phật, một vị đã sản xuất ra Càn-Khôn Vũ-Trụ, sản sanh các vị Phật nơi Càn-Khôn Vũ-Trụ, chúng ta làm phương nào mà chúng ta đoạt-vị đặng cũng như Ngài vậy.

Chẳng khác nào như cơ-quan hữu-hình đứa con bao giờ cũng muốn làm, quyết làm sao cho giống tính chất Ông Cha, Cha làm được cái gì thì con cũng cố làm được cái nấy, tánh đức thiên-nhiên ấy không gì lạ hết. Các Chơn-Linh của loài người, bất kỳ một cá nhân nào, Bần-Đạo đã thuyết-minh dầu cho họ phàm bao nhiêu thây kệ, họ chỉ muốn làm Trời thôi, dầu cho họ hèn-hạ ra phàm-tục thế nào, mà nơi miệng họ bao giờ họ cũng muốn làm Trời, vì tinh-thần họ ngưỡng-vọng đoạt phẩm-vị ấy, trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, chúng ta thấy giục-thúc thế nào, giục-thúc bỏ con vật đặng tạo ra phẩm-vị Phật.

Bởi triết-lý trước mắt chúng ta không thể gì chối cải được, chúng ta không thể gì lấy hèn-hạ mà sống được; hèn-hạ là con vật, hèn-hạ là con thú, tức nhiên là xác thịt của chúng ta đó vậy, nó giỏi ở chúng ta trong thời-gian mạnh-mẽ, rồi tới chừng bạc nhược tiều-tụy ta phải bỏ nó cho nó chết.

Còn con ngựa chúng ta cỡi nó là trong lúc nó còn tráng kiện, một ngày nào đó nó có thể dung rủi được Thiên-Lý, tới chừng nó yếu tha già thảy bị hủy bỏ, thì nó phải chết. Không lẽ chúng ta coi con vật hơn ta, thì chúng ta không thế coi xác-phàm này, con vật này hơn Ngươn-Linh ta, không khi nào ta coi con vật hơn Ngươn-Linh ta đặng.

Vì lẽ ấy mà các nhà trí-thức từ thượng-cổ đến giờ người rất cần-cù tìm-tàng nạo cả trí óc kiếm nguyên do cái sống của mình, đối với Càn-Khôn Vũ-Trụ coi toàn cả trong ấy có gì trọng-hệ mà phải tìm. Chúng ta ngó thấy tìm-tàng một điều là tại sao Ngươn-Linh của họ phải ở trong một con vật? Về tâm-linh đến tánh-linh họ có đặc-biệt, bằng chẳng vậy thì họ toàn là con vật bạc nhược, không bao giờ họ thắng nổi tức nhiên họ phải tìm nguyên do nào mà sản-xuất.

Vì cớ mà chúng ta thấy chẳng bao giờ loài người dám bỏ Đạo của mình. Họ là con vật, nếu họ bỏ Đạo tức nhiên họ là con thú mà thôi, họ không bao giờ dám bỏ cái Đạo của họ.

Họ muốn tìm-tàng thế nào, làm phương nào đem tâm-đức của họ lập giá-trị của họ. Lập giá-trị cho cái sống của họ.

Ấy vậy kỳ này Bần-Đạo đã mở màn bí-mật ra cho chúng ta thấy, coi chúng ta phải tìm cái gì? Rồi kỳ tới Bần-Đạo sẽ dắt cả thảy tới Ngọc-Hư-Cung đặng quan-sát cái chánh-trị của Càn-Khôn Vũ-Trụ cho tường-tận./.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đọan thứ 15: Ấy vậy trong thân-thể của chúng ta, vật hình của chúng ta nó có khuôn-luật của vật hình. Còn về Luật Thiêng-Liêng nó có Luật Thiêng-Liêng. Hai khuôn-luật ấy nó không có tráo-trộn với nhau đặng, chúng ta ngó thấy hiển nhiên trước mặt, con người của chúng ta không đồng phẩm, không đồng tánh, không đồng chất.
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn: Ấy vậy trong thân-thể của chúng ta, vật hình của chúng ta nó có khuôn-luật của vật hình. Còn về phần  Thiêng-Liêng nó có Luật Thiêng-Liêng. Hai khuôn-luật ấy nó không có tráo-trộn với nhau đặng, chúng ta ngó thấy hiển nhiên trước mặt, con người của chúng ta không đồng phẩm, không đồng tánh, không đồng chất.
(*2) Nơi đọan thứ 23: Chúng ta phải biết chúng ta đi tìm gì đây? Đi tìm cơ-quan nào làm cho chúng ta đoạt đặng ngôi-vị vô-hình kia về phần Ngươn-Linh của chúng ta, đoạt phẩm-vị tối cao tối trọng là Phật-Vị. Chúng ta làm phương thế nào đoạt cho đặng Thánh-Đức của Đức Chí-Tôn, là Chúa. Chính Ngài là một vị Phật, một vị đã sản xuất ra Càn-Khôn Vũ-Trụ,... ...
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn: Chúng ta phải biết chúng ta đi tìm gì đây? Đi tìm cơ-quan nào làm cho chúng ta đoạt đặng ngôi-vị vô-hình kia về phần Ngươn-Linh của chúng ta, đoạt phẩm-vị tối cao tối trọng là Phật-Vị. Chúng ta làm phương thế nào đoạt cho đặng tánh đức của Đức Chí-Tôn, là Chúa. Chính Ngài là một vị Phật, một vị đã sản xuất ra Càn-Khôn Vũ-Trụ,... ...

 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 22
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 18 tháng 01 năm Kỷ-Sửu (15-02-1949)

Trước khi Bần-Đạo dắt cả thảy con cái Đức Chí-Tôn tấn bước trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, nhứt là vào Cung Ngọc-Hư; có một điều trọng-yếu nếu không thuyết minh ra, trước khi vào nơi ấy chúng ta sẽ có nhiều điều khuyết-điểm. Toàn-thể con cái của Đức Chí-Tôn không có quyền đoán, triết-lý cao siêu trọng-yếu tấn-triển của phần hồn, nhứt là phương-pháp đoạt-vị của mình.

Còn một thuyết trọng-yếu nơi mặt thế này, làm cho các Đẳng Chơn-Hồn quả kiếp biết bao nhiêu thống khổ, nhứt là giục thúc chiến-đấu tấn triển từ thử đến giờ, đã gây biết bao nhiêu tội tình.

Văn-Minh. Hôm nay Bần-Đạo thuyết hai chữ Văn-Minh của thời-đại này, Văn-Minh là gì? Lấy theo chơn-tự Việt-Ngữ tức nhiên Nho-Tông của chúng ta. Văn: nghĩa là những lời lẽ, hoặc là văn-hóa hay văn-chương, những lời-lẽ mà chúng ta đã đoạt đặng của người khác, hay của mình đặt ra. Minh: nghĩa là minh-bạch rõ-ràng, sáng-suốt, lời lẽ minh-bạch rõ-ràng, đã giúp ta đoạt đặng những phương-pháp, để mà định quyết tương-lai, hay là giữ tồn tại sự tiến triển trong kiếp sống của mình, hoặc là chúng ta dùng phương-pháp về văn tự, để lưu truyền ngôn-ngữ của chúng ta, đặng định một sự tấn triển của phương sống, hay phương-pháp sống của xã-hội, chúng ta đã định, chúng ta đã đoạt được, tức nhiên sự tiến-hóa tồn tại, bảo thủ với một phương-pháp văn-chương, đủ lẽ hay là giải-nghĩa bao quát của chữ Văn-Minh là Civilization.

Chúng ta nên hiểu có ba nghĩa Civilization, có thể tưởng rằng:
1 - Một là tổng-số của sự tiến-triển về tâm-lý tức nhiên về chính lý, về khuôn khổ, về hình thức của sự sinh-hoạt con người đã đoạt đặng, và lấy trí óc bảo thủ cho nó tấn triển thêm, tấn triển cho mỹ-mãn hơn nữa.

2 - Thứ nhì là tổng-hợp các sự tấn triển của xã-hội, một quốc-gia mà họ đã đoạt đặng, họ muốn bảo thủ tồn tại, nhưng họ bị tư-tưởng mới mẻ hay là những điều mới mẻ do phương tiện của sự sanh-hoạt mới mẻ sản-xuất, giục thúc họ, dường như muốn khám phá những cơ nghiệp của họ, đào tạo về văn-hóa của họ, về phương diện hạnh-phúc cho họ. Tư-tưởng mới mẻ ấy, có thể bỏ ra, nếu cả đại-nghiệp của họ được, họ tìm phương bảo thủ cho còn tồn tại.

3 - Thứ ba là phương-pháp của tinh-thần quyết thắng vật-chất, tức nhiên là những phương-pháp mà chúng ta không thể đè nén cả tinh-thần về thể-chất của hình thú ta, với cái trí óc ta vẫn biết Thiêng-Liêng do Thiên-Tánh, đặng làm cho người xứng đáng làm người, không hạ mình xuống tánh chất con thú.

Với ba nghĩa lý ấy, nghĩa lý nào chắc? Nếu nói ba thuyết ấy chắc cả thảy ba, thì chúng ta nên nhìn nhận nghĩa lý sau chót hết là chánh đáng, tại sao? Mà không có thể tưởng tượng rằng: Giúp cho loài người đến địa-điểm có thể tưởng là hạnh-phúc được. Con người bây giờ có thể bay giữa không trung, như con chim kia là máy bay, có thể lặn xuống biển được là nhờ máy móc, có thể không ở mặt đất mà lại ở trên mây, trên không khí Thiêng-Liêng, nó không cần đi mà nó có thể chạy trên mặt đất, nó không cần bay mà nó có thể ở giữa lưng trời được, nhưng chưa phải đó là hạnh-phúc; đó là theo cái văn-minh mà thiên hạ tưởng-tượng, có thể đào tạo hạnh-phúc cho nhơn-loại đặng, không phải theo ôm bó hay an ủi hoặc bợ đỡ đặng mảnh thi hài đầy-đủ sung-sướng hạnh-phúc, hay nó giúp cho mảnh thi hài này tưởng-tượng mình không còn một lực-lượng nào đối phó với mình, tưởng hạnh-phúc thực sự, nhưng chưa phải là thật hạnh-phúc của họ vậy, hạnh-phúc thiệt không phải là phần xác, hạnh-phúc thiệt của con người là phần hồn.

Chúng ta đã ngó thấy biết bao nhiêu vị vương-Đế đã tạo giang-san sự nghiệp, từ thượng-cổ đến giờ ai không tưởng đến: "Tứ Hải Vi Thiên Hạ Chi Giao", lấy hạnh-phúc của một Đấng làm Chúa cả các dân-tộc khác, mà so sánh dám chắc nếu chúng ta dở lịch-sử ra coi thì chúng ta để dấu hỏi mơ-hồ họ chưa có thể chắc hạnh-phúc được.

Trái lại chúng ta thấy một tấn tuồng: "Hễ càng cao danh-vọng lại càng dày gian-nan". Nếu họ không thỏa-mãn về tâm hồn thì không phải là hạnh-phúc. Dầu sang trọng, sung sướng cách nào cũng chưa gọi là hạnh-phúc được, không phải tâm hồn thỏa-mãn thì không phải là hạnh-phúc thật. Con người bao giờ cũng vậy, đi tìm hạnh-phúc chớ không phải tìm ăn, tìm sống, nhờ sống cho họ sang cả vinh-hiển phủ-phê thỏa-mãn, ấy là về phần xác của họ mà thôi. Dám chắc chúng ta đoạt được dầu hạnh-phúc ấy hiện hữu chúng ta thấy một vật vi hậu, con người bao giờ cũng vậy, thân-thể của họ sung sướng bao nhiêu đi nữa chỉ hai ba ngày đầu thôi, còn thú-vị đến năm ba ngày sau họ nhảm-nhí. Hễ họ đoạt được hạnh-phúc về phần xác, dầu cho họ đoạt được đến địa-vị bực nào đi nữa cũng không thỏa-mãn, cái hạnh-phúc không phải do nơi xác thịt này mà sung sướng hay vinh-hiển.

Ấy vậy, văn-minh tạo hạnh-phúc cho loài người về phần xác là đời, chẳng khác nào như ngọn cỏ đầu sương, bất quá là lòe con mắt cho thiên-hạ mà thôi, chớ chưa thỏa-mãn. Họ tạo dựng không phải tồn-tại, không phải vinh-hiển.

Cái thuyết của văn-minh là cái phương-pháp giúp cho con người biết duy-chủ con vật của mình, mà điều-độ sự sống còn tồn-tại nơi mặt thế này. Sống tạm tại mặt thế này làm cho họ thỏa-mãn đặng điều-độ mảnh thi-hài, hay thể-chất này thôi, duy có tinh-thần đạo đức mới đặng.

Một lần nữa, giải thật nghĩa hai chữ Văn-Minh: Văn là quyền hạn, Minh là sáng-sủa đạo-đức. Nếu Văn-Minh mà thiệt-tướng được, là thực-hiện một nền Tôn-Giáo cao siêu tại mặt thế-gian này mới thiệt hạnh-phúc. Về phương-pháp Đạo-Đức mới thật hạnh-phúc./.

Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống
Bài 23
Đức Hộ-Pháp
Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 26 tháng 01 năm Kỷ-Sửu (23-02-1949)

Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Từ hôm nào tới nay đình-đãi đã lâu, có nhiều điều thúc giục Bần-Đạo phải thuyết, thuyết cho gấp, thuyết đặng cho biết, bởi vì thấy họ cuốn gói trở về nhiều lắm, Nam-Nữ cũng vậy, cần đi cho hiểu cho quen đường về của họ.

Chúng ta dục-tấn từ Diêu-Trì-Cung đến Ngọc-Hư-Cung, tức nhiên là Cung trị Càn-Khôn Vũ-Trụ đó vậy. Cung trị thế không cần nói, chúng ta cũng choán biết rằng: Chúng ta đến một Cung rất yếu trọng, chính nơi ấy là nơi cầm quyền điều khiển Càn-Khôn Vũ-Trụ.

Chắc mỗi người đều tưởng-tượng, nếu cầm quyền điều khiển Càn-Khôn Vũ-Trụ thì phải là một trường Quan-Lại náo nhiệt lắm, vậy chắc ai nấy điều tưởng-tượng phải có một trường Quan-Lại như mặt thế này.

Chúng ta tỷ-thí một chánh-phủ, mà nơi nào đã lấy làm Kinh-Đô để cầm quyền trị một quốc-gia, thì Kinh-Đô ấy bao giờ cũng náo nhiệt, Bần-Đạo xin nói hẳn rằng: Không có, không phải như sự tưởng-tượng của chúng ta vậy đâu!

Bần-Đạo xin nhắc và giảng từ bước, đặng cho con cái Đức Chí-Tôn dễ hiểu. Bần-Đạo ngó thấy chỉ thuật lại xin cả thảy Nam-Nữ nhứt là mấy vị niên cao, kỷ trưởng, mấy vị Chức-Sắc Thiên-Phong phải để ý lắm và nhớ.

Bần-Đạo sẽ thuyết cảnh tượng ấy, cả thảy đều thấy hiện-tượng trước mặt.

Có một điều là từ giã Cung Diêu-Trì dục-tấn tới nữa Bần-Đạo thú thật khó dụ họ đi lắm, phần nhiều về nơi cảnh ấy họ hưởng được một hạnh-phúc vô đối, nhứt là các đẳng Chơn-Hồn đã chịu thảm khổ một kiếp sanh, về cảnh ấy hưởng được hạnh-phúc vô biên vô đối, gần Bà Mẹ yêu ái vô-lượng vô biên, biểu họ từ giả Bà Mẹ ấy mà đi thì không phải dễ. Nhưng có một điều trọng-yếu hơn hết, lời tục-ngữ người ta thường có nói: "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn". Phải dục-tấn tới, thấy chán chường trước mắt mình, con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, đi mãi không ngừng, chúng ta đi, đi miết tới nữa để học hỏi thêm nữa.

Ngày giờ nào, thời buổi nào, chúng ta có thể cầm nơi tay một quyền-năng vô tận như Đức Chí-Tôn, đặng tạo ra một Càn-Khôn Vũ-Trụ khác, làm đại-nghiệp của mình. Vì vậy nên con đường dục-tấn không có ngừng, không có giới hạn, vô lượng vô biên vô cùng tận, cũng như Càn-Khôn Vũ-Trụ chúng ta thấy trước mặt chúng ta đó vậy.

Nếu chúng ta ngó thấy cây phướn Diêu-Trì-Cung trước mặt chúng ta, chúng ta muốn tìm Cung Ngọc-Hư thì chúng ta xây qua bên mặt, chúng ta ngó ngay Cung Ngọc-Hư, bên trái là Diêu-Trì-Cung đó vậy.

Chúng ta đi hoài chẳng phải chúng ta dục-tấn như buổi trước, bởi cảnh giới khác thường huyền-bí lạ lùng. Chúng ta thấy muôn điều trước mặt chúng ta điều do Chơn-Thần xuất hiện, Vạn-pháp thành hình không có điều gì chúng ta tưởng đến mà không có trước mặt. Cảnh tượng ấy nên hình nên tướng với một cách huyền-bí vô biên vô tận, chúng ta không thể gì tưởng tượng được.

Tỷ như con đường dục-tấn ấy chúng ta muốn có một việc lạ lùng là nếu chúng ta muốn đi đến cho mau, thì chúng ta đi như chớp nhoáng, muốn gì đặng nấy, tưởng thì nó hiện hình liền. Ấy là một địa-giới vô tận vô biên không khi nào lấy trí khôn con người mà tưởng-tượng được. Ôi còn khi bước theo con đường dục-tấn thì chúng ta không thể tỏ bằng ngòi viết đặng, bởi cảnh trí khoái-lạc vô biên.

Chúng ta hưởng hạnh-phúc nơi Cung Diêu-Trì một cách khoái lạc. Hạnh-phúc mà chúng ta hưởng được tưởng là hết rồi, nhưng chúng ta dục-tấn tới chừng nào độ khoái-lạc ấy cứ đến với ta mãi-mãi. Đi tới nữa, đi tới mãi, đi tới một mức khoái lạc hạnh-phúc về tinh-thần, vô tận vô biên, hưởng hoài không khi nào hết.

Khoảng đường mà chúng ta đi không có côi cúc, đi theo đường chúng ta gặp biết bao nhiêu người thân ái, bạn tác mừng rỡ không biết bao nhiêu.

Nếu chúng ta thấy một cảnh tượng của người nào lìa quê hương đi xa xứ, khi về gặp người chí chân của mình thì sự mừng rỡ của họ thế nào, chẳng cần tả ra cả thảy đều biết. Tưởng-tượng coi chúng ta gặp những người trên con đường dục-tấn là những người bạn thân yêu, tình nồng-nàn ấy không biết bao nhiêu. Muôn kiếp mới tạo được khối tình ái ấy, mỗi người chúng ta đều thấy trong thân-tộc của chúng ta, họ hiện-tượng không biết mấy muôn, mấy ngàn kiếp, chung chịu, chung đứng, chung đi với nhau trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, hạnh-phúc vô cùng, không thể gì tả ra bằng ngôn-ngữ đặng.

Bần-Đạo dám bảo-kê rằng: "Nơi cảnh ấy chưa có buổi nào huyên náo hay có tiếng nào buồn". Không có buồn, không có biết đau thảm, chúng ta đi miết tới, vui mà đi. Đến trước mặt chúng ta thoạt nhiên có một thế-giái vô cùng tận, đẹp-đẽ lầu đài nguy-nga chớn chở, chúng ta tưởng-tượng rất huyền-diệu. Lầu đài ấy chúng ta ngó thấy một màu với nhau chỉ có một vật tạo thành mà thôi, vật đó dường như pha lê vậy, như kiếng, ngà ngà đục đục, màu thì trong, hào-quang chiếu diệu. Một cảnh Trời hào-quang chiếu diệu ra muôn đạo, vì tướng của nó tạo thành hình của nó.

Vì vậy mà các Trang đoạt Đạo khi xưa, đi về tới cảnh đó là nơi Ngọc-Hư-Cung, một địa giới huyền-bí làm sao! Không thể gì minh-tả ra đặng, huyền-bí về tinh-thần của chúng ta, vì nó do tinh-thần của chúng ta biến tượng, ta thấy hình-trạng nó vuông vức, chúng ta tưởng-tượng mà ra đó vậy. Chúng ta tưởng-tượng hình-trạng thế nào, thì nó ra thế ấy. Nếu vị kiến-trúc-sư nào, hay một ông kỹ-sư nào ngó thấy nó, đều muốn bỏ nghề hết bởi không thể gì làm được. Tôi sợ e cho họ ngó rồi chẳng phải bỏ nghề mà thôi, họ còn ngơ-ngơ, ngẩn ngẩn, như điên mà chớ, bởi đã hao tâm mà làm không đặng.

Chúng ta đến nơi ấy, chúng ta thấy thi-hài của mình biến-tướng y như hình-ảnh của khuôn-khổ trong địa-giới, hình chúng ta biến một màu một sắc, hễ nó biến theo được mới nhập cảnh ấy được, nếu biến theo không được, thì chúng ta bị đuổi ra, ấy là Pháp-Thân của chúng ta nó phải nhập cảnh giới ấy, nên câu kinh: "Rấp nhập cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống là vậy đó". Khi vô đặng rồi, tưởng đâu thiên-hạ náo nhiệt, trùng-trùng điệp điệp lạ thường lắm, không có đâu. Chúng ta chỉ thấy Tông-Đường Thiêng-Liêng của chúng ta đang tiếp đón mừng rỡ. Ô!!! Nơi hội-hiệp các người thân-nhân của chúng ta, từ buổi chúng ta đoạt đặng địa-vị Tiểu-Hồi, lên tới phẩm Đại-Hồi, từ trong địa-vị Đại-Hồi ấy, mà chuyển-kiếp đoạt đến địa-vị Thần,Thánh,Tiên, Phật cả ngàn muôn triệu kiếp sanh.

Các bạn, các Tông-Đường, các Gia-Tộc chúng ta, chúng ta thấy muôn-muôn, trùng-trùng, điệp-điệp, không có định số được. Khi họ đến mừng, họ dẫn chúng ta đến một Cung họ dặn rằng: Nơi đây không đặng nói tiếng, chỉ tưởng mà thôi, hễ tưởng là như nói vậy. Tỷ dụ như: Tôi tưởng tôi muốn gặp anh tôi, thì tức nhiên cái tưởng ấy thành tiếng nói, mà lại có người anh đứng trước mặt liền. Cung ấy không có dùng lời nói, duy có tưởng mà thế cho ngôn-ngữ. Người ta dặn đừng tưởng Thần, Thánh, Tiên, Phật, bởi các Đấng ấy ở cảnh đó không có. Sở dĩ mà có, là tại mặt địa-cầu 68 này ta đặt ra, chớ nơi Ngọc-Hư-Cung không có, những danh-từ Thần, Thánh, Tiên, Phật chỉ dùng nơi trái địa-cầu 68 này mà thôi.

Chúng ta biết rằng: Đẳng-vị Thiêng-Liêng của các Chơn-Hồn không có phẩm-trật, chúng ta định nên có ngôi-vị, chỉ có ngôi vị tại mặt địa-cầu 68 này mà thôi. Chúng ta đã ngó thấy nhơn-loại nơi mặt địa-cầu này tinh-thần mỗi cá-nhân đều khác, hai ngàn bảy trăm triệu (2.700 triệu) chơn-linh nơi mặt địa-cầu này, thì hai ngàn bảy trăm triệu người không đồng phẩm chất, không đồng tánh chất, không đồng chơn-thần với nhau, cho nên không có khi nào mà hai người giống nhau, chưa có một chơn-thần nào giống nhau, thì cái thiên-vị kia nó không định giá được. Mỗi người đều có một phẩm-vị đặc-biệt của mình, mỗi kiếp sanh đều tấn, khi tấn tới có một sở định địa-vị của mình, mỗi một bước là một đẳng-cấp, đẳng-cấp định giai-cấp của mình, giai-cấp không phải giống nhau như ở thế-gian này. Bởi địa-vị không giống nhau, phẩm-vị chỗ nào thì đứng chỗ nấy, không ai xô đuổi không ai giành-giựt được, từ chối gì cũng không được, bởi không có danh-từ, mà danh-từ dường như để sẵn, bởi có địa-vị sẵn. Đức Chí-Tôn đã nói: "Đại-nghiệp của mỗi đứa Thầy có sắm sẵn cho đó".

Bây giờ nói về tánh-chất tôn-ti của mình, hằng-phẩm của mình đã không có, biết lấy chi mà định lấy nó, lấy gia-tộc của mình?

Bần-Đạo ngó thấy gia-tộc của các Đấng có mặt tại thế-gian này, thế-giới nghiệt oan của chúng ta, tức nhiên có năm trái địa-cầu có nhơn-loại ở, tức nhiên có tên của kẻ đoạt Đạo được là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra nữa chúng ta ngó thấy đại gia-đình của Đức Phật Thích-Ca, đại gia-đình của Đức Lão-Tử, đại gia-đình của Đức Khổng-Phu-Tử, đại gia đình của Mahomet, đại gia-đình của Jésus-Christ, đại gia-đình vinh-hiển hơn hết là đại gia-đình của Quan-Âm-Bồ-Tát, tức nhiên Từ-Hàng-Bồ-Tát vinh-hiển hơn hết là gia-đình ấy.

Ấy vậy gia-đình nào thì có phần trong gia-đình ấy, xây chuyển họ có tương-thân với nhau một cách mật-thiết, như một chơn-linh Kim-Thanh-Quan xuống thế này, có lẽ đầu-kiếp trong gia-đình của Từ-Hàng-Bồ-Tát, hay là của Khổng-Phu-Tử, hay là của Mahomet, hay là của Phật Thích-Ca, cho nên các chơn-linh ấy họ đã liên-quan mật thiết; vì lẽ ấy cho nên Càn-Khôn Vũ-Trụ có tên mình, dầu mà chúng ta muốn biết số trái địa-cầu thì chúng ta không thể gì biết được, chỉ có năm trái của chúng ta ở thì chúng ta biết mà thôi, chúng ta không biết cho hết. Còn ba ngàn (3.000) thế-giái kia với mười một (11) thế giái ở sau, giữa mấy trái địa-cầu kia, chúng ta không thể gì đoán được. Có nhiều khi thấy các Đấng lâm-phàm, hỏi ra dường như tinh-thần của chúng ta biết hết, cũng như có nhiều người bên Tây, bên Pháp mà họ biết nơi xứ Việt-Nam vậy. Nói dường như họ nói trên cung trăng, nhưng thật ra họ thấu-đáo cả chơn-tướng nơi mặt địa-cầu này, họ biết huyền-linh của họ, họ biết tài phép vô-biên của họ. Nói về kiếp-sống của chúng ta, không phải hành-hạ nó, nhưng phải tập nó hành nó. Nếu khi về được rồi thân-nhân của chúng ta dắt chúng ta đến một Cung có một quyển sách Thiên-Thơ để trước mặt ta, dỡ ra xem thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì thì trong quyển Thiên-Thơ ấy nó hiện-tượng ra hết. Chúng ta tự xử chúng ta, mình làm tòa để xử cho mình, hoặc mình phải đầu kiếp hay là đoạt đến địa-vị nào, mình đứng đến mức nào, thì cũng do mình định-đoạt lấy.

Vị Chưởng-Quản nơi Cung ấy theo tiếng phàm của chúng ta đặt tên là Nam-Tào Bắc-Đẩu. Nơi Nam-Tào Bắc-Đẩu không có ai trị hết, chính ta trị ta; không có ai định kiếp cho ta, chính ta định kiếp cho ta; chưa có ai phân tội phước cho ta, chính ta định tội phước cho ta, mạng căn kiếp số ta, ta định, không có một hình-luật nào buộc được chúng ta, chúng ta có quyền tự-do, quyền sở-hữu định mạng căn cho ta vậy./.
    Home             1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét