Lời Thuyết Ðạo Của Ðức Hộ Pháp - Toàn Tập 4


Q. 1/44: Cứu khổ về tinh thần.
Ðền Thánh, thời Tý rằm tháng 10 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm qua Bần Ðạo đã giảng về phương pháp cứu khổ của Chí Tôn đem đến cho con cái của Ngài về hình thể tức nhiên về xác thịt.

Hôm nay Bần Ðạo tiếp, giảng phương pháp cứu khổ của Chí Tôn về tinh thần, tức nhiên về tâm hồn.
Cái khổ tâm hồn của loài người nó thống thiết nặng nề, nguy hiểm nhiệt liệt hơn cái khổ xác thịt muôn phần. Cái khổ tâm hồn ta thấy nhiều người chịu không nổi phải chịu quyên sinh, họ tưởng đau thảm của họ hễ diệt tiêu thi hài là hết, nguyên do quyên sinh là vậy. Họ lầm! Sự thống khổ tinh thần hay tâm hồn, dầu xác thịt nầy hủy hoại, cũng không an ủi được tâm hồn vẫn đau thảm như thường. Quyên sinh họ tưởng khỏi việc đau khổ phần xác, trái lại sự đau khổ tinh thần ấy vẫn sống mãi nơi Hư Linh lại còn dữ dội ghê tợn hơn nữa.
Ấy vậy, sự đau thảm nơi thế nầy bao nhiêu, nếu không đặng an ủi, nó sẽ còn khổ não thêm gia bội lúc ở cõi trần. Tại sao có sự khổ não tâm hồn? Loài người, chúng ta lấy hết khối óc tinh anh xét căn nguyên, do đâu mà xuất hiện? Ta thấy tuồng đời, các bậc nhơn sanh vô ngằn đẳng cấp, nếu làm thống kê định phẩm giá thì con số vốn vô cùng tận, bao nhiêu người, bao nhiêu tâm lý, khác hẳn cùng nhau, tại sao? Nếu ta biết rõ chơn lý của Ðạo thì do địa vị tấn hóa các chơn hồn, định phẩm hình thể mình chẳng phải sản xuất do quyết định của mình mà do tiến triển phẩm vị tinh thần trí não nơi Chí Tôn định vị. Ðiều ấy không cần luận vì biết phần tâm lý, trí não mà hành tàng, sanh hoạt, mọi sự đều biệt phân, nên vì cớ mà Ðạo pháp Chí Tôn đã giải rõ: Toàn cơ quan thống khổ cốt để làm bài học hay, đặng tinh thần giục tiến tới nơi cao trọng cuối cùng là làm Chí Tôn trong vật loại. Chúng ta không cần luận.

Phần xác ta thấy gì? Thấy dường như trường bất công hiển nhiên trước mắt, nếu không biết Ðạo thì chỉ trích cơ Tạo đoan bất công là phải. Tại sao chúng ta thấy dưới thế nầy, ai cũng là người như ai, sao có kẻ tài, người dở, kẻ trí, người ngu, kẻ hiền, người dữ. Cả thảy sự phân cách đặc biệt tâm lý cá nhân, ta thấy trường tranh đấu sanh hoạt tương liên, tỉ như học trò đến trường cùng đồng bạn với nhau, thấy mình sao tối tăm ngu muội, còn bạn mình sao sáng láng thông minh, ngu đến nỗi phải bỏ trường không học đặng nữa về làm tên dân hèn, bạn mình khôn ngoan hơn, lập phẩm vị cao trọng, làm quan quyền cầm vận mạng dân sanh, sửa trị phong hóa, làm lãnh đạo cho đời, sao có sự phân biệt lạ lùng như thế ấy? Học trò nào cũng quyết tâm rán học, mà học không nổi là do tại nơi đâu? Rán tranh, tranh không lại phải khổ tâm hồn. Ðó là một lý.

Còn lớn lên rồi trường đời chán mắt, nghề hay nghiệp giỏi tài tình đủ bảo thủ gia đình, với nghề hay khéo, kẻ khác kia thâu sự đắc lợi sanh sống hạnh phúc, muốn học làm theo mà học không nổi bắt chước lại hư, là tại mình ngu muội hơn mới vậy. Tức mình hổ thẹn, phải đau khổ tâm hồn, người ta làm được sao mình lại không, người lập danh vị đời đủ mực quyền hành, ta cả đời hiểu biết, có lẽ cũng như người, mà vẫn làm tôi tớ cho người ra thân mai một. Uất ức tinh thần, người ta sao được thế mà mình như vầy? Thấy hiển nhiên trường đời bất công, tức mình, đó là khổ não tinh thần, tức là khổ não tâm hồn đó vậy.

Lại nữa, kẻ đi buôn kia cũng buôn như ai, với phương pháp như họ, sao họ lại được nhiều lời, lập lầu các nguy nga, vợ con đầy đủ sang trọng vinh hoa, còn mình dấn thân làm con buôn lỗ lã thất bại tiêu tan, tức mình quá sức tức nhiên phải thống khổ tâm hồn.

Mấy lẽ bất công ấy thiên hạ tìm phương thuốc, có người theo huyền vi tìm mãi, kiếm mãi, chờ có người đủ phương cứu khổ tâm hồn mà cũng tìm chưa gặp đặng. Mang xác thịt phải chịu một phen thống khổ, đầu óc tính toán, tại sao mình tài tình hoạt động có hơn thiên hạ, mà làm thì thất bại, tục gọi không thời buồn bực tức tối đủ thứ, rồi đành an ủi lấy mình bằng câu: "Tài mạng tương đố" mà thật ra không biết quyền năng do đâu mình phải chịu thống khổ như thế.

Các sự thống khổ, Bần Ðạo luận từ nãy đến giờ, thiên hạ tìm thuốc cứu khổ, chạy mãi không tìm đặng cho nên không một người nào sống ở đời được thỏa mãn. Kẻ hèn, người sang, kẻ trí, người ngu, thất công tìm phương an ủi. Như hai vợ chồng anh nhà nghèo kia, thấy thiên hạ giàu mình nghèo, mảnh áo chưa lành, ăn buổi mơi lo buổi chiều, đau khổ, không hiểu duyên cớ nào người ta sang trọng, hết sức khóc than rồi cũng tự mình an ủi lấy nhau, ngồi ngâm nga hát ru tâm hồn:
"Người ta giàu cái quần cũng đũi, cái áo cũng đũi,
Ðôi đứa mình nghèo đốn củi, đốt than.
Nghèo hèn xin bậu chớ than,
Rảnh đồng công mối nợ, anh mua lụa hàng may cho".

Hát như vậy rồi có lẽ vợ bớt khóc, mà anh ta cũng buồn cười.
Còn trí như Khổng Minh, hồi đốt Tư Mã Ý đặng bảo thủ nghiệp Lưu, sợ có ngày sẽ vào tay Tư Mã Ý. Ðốt nửa chừng trời mưa tắt cứu Tư Mã Ý khỏi chết, tức quá không biết an ủi làm sao ngước mặt lên trời than: "Mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên. Thiên lý vị nhiên, vị nhiên" nếu không an ủi như vậy, ắt ông phải điên mà chớ.

Ông Hồ Ðịch thấy Nhạc Phi bị Tần Cối giết một cách tàn nhẫn vì tại ngu trung, nghe Phiên đem binh phạt Tống, ngồi xem kết quả bên nào ăn thua, nhứt là đợi cho quả báo nhà Tống, nhưng Trời định Tống không thua, Phiên phải thối binh về nước, tức mình than rằng: "Thiên Ðịa hữu tư, thần minh bất công" đó là an ủi một cách hung bạo.

Ngày giờ nào nhơn sanh tìm phương an ủi cho bớt thống khổ phương an ủi tìm cũng đáo để như tìm gió theo mây, chạy đến gõ cửa Khổng Phu Tử: "Ông có thuốc gì an ủi nỗi thống khổ tâm hồn của tôi chăng?". Thì Khổng trả lời: "Phương chuyển thế không cùng, dầu đạt được Bí Pháp lấy Trung Dung cũng chưa thỏa mãn". Sang gõ cửa Phật Thích Ca: "Phật có thuốc gì chữa nỗi thống khổ tâm hồn tôi chăng?". Phật đem chơn lý Tứ khổ trước mắt là: Sanh, lão, bịnh, tử, ấy là chơn lý. Người mới tự xét, tôi không muốn sanh, mà ai sanh tôi ra chi để tôi chịu khổ thế nầy. Sống tôi không muốn sống, vì sống là gốc sản xuất Tứ khổ. Cái khổ ấy chẳng phải của tôi mà ai làm cho tôi khổ, cũng không thỏa mãn tâm hồn. Tìm nơi Phật không thấy đặng gì, đến gõ cửa Lão Tử: "Bạch Ngài, có món thuốc gì an ủi tâm hồn tôi chăng?". Bảo cứ giữ đạo đức làm căn bản, thoát mình ra khỏi thúc phược thế tình lên non phủi kiếp oan khiên nơi tịch mịch an nhàn thân tự tại. Nếu không thế ấy thì đừng mơ mộng gì thoát khổ được.

Nghe lời lên núi ở mà ngặt nỗi hễ mỗi lần đem gạo lên ăn thì khó nhọc trần ai khổ nhộng. Ðói tuột xuống, thất chí nữa, thành phương an ủi cũng ra ăn trớt. Rồi đến gõ cửa Jésus de Nazareth hỏi: "Ðấng Cứu Thế có phương thuốc nào trị thống khổ tâm hồn tôi chăng?". Trả lời: "Nếu các ngươi quả quyết nhìn nhận mình là con cái Ðức Chúa Trời, tức là Ðức Chí Tôn, làm như Người làm, mới mong an ủi tâm hồn được". Trong khuôn khổ phương pháp làm con cái của Chí Tôn thì lắm kẻ nói được mà làm không được, cũng như tuồng hát viết hay mà không có kép tài đặng hát.

Cả thảy không chối: Cũng có kẻ an ủi được nhờ đức tin vững vàng, còn phần nhiều ngược dòng đi ngã khác, không ở trong lòng Chí Tôn chút nào tất cả. Thất chí nữa hết thế tìm ai.

Bây giờ Chí Tôn làm phương nào trong thế kỷ 20 nầy đặng an ủi tâm hồn nhơn loại, Ngài đến cùng con cái của Ngài, quả quyết rằng: Nếu các con cái của Ngài tức là Thánh Thể của Ngài mà lập Ðạo không thành, thì Ngài phải tái kiếp. Trọng hệ gì dữ vậy? Ngài đến thế lập Ðạo, từ tạo thiên lập địa không cơ quan nào rời khỏi tay Ngài. Ngự Mã Quân của Ngài sợ sệt kinh khủng, vì mỗi lần Ngài tái kiếp thì phải chịu mọi điều thống khổ xác thịt lẫn tâm hồn.

Mỗi phen đến, đặc biệt Ngài muốn thế nào sự đau khổ của Ngài đó sẽ làm cơ quan giải thoát cho toàn thiên hạ. Sợ Chí Tôn phải khổ, nên Ngự Mã Quân tái kiếp lập Ðạo thay thế cho Ngài. Tại sao vậy? Nói thật, không ai có quyền năng nào hơn mẹ ru con, không ai có quyền năng bằng cha yêu ái, khi con đau đớn, con đương khóc mẹ bồng thì liền nín, còn cha hôn một cái, hết thảm hết buồn.

Chí Tôn sai các vị Giáo Chủ đại diện Ngài đến lập Ðạo do danh thể của Ngài, vâng mạng lịnh nơi Ngài, đến thay thế giáo hóa con cái của Ngài. Chưa vị nào an ủi được sự đau thảm cho trọn vẹn cái khổ của đời. Khối đau thảm ấy từ buổi có loài người chất chồng vô số kể.

Ngài đến bồng nhơn loại trong tay, ru rằng: Khối đau khổ tâm hồn của các con là tại các con đào tạo chớ không phải của Thầy, khổ là do quả kiếp mỗi đứa dục khổ cho nhau. Muốn giải khổ không gì khác hơn đập đổ các đẳng cấp tâm hồn, thống nhứt nhơn loại, nhìn nhau là anh em đồng máu thịt, cũng một căn bản cội nguồn, hầu chia vui sớt nhọc, biết tôn ti nhau, kẻ trên không áp chế người dưới, trí không hiếp ngu, hèn sang không phân biệt, mực thước tâm hồn nhơn loại phải đồng phẩm giá, đồng quyền năng.

Ngày giờ nào, nhơn loại biết tôn trọng nhau, dầu sang hèn nhìn nhau là anh em cốt nhục, ngày ấy phương giải khổ không khó. Các con nghe Thầy mà làm y lời Thầy thì khổ ấy tự tiêu diệt. Nếu các con còn đau thảm, thì đấm ngực nói: "Khổ nầy do các con tạo, không phải do Thầy định tội đa nghe".

Thầy đến chỉnh đốn tâm lý loài người, tránh tranh đấu, tiêu diệt lẫn nhau thì không còn hổn loạn với nhau, thì tức nhiên diệt khổ chớ có chi đâu lạ.
Cơ quan giải khổ tâm hồn của Ngài là đó.
Q. 1/45: Thuyết đại đồng.
Ðền Thánh, ngày mồng 1 tháng 11 năm Ðinh Hợi (1947)

Ngày nay Bần Ðạo giảng về đại đồng. Trước khi giải thuyết ấy, Bần Ðạo xin giảng thuyết duy tâm và duy vật. Nếu không thấu hiểu hai thuyết ấy, thì không hiểu thuyết đại đồng. Bần Ðạo đã giảng về Tam Bửu tức là ba cơ quan tạo nên con người: 1. là Tinh, 2. là Khí, 3. là Thần.

Tinh là gì? Tinh là con người hữu hình tức là xác thịt ta.

Khí là gì? Khí là trí não của chúng ta.

Thần là gì? Thần là linh hồn của chúng ta, Ðức Chí Tôn gọi là chơn linh.

Ba món báu ấy tương liên với nhau, bởi vì mỗi Bửu có Thể Pháp riêng, mà ba xác ấy hiệp lại mới tạo thành hình ảnh con người.

Bây giờ phân ra: Tinh là Vật, tức nhiên là con vật là thú, như các con thú khác, nghĩa là hình xác đứng về hàng phẩm thú. Khí là sanh quang trí não ta. Thần là chơn linh sản xuất nơi Chí Tôn. Ba cơ quan tương liên nhau, có Khí làm trung gian. Khí là trí não ta, nó đáo đến địa giới hiệp cùng chơn linh cho huệ trí. Trái lại, nếu nó không tương liên với linh hồn đặng thì nó lại tương liên với xác thịt, nghĩa là nhập vào giác tánh của con người. Giác tánh là gì? Giác tánh là trí não thô sơ, nó chỉ biết sống như con vật. Tỉ như con thú kia mới sanh ra chưa biết gì mà đã tìm vú mẹ, đặng bảo trọng sanh mạng của mình. Luật bảo sanh biểu nó tìm bao nhiêu đó để sống mà thôi. Ba món báu ấy tương liên với cả Càn Khôn Vũ Trụ, Thần tương liên với Phật tức là Chí Tôn, Khí tương liên với Pháp, còn Tinh tương liên với Tăng, tức là với vật loại.

Ấy vậy duy vật là xu hướng theo Tinh, còn duy tâm tức là thuyết hữu thần, tương quan với Phật là Chí Tôn. Bình thường các Tôn Giáo, đặt ra tên nầy, danh nọ đủ thứ, chí lý là tìm Ðấng tạo sanh vạn vật, lấy hình của người mà tạo linh quang của loài người tức là Cha linh quang của chúng ta, hay là Cha của vạn loại đó vậy. Bởi vậy, các Tôn Giáo, nhứt là Thiên Chúa Giáo nói: Con người là Thiên Thần bị hãm tù bởi chơn linh của chúng ta với Thiên Thần đồng chất với Chí Tôn. Mang lấy xác thịt nầy tức là ở trong cái khám vật loại. Còn Phật Giáo cho ta hiểu ba báu ấy chẳng khác nào như người cỡi ngựa với con ngựa. Con ngựa ấy là con kỵ vật tức là Tinh, Pháp là dây cương con ngựa, mà trọng yếu hơn hết là đồ bắt kế con ngựa là hàm thiết, chưn đưng kềm con ngựa chạy ngay con đường mình muốn tức là Tinh. Người cỡi là chơn linh ta, nghĩa là Thần, Thần là hình ảnh của Chí Tôn tạo cho ta, vì cớ con người có cao vọng chưa đạt được gì cao trọng, chưa đắc huệ trí mà đã tưởng mình là Ông Trời con, nên luôn luôn muốn làm Trời hơn hết. Tại sao vậy? Có khó gì đâu mà không hiểu: Ðứa học trò ngồi trong lớp thấy ông quan vô, có kỉnh sợ chi đâu, mà tự nói thầm rằng: Ông làm quan được trước, tôi cũng sẽ làm quan được, trừ ra khi nào ném sách vở ra chăn trâu, thì mới hết phương làm được.

Chơn linh biết mình muốn tu hầu làm Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng có thể làm bằng được Chí Tôn mà chớ, bởi vì phẩm vị Ngài đã dành để sẵn cho các con cái Ngài, nếu người nào làm được như Ngài vậy. Bởi vậy dầu chưa làm được ra gì, đã biết mình là Trời tại thế. Có câu chuyện tức cười, bằng cớ hiển nhiên như Ðức Trạng Trình là Nguyễn Bỉnh Khiêm buổi nọ hồi còn bé đi học, có Quan Huyện đến xét trường hay là thăm trường chi đó, nghe nói Ngài nổi danh Thần Ðồng khi thấy Ngài nhỏ người, thân không cao lớn hơn ai, lại bận áo rộng xùng xình, vì bận bính của ai đó lết bết dưới đất tức cười lắm nên ghẹo chơi. Ông Huyện ra một câu đối như vầy: "Học trò là học trò con, quần áo lon xon là con học trò". Ngài ứng thinh trả lời liền: "Ông Huyện là ông Huyện thằng, ăn nói lằng xằng là thằng ông Huyện". Ngài nói liền thiên tư  nhứt định không chịu thua.

Ấy vậy duy tâm thì sản xuất thiên tài, duy vật thì sản xuất nhơn tài. Ðể rồi sau Bần Ðạo sẽ thuyết ra thiên tài và nhơn tài một lần đặc biệt. Nãy giờ Bần Ðạo đã mở đề cho hiểu xin nên nhớ và nghe giảng tiếp thuyết đại đồng.

Ðại Ðồng là hiệp một loại vật. Vậy đại đồng tiến hóa do căn bản nơi đâu mà có? Dám chắc hỏi đại đồng là gì? Không ai giải nghĩa được. Ðại đồng là đồng sanh tức nhiên là chúng sanh đó vậy. Ai đã đồng sanh với ta là bạn, là anh em của ta. Bởi các vật hữu hình thọ quyền năng vô tận vô biên của Chí Tôn, đến thế gian với một mạng sanh, tức là đồng sanh, dầu vật loại, côn trùng, thảo mộc, thú cầm hiệp với loài người là chúng sanh, tức nhiên là bạn đồng sanh cả thảy. Hễ đồng sanh ta phải nhìn nhau là anh em trong lòng Chí Tôn mà sản xuất, vì nhà Phật cấm ta không đặng sát hại sanh vật, vì là bạn đồng sanh của chúng ta.

Vậy hai chữ Ðại Ðồng là gì? Thật ý nghĩa bạn đồng sanh, nhìn nhau hiệp một trong nguyên căn gọi là đại đồng. Hỏi thuyết đại đồng ngày nay xuất hiện là tại sao? Chúng ta đoán dễ lắm. Cung kỉnh, tôn trọng, quí hóa mạng sanh vạn loại, loài người đứng phẩm tối cao tối trọng, thay thế hình ảnh Chí Tôn có quyền làm Chúa đại đồng. Loài người bị tàn ác, chẳng những sát hại vạn linh mà thôi, lại chém giết tranh ăn, tranh sống, lấy cường lực đàn áp làm căn bản, dùng bạo tàn làm chúa thiên hạ, chớ không dùng đạo đức tinh thần. Bạo tàn không dễ làm chúa thiên hạ. Cái thuyết duy vật là trong khuôn luật vật hình nhứt định, còn thuyết duy tâm chỉ có khuôn khổ thiên nhiên, theo thuyết duy vật nào là các cường quốc trên khắp địa cầu tìm đủ phương châm luật pháp, làm cho thiên hạ hòa ra đại đồng ấy là điều mơ mộng, vì không hề đạt vọng được. Chưa ai hiểu đặng một người tài tình quán chúng, trí não cao sâu phải hạ mình làm người ngu dốt. Chưa có quyền năng nào mà đem một đứa ngu dốt lên làm ông Tể Tướng triều đình. Hàng phẩm căn mạng đều do Chí Tôn sở định. Ðã biết không ai ép buộc được, không khuôn luật nào biểu một vị đại văn sĩ ăn mày ngoài chợ được.

Hễ không có hình luật nào làm được, sửa được, thì thuyết đại đồng thiên hạ không thành tựu. Thuyết ấy kết liểu được là khi nào lấy thuyết hữu thần duy tâm làm môi giới chung trong sự yêu ái tôn trọng nhau trong tình anh em đồng một căn bản, một máu thịt một chủng tộc. Vì cớ các Ðấng giáng cơ bên Âu Châu nói: Loài người sẽ đạt được đến địa vị tối cao tối trọng mà họ muốn đạt, là loài người sẽ có nòi giống một quốc gia, một Tôn Giáo, ngày giờ nào loài người đạt được ba điều ấy thì thế giới đại đồng kết liểu thành tướng. Chí Tôn đến với loài người, Ngự Mã Quân của Ngài sợ sệt Ngài xuống trần phải nguy hiểm. Ngài đến tạo cho loài người một quốc gia, một nòi giống, một Tôn Giáo. Nhưng Ngự Mã Quân của Ngài không muốn cho Ngài đến, nên thay Ngài đến làm cho ba điều ấy thành tựu nên hình. Nếu ba điều ấy thành thì đại đồng thế giới thành. Nếu ba điều ấy không thành, thì đại đồng thế giới là thuyết vẫn còn trong vòng mơ mộng.
Q. 1/46: Sự tích Ðức Chúa Jésus giáng sanh.
Ðền Thánh, đêm 14 tháng 11 năm Ðinh Hợi (1947)

Ngày hôm nay chúng ta tính từ ngày đã đúng 1947 năm của Chúa Cứu Thế, tức Ðức Chúa Jésus Christ ở làng Nazareth xứ Palestine vâng mạng lịnh Ðức Chúa Trời, tức là Ðức Chí Tôn, đến độ rỗi các sắc dân Âu Châu. Chúng ta quan sát và chính Bần Ðạo quan sát thấy chơn truyền của Ðạo Thánh Gia Tô vẫn đồng căn đồng bổn với Ðạo Phật, ấy là Phật Giáo Hạ Thừa, không có chi khác, dầu Bí Pháp chơn truyền hay Thể Pháp đều cũng y như vậy.

Thảng từ thử đến giờ, có thuyết chia rẽ tinh thần, là tại nơi người phàm, đem thuyết ấy để trong sự tín ngưỡng của sắc dân Âu Châu nên mới có sự chia rẽ nòi giống. Vì nạn ấy mà chúng ta ngày nay thấy trên mặt toàn cầu nòi giống chịu nạn tương tàn, tương sát nhau.

Bần Ðạo xin thuyết cái nguyên căn của Ðức Chúa Jésus Christ là gì?
Thỉnh thoảng rồi Bần Ðạo sẽ đem nguyên căn của Thánh Giáo Gia Tô thuyết minh ra cho cả thảy nam nữ đều rõ biết.

Ðức Chúa Jésus Christ là ai? Nếu chúng ta thấy chơn truyền của dân tộc Nébreux tức dân Do Thái bây giờ để lại, theo luật pháp của Thánh Moise đã tiên tri nói về Ðấng Cứu Thế giáng sanh, nếu chúng ta tìm tòi, lật từ tờ trong Kinh Thánh Gia Tô chẳng hề thấy tên Christ và chẳng có tên Christ mà nơi cõi thiêng liêng Bần Ðạo dám chắc Ðức Chúa Jésus Christ là Chơn linh Christna là Tam Thế Tôn đó vậy.

Ðức Phật Christna không phải xa lạ với chúng ta, bởi vậy cho nên Ngài đã đến mà tại đến với chức trách nhỏ nhen hèn hạ, bởi loài người quá tự kiêu, tự đắc, dùng phương pháp nhỏ nhen, hạ mình hèn hạ ấy hầu đem tâm hồn chí Thánh của Ngài thức tỉnh các sắc dân Âu Châu. Ngài đến nơi một nhà bần hèn. Bần Ðạo xin nói rằng: Ngài đến nhà của bà Maria cốt yếu là một bà tu trong Ðền Thánh Jérusalem, ông Joseph cũng người tu trong Ðền Thánh. Luật của Ðền Thánh buộc hễ con gái đến tuổi cập kê cho ra xuất giá. Năm ấy cô Maria tức là một cô Ðạo nữ, chúng ta nói là một Ni Cô ở Ðền Jérusalem, đến tuổi lấy chồng. Phép Ðền Thánh buộc mấy Thầy tu trong Ðền Thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì chiếu theo lời Chí Tôn căn dặn nhủ lời Ngài nói với Adam và Eve buổi nọ: "Unissez vous et multipliez". (Bây phải chung sống cùng nhau đặng biến sanh ra nhiều nữa.)

Lễ tuyển chọn chồng cho bà Maria, theo luật Ðền Thánh buộc mỗi vị nam lựa bông để trong Ðền Thánh 3 ngày, nếu bông ấy còn tươi tắn thì được cưới.

Hại thay! Có nhiều kẻ trẻ trung, còn ông Joseph buổi nọ đã quá 50 tuổi cũng phải chịu theo luật cưới ấy. Nếu chúng ta nói đến hoa khôi lịch sắc thì bà Maria cũng có thể kể vào hạng đó. Mới tới tuổi cập kê mà sắc đẹp ấy làm biết bao nhiêu kẻ nam nhi ước vọng. Ông Joseph cũng như mọi người đem bông đến Ðền Thờ chịu trách nhiệm tuyển chọn ấy. Người tìm bông nầy, bông kia. Còn ông, ông tính mình đã già rồi, vợ con mà làm chi, nhưng luật Hội Thánh buộc không làm ắt có hình phạt hoặc quì hương chẳng hạn (Cười...). Bước ra khỏi Ðền Thánh, ông thấy bông huệ khô héo của ai bỏ, ông lượm lấy đem cậm vào bình, không ngờ thứ huệ rất nên kỳ lạ, những bông nụ nở rồi nó rụng đi, còn bông búp bắt hơi nước sống lại, nở tươi đẹp, còn các thứ hoa khác tàn rụi hết ông phải chịu phép cưới cô Maria.

Hại thay! Nhà tu nếu làm lễ cưới rồi phải ra khỏi Ðền Thánh, mà đôi vợ chồng ông đều tu không gia đình, không nhà cửa, không phương sanh sống, thật rất nên thê thảm.

May thay! Lúc còn ở Ðền Thánh, ông Joseph làm thợ mộc. Ông giỏi nghề mộc lắm. Ông mới bàn tính, bây giờ vợ chồng nghèo dắt nhau ra ngoài làm ăn, chồng làm thợ mộc, vợ may vá mà bà Maria về nữ công rất hay, khéo nghề đan (tricoter) nhờ vậy tìm sự sanh sống cũng tạm được đầy đủ.

Thảng mãn ngày qua tháng lại, hạ sanh con đầu lòng là Jésus. Hai vợ chồng nuôi con với phương tiện nghèo khổ, nhứt là ngày hôm nay là ngày sanh của Ðức Jésus Christ còn để lại dấu tích cho chúng ta thật đáng để ý hơn hết. Ðêm lễ Noel trong Ðền Thánh làm lễ long trọng như chúng ta làm lễ hôm nay vậy, hai vợ chồng đi lại từ làng Nazareth vô Ðền Thánh làm lễ. Khi đó bà đã có thai gần ngày sanh, nghĩ mình đã có căn tu, đến ngày Ðại Lễ không thể ở nhà được, bụng mang dạ chửa, cũng rán đi đến chầu lễ thường lệ.

Ở Châu Thành nhà cửa bị thiên hạ mướn chật hết, kiếm không ra chỗ ngụ, không lẽ ở ngoài trời, mới vô năn nỉ chúng cho ở trong chuồng chiên tạm trú. Trời đang tiết Ðông thiên, như ngày nay chúng ta nghe cũng hơi lạnh, lạnh lẽo lạ lùng nhứt là đối với hai người tâm Ðạo nầy vô ngủ trong chuồng chiên rất khổ sở. Ðúng 12 giờ khuya đêm ấy bà chuyển bụng sanh ra Ðức Chúa Jésus Christ.

Trong sách nói, ngày Chúa Giáng Sanh, có vì sao gọi là sao chổi mọc không gì khác lạ, đó là Comete de Halley, mỗi 75 năm mọc trở lại một lần. Các vị Vương tiên tri rằng: "Ngày nào sao chổi ấy mọc là ngày Chúa giáng sanh nên nhớ để dạ tìm người". Có nhiều huyền diệu ta không thể tưởng tượng được như đám chăn chiên đóng trại ngoài trời, bổng nghe giữa thinh không có nhiều Thiên Thần kêu nói có Chúa Cứu Thế giáng sanh, nên Vua của dân Maures và các người chăn chiên ấy vô đảnh lễ Chúa đầu tiên hơn hết.

Tai hại thay! Thời buổi đó nước của dân Juifs bị Ðế quốc Romains chiếm làm thuộc địa, ở Palestine thì để một vị Chánh Soái là Hérode Antivas hằng để tâm mưu sát Ðấng Chúa Cứu Thế, vì có tiên tri nói đến làm Vua nước Do Thái, nên ngay từ buổi đến trấn nhậm Palestine chính Hérode đã giết ông Thánh Saint Jean Baptiste.

Buổi ấy các nhà tiên tri cho biết Ðức Chúa Cứu Thế sanh ngày đó mà không biết Ðấng Chúa Cứu Thế là ai? Muốn giết, mà không biết ở đâu? Nên bắt tất cả con nít sanh trong đêm ấy ra giết hết, đinh ninh rằng: Trong đám đó có lẽ có Ðấng Chúa Cứu Thế. Ai dè may thay! Ông Joseph đêm mệt mỏi nằm mộng thấy Thiên Thần mách bảo, liền bồng đứa trẻ trốn qua Egypte. Hai vợ chồng đào tẩu kịp chớ không thì Chúa cũng đã bị giết rồi.

Qua Egypte một thời gian, đứa con lên được lên 5, 6 tuổi, nghe tin bên nước mình đặng yên và có lịnh thiêng liêng truyền dạy hai vợ chồng trở lại Palestine, chồng làm thợ mộc theo nghề cũ, vợ may vá nuôi con, lại sanh thêm ba bốn người con trai, gái nữa, thành thử cách sống rất nghèo hèn khổ não, từ cái đường sông Jourdain Ðức Chúa để bước đội nước mỗi ngày giúp mẹ cùng kiếm công một hai cắc.

Buổi nọ là lúc đã trộng rồi, được 12, 13 tuổi, theo cha học làm thợ mộc, ông chỉ đâu làm đó. Khi đó ông Joseph lãnh làm nhà của người ta, rủi cắt làm sao mấy cây cột lỡ cụt hết người chủ bắt đền không biết liệu làm sao? Nhà nghèo tiền đâu mua cột khác đặng bồi thường. Ông ngồi khóc ròng, đoạn Chúa mới cầu nguyện rồi cha một đầu con một đầu nắm kéo nhẵng ra cho đủ thước đặng bồi thường cho đủ, bằng không thì chỉ có ở đợ mà trừ. Thiệt lạ lùng thay và huyền diệu thay, đó là Ðấng Christ hành pháp lạ lần thứ nhứt.

Trong năm 12 tuổi là năm kéo cột đó, Jésus vô Ðền Thờ, buổi nọ chơn linh Ðức Christna giáng hạ, các vị Giáo Chủ trong Ðạo toàn là những bác sĩ nghe tiếng đồn danh thần đồng của Chúa Jésus nên khi vô Ðền Thờ, họ xúm nhau lại vấn Ðạo, Ðức Christna giáng linh, ngồi giữa các vị Giáo Chủ ấy, thuyết đạo làm cho thiên hạ ngạc nhiên sự lạ.

Hai vợ chồng buổi nọ đi chầu lễ Sablat vô Ðền Thánh cúng rồi về, dòm lại Ðức Chúa đâu mất, hỏi ai nấy có thấy Jésus không? Hai ông bà tìm kiếm mãi cũng không thấy con, sợ sệt, hơ hãi chạy trở lại Ðền Thờ, thấy Jésus ngồi giữa, các bác sĩ, Giáo Chủ đó ngồi chung quanh đương vấn Ðạo.

Bữa nọ vì tình cờ, tuy vân lúc còn ở trong Ðền Thánh Bà có được truyền tin rằng: Bà sẽ cho loài người nơi mặt thế nầy, bởi nơi lòng Bà xuất hiện ra Ðấng Chúa Cứu Thế, tuy đã biết trước như vậy, nhưng vì chạy kiếm con không thấy, vừa mệt, vừa sợ sệt đến khi tìm gặp, thấy con ngồi thuyết Ðạo, đã có lòng phiền, bèn kêu Chúa nói: "Sao con làm cho Mẹ khổ não kiếm con lắm vậy". Ðức Chúa liền nói: "Bà kia, bà không biết tôi đang làm phận sự của Cha tôi biểu phải làm hay sao?". Bà mới tỉnh, tự hiểu biết, nên phiền Ðức Chúa vì lời nói đó. Từ đó khi Chúa về nhà thì cũng như mọi đứa trẻ khác, cũng đi đội nước, cũng đục đẽo làm thợ mộc phục tùng cha mẹ hiếu hạnh đủ điều.

Trong nhà em út bất hòa, còn ông Jésus hiền lắm tánh hay nhịn nhục nên mấy người em thường hay ăn hiếp. Ở nhà không yên, ông đi làm thợ lấy tiền về nuôi cha mẹ lây lất qua ngày.

Ðến năm 30 tuổi nghe Saint Jean Baptiste truyền giáo tại bờ sông Jourdain, cũng trong lúc đó, Ðức Chúa đến gặp ông đang giải oan cho thiên hạ. Khi vừa thấy Ðức Chúa ở xa xa đi đến thì ông đã biết là Ðấng Chúa Cứu Thế, mới nói: "Từ sáng đến giờ tôi chỉ chờ có một người nầy thôi". Ðức Chúa đến thọ giáo nơi ông Thánh Saint Jean Baptiste và chịu phép Giải Oan của Ngài. Trong buổi vừa hành pháp xong, Ðức Chúa ở bờ sông Jourdain vừa bước lên thì trên không trung hiện ra hào quang sáng suốt, hiện ra giống như chim bồ câu trắng (colombe) sa giữa đầu Chúa, ngay giữa thinh không có tiếng nói: "Nầy con yêu dấu của Ta, cả ân đức của Ta để cho Ngươi đó ". Từ ngày đó Ðức Chúa Jésus là chơn linh Ðấng Christna giáng hạ cho nên đi truyền giáo nơi nào, chơn linh Ngài không phải như ngày sanh nhựt nữa, mà đã biến thành Chí Thánh vậy. Ngài là chơn linh Thánh sống trước mắt cả thiên hạ đạt cả Ðạo Giáo, Ngài quan sát nơi mặt thế nầy, Ðức Jésus Christ không kém hơn ai trong hàng Giáo Chủ. Ngài để nhứt tâm lẫn truất thương sanh, yêu ái người thật nồng nàn chơn chất. Ðức Thích Ca thế nào thì Chúa thế ấy. Bởi cớ thiên hạ thương mến nghe theo Ðạo Giáo của Ngài. Dân Juif các vì Giáo Chủ buổi nọ, luôn các vua chúa Palestine, thấy Ðức Chúa Jésus Christ thuyết Ðạo Giáo có một chí hướng chơn truyền phản khắc với tôn chỉ của họ, họ oán ghét, tìm phương giết Chúa, đến đầu cáo với César rằng: "Người ấy mưu cuộc phản loạn đem bọn Juif ra khỏi sự thống trị của chế độ Romain", nhưng họ cáo đủ thứ cũng không được , vì Thánh đức của Chúa không thể phạm vào được. Họ lại tìm cách bài bác Luật Ðạo, tạo một ban tuyên truyền làm cho nhơn gian sợ di hại liên lụy không dám gần Chúa. Mấy Giáo Chủ (Caiphe) ấy bắt Jésus giao cho Nguyên Soái Pilate lên án tử hình. Tuyên truyền thế nào không biết cho đến ngày Lễ Pâques là ngày thả tù nhơn, có tên Barabbas là Tướng hung dữ, sát nhơn đủ tội lỗi mà toàn dân Juif đồng tha bổng, còn Ðức Chúa Jésus chúng không tha, lên án tử hình và đem ra giết, đóng đinh trên cây Thập Tự.

Cái chết của Jésus Christ là gì? Là Ngài đem xác Thánh trọng quí dâng cho Chí Tôn làm tế vật, xác Thánh chết trên Thánh Giá là Lễ Tế đồng thể với Tam Bửu của chúng ta dâng cùng Ðức Chí Tôn ngày nay đó vậy.

Vậy, Ðức Chúa Jésus Christ đã làm con tế vật cho Ðức Chí Tôn đặng cứu chuộc tội lỗi của loài người, nhứt là các sắc dân Âu Châu, nên danh thể Ngài để hai chữ Cứu Thế chẳng có chi là quá đáng.
Thật ra Ðấng Cứu Thế ấy là Tam Thế Chí Tôn giáng linh tức Christna tái thế.
Q. 1/47: Thiên Tài và Nhơn Tài.
Ðền Thánh, ngày rằm tháng 11 năm Ðinh Hợi (1947)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về "Thiên Tài và Nhơn Tài". Nhưng trước khi giảng thuyết ấy, nên mở một lối để cả thảy hiểu nguyên do nào mình đạt được thiên tài hay chỉ nắm nhơn tài mà thôi.

Bần Ðạo đã giảng nhiều phen hình trạng Tam Bửu, đã cho cả thảy biết trong mình ta có tam thân, thất phách, chúng ta gọi theo Ðạo giáo là Tinh, Khí, Thần.

Thứ nhứt: Thân thể hữu hình của chúng ta đây gọi là Phàm thân.

Thứ nhì: Thân thể khí chất vô hình, mắt không nhìn thấy được, nếu thấy được là đạt Ðạo, gọi là Pháp thân.

Thứ ba: Gọi là Linh thân tức là linh hồn. Ba món báu ấy chung hiệp nhau lại tạo nên hình ảnh con người.

Nếu ta thấy được thì thân thể hữu hình nầy đồng thể với vật loại tức là thú vật. Pháp thân tương liên với Càn Khôn Thế Giới đồng thể với Khí, cả Khí chất tạo đoan ra nguyên do loài người, lấy nguyên do đó làm hình ảnh của linh thân chúng ta, còn sự sáng suốt linh thiêng là do nơi lòng Ðức Ðại Từ Phụ. Vậy chia làm ba (3) người trong ta nuôi nấng xác hài hữu hình nầy. Pháp thân một mặt gìn giữ xác thân châu toàn kiếp sống, một mặt tương liên với quyền năng sở định của các Ðấng Thiêng Liêng với Chí Tôn. Vậy nó chia ra hai lập trường:
Lập trường đối với vật loại.
Lập trường đối với Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng.

Ðối với Chí Tôn, Pháp thân phải có tinh thần trí thức bổn năng xu hướng quyền năng vô hình, tìm nguyên căn mình xu hướng theo Ðấng Tạo Ðoan, hiểu thể hình, biết đi, biết về, gọi là huệ tức tâm. Thảng không biết, chỉ lo bảo tồn sự sanh sống của vật loại thôi thì trở nên tánh. Một đàng Linh tâm, một đàng Giác tánh, nó ở giữa.
Bây giờ đã hiểu rồi, Bần Ðạo xin thuyết về "Thiên Tài và Nhơn Tài".

Trí giác Pháp thân chúng ta có hai điều xu hướng, hễ xu hướng theo thiên tư thì đạt được thiên lương là một khối tài tình đạt kiếp sống vi chủ cùng tận hình thể, việc nầy không gì khác hơn là cái kho đựng quyền năng ta đạt được. Trong phép luân chuyển kiếp sanh lập kho chất chứa cả tài vật của chúng ta đạt đặng trong kiếp sanh, nhờ đào luyện bởi bài học khổ của cơ tạo đoan, năng chịu khổ, giỏi chịu hành hạ khổ não chất chứa. Kho đó còn, tài vẫn còn.

Trở lại Giác tánh, ta thấy gì? Biết bảo trọng mạng sống như muôn vật, như trâu ăn cỏ, khỉ ăn trái cây, giác tánh tạo hình xu hướng theo vật loại thì đè pháp thân xuống, muốn tìm hạnh phúc mà thôi, mà tiềm tàng hạnh phúc ta tưởng thế gian nầy nhiều tượng hình, tương đối với Càn khôn, xác thịt yếu ớt tìm phương để bảo vệ không có phương nào không làm, so sánh với vạn vật thì con người thua nhiều con vật khác, thua công khai, như con cọp mà mình kêu ông cọp. Muốn thắng nó đặng thì trí lự tìm phương quyết thắng, tạo ra súng ống đặng tự vệ lấy mình, nên làm chủ nó được. Giác tánh tìm phương tự vệ phải xu hướng theo đường duy vật.

Nhơn Tài ta thấy gì? Có một kho sách ở thành New York có 2.000 triệu quyển sách, học mưu hay chước khéo, cả thảy tài tình nhơn loại cộng thành khối lớn, nhưng chưa hề quyết đoán vận mạng nhơn loại được.

Nhơn Tài đã làm gì hạnh phúc cho nhơn loại, chúng ta đã thấy dầu cách vật, họ đi tới mức huệ, qua không được, trở lại vật hình. Trên kia đã thấy gì? Họ tìm phương pháp tương tàn tương sát nhau, có gì khác hơn đâu, bởi duy vật chỉ làm chúa vật loại mà thôi, ấy là Nhơn Tài. Phương pháp của con người tìm thế đem cả hình thể của người lên làm chúa cả vạn vật, ấy là thuyết duy vật. Những mưu chước hay khéo, họ thâu đoạt được để làm chúa vạn vật thuộc Nhơn Tài.

Bây giờ tới thuyết Thiên Tài. Thiên Tài là khi nào Pháp thân xu hướng theo nguyên do căn bản, tâm linh của nó. Tự hỏi mình cũng như con vật, sao khôn ngoan hơn vật, sao có linh tâm, có căn bản vì đâu? Tìm kiếm ra căn bản ấy là Tu. Tu để tìm nguyên do linh tâm chúng ta là thiên lương ta đó, hay khéo hơn hết là ngày giờ nào để trí thức tinh thần theo thiên lương thì mở mang một cách lạ lùng.

Tại sao khiếu vật hình không làm trở ngại vật mà phải cùng ta tự tìm kiếm, tự luyện tinh thần ấy là Pháp thân thì đạt huệ, mà đạt huệ đặng thì đóng khối trong kho vô tận từ thử đến giờ, nếu mở cửa ra được là lấy được, kiếp nầy mang thi hài xác thịt, có một bài học mà thôi, còn các bài học kia nếu chúng ta dở quyển sách vĩnh sanh ra thì không có gì khuất lấp được.

Thiên Tài qui tụ nơi trí ta đặng, không có năng lực nào nơi mặt thế nầy đối phó mà ta không thắng. Không nói Thiên Tài ấy đủ quyền năng tạo hạnh phúc thi hài chúng ta mà thôi, lại còn tạo hạnh phúc cho thiên hạ nữa mà chớ, ấy là cơ quan đạt Ðạo. Các Giáo Chủ tại thế nắm Thiên Tài, bảo trọng tinh thần loài người tức nhiên cứu người đó, bởi chúng ta thắng vật hình hữu vi, hữu hoại nầy. Ðêm ngày 24 giờ, thấy chết sống trước mắt, thiệt tướng . Chẳng phải ở cái sống nầy mà ở trong buổi chết, biết bao nhiêu kẻ khi khổ não cực nhọc thi hài quá lẽ, chạy theo phương cứu khổ, tìm không được phải thống khổ tinh thần. Muốn an ủi chúng nó phải đi con đường nào? Sự thống khổ có thể an ủi được chỉ trong giấc ngủ, khi thức, mở mắt ra thấy kiếp sống nầy đương đau thảm, ta tìm được phương an ủi, làm cho bình tỉnh tâm hồn, định được thiên lương chúng ta trong giấc ngủ, khi thức chúng ta đã thấy trường đời đau thảm.

Ðã giải rõ hai thuyết Nhơn Tài và Thiên Tài, xem coi bên nào hơn bên nào kém. Hại thay! Những kẻ biết vật không biết hình bóng của vật, chỉ biết vật không biết thiên lương, bởi cớ, trường đời ta thấy trí lự Nhơn Tài tìm phương tranh đấu sanh sống, hạnh phúc hơn người, cả Nhơn Tài hiện tướng dữ dội lần lần đẹp đẽ có mùi vị quyền năng trục cả tinh thần con người theo nó, chưa biết tồn tại chăng? Hình ảnh trước mắt ta thấy cả trường đời đi đến con đường tự diệt, chớ không phải con đường vĩnh sanh. Nếu chúng ta muốn đạt được quyền vĩnh sanh thì lấy Thiên Tài làm căn bản.

Muốn đoạt Thiên Tài không theo ai, không xin ai được hơn là đi theo Ðại Từ Phụ, dầu ta ngu ngốc thế nào, xin một ngày không đặng thì hai ngày đến một tháng, một năm, nếu theo hoài dầu cho có nhiều xin mà ông Cha không thể cho đặng, chúng ta cứ cương quyết chiều lòn phục lụy, kiên nhẫn theo hoài, dầu khó cũng phải cho, bởi không nỡ nào không cho, mà hễ Ðấng ấy cho rồi không có cái gì ở thế gian nầy đối với của ấy được.

Lời Bần Ðạo căn dặn: Mặc ai sang trọng ở trường đời, ta cứ quyết theo Chí Tôn thì đại nghiệp không mất, quả quyết đứa con nào của Ngài trọn trung, trọn hiếu với Người và với Hội Thánh là hình thể của Người tại thế gian nầy, thì không bao giờ thất nghiệp và thất phận.
Q. 1/48: Dâng Tam Bửu.
Ðền Thánh, đêm mồng 1 tháng chạp năm Ðinh Hợi (1948)

Bần Ðạo xin nhắc lại một phen nữa, khi nào hành lễ lúc dâng Tam Bửu. Hễ dâng Bông lên là dâng cái thể hình của chúng ta đó, ta cúi đầu cầu nguyện Chí Tôn: "Con xin dâng mảnh hình hài của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".

Khi dâng Rượu cầu nguyện: "Con xin dâng cả trí thức tinh thần của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".

Khi dâng Trà cầu nguyện: "Con xin dâng cả linh hồn con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".

Câu chót nếu ta khôn ngoan nguyện như vầy: "Cả linh hồn, cả trí não, cả hình hài con, Thầy đào tạo đó là của Thầy thì do nơi quyền hành độc đoán của Thầy định". Ðó ta cầu nguyện như vậy với Chí Tôn.

Bần Ðạo đã giảng Tam Bửu, tại sao Chí Tôn lấy bông tượng trưng hình hài, Ngài muốn nhìn con cái của Ngài bằng cái giá trị tốt đẹp như con mắt ngó thấy cái bông.

Ngài lấy rượu là muốn tinh thần của loài người cường liệt như rượu mạnh vậy.
Ngài lấy trà là muốn chơn linh ra điều hòa như trà vậy. Ngài lựa ba món đó cốt yếu là vậy.
Ngày nay Bần Ðạo giảng ba ngôi hiệp nhứt của Ðức Chí Tôn, cả thảy mỗi phen vào Ðền Thánh nắm sanh khí ấy tạo cả cơ quan hữu hình nầy, dầu sắt đá cỏ cây, cả thú vật vạn linh hữu tướng, thuộc về Tăng.

Ðứng đầu tiên hết Chí Tôn tức là Phật nắm cả cơ quan bí mật tạo thành Càn Khôn Vũ Trụ.
Ðạo nầy luật thế nầy, Ðạo kia luật thế khác, nhưng không khác hơn Phật Giáo.

Giả thí như Thánh Giáo Gia Tô cũng có ba ngôi (la trinité): Le Père, Le Fils et Le Saint Esprit (Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần). Ðức Chúa Cha là Phật, Ðức Chúa Con là Pháp, Ðức Chúa Thánh Thần là Tăng.

Không Ðạo giáo nào thuyết minh rõ ràng cơ tạo đoan, lấy thuyết hổn độn sơ khai phân chia: Khí chi khinh thanh thượng phù giả vi Thiên, khí chi trọng trược hạ ngưng giả vi Ðịa. (Hễ khí thanh thì lên Trời, khí trược thì hạ xuống đất).
Cả vật loại hữu tướng nầy có hai quyền năng sản xuất:
Ngôi Chí Tôn.
Ðức Mẹ.

Cả quyền năng ông cha chúng ta đào tạo thế nào, ngày nay quyền năng Chí Tôn cũng đào tạo thế ấy, mà bà mẹ chúng ta thế nào thì mặt luật ấy không khác nào quyền năng vô tận của Phật Mẫu dùng đặng đào tạo Càn Khôn Thế Giái, chúng ta không biết, không thể đoán được, luật ấy không xa.

Chí Tôn là Phật, Phật Mẫu là Pháp, Càn khôn là Tăng, mặt địa cầu nầy đến 3.000 thế giái cũng là Tăng.

Nắm quyền trị thế là Hạo Nhiên Pháp Thiên chính quyền năng Chí Tôn định, địa cầu nầy không định khác, chỉ có một mặt Trời nầy không có mặt Trời khác, trong 24 giờ có một ngày, Ðấng cầm quyền trong pháp giới là Hư Vô Cao Thiên vâng mạng lịnh Hạo Nhiên Pháp Thiên làm cho vũ trụ khỏi tương tàn với nhau. Ðịa cầu nầy nếu không mặt luật đạo đức thì sanh ra bậy bạ con người không chắc sống.

Bây giờ chúng ta quan sát Hổn Ngươn Thượng Thiên, ngày nay Ðức Phật Di Lặc ở nơi Hổn Ngươn Thượng Thiên cầm cả hành tàng Càn Khôn Vũ Trụ, giờ Ngài đương cầm quyền cả vật loại.

Trước khi nguyện lấy dấu và niệm: Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng, dám chắc thật đích xác ba ngôi ấy chưa ai biết rõ.

Ngày nay Bần Ðạo giảng: Phật là gì? Phật là một Ðấng toàn tri toàn năng, người ta lầm lạc tưởng không thấy hình dạng là không có người thế gian lầm lạc nhiều lắm. Họ quả nhiên là người sống hiện tại chỉ khác hơn chúng ta là không có thi hài mà thôi. Ðấng toàn tri toàn năng ấy là Ðấng đầu tiên hiệp lại với Chí Tôn.

Bần Ðạo đã giải nơi Phật có ba cảnh đặc biệt:
1 . Hạo Nhiên Pháp Thiên tương liên hiệp một cùng Ðức Chí Tôn.
2 . Hư Vô Cao Thiên thuộc về Pháp giới cầm cả luật Thiên Ðiều.
3 . Hổn Ngươn Thượng Thiên thuộc Tạo hóa thuộc Tăng. Phật vị có ba đẳng cấp ấy đặng nắm cả quyền năng Càn khôn Thế giái.

Phi Tưởng Diệu Thiên nắm quyền hành tạo đoan loài người thuộc Phật, đồng thể với Phật.

Tạo Hóa Huyền Thiên thuộc Pháp và có ba quyền tạo đoan thế giái hữu hình nầy vô cùng tận. Tạo hóa cầm sanh khí để tạo sanh vật.

Phi Tưởng Diệu Thiên, Tạo Hóa Huyền Thiên. Bây giờ tới Phi Tưởng Diệu Thiên lãnh phận sự nơi Ðức Chí Tôn cầm ngươn khí của con người, giữ sanh mạng vạn vật kêu là vạn linh.

Tới Tạo Hóa Huyền Thiên, Phật Mẫu cầm pháp chuyển cơ sanh hóa không cùng tận, cả loài người, cây, cỏ, sắt, đá, cũng tấn lên phẩm người nữa, là nhờ tay của Ðức Phật Mẫu nắm Pháp biến xuất. Cả thi hài chơn linh trí não pháp thân luân chuyển sanh sanh tử tử. Nợ sanh tử ấy là bài học của Tạo hóa trong các cơ thể ấy, loài người học làm đặng biết, đặng chi? Ðặng tạo Pháp thân huyền diệu được toàn thiện toàn mỹ, toàn tri toàn năng như Phật Mẫu đã làm, ta làm đặng học hỏi tạo Pháp thân do quyền lực thuộc Pháp, hình hài xác thịt thuộc Tăng thấy chúng ta thay đổi lăn lóc trên đường sanh sanh tử tử cũng như Phật ở tối cao tối trọng, gần Chí Tôn là Hạo Nhiên Pháp Thiên. Các Ðấng ấy hữu sanh hữu tử tri khổ nghiệp chướng vạn linh năng du ta bà thế giái độ tận vạn linh đắc qui Phật vị.

Các Ðấng ấy đã chịu như chúng ta ngày nay đặng đi đến toàn thiện, đặng toàn tri toàn năng, họ đi trước, mình đi sau, họ cao mình thấp thỏi, con đường họ đi mình cũng sẽ tới. Một điều ta nên để ý hơn hết là chúng ta phải hiểu rằng: Mặt thế nầy chưa biết ai cao ai thấp. Nơi Hạo Nhiên Pháp Thiên một vị Phật cao trọng toàn tri toàn năng gần như Ðức Chí Tôn nữa mà xuống tại thế nầy đặng học, bài học khổ dám làm kẻ ngu dốt lắm.

Chúng ta thấy hình thể một vị Phật Mahâsarouth là một vị Chí Phật như Ðức Cakya Mouni đến thế gian bưng bình Bát Du để xin cơm đặng nuôi kẻ khổ. Một người ăn mày ở thế gian như vậy mà nơi cửa hư không lại có quyền năng vô tận vô đối. Ðến Ðức Chúa Jésus Christ là một vị Christna Vichnou đệ nhị kiếp Chí Tôn giáng linh xuống làm một vị bần hèn khổ não để đi xin từ chén cơm, từ miếng bánh mì đặng nuôi kẻ đói khó. Ðó là bài học trước mắt phàm chúng ta đã thấy.

Ðấng Tạo Ðoan đưa tay xin cho loài người ăn, đó là Người cầm quyền năng nuôi khắp vạn vật Càn Khôn Võ Trụ. Thế gian chưa hề thấy và chưa hề biết.
Kỳ sau Bần Ðạo sẽ giảng tiếp.
Q. 1/49: Lễ Khánh Thành văn phòng Hiệp Thiên Ðài.
Lễ Khánh Thành văn phòng Hiệp Thiên Ðài, ngày mồng 8 tháng chạp năm Ðinh Hợi (dl. 18-01-1948)

Các bạn Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện Nam, Nữ.

Tưởng từ khi tôi đã phế đời, hiến mảnh thân phàm nầy cho Ðức Chí Tôn làm khí cụ tạo cho nước nhà Việt Nam một nền Tôn Giáo nầy, không ngày nào được phần thưởng vô giá như ngày hôm nay, mà chỉ có một ly rượu. Theo sự hưởng ứng của các bạn biết, nếu con người ta lấy cái sức lực phàm làm môi giới cho cái sở hành riêng thì hẳn không ai can đảm chịu. Cái người đã thả mình vô cảnh khổ với một sự vui tươi thì hồi xưa đến giờ chưa có. Tại sao vậy? Tôi đã hiểu bí mật ấy, tôi hiểu cả, nên cho các bạn hiểu.

Các Ðấng tự hữu, hằng hữu, thiên hạ tưởng không có, họ lầm từ trước, người ta tưởng Ðấng ấy không có, Ðấng ấy đã có từ tạo thiên lập địa, tôi biết tôi hiểu, tôi đã chịu khổ não để thay thế hạnh phúc cho đời là do nơi đâu? Không phải tại nhà tôi hay tại tôi, chưa chắc, do nước Việt Nam chăng? Ấy là do toàn nhơn loại. Ðấng Cha lành ấy dầu thấy con bạc bẽo thế nào, Ðấng ấy cũng còn thương yêu. Sự thương yêu của ông Cha lành nó truyền nhiễm tôi, do nơi chỗ tôi nghe được, tôi hiểu được, biết rõ đặng Người.

Ðấng ấy có mơ mộng gì vô hạn? Nhứt là Ngự Mã Quân của Chí Tôn biết trước hơn ai hết, bởi vì Ngài có dạy, trước hết là Ngài bỏ Huỳnh Kim Khuyết, bỏ Thiên Cung đòi xuống trần dạy con cái của Ngài lập phương giải khổ. Nếu tôi không lầm, cơ bút đã cho tôi biết các bạn Hiệp Thiên do nơi đâu sản xuất? Do để giữ quyền Thiêng Liêng nên mới có 12 vị Thời Quân, Thập Nhị Ðịa Chi, tức là cảnh Thiêng Liêng vô hình của chúng ta. Tôi tưởng tấn tuồng tôi đã làm trọn và làm nơi cõi vô hình. Ngày kia về thiêng liêng các bạn sẽ thấy hình tối đại tối thiểu. Phận sự tôi đối với các bạn nó có thâm tình vô hạn, vì đồng tâm, đồng chí, một mực đề xướng cả thảy đều nghe chịu một hoàn cảnh, Bần Ðạo làm không hết, số là tại Bần Ðạo và các bạn Hiệp Thiên Ðài đã hứa với Chí Tôn.

Bần Ðạo lo cho toàn cả nhơn loại hoàn cầu, chớ không phải thương một cá nhân nào hay một đoàn thể nào, một quốc gia nào, không phải làm tôi mọi cho Ðời, làm tôi mọi cho Ðạo, nhưng vì cái năng lực vô hình kia mà thôi.

Trước khi lãnh lịnh trên Bạch Ngọc Kinh tạo nền Chơn Giáo, Chí Tôn quyết định có Ngài giáng thế mới được, Ngự Mã Quân không cho, bắt buộc phải có người thay thế cho Ngài tức là Thánh Thể của Ngài tại đây.

Ngài đi mà không cho thì phải có hình ảnh thế cho Ngài mới được. Hình ảnh của Ngài là Hội Thánh Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên. Hộ Pháp có khôn ngoan nào hơn là cầu khẩn cho có người đến với mình đặng tạo Thánh Thể đó, chớ một mình Hộ Pháp xuống không thế được, nên phải cám dỗ cung nầy điện kia, đến Cửu Thiên Khai Hóa, biết chắc làm được mới đi.

Các bạn cứ làm đi, vì cái phận sự đối với thế gian, đối với lời hứa ở trên kia, mặt cân không biết đồng chưa? Lời hứa trước kia, sự làm bây giờ, biết hai cái đó có đúng không? Bần Ðạo làm mãi không biết làm sao cho rồi, nào lo cho Cửu Trùng, rồi đến Phước Thiện, đầu óc của Hộ Pháp đã chịu thâm giao cùng các bạn, cứ làm mãi thôi, sống giờ nào làm giờ nấy. Không phải kiếp nầy tại đây có Thánh Thể, không phải tại xứ Việt Nam ta mới có, chúng ta chỉ là người cặm bông tiêu thôi, chớ không phải người tạo, chúng ta sáng lập là để cho đoàn hậu tấn, vì chúng nó đứng chàng ràng, không biết đứa nào gánh vác đảm đương.

Bổn phận làm anh phải tạo nghiệp cho em, mở đường trước cho con cháu đi, sau nhờ có chúng nó Thánh Thể của Chí Tôn mới tồn tại. Thầy không phải đến một kiếp nầy thôi, mà đến phải ở đời đời, không phải Thánh Thể đương nhiên, họ sẽ đến nữa hay đã đến rồi, nó còn lộn xộn không biết đứa nào.

Biết còn nữa thì tức nhiên phải mở con đường cho chúng nó đi vào tạo nghiệp cho chúng nó. Tôi là đầy tớ của Ðức Chí Tôn, biết có bao nhiêu đó cứ đảm nhiệm cương quyết nâng đỡ Ðạo và Ðời thôi.

May một điều là tôi còn thiếu với Ðức Chí Tôn, tôi xin đầu kiếp, thiếu hay không mà kiếp nầy tôi đã là tên dân nô lệ cho nước Việt Nam, đã chịu thống khổ tâm hồn lẫn hình thể trên 35 năm.

Tôi không xin, tôi biết tại sao tôi đầu kiếp xuống dân Việt Nam, tôi cảm khích vô hạn, nào chịu khổ, nào chịu bạc nhược và yếu hèn. Tại thấy nhơn loại đau đớn Chí Tôn mới đến mở một nền Tôn Giáo, làm một khối sanh quang cho toàn nhơn loại, đó là cái danh dự của nước Việt Nam đã chịu khổ.

Vì cái tình của Chí Tôn đối với dân tộc Việt Nam nên tôi thí thân phải chết mới đền bồi xứng đáng.

Còn một việc khác nữa là Ngài tạo đầu óc, từ ngày mở Ðạo Cao Ðài đến giờ, Ngài tạo đầu óc nòi giống Việt Nam để vãn hồi quốc vận, như thế cũng đủ cho mình đưa sanh mạng mà đổi.

Vậy sự làm của chúng ta phải cương quyết và nhẫn nại đủ điều, không nhút nhác, vui chịu, bởi đã hiểu giá trị ân đức của Ðức Chí Tôn như thế nào rồi, muốn trả được hết phải học sách làm đầy tớ của những đầy tớ của Ðức Chí Tôn, làm được vậy chừng đó mới trả nợ tình của Ðức Chí Tôn đặng.
Q. 1/50: Lễ Mãn Khóa Hạnh Ðường.
Trường Hành Chánh, lúc 4 giờ ngày 10 tháng chạp năm Ðinh Hợi (dl. 20-01-1948)

Ðể trả lời Bài Diễn Văn của Nguyễn Hữu Lương thay mặt các vị Lễ Sanh tân phong cảm tạ Ðức Hộ Pháp và các vị Giáo Sư.

Ấy là áng văn đầy chơn lý đi thẳng vào tâm hồn của Bần Ðạo nó có mãnh lực mạnh mẽ lạ thường. Bần Ðạo tưởng, nếu cả thảy đồng thật hành đúng theo lời thuyết văn mới vừa đọc đây thì mối đạo sẽ lan tràn tốt tươi vô đối. Bần Ðạo lấy làm cảm tình, tuy vân, mấy em nói bữa tiệc thô sơ, nhưng bữa tiệc nầy xem lịch sử Ðạo trong các bậc Thánh Hiền nước Việt Nam từ xưa nay chưa từng có. Lịch sử của Ðức Khổng Phu Tử từ nhà Châu đến giờ nay mới sống lại, nó sống với bữa tiệc nầy thôi.

Quả nhiên từ ngày mở Ðạo thì đã tạo Hạnh Ðường, nhưng nó chưa có sanh hồn, nay nhờ bữa tiệc nầy mà nó có sanh hồn hiển nhiên quí báu vô giá vậy. Tuy vân, không có gì xứng đáng, nhưng Bần Ðạo hưởng được một vật quí giá mà từ trước đến giờ chưa hưởng được.

Trước hết Bần Ðạo giải nghĩa cái quyền đương nhiên quyền chánh trị đương nhiên là quyền đời và quyền đương nhiên của Ðạo trong thế kỷ 20 nầy, nền văn minh của Thiên Chúa Giáo truyền khắp cả nhân gian cùng vạn quốc trong hai ngàn năm trước, Ðạo Thánh Gia Tô lập quyền Ðạo hồi xưa có cảnh tượng như thế nào thì ngày nay nền Ðạo Cao Ðài của chúng ta cũng thế.

Hiện tượng nền Tôn Giáo của Chí Tôn bây giờ nó giống theo khuôn khổ và cảnh tượng của Thánh Giáo Gia Tô đã truyền, dầu cho ai cũng phải nhìn rằng: Cái công trình của Thiên Chúa Giáo với nhơn loại là vĩ đại. Có thể chia ra hai quyền:
1 . Là quyền đời đương nhiên (Pouvoir temporel).
2 . Là quyền năng của tinh thần (Pouvoir spirituel).

Cái quyền tinh thần ấy biến ra một nền chánh trị đặc biệt riêng của nó như Ðền Thánh Vatican ở La Mã là một nước trong vạn quốc, một nước về tinh thần. Cái tương lai Ðạo Cao Ðài sẽ đi đến đó, không phải mơ hồ mà tưởng chắc quả quyết vậy.

Lập quyền Chánh Trị Ðạo Cao Ðài cũng như nền Chánh Trị Thánh Giáo Gia Tô nơi Ðền Vatican 2.000 năm về trước. Lúc ấy quyền đời và quyền Ðạo Thánh Gia Tô chiến đấu và phản khắc nhau trong lúc mà Ðạo Thánh Gia Tô đang tạo quyền hành tinh thần đạo đức. Cái chánh trị của Thánh Giáo Gia Tô lập thành được là nhờ lấy từ mảnh mún tinh thần mà tạo nên khối đó vậy.

Cái chánh trị của Ðạo Cao Ðài cũng thế, nhưng chỉ có một điều khác là người ta làm trước mình làm sau, đường đi chúng ta kỹ lưỡng hơn, trước kia tôi tưởng nó phải gặp nhiều trở ngại nguy hiểm như Thánh Giáo Gia Tô đã đi. Trong hai ngàn năm mới lập quyền vững chắc và mạnh mẽ đặng.

Còn nền Chánh Giáo của Chí Tôn mới 23 năm mà đã nên hình mạnh mẽ, đó là Ðức Chí Tôn ban ân huệ cho nước Việt Nam đặc biệt, từ xưa các vị Giáo Chủ trên mặt địa cầu nầy chưa đạt được như chúng ta bao giờ. Tuy vân, chúng ta đã chịu nhiều phen khảo đảo ấy, ngó lộn lại đối với các nền Tôn Giáo, các vị Giáo Chủ, muôn phần không có một.

Nền móng của Thiên Chúa Giáo tạo ra khó khăn thế nào, chúng ta noi theo sự sáng tạo ấy đặng tạo nên một nền móng nữa, phận sự rất dễ dàng. Nền chánh trị ấy là một nền chánh trị để phân quyền với quyền đời, quyền đời Bần Ðạo chẳng cần luận vì nó là oai quyền như trước mắt chúng ta đã thấy. Bần Ðạo chỉ luận về quyền Ðạo của chúng ta mới vừa đạt đặng.

Nó cũng quyền hành như ai, nhưng có một điều trọng yếu khác hẳn là quyền đời và quyền đạo cách nhau một trời một vực, như bên nây và bên kia, mặc dầu không có mức chính giữa đã định, nhưng bên kia xâm lăng qua bên nây một chút thì người ta đã thấy. Hai quyền đều đặc sắc không giống nhau đặng. Cây huệ kiếm của chúng ta không phải là thiết kiếm của thế gian hữu hình mà là huệ kiếm vô hình tức là tinh thần và đạo đức của chúng ta.

Bần Ðạo đã nhiều dịp nói rằng: Cả Thánh Thể của Chí Tôn là trường quan lại, nếu quan lại Ðạo mà bắt chước đồ theo thể pháp và hình thể của quyền đời, thì xem nó dị kỳ hì hợm lắm. Quyền Ðạo nó có hình tướng khác, nó không quái gở và dị hợm như trường đời chúng ta xem thấy hiển nhiên đó vậy.

Nếu anh họa sĩ đủ tài, đủ năng lực cầm cây bút họa cho nó nên hình tướng, tưởng không có vật báu chi ở thế gian nầy so sánh được, vì nó có Tiên căn Phật cốt hiện trong đó, để tạo ra hình tướng. Cái hình tướng và tinh thần của Tiên Phật tốt đẹp thế nào không nói ra ai ai cũng biết. Cái hình nó phải mường tượng như thế đó, phải làm cho nó ra hình Tiên cốt Phật các bạn thử xem Tiên, Phật tốt đẹp thế nào, thì trường quan lại của Ðạo phải cầm cây viết thiêng liêng vẽ nên hình tốt đẹp như Phật như Tiên vậy.

Nếu rủi có một bệt lọ, hay một chút bợn nhơ dính vào thì nó dị hình dị dạng và ô trược lắm. Nó phải cho đẹp đẽ khôi ngô linh dị nguyệt xu mới đặng. Tỷ như hạng gái kia đi ra đường mà có một bệt lọ lấm trên mặt thì nó đã dị hợm khó coi rồi. Tóm lại là nó phải tinh túy, nếu dính một chút bợn nhơ thì nó sẽ gớm ghê hình dạng mà chớ.

Tôi nói quyết một điều là Chánh Trị Ðạo mà có dính một chút của quyền đời thì dị hợm xấu xa lắm vậy. Bởi tinh thần không chịu vật chất, vật chất không hề hòa thuận với tinh thần. Trường quan lại của nền Chánh Giáo Chí Tôn khác hơn đời, chúng ta chỉ lấy đạo đức nhơn nghĩa làm quyền, còn ngoài kia họ lấy quyền lực cưỡng bức, hai cái so nhau khác hẳn.

Trong cửa Ðạo nếu chẳng biết quyền mình là gì, lại bắt chước đồ theo tâm lý thiên hạ, cường bức vô đạo đức, vô nhơn tình thì quả nhiên sái hẳn. Quyền chúng ta là chỉ lấy đạo đức tinh thần của Tổ Phụ ta để lại trong 4.000 năm làm huệ kiếm để bảo trọng quốc hồn của nòi giống thì mới trúng, còn ngoài ra dùng phương pháp khác là sai lầm.

Tôi nói ít mà các bạn nam nữ hiểu nhiều, tôi chỉ trông cậy các bạn. Vậy tôi xin để cả sự trông cậy của tôi trong tâm của các bạn là hình thể của Ðức Chí Tôn thật hành dùm nhơn nghĩa của Chí Tôn đã để trước Ðền Thánh cho đời ngó thấy, đặng hưởng lấy hạnh phúc thiên nhiên ngàn xưa để lại là may mắn cho tương lai con Hồng cháu Lạc.

Chúng ta hãy lấy Nho phong làm căn bản, phục sanh hồn nước đã điêu tàn, sau 80 năm nô lệ, cho nó phục sanh lại với cái năng lực làm sống quốc hồn của mình trong 4.000 năm về trước. Như thảng ta vẽ được khéo, được đẹp, thì người ta đương trông mong cho nó thành tướng. Chừng đó chúng ta không muốn bán cũng có kẻ mua, chẳng phải một nước Việt Nam nầy thôi, mà toàn cầu vạn quốc nài mua mà chớ.

Nhưng phải làm sao cho nên hình tướng để có đủ quyền năng bảo trọng cả toàn cầu nhơn loại đặng tồn tại, sống trong tinh thần đạo đức, trong sự công bình yêu ái của Chí Tôn gieo trồng nơi cửa Ðạo. Ðến chừng ấy chúng ta có thể trương tấm bảng lên rằng: Nền Ðạo Cao Ðài làm môi giới, căn bản nền đại đồng thế giới đó vậy.

Bần Ðạo tưởng ly rượu nồng ngày hôm nay là ly rượu trường sanh bất tử, bởi đây là nơi sản xuất hột giống trường sanh bất tử. Ly rượu trường sanh nầy, các bạn đừng khinh rẻ nó.

Trước khi từ giã, cảm ơn các vị Giáo Viên và chư vị Tân phong nam nữ đã cho Bần Ðạo hưởng được mùi ngon, vị ngọt rất hay ho.
Bần Ðạo để lời cảm ơn.
Q. 1/51: Lễ Bế Mạc Ðại Hội Hội Thánh.
Ðền Thánh, ngày 13 tháng chạp năm Ðinh Hợi (dl. 23-01-1948) 4 giờ chiều

Bần Ðạo hân hạnh tỏ lời cảm ơn Chư Thánh Nhị Hữu Hình Ðài. Tuy vân, Bần Ðạo không ra tay giúp Hội Thánh vì chơn pháp buộc phải như vậy, nhưng cả đôi tháng nay Bần Ðạo để tâm theo dõi Hội Thánh từ bước, có nhiều vấn đề không giải quyết được, muốn Bần Ðạo đến giải quyết dùm, nhưng Pháp Chánh không cho Bần Ðạo định đoạt. Hội Nhơn Sanh có quyền Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh có quyền Hội Thánh, Thượng Hội có quyền Thượng Hội. Cũng như Hội Thánh không được phạm quyền Hội Nhơn Sanh, Thượng Hội không được phạm quyền Hội Thánh. Nghiêm luật ấy đã định chơn chánh mực thước không ai có quyền cải qua đặng, Bần Ðạo chỉ giúp về phương diện ngoài mà thôi. Nếu có điều chi trọng yếu giải quyết không đặng, Bần Ðạo giúp chút ý kiến chớ không dự biết gì trong quyền lực đặc biệt của Hội Thánh.

Trong hai tháng Bần Ðạo nói thật tình thấy Hội Thánh tấn bộ khá nhiều rồi. Hội Thánh năm nay đã đem ra mặt luật lưu lại cho hậu tấn một khuôn khổ chuẩn đích từ thử chưa xuất hiện.

Một nền Chánh Trị Ðạo, không khác gì chánh trị đương nhiên ở các nước Âu Châu. Ở Á Ðông nầy có nhiều nước phát triển như: Nhựt, Tàu, Miến, Xiêm cũng có một khuôn khổ nhứt định như vậy. Dầu Quân Chủ Lập Hiến hay Dân Chủ Pháp Chánh cũng một mực như nhau, đều chia ra hai phần:
Phòng dân chủ.
Phòng định luật.

Phòng định luật là phòng bảo thủ, phòng dân chủ là phòng tấn bộ. Phòng dân chủ của Pháp dưới thời dân quyền "La Chambre des Députés", còn phòng định luật hay quân luật nói thật ra họ không có Chúa, nhưng muốn biết phòng quân luật hẳn hòi, xem như nước Anh có "Chambre des Lords", tức là Sénat của Pháp vậy.

Chánh trị của Pháp thấy hai phần: "Chambre des Députés" và Sénat không dung hòa được, nếu chúng ta chẳng nói nghịch hẳn, họ dung hòa khó khăn lắm. Chánh Pháp muốn dung hòa đặng chi? Ðặng dìu dắt chánh trị đến con đường tận thiện tận mỹ, mực thước chơn chánh, nếu không vậy không tấn bộ được. Chánh trị chia ra hai phòng riêng biệt, biết rằng khó dung hòa được, mà khó dung hòa được, thì hai khối ấy phải đảo lộn.

Chánh Phủ Pháp phải đảo lộn, tương đối sụp đổ biết bao nhiêu lần, chúng ta đều thấy. Thấy các nước dân chủ chia ra hai phòng, mỗi khi Sénat tức phòng dân chủ bác không tín nhiệm, thì phòng dân chủ phải đổ, tức Nội Các đổ, mà Nội Các đổ tức là Chánh Phủ đổ. Ðời chia ra hai phòng đặc biệt, Ðạo lại khác hẳn. Chơn pháp của Chí Tôn để hai phòng hiệp một là Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài. Hiệp Thiên Ðài là phòng quân luật, còn Cửu Trùng Ðài là phòng dân chủ, biểu sao khỏi xích mích nhau. Một đàng bảo thủ, một đàng giục tấn, nếu hai đàng không hòa nhau, đem chơn lý hiển nhiên thì hòa được, còn không lấy chơn lý thì đụng tại chỗ phản khắc, không thể đệ lên thượng quyền mà còn nhơ bợn được. Ðó là cái bàn sàng, sàng mãi cũng phải lọt xuống.

Tại chơn pháp như vậy, nên Bần Ðạo biết trước cái ngày đôi bên chạm nhau, ngày ấy Bần Ðạo tự nhiên lắm, còn ngoài nầy toàn Ðạo náo động. Bần Ðạo chỉ kêu: "Coi chừng hễ giữa Hội Thánh hai quyền tương khắc nhau đem lên tới trên, gặp quyền độc tôn thì chịu lấy". Nên hai bên hoảng mới tìm phương dung hòa nhau. Ðó chỉ nghĩa Bần Ðạo duy mới cầm cây Phướn Thượng Hội rung rinh chớ không có dùng đến quyền gì hết.

Hội Thánh hôm nay đã thành tựu trong thời gian ngắn ngủi sợ e ngày kia Chư Thánh nhiều, quyền hành Hội Thánh lớn thì sự bàn cải kịch liệt nữa kìa. Tương lai đó tưởng chúng ta sẽ ngó thấy.

Từ việc định công nghiệp đến quyền hành, thì Bần Ðạo thấy trong thâm tâm, riêng tưởng cầm cân công bình thay thế Chí Tôn không được chinh lịch, hoặc nói được hay không nói được, đừng nói hay là sẽ nói mà thôi, câu nầy không chinh lịch với Bần Ðạo được.

Kẻ nào có dày công cùng Ðạo, Bần Ðạo xin bảo lảnh không có điều chi bất công qua mắt Bần Ðạo được, nhưng thời cuộc chưa đến mức ấy. Ai có dày công cùng Ðạo, đừng tưởng Hội Thánh quên công.

Ngày nay không nói đặng có ngày sẽ nói đặng. Hội Thánh không quên được một ai, ắt sẽ quyết định cho.

Ngày nào Bần Ðạo còn đây, không có một điểm gì bất công qua mắt Bần Ðạo được và Bần Ðạo quyết chắc như vậy.

Bần Ðạo xin bế mạc Hội Thánh và để lời cảm ơn.

(Ðọc Kinh Bãi Hội xong, lúc trong Ðền Thánh bước ra, Ngài nói: "Có một điều đáng để ý, tại đây có một vị Ðại Thiên Phong Ðường Nhơn làm đầu Hội Thánh. Ngày sau người ta sẽ lấy làm lạ lắm."

    Home             1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét