Lời Thuyết Ðạo Của Ðức Hộ Pháp - Toàn Tập 7


Q. 2/36: LUẬT PHÁP VÀ QUYỀN ĐIỀU KHIỂN CÀN KHÔN VŨ TRỤ.
Tại Ðền Thánh, đêm 23 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 29-07-1948)

Hôm nay Bần Ðạo giảng về "Luật pháp và quyền hành điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ".
Bài giảng hôm nay cốt nhứt là để cho cả thảy Thánh Thể Ðức Chí Tôn
được thấu hiểu pháp luật và quyền hành điều khiển nơi cõi Thiêng Liêng, vậy cả Chức Sắc Thiên Phong Nam và Nữ, nên để ý cho lắm, phải để ý suy đoán cho nhiều rồi mới nhận thấy thật là ngộ nghĩnh. Chúng ta thấy luật pháp và quyền hành trị Càn Khôn Vũ Trụ đơn sơ làm sao đâu. Cả tấn tuồng đời chúng ta ngó thấy họ tạo luật pháp và quyền hành đặng trị xã hội, thật ra rối rắm quá chừng, quá đổi, mà vẫn không thế gì trị an đặng, lại càng làm cho tinh thần thiên hạ thêm khó khăn khổ não mà thôi. Còn luật pháp quyền hành điều khiển Càn Khôn Võ Trụ tức là Ðạo, nên các nền Tôn Giáo nào không tùng theo luật pháp và quyền hành ấy đặng trị tâm thiên hạ, thì đó là Tà giáo, là Tả Ðạo, là Bàn Môn, chớ không phải là Chánh giáo. Chúng ta phải quan sát những điều ấy trong thuyết giáo của Bần Ðạo hôm nay, và Bần Ðạo sẽ nói rõ, vả chăng ta sống đây ta cũng nên cho biết quyền hành và luật pháp đã trị an Càn Khôn Võ Trụ như thế nào, rồi ta mới hiểu rằng: Cả luật pháp và quyền hành Ðạo giáo cũng đều ở trong khuôn khổ ấy mà ra, không có ngoài nữa đặng. Mà muốn tìm hiểu luật pháp ấy phải tìm đâu mà thấy và biết đặng? Phải nơi chủ quyền của cơ thể tạo đoan Càn Khôn Võ Trụ, tức là phải tìm ông chủ quyền Càn Khôn Võ Trụ ấy, biết đặng ổng, biết năng lực, tánh chất của ổng, mới hiểu luật pháp và quyền hành của ổng. Ðấng ấy là ai? Là Ðại Từ Phụ chúng ta đây vậy.

Buổi nọ, Bần Ðạo vấn nạn Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, Bần Ðạo hỏi: "Quyền năng và tâm đức của Ðức Chí Tôn như thế nào?" Ngài trả lời trong một câu Pháp văn, Bần Ðạo dịch như thế nầy: "Luật thương yêu, quyền là ngay chánh. Gần thiện lương, xa lánh phàm tâm".

Hai câu thi có đủ cả ý nghĩa rằng: Chúng ta nên suy đoán coi nguyên căn của nó là gì mà có năng lực dữ tợn, mạnh mẽ như thế? Quyền lực ấy chúng ta không tìm đâu xa, tìm nội trong châu thân chúng ta thì đủ thấy. Hỏi mảnh thân nầy, xác thịt sanh ra trong kiếp sống cả cơ quan bí mật đào tạo hình thể của chúng ta do bởi đâu mà có? Có phải do nơi tình ái của đôi đàng phụ mẫu chúng ta mà sản xuất chăng? Nếu còn nghi ngờ nữa thì ta cứ ngó vạn vật tức vạn linh kia, coi hình trạng nó là thế nào?

Chim kết cánh, cây liền cành; rất đổi là con vật mà cũng có tình ái thay, nên luật thiên nhiên lấy tình ái làm căn bản hóa sanh cả vạn loại. Ðức Chí Tôn cũng sản xuất trong tình ái mà ra, đi từ tình ái hèn hạ dĩ chí tối cao thượng, luật ấy duy có một mà thôi. Mặt luật chúng ta thấy khuôn khổ là vậy, mà quyền năng chúng ta ngó trở lộn lại trong gia đình, coi cha mẹ chúng ta trị gia đình với quyền năng nào, hình luật nào? Cha mẹ chúng ta chỉ trị chúng ta với một luật thương yêu, còn nếu đủ quyền hơn nữa cho chúng ta cúi đầu vâng chịu phụ mạng, mẫu mạng, thì thêm công chánh, chúng ta mới cúi đầu vâng chịu. Nên hình ảnh mặt luật thiên nhiên tạo đoan đã có sẵn trong gia đình từ trước chúng ta không cần tìm kiếm đâu cho xa chỉ coi trong vạn vật như loài thú, như đối với bầy gà mẹ và con coi gà trống thương yêu con như thế nào thì đủ hiểu dễ đoán xét lắm.

Bây giờ hỏi: Trong Càn Khôn Võ Trụ nầy, nếu nói vạn linh không hữu tình thì là dối vậy. Chúng ta sanh ở giữa vạn vật ấy, nếu chúng ta công chánh thì thấy quả quyết rằng: Cả vạn vật đều hữu tình đối với chúng ta tất cả. Tới sắt đá cỏ cây cũng thế. Cả thảy đều có tình, với chúng ta hết, nếu nó không có tình với chúng ta thì chúng ta không thế sống hạnh phúc đặng. Chúng ta không thể chối cãi điều ấy. Cái tình nó đối với chúng ta chẳng phải là tình ái, mà là tình liên quan Càn Khôn Võ Trụ đè nén nó xuống, buộc phải tuân mạng lệnh, nên không phải là tình ái đặc sắc mà là tình ái của Càn Khôn Võ Trụ buộc nó phải tùng. Chúng ta đã ngó thấy như mặt trời cho chúng ta ánh sáng ban ngày, mặt trăng cho chúng ta ánh sáng ban đêm, cả vạn tượng tinh tú chớp nhoáng trên đầu ta, cả Càn Khôn Võ Trụ ấy đối với con người có cái tinh thần vững chắc. Nếu ngó lên mà không đủ học thức để thấu đáo cả vạn tướng kia, cũng vẫn thấy nó đối lại với ta mật thiết hữu tình. Mà ít nữa ta phải biết cái tình của nó đối với chúng ta mới thấu đáo được. Bây giờ hỏi luật tình ái Ðức Chí Tôn để trong lòng mỗi kẻ hữu sanh tại thế này, chúng ta không thế chối có phải con người mà đã có tình ái, thì lẽ cố nhiên con vật nó cũng có tình ái như con người, nếu không có tình ái thì không có sản sanh nối truyền tông tổ nòi giống đặng; ấy đó là luật. Không ai mà đúng ngày giờ thời buổi của lẽ thiên nhiên thì tự buộc phải tuân theo mặt luật tình ái ấy. Bần Ðạo không cần tả, nó cường liệt phi thường làm sao đâu, chúng ta để mắt thấy một cặp uyên ương kia tự tử thà chết vì tình, chớ không chịu chia lìa yêu ái. Hỏi khuôn luật nào mà biểu nó làm như thế vậy? Ấy là khuôn luật tình ái. Bần Ðạo lập lại một lần nữa, nếu không phải khuôn luật tình ái vi chủ thì vạn vật trên mặt địa cầu nầy không còn hữu hiệu. Mặt địa cầu nầy thế nào thì cả Càn Khôn Võ Trụ cũng thế ấy, vạn vật trên địa cầu nầy thế nào thì vạn vật trên các vì tinh đẩu khác cũng thế ấy. Ấy là luật thương yêu.

Bây giờ giảng tới quyền, quyền là công chánh. Cơ thể tạo đoan chẳng gì (vì?)(*1) một ai, chẳng quên ai, chẳng giận ai, chẳng dọa ai, không thù tạc ai, không bỏ rơi ai. Ðã sanh vạn vật thì vốn đồng sanh với chúng ta, chúng ta ngó thấy một kẻ ăn mày kia đui mù, thiên hạ không ai ngó tới, đi xin ăn, ai thấy nghèo nàn đói khổ không chê bỏ, khi rẻ, gớm ghiếc, nhưng còn con chó của người theo dắt đường lại vui vẻ trung tín, biết thương thật tình với người đó là bởi tại sao? Bởi luật Công Chánh Thiêng Liêng nó buộc đừng phụ rãy mà là thương yêu. Duy có loài người, nếu chúng ta xét tới cái tâm công chánh của loài người, thì chúng ta nên để một dấu hỏi: Quá khôn ngoan, càng linh tâm thì lại càng nghi hoặc, mất cả tính đức bổn thiện sơ sanh chăng!

Chúng ta ngó thấy cả vạn vật nó không cho người nầy nhiều, cho người kia ít, nó nằm trên mặt đất sẵn sàng do nơi chúng ta biết trọng nó hay không biết trọng nó; do mình lấy sự thương yêu của mình làm căn bản mà dùng nó thì nó chỉ là một vật của mình dùng đó thôi. Một bầy thú kia dầu dữ thế nào: Như cọp, beo, gấu, sư tử, mà chúng ta có thể nuôi đặng nó, thì Bần Ðạo quả quyết rằng bất quá nó cũng như một con chó giữ nhà vậy thôi. Trong Càn Khôn Võ Trụ nầy, nếu không có mực thước công chánh thiêng liêng thì sự sống của con người cũng như con vật, sẽ tranh sống tranh ăn mà phá hoại, thì mặt địa cầu nầy không khi nào còn tồn tại đặng, nếu Càn Khôn Võ Trụ không công chánh mực thước, địa cầu nào cũng muốn sống cho sáng suốt tự do chạy tìm ánh sáng, thì địa cầu nầy sẽ đụng với địa cầu kia, mặt trăng, mặt trời không còn thể chất. Càn Khôn Võ Trụ và quyền công chánh đã định vậy, nếu biết tùng theo luật ấy (là?)(*2) trường tồn, trái nghịch là tiêu diệt. Quan sát luật pháp ấy, quyền hành ấy, chúng ta nhìn quả thiệt Ðấng Tạo Ðoan là chủ quyền đó vậy. Ngộ nghĩnh thay! Ðấng Tạo Ðoan Càn Khôn Võ Trụ, với luật pháp ấy, khuôn khổ ấy, ngày nay lại đến tạo Ðạo cho chúng ta. Vậy Ngài lấy khuôn khổ nào mà tạo luật pháp, và quyền hành, Ngài để trong Thánh Thể của Ngài, hình luật nào, phương pháp nào đặng trị Ðạo? Tuy vậy, có Pháp Chánh và Tân Luật, cốt để bình tâm thiên hạ đặng để gỡ tội cho kẻ có tội lỗi, phàm mà không có biết thú tội trước mặt người và trước phép Thiêng Liêng. Ðịnh luật pháp ấy cũng tỷ như sợi dây thiết tỏa liệng xuống âm quang cho kẻ tội nhơn nắm nó mà phăng về Thiêng Liêng cựu cảnh; chớ chưa phải là chơn luật và chơn pháp.

Nếu nói từ nay Ðức Chí Tôn đến tạo dựng Thánh Thể của Ngài thì thật sự là Pháp Chánh, nhưng chỉ có tạo Thánh Thể của Ngài ở dưới thế nầy mà thôi, chớ quyền công chánh của Ngài là đã đào tạo Thánh Thể thiêng liêng của Ngài, còn về mặt luật là do Hội Thánh lập thành chớ không phải Ngài định luật.

Ấy vậy, nếu chúng ta nói Tân Luật là phàm, thì quả thật nó là phàm, còn Thiên Luật của Chí Tôn là thương yêu mới là Thánh mà thôi. Hỏi vậy, chớ Bần Ðạo nói đây có quá lời chăng? Bần Ðạo xin đem bằng cớ ra liền.

Từ ngày mở Ðạo đến nay đã 23 năm, hình trạng của Ðạo lấy phương gì tạo nền Chánh trị của nó. Quyền lực của Ðời thường nương súng đồng, gươm máy, khám tù mà đạt thành, còn Ðạo làm thế nào cho có quyền mà lập nền Chánh trị Ðạo? Nói hẳn rằng, nếu không phải luật thương yêu lập quyền cho Bần Ðạo ngày nay, Bần Ðạo ắt không còn đứng trên tòa giảng nầy mà giảng Ðạo. Nếu không có quyền công chánh, Ðạo Cao Ðài đã bị tiêu diệt không sống tới ngày hôm nay đâu, bằng cớ hiển nhiên là đó vậy.

Toàn Thánh Thể Ðức Chí Tôn nếu biết, thì nên nắm quyền luật thiên nhiên ấy, ngày giờ nào thiên hạ được yêu thương nhau nồng nàn, thì giờ ấy quyền Ðạo sẽ là quyền tối thượng nơi mặt thế đó.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 7: Bây giờ giảng tới quyền, quyền là công chánh. Cơ thể tạo đoan chẳng gì (vì?) một ai, chẳng quên ai, chẳng giận ai, chẳng dọa ai, không thù tạc ai, không bỏ rơi ai....
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn: Bây giờ giảng tới quyền, quyền là công chánh. Cơ thể tạo đoan chẳng vì một ai, chẳng quên ai, chẳng giận ai, chẳng dọa ai, không thù tạc ai, không bỏ rơi ai....
(*2) Nơi đoạn thứ 8: Chúng ta ngó thấy cả vạn vật nó không cho người nầy nhiều, cho người kia ít, ... ... .... Càn Khôn Võ Trụ và quyền công chánh đã định vậy, nếu biết tùng theo luật ấy (là?) trường tồn, trái nghịch là tiêu diệt....
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn: Chúng ta ngó thấy cả vạn vật nó không cho người nầy nhiều, cho người kia ít, ... ... .... Càn Khôn Võ Trụ và quyền công chánh đã định vậy, nếu biết tùng theo luật ấy là trường tồn, trái nghịch là tiêu diệt....
Q. 2/37: LỊCH SỬ QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN.
Tại Ðền Thánh, thời Tý đêm 24 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 30-07-1948)

Hôm nay là ngày vía Ðức Cái Thiên Cổ Phật Quan Thánh Ðế Quân tức Hớn Thọ Ðình Hầu Quan Vân Trường nhà Hớn đời Tam Quốc.

Một vị Hiển Thánh đời Hớn, thời Tam Quốc, ngày nay đạt phẩm vị đến Tam Trấn Oai Nghiêm trong nền Chánh Giáo của Ðức Chí Tôn, sự vinh hiển cao trọng đó ta thấy giá trị vô đối. Với một Ðấng Thiêng Liêng mà lập được vị mình một cách oai quyền vinh hiển ta thường thấy rất ít, thảng có chăng trong nước Việt Nam ta Ngài Trần Hưng Ðạo gọi có thể đương đầu với Ngài được mảy may chút ít mà thôi, chớ phần đông từ thử đến giờ kể cả các nước Á Ðông nầy hiếm có. Vậy, ta nên khảo cứu coi Ngài làm thế nào để đạt được Thiên vị vinh diệu đặc biệt dường ấy.

Hớn Thọ Ðình Hầu Quan Vân Trường buổi nọ là một vị tướng của Thục tức của Lưu Bị. Ta thấy đại nghĩa của Ngài trung can nghĩa khí của Ngài nhứt là về bằng hữu chi giao, tình nghĩa đối với bạn hữu của Ngài, dám chắc dầu chúng ta dân tộc Việt Nam hằng chịu ảnh hưởng văn hóa của Nho Tông, chưa có được người nào đã giống như Ngài vậy. Tâm trung nghĩa chẳng vì sang mà theo Tào, chỉ chuộng Hớn; nghĩa chẳng vì bạn buổi khổ não truân chuyên mà phụ rãy tình nhau; trung và nghĩa ấy hi hữu. Nói đến chí khí của Ngài, Bần Ðạo tưởng luận không hết: Ngài bất sát hạ mã chi nhơn. Truyện sách lưu lại rằng Ngài suýt bị Hạ Hầu Ðôn giết vì nó biết cái sở yếu của Ngài mà lợi dụng, nếu không Trương Liêu đến cứu. Mỗi phen Ngài trở cây Yểm Nguyệt Thanh Long Ðao định vớt nhà nớ, thì nhà nớ nhảy xuống ngựa, chí khí đó thế gian hi hữu. Hỏi Ngài lập chí với bộ sách Xuân Thu mà thôi. Người sau có tặng cho Ngài đôi liễn: "Chí tại Xuân Thu, công tại Hớn; Trung đồng nhựt nguyệt nghĩa đồng thiên". Trọn đời Ngài không lúc nào rời bộ sách ấy, lúc nào cũng đọc lấy tinh thần của sách suy luận làm tinh thần của mình.

Kể từ Ðào Viên kết tình bằng hữu cùng nhau, từ thuở bần hàn cho đến khi vinh huê phú quý sang trọng Ngài vẫn một mực không hề thay đổi tâm đức bao giờ. Tinh thần của người ấy là tinh thần đứng riêng biệt một mình một cảnh giới mà thôi. Thế gian khó tìm thấy một kiểu vở thứ hai nữa đặng. Tinh thần của Ngài có oai quyền đặc sắc, ta thử tìm coi Ngài làm sao mà đặng như vậy?(*)

Nguơn linh của Ngài là Xích Long Tinh. Buổi nọ dân Bắc Hớn phạm Thiên điều bị Ngọc Hư Cung phạt hạn không cho mưa, đặng cho dân ấy phải đói. Dân làng biết mà cầu nguyện nơi Ngài cứu nạn. Ngài cũng thừa biết dân ấy bị Thiên điều hành pháp, nhưng vì lòng ái tuất thương sanh không nỡ để dân chết đói, nên Ngài làm mưa. Ngọc Hư Cung bắt tội sai Ngũ Lôi tru diệt. Ngài chạy trốn vào một cái chùa, nhờ ông thầy chùa lấy chuông úp lại. Vị Ðạo Nhơn có căn dặn Bổn Ðạo trong chùa đừng ai dở chuông cho đến ngày nào Ngài hết hạn. Chư Ðạo trong chùa tọc mạch dở ra xem coi vật gì, thành thử Ngài phải chịu đầu kiếp, kiếp ấy là Hạng Võ.(*)

Hạng Võ thì ai cũng biết. Nếu ta quan sát trong "Trọng Tương vấn Hớn" thì rõ tiền căn Hạng Võ, hậu kiếp Quan Công. Bởi Hớn Bái Công khi lập quốc rồi nghe lời Lã Hậu diệt công thần giết Hàn Tín. Án ấy nằm dưới Phong Ðô mấy đời mà không ai xử đặng. Buổi ấy có thầy Trọng Tương là học trò khó nhà nghèo nhưng rất hiếu hạnh. Cha chết Trọng Tương cất nhà mồ thờ cha mà ở. Thường hay buồn than thân trách phận biết mình hữu tài vô mạng nên viết một bài thi có ý than rằng: "Thiên địa hữu tư, thần minh bất công" dụng ý trách điểm cái án nhà Hớn mà dưới Phong Ðô xử chưa có nổi. Vì vậy nên mắc tội phạm thượng, bị bắt hồn dẫn đến Phong Ðô, đem cho Thập Ðiện Diêm Quân vấn tội. Trọng Tương bình tỉnh trả lời rằng: "Nếu cho tôi ngồi làm Thập Ðiện Diêm Vương tôi xử án ấy cho mà coi". Thập Ðiện Diêm Vương bằng lòng. Ngài xử: "Tiền căn báo hậu kiếp, như Bành Việt cho đầu kiếp làm Lưu Bị, Anh Bố làm Ngô Tôn Quyền, Hàn Tín làm Tào Tháo, Hạng Sư làm Nhan Lương, Hạng Bá làm Văn Xủ, Hạng Võ làm Quan Công".(*)

Ta thấy hồi sáu tướng của Hạng Võ đem lòng phản bội, đầu nhà Hớn rượt Hạng Võ đến bến Ô Giang phải cắt đầu, trao cho Ðình Trưởng, chú là Hạng Bá trở lại phản cháu đã đầu lụy Hớn Bái Công còn trở lại phạt Sở. Tiền căn hậu kiếp vay trả, quả báo y nhiên. Có một điều lạ là với Lữ Mông, oan nghiệt có khác. Tiền kiếp của Lữ Mông là ông thợ rèn, Quan Vân Trường đến mướn rèn Thanh Long Ðao với một kiểu mẫu bí mật mà Ngài không muốn có người thứ nhì biết đặng. Khi rèn xong, Ngài cầm ra sân đi thử đường đao, chợt nghĩ đến điều ấy liền day lại vớt ông thợ rèn đứt đoạn. Ông thợ rèn ấy sau đầu kiếp làm Lữ Mông. Cho nên buổi Ngài xuất thần qui vị là trả cái ngày giết ông thợ rèn, là Lữ Mông đầu kiếp trả báo giết Ngài.

Khi Chơn linh của Ngài xuất ngoại, Châu Xương và Quan Bình cũng tự tử chết theo, ba người ấy bay giữa không trung, đi ngang ngôi chùa kêu ông thầy chùa là Phổ Tịnh đòi ông nọ trả cái đầu, ông bèn lấy cái quạt gõ trên cửa tụng ba phiến vãng sanh, Ngài hạ giáng xuống tiếp đòi đầu nữa. Ông nọ cười nói rằng: "Nhan Lương, Văn Xủ kia mới đòi đầu với ai? Ấy là tiền căn báo hậu kiếp thôi chớ". Ðức Quan Thánh Ðế Quân tỉnh ngộ, xin ông Phổ Tịnh cho Ngài ở đó đặng tu, Chơn linh của Ngài nhờ ở nơi chùa đó mà hiển Thánh. Khi hiển Thánh rồi Ngài trừ tà diệt quỉ, cứu độ sanh linh, và từ đó đến bây giờ không tái kiếp lần nào nữa, duy dụng cái quyền hành thiêng liêng mà hành Ðạo thôi. Với quyền thiêng liêng ấy mà Ngài lập được Phật vị là Cái Thiên Cổ Phật, nhờ vạn linh tôn trọng Ngài lên. Bần Ðạo dám quả quyết Ngài không phải là Thiên Phong mà chính là người của vạn linh bầu cử. Cho nên Ðức Chí Tôn mở Ðạo là cơ quan hiệp nhứt vạn linh, để Ðấng ấy là một Trấn Oai Nghiêm đặng làm quan Trạng Sư cho vạn linh đạt kiếp.

Bần Ðạo tưởng nếu có sự công chánh ở Tòa Hư Linh kia ta nên gọi điều ấy là điều công chánh đệ nhứt mà Chí Tôn quyết định vậy. Nên Hớn Thọ Ðình Hầu lập thiêng liêng vị với Chơn linh của mình đặng. Ðó là chỉ rõ cho cả con cái của Thầy biết rằng không phải chết là hết, chết ấy là sống, mà cái sống nơi Thầy mới oai quyền chơn thật hơn cái sống hiện tại thế nầy.

Phụ ghi:
Cuối những đoạn có dấu (*): Ðể cho người đọc được dể dàng, chúng tôi xin mạn phép phân đoạn tại những nơi có dấu (*). Nguyên bản chánh không có phân đoạn tại những nơi ấy. Kính cáo.
Q. 2/38: HỘI THÁNH LÀ GÌ?
Tại Ðền Thánh, thời Tý đêm 28 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 03-08-1948)

Hôm nay Bần Ðạo giảng Hội Thánh là gì?
Bần Ðạo đã nhiều phen giảng giải Hội Thánh là Thánh Thể của Ðức Chí Tôn tức nhiên là xác thịt của Ngài tại thế. Ấy vậy chúng ta đặng may duyên, nên buổi thế kỷ thứ hai mươi là thế kỷ hỗn loạn, sa ngã vào đường tội lỗi, sự tàn ác của đời đương nhiên chúng ta phải gớm sợ, Chí Tôn lại đến đặng dìu con cái Ngài, tức là các nguyên nhân của Ngài tại thế, từ bấy lâu nay bị sa ngã vào đường tội lỗi. Ngài đến qui hội cùng Ngài và chính mình Ngài đi tìm con cái của Ngài mà thôi. Ngài đến chẳng phải một ngày một bữa mà cả mấy ngàn năm. Ngài giáng trần với sự đau khổ nhọc nhằn, nhưng vẫn cam chịu. Ngài tìm phương pháp để tận độ chúng sanh, cơ tận độ ấy chưa thành tựu, họ còn bị kẹt vào vòng tội lỗi tại thế nầy cửu nhị ức nguyên nhân, Ngài đến gom về hết trong thời kỳ ân xá thứ ba nầy, chúng ta không dè ngày nay hưởng đặc ân của Ngài, được nắm quyền hành làm Thánh Thể cho Ngài, tức nhiên là Ngài vậy. Chúng ta thấy mặt luật thiên nhiên dầu cao xa khó khăn đến đâu, xem cơ tương đối ở hữu hình cũng có thể hiểu được. Một ông cha đã tới giờ qui liễu, nhìn lại gia đình sắp con đã nên gia thất chỉ còn vài đứa nhỏ dại, chưa đủ trí khôn; ông cha ấy phải thống khổ biết chừng nào, khi thấy đứa trẻ ấy bơ vơ, nếu mình rủi chết hoàn cảnh ấy ông phải định thế nào, lẽ cố nhiên là ông kêu người con trai lớn của ông lại dặn dò cặn kẽ: Khi cha có mất rồi thì con phải thương em con còn nhỏ, bảo trọng cho nó, tạo tương lai hạnh phúc cho nó. Người anh nghe cha di chúc thì lo tìm phương dạy dỗ em thế nào cho nên người và đến một ngày kia các con ấy sẽ trở nên hiển đạt đi rồi, thiết tưởng gia đình ấy hạnh phúc biết chừng nào. Hạnh phúc hơn khi người cha ấy trông thấy con mình cao sang vinh hiển hơn mình.

Ðức Chí Tôn kỳ nầy muốn chính mình Ngài đến cứu vớt con cái Ngài, nhưng Ngự Mã Quân của Ngài không cho Ngài đi, vì biết Ngài mỗi khi xuống thế phải chịu thống khổ vô ngần, nên Ngự Mã Quân quyết định đến thế cho Ngài. Chúng ta tưởng tượng sự thế ấy nếu Chí Tôn ưng chịu, thì Ngự Mã Quân phải hứa cứu vớt hết cả con cái của Ngài và lại dặn: " Bây muốn đến thế Tao mà ở với con Tao thì Bây phải làm sao bảo trọng chúng nó vẹn toàn để đem về đông đủ cho Tao và phải đủ can đảm và năng lực thay thế Tao bên cạnh chúng nó. Nếu Bây không muốn cho Tao làm thì Bây phải làm như Tao mới đặng". Tôi tưởng Ngự Mã Quân đến thế cho Ngài, phải lựa chọn trong hàng lương sanh con cái của Ngài để làm hình ảnh cho Ngài, như vậy Ngài mới chịu. Vì cớ Hội Thánh là Thánh Thể của Ðức Chí Tôn, cho nên khi Ngài lập Pháp Chánh Truyền cho Thánh Thể của Ngài, Ngài định một người để làm Anh Cả trong bầy con của Ngài. Người Anh Cả ấy phải làm cha và làm thầy trong khi Chí Tôn vắng mặt. Ngặt một điều là mình không xứng đáng đó thôi, chớ không buổi nào Chí Tôn không công nhận và không chịu, một khi mình đủ đức tánh thay thế cho Ngài. Nếu Thánh Thể của Chí Tôn tại thế nầy mà dạy dỗ, cứu vớt con cái của Ngài được toàn vẹn y như ý định của Ngài thì thiết tưởng không có gì làm cho Ngài vui sướng bằng! Ấy vậy, Hội Thánh dầu Nam dầu Nữ, tức là hình ảnh của Chí Tôn, Chí Tôn giao cả đảm nhiệm làm cha và làm thầy. Hễ thay thế Chí Tôn làm cha làm thầy thì tức nhiên mình là cha là thầy, nếu làm cha cho xứng đáng cha, làm thầy xứng đáng thầy, thì chúng sanh làm thế nào mà không tôn trọng như cha như thầy được.

Trong đám anh em chúng ta ngồi tại đây, cùng sắp em nhỏ kia trong đó cũng có vị Phật, Tiên giáng thế, nhưng còn chờ chúng ta lập vị cho nó, bởi nó còn khờ nên giao chúng ta giáo hóa nó để một ngày kia chúng nó đạt đến tinh thần cao trọng đặng lãnh sứ mạng của Chí Tôn phú thác. Vậy, ngày giờ nào chúng ta đủ quyền năng để giáo hóa đoàn em sau nầy đặng vào địa vị, tức nhiên chúng ta đã trọn đạo đối với Chí Tôn.

Q. 2/39: PHÁP CHÁNH HIỆP THIÊN LÀ GÌ? VÀ HÌNH LUẬT TAM GIÁO LÀ GÌ?
Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 1 tháng 7 Mậu Tý (dl. 05-08-1948)

Từ thử đến giờ chúng ta thường quen gọi là Tòa Hiệp Thiên Ðài hay là Tòa Tam Giáo, nên đã 23 năm Ðạo, mà chúng ta vẫn chưa biết chỗ dốt của mình. Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn buổi nọ giáng bút hỏi Bần Ðạo một câu bằng Pháp văn: "EXPLIQUEZ ÉTYMOLOGIQUEMENT LE MOT TÒA?" (Vậy chớ theo ngữ nguyên tiếng Tòa nghĩa là gì?). Bần Ðạo trả lời: "Thưa Ngài, kêu Tòa là nơi để định án, xử tội kẻ phạm luật pháp". Ngài cười và nói: "Trật, gọi Tòa là khi nào Tòa nhà, hay Tòa lâu đài gì đó, chớ tiếng Tòa không có định nghĩa về phương diện Pháp Chánh cả". Bần Ðạo thừa dịp nhờ Ngài dạy nữa. Ngài nói: "Cái tiếng của Chí Tôn đã đem đến đặt để nó khéo léo hay ho biết bao nhiêu, nghĩa lý rất thâm diệu mà tại sao lại không dùng. Ðức Chí Tôn đến lập Pháp Chánh Truyền, giao cho Hiệp Thiên Ðài gìn giữ. Trong đó có diệu pháp của Chí Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế gian nầy, Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng hợp lại cho nó có trật tự, có đẳng cấp, tức nhiên là lập Thánh Thể của Ngài, các phẩm trật có liên quan với các phần tử tức nhiên Hội Thánh tổng hợp là Thánh Thể của Ngài. Ngài lập Pháp Chánh Truyền cốt ban quyền hành cho Thánh Thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được, tức nhiên về với Ngài được. Ấy vậy, Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên là phương định vị, lập quyền đặng hiệp một con cái của Chí Tôn cùng Chí Tôn vậy".

Tới hình luật Tam Giáo: Từ thử Tam Giáo có Nho, Thích, Ðạo, luật Tam Giáo có hữu hình, có luật hình, vì cứ nói án nên nói là phạm luật Thiên Ðiều mà thôi. Luật hình ấy gồm cả tôn chỉ của Tam Giáo đem đặt tại thế nầy cho thiên hạ thật hành, nhưng lần lần càng xa khuôn luật.
Ấy vậy, có hai phần:
Pháp Chánh Hiệp Thiên.
Hình Luật Tam Giáo.

Tuy hai phần khác thể, nhưng cũng đều giao cho Hiệp Thiên Ðài chưởng quản hết. Nếu muốn gọi cho trúng thì gọi Pháp Chánh Hiệp Thiên Ðài là đủ nghĩa.

Bần Ðạo giảng nghĩa: Pháp Chánh Hiệp Thiên Ðài là gì? Cốt yếu của Ðức Chí Tôn đến thế ban quyền hành cho Thánh Thể của Ngài, Ngài buộc quyền Thiêng Liêng kia hễ con cái của Ngài đắc phẩm hữu vi ở dưới thế nầy được toàn vẹn, thì cũng phải nhìn nhận phẩm ấy ở cõi hư linh kia. Bần Ðạo tưởng nếu không phải tay của Chí Tôn thì không ai có quyền buộc các Ðấng cầm quyền chánh trị của Càn Khôn Thế Giới là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, phải nghe theo như vậy bao giờ.

Ta cứ suy nghĩ: Một ông cha thương con nói: Tao đến với con Tao, Tao định cho nó làm Tể Tướng tại thế gian nầy, thì cả triều chánh phải nhìn nó là Tể Tướng, chớ không phép cải, chỉ vâng mạng lịnh Tể Tướng của nó mà thôi. Thiết tưởng nếu không phải nhà vua thì không ai biểu như vậy mà dân phục lịnh. Nếu không phải Chí Tôn đến lập giáo thì không ai đến đây mà có quyền buộc Cửu Thiên Khai Hóa nhìn nhận Thánh Thể của Ngài được. Tại sao Ngài giao cho Hiệp Thiên Ðài? Nếu cả Pháp Chánh đó không người cầm để thực hiện thì cả giá trị lẫn thể thống đều mất hết. Từ ngôi Giáo Tông đến ngôi Ðầu Sư, giữa có ngôi Chưởng Pháp, nếu không phải Pháp Chánh do Hiệp Thiên Ðài nắm giữ thì họ tông lúng, tông hoài, tông mãi mãi làm cho loạn Ðạo theo tấn thảm kịch, ta đã thấy diễn đi diễn lại nhiều lần, mà thử hỏi tại sao họ tông không được? Là tại Hiệp Thiên Ðài cầm Luật chắc chắn không cho loạn hàng thất thứ đặng. Họ tông mặc họ, Hiệp Thiên Ðài cứ nắm giữ chặt chẽ, mà định phẩm cho con cái của Ðức Chí Tôn mà thôi. Nếu chẳng vậy, nghĩa là nếu Hiệp Thiên Ðài để họ tự do hành động, thì phải đắc tội với Chí Tôn, vì Chí Tôn đã giao cho gìn giữ cái kho tàng đã định Thánh Thể của Ngài định vị cho con cái của Ngài y như đã giao cho gìn giữ, cái kho tàng đã định chia cho đứa lớn bao nhiêu, đứa út bao nhiêu, rồi Hiệp Thiên Ðài để cho người mạnh giựt giành tài sản của mấy người khác, hỏi vậy người lãnh lịnh đảm nhiệm chia của ấy, sẽ bị hình phạt như thế nào? Nếu không có người cầm giữ kho đó đặng phân phát công bình cho con cái của Ngài thì sợ e thiên hạ giựt giành hết mà con cái của Ngài không hưởng đặng, gia tài để dành cho họ mà chớ. Ấy vậy, hàng phẩm mà Pháp Chánh đã định, cốt yếu hiệp con cái Chí Tôn lại làm một cùng Ngài, mà muốn cho đặng hiệp cùng Ngài, thì Ngài để cho Hiệp Thiên Ðài chưởng quản giữ gìn nghiêm luật Pháp Chánh đó. Một người về Ðạo là Thượng Phẩm cầm quyền Luật Ðạo định phẩm vị; một người về Thế tức là Thượng Sanh đem con cái của Ðức Chí Tôn vào cửa Ðạo, dìu dắt con cái Ngài không ai đặng phép ngăn đường đón ngõ. Ðại nghiệp của Chí Tôn để lại mặt thế nầy cho toàn cả nhơn loại, không ai có quyền giành hưởng một mình. Ðịnh luật như vậy mới là công bình và chánh đáng. Bần Ðạo lập lại: Pháp Chánh cốt yếu lập quyền cho con cái Ðức Chí Tôn, có hàng phẩm, quyền hành, thứ tự, đẳng cấp, giao cho Hiệp Thiên Ðài sắp đặt không cho loạn hàng thứ thất, nếu loạn hàng thất thứ thì Ðạo tiêu diệt.

Bây giờ nói qua hình luật Tam Giáo: Ðạo Cao Ðài không phải lấy nguơn chất của Tam Giáo làm căn bản, mà chỉ lọc lượt chơn truyền của các Tôn Giáo trên địa cầu nầy mà tổng hợp lại. Tại sao lại kêu hình luật Tam Giáo mà thôi? Bởi ngày nay Tam Giáo qui nhứt. Các Tôn Giáo trên thế gian nầy thì nhiều mà không ngoài khuôn viên của ba Ðạo lớn, có thay đổi chăng là vì châm chế bớt ngoại dung, chớ bên trong đều do theo hình luật đó.

Hình luật Tam Giáo để định án chăng? Thiên hạ sẽ nói Ðạo gì mà có Tòa Án? Người ta lầm! Vả chăng con người chỉ có quí ở cái Tâm và hạ sanh tại đây ít nữa phải có căn duyên sao đó mà mình không biết đó thôi. Bần Ðạo dám chắc dầu một vị chí Phật đến tại thế gian nầy mang thi hài xác thịt cũng quên hết tiền kiếp, cửa huệ quang bị bí lối, không tự biết mình, không tự hiểu phẩm vị mình, vì mang xác phàm thì cái gì cũng phàm hết. Duy có Ðấng toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ là Chí Tôn mới tránh khỏi chuyển kiếp luân hồi mà thôi. Ngoài ra không vị Phật nào tránh khỏi luân hồi cả. Các chơn hồn ở các cung, các động, hoặc ở Ngọc Hư Cung đến đây là có mạng lịnh đến tạo hình thể của Ðức Chí Tôn, đó là những vị đại diện, còn tất cả bao nhiêu chúng sanh đều có căn nguyên, mà hễ có căn nguyên tức nhiên là có tội, phải đến đây đặng trả quả kiếp luân hồi.

Chí Tôn muốn cho con cái của Ngài nên Thánh thì phải làm sao? Phải đem cả thảy vô đây, tắm rửa cho sạch sẽ làm cho thiên hạ muốn gần, phải vì thương mến kỉnh khen mà gần, vì đáng tôn sùng yêu ái mà gần. Hình luật Tam Giáo là nước Cam Lồ tắm rửa linh hồn vậy. Chơn truyền từ trước đến nay Chí Tôn để tại mặt thế trên các Ðạo Phật, Tiên, Thánh, là phương để gội rửa linh hồn mà thôi, nhứt là Công Giáo có phép xưng tội là một bí pháp, nhưng ta không hiểu tại sao Chí Tôn lại không truyền chơn pháp. Ta nghĩ, có lẽ Ðức Chúa Jésus Christ đã ban quyền cho những đại diện của Ngài, tức là cầm quyền Hội Thánh có đủ năng lực xá tội, nhưng trong khi hai đàng là kẻ xá tội và kẻ xưng tội, cũng có lẽ có người không thực tâm xưng tội, hoặc người không xứng đáng là người xá tội. Nếu xét ra người đến xưng tội và người xá tội cũng đều là phàm cả, chưa biết người nầy có xá tội được cho người kia chăng? Thảng không đủ quyền tha tội lại càng thêm mang tội hơn nữa. Hễ có tội tức có hình, có hình tức có phạt, có phạt phải thành án, mà án tiêu mới hết tội. Nên hễ có tội thì phải trả, mà có trả rồi thì mới hết tội. Nếu mình không tự hạ mình và không đủ can đảm cung khai thì chịu lấy. Biết mình có tội mà lại sợ nhục cái thanh danh phàm thể thì hỏng cái phẩm vị thiêng liêng thì rất nên đáng tiếc. Nếu biết trọng linh hồn thì không ngần ngại gì, đến mấy vị Ðại Thiên Phong cầm quyền Pháp Chánh kia cung khai đi, rồi họ lên án quẹt lọ cho mình, không lẽ đem ra pháp trường xử trảm. Tội có quá nặng đi nữa, dầu Pháp Chánh Hiệp Thiên Ðài có trục xuất đi nữa cũng không hại gì. Nếu mình biết ăn năn tự hối, tự tu thân tự giác tánh thêm nữa đặng đền tội, mình tu một mình dầu Hội Thánh không biết tới, mình cũng vẫn tin rằng có Ðức Chí Tôn chứng lòng trọn hiếu với Ðức Chí Tôn, ngày kia về cửa Thiêng Liêng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đẹp dạ hả lòng tiếp rước trọng thể hơn nhiều, người trọn gìn đạo đức vì phẩm trật đã cao siêu từ trước giáng sanh lập vị, danh vị lập được của kẻ bình thường đâu bằng của kẻ biết ăn năn sám hối. Thảng như bị trục xuất mà tự mình biết lập vị mình, thế gian không hiểu thì còn có Ðức Chí Tôn hiểu, lập tâm mà tu thì cửa Hư Linh kia cũng không đóng được. Những kẻ ấy do Ðức Chí Tôn sắp đặt hàng thứ, nên Ngài đã nói: "Cửa Hư Linh không ưa kẻ tàn bạo, lạ thay Thiêng Liêng vị phần nhiều do những kẻ tàn bạo phá cửa chung vô". Thảng như mình không đủ can đảm chịu án mà mình tự tu sửa lấy mình được, dầu trong Ðạo Cao Ðài đây không có hiểu biết thì Chí Tôn cũng hiểu biết, anh em không hiểu mình mà ông Cha mình hiểu mình là đủ rồi, sợ e mình quá phàm mà phải thất Ðạo, phải luân hồi mãi mãi mà thôi.

Bần Ðạo dám nói rằng trong Càn Khôn này, số Hóa nhân còn có ít hơn là Nguyên nhân bị đọa trần, chịu luân hồi chuyển kiếp đặng đền tội nhiều phen, chỉ vì quyến luyến phàm chất, không đủ can đảm thú tội trước Ðức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nếu không muốn đợi để thú tội với Ðức Chí Tôn thì hiện giờ vì biết mình có tội đến thú tội với chư Ðại Thiên Phong Hiệp Thiên Ðài cầm quyền Pháp Chánh đó đi, rồi quyết chắc đã đền xong tội phạm ắt cửa Thiêng Liêng cũng khó định nghiêm hình, vì cớ cố nhiên là một án chỉ có một hình.
Ngày giờ nào nhơn sanh chưa có can đảm thú tội của họ, thì cửa Hư Linh vẫn còn chối họ mãi mãi.
Q. 2/40: ĐỨC HỘ PHÁP DẠY.
ÐỨC HỘ PHÁP dạy:

Nền Ðạo đã thông truyền Quốc Tế, vậy phải vãn hồi các bản sắc trong lành cho xứng danh là Thánh Ðịa, hầu làm cái trụ cốt tinh thần cho nhơn loại hướng về tin tưởng.
Ngày 11-11 Giáp Ngọ (dl. 05-12-1954)

Ðức HỘ PHÁP nói:
Cây cờ Cứu Khổ của Ðạo Cao Ðài là Thương Yêu và Công Chánh. Phải thực hiện được hai điều ấy, thì Hòa Bình và Hạnh Phúc mới đến với chúng ta được.

Q. 2/41: ĐỨC TÁNH TRUNG HIẾU NGHĨA.
Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 6 tháng 7 năm Mậu Tý (dl. 10-08-1948)

Ðêm nay, Bần Ðạo giảng ba chữ TRUNG HIẾU NGHĨA bởi vì Trung, Hiếu, Nghĩa là biểu hiện một chơn tánh của linh hồn cao trọng.

Nhà Nho nói: "Tánh tự tâm sanh". Ðó là lý thuyết của Ðạo Nho, chỉ biết có một điều là ta quan sát có thể thấy hiện tượng mà tả trạng hình được, vì Ðạo Nho chưa phải là một Tôn Giáo huyền bí. Còn Ðức Chí Tôn đến dạy ta biết rằng tánh là chơn tướng của chơn thần, còn tâm là chơn tướng của chơn linh. Chí Tôn dạy: Tánh của mỗi chúng ta là hình thể thứ nhì của ta. Hình thể thứ nhứt là tâm tức là chơn linh, thứ nhì là tánh tức là chơn thần, thứ ba là xác phàm thú chất nầy. Chí Tôn hỏi: Tại sao từ trước đến giờ theo triết lý Ðạo Nho lấy nghĩa "Tánh tự tâm sanh" mà tả ra? Bởi vì nó có liên quan mật thiết cùng nhau. Trong tâm mình như thế nào xuất tánh ra y như vậy. Nhà Nho thấy hiện tượng mà đặt tên, còn Chí Tôn chỉ rõ cho biết: Chơn thần cũng tấn bộ như chơn linh. Mỗi cá nhân đều có hai năng lực ấy có đủ quyền năng đào tạo ra hình hài xác thịt của ta. Một chơn linh cao trọng tự nhiên có một chơn thần cao trọng, bởi cả hai vẫn đi đôi đồng đường với nhau, cùng tấn triển trong con đường Thánh đức của Chí Tôn, cả hai có liên quan mật thiết, nên hễ chừng nào đạt pháp đặng có đủ quyền năng định vận mạng, nghĩa là nó đã tấn tới đúng mức rồi, dầu quyền của Ngọc Hư Cung cũng không còn lãnh hội nó nữa, quyền tự chủ đã đạt đặng như các cơ quan hiển vi tấn triển tới mục đích tới giới định hiển nhiên ta thấy nơi mặt thế đây vậy. Trong Ðạo Giáo của Ðức Chí Tôn trích ra một hạng Tiên, không còn chịu quyền của Ngọc Hư Cung định luật họ tự làm chủ họ, tự dùng quyền năng đặng đào tạo xác thân của họ, tạo y khuôn khổ họ đã muốn. Họ tự vi chủ mà tạo hình thể ấy, bằng chẳng vậy thì con thú là xác phàm của họ, sẽ lôi kéo ràng buộc, phản lại họ, làm cho họ phải đọa lạc. Còn như con thú nầy không còn quyền lôi kéo họ được thì họ mới đủ quyền năng vi chủ nó mà dục tấn trên con đường tận thiện tận mỹ, toàn tri toàn năng mà họ đã định đạt đến cùng tận sở hướng.

Chơn thần là đệ nhị xác thân tạo hình bằng ngươn khí của bảy từng thiên. Bỏ Tạo Hóa Thiên là từng thứ chín, linh hồn đến từng thứ 8 trụ thần quyết định đến thế gian nầy làm việc gì, kể từ từng thứ 7 mới tạo xác thân. Ta chia 7 từng làm 7 phách, Ðạo Giáo nói là 7 cái thi hài hữu tướng, 6 cái thuộc về khí chất, cái thứ 7 là xác thú nầy đây. Bảy (7) từng có liên quan lạ lùng với thất tình, từng thứ 7, 6, 5 là ba (3) tình: Ái, Hỉ, Lạc; từng thứ tư là Dục; từng thứ ba là Ái; từng thứ nhì là Ố; từng thứ nhứt là Nộ. Tới từng chót nầy thì xác thịt là hiện tượng của Nộ giác.

Ấy vậy, Bần Ðạo chỉ rõ rằng ba tánh đức Trung, Hiếu, Nghĩa do ở tình ái, phát hiện đó là cái tình độc nhứt có liên quan mật thiết với chơn linh. Ta thấy con nít sơ sanh, thi hài chưa biết vi chủ, nó chỉ sống với chơn linh mà thôi. Khởi đoan nó chỉ biết thương mến những kẻ gần gũi như cha mẹ; còn Chơn thần để gìn giữ nó, cho nó biết tìm cái sống, bảo tồn sanh mạng. Thật ra theo Ðạo Pháp, con nít từ 12 tuổi mới bị chịu ảnh hưởng của xác thịt, còn dưới 12 tuổi xác thịt chưa có quyền. Ba tánh đức Trung, Hiếu, Nghĩa thuộc quyền năng của ái tình mà ra nên gần gũi với chơn linh lắm, đến đổi ta thấy hình trạng nó như kẻ sơ sinh kia vậy; Bần Ðạo vừa nói Trung, Hiếu, Nghĩa do nơi tình ái xuất hiện ra tướng diện, nên nó gần Thánh, một khi giải thể rồi lên từng thứ 7 là chắc chắn được giải thoát, đạt vị, bởi nó gần với Thánh.

Tại sao Trung? Tại tình ái cao thượng dồi dào đối với quốc dân nòi giống lên đến nhiệt độ, nó quá vĩ đại. Nếu ta thấy một vị công thần liều mạng sống đặng bảo vệ cho quốc dân, trung ấy chưa phải là trung với vua, mà trung với nước chớ! Có điều vua là tượng trưng cho nước, nên trung với vua tức là trung với nước. Mà có trung đặng là vì quyền năng ái chủng, ái quốc nuôi trong tinh thần nhiệt liệt, nên tình ái ấy vi chủ tinh thần, cho nên ta thấy có kẻ vì trung dám hy sinh tánh mạng được là vì vậy.

Tới Hiếu. Tại sao có Hiếu? Bởi các chơn hồn sáng suốt cao siêu đã có sẵn hai điều hiếu:
Hiếu với Ðấng Tạo Ðoan chơn linh.
Hiếu với Ðấng Tạo Ðoan chơn thần.

Bởi có hiếu trước với hai Ðấng ấy, biết trọng hai quyền năng tạo hóa Chơn linh và Chơn thần thì tự nhiên phải biết nhìn Ðấng tạo hóa hình hài của mình đồng thể chớ. Tâm hiếu tự nhiên mà xuất hiện vì nó có sẵn, mà hễ có sẵn tâm hiếu tức nhiên phải là chơn linh cao trọng thấu đáo được nguyên do đâu mình đến và là con của ai? Ðã hiểu rằng mình có hiếu với Ðấng tạo sanh Chơn linh và Chơn thần như thế nào rồi, thì đến hiếu với Ðấng tạo sanh hình hài đã sẵn có rồi vậy. Nên, hiếu không thể dạy được, hoặc có hiếu, hoặc không có hiếu mà thôi.

Bây giờ tới Nghĩa. Tại sao ta có Nghĩa? Tại sao Nghĩa lại hiện tướng trên tánh đức của một chơn linh cao trọng? Nơi cõi Hư linh mỗi người có một gia tộc, một đại nghiệp, anh em đông biết bao nhiêu. Bần Ðạo xin nhắc lại câu nầy cho toàn cả hiểu điều yếu trọng: Chẳng phải vì sự tình cờ mà chúng ta được chung đứng trong lòng của Ðức Chí Tôn ngày nay đây. Biết đâu trong 24 chuyến thuyền Bát Nhã chở các Nguyên nhân hạ trần đặng làm bạn và độ rỗi các Hóa nhân và Quỉ nhân, lại không có chúng ta ngồi chung trong đó. Ðã từng chia đau sớt khổ cùng nhau chẳng những trong thế giới nầy mà trong các thế giới khác nữa. Ðã từng chung sống cùng nhau, cái thâm tình vĩ đại đã nhiều. Nếu cả thảy không nhớ lời nầy của Bần Ðạo, đến khi linh hồn xuất ngoại rồi, sẽ ân hận biết bao nhiêu mà chừng ấy đừng trách Bần Ðạo không chỉ trước. Không thương yêu nhau cho trọn nghĩa là lỗi tại mấy người đa, chớ không phải tại Bần Ðạo không nói. Ban sơ, nơi cõi Hư linh, thọ nhứt điểm linh đến thế nầy tạo ngôi vị, làm bạn với biết bao nhiêu chơn linh khác, dầu nguyên do của mình là thảo mộc hay thú cầm cũng phải có nhiều bạn, chừng nào đạt đến địa vị mới biết bạn nhiều. Người nghĩa ta có nhiều ở mặt thế nầy lo tìm người nghĩa đặng tương liên cấu hiệp tâm tình trong cảnh khổ não, truân chuyên chịu hình thử thách nầy.

Tìm mà vẫn lo ngại sợ lầm, bất kỳ gặp ai, dầu là kẻ thù cũng tưởng là người nghĩa, nếu rủi ở bất nghĩa cùng nhau, về cõi thiêng liêng sẽ hổ thẹn hối hận muôn phần. Ðối với nhơn loại ta đã sẵn có cái đại nghĩa đó, đi tìm nghĩa tức là đi tìm bạn, dầu nơi cõi hư linh hay tại thế, đại nghĩa vẫn còn lưu lại, ta không từ chối được, cho nên hễ đi tìm nghĩa thì không còn phân biệt ai là người nghĩa, ai là người thù. Hỏi ta tìm nghĩa ở đâu? Trước nhứt tìm thân tộc anh em sau mới ra toàn thiên hạ được.

Bần Ðạo kết luận: Trung, Hiếu, Nghĩa là ba tánh chất của một vì Thánh, vì cớ nên Tiên Nho buổi trước tầm hiền thì duy lựa trong ba tánh đức đó mà tìm thì ắt tìm đặng không lầm. Tại mặt thế nầy, thảng ta có gặp người như thế tức ta quyết đoán chắc hẳn là chơn linh cao trọng,
Q. 2/42: LUẬT TƯƠNG ĐỐI HAY LÀ PHẢN ẢNH CỦA HAI THÁI CỰC CHƠN THẬT VÀ GIẢ DỐI.
Tại Ðền Thánh, đêm 9 tháng 7 năm Mậu Tý (1948)

Cái hay của sự chơn thật đối với cái dở của sự giả dối, làm thế nào phân biệt? Trước khi giảng, muốn nói rõ hơn Bần Ðạo mời tất cả đi theo Bần Ðạo dùng phép hồi quang phản chiếu đem thần trí ra ngoài thể xác đặng quan sát lại mình và hành tàng của thế nhân ra sao, mới quyết định điều hay lẽ dở của nó, giống như đám Thiên Quân Ngự Mã Quân, ngồi trên lưng ngựa chiến đấu về tinh thần với mặt thế.

Theo sau xe của Chí Tôn, chúng ta gò cương đứng lại bình tỉnh, nghỉ ngơi, giữa cảnh náo nhiệt của nhơn loại sắp diễn và xuống ngựa xem rõ lại sự sanh hoạt ấy đương nhiên ở vào mực độ nào, rồi ngẫm lại ta ở vào cảnh hư hay thiệt. Ta đàm luận vui vẻ cùng nhau sống, nhảy lên lưng ngựa nắm vững cương, thúc nó chạy theo kịp bước của Ðức Chí Tôn.

Phép hồi quang phản chiếu mà Bần Ðạo nói đây là tinh thần thoát ra khỏi thể xác, để quan sát trở lại hình trạng thi thể của nó. Ta thấy gì? Khởi đoan ta thấy ta sanh ra tại mặt thế, mang mảnh thi hài (nguyên căn của sự sống vật thể) lắm khi làm cho ta khó phân biệt được sự phải quấy, hoặc điều hòa tâm lý.

Vừa lọt khỏi lòng mẹ, chúng ta thấy miếng cơm vú sữa của bà mẹ, biết rằng bà sanh ta ra, nhận biết như vậy ta tự nhiên phải nương nơi bà mà sống, nếu ta không được bà nuôi dưỡng ắt ta phải chết, biết rõ như vậy nên đối với mẹ ta, có tình yêu ái tự nhiên về luật Thiêng Liêng đã định nên khi vắng mẹ ta thì nhớ, sự thương yêu đối với mẹ là chơn.

Lớn lên chút nữa, hiểu rằng nếu không cha và mẹ thì không có ta và cũng không biết tại sao mà biết ổng là cha, dầu trí khôn chưa đủ, Ông chạy bữa cho mẹ nuôi thì ta hiểu ngay rằng nếu không ổng thì mẹ ta không đẻ ta được. Tự nhiên ta không thấy ổng nuôi nấng ẵm bồng và nhiều khi không ngó tới mà ta vẫn biết ổng là cha (,) (*1) ta cũng trọng cũng thương yêu tự nhiên đó là chơn.

Thảng có kẻ nào nói má mầy tự nhiên đẻ mầy ra, đừng kính đừng trọng ổng, hoặc nói mầy ở dưới đất nẻ chun lên, đó là giả, còn bảo đừng nhìn ổng đó là dối.

Lớn lên nữa, thấy mẹ đẻ em ra, cũng nhờ có ông cha ta kia, ta chia nhau một mảnh chiếu, đắp nhau một mảnh mền, nhịn nhau từ hột muối, từ ngọn rau, tình cảnh ấy không cần tả, có điều ta thấy hẳn nó kết cấu khối tình ái thiên nhiên. Ngoài ra nếu cha khó, mẹ nghèo, anh em lao khổ, lại chia đau khổ cùng nhau và biết chắc rằng cả thảy do mẹ sanh ra, biết nhau đồng chung máu thịt đó là chơn.

Bây giờ có ai nói, anh em mầy không bằng tao, tao đối với mầy nhơn nghĩa đầy đủ tình cảm đặc biệt tao đối với mầy, anh em mầy không có, đó là giả, biểu phản nghịch lại anh em đừng nhìn nhau, nhà mầy, mầy ở, cơm mầy mầy ăn, đó là dối.(*)

Trộng chút nữa, cha đem đến trường, mình đương dốt lấy làm lạ, chữ viết cong queo mà nghĩa lý thâm thúy, mình không biết đọc sao ông thầy giỏi hơn mình mà tự biết mình bơ vơ rồi nhờ ông đó, vậy mình trí hóa mở mang bỗng sanh ra thương mến, ổng dạy mình biết nhiều quá nên phải kính trọng thương yêu ấy là chơn.

Thảng có kẻ nào nói: Cái ông đó mà biết cái gì, ổng nhồi sọ mình cho ngu cho dại cho điên cuồng. Không phải dạy khôn mầy đâu mà mầy kính trọng, đó là giả. Nếu biểu phản nghịch và nói nay mầy giỏi hơn ổng đa, mầy hỏi thì ổng bí ngay, đừng kính trọng làm gì đó là dối.

Tới nữa, ngoài cha mẹ và thầy, ta thấy ông già mình không có dệt vải mà có áo mặc, hỏi ra thì ổng làm ra tiền mà may cho mình, nhà mình không có rèn mà mình có dao chặt củi, biết rằng ông già mình làm ra tiền mẹ mình mua, thấy không làm ruộng mà mình có cơm ăn, đó là ông già mình làm mướn lấy tiền mua gạo.

Ấy vậy ta mới biết rằng ta sống đây phải nương vào xã hội, có những vật không phải mình làm được đã có kẻ khác làm, mình làm công lấy tiền mua sắm, sự sống có liên quan mật thiết lạ lùng với chung quanh mình, với những bạn đồng chung sống, nên cả quốc dân yêu mến nhau, rồi quyết định rằng: Bao nhiêu người làm việc kia nuôi mình, người ta canh gác giữ trộm cho mình yên ổn, người ta đốn cây tạo nhà cho mình ở, cả thâm ân đó giục ta yêu ái, kính mến coi cả thảy toàn quốc dân là phần tử thân mến của mình, đó là chơn.

Bây giờ có kẻ nói, nếu không có họ, mầy sẽ ăn nhiều hơn, tại có họ mầy bớt ăn lại mà còn phải thiếu, nhà mầy thì mầy ở nếu không có họ giành cây, không chừng mầy sẽ cất lầu đài. Có họ không ích gì, trái lại họ còn giành ăn với mầy, nói như vậy là dối, biểu nghịch họ và diệt họ, thì mình sẽ sống hạnh phúc hơn, đó là giả.

Tới nữa ta thấy luật gia đình ở trong nước, một gia đình không thể trọn trong hoàng đồ được, phải nhiều gia đình hợp lại gọi là bá tánh, mà nhiều gia đình chung hợp thì đất đai sẽ được mở mang rộng hơn nước giàu dân mạnh. Vậy làm chủ đặng giữ gìn đại nghiệp đó cho trọn vẹn phải ai mới được? Một gia đình không đủ, phải cả một Triều Chánh, trên Triều Chánh có một vị chúa làm chủ đặng bảo trọng đại nghiệp ấy được vững tồn, cho nên vị Chúa ấy hay là Vua hoặc Tổng Thống làm chủ cả nước gìn giữ quốc thể giống nòi của mình. Thảng như Hoàng Ðồ nầy bị tiêu hủy thì mình sẽ ra thế nào? Mình sẽ giống như Mán Mọi nay ở chỗ nầy, mai đi chỗ khác tàn sát nhau, xô đuổi nhau như dân tộc Do Thái ngày xưa, không quê hương, không Tổ Quốc, ăn nhờ ở đậu trên khắp mặt Ðịa Cầu. Vậy chúng ta phải bảo thủ Hoàng Ðồ của Tổ Phụ ta đó là chơn.(*)

Bây giờ có kẻ hỏi: Tổ Phụ mầy đâu phải ở mặt đất nầy, Tổ Phụ mầy không phải nội đây, cả Ðịa Cầu nầy cũng là Tổ Quốc mầy được. Họ xúi mình đừng nhìn Tổ Quốc mình, là giả. Nếu nói rằng: Cả chủng tộc nầy là kẻ thù địch của mầy, họ đày đọa mầy vào cảnh khổ, họ sung sướng tấm thân họ, đó là dối.

Cao hơn nữa ta thấy trên mặt Ðịa Cầu nầy, nòi giống nầy khác màu da với nòi giống kia và có những chủng tộc bất đồng ngôn ngữ, song cái cười cái khóc vốn như nhau, trạng hình đều giống, mà tiếng nói có đó chỉ là định ngôn đặng để hiểu nhau mà thôi. Không phải duy có điều đó mà buộc mình đừng nhìn nhơn loại đồng căn bản, phải coi nhau là bạn đồng sanh đặng kính trọng lẫn nhau. Hễ là bạn đồng sanh tức nhiên liên quan mật thiết nhau, như trong gia đình vậy. Một gia đình nào rân rát, sanh sản con cháu đông đảo và có phương sống đầy đủ gia đình, đó là vui vẻ. Nếu trong gia đình nào rủi ro con cháu hay họ hàng chết thì trong (trông?)(*2) thấy ai bi lạ lùng, một ông cha vì con chết có thể chết theo được, sự thảm khổ đó vô đối. Ta kính trọng mạng sanh của tất cả dị nghĩa đồng sanh, rồi ta nghĩ suy cho thấu đáo thấy bổn phận của ta là bảo trọng mạng sanh anh em của ta khỏi phải đổ nước mắt, phận sự ta đối với cảnh tượng đó là chơn.

Bây giờ có kẻ nói cả sanh mạng trên mặt địa cầu nầy không quan trọng, mầy có thể làm chủ được thì đoạt quyền làm chủ, giá trị mạng sanh không có nghĩa gì đâu. Cả sanh mạng ấy là lợi khí để mầy dùng làm bá chủ thiên hạ chẳng có tình cảm gì cả, đó là giả dối.

Ðứng về mặt tinh thần, mặc tình tấn tuồng giả dối và chơn thật, hiện tại diễn ra, nếu ta biết lấy tâm linh tự chủ mà quyết đoán, quan sát trong kiếp sống của xã hội nhơn quần thì không ai gạt gẫm ta đặng. Ta phân biệt được cái dở và cái hay thì ta sẽ làm chủ nó đặng.

Bây giờ nói rằng tinh thần đã biết phân biệt hình trạng vật thể, mà lại nói cả thế gian duy nhờ sự giả dối mà sống như Tào Tháo đoạt nghiệp Hớn cũng nhờ giả dối. Khổng Minh thắng Châu Công Cẩn cũng nhờ giả dối, đó là Á Ðông. Còn bên Âu Châu nói nhờ Machiavel giả dối mà nước Ý mới tồn tại, đó là mộng mị, không phải chơn thật không một người nào, một cơ nghiệp nào sản xuất trong sự giả dối mà tồn tại được.

Trí ta sáng suốt sẽ thấy và hiểu như vậy, thảng như những người mà thiên hạ cho rằng: Nhờ sự giả dối mới làm nên đại nghiệp nơi mặt Ðịa Cầu nầy thì Bần Ðạo nói có lẽ như Hoàng nghiệp Romain hay Tần Thủy Hoàng ngày nay đã còn chi nói thử? Nếu quả nhiên sự giả dối tạo nên những sự nghiệp đó thì quyết định chẳng còn tồn tại bởi sự nghiệp đó do sự giả dối xô ngã, đài Tần, đảnh Hớn ngày nay lưu lại những gì? Nếu cơ nghiệp vĩ đại tạo thành nhờ trí óc xảo trá thì nó cũng theo sự xảo trá ấy mà tiêu diệt.

Xem lại tinh thần các Ðạo Giáo, như Gia Tô, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, không dùng một lưỡi gươm một ngọn súng mà cầm chắc qui nghiệp, dầu không làm được bá chủ cả Ðịa Cầu trọn vẹn, mà qui nghiệp ấy vẫn còn tồn tại là sao? Là tại thực hiện được sự chơn thật và nương sự chơn thật ấy mà tạo nghiệp, thì nghiệp ấy mới được vĩnh cửu trường tồn.

Trong Ðạo Cao Ðài ngày nay cũng vậy, tại sao Bần Ðạo còn dám ngồi tại đây làm tôi tớ cho con cái của Ðức Chí Tôn, để tạo nghiệp cho họ mà Bần Ðạo quả quyết làm đặng? Là vì biết trong cảnh nguy vong kia, họ tưởng nhảy ra với quyền năng của Ðạo nầy có thể diệt trở lại Bần Ðạo, họ quên nơi đây là Tòa Thánh, là nơi Ðức Chí Tôn đến nhứt định lập ngôi vị của Ngài trong mọi sự cố gắng của con cái Ngài, tượng nên khối tinh thần vững chắc thì ai có đủ quyền năng nào mà diệt được. Bởi thế họ không diệt được nên dầu khổ não thế nào, Bần Ðạo quyết chống xem ngày tàn cuộc.

Họ làm thử, ít nữa phải dòm ngược lại coi, khi họ lấy năng lực của Ðạo ra làm năng lực riêng của mình có còn tồn tại được chăng? Chắc chắn rằng không. Bởi vậy trong buổi loạn Ðạo người nầy, người nọ tìm đủ phương thế diệt trừ đảng phái. Bần Ðạo đã nhận định được nên mới biểu họ cứ việc làm đi, rồi sẽ thấy cái ngày của sự chơn giả xuất hiện. Tấn tuồng đó đã rõ rệt lắm, Bần Ðạo nói thật rằng: Năng lực mà họ đem ra ngày nay thi thố với Tòa Thánh, ngày kia mấy em và mấy con sẽ đắc thắng. Họ sẽ làm mọi không cơm cho mấy em và mấy em vì lẽ sống của họ thiếu sự bảo trọng cho chơn thật thì chết rồi cũng buông rơi sự nghiệp vào tay mấy em mà thôi.

Sự chơn thật của Chí Tôn bao giờ cũng tồn tại sự chơn là một năng lực tinh thần, không tinh thần nào đối chọi đặng. Ngày giờ nào Thánh Thể của Ðức Chí Tôn biết bảo trọng sự chơn thật cho toàn Ðạo, thì không có năng lực nào thắng nổi quyền hành Thánh Thể của Ngài đặng.

Phụ ghi:
 (*1) Nơi đoạn thứ 5: Lớn lên chút nữa, ... ... .... Tự nhiên ta không thấy ổng nuôi nấng ẵm bồng và nhiều khi không ngó tới mà ta vẫn biết ổng là cha (,) ta cũng trọng cũng thương yêu tự nhiên đó là chơn.
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn: Lớn lên chút nữa, ... ... .... Tự nhiên ta không thấy ổng nuôi nấng ẵm bồng và nhiều khi không ngó tới mà ta vẫn biết ổng là cha, ta cũng trọng cũng thương yêu tự nhiên đó là chơn.
(*2) Nơi đoạn thứ 16: Cao hơn nữa ta thấy trên mặt Ðịa Cầu nầy, ... ... .... Nếu trong gia đình nào rủi ro con cháu hay họ hàng chết thì trong (trông?) thấy ai bi lạ lùng, một ông cha vì con chết có thể chết theo được, sự thảm khổ đó vô đối ...
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn: Cao hơn nữa ta thấy trên mặt Ðịa Cầu nầy, ... ... .... Nếu trong gia đình nào rủi ro con cháu hay họ hàng chết thì trông thấy ai bi lạ lùng, một ông cha vì con chết có thể chết theo được, sự thảm khổ đó vô đối ...
Cuối những đoạn có dấu (*): Ðể cho người đọc được dể dàng, chúng tôi xin mạn phép phân đoạn tại những nơi có dấu (*). Nguyên bản chánh không có phân đoạn tại những nơi ấy. Kính cáo.
Q. 2/43: HUẤN TỪ LỄ MÃN KHÓA HẠNH ĐƯỜNG.
Ngày 12 tháng 7 năm Mậu Tý (1948)

Ðáp từ hai bài diễn văn của hai vị Lễ Sanh Tân Phong Phạm Hải Tống, Ðinh Công Cự.

Qua lấy làm hân hạnh thấy được tinh thần tấn hóa của toàn thể mấy em, mấy con tưởng chừng không chi thỏa mãn hơn. Từ 23 năm Ðạo mà Qua trông cậy hơn hết, là thấy mấy em tấn hóa về đạo đức tinh thần thì không có mùi vị nào ngon hơn tưởng như mình đương thèm thuồng món ăn, dầu rau dầu củ mà khi thèm ăn cũng ngon lành mà chớ.

Qua thèm cái món ăn mà mấy em vừa cho Qua ăn đó, vì Qua nghe nó ngon làm sao, Qua để lời khen hai em đó. Ngoài ra Qua xin giải nghĩa cho mấy em biết phận sự của mình rồi mới hiểu được phận sự của chúng Qua tức là của toàn Thánh Thể Ðức Chí Tôn, có vậy mới phân định được nhiệm vụ trọng yếu tương lai như thế nào, các cơ quan đương nhiên cố tâm giáo hóa mấy em, mấy con, là một điều trọng yếu hơn hết, không làm điều ấy không đặng, tại sao không làm không đặng? Là tại không lẽ đại nghiệp của Thánh Thể Ðức Chí Tôn, tức toàn Hội Thánh từ thử đến giờ, mà mấy anh của Qua kế tiếp, mấy Qua đã biết bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt, đã chịu bao nhiêu khổ não xác thịt lẫn tinh thần, chỉ mong ước có một điều là đại nghiệp thiêng liêng nầy được tồn tại, cả thảy đều biết rằng: Không có ai lột da mà sống đời, trước qua thì sau tới kế nghiệp đặng trường tồn, ngày nay phận sự của mấy Qua dìu dắt mấy em, mấy con, đó là cả đại nghiệp tinh thần, mà trước khi giao, phải lựa, phải chọn, cho có người xứng phận bảo thủ vững vàng đại nghiệp đó mới phải.

Ngày nay đứng trước mấy em, Qua lấy làm đau lòng mà nói, biết nói ra mấy em sẽ ngán mà sự thật buộc lòng phải nói. Ðạo chưa đủ gì hết, mười phần Ðạo kể cả hữu hình hay Thiêng Liêng, về mặt vật chất hay mặt tinh thần, chúng ta đi chưa được hai phần mười, sự thật là vậy.

Ngày kia tới phiên mấy em, cầm vận mạng của Ðạo, cầm quyền hành của Ðạo, chừng đó mấy em sẽ thấy rõ, càng ngày càng tấn triển mãi, nền Ðạo của chúng ta có phận sự khó khăn hơn hết là, đảm nhiệm đứng ra dung hòa tâm lý tín ngưỡng của nhơn loại. Phải đối phó với các Tôn giáo hiện hữu trên mặt địa cầu. Thiên hạ ai cũng phải nhìn nhận, ai cũng biết rõ rằng các Tôn giáo ngày nay, đã lầm lạc, đã thất chơn truyền, tinh thần nhơn chủng đương tìm kiếm một mãnh lực tinh thần nào chan chứa tâm đức có thể làm cho mình thỏa mãn, ngày giờ nầy họ đương tiềm tàng, họ vẫn còn thiếu, vẫn còn khao khát, họ đói kém tinh thần, họ còn đói kém tín ngưỡng. Ta thấy Ðức Chí Tôn đến tạo Ðạo Cao Ðài tại mặt thế này, Ngài mới lập Hội Thánh, đặng làm Thánh Thể của Ngài. Bởi Ngài muốn chung sống với con cái của Ngài, câu ấy giá trị như thế nào, mấy em rán tìm hiểu, ngày nay dầu phẩm nào, dầu một vị chí Phật, như Phật Thích Ca kia nữa, đến lập giáo, đáng lẽ Ðạo Phật vững chắc lắm vậy, đặng làm tâm lý nền móng cho toàn nhơn loại, Qua dám nói rõ rằng, kể các Tôn Giáo không Tôn Giáo nào chơn chánh bằng Ðạo Phật, mà Phật Giáo còn mất năng lực cứu thế độ nhân, chỉ có ở Á Ðông đây, còn phía Âu Châu thiên hạ đương tiềm tàng quan sát triết lý cứu khổ, Qua nói thiệt đạo đức tinh thần của các Tôn Giáo chưa làm thỏa mãn tâm lý của loài người, họ còn đương thèm thuồng khao khát.

Ta thử hỏi Chí Tôn Ngài muốn chính mình Ngài đến với con cái của Ngài, là ý tứ gì vậy? Ngài đến như là phương pháp chót, hơn thua gì cũng tự ở nơi Ngài mà thôi.

Ngài nói: Thầy quyết đến với các con, nếu các con lập Ðạo không thành thì chính mình Thầy phải tái kiếp, họa may chăng, một mình Thầy mới đủ quyền năng làm tinh thần loài người, chỉ đặng an ủi và thỏa mãn, Thần cũng có, Thánh cũng có, Tiên cũng có, mà Phật cũng có. Ngài đã sai đi đủ hết, nhưng tinh thần nhơn loại vẫn còn đớn đau khao khát, lòng hoài vọng cho nên mới đến giai đoạn nầy.

Ðồ đệ của ông là Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Ngọc Hư Cung đã cầu khẩn xin Người đừng giáng thế, nếu như Người không đến, ta thử hỏi có ai lập Ðạo nên đặng cho đời chăng? Chí Tôn đã nói: Nếu các con lập không thành thì Thầy phải giáng thế. Ðã can ổng thì mình phải làm cho được, xét ra các phần tử của mấy em ở trong Thánh Thể là ổng vậy, mấy anh thay thế hình ảnh Ðức Chí Tôn trong phần tử của ổng định, biết đâu khi ta đã cầu khẩn ngăn cản tái kiếp của Chí Tôn mà ta không hay biết nên phải đứng vào Thánh Thể của Ngài.

Qua nói đây không chừng phạm thượng, Qua muốn tạo mấy em thành ông Trời ở mặt thế nầy, nếu mấy em thành ông Trời được, đó là điều sở vọng đệ nhứt của Qua hơn hết, sợ bí mật đó không nên nói là mấy em có thể làm Trời được. Phải làm được Qua biết chắc làm được, buổi nầy không làm được thì sau nầy cũng sẽ làm được, ngày giờ nào Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến cõi trần thay thế cho hình ảnh Ðức Chí Tôn, họ đến với Thánh tâm toàn vẹn thì chừng ấy sẽ quả quyết làm được.

Chúng ta đây bất quá là kẻ mở đường lối mà thôi, chớ không phải là vai tuồng chánh. Chánh vai là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến ngày giờ định họ sẽ đến, biết đâu họ không có mặt trong mấy em, Qua không biết em nào, song Qua biết rằng đã có, vì trước đã có, thì sau cũng phải có, Qua đây không biết mà mấy em cũng không biết, chỉ tới thời buổi Chí Tôn phân định thì chư vị đó sẽ hiện ra, chúng ta không thấu đáo được Thánh ý của Ðức Chí Tôn, cũng không rõ nguyên căn của ai được, nhưng biết rằng, bổn phận phải đào tạo mãi cho thành Thánh Thể của Ðức Chí Tôn, tức là tạo ông Trời tại thế nầy cho ra tướng, nếu không có ông Trời tại thế gian nầy chúng ta sẽ khổ não, thế gian sẽ bị tiêu diệt, vì con đường tấn hóa về vật hình sẽ xô đẩy nhơn loại đi đến đâu chưa biết, mặt địa cầu nầy nhơn loại sẽ mất bảy hay tám phần mười, nếu Ðạo không thành Chơn giáo.

Qua vừa thuyết minh cho mấy em biết trách vụ thiêng liêng trọng hệ hơn hết chẳng phải Qua mà thôi, cả mấy em cũng bị lời hăm he của Ðức Chí Tôn, luôn cả đoàn hậu tấn của chúng ta nữa, đời đời không cùng, đàn Anh của mấy Qua, đến mấy Qua đây rồi đến mấy em, nếu đứa nào trong Thánh Thể của Ðức Chí Tôn thất phận thì Ổng sẽ đến, mà hễ Ổng đến kẻ nào đương cầm quyền không đủ năng lực, mà buộc Ổng phải đến đó, kẻ ấy bị hành phạt, từ xưa đến nay không một đấng chơn hồn nào không ghê sợ.

Vậy chúng ta phải biết điều nên lẽ hư, làm thế nào cho Thánh Thể Ðức Chí Tôn đặng gần con cái của Ngài, con đường đó mấy Anh của Qua đã đi, Qua đương đi và mấy em sẽ đi, ngày giờ nào mấy em tìm phương thế bảo trọng cầm vững vận mạng của Ðạo tức là làm thỏa mãn sở vọng của Chí Tôn đó vậy; điều đó mấy em phải tự lập mình mỗi ngày, tự hỏi mình, đảm đương nhiệm vụ đặng chăng, và mãi cố gắng trau mình cho nên phận, Qua tưởng muốn thì phải được, rán hết sức mình ắt làm đặng, vì ta quyết đoán rằng có Chí Tôn giúp ta thành tựu.

Phương ngôn Pháp có câu "Aide-toi le ciel t'aidera" và Tiên Nho chúng ta nói "Tận nhơn lực tri thiên mạng" điều nầy hiển nhiên chơn thật lạ lùng chúng ta rán cố gắng hết sức mình thì Chí Tôn mới ban cho cái huyền linh của Ngài, nếu không rán không thế gì hưởng được, mấy em nhận biết điều ấy, chúng ta do Chí Tôn kêu gọi đặng gầy dựng, ta phải cố gắng, vì lẽ không thăng tức ta phải đọa. Mấy em nhớ, Ðạo của mấy em chúng Qua đã tạo dựng cho mấy em đặng ngày kia mấy em tiếp theo Chơn Truyền Luật Pháp thay thế cho mấy Qua đặng truyền nghiệp cho hậu tấn.

Pháp nói "Chaque soldat a un bâton de maréchal dans son sacoche", nghĩa là: Mỗi tên lính đều có cây giản của ông Thống Chế trong bị của họ, Qua nói rằng: Mỗi vị Tín đồ đều có cái mão của Giáo Tông và Hộ Pháp đội trước trên đầu, không lấy được là lỗi tại mấy em, chẳng lẽ có một người mà người đó chết rồi là diệt tiêu nền Ðạo.

Ngày kia không có gì vui hứng cho Qua hơn, khi thấy xuất hiện trong mấy em, khi Qua đã già vô tịnh thất an dưỡng tinh thần, mà thấy đặng mấy em ở dưới bước lên ngồi địa vị cao trọng của Ðạo, nếu Qua được hưởng hạnh phúc thấy như vậy thì vui sướng của Qua vô cùng tận.

Phụ ghi:
Lịch Việt Nam. Ấn bản 1-3. Nguyễn Duy Thức biên sọan, Holly Ngô cập nhật dựa theo công thức của Fung F. Lee và Ricky Yeung. Hội Chuyên Gia Việt Nam 1995-1996: Ngày âl. 12-07-Mậu Tý nhằm ngày (dl. 16-08-1948).
Q. 2/44: CHA MẸ PHẢI NÊU GƯƠNG TỐT CHO CON NOI THEO.
Tại Trí Giác Cung, ngày 17 tháng 7 Mậu Tý (1948)

Sắp nhỏ là tương lai đất nước chúng nó tốt xấu nên hư đều do nơi mấy bà mẹ đào tạo. Bài giảng hồi hôm qua đã nói rõ rằng: Ðảm nhiệm sự giáo hóa tương lai tinh thần tâm lý là phần mấy em, lớn nhỏ cũng vậy, còn sắp con gái phải chăm nom giữ nề nếp. Qua muốn đứa nào cũng có đôi bạn chồng vợ tử tế rồi sanh con cho nhiều, phải biết dạy dỗ đặng tạo đời nên hay hư tương lai của nòi giống chủng tộc là "do mấy bà mẹ".

Trẻ con sơ sanh bắt chước cha mẹ nhiều hơn hết, gia đình nào mà không tôn trọng nhau, gây gổ bất hòa khi rẻ nhau là gương xấu cho con đó, ở đây chúng ta chịu khổ thì thái bình thầy trò còn chung sống cùng nhau hợp quần với nhau, sự khổ nào cũng chia xẻ ra thành bớt đi, còn ngoài đời họ sống hiu quạnh cô độc họ còn khổ nhiều nữa, xem như giống vật đừng nói chi hơn cái bọn kiến nhọt kết bè lại, con vật khác vô đó còn phải chạy thay, huống hồ chi phải giống người, nếu biết kết bè lại mà sống, anh ngã em đỡ, em té anh nâng, thân cô độc giữa đời kia nó còn thê thảm lắm lắm.

Mấy em than nghèo, mấy em chưa ăn củ súng, củ nầng mới ăn khoai thôi, các em ở đây nhờ quân đội bảo vệ sống yên ổn rán làm đặng nuôi nhau cần nhứt là khéo sắp đặt.

Mấy em ở đây yên phận đó là hạnh phúc nhiều rồi, còn nơi khác trải hai năm qua họ sống trong sợ sệt kinh khủng nhiều nữa.

Q. 2/45: LỄ KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ PHẬT MẪU TẠI TRƯỜNG QUI THIỆN.
Ngày 16 và 17 tháng 7 năm Mậu Tý (1948)

Ðức Hộ Pháp vào Ðền Thờ làm lễ Phật Mẫu Linh Vị Chư Thánh Bạch Vân và Cửu Vị Nữ Phật xong lên lầu triều bái Ðức Chí Tôn, xem lầu chuông và lầu trống. Ðức Ngài trở ra, cả đoàn rước đến Hộ Pháp Tịnh Ðường nghỉ ngơi, trước mặt Bàn Cai Quản Trường Qui Thiện và Chư Vị cầm quyền Hội Thánh Phước Thiện.

Ðức Ngài nói: Cơ quan nầy thuộc về Phước Thiện, nhưng đào tạo ra đây riêng biệt cho những người Phạm Môn ngày trước. Bởi muốn giữ cho trọn vẹn đường tu trong lúc loạn động mà không căn bản, cơ Thảo Ðường lập không xong, nên khiến cho Trứ về đây đặng tiếp tục lập cho thành.

Nguyên gốc của nó tại Phú Mỹ hồi lập Trường Qui Thiện tâm thần của Ðạo bị Anh Ðốc Phủ Ca làm cho náo động loạn thần không biết được con đường phải đi, nhứt là tội nghiệp cho Nữ Phái cần độ rỗi họ trở lại, cho nên Trường Qui Thiện, cốt yếu qui tựu cả Nữ Phái lại đặng gìn giữ nguyên bổn chơn truyền của mình.

Rồi cùng nhau vô Thảo Ðường lập căn cứ nữa mà không xong, vì Hội Thánh Phước Thiện rút về Tòa Thánh kế Bần Ðạo bị đồ lưu, đến khi trở về đây qui tựu trở lại cũng chưa được, Trường Qui Thiện ngày nay tồn tại là chịu ơn của Hội Thánh và Quân Ðội rất nhiều.

Ở nhà trong thời kỳ Nhật Bổn, Trứ đã có làm rối không tùng ai hết, kế nhà đương quyền Quan Sứ Pháp viết giấy hỏi vậy Qui Thiện có phải của Ðạo hay không, mà chứa chấp Việt Minh và họ nhứt định đốt: Sự thật cũng có chứa bọn ấy mà vụ nầy phát giác là do nhơn viên dọ thám biết rõ mà điềm chỉ, chừng Bần Ðạo gởi thơ trả lời Trường Qui Thiện của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dưới quyền chỉ huy của Bần Ðạo, họ mới buông tha cho khỏi tàn phá, tới sau nữa, Bần Ðạo biểu Ðại Tá Phương chiết ra một Bộ Ðội gìn giữ.

Bần Ðạo nói nhờ Hội Thánh nhờ Quân Ðội là vậy, vì trước khi Bần Ðạo về, nhà binh Pháp cũng có hỏi Hội Thánh nhìn nhận Trường nầy là của Ðạo, nên mới còn đến ngày nay vậy. Thánh Thể Ðức Chí Tôn duy có một không hai, nếu chia rẽ là tức nhiên Tả Ðạo Bàn Môn, mà Tả Ðạo do trước mắt xem thấy, biết bao nhiêu họ chia rẽ ra, hỏi ngày nay làm nên trò gì đâu? Họ chia rẽ họ sẽ chết, không chết cũng tiêu hủy.

Hội Thánh duy có một, dầu biến ra trăm hình, ngàn trạng cũng huờn lại chỉ có một chủ quyền là Thánh Thể Ðức Chí Tôn đó thôi, hễ tâm ý muốn tạo ra đây đặng phân chia sẽ tiêu diệt nghe không, ngọn lửa hai lần muốn tiêu hủy Trường Qui Thiện là do nguyên căn Trứ muốn chia rẽ, cái hại ấy cho tinh thần của Trứ đây, không phải Qua nói: Thánh Màng về nói những điều em dự định làm, những ý nghĩ em dự định thực hành.(*1)

Trứ, Qua hiểu em hơn hết, thầy em hiểu em mà, không lẽ Phối Thánh Màng cáo gian cho em, nó nói hết công chuyện với Qua, ở nhà em đã làm gì, và còn muốn làm gì nữa, tôi dặn một lần nữa vì Ðạo của Chí Tôn có một, ai muốn phân chia lực lượng của Ngài sẽ tiêu diệt mà thôi, chẳng những tiêu diệt còn phải xuống Phong Ðô đền tội nữa. Ðạo biến ra trăm hình ngàn tướng vẫn dưới một chủ quyền của Chí Tôn.

Vậy Trường Qui Thiện đặt dưới quyền Hội Thánh Phước Thiện, Trứ từ đây lãnh trách nhậm chức Ðốc Trường, không gọi là Chủ Trường, trường nầy Bàn Cai Quản làm đầu, Bàn Cai Quản là Chủ Trường, tất cả tùng dưới quyền Hội Thánh Phước Thiện chưa hề rời Hội Thánh Cửu Trùng Ðài vậy.

Thật ra quyền Hội Thánh Phước Thiện về Hiệp Thiên Ðài Pháp Chánh gìn giữ chơn truyền, Phước Thiện lo giáo hóa nhơn sanh, còn Cửu Trùng Ðài có Hành Chánh giữ tài sản của Ðạo. Vậy Phước Thiện, Trường Qui Thiện nầy duy để lo giáo hóa chúng sanh làm ra của mà thôi, chẳng đặng thâu của cải một ai hết, làm ra bấy nhiêu dùng bấy nhiêu, kỳ dư có ai thật hảo tâm hỷ cúng mới thâu vào sở của Trường, rồi phải phúc sự cho Hội Thánh Phước Thiện hay biết liền. Từ đây về sau sở phí huê lợi gì của Trường Qui Thiện cũng phải chạy tờ phúc cho Hội Thánh biết rõ, sổ bộ của trường tuy riêng biệt, nhưng phải do Hội Thánh cầm.

Tôi lập lại cấm đi tới xin thiên hạ, làm được thì làm, không thì thôi nghe chưa, ngày kia Qua về nhà Tịnh rồi, Qua cũng lập ra cơ quan Tịnh Thất cho Nam, Nữ mà lập rồi cũng để dưới quyền Hội Thánh. Mấy em thấy từ thử thầy mấy em làm nô lệ cho Ðạo, tạo ra bao nhiêu của cải, mà vẫn cúi đầu trước Hội Thánh, bởi quyền Hội Thánh là quyền thiêng liêng của Chí Tôn để tại mặt thế, nếu phân chia thì bị tiêu diệt, mà còn bị Phong Ðô dòm ngó nữa.

Lập lại lần nữa cả thảy phải nhớ đa nghe, Trứ lần nầy là lần chót. Qua nói với em, em không nghe thì chịu lấy trước mặt Bàn Cai Quản, trước mặt Hội Thánh Phước Thiện làm chứng. Từ đây kêu là Ðốc Trường, không phải là Chủ Trường nữa, tức là Ðốc Học Trường của mấy em đây, chúng ta làm đổ mồ hôi nước mắt mới tồn tại đặng đây.

Em trung thành với Qua, em thương Qua thế nào Qua biết lắm, nhưng đầu óc em dị hợm lắm. Qua đây còn phục Hội Thánh mà em chống thì tiêu hủy đa. Trứ nói: Bạch Thầy khi Thầy về con có làm tờ thú tội với Thầy rằng: Con không tùng Hội Thánh Saigon vì lòng con nghi ngờ đó thôi.

Tại sao em nghi ngờ sự chơn giả, Qua biết rằng trong mười phần giả đó cũng có hai phần thiệt, dầu trong đám đó đều là kẻ lạ hết mà có một vị Giáo Hữu hay là Giáo Sư trong đó, Qua không dám nói là giả nữa. Thảng như họ làm không nên thì vị Giáo Sư hay là Giáo Hữu đó sẽ chịu tội trước Tòa Tam Giáo Bát Quái Ðài.

Em nên nhớ đây không ai đầu cáo em đâu, Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện cũng vậy, người đầu cáo em là Phối Thánh Màng.

Chúng em biết tại sao lập cơ quan ở Saigon không? Là vì Qua bị Pháp bắt, nên họ đòi Thầy họ về, cái khối oán dẫy đầy kêu gọi toàn thể đứng dậy đó, mà làm chứng rằng họ làm có kết quả đó vậy. Trứ bạch Thầy: Vì Thầy ở bển có một mình, còn bên nây làm sợ có hại cho Thầy chăng? Nên con không tán thành.

Nếu vậy em không biết quyền của Chí Tôn ra thế nào sao? Qua biết chúng bắt mà ngồi đây cho nó bắt, nếu quả có sự gì hại đừng tu.

Bàn Cai Quản ra mời Hội Thánh Cửu Trùng Ðài vào đây. (Hội Thánh Cửu Trùng Ðài vào). Thưa cùng chư vị Chức Sắc Cửu Trùng Ðài, Trường Qui Thiện của Hiệp Thiên Ðài ngày nay đã hoàn thành, đặng có nơi phụ nữ tu chơn, và đặt dưới quyền Hội Thánh Phước Thiện, những gì nơi Trường Qui Thiện, Hội Thánh đã có nhiều công giúp đỡ bảo bọc nên Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài trình cho Hội Thánh Cửu Trùng Ðài được biết về chánh quy của Ðạo, cơ quan nầy không phải tư riêng phải tùng y luật lệ của Hội Thánh Cửu Trùng, Hiệp Thiên. Thảng ngày kia nó đi ngoài chơn truyền Pháp Chánh thì hai Ðài có quyền giải tán.

Ngày nay tôi trình nó ra mặt công khai của Ðạo thuộc Hiệp Thiên Ðài Chưởng Quản, thảng ngày kia có phạm pháp luật hoặc chẳng noi theo chơn truyền của Ðại Ðạo tự lập tôn chỉ khác, chúng ta có quyền giải tán.

Ðức Hộ Pháp dứt lời thì nhạc trổi và Ðồng nhi ca mừng ơn Ðức Ngài, trong lúc ấy Bàn Cai Quản và Ðạo sở vào lạy mừng. Ngài nói: Các em biết các em lạy Qua, Qua nguyện làm sao không? Qua nguyện với Ðức Chí Tôn rằng: Các em con, chúng nó lạy đó là lạy Thầy chớ không phải lạy con, Thầy ban ơn cho chúng nó.

Phụ ghi:
(*1) Nơi đoạn thứ 7: Hội Thánh duy có một, ... ... ... ngọn lửa hai lần muốn tiêu hủy Trường Qui Thiện là do nguyên căn Trứ muốn chia rẽ, cái hại ấy cho tinh thần của Trứ đây, không phải Qua nói: Thánh Màng về nói những điều em dự định làm, những ý nghĩ em dự định thực hành.
Chúng tôi xin đề nghị cho rõ nghĩa hơn:
■ Hội Thánh duy có một, ... ... ... ngọn lửa hai lần muốn tiêu hủy Trường Qui Thiện là do nguyên căn Trứ muốn chia rẽ, cái hại ấy cho tinh thần của Trứ đây, không phải. Qua nói: Thánh Màng về nói những điều em dự định làm, những ý nghĩ em dự định thực hành.
Hay là:
■ Hội Thánh duy có một, ... ... ... ngọn lửa hai lần muốn tiêu hủy Trường Qui Thiện là do nguyên căn Trứ muốn chia rẽ, cái hại ấy cho tinh thần của Trứ đây, không phải Qua nói, Thánh Màng về nói những điều em dự định làm, những ý nghĩ em dự định thực hành.
Q. 2/46: LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ.
Tại Cửu Long Ðài, hồi 4 giờ ngày rằm tháng 8 Mậu Tý (1948)

Cũng như mọi năm, chúng ta làm lễ Ðức Phật Mẫu Diêu Trì tưởng khi cả thảy trong Ðạo ngó thấy Bần Ðạo mặc Tiểu Phục đứng trước Cửu Long Ðài đều lấy làm lạ.

Thưa cùng cả thảy các bạn đồng sanh, trước mặt Phật Mẫu, Bần Ðạo thường nói: Người chỉ biết con cái của Người mà thôi, không phân đẳng cấp chẳng luận sang hèn.

Thưa cùng các bạn nam nữ, chúng ta ở giữa trường đời nầy, chịu thống khổ tâm hồn mọi nỗi, nhà Phật gọi cảnh trần nầy là khổ hải. Chúng ta ngó thấy hiện tượng trước mắt nhiều lẽ bất công, kiếp sống chúng ta sanh ra trong xã hội nhơn quần nầy, ta thấy cái tương quan nó làm cho chúng ta nhiều nỗi khổ não, buồn thảm hơn là ngày vui của hạnh phúc. Bần Ðạo cũng như các bạn thấy lẽ bất công, tinh thần ta chịu thống khổ nhau như nào phân biệt sang hèn đẳng cấp. Chúng ta đã thấy trường đời tranh đấu nhau, sang hiếp hèn, giàu hiếp nghèo, mạnh hiếp yếu, trí hiếp ngu, đã quên hết tình bạn đồng sanh, tức nhiên chúng ta đứng giữa trần hoàn nầy đồng chịu thảm khổ như nhau. Ta thường hỏi: Chúng ta có phương gì tìm mưu chước đặng an ủi tâm hồn ta chăng? Dầu cho mảnh hình thể cũng thế, mà tâm hồn cũng thế, chúng ta quá chịu thống khổ rồi. Ta tìm phương an ủi tâm hồn, ta không thể tìm được nơi bạn đồng sanh, chúng ta phải tìm một nơi an ủi thiêng liêng cho tâm hồn chúng ta chăng? Chỉ khác hơn là chúng ta về trong lòng của bà mẹ sinh sản thi hài và chơn thần chúng ta.

Các bạn có biết Phật Mẫu là ai? Ngài dùng bảy ngươn khí tạo chơn thần ta, tức nhiên tạo phách ta. Nhà Phật gọi là thất phách. Kỳ thật khí phách ấy làm chơn thần, tức là nhị xác thân chúng ta, khi chúng ta bỏ xác trần, xác Thiêng Liêng ấy vẫn còn tồn tại. Hình hài thay đổi đặng, văn hóa của ta mỗi kiếp mỗi tăng thêm, nhà Phật có nói: Nó có thể tấn tới hoặc trở lại hay đứng chừng mà thôi. Mỗi linh hồn đều mơ ước tấn tới mãi, tới đạt địa vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nếu ngày nào ta tận thiện, tận mỹ và linh hồn ta có thể đạt vị đặng thì Phật Mẫu đủ quyền năng binh vực con cái của Người nơi cõi Hư Linh vậy.

Ấy vậy chúng ta có thể gởi tâm hồn dầu ở mặt thế, khi chúng ta quá vãng trở về nơi ấy, chúng ta chỉ sống đặng làm phận sự làm người, mà làm người chẳng phải dễ nữa. Nhưng chúng ta biết quyền năng vô hình định hồn cao cả, có thể cầm mực thước công bình không hề sai chạy được là Ðại Từ Phụ.

Bây giờ chúng ta thống khổ tâm hồn, ta tìm nơi đâu an ủi? Không có nơi nào khác hơn là chúng ta về cùng bà Mẹ Thiêng Liêng chúng ta.

Thưa cùng các bạn đồng sanh, sang hèn, giàu có thế nào cũng mặc. Người chỉ biết con cái của Người mà thôi. Dầu cho vạn vật, hễ đồng sanh với một Bà Mẹ Thiêng Liêng vẫn được coi đồng một mực. Bởi vì tình thương của Bà Mẹ chẳng có thế gì phân biệt thương ghét, trọng khinh. Ấy vậy Ðức Phật Mẫu là một Ðấng đem công bình tâm lý an ủi con cái của Người. Người nói: Những điều bất công trước mắt con, vẫn là kiếp sanh ngắn ngủi mà thôi. Mà chỉ trước mắt Mẹ mới đủ quyền đem sự công chánh khi họ bị áp bức. Duy có Mẹ giữ tâm công chánh vì lòng Mẹ thương yêu mà thôi.

Ấy vậy, một Ðấng gieo mảnh tâm lý nhơn sanh lấy luật thương yêu làm căn bản. Nếu thảng có bạn đồng sanh biết thương yêu con cái của Người vậy, thì những điều bất công trước mắt chúng ta, và chúng ta biết lòng thương yêu vô tận đối với các chủng tộc, các sanh mạng của con cái Người ấy là chúng ta trọn đạo. Sức hợp tinh thần tự an ủi lấy để được an vui, chịu cho đoạt khổ, rồi chúng ta chia khổ với nhơn loại, cầm quyền thế tài tình để rải truyền thêm ra nữa, cho cả thảy chủng tộc biết thương yêu nhau như một nòi giống. Ðem tình thương yêu ấy gieo truyền khắp dân tộc trên mặt địa cầu nầy, tôi tưởng sự bất công chúng ta ngó thấy giữa xã hội nhơn quần nầy tự nhiên sẽ tiêu diệt, ấy là tinh thần diệt trừ hung ác bạo tàn của đời đó vậy.

Q. 2/47: LỄ TRUNG THU.
Tại Ðền Thánh, đêm rằm tháng 8 năm Mậu Tý (1948)

Kỳ nầy chúng ta đình bộ trên con đường dục tấn của chúng ta, là con đường Thiêng Liêng Hằng Sống tại Cửu Thiên Khai Hóa, kỳ tới Bần Ðạo giảng tiếp.

Nhân dịp ngày nay nhằm Lễ Trung Thu tức là Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một cuộc lễ trọng yếu trong nền Tôn Giáo của Ðức Chí Tôn, Bần Ðạo lấy triết lý vì cớ nào ngày nay Ðức Phật Mẫu đến cùng chúng ta. Trong triết lý ấy do nguyên nhân của nó là phép an ninh trật tự đối với cơ Tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ.

Phải chăng chúng ta thường muốn định khảo cứu một triết lý chi thật cao siêu, chúng ta có một phương pháp hay ho hơn hết là chúng ta tìm từ cái nhỏ thấu đáo đến cái lớn.

Trong phép an ninh trật tự đối với Tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ không ngoài khuôn khổ gia đình, chúng ta quan sát hình tướng phép an ninh trật tự đối với cơ Tạo đoan trong gia đình thế nào thì cơ Tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ cũng ở trong khuôn khổ ấy mà thôi.

Chúng ta ngày nay thấy gì? Chúng ta ngó thấy cha mẹ chúng ta trước hết sanh ta ra, chẳng phải một mình chúng ta, thấy xung quanh hoặc anh em đồng sanh hay là anh em trong thân tộc của chúng ta. Trong buổi sơ sanh, chúng ta còn niên thiếu, còn ngu khờ, chúng ta chưa biết an ninh trật tự. Chúng ta quan sát dầu anh em một nhà, đứa út còn bú chưa biết tôn sùng anh cả thế nào, nó chỉ biết mầy tao, mi tớ với nhau mà thôi. Kỳ dư chúng ta biết chút đỉnh khôn ngoan, chúng ta biết lễ phép. Cha mẹ mới khởi sự dạy: Mầy là anh thứ mấy, mầy là chị thứ mấy, mầy thứ mấy trong gia đình. Sắp đặt có trật tự, thượng hạ phân minh. Nói cho cùng nữa nếu an ninh trật tự không có trong gia đình thượng hạ bất phân, tôi tưởng trong gia pháp loạn hàng thất thứ thì không thể nào bảo trọng nhau được. Nhờ khuôn viên của Tông Ðường để lại phải có trật tự an ninh ấy sản xuất khi chúng ta đã đạt khôn ngoan, bằng chẳng vậy thì một gia đình vĩ đại hay một quốc gia nào không định quyết an ninh thì có tạo nghiệp bao nhiêu cũng nghiêng đổ mà thôi.

Vì cớ chúng ta ngó thấy nhơn loại đạt đến địa vị nầy là tinh thần đã đi đến một địa điểm quá cao rồi, họ thường tưởng có trật tự an ninh, nhưng đương nhiên bây giờ toàn thể các sắc dân trong hoàn cầu không còn quyền năng nào nắm giữ tư tưởng họ được nữa. Họ tưởng họ chắc làm vậy được không? Họ chẳng qua khuôn viên luật pháp bao giờ. Dầu cho họ có muốn nghiêng đổ thế nào thì các quốc gia có quyền vi chủ định đoạt chẳng hề khi nào hủy diệt nó đặng. Họ đem các lý thuyết tra vào là đả đảo giai cấp đủ thứ hết, tranh nhau đồng sống. Bao nhiêu tấn tuồng ấy vẫn chưa ra khỏi khuôn luật an ninh trật tự.

Hỏi cả một nước cường liệt đứng ra đề xướng tiêu hủy giai cấp, nước ấy có an ninh trật tự chăng? Không mà, không có an ninh trật tự thì tức nhiên không có chánh quyền nắm trong tay nghĩa là không có nền chánh trị.

Chúng ta thấy họ không thế gì đánh đổ được, bởi họ đánh đổ Chánh Phủ bao nhiêu thì trong nước lại càng loạn lạc và tiêu diệt với nhau mà thôi. Chúng ta ngó thấy cái nhỏ, chúng ta tưởng tượng cái lớn là Càn Khôn Vũ Trụ.Về mặt tinh thần cũng vậy, khuôn luật an ninh trật tự vẫn phải được tôn trọng. Nếu khuôn luật ấy bị đả đảo, tiêu hủy thì địa cầu nầy đụng với địa cầu kia, mặt trời nầy đụng với mặt trời kia, thì cả Càn Khôn Vũ Trụ nầy hư hoại hết.

Hình thể trên mặt thế gian, nếu không có trật tự an ninh, nếu có loài khỉ nào tương đương với loài người thì dám chắc loài người chưa thắng được. Ðối với một sắc dân nào còn lạc hậu thì không khi nào định quyền năng được, để tự trong tâm lý họ biến ra mà thôi, họ phấn đấu tương tàn tiêu diệt với nhau mà chớ. Ðó là về hình thể.

Chúng ta thấy Ðức Chí Tôn đến, trước hết Ngài mở ra cơ bút dạy bằng Thánh Giáo, khi Ngài chưa đến thì đã có Phật Mẫu đến với chúng ta lập thành khuôn khổ một mực, dầu cho cơ quan nào "dĩ tiểu vi đại" cũng vậy. Bà mẹ phàm chúng ta sản xuất nuôi dưỡng ta thế nào thì Phật Mẫu cũng thế ấy, bà mẹ chẳng bao giờ muốn đứa con kia xưng mình có quyền định cho mẹ và người mẹ cũng không muốn một ông cha nào mà buộc con mình phải chiều lòn theo như ý ổng buộc phải có. Nhiều khi chúng ta thấy một đứa con trong gia đình kia, nếu người anh cả vinh quang phú quí, quyền tước cao sang về tới nhà lại hiếp đáp đàn em buộc phải tôn sùng, thì bà mẹ chẳng hề vui lòng bao giờ. Bà cũng chỉ biết đó là một đứa con của bà mà thôi, ngoài ra bà không biết gì khác hơn nữa.

Buộc trong gia đình có đẳng cấp, có lớn, có nhỏ, mà thôi, chớ bà chẳng hề khi nào chịu cho ai áp bức con cái.

Trong cửa Ðạo Cao Ðài có hai Ðền Thờ: Một Ðền Thờ, ta ngó thấy trật tự hàng ngũ, bởi từ nguyên căn tâm hồn của chơn linh chúng ta đều có trong hàng phẩm Cửu Thiên Khai Hóa cả. Quí phái như thế! Còn một Ðền Thờ nữa, thờ Phật Mẫu tức là Mẹ của chúng ta, thì cái quí phái của chúng ta không còn giá trị gì nữa. Ðến Phật Mẫu không muốn cả Chức Sắc Thiên Phong đi đến Ðền Thờ của Người và Người nhứt định không chịu điều ấy, vậy phẩm tước và giai cấp đối với Phật Mẫu không có giá trị, vì Phật Mẫu không muốn đứa nào áp bức đứa nào cả, hành tàng như vậy bị tiêu diệt.

Ðó khuôn khổ bình đẳng của Cộng Sản, thiên hạ muốn bắt chước Cộng Sản mà Cộng Sản nào được như nơi cửa Ðạo Cao Ðài. Trong cửa Ðạo Cao Ðài khác hơn là các cơ quan tương đương với nhau mà ta thấy, dù ai muốn tìm con đường đi nào, trong cửa Ðạo Cao Ðài nầy đều có, chúng ta duy biết tuyển chọn quyết định con đường phải đi mãi thôi.

Con đường sanh sống của chúng ta không bờ bến, không gì ngăn cản về tinh thần hoặc tự do của nó được. Trên cửa thiêng liêng Càn Khôn Thế Giới thế nào thì con đường tinh thần của con người cũng thế ấy, không thế nào đi cho cùng tận.
Q. 2/48: ĐỨC HỘ PHÁP ĐI SÀIGÒN VỀ NỀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM.
Tại Ðền Thánh, đêm mồng 9 tháng 7 năm Mậu Tý (1948)

Bần Ðạo để lời cám ơn toàn thể con cái của Ðức Chí Tôn.
Trong mấy ngày Bần Ðạo ra đi, toàn thể ở nhà đã để tâm cầu nguyện cùng Ðức Ðại Từ Phụ cho Bần Ðạo đi kỳ nầy đặng kết quả, mà kỳ nầy có điều trọng yếu hơn hết là ta đã đạt vọng đặng, vị Ðại diện nước Pháp là Quan Thượng Sứ Bollaert đứng giữa công chúng tuyên bố rằng: Nước Việt Nam độc lập.

Ngày giờ nầy Chánh Phủ Việt Nam đang hiệp trí lo thương thuyết đặng thiệt hiện vấn đề độc lập của nước Việt Nam. Chúng ta hãy suy nghĩ và xét lại coi hai mươi mấy năm trước, Chí Tôn đến truyền giáo mở nền Chơn Ðạo của Ngài có nghĩa lý gì? Ngày nay đạt vọng này có nghĩa lý gì? Mà cả nòi giống chúng ta phải chịu cảnh tương tàn tương sát lẫn nhau mới đạt vọng đặng? Ðã theo chơn Chí Tôn 23 năm có lẽ chúng ta tinh thần sáng suốt, minh mẫn hơn thiên hạ tìm hiểu đặng chớ? Có thể họ đã đưa trọn nền độc lập nơi tay nòi giống chúng ta, mà chúng ta phải để mắt coi cả nòi giống chúng ta còn nồi da xáo thịt còn đổ máu nữa không? Thảng như còn duy trì tấn tuồng ấy nữa là tại oan gia nghiệt chướng của nòi giống Việt Nam nầy vậy.

Hại thay! Cái nền độc lập mà ngày nay ta đạt vọng đó, nó lại kết liễu thành tựu trong tay của Ðạo mới là kỳ cho chớ! Toàn thể Quốc dân Việt Nam và nước Pháp đã tự hiểu rằng: Sự kết liễu thành tựu được chăng là chỉ do Ðạo Cao Ðài mà thôi. Nghĩ có một điều trong nhơn loại cái cảnh tranh quyền, tranh thế, các đảng phái tương tàn tương sát lẫn nhau, làm cho nòi giống đổ máu, nên họ giao quyền sở hữu lại cho mình để thí nghiệm coi mình có đủ tài năng, lực lượng cương quyết cầm độc lập hiện tại được chăng cho biết.

Cả con cái Chí Tôn nên lấy tương lai này làm một vấn đề trọng yếu đặng học, nếu con cái Chí Tôn ai đạt đặng huệ tánh chút đỉnh, định tâm kiếm hiểu thấu lý coi tại sao có tương tàn, tương sát đổ máu rồi mới đạt vọng được như vậy. Có chi lạ, Bần Ðạo xin giải rõ cho biết: Ðạo mở từ năm 1926. Hồi đó Cộng Sản có nghĩa lý gì trong nước. Ðức Chí Tôn cầm cơ đi khắp hết kêu gọi cả Quốc dân Việt Nam đi trong quyền lực của Ngài; nâng đỡ bảo trọng lấy quyền năng tinh thần của chủng tộc làm ngọn Huệ Kiếm đặng giải ách nô lệ cho Quốc dân Việt Nam. Mà Quốc dân Việt Nam đã trả lời với Ngài thế nào? Họ đối đãi rất lãnh đạm chớ chi nòi giống Việt Nam biết nghe lời của Ngài thì không có tai nạn ngày nay.

Hại thay! Chủ hướng của nòi giống Việt Nam trở lại xu hướng theo tinh thần tàn ác hơn là theo tinh thần đạo đức bảo sao không nảy sanh cảnh tương tàn đổ máu được.

Một đàng Cộng Sản, một đàng Cao Ðài cũng trong một nước. Ðáng lẽ nền độc lập của nước Việt Nam chúng ta đã đòi được hồi buổi đó rồi, mà phải ngưng hoãn đến ngày giờ nầy. Nòi giống đã bị trị, oan gia nghiệt chướng làm mê mẩn tinh thần thành ra ngu dốt tàn sát nhau, đổ máu vì nhau mà không tự biết! Bần Ðạo nói thiệt, Ðại Từ Phụ hồng oai mà cũng hồng từ, Ngài mở kỳ ân xá thứ ba nầy giao quyền Giáo Chủ cho Bần Ðạo phổ độ chúng sanh mà nếu chúng sanh còn tàn hại nhau nữa thì Bần Ðạo sẽ nói đáng kiếp! Rồi bỏ mà thôi, nhưng giờ buổi nầy chúng ta đã tỉnh mộng, đâu còn mê muội nữa, bây giờ người ta đã thử thách mình đáo để rồi, Bần Ðạo để mắt mà coi cả tài tình đảm nhiệm lịch sử 4.000 năm mỹ mãn, ngày hôm nay có thành tựu được không cho biết. Người ta bảo mình làm sao được thì làm đừng đổ thừa tại người ta cầm giữ. Nếu làm không thành tựu thì hay hơn phải tự vận cả nòi giống cho chết hết.
Q. 2/49: NHƠN TÌNH THẾ SỰ ĐỐI VỚI NHƠN TÌNH ĐẠO ĐỨC.
Tại Ðền Thánh, đêm 17 tháng 8 năm Mậu Tý (dl. 19-09-1948)

Hôm nay chúng ta đình dục tấn trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, ngày mai Bần Ðạo sẽ giảng tiếp. Ðêm nay Bần Ðạo giảng vấn đề trọng yếu nhất, cả toàn mấy em, mấy con Nam, Nữ hậu tấn của chúng Qua, mấy em biết định phận mấy em thế nào tạo tâm đức đặng ngày kia cầm giềng mối cho Ðạo.

Bần Ðạo đem nhơn tình thế sự để đối với nhơn tình đạo đức, hai điều mấy em sẽ thấy Qua để đó, trải qua trước mắt lấy trí thông minh của mấy em mà xét đoán nên hư đặng định quyết phận mình. Vả chăng chúng ta ngó thấy nhơn tình thế thái của con đường đời đã trải qua, dầu đặng lịch lãm nhơn tình, chúng ta ngó thấy nhơn tình thế nào? Nhiều khi nhơn tình lãnh đạm, mà dục tấn tinh thần chúng ta thêm lên, là cốt yếu về tâm tấn đó vậy. Nhiều khi tinh thần chúng ta ngó thấy không trọng hệ gì lắm, bất quá trong gia đình không sao, tình bè bạn cũng thế, tình hương lân trong xã hội cũng thế, hễ phải thì đối phải, còn quấy thì đối quấy. Thường tình như thế mà kẻ vĩ nhân nào có tinh thần hoạt bát tự chủ mình đặng, nhơn tình dù lãnh đạm hay bạc bẽo cứ giữ mực thước đặng đối phó cùng đời. Tinh thần ấy mới ra người quân tử mới khác với thế thường. Vì thế thường, phải trả phải, quấy trả quấy. Có một điều ngộ nghĩnh hơn hết dầu chi chi cũng có phương pháp bình tâm cho họ, mỗi khi thi thố hành tàng chi vô đạo đức, vô nhơn nghĩa thì họ tự tỉnh, tự thẹn lấy họ. Chúng ta ngó thấy rằng: Những kẻ tiểu nhơn dù tìm phương tạo vinh hiển thế nào, sự tiểu nhơn của kẻ ấy không thế gì chối cãi đặng.

Hại thay! Tinh thần của nhơn tình thế thái, không ai tìm tòi, không ai bươi móc đem chơn lý cho chúng ta ngó thấy, chẳng hề khi nào phương pháp tiểu nhân dầu dấu thiên hạ một ngày không thấy, hai ngày không thấy, dầu dấu thế gian thế nào cũng lòi ra, không phương dấu đặng, che đặng. Vì thế xã hội quốc dân nào cũng thế, họ được bền vững đứng trong xã hội, cùng nhau mưu chước quỷ quyệt thế nào cũng chẳng làm quá lòng của người, hễ làm quá lòng của người thì có phản động lực, nhờ vậy mà nhơn quần xã hội mới tồn tại được. Nhơn tình thế thái có điều mầu nhiệm như thế, bao giờ chúng ta cũng sợ miệng lưỡi của người, phải giữ tánh đức theo thế thường của nhơn tình đạo đức.

Bây giờ đến nhơn tình đạo đức, chúng ta đừng tranh theo mặt đời. Buổi trước, khi Ðạo Cao Ðài chưa khai mở chúng ta thấy cả tính đức nhơn tình buổi đó thế nào? Bần Ðạo không phải đứng trên tòa giảng nầy để công kích, không lẽ mấy em không thấy, mấy em thấy phần nhiều hạng niên thiếu họ vô chùa miễu, đốt giấy vàng bạc đặng họ mua chuộc tài lợi, họ đến lo lót như lo lót một Ông Quan đời kia vậy. Các Ðấng đâu có dùng mà họ tìm phương hối lộ. Nếu thảng có tính chất nhơn tình đạo đức, bất quá họ chung hiệp nào là tổ chức Tôn Giáo, nào là định lập trường đặng nương theo bóng Tôn Giáo. Nhơn tình buổi trước như vậy.

Bây giờ Bần Ðạo luận từ ngày Ðức Chí Tôn đến mở Ðạo Cao Ðài, ngày nay Bần Ðạo nhờ nương theo bóng từ bi của Ngài đi theo bén gót Ngài từ 23 năm nay. Bần Ðạo chung chia đau thảm cùng con cái của Ngài, thảm khổ cũng có, mà vui hứng cũng có, buồn vui lẫn lộn với nhau, nhứt là đàn anh của chúng ta buổi nọ, niên cao kỷ trưởng, khi nghe tiếng gọi Thiêng Liêng của Ðức Chí Tôn, họ quyết đem mảnh thân phàm của họ dâng hiến làm tế vật của Ngài, dầu làm tay chơn cho Ngài, vì cớ mà bản hòa ước của họ đối với cả chơn hồn nguyên nhân là họ lãnh sứ mạng thiêng liêng vậy. Bần Ðạo chẳng cần đứng trên tòa giảng khai công nghiệp các bậc tiền bối của chúng ta, họ không cần, và e nói ra mấy em buồn nhiều, toàn thể Ðạo cũng vậy. Trong trường thảm khổ, cũng có kẻ trọn hiếu cùng Ðức Chí Tôn, trọn trung cùng Hội Thánh. Nhờ vậy mà Ngài tạo Thánh Thể của Ngài. Tội nghiệp thay trong một trường đồng hèn thân danh, đồng hèn xác thịt, mỗi mỗi đều thất thế bởi nòi giống còn nô lệ, nước nhà chưa biết tự do, tự chủ là gì, làm cho họ hổ thẹn. Ðó là tâm đức buổi ban sơ vì Ðạo vì Ðời, thì mảnh thân tạo nên đại nghiệp đầu tiên cho nước Việt Nam, tạo cho nòi giống Việt Nam trước hết, nhưng bởi họ rủi sanh ra thi hài người Việt Nam, máu mủ Việt Nam. Còn có hạng nữa, tưởng mình có phương vi chủ đặng, cũng làm cũng tạo vậy, nhưng tinh thần còn chật hẹp, không nương quyền năng vô tận, tự mình lấy quyền năng sở hữu của mình mà làm. Bần Ðạo thấy cần thuyết minh điều đó. Họ tự tạo phương pháp như một cái kho để bảo trọng gia đình họ, họ tạo quyền năng cho họ mà thôi. Buổi nọ trong trường hợp nào cũng có người chia rẽ, tham tàn đủ lẽ, tranh phương đủ điều đến lúc đó Bần Ðạo thấy hết. Không ai lỗi, không ai phải, không ai nên, không ai hư mà qua khỏi mắt Bần Ðạo được. Ðời sống của họ còn hiện tượng nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống của Ðức Chí Tôn, dầu họ rủi phận không đặng về ngồi vào lòng Ðức Chí Tôn, thì họ cũng lưu lại cho gia tộc con cái của họ. Cái đại nghiệp đó họ tạo đám con cái ấy, Bần Ðạo chứng chắc nó ngậm được giọt sữa của tổ tiên nó. Biết đâu đại nghiệp hậu hữu sau nầy của Ðạo không phải tự tay mấy đứa trẻ còn tồn tại đây thọ hưởng. Họ biết không phải làm cho họ hưởng. Bần Ðạo nói họ để lại đại nghiệp cho Ðạo, cho Hội Thánh nuôi hết con cháu họ, họ ham quyền, ham lợi rốt cuộc cũng nuôi mấy em nhỏ khôn lớn mà thôi. Thật sự mấy em nhỏ nếu nuôi bằng phương pháp tiểu nhơn chúng nó sẽ gớm ghiết điều nó không nói ra. Chớ những người trung hiếu cùng Ðức Chí Tôn sẽ được chúng nó tôn nghinh trong vinh hiển lắm.

Chúng nó ôm được cái gia tài của Ông Cha nó để lại đó, ngày kia nó sẽ ngồi trên thiên hạ, nó sẽ vi chủ loài người. Trong hai lẽ đó, cả thảy suy gẫm muốn lựa chọn lẽ nào thì lựa.

Q. 2/50: VIỆT NAM ĐỘC LẬP TRONG LIÊN HIỆP PHÁP.
Tại Ðền Thánh, về việc đi Saigon, ngày 27-8-Mậu Tý (1948)

Chánh phủ mời Bần Ðạo ngày mai xuống kinh thành Saigon nữa.
Khi nãy Bần Ðạo có nghe Thượng Sứ Pháp tuyên bố trên máy truyền thanh giữa quần chúng đông đảo, Ngài đọc diễn văn nói: "Nền độc lập Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp được tuyên bố cho toàn thể quốc dân Việt Nam, do nơi tay Ngài giao trả lại cho nước ta, đã trả rồi không ai lấy lại nữa". Nước Việt Nam từ đây được trọn quyền độc lập. Ngài tuyên bố quả quyết như vậy. Cả chánh quyền nội bộ của Ngài sẽ giao cho Việt Nam. Theo lời tiên tri của Ðức Lý có câu: "Khải ca định vận tại thu phân". Quả vậy. Nên hay chăng do sức mình mơ ước thể nào tạo cho nòi giống, với tinh thần, nghị lực, đặng cầm vận mạng toàn cả nước vậy.

Toàn Ðạo ở nhà cũng nên cầu nguyện xin Ðức Từ Phụ điều ấy.
Q. 2/51: ĐỨC HỘ PHÁP THUYẾT MINH SAU KHI HỘI ĐÀM VỚI THƯỢNG SỨ PHÁP.
Tại Ðền Thánh, đêm mồng 3 tháng 9 năm Mậu Tý (1948)

Có lẽ trong kỳ lễ Bần Ðạo đến Sàigòn, ở nhà cả thảy đợi tin và trông Bần Ðạo về, đặng nghe về tương lai của nước nhà.

Bần Ðạo để lời cám ơn toàn Ðạo đã hết tâm cầu nguyện với Ðại Từ Phụ. Nam, Nữ lưỡng phái hết mấy em, mấy con cũng vậy.

Cốt yếu Bần Ðạo đến Sài thành kỳ nầy là do Quan Thượng Sứ mời Bần Ðạo, vì Ngài sắp về Pháp, Ngài từ vị của Ngài không còn làm Thượng Sứ nơi xứ nầy nữa. Thạnh tình của Ngài đối với Bần Ðạo có chỗ cao kỳ nên mời Bần Ðạo đến đó sở định, chúng ta nên biết có lạ chi, dầu cho một gia đình kia cũng lấy nhỏ mà luận lớn. Như một ông Trưởng Tộc họ nầy nếu tự nhiên có liên lạc chi với họ khác, khi phải đối đầu quyền lợi chung cho Tông môn hai họ, không phải một mình ông quyết định đặng. Bởi hai họ đương đầu với nhau, tưởng chẳng cần tả lại, hai ông Trưởng Tộc bị khảo dượt, phải có đủ tài sáng suốt, đủ chơn chánh minh mẫn quyết đoán cho chơn lý mới thỏa hiệp đôi họ đặng. Như thế mới khỏi sự trắc trở bên họ kia.

Bây giờ đây cũng vậy, ai cũng vì quyền lợi tranh lấy cho đặng phần hơn. Chính Bần Ðạo có thấy tấn tuồng ấy, biết nó khó khăn lắm. Có điều lạ chướng hơn hết là tới giờ phút nầy mà Nhơn sanh chưa chơn thật, điều thiệt họ không dám nói, lại đem ra nói dối, mê hoặc tinh thần quốc dân, làm cho cả thảy đều hoang mang.

May thay! Chúng ta vô cửa tịnh của Ðức Chí Tôn được ngồi trên Ðài Trí Giác, thâu đặng mảy may huệ tánh của mình, ta thấy rõ ràng một trường gạt gẫm giả dối, trước mắt không có gì chơn thật. Bởi trường kháng chiến, đòi độc lập thống nhất, đòi cho lấy được, tới chừng chúng trả không ai dám lãnh cả, họ làm mờ mịt, vì không đủ tài đức chơn thành để đảm nhiệm trách vụ mình. Ðòi quyền sở hữu độc lập thống nhứt người ta biểu có nhơn tài ra nắm chánh quyền đi. Ðừng nói chi tới địa vị tối cao, quyền hành tối trọng, hàng Tham Biện, Chủ Tịch ngày nay chưa tìm được người ngồi cho đủ mấy tỉnh là tại sao? Tại có bao nhiêu nhơn tài xúm nhau giết hết do chánh sách độc tài. Ngày nay tới lúc đảm nhiệm vai tuồng trọng hệ, cầm vận mạng nước nhà mà không có người dám nắm chánh quyền.

Chúng ta thấy chẳng khác nào một cuộc cúng tế, ông Chánh Bái mời các họ đến nhà thờ rồi mạnh ai nấy ngó, ngó đông, ngó tây, nấu cơm không biết, làm heo làm bò, bửa củi xách nước không ai biết, chỉ ngồi gây lộn với nhau. Tấn tuồng đó sẽ đến với chúng ta, như hiện nay muốn cứu vãn tình thế mà trong ngoài không thuận, cả toàn thể không ai đủ tài quyết đoán đặng. Tới phút yếu trọng nầy, cũng do đầu óc trong nhà mà ra, mà chỉ biết cùng nhau gây lộn, đánh lộn thôi, hiển nhiên như vậy. Bần Ðạo xuống đó để nghe hai tiếng chuông, để quan sát tấn tuồng sự thật thế nào. Lại nữa tâm tu duy có nền Chơn giáo Ðức Chí Tôn cho Bần Ðạo làm được việc mà từ thử đến giờ không ai làm. Họ nói mấy người lai Pháp là thực dân. Hỏi thử ai thực dân? Nói mấy người Tây Lai. Máu mủ họ phân nửa Pháp phân nửa Việt thì cũng tội nghiệp cho họ. Nếu lấy công chánh định quyết là tại mình gây oán. Hạng thực dân có chăng là hồi trước, khi có Pháp mới đến đây, lúc ban sơ đem binh chiếm đoạt Việt Nam, còn ngày nay đám thực dân đó lại của Việt Nam, cái rối là do đàn bà Việt Nam sanh họ ra mà họ dòm thấy mẹ nghèo nàn cha thì sang trọng vinh hiển. Cũng như đứa con trong nhà thấy cha có bánh nhiều hơn tức phải bỏ má. Ông cha họ có đủ tài đức đủ quyền bảo vệ họ, họ bợ đỡ nương theo đặng sống. Làm mẹ bất tài thì chúng phải nương sống theo cha, có gì là lạ. Sống một cách vinh hiển mà chính mình họ vẫn không biết thực dân là gì? Họ phân trần với Bần Ðạo như vầy: "Tình trạng của chúng tôi như vầy mà lên án chúng tôi là thực dân chúng tôi không biết làm thế nào" mà nói họ thực dân hỏi vậy mình chưởi ai? Tức nhiên chửi nòi giống mình, bởi họ là người Việt Nam, cứ ghét, cứ xô đuổi họ thì tài nào thỏa hiệp chủng tộc được.

Thử hỏi lại, tại nơi mình cả. Chính Bần Ðạo thấy tấn tuồng ấy không phải là số ít, vì đã bao nhiêu năm giao quyền công dân trong tay, lãnh đảm nhiệm mà họ không thi thố. Nếu họ không đi đến phận sự họ thì tội họ chịu. Thật ra cả thảy đều không dám, họ cảm xúc đến nước nhà, khi Bần Ðạo ra về họ than nói: "Từ thử tới giờ tôi mới nghe được lời an ủi của mẹ chúng tôi", thế mà từ bấy lâu quốc dân gây oán, chác hờn làm cho tan rã khối thân ái, thành ra khó đặng hòa nhau. Nếu thảng tai nạn nầy xảy ra là do nơi sự chia rẽ.

Muốn cứu vãn tình thế thì phải tìm phương bồi bổ tình thân ái rồi ngày kia mới giải quyết được tương lai vận mạng của chủng tộc nước nhà ta đó.

Q. 2/52: SỰ ĐIỀU HÒA CÀN KHÔN VÕ TRỤ.
Tại Ðền Thánh, đêm 14 tháng 9 năm Mậu Tý (1948)

Bần Ðạo ngày nay đình giảng cuộc dục tấn của chúng ta trong đường Thiêng Liêng Hằng Sống, đặng minh thuyết một đề mục trọng yếu liên quan cả Ðạo Giáo của đời. Bần Ðạo thuyết con đường điều hòa của Càn Khôn Võ Trụ tức nhiên là khuôn luật tạo đoan cả Càn Khôn Võ Trụ vạn vật hữu hình ta ngó thấy đây vậy.

Vả chăng hễ hòa mới hiệp, hiệp mới có định, mà hễ có định mới có an. Bằng chẳng vậy sẽ có phản động lực. Hễ không hòa tức giục cho phải nghịch, hễ nghịch phải ly, mà ly, tức nhiên động, hễ động tức nhiên phải loạn. Dầu cho chúng ta quan sát về Ðạo Lý Học, Triết Lý Học, Tâm Lý Học, Cánh Trí Học, ta thấy quả quyết cả cơ quan tạo đoan hữu hình trước mắt ta, nếu không tùng khuôn luật điều hòa, Bần Ðạo tưởng Càn Khôn Võ Trụ nầy đã tiêu diệt. Dầu cho về Ðạo Lý Học, ta ngó thấy khởi đầu nếu cái khối ngươn linh của Ðức Chí Tôn không hòa hiệp với ngươn âm của Phật Mẫu, thì Thái Cực chưa ra tướng, hễ Thái Cực chưa ra tướng tức nhiên Càn Khôn Võ Trụ nầy không có gì hết.

Chúng ta ngó thấy hành tàng tạo đoan trước mắt ta là sự điều hòa trong thân thể. Và triết lý Ðạo Giáo ta biết rằng: Nếu ta không đoạt đặng bảy khối sanh quang thiêng liêng kia đặng tạo thành xác thịt thì ta không có. Ta không sanh ở đây, nói gần hơn nữa nếu nhứt điểm tinh thần của cha ta không hiệp với huyết bổn của mẹ ta, thì tức nhiên không có sự hiệp hòa cả khuôn luật tạo đoan như trong bài thuyết pháp của Bần Ðạo hôm nay.

Ấy vậy chúng ta nương nơi hòa khí đặng hay chăng? Cả cơ bí mật của ta dầu cả hình thể tạo đoan ta ngó thấy con vật trước mắt ta, nếu không hòa thì không có sanh, không hòa chắc có thể tạo đoan không có nam, nữ, cốt yếu sanh nam, nữ đặng hiệp hòa nhau tức nhiên sanh sản loài người, ngoài ra nữa ta đã ngó thấy, nếu như không có điển lực điều hòa do Thiêng Liêng định, tức nhiên Bần Ðạo dám chắc chưa có thành Ðạo. Bởi có ai thuận với ai đâu. Các chủng tộc cũng nương theo khuôn luật hiệp hòa ấy mới tồn tại, mới hiệp chủng tộc được. Về triết lý học chúng ta ngó thấy nhiều phản ảnh nó không thế gì in nhau được. Hễ hiểu đặng quyền năng của Ðạo, tỷ như lửa và nước hai món ấy không thế gì gần nhau được như chúng ta thấy máy tàu, trước khi đã tìm ra năng lực của nước, hiểu được như hơi nước, nó sẽ có cái quyền lực xô đẩy cả sức nặng 30.000 tấn; quả nhiên trước mắt chúng ta thấy, hiện tượng không thế chối đặng. Lại nữa cái điển lực thiên nhiên, ta thấy khí âm đụng với khí dương thành ra sấm sét, lửa sét ấy do hơi điển âm đụng với điển dương biến ra khối lửa. Nó mạnh thế nào chúng ta ngó thấy không thế gì tưởng tượng được. Ðem điển âm để riêng ra cách bức điển dương hai cái đụng nhau dữ dội lắm. Ta thấy năng lực của hơi nước thế nào tức nhiên ngày nay ta thấy không thua gì điển lực. Bây giờ, ta có phương pháp thâu đặng, thâu nhỏ lại làm ngọn đèn sáng suốt.

Cả hình trạng quốc gia xã hội hay là Ðạo Giáo thiên nhiên cũng vậy. Cái khuôn luật hoà là cái khuôn luật để tạo ra Càn Khôn Võ Trụ. Có nhiều cơ quan phản khắc nhau ta có quyền năng làm cho họ hiệp lại, thì cơ quan tạo đoan nắm trong tay, cũng như chúng ta ngó thấy không thế tưởng tượng hai khối chung hiệp nhau đặng làm ra ngọn lửa. Ngọn lửa ấy nó soi sáng trong gia đình hiện tượng.

Bây giờ xã hội nhơn quần trên mặt địa cầu nầy, ta ngó thấy đời loạn lạc tàn bạo cùng nhau tại sao? Tại nơi cơ thể hữu hình không làm thỏa mãn loài người. Hại thay! Cơ quan hữu hình không làm thỏa mãn tâm lý loài người từ thử đến giờ. Tinh thần ấy chỉ có nương theo Ðạo Giáo và biết nhẫn nại, biết định hướng, biết tự chủ, biết định phận, trong thân sống ta. Ngày nay Ðạo Giáo trên mặt địa cầu nầy hết quyền năng vi chủ hoàn cảnh quá khổ não của loài người. Ðời thảm khổ càng tấn tới, thấy cái sống càng khó khăn, nền văn minh càng tiến, lên một bước thì khối thảm khổ của loài người càng thêm nữa. Hỏi đương nhiên bây giờ ngó các chủng tộc đối nại nhau, tranh sống với nhau, phản khắc nhau. Bần Ðạo đã nói hồi nãy, nếu không hòa nhau đặng tất nhiên phải nghịch, lẽ nghịch tức nhiên phải ly, hễ ly tức nhiên phải xao động, hễ xao động tức có loạn lạc.

Bây giờ hỏi muốn tìm giải pháp để cứu tình thế chúng ta, để thử tinh thần trí não, suy đoán xem, ta thấy rằng: Không hòa mới có nghịch mới có ly, như không đồng tâm đồng chí, đồng sống cùng nhau thì tức nhiên có xao động. Bần Ðạo nói cả Vạn Quốc đó vậy. Ðộng tức nhiên phải loạn.

Bây giờ muốn tìm phương pháp trị loạn đặng, phải phương chiêu an, nó đương động, mình phải giải thoát, nó đương ly cách, mình tìm phương hội hiệp. Bây giờ nó đương nghịch, mình tìm phương pháp hòa nó vậy. Phương pháp đó tìm được không? Trước Ðức Chí Tôn chưa đến mở Ðạo, chúng ta nói chắc chưa thế gì tìm được hoàn thuốc cứu thế đó. Ngày nay Ðức Chí Tôn đã đến, chính Ngài thấy nỗi khốn khó của loài người, vì loạn lạc tự diệt nhau, Ngài đem hoàn thuốc phục sinh, hoàn thuốc cứu loài người, tức nhiên Ngài đem Ðạo Giáo chơn truyền của Ngài là đem cái hòa khí để tại mặt địa cầu nầy. Mà hòa khí ấy nó lan tràn ra, nó bao trùm cả mặt địa cầu nầy hết, chính bịnh loạn kia do sự bất hòa mà ra, nếu đem hoàn thuốc hòa trị nghịch, tức nhiên hết loạn, thì phải an.

Vì cớ Bần Ðạo dám quả quyết: Nếu ta muốn tìm mối Ðạo chơn chánh, mắt ta thấy đương nhiên bây giờ các nền Tôn Giáo không điều hòa tâm lý thiên hạ, lại giục loạn tinh thần thiên hạ tức nhiên là không thế gì tồn tại được.

Ðạo Cao Ðài ngày nay là một nền Tôn Giáo đem hòa khí cứu vãn tình thế. Bần Ðạo xin nhắc lại và căn dặn lưu tâm đến những lời chí thiết của Ðức Chí Tôn, hễ một hành tàng nào của chúng ta làm cho tâm lý con người phải rối loạn, ly tán, ngỗ nghịch tức nhiên phạm tội Thiêng Liêng. Ðừng tưởng rẻ, bởi nó xô đẩy loài người trong trường chiến, và sẽ có cơ quan tận diệt nhau không dứt, không cứu chữa đặng, thì chúng ta sẽ là tội nhơn đệ nhứt của nhơn loại vậy.

Ngọn Bạch kỳ của Ðức Chí Tôn tức ngọn cờ Cao Ðài phải định an cho Vạn quốc toàn mặt địa cầu nầy, làm cho hòa thuận nhau, mới xứng đáng một nền Tôn Giáo chính mình Ðức Chí Tôn đến tạo đó vậy.

Q. 2/53: LỄ CẦU SIÊU CHIẾN SĨ TRẬN VONG.
8 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 10 năm Mậu Tý (1948)

Ngày nay là ngày cầu nguyện cho các Thánh Tử Ðạo tức nhiên là ngày lễ các Thánh.
Nguyên căn ngày nay là khi Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh có tiên tri rằng Chúa Cứu Thế sẽ ra đời làm chủ tinh thần thiên hạ, các vị Vua Chúa ác sợ mất quyền tìm cách giết Chúa. Nhưng vì đã lánh khỏi, chúng biết ngày sanh, vì oán hờn, mà đeo đuổi bắt con nít đẻ trùng ngày với Ðức Chúa mà giết. Kẻ bị giết ngày ấy đều đặng hiển Thánh vì Chúa mà chết thay thế cho Chúa, nên Thiên Chúa Giáo lấy ngày ấy làm ngày kỷ niệm các Thánh bỏ mình vì Chúa. Ngày nay là ngày kỷ niệm các chiến sĩ trận vong, các chiến sĩ ấy hy sinh cho quốc gia, vì nước nhà, vì nòi giống, vì nhơn loại họ không tiếc mạng sống, đứng lên để mưu hạnh phúc cho toàn cầu gầy dựng lại Quốc gia.

Ấy là các Thánh vô tội đã hy sinh tạo hạnh phúc cho toàn thiên hạ cho kẻ khác hưởng, bởi thế ngày nay chúng ta nên hội hiệp nhau lại làm lễ cho long trọng mà cầu siêu cho các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ sanh mạng tồn tại của thiên hạ. Ngày nay là ngày trọng yếu, mà lại là ngày lễ của Chính Phủ chọn lựa. Chúng ta nên để tâm cầu nguyện đặng tỏ rằng người sống không bao giờ quên kẻ chết, và kẻ chết cùng người sống vẫn có một quan niệm chung thờ một chủ nghĩa, duy có khác là cái chết và cái sống, ngoài ra không ai phân biệt được, mà nếu không phân biệt được thì nhơn loại có một mà thôi. Tinh thần vẫn một, sự phân biệt đó là tại tâm lý phàm phân chia, chớ tinh thần không phân màu sắc dân tộc nào hết, chỉ có một quê hương chung là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, có một Ðấng Chúa Tể là Trời.

Cả thảy chúng ta ngày nay chung hiệp lại để cầu nguyện cho các bạn ta hay người ân của ta để cho các Ðấng linh hồn đặng siêu thăng. Và chúng ta cũng hiến trọn cả thi hài nầy cho Chí Tôn, thì bất kỳ cầu chuyện chi, ta làm sự gì tức là dâng cho Ngài cả. Xin Chư Chức Sắc Thiên Phong và Chư Chức Việc Ðạo Hữu phải thành tâm hiến lễ cho Chí Tôn như chúng ta dâng mảnh thân mình cho Ngài vậy.

Ðức HỘ PHÁP nói:
Người thật tâm ái quốc, dầu đối với việc nhỏ mọn bao nhiêu mà ích nước lợi dân cũng cố làm, còn trái lại cảnh ngộ đã đem đến cho đặng danh cao lợi lớn đi nữa, mà nghịch với quyền lợi và tổn thương cho Quốc thể cũng không làm.

Q. 2/54: LỄ KỶ NIỆM ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG.
Tại Tháp Ðức Quyền Giáo Tông,
8 giờ sáng ngày 13 tháng 10 năm Mậu Tý (1948)

Ngày hôm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm Ðức Quyền Giáo Tông. Chơn linh của Ngài cả toàn con cái của Ðức Chí Tôn nam, nữ đều biết là chơn linh Ðức Lý Ngưng Vương. Mười bốn (14) năm qua chúng ta chịu tâm tang nơi lòng, vì mất một vị mà Ðức Chí Tôn chọn lựa, một vị Ðại Tiên đến mở cơ quan cứu thế cho đời. Chúng ta tưởng niệm lại trong buổi sanh tiền của Ngài, Ngài đào tạo cho thành nền Chơn giáo Cao Ðài; Ngài đã chịu bao khổ hạnh. Giữa thế kỷ 20 nầy, tâm lý nhơn sanh thất đạo, đem một cái hòa bình nêu cao lên làm trung tâm điểm cho tinh thần đạo đức nơi cõi Á Ðông, đã mỏi tay gióng trống Lôi Âm, reo chuông Bạch Ngọc, mà nhơn loại giả vờ điếc đui không biết cơ quan cứu thế là gì hết. Ðem cái khối sanh quang phục sống cho họ trong chốn tử địa sắp tới đây, mà họ chưa tỉnh ngộ đặng lo bảo trọng sanh mạng, biểu sao kẻ đại diện của Ðức Chí Tôn thuở sanh tiền không bị thiên hạ khinh rẻ. Vì tâm lý chia rẽ đó, ngày nay có nạn tàn sát tiêu diệt nhau. Ta nhớ lại, 14 năm Ngài đã khuất dạng, tạo dựng được cho khối tinh thần thống nhất cả lương tri của toàn con cái Ðức Chí Tôn. Còn cả thảy hình ảnh nền Chơn giáo Ðức Chí Tôn chưa có hiện diện gì hết. Cũng vì chịu thâm tình ấy, Bần Ðạo ra gánh vác trách nhiệm nặng nề trong buổi nền Chơn giáo Ðức Chí Tôn phải chiến đấu đặng đem sự chơn thật, đặng đem công lý gieo vào tinh thần loài người. Biết bao nhiêu lực lượng đối phương đã thống nhứt lại với nhau đặng toan diệt Ðạo. Trong 14 năm khuất bóng Ngài, Bần Ðạo chịu khổ hạnh 6 năm đồ lưu, còn trụ lực lượng đặng tạo hình thể nền Chơn giáo chỉ có 8 năm mà thôi. Bao giờ cũng vậy, năng lực tinh thần chẳng có lực lượng hữu hình nào tiêu diệt nó đặng. Nhờ âm điệu điều hòa trong khuôn luật mà ngày nay Ðạo Cao Ðài đã nên hình tướng, đã đứng giữa hoàn vũ nầy một cách vinh quang. Nhờ lẽ chơn thật của nó, không có lưỡi gươm bén nào trị tinh thần đặng, thì không có lực lượng nào đè nén đặng. Nó phải thắng đời để cứu đời. Một nền Chơn giáo cao thâm tinh thần dường nầy sẽ bất tiêu, bất diệt. Nhờ ơn đầu tiên của Ngài khai mở, chúng ta hãy cúi đầu cầu nguyện và cảm tạ ơn Ngài.
    Home             1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ]  [ 19 ]  [ 20 ]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét