Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 11 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


NGŨ NGUYỆN (Giọng Nam xuân)
Nam mô:          
Nhứt nguyện:   
Ðại Ðạo hoằng khai,
Nhì nguyện:
Phổ Ðộ chúng sanh,
Tam nguyện:
Xá tội đệ tử,
Tứ nguyện:
Thiên hạ thái bình,
Ngũ nguyện:
Thánh Thất an ninh.
(Lạy 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy).





GIẢI NGHĨA
Ngũ Nguyện: Ngũ là 5, cũng có nghĩa là thứ 5. Cho nên từ ngữ Ngũ Nguyện có 2 nghĩa:

Ngũ Nguyện là 5 câu cầu nguyện, 5 điều nguyện.
Ngũ Nguyện là câu nguyện thứ 5, điều nguyện thứ 5.

Chúng ta nên lưu ý rằng:
2 câu Nguyện đầu, chữ Nguyện có nghĩa là: Mong muốn và quyết tâm thực hiện.
3 câu Nguyện sau, chữ Nguyện có nghĩa là: Cầu nguyện, cầu xin Ðức Chí Tôn ban cho.

Nam mô: do tiếng Phạn là Namah phiên âm ra, có nghĩa là: Qui y, qui mạng, chí tâm hướng, tức là quyết chí vâng theo lời Phật dạy, nguyện hiến trọn đời mình cho Ðạo pháp. Về sau, từ ngữ Nam mô thường dùng làm tiếng khởi đầu cho câu cầu nguyện.

Câu 1-2: "Nhứt nguyện Ðại Ðạo hoằng khai."
"Nhì nguyện Phổ Ðộ chúng sanh."
Nhứt nguyện: Ðiều nguyện thứ nhứt, tức là Ðiều thứ nhứt mà con mong muốn và quyết tâm thực hiện là: ....

Ðại Ðạo: Nền Ðạo lớn, đó là ÐÐTKPÐ tức là Ðạo Cao Ðài. Hoằng: Rộng lớn. Hoằng khai: Mở rộng ra.
Nhì nguyện: Nhị nguyện, Ðiều nguyện thứ hai, tức là Ðiều thứ nhì mà con mong muốn và quyết tâm thực hiện là...

Phổ Ðộ: Phổ là bày ra khắp nơi, độ là cứu giúp. Phổ Ðộ là cứu giúp chúng sanh khắp nơi. Chúng sanh: Tất cả các loài sanh vật gồm: Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại.

Trong nghĩa hẹp, chúng sanh là nhơn loại.
Câu nguyện thứ nhứt, chúng ta phải hiểu theo lối đảo ngữ thì mới phù hợp với câu nguyện thứ 2:
- Nhứt Nguyện: Hoằng khai Ðại Ðạo,
- Nhì Nguyện: Phổ độ chúng sanh.

Ðiều Nguyện thứ nhứt: "Con mong muốn và quyết tâm hoằng khai nền Ðại Ðạo."
Ðiều Nguyện thứ hai: "Con mong muốn và quyết tâm phổ độ chúng sanh.

"Ðức Khổng Tử có nói rằng: "Nhân năng hoằng Ðạo, phi Ðạo hoằng nhân." Nghĩa là: Người có thể mở rộng Ðạo, Ðạo không mở rộng người.

Người thì có cái biết mà Ðạo thì vô vi. Nhờ cái biết mà người mới làm cho Ðạo rộng lớn ra, chớ Ðạo tự nó không làm cho người rộng lớn ra được. Bởi vì Ðạo lập thành cái cùng cực của người, mà người là cái khí cụ của Ðạo, cho nên Ðạo và người không lìa bỏ nhau được. Người phải dụng lực làm cho cái Ðạo sáng rõ ra. Nếu người không dụng lực, cứ muốn để cho cái Ðạo tự nhiên làm cho người ta lên đến chỗ cao minh quảng đại thì không có bao giờ." (Theo Nho giáo của Trần trọng Kim)

■ Muốn hoằng khai nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn, chúng ta phải làm sao?
Thiển nghĩ, chúng ta phải thuyết đạo, viết sách báo truyền bá và xiển dương Giáo lý, Triết lý của Ðại Ðạo, rồi dùng các phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến rộng ra như: Báo chí, Truyền thanh, Truyền hình, Băng từ, để cho mọi người đều biết nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn, rồi truyền bá từ trong nước ra khắp các nước ngoại quốc, đủ các sắc dân.

■ Muốn Phổ Ðộ chúng sanh, phải làm sao?
Sự cứu độ phải có 2 mặt: Cứu độ phần xác và cứu độ phần hồn.
- Cứu độ phần xác là khi thấy người ta đói thì phải giúp ngay lương thực để cứu đói; khi thấy người ta bịnh hoạn thì phải giúp thuốc men để cứu bịnh; khi thấy người ta rách rưới nghèo nàn thì phải giúp áo quần, mền chiếu; khi thấy người ta thất vọng đau khổ thì phải đến an ủi khuyên lơn, vv.

- Cứu độ phần hồn là phải gieo vào lòng họ một tín ngưỡng chơn chánh, tin tưởng có Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu là 2 Ðấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn chúng sanh, tin tưởng mỗi người đều có một Linh hồn bất diệt do Ðức Chí Tôn ban cho, tin tưởng có Luân hồi quả báo để lo làm lành lánh dữ, tu thân, lập đức bồi công, giải quả tiền khiên, tiêu trừ nghiệp chướng, để sau khi chết, Linh hồn nhẹ nhàng siêu thăng lên cõi Thiêng liêng Hằng sống. Ngoài ra còn phải lo làm Ðám tang cho người chết, giúp đỡ tang gia trong công việc tẫn liệm, tế lễ và an táng, lo cầu siêu, tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thăng.

Câu 3: "Tam nguyện xá tội đệ tử."
Tam nguyện: Ðiều cầu nguyện thứ 3, tức là điều thứ 3 mà con mong muốn cầu xin là: .... Xá tội: Tha tội, không trách phạt nữa. Ðệ tử: Học trò. Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ðạo, xưng mình là Thầy, gọi các tín đồ là môn đệ, và các tín đồ xưng mình là Ðệ tử.
C.3: Ðiều nguyện thứ 3, "con cầu xin Ðức Chí Tôn tha tội cho con."

Làm người nơi cõi trần, mang nặng xác thịt với Thất tình Lục dục, nên không thể tránh được những lầm lỗi trong kiếp sống. Ðiều quan trọng là phải biết suy nghĩ, và luôn luôn tự xét mình, nhận thấy có lỗi thì ăn năn hối cải, quyết không tái phạm nữa. Lúc đó, Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng sẵn sàng tha thứ các tội đã qua của mình.

Câu 4: "Tứ nguyện thiên hạ thái bình."
Tứ nguyện: Ðiều cầu nguyện thứ 4, tức là điều thứ 4 mà con mong muốn cầu xin là... ..... Thiên hạ: Dưới Trời, chỉ nhơn loại. Thiên thượng là Ông Trời ở bên trên, Thiên hạ là nhơn loại ở bên duới. Con người đứng giữa Trời và Ðất, thuộc hàng Tam Tài, được gọi là Tiểu Thiên Ðịa, cho nên nếu con người biết lo tu hành thì sẽ tấn hóa lên hàng Tiên Phật.

Thái bình: Thái là rất, bình là yên ổn. Thái bình là rất yên ổn, không có loạn lạc hay giặc giã xảy ra.
C.4: Ðiều nguyện thứ 4, "con cầu xin cho tất cả mọi người trên cõi trần được sống yên ổn hòa bình."

Câu 5: "Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh."
Ngũ nguyện: Ðiều cầu nguyện thứ 5. An ninh: Yên ổn và trật tự, các sinh hoạt đều hòa hợp tốt đẹp.
Thánh Thất: Nghĩa thông thường, Thánh Thất là cái nhà thờ Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật.

Nếu chúng ta hiểu nghĩa chữ "Thánh Thất" vỏn vẹn như trên thì điều cầu nguyện thứ 5 của chúng ta có phần hẹp hòi ích kỷ. Vả lại khi cúng Ðức Phật Mẫu nơi Ðiện Thờ Phật Mẫu, chúng ta vẫn đọc câu Ngũ nguyện nầy là: "Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh.", chớ Hội Thánh đâu có sửa lại là: "Ngũ nguyện Ðiện Thờ an ninh."!
Ðiều đó chứng tỏ rằng, chúng ta cần phải hiểu nghĩa chữ "Thánh Thất" một cách rộng rãi bao quát hơn nữa.

Bởi vì Thánh Thất gồm 3 Ðài: Bát Quái Ðài, Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài, trong đó bao gồm toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ và Vạn linh. Do đó, chúng ta phải hiểu Thánh Thất là toàn cả, từ cái thật nhỏ cho đến cái thật lớn, cái nhỏ là bản thân con người, cái lớn là toàn thể vũ trụ, bao gồm Thượng Ðế và Vạn linh.

Bản thân của mỗi người chúng ta cần phải an ninh. Chúng ta đang tiến bước trên đường tu, chúng ta hằng hoài vọng an ninh hơn ai hết. Nếu chúng ta sa vào tửu nhục thì lục phủ ngũ tạng đều mất an ninh, nếu mê đắm vào sắc dục thì thân thể mất an ninh.
Càn Khôn Vũ Trụ cần phải được an ninh để vận chuyển điều hòa trật tự.

Ðức Chí Tôn nắm quyền pháp để vận chuyển các quả Ðịa cầu, Nhựt, Nguyệt, Tinh, quay vòng tròn, lên xuống qua lại nhịp nhàng ăn khớp nhau, không bao giờ va chạm. Nếu Vũ Trụ mất an ninh thì sẽ có một cuộc sụp đổ vĩ đại, một cuộc đại tận thế sẽ xảy đến cho CKVT.

Vạn linh cũng cần được an ninh để tiến hóa điều hòa tốt đẹp trên con đường đi đến tận thiện tận mỹ, trở về hiệp nhập vào Khối Ðại Linh quang của Chí Tôn Thượng Ðế.

Hội Thánh cũng cần được an ninh, điều hòa trật tự thì mới có thể phát triển nền Ðạo, thực hiện nhiệm vụ cao quí tận độ chúng sanh, chuyển đời Hạ Nguơn điêu tàn sang đời Thượng Nguơn Thánh đức.
Như vậy, an ninh là nhu cầu thiết yếu cho mọi người, mọi giới, mọi lãnh vực.

C.5: Ðiều nguyện thứ 5, con cầu xin cho tất cả, từ CKVT đến con người, cầu xin cho Hội Thánh, đều được an ninh, điều hòa trật tự, tiến hóa tốt đẹp.
Chúng ta cũng cần tìm hiểu, Tại sao Ðức Chí Tôn ban cho chúng ta 5 Câu Nguyện, mà không phải là 4 Câu hay 6 Câu Nguyện?

Bởi vì với 5 Câu Nguyện nầy, Ðức Chí Tôn có ý dạy chúng ta thực hành trọn vẹn Tam Lập: Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn.

Trong Lập Công có: Công phu, Công quả, Công trình.
■ Nhứt nguyện Ðại Ðạo hoằng khai: Muốn hoằng khai nền Ðại Ðạo thì phải thuyết giảng giáo lý, viết kinh sách, báo chí, truyền bá cho mọi người biết nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn để nhơn sanh giác ngộ tu hành. Ðó là Lập Ngôn.
■ Nhì nguyện Phổ Ðộ chúng sanh: Ðó là Công quả.
■ Tam nguyện Xá tội đệ tử: Muốn được Ðức Chí Tôn xá tội thì chúng ta phải lập hạnh giữ gìn giới luật tu hành một cách nghiêm chỉnh để chúng ta không gây thêm ra tội lỗi mới. Ðó là Công trình.
■ Tứ nguyện Thiên hạ thái bình: Chúng ta phải cầu nguyện Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng Thiêng liêng ban ơn huệ cho thế giới được hòa bình, nhơn sanh an lạc. Ðó là Công phu.
■ Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh: Muốn được an ninh, chúng ta phải hành động thế nào cho hợp lòng người, thuận Ðạo Trời, để nương theo đó mà đồng tiến hóa cùng Vạn linh trong CKVT. Ðó là Lập Ðức.
Mỗi ngày, chúng ta cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta đều đọc 5 lời nguyện, là để chúng ta luôn luôn ghi nhớ mà thực hành hằng ngày, để linh hồn chúng ta càng lúc càng tiến hóa, chớ không phải đọc suông, xong thời cúng thì quên hết, như thế chẳng hữu ích gì cho một thời cúng của chúng ta.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét