Kinh
Ðệ Tứ Cửu (Giọng Nam xuân)
1. "Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc.
2. Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chơn Tiên.
3. Năm rồng đỡ nổi đầu thuyền,
4. Vào Cung Tuyệt Khổ kiến Huyền Thiên Quân.
5. Trừ quái khí roi thần chớp nhoáng,
6. Bộ Lôi Công giải tán trược
quang.
7. Cửa Lầu Bát Quái chun ngang,
8. Hỏa tinh Tam muội
thiêu tàn oan gia.
9. Ðạp Thái sơn nhảy qua Ðẩu Suất.
10. Vịn Kim câu đến chực Thiên môn.
12. Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sanh."
(Niệm Câu Chú của
Thầy 3 lần)
GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Tứ Cửu do Tứ Nương
DTC giáng cơ ban cho. Tứ Nương có nhiệm vụ hướng dẫn các Chơn hồn lên từng Trời
Huỳnh Thiên. Từng Trời nầy có ánh sáng đều màu vàng, nên được gọi là Huỳnh
Thiên. Huỳnh là màu vàng.
Câu 1: "Sắc huỳnh chiếu roi vàng đường hạc."
Roi: Lưu lại, roi dấu.
Ðường hạc: Ðường bay của chim hạc.
C.1: "Ánh sáng màu vàng chiếu vào làm cho đường bay của chim hạc lưu
lại màu vàng."
KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ in bên Pháp 1952: chiếu rõi vàng.
* Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974, 1975: chiếu roi
vàng.
Rõi: Dõi, theo sát, nối theo.
Câu 2: "Cõi Huỳnh Thiên nhẹ thoát chơn Tiên."
Nhẹ thoát: Thanh thoát nhẹ
nhàng. Nhẹ thoát chơn Tiên: Bước chơn đi nhẹ nhàng thanh thoát như Tiên.
C.2: "Bước chơn nhẹ nhàng thanh thoát như Tiên đi
lên từng Trời Huỳnh Thiên."
Câu 3-4: "Năm rồng đỡ nổi đầu thuyền,"
"Vào Cung Tuyệt Khổ kiến Huyền Thiên Quân."
Kiến: Thấy, gặp. Thường
nói: Bái kiến là lạy chào, mừng gặp một Ðấng Thiêng liêng.
C.3-4: "Chơn hồn bước xuống chiếc thuyền có 5
con rồng đỡ đầu thuyền nổi lên, đưa Chơn hồn vào Cung Tuyệt Khổ để bái kiến Ðức
Huyền Thiên Quân."
Ðức Huyền Thiên Quân ở
Cung Tuyệt Khổ chỉ là một hóa thân của Ðấng Thượng Ðế, bởi vì theo nấc thang
Tiến Hóa với đề mục là chữ Khổ: Bực Hiền thì Tùng Khổ, Thần thì Thắng khổ,
Thánh thì Thọ Khổ, Tiên thì Thoát Khổ, Phật thì Giải Khổ, Thượng Ðế thì Tuyệt
Khổ. (Tuyệt là dứt).
Câu 5-6: "Trừ quái khí roi thần chớp nhoáng,"
"Bộ Lôi Công
giải tán trược quang."
Trừ: Loại bỏ, làm mất đi.
Quái khí: Tà khí, chất khí độc. Roi thần: Thần là thiêng liêng huyền diệu. Roi
thần là cái roi có phép tắc huyền diệu. Chớp nhoáng: Lóe sáng lên rồi tắt, rồi
lại lóe sáng lên lại tắt, cứ thế tiếp diễn nhiều lần.
Bộ Lôi Công: Lôi Công là
Thần làm Sấm sét. Bộ Lôi Công là cơ quan gồm những vị Thần Sấm sét. Ðứng đầu Bộ
Lôi Công là Thái Sư Văn Trọng vào thời Phong Thần, tước hiệu Cửu Thiên Cảm Ứng
Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn.
Giải tán: Làm cho tiêu tan
mất. Trược quang: Trược là dơ bẩn hôi hám; quang là ánh sáng, ở đây có nghĩa là
chất khí. Trược quang là chất khí dơ bẩn hôi hám.
C.5-6: "Cây roi thần quơ lên lóe sáng để tẩy
trừ tà khí, và các Thần Sấm sét trong Bộ Lôi Công làm tiêu tan hết các chất ô
trược bám vào Chơn thần."
Câu 7-8: "Cửa Lầu Bát Quái chun ngang,"
"Hỏa tinh Tam muội thiêu tàn oan gia."
Lầu Bát Quái: BQÐ nơi cõi
TL. Chun ngang: Chui qua.
Hỏa tinh: Sao Hỏa, chỉ về
lửa. Tam-muội: Phiên âm từ tiếng Phạn: Samadhi, nghĩa là Thiền định, Ðại định.
Hỏa tinh Tam-muội là phép Thiền định lấy Chơn Hỏa của Ngũ Hành trong cơ thể mà
luyện thành lửa để tung ra. Phật giáo gọi phép nầy là: Hỏa diệm Tam-muội hay
Hỏa quang Tam muội. Ðức Phật Thích Ca có dùng phép nầy, từ trong thân Ngài xuất
ra thứ lửa huyền diệu để hàng phục giống rồng độc.
Ðức Cao Thượng Phẩm, trong
Luật Tam Thể có nói về Hỏa tinh, trích ra sau đây: "Hỏa tinh, tiếng Pháp gọi là Calorie về Y học, còn gọi là Feu
Serpent về khoa Thần Linh học, nó chạy luồn trong tủy và tiết ra bởi các dây
thần kinh. Muốn luyện Hỏa tinh, phải tịnh tâm, định trí, trụ Thần (Tam-muội) mà
chuyển vận, tức là lấy khí Dương vào cơ thể đó vậy. Phải lấy trí mà điều khiển
nó,"
Thiêu tàn: Ðốt cho cháy
tiêu hết. Thiêu là đốt cháy, tàn
là hết. Oan gia: Oan gia là người có thù giận với mình.
C.7-8: "Chơn thần chun ngang qua cửa BQÐ, các
Ðấng dùng lửa Tam-muội đốt cháy tiêu hết các oan gia nghiệp chướng."
Câu 9: "Ðạp Thái sơn nhảy qua Ðẩu Suất."
Thái sơn: Núi Thái Sơn nơi
cõi Huỳnh Thiên.
Ðẩu Suất: Cung của Ðức
Thái Thượng Lão Quân.
C.9: "Chơn thần đã có Thần thông, nên đứng trên núi Thái sơn nhảy qua tới
Cung Ðẩu Suất."
Câu 10: "Vịn Kim câu đến chực Thiên môn."
Vịn: Dựa vào. Kim: Vàng.
Câu: Bắt giữ, dẫn dắt.
Kim câu: Cái Câu Tiên bài
bằng vàng của Ðức Thái Thượng, Giáo chủ Ðạo Tiên, dùng làm lịnh điều khiển các
vị Tiên. Người nào cầm Câu Tiên bài ra lịnh thì mọi người phải tuân theo vì đó
là lịnh của Giáo chủ. Chực: Chờ sẵn.
C.10: "Dựa vào Câu Tiên bài của Ðức Thái ThượngLão Quân, Chơn thần đến
chờ sẵn tại cửa Trời."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh Lễ 1952, Kinh TÐ-TÐ 1974, 1975:
Ðịnh
Kim câu ....
*
Kinh TÐ-TÐ năm 1936: Dịnh Kim câu ....
*
Kinh TÐ-TÐ năm 1968: Vịn Kim câu ....
Ðịnh:
Sắp đặt để làm, sắp đặt cho yên.
Câu 11-12: "Chơn thần đã
nhập Càn khôn."
"Thâu quyền độ thế bảo tồn chúng sanh."
Thâu: Ðem vào, ý nói có. Ðộ thế: Cứu đời, cứu
giúp người đời. Bảo tồn: Gìn giữ cho còn. Chúng sanh: Các loài sanh vật gồm:
Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại.
C.11-12: "Chơn thần đã nhập vào CKVT (tức là đắc đạo), nên có
quyền trở lại cõi trần để cứu giúp người đời và bảo tồn chúng sanh."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét