KINH CẦU SIÊU
(Giọng Nam ai)
1. "Ðầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ,
2. A-Di-Ðà Phật độ chúng dân.
3. Quan Thế Âm lân mẫn ân cần,
4. Vớt lê thứ khổ trần đọa lạc.
5. Ðại Thánh Ðịa Tạng Vương Bồ Tát,
6. Bố từ bi tế bạt vong hồn.
7. Cứu khổ nàn Thái Ất Thiên Tôn,
8. Miền Âm cảnh ngục môn khai giải.
9. Ơn Ðông Nhạc Ðế Quân quảng đại,
10. Ðộ kẻ lành chế cải tai ương.
11. Chốn Dạ đài Thập Ðiện Từ Vương,
12. Thấy hình khổ lòng thương thảm thiết.
13. Giảm hình phạt, bớt đường luy tiết.
14. Xá linh quang tiêu diệt tiền khiên.
15. Ðặng nhẹ nhàng thẳng đến Cung Tiên,
16. Nơi phước địa ở yên tu luyện.
17. Xin Trời Phật chứng lòng sở nguyện,
18. Hộ thương sanh u hiển khương ninh."
(Niệm 3 lần Câu
Chú của Thầy).
GIẢI NGHĨA
Kinh Cầu Siêu do Ðức Chuẩn
Ðề Bồ Tát giáng cơ ban cho Minh Lý Ðạo (Tam Tông Miếu). Thuở mới Khai Ðạo Cao
Ðài, Ðức Chí Tôn dạy Ngũ Chi Minh Ðạo dâng kinh cho ÐÐTKPÐ, nên Hội Thánh đến
thỉnh bài kinh nầy về làm Kinh ÐÐTKPÐ. Bên Minh Lý gọi bài Kinh nầy là SÁM CẦU
SIÊU.
Cầu siêu: Cầu là xin, siêu
là vượt lên cao, siêu thăng.
Cầu siêu là cầu xin các
Ðấng thiêng liêng cứu giúp linh hồn người chết cho được siêu thăng.
Kinh Cầu siêu: là bài Kinh
tụng cầu xin Ðức Chí Tôn và các Ðấng thiêng liêng Phật Tiên Thánh Thần ân xá
tội tình và cứu giúp linh hồn người chết được siêu thăng.
Hội Thánh có ghi chú dặn
rằng: "Khi tụng hết bài Kinh Cầu
siêu thì tụng tiếp bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi Thiên Tào,...) vì
sợ e cho vong hồn hoặc là người không tu mà Hội Thánh mới độ hồn, hoặc là đạo
hữu phạm thệ mà đi xuống cõi Phong đô, nên trước phải tụng bài Kinh Cầu siêu
(Ðầu vọng bái Tây phương Phật Tổ,....) hầu cho vong hồn hồi dương đặng rồi thì
tụng tiếp bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi Thiên Tào,...) đặng vong
hồn hưởng phép siêu thăng tịnh độ.
Phải tụng xen kẽ như vậy cho đủ 3 lần. Khi dứt, niệm
Câu Chú của Thầy 3 lần."
Câu 1-2: "Ðầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ,"
"A-Di-Ðà Phật độ
chúng dân."
Ðầu vọng bái: Ðầu là cái
đầu, vọng là trông ngóng, bái là lạy. Ðầu vọng bái là cúi đầu cầu khẩn lạy
xuống.
Tây Phương: Hướng Tây, chỉ
cõi CLTG ở về hướng Tây. Phật Tổ: Ðức Phật Thích Ca sáng lập Phật giáo và làm
Tổ Sư Phật giáo, nên gọi Ðức Thích Ca là Phật Tổ.
A-Di-Ðà Phật: Phiên âm từ
tiếng Phạn: AMITABHA, dịch là Vô Lượng Quang Phật hay Vô Lượng Thọ Phật. Trong
thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật A-Di-Ðà làm Chưởng giáo CLTG. Nay là thời TKPÐ,
Ngài giao quyền lại cho Ðức Di-Lạc Vương Phật làm Chưởng giáo CLTG, và Ðức
A-Di-Ðà vào ngự nơi Lôi Âm Tự. Ðộ: Cứu giúp. Chúng dân: Dân chúng, chỉ chung
nhơn sanh hay nhơn loại.
C.1-2: "Cúi đầu cầu khẩn lạy Ðức Phật Tổ và
Ðức Phật A-Di-Ðà ở cõi CLTG, xin cứu giúp nhơn sanh."
Câu 3-4: "Quan Thế Âm lân mẫn ân cần,"
"Vớt lê thứ khổ trần đọa lạc."
Quan Thế Âm: Quan Thế Âm
Bồ Tát, còn gọi là Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Như Lai, Quán Thế Âm Phật.
Ðối với Phật giáo Tây
Tạng, Quán Thế Âm Phật là một vị Phật Nam, hộ trợ xứ Tây Tạng. Dân chúng Tây
Tạng đều tin rằng, Ngài chuyển hóa vào thân Ðức Vua Ðạt Lai Lạt Ma, cai trị xứ
Tây Tạng, nên họ xem Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là vị Phật Sống của họ. Ðức Quan Thế Âm
có một hiện thân gồm 11 cái mặt, 1000 cánh tay, 1000 con mắt và có 108 hồng
danh.
Ở nước Trung Hoa và Việt
Nam, Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Phật Nữ, do 2 truyện tích: Quan Âm Thị Kính
và Công Chúa Diệu Thiện.
Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát đã
đắc quả Phật, nhưng Ngài đại nguyện xuống cõi Ta Bà cứu khổ cứu nạn chúng sanh,
nên Ngài vẫn mang danh Bồ Tát. Bất cứ hạng nào trong chúng sanh, khi bị quá sức
đau khổ, hay bị lâm nguy tánh mạng, như gặp phải nạn lửa cháy, chìm tàu, oan ức
tù đày, ... , nếu thành tâm niệm danh hiệu cầu cứu Ngài, hoặc tụng bài Kinh Cứu
Khổ, thì Ngài liền hiện thân tới cứu giúp.
Trong ÐÐTKPÐ, Ðức Quan Thế
Âm Bồ Tát vâng lịnh Ðức Chí Tôn làm Ðệ nhị Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Phật
giáo, nêu cao gương từ bi bác ái tế độ của Phật.
Lân mẫn: Lân là thương
xót, mẫn là lo lắng. Lân mẫn là thương xót và lo lắng giúp đỡ. Ân cần: Săn sóc
đầy đủ với lòng thương mến.
Vớt: Cứu vớt. Lê thứ: Dân
đen, dân chúng nghèo khổ. Lê là màu đen, thứ là nhiều. Khổ trần: Những nỗi đau
khổ nơi cõi trần. Ðọa lạc: Phạt rơi xuống chỗ thấp kém, tối tăm, khổ sở. Ðọa là
bị phạt xuống chỗ tối tăm khổ sở, lạc là rơi rụng.
C.3-4: "Cúi đầu cầu khẩn lạy Ðức Quan Thế Âm
Bồ Tát, xin thương xót, lo lắng ân cần cứu vớt dân chúng nghèo khổ đang bị đày
đọa khổ sở nơi cõi trần."
Câu 5-6: "Ðại Thánh Ðịa Tạng Vương Bồ Tát,"
"Bố từ bi tế bạt
vong hồn."
Ðại Thánh: Bực Thánh lớn.
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát: Phật hiệu nầy có ý nghĩa như sau: Ðịa là đất, Tạng là
chứa, đất chứa và chở muôn vật, vì Ngài có lập nguyện độ vô số chúng sanh ở
hằng hà sa số thế giới, không một chúng sanh nào ra khỏi tự tâm của Ngài. Ngài
lại còn Ðại nguyện: Ðịa ngục mà còn chúng sanh thì Ngài chưa chịu thành Phật.
Do lời Ðại nguyện nầy, Ðức
Chí Tôn phong Ngài làm U Minh Giáo chủ (hay Phong Ðô Ðại Ðế), cai quản cõi U
Minh Ðịa phủ (cũng gọi là cõi Phong Ðô). Thời TKPÐ, Ðức Chí Tôn đại khai ân xá,
giải tán Ðịa ngục, phóng thích các tội hồn, cho đi đầu thai trả quả. Ðức Chí
Tôn lập ra một cõi mới là cõi Âm Quang để các linh hồn tội lỗi đến đó xét mình
và học Ðạo, nhận biết lỗi lầm của mình mà ăn năn sám hối, cầu khẩn Ðức Chí Tôn
cứu rỗi. Do đó, Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát trở thành Giáo chủ cõi Âm Quang, giáo
hóa các Nam tội hồn; còn các Nữ tội hồn thì có Thất Nương DTC đến giáo hóa.
Bố: Bày ra, cho. Từ bi:
Lòng thương yêu chúng sanh và lúc nào cũng muốn giúp chúng sanh thoát khổ. Tế:
Giúp đỡ. Bạt: Nhảy qua, vượt qua. Vong hồn: Linh hồn người chết.
C.5-6: "Ðức Ðại Thánh Ðịa Tạng Vương Bồ Tát mở
lòng từ bi cứu giúp các vong hồn vượt qua biển khổ."
Câu 7-8: "Cứu khổ nàn Thái Ất Thiên Tôn,"
"Miền Âm cảnh
ngục môn khai giải."
Khổ nàn: Khổ nạn, tai nạn
khổ sở. Miền Âm cảnh: Cõi Âm phủ, cõi Ðịa ngục. Ngục môn: Cửa ngục. Giải: Cởi
bỏ.
C.7-8: "Xin Ðức Thái Ất Thiên Tôn cứu giúp các
tai nạn khổ sở, xin khai mở và bỏ đi các cửa ngục nơi cõi Âm phủ."
Câu 9-10: "Ơn Ðông Nhạc Ðế
Quân quảng đại,"
"Ðộ kẻ lành chế
cải tai ương."
Ðông Nhạc Ðế Quân: Vị Thần
làm đầu Ngũ Nhạc, cai trị phần hồn của nhơn loại. Tương truyền, ai mới thác
xuống, linh hồn phải đến cho Thần Ðông Nhạc tra xét tội phước, rồi đến lúc đi
đầu thai, cũng phải đến cho Thần Ðông Nhạc liệu định đường luân hồi.
Theo truyện Phong Thần, 5
vị Thần Ngũ Nhạc chia ra ở trên 5 hòn núi theo 4 hướng: Ðông, Tây, Nam, Bắc và
ở Trung ương, kể ra:
Hoàng Phi Hổ: Ðông Nhạc
Thái Sơn, Tề Thiên Nhân Thánh Ðại Ðế, làm đầu Ngũ Nhạc.
Sùng Hắc Hổ: Nam Nhạc Hành
Sơn, Tư Thiên Chiêu Thánh Ðại Ðế.
Thôi Anh: Bắc Nhạc Hằng
Sơn, An Thiên Huyền Thánh Ðại Ðế.
Tưởng Hùng: Tây Nhạc Hoa
Sơn, Kim Thiên Thư Thánh Ðại Ðế.
Văn Sính: Trung Nhạc Tung
Sơn, Trung Thiên Sùng Thánh Ðại Ðế.
Năm vị Thần Ngũ Nhạc có
bổn phận xem xét họa phước cho dân.
Quảng đại: Lòng dạ bao la
rộng rãi.
Ðộ: Cứu giúp. Chế cải: Sửa
đổi cái cũ để làm ra cái mới. Tai ương: Ðiều hại lớn. Tai là điều hại lớn, ương
là xấu.
C.9-10: "Ðông Nhạc Ðế Quân có lòng rộng rãi,
ban ơn cứu giúp người lành và sửa đổi cho bớt tai ương."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh Lễ 1952, Kinh TÐ-TÐ 1936, 68, 74, 75: ...... quảng đại. Ðộ kẻ lành .....
*
Kinh Nhựt Tụng Minh Lý Ðạo 1973: ...... khoan đại. Hộ kẻ lành .....
Khoan
đại đồng nghĩa Quảng đại. Ðộ là cứu giúp. Hộ là che chở, giữ gìn.
Xét trên ý nghĩa của câu kinh 10, dùng chữ:
"Hộ kẻ lành" thì đúng hơn là "Ðộ kẻ lành", bởi vì người lành rồi thì không cần độ nữa, mà chỉ cần hộ trì cho họ
được lành mãi. Còn độ là độ kẻ chưa lành, độ kẻ tội lỗi, cho họ trở nên lành.
Ðức Chí Tôn có nói rằng: "Thầy lại nói,
buổi lập Thánh đạo, Thầy đến để độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi,
đâu đến nhọc công Thầy." (TNHT. I. 44)
Câu 11-12: "Chốn Dạ đài Thập Ðiện Từ Vương,"
"Thấy hình khổ
lòng thương thảm thiết."
Dạ đài: Lầu đài ban đêm,
tức là lầu đài cung điện nơi cõi Âm phủ. Dạ là đêm thuộc về Âm, đài là lầu đài.
Thập Ðiện Từ Vương: 10 vị
vua nhơn từ cai quản 10 cửa ngục nơi cõi Âm phủ, thường gọi là Thập Ðiện Diêm
Vương, dưới quyền của Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
Thập Ðiện Diêm Vương gồm
10 vị, kể ra sau đây :
Nhứt Ðiện: Tần Quảng Vương
cầm sổ sống chết.
Nhị Ðiện: Sở Giang Vương
coi Ðẳng Huợt Ðại Ðịa ngục.
Tam Ðiện: Tống Ðế Vương
coi Hắc Thắng Ðại Ðịa ngục.
Tứ Ðiện: Ngũ Quan Vương
coi Chúng Hiệp Ðại Ðịa ngục.
Ngũ Ðiện: Diêm La Vương
coi Kiếu Hoán Ðại Ðịa ngục.
Lục Ðiện: Biện Thành Vương
coi Ðại Kiếu Hoán Ðại Ðịa ngục.
Thất Ðiện: Thái Sơn Vương
coi Nhiệt Não Ðại Ðịa ngục.
Bát Ðiện: Bình Ðẳng Vương
coi Ðại Nhiệt Não Ðại Ðịa ngục.
Cửu Ðiện: Ðô thị Vương coi
A-Tỳ Ðại Ðịa ngục.
Thập Ðiện: Chuyển Luân
Vương coi việc cho đi đầu thai.
C.11-12: "Nơi cõi Âm phủ, Thập Ðiện Diêm Vương
nhơn từ, thấy tội nhơn bị hình phạt khổ sở thì đem lòng thương xót thảm thiết."
Câu 13: "Giảm hình phạt, bớt đường luy tiết."
Luy tiết: Luy là sợi dây
dùng để trói kẻ có tội; tiết là sợi dây dùng để trói. Luy tiết là trói buộc kẻ
có tội, ý nói cảnh giam cầm tù tội.
C.13: "Làm cho giảm bớt những hình phạt và giảm bớt việc giam cầm tù
tội."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh Lễ 1952, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 74, 75: ... ly tiết.
*
Kinh Nhựt Tụng Minh Lý Ðạo năm 1973: ... luy tiết.
Từ ngữ "ly tiết"
không có nghĩa nào thích hợp với câu kinh nầy. Vả lại, người bình dân đọc 2 chữ
LY và LUY như cùng một âm. Do đó, câu kinh nầy phải viết là LUY TIẾT mới đúng.
Câu 14: "Xá linh quang tiêu diệt tiền khiên."
Xá: Tha cho, xá tội. Linh
quang: Ðiểm Linh quang do Ðức Chí Tôn ban cho mỗi người để làm linh hồn. Xá
linh quang: Tha thứ tội lỗi cho các linh hồn. Tiêu diệt: Làm cho mất hẳn đi.
Tiền khiên: Những lỗi lầm đã gây ra trong kiếp sống trước. Khiên là lỗi lầm,
tiền là trước.
C.14: "Tha thứ tội lỗi cho các linh hồn và tiêu diệt hết các lỗi lầm đã
gây ra trong kiếp trước."
Câu 15-16: "Ðặng nhẹ
nhàng thẳng đến Cung Tiên,"
"Nơi phước địa ở yên tu luyện."
Cung Tiên: Chỉ cõi Tiên,
cõi TLHS. Phước địa: Ðất phước, vùng đất lành và an vui. Tu luyện: Tu là sửa
đổi đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục tìm đường Thiên lý; luyện là rèn, trau
giồi cho sáng suốt. Tu mà không luyện thì chẳng khác chi một cục sắt, không rèn
giũa thì làm sao trở thành món đồ dùng hữu ích.
C.15-16: "Linh hồn được nhẹ nhàng bay thẳng lên
cõi TLHS, và ở yên nơi đất phước để lo tu luyện."
Câu 17-18: "Xin Trời Phật
chứng lòng sở nguyện,"
"Hộ thương sanh u
hiển khương ninh."
Sở nguyện: Ðiều quan trọng
mà mình mong mỏi trong lòng. Hộ: Che chở giữ gìn. Thương sanh: Những người sống
thấp kém nghèo khổ, chỉ chung nhơn sanh. Thương là màu xanh, sanh là sống.
U hiển: U là tối tăm, chỉ
cõi Âm phủ; Hiển là hiện ra rõ ràng, chỉ cõi Dương gian. U hiển là chỉ cõi Âm
phủ của người chết và cõi Dương gian của người sống. Khương ninh: Mạnh khỏe an
ổn. Khương là mạnh khỏe, ninh là an ổn.
C.17-18: "Xin Ðức Chí Tôn và chư Phật chứng điều
sở nguyện và xin gìn giữ che chở nhơn sanh ở cõi Âm cũng như ở cõi Dương được mạnh
khỏe và an ổn."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét