Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 58 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH CỨU KHỔ. Nam mô Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát, (3 lần)
Nam mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật.
Phật cáo A-Nan ngôn, thử kinh Ðại Thánh, năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai, bá nạn khổ.

Dịch nghĩa:
Xin cầu nguyện với Ðức Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát, (tụng 3 lần)
Xin cầu nguyện với Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn, trăm ngàn muôn ức Phật, vô số Phật, chư Phật có công đức nhiều không thể đo lường hết được.
Lời của Phật bảo Ông A-Nan, quyển kinh nầy của vị Ðại Thánh (Phật), có khả năng cứu khỏi ngục tù, có khả năng cứu khỏi bịnh nặng, có khả năng cứu được 3 tai họa lớn, và trăm thứ tai nạn khổ sở.

CHÚ THÍCH
Kinh Cứu Khổ là bài kinh tụng lên để cầu nguyện với Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện đến cứu khổ cứu nạn khi gặp tai nạn hiểm nghèo không phương tự giải thoát.
Nam mô: Xin cầu nguyện với. (Xem: C.1 NN).
Quảng đại: Lòng dạ rộng rãi. Linh: Thiêng liêng.
Quan Thế Âm Bồ Tát: Quan, cũng đọc là Quán: Xét thấu, xem xét rõ biết hết, Thế là cõi trần, Âm là tiếng nói, âm thinh, Bồ Tát là phẩm vị Bồ Tát. Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Nữ Bồ Tát có pháp lực vô biên, có thể hiện ra 11 cái mặt, 1000 cánh tay, 1000 con mắt, để xem xét, nghe biết tiếng kêu cứu của chúng sanh khắp nơi trên cõi trần. Hễ ai thành tâm niệm tưởng và cầu cứu đến Ngài thì Ngài liền nghe biết và hiện đến cứu giúp cho tai qua nạn khỏi. Công đức của Ngài nhiều vô kể, xứng đáng đắc thành vị Phật cao siêu, nhưng Ngài vẫn muốn làm một vị Bồ Tát để thực hành Ðại nguyện Cứu khổ Cứu nạn cho chúng sanh.

Thời ÐÐTKPÐ, Ðức Quan Âm Bồ Tát vâng lịnh Ðức Chí Tôn giữ chức Nhị Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Phật giáo.

Bá thiên vạn ức: Trăm, ngàn, muôn, 10 muôn, chỉ một số lượng nhiều lắm, không đếm hết được.
Hằng hà sa số: Nghĩa đen là: Số cát sông Hằng bên Ấn Ðộ. Nghĩa bóng là nhiều lắm, không đếm hết được.
Vô lượng công đức: Vô lượng là không đo lường được. Vô lượng công đức là công đức nhiều đến nổi không thể đo lường hết được. Phật cáo: Ðức Phật bảo cho biết.

Phật cáo A-Nan ngôn: Lời của Phật bảo Ông A-Nan.
A-Nan: Tiếng Phạn là Ananda. Ông A-Nan là 1 trong 10 Ðại đệ tử của Ðức Phật Thích Ca, sau được Nhứt Tổ Ma-Ha Ca-Diếp truyền Y Bát để làm Nhị Tổ Phật giáo Ấn Ðộ.

Ông A-Nan nổi tiếng là người đa văn quảng kiến và có một trí nhớ tuyệt vời. Khi Ðức Phật Thích Ca thuyết pháp, ông chú ý lắng nghe và nhớ được tất cả, có thể lập lại lời Phật mà không sai một tiếng. Do đó, sau khi Ðức Phật tịch diệt, trong Ðại Hội 500 A-La-Hán kết tập kinh điển lần thứ nhứt, ông A-Nan lên diễn đàn đọc lại tất cả lời Phật dạy một cách trung thực, ghi chép lại thành Kinh Tạng của Phật giáo.

Trong các ngôi chùa VN, trên điện thờ Phật, có đặt tượng ông A-Nan bên trái, biểu tượng bậc Thánh xem xét hư thực đúng sai trong các việc tổ chức đàn chay tại chùa.

Thử: Nầy, ấy. Thử kinh: Kinh nầy.
Ðại Thánh: Bực Thánh lớn. Từ ngữ nầy dùng để gọi: bực Phật, bực Ðại Tiên. Trong các bài Kinh PG, TG, NG, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ, Ðức Khổng Tử đều được gọi là Ðại Thánh. Ở đây, Ðại Thánh là chỉ Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát. Năng cứu: Có khả năng cứu giúp.
Trọng bịnh: Bịnh nặng. Tam tai: 3 thứ tai họa lớn, gồm: Hoả tai, Thủy tai, Phong tai. Bá nạn khổ: Trăm nạn khổ.
Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn, tụng đắc nhứt vạn biến, hiệp gia ly khổ nạn.
Nam mô Phật lực oai, Nam mô Phật lực hộ, sử nhơn vô ác tâm, linh nhơn thân đắc độ.
Hồi Quang Bồ Tát, Hồi Thiện Bồ Tát, A-Nậu Ðại Thiên Vương Chánh Ðiện Bồ Tát, Ma Kheo Ma Kheo, Thanh Tịnh Tỳ Kheo, quan sự đắc tán, tụng sự đắc hưu.

Chư Ðại Bồ Tát, Ngũ Bá A La Hớn, cứu hộ ... ...(1)... ... ly khổ nạn.
(1) * Nếu Cầu Bịnh thì đọc là: "đệ tử .(họ tên của bệnh nhân). nhứt thân"
* Nếu cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ thì đọc là: "Cửu Huyền Thất Tổ thoát"
* Nếu tụng Cầu An thì đọc là: "Chúng sanh thoát"

Dịch nghĩa:
Nếu như có người tụng được một ngàn biến kinh thì một mình lìa xa tai nạn khổ sở; tụng được một vạn biến kinh thì trọn nhà lìa xa tai nạn khổ sở.

Xin cầu nguyện với oai lực của Phật, xin cầu nguyện với sức hộ trì của Phật, làm cho tâm con người không còn ác, khiến cho con người thân được độ.

Hồi Quang Bồ Tát, Hồi Thiện Bồ Tát, A Nậu Ðại Thiên Vương Chánh Ðiện Bồ Tát, chư Ðại Tỳ Kheo, Thanh Tịnh Tỳ Kheo, việc phiền phức ở cửa quan được tiêu tan, việc thưa kiện được bãi bỏ.

Chư vị Ðại Bồ Tát, năm trăm vị Thánh A-La-Hán cứu giúp che chở ... ...(1)... ... lìa xa các tai nạn khổ sở.

CHÚ THÍCH
Nhược: Nếu như. Hữu: Có. Nhơn: Người. Tụng: Tụng kinh. Ðắc: Ðược. Nhứt thiên: Một ngàn (1000).
Biến: Một lượt. Một biến kinh là tụng một lượt kinh.
Nhứt thiên biến: Tụng bài kinh 1000 lần.
Tụng đắc nhứt vạn biến: Tụng được một vạn lần bài kinh nầy. Nhứt thân: Một tấm thân.
Ly khổ nạn: Lìa xa tai nạn khổ sở.

Hiệp gia: Hiệp là gộp cả, gia là nhà. Hiệp gia là cả nhà, trọn nhà, nghĩa là tất cả những người trong một nhà.
Phật lực oai: Cái sức mạnh oai quyền của Phật.
Phật lực hộ: Cái sức hộ trì (che chở) của Phật.
Sử nhơn: Sử là sai khiến, làm cho. Sử nhơn là sai khiến người, làm cho người. Vô ác tâm: Cái tâm không ác.
Linh nhơn: Linh là khiến cho. Linh nhơn là khiến cho người. Thân: Tấm thân, thân mình. Ðắc độ: Ðược cứu giúp.
Ðường thi: "Bất tri can đảm hưng thùy thị,"
"Linh nhơn khước ức Bình Nguyên Quân."
Nghĩa là: "Chẳng biết gan mật cùng ai tỏ,"
"Khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân."
Hồi: Trở về. Hồi quang: Ánh sáng phản chiếu trở lại.

Hồi thiện: Trở về điều lành.
A-Nậu: Nói đầy đủ là A-Nậu-Ða-La, do phiên âm từ tiếng Phạn: Anouttara, nghĩa là Vô Thượng, cao hơn hết.
Ma Kheo: Nói tắt của từ ngữ: Ma-ha Tỳ-kheo. Ma-ha là đại, lớn. Ma Kheo là vị Ðại Tỳ Kheo.
Tỳ Kheo: Tiếng Phạn là Bhiksu, phiên âm ra là: Bật-sô hay Tỳ Kheo. Ðó là nhà sư Phật giáo giữ hạnh thanh tịnh và giữ 250 điều giới luật. Từ ngữ Tỳ Kheo có 4 nghĩa: - Tịnh khất thực, - Phá phiền não, - Tịnh trì giới, - Năng bố ma (có sức làm cho tà ma sợ sệt). Phụ nữ xuất gia tu theo hạnh Tỳ Kheo được gọi là Tỳ Kheo Ni. Thanh tịnh: Hoàn toàn trong sạch. Thanh và tịnh đều có nghĩa là trong sạch.

Quan sự: Việc quan, những việc rắc rối của dân đem đến công đường nhờ quan giải quyết hay phân xử.
Ðắc tán: Ðược tiêu tan hết. Tụng sự: Việc thưa kiện. Tụng là thưa kiện. Ðắc hưu: Ðược bãi bỏ. Hưu là thôi, bỏ.

Ngũ bá A-La-Hớn: 500 vị A-La-Hán.
A-La-Hớn: hay A-La-Hán, nói tắt là La-Hán, do tiếng Phạn là Arahat, có nghĩa là: dứt phiền não, dứt sạch lỗi lầm, chẳng còn sanh ra ở cõi thế gian nữa. Ðó là phẩm Thánh thứ 4 của Phật giáo. Muốn thành Bồ Tát, phải đắc La Hán trước.

Khi Ðức Phật Thích Ca còn sống, Ngài chỉ thuyết pháp chớ không viết sách. Sau khi Ngài mất, Nhứt Tổ Ma-ha Ca- Diếp họp Ðại hội 500 Thánh tăng học rộng, hiểu sâu, giới đức đầy đủ, đắc quả A-La-Hán, họp tại động Tất-Ba-La, gần thành Vương Xá, cử hành lễ kết tập kinh điển lần đầu tiên, tạo thành 3 Tạng kinh: Kinh, Luật, Luận. Ðó là 500 vị A-La-Hán đầu tiên của Phật giáo.
Tự ngôn Quan Thế Âm anh lạc bất tu giải, cần đọc thiên vạn biến, tai nạn tự nhiên đắc giải thoát.
Tín thọ phụng hành, tức thuyết Chơn ngôn viết:

Kim-Ba Kim-Ba-Ðế, Cầu-Ha Cầu-Ha-Ðế,
Ða-La-Ni-Ðế, Ni-Ha-La-Ðế,
Tì-Lê-Ni-Ðế, Ma-Ha-Dà-Ðế,
Chơn-Lăng-Càn-Ðế, Ta-Bà-Ha.

(Tụng xong KCK 3 lần rồi niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)

Dịch nghĩa:
Lời nói của Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát tự nó trong sáng an vui, không cần phải giải thích thêm, siêng năng tụng ngàn muôn lần bài kinh, thì tai nạn tự nhiên được giải thoát.

Hãy tin theo, nhận lãnh và vâng lịnh thi hành, liền nói rõ câu Thần Chú là: Kim-Ba Kim-Ba-Ðế, ....v.v...Ta-Bà-Ha.

CHÚ THÍCH
Tự: Chính mình. Ngôn: Lời nói. Tự ngôn Quan Thế Âm: Tự lời nói ấy của Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Anh lạc: Anh là trong sáng như ngọc, lạc là vui. Anh lạc là trong sáng an vui.
Bất tu giải: Bất là không, tu là cần thiết, giải là giải thích cho rõ ra. Bất tu giải là không cần thiết phải giải thích.
Cần đọc: Cần là siêng năng, đọc là tụng kinh.
Thiên vạn biến: Ngàn muôn biến kinh. Biến là một lựợt kinh. Tự nhiên: Tự nó như thế. Ðắc: Ðược.
Tín thọ phụng hành: Tín là tin theo, Thọ là nhận lãnh, Phụng là vâng theo, Hành là làm. Tín thọ là tin theo và thọ lãnh giáo pháp mà mình nghe được. Phụng hành là vâng lịnh thi hành. Tín thọ phụng hành là tin theo và thọ lãnh giáo pháp mà mình đã nghe Phật thuyết pháp, rồi vâng lịnh thi hành đúng như lời Phật dạy. Thành ngữ "Tín thọ phụng hành" thường đặt ở sau chót của mỗi bài kinh mà Phật giảng thuyết.
Tức thuyết: Tức là liền ngay, thuyết là giảng rõ ra. Tức thuyết là liền giảng rõ ra. Viết: Nói rằng.
Chơn ngôn: Chơn là thật, ngôn là lời nói. Tiếng Phạn: Ðà-La-Ni (D'hârani) được người Tàu dịch ra là: Chơn ngôn, Thần chú, nghĩa là: những câu huyền bí có tác dụng rất linh diệu khi nhà đạo đọc ra, vừa đọc vừa bắt ấn. Những vị đạt được Chơn truyền, trong khi vừa bắt ấn vừa niệm Thần chú thì tâm của họ nhập cảnh Phật, đồng hóa với Phật.

Các Câu Chơn ngôn hay Thần chú đều bằng tiếng Phạn, và là mật ngữ, ý nghĩa rất bí mật, không thể giải thích bằng văn tự, nhưng khi đọc lên, âm ba phát ra có tác dụng rất huyền diệu về phương diện thiêng liêng vô hình, như: Trừ tà, giải bịnh, được sức hộ trì của chư Phật.
Các câu Chơn Ngôn hay Thần Chú thường có 3 chữ cuối cùng là: Ta-Bà-Ha. Ta-Bà-Ha có nghĩa là: thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, kính Phật chứng minh.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét