Kinh Nhập Hội (Giọng
Nam xuân)
1. "Trên Bạch Ngọc Chí Tôn cao ngự,
2. Giữa Tây phương
nắm giữ Thiên điều.
3. Dưới Ngọc Hư kể bao nhiêu,
4. Thiêng liêng các Ðấng lập triều trị dân.
5. Một nuôi nấng tinh thần tinh khiết.
6. Hai dạy răn cho biết tội tình.
7. Ba lo trị thế thái bình.
8. Cộng chung pháp luật Thiên đình chí công.
9. Các con vốn trong vòng Thánh thể.
10. Phép
tu vi là kế tu hành.
11. Mở
đường tích cực oai linh,
12. Cậy
phương thuyết giáo vẽ thành Kinh chơn.
13. Ðại Từ Phụ ra ơn dìu dẫn,
14. Diệt trí phàm: hờn giận, ghét ganh.
15. Ðể tâm dưới ánh Chí Linh,
16. Soi tường chơn lý, chỉ rành chánh văn.
17. Cơ chuyển thế khó khăn lắm nỗi,
18. Mượn Thánh ân xây đổi cơ đời.
19. Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời,
20. Câu kinh Vô tự độ người thiện duyên.
21. Nguyện Ơn Trên cho yên trí não,
22. Nguyện Phật Tiên dạy bảo chơn linh.
23. Mang danh Hội Thánh đã đành,
24. Nâng tay nhục thể xây hình Chí Tôn."
(Niệm 1 lần Câu
Chú của Thầy)
GIẢI NGHĨA
Nhập hội: Nhập là vào, Hội
là nhiều người tụ họp lại để bàn luận những vấn đề quan trọng, biểu quyết lấy ý
kiến chung. Nhập Hội là vào Hội nghị.
Kinh Nhập Hội là bài Kinh
để tất cả thành viên trong Hội Nghị đứng lên tụng trước khi bắt đầu cuộc Hội để
cầu nguyện cuộc hội tiến triển tốt đẹp, đúng theo Luật Ðạo và thành công.
Câu 1-2: "Trên Bạch Ngọc Chí Tôn cao ngự,"
"Giữa Tây phương nắm giữ Thiên điều."
Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh,
nơi ngự của Ðức Chí Tôn.
Chí Tôn cao ngự: Ðức Chí
Tôn ngồi ở trên cao.
Tây phương: Cõi CLTG ở về
hướng Tây, là cõi của chư Phật. Thiên điều: Các điều luật pháp của Trời. Thiên
điều được chép trong Thiên Thơ. Thiên điều do các Ðấng Tiên Phật họp Hội Nghị
tại Ngọc Hư Cung lập ra để điều hành sự vận chuyển trong CKVT và sự tiến hóa
của vạn linh.
C.1-2: "Ở trên hết là Bạch Ngọc Kinh, có Ðức
Chí Tôn ngự trên cao. Ở giữa là cõi Tây phương CLTG có chư Phật nắm giữ Thiên
điều."
Câu 3-4: "Dưới Ngọc Hư kể bao nhiêu,"
"Thiêng liêng các Ðấng lập triều trị dân."
Ngọc Hư: Ngọc Hư Cung, ở
từng Trời Hư Vô Thiên.
Lập triều trị dân: Thành
lập triều đình cai trị toàn cả CKTG và chúng sanh. Chữ Dân ở đây, chúng ta phải
hiểu theo nghĩa rộng là toàn cả chúng sanh.
C.3-4: "Ở phía dưới thì có Ngọc Hư Cung, các
Ðấng TL họp thành triều đình để cai trị chúng sanh trong toàn cả CKTG."
Câu 5: "Một nuôi nấng
tinh thần tinh khiết."
Tinh thần: Phần sáng suốt
trong con người để hiểu biết và phân biệt lẽ phải trái. Do đó, tinh thần chính
là Chơn thần của con người. Tinh khiết: Trong sạch.
Tinh thần tinh khiết: Chơn
thần trong sạch. Một Chơn thần trong sạch khi ở trong một xác thân trong sạch.
Muốn xác thân trong sạch thì phải: "Ẩm
thực tinh khiết, Tư tưởng tinh khiết, Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn, Phật
Mẫu."
C.5: "Nhiệm vụ thứ nhứt của các Ðấng TL nơi Ngọc Hư Cung là dạy nhơn
sanh biết cách nuôi nấng tinh thần tinh khiết."
Câu 6: "Hai dạy răn cho biết tội tình."
Nhiệm vụ thứ nhì là dạy
bảo và răn cấm cho biết cái nào là tội lỗi đáng bị trừng phạt.
Câu 7: "Ba lo trị thế
thái bình."
Trị thế: Thế là đời, chỉ
các cõi trần có nhơn loại ở.
Trị thế là cai trị nhơn
loại trên các cõi trần.
C.7: "Nhiệm vụ thứ ba của các Ðấng Thiêng liêng là cai trị nhơn loại
trên các cõi trần cho được thái bình."
Câu 8: "Cộng chung
pháp luật Thiên đình chí công."
Nói chung lại thì các Ðấng
Thiêng liêng nơi Ngọc Hư Cung thi hành luật pháp của Thiên đình rất công bình.
Câu 9: "Các con vốn
trong vòng Thánh thể."
Vốn: Nguyên
từ trước. Thánh thể của Ðức Chí Tôn: Những Chức sắc CTÐ từ phẩm Giáo Hữu trở lên.
C.9: "Chúng con đây, nguyên từ trước ở trong vòng Thánh thể của Ðức Chí
Tôn."
Câu 10: "Phép tu vi là kế tu hành."
Phép tu vi: Phép là cách thức, phương pháp; Tu là
sửa đổi cho tốt đẹp, tu hành; Vi là phần rất nhỏ. Phép tu vi là phương pháp sửa
đổi cho tốt đẹp từ những việc rất nhỏ nhặt.
Lưu Bị, một vị vua thời
Tam Quốc, hiệu là Hớn Chiêu Liệt, đã dạy con là Thái Tử Lưu Thiện (sau gọi là
Hậu chủ) một câu rất nổi tiếng: "Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác
tiểu nhi vi chi." Nghĩa là: Ðừng cho việc lành nhỏ mà không làm, đừng cho
việc ác nhỏ mà lại làm.
Ý nói: Thấy việc lành nhỏ,
cho rằng công đức không đáng kể nên không thèm làm. Trái lại, khi thấy việc ác
nhỏ, cho rằng tội lỗi không đáng kể nên lại làm.
Việc gì cũng vậy, luôn
luôn bắt đầu từ cái nhỏ nhặt rồi mới đến cái to lớn. Ðối với người tu hành,
phải bắt đầu tập làm các việc lành nhỏ, thí dụ: lượm miểng chai, đinh nhọn,
chông gai rơi trên đường đi; nhường ghế cho cụ già; đưa người tàn tật qua
đường,... và tránh làm các điều ác nhỏ, thí dụ: bẻ một cành hoa đẹp nơi công
viên, giết một con kiến, con dế,...
C.10: "Cách thức sửa đổi cho tốt đẹp từ những việc nhỏ. Ấy là kế hoạch
tốt nhứt của người tu hành."
Câu 11-12: "Mở đường tích
cực oai linh,"
"Cậy phương thuyết giáo vẽ thành Kinh chơn."
Tích cực: Nghiêng về mặt
hành động để đạt được những kết quả cụ thể. Oai linh: Oai nghiêm thiêng liêng.
Thuyết giáo: Thuyết giảng
giáo lý. Kinh chơn: Quyển kinh chép lại đúng y lời giảng dạy của chư Tiên,
Phật.
C.11-12: "Mở ra con đường tích cực và oai linh.
Nhờ vào phương cách thuyết giảng giáo lý, diễn tả ra được Chơn lý, nên tạo
thành các quyển Chơn Kinh."
Ðức Phật Thích Ca, lúc còn
sanh tiền, Ngài chỉ thuyết giảng giáo lý mà Ngài đã chứng ngộ được, chớ Ngài
không hề cầm bút viết ra một quyển kinh sách nào. Sau khi Ngài tịch, các Ðại Ðệ
tử của Ngài họp nhau lại, tạo thành các buổi kết tập kinh điển, đọc lại các lời
giảng dạy của Phật, ghi chép thành Tam Tạng Kinh, truyền lại đến ngày nay.
Câu 13-14: "Ðại Từ Phụ ra
ơn dìu dẫn,"
"Diệt trí phàm: hờn giận, ghét ganh."
Trí phàm: Cái trí não suy
nghĩ hiểu biết còn thấp kém.
Trong mỗi con người đều có
2 phần tương đối trái ngược nhau là: Chánh, Tà; Thánh, Phàm; Phật, Ma. Một bên
có khuynh hướng kéo con người đi lên chỗ cao thượng, một bên thì muốn kéo con
người đi xuống chỗ thấp kém tối tăm.
Diệt trí phàm là tiêu diệt
cái phần phàm của trí não để phần Thánh trí hiện rõ ra, đưa con người lên chỗ
cao thượng.
C.13-14: "Xin Ðức Chí Tôn ban ơn dìu dẫn chúng
con, giúp chúng con tiêu diệt những sự giận hờn, ganh ghét trong cái phần phàm
tục của trí não."
Câu 15-16: "Ðể tâm dưới
ánh Chí Linh,"
"Soi tường chơn lý, chỉ rành chánh văn."
Tâm: Chữ Tâm ở đây lấy
theo nghĩa bên Phật giáo, là phần vô hình tinh thông linh diệu của con người,
mà nếu phân tách ra thì Tâm gồm: Chơn linh và Chơn thần của con người.
Ánh Chí Linh là ánh sáng
của Ðức Chí Tôn.
Soi tường: Soi rọi rõ ràng. Chơn lý: Cái lẽ chơn thật không biến
đổi theo thời gian và không gian (Bất biến).
Chánh văn: Văn chương có ý
nghĩa ngay thẳng, diễn tả những điều chơn thực, đúng đắn.
C.15-16: "Ðặt cái Tâm dưới ánh sáng thiêng liêng của Ðức Chí Tôn
để nhờ ánh sáng ấy soi rọi cho rõ ràng cái Chơn lý bất biến, và chỉ rõ cái văn
chương chơn chánh."
Câu 17-18: "Cơ chuyển thế
khó khăn lắm nỗi,"
"Mượn Thánh ân xây đổi cơ đời."
Chuyển thế: Làm cho đời
biến đổi từ xấu thành tốt.
Cơ Chuyển thế: Cơ quan có
nhiệm vụ làm cho Ðời biến đổi từ xấu thành tốt. Ðức Chí Tôn lập Ðạo Cao Ðài là
mở ra một Cơ quan Chuyển thế, với chủ trương NHO TÔNG CHUYỂN THẾ, nghĩa là dùng
tinh hoa giáo lý Nho giáo để dạy dỗ nhơn sanh, làm cho cuộc đời hung bạo hiện
nay sẽ trở nên thuần lương đạo đức. Thánh ân: Ơn huệ của Ðức Chí Tôn.
Xây đổi: Xoay chuyển làm
cho thay đổi. Cơ đời: Bộ máy của đời. Bộ máy nầy đang hoạt động mạnh mẽ, đưa
nhơn loại vào vòng tranh đấu khốc liệt, đi đến chỗ diệt vong.
C.17-18: "Cơ quan Chuyển thế của Ðức Chí Tôn
trong lúc nầy gặp rất nhiều nỗi khó khăn. Nhờ ơn huệ của Ðức Chí Tôn mà xoay
chuyển được Cơ Ðời, cứu nhơn loại thoát khỏi nạn tiêu diệt."
Câu 19-20: "Thuận nhơn
tâm ắt thuận Trời,"
"Câu kinh Vô tự độ người thiện duyên."
Nhơn tâm: Lòng người.
Thiện duyên: Duyên lành.
Thuận nhơn Tâm ắt thuận
Trời, là bởi vì Ý dân là Ý Trời, thuận theo lòng dân thì hạp lòng Trời, cho nên
Quyền Vạn Linh mới đối lại được với Quyền của Ðức Chí Tôn.
Câu Kinh Vô tự: Câu Kinh
không chữ. Trong trường hợp nầy, chúng ta có thể hiểu Câu Kinh Vô tự như sau:
Muốn cảm hóa người thì
chúng ta phải nói Ðạo cho họ nghe mà biết Ðạo, biết lẽ chánh lẽ tà, biết con
đường tốt đẹp nên theo. Muốn nói Ðạo cho hiệu quả thì chúng ta phải học thuộc
Thánh Ngôn Thánh giáo, Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, nghiên cữu kỹ lưỡng Giáo lý
và Triết lý của Ðạo, học cho nhập tâm, rồi mới nói ra bằng lời Thuyết đạo.
Ðức Chí Tôn có nói:
"Dầu cho sắt đá cỏ cây mà nghe Thánh ngôn của Thầy nơi con nói ra cũng
hoan nghinh, huống lựa là người."
Vậy chúng ta có thể xem
Lời Thuyết đạo như là những Câu Kinh Vô tự. Dầu cho người dốt nát, không biết
chữ nghe cũng hiểu được.
Xưa kia, Ðức Lục Tổ Huệ
Năng của Phật giáo Trung Hoa, là người hoàn toàn không biết chữ, nhưng khi nghe
người ta tụng Kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ Tâm."
thì Ngài liền phát ngộ, rồi lập chí đi tìm Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn mà thọ truyền Tâm
pháp.
C. 19-20: "Thuận lòng người thì ắt thuận lẽ Trời."
Những lời thuyết đạo có
thể làm giác ngộ những người có duyên lành.
Câu 21-22: "Nguyện Ơn
Trên cho yên trí não,"
"Nguyện Phật Tiên dạy bảo chơn linh."
Xin cầu nguyện với Ðức Chí
Tôn và các Ðấng Thiêng liêng giúp cho trí não được an ổn. Xin cầu nguyện chư
Phật chư Tiên dạy bảo chơn linh của chúng con.
Câu 23-24: "Mang danh Hội Thánh đã đành,"
"Nâng tay nhục thể xây hình Chí Tôn."
Mang danh: Có được cái
danh. Hội Thánh: Một tập thể gồm các Chức sắc vào hàng Thánh đổ lên, tức là từ
phẩm Giáo Hữu (đối phẩm Ðịa Thánh) hoặc tương đương đổ lên.
Mang danh Hội Thánh đã
đành: Ðã đành mang danh là Chức sắc của Hội Thánh. (Bởi vì phần trên có câu:
Các con vốn trong vòng Thánh thể nghĩa là Chúng con vốn là Chức sắc của Hội
Thánh). Nhục thể: Thể xác phàm bằng xương thịt.
Hình Chí Tôn: Hình thể của
Ðức Chí Tôn tại thế, đó là Hội Thánh CTÐ. (Xem lại C.9 ở trên)
Nâng tay nhục thể xây hình
Chí Tôn: Ý nói dùng đôi cánh tay của thể xác phàm để xây dựng Hội Thánh.
C.23-24: "Ðã đành mang danh là Chức sắc của Hội
Thánh, thì phải dùng đôi tay phàm ra sức xây dựng Hội Thánh."
KHẢO
DỊ:
-
Kinh TÐ-TÐ 1936: Mạng danh.
- Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974,
1975: Mang danh.
Mạng danh: Mệnh danh: gọi tên là, gọi là. Thí
dụ: Thầy giáo được mệnh danh là Kỹ sư tâm hồn.
Mạng danh Hội Thánh đã
đành: Ðã đành gọi là Hội Thánh.
Cùng đọc một âm đó, nhưng
nếu viết là: Mạn danh, thì có nghĩa là: Mượn danh. Mạn là mượn. Mạn phép là
mượn phép.
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét