KINH KHI ÐÃ CHẾT
RỒI (Giọng Nam ai)
1. "Ba mươi sáu cõi Thiên tào,
2. Nhập
trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư.
3. Quê xưa trở, cõi đọa từ.
4. Ðoạt cơ thoát tục, bấy chừ tuyệt luân.
5. Dưới Chín lớp Liên thần đưa bước.
6. Trên hồng quang phủ phước tiêu diêu.
7. Linh Tiêu Ðiện bảng danh nêu,
8. Nguyên căn đẹp vẻ mỹ miều cao thăng.
9. Kinh Bạch Ngọc muôn lằn điển chiếu.
10. Kêu Chơn hồn vịn níu Chơn linh.
11. Năng lai năng khứ khinh khinh,
12. Mau như điển chiếu, nhẹ thành bóng mây.
13. Cửa Tây phương khá bay đến chốn.
14. Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu.
15. Tiên phong Phật cốt mỹ miều.
16. Vào Kinh Bạch Ngọc lễ triều Chí Linh."
(Niệm 3 lần Câu
Chú của Thầy).
GIẢI NGHĨA
Kinh Khi Ðã Chết Rồi do
Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho, dùng để tụng cho những Tín đồ khi đã
chết rồi, tụng kèm với Kinh Cầu Siêu.
Câu 1-2: "Ba mươi sáu cõi Thiên tào,"
"Nhập trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư."
Tào: Cơ quan có nhiệm vụ
chuyên môn trong Triều đình. Thiên Tào: Cơ quan có nhiệm vụ chuyên môn trong
Triều đình của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Mỗi Thiên Tào là một từng
Trời.
Ba mươi sáu cõi Thiên Tào
là 36 từng Trời, gọi là Tam thập lục Thiên. (Xem: C.18 KNHTÐ). Nhập: Ði vào.
Bát Quái: BQÐ nơi cõi thiêng liêng. Ngọc Hư: Ngọc Hư Cung.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo Con đường TLHS mô tả Bát Quái Ðài và Ngọc Hư Cung, xin chép ra sau đây :
"Ðài ấy có 8 góc, kêu là Bát Quái Ðài, không thể
gì chúng ta tả ra với lời nói đặng, bởi Ðài ấy huyền bí, biến hóa vô cùng, nó
có 8 cửa, trong 8 cửa, chúng ta ngó thấy cả Vạn linh và vật loại, các hình thể
vạn linh đều xuất hiện, hình ảnh sáng suốt hiện ra hào quang chiếu diệu. Trong
8 góc có 8 cái cầu. Lạ thay! Cầu ấy không phải bằng cây ván mà nó là 8 đạo hào
quang. Cầu ấy bắc ngang bờ. Dưới cầu ấy, chúng ta ngó thấy dường như một Bích
Hải, nước xao sóng dợn như biển sôi nổi đó vậy. Trong 8 góc, chúng ta thấy đó,
chắc cả thảy đều để ý nơi góc ta đến, thấy nhơn loại đi tới đi lui nhiều hơn
hết. Lạ thay! Cầu ấy rất huyền diệu, ai đứng lên đó được, mới biết mình nhập vô
BQÐ.
Lúc để bước lên cầu, cầu ấy chuyển đi, làm cho chúng
ta phải yếu, đi không đặng, chúng ta muốn thối bộ. Khi chơn vừa bước tới, chính
mình ta ngó thấy như mình yếu đi, nhưng người nào bước tới cũng đặng. Ði được
nửa chừng, nếu không đủ Thiên vị, hay vì tội tình oan gia nghiệt chướng chi mà
chúng ta đã đào tạo nơi mặt thế nầy, chúng ta tới nửa cầu sẽ bị lọt xuống Bích
Hải. Lọt xuống đó rồi, ta thấy hồi lúc đi, còn ở trên cầu, chúng ta thấy hình
ảnh còn đẹp đẽ tốt tươi, hễ lọt xuống Bích Hải rồi, chúng ta thấy hình thù đen
thui dị hợm lắm, ta không thể tưởng tượng, còn hơn loài mọi kia, tối đen như
vậy." (Bích Hải cũng còn được gọi là Ao Ô Trì.)
"Vậy kiếm hiểu coi BQÐ ấy là gì? Phải chăng là
Tòa Tam Giáo của Ðức Chí Tôn do Thánh Ngôn để lại. ...
Nếu chúng ta xin phép Ðức Chí Tôn vô Ðài ấy, chúng ta
biết trước là Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung. ...
Chí Tôn có BQÐ, chúng ta ở ngoài thấy mênh mông, hào
quang chiếu diệu một Tòa nhà 8 cửa. Khi chúng ta vô rồi, Ðài ấy biến mất, chỉ
còn CKVT chung quanh. Ðài ấy vẫn xây, xây mãi, mà ta biết rằng Ðài ấy là Tòa
Tam Giáo, chúng ta không thấy cái trạng thái hình thể nó ra sao. Khi chúng ta
đến, hào quang chiếu diệu xông lên như ngọn lửa vậy."
C.1-2: "Phía trên là
Tam thập lục Thiên. Vào trong BQÐ rồi mới vào được Ngọc Hư Cung."
Câu 3: "Quê xưa trở,
cõi đọa từ."
Quê xưa: Nơi mình đã được
sanh ra, lớn lên và sống ở đó nhiều năm. Quê xưa thật sự của mình là cõi TLHS.
Trở: Trở lại, trở về. Từ:
Từ bỏ, từ giã.
Cõi đọa: Cõi trần. "Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh Tiên
có lầm lỗi. Ấy là cảnh sầu để trả xong quả, hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không
xong quả, phải mất cả Chơn linh là Luân hồi, nên kẻ bị đọa trần gọi là Khách
trần." (TNHT. II. 3)
C.3: "Trở lại cõi TLHS, từ bỏ cõi trần vì nó
là cõi đọa."
Câu 4: "Ðoạt cơ thoát
tục, bấy chừ tuyệt luân."
Ðoạt cơ thoát tục: Ðoạt
đặng cơ quan giải thoát khỏi cõi trần. Tục là tầm thường thấp kém, chỉ cõi
trần.
Bấy chừ: Bấy giờ. Tuyệt:
Dứt hẳn. Luân: Luân hồi.
Tuyệt luân: Dứt hẳn luân
hồi, tức là đắc đạo.
C.4: "Ðoạt đặng cơ quan giải thoát khỏi cõi trần, tức nhiên lúc bấy giờ
dứt hẳn sự luân hồi: Ðắc đạo."
Câu 5: "Dưới Chín lớp
Liên thần đưa bước."
Chín lớp: Chín từng Trời,
tức là Cửu Trùng Thiên. (Xem: C.8 NH). Liên: Bông sen. Thần: Thiêng liêng mầu
nhiệm. Liên thần là cái bông sen mầu nhiệm, mà khi Chơn hồn bước lên đứng trên
đó thì bông sen bay lên, đưa chơn hồn đi lên các từng Trời. Ðưa bước: Ðưa đi.
C.5: "Phía
dưới Chín từng Trời, có một bông sen mầu nhiệm gọi là Liên thần, đưa chơn hồn
bay lên các từng Trời."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh Lễ 1952, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974: đưa bước.
*
Kinh TÐ-TÐ năm 1975: đưa rước.
Câu 6: "Trên hồng
quang phủ phước tiêu diêu."
Hồng quang: Ánh sáng màu
hồng. Phủ: Bao trùm xuống, bao phủ. Phước: Ðiều may mắn tốt lành.
Tiêu diêu: Tiêu là lượn
trên cao, diêu hay dao là xa xôi. Tiêu diêu là đi chơi đó đây một cách thảnh
thơi nhàn hạ.
C.6: "Trên thì có ánh sáng màu hồng bao phủ ban phước cho được thảnh
thơi nhàn hạ dạo chơi đây đó."
Câu 7-8: "Linh Tiêu Ðiện bảng danh nêu,"
"Nguyên căn đẹp
vẻ mỹ miều cao thăng."
Linh Tiêu Ðiện: Nơi Ðức
Chí Tôn họp Thiên triều. (Xem: C.2 TTCÐDTKM). Bảng danh: Tấm bảng đề tên những
người thi đậu (tức là đắc đạo). Bảng danh nêu: Nêu tên họ lên bảng cho biết đó
là những người đắc đạo trở về.
Nguyên căn: Nguyên là buổi
đầu, căn là gốc rễ. Nguyên căn là những người được sanh ra từ buổi đầu tiên,
lúc khai Thiên, được gọi là Nguyên nhân. Mỹ miều: Xinh đẹp. Cao thăng: Bay lên
cao, tức là được siêu thăng lên cõi TLHS.
C.7-8: "Nơi Linh Tiêu Ðiện, tên họ được nêu
lên bảng, đó là những nguyên nhân đắc đạo, hình dáng xinh đẹp, cao thăng lên
cõi TLHS."
Câu 9: "Kinh Bạch Ngọc muôn lằn điển chiếu."
Kinh Bạch Ngọc: Bạch Ngọc
Kinh, nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn. Lằn điển: Làn sóng điện. Chiếu: Phát ra
và rọi sáng. Muôn lằn điển chiếu là chỉ ánh hào quang phát ra vì nó giống như
các làn sóng điện. Ngày nay, khoa học cho chúng ta biết rằng, ánh sáng truyền
đi theo dạng sóng, giống y như các làn sóng điện truyền thanh hay truyền hình.
C.9: "Bạch Ngọc Kinh phát ra muôn ánh hào quang chiếu sáng chung quanh,
giống như các làn sóng điện."
Câu 10: "Kêu Chơn hồn vịn níu Chơn linh."
Chơn hồn: Chơn thần. Chúng
ta lưu ý rằng, Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn luôn luôn dùng chữ Chơn hồn để chỉ Chơn
thần. Vịn: Ðặt bàn tay tựa vào để có thế vững. Níu: Nắm chặt. Vịn níu: Dùng tay
nắm chặt. Chơn linh: Linh hồn.
C.10: "Kêu gọi Chơn thần hãy giữ chặt Chơn linh."
Câu 11-12: "Năng lai năng
khứ khinh khinh,"
"Mau như điển
chiếu, nhẹ thành bóng mây."
Năng: Chữ Hán, Năng là có
khả năng làm được việc.
Lai: Tới, đến. Khứ: Ði.
Năng lai: Có khả năng đi đến.
Khinh: Nhẹ. Khinh khinh:
Nhẹ nhàng. Mau như điển chiếu: Ði nhanh như làn sóng điện truyền đi.
C.11-12: "(Chơn hồn) có khả năng đến và đi một
cách nhẹ nhàng, nhanh như làn sóng điện, nhẹ như đám mây bay."
Câu 13: "Cửa Tây phương khá bay đến chốn."
Cửa Tây phương: Cửa đi vào
CLTG ở hướng Tây.
C.13: "Nên bay đến cửa đi vào cõi CLTG ở hướng Tây."
Câu 14: "Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu."
Trần: Bụi bặm, chỉ cõi
trần. Trần tình: Những tình cảm của con người nơi cõi trần, thường có ý chỉ các
tình cảm xấu: Nộ (Giận), Ố (Ghét), Ai (Buồn), Dục (Muốn). Những tình cảm xấu
nầy thường làm mất công đức và gây chướng ngại trên đường tu tiến, nên cần phải
diệt nó bằng cách chuyển hóa nó vào nẻo cao thượng. Tiêu diêu: (Xem C. 6).
C.14: "Tiêu diệt những tình cảm xấu để hưởng
được sự vui vẻ thảnh thơi đi chơi đây đó."
Câu 15: "Tiên phong Phật cốt mỹ miều."
Tiên phong: Dáng dấp đẹp
như Tiên. Phong là dáng dấp. Phật cốt: Cốt cách như Phật. Mỹ miều: Xinh đẹp.
C.15: "Vóc dáng như Tiên, cốt cách như Phật, thật là xinh đẹp."
Câu 16: "Vào Kinh Bạch Ngọc lễ triều Chí Linh."
Lễ triều: Lễ là lạy, triều
là chầu vua. Lễ triều là chầu lạy Ðức Chí Tôn. Chí Linh: chỉ Ðức Chí Tôn.
C.16: "Vào Bạch Ngọc Kinh để chầu lạy Ðức Chí Tôn."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét