BÀI XƯNG TỤNG CÔNG ÐỨC
PHẬT TIÊN THÁNH THẦN (Giọng Nam xuân)
1. "Hào quang chiếu chín từng mây bạc,
2. Thần Thánh Tiên thừa hạc cỡi rồng.
3. Phép
linh thiệt rất chí công,
4. Hóa
sanh muôn vật, ngưỡng trông phước
đời.
5. Trên điện ngọc, Vua Trời ngự giáng,
6. Trước đền vàng phán đoán phân minh.
7. Cõi trần, Trung giới thinh thinh,
8. Phàm gian lao khổ đao binh tai nàn.
9. Lòng Trời cảm cứu an lê thứ,
10. Ðộ
chúng sanh muôn xứ gội ơn.
11. Ðạo Nho truyền dạy nghĩa nhơn,
12. Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.
13. Ghi các sách ngàn lời để lại,
14. Chép vào thơ vạn đại truyền ra.
15. Tây phương cõi Phật chói lòa,
16. Từ bi Phật Tổ hải hà độ dân.
17. Lòng cảm xót dương trần lận đận,
18. Ra oai linh tiếp dẫn nhơn cầm.
19. Phổ Ðà có Phật Quan Âm.
20. Ra công cứu thế, ân thâm đức dày.
21. Nhiều kiếp đã đầu thai biết mấy,
22. Xuống hồng trần khuyến dạy thương sanh.
23. Lão Quân ứng hóa Tam Thanh,
24. Khuyên răn nhơn vật lòng lành chớ xao.
25. Cơ
huyền diệu Ðạo Cao minh chánh,
26. Hiển
phép mầu ma lánh quỉ kiêng.
27. Trừ yêu có Thánh Tề Thiên.
28. Qui y Phật pháp ở miền Tây phương.
29. Oai bốn hướng,Thần nhường quỉ sợ,
30. Ðức ba giềng tế trợ thương sanh.
31. Hớn Trào Quan Thánh bia danh,
32. Trung can nghĩa
khí háo sanh giúp đời.
33. Tuần ba cửa cõi Trời đều dụng,
34. Xét bốn phương dân chúng dữ
lành.
35. Linh Tiêu Thái Bạch Trường Canh,
36. Truyền tâu Ðế Khuyết dữ lành nhơn gian.
37. Chí từ huệ giúp an
lê thứ,
38. Thông rõ đời nhơn sự kiết hung.
39. Ðại Tiên ở chốn Thiên cung,
40. Lòng lành thi phú thung dung độ
người.
41. Ánh Xá lợi sáng ngời Cực Lạc.
42. Hiện kim thân Bồ Tát hóa duyên.
43. Thiên cung Tinh Tú, Thánh, Tiên,
44. Ðịa Kỳ, Thần Tướng đàn tiền giáng lâm.
45. Lòng sở vọng lâm dâm tụng niệm,
46. Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu.
47. Chúng sanh cảm đức cao sâu,
48. Rèn lòng sửa nết lo âu làm lành."
GIẢI NGHĨA
Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật
Tiên Thánh Thần gồm 48 câu thơ song thất lục bát, do Ðức Thái Thượng Lão Quân
giáng cơ ban cho 40 câu thơ đầu, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật giáng tiếp cho thêm 8 câu
chót là trọn bài, tại đàn cơ Minh Lý Ðạo vào đầu năm Ất Sửu (1925).
Thuở Khai
Ðạo, Ðức Chí Tôn dạy Phật giáo và Ngũ Chi Minh Ðạo dâng kinh cho ÐÐTKPÐ, nên
Hội Thánh đến Minh Lý thỉnh bài Kinh nầy về làm Kinh Ðạo Cao Ðài.
Câu 1-2: "Hào quang chiếu chín từng mây bạc,"
"Thần Thánh Tiên thừa hạc
cỡi rồng."
Hào quang:
Ánh sáng tỏa ra chung quanh, thấy giống như những cái lông nhọn túa
ra. Ánh sáng nầy mát dịu chớ không nóng bức như ánh sáng mặt Trời. Chín từng
mây bạc: 9 từng Trời có mây màu trắng bạc. Thừa hạc: Cỡi lên chim hạc.
C.1-2: "Ánh hào quang chiếu sáng Chín từng Trời
có mây màu trắng bạc. Chư Thần, Thánh, Tiên, Ðấng thì cỡi hạc, Ðấng thì cỡi
rồng."
Câu 3-4: "Phép linh thiệt rất chí công,"
"Hóa sanh muôn vật, ngưỡng trông phước đời."
Phép linh: Cái Pháp thiêng
liêng của Ðức Chí Tôn.
"Thầy khai Bát Quái mà tác thành CKTG nên mới gọi
là Pháp, Pháp có mới sanh ra CKVV rồi mới có người nên gọi là Tăng. Thầy là
Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo mà phục hồi các con hiệp một cùng
Thầy." (TNHT. I. 52).
C.3-4: "Cái Pháp TL của Ðức Chí Tôn rất công
bình, hóa sanh ra vạn vật, trông ngóng điều tốt lành cho cõi đời."
Câu 5-6: "Trên điện ngọc, Vua Trời ngự giáng,"
"Trước đền vàng phán đoán phân minh."
Ðiện ngọc: Cung điện bằng
ngọc, đó là Linh Tiêu Ðiện trong Ngọc Hư Cung, nơi Ðức Chí Tôn họp Thiên triều.
Vua Trời: Ðức Chí Tôn. Ngự
giáng: Ðức Chí Tôn đi xuống. Ðền vàng: Ðền của vua làm bằng vàng ròng, đó là
Huỳnh Kim Khuyết. (Xem: C.5 KNHTÐ).
C.5-6: "Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế từ
trên Linh Tiêu Ðiện đi xuống, đến trước Huỳnh Kim Khuyết xem xét công việc và
quyết đoán một cách rõ ràng."
Câu 7-8: "Cõi trần, Trung giới thinh thinh,"
"Phàm gian lao khổ đao
binh tai nàn."
Trung giới:
Trung giái, là cõi trung gian giữa Hạ giới và Thượng giới. Hạ giới là cõi
trần, Thượng giới là cõi TLHS.
Ấy là sự phân chia CKVT
làm 3 cõi giới một cách tổng quát của các Thánh Hiền xưa. Ðao binh: chỉ cảnh
chiến tranh. Ðao là cây đao, vũ khí đánh giặc thời xưa; binh là lính.
C.7-8: "Cõi trần và cõi Trung giới rộng lớn
mênh mông, nhơn loại nơi cõi trần mệt nhọc khổ sở vì chiến tranh và tai nạn."
Câu 9-10: "Lòng Trời cảm
cứu an lê thứ,"
"Ðộ chúng sanh muôn xứ gội ơn."
Cảm: Mối rung động trong lòng. Lê thứ:
Dân chúng.
C.9-10: "Tấm lòng của Ðức Thượng Ðế cảm động,
giúp đỡ dân chúng được an ổn, cứu giúp chúng sanh ở khắp nơi và ban cho nhiều ơn huệ."
Câu 11-12: "Ðạo Nho
truyền dạy nghĩa nhơn,"
"Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời."
Nghĩa Nhân: 2 điều căn bản
trong giáo lý Nho giáo. Nhân là tình thương yêu rộng lớn, nghiêng về tình cảm;
Nghĩa là việc làm chánh đáng theo lẽ phải, nghiêng về lý trí. Hai mặt Nhân và
Nghĩa cần đi liền nhau, bổ sung cho nhau. Nhân là nơi yên ổn của con người,
Nghĩa là con đường chánh của con người: Ở thì theo đạo Nhân, làm thì noi theo
đường Nghĩa.
Văn Tuyên: Văn Tuyên Vương,
tên thụy của Ðức Khổng Tử.
C.11-12: "Ðức Khổng Thánh, Giáo chủ Ðạo Nho,
truyền dạy về Nhân và Nghĩa, khuyên răn dân chúng."
Câu 13-14: "Ghi các sách ngàn lời để lại,"
"Chép vào thơ vạn đại truyền ra."
Thơ: tức là Thư: sách. Vạn
đại: Muôn đời. Ðại là đời.
C.13-14: "Các kinh sách xưa để lại, trong đó ghi
chép biết bao lời hay ý đẹp của Thánh Hiền, truyền lại muôn đời."
Câu 15-16: "Tây phương
cõi Phật chói lòa,"
"Từ bi Phật Tổ hải hà độ dân."
Tây phương cõi Phật: Cõi
CLTG là cõi của chư Phật. Phật Tổ: Ðức Phật Thích Ca. Hải hà: Hải là biển, hà
là sông. Hải hà là sông biển, ý nói lòng dạ rộng rãi như sông biển.
C.15-16: "Cõi CLTG ở hướng Tây là cõi Phật, ánh
hào quang chiếu sáng rực rỡ. Ðức Phật Thích Ca, Tổ Sư Phật giáo, có lòng từ bi
rộng lớn như sông như biển, cứu giúp dân chúng."
Câu 17-18: "Lòng cảm xót
dương trần lận đận,"
"Ra oai linh tiếp dẫn nhơn cầm."
Cảm xót: Cảm động thương
xót. Dương trần: Cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống. Nhơn cầm: Loài người và
loài chim, ý nói Chúng sanh nơi cõi trần.
C.17-18: "Lòng của Phật cảm động thương xót
chúng sanh nơi cõi trần chịu nhiều nỗi khó khăn vất vả, nên Phật dùng oai quyền
thiêng liêng để tiếp dẫn chúng sanh."
Câu 19-20: "Phổ Ðà có
Phật Quan Âm."
"Ra công cứu thế, ân thâm đức dày."
Phổ Ðà: Phổ Ðà Sơn ở biển
Nam Hải, là nơi Công Chúa Diệu Thiện tu hành đắc quả, hiệu là Quan Thế Âm Bồ
Tát. Ân thâm đức dày: Ơn đức sâu dày.
C.19-20: "Ở Phổ Ðà Sơn có Ðức Phật Quan Âm đắc
đạo, Ngài ra công cứu giúp người đời, ơn đức sâu dày."
Câu 21-22: "Nhiều kiếp đã
đầu thai biết mấy,"
"Xuống hồng trần khuyến dạy thương sanh."
Hồng trần: Bụi đỏ, chỉ cõi
trần. Thương sanh: Nhơn sanh.
C.21-22: "Ðây là nói về Ðức Phật Quan Âm, đã đầu
thai xuống cõi trần rất nhiều kiếp để khuyên dạy nhơn sanh."
Ðức Phật Quan Âm, Ngài còn
muốn làm một vị Bồ Tát để cứu độ chúng sanh, nên Ngài xưng là Quan Thế Âm Bồ
Tát, được Ðức Chí Tôn giao nhiệm vụ Nhị Trấn Oai Nghiêm của Ðạo Cao Ðài, cầm
quyền Phật giáo thời ÐÐTKPÐ.
Câu 23-24: "Lão Quân ứng
hóa Tam Thanh,"
"Khuyên răn nhơn vật lòng lành chớ xao."
Lão Quân: Ðức Lão Tử là
một kiếp giáng trần của Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ, mở Tiên giáo thời Nhị Kỳ Phổ
Ðộ, nên được gọi là Thái Thượng Lão Quân.
Ứng hóa: Ứng là hiện ra để
đáp lại, hóa là biến hóa. Ứng hoá là biến hóa hiện ra để đáp lại. Tam Thanh:
Ba Thanh: Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh.
C.23-24: "Ðức Thái Thượng Lão Quân biến
hóa và hiện ra Tam Thanh (ý nói pháp thuật rất cao siêu huyền diệu), thường khuyên răn chúng sanh, giữ được tấm lòng lành (Thiện tâm), chớ nên xao lãng."
Câu 25-26: "Cơ huyền diệu Ðạo Cao minh chánh,"
"Hiển phép mầu ma lánh
quỉ kiêng."
Cơ huyền diệu: Cơ
quan huyền diệu, đó là Thiên cơ, Máy Trời. Ðạo Cao: Cái Ðạo cao siêu. Ðạo Cao
còn có thể hiểu là Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn sáng lập.
Minh chánh: Sáng tỏ, ngay
thẳng. Hiển: Hiện ra. Phép mầu: Pháp thuật huyền diệu.
C. 25-26: "Ðạo là cơ quan huyền diệu, cao siêu,
sáng tỏ, chơn chánh. Hiện rõ ra các pháp thuật huyền diệu làm cho ma quỉ nể sợ
tránh xa."
Câu 27-28: "Trừ yêu có
Thánh Tề Thiên."
"Qui y Phật pháp ở miền Tây phương."
Thánh Tề Thiên: Tề Thiên
Ðại Thánh. Qui y Phật pháp: Qui y
theo Ðạo Phật. Qui y là nguyện tin và làm đúng theo lời Phật dạy, quyết gởi
trọn đời mình cho Ðạo pháp.
C.27-28: "Trừ
diệt yêu quái thì có Tề Thiên Ðại Thánh. Ngài đã qui y theo Ðạo Phật ở cõi Tây
phương Cực Lạc."
Theo truyện Tây Du, Tề
Thiên Ðại Thánh loạn Thiên Cung, bị Phật Tổ bắt, phạt đè dưới Ngũ Hành Sơn 500
năm.
Nhà sư Tam Tạng đi ngang,
được Phật Tổ chấp thuận cho cứu Tề Thiên khỏi nạn núi đè, thâu làm đồ đệ. Tề
Thiên bảo hộ Tam Tạng đi Tây phương thỉnh kinh. Nhờ công quả nầy, Tề Thiên đắc
Phật vị, hiệu là Chiến Ðấu Thắng Phật.
Câu 29-30: "Oai bốn
hướng,Thần nhường quỉ sợ,"
"Ðức ba giềng tế trợ thương sanh."
Bốn hướng: Bốn phương, ý
nói khắp nơi. Tế trợ: Tế là giúp đỡ, trợ là giúp cho. Ba giềng: Tam cang.
C.29-30: "Cái oai quyền của Ðức Quan Thánh trong
khắp 4 phương, Thần phải nhường, quỉ phải sợ. Cái đức của Ngài là giữ vững Tam
cang và cứu giúp nhơn sanh."
Câu 31-32: "Hớn Trào Quan
Thánh bia danh,"
"Trung can nghĩa khí háo sanh giúp đời."
Hớn trào Quan Thánh: Ngài
là Quan Vân Trường, được nhà Hán phong chức Hớn Thọ Ðình Hầu (thời Tam Quốc),
khi chết thì hiển Thánh, hiệu là Quan Thánh Ðế Quân.
Bia danh: Cái danh tiếng
để lại cho đời sau.
Trung can:
Trung thành và can đảm.
Nghĩa khí:
Lòng dạ cứng cỏi ưa chuộng điều phải, ghét điều sái quấy tà gian. Háo sanh: Ưa thích sự
sống.
C.31-32: "Ðức Quan Thánh hiển Thánh vào cuối
thời nhà Hớn bên Tàu, để lại danh tiếng cho đời, gồm đủ Trung can Nghĩa khí, có
đức Háo sanh giúp đời."
Ðức Quan Thánh, sau khi
đắc vị Thánh, Ngài dùng oai đức cứu độ chúng sanh, diệt quỉ trừ ma giúp đời.
Nhờ công đức nầy, về sau Ngài đắc quả Cái Thiên Cổ Phật. Trong thời ÐÐTKPÐ,
Ngài được Ðức Chí Tôn giao cho nhiệm vụ Ðệ Tam Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Nho
giáo.
Câu 33-34: "Tuần ba cửa
cõi Trời đều dụng,"
"Xét bốn phương dân chúng dữ lành."
Hai câu nầy bắt đầu nói về
Ðức Lý Thái Bạch:
Nơi cõi Trời, Ngài có
nhiệm vụ tuần tra 3 cửa Trời.
Nơi cõi trần, Ngài xem xét
việc lành việc dữ của dân chúng khắp bốn phương.
Câu 35-36: "Linh Tiêu
Thái Bạch Trường Canh,"
"Truyền tâu Ðế Khuyết dữ lành nhơn gian."
Linh Tiêu: Linh Tiêu Ðiện
trong Ngọc Hư Cung, nơi họp triều đình của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Thái Bạch Trường Canh: Sao
Thái Bạch, còn được gọi là sao Trường Canh. Ðó là Sao Kim hay Kim Tinh, nhập
chung lại gọi là Thái Bạch Kim Tinh. Vì sao Thái Bạch có một lần đầu kiếp xuống
trần, vào nhà họ Lý, đời Ðường bên Tàu. Bà mẹ có thai, chiêm bao thấy sao Thái
Bạch rơi vào lòng bà, liền sanh ra Ngài, nên đặt tên Lý Thái Bạch, gọi tắt Lý
Bạch.
Hiện nay, thời ÐÐTKPÐ, Ðức
Lý Thái Bạch là một vị Ðại Tiên Trưởng, lãnh nhiệm vụ Nhứt Trấn Oai Nghiêm, cầm
quyền Tiên giáo, và lại được Ðức Chí Tôn giao cho kiêm nhiệm chức Giáo Tông
ÐÐTKPÐ. Như vậy, Ðạo Cao Ðài có một vị Giáo Tông đầu tiên là Ðức Lý Thái Bạch,
ở cõi thiêng liêng, với Tịch Ðạo đầu tiên là Thanh Hương.
Ðế Khuyết: Ðấng Thượng Ðế
nơi Huỳnh Kim Khuyết.
C.35-36: "Ðức Lý Thái Bạch vào Linh Tiêu Ðiện,
tâu bày với Ðức Chí Tôn các việc lành dữ của nhơn loại ở thế gian."
Câu 37-38: "Chí từ huệ
giúp an lê thứ,"
"Thông rõ đời nhơn sự kiết hung."
Chí: Cái ý muốn mạnh mẽ.
Từ: Lòng thương yêu chúng sanh. Huệ: Lòng nhân ái, thương người. Lê thứ: Dân
chúng. Nhơn sự: Việc người. Kiết: Lành. Hung: Dữ.
C.37-38: "Cái chí của Ngài là thương yêu và giúp
nhơn sanh an ổn. Ngài biết rõ việc đời, việc người, việc lành việc dữ."
Câu 39-40: "Ðại Tiên ở
chốn Thiên cung,"
"Lòng lành thi phú thung dung độ người."
Ðức Lý Thái Bạch là một vị
Ðại Tiên ở Thiên Cung (cõi Trời), với tấm lòng lành, Ngài thảnh thơi dùng văn
chương thi phú dạy dỗ và cứu giúp người đời.
KHẢO
DỊ:
-
KSH. MLÐ, Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936: Thiên cung.
-
Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974, 1975: Tiên cung.
Câu 41-42: "Ánh Xá lợi
sáng ngời Cực Lạc."
"Hiện kim thân Bồ Tát hóa duyên."
Xá lợi: Chơn thần của Ðức
Phật. (Xem giải nghĩa Xá lợi tử trong DLCK). Ánh Xá lợi: Ánh hào quang phát ra
từ Chơn thần Ðức Phật. Kim thân: Mình vàng.
Hóa duyên: Hóa là cầu xin,
duyên là mối dây ràng buộc. Hóa duyên là nhà sư đi quyên tiền làm việc công đức
như xây chùa, đúc tượng, khiến người ta đóng góp tiền bạc, tức là giúp người ta
kết duyên lành với Phật.
Hóa còn có nghĩa là Giáo
hóa. Trong trường hợp nầy, Hóa duyên là nhân duyên giáo hóa. Phật hay Bồ Tát
đến cõi đời nầy là vì có nhân duyên giáo hóa nhơn sanh. Khi nhân duyên ấy hết
thì Phật liền trở về ngay.
C.41-42: "Ánh hào quang phát ra từ Chơn thần Ðức
Phật làm sáng ngời cõi CLTG. Chư vị Bồ Tát hiện ra Kim thân đi giáo hóa những
người có duyên lành với Phật."
Câu 43-44: "Thiên cung
Tinh Tú, Thánh, Tiên,"
"Ðịa Kỳ, Thần Tướng đàn tiền giáng lâm."
Thiên cung: chỉ Cõi Trời.
Tinh tú: Các vì sao, ý nói các vị Tinh Quân. Ðịa Kỳ: Ðịa là đất, Kỳ là Ông Thần
đất. Ðịa Kỳ là các vị Thần đất. Thần Tướng: Các vị Thần làm tướng trấn nhậm ở
các địa phương. Ðàn tiền: Trước đàn cúng tế. Giáng lâm: Ði xuống tới. Giáng là
đi xuống, lâm là tới.
C.43-44: "Nơi Thiên cung, các vị Tinh Quân, các
vị Thánh và Tiên, các vị Thần Ðất, các vị Thần Tướng, xin giáng lâm trước đàn
cúng tế."
Câu 45-46: "Lòng sở vọng
lâm dâm tụng niệm,"
"Xin giải nàn Nam Thiệm
Bộ Châu."
Sở vọng:
Ðiều quan trọng mà mình hằng mong ước.
Nam Thiệm Bộ Châu: Một
Châu lớn trong Tứ Ðại Bộ Châu nơi cõi thiêng liêng. Cõi trần, tức là Ðiạ cầu 68
của nhơn loại thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu.
C.45-46: "Lòng sở vọng mong cầu, lâm râm tụng
kinh niệm Phật, cầu xin các Ðấng Thiêng liêng giải nạn cho nhơn loại nơi cõi
trần thuộc Nam Thiệm Bộ Châu."
Câu 47-48: "Chúng sanh
cảm đức cao sâu,"
"Rèn lòng sửa nết lo âu làm lành."
Chúng sanh cảm đội ơn đức cao sâu của Ðức Chí
Tôn và các Ðấng TL, lo tu tâm sửa tánh, và lo âu làm lành.
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét