Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 17 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH GIẢI OAN (Giọng Nam xuân)
1. "Vòng xây chuyển vong hồn tấn hóa.
2. Nương xác thân hiệp ngả Càn khôn.
3. Bước đường sanh tử đã chồn.
4. Oan oan nghiệt nghiệt dập dồn trái căn.
5. Luật nhơn quả để răn Thánh đức.
6. Cửa Luân hồi nhắc bực cao siêu.
7. Dầu chăng phải mực Thiên điều.

8. Cũng quyền tự chủ dắt dìu Thiên lương.
9. Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,
10. Mùi đau thương đã thấm Chơn linh.
11. Dây oan xe chặt buộc mình.
12. Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân.
13. Chịu ô trược Chơn thần nặng trịu.
14. Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm.
15. Phong trần quen thú cung âm.
16. Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm Phong đô.
17. Khối trái chủ nhẫng lo vay trả.
18. Mới gây nên nhân quả nợ đời.
19. Rảnh mình đâu đặng thảnh thơi.
20. Thiên cung lỡ lối chơi vơi cõi trần.
21. May đặng gặp hồng ân chan rưới,
22. Giải trái oan sạch tội tiền khiên.
23. Ðóng Ðịa ngục, mở tầng Thiên.
24. Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương.
25. Nhập Thánh thể dò đường cựu vị.
26. Noi chơn truyền khử quỉ trừ ma.
27. Huệ quang chiếu thấu chánh tà.
28. Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh.
29. Cứ nương bóng Chí Linh soi bước.
30. Gội mê đồ tắm nước Ma-Ha.
31. Liên đài may nở thêm hoa.
32. Lão Ðam cũng biết, Thích Già cũng quen."
(Niệm 3 lần Câu Chú của Thầy).

GIẢI NGHĨA
Kinh Giải Oan do Ðức Phạm Hộ Pháp đặt ra, có cầu Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ chỉnh văn lại.
Theo lời Sĩ Tải Huỳnh văn Hưởng thì 4 câu kinh cuối của bài Kinh Giải Oan bài do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ viết tiếp cho trọn ý nghĩa của bài.

Kinh Giải Oan để đồng nhi tụng trước khi vị Chức sắc hành Pháp Giải Oan cho một tín đồ. Mục đích của Phép Giải Oan nằm trong ý nghĩa của bài kinh nầy và trong một số câu kinh của các bài kinh khác, xin trích ra sau đây:
Dầu trọn kiếp sống không nên đạo,
Dầu oan gia tội báo buộc ràng.
Chí Tôn xá tội Giải Oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong. (KCHKHH) Kinh Cau Hon Khi Hap Hoi

Phép Giải Oan độ hồn khỏi tội. (KHH) Kinh Ha Huyet
Chí Tôn xá tội Giải Oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ căn. (KCBCTBCHÐQL) Kinh Cau Ba Con Than Bang Co Huu Ða Qui Lieu
Giải Oan: Giải là cởi bỏ ra, Oan là thù giận. Giải oan là cởi bỏ tất cả oán thù đã gây ra trong nhiều kiếp trước, tức là cởi bỏ những oan nghiệt tiền khiên. Ðó là những nghiệp chướng nặng nề, nếu không cởi bỏ thì nó sẽ báo ứng gây ra nhiều trở ngại và tai họa đau khổ cho kiếp sống hiện tại.

Câu 1: "Vòng xây chuyển vong hồn tấn hóa."
Vòng xây chuyển: Chỉ bánh xe luân hồi, tức là sự luân hồi chuyển kiếp của con người nơi cõi trần. Vong hồn: Vong là chết, hồn là linh hồn. Vong hồn là linh hồn của người chết.

Tấn hóa: Tiến hóa, thay đổi mỗi lúc một tốt đẹp và cao siêu hơn. Luật Tiến hóa chi phối khắp CKVT. Vạn vật luôn luôn tiến hóa, nên Càn Khôn cũng luôn luôn tiến hóa.

Sự tiến hóa của Vật chất, Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm là sự tiến hóa tự nhiên do các Ðấng Thiêng liêng thúc đẩy; còn sự tiến hóa của con người là do học hỏi và tu luyện, bởi vì con người có hiểu biết và suy nghĩ.
Linh hồn con người đầu kiếp xuống trần là để học hỏi và tiến hóa. Ðầu tiên con người học làm ác, để được quả báo mà chiêm nghiệm việc ác; học ác xong đến chán rồi thì bắt qua học thiện, làm việc thiện để nhận được quả báo mà chiêm nghiệm việc thiện, rồi thấy việc thiện rất có lợi cho linh hồn nên tiếp tục làm thiện mãi, nhờ thế mới tiến hóa lên các phẩm Thần Thánh Tiên Phật.
C.1: "Nhờ luân hồi chuyển kiếp, linh hồn con người mỗi lúc một tiến hóa tốt đẹp hơn, cao siêu hơn."

Câu 2: "Nương xác thân hiệp ngả Càn khôn."
Nương: Dựa vào. Xác thân: Thể xác phàm. Hiệp: Hợp vào. Ngả: Lối đi, đường đi. Càn khôn: Hai quẻ trong Bát Quái tượng trưng Âm Dương, mà nguyên lý Âm Dương là Ðạo. Hiệp ngả Càn khôn: Ý nói hợp vào con đường Ðạo, tức là theo Ðạo lo việc tu hành.
C.2: "Linh hồn phải nương dựa vào xác thân phàm để đi vào con đường Ðạo, lo việc tu hành."

Linh hồn nơi cõi thiêng liêng, muốn được cao thăng phẩm vị, thì phải đầu kiếp xuống trần, để có xác thân phàm, mới có được TINH. Nhờ có xác thân phàm mới lập được công quả và phước đức, sau đó được truyền cho phép luyện đạo, để luyện TINH, KHÍ, THẦN hiệp nhứt, đắc đạo tại thế, linh hồn được cao thăng phẩm vị, trở thành Tiên, Phật.

Câu 3: "Bước đường sanh tử đã chồn."
Ðường sanh tử: Con đường luân hồi, hết sanh rồi tới tử, tử rồi lại chuyển kiếp để được sanh ra, ... cứ thế tiếp diễn như bánh xe quay tròn. Chồn: Mỏi, chán (mỏi gối chồn chân)
C.3: "Bước đi trên con đường luân hồi, qua nhiều lần sanh tử, nên đã mỏi mòn chán nãn."

Câu 4: "Oan oan nghiệt nghiệt dập dồn trái căn."
Oan: Thù giận. Oan oan: Nhiều thù giận nối tiếp.
Nghiệt: Cái nghiệp ác, cái mầm ác gây ra tai họa. Việc làm ác gây ra nghiệp ác để chờ cơ hội thì báo ứng về sau. Nghiệt nghiệt: Nhiều nghiệp ác cứ nối tiếp nhau.
Dập dồn: Dồn dập, kéo đến liên tiếp. Trái: Món nợ. Căn: Gốc rễ. Trái căn: Những món nợ có gốc rễ từ kiếp trước, nay kiếp nầy phải đền trả.
C.4: "Nhiều thứ oan nghiệt của kiếp trước dồn dập kéo tới là những món nợ đòi hỏi kiếp nầy mình phải đền trả."

Câu 5: "Luật nhơn quả để răn Thánh đức."
Luật nhơn quả: Nhơn hay Nhân là cái nguyên nhân, ví như cái hột; quả là cái trái, kết quả. Nhơn quả là hột và trái. Một cái hột, ương lên thành một cái cây, cây lớn lên sanh trái, trong trái có hột mới, đem ương hột mới thì có cây mới, ... Nhân quả, quả nhân, cứ thế nối tiếp nhau mãi.

Như vậy, NHÂN là cái năng lực phát động, QUẢ là sự hình thành của cái năng lực phát động đó. Nhân và Quả là 2 trạng thái nối tiếp nhau, nương tựa vào nhau. Nếu không Nhân thì không có Quả, nếu không Quả thì ắt không Nhân.

Ðức Chí Tôn là Ðấng chí công vô tư, không vì thương mà thưởng, không vì ghét mà phạt. Ðấng ấy chỉ lập ra Luật Nhân Quả để thực hiện sự Công Bình thiêng liêng mà điều hành sự Tiến hóa trong CKVT.

Hễ Nhân nào thì Quả nấy, trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, gieo gió thì gặt bão, nhứt định không bao giờ sai chạy. Nhân và Quả cứ tiếp tục báo ứng nhau mãi, từ kiếp nọ sang kiếp kia, mãi mãi trói buộc con người vào vòng oan nghiệt nơi cõi trần.

Răn: Ngăn cấm, hăm he để dạy bảo.
Thánh đức: Cái đức tốt của bực Thánh. Người có Thánh đức là người có tâm lành, cam thọ khổ để giúp nhơn sanh hết khổ, suốt đời đi trọn vẹn trên con đường đạo đức.
C.5: "Ðức Chí Tôn lập ra Luật Nhân quả để răn dạy nhơn sanh phải biết tuân theo mà đi trọn con đường Thánh đức."

Câu 6: "Cửa Luân hồi nhắc bực cao siêu."
Luân hồi: Luân là cái bánh xe, hồi là quay trở lại. Luân hồi, nghĩa đen là cái bánh xe quay đi rồi trở lại. Ðức Phật ví kiếp sống của con người vơí sự sinh tử như là cái bánh xe quay tròn, tiếp diễn mãi mãi. Như thế, Luân hồi chỉ là sự diễn biến liên tục của Nhân và Quả, nhưng tính theo đơn vị thời gian là một kiếp sống con người. Kiếp trước là Nhân, kiếp sống hiện tại là Quả, và cũng là Nhân cho kiếp sau, cứ thế tiếp diễn mãi. Khi còn ở trong vòng Luân hồi thì phải chịu trong vòng Tứ Khổ: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Hễ thoát khỏi Luân hồi thì hết Khổ, được trở về Cực Lạc Niết Bàn. Ðó là mục đích của người tu.

Bực cao siêu: Hạng người tài giỏi.
NHẮC: có 2 nghĩa: - Nghĩa thứ nhứt là: Nhắc nhở cho nhớ. - Nghĩa thứ hai là: Nâng lên (người miền Bắc thường nói là: Nhấc). Do đó Câu kinh 6 được giải thích theo 2 cách:
1) Cửa vào vòng Luân Hồi nhắc nhở các bực tài giỏi ghi nhớ ráng làm sao cho thoát khỏi.
2) Cửa vào vòng Luân hồi là để con người học hỏi tiến hóa, nâng mình lên phẩm vị cao siêu.

Câu 7: "Dầu chăng phải mực Thiên điều."
Dầu chăng: Dầu thế nào đi chăng nữa. Mực: Cái lằn mức giới hạn. Thiên điều: Các điều khoản Luật pháp của Trời, được các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật họp Ðại hội tại Ngọc Hư Cung lập ra để điều hành sự vận chuyển và sự Tiến hóa của CKVT. Thiên điều được chép vào một quyển sách gọi là Thiên Thơ (Thiên Thi, hay Thiên Thư).
C.7: "Dầu thế nào đi chăng nữa, phải tuân Thiên điều, không được vượt qua mức giới hạn qui định trong Thiên điều."

Câu 8: "Cũng quyền tự chủ dắt dìu Thiên lương."
Tự chủ: Tự mình làm chủ lấy mình. Quyền tự chủ: Cái quyền riêng của mình tự định đoạt lấy cuộc đời mình. Thiên lương: Thiên là Trời, lương là tốt đẹp. Thiên lương là cái tốt đẹp mà Trời ban cho mỗi người. Ðó là cái Lương tâm, nó vốn lành, nên nó luôn luôn hướng dẫn con người làm điều lương thiện đạo đức, và răn phạt con người khi làm điều gian ác hung bạo.
C.8: "Mỗi người, ai cũng có cái quyền tự chủ, định đoạt cuộc đời mình theo sự dìu dắt của Lương tâm."

Lương tâm, hay nói vắn tắt là Tâm, là cái thể hiện của Chơn linh. Nếu Chơn linh không trau luyện cái Tâm, để cho nó lu lờ yếu đuối, thì Lục dục Thất tình dấy lên làm chủ thể xác, xúi biểu thể xác làm điều sái quấy, thì Chơn linh phải lãnh lấy tội tình và phải chịu đọa đày theo Luật Nhân quả.

Câu 9-10: "Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm, "
"Mùi đau thương đã thấm Chơn linh."
 Dòng khổ hải: Dòng nước trong biển khổ, chỉ nỗi khổ của con người nơi cõi trần. Chìm đắm: Chìm sâu trong nước. Thấm: Ngấm vào, nhiễm vào. Chơn linh: Linh hồn.
C.9-10: "Khi con người bị chìm sâu trong biển khổ thì Chơn linh phải chịu nhiều nỗi đau thương."
Ý nói: Khi con người mãi mãi luân chuyển chìm đắm trong cõi trần thì những nỗi đau thương sẽ thấm sâu vào Chơn linh, làm Chơn linh rất đau khổ.

Câu 11:   "Dây oan xe chặt buộc mình."
Dây oan: Sợi dây oan nghiệt. Những việc làm không lương thiện của mình tạo thành những sợi dây oan nghiệt vô hình buộc chặt Chơn thần của mình vào vòng Luân hồi để chịu Luật Nhơn quả thể hiện. (Xem: Bảy dây oan nghiệt, Câu 3 Kinh Ðệ Nhứt Cửu). Xe chặt: Làm cho sợi dây xoắn chặt lại.
C.11: "Những oan nghiệt gây ra tạo thành những sợi dây oan nghiệt vô hình buộc chặt Chơn thần mình vào cõi trần."

Câu 12: "Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân."
Nhớp nhơ: Dơ bẩn. Nhiễm: Thấm vào. Thân: Xác thân. Nhiễm thân: Thấm vào xác thân.
Lục dục: 6 điều ham muốn gồm:
Sắc dục là ham muốn nhìn thấy sắc đẹp.
Thinh dục là ham muốn nghe âm thanh êm tai.
Hương dục là ham muốn ngữi mùi thơm tho.
Vị dục là ham muốn ăn món ngon vật lạ.
Xúc dục là ham muốn da thịt được mát mẻ dễ chịu.
Ý dục là ham muốn được thỏa mãn ý nghĩ.

Thất tình: 7 thứ tình cảm gồm:
Hỷ là mừng rỡ.
Nộ là giận hờn.
Ái là thương yêu.
Ố là ghen ghét.
Ai là buồn phiền.
Lạc là vui vẻ.
Dục là ham muốn.

C.12: "Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân, là Lục dục và Thất tình xúi giục, xô đẩy con người vào vòng vật chất thấp hèn làm cho các thứ nhơ bẩn thấm vào xác thân."

Câu 13: "Chịu ô trược Chơn thần nặng trịu."
Ô trược: Ô là bẩn thỉu, dơ bẩn, Trược hay Trọc là dơ dáy, hôi hám. Ô trược là bẩn thỉu dơ dáy. Trái với Ô trược là Thanh khiết. Chơn thần: Xác thân thiêng liêng. (Xem: C.18 PMCK). Nặng trịu: Nặng như bị đè hẳn xuống.
Nơi cõi phàm trần, tức là nơi quả Ðịa cầu 68 nầy, thanh khí thì ít, mà trược khí thì nhiều, lại nữa con người dùng thịt các loài cầm thú làm thức ăn nuôi xác thân, mà các thứ thịt ấy chứa rất nhiều chất trược, do đó:
C.13: "Chơn thần phải chịu ô trược nặng nề, nên khi Chơn thần xuất ra khỏi thể xác thì nó nặng trĩu, không thể bay bổng lên được."

Câu 14: "Mảnh hình hài biếng hiểu lương tâm."
Hình hài: Thể xác phàm. Biếng hiểu: Làm biếng hiểu biết, ý nói không chịu nghe lời dạy bảo. Lương tâm: Cái tấm lòng lành, đó là cái thể hiện của Chơn linh.
"Thầy đã nói nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: Ðấng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần Thánh Tiên Phật và các Ðấng Trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét. Bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, các Chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải giữ gìn các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn Lương tâm là đó." (TNHT. II. 66).
C.14: "Thể xác làm lơ trước những điều dạy bảo của lương tâm."

Lương tâm của mỗi người thường dạy bảo xác thân làm điều hay sự phải, nên khi xác thân làm điều sái quấy thì bị Lương tâm cắn rứt. Nhưng xác thân bị Lục dục Thất tình cám dỗ, xúi giục, làm điều hèn hạ, thoả mãn lòng ham muốn vật chất. Ðối với những người mà ý chí không mạnh mẽ thì
Lục dục Thất tình mạnh hơn và lấn lướt Lương tâm, khiến xác thân làm lơ trước những điều dạy bảo của Lương tâm.

Câu 15:   "Phong trần quen thú cung âm."
Phong trần: Phong là gió, trần là bụi. Phong trần là gió bụi, chỉ sự từng trải ở đời hay sự gian nan vất vả ở đời.
Quen thú: Quen thuộc các thú vui. Cung âm: Cung bậc của âm nhạc, chỉ cảnh đờn ca xướng hát trong các ca lâu kỹ viện, chỗ ăn chơi trác táng.
C.15: "Ðã từng trải và quen thuộc các thú vui chơi đàn hát nơi chốn ca lâu kỹ viện."

Câu 16:   "Cảnh thăng ngơ ngẩn lạc lầm Phong đô."
Cảnh thăng: Cảnh của những linh hồn siêu thăng tới ở, tức là cảnh Thiêng liêng Hằng sống. Ngơ ngẩn: Ở trạng thái mà tâm trí như ở đâu đâu. Lạc lầm: Lầm đường lạc lối.

Phong đô: Tên của một vùng đất thời xưa bên Tàu mà người ta tin rằng đó là Âm phủ.
Theo Phật giáo, Phong đô là cõi Ðịa ngục, để giam giữ và trừng trị những linh hồn tội lỗi. Khi bị giam vào đó rồi thì không thể nào trốn thoát được.

Theo Ðạo Cao Ðài với Ðại Ân Xá kỳ ba, Ðức Chí Tôn ra lịnh đóng cửa Ðịa ngục, nên không còn cõi Ðịa ngục nữa. Các linh hồn tội lỗi được đưa đến cõi Âm quang, là nơi để tịnh tâm định trí, tự xét lại những lỗi lầm đã qua mà ăn năn sám hối, cầu xin Ðức Chí Tôn cứu vớt. Tại cõi Âm quang có Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương DTC giáo hóa các Nữ tội hồn.
C.16: "Trong kiếp sanh đã làm nhiều điều lầm lạc sai trái, nên khi chết đi, Chơn thần xuất ra, nhìn con đường đi về cõi TLHS mà lòng ngẩn ngơ vì không thể lên đó được, bị đưa về cõi Âm Quang để tự xét mình và ăn năn sám hối tội tình."

Câu 17-18: "Khối trái chủ nhẫng lo vay trả."
"Mới gây nên nhân quả nợ đời."
Khối: Chỉ một đám người. Trái chủ: Trái là món nợ, chủ là người làm chủ. Trái chủ là người chủ nợ, người cho vay. Khối trái chủ: Chỉ chung đám chủ nợ và đám con nợ.

Nhẫng: Những, nghĩa là: chỉ có, chỉ là.
Nhân quả: (đã giải thích nơi câu 5). Nợ đời: Những món nợ ở đời tạo thành cái nghiệp mà mình phải đền trả.
C.17-18: "Ðám chủ nợ và đám con nợ, kẻ chỉ lo việc cho vay và đòi nợ, kẻ thì chỉ lo việc trả nợ, mới tạo nên việc nhân quả và cái nghiệp nơi cõi đời."

Vì bị lẩn quẩn trong vòng nhân quả liên tục như thế, nên con người không thể thoát ra khỏi luân hồi. Muốn thoát khỏi luân hồi thì chỉ lo trả cho hết nợ mà không gây ra nợ mới, nghiệp mới hay gây ra nhân mới, đồng thời lo lập công bồi đức, tùng theo Chơn pháp tu hành.

KHẢO DỊ:
* Kinh TÐ-TÐ 1936, Kinh Lễ 1952: Mới gầy nên ...
* Kinh TÐ-TÐ năm 1968, 1974, 1975: Mới gây nên ...
Hai từ ngữ: Gầy nên và Gây nên, đồng nghĩa.

Câu 19: "Rảnh mình đâu đặng thảnh thơi."
Rảnh: Không vướng bận việc gì hết.
Thảnh thơi: Nhàn hạ, thong thả.
C.19: "Thân mình đâu có được rảnh rang (vì còn ở trong vòng vay trả) để đặng thong dong nhàn hạ."

Câu 20: "Thiên cung lỡ lối chơi vơi cõi trần."
Thiên cung: Chỉ cõi Trời, tức cõi TLHS.
Lỡ lối: Lỡ đường; đi được một phần đường, chưa tới nơi tới chốn thì phải dừng lại. Chơi vơi: Trơ trọi giữa khoảng rộng, không biết bám víu vào đâu.
C.20: "Lỡ đường về cõi TLHS, đành chịu trơ trọi bơ vơ nơi cõi trần."

Câu 21-22: "May đặng gặp hồng ân chan rưới,"
"Giải trái oan sạch tội tiền khiên."
Hồng ân: Hồng là to lớn. Hồng ân là ơn huệ to lớn của Ðức Chí Tôn ban cho. Chan rưới: Ban bố đầy dẫy.

Giải: Cởi bỏ ra. Trái: Món nợ. Oan: Thù giận. Giải trái oan: Cởi bỏ hết những món nợ thù giận đã gây ra trong kiếp trước. Sạch tội: Hết tội. Tiền khiên: Tiền là trước, Khiên là tội lỗi. Tiền khiên là tội lỗi đã gây ra trong các kiếp trước .
C.21-22: "May mắn gặp được ơn huệ to lớn của Ðức Chí Tôn ban cho đầy dẫy, để cởi bỏ hết những mối nợ oan nghiệt và rửa sạch tiền khiên."
Ðó là hiệu quả của Phép Giải Oan mà Ðức Chí Tôn đã ban cho Ðạo Cao Ðài trong kỳ Ðại Ân Xá nầy.

Câu 23:   "Ðóng Ðịa ngục, mở tầng Thiên."
Ðịa ngục: Cõi tối tăm thấp kém nhất dùng để giam giữ, đày đọa và trừng phạt các linh hồn mà trong kiếp sanh nơi cõi trần đã làm nhiều điều tội lỗi nặng nề.
Tầng Thiên: Các Từng Trời, chỉ cõi Trời vì cõi Trời có nhiều từng Trời, đó là cõi của những linh hồn đắc đạo siêu thăng, cõi của chư Thần Thánh Tiên Phật.
C.23: "Ðức Chí Tôn cho đóng cửa Ðịa ngục để phóng thích các tội hồn, và mở rộng cửa các từng Trời để đón tiếp những linh hồn đắc đạo."
Ðây là thể hiện thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn.

Câu 24: "Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương."
Khai đường: Mở đường, dẹp các chướng ngại trên đường, làm cho thông thoáng dễ đi.
Cực Lạc: Cực Lạc Thế giới, ở về phía Tây, nên cũng gọi là Tây phương Cực Lạc, là cõi của chư Phật, hoàn toàn an vui sung sướng. Phật gọi đó là cõi Cực Lạc Niết Bàn.

Theo Kinh A-Di-Ðà, cõi CLTG có lầu đài nhà cửa, đường sá đều làm bằng 7 thứ châu báu (Thất bảo), có hoa Tiên rớt xuống như mưa rất đẹp, có chim linh múa hát, có các bực La Hán, Bồ Tát, Phật và những người nhơn đức tu hành, ăn uống khỏi cần nấu nướng, tự nhiên có sẵn, áo quần làm bằng châu báu luôn luôn sạch sẽ và thơm tho, muốn đi đâu tùy ý, không cần xe cộ hay máy bay, chỉ cất bước là bay tới rất nhanh đúng theo ý muốn.

Trong thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, cõi CLTG đặt dưới quyền chưởng quản của Ðức Phật A-Di-Ðà.
Bây giờ bước qua thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, theo lời thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp, Ðức Phật A-Di-Ðà, vâng lịnh Ðức Chí Tôn, giao quyền chưởng quản CLTG cho Ðức Di-Lạc Vương Phật, Ðức Phật A-Di-Ðà vào ngự nơi Lôi Âm Tự.
Miền Tây Phương: Ý nói cõi Tây Phương Cực Lạc, hay cõi CLTG, vì cõi nầy ở về hướng Tây.
C.24: "Ðức Chí Tôn ra lịnh khai thông con đường dẫn tới cõi CLTG ở về phía Tây, để những linh hồn đắc đạo đến được nơi đó mà an hưởng ngôi vị."

Tại sao phải khai thông con đường đó? Bởi vì trước đây, con đường đó đã bị bế lại.
Nguyên từ buổi Bế Ðạo, con đường đi từ Ngọc Hư Cung qua CLTG bị Quỉ Vương là Kim Quang Sứ bít ngõ, không cho các Chơn linh đắc đạo nhập vào CLTG.

Ðức Chí Tôn ra lịnh cho Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung (Chơn linh là Lý Ngưng Dương hay Lý Thiết Quả, một vị Ðại Tiên đứng đầu Bát Tiên) đánh đuổi Kim Quang Sứ, khai thông con đường đi vào CLTG để các chơn linh đắc đạo đến được Cực Lạc Thế Giới. Rồi Ðức Chí Tôn ra lịnh cho Ðức Hộ Pháp qua mở cửa CLTG cho các Chơn linh nhập vào.

Con đường TLHS, Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo: "Bên đạo của ta là Ðức Lý Ngưng Dương đã diệt được bên Kim Quang Sứ, tới chừng rốt cuộc chỉ còn Ðức Lý Ngưng Dương đánh với Kim Quang Sứ mà thôi. Ðánh nhau một hồi, Ðức Lý Ngưng Dương đập Kim Quang Sứ một gậy thì Kim Quang Sứ hóa hào quang đằng vân bay mất. Ði qua CLTG phải chăng vì lẽ ấy trong đạo giáo nói Ðạo bị bế.

Khi tới gần cửa CLTG môn ngoại, thấy có 2 cái chong chóng. Hai cái chong chóng ấy quay tròn luôn. Nếu chúng ta lấy trí tưởng tượng chong chóng quay thì từ mặt dưới lên tới mặt trên ít nữa cũng năm mười ngàn thước, đặng ngăn CLTG môn ngoại như Vạn lý Trường thành, không có một người nào qua lọt. Hai cửa ấy, một cửa hóa hào quang trắng, một cửa hóa hào quang đỏ hồng hồng. Mới ngó thấy 2 cửa ấy, Bần đạo không biết gì hết. Tới chừng Bần đạo dùng cây Giáng Ma Xử trong thân, Bần đạo định thần, chỉ ngay bảo ngừng thì nó liền ngừng lại, coi kỹ vòng tròn trắng ấy là Chữ VẠN. Bần đạo vừa biểu ngừng thì mấy người ở Cực Lạc môn ngoại chạy ùa vào, chừng vô được một mớ, Bần đạo chỉ bên kia biểu ngừng, cũng chạy được vô một mớ nữa. Vô rồi thấy có một vị Phật đứng ở trên, hai tay bắt ấn liệng xuống chữ VẠN thì chữ VẠN quay nữa, thành thử họ vô được một mớ.

Khi Bần đạo bắt đứng 2 chữ VẠN lại, phải chăng vì nơi Cực Lạc môn ngoại có các đẳng chơn hồn đã đoạt vị mà bị Pháp giới đã bế, khiến cho Bần đạo đến đó đặng bắt 2 chữ VẠN ngừng lại cho họ vào, tới chừng vị Phật kia cho 2 chữ VẠN quay lại, Bần đạo dám chắc các đẳng chơn hồn đã vô cửa CLTG đã hết. Ðó là Thánh ý của Ðức Chí Tôn, chớ không phải theo con mắt của chúng ta tưởng đó là sự tình cờ.

Ấy vậy, Ðức Chí Tôn sai qua mở cửa CLTG:
1 . "Vì đường từ Linh Tiêu Ðiện Ngọc Hư Cung qua CLTG buổi nọ bị Kim Quang Sứ đón đường.
2 . Các vị Tăng đồ từ trước có tu mà không thành, vì bị thất pháp bửu nên bị đồ lưu nơi Cực Lạc môn ngoại.
Ðức Chí Tôn biểu qua đó dẫn các chơn hồn dành để cho có ngôi vị nơi CLTG."

Câu 25:   "Nhập Thánh thể dò đường cựu vị."
Nhập: Ði vào. Thánh thể: Những vị Chức sắc Cửu Trùng Ðài đứng vào hàng Thánh đổ lên. Dò đường: Tìm đường. Cựu vị: Ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng.
Ðức Chí Tôn mở Ðạo gồm 3 Ðài:
Bát Quái Ðài là Linh hồn của Ðạo: tức là THẦN, vô hình.
Hiệp Thiên Ðài là Chơn thần của Ðạo: KHÍ, bán hữu hình.
Cửu Trùng Ðài là Thể xác của Ðạo: TINH, hữu hình.

Những vị Chức sắc Cửu Trùng Ðài đứng vào hàng Thánh đổ lên (tức là từ phẩm Giáo Hữu đổ lên) được gọi là Thánh thể của Ðạo hay Thánh thể của Ðức Chí Tôn.

Nhập Thánh thể: Ði vào làm Chức sắc đứng hàng Thánh thể của Ðức Chí Tôn. Muốn vậy, phải nhập môn vào Ðạo, lập công bồi đức, tùng theo Luật pháp Chơn truyền, trọn đời hiến thân hành Ðạo, phụng sự nhơn sanh, đi từ phẩm cấp Chức việc Bàn Trị Sự, rồi cầu phong lên phẩm Lễ Sanh, sau đó đủ công nghiệp thì cầu thăng lên hàng Giáo Hữu. Tới đây thì được gọi là Nhập vào Thánh thể của Ðức Chí Tôn.
C.25: "Nhập Thánh thể dò đường cựu vị, nghĩa là: Ði vào làm Thánh thể của Ðức Chí Tôn thì mới dò tìm được con đường trở về ngôi vị cũ."

Câu 26:   "Noi chơn truyền khử quỉ trừ ma."
Noi: Học tập và làm theo. Chơn truyền: Chơn là thật, truyền là trao lại. Chơn truyền là giáo lý chơn thật do vị Giáo chủ truyền lại, người tu đúng theo đó thì nhứt định đắc đạo.

Khử quỉ trừ ma: Khử trừ ma quỉ. Khử trừ là loại bỏ.
Quỉ ma là những linh hồn mà trong kiếp sanh đã làm nhiều điều quá ác độc, phạm Thiên điều, bị đọa làm Ma Quỉ. Con người, hễ khi làm mất hết chơn dương thì phải thuần âm, tất phải chết, mà chết như vậy thì trở thành Ma Quỉ, làm tôi tớ cho Quỉ Vương. Lũ Quỉ ma ấy rất ghen ghét người tu, chúng luôn luôn tìm cách phá phách hay thử thách, hoặc dụ dỗ người tu hành đi vào đường xấu xa như bọn chúng. Phải có một cái Tâm chơn chánh, một ý chí mạnh mẽ sáng suốt, mới có thể vượt qua các cạm bẫy thử thách của bọn chúng, mới thắng được chúng, mới có thể đắc đạo.
C.26: "Học tập và làm đúng theo giáo lý Chơn truyền thì khử trừ được bọn ma quỉ phá phách."

Câu 27:   "Huệ quang chiếu thấu chánh tà."
Huệ quang: Ánh sáng của trí huệ. Trí huệ là sự thông suốt hiểu rõ đạo lý. Trí huệ có được là do công phu tu luyện lâu dài. Chiếu: Soi rọi. Thấu: Biết rất rõ.
Chánh Tà: Chánh là ngay thẳng, đúng đắn, hợp với đạo lý; Tà là cong vẹo, không hợp với đạo lý. Chánh Tà luôn luôn đối chọi nhau, tranh giành nhau, nhưng cuối cùng thì Chánh luôn luôn thắng Tà để bảo tồn Chơn lý.

TNHT. II. 96: "Tà Chánh, cười ... Bần đạo nói thiệt, cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có cái may, trong cái may vẫn khép cầm sự rủi, khó lường được. Ðiều cần là nên làm mà thôi. Nếu luận Tà Chánh thì chưa một ai dám, còn mang xác phàm, xưng tụng mình là Chánh. Cái Tà vì Thiên thơ xử dụng, Tà vì cơ thử thách của Tam Giáo Tòa, Tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn của Quỉ Vương để làm cho công phu lỡ dở. Mỗi cái Tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi thiêng liêng, hoặc có một kết quả."
C.27: "Dùng ánh sáng Trí Huệ soi rọi thì mới rõ thấu được lẽ Chánh và lẽ Tà."

Câu 28:   "Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh."
Thuyền Bát Nhã: Chiếc thuyền Trí Huệ đưa người đầy đủ phước đức từ bến mê, vượt qua biển khổ, đến cõi TLHS. Ðộ sanh: Cứu giúp đưa vào cõi Hằng sống. Ngân hà: Sông Ngân. Ngân hà thuộc biển khổ nơi cõi thiêng liêng.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS, có đoạn nói về sông Ngân hà có chiếc thuyền Bát Nhã như sau:
"Khi dòm lại thế gian phía sau lưng hiện ra như một con sông đại hải, thấy bờ bên nây người ta đứng nhiều lắm, người nào cũng có hào quang chiếu diệu đẹp đẽ vô cùng, còn ở mé bờ bên kia sông, cũng đông người lắm, nhưng hình thể họ khô khan, đau thảm, tiều tụy. Họ ước ao làm sao qua được con sông ấy. Sông đó là sông Ngân hà. Trên sông có một chiếc Thuyền Bát Nhã do Ðức Quan Âm Bồ Tát, vâng lịnh Ðức Phật Di-Lạc đi độ sanh, chèo thuyền qua lại để rước những người đầy đủ phước đức."
C.28: "Chèo Thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh, nghĩa là: Ðức Quan Âm Bồ Tát chèo chiếc Thuyền Bát Nhã đi qua đi lại trên sông Ngân hà thuộc biển khổ để cứu giúp những người đầy đủ phước đức đưa qua bờ giác đi vào cõi TLHS."

Câu 29:   "Cứ nương bóng Chí Linh soi bước."
Nương: Dựa vào. Bóng: Ánh sáng. Chí Linh: Ðức Chí Tôn. Soi bước: Rọi sáng để thấy đường bước tới.
C.29: "Cứ dựa theo ánh sáng của Ðức Chí Tôn soi rọi mà bước tới."

KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ in bên Pháp năm 1952 và Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974: Cứ nương bóng ...
* Kinh TÐ-TÐ năm 1975: Cứ noi bóng ...

Câu 30:   "Gội mê đồ tắm nước Ma-Ha."
Gội: Xối nước lên đầu để rửa sạch chất bẩn dính trên đầu. Thường nói là: Tắm gội. Mê đồ: Mê là mờ hồ, sai lầm; đồ là con đường đi. Mê đồ là con đường lầm lạc. Con người vô minh, lầm lạc là do Lục dục Thất tình che khuất Lương tâm. Hễ kềm giữ và điều khiển được Lục dục Thất tình thì vén được bức màn vô minh, cái Tâm được tỏ rạng. Gội mê đồ: Gội rửa cho sạch hết các u mê lầm lạc.
Nước Ma-Ha: Ðó là Ma-Ha thủy. Ma Ha, tiếng phạn nghĩa là lớn, nước Ma Ha là nước của con sông lớn bên xứ Ấn Ðộ, mà thuở xưa, Ðức Thích Ca xuống tắm sông ấy để tẩy trần, đắc đạo thành Phật. Ðó là sông Gange, dịch là Hằng hà.
C.30: "Gội mê đồ tắm nước Ma-Ha, là: Gội rửa cho sạch hết những cái u mê lầm lạc và tắm bằng nước sông Hằng để rửa sạch những oan nghiệt tội tình của kiếp sống."

Theo lời giảng giải của Ngài Ðầu Sư Thượng Sáng Thanh, trong quyển "Bí Truyền Chơn Pháp":
"Khi Thái Tử Sĩ Ðạt Ta xuống núi đến rừng Bồ Ðề vừa chí thì mệt mỏi quá chừng, thân hình rủ riệt, thần kinh lờ mờ, sa vào một cội Bồ Ðề mà chết giấc. Nhờ chết giấc ấy mới xuất Thần đặng hội diện cùng chư Phật, thấy rõ trước mắt Ðịa ngục, Niết Bàn. Ấy là giờ của Người đạt Pháp. Duy có lạ một điều là cả cảnh tượng ấy mịt mịt mờ mờ, Người không gần đặng. Thoạt thấy một vị Bồ Tát dặn rằng: Thây phàm xác tục của Người và Chơn thần của Người đã chịu gánh nhiều quả kiếp, cho nên ô trược nhuốc nhơ, khi tái nhập thế trần, phải đến sông Ma-Ha tẩy trược.

Trong cơn ấy, có người đàn bà bưng bình bát sữa vừa đến rừng Bồ Ðề, tìm chẳng thấy ai khác hơn là một thầy tu nằm dựa gốc cây mà chết, chỉ rờ nơi ngực còn nghe hơi ấm của trái tim, vội vàng biểu tỳ nhi và mình ra tay hô hấp. Phật vừa tỉnh dậy thì nàng dâng bình bát sữa cho Người. Phật uống đặng bình bát sữa ấy, rồi trụ Thần, định Khí, mạnh lại như xưa. Ấy là cơ hiệp nhứt Tam Bửu (Tinh, Khí,Thần). Tinh là hình hài, Khí là Chơn thần, Thần là Chơn linh.

Nhờ Tam Bửu phối tế, Người định giác lần lần, thấy đặng cõi Hư linh và cõi phàm xa nhau không đầy một sợi tóc. Thăng thì đến cõi Hư linh, đọa thì sa vào phàm tục.

Khi đã định Tâm đạt pháp rồi, Phật liền nhớ lời dặn của Bồ Tát, nên lần hồi tới bãi sông Gange (Hằng hà), nhưng có điều lạ là Chơn thần và xác thịt của Ngài chưa trọn tương liên hòa hiệp, nên Ngài mới mờ hồ, chưa biết chắc mình đã quả nhiên đạt pháp. Xuống tắm sông Gange rồi lên bờ, cầm bình Bát vu nơi tay mà vái rằng: "Nếu quả nhiên tôi đã đặng đạt pháp, xin chư Phật cho cái bình Bát vu nầy trôi ngược dòng nước." Nói đoạn, Ngài liệng bình Bát vu giữa dòng thì Bình Bát vu từ từ trôi ngược dòng nước. Ðức Phật mừng quá, ngoắt nó vô bờ, cầm bình Bát vu mà nói rằng: "Nước sông Gange nó sẽ rửa sạch oan nghiệt tội chướng chi đọa."

Kể từ ngày tắm nước sông Gange rồi, mỗi phen trì định xuất Thần, Phật mới đến đặng gần chư Phật, nhập vào Tây phương Cực Lạc. Ấy là nhờ Phép Giải Oan mà đạt vị."

Khi Chức sắc hành Phép Giải Oan thì phải luyện Ma Ha Thủy trước. Cách luyện Ma Ha Thủy như sau:
Múc một tô nước để tại Thiên Bàn. Người hành pháp đứng trước, định Thần ngó ngay lên Thiên Nhãn, vẽ bằng con mắt chữ (.) trong con ngươi của Thiên Nhãn, rồi co chân trái vẽ chữ (.), đạp lên chữ (.) ấy, rút chân mặt ký chữ (.) gọi là đạp Ðinh Giáp. Khi hành pháp như vậy rồi thì tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay mặt cũng bắt ấn Hộ Pháp để trên tô nước buông ấn ra, co ngón tay giữa vẽ bùa (.), đoạn ngay ngón tay ra truyền thần xuống nước, niệm Câu Chú: "Ma Ha Thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa."

Nhắm mắt định Thần, đợi thấy Thiên Nhãn giáng trên mặt nước thì xả ấn. Ma Ha Thủy đã luyện thành.

Hành Pháp Giải Oan:
Cầm tô nước nơi tay mặt, đến trước mặt người được giải oan, biểu cúi đầu xuống, lấy con mắt vẽ chữ (.) ngay Nê Huờn Cung. Hễ vẽ vừa xong liền chụp 5 ngón tay trái lên mỏ ác gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, vừa chụp vừa niệm Câu Chú nầy:
"Úm Ma Ni Bát Rị Hồng."

Ðoạn cầm tô nước đổ ngay xuống mỏ ác 1 giọt niệm: "Nam mô Phật", rồi giọt thứ 2 niệm: "Nam mô Pháp", rồi trút hết tô nước niệm: "Nam mô Tăng", "Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát."
Phép Giải Oan đã làm xong.
Người được giải oan lạy Ðức Chí Tôn 3 lạy 12 gật, rồi đứng dậy lui ra.

Câu 31: "Liên đài may nở thêm hoa."
Liên đài: Tòa sen, chỉ ngôi vị Phật hay Bồ Tát. Phật dùng hoa sen làm tòa ngự vì hoa sen có những đặc tánh quí báu là sen mọc trong bùn dơ mà không nhiễm mùi dơ của bùn, lại trổ ra hoa sen thơm ngát; cũng giống như Phật, xuống cõi trần đầy ô trược mà không nhiễm một chút trược trần.
C.31: "Tòa sen may mắn nở thêm một cái hoa, ý nói: Rất may mắn có thêm một vị Phật mới đắc đạo, cho nên Tòa sen nở thêm một cái hoa để làm tòa ngự cho Ngài."

Câu 32: "Lão Ðam cũng biết, Thích Già cũng quen."
Lão Ðam: Một biệt hiệu của Ðức Lão Tử. Ngài là chơn linh của Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ giáng phàm. Ðức Lão Tử là Giáo chủ Tiên giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.
Thích Già [ ] Chữ Hán nầy có 2 cách đọc: Thích Ca hay Thích Già, tùy theo trường hợp trong thơ văn, sao cho có nhạc điệu, vì chữ Ca thuộc Bình thượng, chữ Già thuộc Bình hạ. Thích Già là Ðức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.
C.32: "Khi đắc đạo rồi thì lên bái kiến Ðức Lão Tử, tức là Ðức Thái Thượng Lão Quân, và bái kiến Ðức Phật Thích Ca."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét