KINH CẦU BÀ CON
THÂN BẰNG CỐ HỮU ÐÃ QUI LIỄU (Giọng Nam ai)
1. "Khi dương thế không phân phải quấy,
2. Nay hư linh đã thấy hành tàng.
3. Chí Tôn xá tội giải oan,
4. Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ căn.
5. Ðã tầng chịu khó khăn kiếp sống,
6. Ðịnh tâm thần giải mộng Nam Kha.
7. Càn khôn để bước Ta-bà,
8. Ðoạt cơ thoát tục tạo nhà cõi Thiên.
9. Ơn Tạo Hóa tha tiền khiên trước,
10. Ðưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.
11. Tiên phong phủi ngọn phất trần.
12. Liên đài đỡ gót đến gần Tây phương.
13. Cửa Cực Lạc đon đường thẳng tới,
14. Tầm Không môn đặng đợi Như Lai.
15. Hào quang chiếu diệu Cao Ðài,
16. May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh.
17. Trụ nguyên tánh hồn linh nhàn lạc,
18. Cõi Ðào nguyên cỡi hạc thừa long.
19. Lánh xa trược chất bụi hồng,
20. Cung Tiên sớm tối
vui vòng thung dung.
21. Nơi
Cung ngọc học thông đạo cả,
22. Chốn Hư vô Tạo Hóa tìm cơ.
23. Trên đường Thánh đức lần dò,
24. Trường sanh mầu nhiệm nơi lò Hoá Công.
25. Khá từ bỏ xa dòng bể khổ,
26. Diệt trần tình Cam lộ tẩy nhơ.
27. Ngân kiều Bát Nhã qua bờ,
28. Ðưa duyên để bước kịp giờ siêu thăng."
GIẢI NGHĨA
Bà con: "Những người có quan hệ họ hàng hay
thân thiết gần gũi. Thân bằng: Bạn thân. Cố hữu: Bạn cũ. Cố là xưa, cũ; hữu là
bạn. Qui liễu: Ý nói chết."
Câu 1-2: "Khi dương thế không phân phải quấy,"
"Nay hư linh đã
thấy hành tàng."
Dương thế: Dương là cõi
của người sống, thế là cõi đời. Dương thế là cõi trần, cõi của nhơn loại đang
sống.
Hư linh: Hư là hư vô,
trống không, xem không thấy gì cả nhưng rất huyền diệu; linh là TL. Hư linh là
cõi Hư vô TL, tức là cõi TLHS. Hành tàng: Hành là làm với hành động cụ thể thấy
rõ, tàng là những việc làm giấu kín. Hành tàng là tất cả việc làm thấy rõ hay
còn ẩn kín. Sách Luận Ngữ có câu: Dụng chi tắc hành, xử chi tắc tàng. Nghĩa là:
Dùng thì ra làm (ý nói ra làm quan), không dùng thì ẩn kín (ý nói đi ở ẩn).
C.1-2: "Khi sống nơi cõi trần, còn mang xác
phàm nên trí não mê mờ, không phân được lẽ phải và lẽ quấy. Nay linh hồn cởi bỏ
xác phàm, trở về cõi Thiêng liêng thì đã thấy rõ mọi việc làm hiện ra hay còn
ẩn kín."
Câu 3-4: "Chí Tôn xá tội giải oan,"
"Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ căn."
Xá tội: Tha tội. Giải oan:
Cởi bỏ hết các oan nghiệt.
Ðây là thời kỳ Ðại Ân Xá,
Ðức Chí Tôn xá tội và giải oan cho tất cả người nào biết hồi đầu hướng thiện,
nhập môn cầu đạo, lo việc tu hành. Ðộ căn: Ðộ là cứu giúp; căn là gốc rễ, chỉ
những việc làm sái quấy trong kiếp trước tạo ra nghiệp ác gây ảnh hưởng xấu
trong kiếp sống nầy. Ðộ căn là cứu giúp thoát khỏi các nghiệp ác.
C.3-4: "Ðức Chí Tôn tha tội và cởi bỏ hết các oan
nghiệt trong kỳ Ðại Ân Xá nầy. Chư Thần Thánh Tiên Phật cứu giúp thoát khỏi các
tai nạn và ác nghiệp."
Câu 5-6: "Ðã tầng chịu khó khăn kiếp sống,"
"Ðịnh tâm thần giải mộng Nam Kha."
Ðã tầng chịu: Ðã từng gánh
chịu. Ðịnh: Sắp đặt cho yên ổn. Tâm thần: Tâm là chơn linh, thần là chơn thần.
Ðịnh tâm thần là sắp đặt cho chơn linh và chơn thần được yên ổn. Giải: Phân
tích cho hiểu rõ.
Mộng Nam Kha: Ðiển tích:
Ông Lý công Tá, đời nhà Ðường, làm sách Nam Kha, có chép một truyện sau đây:
Thuần Vu Phẩn nằm mộng
thấy đi tới nước Hòe An, được vua nước nầy đem lòng thương mến gả công chúa
cho, rồi bổ làm Thái Thú đất Nam Kha, công danh thật là hiển hách. Sau đó,
Thuần Vu Phẩn được lệnh vua cầm quân đi đánh giặc, chẳng may bị thua; ở nhà
công chúa lại đau bịnh chết. Vua nghi ngờ rồi cất chức đuổi đi. Thuần Vu Phẩn
quá thất vọng và buồn rầu, liền giựt mình thức dậy, thấy mình đang nằm ngủ quên
dưới cội cây Hòe, nơi cành cây phía nam, có một con kiến chúa đang nằm trong tổ
kiến.
Thuần Vu Phẩn nhớ lại giấc
chiêm bao của mình, so sánh với thực tế chung quanh, thì chợt hiểu rằng: Cây
Hòe là nước Hòe An, cành cây phía nam là đất Nam Kha, và vua nước Hòe An là con
kiến chúa.
Ông lấy làm chán nãn, thấy
rõ cuộc đời chẳng khác chi một giấc mộng, không có chi là trường cửu, nên ông
tìm đường lên núi học đạo tu Tiên.
Từ điển tích nầy, người ta
rút ra các thành ngữ: Giấc Nam Kha, Mộng Nam Kha, Giấc Hòe, để chỉ cuộc đời là
giả tạm, công danh phú quí như giấc chiêm bao.
Mộng Nam Kha đồng nghĩa
với Huỳnh lương mộng.
C.5-6: "Ðã từng chịu
nhiều nỗi khó khăn vất vả trong kiếp sống. Hãy định cho yên ổn chơn linh và
chơn thần để hiểu rõ công danh phú quí nơi cõi trần chỉ là giấc mộng."
Câu 7-8: "Càn khôn để bước Ta-bà,"
"Ðoạt cơ thoát tục tạo nhà cõi Thiên."
Càn khôn: CKVT. Ta-bà: chỉ
các cõi trần. (Xem: Ta-bà Thế giới DLCK). Ðể bước Ta-bà: Ði xuống cõi trần, ý
nói đầu kiếp xuống cõi trần để làm một người nơi cõi trần.
Thoát tục: Thoát khỏi cõi
trần. Ðoạt cơ thoát tục: Ðoạt được cơ quan mầu nhiệm của Ðức Chí Tôn thì đắc
đạo, linh hồn thoát khỏi cõi trần, trở về cõi TLHS.
Tạo nhà cõi Thiên: Ý nói
tạo được ngôi vị cao trọng nơi cõi TLHS. (Giống C.16 KXH: Mượn hình Thánh Thể
cất nhà cõi Thiên.)
C.7-8: "Trong CKVT, các chơn linh phải đầu
kiếp xuống cõi trần để có xác thân phàm, nhờ nó mà lập được công quả và tu
luyện, đoạt được cơ quan mầu nhiệm của Ðức Chí Tôn, đắc đạo, thoát khỏi cõi trần,
tạo được ngôi vị nơi cõi TLHS."
Câu 9-10: "Ơn Tạo Hóa
tha tiền khiên trước,"
"Ðưa linh phan tiếp rước nguyên nhân."
Ơn Tạo Hóa: Ơn của Ðức Chí
Tôn. Tha tiền khiên trước: Tha thứ các lỗi lầm đã gây ra trong kiếp sống trước.
Linh phan: Phướn linh, cây
phướn thiêng liêng.
Nguyên nhân: Những người
mà chơn linh của họ được sanh ra từ lúc khai Thiên. Hiện nay còn 92 ức nguyên
nhân đang trầm luân nơi cõi trần. Ðạo Cao Ðài có nhiệm vụ cứu vớt hết số nguyên
nhân nầy. (Xem: C.7 PG).
C.9-10: "Ðức Chí Tôn đại khai ân xá, tha thứ
các lỗi lầm trong các kiếp sống trước, đưa cây phướn linh để rước các nguyên
nhân trở về cõi Thiêng liêng."
Câu 11-12: "Tiên phong
phủi ngọn phất trần."
"Liên đài đỡ gót đến gần Tây phương."
Tiên phong: Dáng dấp của
Tiên, chỉ các vị Tiên.
Phủi: Ðập nhẹ cho bụi rơi
xuống. Ngọn Phất trần: Cái đầu của cây Phất trần. Phất là quét, trần là bụi
bặm. Phất trần là cây chổi Tiên để quét sạch các thứ bụi bặm dơ bẩn bám vào
chơn thần, để chơn thần được thanh nhẹ bay trở về cõi Thiêng liêng. Phất trần
còn được gọi là Phất chủ.
Liên đài: Ðài sen. Trong
câu nầy, Liên đài đồng nghĩa với Liên thần trong C.5 KKÐCR: Dưới chín lớp liên
thần đưa bước. Khi chơn hồn bước lên đứng trên liên đài nầy thì liên đài bay
lên đưa chơn hồn đến cõi CLTG.
Tây phương: chỉ cõi CLTG ở
về hướng Tây.
C.11-12: "Các vị Tiên dùng cây Phất chủ quét
sạch bụi bặm bám vào chơn thần, để chơn thần được trong sạch nhẹ nhàng, đứng
trên liên đài để liên đài đưa lên cõi CLTG."
Câu 13-14: "Cửa Cực Lạc
đon đường thẳng tới,"
"Tầm Không môn đặng đợi Như Lai."
Ðon đường: Hỏi thăm đường
đi. Tầm: Tìm kiếm.
Không môn: Cửa Không, ý
nói cửa Phật, vì giáo lý của Phật chủ trương tất cả đều không: Ngã không, Pháp
không, Sắc không, vv. Như Lai: Phật.
C.13-14: "Hỏi thăm đường đi thẳng tới cửa CLTG,
tìm cửa Phật đặng chờ đợi gặp Phật."
Câu 15-16: "Hào quang
chiếu diệu Cao Ðài,"
"May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh."
Hào quang: Ánh sáng tỏa ra
từ chơn thần của một Ðấng Thiêng liêng. Chiếu diệu: Chiếu sáng rực rỡ.
Cao Ðài: Danh xưng của Ðức
Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế trong ÐÐTKPÐ. May duyên: Cơ hội may mắn.
Siêu sanh: Siêu là vượt
lên trên, sanh là sống. Siêu sanh là vượt lên trên cõi trần để lên sống nơi cõi
TLHS.
C.15-16: "Ánh hào quang của Ðức Chí Tôn chiếu
sáng rực rỡ, cơ hội may mắn cho các chơn hồn được siêu thăng, lên sống nơi cõi
Thiêng liêng Hằng sống."
Câu 17-18: "Trụ nguyên
tánh hồn linh nhàn lạc,"
"Cõi Ðào nguyên cỡi hạc thừa long."
Trụ: Giữ vững. Hồn linh:
Linh hồn.
Nguyên tánh: Nguyên là
nguồn gốc, khởi đầu. Nguyên tánh là cái bổn tánh của con người. Cái bổn tánh ấy
vốn lành (Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện). Vậy, nguyên tánh là cái bổn tánh lành
của con người. Trụ nguyên tánh là giữ vững cái tánh lành của mình. Nhàn lạc:
Nhàn hạ và vui vẻ.
Ðào nguyên: chỉ cảnh Tiên.
(Xem điển tích: C.5 KKV)
Cỡi hạc thừa long: Cỡi lên
chim hạc, hoặc cỡi lên con rồng. Thừa
là cỡi. Long là con rồng.
C.17-18: "Giữ
vững cái bổn tánh lành của mình để cho linh hồn được an nhàn vui vẻ, được cỡi
lên chim hạc hoặc cỡi lên con rồng đi chơi nơi cảnh Tiên."
Câu 19-20: "Lánh xa trược chất bụi hồng,"
"Cung Tiên sớm tối vui vòng thung dung."
Trược chất: Các chất
khí dơ bẩn.
Bụi hồng: Bụi đỏ, do chữ
Hồng trần, chỉ chung các thứ dơ bẩn ô trược nơi cõi trần. Cung Tiên: chỉ cõi
Tiên. Vui vòng thung dung: Vui vẻ trong cảnh thảnh thơi nhàn hạ.
C.19-20: "Nên lánh xa cõi trần có nhiều thứ dơ
bẩn, đi lên cõi Tiên, sớm tối vui vẻ trong cảnh thảnh thơi nhàn hạ."
Câu 21-22: "Nơi Cung ngọc học thông đạo cả,"
"Chốn Hư vô Tạo
Hóa tìm cơ."
Cung ngọc: Cung điện bằng
ngọc, chỉ cõi Tiên. Học thông: Học tập cho biết rõ. Ðạo cả: Cả là lớn. Ðạo cả
là mối đạo lớn, tức là nền Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn. Chốn Hư vô: Cõi trống
không, thấy không có gì cả nhưng rất huyền diệu.
Tạo Hóa: chỉ Ðức Chí Tôn.
Tìm cơ: Tìm cho ra cơ quan mầu nhiệm của Ðức Chí Tôn để được đắc đạo.
C.21-22: "Nơi cõi Tiên, học tập thông suốt nền
Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn, để tìm ra cơ quan mầu nhiệm nơi cõi Hư vô."
Câu 23-24: "Trên đường
Thánh đức lần dò,"
"Trường sanh mầu nhiệm nơi lò Hoá Công."
Thánh đức: Cái đức của bực
Thánh. Ðường Thánh đức: Ý nói con đường đạo đức. Lần dò: Dò dẫm lần đi từng
bước.
Trường sanh: Sống lâu dài,
hằng sống.
Mầu nhiệm: Huyền diệu, như
có phép lạ, không thể giải thích được bằng lý lẽ thông thường. Lò Hóa Công: Cái
lò sản xuất của Ông thợ tạo hóa, chỉ Ðức Chí Tôn.
C.23-24: "Từ từ lần bước trên con đường đạo đức thì sẽ
được hằng sống nơi cõi TL mầu nhiệm của Ðức Chí Tôn."
Câu 25-26: "Khá từ bỏ xa
dòng bể khổ,"
"Diệt trần tình Cam lộ tẩy nhơ."
Diệt trần tình: Tiêu diệt
những tình cảm xấu của con người, bằng cách chuyển hóa nó vào đường cao thượng.
(Xem chi tiết: C.14 KKÐCR). Cam lộ: Cam là ngọt, lộ là giọt sương. Cam lộ hay
Cam lồ là nước sương ngọt, là thứ nước huyền diệu do các Ðấng Tiên, Phật chế
luyện, dùng để tẩy rửa chơn thần cho trong sạch. Tẩy nhơ: Rửa cho mất hết các
vết dơ bẩn.
C.25-26: "Khá nên từ bỏ và xa lánh biển khổ,
tiêu diệt các thứ tình cảm xấu và nhờ nước Cam lồ tẩy sạch chơn thần."
Câu 27-28: "Ngân kiều Bát
Nhã qua bờ,"
"Ðưa duyên để bước kịp giờ siêu thăng."
Ngân kiều: Cây cầu bắc qua
sông Ngân Hà nơi cõi TL. Ngân Hà nối liền với biển khổ, qua được Ngân Hà là qua
biển khổ, đến cõi TLHS. Bát Nhã: do phiên âm chữ Phạn: Prajnâ, dịch là Trí huệ,
nghĩa là sự hiểu biết hoàn toàn sáng suốt về Ðạo lý. Người đạt được trí huệ thì
đắc đạo. Ðưa duyên: Ðưa người có duyên phần. Siêu thăng: Bay lên cõi TLHS.
C.27-28: "Người đắc đạo dùng trí huệ mới bước
lên được Ngân kiều, đi qua Ngân Hà, đến được bờ bên kia; đưa người có duyên
phần kịp giờ siêu thăng lên cõi TLHS."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét