KINH CẦU TỔ PHỤ ÐÃ
QUI LIỄU (Giọng Nam ai)
1. "Giọt máu mủ lưu truyền tại thế,
2. Con nhẫng mong truyền kế lửa hương.
3. Nguyện cùng Thất Tổ xin thương,
4. Cho bền gan tấc noi đường thảo ngay.
5. Xưa chẳng đặng phước may gặp Ðạo,
6. Nay
phò trì con cháu tu tâm.
8. Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiên.
9. Dầu tội chướng ở miền Ðịa giái,
10. Dầu oan gia ở ngoại Càn Khôn,
11. Dầu mang xác tục hay hồn,
12. Nhớ cầu Từ Phụ Chí Tôn cứu nàn.
13. Dầu đoạt vị ở an Thiên cảnh,
14. Dầu tái sanh mở cảnh siêu phàm.
15. Nương
thuyền Bát Nhã cho an,
16. Dìu chừng con cháu vào đàng nghĩa nhân.
17. Kìa lố bóng hồng ân bao phủ,
18. Cả thế gian đầy đủ đạo mầu.
19. Âm dương đôi nẻo như nhau,
20. Cửu Huyền Thất Tổ giữ câu thọ trì.
21. Chốn Tây phương
đường đi thong thả,
22. Cõi Diêm Cung
tha quả vong căn.
23. Tiêu diêu định tánh nắm phan,
24. Dò theo Cực Lạc đon đường siêu thăng.
25. Nhớ nỗi hiếu khó ngăn nét thảm,
26. Tưởng nguồn ân đốt nắm tâm hương.
27. Tấc lòng đòi đoạn đau thương,
28. Chơn mây vái với hương hồn hiển linh."
(Tụng
tiếp KINH CỨU KHỔ)
GIẢI NGHĨA
Kinh Cầu Tổ
Phụ Ðã Qui Liễu dùng để đồng nhi tụng khi cúng tế Cửu Huyền Thất Tổ, hay khi
Cáo Từ Tổ trong Tang lễ.
Tổ phụ: Tổ
là người sanh ra một dòng họ, phụ là cha. Tổ phụ là chỉ chung tổ tiên. Trong
một trường hợp khác, Tổ phụ có nghĩa là Ông Nội, Tổ mẫu là Bà Nội.
Qui liễu: Qui là trở về,
liễu là xong việc. Quy liễu là xong việc thì trở về. Ý nói: Sự chết nơi cõi
trần, linh hồn xuất ra khỏi xác bay trở về cõi thiêng liêng.
Ðạo Cao Ðài quan niệm
rằng, con người sanh ra nơi cõi trần đều có lãnh một sứ mạng TL do Ðức Chí Tôn
giao phó. Sau khi làm xong công việc thì linh hồn xuất ra khỏi xác phàm, bay
trở về cõi TL phục lịnh. Ở cõi trần gọi đó là chết.
Câu 1-2: "Giọt máu mủ lưu truyền tại thế,"
"Con nhẫng mong truyền kế lửa hương."
Máu mủ: Chỉ sự quan hệ
huyết thống trong thân tộc.
Giọt máu mủ: Ý nói: Ðứa
con của dòng họ.
Lưu truyền: Ðể trao lại
cho đời sau. Nhẫng: Chỉ là.
Truyền kế: Trao lại để có
sự tiếp nối liên tục. Lửa hương: Hương hỏa. Hương là cây nhang, lửa là chỉ cây
đèn. Hương hỏa là nhang đèn, chỉ sự thờ cúng tổ tiên.
C.1-2: "Ðứa con của dòng họ còn lưu truyền nơi
cõi đời, con chỉ mong tiếp nối sự thờ cúng tổ tiên."
Câu 3-4: "Nguyện cùng Thất Tổ xin thương,"
"Cho bền gan tấc noi đường thảo ngay."
THẤT TỔ: 7 vị Tổ của một dòng
họ. Thất Tổ gồm:
7. Thất Tổ: Thỉ Tổ Tỷ
Khảo.
6. Lục Tổ: Cao Cao Tổ Tỷ
Khảo.
5. Ngũ Tổ: Viễn Tổ Tỷ
Khảo.
4. Tứ Tổ: Tiên Tổ Tỷ Khảo.
3. Tam Tổ: Cao Tổ Tỷ Khảo.
(Ông Sơ Bà Sơ đã chết)
2. Nhị Tổ: Tằng Tổ Tỷ
Khảo. (Ông Cố Bà Cố đã chết)
1. Nhứt Tổ: Nội Tổ Tỷ
Khảo. (Ông Nội Bà Nội đã chết)
Chỉ kể 7 vị Tổ của dòng họ
mà không kể lên đến các vị Tổ lớn hơn nữa là vì Lễ Nghi xưa của Nho giáo qui
định rằng:
* Thứ dân chỉ được thờ tới
Nhứt Tổ.
* Quan Ðại phu được thờ
tới Tam Tổ.
* Vua Chư Hầu được thờ tới
Ngũ Tổ.
* Hoàng Ðế thờ Thất Tổ.
Những Linh vị của các vị
Tổ đứng trên hàng Thất Tổ được đem đốt, lấy tro đổ vào một cái hủ đặt ngay giữa
bàn thờ Thất Tổ gọi là Hủ tro Mộc chủ.
Gan tấc: Gan biểu thị ý
chí mạnh mẽ bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn nguy hiểm; tấc là chỉ tấm
lòng. Cho bền gan tấc là giữ ý chí và lòng dạ bền vững dù gặp nguy hiểm.
C.3-4: "Cầu nguyện Thất Tổ xin thương con, phò
hộ con cho ý chí được bền vững để noi theo con đường thảo ngay."
Câu 5-6: "Xưa chẳng đặng phước may gặp Ðạo,"
"Nay phò trì con cháu tu tâm."
Gặp Ðạo: Gặp ÐÐTKPÐ tức là gặp Ðạo Cao Ðài để
nhập môn tu hành. Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài kể từ ngày 15-10-Bính Dần (1926).
Những vị nào chết trước ngày nầy thì không có phước may gặp Ðạo, để hưởng được
thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn cứu rỗi.
Phò trì: Phò là giúp đỡ, trì là gìn giữ. Phò
trì là giúp đỡ và gìn giữ. Tu tâm: Sửa lòng, sửa đổi cái Tâm cho tốt đẹp.
C.5-6: "Thuở
xưa, Thất Tổ không đặng phước may gặp Ðạo Cao Ðài, nay xin giúp đỡ và gìn giữ
con cháu tu tâm trong cửa Ðạo Cao Ðài."
Câu 7-8: "Dâng gươm huệ kiếm xin cầm,
Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiên."
Huệ kiếm: Gươm trí huệ.
(Xem: C.4 KVH)
Trái chủ: Người chủ nợ.
Trái là món nợ. Nợ đây là nợ oan nghiệt. Mình là con nợ, người ta là chủ nợ.
Lúc nào đó, người ta sẽ buộc mình phải trả món nợ oan nghiệt ấy.
Ngôi Thiên: Ngôi vị nơi
cõi TLHS.
C.7-8: Dâng lên cây gươm
trí huệ, xin cầm lấy để chặt cho đứt lìa các dây oan nghiệt mà các chủ nợ ràng
buộc, thì mới lên được cõi TLHS, tìm về ngôi vị cũ.
Ý nói: Xin dùng cái trí
huệ diệt trừ các oan nghiệt đã gây ra nơi cõi trần thì mới được trở về ngôi vị
cũ nơi cõi TL.
Câu 9-10-11-12:
" Dầu tội chướng ở miền Ðịa giái,
Dầu oan gia ở ngoại Càn Khôn,
Dầu mang xác tục hay hồn,
Nhớ cầu Từ Phụ Chí Tôn cứu nàn."
Dầu: Mặc dù. Tội chướng:
Những tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống trước tạo thành nghiệp cảm xấu làm cho
kiếp nầy phải chịu nhiều trở ngại khó khăn. Chướng là trở ngại.
Ðịa giái: Thế giới địa
cầu, tức là địa cầu 68 của nhơn loại chúng ta đang ở, thường được gọi là cõi
trần.
Oan gia: Oan
là thù giận, gia là người. Oan gia là người thù giận mình. Ở ngoại: Ở bên
ngoài nơi mình ở, tức là ở bên ngoài cõi trần. Càn Khôn: CKVT. Ở ngoại Càn
Khôn: Ở bên ngoài cõi trần, trong CKVT. Xác tục: Thể xác phàm nơi cõi trần.
Hồn: Linh hồn. Cứu nàn: Cứu giúp các tai nạn.
Bốn câu: 9-10-11-12:
"- Mặc dù đã gây ra các tội chướng nơi cõi trần,
- Mặc dù gặp phải các oan gia ở bên ngoài cõi trần,
- Mặc dù còn mang xác phàm hay chỉ còn linh hồn,
- Phải nhớ cầu khẩn Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ cứu nạn."
Ý nói: Dù trong bất cứ
cảnh ngộ nào, bất cứ ở đâu, phải luôn luôn ghi nhớ là cầu khẩn Ðức Chí Tôn cứu
giúp
Câu 13-14-15-16:
" Dầu đoạt vị ở an Thiên cảnh,
Dầu tái sanh mở cảnh siêu phàm.
Nương thuyền Bát Nhã cho an,
Dìu chừng con cháu vào đàng
nghĩa nhân."
Ðoạt vị:
Chiếm được ngôi vị. Thiên cảnh: Cõi Trời, cõi TLHS. Tái sanh: Sanh lại một lần
nữa, tức là đầu thai xuống cõi trần một lần nữa. Tái sanh đồng nghĩa với Tái
kiếp.
Siêu phàm:
Siêu là vượt lên trên, phàm là tầm thường thấp kém. Siêu phàm là vượt lên trên cái
tầm thường. Mở cảnh siêu phàm: Mở ra một sự nghiệp phi thường.
Thuyền Bát Nhã: Chiếc
thuyền đưa người phước đức vượt qua biển khổ, đến cõi TLHS. Dìu chừng: Dìu dắt
và coi chừng. Ðàng nghĩa nhân: Con đường đạo đức, con đường Ðạo.
Bốn câu 13-14-15-16:
"- Dù đã đoạt được ngôi vị và ở yên nơi cõi TLHS,
- Dù đã tái kiếp xuống cõi trần và mở ra một sự nghiệp
phi thường,
- Xin nương dựa vào chiếc thuyền Bát Nhã để vượt qua
biển khổ cho được yên ổn,
- Xin dìu dắt và coi chừng tất cả con cháu đi trọn vẹn
trong con đường đạo đức."
Câu 17-18: "Kìa lố bóng
hồng ân bao phủ, "
"Cả thế gian đầy đủ đạo mầu."
Lố bóng: Ánh sáng lộ ra.
Hồng ân: Ơn huệ của Ðức Chí Tôn. Ðạo mầu: Ðạo pháp mầu nhiệm.
C.17-18: "Kìa là ánh sáng hiện ra chứa đầy ơn
huệ của Chí Tôn, bao phủ khắp cả thế gian, đầy đủ Ðạo pháp mầu nhiệm."
Câu 19-20: "Âm dương đôi
nẻo như nhau,"
"Cửu Huyền Thất Tổ giữ câu thọ trì."
Âm Dương: Cõi Âm và cõi
Dương, tức là cõi của người sống và cõi của người chết. Ðôi nẻo: Hai đường.
Thọ trì: Nhận lãnh và gìn
giữ. Thọ là nhận lãnh, trì là gìn giữ. Giữ câu thọ trì: Nhận lãnh và gìn giữ
những lời dạy bảo của Ðức Chí Tôn để thi hành.
C.19-20: Nơi cõi của người
sống và nơi cõi của người chết, 2 con đường đều như nhau. Xin Cửu Huyền Thất Tổ
nhận lấy và gìn giữ các lời dạy bảo của Ðức Chí Tôn để thi hành.
Giải thích Cửu Huyền Thất
Tổ:
CỬU HUYỀN: Tổ tiên 9 đời.
Thờ Cửu Huyền, ý nói mình là cháu 9 đời, thờ các bậc Tổ tiên 9 đời trước mình.
Còn khi nói bà con dòng dõi 9 đời là nói Cửu Tộc.
Cách gọi tên các bậc trong
Cửu Huyền thì lấy Bản thân làm gốc mà đặt ra: Từ Bản thân kể lên 4 đời và kể
xuống 4 đời, gộp chung lại là 9 đời, kể ra như sau:
1 - Cao Tổ (Ông Sơ)
2 - Tằng Tổ (Ông Cố)
3 - Tổ phụ (Ông Nội)
4 - Phụ thân (Cha)
5 Bản thân
6 - Trưởng tử (Con trai lớn)
7 - Ðích tôn (Cháu nội)
8 - Tằng tôn (Cháu cố) (Chắt)
9 - Huyền tôn (Cháu sơ) (Chích)
Gọi như vậy thì thờ Cửu
Huyền, cúng lạy Cửu Huyền là cúng lạy cả con cháu của Bản thân mình hay sao?
Ðiều nầy có thể được giải
thích bằng nhiều lẽ sau đây:
* 1) Vấn đề là dùng danh
từ để đặt tên cho dễ hiểu: Có Bản thân, có Tổ phụ, có tử tôn; lên 4 đời, xuống
4 đời; trong đó có người đã chết, người đang sống, và người chưa sanh ra, tức
là có đủ lẽ Âm Dương.
* 2) Gọi như thế để chỉ 3
đời (Tam thế): Ðời quá khứ là Tổ tiên, đời hiện tại là mình, đời tương lai là
con cháu.
* 3) Gọi như thế là có ý
chỉ rằng có sự đầu thai chuyển kiếp trong dòng họ, có thể có những vị Tổ đầu
thai trở lại làm con cháu mình để thực hiện Nhân Quả, và chính Bản thân mình
cũng có thể là một vị Tổ đời trước đầu kiếp trở lại.
* 4) Gọi như thế để thể
hiện sự vay trả: Mình đứng giữa, vay lớp trên 4 đời, trả cho lớp dưới 4 đời.
Công đức hay tội lỗi do Bản thân mình gây ra trong kiếp sống hiện tại có ảnh
hưởng đến Tổ tiên 4 đời trước và con cháu 4 đời sau.
Công đức do mình làm ra
thì cả Cửu Huyền đều thọ hưởng, tức là 4 đời Tổ có hưởng và con cháu 4 đời sau
có hưởng; còn tội lỗi do mình gây ra thì 4 đời Tổ trước mình phải chịu khổ tâm
nơi cõi Thiêng liêng, và con cháu 4 đời sau mình phải lo đền trả nếu Bản thân mình
chưa trả hết.
Thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ
là kỉnh trọng các bậc tiền nhân, Tổ tiên chúng ta, trong buổi sanh tiền, đã
giáo hóa cử chỉ hành động, công ăn việc làm, sao cho tốt đẹp, hợp đạo lý để
phát huy sự nghiệp của Tổ tiên, làm rạng rỡ Tổ tiên.
Ngoài ra, Cửu Huyền Thất
Tổ có thể được giải thích chung trong một hệ thống sau đây:
Hệ Thống CỬU HUYỀN:
Còn Thất Tổ, Cha của mình
chưa được liệt vào Thất Tổ, Ông Nội của mình là Nội Tổ mới bắt đầu được liệt
vào Thất Tổ. Cho nên, Thất Tổ bao gồm từ Ông Nội (Nội Tổ) lên đến Ông Sơ của
Ông Sơ. Thất Tổ hợp với Cha mình và Bản thân mình, gồm 9 đời, tạo thành Hệ
Thống Cửu Huyền.
Câu 21-22: "Chốn Tây
phương đường đi thong thả,"
"Cõi
Diêm Cung tha quả vong căn."
Chốn Tây
phương: Cõi Tây phương Cực Lạc, tức là cõi CLTG. Diêm Cung: Cung Ðiện của các vị Diêm Vương. Cõi Diêm
Cung là cõi Ðịa ngục.
Tha quả vong căn: Tha là
bỏ qua không bắt tội, vong là quên, căn quả là những tội lỗi trong kiếp trước
làm cho kiếp nầy phải bị quả báo xấu là hoạn nạn và tai ương. Tha quả vong căn
là tha thứ và quên đi cái căn quả xấu nơi kiếp trước.
C.21-22: "Cõi Tây phương CLTG, đường đi đến đó
rất thong thả. Cõi Ðịa ngục, các vị Diêm Vương tha thứ và quên đi các căn quả"
(do thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn: Ðóng Ðịa ngục, mở tầng Thiên).
Câu 23-24: "Tiêu diêu
định tánh nắm phan,"
"Dò theo Cực Lạc đon đường siêu thăng."
Tiêu diêu: Cây phướn Tiêu
diêu, còn gọi là Phướn Truy hồn, do Lục Nương DTC cầm giữ, để hướng dẫn các
chơn hồn đi lên DTC bái kiến Ðức Phật Mẫu. Ðịnh tánh: Làm cho yên ổn cái tánh.
Tánh là thể hiện của Tâm. Tâm là Chơn linh thì Tánh là Chơn thần. Ðịnh tánh là
làm cho Chơn thần được yên ổn. Phan: Cây phướn để dẫn đường.
Ðon đàng: Hỏi thăm dò cho
biết đường đi.
C.23-24: "Giữ cho Chơn thần được yên ổn để đi
theo cây phướn Tiêu Diêu, dò theo con đường đi lên cõi CLTG mà bay thẳng lên
cao."
Câu 25-26: "Nhớ nỗi hiếu
khó ngăn nét thảm,"
"Tưởng nguồn ân đốt nắm tâm hương."
Nỗi hiếu: Nỗi niềm hiếu
thảo đối với Ông bà Cha mẹ.
Nét thảm: Cái vẻ biểu lộ
ra ngoài lòng sầu thảm, ý nói khóc chảy nước mắt vì sầu thảm. Nguồn ân: Cái ơn
huệ của Tổ phụ, vì Tổ phụ là nguồn gốc của mình. Nắm: Một bó nhỏ vừa nắm gọn
trong bàn tay. Nắm tâm hương: Bó hương lòng, tức là lấy lòng thành làm bó hương
dâng lên khẩn nguyện.
C.25-26: "Nhớ đến nỗi niềm hiếu thảo mà không
ngăn được dòng lệ. Nhớ tưởng đến ơn huệ của Tổ Tiên, xin đốt dâng lên nắm tâm
hương."
Câu 27-28: "Tấc lòng đòi đoạn đau thương,"
"Chơn mây vái
với hương hồn hiển linh."
Tấc lòng: Tấm lòng. Dùng chữ Tấc là để tỏ ý
khiêm nhượng. Ðòi đoạn: Ðòi là nhiều, đoạn là khúc. Ðòi đoạn là cắt ra làm nhiều
khúc. Tấc lòng đòi đoạn đau thương: Lòng đau đớn dữ dội như ruột bị cắt ra làm
nhiều khúc. Chơn mây: Ở phía dưới các đám mây, ý nói ở cõi Trời. Hương hồn: Hồn
thơm. Từ ngữ nầy dùng để gọi linh hồn người chết với ý kính trọng và mong mỏi
linh hồn người chết được siêu thăng.
Hiển linh: Hiện ra một
cách thiêng liêng.
C.27-28: "Tấm lòng của con cháu vô cùng đau đớn
thương tiếc, nguyện vái với hương hồn của Tổ phụ nơi cõi Trời hiển linh xin
chứng."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét