Kinh Ðệ Nhứt Cửu (Giọng
Nam xuân)
1. "Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo.
2. Khối hình hài đã chịu rã tan.
3. Bảy dây oan nghiệt hết ràng,
4. Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.
5. Kìa Thiên cảnh con đường vòi vọi.
6. Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu.
8. Thoát ba Thần phẩm đứng đầu Tam Thiên.
9. Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại,
10. Ðoạn cho rồi oan trái buổi sanh.
11. Ðem mình nương
bóng Chí Linh,
12. Ðịnh tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa.
13. Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh.
14. Phách anh linh ắt phải anh linh.
15. Quản bao Thập ác Lục hình,
16. Giải thi thoát khổ diệt hình đoạt căn."
(Niệm Câu
Chú của Thầy 3 lần)
GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Nhứt
Cửu do Nhứt Nương DTC giáng cơ ban cho. Nhứt Nương có nhiệm vụ cai quản Vườn Ngạn Uyển
của Ðức Phật Mẫu, và hướng dẫn các Chơn hồn vừa mới thoát xác, lên từng Trời
thứ nhứt, đến Vườn Ngạn Uyển xem cái hoa của mình mới vừa héo úa. Các Chơn hồn
còn được Nhứt Nương giúp cho định tỉnh Chơn thần và Chơn linh
Câu 1: "Vườn Ngạn
Uyển sanh hoa đã héo."
Ngạn Uyển: Ngạn là bờ cao,
Uyển là cái vườn của nhà vua. Ngạn Uyển là cái vườn hoa của Ðức Phật Mẫu nơi
cõi TL. Trong vườn Ngạn Uyển có trồng đủ 12 sắc hoa khác nhau, tượng trưng 12
con Giáp (Thập nhị Ðịa Chi). Tuổi của con người nằm trong 12 con Giáp nầy. Mỗi
sanh mạng của con người nơi thế gian đều được tượng hình bằng một cái hoa nở
trong vườn. Mỗi khi hoa ấy héo tàn thì người ấy lìa trần trở về cõi TL. Khi
người ấy tái kiếp xuống trần thì hoa ấy lại nở ra. Khi người ấy làm điều đạo
đức thì sắc hoa tươi thắm, nếu làm điều gian ác thì sắc hoa ủ dột xấu xí.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo Con đường TLHS:
"Trước mắt chúng ta hiện tượng hào quang chiếu
diệu một vườn hoa, đẹp đẽ đủ màu. Vườn hoa ở cảnh TL ấy không phải như vườn hoa
ở thế gian nầy đâu! Bông hoa thiêng liêng ấy sẽ sống một triệu lần do nơi huyền
năng biến hóa của nó, và nó sẽ hiện tượng biến hóa trước mặt ta vô cùng vô tận
vậy. Bởi vì nó thay đổi màu sắc rực rỡ vô biên, cho nên mỗi phen kiếp sanh tại
thế nầy, đường tấn hóa trên con đường trí thức tinh thần, mỗi khi nhơn loại
tiến triển lên thì vườn Ngạn Uyển nó sẽ đổi hình đổi tướng một cách đẹp đẽ vô
ngần."
C.1: "Một cái hoa được sanh ra ở trong vườn Ngạn Uyển mà héo tàn thì
một sanh mạng con người nơi cõi trần đã chết."
Câu 2: "Khối hình hài đã chịu rã tan."
Khối hình hài: Thể xác
phàm bằng xương bằng thịt.
C.2: Thể xác phàm chết thì
sình thúi và rã tan thành đất.
Câu 3-4: "Bảy dây oan nghiệt hết ràng,"
"Bợn trần rửa
sạch muôn ngàn đau thương."
Bảy Dây oan nghiệt: Khi
con người sống nơi cõi trần, Chơn thần liên lạc với Thể xác qua 7 dòng điện từ
[còn gọi là 7 sợi dây từ khí] mà mắt phàm không thấy được.
Nhờ 7 dòng điện từ nầy mà
Chơn thần ra lịnh cho Thể xác phải làm đúng theo lời dạy bảo của Chơn linh,
nhưng cũng qua 7 dòng điện từ nầy mà Xác phàm đòi hỏi Chơn thần phải làm cho nó
thỏa mãn. Nếu Chơn linh yếu đuối không ngăn cản nổi thì Chơn thần làm theo sự
đòi hỏi của Thể xác, nên mới gây ra nhiều mối oan nghiệt trong kiếp sống. Do đó
mới gọi 7 dòng điện từ nầy là 7 dây oan nghiệt.
Khi ta nằm chiêm bao, Chơn
thần xuất khỏi Thể xác, nhưng vẫn nối liền Thể xác bằng 7 dòng điện từ. Khi có
tiếng động mạnh, Thể xác nghe được, liền dùng 7 dòng điện từ nầy kéo Chơn thần
trở về lập tức, và liền đó ta giựt mình thức dậy.
Bảy dây oan nghiệt ở vào 7
nơi trong cơ thể:
Trên đầu (mỏ ác).
Ngay trán.
Ngay cổ.
Ngay tim.
Ngay hông trái,
Ngay dạ dưới.
Dưới xương khu.
Khi Thể xác chết, 7 dây
oan nghiệt vẫn còn kéo níu Chơn thần, ràng buộc Chơn thần không cho xuất ra. Do
đó, Ðức Chí Tôn ban cho Phép Ðoạn Căn để Chức sắc hành pháp cắt đứt 7 dây oan
nghiệt, Chơn thần mới xuất ra rời bỏ thể xác, bay lên cõi TL.
Bợn trần: Các thứ dơ bẩn
nơi cõi trần làm ô trược bổn tánh tốt đẹp và Chơn thần của con người.
Câu kinh 4 nói về Phép
Xác, Chức sắc hành pháp dùng Cam Lồ Thủy tẩy rửa Chơn thần của người chết cho
thanh khiết , trước khi hành pháp Ðoạn Căn cắt 7 dây oan nghiệt.
C.3-4: "7 sợi dây oan nghiệt đã được cắt đứt
rồi, không còn ràng buộc Chơn thần nữa, đồng thời cũng đã rửa sạch hết các nhơ
bợn của cõi trần bám vào Chơn thần làm cho Chơn thần dứt hết các nỗi đau
thương."
Câu 5: "Kìa Thiên
cảnh con đường vòi vọi."
Thiên cảnh: Cõi Trời, cõi
TLHS. Vòi vọi: Ở cao quá tầm nhìn của mắt như là không thấy đâu là tận cùng.
C.5: "Kìa là con đường cao vòi vọi đi lên cõi TLHS."
Câu 6: "Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu."
Hồng Quân: Hồng là to lớn,
Quân là cái bàn xoay của người thợ nặn đồ gốm. Hồng Quân là cái bàn xoay to lớn
dùng để nặn ra các thứ đồ vật, ý so sánh để nói rằng: Ðấng Tạo Hóa là Ông Thợ
Trời, chuyển vận 2 khí Âm Dương làm như cái bàn xoay to lớn để tạo hóa ra vạn
vật. Do đó, Hồng Quân là chỉ Ðức Chí Tôn. Ngọc Lầu: Tòa lầu đài bằng ngọc, ý
nói Bạch Ngọc Kinh, nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn.
C.6: "Ánh hào quang của Ðức Chí Tôn đương chiếu sáng rực rỡ Bạch Ngọc
Kinh."
Câu 7: "Cung Thiềm
gắng bước cho mau."
Cung Thiềm:
Thiềm là con thiềm thừ, tục gọi là con cóc. Tương truyền trên Cung
Trăng có một con thiềm thừ to lớn đẹp đẽ, đã sống được 8000 tuổi,
dưới họng có chữ son. Do đó, Cung Thiềm là chỉ Cung Trăng hay Mặt trăng. Nơi
đây là Bạch Vân Ðộng của chư Thánh, mà vị đứng đầu là Thanh Sơn Ðạo Sĩ, tức
là Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm.
C.7: "Kìa là Cung Trăng, Chơn thần cố gắng
bước đi cho mau."
Câu 8: "Thoát ba Thần
phẩm đứng đầu Tam Thiên."
Ba Thần
phẩm: 3 bực Thần: - Ðịa Thần, - Nhơn Thần, - Thiên Thần. Tam Thiên: Tam là thứ 3,
Thiên là từng Trời. Tam Thiên là từng Trời thứ 3, đó là từng Thanh Thiên. Theo
Vũ Trụ Quan của Ðạo Cao Ðài: Từng Trời thứ nhứt có Vườn Ngạn Uyển, Từng Trời
thứ nhì có Vườn Ðào Tiên, Từng Trời thứ ba là Thanh Thiên, Từng Trời thứ tư là
Huỳnh Thiên, vv.
C.8: "Ði lên qua được 3 Thần phẩm thì Chơn hồn đứng đầu ở từng Trời thứ
ba" (để chuẩn bị đi lên từng Trời thứ tư).
Câu 9-10: "Khá tỉnh thức
tiền duyên nhớ lại,"
"Ðoạn cho rồi oan trái buổi sanh."
Khá: Nên, phải nên. Tỉnh
thức: Thức tỉnh, tỉnh ra mà biết rõ, không còn mê lầm nữa. Tiền duyên: Duyên
trước, tức là mối dây ràng buộc được định sẵn từ kiếp trước.
Ðoạn: Cắt đứt. Oan trái:
Oan là thù giận, trái là món nợ. Oan trái là món nợ về thù giận, tức là món nợ
oan nghiệt.
Buổi sanh: Lúc còn sống
nơi cõi trần.
C.9-10: "Nên thức tỉnh để nhớ lại là mình đã
có duyên từ kiếp trước. Cắt đứt cho rồi các món nợ oan nghiệt mà mình đã gây ra
lúc còn sống nơi cõi trần."
Câu 11-12: "Ðem mình
nương bóng Chí Linh,"
"Ðịnh tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa."
Nương: Dựa vào, nhờ cậy
vào. Bóng: Ánh sáng.
Ðịnh tâm: Gìn giữ cái Tâm
cho được yên ổn, không vọng động. Phép tu Thiền: Giới, Ðịnh, Huệ, là để định
cái Tâm cho đến khi đạt được trí huệ. Chí Thánh: Rất thiêng liêng mầu nhiệm.
Thánh là thiêng liêng mầu nhiệm. Ngôi xưa: Ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng.
C.11-12: "Ðem mình nương theo ánh sáng của Ðức
Chí Tôn mà bước tới. Ðịnh cái Tâm cho được thiêng liêng mầu nhiệm thì mới gìn
giữ được ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng."
Câu 13: "Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh."
Ðịnh tỉnh: Ðịnh là sắp đặt
yên ổn, tỉnh là không mê, hiểu rõ mọi việc. Ðịnh tỉnh là làm cho tinh thần được
yên ổn mà nhận biết rõ mọi việc.
C.13: "Phải giữ cho linh hồn được yên ổn và thức tỉnh."
Câu 14: "Phách anh linh ắt phải anh linh."
Phách: Chơn thần. Anh
linh: Anh là đẹp nhứt, linh là thiêng liêng. Anh linh là cao quí thiêng liêng.
C.14: "Chơn thần vốn cao quí thiêng liêng thì phải giữ cho luôn luôn
được cao quí thiêng liêng."
Câu 15-16: "Quản bao Thập
ác Lục hình,"
"Giải thi thoát
khổ diệt hình đoạt căn."
Quản bao: Chẳng ngại, có
sá chi, coi không đáng kể.
Thập ác: Mười điều ác do
Thân, Khẩu, Ý của con người gây ra. Thân thì tạo ra 3 điều ác: - Sát sanh, - Du
đạo, - Tà dâm. Khẩu thì tạo ra 4 điều ác: - Nói dối, - Nói ác, - Nói chia rẽ, -
Nói phù phiếm. Ý thì tạo ra 3 điều ác: - Tham lam, - Sân giận, - Si mê. Khi còn
sống nơi cõi trần thì Thân, Khẩu, Ý còn gây ra được 10 điều ác. Nay Thể xác đã
chết rồi thì không thể gây ra Thập ác, nên chẳng còn e ngại nữa.
Lục hình: Sáu hình thức
phô bày ra nơi cõi trần, Phật giáo goị là Lục cảnh hay Lục trần, gồm: Sắc,
Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Trong thể xác con người có Lục căn: Nhãn, Nhĩ, Tỹ,
Thiệt, Thân, Ý, tức là: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Da thịt,
Ý nghĩ. Lục cảnh phô bày
trước Lục căn, hấp dẫn Lục căn, làm cho Lục căn ham muốn, sanh ra Lục dục: Sắc
dục, Thinh dục, Hương dục, Vị dục, Xúc dục, Ý dục. Chính Lục dục nầy xúi giục
và xô đẩy con người vào vòng vật chất, xa đường đạo đức, tạo ra cho con người
biết bao mối oan nghiệt nơi cõi trần .
Khi thân thể con người
chết đi thì Lục căn tiêu mất, cho nên dù Lục cảnh (Lục trần hay Lục hình) có
cám dỗ thế mấy đi nữa thì cũng chẳng làm gì được.
Giải thi: Giải là cởi bỏ,
Thi là thi hài thể xác. Giải thi là cởi bỏ thể xác, tức là thể xác chết vì Chơn
thần và Linh hồn đã lìa bỏ thể xác. Thoát khổ: Thoát khỏi cảnh khổ não.
Diệt hình: Diệt là làm cho
mất đi, tiêu diệt; Hình là hình thể sắc tướng. Diệt hình là là tiêu diệt hình
thể sắc tướng, mà khi sắc tướng không còn nữa thì chỉ còn cái Vô vi, Vô hình.
Ðoạt căn: Ðoạt được cái
nguồn gốc của mình, tức là đắc đạo, trở về ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng.
C.15-16: "Quản bao Thập ác Lục hình, Giải thi
thoát khổ diệt hình đoạt căn. Nghĩa là: Có sá chi Mười điều ác của Thân Khẩu Ý,
Sáu cảnh hấp dẫn phô bày nơi cõi trần, vì nay đã cởi bỏ thể xác rồi, hình hài
đã tiêu mất rồi, đã thoát khỏi các cảnh khổ não nơi cõi trần và đoạt được ngôi
vị cũ nơi cõi thiêng liêng."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh TÐ-TÐ năm 1936, Kinh Lễ năm 1952: đoạt căn.
* Kinh TÐ-TÐ năm 1968, 1974,
1975: đoạn căn.
Ðoạn căn: là phép cắt đứt 7 Dây
oan nghiệt để cho Chơn thần thoát khỏi thể xác, trở về cõi thiêng liêng.
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét