BÀI DÂNG RƯỢU (Thài theo
giọng Ðảo Ngũ Cung)
1. "Thiên
ân huệ chiếu giáng thiền minh,
2. Thành
kỉnh Trường Xuân chước tửu quỳnh.
3. Lạc hứng khấu cung giai miễn lễ,
4. Thoát tai bá tánh ngưỡng ân sinh."
(Lạy 1 lạy 4 gật, mỗi gật
niệm Câu Chú của Thầy).
天 恩 惠 照 降 禪 明
誠 敬 長 春 酌 酒 瓊
樂 興 叩 恭 皆 勉 禮
脫 災 百 姓 仰 恩 生
GIẢI NGHĨA
Câu 1: "Thiên
ân huệ chiếu giáng thiền minh."
Thiên ân: Ơn Trời, chỉ Ðức Chí Tôn. Huệ: Ơn, làm ơn. Chiếu: Soi sáng, ban bố
. Huệ chiếu: Ðức Chí Tôn ban bố ơn huệ. Giáng: Ði xuống. Thiền: Yên lặng suy
nghĩ, thường nói Thiền môn, chỉ ngôi chùa. Minh: Sáng. Thiền minh là yên lặng
suy nghĩ cho trí não mở mang sáng suốt. Ở đây, Thiền minh là chỉ Thánh Thất thờ
Ðức Chí Tôn.
C.1: "Xin Ðức Chí Tôn ban bố ơn
huệ, giáng xuống Thánh Thất."
Câu 2: "Thành
kỉnh Trường Xuân chước tửu quỳnh."
Thành kỉnh: Thành thật kính trọng.
Trường Xuân: Mùa Xuân lâu dài, mùa Xuân trường cửu. Ðới với dân chúng thì
chúc nhau: Sống lâu trăm tuổi. Ðối với hàng Ðại quan thì chúc nhau Thiên tuế
(Ngàn năm), Ðối với vua thì chúc là Vạn tuế (Muôn măm). Cho nên đối với Ðức Chí
Tôn thì dùng chữ Trường Xuân. Vậy Trường Xuân là chỉ Ðức Chí Tôn.
Chước tửu: Rót rượu. Quỳnh: Một thứ ngọc màu đỏ, thường được các vua chúa
cho thợ đẽo gọt làm thành cái chung nhỏ để uống rượu, làm tăng thêm mùi vị thơm
ngon của rượu.
C.2: "Thành thật kính trọng Ðức
Chí Tôn, xin rót chung rượu quí dâng lên."
Cúng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng, chúng ta thường dùng Rượu trắng
(Bạch tửu), nên chọn loại rượu tốt, có màu trong suốt, thơm ngon.
Câu 3: "Lạc hứng khấu
cung giai miễn lễ."
Lạc: Vui vẻ. Hứng: Cảm thấy phấn chấn trong lòng.
Khấu: Lạy, cúi đầu sát xuống đất. Cung: Thân mình.
Khấu cung: Cúi mình lạy xuống.
Giai: Ðều, cùng. Miễn: Gắng sức, cố gắng.
Lễ: Làm lễ, lạy xuống để tỏ lòng kính trọng.
C.3: "Vui vẻ hân hoan cung kính
cúi đầu lạy xuống, đều gắng sức làm lễ."
Câu 4: "Thoát
tai bá tánh ngưỡng ân sinh"
Thoát: Tránh khỏi. Tai: Ðiều hại lớn, tai họa.
Bá tánh: còn đọc là Bách tính, bá là trăm (100), tánh là họ. Bá tánh là
trăm họ, chỉ số đông dân chúng, cũng chỉ toàn thể nhơn sanh.
Ngưỡng: Ngửa mặt trông lên với lòng kính trọng và yêu mến. Ân sinh: Ơn để
được sống, hưởng ơn huệ để được sống còn.
C.4: "Cầu xin cho nhơn sanh
thoát khỏi tai họa và hưởng được ơn huệ sống còn."
Dùng Rượu tượng trưng cho KHÍ là Chơn thần, rất có ý nghĩa về phương diện
khoa học.
Chơn thần ở thể Khí, tức thể Hơi, do Thể xác bốc ra và lấy hình ảnh của Thể
xác y như khuôn in rập.
Còn Rượu là do sự chưng cất, hơi rượu bay lên gặp lạnh đông lại mà thành.
Muốn có rượu trắng, người ta dùng gạo hay nếp, ủ cho lên men rượu, nấu cho rượu
bốc hơi, rồi dùng nước lạnh ngưng tụ hơi rượu lại thì được rượu. Do dó, Rượu rất
dễ bay hơi, dễ biến thành chất khí.
Như thế, Rượu và Chơn thần có một sự tương đồng về thể, nên việc dùng Rượu
trắng tượng trưng Chơn thần là một điều rất hợp khoa học.
Khi thài xong Bài Dâng Rượu, chúng ta nhớ chấp 2 tay đưa lên trán cầu nguyện:
"Con xin dâng Chơn thần của con lên
cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét