Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 35 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Ðệ Bát Cửu (Giọng Nam xuân)
1. "Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,
2. Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi.
3. Mùi trần khi đã xa khơi,
4. Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong.
5. Cung Tận Thức thần thông biến hóa.
6. Phổ Ðà Sơn giải quả Từ Hàng.
7. Cỡi Kim Hẩu đến Tịch san,
8. Ðẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem.
9. Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,
10. Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi.
11. Hồ Tiên vội rót tức thì,
12. Nước Cam lồ rửa ai bi kiếp người."
(Niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)

GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Bát Cửu do Bát Nương DTC giáng cơ ban cho. Bát Nương có nhiệm vụ dẫn dắt các Chơn hồn từ Hạo Nhiên Thiên đi lên từng Trời Phi Tưởng Thiên, là từng thứ 8 trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của Ðức Từ Hàng Bồ Tát.
Câu 1-2: "Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,"
"Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi."
Tiên tửu: Rượu Tiên, loại rượu do các vị Tiên dùng huyền diệu Tiên gia chế thành, có mùi vị thơm ngọt. Nực nồng: Mùi rượu mạnh bốc lên nhiều. Ðể gót: Ðặt chơn tới.
C.1-2: "Khi đặt chơn tới từng Trời Phi Tưởng Thiên thì đã cảm thấy mùi rượu Tiên nực nồng thơm ngọt."

Câu 3-4: "Mùi trần khi đã xa khơi,"
"Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong."
Mùi trần: Cái mùi ô uế của cõi trần. Xa khơi: Xa lắm.
Say sưa: Ở trạng thái ngây ngất vì tác dụng của rượu.
Bầu khí: Bầu không khí. Bồi hồi: Xao xuyến trong lòng.
Chung phong: Chung là tiếng chuông, phong là gió. Chung phong là tiếng chuông theo gió đưa lại.
C.3-4: "Chơn hồn đã đi khỏi rất xa mùi uế trược của cõi trần, cảm thấy say sưa trong bầu không khí nực nồng hơi Tiên tửu,và cảm thấy bồi hồi khi nghe tiếng chuông theo gió đưa lại."

Câu 5: "Cung Tận Thức thần thông biến hóa."
Thần thông: Thần là thiêng liêng mầu nhiệm; thông là suốt tới, không chi ngăn trở nổi. Thần thông là phép biến hóa huyền diệu, đạt được do công phu tu luyện lâu dài. Theo Phật giáo, khi những vị Tỳ Kheo tu đắc quả A-La-Hán (đối phẩm Thiên Thánh) thì đạt được 6 phép Thần thông, gọi là Lục thông, kể ra:

Thiên Nhãn thông: Thấy được những vật rất xa.
Thiên Nhĩ thông: Nghe được tiếng nói rất xa.
Túc mạng thông: Biết được tất cả chuyện đời quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tha tâm thông: Biết tư tưởng trong tâm của người.
Thần túc thông: Phép đi khắp nơi trong nháy mắt.
Lậu tận thông: Phép trong sạch hoàn toàn.
C.5: "Nơi Cung Tận Thức, các phép thần thông biến hóa rất huyền diệu."

Câu 6: "Phổ Ðà Sơn giải quả Từ Hàng."
Phổ Ðà Sơn: Núi Phổ Ðà ở biển Nam Hải nơi cõi thiêng liêng, là nơi Công Chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo thành Quan Thế Âm Bồ Tát. Công Chúa Diệu Thiện là một chiết linh của Ðức Từ Hàng Bồ Tát giáng trần. Giải quả: Cởi bỏ cái quả kiếp. Từ Hàng: Ðức Từ Hàng Bồ Tát. Giải quả Từ Hàng: Cởi bỏ cái quả kiếp của Từ Hàng Bồ Tát. Cái quả kiếp ấy là những oan trái của Từ Hàng Bồ Tát, nay Công Chúa Diệu Thiện phải gánh trả. Khi Công Chúa Diệu Thiện tu đắc đạo thành Bồ Tát thì cái quả kiếp của Từ Hàng Bồ Tát đã được cởi bỏ.
C.6: "Nơi Phổ Ðà Sơn, Công Chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo, nên đã cởi bỏ được cái quả kiếp của Từ Hàng Bồ Tát."

Câu 7-8: "Cỡi Kim Hẩu đến Tịch san,"
"Ðẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem."
Kim Hẩu: là con Kim Mao Hẩu, kim là vàng, mao là lông, hẩu là một loại sư tử, nói theo âm tiếng Tàu. Kim Mao Hẩu là con sư tử lông vàng, một loại thú linh nơi cõi T.L. Ðức Từ Hàng Bồ Tát, mỗi khi du hành, thường cỡi Kim Mao Hẩu.

Khi Ðức Phạm Hộ Pháp trấn thần 8 con Kim Mao Hẩu nơi 4 cầu thang lên CTÐ và BQÐ Tòa Thánh, Ngài có giải thích rằng: "Con Kim Mao Hẩu rất mạnh khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh thần của người tu, nhờ nó mà qua các từng Trời và trở về cùng Ðức Chí Tôn."

Ðẩu vân: Ðẩu là thình lình vọt lên, vân là mây.
Ðẩu vân là phép nhảy vọt đi rất lẹ trên mây. Trong truyện Tây Du, Tề Thiên Ðại Thánh học được phép Cân Ðẩu vân (Cân là gân), vận gân cốt và niệm chú rồi nhảy vọt bay đi rất nhanh trên mây, mỗi Cân Ðẩu vân đi được 18000 dặm.
Nương phép: Dựa vào phép thuật mầu nhiệm.
C.7-8: "Chơn hồn cỡi lên con Kim Mao Hẩu để nó đưa đến một hòn núi gọi là Tịch san, rồi nhờ phép Ðẩu vân, Chơn hồn nhảy vọt bay lên xem cõi Niết Bàn."

Câu 9-10: "Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,"
"Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi."
Ngọc rèm: Tấm rèm bằng ngọc. Rèm là cái tấm để treo che phía trên cửa. Xủ: Buông xuống. Nghiệp hữu hình: Sự nghiệp hữu hình tạo ra nơi cõi trần. Vô vi: Vô hình. (Xem Câu 4 Kinh Tiên giáo). Cõi Vô vi là cõi thiêng liêng vô hình.
C.9-10: "Nơi Cung Diệt Bửu, tấm rèm ngọc đã buông xuống. Sự nghiệp hữu hình của mỗi người nơi cõi trần hiện ra đủ hết nơi cõi thiêng liêng."

Câu 11-12: "Hồ Tiên vội rót tức thì,"
"Nước Cam lồ rửa ai bi kiếp người."
Hồ Tiên: Hồ là cái bầu, Hồ Tiên là cái bầu đựng rượu Tiên. Rượu Tiên hay Tiên tửu có tác dụng rất huyền diệu, giống như nước Cam lồ, nên khi dùng để uống thì gọi là Tiên tửu, khi các vị Tiên dùng làm phép thì gọi là nước Cam lồ.
Ai bi: Bi ai, buồn rầu thê thảm.
C.11-12: "Lấy bầu rượu Tiên rót ra tức thì, dùng nước Cam lồ rửa sạch những nỗi bi ai của kiếp người."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét