Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 59 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH TỤNG CHA MẸ ÐÃ QUI LIỄU (Giọng Nam ai)
1. "Ơn cúc dục cù lao mang nặng,
2. Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa.
3. Âm Dương cách bóng sớm trưa,
4. Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.
5. Ðầu cúi lạy . . . . (1) . . . . linh hiển,
6. Lễ muối dưa làm miếng hiếu tâm.
7. Ven Trời gởi chút tình thâm,
8. Ðộng lòng thương nhớ tuôn dầm lệ sa.
9. Xin có tưởng ruột rà máu mủ,
10. Cõi Hư linh bao phủ ân hồng.
11. Cảnh Thiên noi bước Hóa Công,
12. Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai.
13. Chốn hư linh chờ ngày hội hiệp,
14. Dầu căn xưa quả kiếp dường bao.
15. Thà cam vui chốn Ðộng Ðào,
16. Ðừng vì nhớ trẻ trở vào phàm gian.
17. Nuốt tiếng than đôi hàng lã chã,
18. Tưởng đến điều nhơn quả mà đau.
19. Xem thân tuổi hạc càng cao,
20. E ra tử biệt Thiên Tào định phân.
21. Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng,
22. Con gìn câu chết sống trọn nghì.
23. Sấp mình cúi lạy Từ Bi,
24. Tiền khiên phụ mẫu, Tam Kỳ xá ân.
25. Xin . . . . (2) . . . .định thần định tánh,
26. Noi khuôn linh nẻo Thánh đưa chơn.
27. Thong dong cõi thọ nương hồn,
28. Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.
29. Chung ly biệt con đưa tay rót,
30. Mối thương tâm chưa ngớt đeo sầu.
31. Cha ở đâu, mẹ nơi đâu?
32. Tâm tang kính gởi một bầu lệ châu."

(1) Song thân, hoặc phụ thân hay mẫu thân đã qui liễu.
(2) Cha mẹ, hay lịnh cha, hoặc lịnh mẹ đã qui liễu.

GIẢI NGHĨA
Câu 1-2: "Ơn cúc dục cù lao mang nặng,"
"Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa."
Cúc dục: Cúc là nâng đỡ, dục là nuôi nấng dạy dỗ. Cúc dục là nâng đỡ nuôi nấng dạy dỗ, chỉ công ơn cha mẹ.
Cù lao: Cù là siêng năng, lao là khó nhọc. Cù lao là sự siêng năng khó nhọc nuôi dưỡng con cái.
Thường nói: Cửu tự Cù lao: 9 chữ Cù lao. Cửu tự Cù lao gồm: - Sanh (sanh đẻ), - Cúc (nâng đỡ), - Phủ (vuốt ve trìu mến), - Súc (cho bú), - Trưởng (nuôi cho lớn khôn), - Dục (nuôi nấng dạy dỗ), - Cố (trông nom), - Phục (ôm ấp), - Phúc (bảo vệ).
Thân côi: Côi là mồ côi, mất cha hay mất mẹ. Thân côi là tấm thân mồ côi. Khôn ngừa: Không phòng giữ trước.
C.1-2: "Con mang ơn sanh dưỡng và dạy dỗ của cha mẹ rất nặng. Lỡ tấm thân mồ côi, không ai phòng giữ giùm trước những cơn mưa nắng."

KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ năm 1952:
Lo thân côi.
- Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974, 1975:
Lỡ thân côi.

Câu 3-4: "Âm Dương cách bóng sớm trưa,"
"Thon von phận bạc không vừa hiếu thân."
Âm Dương: Âm là cõi Âm, cõi của người chết; Dương là cõi Dương, cõi của người sống. Bóng: Hình ảnh.
Thon von: Có vẻ héo hắt hiu quạnh.
Phận bạc: Số phận mỏng manh, bạc bẽo.
Hiếu thân: Hiếu thảo với cha mẹ. Thân là gần gũi thương yêu, chỉ cha mẹ.
C.3-4: "Cha (hay mẹ) đã chết, linh hồn đi đến cõi Âm, còn con thì ở cõi Dương, hai bên cách mặt sớm trưa hằng ngày. Con phải chịu cảnh hiu quạnh, số phận bạc bẽo, không thỏa mãn tấm lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ."

Câu 5-6: "Ðầu cúi lạy . . . . (1) . . . . linh hiển,"
"Lễ muối dưa làm miếng hiếu tâm."
Song thân: Cha mẹ. Phụ thân: Cha ruột. Mẫu thân: Mẹ ruột. Linh hiển: Hiện ra một cách thiêng liêng. Lễ muối dưa: Lễ dâng cúng bằng các món chay thanh đạm như: muối và dưa. Hiếu tâm: Tấm lòng hiếu thảo.
C.5-6: "Ðầu cúi lạy ...... linh hiển, xin dâng lễ cúng là các món chay thanh đạm để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của con."

Câu 7-8: "Ven Trời gởi chút tình thâm,"
"Ðộng lòng thương nhớ tuôn dầm lệ sa."
Ven Trời: Bên mé bầu Trời, ý nói nơi cõi Trời.
Tình thâm: Tình thương yêu sâu đậm. Ðộng lòng: Lòng cảm thấy. Tuôn dầm: Tuôn rơi lả tả dầm dề. Lệ sa: Lệ là nước mắt, sa là rơi xuống. Lệ sa là nước mắt rơi xuống.
C.7-8: "Gởi đến cha (hay mẹ, hay cả cha mẹ) đang ở nơi cõi Trời, tình cảm thương yêu sâu đậm của con. Lòng con cảm thấy thương nhớ cha mẹ nên nước mắt tuôn rơi dầm dề."

Câu 9-10: "Xin có tưởng ruột rà máu mủ,"
"Cõi Hư linh bao phủ ân hồng."
Ruột rà máu mủ: Ý nói quan hệ máu thịt với nhau.
Cõi Hư linh: Cõi hư vô thiêng liêng, thấy trống không nhưng rất huyền diệu. Ðó là cõi TLHS. Bao phủ: Bao bọc phủ kín khắp bề mặt. Ân hồng: Hồng ân, ơn huệ của Ðức Chí Tôn.
C.9-10: "Xin cha mẹ tưởng nhớ đến tình máu thịt. Nơi cõi TLHS, ơn huệ của Ðức Chí Tôn bao phủ khắp nơi."

Câu 11-12: "Cảnh Thiên noi bước Hóa Công,"
"Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai."
Cảnh Thiên: Cõi Trời, cõi TLHS.
Noi bước: Ði theo. Hóa Công: Thợ tạo hóa, Ông Trời.
Phan: Cây phướn. Phan Tiếp Dẫn: Cây phướn của vị Phật gọi là Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn, để hướng dẫn các chơn hồn đến cõi CLTG ở phía Tây. Như Lai: Phật. (Xem: C.6 KÐ6C).
Vào vòng Như Lai: Ði vào cõi Phật, tức vào cõi CLTG.
C.11-12: "Nơi cõi TLHS, xin noi bước theo Ðức Chí Tôn. Nắm cây phướn Tiếp Dẫn của vị Phật Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn để đi vào cõi CLTG."

Câu 13-14: "Chốn hư linh chờ ngày hội hiệp,"
"Dầu căn xưa quả kiếp dường bao."
Hội hiệp: Tụ hội để hiệp mặt nhau.
Căn xưa: Căn là gốc rễ, Căn xưa là chỉ những việc làm lành hay dữ trong kiếp trước, vì nó là gốc rễ tạo nên hạnh phúc hay tai ương trong kiếp sống hiện tại. Quả kiếp: Cái kết quả trong kiếp sống do sự báo đáp theo Luật Nhân Quả.
Dường bao: Dường như nhiều thế nào chăng nữa.
C.13-14: "Nơi cõi TLHS, xin chờ ngày hội hiệp cùng nhau, dù cho căn xưa và quả kiếp có nhiều thế nào chăng nữa."

Câu 15-16: "Thà cam vui chốn Ðộng Ðào,"
"Ðừng vì nhớ trẻ trở vào phàm gian."
Thà cam: Thà là đành lòng, cam là chấp nhận chịu đựng vì không biết làm sao khác hơn. Thà cam là đành chịu.
Ðộng Ðào: chỉ cõi Tiên. (Xem điển tích: C.5 KKV)
Phàm gian: Cõi phàm trần, cõi thế gian.
C.15-16: Xin cha mẹ đành chịu ở hưởng sự vui sướng nơi cõi Tiên, đừng vì thương nhớ con trẻ mà trở lại cõi trần.
Câu kinh 15, dùng chữ "Thà cam" là để nói lên tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái thật là to lớn, vì người con biết rằng, khi cha mẹ nhìn lại cõi phàm trần, thấy con cái khổ sở nghèo khó thì không đành lòng an hưởng được sự sung sướng nơi cõi Tiên, mà muốn hy sinh để trở lại cõi trần chia sớt và giúp đỡ con cái.

Câu 17-18: "Nuốt tiếng than đôi hàng lã chã,"
"Tưởng đến điều nhơn quả mà đau."
Nuốt tiếng than: Ðè nén sự đau khổ trong lòng, không để cho tiếng than phát ra.
Ðôi hàng lã chã: Hai dòng nước mắt tuôn rơi không dứt. Tưởng: Nghĩ tới. Ðiều Nhơn quả: Luật Nhân Quả.
C.17-18: "Ðè nén sự đau khổ trong lòng mà hai hàng nước mắt cứ tuôn rơi không ngớt. Tưởng nghĩ tới Luật Nhân Quả mà thêm đau xót."

Câu 19-20: "Xem thân tuổi hạc càng cao,"
"E ra tử biệt Thiên Tào định phân."
Thân: Gần gũi thương yêu, chỉ cha mẹ.
Tuổi hạc: Hạc là loài chim sống rất lâu, đến cả ngàn năm. Tuổi hạc là chỉ tuổi thọ của cha mẹ, có ý mong muốn cha mẹ sống lâu như chim hạc. E ra: Sợ rằng, ngại rằng. Tử biệt: Chết rồi thì biệt ly. Tử là chết, biệt là xa cách hẳn.
Thiên Tào: Cơ quan chuyên môn của Trời. Mỗi Thiên Tào là một từng Trời. 36 cõi Thiên Tào là 36 từng Trời.
Ðịnh phân: Sắp đặt và chia ra.
C.19-20: "Xem cha mẹ tuổi thọ lại càng cao. Con sợ rằng chết thì biệt ly, nhưng số mạng con người do các Ðấng nơi Thiên Tào phân định."

Câu 21-22: "Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng,"
"Con gìn câu chết sống trọn nghì."
Hương lửa: Hương hỏa, nhang đèn, chỉ sự thờ cúng tổ tiên. Nối hương hỏa là nối tiếp sự thờ cúng tổ tiên.
Nhơn luân: Luân là phép tắc ở đời đúng theo lẽ phải. Nhơn luân là những phép tắc mà con người phải tuân theo trong việc cư xử ở đời cho đúng theo lẽ phải.
Ðạo trọng: Trọng là nặng, quan trọng. Ðạo trọng là phép tắc cư xử ở đời rất quan trọng.
Chết sống: Dù chết hay dù sống, tức là dù trong bất cứ cảnh ngộ nào đi chăng nữa. Nghì: Nghĩa. Trọn nghì: Trọn nghĩa. Nghĩa là cách cư xử đúng theo lẽ phải và đạo đức.
C.21-22: "Nối tiếp sự thờ cúng Tổ tiên, cái đạo nhơn luân rất quan trọng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con phải giữ trọn nghĩa."

Câu 23-24: "Sấp mình cúi lạy Từ Bi, "
"Tiền khiên phụ mẫu, Tam Kỳ xá ân."
Sấp mình: Cúi rạp mình xuống để lạy.
Từ Bi: chỉ Ðức Chí Tôn. Tiền khiên: Lỗi lầm đã gây ra trong kiếp sống trước. Khiên là lỗi lầm. Phụ mẫu: Cha mẹ.
Tam Kỳ: Kỳ thứ 3. Xá ân: Ban ơn tha tội.
Tam Kỳ Xá ân là Ðại Ân Xá kỳ ba của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Khi Ðức Chí Tôn khai ÐÐTKPÐ, Ðức Chí Tôn mở ra thời kỳ Ðại Ân Xá cho toàn cả chúng sanh, nếu biết hồi đầu hướng thiện, nhập môn cầu đạo, lo việc tu hành, thì sẽ hưởng được ơn huệ lớn lao do Ðức Chí Tôn ban cho, là những tội lỗi của họ đã gây ra trong các kiếp trước được Ơn Trên bôi xóa để cho họ làm một "Tân dân" trong cửa Ðạo. Nhờ vậy, người nhập môn vào đạo mới rảnh nợ tiền khiên, lo hành đạo, lập công bồi đức, chỉ trong một kiếp tu cũng có thể đắc đạo.
C.23-24: "Con cúi mình lạy Ðức Chí Tôn, xin tha thứ tội lỗi của cha mẹ con ở kiếp sống trước trong Ðại Ân Xá kỳ 3 nầy."

Câu 25-26: "Xin . . . . (2) . . . .định thần định tánh,"
"Noi khuôn linh nẻo Thánh đưa chơn."
Ðịnh Thần định tánh: Ðịnh là sắp đặt cho yên. Thần là một bửu trong Tam bửu của con người, Thần là Chơn linh. Tánh là biểu thị của Tâm. Tâm là Chơn linh thì Tánh là Chơn thần. Ðịnh Thần định tánh là sắp đặt cho Chơn linh và Chơn thần được yên ổn. Lịnh cha: Từ dùng để gọi cha mình với ý kính trọng. Noi: Theo. Khuôn linh: Khuôn thiêng, đồng nghĩa với: Khuôn hồng, Hồng Quân, chỉ Ðức Chí Tôn. (Xem: C.6 KVH). Nẻo Thánh: Con đường đi lên cõi Thánh, tức là đi lên cõi Thiêng liêng Hằng sống.
C.25-26: "Xin cha mẹ (hoặc lịnh cha hoặc lịnh mẹ) định yên Chơn linh và Chơn thần, noi theo Ðức Chí Tôn để bước chân vào con đường đi lên cõi TLHS."

Câu 27-28: "Thong dong cõi thọ nương hồn,"
"Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa."
Thong dong: Thung dung nhàn hạ.
Cõi thọ: Thọ là sống lâu. Cõi thọ là ý nói cõi vô hình mà linh hồn người chết đến đó ở.
Lập đức: Một phần trong Tam Lập. Tam Lập gồm: Lập đức, Lập công, Lập ngôn. Lập đức là làm những việc giúp đời giúp người, hy sinh thân mình để phụng sự chúng sanh. Sự lập đức thường lấy sự Bố thí làm phương tiện. Bố thí gồm: Thí tài, thí công, thí ngôn, thí pháp. Thí tài là đem tiền bạc giúp người, Thí công là đem sức lực ra làm việc giúp người, Thí ngôn là dùng lời nói chỉ dẫn hay an ủi người, Thí pháp là đem lý đạo nói ra để cảm hóa người trở về đường lành. Chỉ có Thí pháp thì công đức nhiều hơn cả.
Huờn: do chữ Hoàn nói trại ra. Huờn là trở lại tình trạng cũ. Ngôi xưa: Ngôi vị cũ nơi cõi TLHS.
C.27-28: "Xin linh hồn cha mẹ nương mình nơi cõi thọ, chờ đợi con lập đức nơi cõi trần dâng lên cha mẹ, để giúp cha mẹ được trở lại ngôi vị cũ nơi cõi TLHS."

Một người, dù Nam hay Nữ, nếu quyết chí tu hành, phế bỏ việc đời, trọn hiến thân hành đạo, lo lập công bồi đức, thì nhứt định cứu được cha mẹ và cả Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thăng nơi cõi TLHS.
Ðiều nầy rất rõ trong bài Thánh ngôn sau đây của Ðức Chí Tôn, dạy Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu ngày 7-1-Bính Dần (1926). Ðức Chí Tôn dạy Bà đi hành đạo, phổ độ nhơn sanh.

"Bà Cư (Hương Hiếu) bạch với Thầy rằng:
- Má con mắc ở xa, làm sao con đi độ được?
Thầy: - Hiếu! Con biết một lòng tu niệm đạo đức của con đủ cứu Cửu Huyền Thất Tổ, huống là mẹ con, để Thầy định đoạt, con đừng lo buồn." (Ðạo Sử I, tr 36, NÐS Hương Hiếu)

Câu 29-30: "Chung ly biệt con đưa tay rót,"
"Mối thương tâm chưa ngớt đeo sầu."
Chung ly biệt: Chung rượu để bày tỏ sự biệt ly.
Thương tâm: Mối đau thương trong lòng.
Chưa ngớt: Chưa giảm bớt. Ðeo sầu: Mang buồn.
C.29-30: "Con xin đưa tay rót chung rượu biệt ly dâng lên cha mẹ. Mối đau thương trong lòng con chưa giảm bớt mà còn mang thêm sầu muộn."

Câu 31-32: "Cha ở đâu, mẹ nơi đâu?"
Tâm tang kính gởi một bầu lệ châu."
Tâm tang: Tâm là lòng dạ, tang là lễ tế và chôn cất người chết. Tâm tang là cái tang ở trong lòng.
Lệ châu: Lệ là nước mắt, châu là hạt ngọc. Lệ châu là giọt nước mắt long lanh như hạt ngọc. Một bầu lệ châu: Một bầu nước mắt, ý nói đau đớn và thương tiếc nhiều lắm.
C.31-32: "Cha ở nơi đâu? Mẹ ở nơi đâu? Cái tang trong lòng con, kính gởi đến cha mẹ một bầu nước mắt."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét