Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 22 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH TẪN LIỆM (Giọng Nam ai)
1. "Dây oan nghiệt dứt rời trái chủ.
2. Nương huyền linh sạch giũ thất tình.
3. Càn Khôn bước Thánh thượng trình.
4. Giải xong xác tục mượn hình Chí Tôn.
5. Khối vật chất vô hồn viết tử.
6. Ðất biến hình tự thử qui căn.
7. Ðừng gìn thân ái nghĩa nhân.
8. Xôn xao thoát khổ xa lần bến mê.
9. Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh.
10. Xác Ðất sanh đến lịnh phục hồi.
11. Từ từ Cực Lạc an vui.
12. Lánh nơi trược khí hưởng mùi siêu thăng."
(Niệm 3 lần Câu Chú của Thầy).


GIẢI NGHĨA
Kinh Tẫn Liệm do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho để đồng nhi tụng trước khi liệm thi hài người chết vào trong quan tài.
Tẫn liệm: Tẫn là đặt xác người chết vào trong áo quan rồi đậy nắp đóng lại cho thật kín, Liệm là bọc xác người chết cho thật kín bằng những lớp vải, và đặt vào áo quan.

Câu 1: "Dây oan nghiệt dứt rời trái chủ."
Oan: Thù giận. Nghiệt: Nghiệp ác. Dây oan nghiệt: Những sự thù giận (Oan) và những nghiệp ác (Nghiệt) mà con người đã gây ra trong suốt kiếp sống, tạo thành những sợi dây oan nghiệt vô hình ràng buộc Chơn thần, không cho Chơn thần xuất ra khỏi thể xác, mặc dầu thể xác đã chết rồi.
Trái chủ: Trái là món nợ, Chủ là người làm chủ. Trái chủ là người chủ nợ. Nợ đây là nợ oan nghiệt. Ðó là những người mà trước đây họ thù giận mình vì mình đã hãm hại họ, họ trở thành chủ nợ oan nghiệt, còn mình là con nợ oan nghiệt, họ chờ dịp để đòi mình phải trả món nợ oan nghiệt đó.
C.1: "Những sợi dây oan nghiệt được cắt đứt rồi thì Chơn thần mới dứt rời các chủ nợ mà bay lên được."
Trong thời kỳ Ðại Ân Xá, Ðức Chí Tôn ban cho Phép Ðoạn Căn để Chức sắc hành pháp cắt đứt các sợi dây oan nghiệt vô hình nầy, giúp cho Chơn thần người chết xuất ra khỏi xác mà bay trở về cõi TL. (Xem: C.3 Kinh Ðệ Nhứt Cửu).

Câu 2: "Nương huyền linh sạch giũ thất tình."
Nương: Dựa vào. Huyền: Sâu kín, huyền diệu. Linh: Thiêng liêng. Nương huyền linh: Dựa vào phép huyền diệu thiêng liêng. Giũ: Lắc mạnh cho rớt ra các bụi đất hay chất dơ. Thất tình: Bảy tình cảm của con người gồm: Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ái (thương), Ố (ghét), Ai (buồn), Lạc (vui), Dục (muốn). Sạch giũ: Làm cho sạch sẽ bằng cách giũ mạnh cho rớt ra hết các chất bẩn.
C.2: "Dựa vào phép huyền diệu TL để giũ sạch thất tình."

KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ in bên Pháp năm 1952: sạch đủ thất tình.
* Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974, 1975: sạch giũ thất tình.

Câu 3: "Càn Khôn bước Thánh thượng trình."
Càn Khôn: CKVT. Thánh: Thiêng liêng mầu nhiệm.
Thượng: Bước lên. Trình: Ðường đi. Thượng trình: Lên đường, đồng nghĩa với Thượng lộ.
C.3: "Bước chơn mầu nhiệm lên đường đi vào CKVT."

Câu 4: "Giải xong xác tục mượn hình Chí Tôn."
Giải: Cởi bỏ ra. Xác tục: Thể xác phàm bằng xương bằng thịt của con người nơi cõi trần. Khi thể xác nầy chết thì nó sẽ thúi rã biến thành đất. Hình Chí Tôn: Hình ảnh của Ðức Chí Tôn. Mượn hình Chí Tôn là chỉ Chơn thần con người, bởi vì khi Ðức Phật Mẫu tạo hóa ra Chơn thần của con người thì lấy theo hình ảnh của Ðức Chí Tôn.
C.4: "Cởi bỏ xong xác phàm thì Chơn thần liền xuất ra."

Câu 5: "Khối vật chất vô hồn viết tử."
Khối vật chất: Thể xác phàm của con người, vì nó chỉ là một khối vật chất, được nuôi dưỡng và lớn lên bằng vật chất, và khi chết thì thúi rã biến trở thành vật chất lẫn vào đất.
Vô hồn: Không có linh hồn ngự trong thể xác.
Viết tử: Nói rằng chết. Viết là nói rằng, Tử là chết.
C.5: "Thể xác của con người không có linh hồn ngự trị thì gọi là chết."

Ðức Chí Tôn ban cho mỗi người một Ðiểm Linh quang làm Linh hồn để tạo sự sống cho thể xác, gìn giữ sự sống ấy và điều khiển các hoạt động của thể xác. Khi Linh hồn ấy xuất ra khỏi thể xác thì thể xác hết hoạt động và chết.

Câu 6: "Ðất biến hình tự thử qui căn."
Ðất biến hình: Ðất biến ra hình thể của con người, bởi vì thể xác con người được nuôi dưỡng và lớn lên bằng những thực phẩm do Ðất sản xuất ra. Tự thử: Từ đó, từ lúc ấy. Qui căn: Trở về gốc, gốc ấy là Ðất. Qui là trở về, căn là gốc rễ.
C.6:  "Thể xác con người do Ðất biến hoá ra thì khi chết, thể xác nầy từ đó biến hóa trở lại thành Ðất."

Câu 7: "Ðừng gìn thân ái nghĩa nhân."
Ðừng gìn: Không nên gìn giữ, tức là phải cởi bỏ ra hết. Thân ái: Gần gũi thương yêu. Nghĩa: Cách cư xử theo lẽ phải, hợp đạo lý. Nhân: Lòng thương người mến vật.
C.7: "Nên cởi bỏ ra hết các thứ tình cảm thân ái và các điều nhân nghĩa" (để Chơn thần dứt khoát ra đi).

KHẢO DỊ:
* Kinh TÐ-TÐ 1936, Kinh Lễ 1952: Ðừng gìn.
* Kinh TÐ-TÐ năm 1968, 1974, 1975: Ðừng vì.

Câu 8: "Xôn xao thoát khổ xa lần bến mê."
Xôn xao: Rộn rịp ồn ào. Thoát khổ: Thoát ra khỏi các cảnh khổ não, hết khổ. Xa lần: Lần lần đi xa.
Bến mê: Chỉ cõi trần. (Xem: C.38 TTCÐDTKM).
C.8: "Rộn rịp thoát khỏi nơi đau khổ nầy và đi xa dần cho khỏi cõi trần."

Câu 9: "Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh."
Hóa: Sanh ra. Hồn Trời hóa: Linh hồn của con người do Trời sanh ra. Ðó là Ðiểm Linh quang được Ðức Chí Tôn chiết ra từ Khối Ðại Linh quang của Ðức Chí Tôn ban cho mỗi người. Thiên cảnh: Cõi Trời.
C.9: "Linh hồn của con người do Trời sanh ra thì nay trở về cõi Trời"

Câu 10:   "Xác Ðất sanh đến lịnh phục hồi."
Xác Ðất sanh: Thể xác con người do các thực phẩm sanh ra từ Ðất nuôi dưỡng và lớn lên, nên có thể xem như do Ðất tạo ra. Phục hồi: Trở về. Phục là trở lại, hồi là về.
C.10: "Thể xác do Ðất tạo nên nay được lịnh trở về Ðất."

Con người có Thể xác, Chơn thần và Linh hồn. Khi đến kỳ qui định (tới số), thể xác chết tan rã trở lại thành Ðất; còn Linh hồn và Chơn thần thì xuất ra đi trở về Trời.

Hai câu kinh 9 và 10 có ý nghĩa tương tự như đôi liễn nơi Thuyền Bát Nhã :
Vạn sự viết vô, nhục thể Thổ sanh huờn tại Thổ,
Thiên niên tự hữu, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.

Nghĩa là:
Muôn vật đều không, xác thịt Ðất sanh huờn lại Ðất,
Ngàn năm tự có, linh hồn Trời ban trở về Trời.

Câu 11:   "Từ từ Cực Lạc an vui."
Từ từ: Thong thả. Cực Lạc: CLTG. An vui: An ổn vui vẻ.
C.11: "Thong thả đi đến cõi CLTG hưởng sự an vui."

Câu 12:   "Lánh nơi trược khí hưởng mùi siêu thăng."
Trược khí: Chất khí dơ bẩn. Nơi trược khí: Chỉ cõi trần, vì nơi cõi trần có nhiều trược khí, trược khí chiếm tới 2 phần, thanh khí chỉ có 1 phần. (Thanh khí là khí trong sạch).
Siêu thăng: Bay vượt lên cao, bay lên cõi TLHS.
C.12: "Linh hồn bay lên lánh xa mùi trược khí của cõi trần, hưởng được siêu thăng nơi cõi TLHS."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét