DI-LẠC CHƠN KINH
Khai Kinh Kệ,
Vô thượng thậm thâm vi
diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao
ngộ.
Ngã kim thính văn đắc thọ
trì,
Nguyện giải Tân Kinh chơn
thiệt nghĩa.
Thích Ca Mâu Ni Văn Phật
thuyết
Di-Lạc Chơn Kinh.
Dịch nghĩa:
Giáo lý của Phật rất cao
siêu, rất sâu xa, huyền vi mầu nhiệm.
Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp
đặng.
Ta ngày nay nghe biết được
nhận lấy và gìn giữ,
Nguyện giải thích bài kinh
mới với ý nghĩa chơn thật.
Ðức Thích Ca Mâu Ni Văn
Phật thuyết giảng
Kinh Di-Lạc chơn thật.
CHÚ THÍCH
Di-Lạc Chơn Kinh, thuộc
Kinh Tận Ðộ, do Ðức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho.
Khai Kinh Kệ:
Khai là mở đầu, Kinh là
bài kinh, Kệ là bài kệ, tức là một đoạn văn ngắn có vần điệu, có nội dung cho
biết ý nghĩa tổng quát của bài kinh.
Khai Kinh Kệ là bài Kệ mở
đầu một bài Kinh.
Vô thượng thậm thâm vi
diệu pháp:
Vô thượng: Không có cái gì
cao hơn, ý nói rất cao siêu.
Thậm thâm: Rất sâu xa. Thậm là rất, thâm là sâu.
Vi diệu: Vi là rất nhỏ, diệu là khéo léo. Vi
diệu là huyền vi mầu nhiệm. Pháp: Giáo lý của Phật.
Giáo lý của Phật rất cao siêu, sâu xa, huyền vi
mầu nhiệm.
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ:
Bá: Trăm. Thiên: Ngàn. Vạn: Muôn. Kiếp: Một
kiếp sống. Nan: Khó. Tao ngộ: Gặp gỡ tình cờ, không hẹn trước.
Trăm ngàn muôn kiếp khó
gặp đặng.
Ngã kim thính văn đắc thọ
trì:
Ngã: Ta, tiếng tự xưng của
Ðức Phật Thích Ca.
Kim: Ngày
nay. Thính: Nghe. Văn: Nghe biết. Ðắc: Ðược. Thọ: Nhận lãnh. Trì: Gìn giữ, giữ lấy.
Thọ trì: Nhận lãnh và giữ
lấy. Như nghe thuyết pháp thì đem lòng tin mà thọ lãnh rồi niệm nhớ chẳng quên
(trì).
Ta ngày nay nghe biết,
được nhận lãnh và giữ lấy.
CHÚ Ý: Bên Kinh Phật giáo,
Câu kinh nầy là: "Ngã kim kiến văn đắc thọ trì." Nghĩa là: Ta nay
thấy nghe và được thọ trì. Kiến là thấy. Kiến văn là nghe thấy.
Nguyện giải Tân Kinh chơn
thiệt nghĩa:
Nguyện: Ý muốn trong
lòng. Giải: Cắt nghĩa cho rõ ra. Tân Kinh: Kinh mới. Trái với Tân Kinh là Cựu
Kinh. Các bài Kinh của ÐÐTKPÐ do các Ðấng TL giáng cơ ban cho từ năm Bính Dần
(1926) trở về sau được gọi là Tân Kinh. Còn các bài kinh thuộc Nhị Kỳ Phổ Ðộ,
được gọi là Cựu Kinh.
Chơn thiệt nghĩa: Ý nghĩa
chơn thật, chánh đáng.
Nguyện giải thích rõ ý
nghĩa chơn thật của bài Tân Kinh nầy.
Thích Ca Mâu Ni Văn Phật
thuyết Di-Lạc Chơn Kinh:
Thuyết: Nói rõ ra, thuyết
giảng. Chơn kinh: Bài kinh chơn thật, đúng chơn lý, do Ðức Phật giáng cơ viết
ra.
Di-Lạc Chơn Kinh: Bài Kinh
chơn thật nói rõ quyền pháp của Ðức Phật Di-Lạc trong thời Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Ðức Thích Ca Mâu Ni Văn
Phật thuyết giảng Di-Lạc Chơn Kinh.
Thượng Thiên Hỗn Nguơn
hữu:
- Brahma Phật
- Çiva Phật,
- Christna Phật,
- Thanh Tịnh Trí Phật,
- Diệu Minh Lý Phật,
- Phục Tưởng Thị Phật,
- Diệt Thể Thắng Phật,
- Phục Linh Tánh Phật,
Nhứt thiết chư Phật, hữu
giác hữu cảm, hữu sanh hữu tử, tri khổ nghiệp chướng, luân chuyển hóa sanh,
năng du Ta-bà Thế giới độ tận vạn linh đắc qui Phật vị.
Dịch nghĩa:
Từng Trời ở trên hết là
Hỗn Nguơn Thiên có:
- Brahma Phật,
- Civa Phật,
- Christna Phật,
- Thanh Tịnh Trí Phật,
- Diệu Minh Lý Phật,
- Phục Tưởng Thị Phật,
- Diệt Thể Thắng Phật,
- Phục Linh Tánh Phật,
Tất cả các vị Phật, có
biết có cảm động, có sanh có chết, biết rõ cái khổ do nghiệp chướng gây ra,
luân hồi chuyển kiếp hóa sanh ra, có khả năng đi khắp các cõi trần cứu giúp tất
cả Chơn linh, được trở về ngôi vị Phật.
CHÚ THÍCH
Thượng Thiên Hỗn Nguơn:
Từng Trời Hỗn Nguơn ở trên hết. Thượng là ở trên, Thiên là từng Trời.
Hữu: Có. Nhứt thiết: Tất
cả. Chư Phật: Các vị Phật.
Hữu giác: Có biết. Cảm:
Mối rung động trong lòng.
Hữu cãm: Có mối rung động
trong lòng.
Hữu sanh: Có sanh ra và
sống. Hữu tử: Có chết.
Tri khổ: Biết rõ những cái
khổ não nơi cõi trần.
Con người có Tứ Khổ: Sanh,
Lão, Bệnh, Tử. Ngoài ra, con người còn chịu biết bao nỗi đau khổ khác do Tham,
Sân, Si gây ra.
Nghiệp chướng: Nghiệp là
cái lực cảm do những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước tạo ra để ảnh
hưởng lên kiếp sống hiện tại. Thường, chữ "Nghiệp" dùng với ý nghĩa
là "Nghiệp dữ" (Ác nghiệp), thì đương nhiên phải chịu lấy hậu quả xấu
theo đúng Luật Nhân Quả. Chướng là sự ngăn trở. Nghiệp chướng là sự ngăn trở
của nghiệp, nó sẽ gây ra hoạn nạn, bệnh tật, trong kiếp sống hiện tại để ngăn
trở, báo đáp lại những việc làm bất thiện đã tạo ra trong kiếp trước.
Luân chuyển hóa sanh: Luân
là cái bánh xe, chuyển là xoay vần, hóa sanh là biến hóa sanh ra. Luân chuyển
hóa sanh là xoay vòng như cái bánh xe, hết sanh rồi tử, hết tử rồi lại sanh ra.
Ðó là sự luân hồi chuyển kiếp, khiến con người chìm đắm mãi trong cõi trần, từ
kiếp nầy sang kiếp khác.
Năng du: Năng là có khả năng, du là đi đó đi
đây. Năng du là có khả năng đi đó đi đây.
Ta bà Thế giới: Ta bà, do chữ Phạn là Saha
phiên âm ra, có nghĩa là: Nhẫn nhục. Ta bà Thế giới là những cõi mà người tu hành phải
nhẫn nhục, vì ở cõi nầy có nhiều ô
trược
và ác độc. Ở cõi nầy rất khó tu hành, nhưng nếu tu được thì công đức rất lớn,
chỉ trong một kiếp cũng có thể đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.
Cõi trần của nhơn loại chúng ta đây là một cõi trong Ta bà Thế giới.
Ðộ tận: Ðộ là cứu giúp,
tận là hết. Ðộ tận là cứu giúp tất cả nhơn loại, không chừa một người nào, dầu
con nít còn trong bụng mẹ cũng phải độ.
Ðức Chí Tôn có nói:
" Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh", là nghĩa
gì? Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ, sao các con lại đuổi thiện nam tín
nữ?" (TNHT. I. 20)
Vạn linh: Tất cả Chơn linh
trong CKVT gồm đủ Bát hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn,
Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống trần làm
chúng sanh.
Ðắc qui Phật vị: Ðược trở
về ngôi vị Phật. Ðắc là được, Qui
là trở về, Phật vị là ngôi vị Phật. Dùng chữ Qui là trở về, với ý nghĩa là: Trước đây Chơn linh
đã đạt được ngôi vị Phật nơi cõi
thiêng liêng, nay đầu kiếp xuống trần, tu hành đắc đạo trở về ngồi lại trên
ngôi vị cũ.
Hội Nguơn Thiên hữu:
- Trụ Thiện Phật,
- Ða Ái Sanh Phật,
- Giải Thoát Khổ Phật,
- Diệu Chơn Hành Phật,
- Thắng Giái Ác Phật,
Nhứt thiết chư Phật, tùng lịnh
Di-Lạc Vương Phật, năng chiếu diệu quang tiêu trừ nghiệt chướng.
Nhược hữu chúng sanh văn
Ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tùng thị Pháp điều
Tam Kỳ Phổ Ðộ, tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề thị
chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn.
Nhược nhơn đương sanh,
nhược nhơn vị sanh, nhược nhơn hữu kiếp, nhược nhơn vô kiếp, nhược nhơn hữu
tội, nhược nhơn vô tội, nhược nhơn hữu niệm, nhược nhơn vô niệm, thính đắc Ngã
ngôn, phát tâm thiện niệm, tất đắc A-Nậu Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề, tất đắc giải
thoát.
Nhược hữu nhơn thọ trì
khủng kinh ma chướng, nhứt tâm thiện niệm: Nam mô Di-Lạc Vương Bồ-Tát, năng cứu
khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư
nghiệt chướng, tất đắc giải thoát.
Dịch nghĩa:
Từng Trời Hội Nguơn Thiên
có:
- Trụ Thiện Phật,
- Ða Ái Sanh Phật,
- Giải Thoát Khổ Phật,
- Diệu Chơn Hành Phật,
- Thắng Giái Ác Phật,
Tất cả các vị Phật, nghe
theo mệnh lệnh của Ðức Di-Lạc Vương Phật, có khả năng chiếu ánh sáng huyền diệu
làm tiêu trừ các nghiệt chướng.
Nếu như có người nào nghe
biết lời TA, thì phải thoát khỏi các nghiệp ác, niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng, tùng theo và nhìn nhận là đúng Luật pháp của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, ắt
được giải thoát khỏi luân hồi, đắc đạo Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, ấy là
chứng được quả vị nơi cõi Cực Lạc Niết Bàn (Cực Lạc Thế Giới).
Nếu như người đang sống,
nếu như người chưa được sanh ra, nếu như người có kiếp sống, nếu như người
không có kiếp sống, nếu như người có tội, nếu như người không tội, nếu như
người có lòng tưởng niệm, nếu như người không lòng tưởng niệm, nghe được lời
nói của TA, phát khởi lòng tưởng nghĩ điều lành, ắt được phẩm vị Vô Thượng
Chánh Ðẳng Chánh Giác, ắt được giải thoát.
Nếu như có người nhận lãnh
và gìn giữ làm theo lời Phật dạy, bị sợ hãi vì ma quỉ cản ngăn, một lòng một dạ
tưởng nghĩ điều lành, niệm: Nam mô Di-Lạc Vương Bồ Tát, có khả năng cứu giúp
tai nạn khổ sở, có khả năng cứu giúp 3 tai họa lớn, có khả năng cứu được bịnh
tật, có khả năng cứu giúp và dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi các thứ nghiệt
chướng, ắt được giải thoát.
CHÚ THÍCH
Hội Nguơn Thiên: Ðây là
từng Trời kế bên dưới Hỗn Nguơn Thiên, và ở khoảng giữa Hư Vô Thiên và Hỗn
Nguơn Thiên. Hư Vô Thiên là từng Trời thứ 10 (ở ngay phía trên Cửu Trùng Thiên)
thì Hội Nguơn Thiên là từng thứ 11 và Hỗn Nguơn Thiên là từng thứ 12. Hai từng
Trời 11 và 12 đều đặt dưới quyền chưởng quản của Ðức Di-Lạc Vương Phật.
Năng chiếu diệu quang: Có
khả năng chiếu sáng bằng ánh sáng huyền diệu. Tiêu trừ: Diệt trừ cho mất hết.
Nghiệt chướng: Nghiệt là
cái mầm ác, nghiệp ác; chướng là ngăn trở. Nghiệt chướng là cái nghiệp ác gây
ra nhiều chướng ngại cho kiếp sống hiện tại, như gặp phải hoạn nạn, tai ương,
hay bịnh tật. Nhược: Nếu như.
Nhược hữu: Nếu như có.
Chúng sanh: Các loài sanh vật, gồm: Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại. Nghĩa hẹp của
Chúng sanh là nhơn loại. Văn: Nghe biết. Ngã: Ta, tiếng tự xưng của Ðức Phật
Thích Ca. Văn Ngã: Nghe biết lời Ta.
Ưng đương: Thì phải, nên
phải.
Thoát nghiệt: Thoát khỏi
các nghiệp ác.
Niệm: Tưởng nghĩ tới, đọc
nho nhỏ vừa đủ nghe lời cầu nguyện.
Phật, Pháp, Tăng: Tam Bửu
của Ðức Chí Tôn.
Ðức Chí Tôn là Phật, vị
Phật lớn nhứt trong các vị Phật. Ðức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, biến
Lưỡng Nghi thành Tứ Tượng, rồi Bát Quái. "Thầy khai Bát Quái mà tác thành
CKTG nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sanh ra CKVV rồi mới có người nên gọi là
Tăng. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo mà phục hồi các con
hiệp một cùng Thầy." (TNHT. I. 52)
Niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng là niệm Ðức Chí Tôn.
Tùng thị: Tùng là tuân
theo, thị là phải là đúng. Tùng thị là tuân theo vì cho đó là đúng.
Pháp điều: Những điều
khoản của Luật pháp.
Tam Kỳ Phổ Ðộ: ÐÐTKPÐ, nền
Ðại Ðạo do Ðức Chí Tôn mở ra lần thứ 3 để cứu độ nhơn sanh.
Tất đắc: Ắt được. Giải
thoát: Cởi bỏ hết để thoát ra.
Giải thoát luân hồi: Cởi
bỏ hết để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Ðắc lộ: Ðắc là được, lộ là đường
đi, mà đạo cũng là đường đi, nên Ðắc lộ đồng nghĩa Ðắc đạo.
Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề:
do phiên âm từ chữ Phạn là: Tara Samyas Sambôdhi, nghĩa là: Tara (Ða-La) là
Thượng, ở trên. Samyas (Tam-Diệu) là Chánh đẳng. Sambôdhi (Tam-Bồ-Ðề) là Chánh
giác. Chánh đẳng là bực Chơn chánh, Chánh giác là giác ngộ chơn chánh, biết rõ
chơn lý, giác ngộ hoàn toàn.
Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề
là Thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ðó
là phẩm vị Phật.
Thị chi: Ấy là, tức là. Chứng quả: Nhận thực
cái kết quả tu hành, tức là đắc đạo đoạt được ngôi vị.
Cực Lạc Niết Bàn: CLTG hay Tây phương Cực Lạc.
Ðương: Ðang lúc. Vị: Chưa.
Nhược nhơn đương sanh: Nếu
như người đang sống.
Nhược nhơn vị sanh: Nếu
như người chưa được sanh ra.
Hữu kiếp: Có kiếp sống nơi
cõi trần.
Vô kiếp: Không có kiếp
sống nơi cõi trần.
Hữu niệm: Có tưởng nghĩ
tới.
Thính đắc Ngã ngôn: Nghe
được lời nói của Ta.
Phát tâm thiện niệm: Lòng
phát khởi tưởng nghĩ điều lành.
Tất đắc giải thoát: Ắt
được giải thoát khỏi luân hồi.
A-Nậu Ða-La Tam-Diệu
Tam-Bồ-Ðề: do phiên âm từ chữ Phạn: Anout tara Samyas Sambôdhi, nghĩa là: Anout
(A-Nậu): Không, Vô. Tara (Ða-La): Thượng. Samyas (Tam-Diệu): Chánh đẳng, bực
chơn chánh. Sambôdhi (Tam-Bồ-Ðề): Chánh giác, giác ngộ chơn chánh.
A-Nậu Ða-La Tam-Diệu
Tam-Bồ-Ðề: Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðó là phẩm vị Phật tối cao.
Nhược hữu nhơn: Nếu như có
người.
Thọ: Nhận lãnh. Trì: Gìn
giữ. Thọ trì: Nhận lãnh và gìn giữ làm đúng theo lời Phật dạy.
Khủng kinh: Kinh khủng,
rất sợ hãi.
Ma chướng: Sự ngăn cản của quỉ ma. Người tu hành luôn
luôn bị bọn ma quỉ khuấy phá đủ cách để làm chướng ngại cho bước đường tu,
nhưng chính đó cũng là những thử thách cần thiết để nâng cao trình độ tu tiến.
Nếu vượt qua được các chướng ngại do quỉ ma gây ra thì mới chứng tỏ người tu có
đủ hạnh đức và có thể đắc đạo.
Nhứt tâm thiện niệm: Một
lòng một dạ tưởng nghĩ điều lành. Nhất tâm là một lòng một dạ, niệm là tưởng
nghĩ.
Di-Lạc Vương Bồ Tát -
Di-Lạc Vương Phật:
Vương là vua, người đứng
đầu có quyền thống trị tất cả.
Gọi Ngài là Di-Lạc Vương
Phật khi Ngài ngự trên ngôi vị, điều khiển chư Phật và cai trị toàn cả CKTG.
Gọi ngài là Di-Lạc Vương
Bồ Tát khi Ngài làm nhiệm vụ cứu độ và dẫn dắt chúng sanh tu hành.
Năng cứu: Có khả năng cứu
giúp.
Khổ ách: Tai nạn khổ sở.
Ách là tai nạn.
Tam tai: 3 thứ tai họa
lớn: - Hỏa tai (tai họa do lửa cháy, như cháy nhà, cháy rừng); - Thủy tai (tai
họa do nước, như lũ lụt, sóng thần); - Phong tai (tai họa do gió gây ra như bão
tố, cuồng phong).
Hư Vô Cao Thiên hữu:
- Tiếp Dẫn Phật,
- Phổ Tế Phật,
- Tây Qui Phật,
- Tuyển Kinh Phật,
- Tế Pháp Phật,
- Chiếu Duyên Phật,
- Phong Vị Phật,
- Hội Chơn Phật,
Như thị đẳng hằng hà sa số
chư Phật, tùng lịnh Nhiên Ðăng Cổ Phật, dẫn độ Chơn linh, đắc Pháp đắc Phật,
đắc duyên đắc vị, đắc A-Nậu Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề, chứng quả nhập Cực Lạc
Quốc, hiệp chúng đẳng chư Phật, tạo định Thiên Thi, tận độ chúng sanh đắc qui
Phật vị.
Nhược hữu thiện nam tử,
thiện nữ nhân, tu trì, thính Ngã dục đắc chơn truyền, niệm thử Nhiên Ðăng Cổ
Phật, thường du Ta bà Thế giới, giáo hóa chơn truyền, phổ tế chúng sanh, giải
thoát lục dục thất tình, thoát đọa luân hồi, tất đắc giải thoát.
Dịch nghĩa:
Từng Trời Hư Vô Thiên ở
trên cao, có:
- Tiếp Dẫn Phật,
- Phổ Tế Phật,
- Tây Qui Phật,
- Tuyển Kinh Phật,
- Tế Pháp Phật,
- Chiếu Duyên Phật,
- Phong Vị Phật,
- Hội Chơn Phật,
Như vô số các vị Phật ở
các cấp, tuân theo mệnh lệnh của Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, dẫn dắt và cứu giúp
các Chơn linh, đạt được Pháp, đạt được Phật vị, có được duyên, có được ngôi vị,
đạt phẩm vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, chứng được quả vị, nhập vào cõi
CLTG, hiệp với chư Phật các cấp, sắp đặt làm ra Thiên thơ, cứu giúp toàn cả
chúng sanh được trở về ngôi vị Phật.
Nếu như người Nam lành,
người Nữ lành, gìn giữ việc tu hành, nghe theo Ta, muốn được chơn truyền, hãy
niệm thế nầy: Nam mô Nhiên Ðăng Cổ Phật, thường đi du hành đến các cõi trần,
giáo hóa giáo lý chơn thật, giúp đỡ chúng sanh khắp nơi, giải thoát khỏi Lục
dục và Thất Tình, thoát khỏi sự đọa đày vào vòng luân hồi, ắt được giải thoát.
CHÚ THÍCH
Hư Vô Cao Thiên: Từng Trời
Hư Vô Thiên ở trên cao. Ðây là từng Trời thứ 10, kế bên trên Cửu Trùng Thiên,
dưới quyền chưởng quản của Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật.
Như thị: Như thế, như là.
Ðẳng: Cấp bực. Như thị đẳng chư Phật: Như các vị Phật ở trong các cấp.
Hằng hà: Sông Hằng (sông
Gange) ở Ấn Ðộ. Sa số: Số hột cát.
Hằng hà sa số: Số hột cát của sông Hằng, ý nói số lượng nhiều lắm, như cát
sông Hằng, không thể đếm hết được.
Dẫn độ: Dẫn dắt và cứu
giúp.
Ðắc Pháp: Ðạt được Pháp,
tức là biết rõ Thể pháp và Bí pháp của Ðạo. Ðắc Phật: Ðạt được phẩm vị Phật.
Ðắc duyên: Duyên là mối
dây ràng buộc được định sẵn từ trước. Ðắc duyên là có được cái duyên với Phật.
Ðắc vị: Ðạt được ngôi vị.
Nhập: Ði vào.
Cực Lạc quốc: Nước Cực
Lạc, ý nói cõi CLTG, cõi Cực Lạc Niết Bàn hay cõi Tây phương Cực Lạc.
Hiệp chúng đẳng chư Phật:
Hợp với nhiều cấp bực của các vị Phật, tức là hợp với nhiều vị Phật ở nhiều
đẳng cấp cao thấp khác nhau. Tạo định: Sắp đặt làm ra. Ðịnh là sắp đặt.
Thiên Thi: Thi tức là Thơ,
Thơ là sách. Thiên Thi là quyển sách của Trời, dùng để ghi chép Thiên điều, tức
là ghi chép các luật pháp của Trời, điều hành sự vận chuyển CKVT và sự tiến hóa
của vạn vật. Thiên điều do chư Phật và chư Tiên họp Ðại Hội tại Ngọc Hư Cung
bàn định lập ra. Ngọc Hư Cung ở trong từng Trời Hư Vô Thiên.
Thiện nam tử: Người Nam
lành. Tử là người. Nam tử là chỉ đàn ông con trai. Thiện nữ nhân: Người Nữ
lành. Nhân là người. Nữ nhân là chỉ đàn bà con gái.
Tu trì: Trì là gìn giữ. Tu trì là gìn giữ sự tu
hành.
Dục đắc: Muốn được. Dục là muốn, đắc là được.
Chơn truyền: Giáo lý chơn thật được truyền lại
của một nền tôn giáo, mà nếu ai tu đúng theo đó thì chắc chắn đắc đạo. Niệm: Ðọc
nho nhỏ vừa đủ nghe. Thử: Thế ấy, thế nầy. Niệm thử là niệm như thế nầy.
Nhiên Ðăng Cổ Phật: là vị Phật đầu tiên trong CKVT,
được sanh ra vào thời Hỗn Ðộn, là Giáo chủ Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, hiện
chưởng
quản từng Trời Hư Vô Thiên.
Thường du Ta bà Thế giới:
Luôn luôn du hành đến các cõi trần. Giáo hóa: Dạy cho biến đổi từ dốt ra biết
chữ, từ xấu biến đổi thành tốt.
Phổ tế: Phổ là bày rộng ra
khắp nơi, tế là giúp đỡ. Phổ tế là giúp đỡ chúng sanh khắp nơi.
Lục dục: 6 điều ham muốn
của con người nơi cõi trần: - Sắc dục (Ham muốn sắc đẹp), - Thinh dục (Ham muốn
âm thanh êm tai), - Hương dục (Ham thích mùi thơm), - Vị dục (Ham thích ăn
ngon), - Xúc dục (Ham muốn xác thân mát mẻ sung sướng), - Ý dục (Ham muốn ý
nghĩ được thỏa mãn).
Thất Tình: 7 thứ tình cảm
của con người: - Hỷ (mừng), - Nộ (giận), - Ái (thương), - Ố (ghét), - Ai
(buồn), - Lạc (vui), - Dục (muốn). Thoát đọa luân hồi: Thoát khỏi sự đày đọa
vào vòng luân hồi sanh tử, nghĩa là đắc đạo thành Tiên Phật.
Tạo Hóa Huyền Thiên hữu:
- Quảng Sanh Phật,
- Dưỡng Dục Phật,
- Chưởng Hậu Phật,
- Thủ Luân Phật,
- dữ Cửu Vị Nữ Phật,
Như thị đẳng hằng hà sa số
chư Phật, tùng lịnh Kim Bàn Phật Mẫu, năng tạo năng hóa vạn linh, năng du Ta bà
Thế giới, dưỡng dục quần sanh, qui nguyên Phật vị.
Nhược hữu thiện nam tử,
thiện nữ nhân, thính Ngã dục tu phát nguyện: Nam mô Kim Bàn Phật Mẫu dưỡng dục
quần linh, nhược hữu sanh, nhược vị sanh, nhược hữu kiếp, nhược vô kiếp, nhược
hữu tội, nhược vô tội, nhược hữu niệm, nhược vô niệm, huờn hư thi hình đắc
A-Nậu Ða-La Tam-Diệu Tam-Bồ-Ðề, xá lợi tử qui nguyên Phật vị, tất đắc giải
thoát.
Dịch nghĩa:
Từng Trời Tạo Hóa Thiên
huyền diệu có:
- Quảng Sanh Phật,
- Dưỡng Dục Phật,
- Chưởng Hậu Phật,
- Thủ Luân Phật,
- cùng với Cửu vị Nữ Phật,
Như vô số các vị Phật ở các
cấp, tuân theo mệnh lệnh của Ðức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn DTC, có khả năng
tạo hóa ra vạn linh, có khả năng du hành đến các cõi trần, để nuôi dưỡng chúng
sanh, trở về nguồn cội là ngôi vị Phật.
Nếu như có người Nam lành,
người Nữ lành, nghe lời Ta, muốn tu hành thì phát ra lời nguyện: Nam mô Kim Bàn
Phật Mẫu, nuôi dưỡng vạn linh, nếu như có sanh ra, nếu như chưa sanh ra, nếu
như có kiếp sống, nếu như không kiếp sống, nếu như có tội, nếu như không tội,
nếu như có lòng tưởng niệm, nếu như không lòng tưởng niệm, trở lại cõi Hư Vô,
thi hành đúng theo khuôn phép, được phẩm vị Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác,
Chơn thần trở về nguồn cội là ngôi vị Phật, ắt được giải thoát.
CHÚ THÍCH
Tạo Hóa Huyền Thiên: Từng
Trời Tạo Hóa Thiên huyền diệu. Ðây là từng thứ 9 cao nhất của Cửu Trùng Thiên,
dưới quyền chưởng quản của Ðức Phật Mẫu.
Dữ (chữ Hán) Cùng với.
Cửu Vị Nữ Phật: Cửu Vị
Tiên Nương nơi DTC, nhờ công quả phổ độ và giáo hóa các Chức sắc Ðại Thiên
Phong trong buổi đầu khai Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ nên đã được thăng lên hàng Phật
vị, gọi là Cửu Vị Nữ Phật. (Ðây là cách hiểu thông thường theo 5 nấc thang tiến
hóa của Chơn linh, đạt được phẩm vị Tiên rồi mới tiến lên phẩm vị Phật).
Kim Bàn Phật Mẫu: Kim Bàn
hay Kim Bồn là cái bồn bằng vàng đặt tại DTC chứa các nguyên chất để Ðức Phật
Mẫu tạo Chơn thần cho toàn cả vạn linh. Ðức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nên
gọi là Kim Bàn Phật Mẫu.
Năng tạo năng hóa: Có đầy
đủ khả năng tạo hóa ra CKVT và vạn vật. Quần sanh: Ðồng nghĩa với chúng sanh.
Quần là nhiều người tụ họp đông đảo.
Qui nguyên Phật vị: Trở về
nguồn cội là ngôi vị Phật.
Dục tu phát nguyện: Dục tu
là muốn tu hành, Phát nguyện là nói ra lời ước nguyện. Dục tu phát nguyện là
muốn tu hành nên phát ra lời nguyện. Nếu làm tròn được lời nguyện nầy thì sẽ
đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.
Quần linh: Quần là nhiều
người tụ họp đông đảo, linh là Chơn linh. Quần linh đồng nghĩa với Vạn linh,
tất cả các Chơn linh trong CKVT. Vị sanh: Chưa sanh ra. Vị là chưa.
Huờn Hư: Huờn, do chữ Hoàn
nói trại ra, Hoàn là trở lại, trả lại. Hư là trống không, chỉ cõi Hư Vô, là cõi
xem như trống không nhưng rất mầu nhiệm vì từ cái Không nầy mà sản xuất ra cái
Có. Huờn Hư là trở lại cõi Hư Vô, tức là đắc đạo.
Thi hình: Thi là bày đặt
ra, thi hành; hình là cái khuôn bằng đất để đúc đồ vật, chỉ khuôn phép. Thi
hình là thi hành khuôn phép tức là áp dụng đúng các giới luật tu hành.
Xá lợi tử: Tử là cái hột.
Xá lợi tử là hột Xá lợi. Ðây là từ ngữ đặc biệt được dùng trong Phép Luyện đạo,
để chỉ cái Chơn thần của người tu đắc đạo. Trong phép Luyện đạo, khi đã luyện
được Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo thành
Tiên, Phật. Cái Chơn thần nầy được các nhà tôn giáo gọi bằng nhiều danh từ khác
nhau, như Tiên giáo thì gọi nó là Kim đơn, Thánh thai; Phật giáo thì gọi nó là
Mâu Ni Châu, Xá lợi tử, Bổn lai diện mục.
Phi Tưởng Diệu Thiên hữu:
- Ða Pháp Phật,
- Tịnh Thiện Giáo Phật,
- Kiến Thăng Vị Phật,
- Hiển Hóa Sanh Phật,
- Trục Tà Tinh Phật,
- Luyện Ðắc Pháp Phật,
- Hộ Trì Niệm Phật,
- Khai Huyền Cơ Phật,
- Hoán Trược Tánh Phật,
- Ða Phúc Ðức Phật,
Như thị đẳng hằng hà sa số
chư Phật, tùng lịnh Từ Hàng Bồ Tát, năng du Ta bà Thế giới, thi pháp hộ trì vạn
linh sanh chúng.
Nhược hữu thiện nam tử,
thiện nữ nhân, tín Ngã ưng đương phát nguyện: Nam mô Từ Hàng Bồ Tát, năng cứu
tật bịnh, năng cứu tam tai, năng độ tận chúng sanh thoát ư tứ khổ, năng trừ tà
ma, năng trừ nghiệt chướng, tất đắc giải thoát.
Dịch nghĩa:
Từng Trời Phi Tưởng Thiên
huyền diệu có:
- Ða Pháp Phật,
- Tịnh Thiện Giáo Phật,
- Kiến Thăng Vị Phật,
- Hiển Hóa Sanh Phật,
- Trục Tà Tinh Phật,
- Luyện Ðắc Pháp Phật,
- Hộ Trì Niệm Phật,
- Khai Huyền Cơ Phật,
- Hoán Trược Tánh Phật,
- Ða Phúc Ðức Phật,
Như vô số các vị Phật ở
các cấp, tuân theo mạng lịnh của Ðức Từ Hàng Bồ Tát, có khả năng du hành đến
các cõi trần, thi hành các pháp thuật huyền diệu để che chở, gìn giữ vạn linh
và chúng sanh trong CKVT.
Nếu như có người Nam lành,
người Nữ lành, tin theo Ta, thì phải phát ra lời nguyện: Nam mô Từ Hàng Bồ Tát,
có khả năng cứu được bịnh tật, có khả năng cứu được 3 tai họa lớn, có khả năng
tận độ chúng sanh, thoát khỏi nơi Tứ khổ, có khả năng trừ diệt tà ma, có khả
năng trừ diệt các nghiệt chướng, ắt được giải thoát.
CHÚ THÍCH
Phi Tưởng Diệu Thiên: Diệu
là khéo léo, huyền diệu. Phi Tưởng Diệu Thiên là từng Trời Phi Tưởng Thiên
huyền diệu. Ðây là từng Trời thứ 8 trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng
quản của Ðức Từ Hàng Bồ Tát.
Ðức Từ Hàng Bồ Tát có đầy
đủ công đức đắc thành vị Phật cao siêu, nhưng Ngài chưa muốn ngự lên ngôi vị
Phật, mà muốn làm một vị Bồ Tát để cứu độ chúng sanh.
Thi pháp: Thi là sắp đặt
bày ra, thi hành; Pháp là pháp thuật huyền diệu của Phật. Thi pháp là thi hành
các pháp thuật huyền diệu để hộ trì người tu hành. Hộ trì: Hộ là che chở giúp
đỡ, trì là gìn giữ. Hộ trì là che chở giúp đỡ và gìn giữ.
Vạn linh Sanh chúng: Vạn
linh là toàn thể các Chơn linh trong CKVT, gồm đủ Bát hồn. Sanh chúng hay Chúng
sanh là toàn thể các loài sanh vật trong CKVT, gồm: Thảo mộc, Côn trùng, Thú
cầm và Nhơn loại. Vạn linh đầu kiếp xuống trần làm chúng sanh, nên trong Chúng
sanh có đủ Bát hồn đầu kiếp vào để học hỏi và tiến hóa.
Ưng đương: Thì phải, nên
phải.
Ðộ tận: Tận độ, cứu giúp
toàn cả nhơn sanh, không chừa sót một người nào. Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là cơ
quan tận độ chúng sanh trong thời mạt kiếp nầy.
Thoát ư Tứ khổ: Thoát là
ra khỏi, Ư là ở tại, Tứ khổ là 4 thứ đau khổ mà con người nơi cõi trần phải
gánh chịu: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Ðức Phật Thích Ca giải rõ Tứ khổ trong Tứ Diệu
Ðế, giáo pháp căn bản của Phật giáo. Thoát ư Tứ Khổ là thoát ra khỏi nơi có 4
cái khổ, tức là thoát khỏi cõi trần, thoát đọa luân hồi, tất được giải thoát,
trở về cõi TLHS.
Hạo Nhiên Pháp Thiên hữu:
- Diệt Tướng Phật,
- Ðệ Pháp Phật.
- Diệt Oan Phật,
- Sát Quái Phật,
- Ðịnh Quả Phật,
- Thành Tâm Phật,
- Diệt Khổ Phật,
- Kiên Trì Phật,
- Cứu Khổ Phật,
- Xá Tội Phật,
- Giải Thể Phật,
Như thị đẳng hằng hà sa số
chư Phật, tùng lịnh Chuẩn Ðề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, thường du Ta bà Thế giới,
độ tận vạn linh.
Nhược hữu thiện nam tử,
thiện nữ nhân, tín Ngã ưng đương phát nguyện: Nam mô Chuẩn Ðề Bồ Tát, Phổ Hiền
Bồ Tát, năng trừ ma chướng quỉ tai, năng cứu khổ ách nghiệt chướng, năng độ
chúng sanh qui ư Cực Lạc, tất đắc giải thoát.
GHI CHÚ: Tụng đến đây thì
niệm danh mỗi vị Phật, lạy xuống 1 lạy không gật. Tất cả có 53 lần niệm, lạy 53
lạy. Tiếp theo tụng Câu Chú của Thầy 3 lần, cầu nguyện, xong lạy xuống 3 lạy,
mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy.
Dịch nghĩa:
Từng Trời Hạo Nhiên Thiên
coi về Pháp luật, có:
- Diệt Tướng Phật,
- Ðệ Pháp Phật.
- Diệt Oan Phật,
- Sát Quái Phật,
- Ðịnh Quả Phật,
- Thành Tâm Phật,
- Diệt Khổ Phật,
- Kiên Trì Phật,
- Cứu Khổ Phật,
- Xá Tội Phật,
- Giải Thể Phật,
Như vô số các vị Phật ở
các cấp, tuân theo mạng lịnh của Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát và Ðức Phổ Hiền Bồ Tát,
thường đi du hành đến các cõi trần cứu giúp toàn cả vạn linh.
Nếu như có người Nam lành,
người Nữ lành, tin theo Ta, thì phải phát ra lời nguyện: Nam mô Chuẩn Ðề Bồ
Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, có khả năng trừ diệt sự ngăn trở của ma và các tai nạn do
quỉ gây ra, có khả năng cứu giúp các tai nạn khổ sở và các nghiệt chướng, có
khả năng cứu giúp chúng sanh trở về nơi Cực Lạc Thế Giới, ắt được giải thoát.
CHÚ THÍCH
Hạo Nhiên Pháp Thiên: Từng
Trời Hạo Nhiên Thiên coi về Pháp luật, có "Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo
Hóa". Ðây là từng Trời thứ 7 trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản
của 2 vị Bồ Tát: Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát và Ðức Phổ Hiền Bồ Tát.
Hai vị Bồ Tát nầy, cũng
như Ðức Từ Hàng Bồ Tát, là những Ðấng có đầy đủ công đức thành những vị Phật
cao siêu, nhưng quí Ngài chưa muốn ngự lên ngôi vị Phật, mà muốn làm một vị Bồ
Tát để đem lòng từ bi cứu giúp toàn cả chúng sanh nơi cõi trần.
Ma chướng: Chướng là sự ngăn trở che lấp. Ma chướng là
sự ngăn trở che lấp của tà ma.
Quỉ tai: Tai nạn do loài
quỉ gây ra.
Ma và Quỉ luôn luôn tìm
cách phá hại người tu, làm cho người tu nãn lòng mà quay gót trở về thế tục.
Người tu phải xem đó là những thử thách để đánh giá trình độ tu hành. Nếu thắng
được ma chướng quỉ tai thì mới có thể đắc đạo, đạt được ngôi vị nơi cõi Thiêng
liêng.
Qui ư Cực Lạc: Qui là trở
về, ư là ở tại, nơi; Cực Lạc là chỉ Cực Lạc Thế Giới. Qui ư Cực Lạc là trở về
cõi CLTG, tức là đắc đạo, đạt được ngôi vị nơi cõi CLTG.
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét