KINH ÐƯA LINH CỮU (Giọng Nam ai)
1. "Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,
2. Giữ Chơn hồn xa lánh xác trần.
3. Nam mô Ðịa Tạng thi ân,
4. Ðưa
đường Thiên cảnh, lánh gần Phong đô.
5. Nam mô Tam Trấn Hư
Vô,
6. Oai Nghiêm độ rỗi Cao đồ qui nguyên.
7. Nam mô Tam giáo
diệu huyền,
8. Tuyệt luân Bát Nhã đưa thuyền độ vong.
9. Nam mô Bạch Ngọc Công Ðồng,
10. Thần Tiên Thánh Phật mở vòng trái oan.
11. Nam mô Thượng Ðế Ngọc Hoàng,
12. Mở cơ tận độ nhẹ nhàng chơn linh.
13. Cửa Cực Lạc thinh
thinh rộng mở,
14. Rước vong hồn lui trở ngôi
xưa.
15. Tòa sen báu vật xin đưa,
16. Chơn linh an ngự cho vừa quả duyên."
(Niệm 3 lần
Câu Chú của Thầy).
GIẢI NGHĨA
Kinh Ðưa Linh Cữu do Ðức Nguyệt
Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho để đồng nhi tụng trong suốt thời gian đưa linh cữu
từ nơi phát hành đến nơi chôn cất.
Linh cữu: Linh là linh hồn
người chết, cữu là cái áo quan. Linh cữu là cái áo quan trong đó đã có liệm thi
hài của một linh hồn vừa bỏ xác.
Theo cách gọi thông
thường, khi đưa đi chôn thì gọi là Linh cữu, khi còn đặt trong nhà để tế lễ thì
gọi là Quan tài.
Câu 1-2: "Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,"
"Giữ Chơn hồn xa
lánh xác trần."
Thần linh: Các vị Thần
thiêng liêng. Các Trấn Thần linh: Các vị Thần thiêng liêng trấn nhậm ở các địa
phương như: Thần Hoàng Bổn Cảnh, Thổ Thần, Thổ Ðịa, Sơn Thần .
Trợ lịnh: Trợ là giúp đỡ.
Trợ lịnh là giúp đỡ thi hành các mệnh lệnh của cấp trên cho được hiệu quả.
Chơn hồn: Ở đây có nghĩa
là Chơn thần, xác thân thiêng liêng, Nhị xác thân. (Xem trở lại C.6 KCHKHH)
Xa lánh: Tránh đi chỗ khác
cho xa chỗ đó. Xác trần: Thể xác phàm, Ðệ nhứt xác thân.
C.1-2: "Cầu xin các vị Thần linh trấn nhậm ở
địa phương nầy giúp lịnh gìn giữ Chơn thần của người chết lánh xa xác phàm."
Câu 3-4: "Nam mô Ðịa Tạng thi ân,"
"Ðưa đường Thiên cảnh, lánh gần Phong đô."
Nam mô: do tiếng Phạn
phiên âm ra, có nghĩa là: Qui y, qui mạng, chí tâm hướng, tức là quyết chí vâng
theo lời Phật dạy, nguyện hiến trọn đời mình cho Ðạo pháp. Về sau, từ ngữ Nam
mô thường dùng làm tiếng khởi đầu cho một câu cầu nguyện. Ðịa Tạng: Ðịa Tạng
Vương Bồ Tát, Giáo chủ cõi Âm quang. Khi xưa, thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ngài là Giáo
chủ cõi U Minh hay cõi Phong Ðô, nên gọi Ngài là U Minh Giáo chủ hay Phong Ðô
Ðại Ðế. Thi ân: Làm ơn cho người.
Thiên cảnh: Cõi Trời, cõi
Thiêng liêng Hằng sống.
Lánh gần: Lánh đi chỗ
khác, đừng lại gần.
Phong Ðô: Ở đây chỉ cõi Âm
quang do Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát làm Giáo chủ.
C.3-4: "Xin cầu nguyện với Ðức Ðịa Tạng Vương
Bồ Tát ban ơn đưa linh hồn người chết lên đường về cõi Thiêng liêng Hằng sống,
lánh xa không cho đến gần cõi Âm quang."
Câu 5-6: "Nam mô Tam Trấn Hư Vô,"
"Oai Nghiêm độ
rỗi Cao đồ qui nguyên."
Tam Trấn: Thường gọi là
Tam Trấn Oai Nghiêm, đó là 3 vị cầm quyền Tam giáo trong thời Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ. Tam Trấn Oai Nghiêm gồm:
Nhứt Trấn Oai Nghiêm: Ðức
Ðại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, cầm quyền Tiên giáo, kiêm Giáo Tông ÐÐTKPÐ.
Nhị Trấn Oai Nghiêm: Ðức
Quan Thế Âm Bồ Tát, cầm quyền Phật giáo.
Tam Trấn Oai Nghiêm: Ðức
Quan Thánh Ðế Quân, cầm quyền Nho giáo.
Hư Vô: Hư là trống không,
vô là không. Hư Vô là hoàn toàn trống không, nhưng trong không mà có tất cả. Hư
vô là cảnh giới vô cùng mầu nhiệm mà chẳng ai rõ thấu, vì cảnh giới ấy vắng
lặng trống không mà lại sanh ra các Pháp.
Oai Nghiêm: Trang nghiêm
khiến người khác nể sợ.
Ðộ rỗi: Ðộ là cứu giúp,
rỗi là cứu vớt khỏi những ràng buộc tội lỗi. Ðộ rỗi là cứu giúp thoát khỏi
những ràng buộc tội lỗi để được siêu thăng.
Cao đồ: Môn đồ của Ðấng
Cao Ðài, tức là tín đồ của Ðạo Cao Ðài. Qui nguyên: Qui là trở về, nguyên là
cái gốc khởi sanh ra, đó là Thái Cực, tức là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Qui nguyên là trở về với Ðức Chí Tôn.
C.5-6: "Xin cầu nguyện với Tam Trấn Oai Nghiêm
nơi cõi Hư Vô mầu nhiệm độ rỗi linh hồn của người tín đồ Cao Ðài được trở về
với Ðức Chí Tôn."
Câu 7-8: "Nam mô Tam giáo diệu huyền,"
"Tuyệt luân Bát
Nhã đưa thuyền độ vong."
Tam giáo: Ba nền tôn giáo
lớn ở Á Ðông: Phật giáo (Thích giáo), Tiên giáo (Lão giáo), Nho giáo (Khổng
giáo).
Diệu huyền: Huyền diệu,
huyền là sâu kín, diệu là khéo léo. Huyền diệu là sâu kín khéo léo mà trí phàm
không thể biết rõ được.
Tuyệt luân: Tuyệt là dứt,
luân là sự luân hồi. Tuyệt luân là dứt luân hồi, tức là không còn luân hồi nữa.
Bát Nhã thuyền: Bát Nhã là
trí huệ, tức là sự hiểu biết đạo lý sáng suốt. Bát Nhã thuyền là chiếc thuyền
trí huệ đưa các chơn hồn vượt qua biển khổ đến bờ giải thoát. (Xem chi tiết:
C.25 PMCK)
Ðộ vong: Cứu giúp linh hồn
người chết.
C.7-8: "Xin cầu nguyện với Ba Ðấng Giáo Chủ
Tam giáo huyền diệu, xin đem chiếc thuyền Bát Nhã cứu giúp các vong hồn thoát
qua biển khổ, dứt khỏi luân hồi."
Câu 9-10: "Nam mô Bạch
Ngọc Công Ðồng,"
"Thần Tiên Thánh
Phật mở vòng trái oan."
Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh,
tòa lâu đài làm bằng ngọc trắng, là nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.
Công Ðồng: Công là chung,
đồng là cùng nhau.
Bạch Ngọc Công Ðồng: là
một Ðại Hội chư Thần Thánh Tiên Phật tại Bạch Ngọc Kinh để quyết nghị các công
việc chung có tính cách quan trọng, dưới quyền chủ tọa của Ðức Chí Tôn.
Trái oan: Oan là thù giận,
trái là món nợ. Trái oan là món nợ oan nghiệt. Kiếp trước, mình làm cho người
ta thù giận mình, tức là mình tạo ra oan trái, nay mình phải đền trả món nợ đó.
C.9-10: "Xin cầu nguyện với các Ðấng Thần Thánh
Tiên Phật trong Hội Công Ðồng nơi Bạch Ngọc Kinh, xin cởi mở ra cho hết vòng
oan trái."
Câu 11-12: "Nam mô Thượng
Ðế Ngọc Hoàng,"
"Mở cơ tận độ
nhẹ nhàng chơn linh."
Tận độ: Tận là hết, độ là
cứu giúp. Tận độ là cứu giúp toàn cả chúng sanh, không chừa một người nào cả.
Cơ tận độ: Cơ quan có nhiệm vụ tận độ chúng sanh. Cơ quan nầy là Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ tức là Ðạo Cao Ðài.
Trong Bài Tựa quyển Kinh
Thiên Ðạo và Thế Ðạo, Hội Thánh có viết như sau:
"Ðức Quyền Giáo Tông (khi còn tại thế) và Ðức Hộ
Pháp, trót 10 năm trường, nghĩa là từ ngày mở Ðạo, đã nhiều phen dâng sớ cho
Ðại Từ Phụ và các Ðấng Thiêng liêng đặng xin Kinh Tận độ, nhưng mà Chí Tôn cùng
chư Thần Thánh Tiên Phật chưa định ban ân cho toàn sanh chúng.
Mãi đến ngày 23 tháng 7 tới ngày mùng 4 tháng 8 năm Ất
Hợi (dl 21 đến 31-8-1935) mới giáng cơ ban cho Tân Kinh. Ấy là một giọt nước
Cam Lồ của Ðức Từ Bi rưới chan đặng gội nhuần cho các đẳng linh hồn của toàn
thế giới.
Chúng ta thầm xét thì đủ hiểu rằng: "Ðã trải qua 10 năm, Chí Tôn mới mở Cơ Tận
độ. Cơ Tận độ nhơn sanh duy kể từ ngày ban Tân Kinh nầy mà thôi."
C.11-12: "Xin cầu nguyện với Ðức Chí Tôn mở ra
cơ quan Tận độ nhơn sanh để linh hồn người chết được nhẹ nhàng siêu thăng."
Câu 13-14: "Cửa Cực Lạc
thinh thinh rộng mở,"
"Rước vong hồn
lui trở ngôi xưa."
Cửa Cực Lạc: Cửa đi vào
Cực Lạc Thế giới. Thinh thinh: Rộng rãi thênh thang. Lui trở: Lui bước trở về.
Ngôi xưa: Ngôi vị cũ nơi cõi
Thiêng liêng.
C.13-14: "Cửa CLTG mở rộng thênh thang để rước
các vong hồn trở lại ngôi vị cũ."
Câu 15-16: "Tòa sen báu
vật xin đưa,"
"Chơn linh an ngự cho vừa
quả duyên."
Tòa sen:
Ngôi vị của Phật hay Bồ Tát. Báu vật: Vật quí báu. Chơn linh: Linh hồn. An ngự:
An là yên ổn, ngự là ngồi lên một cách trang trọng. An ngự là ngồi lên một cách
trang trọng và an ổn. Cho vừa: Cho tương xứng.
Quả duyên: Quả là cái kết
quả, duyên là cái sức bổ trợ cho cái Nhân thành cái Quả. Quả duyên là cái kết
quả do sự bổ trợ của cái duyên mà đạt được, tức là cái phẩm vị đạt được do công
đức tu hành.
C.15-16: "Xin đưa Chơn linh đến an ngự trên tòa
sen quí báu cho tương xứng với công đức tu hành."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét