Kinh Ðệ Nhị Cửu (Giọng
Nam xuân)
1. "Tây Vương Mẫu vườn Ðào ướm chín.
2. Chén trường sanh có lịnh ngự ban.
3. Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,
4. Chơn thần khá đến hội hàng chư Linh.
5. Ðã thấy đủ Thiên đình huyền pháp.
6. Cổi giác thân lên đạp Ngân kiều.
8. Kim quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư.
9. Khí trong trẻo dường như băng tuyết.
10. Thần im đìm dường nét thiều quang.
11. Xa chừng thế giới Ðịa hoàn,
12. Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng."
(Niệm Câu Chú của
Thầy 3 lần)
GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Nhị Cửu do Nhị
Nương DTC giáng cơ ban cho. Nhị Nương có nhiệm vụ cai quản Vườn Ðào Tiên của
Ðức Phật Mẫu, và hướng dẫn các chơn hồn từ từng Trời thứ nhứt đi lên từng Trời
thứ hai, đến Vườn Ðào Tiên dự tiệc trường sanh.
Câu 1: "Tây Vương Mẫu
vườn Ðào ướm chín."
Tây Vương Mẫu: Một danh
hiệu của Ðức Phật Mẫu.
Vườn Ðào: Vườn Ðào Tiên
của Ðức Phật Mẫu. Trái Ðào Tiên còn được gọi là trái Bàn Ðào. Cây Ðào Tiên
không trồng ở thế gian được vì theo lời Ðức Phật Mẫu, đất ở thế gian mỏng lắm.
Tương truyền, vườn Ðào Tiên của Ðức Phật Mẫu có 3600 cây, chia làm 3 phần:
Ðàng trước có 1200 cây,
hoa nhỏ trái nhỏ, 3000 năm mới chín, người ăn Ðào nầy thì thân thể nhẹ nhàng.
Khoảng giữa có 1200 cây,
hoa thơm trái ngọt, 6000 năm mới chín, người ăn vào có thể bay bổng lên mây.
Phía sau có 1200 cây, trái
có vỏ vân tím hột vàng, 9000 năm mới chín, người ăn vào được trường sanh bất
lão.
Theo lời thuyết đạo của
Ðức Phạm Hộ Pháp, nơi DTC, Ðức Phật Mẫu trụ sanh quang lại làm thành một khối
gọi là quả Ðào Tiên, đủ sự sống vĩnh cửu nơi cõi Hư linh. Người ăn trái Ðào
Tiên sẽ được mạnh khỏe luôn, trẻ mãi không già.
Ðức Phật Mẫu dùng trái Ðào
Tiên làm phần thưởng cho các Chơn linh đắc đạo trở về đến bái kiến Ðức Phật
Mẫu.
Ướm chín: Trái cây vừa mới
bắt đầu chín, màu hơi ửng lên.
C.1: "Vườn Ðào Tiên của Phật Mẫu có trái sắp chín."
Câu 2: "Chén trường
sanh có lịnh ngự ban."
Trường sanh: Sống lâu dài.
Chén trường sanh: Chén rượu Tiên, uống vào thì được trường thọ. Ngự ban: Ý nói
Ðức Phật Mẫu ban tặng. Ngự là chỉ hành động của vua.
C.2: "Chơn hồn lên đến Vườn Ðào Tiên thì có lịnh của Ðức Phật Mẫu ban
cho chén rượu Tiên, để Chơn hồn uống vào được trường sanh."
Câu 3-4: "Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,"
"Chơn thần khá đến hội hàng chư Linh."
Tiệc hồng: Hồng là to lớn.
Tiệc hồng là bữa tiệc lớn, long trọng, có nhiều người tham dự. Khá đến: Nên
đến.
Hội hàng: Hội hè, hội họp.
Chư Linh: Các Ðấng TL. Chư là nhiều vị, Linh là thiêng liêng.
C.3-4: "Bữa tiệc lớn đã được dọn sẵn sàng,
Chơn thần nên đến tham dự để hội họp cùng các Ðấng Thiêng liêng."
Câu 5: "Ðã thấy đủ
Thiên đình huyền pháp."
Thiên đình: Triều đình của
Ðức Chí Tôn.
Huyền pháp: Phép thuật
biến hóa huyền diệu.
C.5: "Ðã thấy đủ các phép biến hóa huyền diệu của Thiên đình."
Câu 6: "Cổi giác thân lên đạp Ngân kiều."
Cổi: Bỏ ra. Giác thân:
Giác là biết, thân là xác thân. Giác thân là xác thân có các cơ quan để nhận
biết các sự vật và hiện tượng chung quanh. Ðây là xác thân phàm của con người
có ngũ giác quan (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Da). Cổi Giác thân: Bỏ đi cái xác thân
phàm, đừng luyến tiếc nó.
Ngân kiều: Ngân là sông
Ngân, Ngân Hà; Kiều là cây cầu. Ngân kiều là cây cầu bắc qua Ngân Hà. Ngân Hà
là con sông lớn nơi cõi Thiêng liêng, chia cách tình yêu của Ngưu Lang và Chức
Nữ, đó là dòng sông đau khổ, nối liền với biển khổ, nên nó cũng được xem như
biển khổ.
C.6: "Cổi bỏ xác thân phàm, Chơn thần nhẹ nhàng đặt chân lên Ngân kiều
để chuẩn bị đi qua biển khổ."
Câu 7: "Ðẩu tinh
chiếu thấu Nguyên tiêu."
Ðẩu tinh: Tinh là ngôi
sao, Ðẩu tinh là ngôi sao Bắc Ðẩu. Nguyên tiêu: Nguyên là bắt đầu, thứ nhứt;
Tiêu là từng Trời. Nguyên tiêu là từng Trời thứ nhứt. Ở đây, Nguyên tiêu không
có nghĩa là đêm rằm tháng giêng.
C.7: "Sao Bắc Ðẩu chiếu sáng thấu đến từng Trời thứ nhứt."
Câu 8: "Kim quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư."
Kim quang: Lằn ánh sáng
màu vàng. Kiệu: Ðồ dùng sang trọng để ngồi trên đó có người khiêng đi. Kiệu đỡ:
Ngồi lên kiệu có người khiêng đi. Triều: Chầu vua. Ngọc Hư: Ngọc Hư Cung.
C.8: Lằn ánh sáng vàng làm
như cái kiệu đỡ gót Chơn thần đưa đến chầu Ðức Chí Tôn nơi Ngọc Hư Cung.
Câu 9-10: "Khí trong trẻo
dường như băng tuyết."
"Thần im đìm
dường nét thiều quang."
Khí và Thần: Tam bửu của
con người là Tinh, Khí, Thần. Tinh là Thể xác, Khí là Chơn thần, Thần là Chơn
linh.
Băng tuyết: Băng là nước
đong lại thành những tảng lớn, thấy trong suốt. Tuyết là hơi nước gặp lạnh ở
dưới 0oC, đông lại thành những hạt nhỏ rơi xuống trắng xóa. Băng tuyết là chỉ
sự trong sạch. Im đìm: Hoàn toàn im lặng.
Thiều quang: Thiều là đẹp, quang là ánh sáng.
Thiều quang là ánh sáng đẹp. Ðó là ánh sáng của mùa Xuân.
C.9-10: "Chơn thần thì trong trẻo tinh khiết như băng tuyết, còn Chơn linh thì im lìm và đẹp như ánh sáng mùa
Xuân."
Câu 11-12: "Xa chừng thế giới Ðịa hoàn,"
"Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng."
Xa chừng: Chừng là mức độ hạn định một cách đại
khái. Xa chừng là đã khá xa chỗ đó. Ðịa hoàn: Ðịa là đất, hoàn là vùng đất lớn.
Ðịa hoàn là Ðịa cầu. Thế giới Ðịa hoàn: Ý nói Ðịa cầu 68 của nhơn loại.
C.11-12: "Ði đã khá xa cõi trần, thấy cõi TLHS đẹp đẽ, Chơn thần
nhẹ nhàng bay lên cao."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét