Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 7 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


DÂNG TAM BỬU: Hoa, Rượu, Trà
Tam Bửu là 3 món quí báu.
Tam Bửu của con người là: Tinh, Khí, Thần, tức là Thể xác, Chơn thần và Linh hồn.
■ TINH là Thể xác, tức là hình hài xác thịt của con người, được tượng trưng bằng Hoa (Bông), vì Ðức Chí Tôn muốn cho hình thể con cái của Ngài tốt đẹp như cái hoa.

■ KHÍ là Chơn thần, tức là xác thân thiêng liêng, được tượng trưng bằng Rượu vì Ðức Chí Tôn muốn cho Chơn thần các con cái của Ngài cường liệt như rượu mạnh vậy.
■ THẦN là Chơn linh hay Linh hồn, là điểm Linh quang của Ðức Chí Tôn ban cho mỗi người, được tượng trưng bằng Trà, vì Ðức Chí Tôn muốn cho Chơn linh con cái của Ngài điều hòa thơm tho như hương vị của Trà vậy.

Mỗi khi cúng Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng Thiêng liêng, chúng ta phải dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu, dâng Bửu nào thì thài bài Kinh của Bửu ấy theo giọng Ðảo Ngũ Cung và cầu nguyện cũng theo Bửu đó.

* Ðầu tiên, dâng Hoa thì thài bài Dâng Hoa, rồi cầu nguyện dâng Thể xác.
* Kế đó, dâng Rượu thì thài bài Dâng Rượu, rồi cầu nguyện dâng Chơn thần.
* Sau cùng là dâng Trà thì thài bài Dâng Trà, rồi cầu nguyện dâng Linh hồn.

I . Nguồn gốc 3 bài Dâng Tam Bửu:
Ðầu năm Bính Dần (1926), Ðức Chí Tôn dạy 3 vị: Lê văn Trung, Phạm công Tắc và Cao quỳnh Cư đến nhà của Quan Phủ Ngô văn Chiêu ở gần chợ Sài gòn để Quan Phủ chỉ cho vẽ Thiên Nhãn thờ Ðức Chí Tôn và cách thờ phượng. (Quan Phủ Ngô văn Chiêu là môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn, thấy hình Thiên Nhãn 3 lần do Ðức Chí Tôn dùng huyền diệu cho hiện ra ở tại đảo Phú Quốc, để Quan Phủ vẽ Thiên Nhãn theo hình đã thấy mà thờ Ðức Chí Tôn).

Quan Phủ chỉ cho 3 vị thấy cách thờ Thiên Nhãn, rồi trao cho 3 vị 3 bài Kinh: Dâng Hoa, Dâng Rượu, Dâng Trà, để cúng Ðức Chí Tôn, và bài Kinh Cầu Cơ "Trời còn".

Ba bài Kinh Dâng Tam Bửu nầy có in trong quyển "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" xuất bản năm 1928 của nhị vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, trang 38, 39, 40, xin chép ra sau đây:

* BÀI DÂNG TIÊN HOA:
"Hoa tươi năm sắc thiên nhiên,
Ðầu cúi xin dâng lễ kỉnh thiềng.
Cảm đức Cao Ðài lòng đoái tưởng,
Từ bi cứu thế giáng đàn tiền."

* BÀI DÂNG TIÊN TỬU:
"Tửu vị hương hề tửu vị hương,
Khấu đầu cung hiến chước hồ tương.
Cao Ðài hứng cảnh nhàn hoan nhã,
Ðệ tử cung trần mỹ vị hương."

* BÀI DÂNG TIÊN TRÀ:
"Ðông độ thanh trà mỹ vị hương,
Khấu đầu cung hiến chước hồ trường.
Cao Ðài hứng cảnh nhàn hoan nhã,
Ðệ tử cung trần mỹ vị hương."

Sau đó được vài tháng, đến ngày 14-3-Bính Dần (dl 24-4-1926), Quan Phủ Ngô văn Chiêu tách riêng ra để tu đơn, không cộng tác với nhóm của Ngài Lê văn Trung nữa, nhưng 3 bài Dâng Tam Bửu của Quan Phủ đưa qua vẫn được dùng để dâng cúng Ðức Chí Tôn.

Ðến đầu năm Kỷ Tỵ (1929), Ðức Phạm Hộ Pháp có xin với Bát Nương ban cho 3 bài Kinh Dâng Tam Bửu mới để thế cho 3 bài cũ của Ngài Ngô văn Chiêu, nhưng Ðức Phạm Hộ Pháp được trả lời là nên để cho Hội Thánh đặt ra để Dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn thì mới hợp lẽ.

Do dó, Ðức Phạm Hộ Pháp chỉ định Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu (tức Cao Mỹ Ngọc) đặt ra 3 bài nầy, rồi cầu Bát Nương chỉnh văn lại, xong dâng lên Ðức Chí Tôn duyệt, rồi chuyển qua cho Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung bên Cửu Trùng Ðài ban hành ra cho toàn đạo.

Ngày 17-6-Canh Ngọ (dl 12-7-1930), Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung (lúc đó còn là Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt) ban hành quyển "NGHI TIẾT ÐẠI ÐÀN TIỂU ÐÀN TẠI TOÀ THÁNH VÀ THÁNH THẤT CÁC NƠI", trong đó có ban hành 3 bài Dâng Tam Bửu mới mà chúng ta đang sử dụng.

II . Cách cầu nguyện khi Dâng Tam Bửu:
Về cách thức và lời cầu nguyện khi Dâng Tam Bửu, Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo dạy như sau:

- Hễ đưa Bông lên là dâng cái Hình thể của chúng ta đó, ta cúi đầu cầu nguyện Chí Tôn:
"Con xin dâng mảnh hình hài của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."

- Khi dâng Rượu thì cầu nguyện:
"Con xin dâng cả trí thức tinh thần của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
( Trí thức Tinh thần của con người là thuộc về Chơn thần).

- Khi dâng Trà cầu nguyện:
"Con xin dâng cả Linh hồn của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng."
+ Câu chót, chúng ta nên nguyện gồm chung lại như vầy:
"Cả Linh hồn, cả Trí não, cả Hình hài con, Thầy đào tạo, đó là của Thầy thì do nơi quyền hành độc đoán của Thầy định."

Khi dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn, hễ dâng Bửu nào thì cầu nguyện theo Bửu nấy, dâng xong một Bửu thì lạy 1 lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy: Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Dâng Tam Bửu cúng Ðức Phật Mẫu thì cầu nguyện với Ðức Phật Mẫu, dâng Bửu nào thì cầu nguyện theo Bửu nấy, lời cầu nguyện thì giống y như lời cầu nguyện đối với Ðức Chí Tôn, nhưng thay chữ Chí Tôn bằng chữ Phật Mẫu, xong mỗi Bửu thì lạy Phật Mẫu 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm: Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

III . BÍ PHÁP DÂNG TAM BỬU:
Tại sao Ðức Chí Tôn buộc tín đồ dâng Tam Bửu?
Tại sao trong mỗi thời cúng, Ðức Chí Tôn buộc các Tín đồ Nam Nữ đều phải dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu? Ðiều nầy có phải vì lợi ích cho Chí Tôn hay cho Phật Mẫu không?

Trả lời: Không, mà trái lại là hoàn toàn vì lợi ích cho Tín đồ, bởi vì đây là Bí Pháp giải thoát cho mỗi Tín đồ.
Bí Pháp thì phải bí mật, nhưng ÐÐTKPÐ nầy, Ðức Chí Tôn ban cho ơn huệ là Ðại Ân Xá, nên Ðức Chí Tôn không giấu giếm Bí Pháp nữa, Ðức Chí Tôn bày ra trước mắt nhơn sanh, để nhơn sanh thấy rõ mà thực hành. Và Ðức Chí Tôn nhấn mạnh: "Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi được."

Bí Pháp đó là: Ðức Chí Tôn biểu chúng ta dâng Tam Bửu của chúng ta (Thể xác, Chơn thần, Linh hồn) lên cho Ðức Chí Tôn để Ðức Chí Tôn lấy đó làm phương tiện PHỤNG SỰ VẠN LINH.

Tại sao gọi đó là Bí Pháp?
Bởi vì chính nó là phương cách giải thoát chúng ta khỏi vòng Luân hồi để Linh hồn sau khi thoát xác, trở về hiệp nhứt cùng Ðức Chí Tôn nơi cõi thiêng liêng, tức là đắc đạo vậy.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giải thích như sau:
"Ấy vậy, mỗi ngày, từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya đến sáng, mình vô Ðền Thánh kêu Ðức Chí Tôn, kêu Tam Giáo và các Ðấng Thiêng liêng mà phân chứng trước: Thân tôi không còn là của tôi nữa, tôi đã hiến cho Ðức Chí Tôn, làm tôi tớ cho vạn linh, thay thế cho Ðức Chí Tôn.

Giờ phút đó, chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm, dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt, không thế gì định tội được. Ðức Chí Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta, mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta, tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát."

Như vậy, mỗi ngày chúng ta cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta đều cầu nguyện dâng Tam Bửu (Thể xác, Chơn thần, Linh hồn, tượng trưng bằng Bông, Rượu, Trà) là dâng toàn thể con người chúng ta cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, tức là chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào Chí Tôn sai khiến định liệu trong công cuộc Phụng Sự Vạn Linh. Chúng ta không còn điều gì để lo lắng ngoài sự lo lắng làm thế nào thực hiện cho hoàn tất mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn ban bố.

Bí Pháp Giải thoát ấy, Ðức Chí Tôn để hiển hiện ngay trước mắt nhơn sanh mà ít ai để ý suy nghĩ.
Nhưng việc thực hiện Bí Pháp nầy một các trọn vẹn thì cũng khó khăn vô cùng. Nhưng càng khó khăn thì càng có giá trị xứng đáng. Ðâu có dễ gì đâu? Nhưng không phải là quá khó khăn để không thể thực hiện được.

Nếu chúng ta có một Ðức Tin mạnh mẽ nơi Ðức Chí Tôn và có một tấm lòng hy sinh, quên mình, thì mọi việc đều trở nên dễ dàng.

Như thế, cái tấm thân của ta đây, cả Chơn thần và Linh hồn nữa, chúng ta đã giao hết cho Chí Tôn, giao thật sự với đầy đủ ý nghĩa của nó, thì ta không còn gì là của ta nữa, đừng nói chi là của cha mẹ ta hay vợ con ta. Như vậy, cái TA tức là cái NGÃ không còn nữa, thì đâu còn gì để CHẤP NGÃ. Ðây là một phương pháp PHÁ CHẤP triệt để.

Sự Dâng hiến nầy là để Phụng Sự Vạn linh, nếu chúng ta thi hành một cách chí thành thì đủ đem chúng ta trở về cùng Ðức Chí Tôn, mà không cần làm thêm một điều gì khác nữa.

Trong TNHT, Ðức Chí Tôn có dạy rằng:
"Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.

Vậy muốn đắc quả, thì chỉ có một điều Phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao." (TNHT. II. 101)

Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn cấm hẳn lối tu "Ðộc thiện kỳ thân", một lối tu ích kỷ, chỉ biết lo cho riêng mình.

Thể pháp và Bí pháp của Ðạo Cao Ðài đều đặt việc PHỤNG SỰ VẠN LINH là trên hết. Do đó, Bí pháp Luyện đạo trong Tịnh Thất chỉ là phần đặc biệt dành cho những Tín đồ đã đầy đủ công quả Phụng Sự Vạn Linh mà còn sức khỏe.

Tóm lại, Ðức Chí Tôn buộc chúng ta dâng Tam Bửu cho Ngài là vì Ngài muốn chúng ta thay thế Ngài mà lo "Hoằng khai Ðại Ðạo, Phổ Ðộ chúng sanh", tức là lo Phụng Sự Vạn Linh, bởi vì đó là Bí pháp đắc đạo để chúng ta trở về hội hiệp cùng Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét