Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 48 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Khi Về (Giọng Nam xuân)
1. "Cảm tạ ơn trên đầu dìu dỡ,
2. Từ khi đi khi trở lộn về.
3. Ðặng xong phận sự mọi bề,
4. Tâm tu lại vững chẳng hề lãng xao.
5. Những nhớ bước Ðộng đào buổi trước.
6. Những nhớ khi Hớn rước Diêu Trì.
7. Găn-Ta-Ca đỡ bước đi,

8. Ra thành Phật Tổ gặp kỳ ly cung.
9. Dẩy xe trâu Côn Lôn trổi bánh,
10. Lý Lão Quân mong lánh phong trần.
11. Núi Ô-Li-Vê để dấu chân,
12. Gia-Tô Giáo chủ giải phần hữu sanh.
13. Con nguyện xin khuôn linh giúp sức,
14. Bước Ta-bà giục thức huệ quang.
15. Lòn thân dưới phép sầu than,
16. Tìm phương cứu khổ mở đàng giải căn."
(Niệm 1 lần Câu Chú của Thầy)

GIẢI NGHĨA
Câu 1-2: "Cảm tạ ơn trên đầu dìu dỡ,"
"Từ khi đi khi trở lộn về."
Ơn trên đầu: Ơn huệ của Ðức Chí Tôn.
C.1-2: "Cảm tạ ơn Ðức Chí Tôn đã dìu dắt và nâng đỡ từ khi bước chân ra đi cho đến khi quay trở về."

Câu 3-4: "Ðặng xong phận sự mọi bề, "
"Tâm tu lại vững chẳng hề lãng xao."
Ði làm phận sự xong xuôi trọn vẹn mọi bề.
Cái Tâm tu hành vẫn vững vàng, chẳng hề xao lãng.

Câu 5: "Những nhớ bước Ðộng đào buổi trước."
"Những hay Nhẫng: Chỉ là, mãi. Những nhớ: Mãi nhớ."
Ðộng đào: Ðộng là hang núi, đào là cây đào, hoa đào. Ðộng đào là cái hang núi mà đường vào hang có mọc nhiều cây đào, hoa đào rơi xuống trông rất đẹp mắt.
Ðộng đào là chỉ cõi Tiên theo điển tích sau đây:
Ðiển tích: Trong bài Ðào Hoa Nguyên Ký (Bài ghi lại về Suối Hoa Ðào), Ông Ðào Tiềm kể chuyện về suối hoa đào như sau: Vào khoảng triều vua Hiếu Vũ Ðế nhà Tấn (376-396) có một người ở huyện Vũ Lăng tỉnh Hồ Nam làm nghề đánh cá, chèo thuyền theo dòng khe mà đi, quên mất đường xa gần, bỗng gặp một rừng cây đào mọc sát bờ khe mấy trăm bước, không xen loại cây nào khác, cỏ thơm tươi đẹp, hoa rụng rực rỡ. Người đánh cá lấy làm lạ, tiến thêm vô, đi đến cuối rừng. Rừng hết thì suối hiện ra và thấy một ngọn núi. Núi có cái hang mờ mờ như có ánh sáng, bèn rời thuyền, rồi theo cửa hang đi vào. Mới đầu, hang rất hẹp, chỉ vừa đi lọt một người đi. Vô hang được vài chục bước thì hang nở rộng ra sáng sủa, mặt đất bằng phẳng trống trải, thấy có nhà cửa tề chỉnh, ruộng tốt, ao đẹp, có cây dâu cây trúc, đường ruộng thông nhau, có tiếng gà gáy chó sủa, người đi lại trồng trọt làm lụng.

Ðàn ông đàn bà mặc y phục giống như người bên ngoài. Những cụ già tóc bạc và trẻ nhỏ để tóc trái đào đều hớn hở vui vẻ.
Họ thấy người đánh cá đi đến thì rất lấy làm lạ, hỏi ở đâu tới? Người đánh cá kể lể đầu đuôi. Họ bèn mời về nhà, bày rượu thịt ra thết đãi. Người trong xóm hay tin đều đến hỏi thăm. Họ bảo tổ tiên của họ trốn loạn đời Tần Thủy Hoàng, dắt vợ con và người trong ấp đến chỗ hiểm trở xa xôi nầy, rồi không trở ra nữa. Từ đó cách biệt hẳn với người ngoài. Họ hỏi người đánh cá bây giờ là đời nào? Vì họ không biết có đời Hán nữa, đến chi đời Ngụy, đời Tấn.

Người đánh cá kể lại đủ cả sự tình. Họ nghe nói đều đau xót. Người đánh cá ở chơi vài ngày rồi từ tạ trở về. Trong bọn họ có người dặn đừng kể lại cho người khác biết.
Người đánh cá ra khỏi hang, trở lại đường cũ, tìm thấy chiếc thuyền, chèo thuyền trở về, đi tới đâu làm dấu chỗ đó, để sau còn biết đường trở lại. Về đến Quận, người đánh cá kể lại hết các việc cho quan Thái Thú nghe. Viên Thái Thú sai anh ta chèo thuyền trở lại, tìm theo chỗ làm dấu mà đi, nhưng các dấu tích đã biến mất, không tìm được đường cũ.
Ông Lưu Tử Kỳ ở đất Nam Dương tỉnh Hà Nam là bậc cao sĩ, nghe kể chuyện, cảm thấy rất hân hoan, tự mình đi tìm nơi đó, nhưng chưa tìm ra thì bị bịnh chết. Từ đó không ai hỏi thăm đường đi nữa.
Từ điển tích nầy, trong văn chương thường dùng các từ ngữ: Ðào nguyên, Nguồn đào, Ðộng đào, là để chỉ cảnh Tiên, nơi đó phong cảnh tuyệt đẹp và người sống rất sung sướng.

Câu 6: "Những nhớ khi Hớn rước Diêu Trì."
Hớn rước Diêu Trì: Vua Hớn Võ Ðế rước Ðức Diêu Trì Kim Mẫu giáng trần nơi Hoa Ðiện.

Ðiển tích: Vua Hớn Võ Ðế hay Hán Vũ Ðế (141-87 trước Tây lịch) là vị vua thứ 5 của nhà Hán, kể từ Hán Cao Tổ Lưu Bang. Hớn Võ Ðế là vị vua hùng tài đại lược, nhưng cũng rất tín ngưỡng Trời Phật. Khi Hớn Võ Ðế mới lên ngôi, Ngài liền phát nguyện lập một cảnh chùa gọi là Hoa Ðiện để sùng bái Trời Phật. Gọi là Hoa Ðiện vì chùa nầy được chạm khắc các thứ Hoa trên các vật liệu xây dựng, nên thoạt trông vào như một tòa cung điện làm bằng hoa.

Ðến năm Hớn Võ Ðế 61 tuổi, Ngài định tổ chức một lễ đáo tuế long trọng. Cái sở nguyện của Ngài là cầu Ðức Phật Mẫu đến chứng lễ. Vua bèn lập bàn hương án nơi sân Hoa Ðiện, thành tâm cầu khẩn ngày đêm mà không biết Ðức Phật Mẫu ở nơi nào và có thấu biết chăng.

Khi đó, Ông Ðông Phương Sóc là vị Tiên mới đắc đạo, trước kia có làm quan tại triều vua Hớn Võ Ðế, sau về núi tu luyện, phát động tâm, liền hiểu rõ mọi việc. Ông bèn đi xuống núi, thẳng vào triều, gặp Võ Ðế. Nhà vua thuật lại ý nguyện và nhờ Ðông Phương Sóc đi thỉnh Ðức Phật Mẫu.

Ðông Phương Sóc tâu rằng: Nếu Bệ hạ quyết lòng thì thần xin phụng mạng, nhưng thỉnh Phật Mẫu được hay không là do lòng thành của Bệ hạ. Vậy Bệ hạ ra chiếu cho thần đi.

Ðông Phương Sóc lãnh chiếu ra đi. Dùng huyền diệu Tiên gia, trong chốc lát, Sóc đến DTC xin vào bái kiến Phật Mẫu, và bạch hết các việc của Hớn Võ Ðế sở vọng khẩn cầu.

Ðức Phật Mẫu phán rằng: Phật Mẫu sẽ giáng phàm chứng lễ Khánh thọ của Hớn Võ Ðế, đem theo 4 vị Tiên đồng Nữ nhạc đờn ngâm bài chúc thọ, và ban cho vua 4 trái Ðào Tiên. Khi Phật Mẫu đến có chim Thanh loan báo trước.
Ðông Phương Sóc vô cùng mừng rỡ, liền bái tạ Ðức Phật Mẫu rồi trở lại trần gian, tâu bày các việc cho Võ Ðế rõ.

Nhà vua rất vui mừng, hỏi: - Thanh loan là chim gì?
Ðông Phương Sóc đáp: - Thanh loan là con chim loan màu xanh, đó là chim lịnh của Ðức Phật Mẫu, dùng để đưa Phật Mẫu đi du hành các nơi. Xin Bệ hạ chỉnh trang cho long trọng, thanh tịnh, để nghinh tiếp Ðức Phật Mẫu vào đêm Trung thu. Trong và ngoài Hoa Ðiện phải lập bàn hương án trang nghiêm, đều có xông hương khử trược.

Ðầu giờ Tý đêm Rằm Trung thu, Hớn Võ Ðế quì trước Hoa Ðiện thành tâm cầu khẩn. Xảy thấy chim Thanh loan đáp xuống sân chùa, Ðức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương với 4 Tiên đồng Nữ nhạc giáng lâm trước Hoa Ðiện. Võ Ðế cung nghinh Ðức Phật Mẫu vào Chánh điện. Phật Mẫu dạy Tiên đồng trao tặng Võ Ðế 4 trái Ðào Tiên và ngâm bài Chúc thọ.

Sau buổi đó, Hớn Võ Ðế cho tạc hình Ðức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương để thờ nơi Hoa Ðiện.
Sự tích nầy truyền lại đến ngày nay. Do đó nơi thờ Ðức Phật Mẫu thì gọi là Ðiện, chớ không gọi Ðền.
C.5-6: "Mãi nhớ chuyện Ðộng đào thuở trước, và chuyện vua Hớn Võ Ðế rước Ðức Phật Mẫu tại Hoa Ðiện."

Câu 7-8: "Găn-Ta-Ca đỡ bước đi,"
"Ra thành Phật Tổ gặp kỳ ly cung."
Găn-Ta-Ca: còn viết là Căn-Ta-Ca, do phiên âm từ tiếng Phạn: Kantaka, Hán văn dịch là Càn-Trắc mã, nghĩa là con ngựa Càn Trắc. Ðây là con ngựa chạy hay nhứt của triều vua Tịnh Phạn, dành riêng cho Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta dùng. Chính con ngựa nầy đã đưa Thái Tử vượt Hoàng thành lúc nửa đêm để đi vào chỗ rừng núi thanh vắng tu hành.

Phật giáo sử chép rằng: Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta, năm 29 tuổi, đêm mùng 7 tháng 2, gọi quan hầu cận là Xa-Nặc (TChanna) thắng yên cương ngựa Càn Trắc để Thái Tử rời Hoàng cung xuất gia đi tu. Thái Tử cùng với Xa-Nặc cỡi ngựa đi suốt đêm, đến sáng tới một cụm rừng cách Kinh đô Ca-Tỳ-La-Vệ rất xa. Ngài nhảy xuống ngựa và khen rằng: "Con ngựa nầy rất hay, nó mạnh mẽ và chạy mau như một vị Thiên Thần." Rồi Ngài cắt tóc, đổi áo, bảo Xa-Nặc dắt ngựa Càn Trắc về triều tâu lại với vua cha là Tịnh Phạn Vương.

Ngựa Càn Trắc trở về Hoàng cung, nhớ chủ, bỏ ăn rồi chết. Linh hồn liền thoát lên cõi Thượng Thiên.
Phật Tổ: Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta tu thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, mở ra Phật giáo và làm Tổ Sư Phật giáo.
Ly cung: Rời khỏi Hoàng cung.
C.7-8: "Nhắc lại sự tích Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta cỡi ngựa Càn Trắc, rời Hoàng cung, vượt Hoàng Thành, vào rừng đi tu thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, mở ra Phật giáo và làm Tổ Sư Phật giáo."

Câu 9-10: "Dẩy xe trâu Côn Lôn trổi bánh,"
"Lý Lão Quân mong lánh phong trần."
Dẩy: Cất lên, khởi lên. Xe trâu: Chiếc xe trắng có con trâu xanh một sừng (Thanh ngưu) kéo đi. Ðây là chiếc xe của Ðức Lão Tử dùng để du hành các nơi. Người đánh xe là Từ Giáp. Côn Lôn: Tên một ngọn núi rất cao, ở về phía Tây nước Tàu, tương truyền trên núi có Tiên ở.
Trổi bánh: Bánh xe khởi lên để lăn tới.
Lý Lão Quân: Ðức Lão Tử họ Lý, tên là Nhĩ, tự là Bá Ðương. Ðức Lão Tử là hóa thân của Ðức Thái Thượng Ðạo Quân nên về sau được gọi là Thái Thượng Lão Quân.
Phong trần: Gió bụi, chỉ những cảnh gian nan vất vả nơi cõi trần.
C.9-10: "Nhắc lại sự tích Ðức Lão Tử, sau khi ở ải Hàm Cốc truyền đạo cho Ông Doãn Hỷ, Ngài lên xe trắng trâu xanh, có Từ Giáp đánh xe, đi về phía Tây đến núi Côn Lôn, lánh khỏi cõi trần đầy gíó bụi." (Xem: C.12 TG)

Câu 11-12: "Núi Ô-Li-Vê để dấu chân,"
"Gia-Tô Giáo chủ giải phần hữu sanh."
Núi Ô-Li-Vê: Tiếng Pháp là: Mont des Oliviers (núi Oliviers), phiên âm ra: Ô-Li-Vê. Ðây là một ngọn núi thấp ở ngoại ô thành Jérusalem nước Do Thái. Ðức Chúa Jésus cùng 12 vị Tông đồ thường lên núi nầy cầu nguyện. Tại đây, Ðức Chúa dự ngôn về thành Jérusalem bị tàn phá, về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Trước khi Ðức Chúa Jésus bị bắt và bị hành hình, Ngài lên núi nầy cầu nguyện Thượng Ðế, xin lấy cái chết của mình để chuộc tội cho loài người.
Ðể dấu chân: Còn lưu lại cái dấu chân.
Gia-Tô Giáo chủ: Ðức Chúa Jésus (phiên âm Gia-Tô) mở ra Thiên Chúa giáo và làm Giáo chủ tôn giáo ấy.
Giải phần hữu sanh: Giải là nói rõ ra, phần là một phần trong tổng thể, hữu là có, sanh là sống. Giải phần hữu sanh là giải quyết phần đời sống của nhơn loại, tức là giải quyết về phần Nhơn đạo hay Thế đạo.
Giáo lý của Thiên Chúa giáo chủ yếu về phần Thể pháp và Bí pháp của Thế đạo, cho nên người tu theo Ðạo Thiên Chúa đạt phẩm vị cao nhất là Thánh, và Ðạo Thiên Chúa thuộc về Thánh đạo trong Ngũ Chi Ðại Ðạo.
C.11-12: "Ðức Chúa Jésus, Giáo chủ Thiên Chúa giáo, từng đặt chân lên núi Oliviers để cầu nguyện xin chuộc tội cho nhơn loại. Ngài là Ðấng giải quyết về phần đời sống của nhơn loại nên nhơn loại tôn Ngài là Ðấng Cứu Thế."

Câu 13-14: "Con nguyện xin khuôn linh giúp sức,"
"Bước Ta-bà giục thức huệ quang."
Khuôn linh: Khuôn là dụng cụ để đúc ra các vật có hình thể giống hệt nhau, Linh là thiêng liêng. Khuôn linh là chỉ Ðấng Tạo Hóa, tức là Ðức Chí Tôn. Khuôn linh đồng nghĩa với: Khuôn thiêng, Khuôn hồng, Hồng Quân.

Ta-bà: do phiên âm từ tiếng Phạn: Saha, nghĩa là nhẫn nhục. Cõi Ta-bà là cõi mà người tu phải nhẫn nhục, vì cõi nầy có nhiều ô trược và ác độc, nhưng nếu tu được thì rất mau thành chánh quả. Cõi Ta-bà chính là cõi trần .
Bước Ta-bà: Bước đi cùng khắp trên cõi trần .
Giục thức: Thúc giục cho thức tỉnh.
Huệ quang: Ánh sáng của trí huệ. Trí huệ là sự thông suốt hiểu biết rốt ráo các sự việc của bậc đắc đạo.
C.13-14: "Con nguyên xin Ðức Chí Tôn giúp sức cho con đi khắp các nẻo đường trần để thúc giục nhơn sanh thức tỉnh, khơi dậy cái trí huệ của nhơn sanh."

Câu 15-16: "Lòn thân dưới phép sầu than,"
"Tìm phương cứu khổ mở đàng giải căn."
Lòn thân: Ðem thân lòn cúi, ý nói hạ mình chịu nhục.
Phép sầu than: Pháp luật hà khắc của đời làm cho dân chúng sầu khổ kêu than.

Giải căn: Giải là cởi bỏ ra, căn là gốc rễ, chĩ những việc làm gian ác tạo thành oan nghiệt của kiếp trước. Giải căn là cởi bỏ hết các oan nghiệt của kiếp trước, vì nó tạo thành nghiệp ác làm cho kiếp sống nầy phải bị tai ương, phiền não.
C.15-16: "Hạ mình lòn cúi dưới pháp luật hà khắc của đời để tìm ra phương pháp cứu khổ nhơn sanh, và mở ra con đường đạo đức để giải trừ oan nghiệt cho nhơn sanh."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét