Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 51 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Vào Học (Giọng Nam xuân)
1. "Ðại Từ Phụ xin thương khai khiếu,
2. Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.
3. Gần điều nên, lánh lẽ hư,
4. Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.
5. Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại,
6. Tùng khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn.

7. Buộc yêu thương bạn đồng môn,
8. Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm.
9. Nguyện Tam Cang gìn tâm trọn đạo,
10. Nguyện Ngũ Thường hiếu thảo làm khuôn.
11. Nguyện nên hương hỏa tông đường,
12. Nguyện thương lê thứ trong trường công danh.
13. Cầu khẩn Ðấng Chơn linh nhập thể,
14. Ðủ thông minh học lễ học văn.
15. May duyên gặp hội Long vân,
16. Thuyền thơ ngọn gió Các Ðằng xuôi đưa."
(Niệm 1 lần Câu Chú của Thầy)

GIẢI NGHĨA
Kinh Vào Học được tất cả học sinh trong lớp tụng lên trước mỗi buổi học. Khi tụng kinh, các học sinh phải đứng nghiêm trang, tay bắt Ấn Tý đặt trước ngực.

Câu 1-2: "Ðại Từ Phụ xin thương khai khiếu,"
"Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ."
Ðại Từ Phụ: Ðức Chí Tôn. Khai khiếu: Khai là mở ra, Khiếu là khả năng tài giỏi đặc biệt về một phương diện, nên còn được gọi là năng khiếu. Khai khiếu là mở ra cái khiếu thông minh sáng suốt để học hỏi và phát huy.
Văn từ: Văn là văn chương, từ là lời nói, lời văn. Văn từ là nói chung về văn chương chữ nghĩa.
C.1-2: "Xin Ðại Từ Phụ thương con mà khai khiếu thông minh cho con, giúp cho con học mau hiểu biết văn từ."

Câu 3-4: "Gần điều nên, lánh lẽ hư,
Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn."
Ðiều nên: "Ðiều phải, điều đúng theo đạo đức.
Lẽ hư: Ðiều hư hỏng, xấu xa, trái đạo đức."

Nương gươm: Nương là dựa vào, Gươm là cây gươm.
Thần huệ: Thần là huyền diệu thiêng liêng; Huệ là trí huệ, trí não sáng suốt thông hiểu sự lý, dứt điều mê muội.
Gươm thần huệ: đồng nghĩa với: Huệ kiếm gươm thần trong Câu 11, Kinh Khai Cửu, Ðại Tường, Tiểu Tường. Gươm thần huệ là cây gươm trí huệ huyền diệu.
Người tu khi đạt được trí huệ thì phải dùng cái trí huệ nầy như là một cây gươm mầu nhiệm để diệt trừ Lục tặc (6 tên cướp công đức, ấy là Lục dục), Tam độc (3 tên ác độc: Tham, Sân, Si) , đồng thời chặt đứt mọi phiền não và mọi dây oan nghiệt ràng buộc con người vào vòng luân hồi. Lúc đó, linh hồn và chơn thần mới được thong thả đi về cõi Thiêng liêng Hằng Sống.
Kinh Duy Ma Cật có câu: "Dĩ trí huệ kiếm phá phiền não tặc." Nghĩa là: Lấy kiếm trí huệ phá tan giặc phiền não.
Nghiệt căn: Nghiệt là ác độc, nghiệp ác; căn là gốc rễ, chỉ những việc làm trong kiếp sống trước. Nghiệt căn là những việc làm ác trong kiếp sống trước, tạo thành nghiệp ác, theo báo ứng trong kiếp sống nầy, gây ra bệnh tật tai ương. Nếu trừ bỏ Nghiệt căn thì không còn gặp hoạn nạn tai ương nữa.
C.3-4: "Gần điều tốt để học tập bắt chước, xa lánh điều sái quấy hư hỏng. Dựa vào cái trí huệ mà sử dụng như một cây gươm để diệt trừ các oan nghiệt đã gây ra trong kiếp trước."

KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ năm 1952: nghiệp căn.
- Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975: nghiệt căn.
Nghiệp thì có Thiện nghiệp và Ác nghiệp.
Nghiệt có nghĩa rõ ràng là Ác nghiệp. Do đó dùng chữ Nghiệt căn thì đúng nghĩa hơn.

Câu 5-6: "Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại,"
"Tùng khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn."
Ðường Thánh: Con đường Nho học do các bậc Thánh Nho thuở xưa lập ra, ý nói con đường học vấn trau giồi trí thức tinh thần. Chẳng nại: Chẳng nề hà khó nhọc. Tùng: Theo, tuân theo. Khuôn hồng: Khuôn là dụng cụ dùng để đúc ra các vật giống nhau, hồng là to lớn. Khuôn hồng là cái khuôn to lớn để sản xuất ra vạn vật. Do đó, khuôn hồng là chỉ Ðức Chí Tôn, hay khuôn luật của Ðức Chí Tôn. Khuôn hồng đồng nghĩa với: Hồng quân, Khuôn thiêng, Khuôn linh. Nhỏ dại lớn khôn: Anh lớn khôn ngoan dìu dắt đàn em nhỏ dại.
C.5-6: "Lần theo con đường học vấn, dù gặp khó khăn cũng chẳng nệ hà. Tùng theo khuôn luật của Ðức Chí Tôn, anh lớn khôn ngoan dìu dắt đàn em nhỏ dại."

Câu 7-8: "Buộc yêu thương bạn đồng môn,"
"Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm."
Bạn đồng môn: Ðồng là cùng; môn là cái cửa, ý nói trường học. Bạn đồng môn là bạn cùng học một trường.

Nghĩa nhân: Hai điều quan trọng của Nho giáo. Nghĩa là cách đối xử theo lẽ phải và đạo đức; Nhân là lòng thương người thương vật, thương khắp chúng sanh. Ở thì phải theo đạo Nhân, hành động thì phải noi theo đường Nghĩa.
Xác hồn trăm năm: Một người nơi cõi trần gồm có thể xác và linh hồn, sống được 100 năm là nhiều lắm. Xác hồn trăm năm là ý nói suốt một đời người nơi cõi trần .
C.7-8: "Bắt buộc phải thương yêu các bạn cùng học một trường. Phải gìn giữ toàn vẹn Nhân Nghĩa trong suốt đời mình."

Câu 9-10: "Nguyện Tam Cang gìn tâm trọn đạo,
Nguyện Ngũ Thường hiếu thảo làm khuôn.
Nguyện: Mong muốn và quyết tâm thực hiện."

Tam Cang: Ba giềng mối gồm: Quân thần cang [Giềng mối vua tôi], Phụ tử cang [Giềng mối cha con], Phu thê cang [Giềng mối vợ chồng]. Ðối với học sinh, Tam Cang là Trung, Hiếu, Kính, bởi vì tuổi học trò chưa có vợ chồng, chỉ có thầy học. Trung là trung với nước, Hiếu là hiếu với cha mẹ ông bà, Kính là kính bậc thầy và người trên trước. Gìn tâm: Gìn giữ lòng dạ mình không được mơ tưởng điều sái quấy.
Trọn đạo: Ðạo là đường lối và nguyên tắc phải gìn giữ và tuân theo để cho lời nói và việc làm hợp lẽ phải và đạo đức. Trọn đạo là vẹn toàn đạo nghĩa ở đời.
Ngũ Thường: Năm hằng gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhân và Nghĩa đã giải nơi Câu 8, Lễ là sự tôn nghiêm trật tự trong ý nghĩ và việc làm, Trí là sự hiểu biết phân biệt lẽ phải quấy, Tín là lòng tin cậy nhau, không dối trá lừa gạt.
Làm khuôn: Làm thành phép tắc.
C.9-10: "Nguyện xin hết lòng gìn giữ Tam Cang cho trọn đạo ở đời, Nguyện xin lấy Ngũ Thường và sự hiếu thảo làm phép tắc phải theo."

Câu 11-12: "Nguyện nên hương hỏa tông đường, "
"Nguyện thương lê thứ trong trường công danh."
Hương hỏa: Hương là thơm, chỉ cây nhang, vì khi đốt nhang cháy lên thì nhang tỏa mùi thơm; Hỏa là lửa, chỉ cây đèn. Hương hỏa là nhang đèn, chỉ sự thờ cúng tổ tiên.
Tông đường: Tông là dòng họ, đường là cái nhà. Tông đường là nhà thờ tổ tiên của dòng họ.
Lê thứ: Lê là màu đen, thứ là đông đảo. Lê thứ là dân chúng. Lê thứ đồng nghĩa với Lê dân, dân chúng.
Trường: Nơi nhiều người tụ tập đông đảo để tranh đua. Công danh: Công là công nghiệp, danh là tiếng tăm. Công danh là chỉ việc ra làm quan để có sự nghiệp và tiếng tăm với đời. Trường công danh: Nơi đua chen công danh, chỉ con đường làm quan.
C.11-12: "Nguyện xin gìn giữ sự thờ cúng tổ tiên, nguyện thương xót dân chúng khi đua chen trong trường quan lại."

Câu 13-14: "Cầu khẩn Ðấng Chơn linh nhập thể, "
"Ðủ thông minh học lễ học văn."
Ðấng Chơn linh: Linh hồn của mỗi người. Dùng chữ Ðấng cho có tính cách long trọng để chỉ vị Chủ nhơn của thể xác và chơn thần, bởi vì Chơn linh ấy là Ðiểm Linh quang do Ðức Chí Tôn chiết ra từ khối Ðại Linh Quang ban cho mỗi người, nên nó trọn lành trọn tốt.

Nhập thể: Nhập vào thể xác. Ðấng Chơn linh nhập thể: Linh hồn đã nhập vào thể xác và làm chủ thể xác.
Học lễ học văn: Thành ngữ: Tiên học lễ, hậu học văn, nghĩa là: Trước tiên là phải học lễ, sau đó mới học đến văn. Học Lễ là học đạo đức, luân lý ở đời để nâng cao phẩm hạnh con người. Học văn là học văn chương hay khoa học để nâng cao trí thức con người. Người xưa chú trọng nhất là về đạo đức, rồi thứ nhì mới đến văn hóa, bởi vì một nhà trí thức giỏi mà không đạo đức là một mối nguy cho xã hội.

C.13-14: "Cầu khẩn Ðấng Chơn linh nhập thể, Ðủ thông minh học lễ học văn, Nghĩa là: Cầu khẩn với Ðấng Chơn linh đang ngự trị trong thể xác sớm hiển lộ sự thông minh sáng suốt để học lễ học văn được kết quả tốt đẹp."

Ðức Chí Tôn có dạy rằng: "Thầy đã nói rằng, nơi thân phàm các con mỗi đứa Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: Ðấng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cũng cả chư Thần Thánh Tiên Phật và các Ðấng Trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả. Lại nữa, các Chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải giữ gìn các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn Lương tâm là đó." (TNHT. II. 66)

Cái Chơn linh của một học sinh đã nhập vào thể xác của học sinh đó từ lúc nó mới lọt lòng mẹ, chớ không phải chờ đến tuổi đi học nó mới nhập vào thể xác. (Theo TÐ. ÐPHP. về Bí Pháp, trang 34, ngày 29-7-Kỷ Sửu 1949).

Nhưng ở đây, đứa học sinh đọc câu kinh: Cầu khẩn Ðấng Chơn linh nhập thể, không có nghĩa là Ðấng Chơn linh ấy ở bên ngoài, chưa nhập vào thể xác, bây giờ cầu khẩn đặng Ðấng Chơn linh ấy mới chịu nhập vào thể xác. Nhưng đây là hình thức thúc giục Chơn linh ấy đang ngự trong thể xác, sớm trổi dậy làm Chủ nhơn ông một cách mạnh mẽ, làm chủ Lục dục Thất tình, không cho chúng nó dẫn dắt con người vào đường vật dục xấu xa, mà hướng chúng nó vào nẻo cao thượng. Như thế là Chơn linh đã thi hành đúng chức năng giáo hóa mà Ðức Chí Tôn đã phú thác.

Câu 15-16: "May duyên gặp hội Long vân,"
"Thuyền thơ ngọn gió Các Ðằng xuôi đưa."
Long vân: Long là rồng, vân là mây. Long vân là Rồng mây. Kinh Dịch có câu: "Vân tòng long, phong tòng hổ, Thánh nhân tác nhi vạn vật đổ." Nghĩa là: Mây theo rồng, gió theo cọp, bậc Thánh nhân dấy lên mà vạn vật được thấy. Do đó, từ ngữ Long vân có ý nói người bề tôi tài giỏi gặp được vua hiền đức, thành ra Chúa Thánh tôi hiền, mặc sức vẫy vùng thi thố tài năng an bang tế thế.
Hội Long vân: Hội rồng mây, là hội thi để tuyển lựa người tài giỏi có đức hạnh ra giúp dân giúp nước.
Thuyền thơ: Thơ là sách. Thuyền thơ là chiếc thuyền chở sách, ý nói chiếc thuyền đang chở người có văn tài lỗi lạc, làu thông kinh sử.

Các Ðằng: Các là cái lầu, Ðằng là Ðằng Vương, vương hiệu của Lý nguyên Anh đời Ðường bên Tàu. Các Ðằng là cái Lầu Ðằng Vương, được xây dựng ở Hàng Châu, để kỷ niệm công nghiệp của Ðằng Vương Lý nguyên Anh, nên thường gọi là Ðằng Vương Các.

Câu kinh: Thuyền thơ ngọn gió Các Ðằng xuôi đưa, lấy ý nghĩa trong Ðiển tích: Vương Bột đời nhà Ðường.

Sau khi làm bài Hịch ca tụng đá gà (Ðấu kê hịch) cho 2 vị Vương tử Bái Vương Hiền và Chu Vương Hiển, Vương Bột bị vua Ðường Cao Tông quở trách tại sao không cản ngăn việc đá gà mà còn làm bài hịch ca ngợi đá gà, nên vua giận, đuổi Vương Bột đi khỏi kinh thành.

Vương Bột buồn bã, mướn thuyền đi thăm thân phụ đang làm Thứ sử Giao Châu. Vì sóng to gió lớn, nên thuyền phải dừng lại, đậu tại chơn núi Mã Ðương. Ðêm ấy trời quang đãng, trăng thu vằng vặc, Vương Bột lên bờ ngắm xem cảnh vật, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên một tảng đá, vẫy Bột đến mà nói rằng:
- Cậu sao không đến Ðằng Vương Các? Sáng ngày mai là Tết Trùng Dương, ở Ðằng Vương Các có tiệc lớn, nếu cậu đến dự, làm một bài văn thôi cũng đủ để tên tuổi với đời hơn là làm Ðấu kê hịch mà bị phạt.

Vương Bột thưa rằng:
- Từ đây đến Ðằng Vương Các ở Hàng Châu có đến sáu bảy trăm dặm đường, há một tối mà đến đó được sao?

Cụ già liền đáp:
- Cả thủy phủ của vùng Trung nguyên nầy đều do Ta cai quản. Nếu cậu quyết chí, Ta giúp cậu một cơn gió đưa thuyền đi đến Hàng Châu ngay tối nay.
Vương Bột liền chấp tay tạ ơn. Bỗng chẳng thấy Cụ già đâu nữa, Bột biết là chàng may mắn được Thần Tiên giúp đỡ, nên liền trở về thuyền, ra lệnh tức khắc nhổ neo, căng buồm đi Hàng Châu ngay. Gió mát đẩy buồm, thuyền đi nhanh như tên bắn, chẳng bao lâu thì tới Hàng Châu, tất cả phu thuyền đều hết sức kinh ngạc. Bột rất lấy làm đắc ý.

Lúc nầy Vũ văn Quân vừa thôi giữ chức Châu Mục Giang Châu, nhân biết Ðô Ðốc Diêm Bá Tự có người con rể là Ngô Tử Chương, một bậc thiếu niên anh tuấn, vốn đã làm sẵn văn bài, mong để phô trương tại Ðằng Vương Các, nên Vũ văn Quân tổ chức một Hội thơ văn tại gác Ðằng Vương, mời những người có văn tài đến dự để Ngô Tử Chương trổ tài làm hài lòng quan Ðô Ðốc.
Vương Bột trước đây có quen biết với Vũ văn Quân, nên Bột liền đến viếng Vũ văn Quân, được Quân mời dự tiệc tại Ðằng Vương Các.

Sau khi cùng các thiếu niên khác vái chào, Bột liền ngồi xuống ghế. Vì Bột nhỏ tuổi nhất, mới 14 tuổi, nên phải ngồi ở cuối bàn tiệc. Ðàn sáo rộn ràng, rượu được vài tuần thì Vũ văn Quân lên tiếng nói rằng:
- Nhớ xưa Ðằng Vương Lý nguyên Anh đánh Ðông dẹp Bắc, gây dựng công nghiệp vẻ vang một đời, sau làm Thứ sử vùng nầy, dưới chăn dân, trên kính kẻ sĩ, trăm họ chưa quên đức tốt, nên mới xây gác Ðằng Vương nầy để làm dấu tích lưu niệm. Nhưng chỉ tiếc danh thắng bậc nầy mà chưa có người hiền tài làm một bài văn hay, tạc vào bia đá, cho cảnh thêm toàn bích. Nay nhân bữa tiệc hội tụ các anh tài, xin hãy trổ hết anh hoa, ghi lại chuyện nầy, liệu có nên chẳng?

Vũ văn Quân nói rồi liền sai kẻ tả hữu đem văn phòng tứ bảo đến cho mỗi người.
Ai nấy đều ngầm hiểu là việc nầy sắp sẵn cho Ngô Tử Chương trổ tài, nên dùng lời lẽ khác nhau mà từ tạ. Riêng Vương Bột, vì mới đến nên không biết và cũng nổi tánh khí anh hùng, cũng muốn thi thố tài năng, liền nhận lãnh giấy mực, mọi người thấy vậy đều ái náy giùm cho.
Diêm Bá Tự trong lòng thầm nghĩ: Nực cười thay cho kẻ thiếu niên chẳng thấu lẽ đời! Hãy xem hắn thi thố ra sao?
Liền ra lịnh cho một viên lại đến đứng cạnh Vương Bột, xem Bột viết được câu nào thì báo vào trong.

Vương Bột trải tờ giấy lên mặt bàn, cầm bút viết ngay:
"Quận cũ Nam Xương, phủ mới Hồng Ðô,
Giữa khoảng hai sao Dực, Chẩn,
Tiếp giáp hai sông Hành, Lư,
Do Tam giang mà nối với Ngũ Hồ,
Mở Di Kinh mà dẫn về Âu Việt.
. . . . vv. . . . . . . . . . . .
Chiếc cò bay với rán xa,
Sông thu cùng với Trời xa một màu."

Diêm Bá Tự nghe xong, hết sức kinh ngạc, khen rằng:
- Thằng bé nầy hay lạ! Thật là Thiên tài! Mau đem chén lớn ra đây, rót thêm hứng cho văn thi nào.
Lát sau, bài văn của Vương Bột viết xong, tả hữu đọc to lên cho mọi người nghe, ai nấy đều khen ngợi. Bỗng Ngô Tử Chương đứng lên nói:
- Bài văn nầy đâu phải xuất phát từ đại tài của Vương huynh, mà lại là sự giả mạo, nếu không tin thì Tử Chương xin đọc lại, một chữ cũng không sai.
Mọi người hết sức kinh ngạc. Tử Chương liền đọc một mạch từ đầu đến cuối bài văn của Vương Bột không sót chữ nào. Ðọc xong, Tử Chương nói:
- Vậy xin các Ngài xét cho.
Ai nấy đều sợ hãi, không biết xử trí ra sao.
Bỗng Vương Bột lên tiếng nói:
- Ngô huynh có trí nhớ thật phi thường, đọc qua là nhớ liền, không sót một chữ. Nhưng sau bài văn, tiểu đệ còn một bài thơ nữa, không rõ Ngô huynh có đọc được không?
Ngô Tử Chương không biết trả lời làm sao, đành xấu hổ ngồi xuống. Vương Bột liền viết một mạch xong bài thơ:
"Gác Ðằng cao ngất bãi sông thu,
Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ,
Tây sơn mưa tối cuốn rèm châu.
Mây vờn nước cuốn bao năm lụn,
Vật đổi sao dời mấy lúc sầu.
Ðằng Các nay nhìn lòng chạnh nhớ,
Sông nước ngoài hiên chẳng đổi màu."

Diêm Bá Tự và Vũ văn Quân xem xong đều hết lời ca ngợi từng câu từng chữ của bài văn, liền tặng ngay cho Vương Bột 500 tấm lụa.

Tài danh của Vương Bột từ đó càng ngày càng nổi, cưới được vợ giàu, và được vua ban cho tước lộc vinh hiển.
Về sau, Tô Ðông Pha đọc lại chuyện nầy, cảm tác viết ra câu thơ: "Thời lai phong tống Ðằng Vương Các.", nghĩa là: Thời vận đến thì gió đưa tới gác Ðằng Vương.
C.15-16: "May duyên gặp hội Long vân, Thuyền thơ ngọn gió Các Ðằng xuôi đưa. Nghĩa là: Duyên may gặp được cơ hội tuyển lựa hiền tài ra giúp nước, thì quyết đem tài năng ra thi thố như Vương Bột thuở xưa ở Ðằng Vương Các vậy."

GHI CHÚ:
Phân biệt: Các Ðằng và Cát đằng.
- Các Ðằng là nói tắt của Ðằng Vương Các, nghĩa là cái gác Ðằng Vương. Các là cái gác.
- Cát đằng là dây cát, dây đằng, là 2 thứ dây leo. Dây cát là dây sắn, dây đằng là dây bìm. Hai thứ dây leo nầy phải tựa vào một cây khác cứng cáp để leo lên. Do đó, cát đằng để chỉ thân phận của người đàn bà yếu mềm, phải sống nương tựa vào người chồng.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét